Trang

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

09-07-2012 : THỨ HAI TUẦN XIV MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Hai sau Chúa Nhật 14 Quanh Năm
"Nếu tôi chạm được áo Người thôi, thì tôi sẽ khỏi".

Bài Ðọc I: (Năm II) Hs 2, 14. 15-16. 19-20
"Ta sẽ đính hôn với ngươi đến muôn đời".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Chúa phán: "Này đây Ta sẽ dụ dỗ nó, đem nó vào sa mạc, và kề lòng, Ta nói khó với nó. Ở đó nó sẽ vọng lại như ngày còn thơ, và như ngày nó lên từ đất Ai-cập. Sẽ xảy ra là trong ngày ấy, sấm của Giavê, nó sẽ gọi Ta: 'Chồng tôi', chứ nó sẽ không gọi Ta là 'Ông chủ tôi' nữa".
"Ta sẽ đính hôn với ngươi đến muôn đời. Ta sẽ đính hôn với ngươi trong công bình và chính trực, trong tình yêu và thương xót. Ta sẽ đính hôn với ngươi trong sự trung tín và ngươi sẽ biết Ta là Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Ngôn sứ Hô-sê đang rao giảng


Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Chúa nhân ái và từ bi (c. 8a).
Xướng: 1) Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. - Ðáp.
2) Thế hệ này rao giảng cho thế hệ kia hay công việc Chúa, và thiên hạ loan tin quyền năng của Ngài. Người ta nói đến vinh quang cao cả oai nghiêm, và phổ biến những điều kỳ diệu của Chúa. - Ðáp.
3) Người ta nói tới quyền năng trong những việc đáng sợ, và kể ra sự vĩ đại của Ngài. Người ta lớn tiếng khen ngợi lòng nhân hậu bao la, và hân hoan vì đức công minh của Chúa. - Ðáp.
4) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giầu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 144, 14cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 9, 18-26
"Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến, nó sẽ sống lại".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại". Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy. Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: "Này con, hãy vững lòng. Ðức tin của con đã cứu thoát con". Và người đàn bà được khỏi bệnh.
Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: "Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi". Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:
Theo quan niệm của những người Do Thái xưa thì bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Ðức Giêsu càng yêu thương con người nên Ngài càng dứt khoát tiêu diệt tội lỗi. Ðức Giêsu đến với họ để chữa họ khỏi những bệnh tật, tội lỗi và dẫn đưa họ tới miền ánh sáng tự do. Ai có lòng tin sẽ được cứu.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa đến chữa lành bệnh tật của chúng con. Chúng con đang phải quằn quại trong những cơn đau của tâm hồn. Xin Ðức Giêsu giải thoát và cho chúng con được hạnh phúc trong tình yêu thương của Cha. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Suy Niệm:
Thiên Chúa Yêu Thương Con Người
Với tựa đề: "Nơi Chúa, họ tin tưởng", tuần báo Kinh Tế Viễn Ðông số tháng 6/1996 dành hai trang để nói về sự hồi sinh tôn giáo tại Việt Nam. Tựa đề của bài báo lấy lại dòng chữ mà người Mỹ vốn cho in trên đồng tiền của họ: "Nơi Chúa, chúng tôi đặt tin tưởng". Nếu với người Mỹ, Chúa là một ngôi vị cá biệt, thì Chúa theo tạp chí Kinh Tế Viễn Ðông lại là thể hiện của một nhu cầu tôn giáo cơ bản nhất của con người, không gì có thể dập tắt nổi.
Con người khao khát Thiên Chúa, hay đúng hơn Thiên Chúa đã tạo dựng con người, với nỗi khao khát vô biên ấy. Con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, hay đúng hơn chính Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài. Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu của Ngài vượt trên mọi thước đo, mọi dự đoán, mọi tưởng tượng của con người, đó là tất cả những gì Chúa Giêsu đã đến để mạc khải cho con người.
Tin Mừng hôm nay ghi lại một vài cử chỉ của Chúa Giêsu đối với con người: một vị kỳ mục đến xin Ngài cứu đứa con vừa chết, người đàn bà mắc bệnh loạn huyết chi khấn thầm và sờ đến gấu áo của Ngài, cả hai đại diện của đủ mọi tầng lớp mà Chúa Giêsu gặp gỡ hàng ngày. Ngài không loại trừ bất cứ hạng người nào, bất cứ giai cấp nào trong xã hội, bởi vì tất cả đều là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Vị kỳ mục đã tìm đến với Chúa, người đàn bà đã len lỏi giữa đám đông để sờ vào Ngài, đó là hình ảnh của sự tìm kiếm mà con người không ngừng thực hiện để đến với Chúa. Nhưng thật ra, chính Thiên Chúa mới là Ðấng đi bước trước để đến với con người. Phép lạ đã diễn ra như một kết quả của lòng tin: "Ðức tin của con đã cứu chữa con", nhưng cũng chính niềm tin đã giúp con người khám phá ra phép lạ Thiên Chúa không ngừng thực hiện vì yêu thương con người.
Qua một cơn hải trình cam go, những người có niềm tin đã nhìn vào sự sống sót của mình như một phép lạ của tình thương. Những giờ phút hãi hùng trong cuộc sống, những thử thách phải trải qua, những đau khổ phải gánh chịu, đó là những phách mạnh trong bản trường ca về tình yêu Thiên Chúa. Có trải qua những giờ phút ấy, chúng ta mới nhận ra được cánh tay đỡ nâng của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta một đức tin sáng suốt để chúng ta không ngừng nhận ra tình yêu của Chúa và dâng lời cảm tạ Chúa.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 14 TN2
Bài đọc: Hos 2:14-16, 19-20; Mt 9:18-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lấy tình yêu chinh phục tình yêu. 
Thông thường, con người có thể tha thứ cho tất cả những lỗi lầm trừ sự phản bội tình yêu. Khi sự phản bội này xảy ra, con người muốn chấm dứt mối liên hệ với người phản bội bằng cách ly dị, đoạn tuyệt, và không muốn ai nhắc nhở đến tên của người phản bội nữa. Nhưng đây không phải là cách giải quyết của Thiên Chúa và của các tín hữu; vì nếu giải quyết như thế, toàn thế giới này sẽ không có cơ hội sống sót, vì đã bao nhiêu lần loài người chúng ta đã phản bội Thiên Chúa!
Các bài đọc hôm nay muốn tập trung trong cách giải quyết sự phản bội bằng tình yêu.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Hosea ví mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người như mối liên hệ giữa chồng vợ; và tội thờ thần ngoại của con người như tội làm điếm. Tuy con cái Israel phản bội Thiên Chúa bằng việc thờ bò vàng, Thiên Chúa vẫn trung thành yêu thương bằng làm mọi cách để họ nhận ra và quay trở lại với tình yêu đích thực của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm và chữa lành hai bệnh nhân "không sạch." Một người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm, nhưng với một niềm tin vững mạnh tới và sờ vào tua áo của Chúa Giêsu. Ngài đã chữa lành bệnh tật cho bà. Một em bé đã chết, nhưng nhờ lòng tin của người cha, đã được Chúa Giêsu cho sống lại. 
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa muốn được con người yêu thương. 
1.1/ Con cái Israel phản bội tình yêu Thiên Chúa.
Khi đất nước bị chia đôi, vua Jeroboam, vì tham vọng chính trị và kinh tế, đã đúc hai con bê bằng vàng và truyền cho dân phải thờ, để họ khỏi xuống Đền Thờ Jerusalem: một con đặt tại Dan (biên giới giữa Israel và Syria) một con đặt tại nhà của Đức Chúa tại Bethel (biên giới giữa Israel và Judah). Baal trong tiếng Do-thái có nghĩa là chủ, thần, chồng; thần Baal là tiếng tổng quát dùng cho các thần không phải là Thiên Chúa.
Ngôn sứ Hosea được Thiên Chúa gởi tới nói tiên tri trong vương quốc Israel. Ông ví mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con cái Israel như mối liên hệ vợ chồng: Thiên Chúa là người chồng luôn trung thành và con cái Israel là người vợ phản bội làm điếm, thờ thần Baal. Có người chồng nào không đau khổ khi vợ bỏ mình đi với tình nhân; lại còn đánh cắp công ơn của Thiên Chúa và trả cho tình nhân!
Thiên Chúa sẽ trừng phạt con cái Israel, không phải vì tức giận mù quáng; nhưng để họ phải lâm cơn khốn khổ để biết nhận ra ai là người thương yêu họ thật lòng. Ngài phán: “Ta sẽ biến chúng thành bụi rậm, mặc cho dã thú gặm tan hoang. Ta sẽ trừng phạt nó vì những ngày của Baal, những ngày nó đốt hương thờ kính chúng, những ngày nó đeo nhẫn, đeo kiềng chạy theo đám tình nhân của nó, còn Ta thì nó nỡ bỏ quên - sấm ngôn của Đức Chúa.”
1.2/ Thiên Chúa luôn trung thành yêu thương con cái Israel.
Nếu Thiên Chúa không trừng phạt, con cái Israel sẽ tiếp tục chạy theo các thần ngoại và mất linh hồn vì sống vô luân và bất công. Ngôn sứ Hosea đã nhìn thấy trước ngày sụp đổ của Israel và dân chúng bị đem đi lưu đày. Ông ví những ngày lưu đày như những ngày trong sa mạc; trong đau khổ, Thiên Chúa dễ nói với họ hơn là trong cảnh giàu sang phú quí. Thiên Chúa phán: “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Ta sẽ không cho nó mở miệng gọi tên thần Baal, chẳng còn ai nhớ đến các thần này mà gọi tên chúng nữa.”
Hình phạt chỉ có mục đích dạy bảo, và làm cho con cái Israel nhận ra đâu là người chồng đích thực yêu thương mình. Khi con cái Israel nhận ra và trở lại với tình yêu Thiên Chúa, Ngài sẽ cho họ hồi hương và tái thiết xứ sở. Ngài sẽ tiếp tục chúc lành và bảo vệ họ. Chúa phán: “Trong ngày đó, vì dân Ta, Ta sẽ thiết lập một giao ước với thú vật đồng hoang, với chim chóc trên trời, với loài bò sát dưới đất: Ta sẽ bẻ gãy cung nỏ gươm đao, chấm dứt chiến tranh trên toàn xứ sở, và Ta sẽ cho chúng được sống yên hàn.” 
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu muốn chữa con người khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền. 
2.1/ Chúa chữa lành người đàn bà bị loạn huyết: Có hai câu hỏi liên quan đến việc chữa lành và hai trình thuật song song của Mark 5:21-43 và Luke 8:40-56 sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn trình thuật ngắn của Matthew:
(1) Tại sao người đàn bà không dám ra mặt xin Chúa chữa bệnh? Trước tiên, Luật không cho phép đụng vào người phụ nữ đang bị chảy máu như người đàn bà này, vì không sạch (Lv 15:25). Có lẽ vì lý do để tránh cho Chúa Giêsu trở thành không sạch "cách công khai," mà bà nghĩ bụng: "Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!" Hay bà nghĩ với sức yếu đuối của phụ nữ bệnh tật như bà, làm sao có thể chen lấn đám đông đến trước Chúa để xin chữa bệnh. Dù sao đi nữa, bà chứng tỏ một đức tin rất mạnh vào Chúa Giêsu. Theo Mark, mặc dù chịu bệnh và cố gắng chữa đã 12 năm không khỏi, bà nghĩ bà chỉ cần chạm đến tua áo của Chúa là sẽ được khỏi bệnh.
(2) Tại sao Chúa biết và hỏi “Ai đụng đến Ta?” Trình thuật của Mark cắt nghĩa Chúa cảm thấy một năng lực thoát ra từ Ngài. Đó là phút giao hợp của niềm tin, làm sao Chúa lại không nhận ra được. Chúa biết rõ ai chạm đến mình; nhưng Chúa muốn người đàn bà xuất hiện vì nhiều lý do: Trước tiên, Chúa muốn củng cố niềm tin có thể làm được mọi sự, khi Ngài nói với Bà: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Ngài cũng muốn dạy cho đám đông biết sức mạnh của niềm tin. Sau cùng, Ngài có thể muốn cho người phụ nữ biết Thiên Chúa yêu thương chữa lành và không quan tâm đến việc “không sạch” của bà. 
2.2/ Chúa cho con gái viên thủ lãnh đã chết được sống lại.
Trình thuật của Luke nói rõ tên người lãnh đạo là Jairus, một Trưởng Hội Đường. Cử chỉ khiêm nhường của ông đến phục lạy dưới chân Chúa để cầu xin cho đứa con gái duy nhất, đánh động lòng thương xót của Chúa, và Ngài đồng ý đi với ông về nhà để chữa lành.
Là một Trưởng Hội Đường, ông biết Luật không cho phép đụng vào xác chết, vì ai đụng vào xác chết sẽ trở thành không sạch. Biết như thế, nhưng vì quá thương con, ông vẫn đến bái lạy Người và nói: "Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống." Đức Giêsu đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: "Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Nhưng họ chế nhạo Người. Tại sao Chúa Giêsu nói đứa bé đang ngủ? Có thể Ngài muốn dạy dân chúng chết chỉ là một giấc ngủ dài, chứ không tận diệt; khi mở mắt ra, họ sẽ sống lại với Thiên Chúa. 
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 
- Lấy tình yêu chinh phục tình yêu sẽ bảo đảm tình yêu và sự sống. Ly dị, đoạn tuyệt, khai trừ chỉ mang lại hận thù và chết chóc. Nếu Thiên Chúa yêu thương cho dù chúng ta phản bội Ngài, tại sao chúng ta không thể yêu người phản bội sau khi đã lãnh nhận tình yêu Chúa?
- Chỉ có Thiên Chúa là người yêu thương chúng ta đích thực và vô vị lợi. Chúng ta đừng bao giờ phản bội tình yêu của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************
Thứ Hai tuần 14 thường niên
Sứ điệp: Tin vào Đức Kitô là điều kiện duy nhất để được cứu rỗi. Cũng chính do niềm tin này mà một thiếu phụ mắc bệnh băng huyết đã được chữa lành, và người con gái của một vị kỳ mục đã được sống lại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm phục biết bao lòng tin của người thiếu phụ: giữa một đám đông mất hút, người thiếu phụ bệnh hoạn này vẫn nhận ra Chúa là Thiên Chúa quyền năng. Bà đã tin và được chữa lành.
Con cũng cảm phục niềm tin của người cha bất hạnh: trong nỗi đớn đau vì vừa mất đứa con thân yêu, ông đã sụp lạy dưới chân Chúa, van xin Chúa cứu giúp và Chúa đã đáp lời.
Con tự hỏi, trong đời con, có bao giờ con có được một niềm tin sâu sắc như thế chưa. Lạy Chúa, Chúa biết đấy, cuộc đời con đầy những lỗi lầm thiếu sót. Biết bao lần những gánh nặng khổ đau đã vùi dập đời con và làm tê liệt niềm tin yêu vào Chúa. Biết bao lần những đau đớn bệnh tật thân xác và tâm hồn đã xô con rơi vào vực thẳm của tuyệt vọng cô đơn. Con đã muốn buông xuôi tất cả và không còn tin cậy vào Chúa nữa. Biết bao lần tội lỗi đã bào mòn ý chí dấn thân của con, con đã không muốn chỗi dậy vì không còn tin vào tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, con tin Chúa luôn đến với con trong những lúc gian nan thử thách. Xin ban thêm đức tin cho con. Xin giúp con, để trước những khó khăn và đau khổ của ngày hôm nay và ngày mai, con nhìn chúng mà không thất đảm, con mang vác mà không kêu ca, bởi con tin rằng Chúa luôn hiện diện bên con, cùng ghé vai mang vác gánh nặng của đời con. Amen.
Ghi nhớ : "Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến, nó sẽ sống lại".

09/07/12 THỨ HAI TUẦN 14 TN
Th. Augustinô Dao Rong và các bạn tử đạo
Mt 9,18-26

CHẾT LÀ ĐI VÀO CÕI SỐNG

Đức Giêsu nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. (Mt 9,24)

Suy niệm: Cái chết là một thực tại bí nhiệm và rất khó chấp nhận –dù chúng ta đã chứng kiến và đưa tiễn biết bao người chết. Đối diện cái chết, người ta thường rơi vào hai thái cực: hoặc là tin để rồi chấp nhận; hoặc không tin để rồi nhạo báng những kẻ tin, thậm chí nhạo báng luôn cả Thượng Đế. Chúa Giêsu cho biết cái chết chỉ là một trạng thái tương đối, như là một giấc ngủ. Để minh chứng, Ngài đã đánh thức đứa bé trước sự ngỡ ngàng của đám đông bao quanh, mà trước đó họ cho rằng đứa bé đã chết và chế nhạo Ngài. Cũng thế, với Ladarô, kẻ đã chết chôn trong mồ bốn ngày, Chúa Giêsu bảo“Anh ấy đang yên giấc” và đã đánh thức anh ấy dậy (x. Ga 11,1-44). Chứng kiến Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, nhiều kẻ chế nhạo, nhưng nhiều người đã tin vào Ngài (x. Lc 23,39-43; Mc 15,29-39). Và rồi khi chỗi dậy sau khi ngủ yên trong mồ ba ngày, Ngài đã ấn định ý nghĩa mới của cái chết: từ nay, chết là đi vào cuộc sống vĩnh hằng (x. Mt 28,1-15).

Mời Bạn: Có lẽ chúng ta không kém tin đến mức chế nhạo cái chết, nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chết, chúng ta sống như là mình không chết, thì điều đó càng đáng chế nhạo hơn!

Chia sẻ: Làm sao để có thể củng cố niềm tin vào sự chết?

Sống Lời Chúa: Viếng mộ người thân, cầu nguyện cho họ và suy niệm về cái chết của chính mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đánh thức, đừng để con ngủ trước khi chết: ngủ trong đam mê, ngủ trong những thú vui xác thịt… vì như thế, thì có chết hay ngủ cũng chẳng khác chi!



Cầm lấy tay 
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của những bàn tay.
Vị thủ lãnh của hội đường có cô con gái mới chết,
nhờ ai đó giới thiệu, ông lật đật chạy đến với Đức Giêsu.
Lòng tin của ông thật là mạnh, diễn tả qua câu nói:
“Xin Ngài đến đặt bàn tay lên cháu, là nó sẽ sống” (c. 18).
Ông tin Đức Giêsu có thể cho con ông được hoàn sinh.
Ông mời Ngài đến nhà mình chỉ để làm một chuyện là đặt bàn tay.
Đặt bàn tay trên một xác chết còn ấm để làm cho nó sống lại.
Như thế ông tin vào uy quyền của Đức Giêsu, thể hiện qua bàn tay.
Ngài cũng là một ngôn sứ như Êlia hay Êlisa trong Kinh Thánh.
Các vị này đều có khả năng hoàn sinh kẻ chết (1V 17, 17-24; 2V 4, 32-37).
Đức Giêsu đã mau mắn nhận lời đến nhà ông.
Ngài hiểu được nỗi đau của một người cha khi mất đứa con gái nhỏ.
Khi đến nhà thì đám tang đã bắt đầu với những người thổi kèn,
và một đám đông hiếu kỳ gây ồn ào náo động.
Đức Giêsu tiến vào nhà và bảo người ta lui ra khỏi phòng của cô bé:
“Con bé có chết đâu, nó đang ngủ đấy!” (c. 24).
Khi đám đông bị tống ra rồi, thì Ngài đi vào nơi cô bé nằm.
Ngài không đặt bàn tay trên cô như yêu cầu của người cha.
Nhưng Ngài cầm lấy bàn tay cô bé, và cô bé đã trỗi dậy (c. 25).
Ngài đã đụng đến một xác chết và Ngài đã làm cho nó phục sinh.
Đám tang trở thành đám tiệc, làm sao cảm được niềm vui của người cha?
Đức Giêsu đem sự sống trở lại, để sự sống thắng cái chết.
Trên đường đến nhà vị thủ lãnh, một phụ nữ bị băng huyết đến gặp Ngài.
Không gặp diện đối diện, nhưng bà lén đến từ phía sau lưng,
bởi lẽ căn bệnh lâu năm này đã làm cho bà ra ô uế, không được đụng đến ai.
Cũng như vị thủ lãnh, bà có một niềm tin sắt đá:
“Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Ngài thôi, là sẽ được cứu” (c. 21).
Chẳng phải bà tin vào sức mạnh của cái áo choàng như một thứ ma thuật,
nhưng bà tin vào quyền năng của người mặc chiếc áo đó.
Bà đã dám đưa tay ra và sờ vào tua áo choàng của Ngài (c. 20).
Đức Giêsu nhận ra cái đụng chạm đầy lòng tin của bà.
Chính Ngài quay lại, thấy bà và bắt đầu trò chuyện.
“Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu con” (c. 22).
Lòng tin của bà đã được nhìn nhận, và bà được cứu từ giờ ấy.
Ơn chữa lành đến từ một bàn tay dám đưa ra chạm đến Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay là về chuyện của những bàn tay.
Bàn tay quyền năng của Đức Giêsu, bàn tay lạnh giá của cô bé nằm đó,
bàn tay rụt rè, e ngại, nhưng cũng rất quả quyết của người phụ nữ ốm đau.
Bàn tay là điều kỳ diệu Thiên Chúa tặng ban cho con người.
Bao ân sủng đến với tôi qua bàn tay đón lấy Mình Thánh Chúa.
Bao điều tốt đẹp tôi trao cho tha nhân qua bàn tay bé nhỏ.
Chỉ mong tay tôi đừng bị ô nhơ và đừng khép lại trước người đang xin.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến, nó sẽ sống lại".

 Cầu xin liền đấy… mà đâu có được ngay
Người còn đang nói với họ như thế, thì kìa, một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống lại.” Đức Giêsu đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người. (Mt. 9, 18-19)
Từ lòng tin… đến phép lạ
Đọc các sách Phúc âm, đôi khi người ta có cảm tưởng rằng mọi chuyện xảy ra như do phép mầu vậy. Có những người có lòng tin Chúa Giêsu rất mạnh. Họ ngỏ lời thỉnh cầu Chúa, và hầu như điều họ ước muốn đều được thực hiện liền. Điển hình như hai trường hợp được kể lại trong Phúc âm hôm nay.
Khi nghe những câu chuyện tương tự như trên, có thể là chúng ta đã muốn mơ tưởng đến một thời mà kẻ có lòng tin chân thành đều mau chóng được tưởng thưởng. Nhưng ta đừng quá mơ mộng. Không phải cứ có được lòng tin thật tinh tuyền là nhất thiết được ơn phép lạ đâu. Lòng tin không luôn luôn dẫn đến phép lạ. Phúc âm tuy có kể lại nhiều trường hợp kẻ xin được ban ơn ngay do lòng họ tin. Nhưng ai có thể kể được là bao nhiêu những con người mà Phúc âm đã không nói đến, họ là những kẻ đã trong chờ từ lâu, rất lâu, thế mà Chúa vẫn chưa đáp lời họ kêu xin? Ai có thể đếm được là bao nhiêu số người chưa bao giờ được lành bệnh, dầu rằng họ đã thiết tha van xin Chúa với lòng tin sâu xa?
Tin không cần phép lạ
Ta đừng sợ phải cầu xin nhiều, thật nhiều với Chúa. Phải dám cầu xin cả những sự không thể được nữa. Nhưng đừng nghĩ rằng ngay khi ta vừa có lòng tin thực là phép lạ sẽ xảy ra đâu. Chúa đáp lại lời ta cầu xin khi nào và như thế nào là thuộc quyền Chúa. Người nhận lời kẻ này mà không đáp lời người kia. Chỉ có những lời cầu nguyện này mà Chúa luôn luôn đáp lại; đó là những lời cầu nguyện giúp mở lòng ta ra hơn với Chúa, giúp ta biết đón nhận và thực hành ý Chúa hoàn toàn hơn; đó là những lời cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến ở trần gian. Đức tin tinh tuyền không phải là đức tin trông mong có phép lạ, đó là lòng tin đưa đến kính mến Chúa nhiều hơn và yêu thương anh em nhiều hơn.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
9 THÁNG BẢY
Con Người Chiếm Một Chỗ Đặc Biệt Trong Trái Tim Thiên Chúa
Đối với tạo vật nói chung, Thiên Chúa còn dành cho mối quan tâm như thế, thì đối với các con trai con gái của Ngài trong loài người – cao trọng hơn các tạo vật khác nhiều – Thiên Chúa còn muốn săn sóc ân cần hơn biết mấy! Trong bản văn Tin Mừng này nói về sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta nhận ra bậc thang các giá trị rất rõ ràng của thế giới tạo vật: con người chiếm địa vị ưu tiên trên mọi tạo vật khác. Sở dĩ thế bởi vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người chiếm địa vị ưu tiên bởi vì Cha trên trời ưu tiên quan tâm săn sóc con người. Thiên Chúa dành chỗ đặc biệt trong cung lòng Ngài cho con người.
Đức Giêsu xác quyết rằng con người – vì chiếm chỗ ưu tiên trong cung lòng Thiên Chúa như thế – nên có trách nhiệm phải cộng tác với ân huệ mà mình đã nhận được từ sự quan phòng ấy. Con người không thể hài lòng duy chỉ với những giá trị của thế giới này. Con người phải trước hết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi tất cả những giá trị khác (của đời này) sẽ được ban cho con người (Mt 6,33).
Lời của Đức Kitô dẫn chúng ta tới chỗ suy tư về sự săn sóc quá đỗi ân cần và yêu thương của Thiên Chúa – tức sự quan phòng. Một cách thiết yếu, sự quan phòng này tôn trọng bản chất của người ta xét như là một tạo vật có lý trí và tự do.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 09-7
Thánh Augustinô Zhao Rong, linh mục và các bạn tử đạo;
Hs 2, 16. 17b-18.21-22; Mt 9, 18-26.
LỜI SUY NIỆM:
        Người đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống” Đức Giêsu đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người” (Mt 9, 18-20).
        Khi một người đã chết thì họ không còn cứu được mình cũng như không thể cầu khẩn cùng Chúa được. Trong đời sống người Kitô hữu, có khi nào chúng ta đã thấy một người anh em đang chết chìm trong tội lỗi chưa? Những khi ấy chúng ta có nghĩ đến phần rỗi của họ không? Chúng ta có biết họ đang chết không? Chúng ta phải làm thế nào đây? Hay là chúng ta giả mù, giả điếc, giả câm; không một quan tâm.
Chúa Giêsu đang sống và Ngài muốn chúng ta thật sự quan tâm đến hết thảy người anh em, cầu nguyện thay cho họ và Ngài sẽ đến để cho họ được sống lại và sống mạnh mẽ hơn.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
09 Tháng Bảy
Nụ Hôn Của Ðứa Bé
Người Ả Rập thường kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Một ông lão tên là Bi Quan, đãng trí và vô tình đến độ không còn nhớ được mình đã một lần trải qua tuổi hoa niên. Kỳ thực, cả cuộc sống, dường như ông chưa bao giờ biết sống là gì. Ông đã không học biết sống, cho nên cũng không học chết cách nào cho hợp lý, cho xứng đáng với con người...
Ông không có hy vọng, cũng chẳng có ưu tư. Ông không biết cười cũng chẳng biết khóc. Không gì trên trần gian này có thể gây được sự chú ý và ngạc nhiên cho ông. Suốt ngày, ông ngồi trước cửa lều, nhìn trời mà không biết trời xanh hay trời đục...
Ngày kia, có người tìm đến vấn kế vì nghĩ rằng tuổi đời chồng chất, ông hẳn phải là bậc thông thái khôn ngoan. Không mấy chốc, thiên hạ tuôn đến căn lều để tham khảo ý kiến... Những người thanh niên hỏi ông: "Làm thế nào để có được niềm vui?". Ông trả lời: "Niềm vui là một bày vẽ của những kẻ ngu dốt".
Những người có tâm huyết phục vụ đến xin ông chỉ giáo để trở nên người hữu dụng cho xã hội. Họ hỏi ông: "Làm thế nào để xả thân phục vụ người anh em một cách hữu hiệu?". Ông trả lời: "Ai xả thân hy sinh cho nhân loại, người đó là một thằng điên".
Các bậc phụ huynh đến hỏi ông: "Làm thế nào để hướng dẫn con cái trên đường ngay nẻo chính?". Ông trả lời: "Con cái chỉ là loài rắn độc. Chúng chỉ có thể phun ra nọc độc mà thôi".
Các nghệ sĩ, thi sĩ cũng đến xin chỉ giáo để diễn tả được những gì là cao quý nhất trong tâm hồn, ông trả lời: "Tốt nhất là nên thinh lặng". Những lời chỉ giáo của con người chưa biết sống, biết yêu, biết chết ấy không mấy chốc được quảng bá trên khắp thế giới. Tình yêu, lòng thiện hảo, nghệ thuật không mấy chốc biến khỏi Trái đất. Cuộc sống con người chìm ngập trong ảm đạm buồn thảm...
Nhận thấy những tai hại do những lời chỉ giáo của ông lão Bi Quan gây ra trên mặt đất, cho nên Thượng đế mới tìm cách chữa trị. Thì ra, suốt cả đời, ông lão này chưa hề nhận được một cái hôn nào. Thế là Thượng đế mới sai một em bé đến với ông lão. Ðứa bé đã vâng lệnh Thượng đế, nó tìm đến với ông lão Bi Quan, bá lấy cổ ông và đặt lên gò má sần sù của ông một nụ hôn... Ông lão như sực tỉnh. Lần đầu tiên trong đời, ông biết ngạc nhiên và ngây ngất. Ông mở mắt nhìn đứa bé, nhìn vào cuộc đời, rồi nhắm mắt xuôi tay mà nụ cười vẫn còn tươi nở trên môi nhờ nụ hôn của đứa bé.
Cô đơn là nguyên nhân làm cho con người bi quan. Người cô đơn không những không cảm nhận được tình yêu mà cũng không biết yêu.
Tín hữu Kitô phải là người lạc quan bởi vì họ cảm nhận được Tình Yêu của Chúa và được mời gọi để loan báo và san sẻ tình yêu ấy cho người khác.
Có biết bao nhiêu tâm hồn già nua vì không cảm nhận được tình yêu, vì không tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống. Có biết bao nhiêu tâm hồn khô cằn, chai đá vì không hề nhận được một nghĩa cử yêu thương của những người xung quanh...
Người tín hữu Kitô không những sống lạc quan, nhưng còn có sứ mệnh mang lại tinh thần lạc quan cho những người xung quanh. Có biết bao nhiêu người xung quanh đang chờ đợi một cái mỉm cười, một nụ hôn, một cái bắt tay, một lời chào hỏi, một cử chỉ an ủi, đỡ nâng... Bầu trời của cuộc đời sẽ trong sáng biết bao, nếu người người chỉ biết đối xử với nhau bằng Tình thân ái, sự tử tế, lòng quảng đại, tha thứ...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 09
Thánh Âutinh Dao Rong, linh mục 
và các bạn tử đạo


Chúa Thánh Thần biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa trong Chúa Con, Ngài đến trợ giúp chúng ta: cầu nguyện không phải là một kinh nghiệm đơn thân trong đó chúng ta phải ray rứt tự lượng sức mình. Khi cầu nguyện chúng ta cần ý thức những bất lực, những giới hạn của mình, bởi vì khi ấy chúng ta đang đối diện với sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Thế nhưng Thiên Chúa, trong sự toàn mãn của Ngài, không để chúng ta cô độc, Ngài đến trợ giúp chúng ta, Ngài cư ngụ trong con người chúng ta nhờ Thần Khí của Ngài.
 
Kinh Thánh, đặc biệt là Thánh Gioan và Thánh Phaolô, đã nhiều lần nói đến sự hiện diện của Thần Khí Đức Kitô trong chúng ta.Tuy ở trong chúng ta, Ngài vẫn tôn trọng tự do của chúng ta. Ngài không cẩu nguyện thay cho chúng ta, Ngài không thế chỗ của chúng ta; Ngài đến trợ giúp nỗi yếu hèn của chúng ta, từ bên trong, để lời cầu nguyện mà Ngài khơi gợi lên, thực sự là lời cầu nguyện của chính chúng ta.
 
Vậy thì chúng ta hãy quyết tâm cầu nguyện với tất cả lòng thành cùng với những yếu hèn, tuệch toạc, lỡ lầm vô số kể, và hãy nương cậy không ngừng vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta.

]ean-Marie Gueullette, o.p
Các thánh tử đạo Trung Hoa

Ngày 9-7: Thánh Augustine Triu Vinh (趙榮 Zhao Rong) và các bn tun đo.

Ngày 9/7, Giáo hội cử hành thánh lễ tôn kính các vị tuẫn đạo Trung Hoa. Các ngài là những người đã nêu gương anh dũng trong đời sống đức tin Kitô giáo dọc theo lịch sử của đất nước này. Thánh Augustinô Triệu Vinh (趙榮 Zhao Rong), đã anh dũng tuẫn đạo để minh chứng đức tin, là một trong số 120 tín hữu Công giáo đã hy sinh suốt từ năm 1648 đến năm 1930.
Vào năm 1815, một Giám mục tên Từ Đức Tân (徐德新 Gioan Gabriel du-Fresse) bị bắt. Lúc ấy, việc thực hành đạo Kitô bị coi là một hành vi chống lại luật lệ của đất nước Trung Hoa. Một anh lính Trung Hoa canh giữ Đức Giám mục rất đỗi khâm phục ngài bởi sự bình thản và lòng kiên nhẫn đối với cuộc bách hại. Sau khi Giám mục Du-Fresse bị giết, người lính này đã xin gia nhập Giáo Hội. Anh được chịu phép Thanh tẩy và nhận tên là Augustinô. Sau này, Augustinô gia nhập chủng viện và học làm linh mục.
Thụ phong linh mục chẳng bao lâu, Augustinô cũng bị bắt vì là Kitô hữu. Người ta đã tra tấn Augustinô dữ dội hầu làm cho ngài chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô. Thế nhưng, những đau khổ ấy lại chỉ giúp cho Augustinô Triệu Vinh thêm can đảm và làm xác tín hơn niềm tin của ngài. Augustinô Triệu Vinh bị lên án tử và tên ngài được ghi vào danh sách các tín hữu Trung Hoa anh dũng đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin của mình.
Danh sách các vị anh hùng này bao gồm 76 giáo dân, một số em thiếu nhi thậm chí mới bảy tuổi, 8 chủng sinh, 24 linh mục và 6 giám mục. Trong số này, có 88 vị là người gốc Trung Hoa và 34 vị là các nhà truyền giáo đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng các vị đã nhận Trung Hoa là quê hương của mình.
Chúng ta hãy noi gương thánh Augustinô Triệu Vinh và các bạn tuẫn đạo Trung Hoa. Như các ngài, chúng ta hãy sống niềm tin của mình cách vui tươi. Chúng ta hãy can đảm sống cho sự thật dù đôi lúc đó không phải là điều dễ thực hiện.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét