Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

30-07-2012 : THỨ HAI TUẦN XVII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Hai sau Chúa Nhật 17 Quanh Năm

Dụ ngôn hạt cải.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 13, 1-11
"Dân này sẽ như chiếc đai lưng không còn có thể xài được nữa".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ðây Chúa phán cùng tôi rằng: "Ngươi hãy đi mua sắm một dây đai lưng, rồi thắt vào lưng, và ngươi đừng nhúng vào nước". Và tôi đi mua dây đai theo lệnh Chúa, rồi tôi thắt vào lưng.
Lời Chúa phán cùng tôi lần thứ hai rằng: "Ngươi hãy cởi dây đai ngươi đã mua sắm và đang thắt ngang lưng, rồi chỗi dậy đi đến Êuphratê, giấu nó trong hốc đá". Và tôi ra đi giấu nó trong hốc đá như lời Chúa truyền dạy.
Sau nhiều ngày, Chúa lại phán cùng tôi rằng: "Ngươi hãy chỗi dậy, đi đến Êuphratê mà lấy dây đai lưng Ta đã truyền ngươi đem giấu ở đó". Tôi ra đi đến Êuphratê, và lấy dây đai lưng ngay chỗ tôi đã giấu. Nhưng kìa, dây đai lưng đã mục nát cả, không còn xài được nữa.
Và có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Ðây Chúa phán: Ta sẽ khiến cho lòng kiêu căng của Giuđa và lòng kiêu căng tột độ của Giêrusalem ra mục nát như vậy. Dân xấu xa này không còn muốn nghe lời Ta, cứ chạy theo lòng gian tà của nó, và chạy theo các thần ngoại lai để phụng sự và thờ lạy các thần đó, nên chúng sẽ như chiếc đai lưng này không còn xài được nữa". Và Chúa phán tiếp: "Như đai lưng bám sát vào lưng người ta thế nào, Ta cũng đã làm cho nhà Israel và nhà Giuđa bám Ta như vậy, để chúng trở thành dân Ta, cao rao thánh danh, vinh dự và vinh quang của Ta, nhưng chúng đã không chịu nghe".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðnl 32, 18-19. 20. 21
Ðáp: Ngươi đã bỏ Chúa, Ðấng đã sinh ra ngươi (c. 18a).
Xướng: 1) Ngươi đã bỏ Chúa, Ðấng đã sinh ra ngươi; đã quên Chúa, Ðấng đã tạo thành ngươi. Chúa đã thấy, và Người đã nổi cơn thịnh nộ: vì con trai con gái Người đã trêu chọc Người. - Ðáp.
2) Chúa phán: Ta sẽ che giấu mặt Ta khỏi chúng, và nhìn xem tương lai chúng sẽ ra sao: vì là dòng giống ngỗ nghịch và là con bất hiếu. - Ðáp.
3) Chúng đã trêu chọc Ta bằng thứ chẳng phải là Chúa, đã lấy sự dối trá mà chọc giận Ta: Ta sẽ trêu chúng bằng thứ không phải là dân tộc, và sẽ dùng dân tộc dại dột làm cho chúng tức giận. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Ga 17, 17b và a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là chân lý, xin hãy thánh hoá chúng con trong sự thật. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 31-35
"Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt ấy bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".
Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như nắm men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Sự phát triển của Nước Thiên Chúa được ví như một hạt cải: tuy hạt nhỏ bé nhưng được nảy mầm và lớn lên phi thường. Cũng vậy, như nắm men vùi vào ba đấu bột, nắm men có sức mạnh làm dậy tất cả đấu bột. Hạt cải và nắm men nhỏ bé, nhưng đưa đến kết quả ngoài sức tưởng tượng. Nước Thiên Chúa cũng có sức mạnh để phát triển, làm sung mãn và biến đổi được tất cả như vậy.

Cầu Nguyện:
Giáo Hội, từ một nhúm nhân là Mười Hai vị Tông Ðồ làm nền tảng, ngày nay đã lan rộng ra khắp năm châu bốn bể. Giáo Hội đã dâng lên Thiên Chúa bao vị thánh, bao mẫu gương thiện hảo đang làm biến đổi thế giới.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng con ý thức từng lời nói, hành động nhỏ bé của chúng con, để như men, như hạt cải được lớn lên cho Nước Trời mau lan rộng trong tâm hồn mọi người. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Suy Niệm:
Hạt Cải, Nắm Men
Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo Hội tiên khởi trong sự khó nghèo và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.
Dựa vào những hình ảnh này, Chúa Giêsu cho thấy kiểu cách truyền giáo của Ngài không phù hợp với những chờ đợi của người Do thái, nghĩa là Nước Trời đến trong thầm lặng, như Chúa Giêsu đã nói: "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Bởi vì thánh sử viết Phúc Âm sau thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu trên đất Palestin, chúng ta có thể thấy ngay sự bành trướng đầu của Nước Trời và của Tin Mừng nơi các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Thánh sử nói rõ: trên cành cây cải, chim trời có thể đến trú ngụ, điều này ám chỉ các dân ngoại được kết nạp vào Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập.
Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Ngài không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Trong cử hành Thánh Lễ, Lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết lãnh nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ được biến đổi nên giống Chúa Giêsu.
Chúng ta hãy cầu xin cho Dân Chúa tức là Giáo Hội trở nên dấu chỉ của hạt giống và men của Nước Trời trong thế gian này, cho tới ngày Nước Chúa được hoàn tất trong vinh quang.

(Veritas Asia)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ HAI TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: Jer 13:1-11; Mt 13:31-35

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Đức tin phải được tăng trưởng, nếu không sẽ tàn lụi vô dụng.
Đức tin là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho con người qua lời rao giảng của các nhà truyền giáo. Bổn phận của con người là làm sao để cho đức tin ấy tăng trưởng mỗi ngày một mạnh hơn. Để đức tin được tăng trưởng, gian nan thử thách là điều cần thiết; nếu không có gian nan thử thách, con người sẽ không có cơ hội chứng tỏ đức tin của họ vào Thiên Chúa.
Các bài đọc hôm nay dùng ba hình ảnh khác nhau để nói lên sự cần thiết phải bám víu lấy Chúa nếu không muốn bị tàn lụi và trở nên vô dụng. Trong bài đọc I, Đức Chúa truyền cho Jeremiah mua một chiếc đai lưng bằng vải gai và đem giấu trong một kẽ đá tại vùng Euphrates; ít lâu sau Ngài lại truyền cho ông đi lấy chiếc đai lưng về, nhưng nó đã mục nát cả. Hành động biểu tượng này ám chỉ con cái Israel giống như chiếc đai lưng, nếu họ không quấn chặt quanh chủ của nó là Đức Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cho khán giả hai ví dụ về niềm tin: Niềm tin được ví như hạt cải, tuy nhỏ nhất trong các hạt; nhưng khi tăng trưởng, nó lớn lên và thành cây đến nỗi chim trời kéo đến nương náu. Niềm tin cũng có thể ví như nắm men đem dùi trong bột cho đến khi dậy men, nó có thể làm dậy ba thúng bột trước khi trở thành những ổ bánh cho con người dùng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Israel được ví như chiếc khăn bằng lụa.

Người xưa không mặc quần như chúng ta ngày nay, họ dùng một tấm vải dài để quấn chung quanh phần hạ bộ của người đàn ông. Nhìn lên Thập Giá, chúng ta thấy Chúa Giêsu quấn một chiếc khăn theo như truyền thống của Do-thái. Mục đích của trình thuật có ý muốn nói: chiếc khăn quí phải gắn liền với chủ nhân của nó như Israel phải gắn liền với Thiên Chúa.

1.1/ Euphrates (600 miles) hay Pharan (4 miles)?
Sau khi Jeremiah đã mua chiếc khăn và quấn chung quanh hạ bộ, Chúa truyền cho ông tháo khăn ra và đi đến sông Euphrates (Babylon ngày xưa và Iraq ngày nay) và giấu chiếc khăn vào một hốc đá ở đó. Chiếc khăn bị đem giấu đi là chiếc khăn không còn công dụng của nó. Hình ảnh này được dùng để báo trước cuộc lưu đày của Jerusalem và Judah vào năm 587 BC sang Babylon.
Có hai ý kiến về nơi giấu chiếc khăn: Một ý kiến cho nơi giấu là Pharan, chỉ cách Anathoth có 4 dặm về phía Đông Bắc. Aquila ủng hộ ý kiến này, vì Euphates bên Babylon quá xa để đi bộ. Ngôn sứ phải đi bộ 600 miles để đi giấu và 600 miles nữa để đi lấy về. Bản Bảy Mươi cho nơi giấu là Euphrates vì đây là địa danh mà con cái Israel phải đi lưu đày. Ý kiến của bản Bảy Mươi có cơ sở hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là một hành động biểu tượng, nó có thể hiểu như một dụ ngôn.

1.2/ Ý nghĩa của câu truyện
Sau cùng, Chúa truyền cho ông đi qua đó lấy chiếc khăn về: Chiếc khăn đã mục nát vì thời tiết nắng mưa và không còn dùng được nữa: Đây là bài học cho dân Do Thái, họ giống như chiếc khăn phải được cuốn chung quanh người của chủ họ là Thiên Chúa. Nhưng nếu họ kiêu hãnh từ chối không ở gần Chúa, họ sẽ bị đi lưu đầy nơi đất khách quê người và sẽ bị tàn tạ như chiếc khăn rách nát vô dụng.
Vì kiêu hãnh, Israel đã từ chối không nghe lời Thiên Chúa; họ muốn làm theo ý riêng họ chứ không theo ý Thiên Chúa; và đã đi theo các thần ngoại để thờ phượng và phục vụ chúng. Nếu muốn trở nên một dân tộc, một tên tuổi, một lời ca tụng, một vinh quang, họ phải gắn liền với Chúa, nhưng họ đã từ chối không nghe lời Thiên Chúa.
Vì thế, Đức Chúa phán thế này: “Ta sẽ huỷ diệt thói kiêu hãnh của Judah và thói kiêu hãnh lớn lao của Jerusalem như vậy. Dân xấu xa này không chịu nghe lời Ta, cứ ngoan cố cứng lòng, chạy theo các thần khác mà làm tôi và sụp lạy chúng; nó sẽ nên như chiếc đai lưng hoàn toàn vô dụng kia. Vì, cũng như chiếc đai lưng người ta thắt ở lưng, Ta cũng thắt chặt cả nhà Israel và nhà Judah vào Ta như vậy, để chúng trở thành dân của Ta, dân đem lại cho Ta tiếng tăm, danh dự và vinh quang. Nhưng chúng đã chẳng chịu nghe. Sấm ngôn của Đức Chúa.”

2/ Phúc Âm: Nước Trời được ví như:

2.1/ Hạt Cải:Palestine, hạt cải có thể trở thành cây khoảng 3,4 thước khác với hạt cải ở vùng Đông Nam Á chỉ có thể trở thành rau. Điểm chính Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là hạt cải tuy nhỏ bé nhất trong các hạt, nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn đến nỗi chim trời có thể làm tổ trên cành của nó.
Đức tin của chúng ta cũng được Chúa ví như hạt cải (Mt 17:20), tuy nhỏ bé nhưng nhờ sức mạnh của Chúa có thể dời được núi non. Không có gì là không thể đối với những người có đức tin vững mạnh vào Chúa. Nước Trời được xây dựng trên đức tin của nhiều hạt cải nhỏ bé, nhưng nếu các hạt cải này tăng triển thành cây; rồi từ các cây này lấy hạt trồng thêm nhiều cây khác nữa... Sẽ có ngày cả trái đất sẽ đầy tràn các cây cải. Nước Trời cũng bắt đầu bằng đức tin của một người rồi cứ thế lan tràn ra cho đến khi trái đất đầy tràn những người tin vào Chúa.

2.2/ Men trong bột: Ba đấu bột là số lượng thường dùng để làm bánh cho một gia đình.
Đối với những người làm bánh, họ có thể nhận ra sự khác biệt lạ thường của men. Cùng một loại bột, nhưng bột không dùng men khi nướng lên chỉ thành cái bánh qui nhỏ hay như cái bánh “fortune cookie” chỉ đủ cho một người ăn; nhưng nếu dùng men và để cho dậy tối đa trước khi nướng sẽ trở thành một ổ bánh có thể cả gia đình cùng ăn.
Giống như dụ ngôn hạt cải ở trên, Nước Trời được ví như nắm men tuy bắt đầu rất nhỏ bé, nhưng một khi đã lan tràn thì sẽ lớn mạnh đến nỗi không ai có thể đo lường được.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Cuộc đời con người chỉ có ý nghĩa khi sống kết hiệp với Thiên Chúa, càng xa Thiên Chúa bao nhiêu, cuộc đời con người sẽ trở thành vô nghĩa bấy nhiêu.
- Đức tin con người có được là nhờ đức tin của các tiền nhân đi trước cũng như hạt cải có được là nhờ các cây cải có trước. Bổn phận mỗi người là phải tiếp tục làm cho đức tin đó lan rộng cho đến tận cùng trái đất.
- Đức tin cần phải được vun trồng mỗi ngày bằng Lời Chúa và các bí tích; nếu không sẽ trở nên yếu dần và tàn lụi đi. Một đức tin vững mạnh có thể làm được mọi sự.
- Đức tin mỗi người cần được sự nâng đỡ và trợ giúp của giáo hội địa phương và Giáo hội toàn cầu mới có thể đứng vững trước những phong ba bão táp của cuộc đời.
Lm. An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.


Thứ Hai tuần 17 thường niên
Sứ điệp: Người Kitô hữu như là những hạt cải và nắm men được Thiên Chúa gieo vào trần gian để làm cho Nước Chúa phát triển.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chỉ với một nhóm Mười Hai nhỏ bé được Chúa gieo vào một dân tộc, mà hôm nay khắp mọi nơi trên thế giới, người ta đã biết đến và đang nhìn thấy Giáo hội của Chúa. Dù thế giới còn đầy dẫy những bóng tối của tội lỗi, của hưởng thụ, của bất công, bạo lực, nhưng ánh sáng của chân lý Phúc Âm trong Giáo Hội đang trở thành niềm hy vọng cho thế giới vươn lên.
Lạy Chúa, hôm nay, Chúa cũng đang cần đến con như cần đến một hạt cải nhỏ bé: một hạt cải của sự khiêm nhường, của lòng quảng đại, hăng say và nhiệt tình, để Chúa có thể đến với mọi người, mọi nơi.
Chúa cũng đang cần đến con như cần đến một nắm men thấm sâu vào môi trường con đang sống: nắm men của lòng bác ái, bao dung, công bằng, của tinh thần trách nhiệm để làm dậy lên một cuộc sống mới khi mọi người biết yêu thương nhau.
Lạy Chúa, được như thế không phải là điều đơn giản. Con chỉ là một con người yếu đuối và ích kỷ, đức tin yếu kém và lòng mến lạnh nhạt. Nhưng con tin sức mạnh của ơn thánh Chúa sẽ biến đổi con. Xin cho con biết khiêm nhường và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Con sẽ cố gắng hết khả năng, phần còn lại con tin Chúa sẽ hoàn tất tốt đẹp.
Con tin rằng sức mạnh Nước Trời sẽ bắt đầu trong âm thầm khiêm tốn, nhưng sẽ phát triển từ từ theo thời gian, và cuối cùng sẽ đạt tới kết quả lớn lao tốt đẹp. Lạy Chúa, con tin vào quyền năng Chúa. Xin trợ giúp con. Amen.
Ghi nhớ : "Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".

30/07/12 THỨ HAI TUẦN 17 TN
Th. Phêrô Kim Ngôn

Mt 13,31-35

NHỎ NHƯNG KHÔNG NHỎ

“Nước Trời cũng giống như hạt cải… Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất.” (Mc 13,31-32)

Suy niệm: Để có thể bán nhiều sản phẩm hơn, các nhà sản xuất thường tung ra những “chiêu” quảng cáo như: khối lượng lớn hơn, chất lượng tốt hơn, kiểu dáng hấp dẫn hơn, nhưng giá bán vẫn như cũ. Trong nhiều trường hợp, yếu tố “ngoại hình” đóng một vai trò hết sức quan trọng, nếu không nói là quyết định. Chúa Giê-su dường như đang đi ngược với xu thế quảng cáo đó khi Ngài giới thiệu “mặt hàng” Nước Trời: một hạt cải nhỏ xíu bị vùi lẫn trong đất đen, một nắm men ít oi chìm mất trong thúng bột. Thế nhưng, ẩn chứa bên trong cái ngoại hình không lấy gì làm ấn tượng đấy là một sức mạnh đầy sáng tạo phong phú.

Mời Bạn: Đừng coi thường những gì nhỏ bé bởi vì đó là tính cách của Nước Trời, là thói quen hoạt động của Thiên Chúa. Những việc nhỏ, một nghĩa cử thân ái, một lời nói an ủi, khích lệ, một công việc bổn phận hằng ngày được thực hiện cách chu đáo, v.v… những việc nhỏ như thế sẽ không còn là nhỏ nếu như chúng được thực hiện bởi một niềm tin son sắt và một tình yêu nồng nàn dành cho Đức Ki-tô. Những công trình lớn lao sẽ chỉ là trống rỗng nếu thiếu vắng động cơ tiềm tàng này.

Sống Lời Chúa: Chu toàn thật tốt những công việc bổn phận hằng ngày của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa coi trọng đồng tiền nhỏ của bà goá, Chúa nói Nước Trời thuộc về những ai có tâm hồn trẻ thơ. Con xin dâng những công việc nhỏ bé hằng ngày con làm vì yêu mến Chúa, để nhờ đó Chúa cho con được vinh dự góp phần xây dựng Nước Trời.



Tất cả bột dậy men 
Suy nim:
Hội nhập văn hóa là việc mà nhà truyền giáo thời nay quan tâm.
Làm sao đưa Tin Mừng vào nền văn hóa của người bản xứ?
Làm sao đưa những nét đẹp của nền văn hóa bản xứ vào việc sống Tin Mừng?
Làm sao để Kitô giáo vừa mang nét mới mẻ của ơn cứu độ có tính phổ quát,
vừa mang tinh túy của từng vùng, từng nền văn hóa, tôn giáo, xã hội?
Đó là một nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và tình yêu.
Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của cha Matteo Ricci (1552-1610),
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cao gương của vị tu sĩ Dòng Tên này.
Với thiện cảm sâu xa đối với văn hóa và tôn giáo của người Trung Hoa,
cha Matteo đã đem Tin Mừng đến để bổ sung những truyền thống tốt đẹp.
Cha hiểu biết về Khổng giáo như một nho gia uyên thâm,
và chấp nhận việc cúi mình để tôn kính Khổng Tử và các bậc tổ tiên.
Dùng kiến thức về khoa học của mình để phục vụ,
Cha là người vẽ bản đồ thế giới đầu tiên với nước Trung Hoa nằm ở giữa.
Mười năm cuối đời sống ở Bắc Kinh, cha viết sách biện giáo,
quen biết với nhiều học giả trong triều đình và đưa họ vào Kitô giáo.
Cách truyền giáo của cha Matteo khiến ta nghĩ đến dụ ngôn men và bột.
Người phụ nữ đã trộn men vào một lượng bột rất lớn.
Ba đấu bột bằng khoảng 50 ký bột, làm bánh đủ cho cả trăm người ăn.
Điều đáng ta để ý ở đây là chuyện trộn men vào bột.
Một lượng men nhỏ được người phụ nữ trộn đều với khối bột lớn.
Đây là một công việc vất vả, làm bằng tay.
Khi được trộn nhuyễn, ta không còn phân biệt được men với bột
Qui trình lên men đòi hỏi thời gian.
Men phát huy sức mạnh tiềm ẩn của nó, khi làm cả khối bột lên men, nở ra.
Bấy giờ ta mới nhận ra sự hiện diện ẩn dấu và tác động của men trong bột.
Khi ăn những tấm bánh thơm, chẳng ai thấy men, vì men đã thành bánh rồi.
Nhưng không có men thì cũng chẳng có bánh.
Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để nói về Nước Trời.
Khởi đầu chỉ là một số lượng nhỏ bé,
nhưng với thời gian sẽ gây được một ảnh hưởng lớn lao và tốt lành.
Tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam không đông, một lượng men nhỏ.
Nhưng nếu chúng ta khiêm tốn có mặt và phục vụ giữa lòng dân tộc,
tôn trọng những giá trị văn hóa và tâm linh của đồng bào,
chúng ta có hy vọng làm cho khuôn mặt của Công giáo
trở nên phong phú hơn, dễ mến hơn và hấp dẫn hơn.
Phải chấp nhận như men bị chôn vùi, biến mất trong đống bột.
Phải có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực nghiên cứu.
Nhưng cũng phải kiên nhẫn chờ men phát huy tác dụng.
Nếu chúng ta chẳng làm cho đất nước này thành tấm bánh thơm ngon,
nếu môi trường chúng ta đang sống, đang làm việc chẳng có gì tiến bộ,
chẳng công bằng hơn, huynh đệ hơn, hạnh phúc hơn, trong sạch hơn…
thì có khi chúng ta phải tự hỏi xem mình có còn là thứ men tốt không.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Hạt cải trở thành cây đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".
Một thân thể có tầm vóc Thiên Chúa.
Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo vào ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt. 13, 31-33)
Hai dụ ngôn này (dụ ngôn hạt cải và nắm men) tóm tắt tất cả lịch sử cuộc đời và sứ điệp Đức Giêsu! sẽ là lầm lạc khi kêu gào cho chủ nghĩa chiến thắng, hoặc hiểu rằng dụ ngôn này chỉ áp dụng cho đời sống thiêng liêng của ta thôi. Khi nói về “Nước Thiên Chúa” Chúa Giêsu không nghĩ đến cá nhân nào, mà chỉ nhìn thân thể mầu nhiệm của Người trong tất cả quá trình khổ nạn và phục sinh, một thân thể ấy không ngừng lớn lên và phát triển.
Thân thể mầu nhiệm.
Thân thể ấy sẽ trải qua những cơn khủng hoảng, tất cả những cơn khủng hoảng của sự phát triển như những nổi loạn để tỏ tính độc lập tự chủ, những cơn bừng dậy của tuổi trưởng thành mà lại phủ nhận mình trưởng thành, không dám nhận trách nhiệm, từ chối cả những niềm vui của tuổi ấy.
Một thoáng nhớ lại lịch sử Giáo hội như thế, cho ta thấy rõ rằng tất cả chúng ta là Nước Thiên Chúa. Khi khẳng định như vậy, thiết tưởng ta không nên kết án lời cự tuyệt mạnh mẽ của những người khác, là tự kiêu tự đại về ưu thế, về chủng tộc được tuyển chọn của họ. Có lẽ đó chỉ là thái độ của một số cá nhân thôi, chứ không phải là giáo huấn của Chúa Giêsu.
Cây mà “Chim trời tới làm tổ trên cành được” Cây ấy đón nhận mọi loài chim chóc, không hề có sự phân biệt, vì cây không loại trừ một con chim nào, nhưng che chở tất cả, là nơi có muôn mầu muôn vẻ thanh bình.
Hạt giống Phúc Âm ấy, nắm men bé nhỏ kia là Đức Kitô và Nước Trời chính là lẽ sống của ta, là nguyên lý cho ta tìm được hạnh phúc và tình yêu.
Hãy làm thành những tế bào của con người.
Một người hoàn toàn hiến thân cho Nước Thiên Chúa, để cho Nước ấy biến đổi, tái tạo mình, thì đúng là tấm men vùi trong môi trường người ấy sống và ảnh hưởng tốt đến môi trường ấy. Sức sống nơi người ấy tác động đến tất cả những người chung quanh. Không phải những biến cố lịch sử lớn lao mới có tác động mạnh mẽ đến đời sống con người, nhưng cả đến những sinh hoạt rất đời thường vẫn diễn ra hằng ngày cũng khiến chúng ta cảm nhận được sức sống này. Khi một người có trái tim đầy tràn yêu thương thì tình yêu của người ấy luôn bộc lộ và tỏa làn sang người khác vậy.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
30 THÁNG BẢY
Sự Dữ Có Nhiều Bộ Mặt
Trước hết chúng ta phải hiểu mình muốn nhắm đến điều gì trong ý niệm “sự dữ” và “đau khổ”. Nó mặc lấy rất nhiều hình thức. Chẳng hạn, người ta thường phân biệt giữa ý nghĩa thể lý và ý nghĩa luân lý. Sự dữ luân lý được phân biệt với sự dữ thể lý chủ yếu ở sự kiện rằng nó có bao hàm tội lỗi, vì nó tùy thuộc vào ý chí tự do của con người.
Sự dữ luân lý phân biệt với sự dữ thể lý bởi vì sự dữ thể lý không thiết yếu và không trực tiếp liên quan đến ý chí của con người. Nói vậy không có nghĩa rằng sự dữ thể lý không thể bị gây ra bởi con người hay không thể là hậu quả của tội lỗi con người. Thực tế, rất nhiều sự dữ thể lý do chính con người gây ra. Đôi khi sự dữ thể lý xảy ra do sự ngu muội hay bất cẩn của con người, nhiều trường hợp khác nó xảy ra một cách gián tiếp do sự cẩu thả hoặc do những hành động trực tiếp tác hại.
Nhưng chúng ta biết rằng trên thế giới có nhiều nguyên nhân của sự dữ thể lý xem ra không liên can gì đến con người. Chẳng hạn, ta có thể nghĩ đến các vụ thiên tai hay những trường hợp rối loạn tâm thần không do con người gây ra.
Đối diện với những vấn nạn ấy, chúng ta cảm thấy – như Gióp – rằng thật khó đưa ra câu trả lời. Chúng ta tìm kiếm câu trả lời không ở nơi chính mình, nhưng phải khiêm tốn và tín nhiệm để tìm nơi Lời Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta gặp thấy một tuyên bố trứ danh và rất hàm súc: “Từ chân trời này, đức khôn ngoan vươn mạnh tới chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp” (Kn 7,30; 8,1).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh;
Gr 13, 1-11; Mt 13, 31-35.
LỜI SUY NIỆM: Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Mt 13,33).
        Chúa Giêsu đang đem Nước Trời đến trong trần gian này. Ngài đang mời gọi những người thiện chí cọng tác với Ngài để xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho con người khi sống với nhau và sống với thiên nhiên.
        Đó là những mặc khải, những giáo huấn của Ngài cũng như những việc Ngài đã thực hiện và đang thực hiện,  nhất đó là cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Ngài. Khi nhìn vào Giáo hội của Ngài thiết lập, người ta thấy nó quá là nhỏ nhoi, so với cả nhân loại, nhưng chính những cái nhìn bên ngoài thấy nhỏ nhoi đó, lại là một sự đang khuấy động không ngừng cho đến một ngày mọi tâm cang của con người sẽ sống và thực hiện sự công chính trọn vẹn trên trần gian này.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 30-07:

Thánh PHÊRÔ CHRYSÔLOGÔ
Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (+450)
Thánh Phêrô có biệt hiệu là Chrysôlôgô (kim ngôn) bởi tài hùng biện đặc biệt của Ngài. Ngài sinh vào khoảng năm 405, tại miền Imola, nước Ý. Đức Giám mục giáo phận Imola là Cornêlliô phong chức phó tế cho Ngài. Dưới sự hướng dẫn của Đức giám mục, Ngài thực hiện những bước tiến lạ lùng trên con đường trong tu viện.
Năm 430, Đức tổng giám mục Gioan của giáo phận Ravenna từ trần. Trong khi tìm vị chủ chăn mới, hàng giáo sĩ và giáo dân đã xin Đức giám mục Iomola nhập đoàn phải họ để đi Roma yết kiến Đức giáo hoàng Sixtô III coi Phêrô như người được tiền định để làm giám mục Ravenna. Ngài liền đặt Phêrô làm giám mục Ravenna, kế vị Đức giám mục Gioan năm 433. Các đại biểu của Giáo phận này lúc đầu tỏ ý bất bình, nhưng rồi đã đổi thái độ khi được đức giáo hoàng Sixtô III cho biết thị kiến của mình.
Vâng theo ý Chúa, Phêrô thụ phong giám mục và trở về Ravenna. Trong bầu khí tiếp đón nồng nhiệt, Ngài nói: - Tôi đến với anh chị em như một y sĩ đến chữa trị, như một mục tử để dẫn dắt, như một người mẹ để nuôi dưỡng, như một người cha để bảo vệ và chăm sóc phần rỗi đời đời của anh chị em. Vậy anh chị em hãy mau mắn vâng phục cách thích đáng đối với tác vụ rất thánh của tôi.
Đầy nhiệt thành bứng rễ các việc thờ ngẫu tượng còn rớt lại, cũng như lên án sự giả tạo của giáo dân. Trong một cuộc lễ vào đầu năm, Ngài đã phá những cuộc diễn hành đáng tội trên đường phố : - Ai muốn vui chơi với ma quỉ thì không thể vui hưởng với Chúa Kitô.
Ngài đã nhiệt tâm rao giảng. Ngày nay chúng ta còn giử lại được khoảng 180 bài giảng của Ngài. Lời lẽ đơn sơ nhưng đầy nhiệt huyết. Người ta không thể quên được những lời như:
- Nằm trong thói hư tính xấu, chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chúng ta sẽ thực sự đứng thẳng khi biết chỗi dậy để tiến thẳng tới bằng các việc lành.
- Ai biết tìm kiếm trong đức tin, sẽ thấy ngay rằng là Cha đang ở đó, vì họ.
- Mọi sự dữ cha mẹ làm cho con cái, Thiên Chúa là Cha hết người sẽ trả lại cho họ.
- Các tiền nhân sống cho chúng ta. Chúng ta sống cho thế hệ mai sau. Không ai sống cho mình cả.
Người ta cũng còn nhớ lời Ngài kêu gọi sống bác ái:
- Biết nói sao về niềm tin lễ Giáng sinh, nếu người nghèo than khóc tù nhân rên siết, dân tị nạn than thở, người lưu đày thổn thức, người Do thái mừng lễ bằng thuế thập phân, còn người Kitô hữu nghĩ sao khi họ không mừng bằng một phần trăm của cải ? Tôi đau buồn, phải, tôi đau buồn vì các đạo sĩ trải vàng trên nôi Chúa Kitô trong khi các Kitô hữu để cho thân thể Chúa Kitô trống trải, khi mà những người nghèo than khóc. Đừng nói rằng tôi không có gì. Thiên Chúa muốn xin cái anh em có chứ không phải cái anh chị em không có, khi mà Ngài thương nhận hai đồng tiền của bà góa. Hãy tận tâm với Đấng tạo thành và tạo vật cũng sẽ tận tâm với anh chị em.
Thánh Phêrô Chrysôlôgô đã trở thành danh tiếng, đến nỗi Đức giáo hoàng Lêo I đã trao cho Ngài đọc tại công đồng Chalcedonia một luận án chống lại lạc thuyết của Eutychèr, Ngài cũng còn viết một bức thư cho kẻ lạc giáo này để khuyên ông ta vâng phục Giáo hội.
Sau cùng, sau khi cai quản giáo phận Ravenna trong 18 năm, thánh giám mục biết rằng mình sắp tới hồi kết thúc các nỗ lực. Ngài muốn lui về Imola để dọn mình chết. Ngày 3 tháng 12 năm 450 Ngài đã từ trần và năm 1729 được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
30 Tháng Bảy
Người Tử Tù

Tại một nhà tù nọ, có một người đàn ông bị kết án tử hình. Nhưng người ta thấy anh không hề tỏ ra nao núng, trái lại lúc nào cũng vui tươi ca hát.
Ngày nọ, các quản giáo bắt gặp anh đang chơi tây ban cầm trong sân chơi của trại tù. Ðám đông bu quanh anh, lúc đầu còn nhút nhát, về sau mọi người cùng hát theo tiếng đàn của anh. Thấy thế, ban giám đốc nhà tù mới ra lệnh không cho anh được chơi đàn nữa.
Nhưng ngày hôm sau, tù nhân đã có bản án tử hình ấy vẫn tiếp tục ra sân chơi và đàn ca như mọi ngày. Ðám đông tù nhân cũng tuôn đến ca hát với anh. Không chịu nổi nữa, những người canh tù sấn đến túm lấy anh và chặt đứt những ngón tay của anh. Họ nghĩ rồi đây anh sẽ không còn chơi đàn được nữa và như vậy đám đông cũng không còn tụ tập được nữa. Nhưng ngày hôm sau, cũng người tử tội ấy, cũng đám đông ấy tụ tập lại trong sân tù và với đôi tay cụt, anh vẫn có thể đàn được những điệu nhạc càng thảm thiết hơn. Lần này, những tên canh tù lôi anh đi và đập nát chiếc đàn.
Ngày hôm sau, con người đáng thương ấy cũng trở lại sân chơi và cất tiếng hát vang. Tiếng hát ca của anh dặt dìu, tha thiết và mời gọi đến nỗi đám đông cũng kéo đến hòa cùng tiếng hát với anh. Lần này, những tên canh tù mới đưa anh đi và họ cắt lưỡi anh. Họ nghĩ rằng tiếng đàn đã bị dập tắt, tiếng ca cũng sẽ bị tắt lịm và như vậy, không còn ai sẽ tụ tập trong sân nữa.
Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày hôm sau, người tử tội vẫn trở lại sân chơi. Lần này, anh không đàn, không hát, nhưng nhảy múa theo một điệu nhạc câm mà chỉ mình anh mới có thể nghe được. Không mấy chốc, đám đông tù nhân kéo đến và họ nhảy múa xung quanh con người khốn khổ ấy.
Câu chuyện trên đây nhắc chúng ta nhớ đến một vũ công Ấn Ðộ tên là Sudha Chandran. Chính lúc cô đạt đến tuyệt đỉnh của danh vọng cũng là lúc bàn chân phải của cô phải bị cưa. Nhưng người vũ công đầy ý chí này đã không bỏ cuộc... Sau khi bình phục, cô đã ráp chân giả và luyện tập cho đến khi nhuần nhuyễn trở lại như trước. Khi được hỏi: "Làm thế nào để có thể nhảy múa bình thường trở lại?". Cô trả lời: "Chúng ta không nhất thiết cần có chân mới có thể nhảy múa được".
Thiên Chúa không ban cho chúng ta một số lượng nén bạc đồng đều. Kẻ được năm nén, người được hai nén, kẻ chỉ được một nén... Một nén đó có thể là một nén của nghèo nàn, bất hạnh, rủi ro, mất mát. Nhưng trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, nén bạc vẫn có thể sinh lời được những hoa trái của yêu thương, của tin tưởng, của lạc quan vui sống...
Chúng ta không nhất thiết cần có đôi chân mới nhảy múa được. Chúng ta có thể nhảy múa với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có thể ca hát với lòng tin yêu, vui sống..
Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Chúa. Dù tù đày, dù bệnh tật, dù khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng mến, thì cuộc sống trơ trụi, nghèo hèn của chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng, tri ân dâng lên Chúa.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 30
 
Thánh Phêrô Kim Ngôn,
 
giám mục, tiến sĩ Hội Thánh


                                    
Lạy Chúa Thánh Thần, Ánh Sáng nội tâm, trong thửa đất đã được cày xới của đời sống chúng con, Ngài đã đến gieo vào hạt giống tâm tình phó thác. Bởi thế chúng con ước ao tiếp đón Ngài thật đơn sơ, như những người nghèo của Tin Mừng.
Fr. Roger, cộng đoàn Taizé
Frere Roger_Taize'.



Đức Kitô đã đến ban cho con người căn tính đích thực của mình, không còn là hình bóng hao hao như trước kia. Để được như thế, Đức Kitô đã mang lấy tuổi thơ và chấp nhận được nuôi sống. Ngài đã đi vào trong thời gian để thiết lập thời đại duy nhất hoàn hảo, thời đại trường tồn, thời đại mà chính Ngài đã làm nên. Ngài mang lấy con người để con người không thể nào sa ngã nữa.
Kẻ mà trước đây Ngài đã tạo dựng, kẻ thuộc về hạ giới, nay Ngài làm cho nó thuộc về thiên giới. Kẻ trước đây sống nhờ thần khí loài người, nay Ngài ban cho nó sự sống của Thần Khí Thiên Chúa. Ngài chuyển nó hoàn toàn vào trong Thiên Chúa, đến độ mà những gì nơi nó trước đây là tội lỗi, là chết chóc, là vất vả, là đớn đau, là thuần túy hạ giới, thì nay vĩnh viễn biến mất nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúá Cha, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, bởi Ngài là Thiên Chúa, bây giờ và mãi mãi đến muôn thuở muôn đời.

Thánh Phêrô Kim Ngôn
Thứ Hai 30-7

Thánh Phêrô Chrysologus

(406-450?)
T
hánh Phêrô Chrysologus sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi Ðức Cornelius, là Giám Mục của Imola. 
Thánh Phêrô có biệt danh là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của ngài. Vào năm 433, Ðức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục của Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần, và chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.
Ngài tẩy sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài nhận xét, "Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Ðức Kitô." 
Thánh Phêrô Chrysologus từ trần ở Imola năm 450, và năm 1729 ngài được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày nay.

Lời Bàn

Chắc chắn rằng thái độ của Thánh Phêrô Chrysologus đối với việc học đã đem lại cho ngài tài hùng biện. Theo quan điểm của thánh nhân, ngoài việc trau dồi đức tính, việc học hỏi là sự thăng tiến lớn lao cho trí óc con người và giúp hỗ trợ tôn giáo. Sự ngu dốt không phải là một đức tính, và cũng không giúp gì cho trí óc. Kiến thức là nguồn hãnh diện không khác gì khả năng của thể xác, về hành chánh hay tài chánh. Là một con người đích thực thì phải phát triển kiến thức -- dù kiến thức đạo hay đời -- theo khả năng và cơ hội của mỗi người.

Lời Trích

Eutyches, người lãnh đạo lạc giáo từ chối nhân tính của Ðức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết án, ông tìm sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh Phêrô Chrysologus. Thánh nhân thành thật nói với ông ta: "Vì lợi ích cho đức tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của vị giám mục Rôma." Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể và ngài nhắc cho ông biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội khiến thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét