Thứ Bảy sau Chúa Nhật 19 Quanh Năm
Hãy để trẻ em đến với Thầy (Mt 19,14) |
Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 18, 1-10. 13b. 30. 32
"Ta sẽ xét xử mỗi người theo cách nó
sống".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Tại sao giữa các ngươi
trong Israel
có câu tục ngữ rằng: "Cha ông ăn nho chua thì con cháu ghê răng"?
Chúa là Thiên Chúa phán, Ta lấy sự sống Ta mà thề không
lặp lại câu tục ngữ ấy ở Israel
nữa. Này tất cả mọi sinh mạng đều thuộc về Ta; sinh mạng người cha cũng như
sinh mạng người con, đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, người ấy sẽ chết. Ai công
chính, giữ lề luật và đức công bình, không ăn (của cúng) trên núi và không
ngước mắt nhìn các thần tượng của nhà Israel, không xúc phạm đến vợ người khác,
không gần gũi đàn bà khi họ không được sạch, không áp bức người ta, trả đồ cầm
cố cho người mắc nợ, không cưỡng đoạt của ai, đem bánh cho người đói khát, đem
áo mặc cho người trần trụi, không cho vay ăn lời, không lấy thêm của người, giữ
tay không làm điều gian ác, xét đoán công minh giữa hai người, ăn ở theo luật
lệ của Ta, và giữ các giới răn của Ta để thực hiện chân lý, người đó mới là
công chính, nó sẽ được sống, Chúa là Thiên Chúa phán.
Nhưng nếu người đó sinh ra một đứa con trộm cướp, khát
máu, phạm tội trong những lỗi nói trên, thì đứa con ấy không đáng sống, vì đã
làm những điều đáng ghét, nó sẽ chết, và máu nó sẽ đổ trên đầu nó.
Vì vậy, hỡi nhà Israel , Ta sẽ xét xử mỗi người theo
cách nó sống: Chúa là Thiên Chúa phán. Các ngươi hãy trở lại và hãy hối cải tất
cả những điều gian ác, thì sự gian ác sẽ không huỷ diệt các ngươi. Hãy dứt bỏ
hết mọi tội lỗi các ngươi đã phạm, và hãy tạo cho các ngươi một tâm hồn và một
tinh thần mới. Hỡi nhà Israel ,
tại sao các ngươi muốn chết. Ta không thích cho ai phải chết: Chúa là Thiên
Chúa phán. Hãy trở lại để được sống.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 50, 12-13.
14-15. 18-19
Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong
sạch (c. 12a).
Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong
sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi
thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Ðáp.
2) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ; với tinh
thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và
người tội lỗi sẽ trở về với Ngài. - Ðáp.
3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ
toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát;
lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung. - Ðáp.
* * *
Alleluia: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt
con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. -
Alleluia.
Phúc Âm: Mt 19, 13-15
"Ðừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước
Trời là của những người giống như chúng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu
để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng,
nhưng chúa Giêsu bảo: "Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm
chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng". Sau khi Người đặt
tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.
Ðó là lời Chúa.
Chúa Giê-su chúc lành trẻ em. |
Suy Niệm:
Việc Ðức Giêsu đón nhận các trẻ em và đặt tay chúc lành
cho chúng, qua đó biểu lộ tình thương và gần gũi của Ðức Giêsu đối với các em.
Ðức Giêsu yêu mến tinh thần đơn sơ, phó thác và cho đó là điều kiện để được vào
Nước Trời.
Ngày nay, chẳng những con người đã không sống được tinh
thần yêu thương đối với trẻ nhỏ, mà còn độc ác cướp đi quyền sống, đánh mất
nhân phẩm cao quí của các em qua nạn phá thai, bạo hành, lợi dụng và buôn bán
trẻ em...
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống đơn sơ, tin tưởng
cậy trông vào Chúa. Xin Chúa dạy cho chúng con biết làm gương sáng cho các em
trong lời nói, việc làm. Xin đừng để chúng con vì danh lợi mà cướp mất mạng
sống và nhân phẩm của các em. Ước gì tinh thần yêu thương và thánh thiện của
Chúa được lan tràn trên thế giới này, để không còn những cảnh chết chóc của trẻ
em vô tội, không còn cảnh trẻ em bị trở thành công cụ cho những thú tính ác
độc. Xin Chúc chúc lành cho chúng con vì danh Ðức Giêsu Kitô. Amen.
(Lời Chúa trong giờ
kinh gia đình)
Suy Niệm:
Chúa Giêsu Với Trẻ Nhỏ
Các trẻ nhỏ được Chúa Giêsu yêu thương và đưa ra làm
mẫu mực cho những ai muốn bước vào Nước Trời: "Nếu các con không hóa nên
như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, đó
là kẻ lớn nhất trong Nước Trời". Tinh thần tu đức trẻ thơ là đơn sơ, phó
thác, không cậy dựa vào sức riêng, nhưng đặt trọn tin tưởng vào Chúa.
Tin Mừng Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay đề cập
đến trẻ nhỏ trong một hoàn cảnh khác, với những lời của Chúa Giêsu: "Cứ để
trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì những ai giống như chúng mới được
vào Nước Trời". Người ta dẫn các trẻ em đến với Chúa Giêsu để Ngài đặt tay
và cầu nguyện cho chúng. Ðặt tay và cầu nguyện cho một người là nghi thức tôn
giáo quen thuộc trong Do thái giáo thời Chúa Giêsu. Những vị lãnh đạo tôn giáo
và các Rabbi thường đặt tay và cầu nguyện cho những ai đến xin được chúc lành;
họ cũng đặt tay trên trẻ nhỏ và cầu nguyện cho chúng, mặc dù theo phong tục
người Do thái thời đó, những trẻ nhỏ không có địa vị, không có giá trị gì, chỉ
khi nào trẻ đến tuổi 12, nó mới được nhìn nhận có chỗ đứng trong cộng đoàn. Các
môn đệ Chúa Giêsu lúc đó chưa thay đổi tâm thức, họ còn ngăn cản không cho
người ta đem các trẻ nhỏ đến với Chúa.
Thái độ và lời dạy của Chúa Giêsu nhắc cho các môn đệ
lúc đó và cho chúng ta ngày hôm nay rằng trong cộng đoàn Giáo Hội, mọi người
không tùy thuộc hạng tuổi, đều có quyền đến với Chúa để Chúa đặt tay, cầu
nguyện và chúc lành cho; không ai bị loại khỏi tình yêu và ân sủng của Chúa, dù
là một đức trẻ. Các nhà chú giải đã xem đoạn Tin Mừng này như là căn bản cho
việc rửa tội trẻ nhỏ được cộng đoàn tiên khởi thực hiện.
"Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm
chúng". Chúng ta có thái độ kỳ thị, ngăn cản các trẻ nhỏ đến với Chúa
không? Có những người lớn, những bậc cha mẹ rơi vào tâm thức của các môn đệ
ngày xưa: họ không đem con cái đến với Chúa Giêsu, họ không nêu gương sống đức
tin cho con cái, cũng không muốn cho con cái lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nại lý
do tôn trọng tự do của con cái, đợi chúng lớn lên và tự quyết định muốn rửa tội
hay không. Ðây là thái độ sai lầm về ơn cứu rỗi của Chúa: Ơn Chúa được ban
nhưng không cho mọi người, chúng ta là ai mà dám xét đoán về điều kiện tuổi tác
để được Chúa chúc lành và ban ơn cứu rỗi.
Hãy để các trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu, đừng ngăn cản
chúng. Xin Chúa giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm cao cả này, với ý thức rằng
ân sủng và chúc lành của Chúa là kho tàng quí giá mà chúng ta có thể trao lại
cho con cái chúng ta.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 19 TN2
Bài đọc: Eze 18:1-10, 13,
30-32; Mt 19:13-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Mỗi người phải chịu
trách nhiệm về hành động của mình.
Theo thuyết Nhân Quả của
nhà Phật thì nhân nào quả đó: quả tốt nhân tốt, quả xấu nhân xấu hay “đời cha
ăn mặn đời con khát nước.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng nói một câu tương tự:
xem quả biết cây, cây xấu không thể sinh quả tốt, và ngược lại, cây tốt không
thể sinh quả xấu. Vì thế, nếu con cái tốt là bởi cha mẹ tốt và con cái xấu là
do bởi cha mẹ xấu, và cứ thế truyền đi hết thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu hiểu
như thế, một khi đã rơi vào vòng xấu là cứ xấu mãi và không có hy vọng gì thoát
ra khỏi vòng xấu xa này?
Trong bài đọc I, ngôn sứ
Ezekiel tường thuật Thiên Chúa lên án niềm tin này và Ngài truyền cho Israel không
được truyền bá niềm tin này nữa. Nguyên tắc trên (nhân quả) chỉ là nguyên nhân
phụ (secondary cause); nguyên nhân chính (primary cause) là tùy thuộc nơi con
người làm. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, mỗi người phải chịu trách nhiệm
về các hành động của mình; tuy nhiên, việc lành hay điều ác của một người cũng
đều có ảnh hưởng trên người khác. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu la rầy các môn đệ
vì họ ngăn cản các trẻ nhỏ không cho chúng đến với Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI
ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Trách nhiệm của mỗi
người về hành động mình làm.
Không phải chỉ ở
Việt-Nam mới có câu tục ngữ “Đời cha ăn mặn đời con khát nước,” người Do Thái
cũng có câu tục ngữ tương đương lan tràn trong dân chúng “Đời cha ăn nho xanh,
đời con phải ê răng.” Thiên Chúa cực lực phản đối niềm tin này khi Ngài nói:
“Ta lấy mạng sống Ta mà thề, các ngươi sẽ không còn truyền cho nhau câu ngạn
ngữ đó trong Israel
nữa. Này, mạng sống nào cũng thuộc về Ta; mạng sống của cha cũng như mạng sống
của con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết.” Mỗi cá nhân phải chịu
trách nhiệm về các hành vi của mình, chứ không được đổ tội cho ai cả.
Nguy hiểm của niềm tin:
tội lỗi và hình phạt truyền từ đời cha qua đời con là một khi đã lâm vào vòng
dây chuyền này sẽ không còn hy vọng gì nữa! Nhưng Thiên Chúa cho con người niềm
hy vọng để ra khỏi vòng này: Ngay từ đời cha, ông đã có thể ăn năn trở lại để
được Chúa xóa tội; nếu ông không ăn năn và hư mất, con ông vẫn có thể bỏ đường
tội lỗi nếu đã trót lâm vào. Tóm lại, theo kế họach tha thứ của của Thiên Chúa,
sẽ chẳng còn một chướng ngại nào cản trở sự trở lại của con người trừ sự cứng
lòng của họ. Lý do đơn giản Chúa đưa ra hôm nay: “Quả thật, Ta không vui thích
gì về cái chết của kẻ phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được
sống.”
2/ Phúc Âm: Nước Trời là của những
người giống như con trẻ?
Tại sao các môn đệ la
rầy trẻ nhỏ? Trẻ em thường ồn ào và chạy nhảy lung tung làm chia trí cuộc đàm
thọai hay cần được nghỉ ngơi của người lớn. Các môn đệ thấy Thầy mình bận rộn
tối ngày, hết giảng dạy rồi lại chữa bệnh, xuất hiện ở đâu cũng kéo theo một
đám đông ồn ào chen lấn, nên các ông có lý do để la rầy và ngăn cản không cho
chúng đến. Hiểu ý hướng tốt lành của họ nên Chúa Giêsu không trách các ông,
Ngài chỉ nói: Cứ để trẻ em đến với Thầy! Đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là
của những ai giống như chúng." Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi
đó.
Qua bài học này, Chúa
Giêsu dạy cho những người lãnh đạo một bài học quan trọng để có thể đối đầu với
đòi hỏi của đám đông. Khi chọn xuất hiện nơi công cộng là chọn để cho đám đông
đến với mình, đừng khinh thường và trốn tránh họ vì sứ vụ và thành công của
mình phần lớn cũng liên quan tới họ. Có những người sau khi đã nổi tiếng tìm
cách bảo vệ mình và xa lánh đám đông nên họ cũng từ từ rơi vào quên lãng. Tuy
nhiên, Chúa cũng không dạy dành hết thời giờ cho đám đông mà quên đi việc nghỉ
ngơi bồi dưỡng. Chúa đã từng nhắc nhở các môn đệ: “Các con hãy lui vào nơi
thanh vắng mà nghỉ ngơi” (Mk 6:31); hay Chúa bảo các ông xuống thuyền và chèo
qua bờ bên kia trong khi Chúa giải tán đám đông đang muốn tuyên xưng Chúa làm
vua cai trị họ (Mt 14:22). Và rất nhiều lần, Ngài đã bỏ đám đông và các môn đệ
để lên núi cầu nguyện một mình (Mt 14:23, Lk 9:18, Jn 6:15). Chúa biết cách làm
chủ thời gian và xử thế trong mọi trạng huống xảy ra cho Ngài.
Người lớn cần trở nên
giống trẻ về phương diện nào? Chắc chắn Chúa không đòi chúng ta trở nên trẻ nhỏ
về mọi phương diện vì chúng cũng có những điều cần phải học để trưởng thành
hơn, nhưng một số các đặc tính của trẻ rất cần cho mối liên hệ giữa chúng ta
với Thiên Chúa như: (1) Trẻ thơ tuyệt đối tin tưởng nơi cha mẹ chứ không nơi
chúng hay người ngòai, chúng ta cũng phải tuyệt đối tin tưởng nơi Thiên Chúa
chứ không nơi bất cứ quyền lực nào khác, ngay cả chính mình.
(2) Cha mẹ dạy sao nghe
vậy, chúng chưa biết bướng bỉnh cãi lại; chúng ta cũng cần có thái độ như vậy
khi tiếp cận các giới răn của Chúa, đừng lý sự để tìm cách biện minh cho các
hành động sai trái của mình.
(3) Trẻ thơ cần gì xin
đấy, hết rồi lại xin thêm, chúng không biết tích trữ phòng hờ; Chúa cũng đòi
chúng ta như thế, lương thực này nào đủ cho ngày đó chứ không lo tích trữ cho
cả một đời trong khi biết bao người cần có của ăn hằng ngày.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Mỗi người phải chịu
trách nhiệm về các hành động và cuộc đời mình. Chúng ta đừng đổ tội cho tiền
nhân cũng đừng tùy thuộc vào công đức của hậu thế.
- Chúng ta cần có một
niềm tin vững vàng nơi Thiên Chúa như con trẻ tin vào cha mẹ chúng; đừng để
những bon chen của cuộc sống làm chúng ta mất đi niềm tin này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Thứ Bảy tuần 19 thường niên
Sứ điệp: Thiên Chúa là Đấng chân thành và đầy yêu thương. Cùng với
các trẻ em, những ai biết sống chân thành và đầy tình yêu thương, sẽ được Chúa
đón nhận và chúc lành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương và ôm các thiếu nhi vào
lòng, chẳng phải vì vóc dáng dễ thương nhưng vì các em sống đơn sơ và chân
thành. Một em bé đánh mất lòng đơn sơ chân thành chẳng đáng là công dân Nước
Trời. Ngược lại, một người lớn mà vẫn giữ được lòng đơn sơ chân thành như trẻ
thơ vẫn đáng được Chúa đón nhận.
Chính
Chúa là Đấng chân thành và đầy lòng yêu thương. Chúa đòi hỏi những ai muốn ở
với Chúa cũng phải đơn sơ, chân thành và sống chan hòa yêu thương.
Lạy
Chúa, xin giúp con đến với Chúa trong tình yêu mến chân thành của trẻ thơ. Xin
đừng để con đến với Chúa để cầu lợi, vì khi ấy con đã trở thành con buôn đến
với Chúa. Đừng để con đến với Chúa mà khoe khoang như người biệt phái lên đền
thờ cầu nguyện, vì con sẽ chẳng đáng Chúa thương. Đừng để con đến với Chúa mà
mặc cảm như ông Giu-đa, không dám xin Chúa tha thứ, vì như thế Chúa chẳng cứu
được con. Xin dạy con sống đơn sơ chân thành: biết cám ơn Chúa về điều tốt đẹp
nơi con, biết xin Chúa thứ tha cho những điều thiếu sót, biết trình bày những
thiếu thốn khó khăn và phó thác trong tay Chúa.
Lạy
Chúa, dù con còn bé hoặc đã trưởng thành, xin cho con biết giữ mãi tinh thần
trẻ thơ để con mãi mãi ở trong tay Chúa và đáng được Chúa chúc lành. Amen.
Ghi nhớ : "Ðừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến
với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng".
18/08/12 THỨ BẢY TUẦN
19 TN
Mt 19,13-15
Mt 19,13-15
VƯƠNG QUỐC CỦA TRẺ
THƠ
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19,14)
Suy niệm: Danh tiếng của Thầy Giê-su đang lên, Ngài trở thành nhân vật quan trọng trong mắt mọi người. Vì thế, việc để các trẻ em đến quấy rầy, làm mất thời gian của Ngài là điều không thể chấp nhận được! Với suy nghĩ đó, các môn đệ đã ngăn cản các trẻ nhỏ đến gần Đức Giesu, nhưng Ngài lại phản ứng ngược lại: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Cũng như lần trước (x. Mt 18,1-10), Ngài muốn các ông thấu hiểu điều kiện thiết yếu để thuộc về Nước Thiên Chúa và được cứu độ: Nước Thiên Chúa là một hồng ân ban không, phải đón nhận với lòng đơn sơ, biết ơn và cảm phục của các trẻ thơ.
Mời Bạn: Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 định nghĩa Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa. Trong gia đình Thiên Chúa ấy, Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là Anh Cả, còn tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, là em của Chúa Kitô. Ước mong bạn ý thức tư thế người con cái Chúa ấy để luôn sống ngoan thảo với Thiên Chúa.
Chia sẻ: Điều gì ngăn cản tôi đến với Chúa trong tâm tình của người con cái?
Sống Lời Chúa: Như trẻ thơ đặt trọn niềm tin nơi Chúa, tôi sẽ thân thưa cùng Ngài: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dam tự hào Chúa ơi... Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tạo cho chúng con quả tim đơn sơ, quảng đại, để chúng con đón nhận ân sủng Chúa, rồi sẵn sàng trao ban cho những ai cần đến. Xin cho chúng con luôn sống với Chúa như người con ngoan thảo. Amen.
Chúa đặt tay và chúc lành. |
Để trẻ em đến
với Thầy
Trẻ
em, tuy không có chỗ cao trong xã hội, nhưng lại có chỗ vững chãi trong Nước
Trời. Trẻ em có chỗ vì chúng hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ, và đón nhận
mọi sự từ người khác với lòng biết ơn.
Suy niệm:
Bàn tay con người thật là
cao quý.
Trong Cựu Ước, Đức Chúa
muốn ông Môsê đặt tay trên ông Giosuê
để chia sẻ cho ông này
quyền lãnh đạo dân (Ds 27, 18. 23).
Cụ Giacóp đã chúc phúc
cho hai đứa cháu là Épraim và Mơnase
bằng cách đưa hai tay đặt trên đầu chúng (St 48, 14).
Cử chỉ đặt tay trên cũng thường thấy trong Giáo Hội thuở ban
đầu.
Chúa Thánh Thần được trao ban qua việc đặt tay (Cv 8, 17-19;
19, 6).
Qua đặt tay, bảy phó tế đầu tiên lãnh nhận sứ vụ (Cv 6, 6).
Bácnaba và Saolô cũng được đặt tay sai để sai đi truyền giáo
(Cv 13, 3).
Bàn tay Thiên Chúa là khí cụ che chở, đỡ nâng.
“Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt trên con (Tv 138, 5).
Bàn tay của Đức Giêsu đóng vai trò lớn trong sứ vụ.
Ngài chữa anh mù bằng cách đặt tay trên mắt anh (Mc 8, 25).
Ngài cũng chữa bà còng lưng theo cách tương tự (Lc 13, 13).
Người ta xin Ngài đặt tay để chữa một anh điếc và ngọng (Mc
7, 32),
thậm chí đặt tay để hoàn sinh một em gái mới chết (Mt 9,
18).
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Cha mẹ của các em đã đưa các em đến với Đức Giêsu,
để được Ngài đặt tay trên chúng và cầu nguyện (c. 13).
Họ tin phúc lành đến với con cái họ qua cử chỉ ấy.
Cuối cùng, Đức Giêsu đã đặt tay trên các em nhỏ và cầu
nguyện,
trước khi tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn (c. 15).
Nhưng các môn đệ lại bực bội và la rầy cha mẹ của các em.
Có lẽ đối với họ, Thầy Giêsu còn nhiều việc lớn lao để làm
hơn là mất thì giờ để chúc lành cho mấy em bé.
Đức Giêsu hoàn toàn không đồng ý với thái độ coi thường này.
Ngài nói thẳng: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm
chúng.”
Đến với Thầy Giêsu là quyền lợi của mọi trẻ em,
người lớn không được phép xâm phạm.
Ngài đưa ra lý do khiến các môn đệ phải tôn trọng trẻ em:
“vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (c. 14).
Như thế trẻ em, tuy không có chỗ cao trong xã hội,
nhưng lại có chỗ vững chãi trong Nước Trời.
Trẻ em có chỗ vì chúng hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ,
và đón nhận mọi sự từ người khác với lòng biết ơn.
Những người lớn muốn vào Nước Trời phải nên giống chúng.
Đây là một tiến trình khó khăn và lâu dài,
vì người lớn phải quay lại, phải hoán cải để trở nên đơn sơ
như trẻ thơ,
phải tự hạ mình xuống, bỏ đi những tự hào, tự mãn về mình
(Mt 18, 3-4).
mở lòng đón lấy Nước Trời như quà tặng nhưng không.
Như thế trẻ thơ lại là mẫu mực cho các môn đệ của Thầy
Giêsu.
Nước Trời dành cho trẻ thơ và những ai trở nên giống chúng.
Trẻ em có chỗ trong Nước Trời và trong Giáo Hội tại thế.
Các em cũng là thành viên trong cộng đoàn đức tin.
Lời dạy của Đức Giêsu vẫn mãi âm vang nơi chúng ta:
“Hãy để trẻ em đến với tôi, đừng ngăn cấm chúng.”
Chúng ta đã làm gì để đưa các em đến với Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé
nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả
năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ
mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm
vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy
sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những
thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau
đớn.
Cho con biết yêu tinh
thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu
đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào
duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can
đảm,
dám chọn những gì giúp
con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục
vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy
Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm
nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm
hạ.
Ước gì con được làm bạn
của Chúa
trên đường từ Bêlem đến
Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong
Nước Trời. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Chúc lành trẻ em (tranh Hàn Quốc) |
"Đừng
ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như
chúng".
Cầu
nguyện cùng Mẹ MariaTin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta tinh thần của những kẻ bé mọn và trẻ thơ. Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu rất quan tâm đến những cuộc gặp gỡ của Ngài với những kẻ bé mọn, hạng người bị bỏ rơi, mà đại biểu là trẻ em. Hình như các môn đệ luôn có thái độ vệ binh đối với Chúa Giêsu. Họ thường nghĩ có nghĩa vụ phải bảo vệ Ngài, bởi vì theo họ một bậc thiên sai và quân vương không thể để cho trẻ em và những kẻ hèn hạ đến gần. Nhưng Chúa Giêsu không phải là Ðấng Thiên Sai theo ý nghĩ và sự chờ đợi của các môn đệ, Ngài có cái nhìn về sứ mạng của Ngài và về con người khác với các ông.
Chúa Giêsu chỉ thực hiện sứ mạng thiên sai của mình qua con đường thập giá và Ngài chỉ thực sự gần gũi với những ai mang lấy gương mặt khổ đau như Ngài, tức là những kẻ bé mọn, những người bị bỏ rơi, những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Cũng như Chúa Giêsu, Ðấng hoàn toàn vâng phục và phó thác cho Thiên Chúa, những kẻ bé mọn ấy không còn biết bám víu vào sức mạnh và quyền lực nào khác hơn là chính Thiên Chúa. Họ là những người nghèo của Giavê như Cựu Ước đã từng loan báo. Vũ khí của họ, sức mạnh của họ, nơi nương tựa duy nhất của họ, lẽ sống của họ là chính Chúa. Chúa Giêsu đề cao những con người ấy và Ngài mời gọi những ai muốn làm đồ đệ Ngài cũng hãy mặc lấy tâm tình phó thác và tin yêu những con người ấy.
Kỳ thực, lịch sử vẫn tiếp tục chứng minh rằng chìa khóa của nhiều vấn đề lớn của nhân loại không nằm trong khoa học kỹ thuật và sức mạnh của vũ khí. Sứ điệp và bí mật
Kính nhớ Mẹ trong ngày thứ bảy này, chúng ta cùng cầu nguyện với chính tâm tình của Mẹ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Như trẻ em
Bấy giờ, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó. (Mt. 19, 13-15)
Câu nói chiếu sáng cho cả đoạn Tin Mừng này là: “Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ em.” Nước Trời đang hiện diện mọi lúc trong đời sống con người, trong đời sống Giáo Hội. Trong các dụ ngôn về Nước Trời, Chúa luôn nhấn mạnh đến giai đoạn hiện tại và giai đoạn cánh chung. Nhưng giai đoạn cánh chung được tiếp nối với giai đoạn hiện tại, tùy thuộc chúng ta hôm nay sống Nước Trời hay không.
Hoàng tử nhỏ.
Hoàng tử nhỏ của Nước Trời là trẻ em, không phải vì bất lực hay nghèo khó, nhưng vì đời sống phong phú dồi dào, vì lòng trông cậy mạnh mẽ và con tim trong trắng đơn sơ, ngay thẳng. Tấm lòng trong trắng này làm cho con mắt tâm hồn trong suốt như thủy tinh. “Ai có lòng trong sạch được thấy Thiên Chúa” ngay trong đời sống này, chúng thấy được Thiên Chúa trong các tạo vật được dựng lên theo hình ảnh Ngài và được Ngài quan phòng hướng dẫn.
Sao con người lại bị mất vẻ trong sáng của tuổi thơ? khi nói tới ai có một tâm hồn trẻ thơ, người ta cảm thấy người đó sống bằng con tim thuần khiết.
Ở đâu?
Khi đứa bé qua đời, nó được sống trong Nước Trời, nó rất khó phải ở nơi khác! nếu nó yếu đuối phạm tội, chắc chắn nó sẽ ăn năn vì mến Chúa như Ngài đã yêu nó không hềloại trừ nó…
Sau những thí dụ đó Thiên Chúa công nhận trẻ em như là mẫu người được mời vào dự tiệc Nước Trời.
“Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ…” đây là một ấn văn chứa đầy trong Tin Mừng …. Tại sao chúng ta không cố gắng thực hiện? tại sao chúng ta không sống theo lời mời gọi của Chúa? tại sao lời đó không trở nên qui tắc cho đời sống đạo của chúng ta?
J.M
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng
8
18 THÁNG TÁM
Thiên Chúa Sử Dụng Chúng Ta Để
Xây Dựng Công Cuộc Sáng Tạo Mới
Con người hiện đại chắc chắn ý
thức về vai trò của mình. Nhưng “nếu … sự độc lập của các thực tại trần thế có
nghĩa là các tạo vật không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng
chúng mà không cần qui hướng về Đấng Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên
Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo
Hóa, tạo vật đều tiêu tan… Quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối”
(MV 36).
Chúng ta nhớ lại một bản văn cho
phép chúng ta nắm bắt khía cạnh khác của sự phát triển thế giới bởi con người.
Công Đồng nói: “Thánh Thần Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và
canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc
tiến hóa này” (MV 26). Thánh Thần sử dụng chúng ta để xây dựng cuộc sáng tạo
mới bằng cách giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và những sự dữ khác trong cuộc
sống chúng ta. Rồi chúng ta có thể tái tạo bộ mặt trái đất và hoàn thành định
mệnh của chúng ta. Nhờ Thánh Thần Chúa để vượt qua sự dữ, điều đó có nghĩa là
chọn lựa sự tiến bộ luân lý của con người, chứ không chỉ là những tiến bộ vật
chất và thể lý. Khi ấy phẩm giá của con người có thể được bảo vệ. Con người có
thể đưa ra một câu trả lời cho những đòi hỏi thiết yếu nhất của một thế giới
đích thực có nhân tính. Bằng cách này, Nước Thiên Chúa sẽ dần dần lớn lên trong
lịch sử của con người, tìm thấy bản sắc tâm linh của mình và cho con người thấy
những dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa.
***
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18-8
Ed 18, 1-10.13b.30-32; Mt 19,
13-15.
LỜI SUY NIỆM: Bấy giờ người ta dẫn
trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ
la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm
chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng”(Mt19,13-14)
Trong câu chuyện ngắn ngủi này, khi
đứng về phía các bà mẹ chúng ta sẽ lên án các môn đệ của Chúa Giêsu: là những người
quá nghiêm khắc và thô bạo; nhưng khi đứng về phía các môn đệ của Chúa Giêsu
chúng ta sẽ lên án những người mẹ đem con trẻ đến: chỉ làm rầy rà cho Chúa,
thêm bận rộn cho Ngài chẳng nên tích sự gì. Nhưng khi nhìn vào thái độ và cử
chỉ của Chúa Giêsu chúng ta thấy tình thương yêu, quý mến và muốn gần gủi trẻ
nhỏ, và Ngài cũng mời gọi chúng ta cũng phải đơn sơ như trẻ nhỏ mỗi khi đến với
Ngài. Ngài luôn sẳn sàng đón nhận chúng ta. Hãy đến với Ngài để được Ngài đạt
tay trên đầu và chúc lành trong bình an của Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
18 Tháng Tám
Ngài Là Sự Bình An Của Chúng Ta
Năm 1899, cuộc xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc
chiến tranh khốc liệt... Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn
sàng giao tranh với nhau.
Trong suốt tuần thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu gọi
tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang Chile . Các giám
mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi. Giáo hội của hai bên đã
làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với nhau qua trung gian của
vua Edward thứ 7 của Anh quốc.
Không mấy chốc, một hòa ước đã được hai nước ký kết. Ðể nói
lên thiện chí xây dựng hòa bình, quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí
giới và nung lên để rồi đúc thành một tượng Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt
tên là "Ðức Kitô của dãy núi Andes ".
Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa
hai quốc gia. Cánh tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn
cánh tay trái cầm thánh giá.
Tượng Chúa Giê-su trên dãy núi Andes. |
Chính phủ Argentina
đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước. Xe lửa di
chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến xa do lừa
kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi, chính các
quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.
Sau khi đã dựng bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức
tượng như sau: "Những ngọn núi này sẽ sụp xuống và biến thành cát bụi nếu
nhân dân của Chile và Argentina quên đi lời giao hòa mà họ đã long trọng ký kết
dưới chân Ðức Kitô". Trên mặt khác của chân tượng, người ta cũng đọc thấy
câu trích từ thư của thánh Ephesô như sau: "Chính Ngài là sự bình an của
chúng ta. Ngài đã làm cho đôi bên bị chia rẽ nên một".
Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1990
đã được quyết định trao tặng cho tổng thống Gorbachov của Liên Xô. Cả thế giới
đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp đổ bức tường ô nhục Bá Linh và các
chế độ cộng sản tại Ðông Âu, cũng như góp phần dập tắt cuộc chiến tranh giữa
hai khối cộng sản và tư bản.
Hòa bình mà tổng thống Gorbachov
góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của một sự "đạp đổ":
chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của bách hại, của hận thù, của độc tôn
bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở...
Người La Mã ngày xưa thường nói:
Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc
liệt cho bằng cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của bạo động,
của bất khoan dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự
có bình an trong tâm hồn và người người mới thực sự có Hòa Bình khi những bức
tường ấy được đạp đổ trong chúng ta.
(Lẽ sống)
Ngày 18
Đã đến lúc ngỏ lời với mọi phàm
nhân: lúc Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể được nâng lên các tầng trời. Và nhân loại chúng
ta, gồm những con người hay chết này, không được ngưng lời ngợi ca khi,
trong con người của Đức Trinh Nữ, bản tính nhân loại - và chỉ mình bản tính ấy
- được nâng lên trên các thiên thần bất tử. Cả triều thần thiên quốc, trước một
cảnh tượng mới lạ như thế, cũng phải thán phục kêu lên: Kìa ai
đang tiến lên từ sa mạc, lòng tràn ngập sướng vui? (Dc 8,5).
Triều thần ấy cũng phải xiết bao
kinh ngạc hơn, khi thấy Đức Kitô rời bỏ ngai vàng thiên quốc xuống thế làm
người trong thân phận nghèo khó. Quả vậy, thật là chính đáng khi cho rằng việc
Con Thiên Chúa hạ mình xuống thấp hơn các thiên thần một chút là một điều quá ư
kỳ diệu, vượt xa cả việc tôn vinh Mẹ Thiên Chúa trên các thiên thần. Bởi vì
chính việc hóa mình ra không của Đức Kitô đã khiến cho chúng ta nên viên mãn,
và sự khôn cùng của Ngài đã làm cho toàn thế giới hân hoan. Và nỗi ô nhục của
thập giá đã trở nên vinh quang cho những kẻ tin.
Th.
Bênađô (Đan viện Claivaux)
Ngày
18 tháng 8
THÁNH HÊLÊNA HOÀNG HẬU
(249-329)
(249-329)
St.Helena of Constantinople tranh của Cima da Conegliano. |
Đọc lịch sử Giáo hội, chúng ta không thể
không nhắc tới quí danh một vị Hoàng hậu, người đã cống hiến cho lịch sử nhân
loại một vĩ nhân. Một vị anh quân tài ba lỗi lạc, đã từng xẻ núi lấp sông. Đồng
thời người cũng hiến dâng cho Giáo hội Công giáo một tín hữu trung kiên, một
cột trụ chống đỡ toà nhà Giáo hội đang bị sụp đổ, một người thợ lành nghề kiến
thiết lại ngôi nhà vật chất của Giáo hội, một bàn tay sắt đá bảo vệ Giáo hội
trước cơn bách hại dữ dội kéo dài hàng thế kỷ. Người đó không phải là ai xa lạ
chính là Hoàng hậu Hêlêna, mẹ vua Constantinô, một vĩ nhân của nhân loại. Hoàng
hậu Hêlêna sinh năm 249 tại Bithynia ,
trong một gia đình trung lưu. Bà kết bạn với võ quan chấp chính Constanciô
Cholorô. Bà thường theo chồng đi công cán ở ngoại quốc. Qua năm 280 Costanciô
Cholorô cùng với phu nhân sang công cán tại Đalmatia. Nơi đây bà Hêlêna, sinh
hạ một nam tử, khôi ngô là Constantinô, người sau này sẽ làm cho đế quốc Rôma
thêm hùng cường và Giáo hội Công giáo được vẻ vang. Nhưng sự đời lắm cảnh éo
le. Lòng người đổi yêu thành ghét như trở bàn tay. Costanciô Cholorô vì ham
sắc, đã phũ phàng bỏ rơi Hêlêna để kết bạn với nàng Thêôđôra, con dâu quan
Macximinô.
Hêlêna âm thầm đau khổ, ngày đêm khóc
thương cho số phận đen bạc. Nhưng Chúa nhân từ hằng bênh vực những người bị áp
bức, và thưởng công bội hậu những ai can đảm chịu đựng những thử thách Chúa gởi
cho. Cuối thu năm 306, Costanciô Cholorô ngã bệnh nặng qua đời. Constantinô
được toàn thể đạo binh xứ Britania tôn lên làm chủ tướng. Vốn là một người con
có hiếu, việc làm đầu tiên của Tân Hoàng đế là rước mẹ về ở cùng một lâu đài
với mình tại Trêves. Bà Hêlêna cùng với con lo chỉnh đốn lại mọi việc trong
nước, thu phục nhân tâm, tăng cường binh lực. Địa vị của Constantinô mỗi ngày
một vững chắc. Là một tướng tài, thêm vào đó một trí thông minh khác thường,
Constantinô đã biết lợi dụng tình hình rối ren ở Ý, do lòng dân căm phẫn chế độ
độc tài khát máu của bạo chúa Maxenciô gây nên. Ông huy động toàn lực để chinh
phục nước Ý. Vì nước ông là một nước nhỏ bé, nên lực lượng của ông không thấm
vào đâu sánh với binh lực của đối phương. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu muốn dùng một
lực lượng yếu kém để thắng một sức mạnh hùng hậu, ngõ hầu cho mọi người nhìn nhận
bày tay Thiên Chúa hiện diện nơi đó?
Cuộc xuất chinh bắt đầu. Khi đoàn hùng
binh băng qua dẫy núi Alpes thì hoàng hôn bắt đầu bao phủ cả dẫy núi.
Constantinô đóng quân tại núi. Từ đỉnh núi, ông quan sát địa thế địch quân. Lạ
thay, ông nhìn thấy ở chân trời một hình Thánh giá vĩ đại. Hình Thánh giá đã
ghi sâu vào tâm khảm ông một niềm tin sắt đá. Ông hoàn toàn tin tưởng vào cuộc
chiến thắng sắp tới. Để cụ thể hóa niềm tin, Constantinô lệnh cho tướng sĩ phải
vẽ trên thuẫn mộc tên Chúa Kitô. Chúa Kittô đã chúc lành cho sáng kiến của
Constantinô: Người đã cho ông thắng trận vẻ vang. Từ đó Thánh giá được thừa
nhận như một dấu hiệu đẹp đẽ và ý nghĩa nhất trong khắp đế quốc Rôma. Người ta
ghi khắc Thánh giá trên các lâu đài, phù hiệu và tiền bạc. Thế là một kỷ nguyên
mới đã bắt đầu.
Vinh quang của con cũng là vinh quang của
mẹ. Bà Hêlêna cùng với con là Hoàng đế Constantinô khải hoàn vào thành Rôma. Từ
nay bà cùng con cai trị cả đế quốc Rôma rộng lớn. Hêlêna được tôn phong làm
Hoàng Thái Hậu. Bà có quyền xử dụng ngân khố đế quốc và điều khiển mọi việc
trong đế quốc. Theo sử gia Êusêbiô, thì chính Hoàng đế Constantinô đã khuyên mẹ
trở lại đạo. Bà Hêlêna đã nhờ con mà tìm thấy chân lý Phúc âm. Con người can
đảm ấy một khi đã trở lại sẽ trở thành một tín đồ nhiệt thành với công việc
tông đồ. Chính bà đã truyền xây cất nhiều thánh đường vĩ đại. Ngoài ra, bà cũng
khuyên Hoàng đế Constantinô dùng thế lực của mình để mở mang đạo thánh Chúa, và
dùng tiền bạc phong phú của đế quốc để xây dựng những đại giáo đường vĩ đại, chẳng
hạn như Đại giáo đường thánh Phêrô đã được xây cất trên chính ngôi mộ vị thủ
lãnh các tông đồ.
Không thoả mãn với những công việc xây cất
vĩ đại, mặc dầu là những thánh đường đi nữa, vì dù sao, những công cuộc đó có
vĩ đại mấy chăng nữa nó cũng tàng ẩn một sự phô trương bề ngoài, bà Hêlêna muốn
sống một cuộc đời bác ái theo đúng tinh thần Phúc âm: bà cung cấp mọi nhu cầu
cần thiết cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ. Đối với các
tội nhân, bà rất khoan hồng dễ dãi, bà giải phóng các tội nhân, ân xá các phạm
nhân bị kết án tử hình, hồi hương những tù nhân lưu đầy, bênh đỡ người yếu
đuối, nghiêm khắc với những người cậy quyền ỷ thế áp bức dân lành…
Qua năm 324, Hoàng đế Constantinô đưa quân
chinh phạt Hoàng đế Đông phương là Liciniô vì tội sát hại người công giáo. Kỳ
xuất quân này, lại một lần nữa đem lại chiến thắng vinh quang cho Hoàng đế
Constantinô. Cuộc chiến thắng này đã cống hiến cho Hêlêna, những lãnh vực hoạt
động bác ái và truyền giáo rộng rãi hơn nhiều.
Tuy nhiên, công cuộc vĩ đại nhất Chúa Quan
phòng muốn giao phó cho Hêlêna thực hiện, để làm cho danh bà được sống mãi
trong lịch sử Giáo hội có lẽ là công cuộc đào bới tìm kiếm Thánh giá Chúa
Giêsu. Vốn là phụ nữ can đảm, ưa hoạt động, thích mạo hiểm, bà Hêlêna cùng với
đoàn thám hiểm lên đường tiến thẳng về Đất Thánh để đào bới, tìm kiếm các di
tích thánh. Bà đi qua Balkans, Chyprô, Tyrô và dừng lại Giêsusalem. Việc đầu
tiên của bà là đi viếng các nơi thánh. Hêlêna xây cất hai đại giáo đường, một
tại núi Cây Dầu và một ở Bêlem. Nhưng mục tiêu chính của cuộc hành hương này
vẫn là việc tìm kiếm thánh giá Chúa Giêsu. Đến đây, chúng ta hãy nghe thánh
Ambrôsiô tả lại cuộc tìm kiếm lịch sử này:
“Hêlêna khởi sự thăm viếng các nơi thánh.
Bấy giờ Chúa Thánh Linh thôi thúc bà tìm kiếm Thánh giá Chúa Giêsu. Khi tới núi
Sọ, bà nói: “Đây là bãi chiến trường, dấu hiệu chiến thắng ở đâu? Tôi mải miết
tìm cho được ngọn cờ cứu rỗi mà tôi chưa tìm thấy”. Bà truyền đào bới chính nơi
Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh. Giữa đống đất đá hỗn độn, bà tìm thấy ba thánh
giá bị lấp kín dưới làn đất. Một bầu khí nghi ngờ bao trùm tâm trí bà: “Có thể
nào cuộc chiến thắng oanh liệt đến thế lại bị quên lãng như vậy?” Hêlêna bối
rối, do dự như trăm ngàn người phục nữ khác. Được Chúa Thánh Linh soi sáng, bà
nhớ có hai tên trộm cướp cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Hêlêna tìm thập giá
nằm giữa. Nhưng rất có thể khi sụp đổ, trật tự ban đầu đã bị đảo lộn. Bà đọc
lại Phúc âm, thấy kể thập giá Chúa Giêsu mang bản chữ ghi câu này: “Giêsu
Nagiarét, Vua dân Do Thái”. Nhờ bảng hiệu đó, bà tìm thấy thánh giá cứu rỗi…
Hêlêna liền quỳ gối thờ lạy Thánh giá Chúa Giêsu.
Thế là Hêlêna đã đạt ý nguyện mong ước bấy
lâu. Ý nguyện đã đạt, thánh nữ không còn ước mong gì hơn là mau chóng được về
thiên quốc, để được cùng với các thánh chiêm ngưỡng Đấng đã nằm trên Thánh giá
chính tay bà tìm thấy. Tuổi đã cao, sức đã kiệt, đã đến giờ Thiên Chúa thưởng
công đầy tớ trung tín của Người, một phần thưởng trường sinh bất diệt. Mùa thu
năm 329, thánh Hêlêna từ giã cõi trần, linh hồn bay về trời hưởng dung nhan Ba
Ngôi Thiên Chúa vĩnh cửu. Xác thánh nữ được an táng trọng thể tại Rôma.
Quan tài của Thánh Helena tại Museo Pio-Clementino, Viện Bảo Tàng Vatican, Rô-ma. |
Kính xin thánh nữ Hêlêna đang hưởng mặt
Chúa vinh hiển đời đời, xin ngài dạy cho chúng con biết nhiệt thành với công
cuộc truyền giáo và biết sống bác ái như thánh nữ xưa, để mai ngày xứng đáng
được cùng với ngài chung hưởng nguồn tình ái vô biên của Chúa trên Thiên quốc.
Thứ Bẩy 18-8
Thánh Jeanne de Chantal
(1572-1641)
St.Jeanne de Chantal |
T
|
Nhưng cô Jeanne không bước vào hôn nhân với hai bàn tay trắng. Cô còn đem theo một đức tin sâu đậm được khuôn đúc từ cha cô là người thảo luận đức tin với con cái hàng ngày và cho phép con cái đề cập đến bất cứ điều gì -- kể cả những điều mâu thuẫn. Cô còn có một tâm hồn từ bi mà bạn bè thường nói, "Ngay cả những chuyện khôi hài nhạt nhẽo cũng trở nên thú vị khi được cô kể lại."
Những đức tính này đã giúp cô Jeanne, người phụ nữ Pháp hai mươi tuổi, có đủ khả năng quản lý và trông coi mọi tài sản để thoát cảnh nợ nần và lại được sự quý mến của nhân viên. Bất kể những lo lắng về tài chánh, hai vợ chồng luôn luôn hoà thuận. Họ tận tụy cho nhau và có được bốn người con.
Một phương cách để bà Jeanne chia sẻ những ơn sủng của gia đình là chia sẻ thực phẩm cho những người nghèo đến xin ăn. Các người ăn xin sau khi nhận thực phẩm thường đi vòng sau nhà để xếp hàng xin ăn lần nữa. Khi được hỏi tại sao bà lại để những người này qua mặt như vậy, bà Jeanne trả lời, "Nếu Thiên Chúa cũng từ chối khi tôi trở lại với Ngài với cùng một lời cầu xin ấy thì sao?"
Hạnh phúc gia đình bà vụn vỡ khi ông Christopher bị giết chết trong một tai nạn săn bắn. Trước khi từ trần, ông đã tha thứ cho người giết ông. Tuy nhiên, phải mất một thời gian thì bà Jeanne mới cho thể tha thứ được. Lúc đầu bà cố gắng chào hỏi người này khi gặp ở đường phố. Khi không thể thực hiện được điều đó, bà tìm cách mời họ đến nhà. Sau cùng bà đã có thể hoàn toàn tha thứ cho người này đến độ nhận làm mẹ đỡ đầu cho đứa con của họ.
Tất cả những khó khăn ấy như đã thúc giục bà tìm kiếm Thiên Chúa trong sự cầu nguyện và một đời sống tâm linh sâu đậm hơn. Lòng trông cậy Thiên Chúa của bà khiến Thánh Phanxicô de Sales phải kinh ngạc, ngài là giám mục, là cha linh hướng và cũng là một người bạn tốt của bà.
Với sự hỗ trợ của Ðức Cha Phanxicô, bà Jeanne thành lập tu hội Thăm Viếng dành cho những người vì lý do sức khỏe hay tuổi tác đã bị các dòng khác hắt hủi. Bà tin rằng mọi người đều có cơ hội để sống ơn gọi của mình bất kể tình trạng sức khoẻ.
Thánh Vinhsơn Phaolô viết về bà như sau: "Bất kể những đau khổ của đời sống, khuôn mặt của bà không bao giờ mất vẻ bình an. Và bà luôn luôn trung thành với Thiên Chúa. Tôi coi bà như một trong những linh hồn thánh thiện nhất mà tôi đã từng gặp."
Bà từ trần ngày 13 tháng Mười Hai 1641. Hưởng thọ sáu mươi chín tuổi. Bà được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII phong thánh năm 1767.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét