Ngày 30/04/2013
Thứ Ba Tuần V Mùa Phục Sinh
Năm C
BÀI ĐỌC I: Cv 14, 18-27 (Hl 19-28)
"Các ngài thuật
cho giáo đoàn nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong
những ngày ấy, có mấy người Do-thái từ Antiôkia và Icôniô đến xúi giục dân
chúng. Họ ném đá Phaolô, và tưởng rằng Phaolô đã chết, nên kéo ngài ra bỏ ngoài
thành. Nhưng đang khi các môn đồ đứng xung quanh ngài, ngài liền chỗi dậy đi
vào thành, và hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Đerbê. Khi đã rao giảng Tin
Mừng cho thành này và dạy dỗ được nhiều người, các ngài trở lại Lystra, Icôniô
và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà
rằng: "Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên
Chúa". Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay
cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Đấng họ tin theo.
Sau
đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại
Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước
đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn
thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên
Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin.
Các ngài còn ở lại đó với môn đồ trong một thời gian lâu dài. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 12-13ab.
21
Đáp: Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa
(x. c. 12a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công
cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài.
Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. -
Đáp.
2)
Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước
Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Đáp.
3)
Miệng tôi hãy xướng lời ca ngợi khen Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng
danh Chúa tới muôn đời. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 16, 28
Alleluia,
alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, bây giờ Thầy lại bỏ
thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 14, 27-31a
"Thầy ban bình an
của Thầy cho các con".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy để lại bình an cho các
con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế
gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy
nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu
mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn
Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra,
thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian
đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng
Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Thầy Ban Bình
An Cho Các Con
Trong
suốt thời kỳ thế chiến II, nhiều lần thành phố Luân Ðôn bị không lực của Ðức
Quốc Xã dội bom bắn phá. Nhưng trong lần nặng nhất, sau trận bom, thành phố
chìm ngập trong biển lửa. Nhìn thành phố đang mất dạng sau tấm màn tang trong
khói lửa, một cụ già 80 tuổi đang than khóc trong tuyệt vọng: "Phải chăng
tất cả đã sụp đổ, không còn một chút gì hy vọng?" Như đáp lời cho cụ già,
một luồng gió thổi đến đẩy bạt màn khói, vậy là trong phút chốc cây Thánh Giá
của nhà thờ thánh Phaolô đã hiện ra trước mắt ông. Nhìn thấy cây Thánh Giá và
tháp chuông của nhà thờ còn nguyên vẹn. Bao lâu tuyệt vọng chợt tan biến nhường
chỗ cho niềm vui. Một niềm vui khó tả thành lời mà cụ già bỗng cảm nghiệm được
rằng: trong thế giới đang bị xâu xé bởi nanh vuốt sự dữ vẫn còn một nơi để
nương tựa, vẫn còn một quyền lực lớn lao hơn vượt ra ngoài vòng kiểm soát của
sự dữ.
Anh
chị em thân mến!
Biết
rằng, sau khi Ngài ra đi, các môn đệ sẽ rơi vào cảnh buồn lo tuyệt vọng, nên
Chúa Giêsu đã hứa ban bình an cho họ. Bình an của Ngài là bình an gì? Ðó là một
thứ bình an không như bình an của thế gian. Lời xác quyết của Chúa Giêsu hôm
nay cho chúng ta hiểu thêm những gì đòi hỏi nơi những kẻ muốn theo Ngài. Ngài
đến đem chiến tranh, chia rẽ và chống đối, kẻ theo Ngài sẽ bị ghét bỏ và bị
bách hại. Vậy mà chỉ bước theo Ngài, con người mới thực sự được bình an. Nói
cách khác, bình an của Chúa Giêsu là bình an Thập Giá, bình an trong tận hiến
và trao ban. Có tranh chấp vì con người cứ muốn giữ lấy thành kiến dù cho đã
hoàn toàn sai lầm. Có xung đột, vì con người bắt buộc kẻ khác đứng vào lập
trường của mình. Có chiến tranh, vì nước giàu mạnh muốn nước hèn yếu phải làm
chư hầu mình.
Thế
giới đã, đang và sẽ tìm kiếm hòa bình. Cuộc tìm kiếm này sẽ chẳng bao giờ kiếm
được mục đích nếu không dõi theo con đường Thập Giá của Chúa Giêsu. Cuộc khổ
nạn của Chúa Giêsu không phải là một thất bại, nhưng là chiến thắng. Chẳng phải
Chúa Giêsu không đủ quyền lực để chiến thắng, vì dù cho thủ lãnh thế gian cũng
không có quyền lực gì đối với Ngài. Thế mà Ngài đành chịu để khuất phục. Khuất
phục để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa Cha. Khuất phục vì yêu mến Thiên Chúa
Cha. Còn gì đớn đau cho bằng phải nhận chịu thua thiệt ưu thế đang nắm trong
tay. Thế nhưng, đây là con đường dẫn đến bình an.
Muốn
được bình an của Chúa Giêsu ban, người môn đệ ngày hôm nay cũng chẳng còn cách
thế nào khác hơn là biết tự hiến và trao ban vì tình yêu. Theo Chúa Giêsu, họ
phải đương đầu với những giằng co tranh chấp trong tâm hồn và bên ngoài cuộc
sống. Với cái nhìn thế gian, họ đã lãnh phần thua thiệt cho các giằng co tranh
chấp này. Thế nhưng, đây lại là các sao chép, các thua thiệt của Chúa Giêsu
ngày xưa trên Thập Giá, để rồi cuối cùng phần thưởng nhận được là chính sự bình
an.
Có
thể trước các sao chép, con người luôn lo âu xao xuyến. Thế nhưng, Chúa Giêsu
đã được bình an khi Ngài hoàn toàn hành động theo thánh ý Chúa Cha. Vì thế, tâm
hồn người tín hữu cũng sẽ được bình an khi họ biết thưa "Xin Vâng"
trước chén đắng cuộc đời.
Lạy Chúa, xin cho con
biết kiếm tìm sự bình an tự chính Thập Giá của Chúa. Ðối với Thập Giá, với đau
khổ, chắc chắn con sẽ lo âu, xao xuyến, nhưng nếu con hiểu được rằng đâu là cơ
hội để con biết tận hiến và trao ban, con sẽ an tâm vững bước theo con đường
Chúa đã đi. Bao lâu còn thu góp về cho mình là bấy lâu tâm hồn con còn bị khuấy
động, chỉ khi biết cho đi con mới nhận được nguồn bình an đích thực của Chúa.
Amen.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần V PS
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải qua gian khổ mới đạt tới vinh quang.
Như
người nhà nông phải vất vả cầy bừa, giầm mưa, dãi nắng, thì hạt giống gieo
xuống mới mang lại mùa màng; đức tin của các tín hữu có được là do sự miệt mài
rao giảng của các nhà truyền giáo. Họ không ngại đường sá xa xôi, cách trở;
phải chịu đựng bao nguy hiểm, bắt bớ, ghen tị, tù đày, ném đá ... để gieo vãi
hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và chờ ngày hạt giống đức tin được sinh
hoa kết trái.
Các
Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những điều này. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường
thuật những khó khăn và bách hại mà Phaolô và Barnabas phải trải qua trong hành
trình rao giảng đức tin cho Dân Ngoại; nhưng hai ông vẫn kiên trì chịu đựng, đi
từ thành này qua thành khác để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và
thiết lập các giáo đoàn địa phương. Khi trở về Antioch , các ông tập họp Hội Thánh và tường
trình những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai ông. Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa
Giêsu biết trước bao nhiêu gian khổ đang chờ Ngài trong Cuộc Thương Khó sắp
tới, Ngài vẫn can đảm tiến tới để đương đầu. Ngài khuyên các môn đệ đừng xao
xuyến và sợ hãi vì Ngài sẽ ban bình an cho các ông, và bảo đảm quyền lực thế
gian sẽ không thắng được quyền lực của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.
1.1/
Phaolô đi đâu, người Do-thái theo ông tới đó: "Bấy giờ có những người Do-thái từ Antioch và Iconium đến
Lystra, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phaolô rồi lôi ông ra ngoài
thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng
dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Derbe cùng với ông Barnabas."
Chúng
ta thấy sự nhẫn nhục, chịu đựng đau khổ của Phaolô trong việc rao giảng Tin
Mừng: vừa thu nhận được chút kết quả là đối phương theo tới quấy phá; vừa bị
đối phương ném đá gần chết lại chỗi dậy đi qua thành khác rao giảng Tin Mừng.
Điều
chúng ta học được nơi Phaolô và Barnabas trong việc truyền giáo là phải trở lại
thăm viếng và củng cố các giáo đoàn địa phương mình đã thành lập để củng cố
tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói:
"Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa."
1.2/
Phaolô và Barnabas hoàn tất cuộc hành trình thứ nhất: Trong cuộc hành trình
này, hai ông bắt đầu từ Antioch của Syria đến Salamis và Paphos của đảo Cyprus,
đến Perga, Antioch của Pisidia, đến Iconium, Lystra, Derbe, và theo đường cũ
trở lại Perga, rồi từ Perga đến Attalia, trở về Pergha và dùng thuyền trở về
Antioch của Syria. Đây là cuộc hành trình ngắn nhất trong 3 cuộc hành trình của
Phaolô rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Ông đã đi qua tất cả 8 thành. Trong
mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu
nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.
Khi
trở về Antioch ,
hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với
hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin. Rồi hai
ông ở lại một thời gian khá lâu với các môn đệ trước khi bắt đầu cuộc hành
trình thứ hai.
2/
Phúc Âm: Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em
tin.
2.1/
Bình an của Thiên Chúa: Biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, và biết trước những gì sẽ xảy
đến cho các môn đệ, Chúa Giêsu để lại một báu vật cho các môn đệ: "Thầy để
lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh
em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi." Đây
cũng là món quà các thiên sứ reo vang trong Ngày Chúa sinh ra: "Vinh danh
Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm."
Chúa
Giêsu nhấn mạnh sự khác biệt giữa sự bình an của Thiên Chúa và của con người.
Bình an của Thiên Chúa đến từ trong tâm hồn con người; trong khi sự bình an của
thế gian đến từ bên ngoài. Bình an của Thiên Chúa ban không bao giờ mất được;
trong khi sự bình an của thế gian rất mong manh và dễ vỡ. Chúng ta có thể nhận
ra điều này qua các cuộc chiến tranh tương tàn, và chúng luôn đe dọa con người.
Bình
an của Chúa Giêsu được bảo đảm bởi Thiên Chúa. Ngài tạm rời các môn đệ để về
cùng Cha trong ít ngày; nhưng Ngài lại trở lại với các môn đệ sau Cuộc Thương
Khó và Phục Sinh. Sự bình an các ông có được là sau khi chứng kiến tất cả những
điều này: Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng thần chết, và đang ngự nên hữu Chúa Cha
trên trời để luôn bầu cử cho các ông, thì chẳng còn gì sợ hãi nữa; và vì thế,
các ông luôn có bình an.
2.2/
Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Sống trong thế gian, Chúa Giêsu và các môn đệ
sẽ bị thế gian ghét bỏ và truy tố, vì không sống theo tiêu chuẩn và đường lối
của thế gian. Chúa Giêsu biết thế gian sắp sửa truy tố Ngài, và nó cũng sẽ truy
tố các môn đệ của Ngài, nên Ngài nói với các môn đệ: "Thầy sẽ không còn
nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ Lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không
làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu
mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi
khỏi đây!"
Thế
gian tưởng khi họ tiêu diệt Chúa Giêsu là họ đã dùng sức mình để chiến thắng;
nhưng sự thật là họ đang thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn Chúa Giêsu
chịu đau khổ để gánh tội và mang lại sự sống đời đời cho con người. Khi Chúa
Giêsu sống lại vinh hiển, thế gian sẽ sững sờ kinh ngạc, vì những gì họ tưởng
đã chiến thắng, nhưng giờ bị thua thiệt, vì các tín hữu không còn sống nô lệ
cho họ nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Đức tin là một gia sản vô giá mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta qua sự cố
gắng vượt bực của các nhà truyền giáo. Họ đã bỏ gia đình và quê hương, chấp
nhận bao nhiêu đau khổ và nghiệt ngã của các xứ truyền giáo để trao cho chúng
ta món quà quí giá này. Chúng ta đừng khinh thường nó.
-
Bổn phận của chúng ta là gìn giữ và củng cố đức tin này sao cho ngày càng lớn
mạnh, và cố gắng hết sức để trao lại cho con cháu và những người chúng ta có
trách nhiệm. Nếu chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không, chúng ta cũng phải
rộng rãi cho đi cách nhưng không.
-
Riêng với con cháu Việt-nam, chúng ta biết để bảo vệ đức tin này, các nhà
truyền giáo và cha ông chúng ta đã phải đổ máu và chịu đựng biết bao bắt bớ,
roi đòn, tù đày, tủi nhục. Hãy sống đức tin làm sao cho xứng đáng với giá máu
ấy.
Lm.An-tôn Đinh Minh
Tiên, OP.
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 5 PHỤC SINH
Ga 14,27-31a
A. Hạt giống...
Bài giáo lý thứ 9 : Về bình an Chúa ban
Những lời này Chúa Giêsu nói với các môn đệ
trong hoàn cảnh Ngài sắp ra đi chịu nạn chịu chết. Trong lúc các ông đang hoang
mang sợ hãi như thế mà Chúa Giêsu lại nói "Thầy để lại bình an cho các
con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con". Như thế, thứ bình an này hẳn
là đặc biệt :
- Nó không giống thứ "bình an mà thế
gian ban tặng"
- Nó dựa trên căn bản là lòng yêu mến đối
với Chúa, và niềm tin tưởng rằng Chúa có đi rồi cũng sẽ trở lại.
B.... nẩy mầm.
1. Bình an của Chúa Giêsu mang đến không
phải là thứ bình an mà thế gian ban tặng. Bình an của thế gian thường chỉ là
đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thỏa hiệp. Bình an Chúa mang đến
chỉ có thể có được bằng một giá đắt : nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất
mát, có khi cả mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt
lên như Thánh Phaolô "Lương tâm tôi không trách cứ tôi điều gì"
("Mỗi ngày một tin vui")
2. Còn gì quý hơn một cuộc sống mà tâm hồn
luôn bình an thư thái. Bởi thế chúng ta có thể đề ra cho mình cả một chương trình
sống mà mục tiêu là tạo dựng và gìn giữ bình an trong tâm hồn :
- Làm tất cả những gì có thể mang lại bình
an cho mình và cho anh chị em.
- Tránh gây ra xung đột, va chạm
- Tìm cách hóa giải và hòa giải mọi mầm
mống có thể gây bất an
- Nhất là tránh tội lỗi là thứ làm xáo trộn
tâm hồn mình nhiều nhất.
3. Một lần được phỏng vấn trên đài truyền
hình, mẹ Têrêsa trực diện với một kẻ hỏi cắc cớ : "Bà yêu thương người
nghèo, điều đó rất tốt. Nhưng còn biết bao những người giàu có của Vatican và của giáo hội thì sao ?"
Mẹ nhìn thẳng vào người phỏng vấn và nói :
"Thưa ông, ông không phải là người hạnh phúc. Có những điều đang xâu xé
ông. Ông không có một chút bình an trong lòng".
Lời đó làm ông xụ mặt. Và Mẹ tiếp tục khiến
ông thêm quặn đau : "Ông nên có niềm tin tưởng".
- Làm thế nào tôi có được niềm tin ?
- Ông nên cầu nguyện.
- Nhưng tôi không thể cầu nguyện.
- Tôi sẽ giúp ông. Nhưng phần ông, ông nên
cho những người xung quanh nụ cười. Một nụ cười làm ông gần những người
khác. Nó mang sự thật về Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta. (Góp nhặt)
4. "Thầy để lại bình an cho anh em.
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian
ban tặng"
Michael Jackson, một ca sĩ nhạc Rock, anh
đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Bây giờ, ước mơ của anh là được sống đến 105
tuổi. vì thế, anh chẳng ngại thuê trực thăng đem khí ôxy từ đỉnh núi cao, bơm
đầy phòng kính nơi anh ở, để tránh mọi sự ô nhiễm.
Tôi tự hỏi : "Liệu anh có thực sự an
toàn và bình an nơi phòng kín ?"
Vâng, Lạy Chúa, có nhiều lần con tự trấn an
mình bằng những gì mình có, con chiếm hữu và lo giữ lấy. Trước bạn bè, con giả
vờ như rất an tâm giữ những ồn, ào, huyên náo, nhưng thật sâu bên trong : tâm
lại chẳng an.. Xin ban cho con bình an của Chúa, thứ bình an mà không đau khổ
nào có thể chạm tới, bình an của một tâm hồn luôn sống trong sự thật. (Epphata)
5. (những mầm khác)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
30/04/13 THỨ BA TUẦN 5
PS
Th. Piô V, giáo hoàng
Ga 14,27-31a
Th. Piô V, giáo hoàng
Ga 14,27-31a
KHÔNG THEO KIỂU THẾ GIAN
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an
của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến
cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27)
Suy niệm: “Ai trong đời mà không sợ, sợ
thì sợ, mà đi thì đi...”. Câu “nhạc chế” của những người hay “lai rai” phản ánh
phần nào tâm trạng của nhiều người thời nay. Phải, chúng ta dễ cảm thấy bất an,
xao xuyến vì trong cuộc sống nhiều thách đố, căng thẳng, với những đòi hỏi của
bổn phận, những trách nhiệm phải gánh vác, và vì thế ta muốn “náu thân” trong
lớp vỏ an toàn nào đó, “ngủ quên” trong những thú vui tạm bợ, hoặc buông mình
thoả mãn những thú vui ích kỷ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, đó không phải là
những thứ mang lại bình an sâu xa và đích thực. Đức Kitô giải thoát chúng ta
khỏi mọi thứ xao xuyến khi Ngài hứa ban cho chúng ta “bình an của Chúa,” thứ bình an không theo kiểu thế
gian.
Mời Bạn: Bình an đích thực theo kiểu của
Chúa không phải là thứ bình an “vắng bóng chiến tranh” hoặc “chuẩn bị cho chiến
tranh.” Gương Chúa Giêsu cho thấy trong giờ phút khổ đau nhất, Ngài vẫn tràn
ngập bình an, bởi vì Ngài luôn tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha và ý thức
rằng Ngài đang thực hiện Thánh Ý Chúa Cha. Đó chính là thứ “bình an” mà Chúa
muốn ban cho ta.
Chia sẻ: Bạn có khi nào cảm nghiệm “bình an của Chúa” trong cuộc sống của bạn chưa?
Mời bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Dành vài phút thinh lặng trong
giờ kinh tối gia đình để hồi tâm và xin Chúa ban ơn bình an.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con
luôn xác tín rằng trong mọi thử thách, chúng con sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu
mến chúng con (Rm 8,37).
Bình
an cho anh em
Đời
sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió, nhưng là bình an
giữa những sóng gió. Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu.
Suy niệm:
Con người thời nay gần như có mọi sự. Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan
trọng, đó là bình an ở nơi tâm hồn. Nhiều
người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử. Có người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy
lạc. Gia đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị,
ngoại tình.
Con người nôn nóng đi tìm bình an. Có người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn
giản là tập thở.
Bình an phải chăng chỉ là kết quả của cố gắng
từ phía con người? Tự sức con người có thể tạo ra
bình an cho mình, gia đình và thế giới không? Khi thấy
các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi, Đức Giêsu đã nói câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong
mỗi Thánh lễ.
“Thầy để
lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (c. 27). Bình an là quà tặng cao
quý của Thầy Giêsu khi Thầy sắp trở về với Cha qua
cái chết thập giá (c. 28). Bình an cũng là quà tặng của Chúa
Giêsu phục sinh khi Ngài hiện ra cho các môn đệ
đang đóng cửa vì sợ hãi: “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26). Như thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái
chết của Thầy. Đời sống Kitô hữu được bình an
không phải vì không gặp sóng gió, nhưng là bình
an giữa những sóng gió. “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ
phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Bình an của
chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu. “Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37). Đức Giêsu nhìn nhận thế
gian có khả năng ban cho chúng ta bình an. Nhưng Ngài
phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài. Chúng ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự vững bền
mong manh của tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không? Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong mỗi
Thánh lễ có thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta
không?
Cầu nguyện:
Giữa những ồn ào của đám đông,giữa những sôi nổi của thành công và ê chề của thất bại, xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng, giữa những khát khao thèm muốn và những trói buộc của sợ hãi, âu lo, xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước, giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông, chẳng có ai để cậy dựa, xin trở về với cõi riêng bên Giêsu, để một mình ở đó, trầm lắng và bình an.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy
niệm Ga 14,21-26
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống một
lòng trung tín đối với Thiên Chúa. Một sự trung tín được đặt trên nền tảng của
lòng yêu mến: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”. Sự trung tín này lệ
thuộc vào mối quan hệ tình cảm của chúng ta đối với Thiên Chúa. Nếu không, sự
trung tín chỉ là bề mặt mà thôi: luật dạy gì chúng ta làm vậy. Luật cấm
thế nào thì chúng ta không làm thế ấy v..v…
Chúng ta đừng bao giờ quên điều này, lòng
trung tín của chúng ta sẽ được Thiên Chúa đáp lại bằng cách Ngài sẽ đến ở trong
chúng ta: “Cha Thầy sẽ yêu mến, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người
ấy”. Thiên Chúa luôn hiên diện và ở trong những tâm hồn dành chỗ cho Ngài,
nơi mà tình yêu và lòng trung tín gặp nhau.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vào
Chúa, chúng con yêu mến Chúa, chúng con trông cậy Chúa. Chúa yêu chúng con ngay
trong những yếu đuối và bất trung. Chúa cũng không cưỡng bách chúng con chấp
nhận sự hiện diện của Ngài. Xin đổ đầy lòng chúng con sự khao khát yêu mến Chúa
mỗi ngày một hơn, để lòng trung tín sẽ là niềm hạnh phúc đích thực của chúng
con trong mỗi ngày sống. Amen
Dmp
Hiệp nhất và bình an
Các
môn đệ ngày xưa đã được nghe Chúa Giêsu chia sẻ tâm tình của Ngài khi Ngài cùng
với các ông ngồi bên cạnh nhau trong bữa tiệc ly. Chúng ta cũng đã nghe lại
những lời thân thương đó mỗi khi chúng ta cùng với Ngài và với nhau dâng Thánh
Lễ. Giáo Hội đặt để những lời thân thương ấy sau kinh Lạy Cha và trước khi
chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta chứng minh được bao bọc
trong bình an của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhất là chúng ta đã
dọn lòng mình đủ để có Chúa ngự trong lòng chúng ta.
Dĩ
nhiên, Chúa Giêsu thực sự tin rằng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô không chấp
nhất gì tội lỗi của chúng ta mà dựa trên đức tin của Giáo Hội, của cộng đoàn
dân Chúa đã ban cho chúng ta, cho Giáo Hội được ơn hiệp nhất và bình an. Chắc
chắn là Giáo Hội rất rõ điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy ban cho
các con không như thế gian ban tặng". Và chúng ta cũng phải hiểu được điều
đó để hân hoan với bình an mà Chúa ban cho chúng ta. Thế gian là gì trong nhãn
quan của thánh Gioan.
Thế
gian là ma quỉ, là mãnh lực của ma quỉ, là thế giới của ma quỉ, là tất cả những
con người và những sinh hoạt đồng lõa với ma quỉ. Bình an của thế gian này ban
tặng là bình an có được do vũ lực, do đàn áp, do chiến tranh, do mưu mô xảo
quyệt, do tội ác, do chiếm đoạt và đe dọa, mong manh biết bao sự bình an tạm bợ
này, chỉ cần một vài thay đổi rất ư là đơn giản thì cũng đủ để cho người ta mất
đi bình an và lại rơi vào hoảng sợ, vào dằn vặt. Ma quỉ và đồng lõa của ma quỉ
vốn dĩ rất quen thuộc với chiến lược trở mặt như trở bàn tay, và vì thế không
ít những người trở thành nạn nhân của sự bình an do chúng tạo nên. Còn bình an
của Chúa ban cho lại là sự bình an của những người được tha thứ tất cả. Bình an
của một con người thấy thanh thản trong thân xác và nhẹ nhàng trong tâm hồn.
Bình an của một cuộc đời có Thiên Chúa. Sự bình an bất chấp những khó khăn, bất
chấp mọi thử thách. Sự bình an của một con người không thấy hổ thẹn gì khi
ngước mắt nhìn lên trời, đưa mắt nhìn chung quanh và nhắm mắt lại nhìn vào
chính mình.
Lạy
Cha chí thánh, là con người ai cũng khao khát bình an và có rất nhiều người
thấy hãnh diện vì sự an toàn nhất thời họ có được ở trần gian này, khi họ dựa
cậy vào quyền lực hoặc là do một con người hay của một nhóm người, thực tế cho
thấy bình an ấy quá mong manh. Các con cảm tạ Cha vì sự bình an ban cho chúng
con qua Chúa Giêsu và với tác động của Chúa Thánh Thần. Sự bình an của Ðấng bị
bắt, bị tra tấn, bị bỏ mặc, bị coi là điên khùng và bị treo lên giữa những tử
tội trộm cướp, ngày thứ ba Ngài đã sống lại. Chúng ta thật hạnh phúc vì có được
sự bình an ấy.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG TƯ
Nghe Theo Tiếng Người Mục Tử
Sứ mạng của Đức Kitô bao gồm một sự
hiểu biết cụ thể về những ai thuộc về Người. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi.
Tôi biết chúng” (Ga 10,27). Đây là một sự hiểu biết đến từ đức tin và sự tín
nhiệm. Thực vậy, người mục tử là người duy nhất mà đàn chiên tín nhiệm. Đó là
lý do tại sao chiên đi theo người ấy. Người ấy biết chính xác từng con chiên.
Mỗi con chiên đều ở trong tâm tư của người ấy. Và chỉ người ấy mới có thể trả
giá cho mỗi con chiên.
Giá ở đây, với Đức Kitô, là Thập
Giá: “Người mục tử thí mạng mình vì chiên”. Đức Kitô biết rằng chiên của Người
được định liệu để chia sẻ sự sống vĩnh cửu trong Người: “Chúng theo tôi. Và tôi
ban cho chúng sự sống đời đời.” (Ga 10,27-28).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
30/4 - Thánh Piô V giáo hoàng
Cv
14, 19-28; Ga 14, 27-31a.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy để
lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh
em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga
14,27).
Trước
đây, cứ mỗi lần các Tông Đồ được sai đi theo lệnh của Chúa Giêsu, Ngài thường
căn dặn hãy chúc bình an cho những nhà, những thành mà các ông đến, nếu họ đáng
được hưởng sự bình an thì sự bình an ấy ở lại với ho , nếu không thì sự bình an
sẽ trở lại với các con. Giờ đây, các Tông Đồ đang đứng trước những lo âu và sợ
hãi. Chúa Giêsu biết nên Ngài để lại bình an của Ngài cho các ông, không những
thế Ngài còn ban bình an của Ngài với quyền năng ban phát và quyền năng thực
hiện của Ngài. Ước gì mỗi một người của chúng ta luôn xin ơn bình an, và biết
đón nhận ơn bình an, để cam đảm sống với những thử thách trong hiện tại, vượt
qua những lo âu để được vui sống.
Mạnh
Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 30/04 - Thánh PIÔ
V
Giáo Hoàng (1504 -
1572)
Thánh
Piô V chào đời vào ngày lễ thánh Antôn năm 1504 tại Boscô, là con của ông Paolô
và bà Đômen icaghisieri. Gia đình nghèo túng, Ngài phải đi chăn chiên. Khi một
người láng giềng giàu có muốn trả giúp lệ phí học hành thì Ngài được gởi tới
trường Đaminh ở Bôscô. Mười bốn tuổi Ngài nhập dòng và được mang tên là Micae.
Năm 1528, thụ phong linh mục ở Ghenoa. Ngài đã dạy triết học và thần học một ít
năm trong nhà dòng ở Pavia .
Năm
1543, khi ở nhà mẹ dòng Đaminh Ngài đã nỗ lực trong việc bảo vệ uy quyền của
tòa thánh. Ngài được đặt làm ủy viên tòa án tôn giáo ở địa phận Pavia , rồi ở Bergamô và
Cômô. Các hoạt động của Ngài ít được biết đến và bị chỉ trích nhiều. Một số lớn
sách ủng hộ lạc giáo bị tịch thu để ở tại Milan
và đưa về Rôma là nơi thánh nhân đã thắng cuộc và được Đức Hồng y Caraffa quí
mến. Năm 1551, theo sự yêu cầu của Đức Hồng y, Ngài được Đức Giáo hoàng Giuliô
III triệu về Rôma để làm Tổng Uy viên tòa án tôn giáo. Cùng năm này, Đức Hồng y
Caraffa được bầu làm giáo hoàng.
Năm
sau Đức tân giáo hoàng Phaolô IV đặt cha Micae Ghisleri làm giám mục Sutri và
Nêpi. Ngài miễn cưỡng lãnh nhận trách nhiệm giám mục, chức vụ mà Đức Giáo hoàng
nói là để "cột chân Ngài lại để Ngài khỏi trở lại tu viện". Năm sau
Ngài lại được cất nhắc lên làm Hồng y rồi làm đại Phán Quán. Bấy giờ Đức Giáo
Hoàng trở nên gắt gỏng và vì Đai Phán Quan đôi khi bắt buộc phải chước giảm
những chỉ thị quá khích của Ngài. Trái lại Đức Giáo Hoàng kế tiếp là Piô IV lại
thiên về thế tục đến nỗi thánh nhân phải lui về địa phận thứ hai của Ngài là
Mondovi ở Lombardi. Nhưng năm 1565 Đức Giáo Hoàng qua đời dưới ảnh hưởng của
thánh Carôlô Bôrrômeô, Đức Hồng y Ghisleri được chọn làm Đức Giáo Hoàng trong
một cuộc họp không bị những can thiệp từ bên ngoài, Ngài chọn danh hiệu là Piô
V.
Việc
tuyển chọn Đức Piô V ít được mong đọi và không được vua chúa Tây Ban Nha đồng ý
và đã là một thắng lợi quyết liệt cho nhóm canh tân. Dầu mang tước vị nào đi
nữa, Đức Piô V luôn sống như một người ăn xin trong mức độ có thể được. Chẳng
hạn, Ngài chỉ giữ một số nhỏ người giúp việc, thích đi bộ hơn là đi ngựa, luôn
nhận biết nguồn gốc khiêm tốn của mình.
Lúc
đầu, Ngài ít được dân Rôma biết đến nhưng rồi sự chuyên chăm tham dự phụng vụ,
sự thánh thiện cá nhân, thói quen đi bộ để viếng 7 thánh đường ở Rôma, nhóm
người tùy tùng ít ỏi, sự từ chối không đề bạt những người trong gia đình, giải
pháp phần lớn đoàn quân của giáo hoàng, việc bố thí rộng rãi. Tất cả đã góp
phần tô điểm cho Ngài một khuôn mặt Đức Giáo Hoàng vừa bình dân vừa thân thịên.
Nhưng
cuộc canh tân công đồng Tridentinô đòi hỏi đã được Đức Giáo Hoàng Piô V thực
hiện ngay sau khi được tuyển chọn. Sách nguyện và sách lễ được duyệt xét lại
đồng thời bản kinh thánh Phổ Thông và Tân ước tiếng Hy Lạp cũng đã được sửa
lại, một ấn bản mới về các tác phẩm của thánh Tôma đã được chuẩn bị và cuốn
giáo lý công đồng Tridentinô được phiên dịch sang nhiều thứ tiếng. Thánh nhân
đã quan tâm nhiều đến việc thánh hóa hàng Giáo sĩ, khích lệ họ. Ngài diệt trừ
thói buôn thần bán thánh và nghiêm khắc với những lạm dụng về luân lý. Ngoài ra
Ngài cũng nhạy cảm với nghệ thuật. Chính Ngài bảo trợ việc soát lại Thánh nhạc.
Dầu
không thông thạo việc trần thế, thánh nhân cũng đã gặt hái được nhiều thành quả
trong lãnh vực chính trị. Trước sức tấn công ngày càng lớn mạnh của quân Thổ,
Ngài được thành lập một liên minh với vua Tây Ban Nha, cộng hòa Vênêtia. Các
Kitô hữu xuất trận dưới quyền chỉ huy của Don Giuan d'Autriche. Cuộc chiến diễn
ra ở vịnh Lêpantê. Chính Đức Giáo Hoàng chạy đến phương thế thiêng liêng. Ngài
kêu gọi các tín hữu gia tăng cầu nguyện.
Quận
công Soliman nói: - Tôi sợ những lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng hơn là những
đoàn quân hùng hậu của các hoàng đế.
Cuộc
chiến đã đưa tới thành công như một phép lạ. Quân Hồi đã bị đánh bại và không
còn ngóc lên nổi nữa. Hôm ấy là ngày 07 tháng 10 năm 1571.
Đang
hội họp với các hồng y Đức Giáo Hoàng đã ra cửa sổ nhìn về phía Lêpantê rồi
quay lại loan báo tin vui chiến thắng, cùng với lời kêu gọi tạ ơn Chúa và Đức
Mẹ.
Để
kỷ niệm biến cố này, Ngài đã thêm lời cầu: "Đức Bà Phù hộ các giáo hữu,
cầu cho chúng con" vào Kinh Cầu Đức Mẹ. Ngài cũng lập một lễ kính mẹ vào
ngày 07 tháng 10, sau đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Cuộc
chiến tại Lêpantê chấm dứt, Đức Giáo Hoàng Piô V cũng linh cảm thấy đời mình
sắp chấm dứt. Thật vậy, Ngài đã ngã bệnh nặng, trong cơn đau đớn, Ngài đã cầu
nguyện: - Lạy Chúa, xin cho con được chịu đau khổ nhiều hơn nhưng xin cũng thêm
sức chịu đựng cho con.
Ngày
01 tháng 5 năm 1572, Đức Giáo Hoàng Piô V từ trần.
(daminhvn.net)
30 Tháng Tư
Tôi Xin
Chấp Nhận
Tại một bệnh viện
trong thành phố Hiroshima bên Nhật Bản, một người đàn bà bị phóng xạ nguyên tử
từ 30 năm qua đang lên cơn hấp hối.
Bác sĩ chữa trị cho
biết bà chỉ còn nhiều lắm là một hay vài giờ nữa là cùng. Theo thói quen tại
Nhật Bản, người ta thông báo để người sắp chết cho biết ý muốn trong những giây
phút cuối cùng.
Bác sĩ vào phòng bệnh
nhân và nói nhỏ với bà: "Akiramé".
Người đàn bà ngước
nhìn vị bác sĩ và dùng ngón tay trỏ viết vào trong lòng bàn trái của bà câu:
"Akiramé", nghĩa là "Tôi xin chấp nhận".
Với tất cả bình thản,
người đàn bà đã biến những giờ phút hãi hùng nhất trong cuộc sống thành một
biến cố tự nhiên và thanh thản.
Cuộc
sống của chúng ta dường như được cấu tạo bằng nhiều vị khác nhau: đắng cay,
chua xót, ngọt bùi... Gia vị là một điều cần thiết cho thức ăn. Người không
thích cay đắng thì sẽ xem trái ớt, hạt tiêu là kẻ thù của khẩu vị. Người thích
cay đắng thì lại tìm ra mùi vị thơm ngon của nó.
Hoa
nào cũng có mật đắng. Nhưng loài ong khéo léo để chỉ hút mật ngọt.
Thiên
Chúa ban cho chúng ta một cuộc sống với muôn màu sắc và hương vị khác nhau.
Chúng ta phải là loài ong đi tìm mật ngọt trong vườn hoa cuộc sống ấy. Nếu chỉ
nhìn thấy mật đắng, chúng ta sẽ bỏ cuộc đầu hàng trong chán nản. Nếu biết biến
báo, chúng ta có thể tìm được mật ngọt và biến những đắng cay chua xót thành
mật ngọt và hương thơm.
Sau
khi đã đánh bại Ðức Quốc Xã và giải phóng Âu Châu, Churchill thủ tướng nước Anh
đãtuyên bố: "Không gì buồn thảm cho bằng một chiến thắng". Cảnh thu
dọn chiến trường, cảnh kẻ khóc người cười, cảnh vợ mất chồng, cảnh cha mẹ mất
con cái... Chiến thắng ngự trị trên tro tàn, đổ nát.
Dù
vui với chiến thắng đến đâu, có ai mà không ngậm ngùi xót xa.
Hôm
nay 30 tháng tư, đánh dấu một trong những biến cố đau thương nhất của lịch sử
dân tộc. Mỗi năm chúng ta có dịp ôn lại ngày lịch sử ấy. Mỗi người một tâm
tình. Nhưng dưới cái nhìn Ðức tin, người Kitô luôn được mời gọi để nhận ra bàn
tay quan phòng của Chúa. Với tất cả bình thản và lạc quan, chúng ta hãy thốt
lên như thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng giữa cơn đau quằn quại trong thân xác và tâm
hồn: "Tất cả đều là ơn Chúa".
Tuyên
xưng niềm tin vào Chúa Quan Phòng có nghĩa là chấp nhận mọi biến cố trong cuộc
sống như một khởi đầu mới, một khởi đầu với những ơn sủng dồi dào hơn. Với
những kẻ Thiên Chúa yêu thương, thì mọi sự đều quy về điều tốt...
Còn
tâm tình nào đúng đắn hơn trong ngày lịch sử này là cảm tạ và phó thác. Cảm tạ
Chúa vì qua mọi biến cố, Chúa Quan Phòng luôn gìn giữ chúng ta và hướng dẫn
chúng ta trên đường ân phúc của Ngài. Phó thác cho Ngài bởi vì Ngài luôn có mặt
trong cuộc sống để biến tất cả những thất bại, đau khổ, cay đắng trong cuộc
sống thành khởi đầu của một cuộc sống tốt đẹp hơn.
(Lẽ
Sống)
Thứ Ba 30-4
Thánh Giáo Hoàng Piô V
(1504 -- 1572)
ây là vị giáo hoàng mà công việc của ngài là thi hành
nghị quyết của Công Ðồng Tridentinô cách đây bốn thế kỷ. Nếu chúng ta nghĩ
các giáo hoàng đương thời phải gặp những khó khăn nào trong việc thi hành
nghị quyết của Công Ðồng Vatican II, thì Ðức Piô V lại gặp nhiều khó khăn hơn
sau công đồng lịch sử đó.
Ðức Piô V sinh trong một gia đình nghèo ở Bosco, nước Ý.
Tên rửa tội là Antôniô Micae và vì gia đình quá nghèo nên cậu phải đi chăn
cừu. Trong dịp gặp gỡ hai tu sĩ dòng Ða Minh, vì thấy sự thông minh cũng như
nhân đức của cậu, họ đã xin phép gia đình đưa cậu về sống với họ, lúc ấy cậu
mới 12 tuổi. Sau một thời gian tu tập, Antôniô Micae được thụ phong linh mục
năm 1528, sau đó được bổ nhiệm làm giáo sư triết và thần học ở
Năm 1555, Cha Micae được tấn phong làm Giám Mục của Nepi
và Sutri, và năm 1557, ngài được nâng lên hàng Hồng Y. Năm 1566, Ðức Giáo
Hoàng Phaolô IV từ trần và Ðức Hồng Y Micae được chọn làm người kế vị, lấy
tên là Piô V.
Trong nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài, 1566 -- 1572, Ðức Piô
V phải đối diện với một trách nhiệm thật lớn lao đó là phục hồi một Giáo Hội
vụn vỡ và phân tán. Dân Chúa thời ấy bị rúng động bởi sự thối nát của hàng
giáo sĩ, bởi cuộc Cải Cách Tin Lành, bởi sự đe dọa xâm lăng thường xuyên của
người Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1545, vị giáo hoàng tiền nhiệm triệu tập Công Ðồng
Tredentinô nhằm cố giải quyết các vấn đề khẩn trương nói trên. Trong vòng 18
năm, các Giáo Phụ thảo luận, lên án, xác nhận và quyết định trong một chuỗi
hành động. Và Công Ðồng kết thúc năm 1563.
Năm 1566, Ðức Piô V lên ngôi giáo hoàng và phải đảm nhận
công việc cải cách tức thời do Công Ðồng đưa ra. Ngài ra lệnh thành lập các
chủng viện để huấn luyện các linh mục một cách thích hợp. Ngài cho công bố
sách lễ mới, kinh nhật tụng mới, sách giáo lý mới và thiết lập quy chế giáo
lý cho trẻ em. Ðức Piô cương quyết áp dụng kỷ luật đối với những lạm dụng
trong Giáo Hội. Ngài kiên trì phục vụ người nghèo và người đau yếu qua việc
xây cất các bệnh viện, cung cấp thực phẩm cho người nghèo đói và lấy tiền quỹ
thường để tổ chức tiệc tùng cho đức giáo hoàng mà giúp đỡ các người tân tòng
nghèo ở Rôma.
Trong cố gắng cải tổ Giáo Hội và Tòa Thánh Vatican, Ðức
Piô gặp sự chống đối mãnh liệt của Nữ Hoàng Elizabeth của Anh và Hoàng Ðế
Maximilian II của Rôma. Các khó khăn ở Pháp và Hòa Lan cũng cản trở cho sự
hợp nhất Âu Châu để chống với Thổ Nhĩ Kỳ. Mãi đến giây phút cuối cùng ngài
mới có thể tổ chức được một đạo quân và chiến thắng ở Vịnh Lepanto gần Hy Lạp
vào tháng Mười 1571.
Sự hoạt động không ngừng của Ðức Piô trong việc canh tân
Giáo Hội được dựa trên cá tính của ngài là một tu sĩ dòng Ða Minh. Ngài dành
nhiều giờ để cầu nguyện với Thiên Chúa, nghiêm nhặt chay tịnh, tự thoái thác
những thói quen xa hoa của giáo hoàng thời ấy và trung thành tuân giữ quy
luật cũng như tinh thần của Dòng Ða Minh.
Ðức Piô từ trần năm 1572.
Lời
Bàn
Trong đời sống cá nhân và trong hành động của các giáo
hoàng, cả Ðức Piô V và Phaolô VI đều dẫn dắt gia đình Thiên Chúa trong một
tiến trình cải tổ nội bộ nhằm đáp ứng với những thúc giục của Thần Khí trong
các Công Ðồng chính yếu. Với sự hăng say và kiên nhẫn, Ðức Piô và Phaolô theo
đuổi những thay đổi do các Giáo Phụ trong Công Ðồng đề ra. Cũng như Ðức Piô
và Phaolô, chúng ta cũng được mời gọi để liên tục thay đổi tâm hồn và đời
sống.
Lời
Trích
"Trong đại hội toàn cầu này, trong thời gian và
không gian đặc ân này, quá khứ, hiện tại và tương lai như quy tụ lại. Quá
khứ: vì ở đây, tụ họp ở địa điểm này, chúng ta có Giáo Hội của Ðức Kitô với
truyền thống, lịch sử, các Công Ðồng, các tiến sĩ và các thánh của Giáo Hội;
hiện tại: chúng ta đang từ giã nhau để đi vào thế giới ngày nay với những bất
hạnh, đau khổ, tội lỗi của nó, nhưng cũng có những thành công, giá trị và đức
tính của nó; và tương lai ở đây trong lời kêu gọi khẩn trương của những người
dân trên thế giới muốn được công bình hơn, trong ý muốn hòa bình, trong khát
khao có ý thức hay vô thức về một đời sống cao đẹp hơn, một đời sống mà Giáo
Hội của Ðức Kitô có thể đem lại và muốn trao ban cho họ" (trích từ diễn văn bế
mạc Công Ðồng Vatican II của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI).
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét