Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

07-04-2013 : (phần II) CHÚA NHẬT II PHỤC SINH


Ngày 07/04/2013
Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm C
(Phần II)


Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật II Phục Sinh Năm C ngày 7.4.2013
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM C
Kính Lòng Thương Xót Chúa

Công Vụ Tông Đồ 5.12-16; Sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ 1.9-11, 12-13, 17-19 và Phúc Âm Thánh Gioan 20, 19-31

 I. Giáo Huấn P.Â.:  

Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ để minh chứng Ngài thật sự sống lại từ cõi chết.
Đấng Phục sinh và đang hiện ra cho các môn đệ cũng chính là Đấng đã bị đau khổ và bị đóng đinh giết chết trong tuần trước.
Phúc Âm được ghi chép lại để: “anh em tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” Nên Phúc Âm là để tin Chúa Giêsu và nhờ tin mà được cứu độ.

II. Vấn nạn P.Â.   

1.Tại sao Chúa hiện ra với những dấu đinh trên tay chân và dấu đâm bên cạnh sườn?

Người ta phái lính canh mồ Chúa với lý do là sợ “môn đệ hắn đến trộm xác rồi phao tin hắn sống lại từ cõi chết” (Matthêu 27:64-65). Lính canh mồ giữ xác, Chúa sống lại, xác không còn trong mồ. Lính canh nhận tiền hối lộ và được dạy để phao tin là: “Khi chúng tôi ngủ, môn đệ hắn đến trộm xác mang đi! Và người Do Thái vẫn tin như vậy cho đến ngày nay” (Matthêu 28:13-15)
Chúa mang những thương tích trên thân xác phục sinh để nói: Ta chính là Giêsu, đã bị giết chết và nay đã sống lại. Người bị giết chết và người sống lại là MỘT, chứ không phải Giêsu bị giết chết, xác đã bị trộm đem đi và người đang hiện ra là một người khác.

2. Chúng ta biết gì về Tôma, tông đồ?

Tôma được Chúa chọn làm tông đồ. Phúc Âm Nhất Lãm và Tông Đồ Công Vụ đều có đề cập đến Tôma (Mt.10:2-4; Mc.3:16-19; Lc. 6:14-16 và TĐCV. 1:13)
Tôma trong triếng Aram có nghĩa là “sinh đôi” (Twin).
Phúc Âm Thánh Gioan, dịch từ “Sinh đôi” sang tiếng Hy Lạp là Didymus để nói với các Cộng Đoàn người biết tiếng Hy Lạp là Tôma có nghĩa là “Sinh đôi” (Gio. 11:16; 20:24; 21:2)
Vào thế kỷ thứ ba và thứ tư, người ta thấy xuất hiện một ngụy thư mang tên Tông Đồ Công Vụ của Tôma (Acts of Thomas) và gọi Tôma là Giuđa Tôma và cho rằng Tôma là anh em sinh đôi với Chúa Giêsu. Cũng theo sách nầy, Tôma chịu tử đạo ở Ấn Độ và thi hài được chuyển về chôn cất ở Mesopotamia.
Phúc Âm Thánh Gioan có ba câu mô tả về Tôma: “Chúng ta hãy đi để cùng chết với Thầy” (11:16); “Lạy Chúa, chúng con không biết Chúa đi đâu thì làm sao biết đường mà đi đến?”(14:5); và “Tôi chỉ tin, khi tôi thấy dấu đinh nơi tay và đấu đâm nơi cạnh sườn Thầy. Tôi chỉ tin, khi tôi xỏ ngón tay vào đấu đinh và thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Thầy!” (20:25). Phúc Âm mô tả Tôma như một người cứng đầu, đa nghi và giữ vững lập trường.

3. Cho một trình bày ngắn ngọn dễ hiểu về sách Khải Huyền

Theo Bách khoa tự điển và Kinh Thánh Ấn bản 2011 trang 2753 trở đi: Sách Khải Huyền (hoặc Khải Thị) là cuốn sách cuối cùng của Tân Ước. Từ "Khải Huyền" do từ ghép Hy Lạp apokalupsis. "apo" nghĩa là lấy đi, cất đi; "kalupsis" nghĩa là tấm màn che. Vậy Khải Huyền có nghĩa là vén màn cho thấy điều bí mật che khuất bên trong.
Tác giả: Theo truyền thống, ngay từ cuối thế kỉ thứ 2, người ta đồng hóa tác giả Khải Huyền với tác giả Tin Mừng thứ IV, tức là Thánh Gioan tông đồ. Thế kỉ thứ 4, Hội Thánh Xi-ri-a, Pa-lét-tin, Ca-pa-đốc không công nhận Khải Huyền vào thư quy Kinh Thánh vì cho rằng sách này công phải là công trình của các Tông Đồ. Nhưng đem đối chiếu Khải Huyền với Tin Mừng thứ 4, người ta nhận ra một số nét tương đồng về từ ngữ, bút pháp, quan điểm thần học. Tuy nhiên, những nét dị biệt giữa hai tác phẩm cũng không ít. Do đó, không thể quyết đoán hai tác phẩm này của cùng một soạn giả. Nhưng ta có thể nói Khải Huyền chịu ảnh hưởng của Tin Mừng thứ IV. Tác giả Khải Huyền có lẽ thuộc trường phái Gioan ở Ê-phê-sô, mượn danh Gioan chứ không phải là mạo danh (tác giả theo lối cổ điển thường mượn uy tín của một nhân vật được người đương thời trọng vọng để độc giả dễ chấp nhận tư tưởng và thông điệp của mình).
Thời gian      Căn cứ vào các sự kiện lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho rằng Khải Huyền được ghi chép vào khoảng năm 95 đến 96 trong bối cảnh Kitô giáo đang bị bách hại dữ dội dưới triều đại của hoàng đế La Mã Domitian.
Đối tượng và mục đích Tác giả viết cho các cộng đoàn Ki-tô hữu vào cuối thế kỉ thứ 1. Đó là bảy Hội Thánh ở Tiểu Á (Một tỉnh cực đông của Roma Thánh Phaolô và các thánh Tông đồ hoạt động nhiều ở đây)  thuộc Đế quốc La Mã. Qua bảy Hội Thánh này, tác giả cũng muốn gởi đến các Hội Thánh khác đang sống cùng hoàn cảnh như các Hội Thánh ở Tiểu Á. Lúc ấy, các tín hữu đang gặp thử thách về đức tin và có nguy cơ cho đức tin. Nguy cơ xuất phát từ bên trong Hội Thánh, vừa do bên ngoài đưa tới. Bên trong là những kẻ gieo rắc lạc thuyết làm lung lạc đức tin, bên ngoài là các hoàng đế bách hại tín hữu vì không chịu tôn thờ hoàng đế như chúa tể.
Nội dung    Sách Khải Huyền ghi lại những thị kiến và mặc khải được diễn tả theo ngôn ngữ hình tượng, biểu tượng. Những tín hữu Do Thái đã từng quen với thể văn này nên có thể hiểu dễ dàng, nhưng các độc giả hiện đại, đó là chuỗi những điều huyền bí và khó hiểu.

Con số 7 trong sách Khải Huyền:

Tác giả Khải Huyền thường dùng số 7 ám chỉ nhiều vấn đề: 7 Giáo Hội và 7 thần khí như trong chương 1.4; 7 mối phúc như trong chương 1.3; chương 14.13; chương 16.15; chương 19.9; chương 20.6; chương 22.7 .14; 7 ấn như trong chương 6-8; 7 tiếng kèn như trong chương 8-11 và 7 cái chén lôi đình như trong chương 16-17. Số 7 trong quan điểm thần học của Thánh Gioan luôn ám chỉ một sự hoàn hảo, trọn vẹn và đầy đủ. Khi nói đến 7 Giáo Hội là có ý nói đến toàn thế giới. 7 mối phúc để chỉ tất cả những phúc lành Chúa ban.

III. Thực hành P.Â.:

Tại sao Chúa không hiện ra để trả thù những người đã hành hình và giết Chúa chết?

Chúa Phục sinh là niềm vui, là tin mừng. Thượng Tế Cai Pha, nhóm Biệt Phái, tổng Trấn Philatô, đội lính hành hình chắc chắn sẽ sợ chứ không mừng khi Chúa hiện ra. Tin mừng chỉ nên ban tặng cho người sẵn sàng và vui mừng đón nhận Tin Mừng.
Những người được Chúa Phục Sinh hiện ra đều được trao ban sứ mạng “loan báo tin mừng Phục Sinh!” Chúa “chọn mặt gửi vàng!” Các Tông đồ Chúa đã hiến cả đời mình và mạng sống mình vì tin mừng Phục Sinh. Đang khi đó, Biệt Phái phải hối lộ linh canh để phao tin “xác bị trộm!”
Tin mừng Phục Sinh được ghi chép lại để “anh chị em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa và nhờ niềm tin nầy mà anh chị em có sự sống!”(Gio. 20:30) Chúa Phục sinh bỏ qua quá khứ đau khổ, hận thù, chết chóc để hướng về tương lai cứu độ nhân loại đầy hữu ích. Có ích gì, nếu Chúa sống lại, hiện ra cho những người đã xỉ nhục hay giết Chúa. Nếu Chúa Giêsu Phục Sinh làm thế, thì Phục Sinh không còn ý nghĩa, vì không có biến đổi. Phục Sinh tức sống lại từ cõi chết. Cõi chết của tội lỗi, thù hận và ganh ghét.
Có khi nào chúng ta cố gắng học hành thành công hay làm ăn giàu có để làm sáng nắt những ai từng khinh dễ chúng ta không? Hãy bắt chước Chúa: Mang Tin mừng cho người biết đón nhận. Làm Thánh giá trổ sinh hoa huệ trắng Phục Sinh, hoa tình thương mang sự sống cứu độ. Tiểu nhân, diễn tả người có tâm hồn hẹp hòi, gắn liền với thủ đoạn hay trả thù. Đại nhân hay quân tử là người có tâm hồn rộng lượng, yêu thương và tha thứ. Người ta thích đại nhân! Người ta tin Đại Nhân Giêsu, Đấng Phục Sinh vinh quang. Hãy thành đại nhân để mọi người được hưởng được lòng quảng đại của chúng ta. Amen

Lm. Phêrô Trần thế Tuyên – gpcantho


07/04/13 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – C
Kính Lòng Chúa Thương Xót
Ga 20,19-31

NIỀM VUI ĐƯỢC THẤY CHÚA
Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (Ga 20,20)
Suy niệm: Các môn đệ chưa hết bàng hoàng trước cái chết của Thầy trên Thập giá thì thêm nỗi sợ đến lượt mình sẽ trở thành đối tượng cho thiên hạ soi dọi dòm ngó. Danh hiệu ‘môn đệ Giêsu’ không còn là niềm tự hào mà là đối tượng đàm tiếu, là hiểm họa gần kề. Thế nhưng tâm trạng đó đã sớm tan biến khi Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các ông. Buổi chiều ngày thứ nhất, Chúa đến đứng giữa các ông, đem đến cho các ông niềm vui và bình an. Các ông chia sẻ tin mừng này cho Tôma. Tôma không tin. Tám ngày sau, Chúa lại đến đứng giữa các ông. Cuối cùng Tôma đã gặp được Chúa, được xem vết thương tay chân và cạnh sườn của Thầy; lòng cứng tin của Tôma thoắt tan biến, và ông tuyên xưng niềm tin kính: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.”
Mời Bạn: Đức tin không chỉ đem đến cho chúng ta niềm hy vọng gặp Chúa ở đời sau mà còn cả niềm vui gặp Chúa phục sinh nhờ đó chúng ta được Chúa biến đổi sâu xa, được hội nhập vào đời sống mới trong Thiên Chúa Ba Ngôi ngay ở đời này.
Chia sẻ: Trước những khó khăn trong của đời sống gia đình, những suy thoái đạo đức trong xã hội, chúng tôi có giữ được lòng tin tưởng nơi Chúa và trung kiên làm tông đồ cho Chúa không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dù bận rộn đến mấy, tôi cũng thu xếp công việc để gia đình có giờ đọc kinh chung, mỗi người có giờ cầu nguyện riêng với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đến và cho con được thấy Chúa, niềm vui của tâm hồn con. Xin chiếu sáng đôi mắt con, hỡi Ánh Sáng Thần Linh! để con không thấy muôn điều hư ảo… (Thánh Augustinô)
www.5phutloichua.net

HÃY NHÌN XEM
Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy. Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma, nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác

Suy nim:
Thân xác chúng ta thường mang những vết sẹo, hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng kỷ niệm. Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua. Vết sẹo làm ta kém đẹp, nhưng không làm đau như xưa. Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra thăm các môn đệ, Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Ðấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết. Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Chúa phục sinh có sẹo, dù điều đó chẳng đẹp gì. Ngài không ngượng mà cho các môn đệ xem. Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc.
Chúng gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có chúng thì cũng chẳng có phục sinh. Chẳng cần phải xóa đi khỏi ký ức cuộc khổ nạn kinh hoàng và cái chết nhục nhã. Chúng ta cũng lên thiên đàng với các vết sẹo của mình. Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích. Nếu chúng ta đón nhận mọi sự với tình yêu
thì mọi sự sẽ trở nên nhịp cầu cứu độ. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành. Có những vết thương tưởng  chẳng thể nào thành sẹo. Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không? Cuộc khổ nạn của Thầy đã làm các môn đệ bị thương. Các vết sẹo của Thầy sẽ chữa lành những vết thương đó. Hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Chính lúc đó ông khám phá thật sâu một Tình Yêu. Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại. Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông. Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến để thỏa mãn những đòi hỏi quá quắt của mình. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân. Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông. Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy. Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma, nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác. Cần tập thấy Chúa để rồi tin. Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới, để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau. “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, và phúc cho những ai biết thấy nên tin.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, xin cho con luôn vui tươi. dù có phải lo âu và thống khổ, xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình; nhưng biết nghĩ đến những người quanh con, những người -cũng như con- đang cần một người bạn. Nếu như con nên yếu đuối, thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn. Nếu bàn tay con run rẩy, thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi. khi lâm tử, xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh. Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng. Và con sẽ về nhà Chúa, để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh.


(TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô phục sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Kitô phục sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:
1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Ngươì xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài. Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài. Đức Kitô phục sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.
Đức Kitô phục sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta.
Đức Kitô phục sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.
2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dây niềm bình an, tin tưởng.
Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con”. Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.
Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.
3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa.
Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Kitô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được.
Khi Đức Kitô phục sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.
4. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô phục sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Đức Giêsu Phục sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Kitô phục sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bât chấp trời đã tối đen. Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.
Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”.
Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.
Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.
Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú me. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát.
Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.
Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.
Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.

Lectio: Chúa Nhật II Phục Sinh (C) Kính Lòng Thương Xót Chúa
Chúa Nhật, 7 Tháng 4, 2013
Nhiệm vụ của các môn đệ và lời chứng của tông đồ Tôma
Ga 20:19-31

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha, trong Chúa Nhật hôm nay con cái Cha đang tề tựu để ca tụng Đấng là Trước Hết mọi sự và là Sau Hết mọi loài, Đấng Hằng Sống đã chiến thắng sự chết, xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Linh, Đấng đã chế ngự được sự dữ, làm trầm tĩnh các nỗi lo sợ và do dự của chúng con, để chúng con có thể mạnh dạn đáp trả với sự vâng lời và lòng yêu mến của chúng con, để ngự trị trong vinh quang với Đức Kitô.
2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Chúng ta đang ở trong “cuốn sách nói về sự phục sinh”, trong đó chúng ta được cho biết, không nhất thiết theo một thứ tự lý lẽ nào, một số vấn đề liên quan đến Đức Kitô phục sinh và đã được chứng minh là có thật.  Trong quyển Tin Mừng thứ tư, những sự kiện này đã được xảy ra vào buổi sáng (20:1-18) và buổi tối ngày đầu tiên sau ngày thứ bảy, và tám ngày sau đó, tại cùng một địa điểm và cùng một ngày trong tuần.  Chúng ta đang đứng trước một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử loài người, một sự kiện thách đố từng cá nhân chúng ta.  “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì việc rao giảng của chúng tôi là vô ích và đức tin của anh em cũng trống rỗng … và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15:14,17) như thánh Phaolô tông đồ đã nói, người đã không biết Đức Giêsu trước khi Người sống lại, nhưng lại là người sau này đã hăng say rao giảng trọn cả quãng đời còn lại của ông.  Chúa Giêsu đã được sai đi bởi Đức Chúa Cha.  Và Người cũng sai cả chúng ta. Sự sốt sắng của chúng ta để “đi” đến từ chiều sâu đức tin mà chúng ta có nơi Đấng Đã Sống Lại Từ Cõi Chết.  Chúng ta có sẵn sàng để nhận lãnh “sự ủy thác” của Người và dâng hiến cuộc đời chúng ta cho nước Trời của Người chưa?  Đoạn Tin Mừng này không chỉ nói về đức tin của những kẻ không thấy mà tin (lời chứng của thánh Tôma), mà còn nói về sứ vụ được ủy thác cho Giáo Hội bởi Đức Kitô.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc: 

Ga 20:19-20:  Chúa hiện ra với các môn đệ và cho các ông xem những vết thương
Ga 20:21-23:  Ân sủng của Chúa Thánh Thần cho sứ vụ
Ga 20:24-26:  Việc Chúa hiện ra đặc biệt cho ông Tôma tám ngày sau đó
Ga 20:27-29:  Cuộc đối thoại của Chúa với ông Tôma
Ga 20:30-31:  Mục đích Tin Mừng theo thánh Gioan

c) Tin Mừng

19 Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói:  “Bình an cho các con”. 20 Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người.  Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. 21 Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng:  “Bình an cho các con.  Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con “. 22 Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông:  “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, 23 các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha.  Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
24 Bấy giờ trong mười hai tông đồ, có ông Tôma goi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. 25 Các môn đệ khác đã nói với ông rằng:  “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”.  Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng:  “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
26 Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông.  Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán:  “Bình an cho các con”. 27 Đoạn Người nói với Tôma:  “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. 28 Tôma thưa rằng:  “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” 29 Chúa Giêsu nói với ông:  “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin.  Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
30 Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này; 31 nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

3.  Giây phút thinh lặng

Để cho Lời Chúa đi vào trong tâm hồn chúng ta

4. Suy niệm       

a)  Một vài câu hỏi gợi ý để giúp cho việc suy niệm của chúng ta:


Người nào hoặc điều gì trong bài Tin Mừng đã tạo cho tôi sự chú ý và thắc mắc?  Có thể nào một người tự nhận là Kitô hữu mà lại chưa tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu được chăng?  Việc tin vào sự phục sinh quan trọng đến mức như thế sao?  Chuyện gì sẽ thay đổi nếu chúng ta dừng lại ở giáo lý của Chúa và làm chứng nhân cho đời?  Ân sủng của Chúa Thánh Thần cho sứ vụ mang ý nghĩa gì đối với tôi?  Sứ vụ của Đức Giêsu trên thế gian sau khi Chúa Phục Sinh đã được tiếp tục như thế nào?  Nội dung của việc công bố sứ vụ truyền giáo là gì?  Việc làm chứng của ông Tôma mang một giá trị gì đối với tôi?  Tôi có sự nghi ngờ nào về tín lý không?  Nếu có, đó là những điều gì?  Tôi sẽ đối diện và vượt qua những nghi ngại ấy bằng cách nào? Tôi có khả năng đưa ra những lý lẽ cho đức tin của tôi không?

b)  Lời chú giải:

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần:  Các môn đệ đang trải qua một ngày đặc biệt.  Đối với cộng đoàn giáo hữu, vào lúc quyển Tin Mừng thứ tư được viết, ngày sau ngày Sabbát đã là “ngày của Chúa” (Kh 1:10), Chúa Nhật (Dies Domini), và nó còn quan trọng hơn cả ngày Sabbát trong truyền thống của người Do Thái.

Những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín:  Một chi tiết cho thấy rằng thân thể của Đức Giêsu phục sinh, dù rằng vẫn có thể nhận ra, đã không bị chi phối bởi các điều kiện vật lý như người phàm.

Bình an cho các con:  Đây không phải là một lời chúc tụng, nhưng đó chính là sự bình an thực sự đã được hứa hẹn với các ông khi các ông buồn rầu vì sự ra đi của Chúa (Ga 14:27; 2Tx 3:16; Rm 5:3), sự bình an cứu chuộc, sự hoàn thành các lời hứa của Thiên Chúa, giải thoát khỏi mọi sợ hãi, chiến thắng tội lỗi và sự chết, giao hòa với Thiên Chúa, hoa trái của cuộc khổ nạn của Người, tặng phẩm cho không của Thiên Chúa.  Sự bình an này được lặp lại ba lần trong đoạn Tin Mừng này cũng như trong phần dẫn nhập (20:19) và tiếp theo sau đó (20:26) trong cùng một thể cách.

Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người:  Chúa Giêsu cung cấp bằng chứng hiển nhiên và cụ thể rằng chính Người là kẻ đã bị đóng đinh trên thập giá.  Chỉ có thánh sử Gioan đã ghi lại chi tiết về vết thương nơi cạnh sườn Người là do ngọn giáo của một tên lính La-mã đâm vào, trong khi ấy Phúc Âm của Luca lại nhắc đến vết thương nơi chân (Lc 24:39).  Khi cho các môn đệ xem các vết thương, Chúa Giêsu muốn nói rằng sự bình an mà Người ban cho các ông đến từ cây thập giá (2Tm 2:1-13).  Những vết thương này là một phần căn tính của Người là Đấng đã Sống Lại từ cõi chết (Kh 5:6).

Các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa:  Niềm vui mừng này giống như niềm vui mừng được diễn tả bởi tiên tri Isaia khi ông mô tả về bữa tiệc của Thiên Chúa (Is 25:8-9), nỗi vui ngày tận thế đã được báo trước trong lời từ biệt và rằng không ai có thể cất đi được (Ga 16:22, 20:27).  (Xin xem thêm Lc 24:39-40; Mt 28:8; Lc 24:41).

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con:  Chúa Giêsu là nhà truyền giáo đầu tiên, “chúng tôi tuyên xưng là vị tông đồ và thày cả của đức tin” (Kh 3:1).  Sau khi trải qua kinh nghiệm của thập giá và sự phục sinh, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cùng Chúa Cha đã trở thành sự thật (Ga 13:20; 17:18; 21:15,17).  Đây không phải là một sứ vụ mới, nhưng là sứ vụ của Đức Giêsu mở rộng đến những ai là môn đệ của Người, gắn liền với Người như các cành nho gắn liền với cây nho (15:9), vì thế họ cũng gắn liền với Giáo Hội của Người (Mt 28:18-20; Mc 16:15-18; Lc 24:47-49).  Con Thiên Chúa hằng sống đã được sai đến để “thế gian, nhờ Người, mà được cứu độ” (Ga 3:17) và tất cả sự hiện diện của Người trên thế gian này, đã được xác định đầy đủ với ý định cứu chuộc của Chúa Cha, là sự biểu hiện liên tục về thánh ý của Chúa là tất cả được cứu rỗi. Người để lại dự án lịch sử này như một di sản cho toàn thể Giáo Hội và, đặc biệt là những thừa tác viên đã được tuyển chọn trong Giáo Hội.

Người thổi hơi vào các môn đệ:  Cử chỉ này gợi nhớ lại việc Thiên Chúa đã thổi hơi ban sức sống vào con người (St 2:7), điều này đã không thấy xảy ra bất cứ nơi nào khác trong Tân Ước.  Nó đánh dấu sự bắt đầu của một tác tạo mới.

Hãy nhận lấy Thánh Thần:  Sau khi Đức Giêsu đã được tôn vinh, Thần Khí Chúa đã được trao ban (Ga 7:39).  Ở đây Thần Khí Chúa được truyền đến cho một sứ vụ đặc biệt, trong khi tại ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2) Chúa Thánh Thần hiện xuống trên toàn thể dân Thiên Chúa.

Các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha.  Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại:  Chúng ta cũng có thể tìm thấy quyền năng tha tội hoặc không tha tội trong sách Phúc Âm của thánh Mátthêu dưới một hình thức có vẻ pháp lý hơn (Mt 16:19; 18:18).  Theo những người Kinh Sư và Biệt Phái (Mc 2:7), và theo truyền thống (Is 43:25), chỉ có Thiên Chúa là Đấng có quyền tha tội.  Chúa Giêsu có quyền này (Lc 5:24) và truyền nó lại cho Giáo Hội của Người.  Trong lúc suy niệm, tốt hơn hết là chúng ta không nên dừng lại với sự phát triển về thần học trong giáo hội truyền thống của văn bản này và những cuộc tranh cãi về thần học sau đó.  Trong quyển Phúc Âm thứ tư, sự diễn đạt có thể được hiểu theo một ý nghĩa rộng lớn.  Ở đây nó là vấn đề của quyền tha tội trong Giáo Hội như là cộng đoàn cứu rỗi và một cách đặc biệt cho những ai đã được thiên phú với quyền lực này là những ai thừa kế và chia sẻ sứ vụ tông đồ.  Trong quyền năng tổng hợp này được bao gồm cả quyền tha tội sau khi đã rửa tội, điều mà chúng ta gọi là “bí tích hòa giải” được nói đến qua nhiều hình thức khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội.

Bấy giờ một trong Nhóm Mười Hai, có ông Tôma goi là Điđymô:  Ông Tôma là một trong những nhân vật chính trong Quyển Phúc Âm thứ tư và lòng hoài nghi của ông, dễ bị hoang mang nản lòng, đã được làm nổi bật (11:16; 14:5).  “Một môn đệ trong nhóm mười hai” vào lúc này là một lời nói khuôn sáo (6:71), bởi vì thật ra họ chỉ còn lại mười một người.  “Điđymô”  có nghĩa là “Sinh Đôi”, và chúng ta có thể là “anh em song sinh” của ông bởi vì sự cứng lòng tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã chết và đã sống lại.

Chúng tôi đã xem thấy Chúa!:  Khi các ông Anrê, Gioan, và Philípphê đã gặp được Đấng Cứu Thế, họ liền chạy đi báo tin cho các người khác (Ga 1:41-45).  Giờ đây lại có lời tuyên bố chính thức bởi những người chứng tận mắt (Ga 20:18).

Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin:  Ông Tôma không tin lời những người chứng.  Ông muốn chính mình sờ tận mặt bắt tận tay.  Quyển Phúc Âm thứ tư ý thức rằng có một số người có thể có lòng hoài nghi về việc Chúa Phục Sinh (Lc 24:34-40; Mc 16:11; 1Cr 15:5-8), đặc biệt là những kẻ chưa được gặp Đấng Phục Sinh.  Ông Tôma là người diễn đạt cho họ (và cho cả chúng ta).  Ông Tôma đã sẵn sàng để tin, nhưng ông muốn làm sáng tỏ tất cả những hoài nghi trong lòng, vì lo rằng sẽ bị sai.  Chúa Giêsu đã không nhìn Tôma như một người hoài nghi không tin, mà xem ông như một người muốn đi tìm chân lý và Người đáp ứng ông trọn vẹn.  Tuy nhiên, điều này là một dịp để thể hiện sự cảm kích về các tín hữu trong tương lai.  (Câu 29)

Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!:  Chúa Giêsu lặp lại những lời của Tôma và bắt đầu cuộc đối thoại với ông.  Người hiểu lòng hoài nghi của Tôma và muốn giúp ông.  Chúa Giêsu biết rằng Tôma yêu mến Chúa và vì vậy Người động lòng trắc ẩn bởi vì Tôma chưa tận hưởng được sự bình an đến từ đức tin.  Chúa Giêsu giúp ông lớn lên trong đức tin.  Để đi sâu hơn vào trong chủ đề này, chúng ta có thể đọc thấy những tương đồng trong: 1Ga 1-2; Tv 78:38; 103:13-14; Rm 5:20; 1Tm 1:14-16.

Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!:  Đây là lời tuyên xưng đức tin vào Đấng Đã Sống Lại và vào thiên tính của Người như đã được công bố ở chương đầu của Phúc Âm theo thánh Gioan (1:1).  Trong phần Cựu Ước, nhưng chữ “Chúa” và “Thiên Chúa” được tương ứng với các chữ “Gia-vê” và “Elohim” (Tv 35:23-24; Kh 4:11).  Đây là lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh một cách đầy đủ và trực tiếp nhất.  Đối với nền văn hóa Do Thái, các từ ngữ này mang một ý nghĩa giá trị hơn vì họ đã dùng trong các văn bản liên quan đến Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu đã không chỉnh sửa những chữ dùng bởi ông Tôma như Người đã hiệu chỉnh những chữ mà người Do Thái đã dùng để buộc tội Người là đã mong muốn được “bằng Thiên Chúa” (Ga 5:18); do đó Chúa đã xác nhận việc mang bản tính Thiên Chúa của Người.

Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin.  Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!:  Chúa Giêsu không thể dung thứ cho những ai chỉ biết đi tìm những dấu lạ và điềm thiêng để mà tin (Ga 4:48) và Người đã dùng ông Tôma để làm việc ấy.  Ở đây, chúng ta nên nhớ đến một đoạn Phúc Âm khác nói về một đức tin chân chính hơn, một “phương cách hoàn hảo” hướng về một đức tin mà chúng ta phải khao khát nhưng không có các đòi hỏi của Tôma, một đức tin được nhận lãnh như một ân sủng và như là một hành động của lòng tín thác, giống như gương đức tin của cha ông chúng ta (Kh 11) và của Mẹ Maria (Lc 1:45).  Chúng ta, những người sống sau Chúa Giêsu hai ngàn năm, đã được bảo cho biết về Người, dù rằng chúng ta chưa hề gặp Người, nhưng chúng ta vẫn có thể yêu mến và tin tưởng vào Người để chúng ta có thể hân hoan chan chứa với “một niềm vui khôn tả và rực rỡ vinh quang” (1Pr 1:8).

Các điều (dấu lạ) này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người:  Quyển Phúc Âm thứ tư, như các quyển Phúc Âm khác, không có nghĩa là viết một cuốn tiểu sử đầy đủ về Chúa Giêsu, nhưng chỉ để cho thấy rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế toàn dân đang mong đợi, Đấng Giải Thoát, và Người chính là Con Thiên Chúa.  Tin tưởng vào Người có nghĩa là chúng ta có được sự sống đời đời.  Nếu Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa, thì đức tin của chúng ta trở nên vô ích!

5. Đáp Ca

Thánh Vịnh 118 (117)

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ;
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!
Ít-ra-en hãy nói lên rằng:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Nhà A-a-ron hãy nói lên rằng:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
Ai kính sợ CHÚA hãy nói lên rằng:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. 

Chúng xô đẩy tôi, xô cho tôi ngã,
nhưng Chúa đã phù trợ thân này.
Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi.
Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng trong doanh trại chính nhân:

Tảng đá mà người thợ xây loại bỏ
lại trở nên tảng đá chính góc tường.
Đó chính là công trình của Chúa;
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa! 
Ôi lạy Chúa, xin thương giúp thành công.

6.  Chiêm Niệm

Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Chúa, Người là Chúa của con và là Thiên Chúa, Chúa đã yêu thương con và đã cất tiếng gọi con, đã cất nhắc con trở nên người môn đệ của Chúa.  Chúa đã ban cho con Thần Khí Chúa, Đấng được sai đến để công bố và làm chứng cho sự phục sinh của Chúa, cho lòng thương xót của Chúa Cha, cho ơn cứu độ và tha thứ cho mọi người trên thế giới.  Chúa chính là đường, là sự thật và là sự sống, Chúa là bình minh không bao giờ xế tà, là vầng thái dương của công lý và hòa bình.  Xin ban cho con được cư ngụ trong tình yêu của Chúa, xin ràng buộc con vào Chúa như cành nho gắn liền với cây nho.  Xin hãy ban cho con sự bình an của Chúa để con có thể khắc phục đươc những yếu đuối, đối mặt với những nghi ngại của con và mạnh dạn bước theo ơn gọi của Chúa và để con sống trọn vẹn với sứ vụ Chúa đã giao phó cho con và con ca tụng Chúa muôn đời.  Con cầu xin vì Chúa là đấng hằng sống, hằng trị muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét