Trang

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

08-08-2012 : THỨ TƯ TUẦN XVIII MÙA THƯỜNG NIÊN


THỨ TƯ TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN năm II
Mt.15,22


BÀI ĐỌC I: Gr 31, 1-7

"Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Khi ấy, Chúa phán rằng: "Ta sẽ là Thiên Chúa của mọi chi tộc Israel, và chúng sẽ là dân Ta".
Chúa phán thế này: "Dân thoát khỏi tay gươm, đã được nghĩa trong rừng vắng: Israel sẽ đi vào nơi an nghỉ của mình. Từ xa Chúa đã hiện ra với ta mà phán rằng: "Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, bởi đó Ta đã xót thương dắt ngươi đến. Rồi Ta lại kiến thiết ngươi, hỡi trinh nữ Israel, ngươi sẽ được tái thiết. Ngươi lại mang những trống cơm, sẽ bước đi với hội hát vui mừng. Ngươi lại trồng nho trên các núi đồi Samaria; kẻ vun trồng cứ vun trồng và sẽ không hái trái nho khi chưa đến mùa. Vì sẽ đến ngày những người canh gác trên núi Ephraim sẽ kêu lên: "Hãy chỗi dậy, chúng ta đi lên Sion, đến cùng Chúa là Thiên Chúa chúng ta".
Vì Chúa phán thế này: "Hỡi Giacóp, hãy nhảy mừng, hãy hét to vào đầu dân ngoại; hãy nói cho người ta nghe; hãy ca hát và nói lên rằng: 'Lạy Chúa, xin cứu dân Chúa; những kẻ còn sót lại trong Israel'".
 Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Gr 31, 10. 11-12ab. 13

Đáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).
Xướng: 1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Đấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình. - Đáp.
2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. - Đáp.
3) Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế. Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan; sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. - Đáp.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 15, 21-28

"Này bà, bà có lòng mạnh tin".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm".
Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel".
Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống".
Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.
Đó là lời Chúa.


Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần 18 TN2

Bài đọc: Jer 31:1-7; Mt 15:21-28
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lòng thương xót của Thiên Chúa
Để hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta có thể học hỏi trong cách đối xử của con người. Khi một người bị xúc phạm, có kiên nhẫn lắm họ cũng chỉ tha thứ tối đa là ba lần. Khi một người đã có thành kiến với một người, một nhóm, hay một dân tộc, anh sẽ không muốn nhìn mặt hay có bất cứ gì chung với đối phương. Nếu Thiên Chúa đối xử với con người như thế, hỏi còn được mấy người sống trên thế gian này? Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người tất cả chỉ với điều kiện là họ ăn năn trở lại. Ngài ban ơn cho cả người tin lẫn người không tin nơi Ngài.
Các Bài đọc hôm nay muốn nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah tuyên sấm: mặc dù con cái Israel đã nhiều lần xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài vẫn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ mọi tội nếu họ biết ăn năn quay về. Ngài sẵn sàng nối lại nghĩa cũ tình xưa và phục hồi tất cả những gì họ có như thuở ban đầu. Trong Phúc Âm, một người đàn bà dân ngoại xứ Phoenicia đến năn nỉ Chúa Giêsu chữa lành cho đứa con gái bị quỉ ám. Sau khi thử thách niềm tin của bà cách trầm trọng và nhận ra lòng tin yêu của Bà, Chúa ban cho Bà như lòng sở nguyện.  

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lòng thương xót của Chúa tồn tại muôn đời. 
1.1/ Lý do con cái Israel bị lưu đày.
Thiên Chúa sửa phạt con cái Israel vì họ đã không chịu nghe lời Ngài: Đền-thờ Jerusalem bị tàn phá, của cải trong Đền-thờ bị lấy đi, và cả vua lẫn dân phải lưu đày bên Babylon. Trong trình thuật hôm nay tiên tri Jeremiah loan báo: Chúa sửa phạt rồi Chúa lại xót thương. Sau một thời gian thanh luyện ở Babylon, Chúa sẽ mang những người còn xót lại trở về Jerusalem và Đền thờ sẽ được tái thiết trở lại.
Điều kiện thiết yếu là số còn sót lại phải nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và ăn năn trở lại. Ngôn sứ Jeremiah so sánh cuộc hồi hương như biến cố Xuất Hành lần thứ hai, họ sẽ được Thiên Chúa dẫn số còn sót “lên đường về chốn nghỉ ngơi.” 
1.2/ Tình yêu của Thiên Chúa vẫn dành cho dân tộc Israel.
Không giống như thói thường của con người, họ không thể chịu nổi sự bất trung, nhất là lại tái phạm nhiều lần; lòng thương xót của Chúa không bị hủy họai bởi tội lỗi và sự bất trung nhiều lần của Israel. Lý do của sự kiên nhẫn này đã được tiên tri Êzekiel đã loan báo: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối và được sống.”
Tiên tri Jeremiah hôm nay cũng nhắc lại lòng thương xót này: "Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương. Ta sẽ lại xây ngươi lên, và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Israel.”
Con cái Israel sẽ nhận ra tình yêu độ lượng của Thiên Chúa qua những gì Ngài phục hồi cho họ: Họ sẽ lại được vào Đất Hứa tràn trề sữa và mật như xưa, họ sẽ thống nhất lãnh thổ chứ đất nước không còn bị chia đôi, họ sẽ xây dựng lại Đền Thờ và lại có những ngày hội vui thủa trước khi tiến lên Đền Thờ tại Jerusalem. Họ sẽ hãnh diện với các dân tộc chung quanh vì "Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Israel!" 
2/ Phúc Âm: Đức tin vững mạnh của người đàn bà xứ Canaan.
Trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu hầu như không ra ngoài lãnh thổ của Israel. Các Phúc Âm chỉ thuật lại một lần biến cố Chúa qua TyreSidon, hai thành phố thương mại phồn thịnh của vùng Cận Đông ngày xưa, Lebanon ngày nay. 
2.1/ Người đàn bà xót thương con gái mình. 
Bà thương con khi thấy con bị đau đớn khổ sở! Lòng thương con là động lực thúc đẩy Bà vượt qua mọi trở ngại để đến với Chúa. Bà kêu lên Chúa: “Lạy Ngài là con vua David, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” 
2.2/ Người đàn bà vững lòng tin vào Chúa: Rất nhiều trở ngại bà phải vượt qua, nhưng bà tin chắc chỉ có Chúa mới có thể chữa con bà.
Chúa và các tông đồ là người Do-thái, bà là người xứ Canaan, Dân Ngoại. Theo sử gia Josephus, người Canaans là kẻ thù của người Do Thái. Đó là lý do tại sao Chúa trả lời cho các môn đệ: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Lòng thương xót con giúp bà gạt bỏ tự ái đến gặp Chúa và khiêm nhường xin Ngài thương bà và chữa lành cho con gái của bà. Đáp lại lời cầu xin của bà, Chúa vẫn thinh lặng và các môn đệ của Ngài gần như xua đuổi bà; dẫu vậy bà vẫn không bỏ cuộc. Bà đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!"
Chúa thử đức tin bà trầm trọng khi Ngài nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Thử tưởng tượng phản ứng của chúng ta thế nào khi nghe người khác gọi con chúng ta là chó! Chúng ta có can đảm để đứng lại nài van xin ơn? Nhưng bà vẫn không bỏ cuộc và đáp lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” 
2.3/ Chúa xót thương và ban cho bà được như sở nguyện.
Đức tin cần được thử thách như lửa thử vàng. Sau khi đã thử thách đức tin của bà, Chúa đã nhìn thấu suốt tâm hồn bà. Ngài đã nhìn thấy một tình thương vô bờ của người mẹ dành cho đứa con bệnh tật, nhất là một đức tin không lay chuyển trước mọi thử thách, nên Chúa nói với bà: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh. 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, và lòng thương xót làm cho chúng ta giống Ngài hơn bất cứ đặc tính nào. Chúng ta hãy có lòng thương xót tha nhân.
- Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ, Ngài xót thương những kẻ biết thương xót; và không chút thương xót kẻ không biết xót thương. Chúng ta có thể van xin lòng thương xót của Chúa trong khi từ chối không xót thương anh chị em mình?
- Lòng thương xót không có biên giới và thời gian, không chỉ giới hạn trong vòng thân quen cũng chẳng giới hạn bao nhiêu lần; bao nhiêu lần trở lại bấy nhiêu lần thương xót.
- Sống trong một xã hội càng ngày càng mất đi lòng thương xót (ly dị, cha mẹ từ con, con từ cha mẹ, anh chị em không them nhìn nhau…), chúng ta nghĩ sao về lòng thương xót Chúa trong trình thuật hôm nay?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

Thứ Tư tuần 18 thường niên
Sứ điệp: Niềm tin mãnh liệt và khẩn khoản của người đàn bà dân ngoại đã làm Chúa Giêsu không nỡ từ chối ban phép lạ cho bà.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thấy có hai lần Chúa đã từ chối không ban phép lạ, nhưng vì niềm tin và lời khẩn khoản của người xin, Chúa đã thực hiện phép lạ: đó là lời cầu xin của Đức Maria tại đám cưới Ca-na, và câu chuyện người đàn bà xứ Ca-na-an hôm nay.
Niềm tin mạnh mẽ và kiên trì đã khiến Chúa không nỡ từ chối ban ơn. Xét cho cùng, chúng con thực không xứng đáng để Chúa ban ơn cho. Con không có quyền đòi Chúa làm phép lạ. Điều con có thể làm được và phải làm, đó là tin tưởng vào Chúa, xác tín vào tình thương đầy quyền năng của Chúa và đặt trọn hy vọng vào Chúa.
Khi con cầu xin Chúa, con thường muốn Chúa thực hiện theo ý muốn của con, vào thời điểm mà con muốn, mà con không hiểu rằng điều quan trọng là tin tưởng và phó thác vào Chúa, phó dâng để Chúa thực hiện điều tốt nhất cho con theo ý định của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết kiên trì tín thác vào Chúa, cho con biết bày tỏ tấm lòng của con trong nhẫn nại. Chúa biết điều con cần, nhưng Chúa cũng muốn con tin tưởng, cậy trông vào Chúa. Đôi lúc vì cuộc đời quá đau khổ và phức tạp, con không còn dám tin vào Chúa nữa. Và vì nghi ngờ nên con không dám cầu xin nữa. Xin Chúa giúp con vững tin ngay cả trong những lúc khó tin và không còn gì để hy vọng. Amen.
Ghi nhớ : "Này bà, bà có lòng mạnh tin".

08/08/12 THỨ TƯ TUẦN 18 TN
Th. Đaminh, linh mục
Mt 15,21-28

LÒNG TIN MẠNH THẬT!

Bà ấy nói: “Thưa Ngài, lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Đức Giê-su đáp: “Này bà lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15,27-28)

Suy niệm: Trong khi các môn đệ, và ngay cả Phê-rô vẫn bị Chúa trách vì lòng tin yếu kém, thì người đàn bà Ca-na-an này lại là một trong số ít người được Chúa khen có lòng tin mạnh mẽ. Đó là một lòng tin kiên trì đến độ lì lợm. Một lòng tin mạnh mẽ đến độ bất chấp mọi sỉ nhục. Lòng tin của bà đã biến điều không thể thành có thể, một lòng tin có sức khiến cả Chúa cũng phải thay đổi chương trình của Ngài. Lòng tin của bà quả là “mạnh thật.” Và Chúa đã xác nhận sức mạnh của lòng tin đó khi nói: “Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”

Mời Bạn: Não trạng “hiện đại” của chúng ta ngày nay thường nghĩ rằng tin vào Thiên Chúa như thế là hạ thấp phẩm giá con người. Thế nhưng, lạ một điều, người ta lại dễ dàng đặt niềm tin của mình vào những điều thật là tầm thường, kém cỏi: Bạn nghĩ gì về những lời quảng cáo coi một chiếc xe, chiếc điện thoại di động, thậm chí hộp kem đánh răng như là “niềm tin của bạn”?

Chia sẻ: Bạn đã biểu hiện lòng tin một tình huống cụ thể như thế nào? Làm thế nào để biểu hiện lòng tin mạnh mẽ hơn trong một tình huống tương tự?

Sống Lời Chúa: 1/ Ngay khi thức giấc mỗi ngày, bạn làm một hành vi đức tin qua việc hướng lòng về Chúa, dâng cho Ngài ngày mới và mọi việc sắp làm trong ngày. 2/ Bạn đang gặp điều bế tắc trong cuộc sống ư? Bạn hãy suy niệm lòng tin của người phụ nữ Ca-na-an này và hãy thử làm như chị đi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Chúa củng cố đức tin còn yêu kém của con. - Đọc kinh Tin.



Lòng tin của bà lớn thật

 Hãy có lòng tin lớn của người phụ nữ Dân ngoại, tiếp tục tin, tiếp tục yêu, tiếp tục hy vọng và biết mình có thể chạm được vào trái tim của Thiên Chúa. 
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện Đức Giêsu chữa bệnh từ xa,
tại Tia và Xiđon, vùng đất của dân ngoại.
Nhưng chuyện chữa bệnh không quan trọng lắm.
Chuyện quan trọng là lòng tin của người phụ nữ Canaan.
Hẳn bà biết ít nhiều về Do Thái giáo, khi gọi Đức Giêsu là Con Vua Đavít.
Con Vua Đavít là tước hiệu người Do Thái dùng để chỉ Đấng Mêsia.
Bà tin Đức Giêsu có thể chữa lành con gái của bà.
Người phụ nữ trực tiếp gặp Đức Giêsu và ngỏ lời nài xin:
“Xin thương xót tôi… con gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm.”
Người mẹ đau vì con của mình đau.
Bà kêu xin Đức Giêsu thương mình, bằng cách chữa lành cho cô con gái.
Nhưng bà chỉ gặp sự thinh lặng như thể Người không nghe thấy.
Dầu vậy bà vẫn không ngừng đi sau và kêu to.
Tiếng kêu dai dẳng của bà đuổi theo các môn đệ khiến họ bực bội.
Khi không chịu nổi được nữa, họ mới chạy đến với Thầy Giêsu.
“Xin Thầy cho bà ấy đi đi, vì bà ấy cứ kêu sau lưng chúng ta mãi.”
Có vẻ các môn đệ muốn Thầy gặp bà và cho điều bà cần.
Cho đến nay vẫn chưa có cuộc đối thoại giữa bà và Đức Giêsu.
Người phụ nữ vẫn là người độc thoại.
Nhưng Đức Giêsu vẫn chưa muốn nói chuyện với bà.
Người chỉ nói với các môn đệ và xác định sứ vụ của mình:
“Thầy chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Israel thôi.”
Đây là lời từ chối đầu tiên, rõ ràng và dứt khoát.
Nó như đặt một dấu chấm hết cho mọi hy vọng của người mẹ.
Đức Giêsu như muốn nói: Đừng kêu la vô ích.
Chị không phải là chiên của nhà Israel.
Dân ngoại lúc này không phải là sứ vụ của tôi,
vì Cha tôi chưa sai tôi đến.
Lòng tin của người phụ nữ bị thử thách đến tột độ.
Chắc bà bị cám dỗ bỏ  đi vì sự thinh lặng lạnh lùng,
và sự từ chối cương quyết của Đức Giêsu.
Nhưng trái tim của một người mẹ không cho phép bà làm thế.
Bà trở nên táo bạo hơn và dám vượt lên trước để gặp Đức Giêsu.
Trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục nài xin:
“Lạy Ngài, xin giúp tôi” (c. 25);
khác với lúc nãy: “Lạy Ngài, xin thương xót tôi” (c. 22).
Cả hai lời nài xin đều nhắm đến người con, dù có vẻ bà chỉ xin cho bà.
Xin giúp tôi bằng cách giúp con tôi khỏi móng vuốt quỷ dữ.
Hạnh phúc của người mẹ gắn liền với hạnh phúc của con,
vì tình yêu nối kết  cả hai nên một.
Tuy vậy lời nài xin này của trái tim người mẹ
dường như vẫn chưa đụng được vào trái tim Thầy Giêsu.
Người đưa ra lời từ chối thứ hai
quyết liệt hơn và có thể gây tổn thương nghiêm trọng:
“Không nên lấy bánh dành cho con mà ném cho chó.”
Con ở đây là dân Israel, là người trong nhà, có quyền hành.
Dân ngoại đôi khi được ví với chó nuôi trong nhà.
Hai bên không ở trên cùng một mặt phẳng.
Câu nói này của Đức Giêsu phản ánh cái nhìn của người Do Thái.
Họ tự hào về tính ưu việt của mình
trong tư cách là Dân riêng của Chúa.
Nói chung họ cho rằng chỉ họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ.
Người phụ nữ không phản đối cái nhìn của Đức Giêsu
Bà không cảm thấy mình bị xúc phạm và giận dữ bỏ đi.
Trái lại, bà đón nhận cái nhìn ấy và tìm thấy một kẽ hở cho ơn Chúa:
“Thưa Ngài đúng thế.
Nhưng chó con cũng được ăn các mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ.”
Bà chấp nhận mình chỉ là chó con nuôi trong nhà,
không phải là ông chủ đang ngồi tại bàn ăn.
Bà tin rằng dù mình không đủ tư cách
để ngồi dự bàn tiệc cánh chung như những người Do Thái,
bà vẫn có thể được hưởng chút vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống.
Bà vẫn giữ niềm hy vọng ngay khi bị từ chối thẳng thừng.
Chính lời từ chối của Đức Giêsu lại mở ra niềm hy vọng.
Đức Giêsu bị ấn tượng bởi lòng tin của bà.
Người kêu lên: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật.”
Đức Giêsu từng ngỡ ngàng trước lòng tin của viên bách quản (Mt 8,10-11).
Giờ đây Người đối diện với lòng tin của một người mẹ thương con.
Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin,
khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối.
Lòng tin không mất hy vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng.
Lòng tin mạnh mẽ và khiêm hạ của người mẹ đã chinh phục Đức Giêsu,
và cuối cùng đã chạm  được vào trái tim của Người.
Đức Giêsu đã để  mình bị cuốn đi, ngỡ ngàng và ngây ngất…
Bây giờ Người  mới thực sự nói chuyện với bà: “Này bà…”
Người sẽ làm điều trước đây Người không định làm.
Người sẽ đáp lại lòng tin của bà, lòng ao ước của bà
chỉ bằng một lời nói từ xa cho một cô bé chưa hề  gặp mặt:
“Hãy xảy ra cho bà như bà muốn”.
Cô bé đã được chữa lành kể từ lúc đó.
Mẹ cô đã được thương xót và trợ giúp.
Đức Giêsu không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao.
Người vẫn nghe tiếng kêu của con người và chấp nhận những ngoại lệ.
Ngoại lệ cũng nằm trong Ý Cha.
Ý Cha vẫn mở ra mới mẻ từng ngày đòi ta phải tìm kiếm liên tục.
Ngoại lệ hôm nay sẽ mở đường cho sứ vụ ngày mai:
“Các con hãy đi, hãy làm cho mọi dân tộc thành môn đệ,”
để “nhiều người từ Đông sang Tây sẽ đến và dự tiệc trong Nước Trời.”
Xã hội hôm nay không thiếu những bà mẹ khổ vì con mình bị ám.
Ám vì đủ  thứ nghiện ngập do cuộc sống đem lại.
Các bà mẹ thấy mình bất lực, chỉ biết hy vọng vào Chúa.
Nhiều khi có cảm tưởng Chúa không nghe và lạnh lùng trước nỗi đau.
Hãy có lòng tin lớn của người phụ nữ Dân ngoại,
tiếp tục tin, tiếp tục yêu, tiếp tục hy vọng
và biết mình có thể chạm được vào trái tim của Thiên Chúa.

Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thuong của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.

 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Này bà, bà có lòng mạnh tin".
Sống niềm tin
Mahatma Gandhi, người có công giành độc lập cho Ấn Ðộ bằng con đường bất bạo động, đã có lần tuyên bố: "Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không phục những người Kitô hữu". Câu nói của con người đã từng lấy giáo lý của Chúa Kitô làm nền tảng cho chủ trương bất bạo động đáng làm cho chúng ta suy nghĩ.
Giáo lý của Chúa Kitô thì cao đẹp, nhưng nhiều Kitô hữu làm cho bao nhiêu người xa lánh Giáo Hội, chỉ vì cuộc sống của họ đi ngược lại với những gì họ tuyên xưng. Người ta thường nói: "Bà con xa không bằng láng giềng gần". Ðôi khi chúng ta cảm thấy gần gũi với những người láng giềng hơn là với những người thân thuộc. Trong liên hệ với Chúa Giêsu cũng thế, có biết bao người chưa từng được nghe nói đến Chúa Giêsu, có biết bao người không mang danh hiệu Kitô, nhưng lại gần gũi với Chúa Kitô và sống tinh thần Kitô hơn chính những người Kitô hữu.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là một người ngoại giáo. Một trong những điều hẳn sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng, đó là trên Thiên đàng, chúng ta sẽ gặp gỡ những người chúng ta chưa từng quen biết, ngay cả những người chưa một lần mang danh hiệu Kitô hay đặt chân đến nhà thờ.
Thời Chúa Giêsu, có biết bao người ngoại giáo có lòng tin sâu sắc hơn cả những người Do thái. Trước hết, tiên tri Isaia đã từng khiển trách lòng giả dối của người Do thái: "Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng họ thì xa Ta". Thời Chúa Giêsu, có biết bao người bị loại ra khỏi xã hội, bị đặt bên lề Ðền thờ, và có lẽ cũng không hề thuộc toàn bộ lề luật của Môsê, nhưng lại có lòng sám hối và tin tưởng sâu xa hơn. Nói với những người chỉ giữ đạo một cách hình thức, Chúa Giêsu đã cảnh cáo: "Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời; nhưng là những kẻ thực thi ý Chúa".
Người đàn bà Canaan có lẽ không hề biết đến lề luật Môsê, nhưng đã sống niềm tin của mình một cách mãnh liệt. Lòng tin đó được thể hiện qua việc phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa Giêsu. Trong tình thế hầu như tuyệt vọng, bà đã chạy đến với Chúa Giêsu; sự van nài của bà cho thấy sự kiên nhẫn và lòng tin sắt đá của bà. Sự khác biệt cơ bản giữa một người có niềm tin và một người không có niềm tin, không hệ tại ở danh hiệu Kitô hay những thực hành đạo đức, mà chính là lòng tin. Tin vào sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống, tin vào tình yêu vô biên của Ngài, tin vào ý nghĩa của cuộc sống, tin vào tình người, đó là sắc thái chủ yếu của người có niềm tin: chính trong niềm tin đó, con người gặp gỡ Chúa Giêsu.
Trong một hoàn cảnh mà cái nhìn của con người có thể cho là tuyệt vọng, người Kitô hữu hơn bao giờ hết được mời gọi để nêu cao niềm tin của mình. Ðây là thời điểm để họ chứng tỏ bản sắc đích thực của mình. Trong cuộc sống chỉ có nghi kỵ và hận thù, họ được mời gọi để đốt lên ngọn đuốc của yêu thương. Trong một xã hội bị gậm nhấm bởi chán nản tuyệt vọng, họ được mời gọi để mang lại niềm hy vọng. Chỉ khi nào giữ đúng vai trò đó, người Kitô hữu mới thực sự xứng đáng với danh hiệu của mình.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Một con chó biết ơn.
Bà ấy liền bái lạy và thưa với Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không lên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trênbàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó con gái bà được khỏi. (Mt. 15, 25-28)
Thái độ của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này không được đáng mến? Những câu: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Cho người ta thấy Đức Giêsu rất cảm thương, tốt lành và kính chuộng những kẻ hèn mọn và nghèo khổ.
Thánh Mát-thêu cho chúng ta thấy một Đức Giêsu có óc bè phái: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Có óc kinh bỉ: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”
Nhưng kìa: Đức Giêsu hoàn toàn không phải thế, Thánh sử muốn dạy chúng ta biết lắng nghe và hiểu rõ bài học này.
Có nhiều người lương dân biết xưng tụng, kêu van danh Đức Kitô, trong khi những Kitô hữu nghe danh người xưa kia mà nay lại không biết kêu cầu Người. Hay ngay cả khi họ nghĩ đến Người, hiểu biết Người bây giờ, họ vẫn điếc chẳng nghe Tin Mừng của Người, mù không thấy những phép lạ của Người, sự phục sinh của Người, câm không nói về Người.
Chó con trong nhà.
Chó con được ăn những đồ thừa, không những nó bằng lòng mà còn tỏ niềm vui mừng và biết ơn nữa. Trẻ con trong nhà thì sao? Không phải lúc nào chúng cũng biết ơn, cảm ơn dù chúng được chăm lo rất nhiều, chúng không thấy vì được quá nhiều đặc ân, quá thường xuyên.
Bà lương dân này chẳng được dạy dỗ, chẳng được ân huệ gì, bà lại có niềm tin thật mạnh đó là điều thiết yếu Đức Giêsu muốn Người không nói bà phải tỏ ra ngoan ngoãn phục tùng, Người không tra hỏi về đời tư của bà. Như bất cứ một kẻ nào đó đến với Người, cầu khẩn Người, với cảnh cùng khổ của mình, với lòng tin cậy được nhận lời.
Chúng ta hãy thành khẩn.
Còn chúng ta ngày nay thì sao?
Không còn đề cập đến vấn đề đức tin nữa, nó làm chúng ta mù quáng bằng đủ mọi thứ bào chữa để che đậy lòng thiếu đức tin của chúng ta.
Nếu người lương dân biết tin vào Đức Kitô thì càng có lý mạnh mẽ đòi chúng ta càng xây dựng niềm tin vào Đức Kitô biết bao! và phải làm cho Người trở lên sống động nơi chúng ta và nơi mọi người đến chừng nào! vì chúng ta hiểu biết Người hơn lương dân gấp bội.

Tâm Hồn Khiêm Tốn
Biến cố chúng ta vừa đọc lại trên đây cho thấy Chúa Giêsu đã vượt qua một biên giới, và đến gần vùng đất của dân ngoại. Và tại đây Ngài đã gặp một người đàn bà được hưởng lấy lợi ích từ tác vụ của Chúa Giêsu, tự lãnh nhận những hồng ân Thiên Chúa như những người con Do Thái đồng hương. Vừa bước vào vùng đất mới, Chúa Giêsu nghe được lời kêu van của một người đàn bà đang gặp thử thách: "Lạy Ngài, con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi. Ðức con gái tôi bị quỉ ám khổ sở lắm". Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại một lời. Trước lời kêu xin tha thiết như vậy, tại sao Chúa không đáp lại? Chúa là Ðấng nhân từ, đầy cảm thông trước cảnh cùng khổ của những ai đến với Chúa và đã dạy các tông đồ: "Hãy cầu nguyện thì sẽ được. Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho". Thế mà tại sao Chúa lại làm thinh, không trả lời cho người đàn bà đang thành tâm kêu xin? Hẳn có lý do.
Các tông đồ không hiểu được thái độ của Chúa và cũng không muốn bị quấy rầy nên đã nói với Chúa như sau: "Xin Thầy bảo bà ấy đi đi, kẻo bà ấy cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Các tông đồ hiểu lầm thái độ im lặng của Chúa như một sự từ chối và các ngài cũng muốn phủi tay: "Xin Chúa đuổi bà ấy đi cho, đừng để bà ấy quấy rầy nữa". Chúa Giêsu không chỉ im lặng mà Ngài còn lên tiếng nói lời chối từ như sau: "Ta chỉ được sai đến để cứu những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi".
Chúng ta nên học hỏi thái độ khiêm tốn và kiên trì của người đàn bà: "Lạy Thầy, xin cứu giúp tôi". Bà không bực tức, không nổi giận, không trách móc Chúa tại sao thế này, tại sao thế nọ. Chúa càng im lặng thì bà càng khiêm tốn hơn nữa. Không những bà chỉ nói mà còn van xin bằng cả con người của mình. Bà sụp lạy Chúa Giêsu và nói: "Xin Ngài thương xót con". Sự im lặng của Chúa là một thử thách, thử thách trong đức tin, thử thách trong việc cầu nguyện Chúa Giêsu thử thách nhiều hơn nữa: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà đem ném cho chó". Ðây là thử thách ở mức độ cuối cùng, ai có thể vượt qua được. Người đàn bà xa lạ và thuộc dân ngoại khiêm tốn thưa cùng Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, đúng thế, nhưng mà những con chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ trên bàn chủa rơi xuống". Có thể nói tâm hồn khiêm tốn đã giúp người đàn bà vượt qua được thử thách và trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu trấn an bà như sau: "Này bà, lòng tin của bà thật mạnh. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy". Người đàn bà chỉ xin Chúa cho lợi lộc thông thường cho con bà khỏi bị quỉ ám và bà được nhận lời.
Chúng ta có thể tượng tưởng người đàn bà sẽ vui mừng biết bao hơn nữa khi lãnh nhận được ơn Chúa. Cuối đoạn đường gian nan nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rõ những giây phút Chúa xem ra im lặng là những giây phút quí trọng vô cùng vì những im lặng và từ chối này của Chúa giúp đức tin của chúng ta được trưởng thành. Khi đi qua đoạn đường gian nan, chúng ta có thể hiểu được chương trình của Chúa dành cho cuộc đời mình. Thử hỏi, chúng ta còn đủ nghị lực để đi qua đoạn đường nhiều gian nan thử thách hay không.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho tất cả những ai chọn theo Chúa có được tâm hồn khiêm tốn để lãnh nhận những mầu nhiệm ân sủng của cuộc đời.
Lạy Chúa,
Xin thương nâng đỡ chúng con và củng cố đức tin cho chúng con.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 8
8 THÁNG TÁM
Tìm Kiếm Câu Trả Lời Bằng Con Mắt Đức Tin
Sự đau khổ được nhìn qua con mắt đức tin – ngay cả dù vẫn có vẻ thật ảm đạm – sẽ cho phép chúng ta nhận ra mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa. Mầu nhiệm này được tóm kết trong mạc khải Đức Kitô, nhất là trong cái chết Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người. Con người vẫn không ngừng đặt ra những vấn nạn về sự dữ và đau khổ trong thế giới thụ tạo, song chắc chắn con người không thể nào tìm thấy những lời giải đáp trực tiếp được. Không thể tìm thấy sự giải đáp trực tiếp nếu không có một đức tin sống động vào Đức Giê-su Kitô.
Nhưng dần dần, với sự giúp đỡ của đức tin được nuôi duỡng bằng cầu nguyện, chúng ta có thể khám phá ra ý nghĩa đích thực của những nỗi thống khổ mà mọi con người kinh nghiệm trong đời. Sự khám phá này phụ thuộc vào lời mạc khải thần linh và vào “lời của thập giá” Đức Kitô (1Cr 1,18) – thập giá chính là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).
Công Đồng Vatican II dạy chúng ta: “Nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta được soi sáng về bí ẩn của sự đau khổ và sự chết, bí ẩn này sẽ đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm” (MV 22). Nếu nhờ đức tin, chúng ta khám phá ra sức mạnh và “sự khôn ngoan” này, thì đấy là chúng ta đang bước đi trên con đường cứu độ của sự quan phòng của Thiên Chúa. Ý nghĩa của lời Thánh Vịnh bấy giờ sẽ thành hiện thực hoàn toàn đối với chúng ta:
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi …
Dù tôi đi trong thung lũng tối tăm,
tôi vẫn không lo sợ gì,
vì có Chúa ở cùng tôi” (Tv 23,1-4).
Vâng, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa luôn sóng bước cùng với con người.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY  08-8
THÁNH ĐA-MINH, Linh mục;
Gr 31, 1-7; Mt 15, 21-28
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện người đàn bà ngoại giáo xứ Canaan đến xin Chúa Giêsu chữa cho người con gái, nhưng Chúa Giêsu đã đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con. Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mãnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,26-27).
 Khi nhìn vào người phụ nữ này, sẽ giúp cho chúng ta hai điểm: thứ nhất là bền đổ trong cầu nguyện và tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa, và thứ hai là phải coi chừng về cách đón nhận và dùng ân sủng của Chúa ban cho mình. Nhiều khi chúng ta được ưu tiên, “bánh dành cho con cái”; nhưng chúng ta lại không biết quan tâm, trong lúc đó biết bao nhiêu người thèm muốn được như chúng ta mà không được. Ơn đức tin là do Chúa ban. Chúng ta có sống đức tin hay không; đó là bổn phận và trách nhiệm của mỗi chúng ta. Hãy xét mình lại.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 08-08

Thánh ĐAMINH
Linh mục (1170 - 1221)
Thánh Đaminh sinh tại Castille, Tây Ban Nha, năm 1170. Truyện về tuổi trẻ của Ngài nói tới nhiều điềm báo lạ lùng. Mẹ Ngài, bà Aza mơ thấy con mình như một con chó ngậm đuốc chạy khắp cả thế gian. E ngại vì giấc mơ này bà làm tuần cửu nhật xin cho được sinh nở vuông tròn đến ngày thứ bảy, vị chánh sở nói với bà : - Đừng sợ gì vì đứa trẻ sinh ra sẽ trở thành ánh sáng thế gian và niềm an ủi cho Giáo hội, nhờ sự thánh thiện và giáo thuyết của nó.
Khi trẻ Đaminh còn nằm trong nôi, một bầy ong mật lượn quanh rồi êm ái đậu xuống nơi nôi Ngài. Điều này báo trước rằng lời lẽ miệng Ngài sẽ êm dịu như mật ngọt. Ngày chịu phép rửa tội, vú nuôi Ngài thấy một vì sao chói sáng trên trán Ngài. Đó là dấu ơn thánh Ngài sẽ tỏa chiếu để thu hút các linh hồn.
Được cưng chiều, thánh Đaminh sớm sống đời khổ hạnh. Ngài học hãm mình cầu nguyện khi vừa thôi nôi. Người vú nuôi nhiều lần thấy Ngài âm thầm thức dậy trong đêm tối để cầu nguyện. Ngài chọn một nơi thanh vắng ở cuối vườn làm nơi tâm sự với Chúa. Đức Trinh nữ thường hiện ra với Ngài, dạy Ngài lần chuỗi. Việc đạo đức này về sau trở thành phương thế hữu hiệu để cải hóa những người theo lạc giáo.
Đến tuổi đi học, Đaminh được gởi tới thụ giáo với ông cậu là tổng linh mục ở Gumiel. Năm 14 tuổi, Ngài theo học tại đại học ở Palencia và đã tiến triển rất nhanh về hiểu biết lẫn nhân đức. Nạn đói lan tràn nước Tây Ban Nha, một người bạn đến thăm Đaminh không thấy đồ dùng lẫn những pho sách quí đâu nữa. Ngài đã bán để giúp người nghèo khó rồi. Gương sáng này đã lôi kéo được nhiều sinh viên lẫn các giáo sư bắt chước.
Sau khi hoàn tất việc học, Đaminh được đức Chadiegô, giám mục Osma truyền chức linh mục. Vị giám mục đạo đức này đang muốn canh tân lòng đạo đức trong giáo phận, đã đặt cha Đaminh làm kinh sĩ. Khi lo chuyện nhà nước qua Châu Au, đức cha Diegô dẫn cha Đaminh đi theo. Tại Languedoc, các Ngài được chứng kiến được tàn phá mà bè rối Albigeois gây ra. Họ chủ trương rằng: mọi vật chất đều xấu và do ma quỉ. Sự hoàn thiện theo họ, hệ tại sự từ bỏ phi nhân bản để sống khắc khổ. Chủ trương này dẫn tới sự lãnh cảm. Chẳng hạn đối với việc hôn nhân và chôn vùi mọi cơ cấu xã hội gia đình. Họ còn có lễ nghi, và phẩm trật riêng. Người ta bị phân thành hai loại: một bên gồm những người hoàn thiện và những nhà lãnh đạo sống rất khắc khổ; bên kia là quần chúng tìm thấy nơi giáo thuyết mới lý do bào chữa cho sự tự do luân lý không bị kiềm chế của mình.
Trên đường về, đức cha Diegô và cha Đaminh đến Roma xin từ nhiệm để dấn thân vào cuộc truyền giáo quanh vùng Dniepen. Đức giáo hoàng Innocentê III từ lâu đã mong có người ra đi rao giảng tại miền nam nước Pháp, chống lại ảnh hưởng của bè rối Albigeois, thay vì chấp nhận lời thỉnh cầu, Đức giáo hoàng sai các Ngài tới miền nam nước Pháp. Hai người đã tới phụ lực với các sứ giả đã được sai tới trước kia. Tại Montpellier, đức cha Diegô đã nhận thấy sự khác biệt giữa các nhà giảng thuyết công giáo đầy xa hoa với các nhà giảng thuyết phái Albigeois đầy khiêm tốn giản dị. Các Ngài chọn đường lối khác, lấy khó nghèo và cầu nguyện làm gương sáng thu hút mọi người. Tháng 4 năm 1207, nhiều tu sĩ Xitô đến trợ lực. Trong vòng một năm trời, có đến 40 vị dấn thân vào hoạt động. Những thành công sơ khởi bắt đầu tới, nhưng không kéo dài được lâu. Các tu sĩ Xitô nản lòng. Đức cha Diegô trở về Tây Ban Nha kiếm thêm người trợ lực và qua đời tại đây. Một vị sự thần cũng từ trần. Tệ hại hơn cả là Phêrô Castelman, vị sự thần khác, bị bọn lạc giáo ám sát.
Còn lại mình cha Đaminh. Ngài vẫn tiếp tục nhiệt tình hoạt động trong đường lối khổ hạnh và cầu nguyện. Không chấp nhận kiểu rao giảng khua trống gióng chiêng, Ngài nói : - Không thể đến với kẻ thù như vậy được. Hãy trang bị bằng kinh nguyện và chân không mà đến với tên khổng lồ Goliath.
Trong sáu năm, cha Đaminh trải qua nhiều sóng gió, ngay khi mới tới, đức cha Diegô và Ngài đã thiết lập một cộng đoàn nữ tu tại Prouille. Bây giờ Ngài chỉ còn là trợ lực duy nhất, một ngày kia trong khi nhiệt tình cầu nguyện, thánh nhân than thở tại sao số người lạc giáo quá nhiều mà trở lại thì quá ít. Đức Trinh nữ đã hiện ra và dạy Ngài hãy rao giảng phép lần hạt Mân Côi. Vâng lời Mẹ, thánh nhân dồn nỗ lực vào việc truyền bá sự sùng kính kỳ diệu này, thay vì tranh luận như trước, Ngài dạy dân chúng hiểu phương pháp và tinh thần khi lần chuỗi. Ngài dẫn giải cho họ các mầu nhiệm thánh. Kết quả thật lạ lùng. Sau một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã được an ủi khi thấy hơn một trăm ngàn người tội lỗi và những kẻ lạc giáo được đưa trở về với Giáo hội.
Hoàn thành sứ mệnh, thánh Đaminh có ý định thành lập một dòng tu làm vườn ươm các tông đồ. Ngài trình bày dự tính với Đức giáo hoàng Innocentê III. Nhưng đức giáo hoàng ngần ngại. Đêm sau Ngài mơ thấy đại giáo đường Lateranô bị rung chuyển và thánh Đaminh đưa vai chống đỡ bức tường cho khỏi sụp đổ. Biết ý Chúa Ngài cho gọi thánh nhân đến và chấp thuận cho lập dòng mới. Đây là dòng giảng thuyết.
Khi còn ở Roma, một đêm kia, trong lúc cầu nguyện, thánh Đaminh thấy Chúa Giêsu giận dữ muốn phóng ba ngọn đuốc xuống thiêu hủy thế gian: - Loài người lao mình vào nết xấu kiêu căng nhục dục và biển lận, nên Ta muốn hủy diệt chúng bằng 3 ngọn lửa này.
Nhưng đức trinh nữ cản lại: - Con ơi, hãy thương xót thế gian. Này đây có hai người sẽ làm sống dậy các nhân đức.
Đaminh biết mình là một, nhưng người kia là ai thì chưa rõ. Hôm sau khi đến nhà thờ Ngài gặp một tu sĩ, mặc đồ người ăn xin ngồi ngay cửa. Đó là thánh Phanxicô. Hai người chưa gặp nhau, nhưng đã ôm choàng lấy nhau và gọi tên nhau. Các Ngài hợp nhất với nhau trong công cuộc của Chúa.
Thánh Đaminh đề cao việc học, Ngài gởi các tu sĩ đến các đại học, Ngài truyền : - Chớ gì các tu sĩ chuyên cần học tập ngày đêm. Lúc ở nhà cũng như khi đi ngoài đường, họ phải không ngừng đọc sách và suy gẫm.
Thánh Đaminh rảo qua khắp nẻo trên đường giảng dạy, một thanh niên ngây ngất hỏi Ngài đã học cách nào, Ngài nói : - Hỡi con trong sách đức ái đó, sách này hơn mọi sách dạy bảo tất cả.
Một năm trước khi qua đời, các cha dòng Đaminh đã được sai tới Oxford, Hungaria, Đan Mạch và Hy lạp. Thánh Đaminh qua đời tại Bologna ngày 6 tháng 8 năm 1221.

(daminhvn.net)
++++++++++++++++++
08 Tháng Tám
Vị Thánh Của Kinh Mân Côi
Ðaminh, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, mở mắt chào đời năm 1170 bên Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc, nhưng ngay từ nhỏ, Ðaminh đã tập quen sống hãm mình. Ngoài ra, Ðaminh có tính khẳng khái, thích làm việc có hệ thống và chú ý đến việc trau dồi kiến thức.
Khi làm linh mục, rồi kinh sĩ, Ðaminh nổi bật về lòng ngay thẳng, hăng hái và tinh thần hy sinh. Ngài cảm thấy như được Chúa gọi đi để loan báo Tin Mừng cho các bộ lạc bên nước Nga, nhưng Ðức Innocentê thứ 3 lại cử ngài đến hoạt động tại Toulouse bên Pháp, nơi những làn sóng lạc giáo đang làm lung niềm tin của nhiều người.
Ðaminh xác tín rằng: Lời giảng dạy phải đi đôi với cuộc sống. Vì thế, ngài đã lập một hội dòng, quy tụ các tu sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm để có thể rao giảng, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của mình. Chính Ðaminh đã là người đầu tiên làm gương về nếp sống ấy bằng cách đi chân không, ngủ dưới đất, ăn chay và sống bằng của bố thí.
Vào năm 1216, Ðức Hônôriô thứ 3 đã phên chuẩn dòng do cha Ðaminh sámg lập mang tên "Dòng anh em giảng thuyết" thưo quy luật của thánh Augustinô, tức là dòng Ðaminh ngày nay. Thiên Chúa chỉ dành cho cha Ðaminh 5 năm vắn vỏi để chu toàn sứ mệnh của người gieo giống. Suốt thời gian này ngài đã rảo qua các nước Pháp, Italia và Tây Ban Nha để rao giảng và đã đưa nhiều người ly giáo trở về với Giáo Hội.
Trong suốt cuộc sống, Ðaminh đã nêu cao gương hy sinh và cầu nguyện. Ngoài ra, ngài còn truyền bá lòng sùng kính Ðức Maria và kinh Mân Côi, vì thế, ngài đã thành lập một dòng nữ để giúp chị em sống theo tinh thần này.
Cha Ðaminh qua đời tại Bologna bên italia ngày 06/8/1221 và chỉ 13 năm sau, vào năm 1234, Ðức Gregoriô thứ 9 tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.
Có một câu chuyện thuật lại giấc mơ của thánh Ðaminh: Ngài thấy thế gian sắp bị án công thẳng của Thiên Chúa luận phạt, nhưng được cứu thoát nhờ lời cầu bàu của Ðức Maria. Ðức Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu hai hình ảnh: một hình ảnh là chính Ðaminh và hình ảnh kia là một người ăn mày quần áo rách tả tơi.
Ngày hôm sau, trong lúc cầu nguyện trong nhà thờ, Ðaminh thấy người ăn mày trong mộng xuất hiện, tiến đến gần, ôm chầm Ðaminh và nói: "Anh là người đồng hành với tôi. Nếu chúng ta cùng sánh vai tiến bước, thì không quyền lực nào có thể thắng chúng ta". Nhìn kỹ, Ðaminh nhận ra người ăn mày đó chính là Phanxicô thành Assisi.
Cuộc gặp gỡ này của hai vị sáng lập dòng vẫn được các tu sĩ Ðaminh và Phanxicô mừng mỗi năm. Vào ngày lễ kính hai thánh nhân, họ cùng nhau dâng Thánh Lễ và sau đó ngồi vào bàn để chia sẻ với nhau những tấm bánh và những lý tưởng đã làm cho Giáo Hội trở nên phong phú trong việc sống theo tinh thần Phúc Âm trải qua 7 thế kỷ nay.
Lý tưởng mà dòng Ðaminh cũng như của các dòng khác không phải chỉ để chúng ta kính phục, nhưng cũng là để chúng ta noi gương. Các tu sĩ là những người tự nguyện sống trọn những lời khuyên của Phúc Âm qua ba lời khấn: khó nghèo, thanh tinh, vâng lời. Ðó cũng là ba nhân đức mà mỗi người Kitô cũng phải thực hành tùy sức, tùy hoàn cảnh và địa vị của mình.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 08 

Thánh Đa Minh
 
Thiên Chúa tuyệt mỹ  
Bởi thế mà ta phải tôn vinh 
những gì chung quanh ta.

Paule Amblard
Hôm nay là một ngày đặc biệt của Dòng Anh Em Thuyết Giáo, ngày lễ Thánh Đa Minh. Trong đặc sủng của Dòng Đa Minh, nhiều người, nam cũng như nữ, đã có thể dấn thân theo Đức Kitô, khi đáp lời ước nguyện sâu thẳm của con tim: dâng hiến đời mình cho việc rao giảng, bắt đầu từ việc không ngừng kiếm tìm Chân Lý một cách khiêm hạ, qua việc học hỏi và đọc các dấu chỉ thời đại.
 
Thánh Đa Minh qua đời vào ngày Lễ Hiển Dung và đã được dự phần vào vinh quang của Đức Kitô. Theo chân Ngài, đến lượt chúng ta, giống như các Thánh Tông Đổ, chúng ta cũng được sai đi cho dù mình yếu đuối. Chúng ta tin rằng chính Đấng Phục Sinh sai phái chúng ta. Vì chúng ta yếu đuối, nên chúng ta không ngừng được kêu mời trở về nguồn suối của mọi khởi xướng: sự chiêm ngắm. Khi chiêm ngắm, con tim chúng ta hòa nhịp với Thánh Ý Chúa Cha. Bất cứ ai đã chịu phép Rửa Tội cũng đều có sứ mạng: trung tín đáp trả ân sủng đặc biệt của ơn gọi mình. Giáo Hội cần tất cả mọi người.
Các nữ tu Đa Minh Taulignan

Ngày 8 tháng 8
THÁNH ĐAMINH, LẬP DÒNG ANH EM THUYẾT GIÁO
(1170-1221)

Ngày 24 tháng 6 năm 1170, lúc sinh hạ cậu quý tử, bà Gioana d’Aza đã mộng thấy đứa con yêu của bà đội hình một con chó, miệng ngậm bó đuốc sáng ngời, soi sáng cho toàn thể thế giới. Quả thật giấc mộng đó ngày nay đã được thực hiện, vì trên thế giới ngày nay, chỗ nào cũng đều thấy hình ảnh của Đaminh con bà.
Đaminh được cha mẹ chăm nom tại gia đình, lên bảy tuổi thì được gửi đến với một người cậu ruột, quý danh là Guillaume, bấy giờ đang giữ chức tổng linh mục tại Gumiel d’Izan, để nhờ ngài giáo huấn.
Năm 14 tuổi, Đaminh được gửi tới học tại Palencia. Tại đây, với trí thông minh và tính chăm chỉ, Đaminh đã làm cho toàn thể giáo sư cũng như các bạn đồng môn phải thán phục. Ngoài những kết quả rực rỡ về học vấn, cậu còn tỏ ra là một thiếu niên rất đức hạnh, khiến mọi người đều đem lòng quý mến. Trong khi Đaminh đang tiến bước trên đường học vấn, bỗng xảy ra một nạn đói. Những cảnh đói nheo nhóc và chết chóc hằng ngày thường tiếp diễn trước mặt cậu. Không thể làm ngơ trước những cảnh ngộ thương tâm ấy, cậu bán tất cả đồ dùng, và cả đến những cuốn sách giá trị để lấy tiền giúp đỡ những kẻ xấu số. Cậu nói: “Làm sao tôi có thể cầm sách mà học được, khi mà bao nhiêu đồng bào phải chết đói”.
Càng ngày, Đaminh càng tiến bộ về hết mọi phương diện, học vấn cũng như thánh thiện. Tiếng thơm nhân đức ngài đã lan tràn khắp nơi, khiến mỗi lần nghe nói đến tên Đaminh, người người đều tỏ vẻ khâm phục. Có lẽ Đaminh đã được thụ phong linh mục vào thời kỳ này. Vì khi đó, Đức Giám Mục địa phận Osma, quí danh Máctinô Bazan đã đề cử cha Đaminh lên chức kinh sĩ. Mặc dầu còn trẻ và cảm thấy không xứng đáng với chức vụ ấy, nhưng vì đức vâng lời, cha vui lòng nhận và chẳng bao lâu, đời sống thánh thiện của cha đã cất nhắc cha lên chức phó Bề trên hội kinh sĩ. Với chức vụ ấy, ngài đã trực tiếp tham dự vào việc quản trị địa phận, và trong suốt năm năm, ngài đã giảng dạy trong toàn địa phận và thu lượm được kết quả rất khả quan.
Năm 1203, tại miền Nam nước Pháp mọc lên một lạc giáo rất nguy hiểm, đó là lạc giáo Albigiensê. Lạc giáo này chủ trương có hai Chúa: Thiện và Ác. Thuyết này tai hại vô cùng, vì trước đó tám thế kỷ, chính nó đã làm lung lạc được Âutinh, một thanh niên thông minh nhiệt thành, và bây giờ nó lại tác hại cho nhân dân miền nam nước Pháp.
Những ông hầu tước miền Tolosa, dù trước kia là những người đã có công giải vây thành đô Giêrusalem, lúc này đều công khai tuyên bố ủng hộ lạc giáo này. Rồi những miền khác như Provence, Languedoc… cũng lần lượt bất phục tùng Giáo hội. Họ đơn giản hóa thuyết Công giáo, rồi cuối cùng tuyên bố bỏ hẳn, đồng thời làm cho cơ sở gia đình và nền tảng luân lý phải lung lay.
Để tiêu diệt giáo thuyết nguy hiểm ấy, Đức Innôxentê III phải thiết lập một kế hoạch chiến đấu. Nhưng vì không trực tiếp điều khiển, nên đoàn nghĩa binh của ngài đã bị những người thiếu lương tâm lạm dụng. Rồi các vua chúa, nhân cơ hội này, thay vì mang chân lý cho những người lầm lạc, lại đem những đạo binh hùng dũng để chiếm lấy đất đai, dưới chiêu bài bênh đỡ Giáo hội. Nhưng lúc đó, vua Anphongsô VIII xứ Castilla, hiểu rõ ý Đức Giáo Hoàng muốn dùng những phương pháp ôn hòa để phá tan lạc giáo, liền sai Đức Giám Mục địa phận Ósma là Điêgô Azsveđô và cha Đaminh đi giúp Đức Giáo Hoàng thực hiện ý nguyện ấy. Sau mấy tháng hoạt động, Đức Giám Mục Điêgô Azsveđô lâm bệnh từ trần. Cha Đaminh tiếp tục sứ mạng đó, ngài hoạt động hăng hái bên các cha dòng khổ tu Xitô. Theo một phương pháp rất hợp thời, vừa siêu nhiên vừa tài trí, nhờ tài đức và lòng nhiệt thành thánh thiện, công cuộc cải huấn những kẻ lầm lạc của cha Đaminh đã đem lại kết quả vô cùng rực rỡ. Biết bao linh hồn đã nghe lời ngài mà quay về với Giáo hội.
Để mau chấm dứt mối nguy do lạc giáo gây nên, cha Đaminh phải nỗ lực làm việc ngày đêm. Bên ngoài ngài hoạt động hăng hái, nhưng bên trong ngài cầu nguyện rất thiết tha. Hai đặc tính ấy đã chi phối tất cả cuộc đời truyền giáo của ngài. Song song với việc cải hóa những tâm hồn lầm lạc bằng lời giảng dạy, cha Đaminh còn muốn cho cuộc đời đạo đức của họ được bảo đảm vững vàng nhờ những phương thế đặc biệt khác. Vì bên lạc giáo có tổ chức các trường huấn luyện riêng cho nữ giới, nên để đối lại, cha Đaminh cũng lập một tu viện tại Prouille cho những thiếu nữ nào muốn sống cuộc đời tu trì. Ngày 27 tháng 12 năm 1206, tu viện bắt đầu thâu nhận các nữ tu vào sống theo quy luật thánh Âutinh.
Đồng thời với việc cổ võ sự cầu nguyện và hy sinh cho các chị dòng ở Prouille, cha Đaminh còn truyền bá một cách kết quả việc sùng kính phép lần hạt Mân côi mà ngài đã được chính Đức Mẹ truyền dạy. Trước sự đe dọa của lạc giáo Albigiensê, lòng sùng mộ phép lần hạt mân côi thật là một phương pháp rất dễ dàng, và rất bình dân để giáo huấn và soi sáng những người lạc giáo. Và cũng kể từ đó, lòng sùng kính phép Mân côi đã dần dần lan tràn ra khắp thế giới.
Sau hơn mười năm tận tụy với công việc giáo hóa lạc giáo, cha Đaminh vui mừng vì thấy Giáo hội hoàn toàn vinh thắng. Khi lạc giáo đã tan rã, ngài có thể vào Tolosa như một viên tướng khải hoàn, khắp nơi đều an bình, tự do.
Bấy giờ Đức Giám Mục tỉnh Marseille, một người rất nhiệt thành, hằng ước ao được thấy thái bình trở lại địa phận sau bao năm bị lạc giáo dày xéo. Ngài hằng khuyến khích tất cả những sáng kiến của cha Đaminh, đặc biệt là sáng kiến thành lập một nhóm linh mục chuyên đi thuyết giáo và sống đời tu dòng.
Đầu tiên có tất cả bốn vị thừa sai hưởng ứng sáng kiến của ngài, trong số đó có Mannès, em ngài, về sau đã được phong chân phước, và hai nhân vật quyền quý thành Tolosa là Tôma và Phêrô Seile. Ông Seile dâng cho dòng một biệt thự rộng lớn vào hạng đẹp nhất thành phố. Ngày 25-4-1215, cha Đaminh triệu tập tất cả những hội viên về nhà mới đó. Tất cả được sáu người, và ngài cho họ mặc áo kinh sĩ địa phận Ósma, mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn thấy con cái ngài duy trì. Nhân dịp công đồng chung Lateranô IV sắp nhóm họp, cha Đaminh cùng với Đức Giám Mục địa phận Marseille lên đường về Rôma để xin Toà Thánh cho phép bành trướng dòng mới lập trong toàn thể Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Innôxentê III và công đồng đều đồng ý cho dòng Thuyết giáo được mở rộng phạm vi hoạt động. Hơn thế nữa, trong khoản luật thứ mười của công đồng bàn về việc thành lập dòng Thuyết giáo, Đức Giáo Hoàng còn buộc các Giám mục phải coi các tu sĩ dòng này như những cộng sự viên thân cận nhất trong việc giảng dạy và giải tội. Tới năm 1217 Dòng được Đức Giáo Hoàng Honoriô III long trọng công nhạân; nhưng vì không muốn có thêm một qui luật mới nữa trong Giáo hội, nên ngài truyền cho Dòng sống theo luật dòng thánh Âutinh, gồm thêm những qui ước riêng thích hợp với các hoạt động của Dòng.
Sau khi được Giáo hội chính thức công nhận việc thành lập dòng mới, cha Đaminh liền từ biệt Thánh đô để lên đường về Tolosa. Tới nhà, ngài liền bắt tay vào việc huấn luyện các anh em trong Dòng. Nhiều linh mục, tu sĩ, xin gia nhập dòng ngài, vì thế, chỉ một thời gian ngắn, dòng Thuyết giáo đã có một số thợ khá nhiều, sẵn sàng tung ra cánh đồng truyền giáo. Với cái nhìn sâu rộng, cha Đaminh đặt chương trình hoạt động tại ba địa điểm quan trọng trong thế giới Công giáo: địa điểm thứ nhất là Rôma, nơi ngài được Đức Giáo Hoàng Honoriô III ban cho một toà nhà làm trụ sở. Địa điểm thứ hai tại Paris, trung tâm văn hóa của Âu châu thời bấy giờ, và địa điểm thứ ba tai Bolonia. Bất cứ ở đâu, Dòng của cha cũng hoạt động mạnh mẽ và cố gắng thích nghi với mọi tầng lớp dân chúng. Chính vì thế mà năm 1220, toàn thể Âu châu, trừ Anh quốc và Hungari, đều được đón nhận Phúc âm do công của con cái cha Đaminh. Sang năm 1221, ngài lại xúc tiến công việc thành lập một tu viện lấy tên là Albe Royale tại Hungari, và đồng thời nhiều học đường cũng được xây cất ngay bên Đại học đường danh tiếng Oxford.
Để tưởng thưởng những công lao vĩ đại của Dòng Thuyết Giáo, Toà Thánh đã dành riêng cho con cái cha Đaminh hai chức vụ quan trọng trong triều Vaticanô: chức vụ thứ nhất là đứng đầu Thánh Điện (Sacré Palais), chức thứ hai là tổng ủy viên bộ Thánh Vụ.
Cha Đaminh vì đã quá lao nhọc với công cuộc tông đồ, nên dù tuổi mới độ năm mươi, mà sức lực đã hầu tàn. Dầu vậy, ngài vẫn cố gắng lên Bắc Ý và miền Lombardia để rao truyền Phúc âm. Sau đó lại trở về Rôma nhân dịp Đức Giáo Hoàng tưởng thưởng cho Dòng Thuyết Giáo của ngài. Ngài luôn luôn đi thăm viếng các nhà dòng ở rải rác khắp nơi, và khi tới Vênitia thì lâm bệnh nặng. Trở về Bôlônia dù đau ốm, ngài vẫn hết sức tuân thủ luật dòng, không kể chi những can gián của đoàn con. Bệnh trạng cha mỗi ngày một nặng, và đến ngày 06 tháng 8 năm 1221, ngài an nghỉ giấc ngàn thu trong tay nhân ái của Cha hiền. Nghe tin ngài quá vãng, Đức Hồng Y Hugolin, bạn thân thiết của ngài, được Đức Thánh Cha phái tới cử hành lễ nghi an táng. Đến khi lên ngôi Giáo Hoàng dưới danh hiệu Grêgôriô IX, ngài liền ban phép cho các anh em Dòng Thuyết Giáo rước hài cốt của cha Đaminh về nhà thờ thánh Nicôlaô một cách trọng thể. Nghi lễ di chuyển hài cốt chính là một cuộc khai mạc việc điều tra phong thánh cho ngài. Quả vậy, cuộc điều tra phong thánh bắt đầu ngày 14 tháng 7 năm 1233 và tới 13 tháng 7 năm sau thì kết liễu. Thế là chỉ sau ngày ly trần 13 năm thì Cha Đaminh đã được Giáo hội tôn phong lên bậc hiển thánh.
Sinh thời, cha thánh Đaminh đã vì bác ái mà ngày đêm hoạt động, với mục đích đem hết mọi linh hồn về cho Chúa, thì khi đã được vinh hiển trên thiên quốc, ngài cũng vẫn không quên các linh hồn còn đang chiến đấu nơi dương thế. Do đó, biết bao nhiêu phép lạ vừa thiêng liêng như cho kẻ tội lỗi biết động lòng chừa cải, vừa vật chất như cho kẻ đau yếu được lành đã… đã được thực hiện nơi mồ của cha thánh. Tới năm 1267, hài cốt của cha thánh lại được di chuyển một lần nữa trước sự hiện diện của thánh Tôma Aquinô, một trong những người con thời danh nhất của ngài, và hiện nay, mộ ngài ở tại thánh đường thánh Đaminh xây cất khoảng năm 1730. Nơi đây lúc nào cũng có đông đảo khách hành hương kính viếng.
Dưới sự bảo trợ của cha thánh Đaminh, Dòng Anh Em Thuyết giáo tính đến năm 1927 đã có tới 31 tỉnh, và hai tu hội, gồm 258 nhà và 5.300 tu sĩ. Trong số đó, hơn 700 nhân sự làm việc tại các xứ truyền giáo. Ngoài ra, cây Đaminh còn mọc thêm nhiều ngành tươi tốt nữa, như dòng nữ tu Đaminh và Dòng ba dành cho các giáo hữu hâm mộ lý tưởng của Thánh Phụ.

Mary MacKillop Vị nữ thánh đầu tiên của Úc Châu - Lễ kính 8/8/2012
Khởi đầu
Mary MacKillop là một người Úc. Mẹ sinh vào ngày 15/1/1842 trong ngôi nhà nhỏ trên đường Brunswick Fitzroy, không xa nhà thờ chính tòa bao nhiêu. Mẹ được rửa tội tại nhà thờ thánh Phanxicô và ghi sổ rửa tội tại nhà thờ chính tòa St Patrick ở melbourne. Ông Alexander MacKillop và bà Flora McDonald là những người di dân từ Scotland.
Mary là người chị cả trong gia đình 7 người con. Vì gia đình nghèo nên Mẹ không được học hành đến nơi đến chốn. Mẹ học từ chính ba của mình, đó là chuyện bình thường trong giai đoạn đầu của những người di dân đến Úc thời đó. Chúng ta có rất ít tài liệu về thời niên thiếu của mẹ. Có lẽ mẹ được học tại trường tiểu học St Francis và một hai học kỳ tại trườc Accademy... Có lẽ mẹ cùng gia đình sống một thời gian ở Portland; nhưng sau đó về Penola và về Adelaide. Có lẽ ông Alexander cũng theo dấu chân những người đi tìm vàng... Nhưng một việc chắc chắn là ông để lại cho con gái mình một gia sản đức tin và lòng đạo đức nhiệt thành.
Thập niên 1850
Mỏ vàng ở Ballarat được khám phá ra vào tháng 8/1851, đã làm dấy lên những đợt sóng ồ ạt người đổ về Ballarat và Bendigo trên toàn lãnh thổ Úc Châu. Vào những năm đó số vàng được tìm thấy ở Úc đã thu hút nhiều đợt sóng di dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về làm bộc phát lên nhiều đổi thay. Melbourne trở thành một thành phố đông đảo, giá nhà cửa và đất đai tăng vụt. Nhiều chuyến tầu đổ vào cảng Port Phillip Bay. Vì con số tới đông qúa nên Port Phillip Bay chứa không nởi nên nhiều chuyến tầu phải rời về cảng Adelaide... tạo nên nhiều dịch vụ nhưng cũng nhiều vấn đề. 
Mary Mackillop làm thư ký và cô giáo
Mẹ đã làm thư ký cho nhà in và cửa tiệm văn phòng phẩm cho tổ hợp Sands và McDougall – sau đó cho Sands và Kenny – để kiếm tiền sinh sống. Sau này nhờ công sức của cha cô mà cô đã đạt được trình độ học vấn được Chính phủ địa phương ở Nam Úc thừa nhận, nên từ năm 1860 cô bắt đầu trở thành một cô giáo tại một trường Công giáo ở Portland (Victoria), với ít lương của chính phủ. Ngay sau đó cô đã thành lập một trường nội trú cho thiếu nữ. Chính trong công việc này mà cô được cha xứ Tenison Woods, vị linh mục mà cô đã gặp 4 năm trước đây hỗ trợ. 
Khởi đầu tại Penola
Vào cuối năm 1865 cha Tenison Woods mời cô dạy học ở ngôi trường nhỏ tại Penola. Đầu năm 1866 cô dọn về tiểu bang Nam Úc với 2 người em gái và cậu em trai. Tại Penola từ một chuồng gia xúc bỏ hoang được mướn và người em trai là John MacKillop đã bỏ công sức làm việc cật lực để biến cái chuồng gia xúc này thành trường học. Trường mang tên là trường Bêlem do các sơ dòng thánh Giuse và Thánh tâm Chúa đảm trách. Trong dịp lễ kính thánh Giuse năm 1866, Mary MacKillop, là sơ đầu tiên của dòng thánh Giuse bắt đầu dạy học cho các em học sinh mặc dù mãi tới lễ Đức Mẹ lên trời năm 1867 sơ mới được khấn lần đầu tại Adelaide và được gọi là sơ Maria Thánh Gía. Ngày lễ thánh Giuse 19/3 hàng năm vẫn được coi là ngày khai sinh ra Tu Hội.
Adelaide – và vườn dầu
Giai đoạn 8 năm kế tiếp là một giai đoạn thử thách lớn lao cho sơ Maria Thánh Gía. Thời gian minh chứng cuộc đời mẹ gắn liền với danh xưng mẹ chọn. Chỉ nội trong 5 năm cộng đoàn của mẹ đã tăng vọt lên con số 120 sơ. Ý niệm các sơ phải tu trong dòng không được vào đời và tu hôi bị giới hạn trong giáo phận không được mở rộng thành hội dòng giáo hoàng dù tu hội đã được thành hình cả 30 năm đã tạo nên những cấm đoán ngăn cản từ các đấng bản quyền trong giáo phận. Mẹ Mary và các con cái của mẹ đã cảm nghiệm được lời của Thầy Chí Thánh: "Người ta sẽ trục xuất các con khỏi hội đường và xác tín là họ đang làm vinh danh Chúa..." Mẹ đã đối diện với những thảm trạng trên trong tình bác ái và khiêm hạ trung thành với đấng bản quyền.
Mary MacKillop – con người của Mẹ
Mẹ là một cô thiếu nữ trẻ 32 tuổi xuân không được thừa hưởng một trợ cấp hay bổng lộc nào. Danh tiếng của Mẹ được đồn xa tới tận Pháp quốc và Roma, tới Anh quốc và Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan quê cha đất tổ....Trước cảnh tũng quẫn, Mẹ đã nhận được nhiều lời tưởng thưởng và khích lệ.... Trong lần họp tổng tu hội lần đầu tiên tại Adelaide vào năm 1875 có nhiều những bất đồng và hiểu lầm... nhưng tất cả đều vượt qua... 
Giờ lâm chung của Mẹ MacKillop
Dù mẹ thành công trong nhiều công cuộc, nhưng sự thông đạt giải tỏa được những thiên kiến và hiểu lầm đã theo mẹ trong suốt cuộc đời tới tận giờ lâm chung, đem lại cho mẹ những khổ đau đúng với tên xưng của mẹ là Maria Thập Tự. Trong năm cuối đời mẹ phải ngồi xe lăn và bại liệt vì chứng đột qụy. Cảm phục trước những hy sinh tận tụy của mẹ, chính phủ Tân tây Lan đã thiết lập con đường hỏa xa tới Dominion hầu mẹ có thể tới thăm viếng các nhà của dòng của mẹ mới mở ở đó.
Cuối cùng cái ngày cay nhiệt 8/8/1909 đã tới, cái ngày cướp đi sinh mạng của mẹ, nhưng đó cũng là ngày hồng phúc, vì chính qua cái chết mẹ được về gặp gỡ Đức Lang Quân của mẹ là Đức Giêsu Kitô. 

Phần mộ Thánh Mary MacKillop trong nguyện đường tại vùng Bắc Sydney.

"Bình an luôn ở đó"
Trong năm thánh 1925, mẹ tổng quyền Lawrence, cùng với sơ Francis đi tham dự cuộc triều yết Đức Thánh Cha tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo... nơi đây mẹ Lawrence gặp một nhóm sinh viên người Úc họ đã hỏi mẹ “Điều gì mẹ ghi nhớ nhất về mẹ Mary MacKillop?” Mẹ đã nhanh nhẹn trả "sự an bình... một sự bình an sâu thẳm từ nội tâm. Bất chấp những khổ đau, khó khăn thành công hay thất bại... sự bình an luôn luôn tỏa ra từ nội tâm của mẹ..."
Cảm nếm vinh quang
Mẹ Mary MacKillop hiểu rất rõ là dù ở đâu Melbourne, Portland, Penola, hay Adelaide? Và lúc nào Mẹ không hay, chỉ cóa Chúa biết! nhưng Mẹ sẽ được tháp nhập vào sự biến hình với Chúa Kitô. Chính niềm xác tín và sự tiên cảm đó giúp mẹ thắng vượt muôn vàn khó khăn và bền bỉ dấn thân... và cùng các sơ tới những nơi xa xôi hẻo lánh xa đô thị phồn hoa tiện nghi, thiếu thốn về mọi mặt ngay cả nhu cầu tâm linh như không có các linh mục lui tới để ban bí tích... Nhưng mẹ có thể thân thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Chúa, thật là tuyệt hảo chúng con được ở nơi đây!” Đến những nơi như Jindabyne, Adaminaby và Nimmitabel hay chốn núi cao phủ tuyết Banjo Paterson. Tới các khu quặng mỏ xa xăm bát ngàn Kalgoorlie và Kelleberrin, Boulder và Southern Cross bên Tây Úc tới vùng Texas, Taroom, Diranbandi và Crow's Nest ở vùng đất Nữ Hoàng Queensland. Trong những nhà chòi đơn sơ nhưng đoá là những tu viện, có mai che thân cho hai nữ tu mà Đức Kitô sai đi... tới các vùng xa xôi hẻo lánh bất chấp nóng lạnh nghèo khổ... 
"Vùng đất mây trắng"
Vượt biển Tasmania Mẹ viết các lá thư mẹ đang lắng tai đi về các vùng đất phủ đầy tuyết để nghe được những điệu nhạc của người thổ dân Maoris mãi tận Remuera và Matata những vùng đất được tìm thấy từ thế kỷ trước và tới Paeroa, Rotorua, Whangarei là những vùng đất mới được khám phá vào các thập niên 1900 ở miền nam như Port Chalmers, Waimate và Temuka Các sơ của Mẹ đã sinh sống ở Temuka bốn năm trước khi vùng đất được nâng lên thành giáo phận Christ-church. Mẹ thật là người khai phá và đặt nền móng cho vùng đất Tân Tây Lan như Mẹ sai các sơ đi mở nhà ở Temuka một hải đảo phía nam của Tân Tây Lan dù Mẹ mới bắt đầu lập dòng ở Penola được 17 năm và Mẹ mới từ Roma trở về Úc được 8 năm.
Dù ở đâu và thời nào đi nữa các con cái mẹ luôn nghe văng vẳng bên tai lời Đức Kitô được vang vọng qua những lời xác tín của bà Ruth nói cho Naomi: "Bất cứ nơi nào con đi tới, dân tộc của mẹ cũng là dân tộc của con... Nơi nào con cắm lều, mẹ cũng sẽ ở đó với con... Nơi con an nghỉ cũng là chốn mẹ chết và được mai táng... và mẹ nguyện cầu dù sống hay chết không gì có thể tách lìa mẹ khỏi Thiên Chúa..."
Tinh thần của Mẹ Mary Thánh Giá
"Thiên ý của Chúa, cùng đích cuộc đời," là một trong các đề tài giảng thuyết hay nhất của Hồng Y Chân phước Newman. Nhìn vào mẫu gương của Đức Maria có lẽ nhân đức trổi vượt ngời sáng nhất của Mẹ là rộng mở tâm lòng trước tôn ý Thiên Chúa. Như chính Thầy Chí Thánh đã kêu lên cùng Thiên Chúa Cha: "Bất luận điều chi làm đẹp Cha, con hằng quyết thực hiện." (St. John viii, 29.) Tương tự như lời mời gọi: "Hãy lên hoàn thiện như Cha các con ngự trên trời là Đấng hoàn thiện." (Mathêu v, 48.)
Một sơ gìa của dòng đã viết về những khổ đau và thử thách của Mẹ MacKillop như sau: "Đối với tôi cuộc đời của Mẹ Mary MacKillop từ ngày lập dòng cho tới giờ chết là một cuộc tử đạo dai dẳng. Mẹ chịu cam khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Mẹ bị đối xử thật bất công và bị hạ nhục. Nhưng tình yêu Mẹ dành cho con cái của Mẹ là niềm vui và sức mạnh cho Mẹ như có lần Mẹ đã thốt lên: "Khi nào mẹ chết tu hội sẽ phát triển. Mẹ cố gắng dọn con đường êm xuôi cho người kế vị Mẹ. Mẹ biết Chúa Giêsu chọn phần tốt nhất cho mẹ và mẹ tạ ơn Chúa cho mẹ được thông phần khổ đau với Chúa."
Đi tìm tôn ý Chúa
Mẹ chia sẻ là mẹ cảm nghiệm được rằng: nếu muốn thực thi tôn ý Chúa thì phải có nhân đức anh hùng vì tình yêu Chúa thì hay đi ngược lại với khát vọng và mơ ước bình thường của bản tính con người chúng ta như có lần mẹ chia sẻ: "Trong một thánh lễ lúc hiệp lễ mà mẹ không thể cầm lòng cầm trí cầu nguyện được! mẹ chỉ biết trao hiến trọn vẹn mẹ cho tình yêu của Chúa... và trao hiến trọn vẹn là dâng hiến từ những điều nhỏ nhặt nhất đền những người mà Chúa gửi đến cho mẹ yêu thương săn sóc... Lúc ấy mẹ sẵn lòng chấp nhận sống trong tăm tối và bị cấm cản suốt đời ngay cả chịu đau khổ đời này lẫn đời sau ngoại trừ một khát vọng duy nhất là đừng để mẹ xa lìa Chúa nhưng giúp mẹ luôn biết phục vụ Chúa và thực thi tôn ý Chúa muốn cho mẹ và cho các thụ tạo của Chúa..." 
Khi nhận được tin Đức Thánh Cha can thiệp giải quyết những vấn đề cho mẹ đã về tới giáo phận vào năm 1870, Mẹ thốt lên: "Ngợi khen chúc tụng Thánh Ý Chúa." Và năm 1871, lúc mẹ chịu một thánh giá nặng nề cho chính cuộc sống của mẹ, mẹ đã thốt lên: "Con không biết phải nói sao về cảm xúc của con, nhưng con vui mừng vì biết Chúa ở gần con hơn lúc nào hết. Con cảm nghiệm được sự thanh thản, sự hiện diện tốt lành của Chúa mà con sẽ nhớ mãi suốt đời!" Vào năm 1872, một năm sau khi Đức Giám mục Sheil qua đời, vẫn còn nhiều điều đáng buồn xảy ra cho Giáo phận Adelaide Nam Úc. Mẹ đã viết tâm sự cùng cha Woods như sau: "Cầu xin Chúa giúp cho giaó phận vượt qua được những thương đau." Cũng cùng năm ấy mẹ viết: "Lạy Chúa nhân từ, Chúa biết con đau khổ khi nhìn thấy những người con yêu bị đau khổ, con tha thiết xin Chúa thể hiện thánh ý Chúa nơi con và ban cho con chỉ tìm được an vui nơi Chúa trên thiên quốc và trong tthánh ý của Chúa mà thôi."
Một sơ gìa trong Tu hội đã ghi lại tư tưởng trong bài chia sẻ của Mẹ MacKillop nhu sau: "Chúng ta không làm theo ý của chúng ta, nhưng chúng ta phải tìm bước đi trong con đường Chúa muốn và dọn sẵn cho chúng ta ... nên Tôn ý Chúa là trên hết dù chúng ta phải vác thêm thập gía và chịu thêm nhiều đau khổ vì chúng ta chỉ có thể an nghỉ khi chúng ta đi về với Ngài." Khi phải đối diện với nhiều lo lắng và đau khổ vào năm 1877, mẹ đã ghi lại: "Chúng ta hãy làm theo tôn ý Đấng chúng ta yêu mến, và đừng khát vọng gì cho cuộc sống hay sự chết ngoại trừ điều làm đẹp lòng Chúa; đừng để điều chi của trần thế vương vấn trong tâm hồn chúng ta ngoại trừ tình yêu Chúa và dành trọn cho mình Ngài mà thôi!"
Tín thác vào Chúa
"Chúng ta đừng bận tâm lo lắng cho tương lai của Tu hội, mẹ không lo vì Chúa Đấng muốn Tu hội thành hình sẽ lo lắng cho Tu hội." Tư tưởng này phản ánh lời Thánh vịnh: "Hãy phó thác vận mệnh bận trong tay Chúa, Ngài sẽ lo lắng cho bạn." (TV. 54, 23.) "Chúng ta hãy phó thác tất cả cho Chúa và nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta trong mọi sự theo Ý Chúa. Khi suy tưởng về điều này chúng ta hãy thân thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa xin hãy dùng con theo thánh ý Chúa."
Có lẽ chúng ta đã nói đủ về điểm này vì đau khổ và thử thách như gắn liền với vận mệnh của mẹ, nhưng mẹ lúc nào cũng nhìn thấy đó là thánh ý của Chúa và là một ơn lành Chúa gửi đến cho mẹ. 
Mary MacKillop – Đức Tin Cậy Mến
Giáo hội luôn nhìn vào ba nhân đức đối thần này để định giá sự thánh thiện của một người nào đó. Thật vậy trong mọi chặng đường sống nào của mẹ MacKillop, ba nhân đức này lúc nào cũng trổi vượt. 


Đức Tin sâu xa
Qua niềm tin mẹ nhìn thấy bàn tay Chúa trong mọi biến cố. Như năm 1883 mẹ viết từ Sydney vì mẹ buộc phải đổi về Sydney, xa vắng các sơ yêu qúi của mẹ ở Adelaide, trong đêm tăm tối mẹ chia sẻ: "Chúng ta có nhiều đau khổ và sẽ còn khổ đau nhưng thử thách không làm suy giảm hạnh phúc của chúng ta ngược lại chúng thanh luyện chúng ta, và đem trái tim chúng ta tới gần Thiên Chúa hơn. Cảm nghiệm này có nơi mỗi người, nên mẹ khẩn khoản nài xin chúng con mỗi người hãy chấp nhận thánh gía ngoại cảnh để xây dựng lẫn nhau trở nên những sơ đích thực của Tu hội thánh Giuse và là những phu quân khiêm hạ của vì Thiên Chúa khiêm nhường. Hãy lãnh nhận thương đau để kết hợp với Thiên Chúa." 
"Chúng con biết rằng tình thân ái thường là những vết thương không tên từ sự tùng phục những điều nhỏ nhặt hay do những phê bình nhận xét thường ngày. Những điều này thường xảy đến nhưng các con cần biết rằng thánh gía lớn và nặng thì Chúa thường đặt để trên vai bề trên. Mẹ chia sẻ điều này để các con được vui mừng hạnh phúc và những đau khổ mẹ chịu không hóa ra luống công." 
Chắc chắn đức tin của Mẹ MacKillop thật vững mạnh nếu không làm sao mẹ vượt thắng nổi những thánh giá khuyếch xù và những hiểu lầm to tát bất công xảy đến cho mẹ! Thật đúng đường lối của Chúa thì khác với đường lối của con người! Một sơ lớn tuổi nói: "Mẹ MacKillop có những lúc tăm tối buồn chán! Tôi có hỏi mẹ và mẹ trả lời: 'Thật đáng thương vì mẹ đã không biết lợi dụng mọi đau khổ như tình thương Chúa gửi để thanh luyện tâm hồn của mẹ, ngược lại nhiều khi còn than trách Đấng Hóa Công..."
Đức cậy tuyệt đối 
Chúng ta không cần nói nhiều về nhân đức này vì cả cuộc đời của mẹ thể hiện và nói nên niềm cậy trông tín thác tuyệt đối vào Chúa, Đấng thống trị cõi lòng và tâm hồn của mẹ. Dù gặp khó khăn trăm bề, chống đối tứ phía, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, vậy mà mẹ không chùn bước và không ngừng mở rộng vòng tay chia sẻ với những người túng quẫn. Viết cho một sơ nản lòng chùn bước mẹ viết: "Con hãy vững lòng cậy trông can đảm giữa những khó khăn thử thách, vì Đức Lang Quân của con gửi cho con để con chạy tới Ngài và giúp con tới gần Ngài hơn." Vào năm 1874, lúc đợi chờ Tòa thánh châu phê luật dòng, mẹ viết: "Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự, còn chúng ta thì không biết được điều xảy đến có tốt đẹp hay không! Nhưng chúng ta xác tín rằng ‘chúng ta ở trong tay của Giáo Hội thì chẳng có gì phải lo!” 
Viết cho Đức Cha Reynolds, Đức Hồng Y Simeoni, chủ tịch thánh bộ Giám mục và Dòng tu viết "Ở Roma, sơ Mary tỏ ra rất bình thản, nói lên sự tín thác tuyệt đối vào Vị đại diện Chúa Kitô và đức cậy trông vào Thiên Chúa.
Đức Mến hăng nồng 
Đức ái chân thành của mẹ bao gồm tình yêu Chúa và tình thương cận nhân. Cả cuộc đời của mẹ lúc nào cũng qui hướng về tình yêu Chúa. Những lời mẹ cầu xin, những bài viết của mẹ và các lời khuyên dạy của mẹ thấm nhuần tình bác ái. Đức Tổng Giám Mục Vaughan thâu vén tình yêu của Đức Kitô trong đời của mẹ nhờ thế mà mẹ trải rộng tình yêu tới cho mọi người dân Úc sống rải rác trên châu lục bao la xa xôi hẻo lánh này. 
Một sơ gìa biết về mẹ đã viết: "Ngay từ giây phút gặp mẹ, mẹ đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu xa, thái độ hiếu khách và lịch thiệp của mẹ... dù mẹ bận rộn trăm bề, thế mà mẹ luôn có giờ để an ủi, giúp đỡ những người gặp khó khăn... đặc biệt mẹ dành yêu thương cho những người nghèo khổ và cho giới trẻ. Những lần đi thăm viếng các sơ, thấy các sơ thiếu thốn mẹ khích lệ:”Mẹ vui khi thấy chúng con khoẻ mạnh, an vui và quảng đại hài lòng với những thiếu thốn”, nhưng mặt khác mẹ cố gắng cung ứng cho các sơ những gì cần thiết để có được một cuộc sống tiện nghi hơn...
Mẹ ít khi nhắc tới các việc mẹ làm giúp cho người khác, như chỉ mình Chúa biết mà thôi, như khi các sơ dòng Đaminh tới Adelaide, mẹ đã đi gặp cha chính địa phận và hiến tặng tu viện ở đường Franklin cho qúi sơ, trong lúc đó các sơ của dòng mẹ dọn về một cái nhà nhỏ ở đường Gouger. Cũng như khí các sơ dòng Mercy tới, Mẹ đưa các sơ đi thăm các trường của dòng và sẵn sàng hiến tặng cho các sơ một trường tùy theo các sơ lựa chọn. Các sơ đã chọn ngôi trường ở đường Russell. Mẹ cũng tặng ngôi trường ở Gawler cho các sơ dòng Good Samaritan."
Tóm lại tình thương săn sóc cho các hội viên, những người túng nghèo lúc nào cũng ươm tràn tâm lòng của mẹ.
Đời cầu nguyện tha thiết
Theo cha Woods và xem xét qua những suy tư trong các bài viết của mẹ thì sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa qua tâm tình cầu nguyện là nét ưu việt của đời sống thiêng liêng và nội tâm của mẹ. Ví dụ khi hay tin má qua đời, mẹ đã vào thẳng nhà nguyện và cầu nguyện cả hai tiếng trước Thánh Thể Chúa. Linh mục O'Neill viết: "Mẹ Mary yêu thích cầu nguyện, nhiều người đã chứng kiến việc mẹ ngây ngất thức với Chúa vào thứ năm tuần thánh hàng năm. Gương mặt rạng ngời như được xuất thần và tâm hồn mẹ ngất ngây như hòa nhập tâm tư của Đức Giêsu trước giờ Ngài trao hiến vì yêu thương thế trần."
Một điều hiển nhiên là mẹ rập khuôn theo tinh thần của cha linh hướng là linh mục Woods, với một tình yêu lớn lao và niềm sùng kính sâu xa dành cho Đức Maria, Người mẹ tuyệt mỹ và đáng yêu đáng mến của nhân loại."
Đức phục tùng tuyệt đối vào vị đại diện Chúa Kitô
Theo tinh thần của cha ông luôn trung thành với vị Đại diện Chúa Kitô nơi trần thế nên "Roma phán là quyết!" 
Vào năm 1873 mẹ lặn lội đi hành hương về đế đô La Mã khiêm hạ xin Đức Thánh Cha phê chuẩn công cuộc mẹ đang thực hiện. Từ Roma mẹ viết về cho các sơ: "Mẹ không có lấy một người quen ở đây... Mẹ biết Chúa sẽ chúc lành cho công việc của chúng ta... Vào Chúa nhật lễ hiện xuống, mẹ hạnh phúc được triều yết Đức Thánh cha Piô IX, Ngài ấu yếm ban phép lành cho mẹ và các sơ yêu qúi của mẹ... Mẹ cảm nghiệm được tình phụ tử của vị đại diện Chúa Kitô khi ngài đặt tay trên đầu của mẹ..."
Rome phán quyết
Mẹ phải ở lại Âu Châu gần một năm đợi chờ quyết định của Roma. Suốt thời gian đó mẹ rất bình thản vì mẹ hoàn toàn đặt niềm tin tưởng và phán quyết chính đáng của Đức Thánh Cha như đó là thánh ý của Thiên Chúa. Cho tới ngày 21/4/1874, mẹ mới nhận được thư của Đức Hồng Y Franchi, chủ tịch của thánh bộ Truyền giáo viết như sau:
"Thưa Mẹ đáng kính, tôi xin chuyển đến mẹ bản hiến pháp được nhuận chính cho bộ luật mới của Tu hội của mẹ, thể theo yêu cầu của thánh bộ các dòng tu, sau khi đã được xem xét kỹ lưỡng và chuyển tới cho tôi. Căn cứ theo bản hiến luật mới này thì bản hiến luật cũ của Tu hội Thánh Giuse không được Tòa thánh châu phê. Tuy thế tôi hết lòng khen ngợi các việc làm của Tu hội của qúi sơ đang thực hiện để đem lại niềm hy vọng cho châu lục rộng lớn mênh mông của Úc Châu." 
Điều đáng nói ở đây là niềm vui và sự hài lòng về những tu chính hiến pháp của Roma dành cho tu hội và mẹ chia sẻ niềm vui lớn lao này với nhiều bạn bè tại Úc , như cha O'Neill chia sẻ mục tiêu của Mẹ Mary trong chuyến đi Roma là tìm kiếm sự phê chuẩn Hiến pháp tu hội của Đức Thánh Cha và giờ này ước mơ của mẹ đã thành tựu dù hiến luật có bị sửa đổi nhiều... Mẹ có thể nhìn thấy viễn ảnh Tu hội trẻ trung của mẹ được Giáo hội chúc lành để được kiên vững mà tiến lên và phát triển qua các thế hệ tương lai. 
Khó khăn thêm chồng chất
Dù được kiện cường do sự châu phê hiến pháp mới của tu hội, nhưng nhiều khó khăn khác ập tới như nhiều người ủng hộ tu hội trước đây bây giờ giã từ vì họ cho rằng hiến pháp mới không phù hợp với ý tưởng họ đề nghị trước đây! Trước thảm trạng này mẹ đã viết cho các sơ: "các sơ thân mến, dù hiến pháp được sửa chữa nhiều nhưng các con hãy đón nhận với con mắt đức tin là Chúa dùng Thánh bộ để soi dẫn ý Ngài cho tu hội..."
Chân phước (Á Thánh) & Hiển Thánh 
Giáo hội Công giáo phong Chân phước hay Á thánh cho một ai nghĩa là Giáo hội nhìn nhận đời sống của ngưới ấy thánh thiện phi thường. Vị Chân phước ấy sẽ được mừng kính cách công khai trong thánh lễ. Việc mừng kính này thường giới hạn trong giáo phận, dòng tu hay tại quốc gia quê hương của vị Chân phước. Như trong trường hợp của mẹ Mary MacKillop được tất cả những người Úc tôn kính và Giáo hội đảm bảo rằng cuộc sống của Mẹ thánh thiện...
Sau những điều tra, học hỏi và nghiên cứu được bảo chứng bằng hai phép lạ hoàn tất thì nghi thức phong Chân phước được tổ chức. Đức cố Giáo hoàng John Paul ll đã tôn phong Chân phước cho Mẹ Mary MacKillop ngày 19/1/1995 tại sân đua ngựa RandwickSydney. 
Từ đó tới nay qua việc cổ súy và cầu nguyện Mẹ Mary lại thể hiện thêm phép lạ và được Ủy ban phong thánh và Đức Thánh Cha phê chuẩn thì nay vào ngày 17/10/2010 tại quảng trường Thánh Phêrô tại Roma, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ tuyên dương Mẹ lên hàng hiển thánh để cho Giáo Hội hoàn vũ tôn kính. Giáo Hội Úc Châu và toàn thể nước Úc đón nhận biến cố này một cách trọng thể với nhiều lễ hội tại địa phương cũng như cấp tiểu bang và Liên bang.
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét