30/07/2015
Thứ Năm sau Chúa Nhật
17 Quanh Năm
Thánh Phêrô Kim
Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ
* Chào đời khoảng năm 380 ở miền
I-mô-la, Ê-mi-li-a, cũng tại đó, người đã làm linh mục, rồi khoảng năm 424-431
được chọn làm giám mục Ra-ven-na. Trong tư cách mục tử, người nuôi dưỡng đoàn
chiên đặc biệt bằng những bài giảng uyên thâm. Chắc hẳn vì thế mà người được mệnh
danh là Kim Ngôn. Khi giảng, người luôn tâm niệm rằng: “Phải giảng cho dân
chúng bằng ngôn ngữ của dân chúng”. Người qua đời khoảng năm 450.
Bài
Ðọc I: (Năm I) Xh 40, 14-19. 32-36
"Một
đám mây che phủ nhà xếp chứng từ, và vinh quang của Chúa tràn ngập nhà xếp".
Trích
sách Xuất Hành.
Trong
những ngày ấy, Môsê thi hành tất cả những điều Chúa đã truyền dạy. Vậy ngày
mùng một tháng Giêng năm thứ hai, đã dựng nhà xếp xong. Ông Môsê đã dựng nhà xếp,
lắp ván, đặt trụ, xà ngang và dựng cột, rồi căng mái nhà xếp và màn che trên
mái như Chúa đã truyền dạy. Ông đặt bia chứng từ vào hòm, xỏ đòn khiêng vào hai
bên, và để toà phán dạy trên hòm. Khi đã rước hòm bia vào nhà xếp, ông treo màn
trước hòm để hoàn tất lời Chúa đã truyền dạy. Sau khi mọi việc đã hoàn tất, thì
có một đám mây bao phủ nhà xếp chứng từ, và vinh quang của Chúa tràn ngập nhà xếp.
Vì
mây che phủ nhà xếp, và uy linh Chúa sáng rực trong nhà, nên ông Môsê không thể
vào trong nhà giao ước, vì có đám mây che phủ mọi sự. Hễ mây lên khỏi nhà xếp,
thì con cái Israel kéo nhau đi từng đám, còn khi mây che phủ nhà xếp, thì họ ở
lại tại chỗ. Vì ban ngày, đám mây của Chúa che phủ nhà xếp, và ban đêm, có lửa
trong mây, nên toàn dân Israel trông thấy suốt thời gian xuất hành của họ.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 83, 3. 4. 5-6a và 8a. 11
Ðáp: Ôi Chúa thiên
binh, khả ái thay cung điện của Ngài (c. 2).
Xướng:
1) Linh hồn con khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa.
Tâm thần và thể xác con hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. - Ðáp.
2)
Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ
con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Ðại vương là
Thiên Chúa của con. - Ðáp.
3)
Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời.
Phúc thay người Chúa con nâng đỡ, họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái. - Ðáp.
4)
Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu
khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân.
- Ðáp.
Alleluia:
Tv 24, 4c và 5a
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con
trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 13, 47-53
"Người
ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả
dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà
lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Ðến ngày tận thế
cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi
ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu
những điều đó không?" Họ thưa: "Có".
Người
liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống
như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa
Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Thái
Ðộ Bao Dung
Có
một Bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục cao niên và tuyên bố: "Thưa Ðức
Cha, con đến để thông báo cho Ðức Cha biết con đang nghĩ đến chuyện ra khỏi
Giáo Hội, Ðức Cha nghĩ sao?".
Vị
Giám mục yêu cầu ông cho biết một vài lý do khiến ông có ý định đó. Viên Bác sĩ
nhìn thẳng vào mắt vị Giám mục và nói: "Thưa Ðức Cha, Ðức Cha nghĩ coi:
Giáo Hội đã có mặt trên trần gian này 2,000 năm nay, thế mà con người có khá
hơn không?".
Vị
Giám mục bình tĩnh trả lời: "Bác sĩ nói thật chí lý, nhưng Bác sĩ hãy thử
nghĩ lại: nước đã xuất hiện trên mặt đất này từ bao nhiêu triệu năm nay, vậy mà
ngày nào Bác sĩ cũng như tôi, ai cũng phải rửa tay".
Nghe
thế, viên Bác sĩ thinh lặng ra về, ông không còn nghĩ đến chuyện rời bỏ Giáo Hội
nữa.
Với
bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao
dung hơn đối với Giáo Hội của Ngài. Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo
lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những
con cá xấu, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa
và con người chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi
chờ đợi, thì người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.
Giáo
Hội là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng
ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy lại gồm những
con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là
luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự
tha thứ của anh em. Thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu
căng giả hình của những người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao. Ðồng hành
với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng
cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm
thông, yêu thương, tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ
điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái chết
của Chúa Giêsu trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và
lôi kéo mọi người lên với Ngài.
Luôn
ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những
thiếu sót bất toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi
người, đó là thách đố đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết.
Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng
những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Năm Tuần 17 TN1,
Năm lẻ.
Bài
đọc:
Exo 40:16-21, 34-38; Mt 13:47-53.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải luôn sẵn sàng
thích ứng với mọi thay đổi của cuộc sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Con
người thường có hai khuynh hướng: (1) Khuynh hướng bảo thủ chủ trương phải bảo
vệ truyền thống và không được thay đổi điều gì cả. Những người theo khuynh hướng
này thường sống với quá khứ vinh quang hơn là thích ứng với những thay đổi của
hiện tại. (2) Khuynh hướng cấp tiến chủ trương phải đạp đổ quá khứ để chạy theo
những gì tân thời. Những người theo khuynh hướng này chủ trương phải thay đổi tất
cả cho kịp với đà tiến của xã hội. Cả hai khuynh hướng đều cực đoan. Người khôn
ngoan phải là người có con mắt tinh đời để giữ lại những tinh hoa nền tảng của
truyền thống và tìm cách thích ứng cho hợp với đà tiến của xã hội.
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong thái độ khôn ngoan này. Trong Bài Đọc I, ông
Moses cho xây dựng Nhà Tạm trong Lều Hội Ngộ như Thiên Chúa truyền. Mục đích là
để cho con cái Israel luôn ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ và
hướng dẫn họ qua "cột mây" trước Nhà Tạm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo
các môn đệ: sở dĩ họ hiểu được các mầu nhiệm Nước Trời là vì họ đã có những kiến
thức căn bản của Lề Luật và Ngôn Sứ. Trong thời gian hiện tại, Thiên Chúa muốn
cả người lành và kẻ dữ chung sống với nhau; nhưng trong Ngày Tận Thế, các thiên
thần của Ngài sẽ phân biệt hai loại người và sẽ tiêu diệt kẻ dữ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa luôn hiện diện với con người.
1.1/
Kiến thiết Nhà Tạm trong Lều Hội Ngộ: Thiên Chúa có thể hiện diện với dân mà không cần có
Lều Hội Ngộ hay Nhà Tạm, vì Ngài vô hình; nhưng dân chúng cần có những thứ này,
để họ xác tín Thiên Chúa luôn ở với họ, vì con người hữu hình. Chúng ta còn nhớ
biến cố dân chúng bắt ông Aaron phải đúc cho họ một con bê bằng vàng để thờ, vì
họ không thấy Thiên Chúa và ông Moses trong một thời gian khá lâu, khi ông lên
núi để đàm đạo với Thiên Chúa. Những gì hữu hình có sức mạnh nhắc con người đừng
quên sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Đó
là lý do ông Moses làm mọi sự đúng y như Đức Chúa đã truyền cho ông. "Ông
Moses cho dựng Nhà Tạm. Ông cho đặt đế, ghép ván, đặt thanh ngang và dựng cột.
Ông cho căng lều trên Nhà Tạm, lấy bạt che phía trên lều, như Đức Chúa đã truyền
cho ông Moses. Ông lấy Thập Giới đặt vào Hòm Bia, xỏ đòn vào Hòm Bia, đặt nắp
xá tội lên trên đó. Ông rước Hòm Bia vào trong Nhà Tạm và treo bức trướng để
che khuất Hòm Bia Thập Giới, như Đức Chúa đã truyền cho ông."
Sau
này, khi đã vào Đất Hứa, con cái Israel vẫn còn thói quen để Thiên Chúa trong Lều
Thánh, cho đến khi vua Solomon thay Lều Thánh bằng Đền Thờ, và đặt Hòm Bia vào
Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ. Sang thời Tân Ước, Nhà Tạm vẫn tiếp tục hiện diện trong
các thánh đường; nhưng Hòm Bia được thay thế bằng Mình Thánh Chúa.
1.2/
Thiên Chúa hướng dẫn con cái Israel trong sa mạc: Thiên Chúa không chỉ
hiện diện giữa dân chúng, nhưng Ngài còn hướng dẫn họ suốt 40 năm lang thang
trong sa mạc. Để biết khi nào Thiên Chúa muốn họ cắm trại hay nhổ trại, ông
Moses và con cái Israel căn cứ theo "cột mây:"
+
Khi nào đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm, thì con cái Israel nhổ trại.
+
Nếu mây không bay lên, thì họ không nhổ trại cho đến ngày mây lại bay lên. Quả
vậy, đám mây của Đức Chúa đậu trên Nhà Tạm ban ngày, còn ban đêm thì có lửa
trong mây, trước mắt toàn thể con cái Israel, ở mỗi chặng đường họ đi.
2/
Phúc Âm:
Nước Trời giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn
cái cũ.
2.1/
Nước Trời như chiếc lưới thả xuống biển: Chúa Giêsu nói với dân chúng: "Nước Trời lại
còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy,
người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra
ngoài."
(1)
Giai đoạn hiện tại: Có hai trường phái giải thích dụ ngôn này như sau:
+
Giáo Hội chỉ dành cho người tốt: Giáo Hội do Đức Kitô thiết lập chỉ dành cho những
người tốt, sống theo những gì Chúa truyền dạy; những kẻ xấu, không vâng lời những
gì Chúa truyền dạy phải bị khai trừ như ngư phủ quăng cá xấu vậy.
+
Giáo Hội dành cho mọi người: tốt cũng như xấu. Trong giai đoạn hiện tại, Giáo Hội
là cho tất cả mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người có cơ hội để ăn năn trở
lại. Hơn nữa, ngoài Thiên Chúa, không ai có quyền xét xử và xếp loại ai tốt, ai
xấu cả. Quan niệm này hợp với đường lối của Thiên Chúa hơn.
(2)
Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến: Chúa Giêsu tiếp tục giải thích: "Đến Ngày Tận
Thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra
khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải
khóc lóc nghiến răng." Điều mọi người cần ý thức ở đây là Ngày Tận Thế:
nhiều người chỉ nghĩ đến Ngày Tận Thế của thế giới, mà không nghĩ tới ngày tận
thế của đời mình, khi họ từ giã dương gian về với Thiên Chúa. Vì thế, mọi người
cần ăn năn xám hối trước khi từ giã cuộc đời kẻo sẽ phải hối hận sau này.
2.2/
Nước Trời như kho tàng có cả cái cũ lẫn cái mới: Người bảo họ: "Bởi vậy, bất
cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy
ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."
(1)
Kiến thức mới có được là do căn bản của kiến thức cũ: Điều này đúng cho mọi
lãnh vực tri thức của con người. Nếu không bắt đầu từ kiến thức căn bản, con
người sẽ không hiểu được những kiến thức cao hơn. Trong lãnh vực Kinh Thánh
cũng thế, con người phải bỏ thời gian để học hỏi những điều căn bản, trước khi
họ có thể phân tích và hiểu biết những mầu nhiệm cao siêu hơn. Ví dụ, để hiểu
Tân Ước cách rõ ràng, giả sử một người phải hiểu về Cựu Ước.
(2)
Kiến thức mới hoàn hảo hóa kiến thức cũ: Hầu hết các phát minh mới đều dựa trên
những kiến thức cũ, nhưng được làm cho hoàn hảo hơn. Chúa Giêsu đã từng nói
Ngài đến không để phá hủy Lề Luật; nhưng làm cho hoàn hảo hơn. Người môn đệ khi
theo Đức Kitô không từ bỏ các kiến thức cũ: khoa học, nghề nghiệp, chuyên môn
... nhưng biết dùng chúng cho một mục đích tốt đẹp hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải có thái độ khôn ngoan để biết giữ lại những gì không thể thay đổi
như đức tin và tình yêu; đồng thời biết thay đổi những gì có thể thay đổi, cho
phù hợp với thánh ý Thiên Chúa và theo kịp đà tiến của xã hội.
-
Ngoan cố để giữ lại tất cả truyền thống sẽ bị thời gian đào thải; nhưng thích ứng
hòan toàn sẽ bị hụt hẫng như cây không bám rễ, hay sẽ bị khô cạn như suối nước
không có nguồn.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
30/07/15 THỨ NĂM TUẦN
17 TN
Th. Phê-rô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,47-53
Th. Phê-rô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 13,47-53
Suy niệm: Để
vào được đại học, phải qua bao nhiêu năm tháng chuyền cần đèn sách, bao nhiêu
đêm thức trắng để có thể “chọi” được trong kỳ thi tuyển vã mồ hôi; để được đi
làm cho một công ty, ứng viên phải trải qua phỏng vấn, phải thử thách trình độ,
tay nghề; để đi nước ngoài, người ta cũng phải qua phỏng vấn, thị thực visa.
Nói chung, cuộc sống đầy những sàng lọc, những tiêu chí, những điểm chuẩn khách
quan đến mức lạnh lùng, mà chiếu theo đó sẽ có kẻ đậu người rớt. Nước Trời cũng
vậy, giống như“một mẻ lưới gom đủ thứ cá” để rồi sẽ được phân loại: “cá tốt cho vào giỏ, cá xấu vứt ra ngoài.” Nước Trời có tiêu chuẩn rõ ràng. Muốn vào đó,
tôi phải là “cá tốt.”
Mời Bạn: Hình
dung cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình – và chính mình trong đó – như một
mẻ lưới. Nếu lúc này đây, mẻ lưới được “kéo lên bãi,” liệu tôi sẽ được xếp loại “cá tốt” hay “cá xấu”? Bạn nhớ tiêu chuẩn Nước Trời
không có loại cá làng nhàng nửa tốt nửa xấu đâu nhé.
Chia sẻ: “Tốt”
là một tính từ quá khái quát. Theo bạn, trong cuộc sống hôm nay, “tốt” theo
tiêu chuẩn Nước Trời bao hàm những gì cụ thể?
Sống Lời Chúa: Sống
theo các giá trị của Tin Mừng Đức Giê-su - chứ không theo bất cứ ai khác, bất
cứ chủ nghĩa hay trào lưu nào khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết đảm bảo chỗ cho mình trong
Nước Trời chung cuộc, bằng cách ngay từ bây giờ, chúng con sống theo hiến
chương Nước Trời, là các Mối Phúc mà Chúa đã rao giảng. Amen.
Cá tốt cho vào giỏ
Gia nhập Hội Thánh không phải là một bảo đảm để
được cứu độ. Còn cần sống hoàn thiện như Cha trên trời.
Suy niệm:
Dụ ngôn chiếc lưới được coi
là dụ ngôn cuối cùng
trong một chuỗi bảy dụ ngôn
của chương 13 theo Tin Mừng Mátthêu.
Dụ ngôn này có nhiều điểm
tương đồng với dụ ngôn lúa và cỏ lùng.
Cả hai đều nói đến sự tách
biệt kẻ xấu và người tốt vào ngày tận thế,
và kẻ xấu sẽ bị Thiên Chúa
luận phạt nghiêm minh (cc. 42. 50).
Đức Giêsu đã dùng những hình
ảnh quen thuộc, gần gũi để nói về Nước Trời.
Có khi là hình ảnh nông
nghiệp như dụ ngôn người gieo giống,
dụ ngôn lúa và cỏ lùng, hay
dụ ngôn hạt cải.
Có khi là hình ảnh về chăn
nuôi như dụ ngôn về người mục tử.
Có khi là hình ảnh về ngư
nghiệp như trong dụ ngôn chiếc lưới.
Một số môn đệ của Ngài đã
sống bằng nghề chài lưới ở hồ Galilê.
Thời xưa việc đánh cá ở hồ
này cũng đơn giản như ở quê ta ngày nay.
Những ngư phủ đi trên những
chiếc thuyền nhỏ.
Họ quăng lưới vào những nơi
thấy dấu hiệu có cá đang đi.
Lưới với những hòn chì nặng
sẽ chụp xuống đàn cá và họ chỉ cần kéo vào bờ.
Một chi tiết đáng chú ý ở
đây là họ gom được mọi loại cá, cả tốt lẫn xấu.
Hình ảnh này gợi cho ta về
việc mọi người, bất luận tốt xấu,
đều được mời gọi tham dự bàn
tiệc Nước Trời (Mt 22, 9-10).
Trong Hội Thánh, cũng có sự
pha trộn giữa người tốt, kẻ xấu,
như được ám chỉ trong dụ
ngôn lúa và cỏ lùng.
Ở các tỉnh ven hồ Galilê, ta
dễ thấy cảnh tượng các ngư phủ ngồi trên bờ,
gom cá đánh được trong ngày,
giữ lại cá tốt, quăng đi cá xấu.
Chỉ khi lưới đầy, họ mới làm
công việc lựa cá như vậy (c. 48).
Tương tự như trên, chỉ khi
đến ngày tận thế, các thiên thần mới xuất hiện
để tách biệt kẻ xấu ra khỏi
người công chính (c. 49).
Như thế tình trạng hiện nay
của Hội Thánh vẫn là chưa hoàn hảo.
Không phải mọi Kitô hữu đều
đã sống tinh thần Bài Giảng trên núi.
Có những Kitô hữu không sinh
trái, vì hạt giống nhận được đã bị thui chột,
bởi thử thách gian nan hay
mối lo toan vật chất (Mt 13, 18-22).
Có những Kitô hữu tuy vẫn
kêu Đức Giêsu là Lạy Chúa ! (Mt 7, 21-23),
vẫn nhân danh Ngài mà nói
tiên tri, trừ quỷ hay làm phép lạ,
nhưng lại không thi hành ý
muốn của Cha trên trời và làm điều gian ác.
Có những Kitô hữu dự tiệc
cưới mà không mặc áo cưới (Mt 22, 11-13).
Có những Kitô hữu là muối
nhạt, đã trở thành vô dụng (Mt 5, 13).
Như thế gia nhập Hội Thánh
không phải là một bảo đảm để được cứu độ.
Còn cần sống hoàn thiện như
Cha trên trời (Mt 5, 48).
Thời nay chúng ta không
thích nghĩ đến những chuyện bị coi là xa xôi,
như chuyện tận thế, chuyện
Thiên Chúa phán xét và luận phạt.
Chúng ta thích sống yên ổn
với một Thiên Chúa nhân hậu vô cùng,
đến độ có vẻ như hỏa ngục
chỉ là chuyện viển vông để dọa con nít.
Nhưng dù sao cũng không
tránh được ngày cỏ lùng bị tách khỏi lúa,
cá xấu bị tách khỏi cá tốt,
kẻ bất lương bị tách khỏi người lành.
Cuối cùng Nước Trời sẽ không
còn chút bóng dáng của sự dữ,
và Thiên Chúa sẽ là
mọi sự cho mọi người (1 Cr 15, 28).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội
Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia
rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt
lúa.
Xin đừng để khó khăn làm
chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con
ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột
loài người
để bột được dậy lên và trở
nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây
to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ
nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân
nước,
nơi mọi người được hưởng
niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh
tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng
trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân
loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
Tháng Bảy
30
THÁNG BẢY
Sự
Dữ Có Nhiều Bộ Mặt
Trước
hết chúng ta phải hiểu mình muốn nhắm đến điều gì trong ý niệm “sự dữ” và “đau
khổ”. Nó mặc lấy rất nhiều hình thức. Chẳng hạn, người ta thường phân biệt giữa
ý nghĩa thể lý và ý nghĩa luân lý. Sự dữ luân lý được phân biệt với sự dữ thể
lý chủ yếu ở sự kiện rằng nó có bao hàm tội lỗi, vì nó tùy thuộc vào ý chí tự
do của con người.
Sự
dữ luân lý phân biệt với sự dữ thể lý bởi vì sự dữ thể lý không thiết yếu và
không trực tiếp liên quan đến ý chí của con người. Nói vậy không có nghĩa rằng
sự dữ thể lý không thể bị gây ra bởi con người hay không thể là hậu quả của tội
lỗi con người. Thực tế, rất nhiều sự dữ thể lý do chính con người gây ra. Đôi
khi sự dữ thể lý xảy ra do sự ngu muội hay bất cẩn của con người, nhiều trường
hợp khác nó xảy ra một cách gián tiếp do sự cẩu thả hoặc do những hành động trực
tiếp tác hại.
Nhưng
chúng ta biết rằng trên thế giới có nhiều nguyên nhân của sự dữ thể lý xem ra
không liên can gì đến con người. Chẳng hạn, ta có thể nghĩ đến các vụ thiên tai
hay những trường hợp rối loạn tâm thần không do con người gây ra.
Đối
diện với những vấn nạn ấy, chúng ta cảm thấy – như Gióp – rằng thật khó đưa ra
câu trả lời. Chúng ta tìm kiếm câu trả lời không ở nơi chính mình, nhưng phải
khiêm tốn và tín nhiệm để tìm nơi Lời Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta gặp thấy một
tuyên bố trứ danh và rất hàm súc: “Từ chân trời này, đức khôn ngoan vươn mạnh tới
chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp” (Kn 7,30; 8,1).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh
Phêrô Kim Ngôn, giám mục tiến sĩ Hội Thánh
Xh 40, 16-21.34-38;
Mt 13, 47-53
LỜI
SUY NIỆM: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được
đủ thứ cá” (Mt 13,47)
Chúa
Giêsu muốn Tin Mừng đến khắp mọi nơi, để gom tất cả mọi con người được ở trong
Giáo Hội của Ngài, để nhận được ơn cứu độ, nhận ra con đường đi vể Nhà Thiên
Chúa, để được hưởng hạnh phúc đời đời với Ngài. Trên hành trình đi về Nhà Cha,
chúng ta còn có rất nhiều thử thách, cần phải vượt qua. Muốn vượt qua những thử
thách này chỉ có hiểu biết Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống của mình
với ân sủng Ngài ban.
Mạnh Phương
Gương Thánh nhân
Ngày
30-07
Thánh
PHÊRÔ CHRYSÔLOGÔ
Giám
Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (+450)
Thánh
Phêrô có biệt hiệu là Chrysôlôgô (kim ngôn) bởi tài hùng biện đặc biệt của Ngài.
Ngài sinh vào khoảng năm 405, tại miền Imola, nước Ý. Đức Giám mục giáo phận
Imola là Cornêlliô phong chức phó tế cho Ngài. Dưới sự hướng dẫn của Đức giám mục,
Ngài thực hiện những bước tiến lạ lùng trên con đường trong tu viện.
Năm
430, Đức tổng giám mục Gioan của giáo phận Ravenna từ trần. Trong khi tìm vị chủ
chăn mới, hàng giáo sĩ và giáo dân đã xin Đức giám mục Iomola nhập đoàn phải họ
để đi Roma yết kiến Đức giáo hoàng Sixtô III coi Phêrô như người được tiền định
để làm giám mục Ravenna. Ngài liền đặt Phêrô làm giám mục Ravenna, kế vị Đức
giám mục Gioan năm 433. Các đại biểu của Giáo phận này lúc đầu tỏ ý bất bình,
nhưng rồi đã đổi thái độ khi được đức giáo hoàng Sixtô III cho biết thị kiến của
mình.
Vâng
theo ý Chúa, Phêrô thụ phong giám mục và trở về Ravenna. Trong bầu khí tiếp đón
nồng nhiệt, Ngài nói: - Tôi đến với anh chị em như một y sĩ đến chữa trị, như một
mục tử để dẫn dắt, như một người mẹ để nuôi dưỡng, như một người cha để bảo vệ
và chăm sóc phần rỗi đời đời của anh chị em. Vậy anh chị em hãy mau mắn vâng phục
cách thích đáng đối với tác vụ rất thánh của tôi.
Đầy
nhiệt thành bứng rễ các việc thờ ngẫu tượng còn rớt lại, cũng như lên án sự giả
tạo của giáo dân. Trong một cuộc lễ vào đầu năm, Ngài đã phá những cuộc diễn
hành đáng tội trên đường phố : - Ai muốn vui chơi với ma quỉ thì không thể vui
hưởng với Chúa Kitô.
Ngài
đã nhiệt tâm rao giảng. Ngày nay chúng ta còn giử lại được khoảng 180 bài giảng
của Ngài. Lời lẽ đơn sơ nhưng đầy nhiệt huyết. Người ta không thể quên được những
lời như:
-
Nằm trong thói hư tính xấu, chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chúng ta sẽ thực sự đứng
thẳng khi biết chỗi dậy để tiến thẳng tới bằng các việc lành.
-
Ai biết tìm kiếm trong đức tin, sẽ thấy ngay rằng là Cha đang ở đó, vì họ.
-
Mọi sự dữ cha mẹ làm cho con cái, Thiên Chúa là Cha hết người sẽ trả lại cho họ.
-
Các tiền nhân sống cho chúng ta. Chúng ta sống cho thế hệ mai sau. Không ai sống
cho mình cả.
Người
ta cũng còn nhớ lời Ngài kêu gọi sống bác ái:
-
Biết nói sao về niềm tin lễ Giáng sinh, nếu người nghèo than khóc tù nhân rên
siết, dân tị nạn than thở, người lưu đày thổn thức, người Do thái mừng lễ bằng
thuế thập phân, còn người Kitô hữu nghĩ sao khi họ không mừng bằng một phần
trăm của cải ? Tôi đau buồn, phải, tôi đau buồn vì các đạo sĩ trải vàng trên
nôi Chúa Kitô trong khi các Kitô hữu để cho thân thể Chúa Kitô trống trải, khi
mà những người nghèo than khóc. Đừng nói rằng tôi không có gì. Thiên Chúa muốn
xin cái anh em có chứ không phải cái anh chị em không có, khi mà Ngài thương nhận
hai đồng tiền của bà góa. Hãy tận tâm với Đấng tạo thành và tạo vật cũng sẽ tận
tâm với anh chị em.
Thánh
Phêrô Chrysôlôgô đã trở thành danh tiếng, đến nỗi Đức giáo hoàng Lêo I đã trao
cho Ngài đọc tại công đồng Chalcedonia một luận án chống lại lạc thuyết của
Eutychèr, Ngài cũng còn viết một bức thư cho kẻ lạc giáo này để khuyên ông ta
vâng phục Giáo hội.
Sau
cùng, sau khi cai quản giáo phận Ravenna trong 18 năm, thánh giám mục biết rằng
mình sắp tới hồi kết thúc các nỗ lực. Ngài muốn lui về Imola để dọn mình chết.
Ngày 3 tháng 12 năm 450 Ngài đã từ trần và năm 1729 được đặt làm tiến sĩ Hội
Thánh.
(daminhvn.net)
30
Tháng Bảy
Người Tử Tù
Tại
một nhà tù nọ, có một người đàn ông bị kết án tử hình. Nhưng người ta thấy anh
không hề tỏ ra nao núng, trái lại lúc nào cũng vui tươi ca hát.
Ngày
nọ, các quản giáo bắt gặp anh đang chơi tây ban cầm trong sân chơi của trại tù.
Ðám đông bu quanh anh, lúc đầu còn nhút nhát, về sau mọi người cùng hát theo tiếng
đàn của anh. Thấy thế, ban giám đốc nhà tù mới ra lệnh không cho anh được chơi
đàn nữa.
Nhưng
ngày hôm sau, tù nhân đã có bản án tử hình ấy vẫn tiếp tục ra sân chơi và đàn
ca như mọi ngày. Ðám đông tù nhân cũng tuôn đến ca hát với anh. Không chịu nổi
nữa, những người canh tù sấn đến túm lấy anh và chặt đứt những ngón tay của
anh. Họ nghĩ rồi đây anh sẽ không còn chơi đàn được nữa và như vậy đám đông
cũng không còn tụ tập được nữa. Nhưng ngày hôm sau, cũng người tử tội ấy, cũng
đám đông ấy tụ tập lại trong sân tù và với đôi tay cụt, anh vẫn có thể đàn được
những điệu nhạc càng thảm thiết hơn. Lần này, những tên canh tù lôi anh đi và đập
nát chiếc đàn.
Ngày
hôm sau, con người đáng thương ấy cũng trở lại sân chơi và cất tiếng hát vang.
Tiếng hát ca của anh dặt dìu, tha thiết và mời gọi đến nỗi đám đông cũng kéo đến
hòa cùng tiếng hát với anh. Lần này, những tên canh tù mới đưa anh đi và họ cắt
lưỡi anh. Họ nghĩ rằng tiếng đàn đã bị dập tắt, tiếng ca cũng sẽ bị tắt lịm và
như vậy, không còn ai sẽ tụ tập trong sân nữa.
Nhưng
trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày hôm sau, người tử tội vẫn trở lại sân
chơi. Lần này, anh không đàn, không hát, nhưng nhảy múa theo một điệu nhạc câm
mà chỉ mình anh mới có thể nghe được. Không mấy chốc, đám đông tù nhân kéo đến
và họ nhảy múa xung quanh con người khốn khổ ấy.
Câu
chuyện trên đây nhắc chúng ta nhớ đến một vũ công Ấn Ðộ tên là Sudha Chandran.
Chính lúc cô đạt đến tuyệt đỉnh của danh vọng cũng là lúc bàn chân phải của cô
phải bị cưa. Nhưng người vũ công đầy ý chí này đã không bỏ cuộc... Sau khi bình
phục, cô đã ráp chân giả và luyện tập cho đến khi nhuần nhuyễn trở lại như trước.
Khi được hỏi: "Làm thế nào để có thể nhảy múa bình thường trở lại?".
Cô trả lời: "Chúng ta không nhất thiết cần có chân mới có thể nhảy múa được".
Thiên
Chúa không ban cho chúng ta một số lượng nén bạc đồng đều. Kẻ được năm nén, người
được hai nén, kẻ chỉ được một nén... Một nén đó có thể là một nén của nghèo
nàn, bất hạnh, rủi ro, mất mát. Nhưng trong Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, nén bạc
vẫn có thể sinh lời được những hoa trái của yêu thương, của tin tưởng, của lạc
quan vui sống...
Chúng
ta không nhất thiết cần có đôi chân mới nhảy múa được. Chúng ta có thể nhảy múa
với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có thể ca hát với lòng tin yêu, vui sống..
Không
gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Chúa. Dù tù đày, dù bệnh tật, dù
khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng mến, thì cuộc sống trơ trụi, nghèo hèn của
chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng, tri ân dâng lên Chúa
(Lẽ sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét