Trang

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

CHỮ VIẾT TAY TRÊN TƯỜNG


Chữ viết tay trên tường, hay dấu hiệu cáo chung của nền văn hóa chính trị hiện đại
Vũ Văn An3/26/2012

Trong mấy năm gần đây, bị khốn khổ vì cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế hoàn cầu, thành ngữ “chữ viết tay trên tường” đã trở thành chất liệu cho nhiều cuộc chuyện trò công cộng. Đây là một ẩn dụ ám chỉ một cách tổng quát sự mất hướng, lo lắng và hoảng sợ trước tương lai đang lan tràn khắp thế giới Tây Phương như một bệnh dịch và đang gây ra một hiệu quả hết sức hiển nhiên trên tâm thức cả nước trong mùa bầu cử năm nay. 

Thành ngữ trên dường như được mọi người nhắc đến, nhưng có được bao nhiêu người miệng thì nói “chữ viết tay trên tường” mà lòng thì hiểu rõ nguồn gốc của nó, chương 5 Sách Đanien của Cựu Ước? Câu truyện do Sách ấy thuật lại quả là đáng chú ý. Nhắc lại truyện ấy một cách đầy đủ có thể giúp ta nắm được bất cứ điều gì đang được viết trên tường vào giờ phút này của lịch sử quốc gia, và lịch sử của nền văn minh Tây Phương. Suy nghĩ về truyện này cũng có thể giúp ta nhận dạng ra vị tiên tri, giống Đanien, có thể giúp ta diễn giải “chữ viết trên tường”, hiểu được ý nghĩa của nó, và do đó nhận thức được bổn phận của mình. 

Khung cảnh đã được sắp đặt. Không gian là Babylon. Thời gian là khoảng hai thiên niên kỷ rưỡi trước đây, tức thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Vương quốc Giuđa đã bị Nebuchadnezzar, Vua Canđê, chiếm đóng. Ông vua này, theo Sách Đanien, đã truyền cho tể tướng của mình “đem một số dân Israel, cả từ hoàng gia lẫn giai cấp quí tộc, những thanh thiếu niên chưa có tì vết, trẻ trung và đầy khôn ngoan, kiến thức, hiểu biết, và năng khiếu, để phục vụ tại đền vua, và được dạy dỗ về chữ viết và ngôn ngữ Canđê”. Người gây ấn tượng nhất trong nhóm thanh thiếu niên tài giỏi của Israel này chính là Đanien. Ngoài các đức tính bản thân mà chính Nebucahdnezzar đã cho là cần thiết để được phục vụ tại đền vua ra, Đanien còn có khả năng giải thích các giấc mộng của nhà vua, một kỹ năng khiến Nebuchadnezzar phải nhìn nhận, dù là trong giây lát, rằng Thiên Chúa của Đanien, tức Thiên Chúa của dân tộc Israel, là “Chúa các chúa và là vua các vua, và là đấng mạc khải mọi huyền nhiệm”. 

Tuy nhiên, Belshazzar, con trai Nebuchadnezzar, lại là chuyện khác. Ông ta tổ chức một đại yến cho một ngàn quan quyền của ông ta, và uống rượu trước mặt một ngàn quan khách đó. Chuyện đáng nói là khi thưởng thức rượu, Belshazzar truyền phải đem tới các đồ đựng bằng vàng và bạc mà vua cha của ông ta là Nebuchadnezzar đã tước đoạt từ đền thờ Giêrusalem, để ông ta và các quan quyền cùng các bà vợ cũng như các nàng hầu của ông sử dụng. Họ uống rượu và ca ngợi các vị thần bạc, thần đồng, thần sắt, thần gỗ và thần đá. 

Ngay lập tức, các ngón tay của một bàn tay người xuất hiện và viết trên vách tường đền vua, ngay đối diện với đế đèn: nhà vua thấy bàn tay đang viết… Cả triều đình bỗng im bặt. Belshazzar sợ hãi quá, bèn hứa cho bất cứ ai giải mã được chữ viết ấy và ý nghĩa của nó làm người cai trị thứ ba của vương quốc. Các nhà khoa bảng có chức tước và các văn sĩ hàng đầu đều chịu thua. Lúc ấy, hoàng hậu nẩy ra ý nghĩ: Cho vời Đanien tới. Do đó, nhà vua cho triệu cậu thiếu niên Do Thái lưu đầy tới và hứa cho cậu địa vị thứ ba trong vương quốc nếu cậu đọc được chữ viết trên tường và giải thích được ý nghĩa của nó. Cuốn sách cùng tên kể tiếp:

Lúc đó, Đanien tâu với nhà vua: “Xin đức vua giữ lấy quà tặng của ngài, và ban nó cho người khác; tuy thế, hạ thần sẽ đọc chữ viết cho đức vua và giải thích ý nghĩa của nó cho ngài… Ngài đã nâng mình lên trên Chúa của trời; và các đồ đựng của nhà Người đã bị mang ra trước đức vua, và đức vua cùng các quan quyền của ngài, các bà vợ và nàng hầu của ngài đã uống rượu bằng những đồ đựng ấy; nhưng ngài lại đi ca ngợi các thần bạc, thần vàng, thần đồng, thần sắt, thần gỗ và thần đá, là những thần không thấy, không nghe, không biết, còn Thiên Chúa, Đấng nắm trong tay hơi thở của đức vua, Đấng nắm mọi đường đi nước bước của đức vua, đức vua lại không tôn kính.

Vậy thì từ thánh nhan Người, bàn tay kia đã được sai tới, và chữ viết này đã được ghi dấu. Và đây là chữ viết ấy: MENE, MENE, TEKEL, và PARSIN. Ý nghĩa là: MENE, Thiên Chúa đã đếm các ngày của vương quốc đức vua và đã đem nó tới kết liễu; TEKEL, chính đức vua đã được cân đong và thấy là thiếu sót; PERES, vương quốc của đức vua bị phân chia và bị trao cho người Medes và Persians.

Theo lệnh Belshazzar, Đanien được mặc áo tía, cổ đeo chuyền vàng và được tuyên xưng là nhà cai trị thứ ba của vương quốc. Nhưng rồi chính đêm đó, Belshazzar, Vua Canđê, bị giết và Darius, người Mede, tiếp nhận vương quốc lúc đã 62 tuổi.

Bữa đại yến của Belshazzar và việc nó kết thúc bằng cái chết đột ngột của nhà vua, do đó, là lời cảnh cáo của Thánh Kinh đối với hiệu quả chết người của tội phạm thượng, thờ điều không đáng thờ, vốn là phủ nhận thờ. Trong cái say sưa khinh mạn, Belshazzar đã biến những đồ đựng thánh thiêng vốn dành cho việc thờ phượng đích thực thành những món đồ chơi để trác táng, và vì việc phủ nhận thờ phượng ấy, quyền tối thượng của ông ta đã thành ra vô hiệu. Chữ viết trên tường nói rõ điều ấy. Và nó đã nói thế thật. 

Ngôi đền trống rỗng 

Thời ta, liệu có chữ viết tay trên tường tương tự như thế hay không? Thiển nghĩ là có. Ngôn từ có thể khác, và chúng có khuynh hướng được viết, không theo kiểu điện tín bằng bàn tay bí mật trên tường, nhưng một cách rất phong phú, hàng bộ, trên các nhật báo và tạp chí, trên các sách vở và tập san bác học cũng như trên liên mạng. Nhưng những ngôn từ này cũng nói tới các hiệu quả của việc phủ nhận thờ phượng. Hay, nói theo ngôn từ ít kịch tính hơn của Thánh Kinh, các chữ viết tay trên tường vào thời buổi lịch sử này nói đến các hiệu quả của việc phủ nhận, hay tháo gỡ, các chân lý sâu sắc làm nền tảng xây dựng nền văn minh Tây Phương. Và một trong những điều chính yếu được “chữ viết tay trên tường” ở buổi đầu thế kỷ 21 nói cho ta hay chính là: dự án duy tục đã cáo chung. 

Thiển nghĩ “dự án duy tục” đây chỉ cố gắng của hơn hai thế kỷ qua nhằm dựng lên một đền thờ trống rỗng giữa lòng hiện đại tính chính trị. Khởi thuỷ tượng trưng của dự án này có thể chính xác định niên biểu được, đó là ngày 4 tháng 4, năm 1791, khi Quốc Hội Lập Hiến Quốc Gia Pháp ra lệnh biến ngôi nhà thờ cao quí của Paris, tức Nhà Thờ Thánh Geneviève, thành một cái lăng duy tục, tức đền Panthéon. Dự án duy tục được gia tốc suốt trong thế kỷ 19 khi nền văn hóa cấp cao của Âu Châu được lên khuôn bởi điều Henri de Lubac gọi là “chủ nghĩa nhân bản vô thần”: tức chủ trương, được các nhà tư tưởng đa dạng như Comte, Feuerbach, Marx, và Nietzsche cổ võ, cho rằng Thiên Chúa của Thánh Kinh là kẻ thù của sự trưởng thành nhân bản và do đó phải được bác bỏ nhân danh việc giải phóng con người. Sau khi chủ nghĩa nhân bản vô thần tạo ra hai thế chiến và những vụ tàn sát vĩ đại nhất trong lịch sử thành văn của nhân loại, một hình thức nhẹ nhàng hơn của dự án “đền thờ trống rỗng” đã xuất hiện trong thế kỷ 20. Chủ nghĩa duy tục nhẹ nhàng hơn này, với bộ máy trí thức thuộc ngành khoa học chính trị chứ không thuộc ngành triết học chính trị, tập chú vào các cơ cấu và diễn trình định chế của dân chủ và thị trường: nếu xếp đặt đúng các cơ cấu này, nghĩa là nếu các quyền được tách biệt và cân bằng, nếu thị trường được thiết kế nhằm hiệu quả tối đa, thì người ta chỉ còn cần phải tra chìa khóa vào bộ đánh lửa và để chính trị và kinh tế tự chạy lấy một mình. 

Dưới cả hai hình thức nặng và nhẹ trên, dự án duy tục đều sai lầm cả. Trước hết, nó quên mất sự thật sâu sắc này là: cần phải có loại người nào đó, biết sống một số nhân đức nào đó, mới khiến cho nền dân chủ và thị trường tự do vận hành được một cách thích đáng. Những người thuộc loại đó không phải bỗng nhiên mà có được. Họ cần được đào luyện để có được các thói quen trong tâm trong trí, các nhân đức giúp họ khả năng hướng dẫn guồng máy chính trị và kinh tế tự do, sao đó, khiến sản lượng thuần phải là sự triển nở nhân bản và thăng tiến ích chung. Không thể có sự đào luyện về các nhân đức của tự do ấy trong ngôi đền trống rỗng được. 

Điều mà ngôi đền trống rỗng trên thực sự sản xuất được đã hé lộ vào cuối mùa hè năm ngoái tại Anh Quốc, khi nhiều nhóm thanh thiếu niên hoang dại hung hăng rảo khắp từ thành phố này qua thành phố nọ trong một cuộc bề hội đồng đầy buông thả, trộm cướp và phá phách. Sự thật đứng đàng sau tất cả những chuyện ấy đã được chi tiết hóa một cách hùng hồn bởi Ngài Jonathan Sacks, chủ giáo trưởng của Các Cộng Đoàn Do Thái Thống Nhất Trong Khối Thịnh Vượng Chung. Ông viết như sau trên tờ Wall Street Journal:

Đây là vụ vỡ đê có tiềm năng rắc rối lớn đã được âm ỉ nhiều năm qua. Việc xụp đổ gia đình và cộng đồng đã để lại phía sau chúng những người trẻ thiếu xã hội hóa… [họ vốn là sản phẩm của] cơn sóng thần mơ tưởng từng đánh vào khắp Phương Tây, một mơ tưởng cho rằng bạn có thể làm tình mà không cần thứ trách nhiệm của hôn nhân, có con mà không cần thứ trách nhiệm làm cha mẹ, trật tự xã hội mà không cần thứ trách nhiệm làm công dân, tự do mà không cần thứ trách nhiệm của luân lý, và tự hào mà không cần thứ trách nhiệm phải làm việc và có lợi tức. 

Việc các quốc gia dân chủ không có khả năng đưa ra các quyết định hợp lý trước thảm họa tài chánh đang kéo tới cho ta thoáng thấy các hiệu quả của ngôi đền trống rỗng và việc nó không có khả năng dưỡng dục và đào luyện những người đàn ông và đàn bà có các nhân đức dân chủ, tức thành các công dân có khả năng đối với trách nhiệm luân lý và kinh tế trong cả đời sống bản thân lẫn đời sống công cộng. Bất kể địa điểm là Athens, hay Madison, Wisconsin, Piazza Venezia ở Rome hay McPherson Square ở Washington, vấn đề luân lý nằm ở phía dưới vẫn như nhau: những người lớn nào quen nội tâm hóa cảm thức hưởng lợi (entitlement) đều hoàn toàn cắt đứt với cảm thức trách nhiệm. Và một lần nữa, lại chính Ngài Sacks đã nối liền các chấm chấm ở đây khi ông cho rằng cuộc băng hoại luân lý ở Phương Tây, tức mưu toan xây dựng một nền văn minh tự cắt đứt với các chân lý sâu sắc vốn làm nền tảng cho nó, tất yếu sẽ có hệ luận kinh tế và tài chánh không thể nào tránh được: “Điều xẩy ra về luân lý tại Phương Tây cũng là điều xẩy ra về tài chánh… [khi] người ta được thuyết phục để tin rằng bạn có thể chi tiêu nhiều hơn là kiếm được, mang nợ ở mức vô tiền khoáng hậu, và tiêu thụ tài nguyên của thế giới không cần nghĩ đến việc ai phải trả chi phí và trả lúc nào”. Các hiện tượng nối kết như “chi tiêu vốn liếng tinh thần của ta một cách ẩu tả như chi tiêu vốn liếng tài chánh của mình”, theo Sacks, chính là hiệu quả tất yếu của “nền văn hóa ăn trưa miễn phí trong một thế giới không hề có những bữa trưa miễn phí”.

Hiện nay, người ta có thể tìm thấy các điển hình trầm trọng nhất của cơn bệnh luân lý và văn hóa đang xâm thực các điều sinh tử của các chế độ dân chủ Phương Tây tại những nơi như Hy Lạp và Ý Đại Lợi. Tại những nơi đó, sự phi lý công cộng và sự vô trách nhiệm chính trị đã khiến hệ thống dân chủ ra què quặt đến độ dưới sức ép của cơn khủng hoảng nợ như chúa chổm, các diễn trình bình thường trong việc cai trị dân chủ, trong mấy tháng gần đây, đã bị thay thế bởi các nhóm ưu quyền kỹ thuật trị, vận hành dưới nước bóng dân chủ rất mỏng manh. 

Nhưng người Hoa Kỳ sẽ lầm lẫn lớn nếu họ không nhận ra các hiệu quả của ngôi đền trống rỗng ngay trên xứ sở họ. Những hiệu quả này sẽ hiện rõ khi ta ghi nhận sự thiếu vắng rõ rệt các khuôn mặt can đảm trong nền chính trị của ta; khi bước vào công vụ chỉ còn chủ yếu là phóng chiếu cái tôi và niềm tự hào bản thân; khi việc thô lỗ trao đổi các hình dung từ đã thay thế cho việc nghiêm chỉnh đương đầu với các vấn đề; khi các vấn đề phức tạp bị thu nhỏ lại chỉ còn là những bíp âm thanh vì cuộc thoại thanh (talk-radio) cần phải được tiếp tục; khi việc sợ rủi ro chính trị ngắn hạn dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng dài hạn; khi tình liên đới liên thế hệ bị vứt bỏ nhân danh thoả mãn tức thời; khi câu hỏi trở thành “Tôi có thể lợi dụng được gì ở nhà nước (và kho bạc của nó)?” chứ không phải “Tôi có thể đóng góp được gì cho ích chung?”

Điều được các triệu chứng trục trặc dân chủ trên gợi ý là: ngôi đền trống rỗng của dự án duy tục, thực sự, không hoàn toàn trống rỗng. Vì dù quả thực chủ nghĩa nhân bản vô thần của thế kỷ 19, chủ nghĩa duy chức năng dân chủ và chủ nghĩa thả lỏng kinh tế của thế kỷ 20 đã làm cạn khá nhiều năng lực tinh thần của cả nền chính trị tự do lẫn nền kinh tế tự do, ngôi đền tại giữa lòng văn minh Tây Phương đã trở thành đền thờ cho một hình thức tôn thờ mới: tôn thờ Cái Tôi tự lập coi mình như hoàng đế, mà năm 1992, 3 thẩm phán của Toà Tối Cao Hoa Kỳ vốn cổ võ và tuyên xưng là “quyền được tự định nghĩa lấy quan niệm của mình về hiện hữu, về ý nghĩa, về vũ trụ và về mầu nhiệm của nhân sinh”. Sự tôn thờ lầm lẫn Cái Tôi này, tôn thờ điều không đáng tôn thờ, đã dẫn người ta tới chỗ làm suy yếu các gân cốt tinh thần của nền văn hóa dân chủ: tức cam kết đối với lý trí và nói sự thật trong tranh luận; can đảm nhìn thẳng vào các sự kiện khó khăn; sẵn sàng nhìn nhận rằng người khác có điều gì đó để dạy ta; có khả năng phân biệt được một bên là thoả hiệp khôn ngoan một bên là bãi bỏ nguyên tắc; chính ý niệm ích chung, một ý niệm luôn đòi phải hy sinh bản thân.

Nếu “chữ viết tay trên tường” muốn nói với ta rằng dự án duy tục đã cáo chung, thì một trong các bài học của phán quyết ấy có thể tóm tắt như thế này: Dù hiển nhiên có những vấn đề trục trặc nghiêm trọng đối với việc cai trị các định chế của Phương Tây ở đầu thế kỷ 21, thì thiếu sót lớn nhất mà các nền dân chủ Phương Tây hiện phải chịu chính là sự thiếu sót của nền văn hóa dân chủ. Và nguyên nhân đệ nhất đẳng của sự thiếu sót này chính là việc tiêu phí hoang đàng vốn liếng luân lý và văn hóa từng được bồi đắp tại Phương Tây dưới ảnh hưởng của tôn giáo Thánh Kinh.

Điều ta gọi là “Phương Tây”, và các hình thức rõ nét của sinh hoạt chính trị và kinh tế do nó đẻ ra, không phải ngẫu nhiên mà có. Những hình thức rõ nét về chính trị và kinh tế, tức nền dân chủ và nền kinh tế, không duy nhất là sản phẩm của Phong Trào Ánh Sáng ở lục địa Âu Châu. Không, các rễ cái sâu xa nhất của nền văn minh Phương Tây nằm ở mảnh đất văn hóa được nuôi dưỡng nhờ hành động qua lại giữa Giêrusalem, Athens và Rôma: Đó là tôn giáo Thánh Kinh mà từ đó, Phương Tây học được ý niệm lịch sử như hành trình có mục tiêu hướng về tương lai, chứ không phải là điều gì khốn phúc hết cái này đến cái khác; đó là lý tính Hy Lạp từng dạy cho Phương Tây thấy rằng có những sự thật nằm sẵn trong thế giới và trong ta, và ta có thể truy cập các sự thật ấy nhờ nghệ thuật lý trí; và đó là nền luật học Rôma từng dạy Phương Tây biết tính thượng tôn của pháp luật chứ không cai trị bằng bạo lực thô lỗ và nguyên tuyền cưỡng chế. 

Ba trụ cột của Phương Tây, Giêrusalem, Athens và Rôma, tất cả đều chủ yếu, và chúng tăng cường lẫn nhau trong một năng động tính văn hóa phức tạp. Thế liên lập hỗ tương giữa Giêrusalem, Athens và Rôma là một bài học khác mà chữ viết tay trên tường của đầu thế kỷ 21 đang dạy cho ta. Thí dụ, nếu bạn vất qua một bên Đấng Thiên Chúa của Thánh Kinh, như đòi hỏi của chủ nghĩa nhân bản vô thần, bạn sẽ gặp hai nan đề nghiêm trọng: một có tính thực nghiệm, một thuộc vấn đề tính khí văn hoá. Về phương diện thực nghiệm, hình như khi Đấng Thiên Chúa của Thánh Kinh bị bỏ đi nhân danh sự chín mùi và giải phóng nhân bản, thì giới răn đầu tiên của Người “Hãy sinh sôi nẩy nở” cũng bị bỏ đi nốt; và lúc đó, ta sẽ bước vào một thứ mùa đông dân số vốn nằm ở tâm điểm cuộc khủng hoảng của nhà nước phúc lợi Âu Châu. Về phương diện văn hóa, bỏ Đấng Thiên Chúa của Thánh Kinh là bắt đầu mất niềm tin vào lý trí. Vì, như chủ nghĩa hậu hiện đại từng chứng minh, khi lý trí bị tách rời khỏi niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã ghi khắc lý trí thần thiêng lên thế giới, do đó khiến sáng thế trở thành khả niệm nhờ Logos, Ngôi Lời, thì lý trí sẽ lộn ngược đầu. Lúc ấy, chủ nghĩa hoài nghi triệt để về khả năng con người không biết được bất cứ điều gì một cách rõ ràng sẽ đẻ ra nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa hư vô chua chát. Thế rồi, đến lượt chúng, sự pha chế giết người giữa chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa hư vô sẽ phát sinh ra chủ nghĩa tương đối luân lý và sự tha hóa của việc thượng tôn pháp luật, khi chủ nghĩa tương đối được quyền lực áp chế của nhà nước áp đặt lên mọi người trong xã hội.

Dựa vào gợi ý của nhà triết học hết lời ca tụng nghịch lý là Richard Rorty, Robert Kraynak của Đại Học Colgate đã gọn gàng mô tả hiệu quả thuần của tất cả các điều trên là “chủ nghĩa vô thần tự do ăn chực” (freeloading atheism): giống các quan quyền, vợ và nàng hầu của Belshazzar, những người do đền thờ trống rỗng và tín ngưỡng Cái Tôi hoàng đế tự lập đào tạo đang hoang đàng uống từ các đồ đựng thánh, tự do ăn chực các sự thật luân lý mà chính họ không thừa nhận (đôi khi còn khinh miệt nữa), nhưng đó là những điều chủ yếu để duy trì dân chủ và nền kinh tế tự do, mà chính những người ăn chực cũng cho là mình tôn trọng. Nhưng, như Ngài Sacks đã nhấn mạnh vào mùa hè năm ngoái, cảnh vui chơi ấy đã hết thời rồi. 

Trình thuật trống rỗng 

Nếu cái chết của dự án duy tục là một sự thật được “chữ viết tay trên tường” dạy ta vào thời này, thì cái chết có liên hệ của chủ nghĩa hậu hiện đại cũng thế, một cái chết gây ra bởi việc triệt để cắt rời giữa “trình thuật” và thực tại. Trong những năm gần đây, ý niệm “trình thuật” (điều đã đẻ ra từ ngữ mới đầy khiếp đảm là “trình thuật hóa”, narrativizing) đã lan tràn khắp nơi trong ngữ vựng công cộng của Hoa Kỳ. “Thay đổi trình thuật” là để có được lợi thế chính trị; “trình thuật hoá”một vấn đề cách mới mẻ được hiểu là cách để giải quyết vấn đề ấy. Ây thế nhưng “thay đổi trình thuật” không thể thay đổi được thực tại, và cột neo sinh hoạt công của ta vào “trình thuật” thay vì đúng hơn phải cột nó vào thực tại là làm cho các nhận thức của ta về thực tại méo mó đến độ cuối cùng sẽ giống như Bà Hoàng Trắng trong truyện Alice Trong Xứ Kỳ Diệu tin những chuyện không thể có trước bữa sáng, bữa trưa và bữa tối.

Điều này đã trở nên rõ ràng một cách đau buồn ở Âu Châu, nơi “trình thuật” công về thời kỳ Thế Chiến II, nhất là về thời hậu Chiến Tranh Lạnh, đã trở thành câu truyện về việc tạo ra một cộng đồng gồm các nền dân chủ xã hội sống hài hòa trong một thế giới không tranh chấp. Cái “trình thuật” có tính ma túy và rù quyến ấy đã chát chúa đụng độ với thực tại trong mấy năm qua, nhất là trong năm ngoái. Nó chát chúa đụng độ với các hậu quả của một thực tại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử con người: việc giảm dân số có hệ thống trên qui mô lớn qua việc cố ý và tự ý vô sinh sản. Việc vô sinh sản này, ngược lại, đã dọn đường cho cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay của Âu Châu và cuộc khủng hoảng của nhà nước phúc lợi Âu Châu hiện đại. Vì sự kiện đơn giản, sự kiện mà không “trình thuật” nào có thể thay đổi, là: Âu Châu không có đủ con số công nhân đóng thuế để duy trì các nhà nước an sinh xã hội mà nó đã đẻ ra. Như thể điều đó chưa đủ tệ hại, “trình thuật” về Âu Châu hậu Chiến Tranh Lạnh cũng chát chúa đụng độ với thực tại trong đó các công dân được nuông chiều và tự dễ dãi với chính mình không có năng xuất đủ để cung cấp nổi mức sống tiêu chuẩn được các chính khách của họ hứa hẹn, những hứa hẹn vốn cũng là điển hình “trình thuật” sai nữa. 

Khả năng của “trình thuật” sai làm méo mó nhận thức của ta về thực tại cũng khá hiển nhiên trong chủ trương cho rằng Trung Hoa sẽ tất yếu trở thành cường quốc thống trị thế giới. Cái thứ mị Trung Hoa ấy thực ra có một âm hưởng Đông Phương khá quen thuộc. Hai mươi năm trước đây, ứng viên hàng đầu dành tước hiệu bá quyền hậu Hoa Kỳ này là Nhật Bản, và trình thuật mở rộng về tính tất yếu của thế thượng phong Nhật được vẽ vời trong những cuốn sách bán chạy nhất đại loại như Japan as Number One (của Ezra Vogel). Tuy nhiên, ngày nay, Nhật Bản đang phải kinh qua một thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài, gia trọng thêm bởi nạn giảm thiểu dân số thảm hại vô phương cứu chữa khiến cho chính sự sinh tồn của quốc gia bị đặt thành nghi vấn lâu dài. Bây giờ, nước Á Châu dành quyền lãnh đạo xã hội trong thế giới hậu Hoa Kỳ đến lượt Trung Hoa. Ấy thế nhưng cả trình thuật này nữa, cũng chát chúa đụng độ với thực tại dân số: do chính sách một con của mình, Trung Hoa sẽ già trước khi trở thành giầu có, với dân số giảm thiểu sau năm 2020 và già nua theo đà sẽ làm cho nó không hỗ trợ đủ cho số lượng cán bộ về hưu mỗi ngày một gia tăng của nó. Hơn nữa, như Max Boot từng viết “Trung Hoa cũng phải đương đầu với tình trạng bất hợp lệ của chính phủ không do dân cử của họ, việc nó thiếu một xã hội dân chính, thối nát cùng khắp, tàn phá môi sinh, và ít tài nguyên thiên nhiên”. Đó là các sự kiện; đó là thực tại. Ấy thế nhưng cái “trình thuật” về một Trung Hoa dẫn đầu thế giới trong tương lai đã trở nên quá quen thuộc đến nỗi các sự kiện trên không dính vào đầu óc ai ngoài một số nhỏ những kẻ hoài nghi. 

Thế rồi, còn có sự thiệt hại do việc dùng “trình thuật” thay thế cho thực tại ngay tại Hoa Kỳ gây ra nữa, đối với chính phủ Obama, đối với sự lành mạnh tổng quát của các tranh biện công, và đối với an ninh quốc gia. Một cách hiển nhiên, chính phủ đang say sưa với các thành quả của việc “trình thuật hóa” từng tạo ra những kỳ công trong mùa bầu cử 2008 khiến nó tưởng tượng rằng “trình thuật” chính là chủ điểm của cai trị. Như chính tổng thống đã nói trong cuộc phỏng vấn hồi mùa hè năm ngoái, khi suy nghĩ về điều ông có thể làm khác đi “… càng ở lâu trong chức vụ này, bạn càng phải nói với chính mình rằng kể truyện cho nhân dân Hoa Kỳ cũng quan trọng như các chính sách thực sự mà bạn đang thực thi”. Các vị tổng thống chắc chắn sẽ nghiêm chỉnh xét tới điều bị Tổng Thống Bush thứ nhất bác bỏ, hình như với nỗi hối tiếc, là “viễn tượng viển vông” (vision thing). Nhưng đối với một tổng thống lý luận rằng điều quan trọng căn bản trong thuật cai trị là kể truyện thì, ít nhất, cũng là một dấu chỉ đáng lưu ý cho thấy Tổng Thống Obama đã chịu ảnh hưởng xiết bao bởi cái ống thoát khói của chủ nghĩa hậu hiện đại. 

Dĩ nhiên, điều khó là các ý niệm, ngay cả các ý niệm xấu, cũng có hậu quả. Các hậu quả của việc dấn thân theo “trình thuật” này nơi chính phủ chắc chắn đã làm méo mó thực tại đối nội và làm cho việc giải quyết nghiêm chỉnh các vấn đề trở nên khó khăn hơn nhiều. Chúng cũng đặt quốc gia, và thế giới, vào nguy cơ lớn hơn. 

Trong lãnh vực ngoại giao, tương đương với cam kết của chính phủ Obama trong việc thay đổi trình thuật vốn là quan niệm về một “cam kết mới” như thể thay đổi chính sách tuyên bố và bớt cương quyết hơn đối với các quốc gia “khó bảo” cũng như các vấn đề khó giải quyết sẽ tự chúng thay đổi được các vấn đề, có khi còn giải quyết được chúng. Thực tế đâu phải vậy.

Ba năm kể từ lúc viết lại trình thuật với Nga và Trung Hoa về việc “tái cam kết”, cả hai thành viên có quyền biểu quyết này trong Hội Đồng An Ninh L.H.Q. đều tiếp tục ngăn cản Hoa Kỳ và các nước khác không được kìm hãm hoài bão hạch nhân của Iran, những hoài bão, nếu được thực hiện, sẽ đặt ra một đe dọa sinh tồn cho Israel (và có lẽ cho một số nước Ả Rập khác) đồng thời tạo khả năng cho chủ nghĩa khủng bố chết người trên qui mô hoàn cầu chưa từng thấy. 

Ba năm kể từ khi chính phủ “vặn lại kim” (reset) với Nga, việc bắt nạt của Vladimir Putin trong khu vực “ngoại quốc gần kề” của Nga vẫn mỗi ngày một được tăng cường; chủ nghĩa toàn trị vẫn tiếp tục gia tăng ngay tại Nga; và Nga vẫn cung cấp viện trợ cho các chế độ chống Hoa Kỳ như Bashar al-Assad tại Syria và Hugo Chávez ở Venezuela. Trong khi đó, “vặn lại kim” với Nga, hay “thay đổi trình thuật”, đã dẫn tới việc phản bội các đồng minh Ba Lan và Tiệp của Hoa Kỳ trong vấn đề phòng vệ hỏa tiễn. Sự phản bội này, ngược lại, đã khuyến khích chế độ Putin tăng gấp đôi sự phản đối điên cuồng của họ đối với việc khai triển tại Âu Châu các phương tiện phòng vệ hoả tiễn của Hoa Kỳ, vốn không một chút đe dọa nào đối với Nga. 

Rồi còn Iran nữa. Tại đây, việc thay đổi trình thuật được bắt đầu với lời xin lỗi vì hành động của Hoa Kỳ mãi nửa thế kỷ trước, được tiếp tục với các cuộc thương thảo không đưa lại bất cứ kết quả trông thấy nào, và xuống tới điểm tinh thần thấp nhất khi chính phủ phớt lờ sự bất mãn của dân đối với chế độ của các mullahs (giáo sĩ Hồi Giáo) và thực tế loại bỏ khả thể nhân dân Iran có thể lật đổ sự cai trị của các giáo sĩ này và của Vệ Binh Cách mạng Iran. Vì việc thay đổi trình thuật này, Iran tiếp tục là nhà nước hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố, và vì thế, người Hoa Kỳ tiếp tục bị giết ở Iraq và Afghanistan; Iran tiếp tục khua kiếm ở Mũi Hormuz và đảm nhiệm các âm mưu ám sát ngay tại Hoa Thịnh Đốn; chương trình hạch nhân của Iran cứ tiến đều. Trong khi ấy, cố gắng thay đổi “trình thuật” trong việc Hoa Kỳ đối xử với Iran thường che mắt công chúng để họ không nhìn ra thực tại của tình thế. Thực tại đó là thay đổi chế độ tại Iran là con đường duy nhất để tái hội nhập Iran vào cộng đồng các nứơc có trách nhiệm. 

Thay đổi “trình thuật” không thể thay đổi được thực tại. Nhưng các trình thuật sai lạc có thể làm nhận thức thực tại của ta ra méo mó đến độ sự vật trở thành tệ hại hơn. Và thực tại trở nên tệ hại này có thể, và thực tế đã, đã làm cho các vấn đề trở nên nguy hiểm hơn. Đó cũng là một phần của “chữ viết tay trên tường” trong năm bầu cử này.

Một Đanien hiện đại

Tuy nhiên, trong chương năm của Sách Đanien, “chữ viết tay trên tường” nói một cách bí ẩn về sự kết liễu sắp đến của chế độ Belsahzzar. Chúng tôi không có ý cho rằng “chữ viết tay trên tường” ở đầu thế kỷ 21 này tiên báo về sự kết liễu của Phương Tây hay của Hoa Kỳ. Giống giáo trưởng Sacks, thiển nghĩ ta nên nhìn trở lui lịch sử, để thấy rằng những khoảnh khắc tan rã về xã hội thường được tiếp nối bằng các thời kỳ biến đổi văn hóa mau lẹ và thay đổi xã hội to lớn. Trong bài đăng trên tờ Wall Street Journal của mình, giáo trưởng Sacks trích dẫn sự thay đổi mau lẹ của một Nước Anh kỹ nghệ buổi đầu dưới ảnh hưởng cuộc cách mạng Wesley, là cuộc cách mạng, trong hai thế hệ, đã biến đổi xã hội Anh một cách tích cực. Gần thời ta hơn, ta có thể nhớ tới sự biến đổi của văn hóa, xã hội và luật pháp của Hoa Kỳ do phong trào dân quyền cổ điển tạo ra, một cuộc cách mạng thay đổi xã hội nữa do người của giáo hội lãnh đạo và xây dựng trên niềm tin Thánh Kinh. 

Tuy nhiên, bất cứ cuộc cách mạng nào như thế trong thế kỷ 21 cũng sẽ phải đương đầu với các chất axít xã hội có tính xói mòn y như rượu gin rẻ tiền của London thời Dickens và chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. Nó sẽ phải đương đầu với những bồi đắp trí thức của hai thế kỷ trước từng đặt Cái Tôi hoàng đế toàn quyền tự lập lên làm tâm điểm cho dự án văn minh Phương Tây, trong khi thu gọn dân chủ và kinh tế tự do lại, chỉ còn là các vấn đề cơ động học. Ai sẽ là một Đanien có khả năng đọc ‘chữ viết tay trên tường” này và chỉ ra con đường, không phải để triệt hạ nền dân chủ Phương Tây, mà để canh tân luân lý và văn hóa, và nhờ thế biến đổi được chính trị? 

Ứng viên có thể dành được vai trò tiên tri ấy chính là Vị Giám Mục Rôma, người đã tạo ra ngôi vị giáo hoàng thời hiện đại, tức Đức GH Lêô XIII. Sinh năm 1810 trong một gia đình quí tộc Ý và được bầu làm giáo hoàng năm 1878, được coi như một người tạm nắm quyền giáo hoàng (caretaker), nhưng thực sự đã chỉ qua đời năm 1903 sau một triều giáo hoàng được coi là dài thứ hai trong lịch sử. Vincenzo Gioacchim Pecci lên ngôi giáo hoàng vào một trong những thời điểm thấp nhất tính về vận may lịch sử của chức vụ cổ kính này. Dựa vào việc xụp đổ của Các Lãnh Thổ Giáo Hoàng vào năm 1870 và vào việc giáo hoàng rút vào bóng tối trong thân phận “người tù thành Vatican”, những người tai to mặt lớn của Âu Châu nghĩ rằng ngôi vị giáo hoàng và Giáo Hội nói chung chỉ còn là một lực lượng kiệt mòn xét theo lịch sử thế giới. Ấy thế mà chỉ một phần tư thế kỷ sau, Đức Lêô XIII sẽ chứng minh cho các chính khách thấy ngài là một “giáo hoàng ranh mãnh nhất (wiliest) trong các thế kỷ”, nói theo kiểu Russell Hittinger, như thế nào. 

Nói cho sát hơn vào mục tiêu ở đây, Đức Lêô XIII, cũng theo lời Giáo Sư Hittinger, là người bị ám ảnh bởi “ý muốn khôn nguôi muốn chẩn đoán các đột xuất lịch sử dưới ánh sáng các nguyên lý đầu hết”. Theo nghĩa đó, ngài thuộc loại trí thức công cộng. Giống các vị kế nhiệm ngài trong thế kỷ 20 và 21, ngài cũng tin vào việc đọc “các dấu chỉ thời đại”. Nhưng không giống các người duy tục triệt để của thời ngài và thời ta, Đức Lêô XIII tin vào việc đọc các dấu chỉ thời đại qua lăng kính của đức tin và lý trí. Ngày nay, người ta nhớ nhiều nhất tới đam mê của ngài trong việc hiểu được các thác ngầm của lịch sử nhờ một lý trí được thông tri bởi tầm nhìn của Thánh Kinh về con người nhân bản và các cộng đồng nhân bản, vì chính nỗi đam mê này đã phát động được học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Ấy thế nhưng Đức Lêô XIII, người đã tháo gỡ Giáo Hội ở Âu Châu thoát khỏi gọng kìm quá cứng cỏi về Tin Mừng của các chế độ cũ, cũng lại là người phân tích sắc sảo các căn bệnh của lịch sử hiện đại. Chính khía cạnh tư duy và giáo huấn ấy đã biến ngài thành một Đanien khả hữu cho thời đại ta, có khả năng giúp ta đọc được “chữ viết tay trên tường” trong khi những người ngoại đạo ăn chực của thời hiện đại tiếp tục ăn uống vui đùa. 

Cuộc phân tích của Đức Lêô về nền chính trị hiện đại có thể được tóm tắt trong mấy chữ này: no telos, không có công lý. Bạn cũng có thể nói: không có siêu hình, không có luân lý. Còn nói theo thuật ngữ triết học, bạn có thể bảo: không đặt cơ sở cho chính trị và kinh tế trên các sự thật sâu sắc của phận làm người, không có xã hội nào thích đáng cho những con người nhân bản. 

Điều ta gọi là “ngôi đền trống rỗng” giữa lòng chính trị hiện đại thì được Đức Lêô coi là kết quả của cuộc cách mạng ồ ạt trong sinh hoạt trí thức Âu Châu, trong đó, siêu hình đã bị đẩy ra ngoài tâm điểm suy tư, suy tư về suy tư đã thay thế cho suy tư về chân lý, và việc cai trị, do đó, đã thất bại xét theo các nguyên tắc đầu hết của công lý. Khoa học, thứ đã thay thế siêu hình như là khoa trí thức quan trọng nhất, hết còn khả năng cung ứng các câu trả lời cho vấn nạn luân lý mà trong truyền thống Phương Tây, nền chính trị nào cũng phải bắt đầu với: Ta phải sống với nhau cách nào? Tệ hơn nữa, khi khoa học bước ra ngoài biên giới chuyên môn của mình và thử nhúng tay vào các vấn đề xã hội và chính trị, nó đã tạo ra những con quỉ mới, như chủ nghĩa Darwin Xã Hội chẳng hạn. Chủ nghĩa này tỏ ra giết người một cách đáng ngạc nhiên khi nó lên khuôn cho tính khí quốc gia khiến xẩy ra những vụ tàn sát ghê gớm hồi Thế Chiến I. 

Đức Lêô cố gắng lấp đầy ngôi đền trống giữa lòng chính trị hiện đại bằng lý trí và những sự thật luân lý mà lý trí này có thể biện phân được. Dĩ nhiên, đó là thứ lý trí dược niềm tin Thánh Kinh và học thuyết Kitô Giáo thông tri. Nhưng cái thiên tài trí thức công cộng của Đức Lêô hệ ở điểm này: ngài tìm được một bộ từ vựng để có thể đề cập tới các vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế của thời ngài và cả của thời ta nữa mà vẫn có tính đại kết chân thực và mọi người đều có thể truy cập được. Đó là thứ từ vựng của lý trí công cộng, rút ra từ luật luân lý tự nhiên vốn được ghi khắc trong thế giới và trong chính ta. Trong thông điệp ngỏ với nền chính trị hiện đại, tựa là Immortale Dei, công bố năm 1885, Đức Lêô viết rằng: “cha mẹ và người giám hộ tốt nhất của tự do nơi con người chính là sự thật”. Không như các Phôngxiô Philatô hậu hiện đại, những người vốn nghĩ rằng câu hỏi hợm hĩnh “Sự thật là gì?” có thể kết thúc được mọi tranh luận, Đức Lêô cho rằng câu hỏi này, khi được hỏi một cách không hợm hĩnh nhưng nhằm tìm hiểu một cách chân thực, chính là khởi đầu cho một cố gắng nghiêm chỉnh hơn nhằm tìm hiểu “ta phải sống với nhau ra sao?”

Xu hướng tổng quát đối với vấn đề này của nền chính trị hiện đại dẫn Đức Lêô tới chỗ đặt ra một thách thức văn hóa cho sinh hoạt công của các chế độ hậu cổ thời tại Tây Phương: đó là thách thức phải suy nghĩ sâu sắc hơn về luật pháp, về bản chất tự do, về xã hội dân chính và mối tương quan của nó với nhà nước, và về các giới hạn của quyền lực nhà nước.

Quan niệm của Đức Lêô về luật pháp, vốn được rút tỉa từ Thánh Tôma Aquinô, đã thách thức chủ nghĩa duy nghiệm luật pháp của thời ngài và của thời ta, theo đó, luật lệ là điều nó nói về chính nó, chỉ có thế. Trên một bình diện hết sức thô thiển, điều đó có thể đúng. Nhưng một thứ duy nghiệm như thế (chịu ảnh hưởng bởi khuynh hướng hiện đại coi luật lệ dân chính tương tự như các “luật lệ” tự nhiên) thực ra đã lấy hết nội dung luân lý của luật pháp, cắt đứt nó khỏi lý trí, và đối xử với nó chỉ như biểu thức của ý muốn bướng bỉnh của con người. Đức Lêô thách thức nền chính trị hiện đại vươn tới một quan niệm cao quí hơn về luật pháp, được Russell Hittinger tóm lược là “giới luật có tính trói buộc của lý trí, được thế giá có năng quyền công bố thành ích chung”. Như thế, luật pháp không còn chỉ là cưỡng chế nữa, mà còn là lệnh truyền có thẩm quyền đặt cơ sở trên lý trí. Luật pháp chân thực là luật pháp phản ảnh phán đoán luân lý, và sức mạnh của nó phát xuất từ tính thuyết phục luân lý của chính nó. Luật pháp nại tới lương tâm, không nại tới sợ sệt. 

Hiểu luật pháp như thế, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Đức Lêô thách thức nền chính trị hiện đại vươn tới một quan niệm cao quí hơn về tự do. Theo chân Thánh Tôma Aquinô hơn là theo chân Ockham (người đầu tiên thời đầu hiện đại đã bóp méo ý niệm tự do), Đức Lêô XIII nhấn mạnh rằng tự do không phải là ý thích nguyên tuyền của con người. Đúng hơn, như vị kế nhiệm cũa ngài là Gioan Phaolô II từng phát biểu, tự do là khả năng của con người biết điều gì là tốt thật, biết tự do chọn điều đó, và thực hành nó như một thói quen, một nhân đức. Theo đường hướng suy nghĩ này, có một tài năng về tự do lớn lên trong ta. Ta sẽ làm diễn trình lớn lên này chết yểu nếu cứ nằng nặc nghĩ như nền văn hóa Cái Tôi hoàng đế đầy tự quyền kia rằng tự do của tôi hệ ở việc được làm điều tôi muốn làm, ngay trong lúc này. 

Sự thách thức của Đức Lêô XIII đối với nền chính trị hiện đại cũng là sự thách thức đối với năng quyền tuyệt đối của nhà nước. Ngài là người dấn thân bênh vực điều ta có thể gọi là “xã hội dân chính”, còn thời ngài thì người ta gọi là “các hiệp hội tự nguyện tư”. Theo Đức Lêô XIII, cộng đồng chính trị gồm nhiều hiệp hội có cấu trúc phong phú, mà nhà nước chỉ là một trong số ấy, dù là một hiệp hội quan trọng. Các hiệp hội tự do, tự nguyện tham gia này, gồm từ những hiệp hội đơn giản nhất là gia đình tới các hiệp hội phức tạp hơn như thương nghiệp, nghiệp đoàn, các nhóm dân sự và tôn giáo, không phải chỉ là các rào cản chống lại cánh tay vươn dài của quyền lực nhà nước; tự chúng, chúng còn là các thiện ích, là các cộng đồng nói lên các hình thức khác nhau của tình bạn và tình liên đới nhân bản. Như thế, nhà nước công chính sẽ hết lòng bảo vệ các xã hội này; chúng đóng góp vào ích chung một cách độc đáo, ít nhất cũng đào luyện được các thói quen trong tâm trí con người giúp họ vốn chỉ muốn lợi cho bản thân thành những công dân tốt.

Mặt khác, Đức Lêô còn cho rằng: không được coi trách nhiệm của nhà nước trong việc dùng pháp luật bảo vệ việc vận hành của các hiệp hội tự do trên là chuyện ban bố kiểu xin cho, do lòng hảo tâm (nobless oblige) của chính phủ. Trách nhiệm đó cũng là chất liệu của các nguyên lý đầu hết: ở đây, đó chính là nguyên lý về một nhà nước có giới hạn, bị pháp luật cai trị. Nhà nước nào biết thừa nhận rằng có những hiệp hội nhân bản có trước cả nhà nước, không hẳn theo nghĩa niên biểu lịch sử mà theo nghĩa các sự thật sâu sắc của phận người, cũng là nhà nước biết chân nhận các cột mốc ranh giới của chính năng quyền của mình, và do đó, các giới hạn cho cánh tay vươn dài hợp pháp của mình.

Trong thông điệp xã hội thứ nhất của ngài, tức Rerum Novarum, công bố năm 1891, Đức Lêô XIII đã viết một cách đầy tiên tri về nhiều cuộc tranh biện của thời ta; ngài cũng dự ứng nhiều cuộc tranh cãi hiện đang thúc đẩy người ta đưa ra nhiều luận điểm rất đa dạng như câu định nghĩa về hôn nhân, cánh tay vươn dài của Ủy Ban Cơ Hội Nhân Dụng Đồng Đều, và quyền ấn định luật lệ của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản Hoa Kỳ. Hình thức đặc thù của việc tự nguyện lập hội được nói tới trong Rerum Novarum chính là nghiệp đoàn, nhưng nguyên tắc được Đức Lêô chi tiết hóa cũng đúng đối với hệ thống chằng chịt các hiệp hội của xã hội dân chính: “Nhà Nước nên bảo vệ các hiệp hội mà các công dân đã tụ tập lại với nhau phù hợp với các quyền lợi của họ, nhưng Nhà Nước không nên pha mình vào các quan tâm và cách tổ chức của họ, vì các sự việc sở dĩ vận hành và sống còn được là nhờ tinh thần từng gợi hứng cho họ, và cái tinh thần đó dám bị giết chết do bàn tay thô bạo từ bên ngoài”. 

Giêrusalem, Athens, Rôma và Hoa Thịnh Đốn 

Trong năm 2012, nhân dân Hoa Kỳ sẽ đương đầu với nhiều câu hỏi liên quan đến việc điều gì có thể giúp người ta xác định đúng được cuộc tuyển cử quốc gia, không như các năm 1800, 1828, 1860, 1932, và 1980, với những hậu quả có thể có của nó. Liệu Hiệp Chúng Quốc có tiếp tục “lãnh đạo từ phía sau” trong các vấn đề quốc tế, như chính phủ Obama từng mô tả chiến lược của mình, hay nó sẽ tái đảm nhiệm thế đứng của nó như một quốc gia không thể thiếu “ở trọng điểm” lúc cần phải đương đầu với các đe dọa xẩy đến cho trật tự thế giới? Hiệp Chúng Quốc có theo mô thức xã hội do Tây Âu thời hậu Thế Chiến II đưa ra đầu tiên, hay nó sẽ sáng nghĩ ra nhiều cách thế mới để phối hợp được cả cảm thương lẫn công lý, trách nhiệm bản thân, và kỷ luật tài chánh công? Liệu các thách thức của hoàn cầu hóa có được thanh thỏa một cách khiến ta có thể phát triển thay vì giảm thiểu giai cấp trung lưu hay không? Nền tư pháp liên bang có tiếp tục cung cấp sự bảo vệ luật pháp cho dự án duy tục đã hết thời, hay chịu để cho các cơ chế bình thường của nền tự quản dân chủ được thăng tiến một cái hiểu cao quí hơn về tự do, và về chính luật pháp? Tự do tôn giáo có còn là tự do hàng đầu của Hiệp Chúng Quốc này, hay các cộng đồng tôn giáo bị đẩy xa hơn ra bên lề sinh hoạt công cộng? Cơ cấu luật pháp của Hoa Kỳ sẽ cổ vũ nền văn hóa sự sống hay nền văn hóa sự chết? 

Tất cả các câu hỏi trên đều có tầm quan trọng sâu sắc. Thoạt nhìn, xem ra chúng giống như chiếc kính vạn hoa bị bể đến không bao giờ có thể tự biến mình thành những mẫu, những nối kết có thể nhận ra được. Hay, nói theo hình ảnh ta đã bắt đầu: “chữ viết tay trên tường” xem ra không ai giải mã được. Ấy thế nhưng, lấy sự phân tích sắc bén của Đức Lêô XIII về nền chính trị hiện đại làm hướng dẫn, có lẽ ta sẽ giải mã được chữ viết tay ấy và nhận ra ý nghĩa của nó. Trong giờ phút này của lịch sử, “chữ viết tay trên tường” cho ta hay: nền văn hóa chính trị nào bị cắt rời khỏi các sự thật sâu sắc vốn được ghi khắc trong phận người cuối cùng sẽ chỉ sản sinh ra chủ nghĩa vị kỷ và tinh thần vô trách nhiệm không xứng đáng với các công dân dân chủ. “Chữ viết tay trên tường” bảo ta rằng: các nền chính trị dân chủ nào bỏ qua các sự thật sâu sắc này cuối cùng sẽ tự biến thành một thứ độc tài trá hình lộ liễu, thứ độc tài của chủ nghĩa duy tương đối. Và nếu đó là sứ điệp, thì bổn phận của ta cũng đã được tập chú rõ ràng hơn. 

Nếu thượng tôn pháp luật, một di sản của Rôma, bị đe dọa nơi ta, không phải chỉ bởi các thanh thiếu Anh nổi loạn, các cuộc xuống đường đầy bạo động, và nỗi sợ không tên, nhưng bởi việc biến luật pháp thành cưỡng chế nhân danh lòng cảm thương không đúng chỗ, thì ta nên hướng về Giêrusaelm và Athens, hướng về cuộc phục hưng hình ảnh Thánh Kinh về con người, để khám phá trở lại nghệ thuật của lý trí, làm phương thế tái thiết các nền móng cho dân chủ. Trong Thánh Vịnh 11, nhà thi sĩ của Thánh Kinh đặt câu hỏi xem những người quan tâm tới công lý sẽ làm gì “nếu các nền móng bị huỷ diệt”? Thiển nghĩ giải đáp đầu tiên cho câu hỏi ấy là tự giải thoát ta khỏi ý niệm coi bánh xe lịch sử chỉ quay có một chiều.

Rồi, sau khi đã lấy lại được cảm thức về khả thể cho hiện tại và mục tiêu cho tương lai, ta có thể bắt đầu tái thiết các nền móng cho nền văn hóa chính trị của xứ sở ta, và của Phương Tây nói chung, bằng việc thâm hậu hóa niềm tin Thánh Kinh và tái khẳng định các đặc quyền của lý trí nhân danh quan niệm cao quí về một nền dân chủ được cai trị bởi luật pháp. 

Theo George Weigel, chuyên viên cao cấp của Trung Tâm Đạo Đức Và Chính Sách Công, đăng trên National Affairs, 21/3/2012 (www.nationalaffairs.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét