28/07/2015
Thứ Ba sau Chúa Nhật
17 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) Xh 33, 7-11; 34, 5b-9. 28
"Chúa
đối diện nói chuyện với Môsê".
Trích
sách Xuất Hành.
Trong
những ngày ấy, Môsê hạ nhà xếp, đem dựng ra một khoảng ở ngoài trại, và đặt tên
là "nhà xếp giao ước". Ai trong dân có điều gì muốn hỏi, thì đến nhà
xếp ở ngoài trại.
Khi
ông Môsê đi đến nhà xếp, thì toàn dân chỗi dậy, ai nấy ra đứng trước cửa trại
mình nhìn theo ông Môsê, cho đến khi ông vào nhà xếp. Khi ông đã vào nhà xếp
giao ước, thì có một cột mây rơi xuống, và dừng lại tại cửa, và Chúa đàm đạo
cùng Môsê; mọi người trông thấy cột mây dừng lại trước cửa nhà xếp. Họ đứng nơi
cửa nhà xếp mình và sấp mình thờ lạy. Chúa đàm đạo cùng Môsê diện đối diện, như
người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình. Khi ông trở về trại, thì người hầu cận
ông là Giosuê, con ông Nun, còn trẻ tuổi, không rời khỏi nhà xếp.
Ông
Môsê đứng trước mặt Chúa mà khẩn cầu danh Người. Chúa đi ngang qua trước mặt
ông và hô lên: "Ðức Chúa! Ðức Chúa! Ðấng cai trị mọi sự, là Ðấng từ bi,
nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính. Chúa xót thương đến ngàn đời,
tha thứ gian ác, độc dữ và tội lỗi; (nhưng) trước mặt Chúa không ai coi mình là
vô tội. Sự gian ác tổ tiên đã phạm, Chúa phạt con cháu đến ba bốn đời".
Ông Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy Chúa và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu
con được ơn nghĩa trước mặt Chúa, thì xin Chúa đi với chúng con, (vì dân này là
dân cứng đầu), và xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con. Xin nhận
chúng con làm cơ nghiệp của Chúa". Vậy ông Môsê ở đó với Chúa bốn mươi đêm
ngày, không ăn bánh và không uống nước; Chúa ghi mười lời giao ước vào bia đá.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 102, 6-7. 8-9. 10-11. 12-13
Ðáp: Chúa là Ðấng
từ bi và hay thương xót (c. 8a).
Xướng:
1) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người
bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái
Israel. - Ðáp.
2)
Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người
không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. - Ðáp.
3)
Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều
oan trái chúng tôi. Nhưng cũng như trời xanh vượt cao trên mặt đất, lòng nhân
Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. - Ðáp.
4)
Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.
Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.
- Ðáp.
Alleluia:
Dt 4, 12
Alleluia,
alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và
là ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 13, 36-43
"Cũng
như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế
cũng sẽ xảy ra như vậy".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người
và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng
con nghe". Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng
là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian
ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các
thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào,
thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu
tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả
chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói
như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Bài Học Kiên Nhẫn
Ngày
13/5/1917 Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima và cho biết Nước Nga sẽ
trở lại. Cũng chính năm đó, Lénine đã thực hiện cuộc cách mạng tháng mười để
xóa bỏ mọi bất công của chế độ quân chủ và xây dựng thiên đàng tại thế. 80 năm
trước đây, lắng nghe và tin vào những lời tiên báo của ba trẻ Fatima thật là
phi lý. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người.
Lucia, một trong ba trẻ đã được diễm phúc chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên
báo; các bức tường đã sụp đổ, bạo động và máu nhường chỗ cho sự tha thứ, lòng
nhân từ, tinh thần hòa giải.
Kiên
nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử,
nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là
bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ
ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của
nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc
sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến
hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây
lúa tốt tươi.
Qua
dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc
hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta
cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và
một bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng
tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi
Ngài nói: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì
tôi lại làm". Sức mạnh của tội ác, của ma quỉ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi
người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa
Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó
sao?
Cảm
nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần
cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Ðó là bài học thực tiễn mà
có lẽ mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta
phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những
người xung quanh.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 17 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Exo 33:7-11,
34:5-9, 28; Mt 13:35-43.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa sẽ trả lại cho
con người tùy theo việc làm của họ.
Không
ai có thể phủ nhận sự hiện diện của ác thần mà chúng ta gọi là ma quỉ trong cuộc
sống. Trong khi người thiện tâm và cầu tiến luôn tìm cách vươn lên; thì có một
thế lực luôn kéo ghì con người xuống. Thánh Phaolô đã trình bày kinh nghiệm này
như sau: "Điều tôi muốn, tôi không làm; nhưng lại làm điều tôi không muốn...
Ai có thể cứu tôi khỏi tình trạng thảm thương này?" Nhiều người lo sợ ác
thần đang có cơ hội thắng thế và một ngày sẽ làm chủ thế giới này!
Các
Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự đối nghịch giữa tình thương của Thiên Chúa dành
cho con người với sự phá hủy của ma quỉ, muốn lôi kéo con người về phía chúng.
Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Xuất Hành trình bày sự hiện diện của Thiên Chúa
giữa con người qua "cột mây" trước Lều Hội Ngộ và sự đàm đạo với ông
Moses như một người bạn để mặc khải kế hoạch của Ngài cho dân chúng; trong khi
quỉ thần luôn tìm cách khích động dân phản động quay lưng lại với Thiên Chúa và
các nhà lãnh đạo của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng
cho các môn đệ. Thiên Chúa luôn gieo những hạt giống tốt vào thế gian; trong
khi quỉ thần luôn tìm cách gieo những cỏ lùng. Ngài sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến
Ngày Tận Thế, khi các thiên thần của Ngài sẽ đi gom nhặt tất cả các quỉ thần và
đồng bọn của chúng để tiêu diệt muôn đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Ngài qua "cột mây" trước Lều
Hội Ngộ.
1.1/
Thiên Chúa hiện diện với con cái Israel dưới nhiều hình thức: Suốt 40 năm lang
thang trong sa mạc, Thiên Chúa luôn tỏ sự hiện diện của Ngài dưới nhiều hình thức
khác nhau:
(1)
Lều Hội Ngộ và cột mây: "Ông Moses lấy một chiếc lều và đem dựng
cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai
thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. Mỗi khi ông Moses ra Lều,
toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Moses cho đến
khi ông vào trong Lều. Mỗi khi ông Moses vào trong Lều, thì cột mây đáp
xuống, đứng ở cửa Lều, và Đức Chúa đàm đạo với ông Moses. Khi thấy cột mây đứng
ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình."
Ngày
nay, Thiên Chúa vẫn hiện diện với con người dưới hình thức khác nhau, nhất là
trong Nhà Tạm, nơi Ngài chờ con người đến thăm viếng và tâm sự với Ngài. Giống
như con cái Israel, chúng ta cần có thái độ cung kính trước sự hiện diện của
Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta đến thăm viếng Thiên Chúa trong nhà thờ.
(2)
Thiên Chúa nói với dân qua người lãnh đạo: Trình thuật kể: "Đức Chúa đàm đạo
với ông Moses, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau."
+
Đây là một đặc quyền Thiên Chúa ban cho ông Moses, được đàm đạo với Ngài diện đối
diện mà không phải chết, dù đây chỉ là kiểu nói của người đời vì Thiên Chúa
không có mặt người. Đây cũng là hy vọng tối cao cho mỗi người chúng ta, khi
chúng ta được nhìn thấy Thiên Chúa như Ngài là, trong thị kiến tuyệt hảo
(beatific vision). Theo mối thứ sáu của Bát Phúc, chỉ có những ai có lòng thanh
sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa. Ông Moses phải là người có tâm hồn trong sạch.
+
Thiên Chúa vẫn đang nói với chúng ta qua các nhà lãnh đạo: Đức Giáo Hoàng, các
Đức Giám Mục, các cha, thầy, sơ, và các cha mẹ chúng ta; để qua họ, chúng ta
nhìn thấy rõ hơn những gì Ngài muốn trong cuộc đời chúng ta.
1.2/
Thiên Chúa luôn trung tín và công bằng: Trong thị kiến hôm nay, Đức Chúa mặc khải cho ông
Moses những sự thật về Ngài: "Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ
bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn
ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì,
và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông."
(1)
Tội lỗi và hình phạt: Vì Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, Ngài sẽ tha thứ tội lỗi
nếu tội nhân biết ăn năn hối cải; nhưng họ vẫn phải lãnh nhận hình phạt tùy
theo tội trạng của mình. Hình phạt có thể là chính những thiệt hại con người
gây nên cho mình; ví dụ, tội kiêu căng sẽ bị mọi người xa tránh. Hay con người
phải chịu những hình phạt vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; ví dụ, 3
năm tù vì đã gây thiệt hại vật chất cho tha nhân.
(2)
Ông Moses bầu cử cho dân chúng: Ông Moses vội vàng phục xuống đất thờ lạy và
thưa: "Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng
đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ
những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của
Ngài." Giống như tổ-phụ Abraham bầu cử cho dân thành Sodom, ông Moses cũng
bầu cử cho con cái Israel. Ông xin Thiên Chúa luôn hiện diện với dân và nhận họ
làm dân riêng của Ngài. Chỉ những người được coi là nghĩa thiết với Thiên Chúa,
mới có thể làm được điều này.
2/
Phúc Âm:
Chúa Giêsu giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ.
2.1/
Nghĩa biểu tượng (allegorical) của dụ ngôn cỏ lùng: Bấy giờ, Đức Giêsu
bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải
nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." Rất ít dụ ngôn có
nhiều những nghĩa biểu tượng như Chúa Giêsu cắt nghĩa về dụ ngôn cỏ lùng:
+
Kẻ gieo hạt giống tốt: là Con Người, chính Đức Kitô.
+
Kẻ thù đã gieo cỏ lùng: là quỷ thần, những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa.
+
Ruộng: là thế gian. Nhiều người ví thế gian như một bãi chiến trường giữa thiện
và ác.
+
Hạt giống tốt: là con cái Nước Trời, những người muốn sống theo sự thật và sự tốt
lành.
+
Cỏ lùng: là con cái Ác Thần, những người từ chối sống theo đường lối của Thiên
Chúa.
+
Mùa gặt: Như mùa gặt phải đến với nhà nông, Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến với
con người. Thợ gặt là các thiên thần.
2.2/
Ngày Tận Thế sẽ xảy đến: Mục
đích của dụ ngôn thường chỉ muốn nói lên một điều chính yếu. Điều chính yếu
trong dụ ngôn cỏ lùng là sự hiện diện của quỉ thần trong cuộc sống con người.
Chúng cạnh tranh với Thiên Chúa để lôi kéo con người theo chúng; nhưng chúng chỉ
có quyền hạn trên con người cho tới Ngày Tận Thế. Trong ngày đó, quỉ thần và
con cái của chúng sẽ bị tiêu diệt muôn đời, như lời Chúa Giêsu tuyên bố hôm
nay: "Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến
Ngày Tận Thế cũng sẽ xảy ra như vậy."
(1)
Số phận của ma quỉ và con cái của chúng: "Con Người sẽ sai các thiên thần
của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác,
mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải
khóc lóc nghiến răng."
(2)
Số phận của con cái Nước Trời: "Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt
trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả hành động khi còn sống trên dương gian
này. Vì thế, chúng ta phải cố gắng hết sức để sống theo những gì Thiên Chúa dạy
bảo.
-
Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ tới như ngày thu hoạch mùa màng của nhà nông. Trong
Ngày đó, quỉ thần và ác nhân sẽ bị tiêu diệt như cỏ lùng; còn người công chính
sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng ta đừng dại dột để sống theo cám dỗ của
chúng để khỏi bị tiêu diệt muôn đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
28/07/15 THỨ BA TUẦN 17
TN
Mt 13,36-43
Mt 13,36-43
Suy niệm: Vào
đầu tháng 6 năm nay, dịch bệnh Mers-Cov (một loại bệnh viêm đường hô hấp) xuất
hiện tại Hàn quốc và trở thành dịch bệnh có lây lan nhanh chóng và gây tử vong
cao. Sự lo lắng trước dịch bệnh cũng lây lan nhanh không kém như khi dịch bệnh
Sars xuất hiện trong năm 2003 làm gần 1000 người thiệt mạng và dịch Ebola năm
2014 đã lấy đi hơn 3000 mạng người. Đành rằng những sự dữ như chiến tranh, tội
ác… là do con người gây ra, nhưng còn những tai hoạ như dịch bệnh, thiên tai
thì sao? Làm sao có thể thể lý giải? Người ta sẽ tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại
để sự dữ lại có mặt trên đời. Qua sự dữ, Thiên Chúa cho thấy ý định nhiệm mầu
của Ngài. Ngài dựng nên những quy luật tự nhiên và Ngài tôn trọng những quy
luật đó cũng như tôn trọng sự tự do của con người. Thiên Chúa luôn biết cách
dùng những sự dữ đó để dạy dỗ con người qua những đau khổ và sự dữ ấy.
Mời Bạn: Đời
sống đức tin mời gọi bạn đón nhận những đau khổ và sự dữ trong niềm tín thác
vào Chúa, vì “Không có gì xảy ra mà không do Chúa muốn, mà tất cả những gì Ngài
muốn, dầu có vẻ ác hại đến đâu, cũng là điều tốt nhất cho ta” (GLHTCG 313).
Chia sẻ: Cuộc
đời bạn hẳn đã từng gặp những thử thách và đau khổ? Bạn đã đón nhận điều đó với
thái độ nào?
Sống Lời Chúa: Khi
gặp đau khổ, thử thách, thay vì than vãn, bạn dâng lên Chúa một lời cầu nguyện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những gian truân và thử thách, xin cho con luôn
biết sống phó thác và tìm được bình an trong Chúa. Amen.
Chói lọi như mặt trời
Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ
cỏ lùng nơi mình, và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.
Suy niệm:
“Chẳng phải ông đã gieo
giống tốt trong ruộng của ông sao?
Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra
vậy?” (Mt 13, 27).
Có lẽ một số Kitô hữu trong
Hội Thánh sơ khai đã đặt câu hỏi tương tự
khi họ thấy có những phần tử
xấu trong cộng đoàn của mình.
“Ông có muốn chúng tôi nhổ
đi không?”
Ông có muốn chúng tôi trục
xuất họ ra khỏi cộng đoàn không?
Có người tưởng rằng một Hội
Thánh phải gồm toàn những thánh nhân.
Hội Thánh không có chỗ cho
tội nhân, cho con cái Ác Thần (c. 38).
Lời từ chối của ông chủ
ruộng cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa.
“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ
lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
Cứ để cả hai cùng lớn lên
cho tới mùa gặt” (Mt 13, 28-29).
Thiên Chúa chấp nhận cỏ lùng
mọc chung với lúa,
con cái Nước Trời sống chung
với con cái Ác Thần cho đến tận thế.
Nhẫn nại và bao dung là dấu
hiệu của sự thánh thiện đích thực,
sự thánh thiện này biết chờ
đợi, biết tôn trọng tự do của con người.
Đôi khi chúng ta cũng có
thái độ nóng nảy của Giacôbê và Gioan,
khi đòi đốt cả làng người
Samari khi họ không chịu đón Chúa (Lc 9, 54).
Chúng ta vẫn sống trong một
thế giới vàng thau lẫn lộn.
Có khi không phân biệt được
lúa với cỏ lùng,
vì trong cái tốt vẫn ẩn hiện
bóng dáng của cái bất toàn,
và trong cái xấu thi thoảng
cũng lóe lên những tia sáng của chân lý.
Một người tốt có thể trở nên
cỏ lùng.
Một người xấu có thể trở nên
gié lúa trĩu hạt.
Chúng ta chưa thể nói gì về
một con người khi người ấy chưa nhắm mắt,
và khi chưa nghe lời phán xử
cuối cùng của Thiên Chúa.
Người đầu tiên được bảo đảm
vào Nước Trời lại là một tên gian phi.
Nhiều vị thánh hôm nay là
những người trước đây đã làm điều gian ác.
Nếu tôi tự đặt câu hỏi: Tôi
là lúa hay cỏ lùng?
Tôi sẽ thấy lúng túng khi
tìm câu trả lời.
Nơi trái tim tôi, tôi thấy
có sự giằng co giữa chọn Chúa và Ác Thần.
Có lúc tôi thấy mình như đã
thuộc trọn về Chúa,
có lúc lại thấy thế gian và
xác thịt như hoàn toàn thống trị mình.
Ngay trong điều tốt tôi làm,
vẫn có điều gì không tuyệt đối trong suốt.
Tôi hiểu rằng cỏ lùng vẫn có
chỗ trong thửa ruộng của lòng tôi.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận tôi
như thế đó.
Nếu Ngài nghiêm phạt tôi thì
tôi đâu còn sống đến nay.
Dụ ngôn trên nhắc chúng ta
không được tiếm quyền xét xử của Thiên Chúa,
không đòi xóa sạch sự dữ
trong một sớm một chiều.
Nhưng chúng ta lại không
được để mặc cho sự dữ thao túng.
Chúng ta dám hy sinh mạng
sống để xây dựng một thế giới công bình.
Đức Giêsu đã bị sự dữ nuốt
chửng, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng.
Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ
lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi mình,
và khao khát vươn tới sự
thánh thiện của chính Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng
tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người
nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu
thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một
ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ
trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày
Chúa trở lại.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28
THÁNG BẢY
Những
Người Chiến Thắng Trong Đức Kitô Và Còn Hơn Thế Nữa
Chúng
ta hãy xem lại bản văn trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô: “Chúc tụng Thiên
Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho
chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Kitô
đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn
đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em…” (1Pr 1,3-4).
Liền
sau đó, Tông Đồ Phê-rô nhấn mạnh một điểm vừa rất sáng tỏ vừa đầy khích lệ:
“Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít
lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của
anh em là thứ quí hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử
lửa. Nhờ thế khi Đức Giê-su Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở
thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1,6-7).
Vâng,
chúng ta có thể an tâm tin tưởng qua sứ điệp ấy! Vì sự tiền định của thế giới
thụ tạo và nhất là của con người trong Đức Kitô là nền móng tất yếu cho mối
quan hệ giữa sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa và thực tại sự dữ và đau khổ. Ở
đây chúng ta có một niềm hy vọng vững chắc về chiến thắng cuối cùng của mình
trên sự dữ và đau khổ. Nhờ sự chiến thắng của Đức Kitô, chúng ta sẽ chiến thắng
sự dữ và đau khổ dù thuộc hình thức nào đi nữa. Chúng ta được tiền định trong Đức
Kitô để toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta (Rm 8,37).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
28-7
Xh
33, 7-11;34, 5b-9.28; Mt 13, 36-43
LỜI
SUY NIỆM: Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần
Người và thưa: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con
nghe.”
Đây
là một tâm tình chân thật của các Tông Đồ, khi chưa hiểu những lời dạy của
Chúa, các ngài đã xin Chúa dạy bảo cách riêng khi thuận tiện; để các ngài thấu
hiểu tường tận hơn. Điều này giúp cho mỗi người trong chúng ta cũng biết khiêm
tốn, nhận ra sự yếu kém của mình về Giáo lý và Kinh Thánh; biết tìm đến những đấng
có thẩm quyền trong Hội Thánh, để được chỉ bày cho rõ, giúp tránh được sự sai lầm.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con ham thích
học hỏi Giáo lý và Kinh Thánh với một tâm hồn hết sức khiêm nhường để chúng con
dễ nhận được sự chỉ bảo chân thành.
Mạnh
Phương
27
Tháng Bảy
Ánh Sáng Cho Ðền Thờ
Tại
một khu phố cổ của Ấn Ðộ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa
những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền Ấn Giáo.
Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không bao giờ được đốt
lên thường xuyên. Dù vậy, từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường,
người ta thấy có treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng
đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu. Bình thường, ngôi đền thờ vắng lạnh
vì tăm tối. Nhưng, cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn soi lối để đi qua
các khu phố, họ cũng mang chính ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng
đèn trong đền thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong
các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách kỳ lạ...
Ngôi
đền thờ chỉ sáng lên nhờ chính những ngọn đèn mà các tín hữu mang đến. Ðó có lẽ
phải là hình ảnh đích thực của đời sống đạo chúng ta.
Chúng
ta lãnh nhận đức tin từ một cộng đồng Giáo Hội và đức tin của chúng ta chỉ có
thể sống và lớn mạnh trong cộng đồng Giáo Hội mà thôi. Không ai có thể là người
tín hữu Kitô mà có thể ở ngoài Giáo Hội.
Cộng
đồng giáo xứ nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong đức tin thường được biẻu
trưng bằng một ngôi thánh đường. Chính nơi đó người tín hữu Kitô gặp gỡ nhau,
chính nơi đó, người tín hữu Kitô chia sẻ và củng cố đức tin cho nhau. Ngôi
thánh đường sẽ chỉ là một đền thờ lạnh tanh và tăm tối nếu mỗi người tín hữu
không mang đến chính ánh sáng của mình. Mỗi người một ít, nhưng chính nhờ sự
đóng góp ấy mà ngôi đền thờ trở nên rực sáng và tràn đầy sức sống.
Mỗi
một người tín hữu Kitô trong cộng đồng Giáo Hội cũng giống như một ánh đèn chiếu
sáng trong tay để làm cho ngôi thánh đường của cộng đồng giáo xứ được sáng lên.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét