Trang

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

24-07-2012 : THỨ BA TUẦN XVI MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Ba sau Chúa Nhật 16 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) Mk 7, 14-15. 18-20
"Chúa ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển".
Trích sách Tiên tri Mikha.
Lạy Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Chúa sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, tôi cho nó thấy những việc lạ lùng. Có Chúa nào giống như Chúa là Ðấng dẹp tan mọi bất công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa, cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 2-4. 5-6. 7-8
Ðáp: Lạy Chúa, xin cho chúng con được nhìn thấy tình thương của Chúa (c. 8a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, Chúa đã phù trợ đất nước của Ngài, đã tài tình thay đổi số phận nhà Giacóp. Chúa đã tha thứ lỗi lầm của dân Ngài, và che đậy mọi điều tội ác của họ. Chúa đã cầm hãm tất cả sự bất bình, và tự nguôi đi lòng phẫn nộ. - Ðáp.
2) Lạy Chúa là Ðấng cứu độ, xin thương hồi phục chúng con, và từ bỏ lòng xung giận chúng con. Phải chăng Chúa giận chúng con muôn đời ngàn kiếp, hay là kéo dài lòng căm hận tới muôn đời? - Ðáp.
3) Há không phải chính Ngài cho chúng con hồi sinh, để dân tộc Ngài được hoan hỉ ở nơi Ngài? Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 12, 46-50
"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Tình huyết nhục là tình rất thân thiết. Ðức Giêsu là con người. Ngài cũng sống theo tình cảm đó. Tuy nhiên ở đây, không phải Ðức Giêsu coi nhẹ tình gia đình tự nhiên, cũng không phải Ngài lãnh đạm với mẹ và anh em của Ngài. Nhưng Ngài muốn đề cao hơn mối liên hệ thiêng liêng trong niềm tin và lòng yêu mến. Bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu đã đưa ra một tiêu chuẩn để có thể trở thành những thành viên trong đại gia đình của Chúa: đó là nghe và thi hành ý Chúa.

Cầu Nguyện:
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha, vì trong Ðức Giêsu, Con Cha, Cha đã liên kết chúng con - tất cả nhân loại nên một trong đại gia đình của Cha, và cho chúng con được gọi Áp-ba! Cha ơi! Ðó là một hồng ân trọng đại Cha ban cho chúng con. Xin giúp chúng con ý thức chúng con chỉ thực sự là con của Cha, là anh chị em với nhau, khi chúng con thực thi ý Cha. Chúng con cầu xin, vì danh Ðức Giêsu Con Cha. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Suy Niệm:
Thực Hành Lời Chúa
Mỗi tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.
Trong Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.
Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.
Ước gì chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực hành Lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng ta cũng hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.

(Veritas Asia)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

THỨ BA TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: Mic 7:14-15, 18-20; Mt 12:46-50
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Làm sao để được Thiên Chúa yêu thương và trở thành người nhà của Ngài ?
Khi chứng kiến sự khôn ngoan cũng như uy quyền của Chúa Giêsu, một người cảm phục đã thốt lên: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Chúa Giêsu trả lời: “Hạnh phúc hơn cho những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa” (Lk 11:27-28).
Các bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến điều kiện để được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc, và coi như người nhà là phải nghe lời và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Micah cung cấp nguồn hy vọng cho con cái Israel, nếu họ muốn được Thiên Chúa xót thương và giải thoát khỏi cảnh lưu đày. Họ phải nhận ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa và ăn năn quay về với Ngài. Trong Phúc Âm, khi được báo cáo mẹ và anh em của Chúa Giêsu đang chờ Ngài ở ngoài, Chúa Giêsu cung cấp nguồn hy vọng cho khán giả: Mẹ và anh em Ta là tất cả những ai nghe và giữ lời Ta.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm.

1.1/ Chính Thiên Chúa sẽ chăn dắt dân Ngài.
Đây là những câu cuối cùng của Sách tiên tri Micah. Giống như phần đông các Sách Ngôn Sứ, Micah tuy thấy trước việc mất nước và những ngày lưu đày sẽ không tránh khỏi, nhưng ông cũng cho dân chúng một niềm hy vọng vào tương lai, nếu họ biết ăn năn hối cải.
Ông kêu gọi dân chúng nhìn lại quá khứ để biết những gì Thiên Chúa đã làm cho họ. Biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập là biến cố biểu lộ tình thương của Thiên Chúa dành cho họ. Trong biến cố này, Thiên Chúa đã làm những điềm thiêng, dấu lạ để đưa dân Israel ra khỏi nô lệ bên Ai Cập và đem vào miền đất Canaan phì nhiêu, chảy sữa và mật. Ngài cũng đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc. Biến cố này đã làm cho các dân chung quanh Israel phải khiếp sợ kinh hoàng.
Nếu họ ăn năn quay về, chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân chúng là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài. Ngôn sứ đề cập đến hai vùng nổi danh mà người Do-thái quen thuộc: Bashan là ngọn núi cao nằm ở biên giới giữa Syria và Do-thái. Đây là một vùng đất màu mỡ vì sự kết tụ của đất và nhất là nước trào tràn khắp nơi. Nơi đây, nước từ trên núi tuyết của Bashan chảy xuống kết hợp với những sông của Syria trước khi tràn vào Biển Hồ Galilee. Bashan nổi tiếng về gỗ cây sồi, lý tưởng cho việc trồng lúa mì và chăn nuôi. Xuôi xuống miền Nam dọc theo sông Jordan là Gilead, vùng Transjordan. Vùng này cũng nổi tiếng về cây sồi, thông, và rất thích hợp cho việc chăn nuôi. Ngày nay, du khách đi dọc theo vùng này có thể thấy những cánh đồng chuối nối tiếp nhau.

1.2/ Thiên Chúa trung thành yêu thương cho dù con người phản bội.
(1) Thiên Chúa phải sửa phạt để con người biết nhận ra tội lỗi và quay trở về với Ngài, chứ không phải để tiêu diệt. Một khi con người đã nhận ra và quay trở lại, Thiên Chúa sẽ nguôi cơn giận và cứu họ, cho dù chỉ còn một số nhỏ còn sót lại.
(2) Ngài là Thiên Chúa của thương sót: Như một người cha, Thiên Chúa không vui mừng gì khi thấy con mình quằn quại trong đau khổ. Ngài cũng hiểu hoàn cảnh của con người: khi họ còn mang thân xác yếu đuối, tội lỗi là điều khó tránh khỏi. Điều cần thiết là phải biết nhận ra tội lỗi và thống hối ăn năn. Khi con người đã biết ăn năn quay về, Thiên Chúa sẽ tha thứ tất cả tội lỗi và phục hồi quyền làm con cho con người. Ngôn sứ diễn tả tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho dân chúng: “Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.”
(3) Lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ Ngài sẽ thi hành: “Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Jacob, và tình thương cho Abraham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước.”

2/ Phúc Âm: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?"

2.1/ Thi hành thánh ý Thiên Chúa là cách thức để gia nhập gia đình Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Bất cứ ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."
Khi nói những lời này, Chúa Giêsu không có ý khinh thường Mẹ Ngài hay mối liên hệ gia đình; nhưng Ngài muốn nhấn mạnh 2 điểm:
(1) Mọi người đều có thể trở thành phần tử của gia đình Thiên Chúa, nếu họ nhận ra và thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
(2) Cách trở thành phần tử trong gia đình Thiên Chúa khác với cách của người đời. Theo cách của người đời, một người trở thành phần tử trong gia đình, hoặc bằng cách sinh ra trong gia đình, hoặc do gia trưởng trong gia đình nhận làm con nuôi (Jn 1:13). Theo cách của Thiên Chúa, một người trở thành con Thiên Chúa bằng cách làm theo thánh ý Thiên Chúa; hay một cách rõ nét hơn: bằng cách tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa (Jn 1:12).

2.2/ Đức Mẹ là người thi hành thánh ý Thiên Chúa cách trọn vẹn: Giống như Chúa Giêsu, cả cuộc đời của Đức Mẹ là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta có thể trưng dẫn ba nét chính:
(1) Trong biến cố Truyền Tin: Khi sứ thần Gabriel hiện đến báo tin về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Mặc dù Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh; nhưng sau khi đã nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ đã khiêm nhường thưa với sứ thần lời Xin Vâng: "Này tôi là tôi tớ Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần truyền" (Lk 1:38).
(2) Tại tiệc cưới Cana: Khi nhận ra sự lúng túng của đôi tân hôn vì hết rượu, Mẹ đến kêu cầu với Chúa: "Họ hết rượu rồi!" Mặc dù Chúa nói với Mẹ: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến;" Mẹ vẫn căn dặn gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Jn 2:4-5).
(3) Khi tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ: Sau ba ngày vất vả tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy giáo và đàm thoại với họ, mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?"
Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lk 2:48-51).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa luôn trung thành yêu thương dù con người bất trung phản bội. Nếu chúng ta biết ăn năn quay về, Ngài sẵn sàng giơ hai tay để đón nhận chúng ta như những người con.
- Chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa vì tin tưởng và làm theo thánh ý Ngài, chứ không phải vì liên hệ máu mủ hay vì bất kỳ lý do nào khác.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.

Thứ Ba tuần 16 thường niên
Sứ điệp: Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh là Dân riêng mới. Dân riêng mới được quy tụ không theo tiêu chuẩn huyết thống, nhưng theo tiêu chuẩn tin và thi hành ý muốn Chúa Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dân riêng thời Cựu ước bao gồm những con cháu của gia đình tổ phụ Gia-cóp. Họ liên kết với nhau nhờ tình máu huyết. Còn Chúa, Chúa quy tụ dân riêng của Chúa theo một tiêu chuẩn khác. Ai sống theo thánh ý Chúa Cha, người đó trở nên dân riêng, trở nên người thân của Chúa. Nhờ đó, tất cả mọi người đều có cơ hội trở nên con cái trong đại gia đình Chúa thiết lập.
Thoáng nghe Tin Mừng hôm nay, con có cảm tưởng dường như Chúa lạnh lùng với thân bằng quyến thuộc. Nhưng suy gẫm thêm, con mới hiểu rằng: tình máu mủ dù có thắm thiết đến đâu cũng không thể chặt chẽ bằng mối tình thiêng liêng được liên kết bằng tình yêu Chúa. Chúa không dạy con bỏ tình ruột thịt, nhưng dạy con biết cùng nhau sống thánh ý Chúa Cha để mọi mối tình nhân loại được vững bền và có giá trị cao cả.
Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai là tấm gương quý báu cho con. Họ đã trở nên anh chị em vì cùng tin và cùng sống Tin Mừng  của Chúa. Họ đã góp tất cả của cải để chia đều cho nhau. Chúng con là anh chị em ruột thịt cũng không thể làm được như vậy.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra ý nghĩa cao cả của Bí tích Rửa Tội, vì nhờ đó, con được dẫn vào mối liên hệ thân thích mới. Nhưng nhất là xin Chúa giúp con sống bí tích Rửa Tội, thực thi Thánh Ý Chúa trong cuộc sống, để nhờ đó con được thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Amen.
Ghi nhớ :"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta".

24/07/12 THỨ BA TUẦN 16 TN
Th. Sácben Máclúp, linh mục
Mt 12,46-50

LÀ NGƯỜI EM CỦA ĐỨC GIÊSU

“Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)

Suy niệm: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Cứ ngỡ câu trả lời sẽ rất rõ ràng và dễ dàng: là Đức Maria và các anh em họ Đức Giêsu đang đứng ở vòng ngoài. Thế nhưng, đáp án Đức Giêsu đưa ra thật bất ngờ khiến ai nấy ngỡ ngàng: người thân của Ngài là tất cả những ai thi hành ý muốn của Cha trên trời. Chắc chắn Đức Giêsu không coi nhẹ quan hệ, tình nghĩa theo huyết thống. Ngài muốn ta vượt lên trên gia đình thân thiết theo nghĩa thông thường, để mở rộng lòng đón nhận một quan hệ, tình nghĩa thiêng liêng: quan hệ, tình nghĩa của những người con cái trong gia đình của Thiên Chúa. Trong đại gia đình ấy, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ trở nên giống người Anh Cả Giêsu, Đấng luôn vâng phục và vuông tròn thực hiện thánh ý Chúa Cha.

Mời Bạn: “Một giọt nhỏ vâng phục đơn sơ có giá trị gấp triệu lần một bình đầy những suy tính đã chọn lọc kỹ càng” (Th. Maria Mađalêna Pazzi). Tình yêu chân thật với Thiên Chúa dựa trên nền tảng là lòng vâng phục. Đức Giêsu đã chứng tỏ lòng yêu mến ấy bằng sự vâng phục tuyệt đối, kể cả bằng việc hy sinh mạng sống. Mời bạn nhìn ngắm mẫu gương vâng phục của Ngài.

Sống Lời Chúa: Xem lãnh vực nào, tôi thường tìm cách né tránh làm theo ý Thiên Chúa; tôi tìm cách loại bỏ những ý riêng mà tôi nguỵ trang làm ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con làm theo thánh ý Chúa Cha để trở con thành người em của Chúa. Xin giúp con chiêm ngắm mẫu gương vâng phục của Chúa, nỗ lực đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Nhờ vậy, con nhận biết thánh ý Chúa Cha và vui vẻ thi hành. 



Ai là mẹ tôi?
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.
Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài,
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,
hơn những người đứng ở ngoài kia.
Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ:
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (c. 48).
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói:
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.
Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỉ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).
Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác,
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại,
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là Giáo Hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta".

Thiếu nữ Ðầy Ơn Phúc
Qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe trên đây, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho những người đương thời và cho mỗi người chúng ta về mối tương quan mới giữa Chúa và những kẻ thuộc về Người. Dân chúng đến nghe Chúa giảng dạy, có lẽ biết rõ và quan trọng hóa gia đình theo huyết thống của Người. Tuy nhiên, Chúa muốn mở rộng cái nhìn của Người để lắng nghe Chúa, mạc khải cho họ mối tương quan mới quan trọng hơn giữa Chúa và những ai thuộc về cộng đoàn mới mà Người đang thiết lập. Ðó là mối tương quan dựa trên việc thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Ðây là mẹ, là anh em tôi, là những ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời". Ðó là đại gia đình mới của Chúa Giêsu, được mở rộng cho tất cả mọi người, mỗi thành viên trong gia đình mới này liên kết với nhau, không phải bằng mối dây thân tình ruột thịt, nhưng bằng một mối dây thần thiêng, liên kết vững bền và trường tồn, phát sinh từ việc thi hành thánh ý của Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời.
Khi trả lời cho đám đông muốn Chúa dành ưu tiên cho mẹ và anh em đang đến tìm Chúa, cho gia đình tự nhiên của Chúa, một gia đình nhỏ, được xây trên tình thân ruột thịt, Chúa Giêsu không chối bỏ mối quan hệ giữa Chúa và Mẹ Maria cũng như những anh chị em thân thuộc, nhưng Người mạc khải cho thấy mối tương quan quan trọng hơn, trọn vẹn hơn, và trong tương lai sẽ được mở rộng ra cho tất cả những ai chấp nhận thực hành thánh ý Thiên Chúa. Phẩm vị của Mẹ Maria không chỉ hệ tại nơi mối liên hệ ruột thịt với Chúa Giêsu, nhưng còn, và nhất là dựa trên mối dây thiêng liêng thực hiện thánh ý Thiên Chúa.
Hơn ai hết, Mẹ Maria đã chấp nhận thực hiện thánh ý Thiên Chúa ngay từ đầu với lời thưa "Xin Vâng" trong biến cố truyền tin. Mẹ là người đã luôn thực thi trọn vẹn thánh ý Chúa, Mẹ đã phó thác cả cuộc đời Mẹ trong hai tiếng "Xin Vâng", và đã để Thiên Chúa dùng Mẹ như khí cụ mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Vì thế, Mẹ đã được gọi là "Người Ðầy Ơn Phước". Ðầy Ơn Phước đã trở thành tên của Mẹ. Thiên thần đã gọi Mẹ là "Thiếu Nữ Ðầy Ơn Phước".
Có thể nói, Chúa Giêsu đã xác nhận trước mặt mọi người phẩm vị cao cả của Mẹ Maria khi Người trả lời cho đám đông: "Ðây là mẹ, là anh em tôi, là những ai thi hành thánh ý của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời". Và một cách gián tiếp, chúng ta có thể nói thêm rằng chính giây phút đó, Chúa Giêsu như muốn đề ra mẫu gương của Mẹ Maria cho tất cả những ai muốn bước vào sống trong đại gia đình mới của Người, đó là hãy sống vâng phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha như Mẹ Chúa đã nêu gương.
Lạy Mẹ Maria,
Mẹ là Mẹ Ðấng Cứu Thế và là Mẹ chúng con. Mẹ đã thi hành trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa. Xin thương dạy chúng con biết nhận ra thánh ý Chúa trong đời sống và khiêm nhu thực thi trong mọi hoàn cảnh, để chúng con và tất cả những người chúng con gặp gỡ cũng cảm nếm được niềm vui của đại gia đình Chúa hôm nay và cho đến muôn đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Hiệp nhất nên một nhờ cùng thưa vâng với Chúa
Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt. 12, 48-50)
Để đánh tan mọi hiều lầm, Chúa chúng ta đã không cần bảo cho người ta biết Người là con trai duy nhất của thân mẫu Người. Về vấn đề này, ở Ca-phát-na-um cũng như ở Nagiarét, người ta đã nhất mực cho rằng: Mọi người đều coi Đức Giêsu là “Con bà Ma-ri-a”
Cha chúng ta …
Thiết tưởng là điều thiển cận khi cho rằng Chúa Giêsu coi nhẹ những mối dây liên hệ gia đình tự nhiên. Trái lại, Chúa Giêsu không lãnh đạm với thân mẫu Người, và luôn bày tỏ lòng kính trọng đối với cha mẹ; Người cũng dạy phải luôn luôn tôn trọng những mối tương quan liên hệ giữa các thành viên của cùng một gia đình.
Nhưng trong đại gia đình của Chúa Cha mà Người là Con Một, và chúng ta tất cả đều là nghĩa tử, thì không còn sự phân biệt kỳ thị nữa. Cả điều này chính Chúa cũng giảng dạy nhiều lần.
Luật yêu thương và tôn trọng anh em trong một gia đình tiềm ẩn trong (tư tưởng) thần học trên đây về tình yêu đại đồng, bởi lẽ mọi người bốn bể đều là anh em con một cha: “Tứ hải giai huynh đệ” Bởi vậy chúng ta có hai lý do để tôn kính và yêu mến cha mẹ ta: Các Ngài có quyền được ta tôn kính và yêu mến vì là cha mẹ; Các Ngài cũng có quyền được ta mến yêu và trọng kính vì là thành viên của đại gia đình Thiên Chúa. Đối với người cận thân cũng thế! Người cận thân cũng có thể được gọi là anh em ta một cách chính đáng, vì người ấy thực sự nằm trong ý định của Thiên Chúa. Ta hãy nhớ lại lời thánh Phao-lô nhắc nhở ta là con cái Thiên Chúa, là anh em với Chúa Giêsu Kitô, là người cùng thừa hưởng Nước Trời.
Ý Cha.
Mối dây liên kết ta với Chúa Giêsu Kitô không phải là mối liên hệ tự nhiên theo huyết tộc; liên hệ tự nhiên này dù rất cao quý vẫn không phải là liên hệ tạo lên tình huynh đệ giữa ta, mà chính là sự vâng phục ý Cha trên trời. Trong cuộc sống của tôi, khi tôi từ chối ý Chúa hoặc uốn nắn ý Người theo sở ước của tôi, tôi không thuộc về gia đình của Người. Tôi không được quyền gọi người thân cận tôi là anh em của tôi, nếu tôi không sống và thực thi ý Chúa.
Khi đưa ra điều kiện trên đây để được làm anh em, chị em Người, mẹ Người. Chúa Giêsu quả thực biết rõ và muốn mời gọi ta tham dự vào sự sống vô cùng quý giá, vô cùng phấn khởi: Sự sống Thiên Chúa vậy.
J.M

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
24 THÁNG BẢY
Tạo Vật Mang Dấu Ấn Của Đức Kitô
Trong Thư Cô-lô-sê, chúng ta thấy rằng chân lý về sự tiền định trong Đức Kitô có mối gắn kết chặt chẽ với chân lý về việc sáng tạo trong Người. Thánh Phao-lô viết: “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất” (Cl 1,15-16).
Ở đây chúng ta nắm bắt được một sự thật kỳ diệu. Ngay từ thuở đầu sáng tạo, thế giới mang trong mình nó ơn gọi và thậm chí mối đảm bảo được tiền định trong Đức Kitô, bởi vì thế giới được tạo dựng trong Đức Kitô và được cung hiến cho Thiên Chúa như tặng phẩm đầu tiên của sự quan phòng. Thế giới đã được tạo thành nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng mở ơn cứu độ ra cho mọi con người và, cuối cùng, cho thế giới. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19).
Sự viên mãn cuối cùng của trái đất, nhất là sự chuyển hóa của con người, được đạt đến chính là nhờ tác động của sự viên mãn vốn hiện diện nơi Đức Kitô. Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự viên mãn của Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, chính trong Đức Kitô mà chương cuối cùng của lịch sử thế giới – nhất là lịch sử con người – được hoàn tất.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Sarbêliô Makhluf, linh mục;
Mk 7, 14-15. 18-20; Mt 12, 46-50
LỜI SUY NIỆM:
        “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt12,50).
        Chúa Giêsu xác định những ai là người thuộc gia đình với Ngài. Trước tiên phải tin Cha Ngài là Đấng ngự trên trời, thứ đến là phải thi hành ý của của Cha Ngài.
Khi Chúa Giêsu mới lên mười hai tuổi; Ngài đã ý thức khi thưa với Đức Mẹ: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Và trong câu chuyện Chúa Giêsu ngồi trên miệng giếng Gia-cóp; Ngài đã cho các môn đệ biết: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn thành tất cả công trình của Người.” (Ga 4,34). Cũng như đối với Đức Mẹ; Mẹ đã đặt trọn tiếng xin vâng theo kế hoạch của Thiên Chúa.
        Đối với người Kitô hữu, chúng ta phải luôn luôn học biết về Thiên Chúa để thi hành ý muốn của Ngài; hầu được trở thành người gia đình của Chúa Giêsu ngay lúc này.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
24 Tháng Bảy
Một Lời Thề Hứa

Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về làng Oberammergau bên Tây Ðức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu... Việc diễn tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung thành giữ từ trên 400 năm nay.
Năm 1633, một nạn dịch khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong vùng Bavaria. Ðể đề phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa làng để không một người lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng... Chẳng may, một người đào huyệt trong làng đã bị lây. Anh ta quyết định được chết trong ngôi làng thân yêu của mình. Anh đã qua mắt được những người canh cửa để lọt vào trong và rồi lây bệnh cho nhiều người khác trong làng...
Chỉ trong vòng hai tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh mục trong xứ cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến. Dân làng không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể Chúa để thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người đại diện, toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ trình diễn tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần...
Năm 1634, nghĩa là một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ lời hứa với Chúa. Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham dự vào việc trình diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút được khoảng 200 khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết định trình diễn 10 năm một lần. Ðến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ xô về Oberammergau...
10 năm một lần: khoảng cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn. Diễn viên của vở tuồng phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn luyện kỹ càng. Riêng người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sẽ được dân làng chào hỏi một cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Và trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều được mời gọi để sống chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng... Vì là một lời thề của tổ tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu tiên, toàn dân làng sẽ tham dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa. Buổi tình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều... Và vì đây là một buổi trình diễn có tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng Oberammergau không cho phép bất cứ một cuộc thu hình nào.
Kinh thánh thuật lại rằng trên đường tiến về Ðất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị rắn cắn chết giữa sa mạc.. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng và treo lên cây. Tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành...
Chúa Giêsu đã ví con rắn đồng ấy với chính Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn Ngài trong cảnh bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã gắn liền với tội lỗi của từng người trong chúng ta. Người dân làng Oberammergau đã hiểu được mối tương quan ấy. Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để tưởng nhớ công lao cứu sống của Ngài.
Một cách nào đó, mỗi người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa Giêsu. Tân tình của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục, yêu thương đối với Chúa Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn Ngài trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng chính là sức sống của người Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi để sống cho Thiên Chúa và tha nhân...
(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Ngày 24

Thánh Sarbêliô Maklouf, linh mục

Chúng ta phải chờ đợi Lời Chúa trong lặng yên, bởi vì Lời ấy vọt lên từ ngôn ngữ nhân loại. Thiên Chúa không phải là một Đấng nào đó vô hình và quyền năng tột đỉnh từ ngoài mà đến như sấm động; Ngài không phải là một siêu nhân thượng giới.
 
Chúng ta không thể tưởng tượng được cảnh Đức Giêsu phục sinh từ trong kẻ chết ra sao, nhưng chắc đó không phải là một biên cố phát xuất từ bên ngoài, đúng ra đó là việc sự sống của Ngài với Chúa Cha vươn lên, từ trong sâu thẳm con người Ngài.
 
Như vậy Lời không từ ngoài mà đến, nhưng phát xuất từ trong ngôn ngữ chúng ta. Lời Chúa không từ trời rơi xuống như một loại quôc tế ngữ Esperanto thượng giới. Lời Chúa cần có thời gian để làm cho ngôn ngữ loài người thêm phong phú.
 
Đã phải mất mấy ngàn năm mới có được một ngôn ngữ trong đó Lời Chúa có thể tỏ bày. Các ngôn sứ, các kinh sư, các luật sĩ, các nhân vật cung đình cũng như dân chúng đã khổ công chú tâm vào Thiên Chúa, để hình thành nên một ngôn ngữ mà sau này Đức Giêsu sẽ sử dụng để nói về cuộc sống đời đời.

Timothy Radcliffe, o.p.

Thứ Ba 24-7

Chân Phước Louise ở Savoy

(1461-1503)
V
ào ngày 28 tháng Mười Hai, ngày lễ các Thánh Anh Hài, một bé gái được sinh trong gia đình Công Tước ở Savoy và là em của vua Louis IX nước Pháp. Em bé được đặt tên là Louise, để nói lên sự ngây thơ và thánh thiện của em.
Khi còn trẻ Louise đã yêu quý sự cầu nguyện và cô độc. Trong các ngày lễ kính Ðức Mẹ, cô thường ăn chay, chỉ có bánh mì và nước lạnh. Mặc dù bề ngoài, cô cũng mặc các y phục đắt tiền và đeo nữ trang quý báu phù hợp với địa vị của cô, nhưng bên trong lớp nhung lụa đó là chiếc áo nhặm để nhắc nhở với cô rằng, linh hồn là điều cần được chăm sóc hơn cả.
Do sự dàn xếp của người chú, Louise kết hôn với Thái Tử xứ Chalon, một thanh niên đức hạnh biết quý trọng nếp sống thanh bạch của Louise. Trong cung điện của họ, không có những xa hoa phung phí. Ðôi vợ chồng này còn thuyết phục các tiểu thư, hoàng tử của triều đình sống sát với Phúc Âm hơn.
Vào năm 27 tuổi, Louise trở thành người goá bụa và sau đó bà lui về một đời sống đơn giản để cho phép bà tận tụy trong công việc bác ái và ăn chay đền tội. Vì không có con, bà gia nhập Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn ở Orbe. Trong thời gian ấy, bà chứng tỏ là một gương mẫu xứng đáng của sự khiêm tốn và vâng phục.
Sau một cơn trọng bệnh, bà từ trần ngày 24 tháng Bảy 1503, khi mới 42 tuổi.
Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI đã phong chân phước cho bà vào năm 1839.
www.nguoitinhuu.com


Thánh Giuse Hiền (Fernandez), Linh Mục (+1838)
Thánh Giuse Hiền (Fernandez) sinh năm 1774 tại Ventosa Clivi trong nước Tây Ban Nha. Lớn lên, ngài trở thành linh mục trong dòng thánh Ða Minh. Năm 1806, linh mục Giuse Fernandez sang Việt Nam truyền giáo tại Bắc Việt.
Năm 1838, thời Minh Mạng cấm đạo, mặc dù đang bệnh, ngài cũng phải trốn về họ Quần Liêu. Tại đây, ngài được cha Phêrô Nguyễn Bá Tuần tận tình săn sóc. Hai ngày sau, vì tình thế bất an, hai cha lại trốn sang Kim Sơn. Ðến ngày 18/6/1838, hai ngài bị một người ham lợi lộc dùng mưu bắt nộp cho quan. Cả hai bị giải lên Ninh Bình, và bốn hôm sau bị điệu về Nam Ðịnh.
Thân xác bị đánh đập, nhưng tâm hồn cha Giuse Hiền luôn vui sướng được chịu khổ vì Chúa. Ngài sẵn sàng chịu mọi cực hình để trung thành với đức tin Công Giáo và nêu gương chủ chăn. Vua Minh Mạng châu phê án tử hình cho ngài, ngày 23/7/1838 bản án về tới tỉnh. Hôm sau, tức ngày 24/7/1838, ngài bị xử trảm tại Nam Ðịnh

Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 27/5/1900.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988
(Nhóm Châu-Kiên-Long,Đà Lạt)


THÁNH SHARBEL MARLOUF
Còn được gọi là Charbel, sharbel . Tên thật của ngài là Youssef Antoun Makhlouf. Ngài sinh ngày 08 tháng 06 năm 1820 tại làng Biqa-Kafra, vùng núi Lebanon, là con út trong gia đình 5 người con. Ngài bị mất cha khi mới lên 3 tuổi, phải sống nhờ người chú.
Năm 1851, ngài trốn khỏi nhà khi không muốn lập gia đình theo ý người mẹ ruột.
Năm 1853 ngài vào tu viện dòng Maronite Lebanon và được dạy dỗ bởi cha Nimatullah (sau này là thánh Hardini). Giữa những năm 1853 đến 1856, ngài theo học triết và thần học tại Đại chủng viện Kfifai. Sáu năm sau, ngài thụ phong linh mục và trở về lại tu viện dòng Maronite Lebanon, nơi mà ngài khấn giữ im lặng theo luật dòng. Ngài sống như một ẩn sĩ cô độc. Ngày 16 tháng 12 năm 1898, ngài qua đời bởi một cơn đột quị khi đang cử hành giờ kinh phụng vụ. Được chôn cất tại nhà dòng vào ngày Giáng Sinh năm 1898. Đã có nhiều phép lạ xảy ra do lời bầu cử của ngài.
Ngày 5 tháng 12 năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã chủ trì buổi lễ phong chân phước cho Cha Sharbel trong bế mạc Công Đồng Vatican II. Ngày 9 tháng 10 năm 1977, ngài được phong thánh cũng bởi Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI.
Nơi chôn cất ngài đã trở thành một địa điểm hành hương nổi tiếng, nhiều người đã được các ơn do ngài chuyển cầu.
(tổng hợp internet)
Tượng thánh Sharbel và những lời xin cầu bầu trong nhà thờ chánh tòa Mehico.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét