Thứ Hai sau
Chúa Nhật V Phục Sinh
Phao-lô và Barnaba ở Lystra |
Bài Ðọc I: Cv 14, 5-17
"Chúng tôi rao
giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong
những ngày ấy, tại Icônia có phong trào người dân ngoại và người Do-thái cùng
các thủ lãnh của họ định ngược đãi và ném đá Phaolô và Barnaba. Biết thế, hai
ngài trốn sang các thành thuộc Lycaonia là Lystra, Ðerbê và khắp vùng phụ cận,
và rao giảng Tin Mừng ở đó.
Lúc
ấy tại Lystra có người bại chân từ lòng mẹ, anh chỉ ngồi và không hề đi được.
Anh nghe Phaolô giảng dạy. Phaolô chăm chú nhìn anh, thấy anh có lòng tin để
được cứu chữa, nên nói lớn tiếng rằng: "Hãy chỗi dậy và đứng thẳng chân
lên". Anh liền nhảy lên và bước đi. Dân chúng thấy việc Phaolô làm, thì la
to bằng tiếng Lycaonia rằng: "Các vị thần mặc lớp người phàm đã xuống với
chúng ta". Họ gọi Barnaba là thần Giupitê và Phaolô là thần Mercuriô, vì
chính ngài giảng. Thầy sãi thần Giupitê ở ngoại thành, mang bò và vòng hoa đến
trước cửa: ông toan hợp cùng dân tế thần.
Nghe
tin ấy, các tông đồ Barnaba và Phaolô liền xé áo mình ra, xông vào đám dân
chúng mà la lên rằng: "Hỡi các ngươi, các ngươi làm gì thế? Chúng tôi cũng
là loài hay chết, là người như các ngươi, là những kẻ rao giảng cho các người
bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống, Ðấng tạo thành trời đất,
biển cả và mọi vật trong đó. Trong các thế hệ trước đây, Người đã để mặc cho
mọi dân tộc đi theo đường lối riêng mình; dầu vậy, Người không hề để thiếu sót
những dấu chứng về Người, Người ban phát muôn ơn lành, cho mưa từ trời xuống
cho các ngươi và mùa màng hoa trái, cho các ngươi được no lòng phỉ dạ".
Dầu nói thế, các ngài cũng phải vất vả lắm mới ngăn cản được dân chúng khỏi tế
các ngài.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 113B, 1-2. 3-4. 15-16
Ðáp: Lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh
Ngài rạng sáng (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Không phải cho
chúng con, lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng
sáng, vì đức từ bi, vì lòng trung tín của Ngài. Tại sao Chúa để chư dân người
ta nói: "Thiên Chúa của bọn này ở đâu?" - Ðáp.
2)
Thiên Chúa chúng tôi ngự trên trời, phàm điều chi Ngài ưng ý, Ngài đã thực thi.
Thần tượng của họ bằng bạc với vàng, đó là sự vật do tay loài người tác tạo. - Ðáp.
3)
Anh em đã được Chúa ban phúc lành, Chúa là Ðấng đã tạo thành trời đất. Trời là
trời của Chúa, còn đất thì Chúa đã tặng con cái loài người. - Ðáp.
Alleluia: Cl 3, 1
Alleluia,
alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm
những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. -
Alleluia.
Phúc Âm: Ga 14, 21-26
"Ðấng Phù Trợ mà
Cha sẽ sai đến, Người sẽ dạy các con mọi điều".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai nghe các giới răn Thầy truyền
và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy
yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy".
Ông
Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tại sao Thầy
sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?" Chúa Giêsu trả
lời: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ
lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng
đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con.
Nhưng Ðấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính
Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy
đã nói với các con".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Thánh Linh Dạy
Dỗ Các Con
Một
cuốn sách nọ có kể về một giai thoại trong câu chuyện như sau:
Jonathan
làm được những việc phi thường phần lớn là nhờ vào những gì mà anh hấp thụ được
từ một vị thầy khả kính. Nhưng ngày vị thầy già đã gần đất xa trời đã kề cận,
nên ông cho gọi Jonathan về gặp mặt thầy gấp lần cuối. Vì thế, lòng Jonathan
cũng bừng lên hy vọng là thầy sắp từ giã cõi đời, chắc chắn người sẽ truyền lại
cho anh tất cả các bí quyết mà suốt đời thầy đã cất giữ. Thật là may mắn cho
Jonathan, anh đã về đúng lúc mà vị thầy khả kính đang còn sức để trò truyện
cùng anh.
Tuy
nhiên, lời trăn trối cuối cùng của vị thầy chỉ vỏn vẹn trong mấy chữ: "Hãy
hành động vì lòng mến". Jonathan hơi thất vọng, nhưng về sau mỗi lần hành
động là mỗi lần lời dặn của thầy vang vọng bên tai khiến cho các thành công của
Jonathan càng sáng chói hơn bội phần.
Anh
chị em thân mến!
"Yêu
thương", hai chữ quá quen thuộc đối với mỗi người trong chúng ta. Ai cũng
đã nghe hoặc nói yêu thương, nhưng rồi thực sự đã mấy ai lấy yêu thương làm kim
chỉ nam để thực hiện cho mình. Bởi thế, mà xưa cũng như nay, yêu thương luôn là
vùng đất mở cửa mời gọi con người bước vào.
Chúa
Giêsu cũng thế, trước khi ly biệt các môn đệ, lời nhắn nhủ của Ngài được gói
gọn trong hai chữ "Yêu Thương". Bài Tin Mừng hôm nay thánh Gioan gửi
đến cho chúng ta một phần của lời nhắn nhủ ấy mà giờ đây chúng ta cùng suy
niệm.
Anh
chị em thân mến!
Chắc
hẳn trong cuộc sống, có lần chúng ta đã tự hỏi: "Tôi đã yêu Chúa thật sự
chưa?" Yêu Ngài, tại sao mỗi buổi sáng tôi cảm thấy nặng nề khi bỏ giấc
ngủ để đi tham dự Thánh Lễ. Sao các chân tôi chẳng hăm hở đến tham dự các buổi
cầu nguyện cho bằng những cuộc vui nhộn nhịp khác. Lỡ mất một dịp đến với Chúa,
tôi chẳng tiếc nuối cho bằng mất đi mấy phút giây hẹn hò. Và ai đã từng yêu gần
người mình yêu, những nhung nhớ, mong ngóng, đợi chờ khi phải xa cách người
yêu.
Trong
tình yêu đối với Thiên Chúa, chúng ta đã chẳng có được những tâm tình, những
rung cảm ấy, phải chăng chúng ta đã chẳng thật sự yêu mến Ngài?
Anh
chị em thân mến!
Lời
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay là một soi sáng cho chúng ta về căn bản
của tình yêu mà mỗi người chúng ta cần phải có đối với Thiên Chúa: "Ai
nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy".
Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc về
tình cảm. Nếu có được những rung cảm ấy thật quí, chúng là các dấu chỉ cho phép
tin tưởng rằng: chúng ta đang yêu mến Ngài.
Tuy
nhiên, nếu chưa có cũng chẳng nên bận tâm, vì chúng chỉ là những phản ứng trong
cơ thể chứ không phải là điều kiện của tình yêu. Một tình yêu đúng nghĩa đòi
buộc phải tìm đủ mọi cách để làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất
cả vì người yêu. Dừng lại tất cả nơi rung cảm phần nào nói lên tâm trạng vị kỷ
nơi con người muốn cho đi nhưng đồng thời lại bù đắp, cái tôi vẫn là tâm điểm
của tình yêu.
Khi
đến trong thế gian, Chúa Giêsu trở nên khuôn mẫu của tình yêu. Cuộc đời của
Ngài là một thể hiện trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Ðối diện với Thập Giá và cái chết,
Chúa Giêsu run sợ chẳng muốn nhận lấy, nhưng xin đừng theo ý Con, một theo ý
Cha. Sau cùng, Ngài đã uống cạn chén đắng để chu toàn trọn vẹn thánh ý Cha.
Hôm
nay, Chúa Giêsu cũng muốn môn đệ của Ngài đi lại con đường Ngài đã đi qua:
"Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy". Giữ lời Chúa Giêsu cũng là yêu
mến Thiên Chúa Cha. Vì lời Ngài là của Cha, Ðấng đã sai Ngài đến trần gian. Lời
dạy của Chúa Giêsu là gì, nếu không phải là gì khác là biết quên mình vì Chúa
và vì anh em, quên đi bản thân bằng cách dành cho Thiên Chúa và tha nhân một
chỗ đứng ưu tiên trong tư tưởng và hành động.
Qua
bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người chúng ta sẽ biết thể hiện tình
yêu bằng lời dạy của thánh Phaolô: "Dù ăn, dù khi uống, dù khi làm việc
gì, anh em hãy làm cho sáng danh Chúa". Amen.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI
NGÀY
Thứ Hai Tuần
V PS
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hoạt động dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Có
một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa với
tư tưởng và đường lối của con người. Vì thế, cũng có một sự khác biệt lớn giữa
cách hoạt động của những người dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa, và những
người hoạt động theo cách thức của người phàm.
Các
Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật những khác biệt này. Trong Bài Đọc I, Phaolô, với sức
mạnh của Thánh Thần và nhân danh Đức Kitô, có thể làm cho người bại liệt từ lúc
mới sinh đứng dậy đi lại được. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn
đệ về sự liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và con người: Nếu con người vâng lời
giữ các giới răn của Chúa Giêsu, sẽ được cả Ba Ngôi yêu mến; và người đó sẽ có
cả Ba Ngôi trong người mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Các Tông-đồ hăng hái rao giảng Tin Mừng giữa những đe dọa bắt bớ.
1.1/
Phaolô chữa người bại liệt từ lúc mới sinh: Theo lời Chúa Giêsu căn dặn: "Khi người
ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác" (Mt
10:23); Phaolô và Barnabas
bỏ
Iconium lánh sang các thành miền Lycaonia là Lystra, Derbe, và các vùng phụ
cận; khi hai ông biết những người ngoại và những người Do-thái, cùng với các
thủ lãnh của họ, mưu toan làm nhục và ném đá mình. Đi đến đâu, hai ông loan báo
Tin Mừng tới đó.
Tại
Lystra, có một người bại hai chân ngồi đó; anh ta bị què từ khi lọt lòng mẹ,
chưa hề đi được bước nào. Anh nghe ông Phaolô giảng. Ông nhìn thẳng vào anh và
thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, thì lớn tiếng nói: "Anh trỗi dậy
đi, hai chân đứng thẳng!" Anh đứng phắt dậy và đi lại được.
1.2/
Hai ông sửa chữa sai lầm của dân chúng sau khi chứng kiến phép lạ: Thấy việc ông Phaolô làm,
đám đông hô lên bằng tiếng Lycaonia: "Thần linh mặc lốt người phàm đã
xuống với chúng ta!" Họ gọi ông Barnabas là thần Zeus, ông Phaolô là thần
Hermes, vì ông là người phát ngôn. Thầy tư tế đền thờ thần Zeus ở ngoại thành
đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với đám đông, muốn dâng lễ tế.
Zeus
và Hermes là hai thần của người Hy-lạp. Zeus được xem như vua của các thần
Hy-lạp, và quan thầy của những người làm nghề trồng cấy. Có lẽ vì lý do này mà
Phaolô muốn nói với dân thành: không phải Zeus ban mưa từ trời và mùa màng;
nhưng là chính Thiên Chúa trong câu 17. Hermes là con của Zeus với Maia; được
xem là quan thầy của những người lữ hành, tội nhân, và gái điếm. Hermes là sứ
giả và đem những sứ điệp của các thần cho con người.
Thấy
phản ứng của họ, Barnabas và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu
lên: "Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người
phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy
bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã
tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó.
Trong
những thế hệ đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy
Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và
mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui."
2/
Phúc Âm: Mặc khải của Chúa Giêsu về sự liên hệ giữa Chúa Ba Ngôi và con người
2.1/
Liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con: Đây là mối liên hệ lý tưởng để con người bắt
chước. Trong mối liên hệ này, yêu mến và vâng lời không thể tách rời nhau.
-
Yêu mến:
Cha yêu Con và Con yêu Cha. Hơn nữa, tình yêu không chỉ giới hạn giữa Cha-Con;
nhưng lan tràn đến nhân loại: khi Chúa Giêsu yêu mến ai, Cha Ngài cũng yêu mến
người ấy.
-
Vâng lời:
Con luôn vâng lời Cha bằng cách làm theo những gì Cha muốn.
Mối
liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người cũng phải được họa theo mối liên hệ giữa
Chúa Giêsu và Cha của Ngài.
-
Yêu mến:
Chúa Giêsu yêu mến ai vâng lời Người. Khi Chúa Giêsu yêu ai, Chúa Cha sẽ yêu
mến người ấy. Cha và Con sẽ đến và ở lại với người ấy. Ngài sẽ tỏ mình ra cho
người ấy.
-
Vâng lời:
Ai có và giữ các điều răn của Chúa Giêsu, người ấy mới là kẻ yêu mến Ngài. Con
người vâng lời Chúa Giêsu là vâng lời Chúa Cha, vì Lời con người nghe không
phải là của Chúa Giêsu, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Con.
Ông
Judah ,
không phải Judah Iscariot, nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tại sao Thầy
phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?" Lý do là
vì thế gian không yêu mến Chúa Giêsu, nên họ không giữ lời Ngài; cho dù Ngài
muốn tỏ mình đi nữa, họ cũng không đón nhận Ngài.
2.2/
Liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần: Chúa Giêsu nói: "Các điều đó, Thầy đã
nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần
Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm
cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em."
(1)
Chúa Thánh Thần sẽ dạy các tín hữu mọi điều: Những gì còn thiếu nơi Đức Kitô, Thánh Thần
sẽ dạy con người tất cả. Một số điều hiển nhiên chúng ta đã nghe nhiều trong
những ngày vừa qua:
-
Chúa Thánh Thần dùng sự kiện Chúa Phục Sinh để soi sáng cho các môn đệ hiểu
biết những lời Cựu Ước và những lời Chúa Giêsu đã báo trước về Cuộc Khổ Nạn,
cái chết, và sự Phục Sinh của Đức Kitô, để các ông giảng giải cho dân chúng,
như trong Bài Giảng của Phêrô (Acts 3:11-26) và của Phaolô (Acts 13:16-41).
-
Ngài cũng giúp các môn đệ nhận ra sự sai trái của Thượng Hội Đồng và Kế Hoạch
Cứu Độ của Thiên Chúa, để kêu gọi họ ăn năn sám hối trong Hai Bài Giảng này.
-
Ngài giúp các ông nhận ra nhu cầu phải dùng các Phó-tế để cộng tác làm việc
(Acts 6:1-7); cho Dân Ngoại chịu Phép Rửa mà không cần phải cắt bì (Acts
10:44-48), và giúp các ông giải quyết khác biệt như trong trường hợp của Phaolô
(Acts 9:26-30).
(2)
Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã nói với
họ: Chúa Giêsu đã dạy các ông rất nhiều điều, nhưng các ông không tiếp nhận
được tất cả. Có những điều các ông quên, Ngài sẽ làm cho các ông nhớ lại. Có
những điều các ông không hiểu, Ngài sẽ làm cho các ông hiểu. Có nhưng điều các
ông chưa tin, Ngài sẽ làm cho các ông tin.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Ba Ngôi Thiên Chúa không hoạt động riêng lẻ; nhưng các Ngài cùng nhau hoạt động
nơi con người. Khi chúng ta có một là có cả ba, khi chúng ta không có một là
cũng không có cả ba.
-
Điều kiện để có Ba Ngôi là vâng lời Chúa Giêsu bằng cách thực thi những gì Ngài
muốn. Khi chúng ta hoạt động trong sự hướng dẫn của Ba Ngôi, kết quả sẽ vô cùng
khác biệt.
-
Yêu mến và vâng lời không thể tách biệt trong mối liên hệ giữa con người và
Chúa Giêsu; nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta phải vâng giữ các giới
răn của Ngài.
Lm.Anthony Đinh Minh
Tiên, OP.
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 5 PHỤC SINH
Ga 14,21-26
A. Hạt giống...
Bài giáo lý thứ 8 : về Ba Ngôi Thiên Chúa
Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nhắc
tới cả 3 ngôi Thiên Chúa : "Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân
giữ.... Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến... Đấng Phù Trợ, là Thánh
Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ
nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".
Như thế, giáo lý cơ bản về Ba Ngôi là :
- Chúa Cha là Đấng sai Chúa Con đến với
loài người
- Chúa Con vâng lời Chúa Cha đến với loài
người để dạy loài người những lệnh truyền
- Chúa Thánh Thần lại được Chúa Cha sai đến
nhân danh Chúa Con, để dạy loài người hiểu sâu hơn những lệnh truyền của Chúa
Con.
Thái độ con người phải có đối với Ba Ngôi :
- Yêu mến Chúa Con nên tuân giữ những điều
Ngài dạy.
- Chúa Thánh Thần sẽ giúp đỡ họ làm điều đó
- Kết quả : Ba Ngôi sẽ "yêu mến",
"tỏ mình ra" và "ở trong" người ấy.
B.... nẩy mầm.
1. Làm kitô hữu là được gia nhập gia đình
yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi Ngôi Thiên Chúa đều tận tình yêu thương
và chăm sóc chúng ta. Đó là một vinh dự và một hạnh phúc to lớn. Cám ơn Chúa.
2. Thái độ đối xử đúng nhất của kitô hữu
với Ba Ngôi Thiên Chúa là "nghe các giới răn Thầy truyền và tuân
giữ", vì như thế ta tỏ ra mình yêu mến Thiên Chúa, ta được Ngài yêu mến,
tỏ mình ra và ở trong ta.
3. Hai cha con thỏa thuận : ông sẽ mua cho
cậu một xe hơi nếu cậu cạo râu, cắt mái tóc dài và đọc Thánh Kinh mỗi ngày. Xe
mua về, cậu đọc sách nhưng không cắt tóc và cạo râu.
Khi ông đe dọa, cậu nói : "Con đang
đọc về Chúa Giêsu, Ngài để tóc dài và râu".
Ông bố nói : "Đúng, Ngài đã để râu và
tóc, nhưng Ngài còn luôn thi hành ý Cha". (Góp nhặt)
4. Trong cuốn sách The living stone có một
câu chuyện như sau : Jonathan làm được những việc phi thường, phần lớn vì hấp
thụ được từ vị thầy khả kính. Ngày vị Thầy này sắp lìa trần, ông cho gọi
Jonathan trở về để gặp thầy lần cuối. Jonathan hy vọng thầy sẽ truyền cho bí
quyết đặc biệt mà suốt đời thầy còn cất giữ. Nhưng lời trăn trối cuối cùng của
ông chỉ vỏn vẹn mấy chữ "Hãy hành động vì lòng yêu mến".
Chúa Giêsu trước khi giã biệt các môn đệ
cũng nhắn nhủ các ông về điều căn bản "Ai nghe và giữ các giới răn của
Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy". Chúa Giêsu không đòi những kẻ yêu mến
Ngài phải có những rung động thuộc cảm tính... Tuy nhiên một tình yêu đúng
nghĩa là luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng người yêu, sẵn sàng cho đi tất cả vì
người yêu, chứ không dừng lại ở những rung động của thân xác phần nào nói lên
tính vị kỷ của mình ("Mỗi ngày một tin vui")
5. "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời
Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại
với người ấy".
Mỗi lần, bạn ấy xin ba mẹ đi chơi, chúng
tôi đều cười nhạo : "Lớn rồi mà còn xin với xỏ. Mình trưởng thành rồi,
muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm tùy ý". Bạn ấy đã giải thích một cách
đơn sơ nhưng thật hợp lý hợp tình : "Hẳn ba má không cần tôi xin, nhưng
chắc chắn ba má tôi rất vui khi tôi xin phép như vậy. Tôi làm thế để được làm
con và làm con thảo của ba mẹ tôi".
Hẳn Chúa cũng rất vui khi tôi quan tâm lắng
nghe và tuân giữ Lời Ngài, để Ngài có thể đưa tôi vào sự hiệp thông tình yêu
của ba ngôi Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và thực
hành lời Chúa để luôn được hiệp thông với Người. (Epphata)
6. (những mầm khác)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
29/04/13 THỨ HAI TUẦN 5
PS
Th. Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 14,21-26
Th. Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 14,21-26
VÂNG LỜI VÌ YÊU MẾN
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu
mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23)
Suy niệm: Cũng là điều dễ hiểu khi yêu
mến ai thì cũng sẵn lòng nghe lời người ấy. Thế nhưng, yêu mến Đức Giêsu và làm
theo lời Ngài để rồi được Thiên Chúa đến ngự trong tâm hồn thì quả là một phần
thưởng quá lớn lao không ai dám mơ tưởng, thậm chí không thể biến thành hiện
thực được. Dù thế, chính Chúa Giê-su đã thực hiện điều Ngài đã nói khi Ngài là
Người Con Chí Ái sẵn lòng vâng phục Chúa Cha cho đến chết. Và khi sống lại từ
cõi chết, Ngài còn khiến điều đó trở thành khả thi cho chúng ta: làm theo lời
Chúa Kitô là vác thánh giá, chịu đóng đinh với Ngài, mà ai cùng chịu chết với
Ngài thì sẽ cùng Ngài sống lại.
Mời Bạn: Chúa Giêsu đã tặng cho chúng ta
bí quyết để đạt được cuộc sống hạnh phúc đời đời với Ngài: yêu mến Chúa và làm
theo lời Ngài. Thích hay không thích thì thập giá cũng đã cắm đầy dẫy trong
cuộc đời của chúng ta. Vấn đề là chúng ta có biết đón nhận những thập giá đó
một cách mau mắn và với trọn niềm yêu mến hay không.
Chia sẻ: Giữa một việc lành nhưng được
làm cách miễn cưỡng và cũng việc đó nhưng được làm cách tự nguyện vì yêu mến,
có sự khác biệt rất sâu xa. Bạn làm gì để nhận ra sự khác biệt ấy?
Sống Lời Chúa: Chọn một việc bổn phận hoặc một
việc công ích mà bạn cảm thấy ngại ngùng để làm với tâm tình mến yêu phục vụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không xét theo
dáng vẻ bên ngoài, nhưng Chúa nhìn xem cõi lòng. Xin cho con biết tìm gặp Chúa
qua những người anh em và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.
Suy
niệm Ga 14,21-26
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống một
lòng trung tín đối với Thiên Chúa. Một sự trung tín được đặt trên nền tảng của
lòng yêu mến: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”. Sự trung tín này lệ
thuộc vào mối quan hệ tình cảm của chúng ta đối với Thiên Chúa. Nếu không, sự
trung tín chỉ là bề mặt mà thôi: luật dạy gì chúng ta làm vậy. Luật cấm
thế nào thì chúng ta không làm thế ấy v..v…
Chúng ta đừng bao giờ quên điều này, lòng
trung tín của chúng ta sẽ được Thiên Chúa đáp lại bằng cách Ngài sẽ đến ở trong
chúng ta: “Cha Thầy sẽ yêu mến, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người
ấy”. Thiên Chúa luôn hiên diện và ở trong những tâm hồn dành chỗ cho Ngài,
nơi mà tình yêu và lòng trung tín gặp nhau.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vào
Chúa, chúng con yêu mến Chúa, chúng con trông cậy Chúa. Chúa yêu chúng con ngay
trong những yếu đuối và bất trung. Chúa cũng không cưỡng bách chúng con chấp
nhận sự hiện diện của Ngài. Xin đổ đầy lòng chúng con sự khao khát yêu mến Chúa
mỗi ngày một hơn, để lòng trung tín sẽ là niềm hạnh phúc đích thực của chúng
con trong mỗi ngày sống. Amen
Dmp
SUY NIỆM 1: Những giới hạn
Hôm
nay, bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc là những lời tâm sự của Chúa Giêsu cho
các tông đồ trong một khung cảnh hết sức quan trọng là bữa tiệc ly của Chúa với
các môn đệ trước khi thực hiện biến cố vượt qua. Cấu trúc của toàn chương 14
này của Phúc Âm thánh Gioan được xoay quanh ba câu hỏi của các tông đồ. Câu hỏi
thứ nhất là của tông đồ Thomas: "Thầy đi đâu chúng con không biết thì làm
sao chúng con biết đường đi?" Và câu hỏi thứ hai của tông đồ Philípphê:
"Lạy Thầy, xin chỉ cho chúng con nhìn thấy Thiên Chúa Cha và thế là đủ cho
chúng con rồi."
Trong
Phúc Âm Chúa Nhật hôm qua chúng ta đã nghe những lời Chúa Giêsu trả lời cho hai
câu hỏi trên và từ đó chúng ta được Chúa cho biết mục đích của đời sống con
người là gì và đâu là con đường để đạt tới mục đích đó. Con đường đó không là
gì khác hơn là chính Chúa Giêsu Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha cho con
người và dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh
mẽ với các tông đồ: "Thầy là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống", và
hôm nay chúng ta đọc và suy niệm những câu kế tiếp, trong đó chúng ta sẽ nghe
thấy những câu Chúa Giêsu trả lời cho câu hỏi thứ ba của tông đồ Giuđa Tadeo:
"Lạy Thầy, tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra
cho thế gian?" Xem ra như Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi
của Giuđa Tađeo nhưng Chúa nhắc tới thái độ tự nguyện tự quyết của kẻ muốn theo
Chúa: "Ai lắng nghe lời Thầy, ai yêu mến và tuân giữ lời Thầy thì người đó
là kẻ yêu mến Thầy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy".
Qua
câu trả lời này chúng ta hiểu về những giới hạn trong mạc khải của Chúa và từ
phía con người chấp nhận hay không chứ không phải từ Thiên Chúa, là Ðấng muốn
cứu rỗi tất cả mọi người. Con người chúng ta có tự do khước từ ơn cứu rỗi của
Thiên Chúa, giới hạn tác động cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thật đây là một mầu
nhiệm, mầu nhiệm của sự tự do con người và sự hữu hiệu của ân sủng Thiên Chúa.
Con người cần được trợ giúp để quyết định cho đúng và nguồn trợ lực đến từ Chúa
Thánh Thần là Ðấng tiếp tục soi sáng cho các tông đồ, hướng dẫn họ đến sự thật
trọn vẹn mỗi ngày một hơn. Và cũng qua đoạn Phúc Âm trên chúng ta thấy sự hiện
diện của Thiên Chúa trong tâm hồn những ai yêu mến Người là một sự hiện diện Ba
Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Lạy
Chúa, xin gìn giữ con trong tình thương của Chúa. Xin cho con luôn sống theo sự
soi sáng của Chúa Thánh Thần để mọi nơi và mọi lúc con luôn được lớn lên trong
tình yêu Chúa và anh chị em chung quanh.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Muốn lòng mến tồn tại
Chúng
ta không xét đến những bất trung của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta phạm pháp,
phạm giới luật nhiều và cũng không thấy một thứ trung thành với Thiên Chúa, chỉ
có bề ngoài, thứ trung thành lắt léo khi giữ luật: luật nói gì thì tôi làm thế,
luật cấm gì thì tôi không thể dám làm, nếu không tôi mắc lỗi nặng.
Nếu
chúng ta trở về với trọng tâm của Tin mừng, chúng ta sẽ thấy một hướng khác,
điều quan trọng nhất là cần liên đới với Thiên Chúa như điều răn nói: “Ai yêu
mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chính tình yêu là trung tâm sự liên kết với
Thiên Chúa. Không có tình yêu này, sự nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa sẽ
bất chính, như thấy Thiên Chúa là Đấng báo oán quá trớn và công thẳng quá độ.
Quá
nhiều Kitô hữu còn sợ Thiên Chúa theo lối giữ lời Chúa vì sợ Thiên Chúa báo
thù, chứ không vì yêu mến Chúa. Không có lòng yêu mến, những đòi hỏi thánh
thiện trở thành gánh nặng không thể chịu nổi: Đó là ách quá nặng làm cho tâm
thần bấn loạn.
Trái
lại, nếu những liên kết với Chúa được xây dựng trên tình yêu, tình yêu này sẽ
thúc đẩy sống trung thành bền vững. Thiên Chúa sẽ đáp lại lòng trung thành này
bằng ở lại với người ấy: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở
trong người ấy”. Thiên Chúa không áp đặt sự hiện diện của Ngài. Ngài không đến
như kẻ đi nghỉ mát. Nhưng Ngài đến ở với tấm lòng ưu ái nồng nàn, đó là nơi
tình yêu và lòng trung tín gặp nhau, sống với nhau.
Một
đứa trẻ sẽ cảm thấy bị áp đặt sống trong một gia đình khi nó không có lòng yêu
mến, cũng thế, chúng ta sẽ thấy bị bó lòng phải giữ giới răn Chúa, khi chúng ta
chưa yêu mến Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta biết đáp lại
bằng một tình yêu cụ thể trước khi Ngài đến. Như vậy, khi chúng ta tin tưởng
yêu mến và trông cậy Ngài, Ngài đã ở trong chúng ta rồi. Thực vậy, đức tin, đức
cậy và đức ái là ba nhân đức đối thần, là của cải của Thiên Chúa ban cho chúng
ta, cho chúng ta thấy hình ảnh Ngài trong chúng ta.
C.G
Thứ Hai 29-4
Thánh Catarina ở Siena
(1347 -- 1380)
Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc
hoàn toàn phó thác cho Ðức Kitô. Ðiều đáng khâm phục về thánh nữ là ngài coi
việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.
Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ở Siena và là người con út
trong một gia đình có đến 23 người con. Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến
tâm hồn cho Ðức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền
giáo của Dòng Ða Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình
lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau
cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội
phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ
người nghèo và người đau yếu. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời
phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại
trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina luyện tập tâm linh qua lối sống
khắc khổ.
Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ
công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô
vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.
Dần dà, người ta nhận thấy dường như Catarina đọc được tâm hồn của
họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần -- giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân,
thợ thuyền và lính tráng - bắt đầu tuốn đến với cô để được khuyên bảo. Từ đó
một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của cô, hầu hết là các
lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công
chúng đón nhận.
Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời
nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa,
Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ
trong Tổng Công Hội Dòng Ða Minh năm 1374.
Cô có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì
ảnh hưởng sâu đậm đối với đức giáo hoàng. Cô làm việc không biết mệt trong cuộc
thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và trong việc hòa giải thành phố Florence với đức giáo
hoàng.
Cô thành công trong việc thuyết phục Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI
trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Ðức Urbanô VI lên
ngôi. Khi cuộc Ðại Ly Giáo bùng nổ, Ðức Urbanô VI mời Catarina đến Rôma, vì đức
giáo hoàng cần sự hỗ trợ của cô. Năm 1378, cô đến Rôma và thường xuyên viết thư
gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của
Ðức Urbanô. Hàng ngày, cô đi bộ đến Ðền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp
nhất.
Một vài tuần trước khi chết, cô đang cầu nguyện trước một bức khảm
ở Ðền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi
bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải
khiêng cô về nhà. Catarina hầu như bất toại cho đến khi từ trần, ngày 24 tháng
Tư 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.
Cô được Ðức Giáo Hoàng Piô II phong thánh năm 1461, và được coi là
một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào năm 1970,
Ðức Phaolô VI tuyên xưng thánh nữ là Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina là người
phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila )
được vinh dự này.
Trong khi các thư của Thánh Catarina thường được coi là cửa ngõ để
biết đến con người của ngài, nhưng người ta thường nhắc đến tác phẩm "Ðối
Thoại" mà ngài chỉ coi đó là "cuốn sách của tôi," gồm các
lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ. Cha Raymond, vị linh
hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên
Chúa khi ngài ngất trí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét