XƯNG TỘI MÙA CHAY
Mùa Chay về. Tiếp theo là Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh. Đây là Mùa
Hồng Ân, là Mùa Cứu Độ. Bạn đã xưng tội chưa? Có vẻ như không thể Mùa Chay nào
cũng trọn vẹn nếu không xưng tội. Nhiều nơi thường xuyên có giải tội, nhất là
vào Mùa Chay. Xưng tội và rước lễ trong Mùa Chay cũng là giáo luật: “Xưng tội trong một năm ít là một lần” và
“rước Mình Thánh Chúa Mùa Phục Sinh”.
Kinh Thánh xác định: “Dù tội đỏ như son cũng ra trắng như tuyết, dù như vải
điều thẫm cũng hoá trắng như tuyết” (Is 1,18).
Có nhiều lý do khiến người ta trì hoãn hoặc từ
chối xưng tội. Có lẽ đây là vài lý do phổ biến:
1. Tôi không cần xưng tội.
Thật vậy không? Chắc chắn là nói dối, vì “ai cũng phạm tội” (x. Rm 5,12), như người
ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”.
Mới sinh ra người ta đã có tội nên mới cần rửa tội. Hằng ngày, mỗi khi dâng lễ,
ai cũng thú nhận: “Lỗi tại tôi, lỗi tại
tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”, và rồi tiếp tục “xin Chúa thường xót chúng con” 3 lần và “lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin
thương xót chúng con” 2 lần nữa.
Chúa không muốn chúng ta “nói nhỏ” với riêng Ngài mà muốn chúng ta
công khai thú tội: “Anh em hãy thú tội với
nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người
công chính rất có hiệu lực” (Gc
5,16). Công khai thú tội để được công chính hoá: Lời cầu xin
tha thiết của người công chính rất có hiệu lực. Như vậy, xưng thú tội lỗi là điều
cần thiết, vì đó là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Kitô
giáo.
2. Tôi ngại vì bỏ xưng tội lâu rồi.
Đừng quên lời Thánh Phaolô: “Ở đâu nhiều tội lỗi thì ở đó nhiều ân sủng”
(Rm 5,20). Hãy cầu nguyện
bằng kinh Ăn Năn Tội để có thể cảm nghiệm được Hồng Ân Chúa dành cho chúng ta.
Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Con Người
đến để cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11), và Ngài nhấn mạnh: “Cha của anh chị em, Đấng ngự trên trời, không muốn
cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14).
Có lẽ chúng ta chưa đủ tin nên mới thấy ngại.
Tuy nhiên, đừng coi xưng tội chỉ là một nghi thức, vấn đề là thành tâm. Nghĩa
là tội lỗi chúng ta có được Thiên Chúa tha thứ hay không là do chúng ta, vì “nhờ đức tin mà được cứu” (x. Mt 9,22; Mc 5,34; Mc 10,52; Lc 7,50; Lc 8,48; Lc
17,18; Lc 18,42) và “người
công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17). Biết vậy rồi thì đừng ngại
gì hết!
3. Tôi không có thời gian và không thuận tiện.
Người muốn thì tìm ra phương tiện, người không
muốn thì tìm ra lý do. Đó là loại triết lý dễ hiểu.
Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục để hối nhân
có thể dễ dàng giao hoà với Thiên Chúa, đồng thời cũng để chúng ta có Chúa ở
cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.
Mt 28,20).
Có những xứ có linh mục giải tội hằng ngày trước
hoặc sau giờ phụng vụ, có những nhà dòng giải tội cả sáng và chiều các ngày
trong tuần. Như vậy, nếu không tiện giờ này thì xưng tội giờ khác, không tiện ở
nơi này thì xưng tội ở nơi khác. Có nhiều nơi để chọn lựa, đừng viện cớ mà biện
hộ cho sự lười biếng của mình.
Chúa luôn mong chờ tội nhân ăn năn sám hối, vì
Ngài sẵn sàng bỏ 99 con chiên ngoan mà đi tìm 1 con chiên lạc (x. Mt 18,12-14; Lc 15,4-7).
Chúng ta có thời gian rảnh rỗi hoặc làm những thứ
khác, sao lại không có thời gian giao hoà với Thiên Chúa?
4. Tôi không có tội trọng, nên không cần xưng tội.
Có những vị thánh xưng tội hằng ngày.
Đã đành chỉ phải xưng những tội trọng, nhưng đó
là “điều kiện ắt có và đủ”.
Đối với những tâm hồn đạo hạnh, tội nhẹ cũng khiến
người ta cảm thấy “xa cách”
Thiên Chúa.
Tội trọng là những tội “nặng ký” thì dễ hiểu và dễ thấy, nhưng
nhiều tội nhẹ cũng có thể làm tăng trọng lượng.
Hãy tưởng tượng tội nhẹ như trái bong bóng hoặc
nắm bông, một vài trái bóng hoặc một vài nắm bông không thấm vào đâu, nhưng nhiều
trái bóng hoặc nhiều nắm bông có thể làm thay đổi trọng lượng rất rõ. Một bên
là 1kg sắt và một bên là 1kg bông, có người có thể nghĩ ngay là sắt nặng hơn,
nhưng thực sự hai bên bằng nhau vì đều là 1kg. Không thể nói hết thần học về tội
lỗi, nhưng có những thứ tội “nổi cộm” như làm tổn thương người khác, tự dễ dãi
với mình với những tư tưởng xấu, xem phim ảnh “đen”, bỏ lễ Chúa Nhật, kiêu ngạo, tự ái thái quá, lạm dụng
Thánh Danh Chúa, từ chối bác ái với người nghèo…
Nhiều thứ trong số đó có thể là tội trọng hoặc
biến thành tội trọng. Tục ngữ cổ nói: Nemo judex in sua causa(không ai là thẩm
phán trong vụ án của chính mình). Chúng ta thường không thấy cái xà trong mắt
mình mà lại thấy cái rác trong mắt người (x. Mt 7,3-5; Lc 6,41-42). Ca dao Việt Nam cũng có
câu:
Chân mình còn lấm bê bê
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.
Thật là nhiêu khê! Nhưng đừng
lấy cớ “tôi không có tội trọng”
mà thoái thác. Xưng tội thường xuyên (hằng tuần hay hằng tháng) là động thái
khiêm nhường, đem lại lợi ích cho chúng ta là nhận lãnh thêm hồng ân và tránh
được dịp tội trong tương lai.
4. Tôi không biết xưng tội gì.
Ngày nay, đây là vấn đề phổ biến, vì việc đào tạo
luân lý trong văn hoá của chúng ta, thậm chí cả những người Công giáo, không được
chú trọng và có vẻ mơ hồ. Vả lại, ngày nay, người ta muốn loại bỏ Chúa ra khỏi
cuộc đời mình nên không còn cảm giác tội lỗi.
Nếu thẳng thắn và nghiêm túc xét mình thì chúng
ta sẽ thấy mình phạm nhiều tội hằng ngày. Vì không xét mình rõ ràng nên mới cảm
thấy “không có tội gì để xưng”.
Cơ bản là xét mình theo Mười Điều Răn và Sáu Điều Răn Hội Thánh, nếu cần thì
dùng Kinh Thánh - chẳng hạn đoạn Kinh Thánh này:
“Vậy anh em
hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: đó là gian dâm,
ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam, mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng.
Chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ
không vâng phục. Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa
những người ấy. Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là
giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục.
Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ
con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới,
con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu.
Vậy không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man
di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người.
Anh em là những người được
Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng
thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ
cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa
đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên
hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.
Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể
duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết
dạ tri ân. Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú.
Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự
khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên
Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.
Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói
nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,5-17).
Chắc hẳn chúng ta không thấy “thoải mái” khi đọc những đoạn Kinh thánh
như vậy, do đó mà cảm thấy… ngại xưng tội! Chúa Giêsu nói: “Ai phạm tội là làm nô lệ cho tội” (Ga 8,34). Không ai muốn mình làm nô lệ
cho người khác, huống chi là làm nô lệ cho tội lỗi!
Vậy hãy quyết tâm dành thời gian đi xưng tội,
càng sớm càng tốt.
Hãy quyết tâm sống Mùa Chay theo lời Thánh
Phaolô: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức
Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức
Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội
là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để
làm cho chúng ta nên công chính trong Người. Quả thật, Chúa nói: “Ta đã nhận lời
ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ”. Vậy, đây là thời
Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 5,20-21;
6,2).
Đến với Bí tích Hoà Giải là đến với Tình Yêu của
Thiên Chúa, đến ẩn náu trong Thánh Tâm Chúa Giêsu, được tắm gội trong Nguồn Hồng
Ân của Lòng Chúa Thương Xót.
Đừng chần chừ, đừng lần lữa, vì “thời giờ đã gần đến!” (Kh 1,3; 22,10).
Nếu chúng ta “hâm
hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, Chúa sẽ mửa chúng ta ra khỏi miệng Ngài”
(x. Kh 3,16).
Trầm Thiên Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét