Trang

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

CÁC THỜI MỚI CHO CUỘC SỐNG GIÁO HỘI


Các thời mới cho cuộc sống của Giáo Hội

Một số nhận định của Đức Hồng Y Claudio Hummes về Đức Thánh Cha Phanxicô.

Một tháng đã trôi qua kể từ ngày Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Tân Giám Mục của Giáo Hội Roma, kiêm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ. Càng ngày các lời nói và nhất là các cử chỉ của ngài càng thu hút cảm tình của nhiều người. Tên gọi Phanxicô đã khiến cho mọi người ngạc nhiên và cảm phục, vì nó như nói lên tất cả tinh thần và đường hướng mục vụ của Đức Bergoglio.
Trong sứ điệp đăng trên tuần báo ”Công dân” của tổng giáo phận Genova, Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, bầy tỏ niềm vui của giáo phận và của toàn thể Giáo Hội hoàn vũ trước việc Đức Bergoglio được bầu làm Tân Giáo Hoàng. Tên Phanxicô mà Đức Tân Giáo Hoàng chọn vì lòng kính mến thánh Phanxicô thành Assisi là một vinh dự cho đất nước Italia. Đức Hồng Y Bagnasco viết: “Cùng với niềm vui chúng ta bầy tỏ lòng sùng mộ Đức Giáo Hoàng, là đặc tính của Giáo Hội tại Genova. Lời cầu sốt sắng của toàn dân kitô và của các chủ chăn bao bọc Đức Thánh Cha Phanxicô và sẽ tiếp tục nâng đỡ người với lòng trìu mến và ngoan ngoãn lắng nghe huấn quyền và các chỉ dẫn mục tử của của người.
Trong một bài phỏng vấn dành cho tờ “Tiếng vang Bergamo”, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Bộ các Giám Mục, cho biết Đức Bergoglio đã được đại đa số phiếu của các Hồng Y cử tri. Tới phiếu số 77 là phiếu định đoạt, các Hồng Y đã đồng loạt vỗ tay chúc mừng Đức Tân Giáo Hoàng rất lâu. Trong tư cách là Hồng Y cử tri lớn tuổi nhất khi Đức Hồng Y Re hỏi Đức Tân Giáo muốn lấy tên hiệu là gì, thì Đức Bergoglio trả lời ”Tôi sẽ lấy tên là Phanxicô, vì muốn vinh danh thánh Phanxicô thành Assisi”. Đức Tân Giáo Hoàng tỏ ra rất thanh thản và chắc chắn, không mảy may bối rối. Việc chọn tên Phanxicô đã khiến cho các Hồng Y ngạc nhiên, mặc dù đã không có ai xì xèo gì.
Đức Hồng Y Ennio Antonelli, nguyên Tổng Giám Mục Perugia và nguyên Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về gia đình, nêu bật các cung cách hành xử hiền lành và thanh thản của Đức Tân Giáo Hoàng. Với cung cách hành xử đơn sơ của ngài, Đức Phanxicô sẽ là một vị Giáo Hoàng được lắng nghe, kể cả bởi những người không đồng ý với Giáo Hội. Đức Hồng Y Antonelli nói ngài đã ước mong Đức Tân Giáo Hoàng là một con người của Thiên Chúa một cách hữu hình, trong sáng và mạnh mẽ. Và Đức Bergoglio là con người ấy. Người dân muốn trông thấy Chúa Kitô, bởi vì chỉ nghe nói đến Chúa thôi thì không đủ.
Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo ”Người đưa tin chiều” Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh văn hóa, cho biết trong Mật Nghi Hồng Y đã xuất hiện một Giáo Hội nhanh chóng có các quyết định sau các căng thẳng cuối cùng. Một Giáo Hội có khả năng gây ngạc nhiên, và cung cách truyền thông đơn sơ, rõ ràng, trực tiếp và vì thế, có ảnh hưởng, để lại trong con tim một dấu chỉ sâu xa và không thể xóa nhòa được.
Sau đây là một số nhận định của Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brasil, dòng Anh em hèn mọn Phanxicô, về Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Hồng Y Hummes đã cùng với Đức Hồng Y Agostino Vallini xuất hiện trên bao lơn đền thờ Thánh Phêrô cùng với Đức Tân Giáo Hoàng để chào tín hữu đứng dưới quảng trường.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y giải thích đặc ân này như thế nào?
Đáp:
Đây đã đơn sơ là ý muốn của Đức Tân Giáo Hoàng, nhưng là một cử chỉ tự phát. Trong nhà nguyện Sistina, khi các Hồng Y bắt đầu rước Đức Tân Giáo Hoàng ra bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin Đức Hồng Y Giám Quản Roma đứng gần ngài, rồi ngài quay qua tôi và nói: ”Xin đến, tôi muốn Đức Hồng Y đứng gần tôi, vì Đức Hồng Y đã luôn luân gần gũi tôi”. Và thế là tôi đã đứng bên ngài.
Hỏi: Sự kiện Đức Hồng Y thuộc dòng Phanxicô và Đức Thánh Cha lại chọn tên là Phanxicô có liên quan gì với nhau không?
Đáp:
Việc Đức Thánh Cha chọn tên là Phanxicô đã khiến cho tất cả mọi người, kể cả các Hồng Y chúng tôi, rất ngạc nhiên. Có lẽ đó cũng đã là một lý do khác khiến cho Đức Thánh Cha muốn tôi đứng gần ngài. Tôi không biết, nhưng tôi đã rất sung sướng về sự kiện này.
Hỏi: Đức Hồng Y đã có cảm tưởng nào, khi trông thấy quảng trường thánh Phêrô đầy tín hữu như thế?
Đáp:
Đó đã thật là một điều ngoại thường. Và sự đơn sơ, lòng khiêm tốn cũng như sự sâu sắc của các sứ điệp của Đức Tân Giáo Hoàng cũng rất là ngoại thường. Thế rồi, ngài còn xin dân chúng cầu xin Chúa cho ngài nữa, bởi vì đúng thật là các chủ chăn cần các phước lành của Chúa và lời cầu nguyện của đân chúng. Rồi cả việc chọn tên Phanxicô nữa, là một tên gọi đầy các ý nghĩa và sứ điệp. Một tên gọi duy nhất trong lịch sử của các Giáo Hoàng. Ngài đã chọn nó và điều này có gía trị hơn biết bao nhiêu bút tích và các diễn văn. Tất cả mọi người đều đã hiểu điều này. Trong nghĩa nó thúc đẩy thử nghiệm các phương pháp mới trong việc rao truyền Tin Mừng, như Đức Tân Giáo Hoàng đã nói với các Hồng Y, và nó mở ra các con đường mới cho cuộc sống của Giáo Hội.
Hỏi: Mở ra các con đường mới cho Giáo Hội trong hướng nào, thưa Đức Hồng Y?
Đáp:
Trước hết về một Giáo Hội đơn sơ hơn, nghèo hơn, và nhất là đối với các người nghèo. Trao ban cho người nghèo chỗ đứng mà Chúa Giêsu đã dành để cho họ: thật ra chính họ là những người đầu tiên được lãnh nhận Tin Mừng và tình yêu thương của Giáo Hội.
Hỏi: Đức Hồng Y đã từng là chủ chăn trong nhiều năm bên Brasil, tại Santo André, Fortalezza và Sao Paolo, nhưng cũng đã có một vai trò trách nhiệm trong các Cơ Quan Trung Ương Tòa Thánh, như là Tổng trưởng Bộ giáo sĩ. Đức Hồng Y có cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ mở ra một cánh cửa mới, cả trong cấu trúc cai guản trung ương của Giáo Hội hay không?
Đáp:
Đề tài các Cơ Quan Trung Ương Tòa Thánh đã được các Hồng Y chúng tôi thảo luận rất nhiều trong các phiên nhóm khoáng đại, trước Mật Nghị. Rất nhiều Hồng Y chờ mong một cải tổ Trung Ương Tòa Thánh, và tôi khá chắc chắn là Đức Tân Giáo Hoàng sẽ làm điều này, và sẽ làm dưới ánh sáng Lời Chúa, tính cách nền tảng, sự đơn sơ và khiêm tốn, như Tin Mừng đòi hỏi. Luôn luôn theo dấu chân của thánh Phanxicô mà ngài đã chọn làm tên gọi. Thánh Phanxicô đã có một tình yêu lớn lao đối với Giáo Hội phẩm trật, đối với Giáo Hoàng. Thánh nhân đã muốn rằng các tu sĩ của dòng là công giáo, và tuân phục ”Ngài Giáo Hoàng” như thánh nhân đã nói.
Hỏi: Nhiều người đã nhấn mạnh sự kiện Đức Phanxicô đã nêu bật việc ngài là Chủ Chăn của Giáo Hội đại đồng trong cương vị là Giám Mục Roma, Đức Hồng Y nghĩ sao?
Đáp:
Điều này nói với chúng ta về tính cách Giám Mục Đoàn, về ý nghĩa cao cả của tình huynh đệ của Đức Giáo Hoàng đối với các Giám Mục. Đức Phanxicô cảm thấy ngài là một người trong Giám Mục Đoàn, nhưng cũng là thủ lãnh của Giám Mục Đoàn này. Và ngài đã nhấn mạnh một cách đúng đắn cả hai khía cạnh của Giám Mục Đoàn, cũng như sự hiệp nhất và sự khác biệt của nó.
Hỏi: Đức Hồng Y nghĩ sao về sự kiện Đức Thánh Cha Phanxicô là Giáo Hoàng đầu tiên người châu Mỹ Latinh?
Đáp:
Và châu Mỹ Latinh đã rất vui sướng về sự lựa chọn này. Nhưng toàn thể Giáo Hội đều vui sướng, vì sự lựa chọn này đã chứng minh cho thấy hơn nữa rằng Giáo Hội công giáo thật sự đại đồng. Giáo Hội không phải là một thực thể âu châu có cành ở nơi khác. Giáo Hội đã luôn luôn là như vậy, nhưng việc lựa chọn một vị Giáo Hoàng ”trong vùng ngoại ô” của thế giới cho tất cả mọi người thấy rằng Giáo Hội là một thực thể đại đồng trong cả các sự kiện nữa.
Hỏi: Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013 sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro bên Brasil vào tháng 7 và tháng 8 tới đây. Đức Hồng Y hình dung ra cuộc găp gỡ này của Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ như thế nào?
Đáp:
Tôi chắc chắn là Đức Thánh Cha sẽ đi Rio de Janeiro, mặc dù chưa có xác nhận rõ ràng nào, nhưng tôi biết ngài muốn đi. Đức Thánh Cha sẽ ban tặng cho Brasil và toàn thế giới ơn và niềm vui lớn lao này, bởi vì sẽ có sự hiện diện của rất nhiều bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Và tôi tin rằng vì tò mò, sẽ không chỉ có các bạn trẻ nam nữ, mà cả những người ít trẻ hơn nữa.
Hỏi: Đức Hồng Y quen biết Đức Thánh Cha Phanxicô một cách cá nhân, Đức Hồng Y định nghĩa ngài là người như thế nào?
Đáp:
Ngài là một người có một nền tu đức, và cầu nguyện rất sâu xa, sống vì Phúc Âm, và sống tương quan của ngài với Chúa Giêsu Kitô với sự đơn sơ, sâu thẳm. Thật thế, một người càng đến gần Thiên Chúa, thì cuộc sống tinh thần của người đó càng trở thành đơn sơ. Thế rồi, trong những ngày này, ngài đã có cách cho tất cả mọi người thấy sự thanh thản rất lớn trong tâm hồn. Rồi Đức Thánh Cha đã chào các Hồng Y chúng tôi từng người một, ngài đã làm điều đó với tất cả sự tự nhiên, như thể đã không có gì ngoại thường xảy ra đối với ngài, mặc dù ngài rất hiểu biết điều gì đã xảy ra đối với mình. Bởi vì khi một Hồng Y được bầu làm Giáo Hoàng, thì chính Thiên Chúa xức dầu cho ngài.
Hỏi: Đức Hồng Y có thấy xem ra mâu thuẫn đó là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử thuộc Dòng Tên và cũng là người đầu tiên mang tên gọi Phanxicô hay không?
Đáp: Đúng thế. Đức Thánh Cha thuộc Dòng Tên, nhưng đã là Tổng Giám Mục Buenos Aires, nơi ngài đã yêu thương dân chúng và người nghèo. và được mọi người yêu lại. Chính ở đó đã nảy sinh ra Phanxicô.
(Avvenire 16-3-2013)
Linh Tiến Khải
(Vatican 2013-04-13)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét