Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

THỨ HAI TUẦN III MÙA CHAY


Thứ Hai sau Chúa Nhật III Mùa Chay


Bài Ðọc I: 2 V 5, 1-15a
"Có nhiều người phong cùi trong Israel, nhưng không có một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria".
(Naaman đi chữa bệnh)
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria, là người có uy thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã dùng ông mà cứu dân Syria; ông còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bịnh phong cùi. Lúc bấy giờ một vài toán dân Syria bắt một thiếu nữ ở đất Israel dẫn về để hầu hạ bà Naaman. Cô ta nói với bà chủ: "Chớ chi ông chủ tôi đến gặp vị tiên tri ở Samaria, chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi phong cùi". Naaman đến tâu vua rằng: "Cô nhỏ xứ Israel đã nói thế này thế này". Vua xứ Syria liền nói: "Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua Israel một bức thơ". Naaman ra đi, mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén vàng và mười bộ áo. Ông trao cho vua Israel bức thơ nội dung như sau: "Khi bức thơ này đến tay nhà vua, nhà vua biết tôi sai Naaman, tôi tớ tôi, đến với nhà vua, để xin nhà vua chữa ông khỏi phong cùi".
Sau khi đọc bức thơ, vua Israel liền xé áo và nói: "Ta có phải là Chúa, có thể giết chết và cho sống hay sao mà vua ấy gởi người đến xin ta chữa lành phong cùi? Các ngươi thấy không, vua ấy tìm cớ hại Ta đó". Khi Êlisêô, người của Thiên Chúa, nghe tin vua Israel đã xé áo mình, nên sai người đến tâu vua rằng: "Tại sao nhà vua lại xé áo? Ông ấy cứ đến với tôi thì sẽ biết trong Israel có một vị tiên tri".
Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa nhà Êlisêô. Tiên tri nói với Naaman rằng: "Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch". Naaman nổi giận bỏ đi nói rằng: "Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ phong cùi của tôi và chữa tôi lành mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở Ðamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay sao?" Ông trở về lòng đầy tức giận.
Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng: "Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu cha làm một việc lớn lao thì cha cũng phải làm. Phương chi bây giờ người bảo cha: "Hãy đi tắm, thì được sạch". Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.
Sau đó ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3, và Tv 42, 3. 4
Ðáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? (x. Tv 41, 3)
Xướng: 1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi! - Ðáp.
2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? - Ðáp.
3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. - Ðáp.
4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 129, 5 và 7
Con trông cậy Chúa, con mong đợi lời hứa của Chúa, vì nơi Chúa sẵn có lòng từ bi và chan chứa ơn cứu độ.
(Bà góa ở Xa-rép-ta với Ê-li-a)

Phúc Âm: Lc 4, 24-30
"Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): "Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria".
Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Quê hương của Ðức Giêsu là Nadarét. Tại đó Chúa bị chính người đồng hương coi khinh, ngược đãi. Ðiều đó báo trước Ðức Giêsu sẽ bị dân Người chối bỏ. Bất cứ vị ngôn sứ nào và cả những ai theo Ðức Giêsu, chấp nhận làm môn đệ Người cũng chịu chung số phận với Người. Nhưng những ai can đảm theo Ðức Giêsu, người đó sẽ được chung phần vinh quang.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, là chúng con trở nên môn đệ của Chúa. Chúng con được chia sẻ sứ vụ của Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa: can đảm chấp nhận mọi gian khổ, thử thách. Không nản lòng trước sự bội bạc. Ðể trong mọi hoàn cảnh, chúng con luôn trung thành với sứ vụ của mình, sống xứng đáng danh hiệu là một Kitô hữu. Amen.

Quê Hương Ngược Ðãi Chúa

Một trong những cuốn phim do diễn viên tài ba về kịch câm, Marxel Marxor thủ diễn có kể câu chuyện như sau:
Một thanh niên đang lim dim đôi mắt tận hưởng những giây phút tắm nắng tuyệt vời trong một ngày đẹp trời. Nhưng rồi bỗng nhiên niềm vui của anh bị gián đoạn do tiếng ồn ào của đám trẻ, tiếng chó, tiếng người qua lại và cả tiếng chim hót. Mọi tiếng động đều có nguyên do và niềm vui riêng của nó. Tuy nhiên, đối với chàng thanh niên, tất cả đã trở thành cực hình.
Ðể chống lại sự phiền muộn ấy, anh ta xây quanh mình một bức tường ngăn cách âm thanh. Mỗi tiếng động vụt tới là mỗi lần anh gắng sức xây, cứ thế mà bức tường lớn dần, cao dần cho đến khi ngưng tất cả mọi tiếng động thì bức tường ấy che mất ánh nắng mặt trời tuyệt vời kia. Bức tường thành một chiếc mồ giam chặt, nhốt kín anh vào trong đó.
Anh chị em thân mến!
Dân tộc Do thái cũng đã được tắm gội ánh sáng. Ðó là niềm tin được trao từ tổ phụ Abraham. Tuy nhiên, vì tự mãn và ích kỷ, họ đã hành động chẳng khác gì chàng thanh niên trên. Không chịu mở lòng đón nhận, khiến niềm tin của họ trở thành khô cằn mất sức sống, xây lên bức tường để bảo vệ mình, hóa ra tự hại lấy mình. Chúa Giêsu đã chỉ trích thái độ này qua bài Tin Mừng của thánh Luca (Lc 4,24-30).
Anh chị em thân mến!
Người Do thái trong hội đường Nazareth đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của những người này. Nhưng kỳ thực trong cuộc sống, lắm lúc chúng ta đã sao chép lại nguyên bản việc làm ấy: tự hào là người Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin, nhưng rồi với một mớ lễ nghi hình thức, niềm tin trong chúng ta chỉ là ngọn đèn leo lét chực tắt trước gió. Chỉ là thân cây mất hết nhựa sống chờ ngày gẫy đổ. Ðây là một thứ niềm tin mà Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã nhắc nhở:
"Nhiều người nói: "Tôi có đức tin, tôi còn đức tin". Có lẽ đức tin là đức tin của giấy khai sinh, không phải là đức tin của đời sống. Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin hình thức và lý thuyết. Nhưng con phải sống một đức tin chân thật và trung thành. Tự mãn với chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận, khiến người Do thái đã mất Chúa Giêsu, nền tảng của niềm tin, Ðấng mà họ đang ngóng chờ".
Cũng thế, Kitô hữu nếu chỉ đóng khung trong những nghi thức, tuân giữ luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa rời đức tin là nguồn mạch sự sống. Vì sống là gì, nếu không là một sự thay đổi luôn luôn. Con người sẽ chết khi một hệ tuần hoàn không lưu chuyển, hay hệ thần kinh không vận động. Ðối với đức tin cũng vậy, luôn luôn đòi hỏi một sự trao đổi với Thiên Chúa và với anh em.
Nếu đối với người Kitô hữu, tin trước hết là được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Ðấng bắt con phải kính mến, nhưng Chúa là Ðấng mà con phải để cho Ngài yêu thương con vô cùng. Nắm được đức tin, con phân biệt đâu là đường hy vọng của tâm hồn tông đồ, đâu là lối chết của thế gian. Tin là chấp nhận Chúa Giêsu vô điều kiện và quyết tâm sống chết với Ngài.
Quyết tâm sống chết với Ðức Kitô cần có một thao thức tìm kiếm. Quyết tâm sống chết với Ðức Kitô đòi buộc phải trao đổi, cảm thông với anh em, vì Ngài đang hiện diện trong những người anh em ấy.
Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh này, xin cho con được biết trở về. Trở về, trước hết chính ngay căn bản niềm tin của con. Một đức tin không có cùng trong những hiểu biết lý thuyết hoặc những nguyên tắc nghi lễ, nhưng biết mở rộng tâm hồn để đón nhận, để rồi con sẽ hiểu đâu là ý nghĩa đích thực của đời sống đức tin. Amen.




12/03/12 THỨ HAI TUẦN 3 MC
Lc 4,24-30

KHI KHÔNG CÒN CHỖ CHO TIN MỪNG

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi, họ kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi. (Lc 4,28-30)

Suy niệm: Rất có thể Đức Giêsu đã dự cảm được phản ứng tiêu cực của đồng hương Nadarét với Tin Mừng Người rao giảng, nhưng Người vẫn cứ lên tiếng để rồi bị từ chối và thậm chí bị xua đuổi như một tên gây rối ngay tại làng quê của mình. Nhưng sứ giả Tin Mừng bị xua đuổi thì không có nghĩa Tin Mừng không còn đất sống. Thánh Giám mục Cuénot Thể gởi báo cáo về Hội Thừa sai cho biết đã gởi 20 lượt thầy giảng từ Quy Nhơn lên truyền giáo trên Tây Nguyên mà đã thất bại, mới đây lại gởi thêm một đoàn nữa cũng thất bại trở về. Nhưng ngày nay sau 150 năm truyền giáo Tây Nguyên, chúng ta biết rằng Tin Mừng đã ăn rễ sâu nơi vùng đất xa xôi đó như thế nào. Người gieo đã ra đi nhưng hạt giống đã được vùi trong lòng đất và đây chính là lúc hạt giống chịu mục nát để nảy mầm và vươn lên. Đây cũng là chuyện rất thường tình.

Mời Bạn: Chấp nhận cách khiêm tốn, bình an những phản bác khi phục vụ Tin Mừng, không nản lòng khi nỗ lực của bạn có vẻ vô hiệu.

Chia sẻ: Tôi có thái độ nào khi làm việc tông đồ mà thất bại?

Sống Lời Chúa: Nói hoặc làm theo Lời Chúa dạy dù gặp phản ứng tiêu cực.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho các sứ giả Tin Mừng của Chúa sự bình an và can đảm để kiên trì phục vụ lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện. Xin cho họ biết quên mình để chỉ tìm vinh danh Chúa mà thôi. Amen.

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 12 - 3
2V 5, 1-15a; Tin Mừng theo Thánh Lc 4, 24-30.
LỜI SUY NIỆM:
          “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Israen; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xarếpta miền Xiđon...” Nghe vậy mọi người trong hội đường đầy phẩn nộ. (Lc 4, 25...-25)
          Chúa Giêsu gợi lại sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho dân ngoại, như thể Ngài đang bảo với mọi người phải biết tất cả dân ngoại cũng được sự ưu đãi của Thiên Chúa, chứ không riêng gì dân Israen mà thôi; làm cho những người đồng hương đang nghe lấy làm bất mãn, vì họ đang quan niệm, dân ngoại không thể được đứng chung ngang hàng với họ, dân ngoại sinh ra chỉ là để làm chất đốt trong hỏa ngục. Trong đời sống Ki-tô hữu của chúng ta cũng phải ý thức không chỉ có chúng ta mới được cứu rỗi, ngoài chúng ta biết bao nhiêu người anh em và dân tộc khác cũng được hưởng ơn cứu độ, cái rất cần là chúng ta phải cọng tác bằng đời sống đức tin của chúng ta để mọi người chung quanh chúng ta thấy được chúng ta đang sống trong an bình của ơn cứu độ.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
12 Tháng Ba
Chúng Ta Không Phải Là Thiên Thần
Một cuốn phim Mỹ có tựa đề "Chúng ta không phải là Thiên Thần" do hai tài tử nổi tiếng là Robert de Niro và Sean Penn thủ diễn, đã kể lại một cuộc vượt ngục rất kỳ thú của hai tử tội bị giam trong một trại khổ sai nằm giữa biên giới Hoa Kỳ và Canada.
Hai tử tội này có lẽ đã từng phạm những tội ác như cướp của giết người. Nhưng từ một ngục thật kiên cố, họ không bao giừo có ý định trốn thoát. Thế rồi, một hôm, một người tử tội đang được đưa lên ghế điện, bỗng cướp súng hạ sát một số viên cai ngục và tìm đường tẩu thoát. Trên đường trốn chạy, hắn đã cưỡng bách hai người tù cùng trốn thoát. 
Sau một đêm đào tẩu giữa núi rừng phủ đầy tuyết, hai người tử tội đã mon men tìm đến một ngôi làng. Một lão bà đã ngộ nhận là hai linh mục nổi tiếng trong vùng. Bất đắc dĩ họ đành phải đội lốt linh mục và được một tu viện gần đó tiếp đãi nồng hậu.
Giữa lúc đó, cảnh sát lại đi lùng khắp nơi để tìm cách bắt lại ba kẻ đào thoát. Người tử tội đã giết các viên cai ngục để trốn thoát nay bị sa lưới lại. Hôm đó là một ngày rước kiệu trọng thể kính Ðức Mẹ do tu viện nói trên tổ chức. Nhờ lớp áo nhà tu, một trong hai tên tù đã lẻn vào nhà giam để giải thoát kẻ vừa bị bắt lại. Người tù hung hãn cũng được khoác lên người chiếc áo dòng và nép mình trong chiếc kiệu vĩ đại có tượng Ðức Mẹ...
Giữa những tiếng cầu kinh sốt sắng của mọi người, hắn xuất hiện trước công chúng và dùng súng uy hiếp mọi người. Một em bé gái câm trong đám rước kiệu đã bị hắn bắt làm con tin. Trong khi mọi người ngã rạp xuống đường vì sợ hãi, thì một trong hai vị linh mục giả đã nhào lên chiếc kiệu để giải thoát em bé gái câm. Cuộc xô xát đã làm cho người tù hung hãn bị trúng đạn, nhưng em bé gái câm và tượng Ðức Mẹ lại bị quăng xuống dòng sông giá buốt...
Không chút do dự, vị linh mục giả còn lại đã nhào xuống dòng sông và cứu sống em bé. Mở mắt nhìn vị ân nhân, em bé bỗng nhận ra người tù vượt ngục mà hình ảnh được dán đầy trong khu phố...
Trong đoạn kết thúc cuốn phim, một người đã xin được tiếp tục tu trong tu viện, còn người cứu sống em bé tiếp tục làm lại cuộc đời với người mẹ của em...
"Chúng ta không phải là Thiên Thần". Thiên thần một lần vấp ngã là vĩnh viễn trầm luân. Con người không phải là Thiên Thần, cho nên vấp ngã có chồng chất, vẫn còn có cơ may để trỗi dậy và làm lại cuộc đời.
Cuộc phiêu lưu của người tù trên đây có lẽ cũng là hình ảnh của chính cuộc đời chúng ta. Chúng ta không là Thiên Thần, cho nên sau bao nhiêu lần vấp ngã, Chúa vẫn còn tiếp tục cho chúng ta một cơ may khác để bắt đầu lại. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Lịch sử của loài người phải chăng đã không là những mò mẫm, té ngã và chỗi dậy không ngừng ư? Thiên Chúa không bỏ cuộc vì con người, cho nên con người cũng không nên thất vọng về mình.
Thất bại có ê trề, tình người có bạc bẽo, đau khổ có chồng chất, tội lỗi có đè nặng đến đâu: Thiên Chúa lúc nào cũng ban cho chúng ta tia sáng của Hy Vọng để mời gọi chúng ta trỗi dậy và tiếp tục tiến bước. Ngài mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm chính cái chết của Con Ngài trên thập giá. Loài người xem đó là tận cùng của số kiếp, nhưng Thiên Chúa lại nhìn vào đó như là khởi đầu của nguồn ơn cứu thoát...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++


 Không một ngôn sứ nào
được chấp nhận tại quê hương mình
Bài đọc: II Kgs 5:1-15a; Lk 4:24-30.
Con người thường dễ nản chí tức giận, sau khi đã cố gắng hết sức để yêu thương lo lắng cho người thân yêu, mà họ vẫn vô tâm và làm cho mình phải đau khổ hơn nữa. Các Bài Đọc hôm nay nói lên những đối xử vô ơn tệ bạc của con người với Thiên Chúa.
Trong Bài Đọc I, Sách Các Vua II tường thuật sự kiện tiên tri Elisha chữa khỏi bệnh cùi cho Naaman, tướng Syria. Mặc dù là một người Dân-ngọai và kẻ thù của Israel, nhưng ông đã thú nhận “không có một Thiên Chúa nào khác trừ Thiên Chúa của Israel.” Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu đã dùng lịch sử để vạch ra sự vô ơn và hậu quả của sự cứng lòng, người Do-Thái vẫn ngoan cố không chịu sửa đổi, còn mang Chúa lên đỉnh núi và xô Ngài xuống vực thẳm.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tiên tri Elisha chữa Naaman khỏi bệnh cùi.
1.1/ Hai con người Israel, hai niềm tin:
(1) Người nữ tỳ của vợ ông Naaman: Cô không ghét chủ vì đã bắt mình làm nô lệ; trái lại, cô còn muốn sự tốt lành cho chủ, kẻ thù của Israel. Cô tuyệt đối tin tưởng và hy vọng nơi Thiên Chúa sẽ chữa lành qua tiên-tri Elisha. Đây là một hành động nguy hiểm; vì nếu Naaman không khỏi, cô sẽ mất mạng vì đã đánh lừa ông.
(2) Vua Israel: luôn ở trong tình trạng nghi ngờ và sợ sệt người khác muốn làm hại mình. Khi vua Israel đọc xong thư của vua Aram thì xé áo mình ra và nói: "Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi? Các ngươi phải biết, phải thấy rằng ông ấy muốn sinh sự với ta." Là vua trong nước, mà vua chẳng biết, và chắc cũng chẳng quan tâm có tiên-tri Elisha, người của Thiên Chúa có quyền năng chữa bệnh, đang ở trong nước mình. Chính tiên-tri Elisah, khi nghe biết là vua Israel đã xé áo mình ra, thì sai người đến nói với vua: "Sao vua lại xé áo mình ra? Người ấy cứ đến với tôi, thì sẽ biết là có một ngôn sứ ở Israel."
1.2/ Niềm tin của Naaman được củng cố bởi các đầy tớ của ông.
(1) Phải khiêm nhường: Kiêu ngạo vì muốn giữ thể diện hay vì tự ái dân tộc là những lý do làm con người không nhận ra và không lãnh nhận được hồng ân Thiên Chúa. Ông Naaman tức giận vì tiên-tri Elisha không thân hành ra tiếp ông, nhưng qua sứ giả. Ông cần người tiên tri làm ơn, chứ tiên tri đâu có cầu ơn ông đâu mà phải thân hành ra tiếp. Điều vô lý nữa là ông Naaman đã có sẵn trong đầu những gì tiên tri phải làm để chữa ông, và tức giận khi tiên-tri không làm như thế. Đã bao nhiêu lần chúng ta cũng có sẵn những ý tưởng trong đầu và muốn Thiên Chúa cũng như tha nhân phải thi hành như vậy để giúp ta! Sau cùng, ông cũng hãnh diện hão về các con sông trong xứ sở của mình: “Nước các sông Avana và Pharpar ở Damascus chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Israel sao? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao?"
(2) Phải bình tĩnh để nhận ra điều đơn giản (common sense) của cuộc sống: Có những điều quá thông thường mà khi con người nóng giận, họ sẽ không nhìn ra. Khi thấy chủ mình tức tối bỏ về, các tôi tớ của ông đến gần và nói: "Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, cha có thể có lý do không làm! Đàng này ngôn sứ chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch!" Nhận ra sự nóng giận vô lý của mình, ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Jordan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.
(3) Naaman tuyên bố niềm tin vào Thiên Chúa: Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Lần này Ông vào, đứng trước mặt tiên-tri và nói: "Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel.”
Điều trớ trêu là một tướng ngọai bang, kẻ thù của Do-thái lại có đức tin hơn một ông vua của Do-thái. Ông tin vào một nữ tỳ và lặn lội lên đường đi tìm đến người của Thiên Chúa là tiên-tri Elisha. Ông được chữa lành và tuyên xưng niềm tin của ông vào Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
2.1/ Chúa dạy dân bài học lịch sử: Trình thuật hôm nay tiếp tục tường thuật cuộc trở về Nazareth, quê hương của của Chúa Giêsu. Sau khi đọc Sách tiên-tri Isaiah, khán giả đồng hương ngồi xuống, và Chúa bắt đầu rao giảng. Thay vì là một cuộc vinh quy bái tổ, họ bắt đầu khinh thường Chúa. Ngài mời họ nhìn lại lịch sử để đừng tái diễn những điều không nên làm. Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Chúa Giêsu dẫn chứng lời Ngài nói bằng hai ví dụ:
(1) Tiên-tri Elijah cho hũ bột của bà góa tại Zarepta, Sidon, không cạn: "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Elijah, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Zarepta miền Sidon.”
(2) Tiên-tri Elisha chữa Naaman, tướng Syria, khỏi bệnh cùi: “Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Elisah, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi."
2.2/ Lịch sử tái diễn: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.”
- Không giống Naaman, họ không kiềm chế được tính kiêu ngạo, nóng giận. Họ nghĩ là Chúa Giêsu xúc phạm tới danh dự dân tộc của họ. Thực sự, Chúa Giêsu chỉ muốn giúp họ nhìn ra sự thật; nhưng họ từ chối không làm.
- Không giống Naaman, họ không nhìn ra những đơn giản của cuộc sống. Lịch sử dạy con người những bài học quí giá: Hãy nhìn gương của những người đi trước; nếu họ làm những quyết định khôn ngoan sinh lợi ích, hãy bắt chước; nếu họ làm những quyết định điên rồ, đừng bắt chước họ làm như vậy.
Điều trớ trêu là cũng một Bà gốc Phoenician, có con gái bị quỉ ám ở Sidon, kiên nhẫn tin tưởng vào Chúa Giêsu đến độ câu trả lời của Bà làm Chúa Giêsu phải ngạc nhiên và chữa lành con gái Bà: “Vâng, nhưng chó con cũng được ăn những thứ từ trên bàn của chủ rơi xuống!” Trong khi những người đồng hương với Chúa, đã không tin tưởng, còn tức giận xô Chúa xuống vực thẳm! Sự thật phũ phàng, khó tin, nhưng vẫn đang xảy ra!
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi nào chúng ta cảm thấy nản chí, muốn bỏ cuộc trong việc yêu thương và giúp dỡ người khác; hãy nhớ Lời Chúa nói: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”
- Nếu Chúa đã làm ơn và bị đối xử như thế, chúng ta là môn đệ Ngài cũng phải đồng chịu số phận. Nhớ rằng chúng ta chưa chịu vô ơn đến độ treo thân trên Thập Giá.
- Điều này giúp mở mắt chúng ta để nhận ra những hồng ân Thiên Chúa và những sự giúp đỡ của tha nhân không ngừng đổ trên ta; để đừng bao giờ đối xử vô ơn tệ bạc với người thi ơn như vậy.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP


 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi (Lc 4,30)
Suy niệm: 
Trong cuốn phim Mỹ do tài tử Marcel Marso thủ diễn có kể câu chuyện sau: Một thanh niên đang lim dim đôi mắt tận hưởng ánh nắng tuyệt vời vào một ngày đẹp trời. Nhưng bỗng nhiên niềm vui của anh bị quấy rầy do tiếng ồn ào của đám trẻ, tiếng chó sủa, tiếng chim hót, tiếng người qua lại. Mỗi tiếng động đều có nguyên do và niềm vui riêng của nó, nhưng đối với chàng, tất cả đều trở thành cực hình. Để chống lại sự phiền nhiễu ấy, anh xây quanh mình một bức tường ngăn các âm thanh. Mỗi tiếng động vọng tới là mỗi lần anh gắng sức xây. Cứ như thế bức tường lớn dần cao dần, cho đến lúc ngăn cản được hết mọi tiếng động, thì bức tường cũng che mất ánh nắng tuyệt vời, bức tường trở thành chiếc mộ khổng lồ giam hãm anh trong đó.
Dân Do Thái cũng đã được tắm gội ánh sáng. Đó là niềm tin được trao ban từ Tổ phụ Abraham. Tuy nhiên, vì tự mãn, ích kỷ, họ đã hành động chẳng khác gì chàng thanh niên trên. Không chịu mở lòng đón nhận khiến niềm tin của họ trở nên khô cằn mất sức sống. Xây lên bức tường để bảo vệ mình hóa ra lại tự hại chính mình.
Chúa Giêsu đã chỉ trích thái độ đó trong bài Tin Mừng hôm nay. Người Do Thái trong Hội đường Nagiaret đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của nhóm người này, nhưng kỳ thực nhiều khi trong cuộc sống chúng ta đã sao chép nguyên bản việc làm ấy. Tự hào là Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin, nhưng rồi với một mớ lễ nghi hình thức, niềm tin trong chúng ta chỉ còn là ngọn đèn leo lét, chỉ là thân cây mất hết nhựa sống chờ ngày gẫy đổ. Đó là thứ niềm tin mà tác giả cuốn sách "Đường hy vọng" đã nhắc nhở: "Nhiều người nói tôi có đức tin, tôi còn đức tin, có lẽ đức tin của giấy khai sinh, không phải đức tin của đời sống. Ít người sống theo đức tin. Đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết, hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái, trung thành."
Tự mãn với chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận khiến người Do Thái đã mất đi Chúa Giêsu - nền tảng của niềm tin. Cũng vậy, nếu Kitô hữu chỉ đóng khung trong một nghi thức, luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa cội nguồn sự sống, vì sống là gì nếu không phải là một luân lưu trao đổi. Con người sẽ chết khi hệ tuần hoàn không lưu chuyển, hệ thần kinh không vận động. Đời sống đức tin cũng đòi hỏi một sự luân lưu trao đổi với Thiên Chúa và với anh em.
Đối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương, Chúa không phải là Đấng bắt con người phải kính mến, nói đúng hơn Thiên Chúa là Đấng mà con người phải để cho Ngài yêu thương vô hạn. Tin và Chấp nhận Đức Kitô và quyết tâm sống chết cho Ngài.
Trong Mùa chay này, xin cho chúng ta biết trở về, trở về trước hết trên căn bản của một đức tin không co cụm trong lý thuyết, trong nghi lễ, nhưng là biết mở rộng lòng đón nhận để tìm được lý thuyết, trong nghi lễ, nhưng là biết mở rộng lòng đón nhận để tìm được ý nghĩa đích thực của đời sống đức tin.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn âm thầm ở bên cuộc đời chúng con. Chúa vẫn trợ giúp, chở che cuộc đời chúng con. Chúa quá ẩn mình đến nỗi chúng con không nhận ra sự hiện diện của Chúa. Thế nên, chúng con vẫn huênh hoang về thành tích của mình. Chúng con vẫn tự mãn về công trình của mình. Chúng con quên rằng: “nếu Chúa không xây nhà, thợ nề vất vả cùng bằng uổng công.” Xin Chúa tha thứ cho những thiếu xót của chúng con. Xin giúp chúng con luôn khiêm cung đơn sơ để Chúa được lớn lên trong chúng con, để qua những việc chúng con làm, lời chúng con nói mà muôn dân sẽ ca ngợi Chúa.

Suy niệm:  
Trong Mùa Chay Giáo Hội cho chúng ta nghe 
về kết cục khá bất ngờ và đau đớn của Đức Giêsu 
khi Ngài trở về với hội đường của làng Nazareth thân quen.
Nơi đây Ngài gặp lại những người đồng hương. 
Họ ngỡ ngàng trước những lời Ngài giảng. 
Họ muốn Ngài làm những điều Ngài đã làm ở Caphácnaum (Lc 4, 23). 
Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại bằng câu tục ngữ : 
“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê nhà của mình” (c. 24). 
Đức Giêsu tự nhận mình là một ngôn sứ. 
Như những ngôn sứ khác trong lịch sử Israel, 
Ngài cũng không được đón nhận và tin tưởng bởi những người cùng quê. 
Họ nghĩ mình đã quá biết Ngài, biết gia tộc, biết nghề nghiệp, 
biết quá khứ từ ấu thơ đến lúc trưởng thành. 
Chính cái biết ấy, đúng nhưng không đủ, 
lại trở thành một chướng ngại cho việc họ nhận ra Ngài thật sự là ai. 
Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4, 22). 
Đúng Ngài là con ông Giuse, một người thợ mộc. 
Đúng ngài là ông thợ mộc độc thân người làng Nazareth. 
Giêsu Nazareth là tên được ghi trên thập tự, 
Nazareth sẽ mãi mãi đi với tên Ngài để phân biệt ngài với những Giêsu khác.
Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường Nazareth, quê nhà của mình. 
Ngài quen biết những khuôn mặt trong hội đường này và yêu mến họ. 
Nhưng sứ mạng của Ngài trải rộng hơn Nazareth nhiều. 
Ngài cho thấy mình không bị trói buộc bởi mối dây làng xã, 
cũng không bị giữ chân bởi những người đồng bào cùng tôn giáo.
Để biện minh cho thái độ rộng mở của mình, 
Đức Giêsu đã nhắc đến hành động của hai vị ngôn sứ thời Cựu Ước. 
Êlia, vị ngôn sứ đầy quyền năng, được Thiên Chúa sai đến với một bà góa. 
Bà này là một người dân ngoại sống ở Siđôn vùng dân ngoại. 
Êlisa, vị ngôn sứ học trò của Êlia, đã chữa bệnh phong cho Naaman. 
Ông này là người dân ngoại, chỉ huy đạo quân của Syria. 
Như thế các vị ngôn sứ nổi tiếng đã không bị bó hẹp trong dân Do thái. 
Họ đã mở ra với dân ngoại.
Đức Giêsu cũng chẳng bị giới hạn bởi bất cứ biên cương nào. 
Ngài chẳng dành cho quê nhà Nazareth một ưu tiên nào. 
Phải chăng vì thế mà Ngài làm họ phẫn nộ đến độ muốn xô Ngài xuống vực? 
Nỗi đe dọa lại đến từ chính những người đồng hương. 
Làm sao chúng ta nhận ra và chấp nhận những ngôn sứ bề ngoài rất bình thường 
đang sống trong cộng đoàn chúng ta hôm nay?
Cầu nguyện:  
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Ngày 12


Nơi Hội đường, Đức Giêsu đọc trong sách Isaia và giúp cho người ta hiểu chính Người là Đấng Mêssia. Lời Thánh Kinh đã được thực hiện trong ngày hôm nay. Một lời thực khó tin, mang tính chất phạm thượng nếu sai lạc. Trong một giây lát, những tín hữu trong Hội đường "kinh ngạc trước những lời đầy ân sủng phát ra từ miệng Người"... Một giây lát thôi... họ phẫn nộ! Con người thợ mộc lại là Đấng Mêssia của Israel sao? Họ không tnể nào tin được. Người ta không thể nào tin Người, có lẽ chính họ cũng không tin họ: làm thế nào từ Nazareth lại xuất hiện điều gì tốt đẹp, họ là những người đầu tiên lập lại lời này.
Bây giờ họ lôi Người lên đỉnh một vực thẳm để xô Người xuống. Cả làng Nazaret giận dữ. Người ta tưởng tượng, khi đi ngang qua họ, ngang qua đám đông như biển lổng lộng. Một cuộc vượt qua kỳ lạ, như một cuộc Vượt Qua đầu tiên. Có lẽ Người đã có một trái tim nặng trĩu, nặng vì những lời từ chối, vì tất cả tội lỗi chúng ta. Con đường sẽ đi rất xa, và sẽ chấm dứt trên đổi Golgotha. Nhưng trên con đường, những góa phụ, những người phong cùi nhận ra Người và tận sâu thẳm của khổ đau, họ hướng những gương mặt đau khổ lên Người.
Patrick Laudet


Thánh Maximilian
(c. 295)
N
gay từ thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta may mắn có được một tài liệu quý báu và hầu như không một chút thêm thắt trong bài tường thuật tử đạo của Thánh Maximilian ở Algeria ngày nay.
Bị điệu ra trước quan thống đốc Dion, Thánh Maximilian từ chối không chịu gia nhập đạo quân La Mã với lý luận như sau, "Tôi là Kitô Hữu, tôi không thể làm sự dữ, tôi không thể phục vụ trong quân đội."
Dion trả lời: "Ngươi phải phục vụ hoặc là chết."
Maximilian đáp lại: "Tôi không bao giờ phục vụ. Ông có thể chém đầu tôi, nhưng tôi sẽ không bao giờ là một người lính của thế giới này, vì tôi là một người lính của Ðức Kitô. Tôi thuộc về đạo binh của Thiên Chúa, và tôi không thể chiến đấu cho thế giới này. Tôi đã nói với ông, tôi là một Kitô Hữu."
Dion hỏi: "Dưới quyền của Diocletian và Maximian, Constantius và Galerius, cũng có những người lính là Kitô Hữu phục vụ thì sao."
Maximilian trả lời: "Ðó là vấn đề của họ. Tôi cũng là một Kitô Hữu, nhưng tôi không thể phục vụ."
Dion hỏi: "Nhưng làm lính thì có thiệt hại gì?"
Maximilian trả lời: "Ông biết rõ điều đó."
Dion nói: "Nếu ngươi không thi hành nghĩa vụ ta sẽ kết án tử hình vì sự khinh thường quân đội."
Thánh Maximilian trả lời: "Tôi sẽ không chết. Khi tôi từ giã cõi đời, linh hồn tôi sẽ sống với Ðức Kitô là Thiên Chúa của tôi."
Lúc ấy Thánh Maximilian 21 tuổi và ngài đã vui mừng dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Sau khi chứng kiến sự hành quyết, cha thánh nhân vui mừng trở về nhà, ông cảm tạ Thiên Chúa vì có được một món quà thật tốt đẹp để dâng lên Thiên Chúa.

Copyright © 2001 by Nguoi Tin Huu. 
Thứ Hai 12-3

Chân Phước Angela Salawa

(1881 - 1922)
A
ngela phục vụ Ðức Kitô và những người bé mọn của Ðức Kitô với tất cả sức mạnh của ngài.
Sinh ở Siepraw, gần Kraków, Ba Lan, ngài là người con thứ 11 của ông bà Bartlomiej và Ewa Salawa. Vào năm 1897, ngài đến Kraków để sống với người chị Têrêsa. Trong Thế Chiến I, ngài giúp đỡ các tù nhân chiến tranh bất kể quốc tịch hay tôn giáo. Ngài thích nghiền ngẫm các văn bản của Thánh Têrêsa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá.
Cũng trong thời chiến, ngài đã hết mình chăm sóc các thương binh của Thế Chiến I. Sau năm 1918, vì lý do sức khoẻ ngài phải chấm dứt công việc tông đồ này. Trong nhật ký, ngài tâm sự với Ðức Kitô, "Con muốn Chúa được kính mến nhiều cũng như khi Chúa bị khinh miệt." Ở chỗ khác, ngài viết, "Lạy Chúa, con sống bởi thánh ý Chúa. Chết hay sống là tùy thuộc ý Chúa muốn; xin gìn giữ con vì Chúa có thể làm điều ấy."
Trong lễ phong chân phước năm 1991 ở Kraków, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Chính trong thành phố này mà ngài đã hoạt động, đã chịu đau khổ và đã nên thánh. Trong khi sống theo tinh thần của Thánh Phanxicô, ngài vẫn đáp ứng một cách phi thường với tác động của Chúa Thánh Thần" (Báo L'Observatore Romano, tập 34, số 4, 1991)

Lời Bàn

Ðừng bao giờ lầm tưởng sự khiêm hạ với thiếu tự tin, thiếu ý chí và không có hướng đi. Chân Phước Angela đã đem Tin Mừng và sự giúp đỡ vật chất cho một số người "bé mọn" của Ðức Kitô. Sự hy sinh này phải khích động chúng ta hành động tương tự.

Lời Trích

Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết: "Các Kitô Hữu tốt lành nhất và đầy sức sống nhất thì không thể tìm thấy trong những người khôn ngoan hay tài giỏi, người trí thức hay có đầu óc chính trị, hoặc những người có địa vị xã hội. Bởi đó, những gì họ nói thì không được báo chí để ý đến; những gì họ làm thì công chúng không ai biết. Ðời sống của họ ẩn khuất dưới con mắt thế gian, và nếu họ có được chút gì nổi tiếng, điều đó thường xảy đến cách muộn màng, và rất ngoại lệ, và luôn luôn kèm theo nguy cơ bị bóp méo" (The Splendor of the Church [Sự Huy Hoàng của Giáo Hội], trang 187).

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu. Send any comment or question to Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét