Trang

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

31-05-2012 : ĐỨC MARIA ĐI VIẾNG BÀ ÊLISABET


Thứ Năm sau Chúa Nhật 8 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Pr 2, 2-5. 9-12
"Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện để rao giảng Ðấng đã gọi anh em".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, như trẻ sơ sinh, anh em hãy thèm khát sữa thiêng liêng trong sạch, để nhờ đó, anh em được lớn lên trong ơn cứu độ, nếu anh em nếm biết Chúa ngọt ngào dường nào.
Anh em hãy tiến đến viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng được Chúa tuyển chọn và tôn vinh. Anh em như những viên đá sống động, hãy để Chúa xây dựng anh em nên toà nhà thiêng liêng, nên chức vụ linh mục thánh, để hiến dâng những của lễ thiêng liêng xứng đáng được Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô.
Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người. Anh em xưa kia không phải là dân của Thiên Chúa, nhưng nay là dân của Người; xưa kia anh em không được xót thương, nhưng nay được thương xót.
Anh em thân mến, tôi khuyên anh em: như những ngoại kiều, và khách trọ, hãy xa lánh những đam mê xác thịt hằng chống lại linh hồn. Anh em hãy sống lương thiện giữa dân ngoại, để dù người ta vu khống anh em như những người gian phi, nhưng khi thấy được việc lành của anh em, họ phải ngợi khen Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Ðáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).
Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người. - Ðáp.
3) Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.


Phúc Âm: Mc 10, 46-52
"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Ðavít , xin thương xót tôi".
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh"? Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Lời kêu van của người mù: "Lạy Con vua Ðavít xin thương xót tôi". Cho thấy dân chúng tin Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế là đấng khôi phục và giải phóng dân tộc. Nhưng khi Ðức Giêsu chữa lành cho người mù được sáng mắt. Ngài muốn hướng người ta về sứ mệnh dích thực của Ngài là cứu độ muôn dân. Ngài đến để giải thoát nhân loại khỏi đau khổ và tối tăm của sự dữ. Như thế, tin vào Ðức Giêsu, con người mới được ánh sáng, được giải phóng và được tự do làm con Thiên Chúa.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa thi ân cho chúng con rất nhiều, nhưng chúng con được bao nhiêu còn tùy theo chúng con biết đón nhận và tin vào tình thương của Chúa. Cuộc sống của chúng con sẽ ở mãi trong tình trạng mù tối và bất hạnh, nếu chúng con không tin vào Chúa, không cậy dựa vào Chúa. Xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa, để Chúa cho chúng con ánh sáng mà nhận ra ý nghĩa và gia tị đích thực của đời mình. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Ðến với Chúa
(Mc 10, 46-52)
Suy Niệm:
Ðến với Chúa
Trước cửa Thiên Ðàng, một tu sĩ gõ cửa và cầu khẩn: "Lạy Chúa, xin cho con được vào". Cánh cửa vẫn đóng kín, nhưng có tiếng hỏi: "Con có mang theo điều gì không?". Vị tu sĩ đáp: "Con mang theo một bị chứa đầy những nhân đức của con". Có tiếng vọng lại: "Ðiều ấy tốt, nhưng Ta không thể mở cửa cho con vào".
Vị tu sĩ ra đi, nhưng buổi chiều ông lại đến gõ cửa để xin được vào. Lần này, khi được hỏi có đem theo điều gì không?, ông cho biết có đem theo công nghiệp của việc suy niệm và cầu nguyện lâu giờ. Tuy nhiên, ông vẫn chỉ nhận được lời này: "Thật là tốt, nhưng Ta vẫn không thể mở cửa cho con vào".
Vị tu sĩ lại ra đi, đến tối, ông trở lại. Lần này, ông chỉ đến với con người của ông mà thôi. Nhưng tức khắc cánh cửa mở rộng để cho ông bước vào.
Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta về thái độ tinh thần cần phải có để đến với Chúa, đó là đến với Chúa bằng chính thực tế con người mình; bằng tâm tình tin tưởng và cậy trông vào lòng nhân từ của Chúa, hơn là dựa vào sức riêng của mình. Ðó cũng là thái độ chúng ta có thể thấy được nơi anh mù gần thành Yêricô mà Tin Mừng hôm nay ghi lại.
Anh mù đến với Chúa bằng chính thực tại đau thương của mình và trông cậy vào tình thương của Chúa: "Lạy con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi". Ðây là lời cầu xin của một tâm hồn khiêm tốn và tin tưởng, như Chúa Giêsu đã ghi nhận sau khi chữa lành anh: "Lòng tin của anh đã cứu chữa anh". Ðức tin nơi anh mù đã giúp anh vượt qua thử thách, người ta càng ngăn cản anh, anh càng kêu to hơn cho đến khi được Chúa nghe thấy và cho gọi anh lại.
Liệu chúng ta có đủ khiêm tốn, kiên trì chờ đợi gặp Chúa không? Chúng ta có ý thức mình cần đến ơn Chúa, cần đến tình yêu và sự tha thứ của Chúa không? Như anh mù, chúng ta hãy thưa: "Lạy Chúa, xin thương xót con". Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhìn thấy những kỳ công Chúa đã và đang thực hiện trong lịch sử nhân loại và trong chính đời sống chúng ta, để chúng ta trở thành bài ca tôn vinh Chúa luôn mãi.
(Veritas Asia)


 Sứ điệp: Khi chữa lành anh mù Bac-ti-mê, không những Chúa Giêsu cho anh được sáng mắt, mà còn cho anh được sáng tâm hồn. Đó là anh tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mù bao giờ cũng đáng buồn. Thân xác mù thì chỉ thiệt hại cho bản thân mình, còn tâm hồn mù thì thiệt hại cho cả xã hội. Xã hội hôm nay đang nỗ lực mang ánh sáng đến cho người mù. Đó là điều cần thiết vì mang lại hạnh phúc cho người tàn tật. Nhưng điều cần thiết hơn là giúp con người tìm thấy ánh sáng cho cuộc đời. Lạy Chúa, ngày nay xã hội đang nỗ lực thực hiện công việc từ thiện là chữa mắt miễn phí cho những người mù lòa. Đó là việc cụ thể của tình người. Từ đó, xin cho con biết trao tặng ánh sáng Lời Chúa cho các tâm hồn khi chính mình đi trong ánh sáng của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết học thái độ của anh mù Bac-ti-mê. Đó là biết rằng mình đang mù. Đó là tin rằng: chỉ một mình Chúa mới có thể chữa lành. Xin cho con can đảm vượt qua mọi chướng ngại, sẵn sàng từ bỏ mọi quyến luyến ràng buộc, sẵn sàng từ bỏ mọi tính hư tật xấu, như anh mù can đảm vất bỏ cả áo khoác, để đến với Chúa. Lạy Chúa, xin thương xót con.
Lạy Chúa Giêsu, biết bao kẻ gặp Chúa nhưng không biết Chúa. Trong khi đó, anh mù đã nhận ra Chúa là Đấng cứu độ duy nhất và tin tưởng nơi Chúa. Xin cho con biết đến với Chúa mỗi ngày, để đón nhận hồng ân cao cả, là nhận biết Chúa là Đấng Toàn Năng, và con là người mang thân phận yếu hèn cần được cứu giúp. Xin Chúa chữa lành con và giúp con đi theo Chúa tiến về Giêrusalem với nhiều hứa hẹn đau khổ và vinh quang. Lạy Chúa, xin thương xót con. Amen.
Ghi nhớ : "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".



Ngày 31 tháng 5
Đức MARIA thăm viếng bà Ê-li-sa-bét.
Lễ kính


Bài đọc 1 : Trích sách Xô-phô-ni-a (3,14-18a)
Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa.
14 Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on,
     Hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi !
     Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.
15 Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại,
     Thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.
     Đức Vua của Í-ra-en đang ngự giữa ngươi,
     Chính là Đức Chúa.
     Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.
16 Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem :
     “Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.”
17 Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi
     Đang ngự giữa ngươi,
     Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng.
     Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỉ,
     Sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.
     Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng
18a như trong ngày lễ hội.

Hoặc : trích thư Rô-ma (12,9-16b)
Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh, đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đến nhà.

            9 Thưa anh em, lòng bác ái không được giả hình, giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; 10 thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; 11 nhiệt thành, không trễ nãi; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. 12 Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. 13 Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.
            14 Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa : 15 vui với người vui, khóc với người khóc. 16b Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn.

Tin mừng theo thánh Lu-ca (1,39-56)
Bởi đâu tôi dược Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?

            39 Khi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thfnh thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà Ông Dacaria và chào bà Elisabet. 41 Bà Elisabet vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Elisabet kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đức con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
            46 Bấy giờ bà Maria nói :
                 “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
            47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
                 Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
            48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
                 Người đoái thương nhìn tới ;
                 Từ nay, hết mọi đời
                 Sẽ khen tôi diễm phúc.
            49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
                 Biết bao điều cao cả,
                 Danh Người thật chí thánh chí tôn !
            50 Đời nọ tới đời kia,
                 Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
            51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
                 Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
            52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
                 Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
            53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầu dư,
                 Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
            54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
            55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
                 Vì Người nhớ lại lòng thương xót
                 Dành cho tổ phụ Apraham
                 Và cho con cháu đến muôn đời.”
           
            56 Bà Maria ở lại với bà Elisabet độ ba thánh, rồi trở về nhà.

(bản văn theo nhóm CGKPV)
Đức Mẹ Đi Thăm Bà Isave


Ngay sau biến cố truyền tin, Đức Maria đã vội vã lên đường đi thăm chị họ mình là Elisabeth sắp tới ngày sinh. Thoạt khi nghe lời Maria chào, người con trong lòng bà đã nhảy mừng. Được Chúa Thánh Thần linh ứng, bà đã thốt lên: "Bởi đâu tôi được diễm phúc Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi... và phúc cho em vì em đã tin và lời Chúa phán truyền cho em sẽ được ứng nghiệm".
Trong lần gặp gỡ này, Đức Trinh Nữ tràn ngập nỗi hân hoan, đã đáp lời bằng ca khúc Magnificat, bài ca biểu lộ lòng biết ơn và tình yêu đối với Thiên Chúa, bài ca Người đã thầm hát trong lòng ngay từ giây phút thiên sứ báo tin.
Giáo Hội đã đặt ngày lễ hôm nay để kính nhớ cuộc hội ngộ đầu tiên của Đấng Cứu Thế và vị Tiền Hô của ngài. Lễ này đã được thánh Bonaventura cổ vũ bên Tây phương, và đến năm 1389 được phổ biến trong toàn thể Giáo Hội.
Chúng ta hãy xin Đức Mẹ ban cho chúng ta được tâm tình bác ái như ngài đã có trong cuộc viếng thăm và giúp đỡ bà Elisabeth.

Lòng Tốt Của Mẹ
 Dạy Con Muốn Tiếp Tục Sống

George Washington, một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con chí hiếu đối với mẹ mình.
Sau những trận chiến cam go nhất, giữa những công việc nặng nề của một nguyên thủ quốc gia, ông thường về nhà thăm viếng và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già.
Một hôm, ngạc nhiên về sự gắn bó của ông đối với mình, mẹ đã đặt câu hỏi như sau: "Tại sao con lại chịu khó mất hằng giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?".
Vị tổng thống của nước Mỹ đã trả lời như sau: "Thưa mẹ, ngồi bên cạnh mẹ để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng tốt của mẹ dạy con còn muốn tiếp tục sống".
Hôm đó, Giáo Hội mừng lễ Mẹ đi viếng bà thánh Ysave. Giáo Hội đặt lễ này vào cuối tháng năm như cao điểm của tháng hoa.
Sự vội vã lên đường của Mẹ Maria để đi thăm người chị họ cưu mang trong lúc tuổi già là biến cố khai mạc sứ mệnh của Mẹ: đó là sứ mệnh của một người Mẹ luôn có mặt để phù trợ con người. Sự hiện diện ấy đã củng cố niềm tin của bà Ysave. Sự hiện diện ấy đã đem lại niềm an ủi vô bờ cho Gioan Tẩy giả.
Bên cạnh Chúa Giêsu, từ việc cưới Cana cho đến dưới chân thập giá, và những ngày đầu của Giáo Hội, Mẹ luôn có mặt để nâng đỡ, để ủi an, để củng cố niềm tin của mọi người.
Một cách âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, ngày nay lúc nào Mẹ cũng có mặt trong Giáo Hội và trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta.
Tưởng niệm biến cố Mẹ lên đường đến viếng thăm bà Ysave trong ngày cuối tháng hoa này, mỗi người Kitô chúng ta được mời gọi để tin tưởng hơn bao giờ hết sự hiện diện đầy ưu ái của Mẹ có sức mang lại cho chúng ta niềm vui, sự can đảm để tiếp tục dấn bước trong cuộc lữ hành trần gian này.
Những lúc mệt mỏi trong cuộc sống, những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết nương tựa vào ai, chúng ta hãy chạy đến với mẹ. Một vài Kinh Kính Mừng mà chúng ta có thể chỉ đọc một cách máy móc, đó chính là những giây phút chúng ta đến ngồi bên Mẹ. Ðó không là những phút giây vô ích, trái lại sự thanh thản của Mẹ, lòng quảng đại của Mẹ sẽ là nguồn nâng đỡ chúng ta.


(Veritas Asia)

Maria ở lại độ ba tháng

Suy nim:
Từ Nadarét, Chị Maria đã phải đi 160 cây số để đến nhà ông bà Dacaria. 
Ngày nay, người ta cho rằng nhà của ông bà tư tế này là ở En Kerem, 
một ngôi làng nằm trên đồi, vây bọc bởi những cây ô liu và vườn nho, 
cách Giêrusalem 6 cây số về hướng tây. 
Cuộc hành trình vất vả, dài như cuộc hành hương lên Đền Thánh. 
Chị Maria không đi một mình, chắc Chị đi với một người bà con. 
Hơn nữa, chị đi với Giêsu đang lớn lên trong lòng Chị. 
Khi nghe sứ thần nói bà chị họ Êlisabeth già nua đang mang thai, 
Maria thấy mình có bổn phận phải vội vã lên đường. 
Chị muốn đem đến cho bà Êlisabeth sự hiện diện của Chị.
Một sự hiện diện khiêm tốn và lịch sự. 
Chị đã mở lời chào khi vừa bước vào nhà ông bà tư tế Dacaria. 
Chúng ta không rõ Maria đã chào như thế nào, 
nhưng lời chào của Chị đã làm bật dậy nơi bà Êlisabeth 
một chuỗi những âm vang mạnh mẽ và bất ngờ. 
Tai vừa nghe lời chào của cô em Maria, 
Êlisabeth thấy thai nhi trong lòng mình nhảy lên vì vui sướng (cc. 41, 44). 
Lập tức bà được đầy tràn Thánh Thần. 
Thánh Thần đã khiến bà nhận ra những mầu nhiệm lớn lao 
đang diễn ra trong cuộc hạnh ngộ ở đây, vào giây phút này. 
Êlisabeth lớn tiếng ca ngợi Maria là người phụ nữ diễm phúc nhất. 
Maria có phúc vì được chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu độ (c. 42), 
và vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với mình (c. 45). 
Ngỡ ngàng và ngây ngất trong hạnh phúc, Êlisabeth kêu lên : 
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa của tôi đến với tôi thế này?” (c. 43). 
Như thế mầu nhiệm ẩn kín nơi Chị Maria, bà Êlisabeth đã biết. 
Ngược lại, khi thấy bà chị họ của mình mang thai, 
Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần đã nói với mình.
Một sự hiện diện mang tính phục vụ. 
Maria đã ở với bà Êlisabeth độ ba tháng để giúp bà trong lúc sinh nở. 
Tất cả những việc trong nhà, hẳn chị Maria đã tận tâm chu tất. 
Khi Chị nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38), 
khi bà Êlisabeth gọi Chị là Mẹ của Chúa tôi (c. 43), 
thì Chị lại trở nên nữ tỳ phục vụ bà chị họ cao niên. 
Sự hiện diện của Chị đem lại cho cả nhà niềm vui và hạnh phúc. 
Giêsu vẫn lớn lên từng ngày trong Chị, và Chị cảm nhận điều đó. 
Lời ca Magnificat chẳng phải chỉ được cất lên một lần. 
Lời ngợi khen ấy thấm nhuần cuộc sống của Chị. 
Mãi mãi Chị là nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa cúi xuống (c. 48). 
Và Chị biết mình cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân.
Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta hằng ngày đều có tính linh thánh. 
Trong niềm vui của Thánh Thần, ta vừa cho đi, vừa nhận lãnh, 
vừa ngợi khen Chúa, vừa phục vụ con người. 
Ước gì chúng ta thấy mình lớn lên nhờ dám mở ra để gặp gỡ.
Cầu nguyn:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Đức Maria thăm viếng bà Êlisabét
Thánh Luca chỉ tường thuật biến cố xảy ra bên ngoài thôi, nhưng ta cần phải chiêm ngắm đức bác ái của thiếu nữ Ma-ri-a 16 tuổi đã hăng hái lên đường đến chào mừng và giúp đỡ bà chị già 60 tuổi mới được làm mẹ. Suốt dọc đường ba ngày trên lưng lừa từ Nadaret đến Aim-Karen, Ma-ri-a con người giản dị duyên dáng cất tiếng hát bài ca Manhiphicat (Magnificat) của bà Anna, mẹ ngôn sứ Samuel, làm bài ca của mình, qua tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa đã để lại một mầu nhiệm nói lên hành động của Thiên Chúa gắn liền với đức tin của chúng ta, dẫn chúng ta vào ơn cứu độ. Cần thiết chúng ta phải đặt mình vào địa vị của bà Êlisabét để Đức Ma-ri-a đến thăm hỏi chúng ta. Điều đó khó khăn lắm không? Ngài tốt đến độ đến thăm ai chẳng sợ lặp lại câu: “Cầu cho chúng con là kẻ có tội!”
Nơi nhiều người chỉ thấy thoáng qua, thấy rung động chút ít trước sự kiện siêu nhiên; không được thường xuyên trong sáng; đôi khi bác ái, thương cảm. Nhưng chưa đủ. Một tâm hồn chân thành với mình và với người khác phải được mở ra trước ơn Thiên Chúa, ta thấy rõ điều đó nơi Thánh Phaolô. Khi còn là kẻ bách hại, ông đã hoạt động chân thành đến điên cuồng. Khi trở lại, ông càng thầm tín mạnh mẽ hơn nữa để hoạt động cho Chúa và cho dân được tuyển chọn, ông đã dương cao chính nghĩa của người Nadaret. Trước một tâm hồn chân thành, dù là thứ chân thành xấu, Thiên Chúa không thể từ bỏ. Thiên Chúa bắt đầu cảm hóa họ. Đức Ma-ri-a cũng tham gia can thiệp. Mẹ đến đóng ấn trên những công trình Thiên Chúa và giúp những công trinh đó phát triển. Điều đó rất cần... Chúng ta cần suy nghĩ để thấy rằng tất cả chúng ta một phần nào giống như bà già Êlisabét, đầy thiện chí, đầy ham muốn tốt, nhưng lại cằn cõi và lo sợ...
Ước chi Đức Ma-ri-a đến can thiệp cho, ước chi cuộc thăm viếng của Mẹ tăng cường cho những cố gắng của chúng ta, biết chạy đến xin mẹ cứu giúp! Người ta nói Mẹ là tình yêu tuyệt diệu. Con tim con sẽ luôn luôn kêu khấn Ma-ri-a như mẹ của mọi thiện chí...
Vậy chúng ta với tất cả niềm tin mời Mẹ đến vì hy vọng rằng Mẹ làm cho đời sống đức tin của chúng ta sinh hoa trái. Chúng ta tuyên xưng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, không phải là một Thiên Chúa xa xôi, bắt chúng ta mang gánh nặng giơí răn, nhưng là Thiên Chúa rất nhỏ bé đang chờ đợi giúp làm cho đức thành tín lớn lên trong chúng ta. Đức Ma-ri-a cũng mang đến cho chúng ta một kho tàng là nhận biết Đức Giê-su là Chúa. Mong chúng ta mở lòng ra đón nhận và đừng bao giờ từ chối cuộc thăm viếng của Mẹ Ma-ri-a. Đừng bao giờ!.
L.P

31/05/12 THỨ NĂM TUẦN 8 TN
Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave
Lc 1,39-56

CẢ HAI ĐỀU CÓ PHÚC

Bà Maria lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Gia-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét… Bà Maria ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà. (Lc 1,39-40.56)

Suy niệm: Cả bà Êlisabét và Đức Maria đều được Thiên Chúa chúc phúc, được mời tham gia vào chương trình cứu độ của Ngài:
- Êlisabét cưu mang và sinh ra Gioan, là vị Tiền hô của Đấng Cứu Thế.
- Maria, cưu mang sinh hạ Đấng Cứu Thế cứu chuộc loài người.
Với lời “Xin Vâng”, Maria không quản ngại đường sá xa xôi, đến với người chị họ để giúp đỡ, chăm sóc trong thời gian sắp sinh nở. Sự hiện diện của Mẹ và Đấng Mẹ cưu mang là Giêsu đã làm cho Êlisabét và thai nhi trong lòng đầy sự vui mừng.

Mời Bạn: Bạn có thể đóng vai trò của Êlisabét bằng đời sống chứng tá để loan báo về hồng ân Thiên Chúa ban cho bạn, cho chính những người mà bạn đang tiếp xúc.
Và bạn cũng có thể đóng vai trò của Mẹ Maria, sẵn sàng vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh: bác ái bằng việc phục vụ cụ thể cho chính những người thân.

Chia sẻ: Bạn có thể đem tinh thần của cuộc thăm viếng này vào các mối quan hệ giao tiếp của bạn không?

Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc bác ái để đem niềm vui của Chúa cho một người nào đó mà trong công việc hằng ngày bạn vẫn thường xuyên gặp gỡ.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, nhờ sức mạnh của tình yêu Giêsu, Mẹ không quản ngại đường xá xa xôi, đến giúp đỡ người chị họ. Xin Mẹ dạy con biết quan tâm đến người khác và sẵn sàng đem Chúa đến cho mọi người, dầu có đòi hỏi con phải hy sinh nhiều.

Thứ 5 sau CN VIII TN: Lễ Mẹ đi thăm viếng

THỨ BA, 29 THÁNG 5 2012 10:55

Chúa hạ bệ người quyền thế và nâng cao kẻ khiêm nhường.
Bài đọc: Xp 3:14-18a (Rm 12:9-16); Lc 1:39-56.

Luôn luôn có một sự tương phản giữa con người và Thiên Chúa: Con người yêu thích quyền cao, chức trọng; Thiên Chúa yêu mến kẻ hèn kém, khiêm nhường. Con người thích được mọi người phục vụ; Thiên Chúa yêu mến kẻ phục vụ mọi người. Con người trốn tránh đau khổ; Thiên Chúa yêu mến những người đau khổ... Một cách cụ thể, Thiên Chúa chọn cha sở xứ Ars, một người ít học, quê mùa làm quan thầy hàng giáo sĩ; Ngài chọn Mẹ Têrêxa phục vụ kẻ nghèo để đưa bao nhiêu người vào Giáo Hội. Ngài chọn một y tá Martinô để chữa bệnh biết bao người, ngay cả tại Việt Nam.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật công trình kỳ diệu của Thiên Chúa nơi những người vâng phục nghèo hèn. Trong bài đọc I, ngôn sứ Sophonia tiên báo Chúa sẽ đưa con cái IsraelJudah còn lại từ khắp nơi trở về để xây dựng lại quê hương và Đền Thờ trong vui mừng, giữa lúc không còn tia hy vọng nào nữa. Trong Phúc Âm, bà Elisabeth nhận ra ngay lý do Maria được tôn phong làm Mẹ Thiên Chúa vì Maria tin những gì Chúa phán sẽ được thực hiện. Mẹ Maria cũng nhận ra quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ, một thôn nữ nghèo hèn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.

1.1/ Bất tuân lệnh Thiên Chúa là lý do của hai cuộc lưu đày: Hai lý do khơi dậy sự tức giận của Thiên Chúa khiến Ngài để mặc dân Do-thái cho kẻ thù phương Bắc Assyria và Babylon giày xéo và mang đi lưu đày:
(1) Rời bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang: Khi con người trở nên giàu có, họ có khuynh hướng xa lìa Thiên Chúa như câu tục ngữ Việt Nam “no cơm rửng mỡ.” Đọc các Sách Ngôn Sứ, chúng ta thấy Thiên Chúa không ngừng gởi các ngôn sứ tới để kêu gọi dân ăn năn trở lại; nhưng họ đã không thèm nghe, lại còn bắt bớ, xỉ nhục và bỏ tù nữa.

(2) Sống bất công với người nghèo khổ: Lý do chính con người trở nên giàu có không phải vì chăm chỉ làm ăn, mà là đối xử bất công với người nghèo khổ. Những kẻ quyền thế lợi dụng quyền hành để chiếm đất đai của dân nghèo hay trả lương không đủ để họ có thể sống. Khi tiếng dân nghèo kêu kên Thiên Chúa, Ngài sẽ lắng nghe họ.

1.2/ Tin tưởng nơi tình thương Thiên Chúa: Thiên Chúa phải ra tay sửa phạt dân không phải vì Ngài ghét bỏ họ; nhưng để họ nhận ra những lỗi lầm mà ăn năn trở lại. Trong khi dân chúng phải sống cực khổ nơi lưu đày, Thiên Chúa vẫn không ngừng gởi các ngôn sứ tới để cung cấp niềm hy vọng cho dân: Nếu họ biết ăn năn trở lại, Ngài sẽ ra tay cứu thoát họ.
Tiên tri Sophonia là một trong các tiên tri sống trong nơi lưu đày với dân. Sứ điệp của tiên tri gởi đến cho dân là “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!
Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.”
Nhiều người sẽ nản lòng và không tin, nếu họ nghĩ xưa kia còn vua và binh lính mà còn chưa giữ được quốc gia; phương chi bây giờ phải chịu khốn khổ nơi lưu đày, lấy binh lính và khí giói đâu mà chống lại quân thù? Những người hiểu như thế là chưa biết uy quyền và sự quan phòng của Thiên Chúa. Lịch sử chứng minh Thiên Chúa đưa dân về mà không cần đến lực lượng quân sự. Ngài thay dạ đổi lòng vua Dân Ngoại Persia để vua này không những ra chiếu chỉ cho dân hồi hương mà còn cấp tiền của để dân kiến thiết lại xứ sở và Đền Thờ.
2/ Phúc Âm: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?

2.1/ Elisabeth nhận ra chức vụ “Mẹ Thiên Chúa” của Maria: Có hai điều kỳ lạ xảy ra cho Elisabeth trong cuộc gặp gỡ này.
+ Điều lạ thứ nhất: Maria chưa hề hé môi nói cho Elisabeth biết những gì Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi mình; nhưng chỉ cần sự hiện diện của Maria, Elisabeth đã biết tất cả. Bà biết là do sự hiện diện của Thánh Thần bao trùm cả hai mẹ con như lời bà thú nhận: “vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên vui sướng, và bà được đầy tràn Thánh Thần.” Ngài là Thần Chân Lý, vì thế, không lạ gì Elisabeth biết: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.”
+ Điều lạ thứ hai: Elisabeth biết rõ Maria được Thiên Chúa tôn phong là thân mẫu của Chúa Giêsu vì Maria “tin Lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện.”

2.2/ Maria nhận ra ý thích và quyền năng thực hiện của Thiên Chúa.

Nhiều học giả cho bài ngợi ca “Magnigicat” không phải của thánh sử Lucas, cũng không phải của Maria; nhưng đã có trong truyền thống và được đặt vào đây để nói lên tâm trạng biết ơn của Maria dành cho Thiên Chúa. Điều này cũng dễ hiểu, vì các tín hữu thường thuộc lòng những bài ca quen thuộc và hát lên để tạ ơn Thiên Chúa khi cơ hội tới như bài “Tán tụng hồng ân” mà nhiều người chúng ta hát trong các dịp để tạ ơn. Tuy nhiên, chúng ta đừng đánh giá thấp sự linh hứng của Thánh Thần trong Mẹ Maria, Ngài có thể giúp Mẹ làm chuyện này.
Hai điều quan trọng chúng ta học được trong bài “Ngợi Ca” hôm nay:
(1) Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường và ghét người kiêu căng: Trước tiên, Mẹ nhận ra những điều Chúa làm cho Mẹ là hoàn toàn do ý định và uy quyền của Ngài. Mẹ chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn, không đáng nhận những ơn lành này. Mẹ ngợi ca tình yêu của Thiên Chúa và ước mong cho mọi người biết những việc Ngài làm.
Tại sao Thiên Chúa không thích người kiêu căng? Thứ nhất, người kiêu căng ăn cắp công ơn của Thiên Chúa đã làm cho họ. Hiểu cho tới ngọn nguồn, chẳng có sự gì con người có được mà không đến từ Thiên Chúa: quyền thế, danh vọng, của cải, tài năng, thời gian... Thứ hai, kiêu căng làm con người kiêu căng nghĩ mình không cần Thiên Chúa. Nếu họ nghĩ mình có thể làm mọi sự, họ sẽ không cần chạy đến với Ngài. Sau cùng, kiêu căng làm con người khinh thường tha nhân, vì không được như họ.
(2) Chúa trông đến kẻ khó nghèo: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” Đây cũng là phúc đầu tiên trong Bát Phúc. Khó nghèo không chỉ hiểu là nghèo khó về phương diện vật chất, nhưng giầu có khó vào Nước Trời vì nó làm cho con người xa Thiên Chúa, như trường hợp của chàng thanh niên giàu có. Nghèo khó hiểu cho đúng phải bao gồm mọi khía cạnh của đời sống. Con người phải ý thức mình cần Thiên Chúa trong mọi sự và không thể sống thiếu ơn lành của Thiên Chúa: sự hiện hữu, tình yêu, sự thật, ơn thánh...

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải tin tưởng và tuân giữ những gì Thiên Chúa truyền nếu muốn được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành. Cãi lệnh Thiên Chúa chỉ chuốc lấy thiệt hại vào thân.
- Làm theo thánh ý Thiên Chúa là điều kiện để được Ngài chúc phúc. Chúng ta đừng kiêu căng đánh cắp công ơn của Ngài đã đổ xuống trên chúng ta.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP


Sứ điệp: Việc Đức Maria thăm viếng gia đình ông Gia-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét vừa có tính cách bác ái vừa là truyền giáo. Truyền giáo là cùng với Chúa Giêsu đến chia sẻ niềm vui nỗi buồn của kẻ khác và phục vụ họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã đem Chúa đến gia đình ông Gia-ca-ri-a. Cuộc thăm viếng này không những đem lại niềm vui, mà còn đem ân sủng của Chúa xuống trên gia đình người chị họ neo đơn, nhờ đó mà Thánh Gioan Tiền Hô được tẩy sạch tội lỗi, nhảy mừng trong lòng bà Ê-li-sa-bét.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng con rất thường gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Bạn bè tri kỷ thỉnh thoảng tâm sự với nhau, bên ly cà phê nóng, bên ly rượu lai rai..., rồi những dịp ma chay cưới hỏi trong xóm trong làng. Thế nhưng con tự hỏi: những khi gặp gỡ kẻ khác, không biết con đã thực sự đem lại niềm vui và ơn thánh của Chúa cho kẻ khác chưa. Con chỉ có thể đem Chúa đến cho kẻ khác khi con có Chúa ở trong mình theo cung cách của Đức Mẹ. Chúa ở trong cung lòng của Đức Mẹ vừa là Thiên Chúa quyền năng, vừa là người con rất thân thiết. Lạy Chúa, khi rước Chúa mỗi ngày, con có Chúa ở trong tâm hồn con. Xin Chúa cho con đón nhận Chúa với tất cả tấm lòng. Đối với con, không những Chúa là Thiên Chúa của con mà còn là Đấng thân yêu nhất, là Đấng mà con có thể hiến dâng cả cuộc sống, có thể hy sinh từ bỏ tất cả những gì ngăn cản con sống với Chúa. Xin Chúa sống trong con như  Đấng con quý mến nhất, yêu thương nhất.
Con tin rằng khi đó con có thể đem Chúa đến với người mà con gặp gỡ, để chính họ cũng đón nhận được chính Chúa. Xin Chúa dạy con đem Chúa đến với kẻ khác bằng thái độ yêu thương, phục vụ, chân thành và khiêm hạ giúp đỡ tha nhân. Amen.
Ghi nhớ : "Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?"

Lời Chúa Trong Gia Đình
ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABÉT; Xp 3, 14-18A; Lc: 1, 39-56
LỜI SUY NIỆM:  “Đời nọ đến đời kia. Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa đưa tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1,50-52).
          Đức Mẹ chúc tụng Thiên Chúa; đồng thời Đức Mẹ cũng cho chúng ta thấy Thiên Chúa đối xử với con người trong yêu thương như thế nào. Chúa thương xót đến những kẻ Kính sợ Người và Người sẽ nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Chính những con người ở trong vị thế này, họ hoàn toàn tin cậy và tín thác đời sống của họ trong tay quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa. Còn những ai họ đang có quyền thế, họ sẽ trở nên kiêu căng, tự mãn về mình và tự cho mình độc lập mọi sự với Thiên Chúa và với tha nhân.
          Mỗi người Ki-tô hữu hãy nhìn lại mình, chúng ta đang là hạng người nào trước Thiên Chúa tình yêu: Là những kẻ kính sợ Thiên Chúa và sống khiêm nhường để được Thiên Chúa chúc lành và nâng cao lên với Ngài. Hay là những kẻ đang có quyền thế, đàn áp và bóc lột sống với lòng trí kiêu căng, thì sẽ bị Thiên Chúa chúc dữ, Ngài sẽ hạ bệ và dẹp tan.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân

Ngày 31-05:
ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG BÀ THÁNH ISAVE
Mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng Bà thánh Isave đã được Đông phương mừng kính từ lâu đời trước. Bên Tây phương lần đầu thấy nghi lễ này trong qui chế của nhà thờ Mans năm 1247. Các tu sĩ dòng Phanxicô bắt đầu mừng lễ từ năm 1263. Khi Giáo hội bên Tây phương bị phân rẽ trầm trọng và bị thử thách nặng nề, ý tưởng của Đức giáo hoàng hướng về Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đến thăm viếng và mang lại cho gia đình Giacaria bao nhiêu là niềm an ủi, Giáo hội cũng đang cần đến sự an bình hiệp nhất và sức mạnh. Cảm biết nhu cầu của Giáo hội và tin tưởng vào Đức Maria.
Ngày 06 tháng 4 năm 1389, Đức Urbariô VI đã ra một sắc lệnh. Và ngày 09 tháng năm ấy, Đức Bônifaciô XI ban bố việc mừng lễ Đức Mẹ đi thăm viếng. Việc thiết lập mừng lễ phát xuất từ cuộc phân rẽ, đã được hội đồng Bale xác quyết để kỷ niệm việc Giáo hội được bình an trở lại. Đức Piô IX đã nâng lên bậc kễ kính ngày 31 tháng 5 năm 1850, để kỷ niệm việc giải phóng thành Roma Gaete trở về của Ngài. Biến cố này đã xảy ra năm trước, trùng vào đúng ngày lễ Đức Mẹ đi thăm viếng.
Mừng kính mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave Đức Phaolô VI viết: "Lễ thăm viếng nhắc lại sự kiện Maria cưu mang Chúa Con đến thăm và giúp đỡ bà Isave, đồng thời công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa Cứu chuộc" (Marilis Cultus số 7).
Sự kiện Đức Mẹ đi thăm viếng bà thánh Isave đã khởi sự từ lời loan báo của sứ thần Gabriel ở trong buổi lễ truyền tin như để xác quyết về quyền năng của Thiên Chúa : "- Kìa Isave trong hàng thân thích của Người cũng đã mang thai trong lúc tuổi già, cái thai này đã sáu tháng, nơi một kẻ đã từng mang tiếng là son sẻ hiếm hoi" (Lc 1,36)
Với niềm vui riêng và nhất là sự thúc đẩy của đức bác ái, Maria đã lên đường thăm viếng người bà con may mắn của mình. Thánh kinh tiếp tục kể lại cuộc thăm viếng này: "Chỗi dậy. Maria đon đả đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Giudêa, bà vào nhà Giacaria và chào Isave. Và xảy ra là thoạt nghe lời Maria chào thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ".
Tiếp theo sau là những lời trao đổi giữa Đức Maria và bà thánh Isave. Bà được Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết ân huệ của cuộc viếng thăm này. Còn Đức Maria đã không tự kiêu vì đặc ân đã lãnh nhận, Mẹ khiêm tốn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa với lời kinh Magnificat.
Trong thông điệp về lòng tôn sùng rất thánh Nữ Maria, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã ghi rằng :
"Công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa cứu chuộc". Thực vậy, lời kinh Magnificat của Mẹ đã là một lời công bố tuyệt hảo những hồng ân của lòng nhân nhậu Chúa.
Nhưng riêng các diễn biến xảy ra việc này cũng cho thấy lòng nhân hậu của Chúa thế nào. Nghe lời Đức Maria chào, hài nhi trong lòng đã được ơn thánh hóa, được nâng lên hàng phẩm chức cao vượt các tiên tri do ơn được tiền dự vào công việc cứu chuộc. Con trẻ đã nhận biết Đấng đến thăm mình và bày tỏ bằng sự nhẩy mừng, tình yêu và niềm kính trọng đối với sự hiện diện của Thiên Chúa.
Ngoài ra Mẹ Maria đã được Chúa dùng làm dụng cụ chuyển thông ơn phúc của Thiên Chúa, như muốn chỉ cho chúng ta thấy rằng mẹ thực sự là máng thông chuyển ơn và chúng ta có thể tin tưởng chạy đến sự cầu bầu của Mẹ.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
Thứ Năm 31-5

Lễ Thăm Viếng


Ð
ây là một ngày lễ được thiết lập trễ, trong khoảng thế kỷ 13 hay 14. Ngày lễ này được thiết lập trong toàn Giáo Hội để cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Chỉ mới đây, ngày cử hành lễ được ấn định theo sau Lễ Truyền Tin vào tháng Ba và trước lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả vào tháng Sáu.
Cũng như mọi lễ khác về Ðức Maria, lễ này có liên hệ chặt chẽ với Ðức Giêsu và công trình cứu chuộc của Người. Các nhân vật chính trong cuộc thăm viếng (xem Luca 1:39-45) là Ðức Maria và bà Êlidabét. Tuy nhiên, tiềm ẩn ở đằng sau là Ðức Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Ðức Giêsu đã làm Gioan Tẩy Giả nhẩy lên vì vui mừng -- niềm vui cứu độ của Ðấng Thiên Sai. Ngược lại, bà Êlidabét được tràn đầy Chúa Thánh Thần và cất lời ca tụng Ðức Maria -- mà những lời này còn vang vọng qua các thế hệ.
Cần biết rằng chúng ta không có tài liệu tường thuật chi tiết về cuộc gặp gỡ này. Ðúng hơn, Thánh Luca, lên tiếng thay cho Giáo Hội, đã dùng một bài thơ có tính cách cầu nguyện để diễn tả lại biến cố này. Lời bà Êlidabét ca tụng Ðức Maria là "mẹ của Chúa tôi" có thể coi như sự sùng kính của Giáo Hội thời tiên khởi đối với Ðức Maria. Như tất cả sự sùng kính Ðức Maria đích thực, những lời đầu tiên của bà Êlidabét (cũng như của Giáo Hội) là ca tụng Thiên Chúa vì những gì Người đã thể hiện nơi Ðức Maria. Kế đến, bà mới ca tụng Ðức Maria vì đã tín thác vào công trình của Thiên Chúa. Sau đó là kinh Ngợi Khen. Ở đây, chính Ðức Maria (cũng như Giáo Hội) đã nhận biết sự cao trọng của mình là do Thiên Chúa.

Lời Bàn

Trong Kinh Cầu Ðức Bà, có lời xưng tụng Ðức Maria là "Hòm Bia Giao Ước." Như Hòm Bia Giao Ước thời xa xưa, Ðức Maria đã giúp Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của mọi người. Như Ðavít nhẩy múa trước Hòm Bia thì Gioan Tẩy Giả cũng nhẩy lên vì vui mừng. Như Hòm Bia giúp kết hợp 12 dòng họ Israel vì được đặt trong thủ phủ của Ðavít thì Ðức Maria cũng có sức mạnh kết hợp mọi Kitô Hữu trong Con của ngài. Hiện nay, việc sùng kính Ðức Maria đã có những chia cách, nhưng hy vọng rằng việc sùng kính đích thực sẽ dẫn đưa mọi người đến Ðức Kitô và từ đó đến với nhau.

Lời Trích

"Ðược thúc giục bởi lòng bác ái nên Ðức Maria đã đến nhà người bà con... Trong khi mọi lời của bà Êlidabét đều đầy ý nghĩa, lời sau cùng của bà dường như quan trọng hơn cả: 'Phúc cho ai tin rằng lời Chúa nói với họ sẽ được thể hiện' (Luca 1:45). Những lời này có thể liên hệ đến danh xưng 'đầy ơn phúc' mà thiên sứ đã chúc tụng. Cả hai đoạn này tiết lộ một nội dung căn bản về Thánh Mẫu Học, có thể nói là chân lý về Ðức Maria, là người đã trở nên thực sự hiện diện trong mầu nhiệm của Ðức Kitô chỉ vì ngài 'đã tin.' Ơn sủng đầy tràn mà thiên sứ loan báo có nghĩa là chính Thiên Chúa. Ðức tin của Ðức Maria, được bà Êlidabét xưng tụng trong cuộc thăm viếng, cho thấy Ðức Trinh Nữ Nagiarét đã đáp ứng thế nào với ơn sủng này" (Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, "Mẹ Ðấng Cứu Chuộc," 12).

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét