Trang

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

11-05-2012 : THỨ SÁU TUẦN V MÙA PHỤC SINH


Thứ Sáu sau Chúa nhật V Phục Sinh
Cv 15,22-31 ; Tv 56 ; Ga 15,12-17.

Bài đọc                                    Cv 15,22-31

22 Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi An-ti-ô-khi-a với ông Phao-lô và ông Ba-na-ba. Đó là ông Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba, và ông Xi-la, những người có uy tín trong Hội Thánh. 23 Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau :
"Anh em Tông Đồ và kỳ mục chúng tôi gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại An-ti-ô-khi-a, tại miền Xy-ri và Ki-li-ki-a. 24 Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. 25 Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, 26 những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 27 Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây : 28 Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này : 29 là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh."
30 Sau khi được mọi người tiễn chân, các đại biểu xuống An-ti-ô-khi-a, triệu tập cộng đoàn lại và trao bức thư. 31 Đọc thư xong, họ vui mừng vì lời khích lệ đó.



Đáp ca                                     Tv 56,8-9.10-12 (Đ. c. 10a)

Đáp :    Lạy Thiên Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

8          Con an lòng, lạy Thiên Chúa, con vững dạ an lòng,
9          này con xin đàn hát xướng ca.
            Thức dậy đi, hồn tôi hỡi,
            thức dậy đi, hỡi đàn sắt đàn cầm,
            tôi còn đánh thức cả bình minh.                                  Đ.

10        Lạy Thiên Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ,
            giữa lòng muôn nước, con đàn hát xướng ca.
11        Vì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh,
            và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm.
12        Lạy Thiên Chúa, xin biểu thị uy phong khắp cõi trời
            và chiếu toả vinh quang đầy mặt đất.                          Đ.



Tung hô Tin Mừng                 Ga 15,15b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : " Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết." Ha-lê-lui-a.



Tin Mừng                                Ga 15,12-17

12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : "Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau."
(bản văn theo UB.Kịh Thánh/HĐGMVN)


Suy Niệm:
Ðức Giêsu cho chúng ta thấy: qua Ngài, mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và chúng ta rất bền chặt. Trong Ðức Giêsu, chúng ta được đón nhận tình thương của Ngài nhờ tuân giữ giới răn của Ngài. Trong Ðức Giêsu, chúng ta kết hợp với nhau như các cành gắn liền cây và do đó gắn liền với nhau. Chính vì thế, Ðức Giêsu mời gọi chúng ta yêu mến nhau như chính Ngài đã yêu mến chúng ta, đến độ hy sinh cả mạng sống vì chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, vậy thì không lý do nào chúng ta không chia sẻ tình thương ấy cho anh em mình. Hơn nữa, Ðức Giêsu yêu thương tất cả. Chúng ta cũng phải yêu thương tất cả, cả kẻ thù, không trừ một ai.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con, coi chúng con như bạn hữu và hy sinh cả mạng sống vì chúng con. Chúa không muốn chúng con giữ lại cho riêng mình, nhưng biết chia sẻ tình yêu ấy cho mọi người. Xin cho chúng con biết thực thi lệnh truyền của Chúa trong cuộc sống: mở rộng tâm hồn để cảm thông, mở rộng đôi tay để chia sẻ. Ðể cuộc sống chúng con luôn đầy tràn tình yêu thương và hạnh phíc. Nguồn hạnh phúc đích thực chỉ bắt nguồn từ Cha qua Ðức Giêsu, Chúa chúng con. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Luật Yêu Thương Nhau

Trong dịp sinh nhật, một bé gái được mẹ tặng cho con búp bê thật xinh đẹp. Búp bê có thể cử động chân tay, nhắm mắt, mở mắt cười, khóc hoặc nói vài câu chào hỏi. Cô bé rất thích thú với con búp bê mới này. Tuy nhiên, trong hộc đồ chơi của cô vẫn còn những con búp bê cũ. Và đặc biệt cô lại hay chơi đùa với con búp bê cũ nhất, tàn tạ nhất.
Vì thế, người mẹ ngạc nhiên và hỏi: "Tại sao con lại thích chơi với con búp bê cũ nhất như vậy". Cô bé ngập ngừng mắc cở chẳng muốn trả lời. Người mẹ phải dỗ dành hồi lâu và hứa sẽ không không cười nhạo hoặc nói lại với ai. Bí mật sẽ được giữ kín giữa mẹ và cô bé. Bấy giờ cô bé mới lên tiếng: "Bé yêu thích con búp bê xấu xí này, vì nó chẳng được ai để ý đến". Mỗi lần nó và các bạn chơi đùa, các bạn của bé cũng chỉ chơi với các búp bê đẹp và tân kỳ. Con búp bê này luôn bị bỏ quên trong góc tủ. Thấy nó thiếu thốn tình thương, nên bé yêu thương nó.
Anh chị em thân mến!
Người mẹ rất đỗi ngạc nhiên và vui mừng trước tâm hồn quảng đại và cao thượng của cô bé. Còn chúng ta, bao giờ chúng ta ngạc nhiên trước tình yêu vô bờ của Chúa Giêsu, một vị Thiên Chúa trên trời cao, nhưng vì yêu thương chúng ta, nên đã xuống làm bạn với con người xấu xa tội lỗi và hy sinh cả mạng sống cho con người.
Anh chị em thân mến!
Khởi đầu cho mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa là quyết định chọn lựa về phía Thiên Chúa. Con người đã phá vỡ mối quan hệ Thiên Chúa. Thiên Chúa là người tái lập. Ðến với con người, Con Thiên Chúa đã chấp nhận làm con của con người, để nhờ vào việc liên kết với Ngài, con người được trở thành con Thiên Chúa, được nên bạn hữu với Chúa Giêsu.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người Kitô hữu cũng phải hân hạnh hãnh diện vì từ thân phận tội lỗi xấu xa, họ đã được Thiên Chúa đoái nhìn tới. Không chỉ đoái nhìn ban ơn huệ cho họ mà thôi, nhưng Ngài được đồng hàng với Con Thiên Chúa. Những gì Con Thiên Chúa nghe biết từ Cha, thì Ngài đã cho họ biết.
Một trong những chia sẻ tình yêu là chia sẻ cách hiểu biết, và khi đã được hiểu biết thì con người cũng phải có bổn phận trung thành, phải sống cho ra sự hiểu biết. Vì sống trong những điều hiểu biết là một đáp trả trước tình yêu. Yêu mà dửng dưng bàng quang, yêu mà không mảy may xúc động trước những thao thức, ước muốn của người mình yêu thì chẳng thể nào gọi là yêu được. Tình yêu mà chẳng chút cảm thông chia sẻ thì chẳng bao giờ là tình yêu đúng nghĩa.
Khi gọi các môn đệ là bạn hữu, khi chia sẻ cho họ những hiểu biết về Cha, Chúa Giêsu cũng  muốn họ sống trong tình bạn với Ngài, là thực thi theo lệnh truyền của Ngài: "Các con hãy yêu mến nhau". Như các môn đệ, các Kitô hữu cũng được mời gọi sống tình bạn hữu của Chúa Giêsu. Có thể họ sẽ dễ dàng thốt lên hai tiếng yêu Chúa, nhưng lại khó thực hiện điều yêu mến anh em. Vì cũng như họ, khuôn mặt anh chị em chỉ là tầm thường, khiếm khuyết, nếu không nói là tội lỗi xấu xa đáng xa tránh. Nhưng dù sao đi nữa, tất cả đều là con một Cha trên trời. Khuôn mặt xấu xí bị xa lánh đều là những khuôn mặt cần được yêu thương hơn ai hết.
Lạy Chúa, xin cho con biết hãnh diện vì đã được mang danh Kitô hữu, được trở nên bạn với Chúa. Một sự hãnh diện phải được bộc lộ không những bằng lời nói, mà còn bằng thái độ sống hoàn toàn trung thành với lệnh truyền của Chúa là "yêu mến anh em như Ngài đã yêu". Amen.

(Veritas Asia)

Yêu thương nhau như Thầy

Suy nim:
Tôn giáo nào cũng dạy người ta phải yêu nhau.
Từ bi hỷ xả của Phật giáo hay tứ hải giai huynh đệ của Khổng giáo.
Đức Giêsu đã coi việc yêu thương nhau là một điều răn, một lệnh truyền.
Nhưng lệnh truyền này có nét mới mẻ:
“Anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em” (c. 12).
Nét mới mẻ và đáng sợ nằm ở chữ như.
Chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo.

Đức Giêsu soi sáng ý nghĩa của chữ như trong câu sau,
khi Ngài nói đến tình yêu của mình đối với các môn đệ:
“Không ai có tình yêu lớn hơn 
tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (c. 13).
Chết cho các bạn của mình là hành vi lớn nhất của tình yêu.
Thập giá là biểu hiện của tình yêu lớn nhất, tình yêu hiến mạng.
Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ phải yêu nhau đến mức đó.
Người Kitô hữu được mời gọi yêu nhau đến mức đó.
“Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy.
Anh em hãy ở lại trong tình yêu của của Thầy” (c. 9).
Có một dòng suối tình yêu chảy tràn từ Cha đến Thầy Giêsu,
và từ Thầy Giêsu đến với các môn đệ.
Ở lại trong tình yêu của Thầy chính là để cho dòng suối đó tiếp tục chảy,
qua tình yêu giữa các môn đệ với nhau.
Dòng suối ngừng chảy sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp.
Giữa Thầy Giêsu và các môn đệ không phải chỉ có tình Thầy trò,
mà còn có tình bạn thân thiết (c. 14). 
Một đặc tính của tình bạn là dám chia sẻ cho nhau những điều riêng tư.
Thầy Giêsu cho các môn đệ biết việc mình làm,
và biết những gì Thầy đã nghe được từ nơi cung lòng Cha (c. 15).
Như thế đời sống thầm kín giữa Thầy với Cha, Thầy đã vén mở.
Thầy Giêsu sống như một người bạn bên cạnh các môn đệ. 
Và Ngài cũng muốn họ sống như những người bạn bên nhau.
Dám sống cho nhau và dám chết cho nhau.
Chỉ khi họ sống với nhau như những người bạn đích thực,
các môn đệ mới thật là bạn của Giêsu (c. 14).
Tình bạn đối với Giêsu khiến ta có tình bạn đối với nhau.
Tình bạn ta có đối với nhau minh chứng về tình bạn ta đang có với Giêsu.
Trong đời thường, chúng ta ít có cơ hội hy sinh mạng sống cho nhau.
Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ hội hy sinh những điều đáng quý khác,
như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, uy tín, quyền lợi, dự tính, ảnh hưởng…
Những hy sinh này đụng đến cái tôi của ta và làm ta đau nhói.
Mong các Kitô hữu biết yêu nhau để người ta biết chúng ta là ai (Ga 13, 35).
Cầu nguyn:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12)
Suy niệm
Tin mừng hôm nay là một bài học về yêu thương. Lý luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con. Chúa Con đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Cha. Nhưng Chúa Con cũng đã yêu thương các môn đệ bằng chính tình yêu này và các môn đệ cũng có thể ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Con. Như vậy đối với Chúa Con: yêu thương và vâng phục là một Chúa Con yêu mến Chúa Cha bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài, các môn đệ cũng phải yêu mến Chúa Con bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Do đó yêu thương thật sự và trọn hảo là sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để tin tưởng người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp của hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.
Tin Mừng bộc bạch một cách trong suốt trái tim của bậc Thầy. Điệp khúc gói trọn lời trăn trối của Ngài là: “Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con.” Như Ta đã yêu thương các con, đó là mức độ của một tình yêu đích thực và đặc điểm của một giáo huấn chân thật. Chúa Giêsu quả thật là yêu thương các môn đệ và yêu thương đến cùng, đó là tình yêu cao cả của người thí mạng sống mình vì bạn hữu.
Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá là mạc khải tối thượng về Thiên Chúa và về con người. Qua cái chết ấy, Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa đó yêu thương con người. Qua cái chết ấy Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng con người chỉ có một ơn gọi, đó là sống yêu thương, càng sống yêu thương, con người càng đến gần chân lý và càng trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.
Chân lý không phải chỉ để tin nhận, mà thiết yếu là để được thực thi, và như Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: “Ai thực thi chân lý thì đến cùng ánh sáng.” Thật thế, ai sống yêu thương, người đó sẽ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, phẩm giá của con người và chắc chắn sẽ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa.
Xét cho cùng, một tình yêu đích thực đòi hỏi phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đó cũng là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Giềng mối của mọi đố kỵ, chia rẽ dẫn đến bạo động, hận thù và chiến tranh chính là thái độ bất khoan dung. Khi không chấp nhận để người khác có một suy nghĩ khác với mình, một niềm tin và một cách sống khác với mình, người ta sẽ tìm các hạn chế tự do hoặc loại trừ người khác.
Hãy thay đổi tâm lòng, hãy mang lấy một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương, biết tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, đó là điều mà chúng ta phải cầu xin trong cuộc sống mỗi ngày.
Hãy để cho tình yêu Thiên Chúa tràn ngập trong lòng chúng ta và trở thành động cơ thúc đẩy mọi hành động của chúng ta. Tất cả sẽ thành giá trị vĩnh cửu của tình yêu.
Cầu nguyện: 
Nguyện xin Đấng là chân lý ban cho chúng con ánh sáng và sức sống thần linh của Ngài, để chúng con luôn tiến bước trong cuộc sống với niềm tin tưởng lạc quan. Xin cho mỗi người Kitô hữu chúng con xác tín rằng chỉ bằng cuộc sống yêu thương, chúng con mới thực sự làm chứng cho chân lý.

11/05/12 THỨ SÁU TUẦN 5 PS
Ga 15,12-17

SỐNG TÌNH BẠN VỚI CHÚA KITÔ

“Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15)

Suy niệm: William Beatie nhận định rằng tình bạn cho chúng ta cảm nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa bởi vì nơi người bạn đích thực, chúng ta có thể ký thác tâm sự, được lắng nghe và cảm thông; người bạn là người mà chúng ta có thể tin cậy nhưng không vì thế mà bị đánh mất chính mình. Tình bạn giữa người với người mà đã thế, tình bạn mà Chúa Kitô dành cho chúng ta còn tỏ bày cho chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa biết chừng nào? Quả thế, Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn hữu vì “tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” Để được trở thành bạn hữu với Chúa Kitô, chỉ cần có một điều kiện, đó là: “thực hiện những điều Thầy truyền dạy.”

Mời Bạn: Chúa Kitô không như vị hoàng đế cao xa nọ, cao hứng vi hành thăm thần dân rồi lại trở về ngôi cao chức trọng. Chúa Kitô đến và ở lại, đồng phận với chúng ta; Ngài đối xử thân tình và gọi chúng ta là bạn hữu, Ngài còn yêu thương chúng ta đến mức “hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu của mình.” Tình yêu của Ngài đối với bạn sâu xa như thế. Còn bạn, bạn sống tình bằng hữu với Ngài như thế nào?

Chia sẻ: Bạn có coi việc thờ phượng như gánh nặng bó buộc mà bạn chỉ làm ở mức tối thiểu cho khỏi bị tội không?

Sống Lời Chúa: Sống với Chúa như chân phước Anrê Phú Yên: “lấy tình yêu đáp lại tình yêu, lấy sự sống đáp lại sự sống, để giữ nghĩa cùng Chúa cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đối xử thân tình và gọi chúng con là bạn hữu. Xin cho chúng con biết đem trọn tình yêu của chúng con đáp lại tình yêu đó.


 Yêu thương là chìa khóa để tồn tại
Bài đọc: Acts 15:22-31; Jn 15:12-17.
Chúng ta học được nhiều điều quan trọng nơi Giáo Hội Jerusalem trong việc giải quyết các xung đột gây ra do việc chuyển tiếp từ Do-thái Giáo sang Kitô Giáo. Trước tiên, họ cùng nhau ngồi lại để tìm cách giải quyết vấn đề. Thứ đến, họ theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra đâu là sự thật nền tảng mọi người phải giữ, những gì có thể dung hòa, và những gì có thể chuẩn chước được. Sau đó, họ phải khiêm nhường bỏ thói quen của mình, hy sinh chấp nhận ý kiến chung, và giải quyết vấn đề trong tình yêu thương anh em; chứ không truyền lệnh như giữa chủ và tớ, giữa giai cấp lãnh đạo trung ương và cấp nhân viên dưới quyền mình. Biết cách giải quyết khôn ngoan như thế là tránh được chiến tranh và xây dựng hòa bình, là phát triển Tin Mừng vào thế giới theo đường lối Chúa Giêsu thay vì co cụm vào Jerusalem để bị đồng hóa vào Do-thái Giáo.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật cho chúng ta những chìa khóa quan trọng trong việc giải quyết các xung đột. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội giải quyết vấn đề theo sự hướng dẫn của Thần Chân Lý và tình yêu thương của Đức Kitô. Các Tông-đồ quyết định không áp đặt trên các Dân Ngoại bất kỳ một gánh nặng nào khác, trừ ra những gì hết sức quan trọng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự quan trọng của giới luật yêu thương: Hãy làm mọi sự vì yêu thương như Ngài đã yêu thương chúng ta. Đừng đối xử với nhau như chủ và tớ; nhưng hãy đối xử với nhau như anh em, như Chúa đã đối xử với chúng ta.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cách giải quyết vấn đề của Giáo Hội Jerusalem
1.1/ Xóa tan nghi ngờ bằng cách:
(1) Chọn đại diện của Giáo Hội Trung Ương để làm sáng tỏ vấn đề với Giáo Hội địa phương: "Các Tông Đồ, các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi Antioch với ông Phaolô và ông Barnabas. Đó là ông Judah, biệt danh là Barsabbas, và ông Silas, những người có uy tín trong Hội Thánh."
(2) Gởi sứ điệp chính thức: Vì tin đồn thất thiệt và mạo danh gây ra nghi kỵ, chia rẽ, và tranh chấp trong cộng đoàn, Giáo Hội Jerusalem đã nhận ra điều này và làm sáng tỏ trong Thư luân lưu: "Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang."
(3) Chính thức nhìn nhận Barnabas và Phaolô là đại diện: Giáo Hội Jerusalem cũng nhận ra sự quan trọng của Barnabas và Phaolô với Giáo Hội địa phương: "Cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Barnabas và ông Phaolô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta."
1.2/ Nội dung của sứ điệp: dựa trên những lời của Phêrô và Giacôbê góp ý hôm qua. Giáo Hội Trung Ương quyết định: Vậy chúng tôi cử ông Judah và ông Silas đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây:
(1) Không phải mang gánh nặng nào khác: "Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác." Hai điểm quan trọng được các Tông-đồ nhấn mạnh là "Thánh Thần" và "chúng tôi." Giáo Hội không chỉ mang tính cách trần thế như bao tổ chức khác; nhưng có nguồn gốc từ Trời. Giáo Hội hoạt động dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Quyết định đạt được không do một cá nhân quyết định, nhưng là cố gắng của tập thể, sau khi đã cùng nhau cầu nguyện, đóng góp ý kiến, và đi tới quyết định.
(2) Ngoài những điều cần thiết này: "kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi." Những điều cần thiết tối thiểu này là những gì Giáo Hội Trung Ương nghĩ mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, cần phải giữ.
2/ Phúc Âm: Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
2.1/ Giới luật yêu thương: "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." Đây có thể nói là giới luật duy nhất Chúa Giêsu để lại cho con người; nhưng nó lại là giới luật nền tảng, vì nó bao trùm trên các giới luật khác. Yêu thương, không đơn thuần như con người hiểu, nhưng là yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa. Con người phải có yêu thương này trước khi con người có thể đáp ứng đòi hỏi của Chúa Giêsu: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình."
2.2/ Tình bằng hữu giữa Chúa Giêsu và các Tông-đồ: Dưới con mắt phàm nhân, mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người là mối liên hệ giữa chủ nhân và đầy tớ; vì Thiên Chúa dựng nên và có quyền trên con người. Ngài có quyền ra lệnh và con người có bổn phận phải thi hành. Hay có tốt hơn cũng chỉ là mối liên hệ giữa Thầy và trò. Tuy mối liên hệ này gần hơn, nhưng vẫn còn khỏang cách rất lớn giữa hai chủ thể: Thầy có quyền bắt học trò làm theo ý mình muốn. Các ông không thể nào ngờ lời Chúa nói các ông có thể trở thành bạn hữu của Ngài: "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy."
(1) Khác biệt giữa tôi tớ và bạn hữu: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết." Điểm đặc biệt giữa bạn hữu là họ chia sẻ cho nhau mọi tâm sự và mọi sướng, khổ, vui, buồn. Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ mọi điều Ngài đã thấy nơi Chúa Cha, đã cùng chia sẻ mọi nỗi vui buồn trong 3 năm rao giảng; đã rửa chân cho các ông như một đầy tớ, và đã sẵn sàng hy sinh tính mạng vì các ông. Chúa thực sự đã đối xử với các ông như một người bạn thân thiết.
(2) Chúa chọn các Tông-đồ cho một sứ vụ: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em." Chúa Giêsu nhấn mạnh đến vai trò của Thiên Chúa trong việc lựa chọn các Tông-đồ. Ngài chọn các ông chứ không phải các ông đã chọn Ngài. Ngài chọn các ông khi các ông vẫn còn rất nhiều khuyết điểm và giới hạn của con người; nhưng Ngài huấn luyện và thánh hiến các ông, để rồi sai các ông đi cho một sứ vụ: mang con người về cho Thiên Chúa.
Điều làm chúng ta ngạc nhiên sau biến cố Phục Sinh là sự thay đổi hoàn toàn nơi các Tông-đồ, từ những con người thất học, nhút nhát, trở thành can đảm, khôn ngoan, dám đương đầu với các người trong Thượng Hội Đồng, và họ không thể đối đáp được với các ông. Nói tóm, Chúa ban tất cả những gì cần thiết để các ông có thể chu toàn sứ vụ.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi có xung đột trong gia đình hay cộng đòan, chúng ta hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra sự thật và loại trừ tất cả những ích kỷ và ghen tị ẩn giấu đàng sau nó.
- Sau khi đã khiêm nhường tìm ra sự thật, chúng ta phải giải quyết vấn đề trên căn bản yêu thương, chứ không dùng quyền hành để ra lệnh như chủ và tớ.
- Chúng ta phải có can đảm để nhận ra lỡ lầm và sửa sai cho đúng. Hãy yêu thương, khuyến khích, và nâng đỡ nhau trong khi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.


"Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau".
Yêu thương và phục vụ
Hôm qua, lời Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta phải trung thành với Đấng đã đặt hy vọng nơi chúng ta.
Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết rõ phải đáp trả tình yêu của Chúa: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phẩm chất của tình yêu Kitô hữu là nên giống tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của chúng ta phải đối chiếu với cách thức của Đức Giêsu yêu thương chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
Tình yêu của Kitô hữu là tặng ban sự sống, thời giờ và công việc, tình cảm và lợi ích của mình cho người khác. Tình yêu Kitô hữu hoàn thành trong sự hy sinh trọn vẹn đời mình cho người khác.
Chúng ta có thể thực hành tình thương người dần dần theo từng giai đoạn. Bắt đầu chúng ta thử thực hiện giúp đỡ người chung quanh chúng ta mỗi ngày mỗi tốt hơn. Thứ đến chúng ta tìm hiểu và liệt kê những điều họ cần thiết để tìm cách giúp đỡ họ mạnh sức hơn. Rồi sẽ đến ngày chúng ta hy sinh cả những lúc nghỉ ngơi, những việc riêng tư.
Tới ngày đó, chúng ta sẽ thực hiện được lời thánh Phao-lô: “Chúng tôi hoàn tất trong thân xác chúng tôi điều còn thiếu trong đau khổ của Đức Kitô”. Chúng tôi thực hiện hình ảnh của Đức Kitô đã khẳng định mình là tôi tớ mọi người.
Trong Thánh lễ tạ ơn này, chúng ta cử hành cuộc tưởng niệm tình yêu của Chúa để làm sống lại những cử chỉ trong bữa tiệc ly, những cử chỉ đó bầy tỏ rõ rằng phẩm chất tình yêu của Đấng cứu độ đã ban cho chúng ta: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy đã bị nộp vì anh em”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Ngày 11
“Như Thầy đã yêu anh em”

"Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" đây là mệnh lệnh duy nhất Đức Giêsu để lại cho các môn đệ của mình. Dù vậy, nếu chúng ta sử dụng thời gian để dừng lại với mệnh lệnh "như Thầy đã yêu mến anh em"...

Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Đức Giêsu nói với họ về ý nghĩa sâu xa cuộc sống của Người, mời họ đọc lại cử chỉ và lời nói mà họ làm chứng cũng như các chứng cứ khao khát duy nhất của Người: vì yêu Người ban cuộc sống và đi đến cùng con đường của tình yêu. Người nói, "không có gì cao quí hơn tình yêu ban tặng cuộc sống của mình cho bạn hữu". Chúng ta được gọi là "bạn hữu"; đây là một ân sủng phi thường.

Đức Giêsu nhắc lại cho các môn đệ rằng chính Người đã chọn họ, “để anh em ra đi đem lại hoa trái và hoa trái của anh em luôn tổn tại", ơn gọi không thể thiếu việc sai đi; hổng ân gần gũi của tình bạn với Đức Ki tô, không thể thiếu lời mời ra đi để những người ở xa có thể khám phá tình bạn này và tình yêu được ban tặng.

Ngày nay, đối với mỗi người, trong lúc chiêm ngắm bản văn này và lời cầu nguyện, đón nhận mức độ tình bạn của Đức Kitô để khám phá tại sao Người lại được sai để mang đến và chia sẻ tình bạn này.
Christophe Roucou - La Croix 
Thứ Sáu 11-5

Thánh Y-Nhã ở Laconi

(1701 - 1781)

T
hánh Y-Nhã là một thầy khất thực thánh thiện.
Ngài là con thứ hai trong một gia đình nông dân ở Sardinia và tên thật là Francis Ignatius Vincent Peis. Ngay từ nhỏ Vincent đã biết cái nghèo là gì, nhưng trong mái nhà đơn sơ ấy là bầu khí thánh thiện của một người cha siêng năng làm việc và người mẹ đạo đức, luôn dạy con cái trở nên xứng đáng là con Chúa.
Ngay từ nhỏ, Vincent đã thường đau yếu luôn, và khi 18 tuổi anh bệnh nặng đến nỗi phải nằm liệt giường trong nhiều tháng. Chạy đến với Ðức Trinh Nữ Maria, anh hứa sẽ trở thành một tu sĩ dòng Capuchin nếu Ðức Mẹ chữa khỏi. Và Vincent bắt đầu hồi phục, nhưng lại quên đi lời hứa ấy. Mãi cho đến một biến cố thứ hai, khi anh đang cưỡi ngựa thì con ngựa trở chứng chạy lồng lộn tưởng như muốn hất anh xuống đất nhưng bỗng nhiên nó thuần thục trở lại, và anh tin rằng Thiên Chúa đã can thiệp để nhắc lại lời hứa trước đây. Năm 1721, anh gia nhập tu viện Thánh Biển Ðức ở Cagliari, và sau khi mặc áo dòng, anh lấy tên là Thầy Y-Nhã.
Sau khi tuyên khấn, thầy được sai đến tu viện ở Buoncammino làm đầu bếp trong vòng hai năm. Và mười năm tiếp đó thầy đi khất thực cho tu viện ở Iglesias và sau lại trở về Buoncammino làm nghề dệt. Tuy nhiên, chỉ được vài năm, thầy lại trở về công việc khất thực cho nhà dòng. Có thể nói, "công việc" của thầy bao gồm việc lang thang trên đường phố Cagliari để xin thức ăn cho nhà dòng. Không bao lâu, thầy là khuôn mặt quen thuộc của dân chúng và họ gọi thầy là "Padre Santo" (Cha Thánh).
Thầy được sự yêu quý của người già cũng như sự tin tưởng của người trẻ. Trẻ con ở Cagliari lại càng quý mến "Padre Santo" là chừng nào khi thầy luôn kể cho chúng nghe các câu truyện hấp dẫn của các thánh, dạy bảo cho chúng biết về Thiên Chúa, cũng như chỉ vẽ chúng cách cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Lòng thương yêu tha nhân đã trở nên phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của thầy, và từ đó xuất phát sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành có sức thu hút người khác.
Trong hai năm cuối của cuộc đời, thầy bị mù, và từ trần ngày 11 tháng Năm 1781. Thầy được phong thánh năm 1951.

Lời Bàn

Tại sao người dân ở Cagliari lại giúp đỡ các tu sĩ? Các môn đệ của Thánh Phanxicô là những người siêng năng làm việc nhưng đó là những công việc không đủ sống. Trong những điều kiện ấy, Thánh Phanxicô cho phép họ đi xin ăn. Cuộc đời Thánh Y-Nhã cho chúng ta thấy, những gì Thiên Chúa coi là giá trị thì không liên hệ đến đồng lương cao hay thấp.

Lời Trích

"Tôi thường làm việc với đôi bàn tay, và tôi vẫn muốn làm việc; tôi thực sự mong muốn tất cả các anh em đều tận tình làm việc. Những ai không biết cách làm việc hãy học làm việc, không phải vì muốn được trả lương nhưng vì sống gương mẫu và để tránh sự lười biếng. Và khi chúng ta không được trả lương, hãy trông nhờ vào bàn ăn của Thiên Chúa, mà đi ăn xin từng nhà" (Thánh Phanxicô, Bản Di Chúc).

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét