Thứ Bảy
Trong Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Bài Ðọc
I: Cv 4, 13-21
"Chúng tôi không
thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, các thủ lãnh, kỳ lão và
luật sĩ nhận thấy Phêrô và Gioan kiên quyết, và biết hai ngài là những kẻ thất
học và dốt nát, nên lấy làm lạ; và còn biết rằng hai ngài đã ở cùng Ðức Giêsu;
họ thấy kẻ được chữa lành đứng ở đó với hai ngài, nên họ không thể nói gì
nghịch lại được. Họ mới truyền lệnh cho hai ngài ra khỏi hội nghị, rồi thảo
luận với nhau rằng: "Chúng ta phải làm gì đối với những người này? Vì toàn
dân cư ngụ ở Giêrusalem đều hay biết, phép lạ hai ông đã làm rõ ràng quá chúng
ta không thể chối được. Nhưng để sự việc không còn loan truyền trong dân nữa,
chúng ta hãy đe doạ, cấm hai ông không được lấy danh ấy mà giảng cho ai
nữa". Họ liền gọi hai ngài vào và cấm nhặt không được nhân danh Ðức Giêsu
mà nói và giảng dạy nữa. Nhưng Phêrô và Gioan trả lời họ rằng: "Trước mặt
Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không? Vì
chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe". Nhưng
họ lại đe doạ hai ngài, rồi thả về, vì không tìm được cách nào trừng phạt hai
ngài, họ lại còn sợ dân chúng, vì mọi người đều ca tụng Thiên Chúa về việc đã xảy
ra.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 14-15.
16ab-18. 19-21
Ðáp: Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi (c. 21a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa,
vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Chúa là sức mạnh, là dũng
lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng
vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân:Tay
hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.- Ðáp.
2)
Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa
đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan
truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không
nạp tôi cho tử thần. - Ðáp.
3)
Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn
của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm
lời tôi, và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi. - Ðáp.
Alleluia: Tv 117, 24
Alleluia,
alleluia! - Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về
ngày đó. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 16, 9-15
"Các con hãy đi
khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ
nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được
Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang
buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ
không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang
trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không
tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn.
Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy
Người sống lại. Rồi Người phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng
Tin Mừng cho muôn loài".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Chúa Hiện Ra
Nhiều Lần
Trong cuộc triển lãm hội chợ về hoa tại thành
phố Luân Ðôn, điều bất ngờ xảy ra trong nhóm người say mê cây cảnh: giải nhất
đã về tay một cô gái trẻ. Người ta lại càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng cô gái
này lại cư ngụ trong một khu phố tồi tàn chật chội nhất thành phố, được mệnh
danh là "chỗ thiếu ánh sáng". Nơi đó có thể nói được rằng thiếu cả
ánh sáng văn minh lẫn ánh sáng mặt trời. Chính những người lâu năm kinh nghiệm
trong nghề trồng hoa kiểng cũng chẳng hiểu làm sao mà cô gái trồng được một
chậu hoa tuyệt đẹp tại một nơi thiếu ánh sáng như thế.
Khi được phỏng vấn, cô đã thổ lộ bí quyết của
mình như sau: căn nhà của cô ở chỉ có một vùng ánh sáng, nếu mặt trời di chuyển
từ đông sang tây thì vùng ánh sáng cũng chạy từ tây sang đông. Cứ thế, suốt
ngày chậu hoa của cô phải di chuyển từ góc này đến góc kia cho tới ngày nó được
hưởng trọn phần ánh sáng như hôm nay.
Anh
chị em thân mến!
Nhìn lại bài đọc Tin Mừng hôm nay và các tường
thuật về những lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài từ cõi chết sống lại sẽ
cho chúng ta một điểm đáng lưu ý này là: sau khi sống lại, Ngài không tức khắc
đi tìm nhóm môn đệ đang tụ họp và cầu nguyện, nhưng Ngài chỉ hiện ra với từng
cá nhân hoặc nhóm nhỏ, rồi cho họ sứ mạng truyền đạt tin vui đến với nhóm mười
một tông đồ.
Khi hiện ra với toàn thể các môn đệ, Ngài lại
khiển trách họ: "Tại sao lại cứng lòng tin?" Chúng ta có thể xem điều
trên đây như một mô tả niềm tin của mỗi người. Hơn nữa, ánh sáng của Chúa Kitô
Phục Sinh đến với chúng ta tùy theo mỗi thời điểm và mỗi khung cảnh của cuộc
sống. Ánh sáng của Ngài buộc chúng ta phải biết cố gắng tìm kiếm để được nhận
lãnh.
Nói như thánh Augustinô: "Chúa dựng nên
con, không cần có con cộng tác. Nhưng Chúa không thể cứu chuộc con, nếu không
có con cộng tác". "Có con" không có nghĩa là con hiện diện ở đó
như một tảng đá quanh năm tiếp thu ánh sáng, nhưng chẳng sử dụng ánh sáng để
rồi chịu cảnh vỡ nát của thời gian. Sự hiện diện của con phải là sự hiện diện
của một bông hoa luôn hướng về ánh sáng mặt trời. Vì ánh sáng mặt trời là nguồn
sức sống cho cây, đồng thời cũng là dịp cho hoa vươn mình khoe sắc.
Vì thế, ánh sáng vui mừng của Ðức Kitô Phục
Sinh trước hết là một đáp ứng cho một tâm hồn tha thiết tìm kiếm Ngài. Maria
Madalena và các phụ nữ đến mồ từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, họ đã được
Ngài hiện ra trước hết, dù rằng họ chẳng chiếm giữ một vai trò quan trọng nào
trong việc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ðức Kitô Phục Sinh cũng
vẫn luôn quan tâm đến tất cả. Ngài chẳng muốn cho một kẻ nào phải hư mất.
Hai môn đệ tuyệt vọng trên đường Emmau được
Ngài đồng hành nâng đỡ. Cả đến sự đòi hỏi gần như thách thức của thánh Tôma
cũng được Ngài sẵn sàng đáp ứng. Ngài hiện diện để trao đổi niềm tin yếu kém:
"Tại sao lại không tin?" "Hỡi những kẻ yếu lòng tin". Ðó là
những lời kêu mời giác ngộ chân lý: "Hãy nhận biết Ngài và hãy tin tưởng
vào Ngài".
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi
người trong chúng ta sẽ biết khám phá ra sự hiện diện của một Thiên Chúa mà
phần đông chúng ta tưởng Ngài đã chết. Ngài vẫn luôn hiện diện với ta dù rằng
nhiều lúc con người như hoàn toàn chìm trong bóng tối. Ánh sáng của Ngài vẫn
dọi chiếu, nhưng theo một góc độ nào đó buộc chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm
nhiều hơn.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần
I Bát Nhật Phục Sinh
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người không thể
trốn tránh sự thật mãi.
Có
một người hay có tính “thêu dệt” và “thêm mắm thêm muối” mỗi khi nói chuyện với
người khác về quá khứ huy hoàng của mình. Các bạn anh muốn dạy anh một bài học,
nên mỗi lần anh nói, họ ghi chép cẩn thận những gì anh nói. Sau khi kể một hồi,
các bạn anh bắt đầu thắc mắc về thời gian và nơi chốn của những việc xảy ra, và
chỉ cho anh thấy sự không hợp lý của những gì anh kể. Từ đó, anh bắt đầu nói
năng cẩn thận hơn; vì chỉ có nói thật, anh mới có thể tránh được những mâu
thuẫn của các sự việc.
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người không thể trốn tránh mãi sự thật.
Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội Đồng Do-thái nghĩ khi họ đóng
đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá là từ nay dân chúng sẽ nghe theo họ; nhưng họ lại
phải đương đầu với các môn đệ của Ngài và hàng ngàn dân chúng đã tin vào Chúa
Giêsu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ sau khi
chết. Ngài khiển trách họ đã quá cứng lòng không chịu tin vào lời các nhân
chứng thuật lại trong trình thuật hôm nay.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Nghe lời các ông hay là nghe lời Thiên Chúa?
1.1/
Phản ứng của những người trong Thượng Hội Đồng: Trước tiên, họ ngạc nhiên khi thấy ông
Phêrô và ông Gioan mạnh dạn. Họ nghĩ không có một hay hai cá nhân nào dám đứng
ra đương đầu với quyền lực của Thượng Hội Đồng; vì nếu làm như vậy, chắc chắn
sẽ lãnh thiệt hại vào thân. Thứ đến, họ khám phá ra hai ông là những người
không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận xét đúng, cả hai, Phêrô và
Gioan, đều làm nghề đánh cá; làm sao có cơ hội để học hỏi và biết chữ nghĩa và
Lề Luật như họ được. Cả hai nhận xét của họ đều đúng, và câu hỏi họ đặt ra cho
hai ông hôm qua rất chí lý: “Nhờ quyền lực nào và nhân danh ai mà các ông làm
chuyện đó.”
Câu
trả lời của Phêrô giúp họ tìm ra những gì họ muốn biết: chúng tôi chỉ lấy sức
mạnh và quyền lực của Đức Kitô, Đấng mà các ông đã đóng đinh vào Thập Giá. Họ
cũng nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại
thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế
nào. Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, để bàn tính với nhau.
Họ chỉ có hai con đường phải chọn:
(1)
Phục thiện và tin vào Chúa Giêsu: Đứng trước một phép lạ quá rõ ràng, đứng
trước 3 nhân chứng, và đứng trước đông đảo dân chúng; họ phải tin vào Chúa
Giêsu là Người đến từ Thiên Chúa, đã chết và sống lại. Chính họ đã nói với nhau
về hai ông: “Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi
người cư ngụ tại Jerusalem ,
và ta không thể chối được.”
(2)
Dùng bạo lực để bưng bít sự thật: Có nhiều lý do để họ từ chối không tin: sợ mất
thế giá, sợ mất lợi lộc vật chất, sợ phải thay đổi niềm tin …
Sau
khi bàn luận, họ quyết định bưng bít sự thật bằng bạo lực. Họ quyết định:
“Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm
họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa. Họ cho gọi hai ông vào và
tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu
nữa."
1.2/
Phản ứng của Phêrô và Gioan: Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: "Nghe lời các ông
hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ
không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy,
chúng tôi không thể không nói ra."
Thượng
Hội Đồng là những người có kiến thức và biết Lề Luật của Thiên Chúa. Họ phải
công nhận điều Phêrô nói là phải tuân hành những gì Thiên Chúa nói hơn con
người; nhưng vì quá ngoan cố trong việc tìm hiểu sự thật nên họ tiếp tục ở
trong bóng tối tội lỗi. Trình thuật kể thái độ cứng lòng của họ như sau: “Sau
khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai
ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.”
2/
Phúc Âm: Các lần hiện ra của Chúa Giêsu theo thánh-sử Marcô
Không
phải chỉ có những người trong Thượng Hội Đồng cứng lòng, các môn đệ của Chúa
Giêsu cũng mắc phải lỗi lầm đó. Hơn những người trong Thượng Hội Đồng, các tông
đồ đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy, biến hình, và báo trước cuộc tử nạn
và sống lại sẽ xảy ra. Chúa Giêsu không chỉ hiện ra một lần để có cớ cho các
tông đồ nói đó chỉ là ảo ảnh hay bóng ma; nhưng Ngài hiện ra nhiều lần với các
nhân chứng khác nhau. Chúa Giêsu phải trách thái độ cứng lòng của các ông vì đã
chối từ sự thật đến không phải từ hai như Lề Luật đòi, nhưng nhiều nhân chứng
khác nhau. Thánh Marcô liệt kê ba lần Chúa hiện ra:
(1)
Với một mình Mary Magdala: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong
tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Mary Magdala, là kẻ đã được Người trừ
cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang
buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn
không tin.”
(2)
Với hai môn đệ trên đường về quê, Emmaus: “Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng
khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở
về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.”
(3)
Với Nhóm Mười Một: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi
các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các
ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người
nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thọ tạo.””
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Chúng ta phải luôn học để biết sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng
ta khỏi mọi gian trá.
-
Không chỉ học biết sự thật, chúng ta còn phải có can đảm để nói sự thật, sống
theo sự thật, và làm chứng cho sự thật.
-
Khi có sự xung đột giữa điều Thiên Chúa nói và điều người phàm nói; chúng ta
phải luôn luôn vâng lời Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC
SINH
BÀI HỌC CHÍNH YẾU
Mc 16, 9-15
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì
trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi
báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ
nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa
lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai
ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết,
Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã
cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người
phán: "Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn
loài".
Bài Tin Mừng hôm nay như tóm kết lại một tuần lễ hoạt động của
Đấng Phục Sinh. Marcô đã chịu khó liệt kê lại tất cả những lần hiện ra của Chúa
Giêsu: với mấy người phụ nữ, với hai môn đệ trên đường Emmau, và sau cùng với
chính nhóm mười một trên bãi biển. Điểm đặc biệt là sau mỗi lần liệt kê, thánh
Marcô đều kết luận: “Các ông vẫn không tin” (Mc 16,11); “nhưng các ông ấy cũng
không tin hai người này” (Mc 16,13). Đặc biệt lần thứ ba với chính các môn đệ,
“Người khiển trách các ông không tin, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã
được thấy Người” (Mc 16,14b).
Cuối cùng Chúa Giêsu sai các ông đi và nói: “Anh em hãy đi khắp
tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Nghĩ
cũng mắc cười, Chúa vừa “khiển trách các ông không chịu tin những kẻ đã thấy
Người”, thì lại sai “những kẻ không chịu tin” đó đi nói cho người khác. Nó là
cấp số nhân của tình trạng “không chịu tin”. Nếu theo tình hình này thì sẽ nhân
rộng ra một đám dân không chịu tin.
Tuy nhiên chắc chắn lúc này các môn đệ đã xác tín niềm tin của
mình, đang cúi đầu để nghe Đấng Phục Sinh sửa dạy. Vì vậy mệnh lệnh này xem như
là cách để các ông “Chuộc lại lỗi lầm”. Các ông hứa trong bụng là “Thầy xem
chúng con làm đây!” Quả thật với sự xác tín, với ước muốn chuộc lại lỗi lầm,
với lới hứa với bản thân và nhất là trước một sự thật vô cùng lớn lao là Đức
Giêsu đã Phục Sinh để đem đến ơn cứu độ cho nhân loại, các môn đệ đã làm hết
sức mình để “Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Các ông đã sẵn sàng hy
sinh để cho người khác tin những điều mình nói là sự thật. Từ những con người
“không chịu tin”, sau khi “chịu tin” thì đã “sống niềm tin” và “loan báo niềm
tin” cách hiệu quả.
Lạy Đấng Phục Sinh, con cũng chỉ là
những con người được nghe kể lại về Chúa. Vì vậy nếu con có kém lòng tin chút
đỉnh thì xin Chúa thông cảm, tha thứ cho con, vì các môn đệ của Chúa ngày xưa
còn không chịu tin nữa huống chi là con.
SỐNG LỜI CHÚA - Thứ bảy (Mc 16,9-15)
Dẫn
Tin mừng hôm nay tóm kết về những lần hiện
ra của Chúa phục sinh. Điều đáng ghi nhận là khi hiện ra với ai, Chúa cũng cố
lòng tin họ, sai họ đi làm chứng cho Chúa.
Xin Chúa cũng cố lòng tin nơi chúng ta,
để chúng ta can đảm làm chứng nhân cho Chúa giữa dòng đời đời hôm nay còn lắm
gian nan.
Chia sẻ
Sau khi sống lại, mỗi lần hiện ra,Chúa
đều kêu gọi làm chứng cho tin mừng phục sinh.
Khi hiện ra với bà Maria Macđala, Chúa
sai bà đi loan tin cho các môn đệ. Nhưng các ông không tin.
Chúa phục sinh lại hiện ra với hai môn
đệ trên đường Em-mau, hai ông về báo tin, nhưng các môn đệ khác cũng không tin.
Sau cùng Chúa hiện ra với các tông đồ
đang ngồi ăn trong nhà tiệc ly, Nguời trách các ông không tin những kẻ đã thấy
và làm chứng Nguời sống lại, rồi kêu gọi các ông đi loan báo tin mừng cứu độ.
Như thế, để đón nhận tin mừng phục sinh
không phải là dễ, cần phải kiên nhẫn và thời gian.
Trãi qua hơn hai ngàn năm, Giáo Hội
không ngừng rao giảng tin mừng cứu độ. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chưa
tin nhận Chúa.
Xin cho chúng ta đừng nản lòng, nhưng
luôn nổ lực thi hành lệnh truyền của Chúa Phục sinh mà kiên trì rao giảng không
ngừng.
Ngày hôm nay, người ta không tin lời
thầy dạy cho bằng tin vào những chứng nhân. Xin cho chúng ta ý thức không chỉ
rao giảng bằng lời nhưng còn bằng đời sống chứng tá yêu thương. Nhờ thế tin
mừng phục sinh có sức thuyết phục mạnh mẽ và đáng tin cậy với mọi người hơn.
Nhưng
lạy Chúa, còn có những con người đã nhìn thấy điều sai lầm của mình, để rồi
chuộc lại lỗi lầm đó bằng cách dành cả cuộc đời để loan báo điều mà họ đã từng
không chịu tin. Vì vậy con không để mình vấp phải lỗi lầm của vị đó.
Nhưng Chúa ơi, lòng tin con còn non yếu, xin nâng đỡ cho! Nâng
đỡ cho vì ma quỷ vẫn hoạt động mạnh quá, nó làm cho con thấy những thứ khác hấp
dẫn hơn Chúa, lôi cuốn hơn Chúa, vì vậy mà lắm lúc con đã chạy theo. Xin nâng
đỡ cho vì con chưa biết nghe lời Chúa để “Đem Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”,
vì thực sự ra con còn chưa cảm nhận được đó là Tin Mừng nữa thì làm sao con
giới thiệu cho người khác.
Lạy Chúa, con cúi đầu xin
lỗi Chúa không biết bao nhiêu lần mới đủ, có lẽ cả cuộc đời con. Như các môn đệ
đã thấy được cái sai của mình, đã dành trọn cuộc đời để chuộc lại lôi lầm, để
loan báo cho người khác Tin Mừng mà họ đã từng chối cãi. Thì lạy Chúa con cũng
sẽ quyết tâm yêu mến Chúa với tất cả tình yêu còn lại, vì một nửa tình yêu của
con đã trót dại chối từ. Đồng thời loan báo cho người khác biết tình thương mà
con đã lãnh nhận từ nơi Chúa quá lớn lao. Đó là cách con đang thực thi lệnh
truyền của Chúa: “Đem Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Lúc nào con sa ngã chối
từ, xin Chúa lại tiếp tục nâng con lên.
06/04/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN BÁT NHẬT
PS
Mc 16,9-15
Mc 16,9-15
CỨNG LÒNG HƠN TÔ-MA
Người
khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông đã không chịu tin
những kẻ đã được thấy Người sau khi Người đã trỗi dậy. (Mc 16,14)
Suy niệm:
Người ta thường ví von một tâm hồn cứng cỏi trước những biểu hiện của niềm tin
là “cứng lòng như Tôma”. Nhưng xem ra các tông đồ khác còn cứng lòng
tin hơn Tôma nữa. Maria báo tin Chúa Phục Sinh, họ không tin. Hai môn đệ làng
Emmau về báo, họ cũng không tin. Đức Giêsu Phục Sinh đã phải đích thân tỏ mình
cho họ để phá tan nỗi thất vọng, đau buồn do cái chết của Ngài đang giam giữ
lòng tin của họ. Đấng Phục Sinh xuất hiện đã giúp các Tông đồ không những hết
“cứng tin” mà còn mạnh dạn thi hành sứ mạng lớn lao mà Chúa giao phó cho các
ông trước khi Ngài về trời, đó là ra đi khắp nơi loan báo Tin Mừng Phục Sinh
cho mọi người.
Mời Bạn:
Tin Đức Giêsu Phục Sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay. Lòng cứng tin
của các Tông đồ lại là may mắn cho chúng ta. Nếu các ông dễ tin, ngày nay chúng
ta có thể nghi ngờ các ông lầm vì cuồng tín. Nhưng vì các ông khó tin là chứng
chắc chắn để chúng ta tin Đức Giêsu Phục Sinh.
Chia sẻ:
Nếu bạn tin Chúa Phục Sinh sao bạn còn phiền muộn, chán nản, hững hờ với
việc sống đạo?
Sống Lời Chúa: Trong giờ kinh gia đình, nhớ tới một gia đình lương dân và tâm
sự với Chúa nỗi khắc khoải mong sao cho Tin Mừng Phục Sinh được loan báo cho
họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin mở mắt cho con cặp mắt đức tin để con xác tín Chúa
sống lại, để dù giữa hoàn cảnh nào, con luôn hân hoan vì con là Kitô hữu đã tin
thật Chúa Phục Sinh. Xin Chúa giúp con biết loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh
chị em con. Amen.
SUY NIỆM : Những lần hiện ra
Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Marcô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình. Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.
Niềm tin vào Ðấng PhụcSinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas "Phúc cho những ai không thấy mà tin" không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.
Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?
Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta tiếp rước trong Thánh Lễ mỗi ngày biến chúng ta thành những chứng nhân sống động của Ngài trước mặt mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG TƯ
Lớn Lên Trong Sự Mật Thiết Với Đức Kitô
Chúng ta cũng được mời
gọi tin vào Đức Kitô qua lời rao giảng của Giáo Hội. Trong tư cách là thân thể
của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi loan truyền cái chết cứu độ, cuộc Phục Sinh
của Người và sự hiện diện thường xuyên của Người ở giữa chúng ta. Chính Đức
Giêsu đã bảo đảm với chúng ta: “Này, Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận
thế” (Mt 28,20).
Đức tin không qui chiếu
nhiều đến một sự kiện quá khứ cho bằng tuyên bố rằng Chúa hằng sống và đang
hiện diện giữa chúng ta. Tiên vàn, nó có nghĩa một mối thân tình gắn bó với Đức
Kitô. Chúng ta phải có một sự kết hiệp mật thiết với Người. Đức Kitô phải trở
thành ngày càng cắm rễ sâu hơn nơi chúng ta.
Càng lớn lên hơn, chúng
ta càng cần tin hơn. Vì thế, mục đích của chúng ta phải là trở nên mật thiết
hơn với Đức Kitô và gìn giữ mối thân tình với Người. Rồi, Người sẽ định dạng
cuộc sống chúng ta – qua đó, chúng ta sẽ càng kết hiệp với Người nhiều hơn, sẽ
hiểu biết Người nhiều hơn, và với tình yêu và lòng trung thành đối với Người,
chúng ta sẽ tiến lên trong hành trình của chúng ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 06-4 Thứ Bảy
Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh.
Cv 4, 13-21; Mc 16, 9-15.
LỞI SUY NIỆM: Người
nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho
mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin,
thì sẽ bị kết án,” (Mc 16, 15-16)
Chúa Giêsu Phục Sinh,
bản tính nhân loại nơi Ngài đã bắt đầu tham dự trọn vẹn vào vinh quang của
Thiên Chúa. Chúa truyền cho các Tông đồ ra đi khắp bốn phương thiên hạ loan báo
Tin Mừng Cứu Độ cho toàn thể nhân loại. Hôm nay mọi Ki-Tô hữu cũng đang mang
trên mình sứ mạng là ngôn sứ, là giới thiệu Chúa Giêsu Đấng từ Chúa Cha mà đến,
mang thân phận một con người như mọi con người, ngoại trừ tội lỗi, đã sống và
mạc khải Thiên Chúa; biết được Thiên Chúa yêu thương; cũng như kế hoạch cứu độ
của Thiên Chúa đối với con người. Giới thiệu Chúa Giêsu, là Đấng đã chu toàn
một cách trọn vẹn bằng cái chết tự nguyện và Ngài đã Phục Sinh. Chính Chúa
Giêsu sẽ đến trong ngày cánh chung; để khen thưởng người lành và ra án phạt cho
kẻ tội lỗi. Ước gì chúng ta làm ngôn sứ bằng đời sống đức tin của chúng ta, đặc
biệt trong năm đức tin này.
Mạnh Phương
06 Tháng Tư
Món Quà
Cưới Ðẹp Nhất
Mẹ Têrêxa thuật lại
một câu chuyện như sau: "Một hôm kia, có một cặp vợ chồng trẻ đến thăm tu
viện và trao tặng cho chúng tôi một khoản tiền lớn, bảo là để đóng góp vào việc
chi phí mua thức ăn cho những người nghèo".
Ở Calcutta, mọi người
đều biết là: mỗi ngày, tất cả các cơ sở của dòng Nữ Tử Bác Ái truyền giáo chúng
tôi phải cung cấp thực phẩm cho khoảng 9 ngàn người. Bởi lẽ đó, không lạ gì hai
bạn trẻ này muốn dùng khoản tiền họ trao tặng vào mục tiêu trên.
Sau khi giải thích, Mẹ
Têrêxa kể tiếp: thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi: "Hai con có thể cho Mẹ
biết tiền đâu mà hai con có nhiều thế?". Họ trả lời: "Chúng con vừa
cưới nhau hai ngày. Trước ngày cưới, chúng con đã suy nghĩ nhiều và quyết định
không may quần áo cưới, cũng không tổ chức yến tiệc linh đình. Thay vào đó,
chúng con muốn dùng khoản tiền chi phí đám cưới đó để trao tặng cho những người
không được may mắn như chúng con".
Mẹ Têrêxa cắt nghĩa:
"Ở Ấn Ðộ, đối với một người Hindu thuộc giai cấp thượng lưu khá giả, đám
cưới mà không có quần áo cưới và tiệc cưới là điều nhục nhã. Vì thế chắc chắn
mọi người, nhất là những kẻ có họ hàng với cặp vợ chồng trẻ đó đã rất lấy làm
lạ và cho quyết định của họ là một việc tủi hổ cho cả hai gia đình đàng trai
cũng như đàng gái".
Ðể biết rõ thêm, Mẹ
Têrêxa hỏi: "Tại sao chúng con lại quyết định táo bạo như thế, làm phật
lòng cha mẹ, họ hàng?". Hai bạn trẻ đó trả lời: "Chúng con yêu nhau
tha thiết, vì thế chúng con muốn tặng nhau một quà cưới đặc biệt. Chúng con
muốn khởi đầu cuộc chung sống của chúng con bằng một hy sinh mà cả hai đều đóng
góp vào".
Trong
sứ điệp Mùa Chay gửi toàn thể giáo hội, công bố vào ngày 09/02/1988, Ðức Thánh
Cha mời gọi các tín hữu hãy đặc biệt quan tâm đến tình trạng mỗi ngày có hàng
chục ngàn trẻ em trên thế giới bị chết yểu.
Ðức
Thánh Cha nói: "Có những trẻ em chét trước khi chào đời. Nhiều em khác chỉ
sống một thời gian ngắn vì bệnh tật, vì thiếu dinh dưỡng và nhiều khi thiếu cả
tình thương nữa... Các em là nạn nhân của nghèo đói, của những bất công xã hội
làm cho gia đình các em không đủ phương tiện cần thiết để nuôi dưỡng con
cái".
Ngoài
ra, sứ điệp Mùa Chay của Ðức Thánh Cha còn nhắc lại tình thương đặc biệt của
Chúa Giêsu đối với các trẻ em và Ngài mời gọi mọi tín hữu trong Mùa Chay hãy bẻ
gãy xiềng xích của tính ích kỷ và tội lỗi, đồng thời thực thi tình liên đới,
bằng cách chia sẻ với những người túng thiếu. Hãy cho người nghèo không phải
những thứ mình dư thừa, nhưng cả những gì mình cần thiết nữa.
(Lẽ Sống)
Thứ Bẩy 30-3
Thánh Gioan Climacus
(c. 649)
N
|
Lúc đầu, Thánh Gioan bị ma quỷ cám dỗ. Ngài chịu đủ loại cám dỗ và đam mê xấu xa cốt để ngài bỏ cuộc và phạm tội. Nhưng ngài hoàn toàn tín thác nơi Chúa Giêsu và siêng năng cầu nguyện hơn. Do đó, các cám dỗ không bao giờ khiến ngài phạm tội. Thật vậy, càng ngày ngài càng thánh thiện hơn. Ngài trở nên gần gũi với Thiên Chúa đến nỗi sự thánh thiện của ngài được nhiều người biết đến. Họ đến với ngài để xin được hướng dẫn.
Thiên Chúa đã ban cho thánh nhân một ơn sủng lạ lùng. Ngài có thể dẹp tan cơn cám dỗ. Có lần, một người bị cám dỗ khủng khiếp đến xin ngài giúp đỡ. Sau khi thánh nhân cầu nguyện cho ông ta, sự bình an tràn ngập tâm hồn người này. Và sau này ông không bao giờ bị cám dỗ ấy nữa.
Khi thánh nhân được bảy mươi bốn tuổi, ngài được chọn làm đan viện trưởng. Sau đó ngài là bêà trên của tất cả các đan sĩ và ẩn sĩ trong nước. Một đan viện trưởng khác xin thánh nhân viết lại các quy luật mà ngài đã sống trong suốt cuộc đời để các đan sĩ có thể noi theo. Với sự khiêm tốn lớn lao, Thánh Gioan đã viết lại cuốn Ðường Trọn Lành, hoặc Ðỉnh Trọn Lành. Và đó là lý do tại sao ngài được gọi là "Climacus" (Climax=Ðỉnh).
Thánh Gioan từ trần năm 649.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét