Ngày
07/04/2013
Chúa Nhật 2
Phục Sinh Năm C
(Phần I)
BÀI ĐỌC I: Cv 5, 12-16
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ và nhiều
việc phi thường trong dân, và tất cả mọi người tập họp tại hành lang Salômôn;
nhưng không một ai khác dám nhập bọn với các tông đồ. Nhưng dân chúng đều ca
tụng các ngài. Số những người nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng, đến nỗi
họ mang bệnh nhân ra đường phố, đặt lên giường chõng, để khi Phêrô đi ngang
qua, ít nữa là bóng của người ngả trên ai trong họ, thì kẻ ấy khỏi bệnh. Đông
đảo dân chúng ở những thành phụ cận Giêrusalem cũng tuôn đến, mang theo bệnh
nhân và những người bị quỷ ám. Mọi người đều được chữa lành. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 117, 2-4. 22-24. 25-27a
Đáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người
muôn thuở (c. 1).
Hoặc
đọc: Alleluia.
1)
Hỡi nhà Israel ,
hãy xướng lên: "Đức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy
xướng lên: "Đức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ
Chúa, hãy xướng lên: "Đức từ bi của Người muôn thuở". - Đáp.
2)
Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó
đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã thực
hiện, nên chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Đáp.
3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy
Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Phúc đức cho Đấng nhân danh Chúa mà đến;
từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng
chúng tôi. -
Đáp.
BÀI ĐỌC II: Kh 1, 9-11a, 12-13. 17-19
"Ta đã chết,
nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời".
Trích
sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, anh em của chư huynh, đồng phần
chia sẻ sự gian truân, vương quyền và kiên nhẫn trong Đức Giêsu Kitô, tôi đã ở
đảo Patmô vì lời Chúa và vì làm chứng Đức Giêsu. Một Chúa Nhật nọ, tôi xuất
thần và nghe phía sau tôi có tiếng phán lớn như tiếng loa rằng: "Hãy viết
những điều ngươi thấy vào sách và gởi đến bảy giáo đoàn ở Tiểu Á". Tôi
quay lại để xem coi tiếng ai nói với tôi. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chân đèn bằng
vàng, và ở giữa bảy chân đèn bằng vàng đó tôi thấy một Đấng giống như Con
Người, mặc áo dài và ngang lưng thắt một dây nịt bằng vàng. Vừa trông thấy
Người, tôi ngã xuống như chết dưới chân Người; Người đặt tay phải lên tôi và
nói: "Đừng sợ, Ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, Ta là Đấng hằng
sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời. Ta giữ chìa khoá sự chết
và địa ngục. Vậy hãy viết những gì ngươi đã thấy, những điều đang xảy ra và
những điều phải xảy ra sau này". Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 20, 29
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin.
Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 20, 19-31
"Tám ngày sau
Chúa Giêsu hiện đến".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những
cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến,
đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều
đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng
vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các
con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi
hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội
ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm
lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không
cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông
rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia
rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc
ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi
không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong
nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện
đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn Người nói với
Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay
con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa
rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông:
"Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không
thấy mà tin!"
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước
mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được
ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh
em tin mà được sống nhờ danh Người. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Chúa sống lại
đang ở giữa Hội Thánh
Chúng ta vừa nghe đọc một bài sách Công vụ các
Tông đồ, một bài sách Khải huyền và một bài Tin Mừng theo thánh Gioan. Ðó là ba
quyển sách mà Phụng vụ sẽ trích đọc trong tất cả các Chúa nhật Phục sinh năm
nay; và cũng theo thứ tự trên. Không nhất thiết mỗi lần ba bài đọc ấy đều ăn ý
với nhau; nhưng luôn luôn cả ba đều nói về mầu nhiệm Phục sinh. Cứ chung mà
nói, các Tin Mừng sẽ cho chúng ta thấy Chúa sống lại hiện ra với các tông đồ.
Các bài sách Công vụ nói Tin Mừng Phục sinh đã xây dựng Hội Thánh thế nào; và
các bài sách Khải huyền mở cửa trời cho chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Phục sinh ở
trên ấy. Như vậy, trong suốt mùa Phục sinh này, chúng ta sẽ được hiểu biết mầu
nhiệm Chúa sống lại ở những bình diện khác nhau và bù đắp cho nhau. Chúng ta sẽ
thấy nhờ việc sống lại từ kẻ chết, Chúa Giêsu còn hiện diện và hoạt động hơn
trước nơi tâm hồn tín hữu, trong Hội Thánh của Người và hướng dẫn lịch sử các
dân tộc nữa.
Chúng ta sẽ cố gắng tiếp thu giáo huấn của
phụng vụ trong mùa này để làm sống động ơn Phục sinh mà Chúa đã ban cho chúng
ta một cách đặc biệt trong ngày kỷ niệm việc Người sống lại. Và chúng ta sốt
sắng đón nhận thêm ơn ấy mỗi khi tham dự thánh lễ. Ðó là những công việc chúng
ta bắt đầu làm ngay từ trong thánh lễ này, để hiểu biết hơn và đón nhận nhiều
hơn ơn phục sinh của Chúa.
Vậy trước hết, các bài Kinh Thánh đọc hôm nay,
nói gì với chúng ta? Chúng ta nên gọi Chúa nhật này là Chúa nhật của thánh Tôma
hay là Chúa nhật của Hội Thánh? Thiết tưởng, tuy câu chuyện về thánh Tôma hôm
nay rất nổi, chúng ta vẫn không thấy hình ảnh của ông che hết được những sự kiện
khác đã xảy đến cho Hội Thánh sau ngày Chúa sống lại. Cả ba bài đọc dường như
đều chú trọng đến việc Chúa sống lại đang ở giữa Hội Thánh và chúng ta nên gọi
Chúa nhật này là Chúa nhật của Hội Thánh được Chúa sống lại viếng thăm. Ngay cả
câu chuyện về thánh Tôma cũng nằm trong bối cảnh chung này. Và vì nó rất nổi,
chúng ta hãy bắt đầu với nó.
1. Chúa Sống lại Hiện
Ra Với Các Tông Ðồ
Câu chuyện Tôma xảy ra vào ngày thứ 8 sau hôm
Chúa sống lại tức là vào chính ngày hôm nay, sau khi chúng ta đã mừng lễ Phục
Sinh của Chúa vào Chúa Nhật trước. Vì lý do ấy, năm nào phụng vụ cũng đọc bài
Tin Mừng này vào Chúa Nhật II Phục Sinh. Nhưng sở dĩ có việc Chúa hiện ra với
Tôma là vì 8 hôm trước Chúa đã hiện ra với các môn đệ. Hôm ấy Tôma không có
mặt. Ðược anh em nói cho biết Thầy đã sống lại và hiện ra, ông thấy thiệt thòi
và thua kém. Nhất nữa ông là người đã giục anh em: "Nào chúng ta hãy lên
Giêrusalem với Thầy và chịu chết với Thầy". Ông nghĩ mình có quyền được
xem thấy Chúa sống lại ít là như mọi anh em.
Thế nên ông cương quyết không chịu tin lời anh
em kể lại về việc Chúa đã hiện ra và ông đòi phải được sờ vào Người. Tên của
ông lại có nghĩa là "sinh đôi", nên ông muốn được Chúa lập lại cho
ông thấy việc Người đã làm cho anh em.
Chúng ta có quyền nghĩ về tâm lý Tôma như vậy,
vì Thánh Kinh đã khẳng định một điều chắc chắn các tông đồ đã được xem thấy
Chúa sống lại. Thế mà Tôma cũng là một tông đồ. Ông phải được Chúa sống lại
hiện ra để chứng của ông cũng chắc chắn như chứng của mọi anh em. Và rất có thể
trong câu chuyện này, tác giả Gioan cũng đã theo thói quen của mình, lấy trướng
hợp một cá nhân để làm sáng tỏ việc xảy đến cho nhiều người. Việc Tôma vắng mặt
lúc Chúa hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ, là hữu ý để người ta lại được
thấy Chúa hiện ra nữa và rõ hơn, để không ai còn có thể nghi ngờ được nữa.
Quả vậy, đọc kỹ bài tường thuật hôm nay, chúng
ta thấy tác giả Gioan kể hai lần Chúa hiện ra dường in hệt như nhau. Lần sau
như chỉ "lập lại" lần trước, chỉ cá biệt và rõ ràng hơn thôi. Chúng
ta thấy hai lần đều xảy ra vào ngày Chúa nhật, ngày của Chúa sống lại, ngày Hội
Thánh gặp nhau, ngày Chúa phục sinh đến gặp gỡ Hội Thánh. Ðiều đáng để ý là cả
hai lần nhà cửa các môn đệ đều đóng kín. Như vậy, lần hiện ra trước chưa đủ làm
cho họ trở thành những con người mới sao? Hay là tác giả Gioan còn muốn giữ họ
ở lại trong nhà cho đến ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống? Chúng ta có thể
nghiêng về ý nghĩa sau, vì hôm Chúa hiện ra có mặt cả Tôma, cửa nhà các môn đệ
còn đóng kín nhưng không thấy nói "vì sợ người Do Thái" nữa.
Rồi Chúa cũng đột xuất đứng giữa họ và nói:
"Bình an cho các ngươi". Người ta có thể nghĩ Người đã dùng công thức
chào hỏi thông thường của người Do Thái, nhưng đang lúc các môn đệ còn ở trong
nhà đóng kín cửa, lời chào ấy có một ý nghĩa khác. Nó có tác động trấn an thật
sự, nếu chúng ta chưa muốn gán cho nó hiệu lực của mầu nhiệm thập giá đã đem
bình an này mới là sự bình an mà Ðức Giêsu trước đây đã hứa với môn đệ rằng:
"Thầy để bình an lại cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các con,
sự bình an mà thế gian không thể ban được".
Dù sao, sau đó Người đã cho môn đệ thấy tay và
cạnh sườn của Người. Và riêng hôm nay, Người bảo Tôma hãy đem ngón tay đặt vào
đấy. Trong cả hai lần cũng là một việc, tuy lần sau có rõ hơn lần trước nhưng
cũng chỉ có một ý nghĩa. Chúa làm như vậy không phải để trấn an môn đệ, vì tính
cách đột xuất của việc hiện đến có thể khiến họ tưởng Người là ma. Không, ma
không thể có thân thể như Người có đây.
Tuy nhiên, Chúa đã nhằm cho môn đệ tin Người
đã sống lại. Người đã chết thật, nhưng đã sống lại. Các vết thương làm chứng
Người đã chết; nhưng con người đã chịu những vết thương đó bây giờ đang sống
giữa họ đây. Người đã sống lại thật. Họ phải tin như vậy.
Lần trước, niềm tin ấy đã khiến họ mừng rỡ.
Hôm nay, niềm tin đã được đào sâu và tiến bộ. Họ như nói trong lời tuyên xưng
của Tôma: "Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi". Chúng ta thường để
ý đến lời Tôma phát biểu trước đây khi nghe anh em nói rằng Thầy đã sống lại và
hiện ra. Nhưng chúng ta lại hay quên lời tuyên xưng của ông hôm nay.
Ðó là lời tuyên xưng đầu tiên và căn bản của
Hội Thánh về Ðức Giêsu Kitô sau khi đã ý thức việc Người sống lại. Chính niềm
tin về sự Phục Sinh của Người đã khiến Hội Thánh thấy Người là Chúa và là Thiên
Chúa của mình. Và Hội Thánh bắt đầu tuyên xưng Người như vậy. Tác giả Gioan đã
cho Tôma được vinh dự nói lời tuyên xưng ấy lần đầu tiên ở trong Hội Thánh. Như
vậy, tác giả đâu có muốn cho Tôma bị tiếng là cứng lòng tin? Chúng ta phải nghĩ
rằng Gioan đã dành cho Tôma vinh dự tiêu biểu cho Hội Thánh: trước chưa tin,
rồi đã tin và mỗi ngày càng tin sâu xa hơn, đến nỗi trước mới chỉ vui mừng vì
đã tin và đã được cứu độ; sau đã sốt sắng tuyên xưng niềm tin ấy và muốn chia
sẻ ơn cứu độ cho mọi người.
Thật vậy, hôm trước thấy môn đệ đã tin thì
Chúa Giêsu đã thở hơi ban Thánh Thần cho họ để họ có thể tha tội cho người ta.
Hôm nay chúng ta thấy ý tưởng truyền giáo ấy được gói trong câu Chúa bảo Tôma:
"Bởi thấy Ta, ngươi đã tin; phúc cho những ai không thấy mà tin". Cả
hai hôm đều có sự phân biệt giữa đoàn môn đệ và người ta. Môn đệ nhận được
Thánh Thần và đức tin là để người ta được khỏi tội và được tin. Hạng trước phải
phục vụ hạng sau. Chúa sống lại hiện ra với các tông đồ là để họ trở thành nhân
chứng về sự Phục Sinh của Người ở trước mặt các dân tộc; và để họ thành lập
cộng đồng các tín hữu. Chúng ta hãy xem họ có làm nổi công việc này không?
2. Các Tông Ðồ Xây
Dựng Hội Thánh
Bài sách Công Vụ Các Tông Ðồ hôm nay là một
trong ba bản văn tóm tắt tình hình chung của Hội Thánh ở buổi đầu tiên (xem
chương 2,42 và 4,32). Thật ra mỗi bản văn đã làm nổi bật một số điểm trên một
cái nền chung. Ở đây, tác giả chú trọng đến việc các tông đồ đã làm được nhiều
dấu lạ điềm thiêng. Và điều này khá phù hợp với tư tưởng của hai bài Kinh Thánh
khác trong thánh lễ hôm nay, nhất là bài Tin Mừng chúng ta vừa đọc.
Nhưng trước hết chúng ta hãy để ý đến nền ảnh
chung. Tác giả viết: "Bấy giờ họ đồng tâm nhất trí thường họp với nhau hết
thảy nơi trụ lang Salomon". Ðiều này làm chứng cho những lời tác giả nói
trước đây. Các tín hữu của Chúa thời bấy giờ hiệp nhất như chỉ có một linh hồn.
Và cũng phải nói: họ như chỉ có một thân thể nữa, vì họ không thể nào chịu để
cho trong họ có người thiếu thốn. Thế nên ai có sở hữu nhiều thì đã đem bán đi,
lấy tiền, đem lại cho các tông đồ để chia sẻ cho những người túng thiếu hơn.
Tuy nhiên, điều đáng để ý nhất ở nơi họ, vẫn
là sự đồng tâm nhất trí về tinh thần, biểu lộ đặc biệt trong những khi họ hội
họp nhau để nghe giáo huấn các tông đồ và cử hành phụng vụ. Ở đây, chúng ta
thấy họ đang có mặt ở tất cả ở các trụ lang Salomon là chỗ khá rộng rãi thuộc
đền thờ để tín hữu làm công việc thờ phượng. Chính tại nơi này, xưa kia Chúa
Giêsu đã đi đi lại lại (Ga 10,23); và cách đây lít lâu, Phêrô đã làm cho một
người què được khỏi tức thì.
Hôm nay, tín hữu của Chúa cũng họp nhau lại
đây để nghe giáo huấn và cầu nguyện. "Không ai dám sát lại gần họ".
Vì sợ người Do Thái ư? Chắc không phải, vì như sau sẽ nói, số tín hữu cứ mỗi
ngày mỗi tăng. Nhưng người ta chưa dám lại gần cộng đoàn dân Chúa chỉ vì đang là
giờ phụng vụ riêng của Hội Thánh mà người ta chưa thể tham dự được. Cũng rất có
thể những lúc như vậy người ta thấy họ được dồi dào các ơn Thánh Thần và sốt
sắng đặc biệt, như tác giả sách Công vụ đã nhiều lần nói (vd. 4,31).
Dù sao không dám lại gần, nhưng người ta cũng
ca tụng họ vì quả thật họ đáng ca tụng khi hội họp nhau đồng tâm nhất trí và
sốt sắng như vậy. Dĩ nhiên sự ca tụng này cũng bao gồm cả những lần khác khi
người ta thấy các tín hữu ăn ở tốt lành và có lòng bác ái chia sẻ trong đời
sống xã hội.
Chính những hình ảnh đẹp đẽ này đã lôi kéo
nhiều người gia nhập dân Chúa, mỗi ngày mỗi đông, đoàn đoàn lũ lũ, đàn ông đàn
bà. Và gia nhập có nghĩa là tin theo Chúa khiến chúng ta thấy các môn đệ đã thi
hành được sứ mạng Chúa giao cho mình. Sau khi sống lại, như bài Tin Mừng hôm
nay viết, Chúa đã hiện ra với họ, ban Thánh Thần để họ tha tội, ban đức tin để
họ làm cho có nhiều người không thấy Chúa mà vẫn tin. Thế thì bài sách Công vụ
hôm nay cho thấy ơn Thánh Thần và đức tin của các môn đệ càng ngày càng lan
sang cho đoàn đoàn lũ lũ. Hội Thánh đã thành hình và phát triển nhờ ơn Chúa
Phục Sinh vậy.
Ở giữa Hội Thánh này, các tông đồ đóng một vai
trò quan trọng, và đặc biệt là Phêrô. Chúa làm cho họ được nhiều dấu lạ điềm
thiêng để củng cố lời rao giảng của họ, như Người đã từng hứa; và như họ vẫn
thường xin (4,30). Họ biết khả năng tự nhiên của họ quá ít; họ còn ý thức hơn
nữa tính cách siêu việt của Lời Chúa và sự khó đoán nhận tự nhiên của xác thịt
về phía người nghe. Chúa có trợ sức, lời giảng về Mầu nhiệm Thập giá mới trở
thành thần lực. Và khi có dấu lạ điềm thiêng kèm theo, lời giảng Tin Mừng mới
có sức mạnh.
Chúng ta hãy chú ý: các dấu lạ điềm thiêng ở
đây không hề có tính cách phô trương mê hoặc, nhưng hoàn toàn chỉ bày tỏ ơn
Thánh Thần và bác ái. Ðặc biệt hôm nay chúng ta thấy toàn là việc chữa bệnh tật
để nói lên ơn tha tội và sự sống Phục Sinh của lời giảng. Và khi nhìn thấy
quang cảnh người ta từ khắp nơi khiêng bệnh nhân đến và đặt la liệt trên đường
đi cho bóng của Phêrô đi ngang qua rợp trên những người đau yếu, làm sao tự
nhiên chúng ta lại không nhớ lại Chúa Giêsu ngày trước đã nhiều lần như thế.
Phêrô bây giờ là hình ảnh của người, và là hiện thân của Chúa Phục Sinh, nếu
chúng ta nói được như vậy. Nhất là khi Phêrô xua trừ được tà thần, thì rõ rệt
sức mạnh của Chúa Giêsu sống lại đang ở với ông và ở trong Hội Thánh. Chúa
Giêsu đang ở cùng Hội Thánh hằng ngày cho đến tận thế. Và điều này cũng được
bài sách Khải Huyền hôm nay nói lên.
3. Hội Thánh Của Chúa
Sống Lại
Tác giả Gioan tự giới thiệu mình như là một
phần tử đang ở giữa cộng đoàn dân Chúa. Người là anh em với mọi người; và đang
đồng hành với anh em. Một thân phận chung đang trùm lên mọi người. Hội Thánh
của Chúa ở trần gian đang trong cơn thử thách; nhưng đó là thử thách mang lại
vương quyền như cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trước đây. Và vì thế Hội Thánh đang
kiên nhẫn ở trong Người.
Nói một cách cụ thể hơn, Gioan đang chia sẻ sự
bắt bớ mà Hội Thánh đang chịu. Ông, bị đày ra đảo Patmos
vì Lời Chúa và vì chứng của Chúa Giêsu. Ông đã thi hành sứ mạng Tông đồ, rao
giảng Lời Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu, nên người ta đày ông ra đảo này.
Nhưng cho dù bị tách rời anh em về phần xác,
Gioan vẫn ở giữa cộng đồng Hội Thánh bằng tinh thần và ngày Chúa nhật hôm ấy,
ngày Hội Thánh gặp nhau, ngày Chúa viếng thăm Hội Thánh cách đặc biệt, Gioan
được "ngất trí" để sống giữa Hội Thánh và phục vụ Hội Thánh với cương
vị tông đồ của mình.
Ông nghe thấy có tiếng nói lên ở đàng sau tựa
tiếng loa. Ðó là tiếng "thần thánh" nói trong "đầu óc" ông.
Tiếng đó bảo ông phải viết những điều ông trông thấy để gởi các giáo đoàn, tức
là cho cả Hội Thánh. Ông phải làm vai trò rao giảng Lời Chúa như ơn Chúa đã kêu
gọi ông.
Và ông thấy gì? Có 7 trụ đăng vàng, tiêu biểu
cho 7 giáo đoàn sẽ nhận được thư ông. Và giữa các trụ đăng ấy có ai giống như
Con Người, mình bận áo chùng, lưng thắt đai vàng. Chẳng thể hồ nghi gì nữa, đó
là Chúa Giêsu ở giữa Hội Thánh, mặc áo tư tế và thắt lưng đai vua. Cảnh tượng
ấy khiến Gioan lập tức sấp mình kính sợ thờ lạy. Nhưng Chúa Giêsu đã đặt tay
hữu lên ông và bảo: đừng sợ! Rồi Người cho ông biết: Người là Ðầu hết và là Sau
hết; là Ðấng Hằng Sống, nắm giữ chìa khóa sự chết và âm phủ. Người bảo ông hãy
viết những điều này và những điều sau này nữa mà gửi cho Hội Thánh.
Chúng ta hãy hiểu ý của Người, khi xưng mình
là Ðầu hết và Sau hết, Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với Thiên Chúa theo công
thức mà Isaia đã viết trong Cựu Ước. Người ta đừng tưởng Người đã chết trên
thập giá. Không, Người đã sống lại và là Ðấng Hằng Sống. Người đã chết và sống
lại để nắm được chìa khóa (tức quyền hành) của sự chết và của âm phủ). Những
lời mạc khải này quan trọng biết bao! Nó củng cố niềm tin của Hội Thánh về việc
Chúa chết và sống lại. Và được nghe trong lúc bị bắt bớ, đày ải, những lời ấy
tăng thêm sức mạnh kiên nhẫn cho Hội Thánh hơn hết mọi liều thuốc hồi sinh.
Bài sách Khải huyền, vì thế, rất phù hợp với
Hội Thánh thời thánh Gioan. Và đối với chúng ta đang sống trong thân phận lữ
khách trần gian, mạc khải vừa nghe cũng đem lại nhiều an ủi. Nhưng nhất là
chúng ta phải thấy rõ Chúa Giêsu Phục Sinh hằng ở giữa Hội Thánh như vị Thượng
Tế của đạo mới, như vị thủ lãnh có vương quyền và như Thiên Chúa đang nắm giữ
vận mạng của lịch sử. Người không ở xa Hội Thánh, nhưng ở giữa. Người không bỏ
rơi một phần tử nào, nhưng ban sức cho cả người lưu đày cũng được khả năng thi
hành chức vụ. Hoạt động của Người không giảm đi, theo việc Người chịu chết.
Trái lại, cả ba bài Kinh Thánh hôm nay đều cho thấy, từ sau ngày sống lại, Chúa
Giêsu đã hoạt động hơn trước với quyền lực mới, nắm giữ cả chìa khóa sự chết và
âm phủ, khiến tà thần và bệnh tật cũng phải lui mau khi các Tông đồ và Hội
Thánh của Người đến gần...
Trong thánh lễ cử hành bây giờ, Chúa Giêsu
cũng đến với quyền lực như thế. Người có thể làm ra những Tôma mới; Người ban
cho Hội Thánh sự hiệp nhất và sức mạnh mới; Người tỏ ra vẫn hiện diện mới mẻ
giữa Hội Thánh. Ước gì chúng ta biết đón nhận Người với lòng tin của Tôma; cộng
đoàn phụng vụ chúng ta muốn chứng tỏ tình hiệp nhất và khả năng đổi đời nhiều
hơn, để chứng tỏ Ðức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi, là Ðấng Hằng Sống, hằng
trị, và hằng cứu độ mọi người. Amen.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Chủ Nhật 2
Phục Sinh, Năm C, Chúa Thương Xót
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phúc cho ai không thấy
mà tin.
Nhiều người nghĩ họ chỉ tin khi nào thấy tận
mắt hay có thể hiểu được; nếu không, họ kết luận tin mà không thấy, không hiểu
là mê tín, dị đoan. Họ quên đi họ cũng đã tin rất nhiều thứ không thấy và không
hiểu được; chẳng hạn như: tin lịch sử, giòng điện, gió hay hơi thở. Khi tin
những điều này, họ dựa vào thế giá của các nhân chứng hay hiệu quả của những gì
họ không thấy được. Trong lãnh vực niềm tin cũng thế, con người tin không phải
vì đã thấy Chúa; nhưng vì đã nhìn thấy hiệu quả của uy quyền và tình yêu của
Ngài trong vũ trụ, qua đời sống của các chứng nhân, hay cảm nghiệm của chính cá
nhân họ trong cuộc đời.
Các bài đọc hôm nay nêu bật những sự kiện con
người phải dựa vào để tin Thiên Chúa và Đức Kitô. Trong bài đọc I, tác giả Sách
Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh đến việc tuy không thấy việc Chúa Giêsu Phục Sinh từ
ngôi mộ hay nhìn thấy Ngài cách nhãn tiền; nhưng qua lời làm chứng của các tông
đồ và những phép lạ các ông làm, rất nhiều người đã tin vào Ngài. Trong bài đọc
II, tác giả Sách Khải Huyền ghi chép lại những gì ông đã thấy về những gì sắp
xảy ra cho bảy giáo đoàn tại Tiểu Á. Mục đích là để các tín hữu của giáo đoàn
xét mình, nhận ra những ưu và khuyết điểm để kịp thời sửa chữa. Trong Phúc Âm,
tông đồ Thomas từ chối không tin vào lời chứng của 10 tông đồ và ông xác tín
ông chỉ tin khi nhìn thấy Chúa Giêsu tận mắt. Chúa Giêsu hiện ra cho ông thấy
tận mắt; nhưng khuyến cáo ông: chỉ tin khi thấy là điều tầm thường, nhưng phúc
cho những ai không thấy mà tin.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các
tông đồ.
1.1/
Phêrô và các tông đồ làm cho nhiều người tin vào Đức Kitô: Bằng chứng rõ ràng
nhất của sự Phục Sinh là sự thay đổi hầu như hoàn toàn nơi các tông đồ, từ
những con người yếu đuối, nhát đảm, sợ sệt, chạy trốn trong Cuộc Thương Khó;
nay các ông thành những người can đảm, mạnh dạn, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa
Giêsu, đến nỗi Thượng Hội Đồng cũng phải sợ các ông. Chứng kiến sự thay đổi và
nghe những lời làm chứng của các ông, “càng ngày càng có thêm nhiều người tin
theo Chúa, cả đàn ông đàn bà rất đông.”
Chúa
Giêsu đã thấy trước những hiệu quả này khi Ngài chọn, huấn luyện và sai các ông
đi rao giảng và chữa lành ngay cả trước biến cố Phục Sinh (x/c Mt 10:7-9; Mk
3:13-15, 6:12-13, 16:17-18; Lk 9:1-2). Các môn đệ đã vâng lời ra đi và trở về
tường thuật cho Ngài những kết quả họ thu nhận được. Sau biến cố Phục Sinh, họ
ra đi với niềm tin được xác tín mạnh mẽ hơn, và hậu quả họ thu nhận được nhiều
hơn.
1.2/
Phêrô và các tông đồ được Đức Kitô ban quyền chữa bệnh: Trừ quỉ và chữa lành
là những gì Đức Kitô đã làm để khơi dậy niềm tin nơi khán giả, các tông đồ của
Người cũng được trao quyền làm những phép lạ như vậy để khơi dậy niềm tin trong
con người vào Đức Kitô.
Giống
như Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật sự kiện mọi người chen lấn nhau để mong chạm
được gấu áo của Chúa Giêsu, tác giả Sách CVTĐ cũng tường thuật: “Người ta còn
khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi
ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào
đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Jerusalem
cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế
ám, và tất cả đều được chữa lành.”
2/
Bài đọc II: Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn
đời.
2.1/
Các giáo đoàn cần trung thành với đức tin và những lời dạy dỗ của Đức Kitô.
Tục ngữ Việt Nam có câu để mô tả sự yếu đuối của
con người: “Chầu lâu gối mỏi.” Sau thời gian nhiệt thành của giây phút ban đầu,
nồng độ của đức tin và đức mến của các tín hữu sẽ từ từ suy giảm với thời gian;
nhất là khi con người phải đương đầu thường xuyên với các cám dỗ của ba thù.
Tác giả của Sách Khải Huyền được lệnh của Thiên Chúa trong thị kiến đầu tiên
viết những lời cảnh giác cho bảy giáo đòan tại Tiểu Á. Mục đích là để giúp họ
biết xét mình, nhận ra những tội lỗi và sửa chữa kịp thời; nếu không, họ sẽ
phải chịu những kết quả của tội đem lại khi Đức Kitô đến lần thứ hai.
Đọc chi tiết những gì ông Gioan viết bảy Hội
Thánh tại Tiểu Á: Êphêsô, Myrna, Pergamô, Thyatira, Sardis ,
Philadelphia và Laodicea ; chúng ta có thể nhận ra những cám
dỗ của ba thù nơi chính chúng ta. Mọi người cần phải thường xuyên xét mình để
nhận ra mức độ tin yêu họ dành cho Đức Kitô.
2.2/
Các danh xưng trong trình thuật muốnnói lên uy quyền của Đức Kitô:
-
Ta là Đầu và là Cuối: Đức Kitô là khởi nguyên và là chung cuộc; không có gì có thể
thay đổi được Ngài hay thay đổi những gì Ngài dạy dỗ. Người tín hữu cần trung
thành với đức tin và những giáo huấn của Đức Kitô; chứ đừng chạy theo những hệ
thống tư tưởng và trào lưu nhất thời của thế gian, kẻo phải lãnh nhận những
thiệt hại cho bản thân, gia đình, và cộng đoàn.
-
Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời: Đức Kitô vẫn
đang sống trong các tín hữu và trong Giáo Hội qua sự hiện diện của Chúa Thánh
Thần. Các tín hữu cần lắng nghe và tuân theo những gì Ngài hướng dẫn và dạy
bảo.
-
Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ: Đức Kitô có quyền trên cả sự chết ở đời này và
sự chết đời đời. Người tín hữu không được sợ hãi và lùi bước trước bất cứ quyền
lực nào của thế gian hay của quỉ thần. Họ chỉ cần vững tin vào Ngài là sẽ thắng
vượt được tất cả các quyền lực này.
3/
Phúc Âm: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy
mà tin!"
3.1/
Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ không có ông Thomas: Theo Tin Mừng Gioan,
các tông đồ đã được chuẩn bị để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh bởi lời của các phụ
nữ ra thăm mộ, và nhất là lời chứng của Mary Magdala về sự hiện ra của Chúa
Giêsu với bà; nhưng các ông vẫn còn hồ nghi về những lời chứng của các phụ nữ.
Trong
trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu thân hành hiện đến với các tông đồ để kiện toàn
niềm tin của các ông. Có ba sự kiện của lần hiện ra này chúng ta cần để ý:
(1)
Chúa Giêsu Phục Sinh có thể đi qua cửa đang đóng kín: Trình thuật nói rõ:
“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều
đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói:
"Bình an cho anh em!"”
(2)
Ngài mang một thân xác thật, chứ không phải là hồn người chết hay ảo ảnh: “Người cho các ông
xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” Mười môn đệ đều
chứng kiến biến cố này một lúc; nên không ai có thể chối cãi lời chứng của họ
được.
(3)
Chúa Giêsu thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ: “Nói xong, Người thổi
hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” Trước khi chịu
Thương Khó, Chúa Giêsu đã hứa sẽ không để các ông mồ côi, Người sẽ ban cho các
ông một Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho
các ông về Thánh Thần như sau: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh
em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những
gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy
đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho
anh em” Jn (16:13-14). Với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong các tông đồ,
các ông sẽ không còn chút nghi ngờ nào về sự phục sinh của Chúa Giêsu.
3.2/
Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ có cả ông Thomas: Vì tông đồ Thomas
không có mặt trong lần hiện ra trước, nên các tông đồ nói với ông: “Chúng tôi
đã xem thấy Chúa.” Tác giả dùng động từ của câu này ở thời “hoàn hảo” để chứng
minh niềm tin hoàn hảo của các tông đồ.
Nhưng
ông Thomas từ chối không tin lời của 10 nhân chứng; ông đòi niềm tin đặt căn
bản trên thực nghiệm: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi
không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi
chẳng có tin."
“Tám
ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với
các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói:
"Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Thomas: "Đặt ngón tay
vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng
cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."
Chúa
Giêsu vẫn đi qua các cửa đóng kín như lần trước. Ông Thomas chắc phải lạnh
người vì không ngờ tất cả những gì mình nói giờ đây được lặp lại từng chữ trên
môi miệng của Chúa Giêsu. Vì thế, ông Thomas sụp xuống thưa Người: "Lạy
Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Nhiều tác giả đã phân tích câu
tuyên xưng này và nêu bật niềm tin của Thomas: ông không những tuyên xưng Chúa
Giêsu là Chúa, mà còn là Thiên Chúa của ông nữa.
3.3/
Niềm tin không dựa trên những gì trông thấy còn tốt hơn: Con người tin vì
nhiều cách khác nhau như nhìn thấy tận mắt, hay cảm thấy hiệu quả, hay vì lời
của một, hai, ba, hay nhiều nhân chứng. Chúa Giêsu xếp loại chỉ tin khi nhìn
thấy tận mắt xuống dưới hàng tin khi không thấy qua lời Ngài tuyên bố với
Thomas: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà
tin!"
Con
người cần tin vào lời của Kinh Thánh hay lời của các chứng nhân, như tác giả
của Tin Mừng thứ bốn viết: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các
môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những
điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên
Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Đức Kitô Phục Sinh là căn bản của niềm tin chúng ta; vì thế, chúng ta cần học
hỏi và làm mọi các để hiểu rõ niềm tin này.
-
Chúng ta cần giữ vững niềm tin Phục Sinh trong cuộc đời, nhất là những khi bị
cám dỗ và chịu bách hại bởi ba thù.
-
Thấy và tin là mức độ thấp nhất trong tiến trình đức tin. Chúng ta cần lắng
nghe tiếng của Chúa Thánh Thần và tin vào lời các nhân chứng.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
6 THÁNG TƯ
Lớn Lên
Trong Sự Mật Thiết Với Đức Kitô
Chúng
ta cũng được mời gọi tin vào Đức Kitô qua lời rao giảng của Giáo Hội. Trong tư
cách là thân thể của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi loan truyền cái chết cứu
độ, cuộc Phục Sinh của Người và sự hiện diện thường xuyên của Người ở giữa
chúng ta. Chính Đức Giêsu đã bảo đảm với chúng ta: “Này, Thầy sẽ ở với anh em
mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Đức
tin không qui chiếu nhiều đến một sự kiện quá khứ cho bằng tuyên bố rằng Chúa
hằng sống và đang hiện diện giữa chúng ta. Tiên vàn, nó có nghĩa một mối thân
tình gắn bó với Đức Kitô. Chúng ta phải có một sự kết hiệp mật thiết với Người.
Đức Kitô phải trở thành ngày càng cắm rễ sâu hơn nơi chúng ta.
Càng
lớn lên hơn, chúng ta càng cần tin hơn. Vì thế, mục đích của chúng ta phải là
trở nên mật thiết hơn với Đức Kitô và gìn giữ mối thân tình với Người. Rồi,
Người sẽ định dạng cuộc sống chúng ta – qua đó, chúng ta sẽ càng kết hiệp với
Người nhiều hơn, sẽ hiểu biết Người nhiều hơn, và với tình yêu và lòng trung
thành đối với Người, chúng ta sẽ tiến lên trong hành trình của chúng ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
Ngày 07-4: Chúa Nhật II
Phục Sinh. Cuối Tuần Bát Nhật.
Chúa Nhật Về Lòng Thương
Xót Của Thiên Chúa.
Cv 5, 12-16; Kh 1,
9-11a.12-13. 17-19; Ga 20, 19-31.
LỜI
SUY NIỆM: Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lãnh
Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, người
ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,22-23)
Chúa
Giêsu Phục Sinh, Ngài khởi đầu cho một sự tạo dựng mới. Trong Sách Sáng Thế.
Thiên Chúa tạo dựng con người bằng Đất, con người được có sự sống khi Thiên
Chúa thổi hơi của Ngải vào tạo vật bằng Đất ấy. Hôm nay những thân xác của các
Tông đồ cũng được chính Chúa Giêsu thổi hơi của Ngài vào, các Tông đồ đã nhận
lấy sự sống mới, sự sống siêu nhiên với quyền uy của Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài
đã chịu chết để xóa tội trần gian, giờ đây Ngài thông ban quyền tha tội hay cầm
giữ cho các môn đệ của Ngài; để nhân loại được sống.
Mạnh
Phương
Gương các Thánh
Ngày
07-04: Thánh GIOAN LASAN
Linh
Mục (1651 - 1719)
Thánh
Gioan Lasan là bổn mạng của các nhà giáo dục, Ngài được thành công trong việc
cung ứng một hệ thống giáo dục cho quảng đại quân chúng vào thời mà dân nghèo
như bị bỏ rơi hoàn toàn. Nỗ lực của Ngài không phải chỉ trong việc mở trường mà
là việc tạo lập nên một đoàn thể những nhà giáo dục được đào tạo chu đáo. Chính
nỗ lực này đặt nền tảng bảo đảm cho sự thành công trong việc giáo dục.
Không
phải khuynh hướng tự nhiên được đưa Ngài tới việc thực hiện công trình này.
Thật vậy, hoàn cảnh gia đình với sự đào luyện từ thuở nhỏ khó có thể coi được
là một chuẩn bị cho Ngài làm giáo dục. Sinh tại Reims
ngày 30 tháng 4 năm 1651, Gioan Baotixita, là con trưởng trong một gia đình quý
phái và được thừa hưởng địa vị lẫn gia tài của cha mẹ để lại. Những thứ này là
vực ngăn cách Ngài với đám đông dân chúng nghèo khổ.
Vào
tuổi 16, khi đang theo học ở Học viện dành cho trẻ em ưu tú (College des Bons
enfants), thánh nhân được đặt làm kinh sĩ ở Reims .
Sau đó Ngài tiếp tục theo học tại chủng viện Xuân Bích và đại học Sorbonne để
làm linh mục. Ngài thụ phong linh mục năm 27 tuổi.
Cho
đến lúc này, chưa có một yếu tố nào cho thấy rõ sứ mệnh tương lai của Ngài.
Nhưng ít lâu sau, Ngài được chỉ định giúp vào việc lập trường ngay tại quê
hương xứ sở mình. Việc này đặt Ngài và trách nhiệm săn sóc các giáo viên, dẫn
Ngài tới chỗ đưa họ về nhà mình và đào luyện họ. Dần dần, Ngài hiểu rằng: Chúa
quan phòng định cho Ngài làm dụng cụ kiến tạo một hệ thống giáo dục dành cho
dân nghèo, lớp dân bị xỉ nhục trong "thế kỷ huy hoàng" vì sự hư dốn
và ngu dốt của họ.
Chọn
thánh ý Thiên Chúa làm nguyên tắc hứơng dẫn đời sống, Ngài quyết định hiến mình
trọn vẹn cho công tác này. Ngài từ chức kinh sĩ, phân phát gia tài để mang lấy
cũng một địa vị như các giáo viên Ngài chung sống. Làm như vậy Ngài làm cho
những người đồng hương nặng đầu óc giai cấp tức giận. Nhưng điều ấy không thay
đổi được quyết định của Ngài.
Năm
1684, Ngài biến đổi nhóm giáo viên của mình để thành một cộng đoàn an sĩ với
danh hiệu Sư huynh. Các trường công giáo. Đây là nguồn gốc của hội dòng ngày
nay, phổ biến rộng rãi khắp thế giới. Để giới hạn hội dòng riêng cho nỗ lực
giáo dục, Ngài nhận định rằng: sư huynh nào làm linh mục, cũng như không nhận một
linh mục nào vào dòng. Luật này ngày nay vẫn còn được áp dụng.
Những
năm đầu, hội dòng rất nghèo khổ và cực nhọc. Tuy nhiên thánh nhân vẫn kiên
quyết chịu đựng và vững tin ở Chúa quan phòng. Người nói với những người lo âu
: - Tại sao mà không tin tưởng ? Chúa thà làm phép lạ còn hơn để cho chúng ta
phải thiếu thốn.
Mối
quan tâm chính của Ngài là đào luyện đạo đức và nghiệp vụ cho anh em. Nhưng,
thấy không thể thỏa mãn được mọi đòi hỏi của giáo viên nếu không huấn luyện
giáo viên, năm 1678 Ngài lập ở Reims một học viện cho khoảng 40 trẻ. Lần đầu
tiên trong lịch sử giáo dục có một cơ sở giáo dục như vậy.
Sau
khi lập trường ở những thành phố lân cận, năm 1683, Ngài coi sóc một trường ở
xứ Thánh Xuân Bích (Sulpice), là nơi Ngài đặt bản doanh của mình. Tại thủ đô
công trình lan rộng mau lẹ. Ngài lập thêm một trường đào tạo nữa với một trường
miễn phí cho các bạn trẻ đã đi làm việc. Khi vua Giacôbê III trao phó cho Ngài
săn sóc các thiếu niên Ai Nhĩ Lan, Ngài đã dành cho họ các giảng khoá đặc biệt
theo nhu cầu của họ.
Mục
đích tốt đẹp của Ngài bị chống đối bởi những giáo viên trường nhỏ, vì mất học
sinh và học phí. Họ kiện cáo Ngài. Trường của Ngài bị cướp phá. Ngài bị kết án
và bị cấm không được mở trường đào luyện miễn phí ở phạm vi Paris. Dĩ nhiên
Ngài cũng bị trục xuất khỏi thủ đô một thời. Nhưng công trình của Ngài đã lan
rộng sang nhiều nơi khác và những cấm đoán kia không thể phá hủy nổi.
Ở
Rouen , Ngài đã
lập hai cơ sở quan trọng: một trường nội trú phải trả học phí, cho học sinh
miền quê muốn hiến thân, và một trường phục hồi cho những trẻ em bụi đời. Cả
hai đều rất thành công. Cha Gioan Baotixita trải qua những năm cuối đời ở Rouen để kiện toàn thành
tổ chức, viết luật dòng chờ các sư huynh và hai tác phẩm Meditations (nguyện
ngắm), Methode de la prière mentale (Phương pháp thực hành tâm nguyện)
Ngài
từ trần ngày thứ sáu tuần thánh 09 tháng 04 năm 1719.
07 Tháng Tư
Bình An
Trong Tâm Hồn
Purna, một môn đệ của
Ðức Thích Ca, xin thầy được phép đi đến Sronapa-Ranta, một vùng còn bán khai để
tiếp tục tu luyện và truyền đạo. Nhân lời xin này, người ta ghi lại cuộc đối
thoại giữa hai thầy trò như sau: Ðức Thích Ca cho biết ý kiến: "Nhân dân
vùng Sronapa-Ranta còn rất man di. Họ nổi tiếng thô bạo và tàn ác. Bẩm tính của
họ là hiếu chiến, thích gây sự, thích cãi vã, đánh nhau và làm hại kẻ khác. Lúc
đến đó, nếu họ nghi kỵ con, dùng những lời thô bạo để nói xấu, mắng chửi và vu
khống con, con sẽ nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Nếu thật sự xảy ra như
vậy, thì con nghĩ là: dân chúng tại đây thật tốt lành và thân thiện, vì họ chỉ
lăng mạ con chứ không dùng vũ lực, không đánh đập hay ném đá con". Ðức
Thích Ca tiếp lời: "Nhưng nếu họ hành hung và dùng đá ném con, thì con sẽ
nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Trong trường hợp đó, con vẫn nghĩ dân
chúng vùng Sronapa-Ranta thật tốt lành và thân thiện, vì họ không cột con vào
cột để đánh đòn và không dùng khí giới sắc bén để sát hại con".
Nghe môn đệ xác quyết
như thế, Ðức Phật không khỏi ngạc nhiên; Ngài hỏi tiếp: "Nhưng nếu họ thật
sự ra tay giết con, con nghĩ thế nào trước khi nhắm mắt lìa đời?". Không
cần suy nghĩ lâu, Purna đáp: "Nếu họ hại đến tính mạng con, con vẫn nghĩ
họ là những người tốt lành và thân thiện, vì họ muốn giải thoát con khỏi thân
xác hay hư nát này". Nghe đến đây, Ðức Thích Ca bảo: "Purna, con đã
tu tâm dưỡng tính đến nơi đến chốn để có được sự ôn hòa, kiên nhẫn hơn người.
Thầy nghĩ con có thể sinh sống và truyền đạo cho dân Sronapa-Ranta. Hãy ra đi
và giúp họ dần dần giải thoát khỏi bẩm tính hiếu chiến và bất nhân như chính
con đã tự giải thoát mình khỏi những thiên kiến và những ý nghĩ hận thù, ghen
ghét".
Thiết
nghĩ tự tạo cho mình sự bình an trong tâm hồn là bổn phận của Kitô hữu chúng
ta. Và theo kinh nghiệm của tu sĩ Purna trong câu chuyện trên, để tạo cho mình
nền hòa bình này, chúng ta phải cố gắng tự giải thoát mình khỏi mọi thiên kiến,
nghi kỵ cũng như hằng ngày phải thanh luyện tâm hồn khỏi những ý nghĩ hận thù,
ghen ghét.
(Lẽ
Sống)
7-4
Thánh Gioan La San
(1615 - 1719)
Là một người trẻ của thế kỷ 17, Gioan có tất cả mọi sự: năng khiếu học thuật, đẹp trai, gia đình quyền quý giầu có và được giáo dục tử tế. Nhưng khi mới 11 tuổi, ngài xuống tóc đi tu làm linh mục, và sau đó được chịu chức vào năm 27 tuổi. Dường như một cuộc đời dễ dàng với phẩm trật cao trọng trong Giáo Hội đang sẵn sàng chờ đón ngài.
Nhưng Thiên Chúa đã có những chương trình khác cho Cha Gioan, mà dần dà mới được tỏ lộ trong những năm sau đó. Trong một cơ hội gặp gỡ ông Nyel ở Raven, ngài cảm thấy muốn thiết lập một trường học dành cho các em trai nhà nghèo ở Raven, là nơi ngài đang sinh sống. Mặc dù công việc lúc đầu thật ghê tởm đối với ngài, nhưng sau đó, càng ngày ngài càng say mê hoạt động cho các thiếu niên nghèo túng.
Tin rằng đây là sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, Cha Gioan hết lòng lao mình vào công việc, bỏ nhà, bỏ gia đình, bỏ cả chức vụ kinh sĩ ở Rheims, bán hết tài sản để trở nên giống như các người nghèo mà ngài đã tận hiến cuộc đời để phục vụ họ.
Cuộc đời còn lại của Cha Gioan là sống sát với tu hội mà ngài đã thành lập, Các Thầy Trường Công Giáo (Sư Huynh La San). Tu hội này phát triển mau chóng và thành công trong việc giáo dục các nam thiếu niên của gia đình nghèo với phương pháp sư phạm mà Cha Gioan đề ra, đó là sự dạy dỗ cả lớp thay vì chỉ bảo cá nhân, và dùng tiếng bản xứ thay vì tiếng Latinh. Ðồng thời tu hội cũng còn mở trường huấn luyện các giáo chức và thiết lập trường nội trú cho các thiếu niên ngỗ nghịch của các gia đình giầu có. Yếu tố năng động đằng sau các nỗ lực này là mong muốn các thiếu niên trở nên một Kitô Hữu tốt lành.
Mặc dù rất thành công, Cha Gioan cũng không thoát khỏi những thử thách, đó là sự đau lòng khi các sư huynh bỏ dòng, sự chống đối cay đắng từ các hiệu trưởng ngoài đời khi họ bực bội với phương pháp giáo dục mới và hữu hiệu của ngài, cũng như thường xuyên bị phe Jansen (*) thời ấy chống đối mà Cha Gioan kịch liệt phản đối lý thuyết của phe này trong suốt cuộc đời.
Trong những năm cuối đời, vì bị bệnh suyễn và thấp khớp, ngài từ trần vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh khi được 68 tuổi, và được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1900.
Lời Bàn
Thật hiếm có ai hoàn toàn tận hiến cho ơn gọi của Thiên Chúa, bất kể ơn gọi đó là gì. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta "hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực của mình" (Mc 12:30b). Thánh Phaolô cũng có lời khuyên tương tự: "Bất cứ những gì anh chị em làm, hãy làm hết lòng..." (Colossians 3:23).Lời Trích
"Còn gì cao quý hơn là uốn nắn tính tình của các người trẻ? Tôi tin rằng người biết uốn nắn tâm tính của giới trẻ thì cao trọng hơn mọi họa sĩ, điêu khắc gia và tất cả những người giống như vậy" (Thánh Gioan Chrysostom).
* Jansen xuất phát từ học thuyết của Cornelius Jansen (1585
- 1638), giám mục của Ypres . Trong cuốn
Augustinus, Jansen đề xướng nền thần học dựa trên học thuyết của Augustine về
định mệnh. Thần học này khẳng định rằng loài người hoàn toàn hư hỏng vì tội nguyên
tổ và theo bản năng, loài người thích làm sự dữ hơn sự lành. Bởi bản tính suy
đồi, loài người không thể làm gì khác để đáng được ơn cứu độ. Sự cứu chuộc là
do ơn của Chúa mà Ngài chỉ ban cho những ai được chọn. Phần đông nhân loại là
bị án phạt đời đời.
Sau khi xuất bản được hai năm, cuốn Augustinus đã bị Giáo
Hội Công Giáo lên án và cấm phát hành bởi Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét