Thứ Tư sau Chúa Nhật 8 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Pr 1, 18-25
"Anh em được cứu độ bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô
Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em biết rằng
không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống
phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền,
không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày
trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm
cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả
lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.
Khi anh em thánh hoá linh hồn anh em
trong sự vâng phục đức ái, trong tình bác ái huynh đệ, anh em hãy thật lòng yêu
mến nhau với một tâm hồn đơn sơ. Anh em đã được tái sinh không phải do hạt giống
hay hư nát, mà là do hạt giống không hư nát, nhờ lời Thiên Chúa hằng sống và tồn
tại muôn đời. Vì chưng xác phàm chẳng qua là cỏ rác và tất cả vinh quang của nó
ví như hoa cỏ: cỏ thì khô cháy và hoa rũ tàn, còn lời Chúa thì tồn tại muôn đời.
Ðó là Tin Mừng đã rao giảng cho anh em.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa.
Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa
ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.
2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo.
Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi
trắng. - Ðáp.
3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh
Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không
công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.
* * *
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy
ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 32-45
"Giờ đây chúng ta lên
Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem,
Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau
thì sợ hãi. Người gọi mười hai ông lại gần và nói cho các ông biết những gì sẽ
xẩy đến cho Người: "Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp
cho các thượng tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người và nộp
Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn và giết
Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại".
Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đến gần Người và thưa
Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng
con sắp xin Thầy". Người đáp: "Các con muốn Thầy làm gì cho các
con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một
người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa Giêsu bảo:
"Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống
và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được".
Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp
chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không
thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định". Mười
môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi
các ông lại gần mà bảo: "Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ
các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy
quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn
làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các
con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để
được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều
người".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Vì địa vị, quyền hành đã gây
chia rẽ giữa các môn đệ. Ðiều đó cho thấy mục đích theo Chúa Giêsu của các môn
đệ còn thấp kém. Chính vì thế, trước lời loan báo của Ðức Giêsu về cuộc khổ nạn,
các ông vẫn không hiểu, dù Ngài đã nói đến lần thứ ba. Ðức Giêsu thì cương quyết
lên Giêrusalem để chấp nhận khổ nạn, còn các môn đệ thì sợ hãi kinh hoàng. Ðức
Giêsu nói rõ: Con đường của Ngài là con đường đau khổ, là chấp nhận chén đắng.
Sự thanh tẩy tức là từ bỏ mình là chấp nhận khiêm tốn phục vụ như một đầy tớ của
mọi người. Ðó là vinh quang đích thực của Ðức Giêsu và của những môn đệ Ngài.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, các môn đệ
xưa đã không hiểu được con đường của Chúa. Chúng con hôm nay cũng không nhận ra
giá trị của đau khổ. Trước khổ đau thử thách, chúng con vẫn than trách Chúa.
Chúng con vẫn muốn địa vị, quyền cao chức trọng và muốn người khác kính nể, phục
vụ mình. Xin dạy chúng con biết sống tinh thần khiêm tốn của Chúa: biết dùng tất
cả những ân huệ Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, cụ thể nơi gia
đình, xứ đạo của chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Tiên
báo cuộc Tử Nạn
(Mc 10, 32-45)
Suy Niệm:
Tiên báo
cuộc Tử Nạn
Dù không có
ghi lại những chỉ dẫn địa lý chính xác, người ta cũng biết rằng Chúa Giêsu đang
tiến đến gần các biến cố trọng yếu của định mệnh Ngài. Ngài đã băng ngang vùng
Galilê từ Bắc tới Nam .
Thánh sử Marcô đã nhấn mạnh hành trình lên Yêrusalem này qua ba lần loan báo về
cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đây là lần loan báo thứ ba.
Thật vậy,
trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài như một con
đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao
giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường
hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời,
sẽ bị đánh đòn và bị giết chết".
Chết là điều
tất yếu của thân phận làm người. Ðã nhập thể làm người, Chúa Giêsu cũng không
thoát khỏi định luật ấy. Thế nhưng, khi loan báo về cái chết của mình, Chúa
Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện
bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, người ta giết chết Ngài vì cuộc
sống, lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người; Ngài bị
chống đối đến cùng, vì cuộc sống và sứ mệnh của Ngài là một hành trình đi ngược
dòng đời.
Người Kitô
hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy. Là chứng nhân của Ðấng đã
đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm,
cái chết từng giây phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống
người môn đệ Chúa Kitô; có chết như thế, họ mới biết rằng mình đang đi đúng con
đường của Chúa Kitô, con đường dẫn đến sự sống đích thực.
Dù sống
trong nghèo nàn, dù sống trong cơ cực, khổ đau, xin cho chúng ta luôn vững tin
vào Ðấng đã đi qua con đường sự chết để dẫn đưa chúng ta vào cõi trường sinh.
(Veritas Asia)
"Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và
Con Người sẽ bị nộp".
Thập giá Chúa Kitô,
Tin Mừng của ta
“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và
Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ
nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào mặt Người, họ sẽ
đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau Người sẽ sống lại.” (Mc. 10, 33-34)
Trên đường lên Giêrusalem, Chúa
Giêsu lại loan báo cho Nhóm Mười Hai, cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Đây
là lần loan báo thứ ba và cũng là dài hơn cả. Câu trả lời của các môn đệ xác nhận
các ông đã quen cả rồi, ngay cả không còn sững sờ về điều tiên tri này nữa. Các
ông vẫn bận tâm muốn biết mình sẽ có được địa vị nào trong cái vương quốc trần
gian, mà theo các ông ước đoán, thì Thầy của họ sẽ gặp phải đau khổ và phải chết.
Khi thuận lợi và khi không thuận lợi
Chẳng lạ gì một sứ điệp phải loan
báo đi mà lại mang vẻ ít hấp dẫn như vậy, gặp phải và luôn luôn sẽ gặp phải sự
không hiểu; bao giờ sứ điệp ấy cũng vẫn sẽ là dấu hiệu bị người đời chống đối;
phần chúng ta cho đến tận cùng thời gian sẽ bị cám dỗ muốn quên đi hay lẩn
tránh sứ điệp ấy. Mầu nhiệm ấy, sứ điệp ấy vừa khó sống, lại vừa khó loan đi và
ở mọi thời sẽ là đối tượng tầm thường cho bộ máy tuyên truyền nhắm vào. Tuy
nhiên chính đó lại là nét đặc trưng của chúng ta. Nếu ta đánh mất đi thì còn gì
để nói cũng như còn gì khôn ngoan hơn để dạy.
Hạnh phúc, công bình, chính trực
chúng ta đâu có độc quyền. Nhưng “sự điên rồ của thập giá, nguồn tràn chảy ơn
phục sinh” mới thật sự là của chúng ta. Khi ta loan báo điều gì khác không phải
là “Đức Giêsu chịu đóng đinh, đã sống lại từ cõi chết”, ta đua tranh với những
người giầu lòng nhân ái yêu thương, những bậc hiền nhân quân tử, và những vị ân
nhân của nhân loại, điều đó tốt, nhưng không biện minh được cho hiện hữu cuộc đời
Kitô hữu của ta. Không có ta, người ta vẫn có thể sống hạnh phúc và chính trực.
Nhưng nếu ta không sống và loan đi sứ điệp của ta bằng một tình yêu nhưng
không, tự do chấp nhận hiến thân, chết không chỉ cho bạn hữu mình mà còn cho cả
những ai xa lạ, thù địch thì người ta sẽ không bao giờ hiểu biết được tình yêu
sâu thẳm khôn lường của Thiên Chúa là thế nào.
Chẳng ai đã trông thấy Thiên Chúa
bao giờ, mà chỉ thông qua những dấu chỉ, những bí tích mà con người được tiếp
xúc với Người. Chỉ có một dấu chỉ tương xứng với một Thiên Chúa yêu thương
chính là Đức Giêsu chết vì yêu thương, chính là những Kitô hữu nối gót Người,
nhờ Người, và trong Người góp phần làm cho cái mầu nhiệm của một tình yêu đã
làm nên những việc lạ lung của Thiên Chúa được trải dài đến thiên thu bất tận.
Phúc âm không phải là công bố một hiệp ước xã hội đã được soạn thảo cách khoa học,
nhưng là việc của Thánh Thần ngự trị trong Vương quốc tình yêu điên dại tuyệt vời,
xâm nhập trái tim con người vậy.
30/05/12
THỨ TƯ TUẦN 8 TN
Mc 10,32-45
TRỐNG ĐÁNH XUÔI, KÈN THỔI
NGƯỢC
- “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư….
- “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” (Mc 10,33.37)
Suy niệm: Chúa Giêsu đã không ngừng dạy các môn đệ rằng người làm đầu lý tưởng là người phục vụ trong khiêm tốn. Chính Ngài đến ở giữa chúng ta như một người tôi tớ. Vì với Đức Kitô, quyền bính là để phục vụ. Cuộc sống của Chúa Giêsu là phục vụ. Chúa lại minh hoạ bài học phục vụ bằng việc rửa chân cho các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Đỉnh cao của phục vụ là cái chết hy sinh trên Thánh giá, như một tên nô lệ, như một người tôi tớ. Thế mà chẳng khác nào trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, Chúa đã chấp nhan sống và chết như thế đó! Còn các môn đệ thì cứ mải tìm kiếm, tranh giành một “chỗ đứng,” một “chiếc ghế” của vinh quang, của quyền lực!!!
Mời Bạn: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta;” “ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ.” Đó là tiêu chí của người môn đệ đích thực, không có con đường nào khác! Phải quyết định lựa chọn dứt khoát: “CÓ” hoặc “KHÔNG”, không được phép “hồi – hồi: hồi có – hồi không” hoặc thỏa hiệp bắt cá hai tay.
Sống Lời Chúa: Lựa chọn nói “không” với một sở thích, một thói quen hay một ý riêng nào đó của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết khám phá rằng: cuộc sống không phải để hưởng thụ, nhưng là để phục vụ, và “phục vụ là niềm vui,…. Phần thưởng duy nhất là con đã làm theo thánh ý Chúa.” Amen.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 8 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Pet 1:18-25; Mk 10:32-45.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Sống như nào sẽ lãnh nhận
hậu quả như vậy
Sự hiểu biết của con người rất quan trọng,
vì biết thế nào sẽ tin như thế. Kế tiếp, tin thế nào sẽ sống như vậy, dù điều
này cũng có luật trừ vì tính yếu đuối của xác thịt. Sau cùng, sống thế nào sẽ
lãnh hậu quả tương xứng. Một số người đưa ra một lý luận rất nguy hiểm: không cần
học biết, vì biết mà không làm sẽ có tội. Nhưng những người này phải hiểu tuy họ
không có trách nhiệm luân lý; họ vẫn phải lãnh nhận hình phạt. Một ví dụ dẫn chứng,
một người vượt đèn đỏ bị cảnh sát bắt dừng lại: biết hay không người đó vẫn phải
trả tiền phạt. Trong lãnh vực chung cuộc của đời người cũng thế, con người cần
bỏ thời gian học hỏi để biết đâu là đích điểm của cuộc đời và cách thức để đạt
đích điểm đó.
Các bài đọc hôm nay muốn hướng dẫn con
người biết sự thật, để rồi con người biết sống sự thật và đạt được kết quả như
Thiên Chúa tiên định. Trong bài đọc I, tác giả Thư Phêrô I cho con người biết ý
định của Thiên Chúa muốn cứu con người nhờ bửu huyết của Đức Kitô đã đổ ra, để
con người biết sống làm sao cho xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa để đạt được
cuộc sống đời đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phải sửa sai các tông đồ khi các
ông bắt đầu tranh giành quyền hành. Ngài nhấn mạnh đến việc hy sinh, phục vụ
như là con đường để chung hưởng vinh quang với Ngài trong Nước Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Anh
em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn là Đức Kitô.
1.1/ Lối sống phù phiếm do cha ông anh
em truyền lại: Tác giả nhắc cho các tín hữu biết lối sống của họ trước khi trở
lại và tin theo Đức Kitô. Mục đích của tác giả là muốn cho các tín hữu không chỉ
tin; nhưng còn biết sống theo những gì Đức Kitô truyền dạy.
+ Theo sự giả trá: Đối với những Dân
Ngoại, họ quan niệm chết là hết. Điều này là một sự sai lầm, ngược lại với ý định
của Thiên Chúa. Người Hy-lạp tiến bộ hơn, họ đã biết lý luận: thân xác sẽ tiêu
tan vì là vật chất; nhưng linh hồn bất tử vì không lệ thuộc vật chất.
+ Hưởng thụ vật chất: Nếu chết là hết,
con người sẽ dùng mọi cố gắng để hưởng thụ tối đa những gì thế gian dâng tặng.
Họ sẽ tranh đấu mọi cách để có quyền hành, danh vọng, và hưởng thụ khoái lạc đời
này.
+ Tranh dành và chia rẽ: Vì mọi người đều
mong hưởng thụ nên họ sẽ tìm mọi cách để tranh dành quyền lợi, mà không để ý gì
đến công bằng, bác ái và hiệp nhất.
Hậu quả của lối sống phù hoa: Cỏ khô,
hoa rụng. Mọi phàm nhân đều như cỏ và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa
cỏ.
1.2/ Lối sống theo Lời Chúa như đã được
cứu độ bởi Đức Kitô:
+ Theo sự thật: Tác giả tóm gọn Kế Hoạch
Cứu Độ của Thiên Chúa vào biến cố cứu độ của Đức Kitô: Anh em đã được cứu chuộc
không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc; nhưng nhờ bửu huyết của
Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ
trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời
cuối cùng này. Tuy nhiên, tác giả vẫn nhấn mạnh vào tích cách liên tục của Lời
Chúa, vì Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được
loan báo cho anh em như một Tin Mừng.
+ Hướng về cuộc sống đời sau: Nhờ Người,
anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho
Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa. Nhờ Đức
Kitô, cuộc sống đời đời dành cho tất cả những ai tin và làm theo những gì Ngài
truyền dạy.
+ Yêu thương huynh đệ: Một khi đã tin
vào cuộc sống đời sau, con người không nên dành mọi thời gian và nỗ lực để mưu
cầu ích lợi đời này. Tác giả khuyên: “Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh
luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến
nhau với tất cả tâm hồn.”
2/
Phúc Âm: Ai
muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.
Đây là lần thứ ba Marcô tường thuật
Chúa Giêsu nói cho các tông đồ biết những gì sẽ xảy ra cho Ngài tại Jerusalem : “Con Người sẽ
bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người
cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết
chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại." Lần thứ nhất, Phêrô khuyên
Chúa Giêsu gạt bỏ ý định lên Jerusalem
để chịu chết. Lần thứ hai, các môn đệ tranh luận ai sẽ là người lớn nhất trong
số họ, khi Chúa Giêsu khôi phục vương quốc của Cha Ngài.
2.1/ Lối sống của người đời: Các tông đồ
của Chúa Giêsu vẫn còn bị ảnh hưởng bởi lối sống của thế gian.
+ Ham muốn uy quyền và danh vọng: Sau lời
tiên báo, hai người con ông Zebedee là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và
nói: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người
được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Hai ông ham muốn chức vị
vì muốn được mọi người biết đến và phục vụ. Tuy nhiên, các ông sẵn sàng thông
phần vào cuộc khổ nạn của Chúa, chứ không chỉ muốn vinh quang mà thôi.
+ Khi ham muốn mà không nhận được, con
người tức tối và thù ghét nhau: “Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với
ông Giacôbê và ông Gioan.” Các ông tức tối là vì tất cả các ông đều muốn như thế.
Nếu Giacôbê và Gioan ngồi hai địa vị quan trọng nhất, các ông sẽ ngồi đâu, vì
các ông cũng theo Chúa!
+ Hậu quả là cộng đoàn bị phân chia:
Chúa Giêsu nhìn thấy trước những gì sẽ xảy ra nếu các tông đồ cứ giữ thái độ
tranh dành quyền hành và địa vị như thế. Họ sẽ bị phân chia và sẽ không nhớ sứ
vụ rao giảng Tin Mừng, làm sao ơn cứu độ được rao truyền tới muôn người.
2.2/ Lối sống của người môn đệ Đức
Kitô: Chúa Giêsu tập họp các ông và khuyên bảo các tông đồ ba điều:
+ Không được theo lối sống của người đời:
“Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những
người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được
như vậy.”
+ Sống phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa
anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy
tớ mọi người.”
+ Sống theo gương Đức Kitô: “Con Người
đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống
làm giá chuộc muôn người."
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần học hỏi Kinh Thánh để biết
sự thật Thiên Chúa muốn cho con người. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng nghe theo
để sống lối sống của thế gian và của ma quỉ.
- Nếu chúng ta muốn lãnh nhận ơn cứu độ,
chúng ta phải làm những gì Thiên Chúa muốn. Nếu không, chúng ta sẽ phải lãnh nhận
hậu quả của những người không tuân phục Thiên Chúa.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Tư tuần 8 thường niên
Sứ điệp: Lý tưởng cao cả nhất của
Kitô giáo là phục vụ trong khiêm tốn. Chúa Giêsu ở giữa chúng ta như một người
tôi tớ. Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ chính mình, để cùng Ngài đi vào con đường
thập giá bằng đời sống phục vụ mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, các
môn đệ và người Do Thái ngày xưa, đã mong chờ Chúa là Đấng cứu tinh uy quyền và
đầy sức mạnh. Nhìn thấy phép lạ Chúa thực hiện, cảm nhận uy tín trong lời Chúa
giảng dạy, họ hy vọng một cuộc đổi mới, và họ sẽ được vinh quang. Nhưng chính
lúc tưởng rằng sắp đạt tới tột đỉnh uy quyền, thì các ông lại ngỡ ngàng thất vọng
khi nghe Chúa nói đến cái chết. Lạy Chúa, quyền bính mà Chúa thiết lập là thứ
quyền bính của phục vụ. Cái chết của Chúa trên thánh giá là đỉnh cao của phục vụ,
như một tên nô lệ. Nếu một người nô lệ sống là sống cho người khác, và chết
cũng là chết cho người khác, thì Chúa đã chấp nhận sống và chết như một tên nô
lệ.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay
Chúa đang phục vụ con nơi bàn tiệc Thánh, Chúa phục vụ con nơi bà tiệc Lời
Chúa, và bàn tiệc Thánh Thể. Chúa đã hoán đổi địa vị một cách bất ngờ. Con được
trở thành người ngồi bàn, còn Chúa tự nguyện đi lại hầu hạ con. Chúa đã dọn bữa
sẵn sàng và mời con hưởng dùng. Con xin dâng lời tạ ơn Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa
giúp con biết sống tinh thần phục vụ theo kiểu của Chúa: muốn làm lớn thì phải
làm nhỏ. Xin giúp con biết khám phá rằng: cuộc sống không phải để hưởng thụ,
nhưng là để phục vụ. Và trong phục vụ, con sẽ có hạnh phúc. Bởi vì nếu con
thông phần vào thập giá của Chúa thì con cũng được chia phần sự sống phục sinh
với Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người
sẽ bị nộp".
Lời Chúa Trong Gia Đình
1Pr
1, 18-25; Mc: 10, 32-45.
LỜI
SUY NIỆM:
“Đức Giêsu
và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông
kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười
Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xãy ra cho mình” (Mc 10,32)
Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem là đối
diện với Thập Giá. Điều này Ngài đã ba lần nói đến, và mỗi lần nói sau, lại
càng cho thấy sự trầm trọng càng cao, đi đến gần với cái chết. Lần đầu (Mc
8,31) chỉ là một lời thông báo suông. Lần thứ hai (Mc 9, 31) tiềm ẩn chuyện phản
bội và lần thứ ba này Ngài nói rõ không che dấu: “Này chúng ta lên Giêrusalem
và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người
và nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ
đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.” (Mc 10,33-34).
Chúa Giêsu đang dẫn đầu, Ngài đi trước.
Chúng ta có chịu đi theo sau lưng Ngài cho đến cùng hay không? Các Tông đồ đã
yêu mến và trung thành với Ngài; còn chúng ta thì sao? Hãy xin với Ngài cho
chúng ta được theo Ngài; để được đi vào vinh quang vĩnh cửu với Ngài.
Mạnh
Phương
+++++++++++++++++
30
Tháng Năm
Một Chỗ Khủng Khiếp
Câu chuyện xảy ra tại một nhà giam bên
Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một kinh nghiệm mắt thấy tai
nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là "Một chỗ khủng khiếp" như sau: Một
buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi kề miệng vào tai tôi
khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp:
"Mai là ngày lễ Phục Sinh".
Nghe thế, tôi tự hỏi: "Lễ Phục Sinh
đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong tù, niềm vui của chúng
tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?...". Tôi đi lại trong phòng và
không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan
bầu không khí nặng nề: "Ðức Kitô đã sống lại thật".
Quá sức sửng sốt, các nhân viên trở nên
bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận dữ lên án một diễn tiến
không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề
tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được mở tung. Hai nhân
viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng hổ túm lấy cô gái, lôi
cô ta sền sệt ra khỏi phòng.
Một tuần lễ sau, cô ta được thả về phòng
giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần lễ Phục Sinh, người ta
đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh thấu xương và cơn
đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau khi nằm yên tại một
góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào: "Dù sao tôi cũng
đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam. Những cái khác không
quan trọng gì cho lắm". Nói xong cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt
cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.
Ðược
dịp tuyên xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi.
Nhưng mẫu gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời nguyện
chúng ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: "Chúng con
loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi
Chúa lại đến".
Tuyên
xưng việc Chúa sống lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của
những đau khổ, của những vấn đề khó khăn. Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng
khung và chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh phải chiến đấu để
vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ, những
tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh nhờ cái chết
và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
(Lẽ
Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 30
Thánh
thiện là gì? Một sự cô đọng của Đức Ki tô có thể có nơi từng người chúng ta, mà
hình thức tuyệt đối duy nhất.
François
Cassingena - Trévedy
Đời
sống thân mật trên trời
Sự thân mật của con người với Thiên Chúa được thực hiện trong việc chiêm ngắm như thánh Phaolô nói: "Đời sống thân mật của chúng ta trên trời." Thánh Thần đã làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chính Người giúp chúng ta chiêm ngắm Thiên Chúa.
Đó cũng là đặc tính của tình bạn, sẽ hạnh phúc khi có sự hiện diện của người bạn, người ta sẽ vui vì hành động và cử chỉ của người ấy, và người ta sẽ xem đó như nguồn an ủi cho những lo âu của chúng ta. Cũng thế; nếu buồn bã, khi ở cạnh người bạn chúng ta sẽ tìm được sự an ủi. Chính Thánh Thần làm cho chúng ta thành bạn của Thiên Chúa, làm cho Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn chúng ta và chúng ta trong Người, tiếp đến chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta có được niềm vui trong Thiên Chúa và sự ủi an chống lại tất cả mọi thứ chống đối và thử thách. Vì thế Chúa gọi Thánh Thần là Đấng an ủi.
Sự thân mật của con người với Thiên Chúa được thực hiện trong việc chiêm ngắm như thánh Phaolô nói: "Đời sống thân mật của chúng ta trên trời." Thánh Thần đã làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chính Người giúp chúng ta chiêm ngắm Thiên Chúa.
Đó cũng là đặc tính của tình bạn, sẽ hạnh phúc khi có sự hiện diện của người bạn, người ta sẽ vui vì hành động và cử chỉ của người ấy, và người ta sẽ xem đó như nguồn an ủi cho những lo âu của chúng ta. Cũng thế; nếu buồn bã, khi ở cạnh người bạn chúng ta sẽ tìm được sự an ủi. Chính Thánh Thần làm cho chúng ta thành bạn của Thiên Chúa, làm cho Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn chúng ta và chúng ta trong Người, tiếp đến chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta có được niềm vui trong Thiên Chúa và sự ủi an chống lại tất cả mọi thứ chống đối và thử thách. Vì thế Chúa gọi Thánh Thần là Đấng an ủi.
Thứ Tư 30-5
Thánh Jeanne d'Arc
(1412 - 1431)
Tượng Thánh Jean d'Arc ở bên trong Nhà Thờ Đức Bà, Paris, Pháp. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét