Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

03-08-2013 : THỨ BẢY TUẦN XVII MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Bảy sau Chúa Nhật 17 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm I) Lv 25, 1. 8-17
"Trong năm toàn xá, người ta làm chủ lại cơ nghiệp mình".
Trích sách Lêvi.
Chúa phán cùng Môsê trên núi Sinai rằng: "Ngươi cũng phải tính bảy tuần năm, tức là bảy lần bảy, cộng chung là bốn mươi chín năm: Ngày mồng mười tháng bảy, ngươi hãy thổi kèn trong thời gian đền tội trong toàn lãnh thổ ngươi. Ngươi hãy làm cho năm thứ năm mươi nên năm thánh và hãy kể là năm tha tội cho mọi người cư ngụ trong nước ngươi, vì đó là năm toàn xá. Người ta sẽ làm chủ lại cơ nghiệp mình, và ai nấy đều được trở về gia đình cũ của mình, vì năm toàn xá là năm thứ năm mươi. Các ngươi đừng cày cấy, đừng gặt hái hoa màu tự nhiên phát sinh trong đồng ruộng, và đừng hái nho đầu mùa, vì phải kể năm toàn xá là năm thánh, và các ngươi được ăn hoa màu tự nhiên phát sinh.
"Trong năm toàn xá, mọi người nhận lại cơ nghiệp của mình. Khi ngươi mua bán vật gì với người đồng hương, ngươi chớ làm phiền lòng người anh em, nhưng hãy mua theo số năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số hoa lợi của nó. Số các năm sau năm toàn xá càng nhiều thì giá càng cao, và số năm càng ít, thì giá mua càng hạ, vì nó tính mùa hoa lợi mà bán cho ngươi. Các ngươi chớ hà hiếp những người cùng một chi tộc với các ngươi: nhưng mỗi người hãy kính sợ Thiên Chúa mình, vì Ta là Thiên Chúa các ngươi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 7-8
Ðáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (c. 4).
Xướng: 1) Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.
2) Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. - Ðáp.
3) Ðất đã cho chúng tôi hoa trái. Ðức Thiên Chúa, Chúa chúng tôi, đã chúc phúc lành cho chúng tôi. Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. - Ðáp.

Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 14, 1-12
"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy". Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Ðược mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Tương Quan Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu
Trong Tin Mừng hôm nay, tác giả hai lần nhắc đến Gioan Tẩy giả trong tương quan với Chúa Giêsu.
Ở khởi đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: "Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài". Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.
"Các con sẽ làm chứng về Thầy", đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.
Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".
Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.
Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 17 TN1, Năm lẻ.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kính sợ Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài truyền dạy.

Thiên Chúa quan tâm đến đời sống của tất cả tạo vật: đất đai, cây cỏ, thú vật, và loài người; vì tất cả đều do Ngài dựng nên. Ngài tin tưởng trao tất cả vào tay con người; đồng thời, Ngài cũng dạy họ biết quản lý cách khôn ngoan, và chia sẻ cho nhau để đừng ai phải sống thiếu thốn quá. Ngược lại, con người luôn ích kỷ để tích trữ cho mình, và chất chứa hận thù để tìm dịp hại nhau.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự đối nghịch giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa truyền cho ông Moses phải cử hành Năm Thánh mỗi 50 năm, với mục đích là để cho mọi người có cơ hội làm lại cuộc đời và san phẳng các bất công xã hội qua việc: phóng thích tù nhân, và trả lại nhà cửa và ruộng đất cho những ai đã phải cầm để có phương tiện sinh sống. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả bị bà Herodia ghen ghét vì đã ngăn cản cuộc hôn nhân giữa Bà và Herode. Khi cơ hội tới, Bà đã bảo con gái xin vua Herode cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm cho Bà!

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Năm Thánh (Jubilee) và các việc phải tuân hành:

1.1/ Thời gian: được cử hành mỗi 50 năm, căn cứ trên những gì Đức Chúa đã phán với ông Moses trên núi Sinai: "Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, các ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào Ngày Xá Tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi."

1.2/ Mục đích: Năm Thánh này có mục đích để nhắc nhở cho con người hai điều:
(1) Chỉ một mình Thiên Chúa là người sở hữu tất cả tài sản, con người chỉ là những người quản lý: được Thiên Chúa trao ban để sinh lợi mà thôi.
(2) Hễ kính mến Thiên Chúa, cũng phải biết yêu người. Thiên Chúa truyền lệnh: "Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của các ngươi, vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi."

1.3/ Những việc phải thi hành:
(1) Phóng thích tù nhân và giải phóng nô lệ: "Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về giòng họ của mình."
(2) Không được canh tác đất và thu hoạch mùa màng: "Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng."
+ Đất cũng cần phải được "nghỉ ngơi" vào năm thứ bảy (Sabbatical year) sau mỗi 6 năm canh tác (Lev 25:2-7). Năm này cũng rơi vào trong Năm Thánh. Đây là một lệnh truyền khôn ngoan: con người có cơ hội nghỉ ngơi cho lại sức, và đất có cơ hội để cho nhiều hoa quả hơn năm sau.
+ Để cho người nghèo có cơ hội sống bằng cách ăn những hoa quả do ruộng đồng mang lại trong năm đó.
(3) Trả lại ruộng đất và nhà cửa cho những ai đã cầm: "Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình. Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình." Vì Thiên Chúa là chủ của các bất động sản, không ai có quyền mua bán của cải đó mãn đời.
(4) Giao kèo khi mua bán: "Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch. Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch." Lý do, người mua sẽ phải hoàn lại những gì đã mua cho người bán khi Năm Thánh tới.

2/ Phúc Âm: Con người tích trữ hận thù và dùng thủ đoạn để giết nhau.
Thời ấy, tiểu vương Herode nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ."

2.1/ Lý do của thù hận: Có hai lý do chính:
(1) Vì Gioan Tẩy Giả dám nói thật: "Số là vua Herode đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Herodia, vợ ông Philíp, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: "Ngài không được phép lấy bà ấy." Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ." Herode Antipas đã phạm hai tội: (1) tội rẫy người vợ trước của mình là con vua Nabatean Arabs; và (2), tội loạn luân, lấy chị dâu của anh mình là Philip.
(2) Vì sợ ảnh hưởng của Gioan Tẩy Giả trên dân chúng: Sử gia Josephus cho đây là lý do chính để Herode giết Gioan Tẩy Giả (Ant 18, 5, 2). Là tiểu vương, ông không muốn có bất kỳ sự đối nghịch nào. Đây cũng là lý do tại sao Thượng Hội Đồng muốn tiêu diệt Chúa Giêsu.

2.2/ Cái chết của Gioan Tẩy Giả: Cả vua Herode và bà Herodia đều phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Gioan Tẩy Giả. Trình thuật kể nguyên do cái chết như sau: "Nhân ngày sinh nhật của vua Herode, con gái bà Herodia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho."
(1) Phản ứng của bà Herodia: Cô con gái không biết nên xin gì; vì thế, cô chạy lại để hỏi mẹ. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa với vua Herode: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm."
Một bà mẹ nuôi thù hận, tàn nhẫn, vô luân, và phản giáo dục như bà mẹ này, làm sao Bà có thể giáo dục con nên người? Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đó. Cô con gái sau này cũng sống một cuộc đời loạn luân và tàn nhẫn như mẹ cô vậy.
(2) Phản ứng của vua Herode: "Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ."
Tất cả mọi sự kiện chứng minh Herode không phải là một anh quân: ly dị vợ, lấy vợ của anh, thề hứa vô lối, giữ lời thề cách không công bằng, và vi phạm đến sự sống của người công chính.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi người trong thế gian đều là con chung của một cha trên trời; vì thế, chúng ta đều là anh/chị/em với nhau. Thiên Chúa muốn chúng ta phải yêu thương và chia sẻ cho nhau tất cả những hồng ân và của cải Ngài ban.
- Chúng ta phải loại trừ mọi hình thức ghen ghét, thù hận, bất công, và giết người dưới bất cứ hình thức nào; đồng thời, biết noi gương Thiên Chúa để luôn yêu thương và tha thứ cho mọi người.
- Khi làm chứng cho sự thật và đấu tranh cho công bằng, chúng ta có thể bị cầm tù và bị chém đầu như Gioan Tẩy Giả.

Lm.An-tôn ĐINH MINH TIÊN, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 17 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 14,1-12

A. Hạt giống...
Chuyện Gioan Tẩy giả bị chém đầu. Qua chuyện này, ta biết được đôi điều về Gioan và về Hêrôđê.
1. Gioan Tẩy giả :
- một ngôn sứ trung thành với sứ mạng
- một con người can đảm dám nói sự thật
- con người ngôn sứ đó được dân chúng kính nể, kể cả kẻ giết ngài cũng phải nễ sợ ngài.
2. Hêrôđê :
- một con người dám làm tất cả những tội lỗi để thỏa mãn những ước muốn xấu của mình.
- nhưng trong thâm tâm, con người này có nhiều nỗi sợ : sợ lương tâm (nên tưởng Chúa Giêsu là Gioan sống lại), sợ dư luận, sợ vợ.

B.... nẩy mầm.
1. Cả hai nhân vật Gioan và Hêrôđê đều can đảm nhưng mỗi người một cách khác hẳn nhau : Gioan can đảm làm điều tốt cho dù phải hy sinh tính mạng, Hêrôđê dám phạm bất cứ tội lỗi nào.
Không riêng gì tính can đảm, mà nhiều khả năng khác của con người (như trí thông mình, sức mạnh v.v.) phải được định hướng cho đúng thì mới tốt được. Kẻ càng can đảm, thông minh và mạnh khoẻ mà xử dụng những khả năng đó để làm việc xấu thì tai hại càng lớn.
Cám ơn Chúa đã ban cho con những khả năng. Nhưng xin dạy con biết dùng chúng cho đúng hướng.
2. Xét đến tâm trạng thì chắc hẳn Hêrôđê tuy là vua nhưng lòng luôn áy náy lo âu, còn Gioan tuy là một tử tội nhưng lúc nào lòng cũng thanh thản. Vì Gioan làm đúng lương tâm, còn Hêrôđê làm trái lương tâm.
3. Khi thấy hai con trai của mình đã lớn, người cha bảo chúng đi học nghề để tự lực cánh sinh. Ba cha con thu xếp rồi lên đường đến một ngôi làng nọ. Người anh chọn ngay nghề thợ rèn và vui sống với nghề nghiệp của mình. Người cha và đứa em tiếp tục đi tới một ngôi làng khác. Một hôm hai cha con đi ngang một đồng cỏ và thấy một con bò đang gặm cỏ, người chăn ở đâu không thấy, mà làng mạc thì ở xa. Đứa con nói với cha “Con thích làm nghề ăn trộm vì công việc nhẹ nhàng mà thu hoạch lại lớn”. Người cha nhăn mặt nhưng vẫn gật đầu nói “Con hãy đợi cha ở ven rừng. Cha cần vào làng có việc”.
Người cha vừa đi khuất thì người con đã vội vã lùa bò về nhà trọ. Khi người cha về đến nhà, hai cha con bắt tay ngay vào việc làm thịt con bò. Nhưng trước khi thưởng thức món thịt bò, người cha nói : “Ta hãy đo xem ai trong chúng ta sẽ béo lên vì thịt con bò này”.
Hai cha con phải mất nhiều ngày mới ăn hết thịt con bò. Trong khi người cha cứ ung dung ăn thì người con cứ đứng lên ngồi xuống không yên, chốc chốc anh lại ra ngoài xem có ai theo dõi mình không. Sau một tuần lễ, hai cha con kiểm tra xem ai béo hơn ai. Quả thật người cha đã lên cân thấy rõ, còn người con thì ngày một gầy thêm. Lúc bấy giờ người cha mới giải thích : “Con biết không, thịt bò con ăn là thịt bò ăn trộm ; còn thịt bò cha ăn là thịt bò cha đã bỏ tiền ra mua hẳn hoi. Trong khi con ở ven rừng nhìn ngắm con bò thì cha đã vào làng thương lượng với chủ bò để mua nó. Con thấy chưa, của ăn trộm không bao giờ để ta ăn ngon ngủ yên được” (Chờ đợi Chúa)
4. “Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ đám đông, vì họ coi ông là ngôn sứ... Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô.” (Mt 14,59)
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa ban cho một đặc ân cao quý là có quyền tự do lựa chọn. Chúng ta được quyền chọn bất cứ điều gì, hành động thế nào, cư xử ra sao như chúng ta muốn. Nhưng chúng ta đừng quên phải sử dụng quyền đó như thế nào. Vua Hêrôđê đã cho mình quyền “tự do” của một ông vua, nghĩa là muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết. Nhưng đâu biết rằng chính lúc ông thực hiện quyền tự do quyết định ấy lại là lúc ông bị ràng buộc bởi một sức mạnh khác ; đó là lời thề và danh dự của ông trước mặt các khách dự tiệc.
Và tôi, đã hơn một lần, cũng cho phép mình thực hiện quyền “tự do” ấy. Trong một lần tranh cãi nọ tôi đã quyết định ra đi, tự tạo cho mình một cuộc sống mới ; ở đó tôi sẽ không bị ai quấy rầy. Tôi cảm thấy được “tự do” hơn khi được sống một mình. Thế nhưng tôi đã không biết rằng chính lúc tôi thực hiện quyền “tự do” ấy thì tôi đã và đang bị một sợi dây vô hình ràng buộc ; đó là Thiên Chúa vì tính tự ái và tự cao tiềm ẩn trong tôi. Tôi chợt nhận ra mình hơn.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho biết sử dụng quyền tự do mà Ngài đã ban tặng cho con trong ánh sáng của Lời Ngài. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

03/08/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Mt 14,1-12
VỊ TIỀN HÔ CỦA CHÂN LÝ
Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả, ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, là vợ anh nhà vua. (Mt 14,1-3)

Suy niệm: Tin Mừng theo thánh Mátthêu đối lập sự  xa hoa, dâm dật và gian ác của triều đình Hêrôđê với sự nghèo khó, thanh sạch, công chính, thánh thiện của Gioan Tẩy Giả. Cái chết của ông là lời tố cáo chủ trương đặt tham vọng chính trị trên thiêng liêng, coi bản năng trên những giá trị tinh thần. Gioan Tẩy Giả thật là vị Tiền Hô của Chúa Giêsu vì đã chia sẻ với Chúa vai trò và sứ mạng của người tôi tớ đau khổ của Giavê. Gioan vẫn bị trảm quyết nhưng lời chứng của ngài vẫn còn tiếp tục vang vọng nơi những tiền hô thời nay để làm chứng cho Đức Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và Sự Sống.

Mời Bạn: Trang Tin Mừng kể về cái chết của Gioan có cật vấn lương tâm thế giới ngày nay cũng như quá khứ rằng cái chết của bao con người vô tội là do thái độ im lặng đồng lõa của chúng ta hay không?

Sống Lời Chúa: Đừng sợ kẻ có thể giết chết phần xác, nhưng hãy canh chừng kẻ có thể làm cho bạn chết phần linh hồn. Hãy noi gương Gioan tẩy Giả, can đảm làm chứng cho Sự Thật và coi chừng kẻ xúi giục bạn đồng lõa với sự dữ!

Cầu nguyện: Lạy Thánh Gioan, Tiền Hô của Chúa Cứu Thế, Đấng là Sự Thật. Xin cho con biết noi gương Ngài:  can đảm trong việc công bố cho tất cả mọi người biết Thánh ý của Thiên Chúa, sau đó, biết chấp nhận những hậu quả cuối cùng của việc công bố này.


Vì đã trót thề
 Làm sao chúng ta có can đảm nhận ra mình sai lầm và dừng lại? Làm sao chúng ta không bị cuốn từ tội này sang tội khác?... Xin Chúa đưa tôi ra khỏi cơn mê muội của tôi. 

Suy nim:
Theo các sách Tin Mừng, Gioan bị giết trong khung cảnh một bữa tiệc.
Đó là tiệc mừng sinh nhật Hêrôđê Antipas là tiểu vương vùng Galilê và Pêrê.
Nếu thế, bữa tiệc này hầu chắc diễn ra ở Tiberias,
một thành gần hồ Galilê, nơi Hêrôđê đặt trung tâm quyền lực của mình.
Gioan bị giết vì dám phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp
giữa Hêrôđê với bà Hêrôđia là vợ của Philíp,
người anh cùng cha khác mẹ với mình.
Chuyện ngoại tình của Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được.
“Ngài không được phép lấy bà ấy” (c. 4).
Lấy vợ của người anh em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21).
Gioan là một ngôn sứ không lùi bước trước sự bất công.
Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật, dù ông biết cái giá phải trả.
Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép Gioan phải im miệng.
Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống vào ngục.
Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.
Bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê hẳn có nhiều quan khách tham dự.
Chuyện cô công chúa như Salômê, con bà Hêrôđia, múa cho quan khách xem,
là một chuyện lạ, nhưng vẫn có thể đã xảy ra.
Không rõ vì cô xinh đẹp hay vì múa giỏi mà Hêrôđê ngây ngất (c. 6).
Từ đó Hêrôđê không còn đủ sáng suốt, tỉnh táo,
khi vội vã đưa ra một lời hứa kèm theo lời thề với cô.
Cô muốn xin gì, nhà vua cũng thề hứa ban cho (c. 7).
Chúng ta thấy Hêrôđê đã tự đưa mình vào thế kẹt dại dột và nguy hiểm.
Ông đã không lường được hậu quả của chuyện đó.
Hêrôđia chỉ chờ cơ hội này để thanh toán kẻ dám phá hạnh phúc của bà.
Bà đã xúi con gái xin ngay thủ cấp của Gioan, đặt trên mâm.
Hêrôđê hẳn đã lặng người khi nghe cô bé xin điều ấy.
Ông lấy làm đau buồn vì đây thật là chuyện không ngờ (c. 9).
Ông bị đặt trước một chọn lựa: giết hay không giết Gioan.
Đám đông quan khách tạo một áp lực vô hình trên ông.
Vì đã lỡ thề hứa trước mặt họ, nên ông không dám rút lại.
Ông sợ rút lại sẽ bị mang tiếng là nuốt lời, và sẽ bị mất uy tín.
Hêrôđê đã chọn mình, chọn danh dự và cái ghế của mình hơn.
Ông hy sinh Gioan để giữ được tiếng tăm và tình yêu với bà Hêrôđia.
Làm sao chúng ta có can đảm nhận ra mình sai lầm và dừng lại?
Làm sao chúng ta không bị cuốn từ tội này sang tội khác?
Rút lại một lời hứa có khi còn khó hơn giữ lời hứa ấy.
Hêrôđê là người bị nô lệ bởi nỗi sợ, sợ Gioan, sợ dân, sợ quan khách…
Đúng hơn là ông sợ mất chính mình, sợ người ta nghĩ xấu về mình.
Có những lúc chợt tỉnh ngộ, tôi vẫn ngần ngại không muốn nhận mình sai.
Tôi không dám nhận lỗi, vì tôi muốn mình vẫn đúng.
Xin Chúa đưa tôi ra khỏi cơn mê muội của tôi.

Cầu nguyn:
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm
Vì ngăn cấm Herôđê trong việc cưới nàng Hêrôđia, phu nhân của anh ruột mình là vua Philiphê, về làm vợ, nên Gioan Tẩy Giả đã bị tống vào ngục. Bài tin mừng hôm nay ghi lại câu chuyện Gioan Tẩy Giả bị Hêrôđê ra lệnh chém đầu.

Bài tin mừng cho chúng ta thấy hai tính cách đối lập của Hêrôđê và Gioan Tẩy Giả. Khi ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả nhà vua lo buồn, vì ông biết rằng Gioan là một người chính trực, một vị tiên tri được dân chúng kính trọng. Chém đầu Gioan là một điều sai trái nhưng ông vẫn làm vì ông đã lỡ thề với cô con gái của Hêrôđia trước mặt quan khách. Ông quá yếu hèn đến nỗi thà chọn làm một điều sai trái còn hơn là mất mặt trước mặt quan khách. Ông sợ bị chỉ trích và có lẽ sợ quan khách của ông mất lòng hơn là tiếng nói lương tâm. Trước mặt quan khách, có vẻ như nhà vua giữ được thể diện, nhưng tòa án lương tâm luôn day dứt và xét hỏi nhà vua đến độ khi nghe danh Giêsu, vua giật mình tưởng Gioan sống lại. Gioan Tẩy Giả thì ngược lại, khi quở trách vua Hêrôđê trong việc cưới Hêrôđia có lẽ Gioan biết rằng ông đã tự ký bản án tử hình cho mình. Nhưng không vì thế mà ông không dám nói lên sự thật, ông đã can đảm mạnh dạn lên án điều ác, nói lên sự thật dù có phải chết.

“Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, lời cổ nhân thật là thâm thúy. Hậu quả của lời nói thiếu suy nghĩ của vua Hêrôđê, bị thúc đẩy bởi dục vọng thấp hèn thật đáng sợ: người vô tội phải chết oan, kẻ quyền thế vẫn sống nhưng mất hết phẩm chất con người. Thực trạng xã hội hôm nay cũng không khác: người công chính bị loại trừ, những kẻ có chức quyền, xu nịnh, tham danh hám lợi….cũng dễ nói, dễ hứa một cách nông nổi, gây hại cho người khác.

Mỗi người chúng ta hãy cùng xét lại xem, lối sống này có đang len lỏi trong chúng ta, trong gia đình, trường học, nơi chúng ta làm việc không? Chúng ta có dám nói lên sự thật khi thấy điều sai trái, hay là lặng thinh để điều bất công sai trái xảy ra? Là người công giáo Việt Nam chúng ta hãy học hỏi và noi gương các thánh Tử đạo Việt Nam. Các ngài đã can đảm nói lên sự thật bảo về chân lý dù phải hy sinh mạng sống.

Lạy Chúa xin cho chúng ơn thêm lòng can đảm để chúng con dám nói lên sự thật giữa bao nhiêu bất công chúng quanh chúng con. Xin cho chúng con biết sống theo sự thật dù phải gặp khó khăn chống đối. Xin cho chúng con khi gặp thử thách gian nan giữa cuộc đời biết nhìn lên thập giá Chúa là điểm tựa của cuộc đời chúng con. Amen

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám

3 THÁNG TÁM

Sự Ác Không Thể Lướt Thắng Được Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa

Chúng ta đã đối diện với những câu hỏi và những tiếng kêu của con người ở mọi thời liên quan đến sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta đã đối diện với thực tại sự dữ và đau khổ.
Lời Chúa tuyên bố rõ ràng rằng “sự ác không thể lướt thắng được sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (Kn 7,30), và rằng Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra trong thế giới vì sự thiện lớn lao hơn, dù Ngài không muốn sự dữ. Hôm nay chúng ta muốn lắng nghe Đức Giê-su Kitô. Xuyên qua mầu nhiệm Vượt Qua, Người cung ứng câu trả lời đầy đủ cho những câu hỏi dày vò này của con người.
Trước hết, chúng ta hãy suy nghĩ về cách mà Thánh Phaolô loan báo Đức Kitô chịu đóng đinh như là “sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24), trong Người, ơn cứu độ được trao ban cho những người tin. Sức mạnh của Người chắc chắn là một sức mạnh lớn lao kỳ diệu nếu nó được thể hiện trong sự yếu đuối và trong sự sỉ nhục của cái chết thập giá. Và đó là sự khôn ngoan cao vời mà con người không thể biết được nếu không được Thiên Chúa mạc khải cho.
Trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa và trong hoạt động quan phòng cứu độ của Ngài, mọi sự dữ – nhất là sự dữ luân lý tức tội lỗi – trở thành phụ thuộc đối với sự thiện lớn lao hơn gấp bội là ơn cứu chuộc xuyên qua Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.
Có thể nói rằng trong Đức Kitô, Thiên Chúa “rút sự lành ra từ sự dữ”, sự dữ ấy từng gây nên nỗi đau khổ của Con Chiên hiền lành bị thí bỏ vì tội lỗi thế gian. Phụng vụ của Giáo Hội không ngần ngại nói thẳng về “tội hồng phúc” của chúng ta, tội đã đem lại cho chúng ta ơn cứu độ vô cùng cao cả. Đó là ‘Exultet’- bài ca loan báo tin vui Phục Sinh vĩ đại mà chúng ta hát lên trong phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình


Ngày 03-8
Lv 25, 1. 8-17; Mt 14, 1-12


LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện vua Hêrôđê, nghe danh về Chúa Giêsu với các phép lạ của Ngài làm. Hêrôđê đã liên tưởng đến Gioan Tẩy Giả, bởi vì nhà vua đã xúc phạm và bắt giam một  người công chính, với một lý do là Gioan đã tố cáo nhà vua về tội chiếm đoạt vợ của anh mình, tội đã không dừng lại ở đó và đã lún sâu vào việc giết chết Gioan, vì  thỏa mãn một màn vũ của con gái, vì một lời hứa thiếu cân nhắc; đã làm ám ảnh suốt đời của nhà vua. Điều này giúp cho chúng ta phải luôn biết lắng nghe những lời tố cáo phê bình về mình, nhất là tiếng nói của lương tâm để mà sửa đổi đời mình nên tốt hơn. Luôn tỉnh thức để chiến đấu với các cám đỗ, từ phạm tội nhỏ sẽ lún sâu vào trọng tội về sau, nguy hiểm cho cả xác lẫn hồn.



Mạnh Phương


03 Tháng Tám

Dòng Nước Từ Sa Mạc

Có một người Ả Rập nghèo nọ phải băng qua giữa sa mạc trong cơn đói khát và mệt lả. Tình cờ, người đó bắt gặp một dòng suối. Với tất cả tấm lòng biết ơn, ông ta uống từng ngụm nước và cảm thấy ngọt ngào khôn tả. Ông múc nước đổ vào bầu da cho đầy và tiếp tục cuộc hành trình.
Sau nhiều ngày vất vả, ông đã đến thủ đô Baghdad. Tìm đủ mọi cách để tiếp kiến với quan đầu tỉnh, ông dâng kính cho quan tặng vật là chính bầu nước. Quan đầu tỉnh đón nhận món quà một cách vui vẻ. Cho nước vào trong ly, ông uống cạn và cám ơn người Ả Rập, đồng thời tưởng thưởng ông một cách quảng đại.
Những người hầu cận cứ nghĩ thầm rằng đây là một thứ nước kỳ diệu nên ai cũng mong được nếm thử. Nhưng quan đầu tỉnh nhất mực từ chối... Chờ cho người Ả Rập đi khuất, quan mới giải thích về cử chỉ của mình. Nước để lâu trong bầu da đã trở nên rất bẩn vàhôi thối. Quan nghĩ rằng, nếu tất cả mọi người đều uống nước đó và đều tỏ ra khó chịu trước mặt người Ả Rập, ông ta hẳn sẽ bị tổn thương...

Quà tặng cao quý nhất mà người Ả Rập đã biếu cho quan đầu tỉnh chính là những giọt nước đa cứu sống mình. Quan đầu tỉnh đã tặng cho ông món quà quý giá nhất bằng cách uống lấy nước ông dâng biếu... Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu con người chỉ biết đối xử với nhau bằng những cử chỉ tế nhị và thân ái. Một cử chỉ nhỏ mọn đến đâu, nhưng nếu được làm với tất cả yêu mến sẽ không bao giờ qua đi.


(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét