13/08/2014
Thứ Tư sau Chúa Nhật
19 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Ed 9, 1-7; 10, 18-22
"Hãy
ghi chữ Thập trên trán những người rên rỉ khóc than các việc ghê tởm của thành
Giêrusalem".
Trích
sách Tiên tri Êdêkiel.
Chúa
kêu lớn tiếng vào tai tôi rằng: "Những kẻ trừng phạt thành đã đến gần, mỗi
người cầm trong tay khí cụ của mình để tàn sát". Và kìa có sáu người tiến
lại, từ cửa trên phía bắc mà đến, mỗi người cầm trong tay khí cụ của mình để
tàn sát. Giữa họ có một người mặc áo trắng, ngang lưng mang bút của ký lục. Họ
tiến vào và dừng lại trước bàn thờ bằng đồng.
Vinh
quang của Chúa Israel ngự trên các vệ binh thần liền từ đó mà cất lên, đi về
phía ngưỡng cửa Ðền Thờ. Người gọi kẻ mặc áo trắng, ngang lưng có mang bút của
ký lục mà nói: "Hãy đi khắp thành, khắp Giêrusalem và ghi chữ Thập trên
trán những người rên rỉ khóc than tất cả những việc ghê tởm người ta phạm giữa
thành".
Tôi
còn nghe Người bảo những người kia rằng: "Hãy theo người này đi khắp thành
và đánh phạt. Ðừng đưa mắt xót thương, đừng tha thứ: già lão, trai tráng, gái
trinh, trẻ con, phụ nữ, hãy giết cho hết. Nhưng ai có chữ Thập trên trán thì đừng
giết. Hãy bắt đầu từ nơi thánh của Ta". Thế là họ bắt đầu giết những kỳ
lão đang đứng trước Ðền Thờ. Người lại bảo rằng: "Hãy làm ô uế Ðền Thờ,
hãy làm cho các hành lang đầy tử thi rồi hãy ra đi". Họ bỏ ra đi đánh phạt
những kẻ ở trong thành.
Vinh
quang của Chúa từ trên ngưỡng cửa Ðền Thờ mà đi ra và dừng lại trên các vệ binh
thần. Các vệ binh thần cất cánh và từ đất bay lên, ngay trước mặt tôi; các bánh
xe cũng đi theo chúng. Chúng dừng lại nơi cửa Ðông Ðền thờ Chúa, và vinh quang
của Thiên Chúa Israel ở phía trên chúng. Ðó là sinh vật tôi đã thấy ở dưới
Thiên Chúa Israel gần sông Côbar, (bây giờ) tôi mới hiểu biết đó là các vệ binh
thần. Mỗi sinh vật có bốn mặt, bốn cánh và dưới cánh, có những hình bàn tay như
tay người. Mặt chúng giống những mặt tôi đã thấy gần sông Côbar. Mỗi sinh vật cứ
đi thẳng tới đàng trước.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Trên muôn cõi
trời, là vinh quang của Chúa (c. 4b).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa.
Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. - Ðáp.
2)
Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen.
Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của
Chúa. - Ðáp.
3)
Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt
nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất? - Ðáp.
Alleluia:
Gc 1, 21
Alleluia,
alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng, lời đó có
thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 18, 15-20
"Nếu
nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi
sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người
anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi
việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy
trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người
ngoại giáo và như người thu thuế.
"Thầy
bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc,
và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy
cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu
xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì
ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Hiệp
Thông Huynh Ðệ
Một
linh mục quản xứ nọ bất ngờ nhận được một cú điện thoại hỏi xin cho biết nhân vật
quan trọng X có đến tham dự Thánh lễ sáng Chúa Nhật tới hay không? Vị linh mục
trả lời: "Tôi không biết gì về chương trình của nhân vật đó; ông ta có đến
hay không, tôi không biết; nhưng tôi có thể báo cho anh biết chắc chắn rằng
trong Thánh lễ đó, có một vị thượng khách sẽ hiện diện với chúng ta, đó là Chúa
Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa".
Câu
trả lời trên đây có thể thức tỉnh chúng ta về thái độ trong sinh hoạt phụng vụ
của cộng đoàn. Chúng ta thường muốn có và hãnh diện vì sự hiện diện của những
nhân vật quan trọng trong những cử hành phụng vụ; trong khi đó, chúng ta lại bỏ
quên hoặc lơ là với một nhân vật quan trọng nhất, đó là Chúa Giêsu Kitô.
Chương
18 Tin Mừng Mátthêu gồm những giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của người môn
đệ trong cộng đoàn. Ở đây chúng ta đọc thấy điểm căn bản cho giáo lý về Giáo Hội
như một sự hiệp thông, một cộng đoàn, một thân thể của Chúa Kitô. Chính Chúa
Giêsu đã quả quyết: "Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì
có Thầy ở giữa họ". Ðây là yếu tố quyết định cho lời cầu xin của chúng ta,
vì chính Chúa Giêsu mới là Ðấng làm cho lời cầu xin của chúng ta được Thiên
Chúa nhậm lời.
Một
điểm nữa được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đó là thái độ phải có đối với những
người tội lỗi trong cộng đoàn. Tội lỗi, nết xấu, đó là một thực tại không thể
tránh được, dù đó là cộng đoàn do chính Chúa Giêsu qui tụ. Cộng đoàn có Chúa hiện
diện, nhưng đồng thời là cộng đoàn bao gồm những con người yếu đuối, có thể lỗi
phạm. Lời Chúa dạy về việc sửa lỗi huynh đệ cần được chúng ta lưu tâm: Kẻ phạm
lỗi kia là người anh em chúng ta, chứ không phải là kẻ thù. Lời khuyên, sự nâng
đỡ, sửa lỗi riêng tư phải là bước đầu tiên; kế đến là việc sửa lỗi chung nhờ sự
hỗ trợ của cộng đoàn; cuối cùng là phán quyết của vị đại diện đã được Chúa trao
cho tác vụ bảo vệ sự hiệp nhất và hiệp thông cũng như chữa trị những gì làm hại
đến cộng đoàn.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại thái độ sống của chúng ta: chúng ta
đã làm gì để duy trì sự hiệp nhất trong cộng đoàn? Chúng ta đã đối xử ra sao
trước tội lỗi của chính mình cũng như của người khác?
Xin
Chúa tha thứ và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi mà tự sức riêng, chúng ta
không thoát được. Xin Chúa luôn hiện diện với chúng ta, để chúng ta sống hiệp
nhất với nhau và được ơn cứu độ.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Tư Tuần 19 TN2, Năm Chẵn
Bài
đọc:
Eze 9:1-7, 10:18-22; Mt 18:15-20
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giáo
dục và hình phạt.
Tiêu diệt một phạm nhân là điều công bằng và dễ làm; nhưng giáo dục phạm nhân
đó để họ trở thành con người lành thánh là điều khó làm, nhưng đó là điều Thiên
Chúa đã làm, và Ngài muốn mọi người chúng ta thực hiện điều đó. Trong tiến
trình giáo dục, chúng ta phải giúp cho tội nhân nhận ra tội của mình bằng những
nhân chứng khác nhau. Nếu tội nhân vẫn cố tình vi phạm, phải bị cảnh cáo và chịu
những hình phạt nhẹ. Sau cùng, nếu tội nhân vẫn ngoan cố không chịu lìa bỏ tội
lỗi của mình, họ mới bị tiêu diệt.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hai cách giáo dục của Thiên Chúa và của Đức
Kitô. Trong bài đọc I, Đức Chúa cho ngôn sứ Ezekiel thấy những thị kiến khác
nhau để ông nhận ra sự giáo dục của Ngài dành cho con cái Israel. Tiêu diệt họ
và phá hủy Đền Thờ chỉ là biện pháp sau cùng, sau khi Ngài đã dùng tất cả các
biện pháp. Tuy nhiên, nếu bất cứ người Do-thái nào nhận ra và khóc than tội lỗi
mình, Ngài sẽ không tiêu diệt họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ
về cách sửa lỗi anh/chị/em của mình: bắt đầu giữa hai người, sau đó mời thêm
các nhân chứng, sau cùng mới đem ra cộng đoàn; khai trừ khỏi cộng đoàn chỉ xảy
ra khi tội nhân vẫn ngoan cố không nhận tội.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Hình phạt của Thiên Chúa dành cho con cái Israel.
1.1/
Thiên Chúa tiêu diệt Jerusalem: Ezekiel là ngôn sứ của thời lưu đày. Sứ vụ của ông là làm cho
con cái Israel nhận ra tội lỗi của họ và khuyến khích họ quay trở về với Đức
Chúa. Phương cách của ông là trình bày một Thiên Chúa công bằng và nhân từ
trong việc sửa phạt: ông liệt kê các tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Đức Chúa,
Ngài đã cảnh cáo họ nhiều lần qua các ngôn sứ (Isaiah, Jeremiah, Micah) và nói
trước về các hình phạt sẽ xảy ra, sau cùng Ngài mới ra tay phạt. Khi phải phạt,
Ngài cũng rất công bằng, chỉ những người tội lỗi mới bị phạt; ai nhận ra tội lỗi
và ăn năn trở lại, Đức Chúa sẽ cho hồi hương và phục hồi xứ sở.
Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa có giới hạn vì họ đã quá khinh thường các lời giáo
huấn của Ngài. Thị kiến mà Ezekiel mô tả hôm nay báo trước những gì sẽ xảy ra
cho Đền Thờ và dân thành Jerusalem. Thiên Chúa không trừng phạt tất cả mọi người
trong thành vì vẫn có những người biết thờ phượng Ngài và gớm ghét tất cả mọi
điều ghê tởm đang xảy ra trong thành, nhưng chỉ các tội nhân mà thôi. Để phân
biệt người công chính ra khỏi các tội nhân, thiên thần của Chúa sẽ đi khắp
thành và đánh dấu chữ thập trên trán những người công chính trước khi các thiên
thần có bổn phận phải trừng phạt sẽ theo sau tàn sát.
1.2/
Thiên Chúa rời bỏ Đền Thờ Jerusalem: Từ thời vua Solomon, người Do-thái tin tưởng Đền Thờ
Jerusalem là nơi Thiên Chúa hiện diện với con cái Israel, là Nhà của Ngài. Nhiều
người vẫn nghĩ Đức Chúa sẽ không bao giờ phá hủy hay để cho quân thù phá hủy
Nhà của Ngài, mặc dù Đức Chúa đã phán qua các ngôn sứ: Đền Thờ không đủ bảo đảm
sự an toàn của họ.
Thị kiến Ezekiel nhìn thấy hôm nay muốn làm sáng tỏ một điều: Đức Chúa không
còn hiện diện trong Đền Thờ nữa. Trước khi phá hủy Đền Thờ, Thiên Chúa được di
chuyển khỏi đó.
Các
cherubim (thần sốt mến) là những người di chuyển. Hình phạt đau đớn nhất cho
con cái Isael là Đức Chúa không còn ở với họ nữa.
2/
Phúc Âm:
Cách sửa lỗi cho nhau
Như chúng ta đã nhấn mạnh: mục đích của việc sửa lỗi là để đưa người anh em phạm
lỗi trở về, chứ không phải vì tự ái, vì tức giận, hay bất kỳ lý do nào khác. Vì
thế, việc sửa lỗi cần được làm hết sức khôn ngoan và tế nhị mới mong đạt được kết
quả tốt đẹp. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra phương pháp sửa lỗi rất
khôn ngoan với ba tiến trình tuần tự phải làm:
(1) Bước đầu tiên: "Nếu
người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với
nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” Điều
Chúa muốn mạnh trong bước đầu tiên này là giữa hai người mà thôi. Tại sao? Vì
tâm lý con người rất phức tạp, họ không muốn tội của họ bị phơi bày trước đám
đông, nhất là trước mặt những người có liên hệ mật thiết với họ. Vả lại bước
này cũng cần cho việc bảo đảm sự công bằng, vì người vi phạm có cơ hội trình
bày lý do và hoàn cảnh tại sao họ làm như thế.
(2) Bước thứ hai:
“Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi
công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.” Nếu chuyện
giữa hai người không thể giải quyết được thì cần thêm nhân chứng. Theo phong tục
của Do Thái, lời chứng của 3 người trở lên là chứng thật. Để có thể chinh phục
được người anh em, chúng ta cần khôn ngoan trong việc chọn các nhân chứng: cần
chọn những người có thế giá và được sự kính trọng của người anh em phạm lỗi. Nếu
không, kết quả sẽ không được như chúng ta mong muốn vì người anh em đó có thể
cho chúng ta “bè cánh” để ức hiếp họ.
(3) Bước sau cùng: “Nếu
nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh (ekklesía)[1]. Nếu Hội Thánh
mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.”
Nếu người anh em đó vẫn không chịu nghe lời các nhân chứng thì mang nó ra trước
cộng đoàn. Mỗi cộng đoàn đều có hiến pháp, luật lệ và hình phạt cho những thành
viên vi phạm. Hình phạt sau cùng là khai trừ họ ra khỏi cộng đoàn. Phúc Âm nói
hãy coi họ như người Dân Ngoại (ngoài Do Thái) hay một người thu thuế (tội lỗi).
Dĩ nhiên Phúc Âm ở đây không có ý so sánh với những người Dân Ngoại chưa có cơ
hội biết Chúa và những người thu thuế chưa có cơ hội ăn năn trở lại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sửa lỗi là việc làm hết sức tế nhị, nhất là sửa lỗi cho những người bằng vai
hoặc vai trên chúng ta. Vì thế, có nhiều người chủ trương xin hai chữ bình an
vì không muốn mất thời gian, gánh chịu ghen ghét, và hậu quả không hay có thể sẽ
đến. Nhưng như Lời Chúa hôm nay, sửa lỗi là một bổn phận để đưa người anh em tội
lỗi trở về, chứ không phải là việc có thể không làm.
- Biết bao lần chúng ta đã sửa lỗi không vì mục đích “đưa họ trở về,” nhưng vì
không kềm được tính nóng giận, để vạch lá tìm sâu… Hình phạt chỉ là bước sau
cùng phải áp dụng trên người lầm lỗi sau khi đã áp dụng cả 3 bước này, và mục
đích của hình phạt là để thanh tẩy chứ không để hủy hoại con người.
- Ba bước phải làm mà Chúa dạy hôm nay sẽ bảo đảm sự công bằng và tránh được
các nỗi sợ về phương diện tâm lý.
[1] Danh từ ekklesía gây nhiều tranh cãi, vì
làm gì đã có Hội Thánh hay Giáo Hội khi Chúa Giêsu nói những lời này? Theo tự
điển, danh từ này có nhiều nghĩa: nhà thờ, giáo đoàn, buổi hội họp cho cả tôn
giáo, chính trị, chính thức hay không chính thức. Điều muốn được hiểu ở đây là
mang đương sự ra một tổ chức mà đương sự thuộc về, để tổ chức này xử lý và cho
hình phạt.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 19
Mt 18,15-20
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu dạy thêm hai điều nữa về nếp sống cộng
đoàn :
1. Khi có người trong cộng đoàn lỗi phạm, hãy sửa
dạy cách kiên nhẫn qua nhiều giai đoạn : gặp riêng, nhờ một ít người nữa cùng
mình đi thuyết phục, trình kẻ có thẩm quyền. Khi tất cả mọi cố gắng đều vô ích
thì mới kể người đó không là thành phần của cộng đoàn nữa.
2. Cộng đoàn cần tụ họp cầu nguyện chung với
nhau, “vì đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa những người
ấy”.
B.... nẩy mầm.
1. Để mất một phần tử của cộng đoàn là một nỗi
đau rất lớn. Bởi đó Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kiên nhẫn giúp những phần tử
lỗi lầm hoán cải. Nhiều khi cách giải quyết của chúng ta không theo đủ những
bước Chúa dạy nên mới đánh mất những người anh chị em.
2. Chúa dạy những người trong cộng đoàn phải
“hiệp lời cầu xin”. Hiệp lời cầu xin là cầu xin chung với nhau, cầu xin những
điều chung của cộng đoàn. Chúa nói khi chúng ta hiệp lời cầu xin thì có Chúa ở
giữa. Như thế những lúc cầu nguyện chung là những giây phút rất êm đềm hạnh
phúc.
3. Tôi rất vui khi một anh sinh viên đến kể :
“Chúa nhựt vừa rồi khi giảng Cha đã bảo thỉnh thoảng nên đọc kinh lần chuỗi
chung với nhau. Xưa nay mỗi tối con đọc kinh riêng một mình. Thằng em con thì
rất nguội lạnh ít khi đọc. Tối Chúa nhựt ấy con rủ nó cùng con lần chuỗi. Hai
anh em chỉ lần có hai chục thôi. Nhưng chúng con thấy rất sốt sắng. Hôm sau
chúng con rủ thêm mấy thằng bạn nhà bên cạnh nữa.” Tôi không ngờ một lời khuyên
nhỏ như thế mà lại sinh một kết quả to lớn như thế. Nhưng không phải, không
phải nhờ lời khuyên của tôi, mà nhờ Thiên Chúa ở giữa những bạn trẻ ấy : “vì
đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa những người ấy”.
4. Ngày kia một vị Giám mục đến thăm mục vụ một
làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với một vị ẩn sĩ trên núi vì
ông hiện đang chung sống với một phụ nữ. Sau khi nghe những lời kết án, vị Giám
mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Thấy đám đông đến nơi mình ở, vị ẩn
sĩ hoảng sợ bảo người phụ nữ trốn vào một chiếc thùng rỗng. Vị Giám mục là
người thứ nhất bước vào trong lều. Ngài đưa mắt nhìn quanh và hiểu ngay sự
kiện. Ngài bình thản đến ngồi trên chiếc thùng gỗ ấy và bảo dân làng vào lục
soát. Nhưng không tìm thấy ai, dân làng đành ra về. Chờ cho mọi người đi hết, vị
Giám mục nhìn sâu vào đôi mắt nhà ẩn sĩ và nói “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận
giữ linh hồn mình” ("Mỗi ngày một tin vui")
5. Đã có bao nhiêu cuộc họp mặt, bao nhiêu khối
óc họp lại nhân danh công lý hòa bình, nhân danh quyền lợi tập thể, thậm chí
nhân danh Đấng Tạo Hóa, để làm những điều đồi bại.
Nhân danh – đó là mỹ từ vẫn thường bị lạm dụng để
che đậy, biện hộ cho các tôi ích kỷ, những ý đồ xấu xa, những mục đích đen tối.
Tôi cũng từng nhân danh Chúa để chỉ trích, lên án
người này người kia. Nhân danh công tác nhà thờ để trốn tránh bổn phận và trách
nhiệm bản thân.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhân danh
Chúa để sống trong sự thật, trong yêu thương. Xin cho tất cả những thao tác, nỗ
lực và công việc của con chỉ nhằm vinh danh Chúa. (Hosanna)
6. “Thầy bảo thật anh em : Nếu ở dưới đất,
hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự
trên trời, sẽ ban cho.” (Mt 18,19)
Tôi không thể ngờ được, người bạn thân nhất của
tôi lại có thể hiểu lầm tôi. Thật khó có thể trở lại làm bạn như cũ ! Và tôi
cùng nó đến nhà thờ... Vị chủ tế nói : “Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho
hai người luôn gắn bó bên nhau...”
Quay qua nó tôi nói :
- Bạn hãy cùng tôi cầu nguyện cho chúng ta và cho
mọi người !
Bây giờ tôi và nó càng thắm thiết hơn xưa.
Lạy Cha, xin cho chúng con biết đồng tâm nhất trí
với nhau trong kinh nguyện, để Cha chúc phúc và nâng đỡ chúng con hôm nay và
mãi mãi. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI, OP.
13/08/14 THỨ TƯ TUẦN 19 TN
Th. Pon-xi-a-nô, giáo hoàng và Híp-pô-li-tô, linh mục, tử đạo
Mt 18,15-20
Th. Pon-xi-a-nô, giáo hoàng và Híp-pô-li-tô, linh mục, tử đạo
Mt 18,15-20
Suy niệm: Không gì khó nói hơn việc đi sửa lỗi người
khác. Vì nhiều lý do. Trước hết, lý do bản thân: tôi cũng chẳng hay ho gì mà
dám lên mặt dạy đời. Và bao nhiêu lý do khác. Nếu cùng là người trong nhà với
tôi: bụt nhà không thiêng. Nếu không phải là người nhà với mình: thôi thì đèn
nhà ai nhà nấy rạng. Bao giờ người ta cũng có lý do để né tránh vấn đề gai góc
này. Chắc phải “uống mật gấu” mới đủ dũng khí để “sửa lỗi cho người khác” bởi
chưng cục tự ái của mỗi người chẳng khác nào trái bom hẹn giờ không biết lúc
nào sẽ nổ tung lên. Trên đây, Chúa Giêsu đưa ra qui tắc vàng: muốn sửa lỗi cho
nhau, phải được thúc đẩy bởi tình bác ái, phải tôn trọng danh dự của nhau và
nhắm đến lợi ích đích thực của người anh em. Việc đi gặp riêng “một mình anh
với nó thôi” tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại ôn hoà, tôn trọng lẫn nhau và
giúp nhau nhận ra ý Chúa.
Mời Bạn: Bạn
có nghĩ rằng 99% thất bại trong việc sửa lỗi phát sinh do việc nóng nảy, thiếu
tế nhị, thiếu tôn trọng nhau? Về phần mình, khi được người khác sửa lỗi, bạn đã
phản ứng thế nào?
Chia sẻ cách
Chúa Giêsu sửa lỗi cho: – người đàn bà ngoại tình (Ga 8,1-11) – cho Phêrô (Ga
13,6-11.36-38; Lc 22,31-34.54-61; Ga 21,15-23).
Sống Lời Chúa: Suy
niệm nhiều lần những đoạn Tin Mừng trên.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết noi gương Chúa, ghét tội nhưng
thương người có tội, biết sẵn sàng hy sinh đền thay tội lỗi cho anh em mỗi khi
con muốn sửa lỗi cho nhau.
Sửa lỗi người anh em
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi
ta để cho Ngài quy tụ. Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin
và tình yêu.
Suy niệm:
Trong Giáo hội ngay từ thuở
ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi
nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc
17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai
lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược
với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm
mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người
anh em phạm lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay phản
ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây
vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ
này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển
qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín
đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người
phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay
đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước
một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo
hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng
khăng không nghe,
thì bước kế tiếp là phải đưa
chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra
khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói
của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra
ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không
nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Có thể ngày nay Giáo hội có
những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn
giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh
em và không muốn mất người ấy,
kiên trì đối thoại, cố gắng
để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho
người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa
ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng
đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu phục sinh đã cho
Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng
buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)
khi phải đưa ra các quyết
định về những phần tử của mình (c. 18).
Sự hiện diện của những nhóm
nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người,
nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho
(c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội
họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc
gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen,
là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu phục sinh cũng hứa
ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện
một cách kín đáo, thầm lặng
nơi những cuộc hội họp nhỏ
bé nhất giữa các tín hữu.
Thiên Chúa đã đi với dân
Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng
hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi
nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc đời chúng con diễn ra quanh những chiếc bàn,
làm bằng những chất liệu khác nhau,
kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.
Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
trước những chân trời mới,
và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
để chúng con có sức phục vụ tha nhân.
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.
Lạy Chúa,
giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
để gặp gỡ, chia sẻ, để bàn bạc, thảo luận,
để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
để tất cả trở nên con đường
đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Bài Tin mừng hôm nay nằm trong loạt bài giảng về
đời sống cộng đoàn Hội Thánh, được đặt ngay sau dụ ngôn con chiên lạc. Chúa
Giêsu muốn dạy chúng ta một bài học quan trọng trong đời sống cộng đoàn là tôn
trọng yêu thương anh em dù họ có lỗi lầm. Ngài cũng dạy chúng ta rằng việc sửa
lỗi anh em phải đặt trên nền tảng đức ái nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là áp
dụng những kỷ luật.
Thật vậy, để mất một phần tử trong cộng đoàn là
một nỗi đau rất lớn. Bởi đó Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kiên nhẫn giúp đỡ
những phần tử lỗi lầm hoán cải. Nhiều khi cách giải quyết của chúng ta
không theo đủ những bước Chúa Giêsu dạy nên mới đánh mất những người anh em
mình.
Việc sửa dạy lỗi cho nhau phải đặt trên đức ái,
nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là áp dụng kỷ luật. Bởi mỗi con người đều có những
"cái tôi" của họ, nên khi chúng ta sửa lỗi không khéo sẽ chạm tới cái
tự ái của họ. Và như thế, việc sửa lỗi chẳng những không đạt kết mà mối tương
giao trong cộng đoàn còn tội tệ hơn. Phải luôn luôn kiên nhẫn và trên hết phải
lấy đức ái mà xây dựng nhau vì chỉ trong yêu thương, mọi sự mới có thể có kết
quả tốt đẹp được.
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi lần làm một việc
gì, nếu ta luôn dựa trên nền tảng đức ái thì chắc chắn kết quả sẽ tốt đẹp.
Ngược lại, thì dễ làm cho ta trở nên kiêu ngạo hoặc xúc phạm đến người khác
ngay khi họ là người có lỗi.
Việc cầu nguyện chung là điều cần thiết cho cộng
đoàn, bởi vì những lúc đó không những lời cầu nguyện sinh ơn ích cho cộng
đoàn, cho cá nhân mà nó còn là mối giây liên kết mọi người trong cộng đoàn.
Điều này rất làm đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài sẽ hiện diện và chúc lành cho chúng
ta.
Xin cho chúng con luôn biết sống đức ái trong mọi
sự. Amen.
Vị thánh trong ngày _ 13/8
Thánh Pontian và Thánh Hippolytus
(k.
235)
Ðức giáo hoàng Pontian
gặp gỡ với Hippolytus trong hoàn cảnh lưu đầy và vị linh mục tài giỏi này đã
cảm hóa trước sự khiêm tốn của vị giáo hoàng. Hippolytus trở về với Giáo Hội và
mọi tức giận đều tiêu tan. Cả hai đã được phúc tử đạo và mãi mãi trở nên nhân
chứng cho sự tha thứ và niềm hy vọng Kitô Giáo.
Vào năm 235, Maximinus làm hoàng đế Rôma và
hầu như ngay sau khi lên ngôi, ông bắt đầu bách hại người Kitô Giáo. Một trong
những hình phạt thông thường đối với các giám mục và linh mục là các ngài bị
lưu đầy đến những quặng mỏ nguy hiểm ở Sardinia, nước Ý. Chính vì sự bách hại
này mà ngày nay chúng ta mừng kính hai thánh tử đạo.
Thánh Pontian lên ngôi giáo hoàng sau khi Ðức
Urban I từ trần năm 230. Khi Maximinus lên ngôi hoàng đế, Ðức Pontian cùng
chung số phận với các Kitô Hữu khác và ngài phục vụ Giáo Hội trong sự đau khổ ở
Sardinia.
Hippolytus là một linh mục và là học giả ở
Rôma. Ngài có nhiều sáng tác về thần học và là bậc thầy tài giỏi. Hippolytus
thất vọng với Ðức Giáo Hoàng Zephyrinus (được tử đạo năm 217) vì đức giáo hoàng
không mau mắn ngăn chặn những người giảng dạy cách lầm lạc. Khi Ðức Callistus I
được bầu làm giáo hoàng kế vị Ðức Zephyrinus, Hippolytus cũng không hài lòng.
Lúc bấy giờ, rất đông người theo Hyppolytus và họ đồng lòng bầu Hippolytus lên
làm giáo hoàng. Vị thần học gia tài giỏi này đã không chế ngự được tính kiêu
ngạo và đã chấp nhận. Khi cuộc bách hại bùng nổ, Hyppolytus bị bắt và cũng bị
lưu đầy đến Sardinia.
Trong hoàn cảnh đáng thương ấy, một phép lạ
hòa giải đã xảy ra giữa sự cười nhạo của kẻ thù. Ðức giáo hoàng Pontian gặp gỡ
với Hippolytus trong hoàn cảnh lưu đầy và vị linh mục tài giỏi này đã cảm hóa
trước sự khiêm tốn của vị giáo hoàng. Hippolytus trở về với Giáo Hội và mọi tức
giận đều tiêu tan. Ðức giáo hoàng Pontian thông cảm với vị linh mục. Ngài nhận
ra nhu cầu của mỗi người là phải giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong tình
bác ái của Ðức Giêsu Kitô. Cả hai đã được phúc tử đạo và mãi mãi trở nên nhân
chứng cho sự tha thứ và niềm hy vọng Kitô Giáo.
Suy
niệm hạnh thánh Pontian và thánh Hippolytus
(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét