Ngày 14/04/2013
Chúa Nhật 3
Phục Sinh Năm C
(Phần II)
Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật III
Phục Sinh, Năm C ngày 14.4.2013
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM C
Công Vụ Tông Đồ 5.27-32, 40-41; Sách Khải
Huyền 5.11-14
và Phúc Âm Thánh Gioan 21.1-19
I. Giáo Huấn P.Â.:
Cũng trên biển hồ Galilê, Chúa đã cho Simon Phêrô đánh hai mẽ lưới
đầy cá sau khi họ đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì. Hai mẽ lưới cá đều
được lệnh quăng lưới bên phải mạn thuyền, tức theo lệnh Chúa.
Cũng trên biển
hồ Galilê, Phêrô được Chúa Giêsu gọi: “Hãy theo ta, ta sẽ làm cho anh trở thành
kẻ chài lưới người” trong lần đầu. Lần nầy, lần sau cùng, Phêrô được tra vấn ba
lần “con có yêu mến thầy hơn những người nầy không?” và Phêrô được trao quyền
thủ lãnh tối cao để chăn đắt đàn chiên Chúa.
Phêrô
và các tông đồ thay đổi hoàn toàn, đã không còn sợ sệt nhưng đã mạnh dạn rao
truyền lời Chúa, chữa lành bệnh tật và tuyên bố rằng: "Phải vâng lời Thiên
Chúa hơn là vâng lời người phàm!”
Phêrô và các tông đồ rất trung thành với sứ mạng rao truyền
Lời Chúa và vui lòng chấp nhận mọi gian lao thử thách vì Chúa Giêsu Phục Sinh
“Bấy giờ, họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói
đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng,
lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su. Niềm
vui là xả thân phục vụ Chúa và mang ơn cứu độ cho muôn dân.
II. Vấn nạn P.Â.
Kitô nghĩa là gì?
Tiếng
Anh: Christ; Tiếng Pháp: Christ; Tiếng La-tinh: Christus. Tất cả được dịch từ
tiếng Hy Lạp: Christos. Christos dịch từ tiếng Do Thái Mashiah, có nghĩa “Đấng
được xức dầu” Trong Kinh Thánh Cựu Ước “Đấng được xức dầu” dùng để chỉ các vua,
các tư tế, các tổ phụ. Đặc biệt để tiên báo về một Vị Cứu Tinh đến từ dòng dõi
David. Mashiah là hy vọng và sự đợi trông của Dân Do Thái (Sách Samuel quyển II 7:5-16; Sách
Niên Sử 17:4-14; Thánh Vịnh 89:20-38).
Sách Công Vụ Tông Đồ là gì?
Công vụ Tông Đồ (Acts of the Apostles):
công việc truyền đạo của các Tông Đồ. Trong tiếng La-tinh Công Vụ gọi là Acta,
có nghĩa công việc đang tiến hành hay một ghi nhận những biến cố đang xảy ra
(proceedings or record of happenings)
Công Vụ Tông Đồ là quyển sách ghi lại công
việc truyền đạo của các Tông Đồ sau khi Chúa lên trời, khởi đầu từ Giêrusalem.
Đây cũng là quyển sách mô tả đời sống Giáo Hội sơ khai: bị bách hại, nhưng
người tin Chúa mỗi ngày thêm đông. Truyền thống cho rằng Luca, môn đệ của Thánh
Phaolô là tác giả của Sách Công Vụ Tông Đồ được viết khảng năm 63 khi Thánh
Phaolô bị cầm tù ở Rôma.
Quyền thủ lãnh tối cao được trao cho Phêrô:
đứng đầu các tông đồ và chăn dắt đoàn chiên Chúa tức toàn thể Giáo Hội được
thực hành như thế nào trong Giáo Hội?
Nơi chốn lịch sử:
Nơi Chúa trao quyền thủ lãnh tối cao lãnh
đạo Giáo Hội cho Phêrô gọi là Tabgha. Tabgha là một địa danh nằm phía Tây Bắc
biển hồ Galilê. Theo truyền thống Kitô giáo, đây cũng chính là nơi Chúa đã làm
phép lạ hoá bánh ra nhiều theo tường trình của Phúc Âm Thánh Matcô 6.30-46. Đây
cũng chính là nơi mà Chúa Phục sinh đã hiện ra lần thứ ba, theo tường trình của
Phúc Âm Gioan 21.1-24. Đây là lần hiện ra rất quan trọng: Chúa chất vấn Phêrô
ba lần và trao quyền lãnh đạo tối cao cho Phêrô"Này anh Si-môn, con ông
Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa
Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy
chăm sóc chiên con của Thầy." Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông
Gio-an, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con
yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." Người
hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy
không?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy
không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu
mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
Ngày nay nơi đây có nhà thờ mang tên “Nhà
Thờ trao quyền tối cao cho Phêrô” (Church of the Primacy of Peter) do quí linh
mục dòng Phanxicô cai quản. Nhà thờ trao quyền tối cao cho Phêrô được xây dựng vào
khoảng hậu bán thế kỷ thứ tư. Sau nầy, năm 1938 được xây dựng cho phù hợp với ý
nghĩa của Phúc Âm hơn: Nhà thờ bên bờ hồ và một vịnh nhỏ không cách xa nhà thờ
mấy. Bên ngoài nhà thờ cạnh hướng ra biển hồ có thềm đá, chỉ nơi Chúa đứng để
hỏi các tông đồ: “Chúng con có bắt được gì không?” Bên trong nhà thờ có chỗ gọi
là Mensa Christi, tức nơi Chúa dọn ăn sáng cho các tông đồ. Phía trước
nhà thờ có tượng Chúa trao quyền thủ lãnh cho Phêrô bằng đồng đen.
Là thủ lãnh tối cao, Phêrô có nhiệm vụ gì?
Phêrô phải là
Kêpha, tức là Ðá. Chúa đã
đổi tên Simon trong tiếng Do Thái sang Phêrô, có nghĩa là Đá và trên Đá Tảng
Phêrô, Chúa thành lập Giáo Hội và “dù cho quỉ hoả ngục cũng không thắng nỗi!”
Nên nhiệm vụ hàng đầu của Phêrô là đá tảng vững bền, xây nền Giáo Hội.
Phêrô có quyền
cầm buộc: Trong Cựu Ước,
sách Tiên Tri Isaia chương 22.19-22 nói về việc Chúa truất phế Sepna và trao
quyền cho Enzakim “ Chìa khóa nhà Ðavít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì
không ai đóng được; nó đóng lại thì không ai mở được” Nên trong Cựu Ước cũng
như tân Ước, chìa khoá tượng trưng cho thần quyền tức quyền của Chúa. Chúa trao
chìa khoá tức trao quyền để ngưởi được trao quyền thì hành thần quyền nhân danh
Thiên chúa.
Phêrô phải là
mục tử nhân hậu: Trong Cựu Ước, Môisen, Đavít là những lãnh tụ, nhưng họ từng
là những mục tử, những người chăn chiên, những người đi theo bầy đàn của mình:
Biết chiên, lo cho chiên, dẫn chiên đến dồng cỏ xanh, đến suối nước trong, đến
nơi nghỉ ngơi bổ dưỡng (Thánh Vịnh 23) Chủ chiên đi tìm chiên lạc. Chủ chiên
phải hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Phêrô được trao quyền thủ lãnh, tức
quyền mục tử, chăm lo, chăn dắt và mang phúc lợi cho đàn chiên Chúa.
Làm sao biết hay chứng minh được là các Đức Giáo Hoàng kế
vị Thánh Phêrô?
Những Giáo phái Tin Lành không tin chuyện kế vị Phêrô của các Giáo
Hoàng Công Giáo. Vì nhiệm vụ của Phêrô là độc đáo dành riêng cho một mình cá
nhân Ông. Cũng giống như Thánh Lễ và Bí Tích Thánh Thể bên Công Giáo, những
Giáo Phái Tin lành xác quyết rằng: Chúa Giêsu là linh mục thượng phẩm và đã
dâng lễ một lần trên Thánh giá là đủ để mang ơn cứu độ cho nhân loại. Câu Chúa
nói “Các con hãy làm việc nầy để nhớ đến Ta”, không có ý trao quyền tế lễ để
tiếp tục ban ơn cứu độ cho nhân loại. Đó chỉ là lời khuyên nên nhóm họp để nhớ
lại việc Chúa làm mà thôi. Việc dâng lễ bên Công Giáo chỉ là việc thêm một giọt
nước dư thừa vào ly nước đã đầy, ly nước công nghiệp của Chúa Giêsu đã quá đủ,
không còn khả năng dung nạp thêm một giọt nước nào nữa cả.
Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo:
Phêrô thừa nhận
quyền thủ lãnh và quyền tối thượng trên toàn thể Giáo Hội.
Phêrô chính thức
được trao quyền sau khi ba lần bị sát hạch là “Simon, con Gioan con có yêu mến
Ta hơn những người nầy không?” Cả ba lần Ông đã trả lời “Có! Dạ Thầy biết con
yêu mến Thầy” Và Chúa đã trao cho Ông quyền chăn chiên “Hãy chăm sóc chiên của
Thầy” như trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật III sau Phục Sinh tường thuật. Thánh lễ
truyền chức: Phó tế, Linh mục hay Giám Mục đều có phần tra vấn trước khi đặt
tay truyền chức. Tra vấn để xác tín rồi mới trao quyền thi hành.
Thi hành quyền tiên
tri và thánh hoá: Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô như một thủ lãnh Giáo Hội
truyền giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ông qui tụ thêm số đông người vào Giáo Hội
mà Ông là Đá Tảng. Chỉ trong một ngày, Phêrô và các tông đồ đã giảng và rửa tội
cho 3 ngàn người từ khắp nơi tụ về Giêrusalem. TĐCV 2.1-41
Phêrô và các Tông đồ được thông truyền thần lực và có thể chữa bệnh như trong
TĐCV.3.6-8 “Bấy giờ ông Phê-rô nói: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có,
tôi cho anh đây : nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà
đi !" Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân
và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được ; rồi
cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa.
Phêrô thi hành quyền lãnh đạo Giáo Hội: Triệu tập Công Đồng chung lần đầu tiên
tại Giêrusalem để quyết định rằng: “Thánh Thần và
chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài
những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết,
và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi” (Cv
15:28-29). Công đồng đã quyết định không bắt buộc “dân ngoại” phải cắt bì và
tuân thủ Lề Luật của người Do Thái. Phêrô lên tiếng bảo vệ cùng một nguyên tắc
như Phaolô: “Anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa
anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin mừng từ miệng tôi và tin theo...” (Cv
15: 7t). Luca còn thuật là khi Phêrô bị bắt, Giáo hội đã khẩn thiết cầu nguyện
cho ông (Cv 12: 5), và một thiên thần đã đến giải phóng ông, “rồi ông ra đi,
đến một nơi khác” (Cv 12: 17)...
Chính ông chủ
tọa việc bầu một tông đồ thay thế Giuđa Iscariôt (Cv 1,15-26). Khi lên Giêrusalem lần đầu tiên, ông Phaolô
chỉ đi gặp ông Phêrô (Kêpha) và ông Giacôbê (Gl 1,18-19).
Các Giáo Hoàng kế vị Giáo Hoàng Phêrô làm Giám Mục Rôma
và thi hành quyền thủ lãnh tối cao trên toàn thể Giáo Hội. Các Giám Mục kế vị
các Thánh Tồng Đồ thi hành quyền thủ lãnh tối cao trên Giáo Hội địa phương mình
được trao phó trong hiệp thông với Giám Mục Đoàn.
Tên gọi Phêrô: Phêrô nguyên là Simon trong tiếng Do Thái.
Sau khi tuyên tín "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức
Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có
phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy,
Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là
Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần
sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất,
anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo
cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Như trong Matthêô
16.16-19
Phêrô trong tiếng Việt phiên âm từ Petrus
trong tiếng Latinh hay Kepha hay Cephas hay Petros trong Hy Lạp hay Peter trong
tiếng Anh hay Pierre
trong tiếng Pháp…Tất cả cùng nghĩa là “đá”
Danh xưng Giáo Hoàng: Giáo
Hoàng có nghĩa là Ông Vua của một tôn giáo – Lối dịch không chính xác về ngữ
pháp nhưng thiên về tình cảm theo kiểu tâng bốc. Nó na ná như những từ thiếu
chính xác như “Đức Ông hay Ông bà Cố”…. vẫn được dùng hàng ngày trong sinh hoạt
của người Công Giáo Việt Nam .
Từ “Giáo Hoàng” phát
xuất từ tiếng Latinh là Papa, có nghĩa là Cha. Chắc chắn không có từ Papa để
chỉ Thánh Phêrô, Giáo Hoàng tiên khởi trong Kinh Thánh. Nhưng người Công giáo
Đông Phương từ xưa dùng từ Papa để gọi các Giám Mục và Linh mục trong Giáo Hội
của họ. Nên xem chừng nếu chúng ta dùng từ Đức Thánh Cha – Sanctus Pater - Holy
Father đúng hơn là Giáo Hoàng. Đối với Cha Huỳnh Trụ từ “Đức Giáo Tông” có
nghĩa là Vị Tông Đồ Chúa lãnh đạo Giáo Hội trần thế, rất thích hợp với vai trò
của Vị thay mặt Chúa Kitô ở trần gian.
Giáo Hoàng kế vị Thánh Phêrô, Giáo Hoàng
tiên khởi và có quyền tối thượng trên toànthể
Giáo Hội.
Xin trưng dẫn quan điểm
đối nghịch của Tin Lành về quyển tối thượng của Phêrô:
Căn cứ vào thư thứ
I của Thánh Phaolô gửi Côrintô 10.3-5 6 nói rằng: “Tất cả cùng ăn một thức ăn thiêng liêng. Tất cả cùng uống
một thức uống thiêng liêng. Vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng
vẫn đi theo họ.Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” để chứng minh rằng: Chính
chúa Kitô và chỉ mình Chúa Kitô là đá tảng, là nền móng cho đức tin và Giáo
Hội. Không ai là phàm nhân, có nhiều yếu đuối như chối Chúa trong trường hợp Phêrô
mà lại là nền tảng cho đức tin nới Chúa Kitô. Không lẽ Chúa lại đi trao quyền
cho kẻ đã từng phản bội mình?
Chúa Kitô đặt tên Simon là Phêrô có ý đáp trả cho việc Phêrô tuyên
tín “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” Nên Chúa không có ý xây dựng
Giáo Hội hay trao quyền tối cao cho con người Phêrô, nhưng trên đức tin của
Phêrô. Lý luận nầy xem chừng thiếu luận lý, vì làm thế nào đẩ thiết lập một
Giáo Hội hữu hình trên đức tin, một thừ vô hình chơ vơ không dính liền vơi một
con người hay tập thể. Thí dụ Ông A, bà B tin Giáo Hội Chúa lập...Không bao giờ
có màu trắng hay xanh nhưng luôn luôn có bức tường hay chiếc bàn màu trắng hay
màu xanh. Nếu căn cứ vào lý chứng: Phêrô kém tin thì càng không có lý do dựa
trên đức tin của Phêrô.
Không lạ gì khi những Giáo Phải Tin Lành cực lực chống đối quyền tối
cao của Phêrô và của những Giáo Hoàng Công Giáo được coi là kế vị Thánh Phêrô, như nền
tảng Chúa xây dựng Giáo Hội. Vì đó là lý do để Giáo Hội Đông Phương chính thức
từ bỏ Giáo Hội Rôma, theo nghi lễ La Tinh năm 1054. Đó cũng là lý do để có Giáo
Phái Tin lành Luthêrô năm 1521. Rồi đến năm 1534, Đạo luật Quyền Tối thượng
tuyên bố vua Henry VIII nước Anh là “Lãnh đạo Tối Cao duy nhất trên đất” của
Giáo hội Anh.... Hàng ngàn giáo phái Tin Lành lớn nhỏ còn lại đều là “thệ
phản”, kình chống với quyền bính tối thượng của Thánh Phêrô và Giáo Hoàng Công
Giáo. Cách chung họ chỉ dựa vào “Ngũ Duy” sau đây:
Duy Thánh Kinh - Sola
scriptura - by Scripture alone – Lời Chúa là giáo huấn tuyệt đối phải tuân
thủ - Không chấp nhận huấn quyền hay Magisterium của Giáo Hội Công Giáo – Đương
nhiên không nhìn nhận quyền bất khả ngộ của Giáo Hoàng Rôma.
Duy đức tin – Sola Fide –
By faith alone – Con người được công chính hóa bởi đức tin chứ không phải nhờ
công nghiệp của mình hay của ai khác. Bác ái không mang ơn cứu độ - Thánh
Lễ là chuyện dư thừa, không thêm gì cho công nghiệp cứu độ quá đủ của Chúa
Giêsu.
Duy ân sủng – Sola gratia –
by grace alone – Ân sủng là ân huệ của Chúa và do Chúa ban chứ không do con
người có thể tìm kiếm hay tạo công nghiệp – Tuyệt đối không chấp nhận ân xá hay
đại xá của Công Giáo.
Duy Chúa Kitô – Solus Christus hay Solo Christo – Christ
alone hay Through Christ alone – Đức Mẹ Maria hay các thánh không có chỗ đứng
quan trọng gì trong chương trình cứu độ - Hoàn toàn khước từ tín điều các thánh
thông công.
Duy vinh quang Thiên Chúa – Soli Deo gloria – Glory to God alone – Không
có vấn đề tôn vinh một ai ở trần gian – Không ai có khả năng cứu độ chúng ta
trừ Thiên Chúa – Vinh danh Thiên chúa là Chúa
cứu thề duy nhất.
Không thể kể ra hết
những luận chứng bài Giáo Hoàng vả quyền bính trong Giáo Hội Công Giáo từ nhiều
phía. Chúng ta chỉ có thể chứng minh giáo huấn nầy bằng những dẫn chứng mà Giáo
Hội dùng để chứng minh rằng: Chúa thực sự trao
quyền lãnh đạo cho Phêrô và các tông đồ đều hiểu và chấp nhận:
Trong danh sách các
tông đồ được Chúa chọn, Phêrô đứng đầu danh sách (Matthêô 10:1-4, Marcô
3:16-19, Luca 6:14-16, TĐCV 1:13.
Phêrô luôn trong số
cận thân nhất với Chúa như trong Luca 9:32.
Phêrô thường lên tiếng
đại diện cho các tông đồ như trong Matthêo 18:21, Marcô 8:29, Luca 12:41, Gioan
6:69, TĐCV 4:1-13, 2:37-41, 5:15.
Phêrô huấn dụ các tông
đồ khác như trong Thư I Phêrô 5:1.
Phêrô luôn có mặt
trong những giờ phút nghiêm trọng như trong Matthêô 14:28-32, 17:24; Marcô
10:28.
Phêrô là người đầu
tiên rao giảng Tin Mừng trong ngày lễ Ngũ Tuần như trong TĐCV. 2:14-40.
Phêrô cũng là người
đầu tiên rao giảng tin mừng và chữa lành bệnh tật tại Giêrusalem TĐCV. 3:6-7.
Phêrô là người duy
nhất được Chúa Giêsu Phục Sinh
trao quyền lãnh đạo Giáo Hội và củng cố đức tin anh em mình, như trong Phúc Âm
Gioan 21:15-17 và trong Luca 22:31-32.
Giám Mục kế vị các Thánh tông đồ,
chăm sóc Giáo Hội địa phương gọi là địa phận trong sự hiệp thông với Giám Mục
đoàn tức với Đức Giáo Hoàng
và các Giám Mục khác.
Thực ra, tên gọi Giám Mục, linh mục hay Phó Tế đã nhen nhúm hay
manh nha từ thời các Thánh Tông Đồ. Tuy nhiên, ý nghĩa hay nhiệm vụ được phân
định rõ ràng hơn về sau nầy. Khoảng đầu thế kỷ thứ II, tên gọi Giám Mục dịch từ
nguyên ngữ Hy Lạp Episcopos mà Thánh Inhaxiô thành Antiokia xử dụng từ năm 110
để nói lên nhiệm vụ của Giám Mục như một giám sát tổng quát. Epi có nghĩa là bao
quát, hay toàn thể. Skopos là watcher – người canh gác hay quan sát – Trong lá
thư gừi Magnesian 2 năm 110, Inhaxiô viết “Bây giờ, tôi được đặc ân nhìn thấy
nơi Đức Cha trong vai trò Giám Mục được Thiên Chúa hướng dẫn ở Damas; và qua
những linh mục xứng đáng của Đức Cha như Bassus và Apollonius cũng như những
phó tế như Zotion. Cái ưu việt của những linh mục và phó tế là: Như ơn Chúa
ban, họ vâng phục những Giám Mục và sống chức linh mục như lề luật của Chúa
Giêsu Kitô thiết lập” Cũng trong lá thư nầy, thánh Inhaxiô thành Antiokia chỉ
nhìn nhận một Giáo Hội đích thục với Giám Mục đoàn là những bậc kế vị tong đồ
đoàn ngày xưa và linh mục, phó tế và tín hữu dưới quyền phải tuân phục Giám Mục
mình. Không nên làm điều gì mà không thừa lệnh Giám mục.
Thánh Clementê thành Alexandria trong huấn
dụ gọi là Miscellanies viết năm 208 đã phân biệt thứ bậc chức thánh trong Giáo Hội gồm có Giám Mục,
linh mục và phó tế.
Công đồng Elvira có khoản luật thứ 300 cấm
Giám Mục, linh mục và phó tế bỏ nhiệm sở di làm ăn thượng mại kiếm lời cho cá
nhân.
Công Đồng Nicêa I năm 325 yêu cầu phó tế
nhận Mình Máu Thánh chúa tử Giám Mục hay linh mục chứ không được tự quyền làm
thừa tác việc Thánh Thể cho Giám Mục hay linh mục.
Chúng ta còn có thể tiếp tục trưng dẫn
những giáo huấn của các Thánh giáo Phụ hay các công đồng có liên quan đến 3 bậc
chức thánh trong giáo Hội là Giám Mục, linh mục và Phó Tế. Quyền hạn được phân
định rõ rang là: Giám Mục có quyền tối thượng trong lãnh thổ mình trách nhiệm
và mọi người phải vâng phục các Ngài.
Còn những cấp bậc trên Giám Mục như Trưởng
Giáo tỉnh, tổng Giám Mục, Hồng Y hay Giáo Hoàng cũng phát xuất từ tên gọi Giám
Mục từ đầu thế kỷ thứ hai.
III. Thực hành P.Â.:
Phục Sinh
có nghĩa là sống sự sống mới với cuộc đời mới. Thường chúng ta cử hành long trọng Lễ Phúc Sinh, tức mừng
Chúa sống lại và chúng ta thấy phục sinh là vấn đề của Chúa, không có gì ám hạp
trong cuộc sống trần thế của chúng ta. Xin diễn tả “sự sống mới” trong ý “làm
lại cuộc đời” trong cuộc sống thường nhật như sau:
Một người đàn
bà độ chỉ chừng hơn 50 tuổi một chút đến xưng tội. Chị cho biết là mới quay lại
nhà thờ độ chừng 2 tháng nay sau gần 20 năm bỏ đạo. Trong 20 năm qua, chị đã
phạm đủ mọi thứ tội mà chị diễn tả là “big sin” tức tội trọng: Ngoại tình –
đánh bài – hút bạch phiến – nghiện rượu và thuốc rất nặng… và chị kết thúc là
“every bad thing”, tức không sót tội nào cả. Chị thất vọng tột cùng và không có
hy vọng được tha thứ.
Tôi hỏi rằng: Chúa là ai với chị - Là Cha! Chị trả lời. Cha và Mẹ là người
thương con mình nhất. Một trong những cách để biểu lộ tình thương là tha thứ,
là quên quá khứ và giúp con mình làm lại cuộc đời, tức cho con mình sự sống mới
và hy vọng tương lai. Người Cha trong dụ ngôn con trai hoang đàng đã không hề
hỏi là: tại sao con bỏ nhà đi? Tại sao con phung phí tiền bạc như thế? Tại sao
còn quay về đây? Sáng mắt ra chưa? Không… Không có một câu hỏi tại sao
nào cả.. Nhưng là mang áo đẹp ra mặc cho cậu, mang nhẫn quí xỏ vào tay cậu và
giết chiên béo mở tiệc mừng….Người Cha phục sinh con mình, cho cậu cơ hội có sự
sống mới và làm lại cuộc đời. Chị vui mừng, nhận ơn tha thứ và làm lại cuộc
đời.
Quá khứ có
nghĩa là chuyện đã qua. Chúa Phục Sinh có nghĩa là Chúa đã đau khổ và bị giết
chết. Nhưng đó vẫn là chuyện quá khứ. Chúa Phục Sinh tức Chúa sống lại. Chúa
sống sự sống mới tức Chúa làm lại cuộc đời. Chúa phục sinh không tìm hiểu xem
ai đã đánh vả, ai đã khạt nhổ vào mặt Chúa? Ai đã lớn tiếng to họng la rằng
“đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!” Ai đã lấy dáo đâm thủng
cạnh sườn…Chúa Phục Sinh không tìm hiểu hay phanh phui cho ra lẽ là ai đã làm
chuyện đó. Tất cả đã là quá khứ. Hiện tại là sự sống mới sau Phục Sinh, là cuộc
đời mới mang tin mừng Phục Sinh và cứu độ cho nhân trần, là “hãy đi khắp nơi
rao giảng tin mừng sám hối, mang hy vọng phục sinh cho muôn người!”
Hãy phục sinh thật sự! hãy quên quá khứ lầm than cơ cực và bị ngược đãi! Hãy
tha thứ và làm lại cuộc đời, cuộc đời đầy yêu thương, hy vọng và tích cực xây
dựng. Chấm dứt chuyện phanh phui cho ra lẽ trắng đen… nhưng tốt hơn hãy mở tiệc
mừng cho sự sống mới đang nẩy mầm.
Người Việt nam tỵ nạn khi có dịp ngồi lại với nhau cũng hay mang chuyện bị đói
khổ, ngược đãi hay cướp bóc ngày xưa trên đường tìm tự do. Cũng là chuyện ôn cố
tri tân. Tuy nhiên, đã qua rồi! Không ích lợi gì chuyện làm sống lại quá khứ!
Hãy nhìn quá khứ đau buồn đó như cơ hội để làm lại cuộc đời. Thật vậy! Biết bao
nhiêu người đã thành công, đã không những có tương lai tươi sáng cho mình mà
còn có cơ hội để giúp gia đình, làng xóm và quê hương Việt Nam . Hãy thực
sự phục sinh! Hãy làm lại cuộc đời với niềm vui và hy vọng. Amen
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên
Lectio: Chúa Nhật III Phục Sinh (C)
Chúa
Nhật, 14 Tháng 4, 2013
Tình yêu mặc khải sự
hiện hữu của Chúa
Lời mời đến bàn tiệc
Thánh Thể của Chúa Phục Sinh
Ga
21: 1-19
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy
Cha, xin hãy ban Thánh Thần Chúa xuống để cuộc sống vô ích tăm tối của chúng
con có thể được biến đổi thành bình minh rạng rỡ, để cho chúng con có thể nhận
biết được Chúa Giêsu, con Cha, đang hiện diện ở giữa chúng con. Xin Thần Khí Chúa hãy thổi hơi vào những vùng
biển của chúng con, như Người đã làm lúc tạo dựng trời đất, để mở lòng trí
chúng con hầu chúng con có thể đáp lại lời mời gọi tình yêu của Chúa và để
chúng con có thể chung phần trong bữa tiệc Thánh Thể và Lời Chúa. Lạy Cha, nguyện xin Chúa Thánh Thần hãy đốt
cháy lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con có thể trở thành những nhân
chứng cho Chúa Giêsu, như các ông Phêrô, Gioan, và các môn đệ khác, và để chúng
con cũng có thể ra đi mỗi ngày mà trở thành những người chài lưới cho vương
quốc của Chúa. Amen.
2. Lời của Chúa
a) Bài trích Tin Mừng của Chúa:
1
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến, và công
việc đã xảy ra như sau: 2 Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nátha-na-en quê
tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. 3
Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá
đây”. Các ông khác nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy, các ông không bắt được con cá
nào. 4 Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ, nhưng các môn đệ không biết
là Chúa Giêsu. 5 Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Và họ đồng
thanh đáp: “Thưa không”. 6 Chúa Giêsu
bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ
được”. Các ông liền thả lưới và hầu
không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. 7 Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với
Phêrô: ‘Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo
vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào và
kéo đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu; chỉ độ chừng một trăm thước.
9
Ngay khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. 10 Chúa
Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt
được lại đây”. 11 Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm
năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế,
nhưng lưới không rách. 12 Chúa Giêsu bảo rằng:
“Các con hãy lại ăn”. Không ai
trong đám ngồi ăn dám hỏi: “Ông là ai?”
Vì mọi người đã biết là Chúa. 13 Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn
đệ, và Người cũng cho cá như thế. 14 Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra
với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
15
Vậy khi các ông đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy
hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến
Thầy.” Chúa Giêsu bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy.” 16
Người lại hỏi ông lần thứ hai: “Simon,
con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?”
Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy
biết con yêu mến Thầy.” Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy.” 17
Rồi Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon,
con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?”
Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp:
“Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự:
Thầy biết con yêu mến Thầy.”
Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt
các chiên mẹ của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi
đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho
con và dẫn con đến nơi con không muốn đến.” 19 Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô
sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa.
Phán những lời ấy, đoạn Người bảo ông:
“Hãy theo Thầy.”
b) Bối cảnh của bài Tin Mừng
Sau
khi đọc qua bài Tin Mừng này lần đầu, bấy giờ tôi cảm thấy phải cần hiểu rõ hơn
về bối cảnh của nó. Tôi cầm quyển Kinh
Thánh lên và không để cho các cảm tưởng nông cạn đầu tiên chi phối tôi. Tôi cố gắng tra cứu và lắng nghe. Tôi mở sách Phúc Âm của thánh Gioan, chương
21, ngay vào phần cuối của quyển Tin Mừng. Sự kết thúc của bất cứ điều gì thường có chứa
tất cả những gì đã xảy ra trước đó, tất cả mọi thứ đã được xây lên từng chút
một. Câu chuyện đánh cá ở trên biển
Tibêria nhắc nhở tôi một cách mạnh mẽ và rõ ràng về đoạn đầu của quyển Phúc Âm
nơi Chúa Giêsu thu nhận các môn đệ đầu tiên, cũng là những người đang hiện diện
với Người bây giờ: Phêrô, Giacôbê,
Gioan, và Nát-tha-na-en! Bữa điểm tâm
với Chúa Giêsu, có bánh và cá, nhắc nhớ tôi chương 6 nơi việc hóa bánh và cá ra
nhiều đã xảy ra, sự mặc khải của Bánh Hằng Sống. Cuộc truyện trò thân mật và gần gũi giữa Chúa
Giêsu và Phêrô, với câu hỏi của Người được lặp lại ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?” nhắc nhớ lần nữa
đến việc trong đêm trước ngày Chúa bị hành hình Phêrô đã chối Chúa ba lần.
Tiếp
theo, nếu tôi lật trở lại chỉ ít trang của quyển Phúc Âm, tôi sẽ tìm thấy đoạn
Tin Mừng tuyệt vời nói về việc Phục Sinh:
khi trời chưa sáng, bà Mađalêna và những phụ nữ khác hấp tấp chạy ra mộ,
để khám phá ra việc ngôi mộ trống, rồi việc ông Phêrô và Gioan chạy vội vã ra
mộ, việc các ông nhìn vào trong mộ, việc suy niệm và đức tin của các ông; tôi
vẫn có thể trông thấy mười một người môn đệ trốn ở đằng sau các cánh cửa đóng
kín trong Nhà Tiệc Ly và rồi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến, món quà của Chúa
Thánh Thần; việc vắng mặt và sự thiếu lòng tin của ông Tôma, một đức tin đã
được khôi phục lại với sự hiện ra lần thứ hai của Chúa Giêsu; tôi nghe thấy lời
công bố tuyệt vời của các mối phúc thật mà còn ứng dụng cho tất cả chúng ta đến
ngày hôm nay, đó là phúc cho những ai không thấy mà tin.
Sau
đó, tôi cũng đi đến vùng biển đó, vào một đêm mà không bắt được một con cá nào,
tay không. Nhưng đây này, giờ đây tôi
được viếng thăm, được chấp nhận với sự biểu hiện, sự mặc khải của Chúa Giêsu. Tôi cũng đang ở đó, lúc ấy, nhận ra Người,
nhảy ùm xuống biển và bơi về phía Người để chung phần tham dự bữa tiệc. Tôi để Chúa nhìn sâu thẳm vào tâm hồn tôi với
những câu hỏi của Người, Lời của Chúa, để rồi một lần nữa Người có thể sẽ lặp
lại với tôi câu nói: “Hãy theo Ta!”, và
tôi, cuối cùng cũng sẽ nói: “Này con
đây!” một cách trọn vẹn hơn, chân thật hơn, mạnh dạn hơn và vĩnh viễn.
c) Phân đoạn bài Tin
Mừng:
Câu
1: Với động từ “hiện đến”, ngay lập tức thánh
Gioan thu hút sự chú ý của chúng ta đến một sự việc lớn sắp diễn ra. Sức mạnh sự Phục Sinh của Chúa Giêsu vẫn chưa
ngừng xâm chiếm đời sống của các môn đệ và do đó của cả Giáo Hội. Đây chỉ là vấn đề của công việc chuẩn bị chấp
nhận ánh sáng, ơn cứu độ được ban cho bởi Đức Kitô. Khi Người tự mặc khải như đã ghi trong văn bản
này bây giờ, Người cũng sẽ tiếp tục mặc khải mình trong cuộc sống của những kẻ
tin vào Người, cũng như trong cuộc sống của chúng ta.
Câu
2-3: Phêrô và sáu môn đệ khác rời Nhà Tiệc Ly khóa
kín và ra biển đánh cá, nhưng sau một đêm làm việc cực nhọc, các ông chẳng bắt
được gì. Đó là cảnh tối tăm, cô đơn, sự
bất lực của các cố gắng loài người.
Các
câu 4-8: Cuối cùng bình minh cũng đến, ánh sáng trở
lại và Chúa Giêsu xuất hiện đứng trên bờ biển.
Nhưng các môn đệ không nhận ra Người; các ông cần phải tham dự vào một
hành trình đi sâu thẳm vào tâm hồn. Sự
khởi xướng bắt đầu từ Chúa Giêsu, Đấng mà qua lời Người, giúp các ông nhận ra
được nhu cầu và tình cảnh của các ông:
các ông không có gì để ăn. Rồi
Người bảo các ông hãy thả lưới lần nữa.
Việc vâng Lời Người đã tạo ra phép lạ và các ông đã bắt được đầy
cá. Gioan, người môn đệ Chúa yêu, đã
nhận ra được Chúa và hét lớn lên đức tin của ông cho các môn đệ khác. Phêrô đã tin và lập tức nhảy xuống nước để
bơi thật nhanh về hướng của Chúa và Thầy mình. Trong khi đó, các môn đệ khác kéo thuyền và
lưới cá theo sau.
Các
câu 9-14: Quang cảnh trên đất liền bây giờ đã thay đổi,
nơi Chúa Giêsu đang đứng chờ các môn đệ.
Ở đây một bữa ăn đã xảy ra: Bánh
của Chúa Giêsu hợp cùng với cá lưới được của các môn đệ, sự sống của Người và
quà tặng của Người trở nên một với sự sống và quà tặng của các ông. Đó là quyền năng của Lời Chúa đã tạo nên
xương thịt và sự hiện hữu.
Các
câu 15-18: Giờ đây Chúa Giêsu tâm tình trực tiếp với
Phêrô; đó là giờ khắc của tình yêu mãnh liệt mà tự tôi không thể nào tự tách
rời được, bởi vì cùng những Lời đó của Chúa cũng đã được viết và lặp lại với
tôi, hôm nay. Đó là lời tuyên bố chung
về tình yêu đã được lặp lại ba lần, có khả năng khắc phục được tất cả những lúc
bất trung và yếu đuối. Kể từ bây giờ,
một đời sống mới bắt đầu cho Phêrô và cả cho tôi, nếu tôi muốn.
Câu
19: Câu cuối của bài Phúc Âm quả là khá bất
thường bởi vì nó là một lời dẫn giải của Thánh Sử được tiếp ngay theo sau lời
phán bảo mạnh mẽ và dứt khoát của Chúa Giêsu với Phêrô: “”Hãy theo Thầy!” Câu nói mà không có một câu
trả lời nào khác hơn là chính bản thân cuộc sống.
3. Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng
Tại
đây, tôi xin tạm dừng một chút để gom lại trong tâm hồn tôi những Lời Chúa tôi
đã đọc và nghe. Tôi cố gắng làm như Mẹ
Maria đã làm, người đã lắng nghe Lời Chúa và suy gẫm những lời ấy, cân nhắc
chúng và để cho Lời Chúa tự nói lên ý nghĩa mà không cần diễn giải, thay đổi
hay thêm thắt điều gì. Trong thinh lặng,
tôi tạm dừng một chút ở đoạn Phúc Âm này và ôn lại ở trong lòng.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
a) “Mọi người ra đi xuống thuyền” (câu 3). Tôi đã sẵn sàng xuống thuyền để đi vào cuộc
hành trình của hoán cải chưa? Tôi có sẽ
để cho mình được đánh thức bởi lời mời gọi của Chúa Giêsu không? Hay là tôi sẽ ưa trốn mình sau các cánh cửa
khóa kín của tôi vì sợ hãi như các môn đệ trong phòng Tiệc Ly xưa kia? Tôi có muốn ra đi, để đi theo Chúa Giêsu, và
để cho Người hướng dẫn tôi không? Có một
chiếc thuyền đã sẵn sàng chờ tôi, có một ơn gọi tình yêu được Chúa Giêsu trao
cho tôi; đến bao giờ thì tôi sẽ có một quyết định dứt khoát cho câu trả lời
thật sự?
b) “Nhưng đêm ấy, các ông không bắt được con cá
nào”
(cùng câu 3). Tôi có đủ can đảm để nghe
Chúa nói với tôi rằng có sự trống vắng trong lòng tôi, rằng đó là đêm tối, rằng
tôi chỉ có hai bàn tay trắng không? Tôi
có đủ can đảm để thừa nhận rằng tôi cần đến Người, đến sự hiện diện của Người
không? Tôi có muốn mở lòng mình ra với
Người, từ tận thâm tâm tôi, rằng tôi không ngừng cố gắng từ chối, để trốn chạy
không? Người biết tất cả mọi sự, Người
biết cả những sâu kín trong lòng tôi; Người biết rằng tôi không có gì để ăn,
nhưng phải chính tôi là người nhận biết được điều này, để sau cùng tôi phải
chạy đến cùng Người với hai bàn tay không, thậm chí phải thổn thức, với một tâm
hồn tràn ngập buồn rầu và đau khổ. Nếu
tôi không dùng phương cách này, sự sáng đích thực, bình minh của đời tôi sẽ
không bao giờ ló dạng.
c) “Hãy thả lưới bên hữu thuyền” (câu 6). Chúa cũng nói với tôi một cách rõ ràng trong
nhiều lúc, nhờ một người nào đó hoặc một lời cầu nguyện chung hoặc lúc lời Chúa
được đọc lên, là khi tôi hiểu một cách cặn kẽ tôi phải làm những gì. Lời Chúa dạy rất rõ ràng; tôi chỉ cần phải
lắng nghe và tuân phục. “Hãy thả lưới
bên hữu thuyền”, Chúa bảo tôi như vậy.
Rồi cuối cùng liệu tôi có đủ can đảm để tin tưởng vào Người, hay là tôi
chỉ muốn tiếp tục đi trên con đường tôi đang đi, theo ý mình không? Tôi có muốn đi thả lưới cho Chúa không?
d) “Simon Phêrô
… nhảy xuống biển” (câu 7). Tôi không
chắc rằng có một câu nào đẹp hơn câu Tin Mừng này. Phêrô nhảy ùm xuống biển, giống như bà góa ở
đền thờ đã bỏ vào giỏ tiền tất cả những gì bà có, giống như người bị quỷ ám
được chữa lành (Mc 5:6), giống như ông Giairô, giống như người đàn bà bị bệnh
hoại huyết, giống như người bị phong cùi, tất cả đều đã thủ phục dưới chân Chúa
Giêsu, trao gửi cuộc đời họ nơi Người.
Hoặc giống như Chúa Giêsu, chính Người cũng đã thủ phục dưới đất mà cầu
nguyện cùng Đức Chúa Cha (Mc 14:35). Bây
giờ thì đến lượt tôi. Liệu tôi có muốn
dâng đời mình vào trong biển thương xót, của tình yêu Chúa Cha không? Tôi có muốn quy phục cả cuộc đời tôi cho
Chúa, tất cả thân xác tôi, những đau khổ của tôi, những hy vọng, những ước mơ,
những lỗi phạm, những khao khát của tôi để bắt đầu lại không? Cánh tay của Chúa đã sẵn sàng để chào đón
tôi, thay vào đó, tôi biết chắc rằng chính Chúa sẽ dang tay ôm choàng lấy tôi,
như có lời đã chép rằng … “Trong khi người con còn ở đàng xa, cha nó chợt trông
thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi
lâu”.
e) “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây” (câu 10). Chúa kêu gọi tôi đóng góp phần thực thẩm của
mình với Người, cuộc sống của tôi với Người.
Trong khi Thánh Sử đang nói về cá, nhưng dường như ông lại đang nói về
người ta, những người mà Chúa muốn cứu rỗi qua các nỗ lực thả lưới của
tôi. Đó là lý do tại sao Người sai tôi
đi. Tại bàn tiệc của Người, Người kỳ
vọng vào tôi, và tất cả các anh chị em là những người vì tình yêu của Chúa,
Người đã đặt để trong đời tôi. Tôi không
thể nào đến với Chúa Giêsu một mình. Sau
đó, Ngôi Lời hỏi tôi rằng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đến cùng Chúa chưa, để
ngồi cùng bàn với Người, để cử hành mầu nhiệm Thánh Thể với Người và hỏi tôi đã
sẵn sàng để tận hiến cuộc đời mình và năng lực của mình để tôi có thể đem đến
cho Người cùng với tôi thật nhiều những anh chị em khác. Tôi phải xét lại lòng mình một cách chân
thành và để thấy sự chối từ, sự lãnh đạm của tôi đối với Người và đối với những
người chung quanh.
f) “Con có yêu mến Thầy không?” (câu 15) Làm thế nào mà tôi có thể trả lời
được câu hỏi này? Làm thế nào mà tôi có
thể xưng tụng được tình yêu của tôi dành cho Thiên Chúa khi mà tất cả những bất
trung, những chối từ của tôi đang hiển hiện?
Những gì đã xảy ra với ông Phêrô cũng là một phần câu chuyện của
tôi. Nhưng tôi không muốn nỗi lo sợ này
ngăn cản tôi và làm cho tôi thoái lui; không!
Tôi đến với Chúa Giêsu, tôi muốn ở lại cùng Người, tôi muốn lại gần
Người và nói với Người rằng tôi yêu Người.
Tôi muốn mượn lời của Phêrô và biến thành lời của tôi, tôi ghi khắc
chúng vào trong tâm khảm, tôi lặp đi lặp lại những lời ấy, tôi thổi hơi vào
chúng và sự sống trong đời tôi, rồi tôi thu hết mọi can đảm và nói với Chúa
Giêsu: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa
biết con yêu mến Chúa”. Giống như con
người tôi, tôi yêu mến Người. Lạy Chúa,
con xin cảm tạ Chúa, vì Chúa đã gọi con để yêu thương và kỳ vọng nơi con, Chúa
cần con; xin cảm tạ Chúa vì Chúa vui với tình yêu đơn sơ của con.
g) “Hãy chăn dắt các con chiên của Thầy… Hãy
theo Thầy” (các câu 15, 19). Bài Tin
Mừng đã được kết thúc như vậy. Nó là một
kết thúc mở và vẫn còn tiếp tục nói với tôi.
Đây là những Lời mà Chúa giao phó cho tôi để tôi có thể thực hành nó
trong cuộc đời tôi kể từ ngày hôm nay.
Tôi muốn nhận lãnh sứ vụ mà Chúa giao phó cho tôi; tôi muốn đáp trả lời
mời gọi của Người và theo Người đến bất cứ nơi nào Người dẫn dắt tôi, mỗi ngày
và trong mọi việc dù nhỏ bé đến đâu.
5. Ý chính của bài đọc
Phêrô
là người đầu tiên đưa ra ý kiến và nói với các anh em về quyết định đi đánh cá
của mình. Phêrô ra biển, có nghĩa là,
đến với thế gian, ông đã đến với các anh chị em mình vì ông biết rằng ông là
ngư phủ đi lưới cá người (Lc 5:10); cũng giống như Chúa Giêsu, Người đã rời
khỏi nhà Chúa Cha để đến và dựng lều của Người sống ở giữa chúng ta. Phêrô cũng là người đầu tiên phản ứng với
những lời của ông Gioan là người đã nhận ra Chúa Giêsu trên bờ biển. Ông liền khoác áo vào và nhảy xuống
biển. Những hành động này với tôi có
những sự ám chỉ mạnh mẽ về bí tích rửa tội.
Nó có vẻ giống như ông Phêrô muốn chôn vùi hoàn toàn quá khứ của mình ở
trong nước, giống như một người dự tòng bước vào giếng rửa tội. Phêrô tự dấn thân vào dòng nước thanh tẩy
này, ông đã để cho mình được chữa lành: ông tự nhảy xuống nước, mang theo mình
những tự cao tự đại, những lỗi lầm, nặng nề của những lần chối Chúa, những giọt
nước mắt, để khi trồi lên từ mặt nước thì trở thành một con người mới để gặp gỡ
Chúa của ông. Trước khi nhảy xuống nước,
Phêrô đã cột áo ngang lưng, giống như Chúa Giêsu đã làm trước đó, khi Chúa thắt
lưng để rửa chân cho các môn đệ của Người tại bữa tiệc ly. Đó là thứ y phục của
người tôi tớ, của người quên chính bản thân vì anh chị em mình. Và đây cũng là thứ y phục để che sự trần
truồng của ông. Đó là loại y phục của
Chúa, Đấng đã che chở ông trong tình yêu và sự tha thứ của Người. Nhờ vào tình yêu này, Phêrô sẽ có thể trổi
lên từ mặt nước và bắt đầu lại lần nữa.
Trong một đoạn Tin Mừng khác cũng viết rằng Chúa Giêsu đã bước ra khỏi
nước sau khi chịu phép rửa; Thầy và môn đệ cùng chia sẻ một việc làm, cùng trải
qua một kinh nghiệm giống nhau. Phêrô
bây giờ là một con người mới! Đó là lý
do tại sao ông có thể khẳng định ba lần rằng ông yêu mến Chúa. Mặc dù việc chối Chúa ba lần của ông vẫn còn
là vết thương chưa lành, đó không phải là lời nói cuối cùng của ông. Điều mà Phêrô cảm nghiệm được ở đây là sự tha
thứ của Chúa và nhận ra rằng sự yếu đuối của ông đã mặc khải cho ông đến nơi có
một tình yêu to lớn hơn. Phêrô nhận lãnh
tình yêu, một tình yêu mà vượt xa hẳn sự phản bội và vấp ngã của ông, một tình
yêu dư tràn đã giúp ông có thể phục vụ anh chị em mình, để chăn dắt họ đến
những đồng cỏ xanh tươi của Chúa Giêsu.
Không chỉ riêng điều này, mà còn trong sự phục vụ của yêu thương, Phêrô
sẽ trở thành một người Mục Tử nhân lành, giống như Chúa Giêsu. Thật vậy, Phêrô cũng sẽ dâng hiến cuộc đời
của ông cho đoàn chiên mình, ông sẽ bị căng tay đóng đinh trên thập giá, như
chúng ta biết qua lịch sử. Ông đã bị đóng đinh ngược đầu xuống đất, ông sẽ bị
lộn ngược. Nhưng trong sự mầu nhiệm của
tình yêu, ông sẽ từ đó thật sự đứng thẳng lên và hoàn thành việc phép thanh tẩy
đã bắt đầu từ lúc ông nhảy xuống biển với chiếc áo buộc ngang người. Phêrô lúc đó trở thành con chiên đã đi theo
gót Đấng Chăn Chiên để nhận lãnh sự tử đạo.
6. Giây phút cầu nguyện
Thánh
Vịnh 23 (22)
Linh
hồn con khát khao Chúa.
Chúa
là mục tử chăn dắt con,
Con
chẳng thiếu thốn chi.
Trong
đồng cỏ xanh rì, Người cho con nằm nghỉ.
Người
dẫn con tới dòng nước trong lành
Để
bổ sức cho con.
Người
dẫn con trên đường ngay nẻo chính như theo danh dự của Người.
Lạy
Chúa, dù qua thung lũng âm u
Con
không lo sợ chi,
Vì
có Chúa ở cùng.
Côn
trượng Chúa bảo vệ con, con vững dạ yên tâm.
Chúa
dọn sẵn bữa tiệc cho con ngay trước mặt quân thù;
Đầu
con, Chúa xức đượm dầu thơm,
Ly
rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng
nhân hậu và tình yêu bền vững của Chúa ấp ủ con suốt cả cuộc đời.
Và
con được ở trong đền thánh Người hết trọn cả những năm tháng dài sắp tới.
6. Lời nguyện kết
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì Lời Chúa đã giúp chúng con có thể hiểu
cặn kẽ hơn về thánh ý của Chúa Cha.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng chúng con trong các công việc chúng
con làm và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi những điều Lời Chúa đã mặc
khải cho chúng con. Xin cho chúng con,
nên giống như Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa, không những chỉ biết lắng nghe mà còn thực
hành Lời Chúa. Chúng con cầu xin điều này vì Chúa là đấng hằng sống, hằng trị
với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét