Thứ Ba sau Chúa Nhật 8 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 35, 1-15
"Chuyên giữ các điều răn là dâng của lễ hy tế cứu độ".
Trích sách Huấn Ca.
Ai tuân giữ lề luật, là dâng nhiều lễ vật. Chuyên giữ các điều răn và xa
lánh mọi điều gian ác, là dâng lễ hy tế cứu độ.
Hãy dâng của lễ xin ơn tha thứ cho những bất công, hãy cầu nguyện xin ơn
tha tội, và hãy xa lánh những điều gian tà.
Ai thực thi bác ái, là hiến dâng của lễ hoàn hảo; ai làm phúc bố thí, là
dâng của lễ hy tế.
Ðiều làm đẹp lòng Chúa là xa lánh gian ác. Lánh xa bất công là dâng của lễ
đền tội.
Ngươi đừng đến trước mặt Chúa với bàn tay không; vì tất cả những điều đó là
do mệnh lệnh của Thiên Chúa. Của lễ người công chính làm cho bàn thờ nên phong
phú, và hương thơm êm dịu của nó bay lên trước dung nhan Ðấng Tối Cao. Lễ vật
hiến tế của người công chính đã được chấp nhận, và Chúa sẽ không quên kẻ ấy.
Ngươi hãy tôn vinh Thiên Chúa với tâm hồn quảng đại, và đừng rút bớt lại của lễ
đầu mùa do công lao tay ngươi làm ra.
Mỗi lần ngươi dâng của lễ, nét mặt ngươi hãy vui tươi, và hãy hân hoan
thánh hiến một phần mười của ngươi dâng. Ngươi hãy dâng lên Ðấng Tối Cao tuỳ
theo như Người đã ban cho ngươi, và hãy dâng với tâm hồn quảng đại theo sự
ngươi đang có trong tay, vì Chúa là Ðấng thưởng công và sẽ trả lại cho ngươi gấp
bảy lần. Ngươi chớ dâng những lễ vật hèn kém, vì Người sẽ không nhận của lễ như
vậy đâu, ngươi cũng đừng trông gì nơi những của lễ bất chính, vì Chúa là Ðấng
xét xử, Người không thiên vị ai đâu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 49, 5-6. 7-8. 14 và 23
Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy
ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
Xướng: 1) "Hãy tập họp cho Ta các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta
cùng hy sinh lễ". Và trời cao sẽ loan truyền sự công chính của Người, vì
chính Thiên Chúa, Người là thẩm phán. - Ðáp.
2) Hỡi dân tộc của Ta, hãy nghe Ta nói, hỡi Israel, Ta sẽ chứng tỏ lời phản
đối ngươi: Ta là Thiên Chúa, Ðức Thiên Chúa của ngươi. Ta không khiển trách
ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta
luôn. - Ðáp.
3) Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Ðấng
Tối Cao. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta, ai đi đường ngay
thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ. - Ðáp.
* * *
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Pr 1, 10-16
"Các ngài tuyên báo các ân sủng dành cho anh em, vậy anh em hãy ăn ở
tiết độ và hoàn toàn hy vọng".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, chính ơn cứu rỗi này mà các tiên tri đã nghiên cứu và tìm
hiểu, khi các ngài tiên báo về ân sủng dành cho anh em: các ngài đã tìm xem coi
trong thời gian nào hoặc hoàn cảnh nào, Thần Trí của Ðức Kitô chỉ cho các ngài
biết: phải tiên báo những khổ nạn và những vinh quang kế tiếp dành cho Ðức
Kitô. Các ngài được mạc khải cho biết rằng các ngài không phải phục vụ chính
mình, mà là cho anh em trong những gì đã được loan truyền cho anh em hiện nay,
do những kẻ rao giảng Tin Mừng với sự trợ giúp của Thánh Thần từ trời được sai
xuống, Ðấng mà các thiên thần cũng ước ao nghiêng mình chiêm bái.
Vì thế, lòng trí anh em hãy tỉnh thức, hãy sống tiết độ, và hoàn toàn hy vọng
vào ân sủng sẽ ban cho anh em, trong sự mạc khải Ðức Giêsu Kitô. Anh em hãy sống
như những người con biết vâng phục, đừng chạy theo những đam mê lúc trước là thời
kỳ anh em còn mê muội; một hãy noi gương Ðấng Thánh đã kêu gọi anh em; và chính
anh em hãy ăn ở thánh thiện trong đời sống, Vì có lời Kinh Thánh chép:
"Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3c-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người
(c. 2a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều
huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay
thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức
công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà
Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.
* * *
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của
Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 28-31
"Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời
sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa
Giêsu rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?" Chúa Giêsu trả
lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha
mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp
trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng
với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất
sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ai theo Ðức Giêsu, thì trở
nên giống như Ngài. Ðức Giêsu đã từ bỏ vinh quang, địa vị Thiên Chúa và mang
thân phận một con người nghèo hèn không có của cải giàu sang và cuối cùng mất cả
mạng sống. Là môn đệ của Ngài, chúng ta cũng phải chấp nhận từ bỏ tất cả những
gì mình có, chúng ta cũng phải chấp nhận chịu ngược đãi như Chúa. Nhưng Chúa đã
hứa ban cho ta phần thưởng cao quí là sự sống đời đời.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con ai
cũng khao khát được hạnh phúc. Nhưng đâu là hạnh phúc đích thực? Chúng con thường
lầm tưởng hạnh phúc của chúng con dựa trên sự giàu sang, địa vị, quyền quí...
Chúng con thường dừng lại và muốn độc quyền chiếm hữu, hưởng dùng. Xin cho
chúng con biết ý thức đó là những hồng ân Chúa ban. Chúng con đã đón nhận ân huệ
cách nhưng không, thì chúng con cũng phải chia sẻ quảng đại với tha nhân. Chỉ
trong tình vị tha, chúng con mới đạt được hạnh phúc là sự sống đời đời. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Phần
thưởng gấp trăm
Suy Niệm: Phần thưởng gấp
trăm
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp liền những
lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về sự nguy hiểm của tiền của. Sau khi người
thanh niên rời lìa Chúa, vì anh ta không thể từ bỏ của cải, Chúa Giêsu đã nói:
"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên
Chúa". Ở đây rõ ràng Chúa Giêsu sử dụng kiểu nói khuyếch đại như người
Ðông phương thường dùng để kích thích sự chú ý. Hình ảnh con lạc đà chở nặng
trên mình cho thấy sự say mê dính bén tiền của là một ngăn trở không cho con
người trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
Trước sự sửng sốt của các môn đệ:
"Thế thì ai có thể được cứu?", Chúa Giêsu xác quyết rằng ơn cứu độ
hoàn toàn vượt quá những khả năng của loài người; đó là một ơn nhưng không của
Thiên Chúa, vì chỉ mình Ngài mới có thể cứu độ con người. Nhưng quan điểm này
còn khiến các môn đệ hoang mang hơn. Bằng chứng là phản ứng của Phêrô. Nhân
danh Nhóm Mười Hai, ông thắc mắc muốn biết sự dấn thân của các ông có được thưởng
gì không? Chẳng lẽ lòng quảng đại của các ông lại vô ích sao? Nếu những người
giàu có, mặc dù nhiều của cải không thể vào Nước Thiên Chúa đã đành, còn những
người đã từ bỏ những của cải hợp pháp nhất, liệu họ không có cơ may được vào đó
được sao?
Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa
Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Kiểu
nói "gấp trăm ở đời này" cần được hiểu theo nghĩa phẩm chất hơn là
theo nghĩa số lượng: từ bỏ cha mẹ không có nghĩa là để được một trăm cha mẹ
ngay ở đời này, nhưng là để được điều quý giá hơn cha mẹ, đó là cộng đoàn anh
em sống hiệp nhất với nhau trong đức tin. Trong câu trả lời của Chúa, cần lưu ý
một chi tiết, đó là ngoài những gì nhận được bây giờ, còn có sự bách hại nữa. Bị
bách hại, bị ngược đãi là vận mệnh của người môn đệ; bước theo Chúa là chấp nhận
phiêu lưu với Ngài trên con đường sống đức tin với những đau khổ, thử thách
không thể tránh được.
Nguyện xin Chúa ban sức mạnh tình
yêu để chúng ta sống trọn ơn gọi và chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
(Veritas Asia)
"Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp
trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu".
Phần thưởng gấp trăm
Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy
coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Đức Giêsu đáp: “Thầy
bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái, ruộng
đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà
cửa, anh em, chị em, mẹ con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và
sự sống đời đời ở đời sau.” (Mc. 10, 28-30)
Ai mà đã không có lần mơ tưởng đến
phần thưởng gấp trăm ấy được hứa cho những ai từ bỏ tất cả: ly kỳ nữa là được cả
một lô mẹ, anh em, chị em, nhà cửa… nhưng, ôi thôi!, lại cùng với sự ngược đãi
nữa chứ? Giống như việc mua bán ở chợ, còn gì hấp dẫn cho bằng “bán chạy như
tôm tươi”. Mơ ước hình như chưa bao giờ thực hiện được, ít ra là đối với những
ai đã chơi bài. Sẽ được thực hiện ở thế giới bên kia không? Chẳng ai đã khẳng định
điều đó bao giờ. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi họa hoằn mới có những người dám
đánh cuộc, một cái nắm trong tay còn hơn một trăm cái chưa có là vậy.
Hãy mở rộng nhãn giới
của ta
Lời hứa như thế cho Phêrô và những
người giống như ông là một lời hứa có tính tiên tri liên quan tới tương lai của
cộng đồng các Kitô hữu sẽ sống những gía trị mà Chúa Giêsu đã loan báo. Không
phải là loan báo thưởng gấp trăm lần hơn những gì người ta sẽ từ bỏ, nhưng là sự
mô tả trước về những cộng đoàn sẽ sinh ra từ những ai sẽ mở rộng tâm hồn của họ
tới chiều kích toàn cầu, những ai mà tình huynh đệ và yêu thương của họ sẽ
không đóng khung trong gia đình, quê hương hay cục bộ, nhưng vươn tới hết mọi
người bất kỳ họ là ai và ở nơi nào. Ở đây, chúng ta có được bài miêu tả có tính
tiên tri về Giáo hội, và đại gia đình nhân loại, nơi đây tình huynh đệ và quyền
sở hữu của cải sẽ không bị một quyền độc đoán nào khác giới hạn.
Giáo hội, gia đình của các con cái
Thiên Chúa sẽ chỉ đạt được sự hoàn thiện tròn đầy, trọn vẹn ngày mà chúng ta sẽ
chỉ là một trong Chúa Kitô, ngày mà người ta gọi là ngày sau hết, ngày thế mạt.
Giáo hội ấy, cộng đồng không biên giới ấy, đã được thể hiện hôm nay trong những
cơn bách hại, trong đau khổ của thập giá, nhưng cũng đang được hân hoan khi đi
theo con đường Chúa đã đi và sống theo đường lối Đức Kitô đã muốn.
Giáo hội ấy, cộng đồng của những người
anh em thuộc mọi chủng tộc, với những mái nhà đủ kiểu, với những môi trường văn
hóa muôn vẻ thật đúng là phần thưởng gấp trăm đầy phấn khich cho những người biết
sông yêu thương.
Giáo hội ấy có bành trướng không phải
là để loại trừ những cộng đồng địa phương; mà sự bành trướng có chiều kích toàn
cầu ấy còn bị những tâm hồn hẹp hòi ích kỷ tranh giành và bách hại vì nghĩ rằng
họ sẽ bị tổn thương.
29/05/12
THỨ BA TUẦN 8 TN
Mc 10,28-31
Mc 10,28-31
ĐƯỢC GÌ KHI THEO THẦY?
“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?” (Mc 10,28)
Suy niệm: Người thanh niên giàu có không đủ can đảm dấn thân theo Chúa, vì anh không thể từ bỏ số của cai quá lớn của mình; ngay lập tức Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Thật khó biết bao! Các môn đệ không giấu nỗi tuyệt vọng: vậy thì ai có thể được cứu? Ơn cứu độ quả là điều bất khả đối với con người, nhưng Chúa Giêsu cho biết với Thiên Chúa không có gì là không có thể. Nhưng lòng các ngài vẫn chưa yên. Vì thế, đại diện cho nhóm, thánh Phêrô hỏi tiếp: sự dấn thân và hy sinh của các ngài có được ơn ích gì không, hay là không có giá trị gì? Trả lời cho câu hỏi của Phêrô, Chúa Giêsu hứa ban gấp trăm ngay ở đời này, và ban sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
Mời Bạn: Bạn hiểu thế nào về “gấp trăm ở đời này”? Chúa không phỉnh phờ. Quả thực các môn đệ Chúa đã nhận được rất nhiều ngay ở đời này. Nhưng Chúa nói rõ ràng, khó khăn bách hại đang chờ đợi họ ở phía trước. Bước theo Ngài là chấp nhận phiêu lưu với Ngài trên con đường sống đức tin với những đau khổ, thử thách không thể tránh được. Những khó khăn, bất lợi trên đường theo Chúa, bạn có đủ can đảm và sẵn sàng không?
Chia sẻ: Ơn cứu độ là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, nhưng vẫn cần sự cộng tác của chúng ta. Cụ thể, bạn cộng tác với ơn Chúa như thế nào?
Sống Lời Chúa: Hy sinh một quyền lợi đáng được hưởng, một thú vui giải trí và thay vào đó làm một việc phục vụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho chúng con thêm ơn can đảm để theo Chúa đến cùng.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 8 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Pet 1:10-16; Mk
10:28-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải
học hỏi
để biết
quí giá trị
của Tin Mừng
Cứu Độ.
Để biết quí
trọng điều gì,
con người cần biết rõ
giá trị của nó.
Nếu không biết giá
trị của một người hay vật, con
người sẽ dễ dàng
khinh thường.
Trong Tin Mừng Matthew, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: "Của
thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn
quay lại cắn xé
anh em” (Mt 7:7). Đối với nó, chỉ có
cám heo là thứ nó thich nhất. Cũng vậy, con
người trần thế sợ đau khổ và trốn tránh nó; nhưng đối với người theo Chúa
Kitô, đau khổ làm cho họ trở nên đồng
hình đồng dạng với Ngài.
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc học hỏi để biết quí
trọng Tin Mừng Cứu Độ.
Trong bài đọc I, tác giả Thư Phêrô I xác tín Tin Mừng Cứu Độ đã được loan báo cho con người từ xưa qua các tiên tri của Cựu Ước và các nhà
rao giảng Tin Mừng hiện nay, dưới sự tác động của Chúa
Thánh Thần. Con người phải chuẩn bị thì mới được hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô mang đến. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ: các ông sẽ được mọi sự cần thiết ở đời này và ơn cứu độ đời sau
nếu các ông trung thành theo Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp cứu độ.
1.1/ Thánh Thần đã báo trước Tin Mừng Cứu Độ được thực hiện qua Đức
Kitô: Tác giả tóm tắt Tin
Mừng này như sau:
+ Các ngôn sứ đã tiên báo Tin Mừng Cứu Độ được thực hiện qua Đức
Kitô, Đấng được xức dầu: Điểm tác
giả muốn nêu
bật là các ngôn sứ “đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này,
và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em.” Nói cách khác, những điều các
ngài tuyên sấm vừa do sự nghiên cứu học hỏi vừa do ơn linh hứng của Thánh Thần của Đức
Kitô.
+ Các ngài báo
trước Đấng Kitô sẽ phải chịu đau
khổ, không phải vì tội của
Ngài; nhưng là để gánh tội cho con người (Psa 22, Bốn bài ca về Người Tôi Trung của ngôn sứ
Isaiah).
+ Sự đau khổ và
cái chết của Ngài
không những sẽ cho
Ngài vinh quang tuyệt đỉnh, mà còn mang lại ơn cứu độ cho muôn người (Phi
2:6-11).
+ Tin Mừng cứu độ đó nay được rao truyền cho
anh em, nhờ các người giảng Tin
Mừng, qua sự tác động của Chúa
Thánh Thần mà Thiên Chúa gởi tới cho
anh em.
+ Tin Mừng này quan trọng đến độ “chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy.”
1.2/ Con người phải chuẩn bị mới mong
lãnh nhận ơn cứu độ của
Thiên Chúa: Để được hưởng ơn cứu độ, tác giả
khuyên các tín hữu:
+ Hãy chuẩn bị lòng
trí: Giống như các ngôn sứ, các tín hữu cũng phải chuẩn bị lòng
trí để lãnh nhận và
theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
+ Hãy tỉnh thức: Như Đức Kitô đã từng cảnh cáo
các môn đệ: “Anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, mới có
thể đứng vững trước mắt Con
Người.”
+ Hãy hoàn toàn
đặt niềm
trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho
anh em trong ngày Đức Giêsu Kitô tỏ hiện.
+ Hãy biết vâng phục:
Không phải chỉ tuyên
xưng Đức Kitô ngoài miệng, các tín hữu còn phải thay
đổi cuộc sống, “đừng chiều theo những đam
mê trước kia,
lúc anh em còn mê muội.” + Hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở: để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em,
vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.
2/ Phúc Âm: Phần thưởng cho những người bỏ mọi sự theo
Chúa
Ông Phêrô lên
tiếng thưa Chúa Giêsu: "Thầy coi, phần
chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà
theo Thầy!" Câu trả lời của Chúa Giêsu có hai phần:
2.1/ Phần thưởng đời này
và đời sau cho những môn đệ Chúa:
Trước
tiên, các môn đệ trung thành theo Chúa chắc chắn có
phần thưởng đời này
và đời sau.
+ Phần thưởng đời này:
“Chẳng hề có ai
bỏ nhà cửa, anh
em, chị em, mẹ cha,
con cái hay ruộng đất, vì
Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại
không nhận được nhà cửa, anh
em, chị em, mẹ, con
hay ruộng đất, gấp trăm.” Những người theo Chúa cảm thấy rõ
điều này. Chẳng hạn trường hợp của Phaolô: Khi ông trở lại làm
môn đệ Chúa, ông được gia nhập hàng ngũ các tông đồ và được biệt phái
rao giảng Tin Mừng cho
Dân Ngoại. Đi đến đâu
ông thành lập giáo đoàn địa phương đến đó,
và ông được họ coi như một người cha và ông
coi họ như những người con mà ông
đã cưu mang trong Đức Kitô.
+ Phần thưởng đời sau:
Sự sống
vĩnh cửu là phần thưởng tối hậu mà
Thiên Chúa sẽ ân thưởng cho những người trung thành
với Đức
Kitô.
2.2/ Những việc các
môn đệ phải làm:
Có phần thưởng chắc chắn sẽ có
trách nhiệm. Hai điều Chúa
Giêsu muốn các ông phải làm.
+ Chấp nhận sự ngược đãi: Chúa Giêsu không giấu các ông làm môn đệ của Chúa
các môn đệ sẽ bị thế gian
ngược đãi.
Điều này hiển
nhiên vì tiêu chuẩn và giá trị của các
môn đệ khác với tiêu
chuẩn và giá trị của thế gian; và thế gian sẽ ghét
bỏ những người không giống như họ. Sự ngược đãi là dấu hiệu của một tông đồ chân
chính, như thánh Phaolô đã biện hộ với các
tín hữu Corintô: Có một ngôn sứ nào của Thiên Chúa gởi đến mà
không bị thế gian
truy tố? Chúa Giêsu cũng cảnh cáo các môn đệ: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh
em.” Các tông đồ vui mừng khi
bị thế gian
ngược đãi,
vì các ông được
chung phần đau khổ với Thầy
mình.
+ Phải khiêm nhường phục vụ: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống
hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu." Đây là câu châm ngôn thường xuyên được nhắc lại
trong Tin Mừng. Các môn đệ được gọi để phục vụ mọi người, và đó là
cách thức để các
ông thi hành sứ vụ Chúa
trao ban.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải bỏ thời giờ để học hỏi thì mới biết dự quan
trọng của Tin
Mừng Cứu Độ. Nếu
không, chúng ta sẽ dễ dàng
bị những hào
nhoáng của thế gian
và của ma quỉ lôi
cuốn.
- Làm việc gì cũng đòi phải hy sinh và chịu đựng
gian khổ. Nếu
chúng ta chung phần gian khổ với Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ chung phần vinh
quang với Ngài.
- Phần thưởng càng cao trọng bao nhiêu, gian nan càng nhiều bấy
nhiêu. Chúa Giêsu không hứa hẹn cho chúng ta cách dễ dãi để vào Nước Trời, Ngài báo trước chúng ta sẽ phải trải qua nhiều hy
sinh gian khổ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Ba tuần 8 thường niên
Sứ điệp: Chúa sẽ thưởng bội hậu
cho những ai từ bỏ mọi sự vì Chúa. Nhưng phần thưởng cao cả nhất là được chung
số phận đau khổ và sự sống vinh quang với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trên
hành trình đi theo Chúa, đã có những lúc con tự hỏi như thánh Phêrô: con từ bỏ
mọi sự mà theo Chúa, vậy con sẽ được phần thưởng gì? Vì Chúa, con đã hy sinh bỏ
mình, đã ép mình ép xác giữ các giới răn. Vì Chúa, con chấp nhận bị thua lỗ thiệt
thòi, thậm chí bị nhạo cười khổ đau. Nhưng con sẽ được gì để bù lại? Nhất là
nhiều lúc con nhìn thấy những người sống bất nhân thất đức lại gặp nhiều may mắn
thành công sung sướng, còn con theo Chúa lại gặp khổ đau thất bại nghèo đói. Dường
như theo Chúa là dại khờ.
Lạy Chúa, không, con
không tin như vậy. Chúa đã hứa ban phần thưởng gấp trăm cho con ngay từ đời
này. Dù con không thấy được rõ ràng điều ấy, nhưng con tin cuộc sống con hôm
nay là điều quá tốt đẹp mà Chúa đang thưởng cho con. Chúa luôn ban cho con gấp
trăm ngàn lần điều con không dám cầu xin hay nghĩ tới. Chúa vẫn luôn quảng đại
với con hơn con đáng được.
Lạy Chúa là gia nghiệp
con, xin cho con cảm nếm niềm hạnh phúc theo Chúa và đồng số phận với Chúa. Xin
ban cho con một đức tin vô vị lợi, được theo Chúa vô điều kiện, không mặc cả,
không tính toán.
Cùng với thánh I-nhã,
con xin Chúa dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết
cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm
việc mà không tìm an nghỉ, biết xả thân mà không mong tìm một phần thưởng nào
khác, hơn là biết làm theo Ý Chúa. Con chỉ xin Chúa ban tình yêu và ân sủng, và
thế là đủ cho con. Amen.
Ghi nhớ : "Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con
lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu".
Lời Chúa Trong Gia Đình
1Pr 1, 10-16; Mc: 10, 28-31.
LỜI SUY NIỆM:
Ông Phêrô
lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo
Thầy.” (Mc 10-28).
Câu trình
bày của Phêrô với Chúa Giêsu ngày xưa, nó cũng đang là những câu hỏi của những
con người ngày hôm nay, đang đi theo Chúa, sống trong Giáo Hội và làm việc cho
Giáo Hội của Chúa.
Chính hôm
nay Chúa Giêsu cũng đang trả lời cho mỗi người chúng ta; “Thầy bảo thật anh em:
Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy
và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này lại không nhận được nhà cửa, anh em,
chị em, mẹ con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh
cửu ở đời sau!”
Mỗi người
hãy tin vào câu trả lời của Chúa Giêsu; và xem xét lại chúng ta đang làm việc
vì Chúa hay vì mình. Tôn vinh Chúa hay tìm vinh quang cho mình. Giới thiệu Chúa
cho anh em hay là giới thiệu mình với tha nhân. Chúng ta sẽ nhận ra, chúng ta
đang lời gấp trăm lần, hơn mình tưởng.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
29 Tháng Năm
Ðỉnh Cao
Ðỉnh Everest cao nhất
thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi
thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu
ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết
này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người
đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.
Trên những con đường ấy,
người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề "Họ
thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên". Và bia thứ hai tưởng
niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu "Ông ta chết trong lúc
đang leo".
Nếu đời sống là một cuộc
tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Ðiều quan trọng
không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là
thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: "ngày
hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai".
Bí quyết thành công thứ
hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi
gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất
là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 29
Hơi
thở bùng vỡ
Chúng ta không phải là những chứng nhân đầu tiên các hoạt động ngày xưa và được Thánh Thần kích động. Thánh Phaolô, vị tông đổ dân ngoại, và Thánh Luca, tác giả quyển Công Vụ tông đổ, giúp chúng ta thấy hai hiệu quả của Thánh Thần. Hiệu quả thứ nhất, các ngài nói Thánh Thần như hơi thở của đời sống nội tâm và thứ hai là khao khát truyền giáo nẩy sinh giữa các môn đệ đầu tiên trong ngày lễ Hiện Xuống. Hơi thở thần linh cho chúng ta thấy những khả năng nơi các tín hữu, được đánh động và thúc đẩy cùng làm chứng cho Đức Kitô, chết và phục sinh vì chúng ta.
Vì thế sau 50 ngày - lễ Hiện Xuống - sau Phục sinh, Giáo hội đã vượt qua ngưỡng cửa. Được củng cố bằng một sứ điệp -Tin Mừng - và một kinh nghiệm - ân sủng của Chúa Thánh Thần - Giáo hội được xây dựng trên niềm tin được chia sẻ. Một trong Ba Ngôi, Thánh Thần là ngôi vị ít được biết nhất. Dù vậy, sự hiện diện của Người không thể phủ nhận được, trừ những người "tự đóng kín mình", không còn khả năng cảm nghiệm được hơi thở sống động mà người ta không biết từ đâu đến và đến nơi nào Người muốn. Việc mở tâm hồn ra cho hoạt động của Thánh Thần cho phép Kitô hữu phát triển con người của mình cách trọn vẹn.
Chúng ta không phải là những chứng nhân đầu tiên các hoạt động ngày xưa và được Thánh Thần kích động. Thánh Phaolô, vị tông đổ dân ngoại, và Thánh Luca, tác giả quyển Công Vụ tông đổ, giúp chúng ta thấy hai hiệu quả của Thánh Thần. Hiệu quả thứ nhất, các ngài nói Thánh Thần như hơi thở của đời sống nội tâm và thứ hai là khao khát truyền giáo nẩy sinh giữa các môn đệ đầu tiên trong ngày lễ Hiện Xuống. Hơi thở thần linh cho chúng ta thấy những khả năng nơi các tín hữu, được đánh động và thúc đẩy cùng làm chứng cho Đức Kitô, chết và phục sinh vì chúng ta.
Vì thế sau 50 ngày - lễ Hiện Xuống - sau Phục sinh, Giáo hội đã vượt qua ngưỡng cửa. Được củng cố bằng một sứ điệp -Tin Mừng - và một kinh nghiệm - ân sủng của Chúa Thánh Thần - Giáo hội được xây dựng trên niềm tin được chia sẻ. Một trong Ba Ngôi, Thánh Thần là ngôi vị ít được biết nhất. Dù vậy, sự hiện diện của Người không thể phủ nhận được, trừ những người "tự đóng kín mình", không còn khả năng cảm nghiệm được hơi thở sống động mà người ta không biết từ đâu đến và đến nơi nào Người muốn. Việc mở tâm hồn ra cho hoạt động của Thánh Thần cho phép Kitô hữu phát triển con người của mình cách trọn vẹn.
Linh mục Vincent Cabanac - Pèlerin
Thứ Ba 29-5
Thánh Maria Anna
"de Paredes"
(1618 -- 1645)
hánh Maria Anna, còn gọi là "Bông Huệ Quitô,"
có cuộc đời rất giống Thánh Rôsa ở Lima. Ngài cũng hãm mình, sống cô độc, được
xuất thần và ơn nói tiên tri.
Sinh ở Quito, Ecuador, ngay từ khi còn nhỏ, Maria Anna
rất sùng kính Ðức Mẹ và đã muốn đi tu. Lúc mười tuổi ngài thề sống khó nghèo,
khiết tịnh và vâng phục. Lúc đầu ngài muốn trở thành một nữ tu dòng Ða Minh,
nhưng sau đó ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, trở nên một ẩn tu sống khắc khổ
trong nhà người chị, dưới sự linh hướng của cha giải tội dòng Tên.
Cũng như Thánh Rôsa, Maria Anna thường tự cho mình là
"Maria Anna của Chúa Giêsu", ngài chăm sóc người nghèo và dạy
dỗ các trẻ em người thổ dân ngay tại nhà của mình. Về lối sống khắc khổ, ngài
ăn rất ít và ngủ có ba giờ mỗi đêm. Ngài được ơn tiên tri, biết được tâm hồn
người khác, chữa lành người bệnh tật qua dấu Thánh Giá hoặc rảy nước phép, và
đã có lần làm cho người chết sống lại.
Sau trận động đất năm 1645 ở Quito, một trận dịch lan
tràn và Maria Anna đã dâng hiến cuộc đời mình để hy sinh cho thành phố, và thật
vậy, ngài đã từ trần ngay sau khi trận dịch bắt đầu giảm bớt.
Ngài được
phong thánh năm 1950.
Lời
Bàn
Thánh
Phanxicô Assisi đã chiến thắng chính mình khi ngài ôm hôn một người cùi. Nếu
sự từ bỏ mình không dẫn đến đức bác ái, thì việc ăn năn đền tội đã mất lý do
chính đáng. Sự hy sinh hãm mình của Thánh Maria Anna đã giúp ngài nhậy cảm
hơn với nhu cầu của tha nhân, và can đảm hơn khi phục vụ người nghèo.
Lời
Trích
"Khi
được thúc giục bởi tình yêu Thiên Chúa và đồng loại, thánh nữ đã tự hành hạ
thân xác mình để đền bù tội lỗi cho tha nhân. Quên đi thế giới chung quanh và
ngài đắm chìm trong sự ngây ngất, như được nếm trước hạnh phúc vĩnh cửu. Do
đó, được biến đổi và phong phú bởi ơn Chúa, với tất cả khả năng, ngài thật
hăng say lo lắng đến sự cứu độ không những cho chính mình mà còn cho người khác.
Thánh nữ độ lượng giúp vơi bớt sự bất hạnh của người nghèo và xoa dịu sự đau
khổ của người đau yếu. Khi các thiên tai như động đất và bệnh dịch làm kinh
hãi người dân thành phố, thánh nữ đã phấn đấu qua sự cầu nguyện, sự đền tội
và sau cùng, ngài đã dâng hiến cuộc đời để nài xin lòng thương xót của Chúa
Cha mà thánh nữ không thể hoàn thành được bằng nỗ lực con người" (Ðức
Giáo Hoàng Piô XII).
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét