Thứ Sáu sau Chúa Nhật 15 Quanh Năm
Tiên tri Isaia và vua Ê-dê-kia. |
Bài Ðọc I: (Năm
II) Is 38, 1-6. 21-22. 7-8
"Ta đã nghe lời ngươi
cầu nguyện, và Ta đã lau sạch nước mắt của ngươi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Trong những ngày ấy Êdêkia
đau gần chết. Tiên tri Isaia, con ông Amos đến thưa người rằng: "Chúa phán
thế này: Ngươi hãy sắp xếp công việc nhà cửa của ngươi, vì ngươi sắp chết,
không sống được nữa". Êdêkia liền quay mặt vào vách, cầu nguyện cùng Chúa
rằng: "Ôi lạy Chúa, con van xin Chúa, xin Chúa hãy nhớ lại: con đã sống
ngay chính trước mặt Chúa, và đã làm những điều đẹp lòng Chúa". Rồi Êdêkia
than khóc lớn tiếng.
Bấy giờ Chúa phán cùng Isaia
rằng: "Hãy đi nói với Êdêkia rằng: Ðây Chúa là Thiên Chúa Ðavít, tổ phụ
ngươi, phán thế này: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện, và Ta đã thấy nước mắt
của ngươi. Ta sẽ cho ngươi sống thêm mười lăm năm nữa. Ta sẽ cứu ngươi và bảo
vệ thành này khỏi tay vua Assyria ".
Isaia sai người đi lấy mẩu
bánh trái vả đắp lên mụn ung độc, và vua liền khỏi bệnh. Bây giờ Êdêkia hỏi:
"Có dấu nào cho ta biết coi ta còn lên đền thờ Chúa được chăng?"
Isaia đáp: "Ðây là dấu lạ Chúa ban cho vua, vì Chúa sẽ thực hiện lời Người
đã phán: "Ta sẽ làm cho bóng đã ngả trên bảng độ Acaz lui lại mười
độ". Và mặt trời lui lại mười độ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Is 38, 10. 11. 12.
16
Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu mạng sống con, ngõ hầu con khỏi phải chết
(c. 17b).
Xướng: 1) Con đã từng nói:
Ðến nửa đời con, con sẽ đi đến cửa địa ngục. Con sẽ bị giam giữ những năm cuối
đời con. - Ðáp.
2) Con đã từng nói: Con sẽ
không nhìn thấy Thiên Chúa trong đất nước những kẻ nhân sinh: con sẽ không còn
thấy người ta nữa, không còn trông thấy dân chúng sống yên vui. - Ðáp.
3) Miêu duệ con đã xa cách và
lìa bỏ con, như chiếc lều của những mục tử. Như người thợ dệt, con lôi cuốn đời
sống con đi; con chặt đứt nó, khi nó còn muốn kéo dài. - Ðáp.
4) Lạy Chúa, đời sống con là
như thế, và đời sống tinh thần của con cũng như vậy, nhưng xin Chúa hãy thuyên
chữa và cứu sống con". - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy
vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 12, 1-8
"Con Người cũng là chủ
ngày sabbat".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa
Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà
ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: "Kìa, các môn đệ
của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat". Người nói với
các ông rằng: "Các ông không đọc thấy Ðavít và những người đi với ông đã
làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Ðavít vào đền thờ Chúa ăn
bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các
tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày
Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao?
Tôi bảo cho các ông biết, đây có Ðấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông
biết được điều này là, "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ",
chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng
là chủ ngày Sabbat".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Người biệt phái trách môn đệ
của Ðức Giêsu không giữ ngày hưu lễ, vì bứt giẻ lúa trong lúc đói. Người biệt
phái chỉ xét trên mặt chữ của bản luật mà không nhìn thấy nhu cầu của người anh
em mình. Luật được Thiên Chúa ban hành không phải đề gò ép, nhưng là để thăng
tiến con người, giúp con người đi trên con đường ngay thẳng. Vì thế, cách nào
phục vụ con người đúng lý, đúng cách nhất là thi hành luật trọn hảo nhất. Do
đó, Ðức Giêsu đã dạy cho người biệt phái: "Ta chuộng nhân nghĩa chứ không
phải tế lễ".
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, lề luật Cha trao
cho chúng con là để giúp chúng con sống tự do và hạnh phúc. Xin cho chúng con
biết nhìn ra ý nghĩa của lề luật để chúng con tuân giữ trong tình yêu mến. Và
khi vì nhu cầu của anh em, chúng con biết uyển chuyển, mềm mại. Ðể nhờ lề luật,
nhân phẩm, đời sống thiêng liêng của chúng con được phát triển. Chúng con cầu
xin nhờ Danh Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Suy Niệm:
Ngày Hưu Lễ
Chương 12 Tin Mừng Mátthêu
qui tụ những tranh luận giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái giáo thời
Chúa Giêsu về những đặc tính của nếp sống tôn giáo. Cuộc tranh luận hôm nay
liên quan đến việc thực hành đạo đức căn bản của người Do thái, đó là việc giữ
ngày Hưu lễ. Ðây là một thực hành quan trọng đến độ người Biệt Phái đã dùng
việc Chúa Giêsu không tuân giữ luật Hưu lễ để lý luận và nói với dân chúng rằng
Chúa Giêsu không phải là Ðấng đến từ Thiên Chúa, không phải là Ðấng Mêsia.
Việc dành riêng một ngày nghỉ
cho Thiên Chúa đã bị lạm dụng đến mức việc tuân giữ ngày Hưu lễ không còn là do
tình yêu mến tôn thờ đối với Thiên Chúa, nhưng là một hình thức ràng buộc con
người. Qua cuộc tranh luận với những người Biệt Phái về việc giữ ngày Hưu lễ,
Chúa Giêsu mở rộng cho chúng ta thấy giá trị tôn giáo đích thực của ngày Hưu
lễ, và do đó phải sống tinh thần ngày Hưu lễ đó như thế nào?
Cuộc tranh luận của Chúa
Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng nơi Tin
Mừng Mátthêu, tác giả lưu ý hai điểm: thứ nhất, quyền hành của Chúa Giêsu trên
các việc thực hành đạo đức; thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực
hành đạo đức. Trả lời cho thắc mắc của những người Biệt Phái tại sao các môn đệ
Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xẩy ra trong Cựu Ước liên
quan đến Ðavít và những người tùy tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều
không được phép làm, hoặc việc các tư tế trong Ðền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ
mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: "Nếu các ông hiểu được ý nghĩa
của câu này: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng
lên án kẻ vô tội". Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của
chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét
đoán anh em theo những việc bên ngoài.
Vả lại, những việc đạo đức và
việc nghỉ ngày Hưu lễ, là để con người đến gần Thiên Chúa, thế mà Chúa Giêsu,
Con Thiên Chúa đã hiện diện giữa họ, thì lòng đạo đức không còn là một cái gì
tuyệt đối phải thi hành nữa. Các tư tế làm việc trong Ðền thờ ngày Hưu lễ mà
không lỗi luật, thì các môn đệ Chúa Giêsu lỗi luật thế nào được, vì đã có Chúa Giêsu
bên cạnh họ. Ngài là Con Thiên Chúa cao trọng hơn Ðền thờ. Chúa Giêsu muốn nhân
dịp này để mạc khải chính Ngài là Ðấng Mêsia cao trọng hơn Ðền thờ và làm chủ
cả ngày Hưu lễ; nhưng các người Biệt Phái không nhìn nhận điều này.
Xin Chúa giúp chúng ta vượt
qua tinh thần vụ hình thức trong đời sống đức tin. Xin cho chúng ta tâm hồn
nhân từ như Chúa để biết đối xử với người khác mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA
MỖI NGÀY
THỨ SÁU TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
năm II
Bài đọc: Is 38:1-6, 21-22, 7-8; Mt 12:1-8
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Thiên Chúa làm chủ mọi ngày.
Thiên Chúa không những dựng nên mọi sự, Ngài còn quan phòng mọi
sự theo một trật tự Ngài mong muốn. Một trong những trật tự là sự thay đổi của
thời gian dựa trên sự xoay vần của mặt trời và mặt trăng mà con người phân biệt
giữa ngày và đêm. Ngài có quyền thay đổi sự xoay vần của mặt trời và mặt trăng
và cũng có quyền đếm ngày sống của mỗi người. Con người không có quyền thay đổi,
họ chỉ có thể chấp nhận và tuân hành những trật tự Ngài đã thiết lập.
Các bài đọc hôm nay muốn chú trọng đặc biệt đến uy quyền của
Thiên Chúa trong việc quan phòng vũ trụ. Trong bài đọc I, khi ngôn sứ Isaiah
cho vua Hezekiah biết nhà vua phải sửa soạn để chết vì bệnh, vua Hezekiah kêu
khóc lớn tiếng lên Thiên Chúa để xin Ngài đổi số phận của mình. Thiên Chúa nhận
lời cầu xin của nhà vua, Ngài cho vua sống lại thêm 15 năm và bảo vệ Jerusalem khỏi sự xâm lăng của Assyria .
Trong Phúc Âm, khi các Pharisees tố cáo các môn đệ của Chúa vi phạm luật ngày
Sabbath vì bứt bông lúa ăn cho đỡ đói, Chúa Giêsu trả lời họ: Ngài làm chủ cả
ngày Sabbath. Luật ngày Sabbath chỉ áp dụng cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Này, bóng mặt trời
đã ngả trên các bậc thang vua Ahaz đã xây, Ta sẽ cho lui lại mười bậc.”
1.1/ Hezekiah ăn năn và tin tưởng nơi quyền năng Đức Chúa.
Vua Sennacherib của Assyria sai sứ giả đến với vua Hezekiah để
khuyên nhà vua nên ra đầu hàng với hai lý do như sau: (1) Cầu viện sức mạnh quân
sự với Ai-cập không đủ sức để cứu Judah
vì quân đội của Assyria mạnh hơn nhiều. (2)
Vua Hezekiah đã xa rời Đức Chúa của Israel để chạy theo các thần ngoại,
vì thế Ngài sẽ không bảo vệ nhà vua đâu. Hơn nữa, Ngài còn chỉ thị cho vua
Sennacherib tiến đánh Judah
nữa.
Bên cạnh những lời đe dọa này, vua Hezekiah còn được nghe những
lời ngôn sứ Isaiah loan báo: "Đức Chúa phán thế này: Hãy lo thu xếp việc
nhà, vì ngươi chết chứ không sống nổi đâu."
Vua Hezekiah, phần đang lâm bệnh nguy tử, phần bị bao vây bởi những
lời đe dọa của vua Sennacherib và những lời tiên báo của ngôn sứ Isaiah, chọn
để ăn năn và đặt niềm tin nơi Đức Chúa. Ông quay mặt vào tường và cầu nguyện
với Đức Chúa như sau: "Ôi lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, con đã trung tín
và thành tâm bước đi trước nhan Ngài, đã thi hành điều đẹp mắt Ngài." Rồi
vua Hezekiah khóc, khóc thật to.
1.2/ Thiên Chúa nhận lời cầu xin của vua Hezekiah để chữa bệnh cho
vua và bảo vệ Jerusalem .
+ Phê bình văn bản: Hai câu 21-22 ở cuối chương không có liên
hệ gì với những câu xảy ra trước đó; và theo Sách 2 Kings 20:1-9, hai câu này
nên đem vào giữa Isa 38:6 và 7, thì mới làm sáng tỏ trình thuật hôm nay Isa
38:1-9 hơn.
+ Đức Chúa cho Hezekiah sống thêm 15 năm nữa và Ngài cũng hứa sẽ
bảo vệ Judah khỏi tay quân
thù Assyria . Có lẽ đây là trường hợp duy nhất Đức
Chúa nới rộng cuộc sống của một người mà nói rõ cách cố định là sẽ cho sống
thêm 15 năm nữa. Nhiều trường hợp Thiên Chúa cho sống, như trường hợp của vua
David, nhưng không cho biết là sẽ sống thêm bao lâu.
+ Khi vua Hezekiah xin một dấu để bảo đảm những gì Đức Chúa hứa,
Ngài đã ban cho nhà vua một dấu: "Đây là dấu Đức Chúa ban cho ngài, chứng tỏ Đức
Chúa sẽ thực hiện điều Người đã phán: Này, bóng mặt trời đã ngả trên các bậc
thang vua Ahaz đã xây, Ta sẽ cho lui lại mười bậc." Quả vậy, bóng mặt trời
đã lui lại mười bậc trong số các bậc thang nó đã chiếu xuống.
+ Chúng ta không hiểu câu “bóng mặt trời lui lại 10 bậc...” có
nghĩa làm sao; nhưng điều này nằm trong quyền năng của Ngài. Trong Sách Jos
10:12-23 cũng thuật lại một trường hợp tương tự: mặt trời đứng lại, không
chuyển vận trong suốt một ngày.
2/ Phúc Âm: “Quả thế, Con Người làm chủ ngày
Sabbath."
2.1/ Ý nghĩa của ngày Sabbath: Tranh cãi về ngày Sabbath là một trong
những xung đột chính giữa Chúa Giêsu và những người Pharisees .
Luật Lêvi nói rõ: “Trong sáu ngày, người ta sẽ làm công việc của
mình; còn ngày thứ bảy là ngày Sabbath, một ngày nghỉ, có cuộc họp để thờ
phượng, các ngươi không được làm công việc nào. Đó là ngày Sabbath kính Đức
Chúa, tại khắp nơi các ngươi ở” (Lv 23:3). Luật Maisen thứ ba trong Thập Giới
cũng nêu rõ “Giữ ngày Chủ Nhật.” Như thế, hai lý do có ngày Sabbath là để con
người nghỉ ngơi và thờ phượng Thiên Chúa.
Sức khỏe con người đòi hỏi sự nghỉ ngơi, và Thiên Chúa, Đấng
dựng nên con người ra lệnh con người không được làm việc trong ngày Sabbath.
Ngoài ra, kinh nghiệm cũng chứng minh cho thấy sự cần thiết của việc trau dồi
đời sống tinh thần trong ngày này. Nếu không có nó, con người sẽ mệt mỏi và
không đủ nghị lực để đương đầu với những khó khăn của cuộc sống.
Thiên Chúa chỉ đưa ra nguyên tắc: “Ngày Sabbath là một ngày
nghỉ, không được làm việc.” Ngài không đưa ra những luật lệ tỉ mỉ; những luật
lệ tỉ mỉ là do con người xác định. Làm những việc gì và nặng bao nhiêu thì bị
kể là vi phạm. Một số người còn cho rằng ngay cả việc tiêu hóa cũng không được
làm trong ngày Sabbath!
Có được đánh nhau trong ngày Sabbath không? Kẻ thù của người Do
Thái biết luật này nên đem quân giao chiến trong ngày Sabbath và giết được
nhiều người Do Thái. Sau biến cố này, luật cho phép được tự vệ trong ngày
Sabbath.
2.2/ Những người được miễn trừ trong ngày Sabbath
(1) Các tư tế phục vụ trong Đền Thờ: Nếu các tư tế
kiêng việc xác trong ngày Sabbath, lấy ai cử hành các lễ nghi trong Đền Thờ?
Như thế, Chúa vạch ra cho thấy có những người được miễn trừ; họ có thể nghỉ
ngơi những ngày khác.
(2) Bảo vệ sự sống: Các môn đệ của Chúa bứt bông lúa ăn vì
các ông đói. Chúa nhắc lại việc David và đoàn tùy tùng của ông, khi chạy trốn
vua Saul, đã ăn ngay cả Bánh Chưng Hiến vì đói, thứ bánh mà chỉ có các tư tế
mới được phép ăn (1 Sam 21:1-6). Khi đói khát nguy hiểm đến tính mạng, con
người phải ăn tất cả những gì tìm thấy để bảo toàn mạng sống.
(3) Con Người làm chủ ngày Sabbath: Luật lệ ngày
Sabbath áp dụng cho con người; không áp dụng cho Thiên Chúa. Đấng ra luật và
không lệ thuộc vào luật lệ của con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nguyên tắc hướng dẫn luật lệ. Nguyên tắc tại sao con người cần
phải nghỉ ngày Sabbath là để con người có thể phục hồi sức khoẻ, nhất là để
phục hồi nghị lực tinh thần trong mối tương quan với Chúa; chứ không phải để
ràng buộc con người.
- Luật làm ra để bảo vệ con người. Khi có nguy hiểm đến mạng
sống (đói khát, bệnh tật, chiến tranh), con người được quyền bảo vệ mạng sống
mà không vi phạm luật.
- Thiên Chúa là người điều khiển ngày Sabbath và mọi ngày trong
cuộc đời. Trật tự thế giới này sẽ ra sao nếu Ngài ngưng không điều khiển trong
ngày Sabbath!
Lm. An-tôn Đinh Minh Tiên,
OP.
Thứ Sáu tuần 15 thường niên
Sứ điệp: Chúa Giêsu dạy ta biết
ý nghĩa của lề luật: lề luật là để phục vụ con người, giúp con người thực thi ý
muốn của Thiên Chúa là sống nhân nghĩa với tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhóm biệt
phái thường bất bình tranh luận với Chúa về những điều được phép hay không được
phép làm trong ngày lễ nghỉ. Nhân những cuộc tranh luận ấy, Chúa cho chúng con
hiểu rằng tôn giáo không phải là một quyền lực áp đặt, để biến con người thành
một thứ máy móc, hay những kẻ nô lệ. Trái lại, sống trong đạo là một hành động
của tình yêu mến. Chúa đã khẳng định: “Ta muốn lòng nhân chứ không muốn lễ tế”.
Lạy Chúa, Chúa đến không phải để đánh đổ mọi tập
tục và lề luật, nhưng là để kiện toàn chúng bằng cách mặc cho chúng tinh thần
bác ái yêu thương. Vì thế, mọi lề luật đều trở nên trống rỗng và vô nghĩa nếu
không được tuân giữ vì tình yêu.
Lạy Chúa, con chợt giật mình khi nhiều năm tháng
qua con sống một cách máy móc, giữ giới răn Chúa là vì sợ chứ không phải vì yêu
mến Chúa và yêu mến anh chị em. Vì vậy, đời sống đức tin đối với con là một
gánh nặng, các thứ lề luật đè nặng trên vai đôi lúc tưởng chừng như không kham
nổi. Con cũng chẳng khác gì người biệt phái, sống giả dối, hình thức bề ngoài,
còn nội tâm thì trống rỗng khô khan.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho đời sống bất xứng của
con. Xin ban cho con Thần Khí Tình Yêu của Chúa, để từ nay con sẽ sống cho Chúa
và tha nhân với tất cả tình yêu, hầu đáp lại tình thương mà Chúa đã dành cho
con. Amen.
Ghi nhớ :"Con Người cũng là
chủ ngày sabbat".
20/06/12
THỨ SÁU TUẦN 15 TN
Th. Apôlinarê, giám mục, tử đạo
Mt 12,1-8
Th. Apôlinarê, giám mục, tử đạo
Mt 12,1-8
CẦN
MỘT TẤM LÒNG
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 12,7)
Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.” Sống trong xã hội văn minh và tiến bộ hôm nay lẽ ra con người được vui vẻ và hạnh phúc hơn. Nhưng trong thực tế đau khổ, bất hạnh, bất công vẫn đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Tại sao vậy? - Thưa, vì thiếu tấm lòng. Thế giới hôm nay với nền văn hóa thực dụng giúp con người năng động, nhạy bén trong việc kiếm tiền và hưởng thụ, nhưng cũng dễ trở nên vô tâm, vô cảm với người khác và vì thế, gây ra đau khổ cho nhau. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống với nhau cần có một tấm lòng, tấm lòng nhân hậu của người con cái Thiên Chúa là Đấng nhân hậu. Tấm lòng nhân hậu khi cư xử với đồng loại thì quý giá hơn các của lễ hay nói cách khác, đó mới chính là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả.
Mời Bạn: Bon chen trong dòng xoáy vật chất và hưởng thụ của xã hội hôm nay, lòng người trở nên hẹp hòi, ích kỷ, để rồi chỉ biết kết án, nghi ngại thay vì nâng đỡ, sẻ chia. Là môn đệ Chúa Giêsu, bạn phải có một tấm lòng bao dung, yêu thương, tha thứ, hầu đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người xung quanh bạn. Vì "Có tài mà cậy chi tài... Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"(Nguyễn Du).
Sống Lời Chúa: Quyết tâm làm một trong những việc sau đây: Cho kẻ đói ăn, hay cho kẻ khát uống; cho kẻ rách rưới ăn mặc, hay cho khách đỗ nhà; chuộc kẻ làm tôi hay chôn xác kẻ chết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương biến đổi tấm lòng hoang dại của chúng con! Nhờ đó, lòng chúng con vui sống tình mến Chúa yêu người mỗi ngày một sáng ngời, đẹp tươi hơn. Amen.
Ta muốn lòng nhân
Suy niệm:
Đức Khổng Tử đòi người quân tử phải có năm đức
tính gọi là ngũ thường.
Đứng đầu của ngũ thường là lòng nhân.
Ngài viết: “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì
làm sao được gọi là quân tử?
Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không
làm trái điều nhân,
dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân (Luận
Ngữ, IV, 5).
Trong giáo huấn của Đức Giêsu, lòng nhân có một
chỗ đứng đặc biệt.
Hai lần câu này của ngôn sứ Hôsê được trích dẫn
trong Mátthêu:
“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (9, 13;
12, 7).
Xem ra câu này không dễ hiểu, nên Ngài khuyên
ta học cho biết ý nghĩa.
Giữ ngày sabát là điều rất quan trọng trong Do
thái giáo.
Theo Luật Chúa, đó là ngày nghỉ ngơi, ngừng mọi
công việc.
Đối với người Pharisêu, bứt lúa được xem như
gặt lúa, nên là việc bị cấm làm.
Hành vi bứt lúa của các môn đệ bị coi là vi
phạm ngày sabát.
Thay vì trách họ theo lời người Pharisêu, Thầy
Giêsu lại bênh vực họ.
Ngài trưng dẫn trường hợp Đavít và các thuộc hạ
khi đói bụng
đã ăn bánh thánh hiến vốn dành riêng cho các tư
tế (Lv 24,5-9; 1 Sm 21,1-6).
Hiển nhiên đây là chuyện vi phạm Lề Luật vì có
nhu cầu chính đáng.
Nếu chấp nhận chuyện Đavít thì càng phải chấp
nhận chuyện của các môn đệ,
vì họ đi theo một Đấng mà Đavít phải gọi là
Chúa (Mt 22, 43).
Luật giữ ngày sabát thật ra không phải là một
đòi buộc luân lý tuyệt đối.
Các tư tế phải làm việc phụng sự Chúa, chuẩn bị
các lễ vật vào ngày sabát.
Nếu họ được phép vi phạm ngày sabát mà không
mắc tội (c. 5),
thì huống hồ là Thầy Giêsu và các môn đệ của
Ngài,
những người làm việc cho Nước Trời, nhưng lại
phải chịu đói nên mới bứt lúa.
Đức Giêsu không có thái độ bất kính với ngày
sabát.
Nhưng Ngài là chủ ngày sabát, Ngài có quyền xác
định điều gì được phép làm.
Ngài thấy gánh nặng đè lên con người bởi những
cấm đoán chi li,
khiến con người ngột ngạt, mệt mỏi.
Giữ Luật phải đem lại cho con người hạnh phúc,
phải đi với lòng nhân.
Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu lòng nhân, lòng
bao dung,
thì đó là thứ hy lễ Chúa không cần (Hs 6, 6).
Thật ra không có sự đối nghịch giữa luật lệ với
lòng nhân.
Giữ luật là cách biểu lộ lòng nhân, vì luật
trên hết là luật yêu thương.
Người giữ luật thực sự là người có khuôn mặt
vui tươi và trái tim rộng mở.
Khi yêu thì người ta trở nên chi li.
Không phải chi li để xét đoán người khác.
Nhưng chi li vì thấy những nhu cầu nhỏ bé của
tha nhân.
Chỉ xin giữ mọi luật lệ nhỏ bé thật chi li, chỉ
vì yêu bằng tình yêu quá lớn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin
yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những
công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những
công việc âm thầm,
những bổn
phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng
đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm
tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ
thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung
sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn
những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó
con vui tuoi phục vụ mọi người
và hạnh
phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho
con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường
bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên
đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở
bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
"Con
Người cũng là chủ ngày sabbat".
Tinh thần vụ hình thức
Cuộc
tranh luận trên của Chúa Giêsu với những người biệt phái được tường thuật cách
đầy đủ trong cả bốn Phúc Âm, nhưng nơi Phúc Âm thánh Mátthêu này thì tác giả
xem ra muốn lưu ý độc giả hai điểm: thứ nhất là lòng nhân từ ưu tiên trên việc
thực hành những việc đạo đức và thứ hai là quyền hành của Chúa Giêsu vượt lên
trên những việc đạo đức.
"Ta
ưa thích lòng nhân từ chứ không ưa thích của lễ". Lòng nhân từ phải là căn
bản cho những phán đoán của ta đối với anh chị em. Cần hành xử theo lòng nhân
từ này hơn là chỉ lo xét đoán anh chị em theo những việc bề ngoài. Hơn nữa,
những việc đạo đức trong đó có việc nghỉ ngày sabát là để con người đến gần
Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đang hiện diện giữa các tông đồ, Người
làm cho những việc đạo đức khác trở thành thứ yếu, bởi vì một khi đã đạt đến
mục tiêu là sống hiện diện với Chúa rồi, thì những phương tiện, những việc đạo
đức phải nhường chỗ. Nếu các biệt phái chấp nhận rằng các thầy tư tế làm việc
trong đền thờ vào ngày nghỉ sabát sẽ không lỗi luật nghỉ sabát, thì những đồ đệ
của Chúa Giêsu lỗi luật ngày sabát sao được vì đã có Chúa bên cạnh họ rồi.
"Ðây
có Ðấng cao trọng hơn đền thờ". Chúa Giêsu dùng việc tranh luận để mạc
khải về chính mình là Ðấng cao trọng hơn đền thờ, là Ðấng Thiên Sai, Ðấng dĩ
nhiên có quyền trên ngày sabát. Ước chi chúng ta đừng xét xử anh chị em qua
những việc đạo đức bên ngoài. Những việc làm này là điều tốt, đáng làm, nhưng
không phải là tiêu chuẩn tuyệt đối để ta dựa vào mà xét xử anh chị em. Lòng
nhân từ thì quan trọng hơn.
Lạy
Chúa,
Xin
giúp con vượt qua được tinh thần vụ hình thức trong đời sống đức tin. Xin
thương ban cho con tâm hồn nhân từ yêu thương như Chúa, để biết cảm thông và
đối xử với anh chị em chung quanh mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Những luật phải vi phạm.
Khi
ấy vào ngày sa bát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy
đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Những người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức
Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm trong ngày sa
bát!” (Mt. 12, 1-2)
Các môn đệ đói.
Các
môn đệ Chúa bị cơn đói dày vò. Luật ngày sa bát không cho phép các ông bứt lúa
mà ăn trong ngày ấy. Các môn đệ vẫn cứ bứt lúa ăn. Các người Pha-ri-sêu cho đó
là xì-căng-đan. Đức Giêsu dùng sự cố này để bày tỏ quan điểm của Người về ngày
sa bát.
Quan
điểm đó của Chúa, chúng ta biết rõ rồi. Ngày sa bát phải phục vụ con người…
ngày sa bát được phép làm điều lành. Nếu những luật chi phối ngày sa bát đã nén
cản trở yêu thương, ta không được làm nô lệ cho những luật ấy và ngần ngại vi
phạm. Nhưng thực tế không phải là phạm luật, bởi lẽ có môt luật được đặt lên
hàng ưu tiên và làm lu mờ mọi luật khác: Luật tình yêu. Để yêu thương để giúp
người đang túng đói, ta đừng phải sợ thay đổi nội quy, tập tục và luật lệ.
Có những người đang đói.
Theo
thói quen ta vốn nghĩ là mình không còn nô lệ cho những luật lệ bất công vốn
ngăn trở ta phục vụ tha nhân. Ta lầm rồi đấy. Những luật ấy tuy không áp dụng
cho việc tuân giữa này sa bát hoặc ngày chúa nhật, nhưhg nó vẫn tồn tại.
Trên
thế giới có những người đang đói ăn. Có nhiều người đang đói ăn. Cónhững người
đang chết đói. Cần phải cho họ ăn. Cần phải có đủ trí tưởng tượng và con tim
mới giúp họ sống được. Những điều gì đang xảy ra. Có những luật ngăn cản người
ta chừng nào hay chừng ấy trong công việc cứu giúp những con người đói khổ kia.
Những
luật này, chính các nước giầu tự ấn định cho mình, không những để cho mình vẫn
là những nước giầu có mà muốn khuếch trương thêm sự giầu có của họ. Những luật
ấy chính chúng ta tự đặt ra cho mình để tiếp tục sống trong tiện nhgi xa hoa.
Ngày
nào chúng ta mới dám vi phạm tất cả những luật lệ này để có được một con tim
rộng mở biết yêu thương hơn nữa.
J.Y.G
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
20 THÁNG BẢY
Ước Gì Mọi Miệng Lưỡi Đều Ngợi Khen
Ân Sủng Rạng Ngời Của Ngài
“Thiên Chúa đã yêu
thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào
người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Lời ấy
của Đức Giêsu làm nên cốt lõi của giáo thuyết về sự tiền định. Chúng ta nhận ra
giáo thuyết này trong giáo huấn của các Tông Đồ, nhất là trong các Thư của
Thánh Phao-lô.
Chẳng hạn, chúng ta đọc
thấy trong Thư Ê-phê-sô: “Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta, …
đã tuyển chọn chúng ta trong Người, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước
thánh nhan Ngài chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện. Theo ý muốn và lòng
nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử trong Đức Kitô –
để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời mà Ngài ban tặng cho chúng ta trong
người Con yêu dấu” (Ep 1,3-6).
Những xác quyết ấy về
định mệnh của chúng ta trong Đức Kitô giải thích hùng hồn yếu tính của điều mà
chúng ta gọi là “tiền định”. Thật vậy, cần phải làm sáng tỏ ý nghĩa của thuật
ngữ này để phòng tránh mọi nguy cơ ngộ nhận khi người ta sử dụng nó – điều khá
thường xảy ra. Chẳng hạn, người ta có thể ngộ nhận rằng sự tiền định đồng nghĩa
với một số mệnh mù quáng nào đó – hay là “cơn giận” thất thường của một vị chúa
hay ghen tị. Trong mạc khải thần linh, từ ngữ “tiền định” có nghĩa là sự chọn
lựa đời đời của Thiên Chúa. Sự chọïn lựa đó luôn luôn tích cực, sáng suốt và
đầy lòng tự phụ. Đó là một sự chọn lựa của tình yêu.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Apôllinarê, giám mục, tử đạo;
Is 38, 1-6. 21-22. 7-8; Mt 12, 1-8
LỜI SUY NIỆM: Hôm ấy, vào ngày Sabát, Đức Giêsu đi băng qua
một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisêu
thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được
phép làm ngày Sabát!” (Mt 12, 1-2).
Chuyện các môn đệ đang cùng đi với Chúa Giêsu mà bứt lúa để ăn khi đi đường
trong ngày Sabát, đã làm cho Chúa Giêsu bị những người xoi bói, hạch hỏi Ngài.
Qua câu chuyện này giúp cho chúng ta không những phải tự ý thức giữ thể diện
của mình; mà còn phải giữ thể diện chung, nhất là cho những đấng bậc trên mình.
Thứ đến nếu có những người anh em cùng chung một công tác, hay anh em dưới
quyền của mình có sai phạm, có lầm lỡ làm điều gì không phải, thì cũng có những
cử chỉ đùm bọc tha thứ và tìm cách sửa sai khi thuân tiện.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
20 Tháng Bảy
Ai Cũng Có Lý
Cách đây không lâu, tại nhà của một quan tòa ở Milano, bên
Italia, đã xảy ra một câu chuyện như sau: Có hai người tranh chấp với nhau lâu
ngày, cuối cùng đã đưa nhau đến quan tòa của thành phố nhờ phân xử dùm. Người
thứ nhất trình bày câu chuyện và tự biện hộ cho mình. Anh vừa dứt lời thì quan
tòa dõng dạc tuyên bố: "Anh có lý". Ðến lượt người thứ hai phân trần,
anh cũng đem ra mọi lý lẽ để làm nghiêng cán cân công lý về phía mình. Sau kho
nghe anh trình bày dông dài, quan tòa cũng tuyên bố: "Anh có lý".
Cậu con trai nhỏ của quan tòa theo dõi câu chuyện từ đầu. Nó
ngạc nhiên vô cùng: làm thế nào cả hai đều có lý cả? Quan tòa cũng đưa ra phán
quyết về nhận xét của con mình như sau: con cũng có lý. Mỗi người chúng ta ai
cũng có lý của mình, nhưng có lẽ chúng ta không muốn nhận ra phần có lý của
người khác cũng như chính phần lỗi của mình. Và đó chính là đầu mối của mọi bất
hòa.
Vô
nhân thập toàn, nhưng cũng không có ai là người xấu hoàn toàn. Nếu chúng ta
biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn của mình và chấp nhận giá trị của người
khác, thì có lẽ chúng ta sẽ không bất mãn về người khác cũng như đối với chính
mình. Cuộc sống chỉ có thể thở được nếu mỗi người chúng ta biết cư xử bằng sự
cảm thông và tha thứ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 20
Thánh Apôllinarê, giám mục, tử đạo
Con mắt của ta không chỉ để đón nhận
hình ảnh, chúng còn là những đài phát. Có những người, mà chỉ ánh mắt nhìn của
họ, cũng ánh lên niềm vui và an bình, một niềm vui và một nét an bình đủ thâm
sâu để tự "phát tiết" ra ngoài. Thậm chí đôi khi chúng không cần phải
diễn tả bằng lời. Chỉ một cái nhìn là đủ! Nói như thế để ta đừng bao giờ giả bộ
đóng vai làm lớn, nhưng là khiêm tốn xin cho khuôn mặt, cho cái nhìn của ta
được có nét thiên duyên hầu có thể phản ánh phần nào hơi thở của Thiên Chúa
trong ta.
Hãy nhớ lại cái nhìn của một người bạn,
một bệnh nhân, một em bé... Thiên Chúa thường lên tiếng rất mãnh
liệt trong đôi mắt của người bị cuộc đời làm cho thương tổn. Vậy, ta hãy khiêm
tôn cầu xin Chúa ban cho ta có được cái nhìn như Chúa.
Tôi xin được nhắc lại lời kinh mà chính
Chúa đã khơi dậy nơi trái tim ông Môsê để chúc phúc cho con cái nhà Israel : "Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và ban phúc lành
cho anh em" (Ds 6,25). Thế giới chúng ta đang sống
cần điều đó biết bao.
Nào! Đừng sợ. Hãy để Đức Kitô nhìn qua
đôi mắt bạn, vì Ngài yêu bạn!
P. Guy Lescanne
Thánh Kunigunde
(1224-1292)
K
|
hi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về quê hương Ba Lan vào tháng
Sáu năm 1999, ngài đã thể hiện giấc mơ phong thánh cho Kunigunde, một công chúa
người Ba Lan mà việc phong thánh đã bị đình trệ trong nhiều năm vì điều kiện
chính trị. Cùng cử mừng biến cố quan trọng này với đức giáo hoàng là nửa triệu
người dân Ba Lan trong một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Stary Sacz.
Kunigunde, hay còn gọi là Kinga, sinh trong thế kỷ 13 ở Hung Gia
Lợi và thuộc về một hoàng tộc không những nổi tiếng về thế lực chính trị mà còn
có nhiều phụ nữ thánh thiện. Những người dì của Kunigunde gồm Thánh Elizabeth ở
Hung Gia Lợi, Thánh Hedwig và Chân Phước Agnes ở Prague; cũng được kể trong vòng
bà con là Thánh Margaret dòng Ða Minh và Chân Phước Yolande.
Khi mới 15 tuổi, Kunigunde đã hứa hôn với một thanh niên mà sau
này là Vua Boleslaus của Ba Lan. Khi kết hôn, trước mặt vị giám mục, cả hai đều
thề giữ mình đồng trinh và họ đã trung thành với lời thề ấy trong 40 năm hôn
nhân.
Trong thời gian đó, Hoàng Hậu Kunigunde chăm sóc các cô em và dành
nhiều thời giờ để đi thăm bệnh nhân. Với tư cách là Ðệ Nhất Phu Nhân của Ba
Lan, ngài lo lắng đến phúc lợi của người dân và các nhu cầu đặc biệt của họ.
Ngài cho xây nhiều nhà thờ và bệnh viện cũng như chuộc người Công Giáo khỏi tay
người Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Vua Boleslaus từ trần năm 1279, dân chúng thúc giục Hoàng Hậu
Kunigunde lên nắm quyền cai trị, nhưng ngài ao ước tận hiến trọn vẹn cho Thiên
Chúa. Do đó, trong 13 năm, ngài sống cuộc đời đơn sơ của một nữ tu dòng Thánh
Clara Nghèo Hèn, sống trong tu viện mà chính tay ngài đã thiết lập ở Stary
Sacz. Sau đó, ngài được chọn làm bề trên, và đã cai quản dòng với sự khôn ngoan
và bác ái.
Ngài từ trần ngày 24 tháng Bảy 1292 khi 58 tuổi. Nhiều phép lạ đã
xảy ra tại ngôi mộ của ngài.
Vào năm 1715, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI đặt ngài làm quan thầy
đặc biệt của người Ba Lan và người Lithuania .
Ngày
20 tháng 7
Thánh
Giuse An (Diaz Sanjurjo), Giám Mục (+1857)Đức Cha Giuse An (Diaz Sanjurjo) là vị tử đạo đầu tiên của địa phận Trung (Trung Bộ Bắc Kỳ), nay là địa phận Bùi Chu.
Ngài sinh năm 1818, gần Lugo ,
Tây Ban Nha. Sau khi mãn Tiểu Chủng Viện và tốt nghiệp ở đại học Compostello,
ngài nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo với ước vọng trở thành một nhà truyền giáo.
Giuse An mặc áo dòng tại Ocana ngày 23/9/1842 và thụ phong linh mục ngày
23/3/1844. Ngài cùng với năm tu sĩ khác vâng lệnh Bề Trên, vượt biển tới Phi
Luật Tân. Tại thủ đô Manila ,
ngài giữ chức vụ giáo sư văn chương ở đại học mãi tới đầu năm 1845. Sau đó,
ngài nhận lệnh qua Việt Nam ,
và đến Bắc Kỳ vào ngày lễ Phục Sinh năm 1845.
Ngài được giao nhiệm vụ giám đốc Chủng Viện ở Lục Thủy, và năm
1849 được chỉ định làm trợ tá cho Ðức Cha Marti, Giám Mục địa phận Trung. Ba
năm sau (1852), ngài lên kế vị Ðức Cha Marti, và đặt tòa Giám Mục tại Bùi Chu.
Trong khoảng thời gian này, vì thiên tai, đói khổ và dịch tễ, vua Tự Ðức phải
ngưng việc cấm đạo ở miền Bắc. Ðến tháng 9/1855, sóng gió lại nổi lên và cuộc
bách đạo ngày càng thêm dữ dội. Vào năm 1857, vì muốn được nhà vua thưởng công,
một vị quan, mới được bổ nhiệm về Bùi Chu, đã cho quân lính bao vây bắt Ðức
Giám Mục, tước đoạt Thánh Giá cùng nhẫn đeo của ngài, rồi tống ngục. Ðức Cha
Giuse An bị xử trảm ngày 20/7/1857.
Ngày 29/4/1951, Ðức Thánh Cha Piô XII đã tôn ngài lên bậc Chân
Phước cùng với 24 bạn tử đạo cũng thuộc địa phận Trung.
Thánh Apollinaris, Giám mục (thế kỷ I)
Theo truyền thống, thánh Phêrô gởi Apollinaris tớiRavenna , Ý, trong cương vị giám mục tiên
khởi. Ngài rất thành công trong việc rao truyền Tin Mừng đến nỗi dân ngoại ở đó
đánh đập ngài và lôi ngài ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, ngài vẫn quay lại, và
ngài lại bị trục xuất lần nữa. Sau khi giảng đạo ở quanh vùng Ravenna , ngài lại vào thành phố. Sau khi bị
hành hạ dã man, ngài bị đưa lên tàu chơ tới Hy Lạp. Dân ngoại ở đó lại khiến
ngài bị trục xuất sang Ý, từ đây ngài lại đi Ravenna lần thứ tư. Ngài qua đời
vì bị thương do bị đánh đập ở Classis, ngoại ô Ravenna . Một đại giáo đường được xây dựng
dâng kính ngài ở đó từ thế kỷ VI.
Theo truyền thống, thánh Phêrô gởi Apollinaris tới
Thomas Aquinas TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét