Trang

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

THỨ SÁU TUẦN V MÙA CHAY


THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
(Gr 20,10-13 ; Tv 17 ; Ga 10,32-42.)
(ngôn sứ Giê-rê-mi-a)
Bài đọc                                                Gr 20,10-13

10        Con nghe biết bao người vu cáo :
            "Kìa, lão 'Tứ phía kinh hoàng !',
hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi !"
            Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.
            Họ nói : "Biết đâu nó chẳng mắc lừa,
            rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó !"
11        Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con
            như một trang chiến sĩ oai hùng.
            Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo,
            sẽ không thắng nổi con.
            Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề :
            đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.
12        Lạy Đức Chúa các đạo binh,
            Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can,
            con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng,
            vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.
13        Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa,
            vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.



Đáp ca                                     Tv 17,2-3a.3bc-4.5-6.7 (Đ. x. c. 7)

Đáp :    Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa :
Người đã nghe tiếng tôi.

2          Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con ;
3a        lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con ;         Đ.

3a        lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn,
            là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.
4          Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi khen,
            và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.                                       Đ.

5          Sóng tử thần dồn dập chung quanh,
            thác diệt vong làm tôi kinh hãi,
6          màng lưới âm ty bủa vây tứ phía,
            bẫy tử thần ập xuống trên tôi.                                                  Đ.

7          Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa,
            kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi.
            Từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu,
            lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người.                                  Đ.



Tung hô Tin Mừng                 x. Ga 6,63c.68c

Lay Chúa, Lời Chúa là Thần Khí và là Sự Sống ;
Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời.




Tin Mừng                                Ga 10,32-42

31 Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném đá Đức Giê-su . 32 Người bảo họ : "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm ; vì việc nào mà các ông ném đá tôi ?" 33 Người Do-thái đáp : "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng : ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." 34 Đức Giê-su bảo họ : "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao : "Ta đã phán : các ngươi là những bậc thần thánh'" ? 35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi : 'Ông nói phạm thượng !' vì tôi đã nói : ' Tôi là Con Thiên Chúa ' ? 37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng : Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha."  39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau : "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu bị kết tội phạm thượng vì đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa thật. Ngài đến để làm chứng cho sự thật. Nhưng chính bởi sự thật đó, có nhiều người đã chống đối và cũng có nhiều người tin vào Ngài.
Là môn đệ Ðức Giêsu, mỗi người chúng ta phải dám can đảm sống và làm chứng cho sự thật, dù có bị thiệt thòi, bị lên án. Bởi chính Ðức Giêsu cũng đã bị kết tội khi dám nói sự thật. Chúng ta cũng noi gương Ðức Giêsu, luôn trung thành trong mọi việc dù lớn hay nhỏ, không bao giờ chấp nhận gian dối. Như thế, chúng ta mới xứng danh người Kitô hữu.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch chân thật và thiện hảo. Xin thanh luyện lòng trí chúng con nên trong sạch và ngay chính, để cuộc sống chúng con là một chứng từ sống động giúp người khác nhận biết Chúa. Amen.
(theo Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Làm Con Thiên Chúa

Có người hỏi chị Chiara Lubic: "Làm sao chị có thể theo dõi hàng trăm ngàn người trên thế giới? Làm sao chị có thể hướng dẫn tất cả mọi người theo cùng một linh đạo?" Chị mỉm cười trả lời: "Tôi không theo dõi ai cả. Tôi chỉ theo Thiên Chúa từng giây phút, và nếu tôi theo Thiên Chúa thì những người ấy họ sẽ theo tôi".
Anh chị em thân mến!
Bí quyết của chị Chiara Lubic được mọi người Kitô chúng ta áp dụng. Chúng ta không cần hô hào ai theo mình cả, chỉ cần chúng ta hết lòng sống theo Thiên Chúa, sống thánh thiện theo mẫu gương và lời dạy của Chúa Giêsu Kitô cách cụ thể trong các bổn phận hằng ngày, thì anh chị em xung quanh sẽ mộ mến đến với chúng ta. Việc làm tốt luôn thu hút.
Ðối với người Kitô hữu, việc làm tốt đó là việc thánh vì việc đó làm cùng với Chúa và nhờ ân sủng Ngài thánh hóa. Do đó, có sức mạnh thu hút anh chị em không những đến với cá nhân ta mà còn đến với Thiên Chúa nữa: "Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Ðấng trọn lành. Ðể mọi người nhìn thấy việc các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời là Ðấng trọn lành".
Bí quyết sống trên của chị Chiara Lubic thật ra không phải là của chị nữa, nhưng do sự gợi hứng nếp sống của chính Chúa Giêsu Kitô. Khi Ngài rao giảng cho dân chúng tại Palestina, Ngài đã không nói suông, mà Ngài đã hành động qua việc thực hiện những phép lạ, qua việc thi ân cho những ai thành tâm tin nhận vào Ngài, đến với Ngài. Chúa đã sống điều Ngài giảng dạy và luôn sống kết hợp với Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài đến trần gian. Vì thế, vào lúc gần kết thúc cuộc đời trần gian, Chúa Giêsu xem như đã nài nỉ những kẻ cứng lòng tin vào Ngài rằng: "Nếu các ngươi không tin vào những điều Ta nói, thì ít ra hãy tin vào những việc Ta làm". Nhưng họ trả lời: "Chúng tôi muốn ném đá các ông không phải vì việc lành, nhưng vì những lời nói lộng ngôn. Bởi vì ông là người mà dám cho mình là Thiên Chúa".
Anh chị em thân mến!
Nghe Lời Chúa giảng dạy và nhìn thấy những việc lạ Chúa làm, những người Do Thái khám phá được rằng: "Chúa Giêsu không vì chút lợi lộc trần gian nào mà chỉ muốn minh chứng rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là Ðấng cứu rỗi trần gian".
Trong suốt tuần qua, chúng ta đọc những đoạn Phúc Âm của thánh Gioan ghi lại các tranh luận giữa Chúa Giêsu cà những người Do Thái không tin. Trong các tranh luận này, Chúa Giêsu luôn mạc khải những sự thật quan trọng về chính Ngài, về mối tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha". Những người Do Thái họ có thể hiểu được những lời này, nhưng họ không thể hay không muốn tin vào Chúa. Họ vẫn giữ lập trường là coi Chúa Giêsu là một con người phàm trần. Do đó, họ lượm đá ném Ngài và cho Ngài là dám lộng ngôn, dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Vì thế, những người Do Thái không tin này đã quá chìm sâu trong sự trần tục, trong những tội lỗi của họ. Họ vui lòng với những gì họ đang làm, không cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi, không cần Ðấng cứu rỗi họ.
Người Kitô hữu chúng ta ngày nay cũng có thể bị ảnh hưởng tư tưởng trần tục hóa này. Chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu như một con người, một nhà cách mạng xã hội, không hơn không kém. Chúng ta có thể bị cám dỗ lượm đá ném Thiên Chúa và tất cả những gì có liên quan đến Ngài. Như những con người ngông cuồng, chúng ta có thể dùng nước sơn đen rải khắp nẻo đường, vẽ lên tường những khẩu hiệu xúc phạm đến Thiên Chúa.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã khuyên những người con tinh thần của ngài như sau: Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và kêu gọi kẻ khác dâng hiến. Ðó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả. Con giúp họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Ðức Kitô. Ðó là trách nhiệm của người Kitô. Là đồ đệ yêu quí của Chúa, chúng ta không nên làm ngơ để mặc cho anh chị em xung quanh tha hồ ném đá Chúa.
Con gặp trăm ngàn thanh niên đang lây lất bên đường. Họ bàn tán bất tận về mộng xây dựng một xã hội mới, một con người mới. Nhưng họ đã gặp xì ke, bạo động, trụy lạc chán nản. Họ cần con, họ kêu con tiếng kêu của người chết đuối, tiếng vang của người ngộp thở. Chúng ta dùng danh từ đạo và đời, hồn và xác, nhưng các yếu tố ấy không thể tách rời nhau được, chúng nối kết lẫn nhau trong lòng là làm con Chúa. Chỉ có một cuộc sống, chỉ có một lịch sử đạo đời, hồn xác liên kết mật thiết.
Bí quyết để đọc xuyên qua các biến cố là con hãy lấy Phúc Âm nuôi linh hồn, sự thông hiệp liên lỉ với Chúa Giêsu sẽ cho con có tinh thần của Ngài. Chúa nhìn trần gian thế nào? Ðức Chúa Cha đã yêu trần gian đến nỗi đã sai Con Một Ngài xuống cứu trần gian. Mỗi giây phút của cuộc đời, con hãy cố gắng thăng tiến nó một cách không ngừng trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử cuộc đời.
Lạy Chúa, xin ban ơn đức tin cho con. Vì chỉ khi nào con tin Chúa vững mạnh, thì con mới có thể dấn thân cho Chúa mà thôi. Xin cho con góp phần nhỏ bé của mình để Chúa đừng bị ném đá, đừng bị xúc phạm nữa trong xã hội loài người chúng con. Amen.

(Veritas Asia)

Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,
Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.
Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa
chỉ vì đã nói : “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).
Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33).
Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,
vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).
Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.
Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.
Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),
đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).
Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),
trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói :
“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).
Hơn nữa, Ngài còn dám nói : “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).
Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau, 
Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.
Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,
Con luôn sống như người được Cha sai.
Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,
mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.
Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).
Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37).
Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.
Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói : “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). 
Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao.
Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài :
“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, 
ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).
Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).
Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.
Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,
được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.
Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này
trước khi có thể nói như Chúa : “Thế là đã hoàn tất”.
Lời nguyện:
 Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
30/03/12 THỨ SÁU TUẦN 5 MC
Ga 10,32-42

NHẬN RA CHÚA TRONG ĐỜI

“Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.” (Ga 10,37-38)

Suy niệm: Người ta có thể đưa ra hàng trăm “cái lý” để tin, và cả hàng ngàn “cái lẽ” để không tin đối với một người hay điều mà người ấy nói, bởi vì “khi tôi đưa ra một quyết định, mọi việc đã xong xuôi trước rồi” (W. James). Người Do Thái không tin Đức Giêsu vì họ đã vẽ sẵn một hình ảnh về Đấng Mêsia theo quan niệm riêng của họ và rồi xây dựng những “lý” và “lẽ” để biện minh cho quan niệm đó. Vì thế khi đối diện với chính “Đấng được Chúa Cha sai đến” họ đã không nhận ra. Chúa Giêsu thể hiện lòng bao dung nhẫn nại trước sự cứng cỏi của dân khi mở cho họ một cửa ngõ để nhận ra Ngài: nếu như căn tính Thiên Chúa của Ngài bị ẩn dấu dưới dáng vẻ nhân loại thì những việc Ngài làm, những việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được, làm chứng rằng Ngài chính là “Đấng Chúa Cha sai đến.” Vậy hãy tin vào những việc Chúa làm!

Mời Bạn: Đâu là những việc Chúa làm trong đời bạn? Để có thể nhận ra những việc xảy đến trong đời bạn có bàn tay yêu thương của Chúa can thiệp, mời bạn bình tâm nhìn lại đời sống của mình với cái nhìn không thiên kiến. Cách riêng mỗi khi bạn gặp bế tắc trong cuộc sống, mời bạn đến gặp gỡ Chúa. “Gặp”Chúa, Ngài sẽ “gỡ” rối cho cuộc đời bạn.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành ít phút hồi tâm nhìn lại cuộc sống để nhận ra việc Chúa làm trong đời bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin nhận Chúa là Đấng Chúa Cha sai đến để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin ban cho con tâm hồn luôn hướng thiện và một cặp mắt không thiên kiến để luôn nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời con.



Lời Chúa Trong Gia Đình
Gr 20, 10-13; Tin Mừng theo Thánh Ga 10, 31-42.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông Giođan, đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. (Ga 10,40).
          Sau khi Chúa Giêsu tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, người Do-thái đã kết án Ngài nói phạm thượng và ném đá Ngài. Chúa Giêsu đã lánh khỏi vùng đó, vì thời gian của Ngài đang cạn dần mà công việc của Ngài vẫn đang còn dang dỡ. Ngài không thể liều lĩnh. Ngài cần phải lui về để gặp gỡ Thiên Chúa tìm Thánh ý của Chúa Cha trước khi Ngài đối đầu với con người. Trong đời sống Ki-tô hữu của chúng ta cũng phải đối đầu rất nhiều vấn đề với công việc cũng như với con người. Chúng ta cũng phải biết khôn ngoan, không nên liều lĩnh  một mình, vì chúng ta luôn có Chúa là Cha của chúng ta Ngài đang hiện hữu. Chúng ta cần có một nơi thinh lặng để nghe tiếng nói của Chúa và nhận ơn khôn ngoan và cam đảm của Ngài để sống và làm việc.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
30 Tháng Ba
Chết Thay Cho Người

Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta quyến luyến gia đình và bảo rằng: "Vợ con tôi quá thương yêu tôi, nên họ không bằng lòng cho tôi thoát tục".
Nghe nói thế, vị đạo sĩ muốn cho anh ta biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ thuật giả chết. Sau một thời gian học thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy áp dụng kỹ thuậ này khi về đến nhà. Và quả thật, anh ta đã thực hành bài học cách tuyệt hảo để nhắm mắt xuôi tay, nhưng vẫn còn nghe được mọi tiếng khóc than của vợ con và thân nhân, bạn bè.
Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng thâm quyến. Sau những giây phút tưởng niệm người quá cố, ông nghiêm nghị bảo thân nhân đang khóc thương người đã từ biệt cõi đời rằng: "Tôi có bí quyết để cứu sống anh ta, nếu có ai sẵn lòng chết thay cho anh".
Anh chàng giả chết ngạc nhiên khi nghe mọi người trong gia đình nêu ra mọi lý do để biện minh là mình cần phải sống. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nghe người vợ nghĩa thiết của mình tóm lược mọi lý lẽ trên bằng một lời quả quyết: "Tôi nghĩ không ai cần chết thay cho chồng tôi. Không có anh ta, chúng tôi vẫn có thể làm lụng để sống".
Câu chuyện trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ gia đình nào. Và theo sự suy luận thông thường, chúng ta phải công nhận rằng: Người vợ và thân nhân của anh chàng giả chết có lý của họ. Nhưng triết gia Pascal cũng có lý khi nhận định: "Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu nổi".
Ðó là lý lẽ của con tim trong con người của cha Ðamien, tông đồ người hủi mà cách đây không lâu nhiều người đã long trọng tưởng niệm một trăm ngày qua đời của Ngài. Cha Ðamien đã dấn thân phục vụ những người bị bệnh phong hủi để rồi kết thúc cuộc đời bằng chính căn bệnh của những người cha đã săn sóc với sự bình thản được biểu lộ trong những dòng tâm sự cha viết cho bạn bè vài ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai sung sướng nhất trên địa cầu này".
Ðó cũng là lý lẽ của con tim trong con người của cha Maximilian Kolbe, nạn nhân của chính sách bạo tàn tiêu hủy người Do Thái của Ðức quốc xã. Cha Maximilian đã đứng ra chịu chết thay cho một anh bạn tù.
Có thể những người mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo huấn của Ðức Kitô: "Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình".
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngôn sứ của Thiên Chúa bị truy tố và bị ném đá
Bài đọc: Jer 20:10-13; Jn 10:31-42.
Quyền hành đến từ Thiên Chúa. Khi con người nắm quyền hành, họ phải biết dùng quyền được trao để phân xử công minh: trừng trị kẻ gian ác và bảo vệ quyền lợi cho kẻ vô tội. Thế nhưng nhiều người khi có quyền, đã không làm như thế. Họ nghĩ họ có thể bắt mọi người làm theo lệnh truyền của họ, bất chấp sự thật và công bình.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lạm dụng uy quyền để đấu tố người công chính. Trong Bài Đọc I, tư tế Pathhur lạm dụng uy quyền của mình để bắt bớ, đánh đập, và bỏ tù tiên-tri Jeremiah, vì ông đã tuyên sấm tội lỗi và hình phạt của dân thành Jerusalem. Trong Phúc Âm, những người Do-thái lượm đá ném Chúa Giêsu vì cho Ngài phạm thượng, là người mà dám cho mình ngang hàng với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để cắt nghĩa và dùng các việc làm để chứng minh Ngài được Thiên Chúa thánh hiến và sai đến thế gian; nhưng họ vẫn ngoan cố không tin vào Ngài.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngôn sứ Jeremiah bị truy tố.
1.1/ Jeremiah bị tư tế Pathhur chống đối: Là ngôn sứ của Đức Chúa, tiên-tri Jeremiah phải tuyên sấm những gì Thiên Chúa muốn nói cho vua Judah, các tư tế, và dân thành Jerusalem. Tư tế Pathhur, con ông Immer, tổng quản đốc Nhà Đức Chúa, chẳng những đã không nghe lời Jeremiah tuyên sấm, lại còn cho đánh đòn ngôn sứ Jeremiah và cho cùm ông tại cửa Bengiamin, tức là Cửa Trên trong Nhà Đức Chúa. Lão “Tứ phía kinh hoàng” là tên của Jeremiah đặt cho tư tế Pashhur, sau khi ông này bắt bớ, đánh đập, và giam cầm tiên tri (Jer 20:3).
Jeremiah nói tiên tri về vận mạng của Pathhur và của tòan dân: “Quả thật, Đức Chúa phán như sau: Này Ta sẽ biến ngươi thành nỗi kinh hoàng cho chính ngươi và tất cả bạn bè của ngươi. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm quân thù, chính mắt ngươi sẽ chứng kiến điều đó. Ta sẽ trao nộp toàn thể Judah vào tay vua Babylon; nó sẽ bắt chúng đi lưu đày ở Babylon; sẽ dùng gươm tàn sát chúng. Tất cả của cải thành này cùng với mọi công lao vất vả và mọi đồ quý giá, cũng như tất cả kho tàng của các vua Judah, Ta sẽ nộp vào tay quân thù chúng; bọn này sẽ cướp phá, tịch thu đem về Babylon. Còn ông, hỡi Pathhur, chính ông và tất cả những người ở trong nhà ông sẽ phải đi lưu đày. Ông sẽ đi Babylon, sẽ chết tại đó và sẽ phải chôn tại đó; ông cũng như tất cả bạn bè, tức là những người đã nghe ông tuyên sấm láo!"
1.2/ Ngôn sứ Jeremiah tìm sức mạnh nơi Thiên Chúa: Một mình phải đương đầu với bao nhiêu chống đối từ gia đình, bạn bè, các tư tế, và triều đình nhà vua, tiên-ri Jeremiah biết mình sẽ không thể địch nổi với bè lũ hung tàn, nếu không có sức mạnh của Thiên Chúa. Tiên tri tin tưởng và cầu nguyện: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, chúng sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.”
Tiên-tri biết Thiên Chúa có uy quyền để trừng phạt và sức mạnh để giải thóat người công chính: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị người Do-thái ném đá.
2.1/ Lý do Chúa Giêsu bị ném đá: Chúa Giêsu chất vấn người Do-thái tại sao ném đá Ngài, người Do-thái cho Chúa Giêsu biết lý do: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." Lời mà họ vịn vào để ném đá Chúa Giêsu là “Tôi và Chúa Cha là một” (Jn 10:30). Chúa Giêsu biết rất khó để cắt nghĩa cho họ hiểu câu này, nên Ngài dùng cách cắt nghĩa bằng việc làm. Chúa Giêsu dùng lời Thánh Vịnh 82:6: “Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh (elohim), là con Đấng Tối Cao (benê Elyôn).” Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường chọn các Quan Án và gởi họ đến cho dân để họ xét xử dân theo lẽ công bình. Các Quan Án này thường được coi như các vị thần của dân chúng. Ý tưởng này rõ ràng hơn trong Sách Xuất Hành khi Đức Chúa phán với ông Moses: "Coi này, Ta làm cho ngươi nên một vị thần (elohim) đối với Pharao, còn Aaron, anh ngươi, sẽ là ngôn sứ của ngươi” (Exo 7:1). Chúa Giêsu kết luận: “Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa?"”
2.2/ Chúa Giêsu chứng minh bằng việc làm: Chúa Giêsu không chỉ chứng minh cho họ bằng lời Kinh Thánh, mà còn bằng các việc Người đã làm: nuôi dân chúng ăn, chữa lành mọi bệnh tật, trục xuất quỷ, cho người chết sống lại … Những việc này chứng minh Ngài có uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hỏi họ: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha." Không thể tranh luận với Ngài lời, cũng không thể bắt lỗi Ngài bằng việc làm; lẽ ra họ phải phục thiện và tin vào Ngài, nhưng họ lại chọn dùng vũ lực để uy hiếp Người vô tội như trình thuật kể: “Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.”
Chúa Giêsu trở về chỗ Ngài đã chịu Phép Rửa bởi Gioan và Ngài ở lại đó: Tại sao Chúa Giêsu tìm đến nơi này? Ngài biết giờ của Ngài trên dương gian sắp hết và Ngài muốn tìm lại nguồn sức mạnh nơi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng để có đủ sức đương đầu với những người chống đối. Đây là chỗ mà Thiên Chúa Cha đã làm chứng cho Ngài bằng tiếng vọng từ Trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người.” Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: "Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." Họ nhận ra sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và Gioan: Ông Gioan là ngôn sứ nói cho họ biết về Chúa Giêsu, nhưng không làm một phép lạ nào cả. Chúa Giêsu chứng minh những gì Gioan nói về Ngài là sự thật bằng các việc Ngài làm. Tổng hợp cả hai lời chứng và việc làm, “Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.”
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải sáng suốt để nhận ra sự thật, cho dù sự thật có phũ phàng và thiệt hại đến đâu đi nữa; vì chỉ có sự thật mới thực sự giải thóat con người.
- Làm ngôn sứ cho Thiên Chúa là phải đương đầu với quyền lực của thế gian và ma quỉ; chúng ta không được khiếp sợ những quyền lực này đến độ không dám nói và làm chứng cho sự thật.
- Chúng ta phải tôn trọng những người dám nói và làm chứng cho sự thật. Đừng bao giờ lạm dụng uy quyền để bịt miệng, đàn áp, bỏ tù, và thủ tiêu họ. Thiên Chúa là Đấng Chí Công, Ngài sẽ bảo vệ, giải thóat, và trả thù cho những người công chính.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

NGày 30


Bước vào cuộc chiến của Thiên Chúa, có nghĩa là cùng chiến đấu với Người cho sự tự do của con người và chấp nhận hiến dâng cuộc sống mình để tôn trọng và tăng triển. Trong thời đại chúng ta, có nhiều điều cần phải làm để bảo vệ và phục vụ cho một sự tự do đích thực, sự tự do mà thánh Phaolô nói với các Kitô hữu Galát khi ngài viết: "Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau" (GI 5,13).
Hãy suy nghĩ bất cứ điều gì, hãy hoạt động khi phủ nhận tất cả luật lệ, hoàn toàn độc lập, liên đới, điều này không có gì liên hệ đến tự do. Tư do là một trách nhiệm mang tính nguy hiểm, cô' gắng, làm chủ và vượt qua chính mình, theo ý kiến của tình yêu. Hành động giải phóng của Đức Giêsu Kitô trên thập giá ban cho chúng ta ân sủng và vị ngọt. Không thể sống tự do trong những thuật ngữ độc lập và tự tại, nhưng trong một liên hệ nghĩa từ với Chúa Cha và một tình liên đới huynh đệ với tất cả mọi người. Sự tha thứ của Người là hành động cao cả nhất của tự do.

Giám mục Marius Maziers

Thứ Sáu 30-3

Thánh Phêrô Regaldo


(1390-1456)
T
rong thời của Thánh Phêrô Regaldo, lúc ấy thế giới thật nhộn nhịp. Cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương (1378-1417) được giải quyết trong Công Ðồng Constance (1414-1418). Nước Pháp và nước Anh đang đánh nhau trong Cuộc Chiến 100 Năm, và năm 1453 Ðế Quốc Byzantine hoàn toàn bị xoá sạch bởi sự bại trận của Constantinople trước sự tấn công của người Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Thánh Phêrô từ trần, lúc ấy ngành in mới bắt đầu ở Ðức, và Columbus khám phá ra Tân Thế Giới chưa đầy 40 năm sau.
Thánh Phêrô sinh trong một gia đình giầu có và đạo đức ở Vallodolid, Tây Ban Nha. Vào năm 13 tuổi, ngài được phép gia nhập dòng Phanxicô. Sau khi chịu chức ít lâu, ngài được bầu làm bề trên tu viện ở Aguilar. Ngài là người lãnh đạo một tổ chức các tu sĩ dòng muốn sống cuộc đời thật khó nghèo và ăn năn đền tội cách liên lỉ. Vào năm 1442, ngài được chọn làm thủ lãnh của các tu sĩ Phanxicô người Tây Ban Nha trong nhóm.
Thánh Phêrô hướng dẫn các tu sĩ qua đời sống gương mẫu của ngài. Ðặc điểm của ngài là yêu quý người nghèo cũng như người đau yếu. Nhiều câu chuyện phép lạ được người ta kể lại về lòng bác ái của ngài đối với người nghèo. Tỉ như, thực phẩm dường như không bao giờ vơi khi ngài phân phát cho người nghèo. Trong suốt cuộc đời, Thánh Phêrô luôn luôn ăn chay, ngài chỉ dùng bánh mì và nước lã.
Ngay sau khi ngài từ trần vào ngày 31 tháng Ba, 1456, ngôi mộ ngài đã trở nên trung tâm hành hương. Ngài được phong thánh năm 1746.

Lời Bàn

Thánh Phêrô là nhà lãnh đạo giỏi vì ngài không bao giờ giận dữ khi thấy các tu sĩ phạm lỗi. Ngài giúp các tu sĩ sắp đặt lại những thứ tự của đời sống, và tận tụy sống phúc âm của Ðức Giêsu Kitô mà họ đã thề hứa. Việc kiên nhẫn sửa đổi là một hành vi bác ái mà mọi tu sĩ Phanxicô phải tuân theo, chứ không chỉ ràng buộc các bề trên.

Lời Trích

"Ðừng để các tu sĩ bị náo động hay bị tức giận trước sự lầm lỗi hay sự dữ của người khác, vì ma quỷ muốn hủy hoại nhiều người qua lỗi lầm của một người; nhưng họ phải tận tình giúp đỡ tinh thần những ai sa ngã, vì người lành mạnh thì không cần đến thầy thuốc mà là người đau yếu (x. Mt. 9:12; Mk. 2:17)" (Quy Luật 1221, Chương 5).

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét