Trang

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

08-08-2013 : THỨ NĂM TUẦN XVIII MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Năm sau Chúa Nhật 18 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Ds 20, 1-13
"Xin Chúa mở kho tàng châu báu của Chúa là mạch nước hằng sống".

Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy, vào tháng Giêng, con cái Israel và toàn thể cộng đồng đến rừng Sim. Dân chúng định cư ở Cađê. Tại đây bà Maria đã qua đời và được chôn cất.
Và khi dân chúng thiếu nước, họ toa rập nhau chống đối Môsê và Aaron. Họ công kích Môsê rằng: "Phải chi chúng tôi chết đi như anh em chúng tôi đã chết trước mặt Chúa. Tại sao các ông dẫn cộng đoàn của Chúa vào rừng vắng này, để chúng tôi lẫn súc vật chúng tôi phải chết? Tại sao bắt chúng tôi bỏ Ai-cập mà dẫn lên chỗ rất xấu xa này, chẳng cày cấy được, chẳng sinh quả vả, nho lựu, hơn nữa không có nước mà uống".
Môsê và Aaron lánh mặt khỏi dân chúng và vào nhà xếp giao ước. Hai ông sấp mình xuống đất, kêu van cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin nghe tiếng dân này kêu van, và xin mở cho họ kho tàng châu báu của Chúa là mạch nước hằng sống, để họ uống no đầy mà hết kêu trách".
Sự vinh quang của Chúa hiện ra trên họ. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: "Hãy cầm lấy gậy và tập họp dân chúng lại, ngươi và Aaron khiến hòn đá, trước mắt họ, và đá liền chảy nước. Khi ngươi làm cho nước từ hòn đá này chảy ra, thì toàn dân và súc vật sẽ được uống".
Môsê cầm lấy cây gậy để trước mặt Thiên Chúa như Chúa đã truyền dạy ông. Khi tập họp cộng đồng đến trước hòn đá, ông bảo họ rằng: "Hỡi bọn người phản loạn và cứng lòng, hãy nghe đây. Chúng tôi có thể làm cho nước từ hòn đá này chảy ra cho các ngươi được không?" Môsê giơ tay cầm gậy đánh vào hòn đá hai lần: nước chảy ra tràn trề. Dân chúng và súc vật được uống.
Bấy giờ Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: "Vì các ngươi không tin Ta mà tuyên xưng thánh danh Ta trước mặt con cái Israel, thì các ngươi không được đem dân này vào Ðất Ta sẽ ban cho chúng nó".
Ðây là nước mâu thuẫn nơi con cái Israel trách Chúa, và Người dùng nước để tỏ ra thánh danh Người.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8a).

Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. - Ðáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử thách Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". - Ðáp.

Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-23
"Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Vác Thập Giá Theo Chúa Giêsu

Có lẽ chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh của Thập giá. Nơi nào có người Kitô hữu thì nơi đó có Thập giá. Vào thời Chúa Giêsu, Thập giá là một cực hình làm cho con người khiếp sợ, tủi hổ. Hằng ngày, người Do thái chứng kiến cảnh các tội nhân vác những khúc gỗ lớn tuần hành qua các khu phố trước khi đến Núi Sọ; những khúc gỗ sần sùi ấy sẽ được sử dụng để treo chính các tội nhân.
Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ðời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.
Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang Thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Ðấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: "Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô".
Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác Thập giá với những người đang bị giam giữ một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.
Xin cho Lời Chúa và sức sống của Chúa nâng đỡ chúng ta, để giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống hiện tại, chúng ta luôn kiên vững và an vui.

(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thánh Tổ Phụ Đaminh (Ngày 8 tháng 8)

Bài đọc: Isa 52:7-10; 2 Tim 4:1-8; Mt 5:13-19.
1/ Bài đọc I:

7 Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xi-on rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị."
8 Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi
cùng cất tiếng reo hò vang dậy;
họ sẽ được thấy tận mắt ĐỨC CHÚA đang trở về Xi-on.
9 Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,
vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
10 Trước mặt muôn dân, ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người:
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

2/ Bài đọc II:

1 Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh:
2 hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.
3 Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe.
4 Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.
5 Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.
6 Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi.
7 Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.
8 Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.

3/ Phúc Âm:

13 "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
14 "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.
15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.
16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.
19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Rao giảng Tin Mừng để đưa các linh hồn về cho Chúa.

Cuộc đời của Thánh Đa-minh có thể tóm gọn trong chủ đề: “Rao giảng Tin Mừng để đưa các linh hồn về cho Chúa.” Thánh Đa-minh yêu mến Thiên Chúa nên muốn đem tất cả linh hồn về cho Ngài, và cách thức Ngài dùng là “rao giảng Tin Mừng.” Câu châm ngôn trong cuộc đời của thánh nhân là: “Chỉ nói với Chúa và về Chúa.” Khi ngài nói với Chúa là lúc ngài cầu nguyện; khi ngài nói về Chúa là lúc ngài rao giảng Tin Mừng cho tha nhân. Thánh Đa-minh kết hợp cả hai chiều kích của đời tu: chiêm niệm và hoạt động. Người tu sĩ Đa-minh là người chiêm niệm và sau đó đem những gì mình đã chiêm niệm chia sẻ cho tha nhân.

Đường lối dùng Tin Mừng để đem các linh hồn về cho Thiên Chúa được đặt căn bản trên Lời Chúa trong ba bài đọc hôm nay. Trong bài đọc I, ngôn-sứ Isaiah được Thiên Chúa cho thấy trước ngày Thiên Chúa sẽ cứu độ dân của Ngài, và để cho Tin Mừng này được loan đi, ngôn sứ thấy sự cao đẹp của những người rao giảng Tin Mừng. Còn gì đẹp hơn bước chân của những người mang Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho dân của Ngài đang đau khổ! Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên môn đệ của ngài là Timothy phải kiên trì trong việc rao giảng, vì ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng. Các nhà giảng thuyết phải kiên nhẫn vượt mọi gian khổ mới có thể đưa các linh hồn về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, để có thể chu toàn thành công sứ vụ rao giảng, nhà giảng thuyết phải kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, lắng nghe tiếng của Ngài, và thực thi những gì Ngài dạy trước khi loan báo những lời này cho tha nhân.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố ơn cứu độ.

1.1/ Thiên Chúa cho dân trở về Sion từ nơi lưu đày: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị." Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Sion.” Người loan báo Tin Mừng phải loan báo 3 điểm có liên quan mật thiết với nhau, mỗi điểm nói lên một khía cạnh của ơn cứu độ:

(1) Công bố bình an: Bình an là một trong những chữ được tiên-tri Isaiah dùng nhiều nhất; nó không phải là sự vắng mặt của chiến tranh, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người. Con người được hòa giải với Thiên Chúa; vì thế, con người có bình an.

(2) Loan tin tốt lành: Tin Mừng đến từ Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành. Ngài ban phúc lành của Ngài cho con người, nhất là tha thứ tội lỗi và cho được hưởng ơn cứu độ.

(3) Công bố ơn cứu độ: Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa. Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn trong việc giải phóng dân Do-thái khỏi lưu đày Babylon; nhưng bao gồm cả việc giải phóng dân khỏi tội lỗi, và đem lại cho dân sự tốt lành và bình an.

Thiên Chúa là Vua hiển trị, chính Ngài sẽ lãnh đạo dân. Những người canh gác của Thành Thánh Jerusalem sẽ nhìn thấy Đức Chúa, và cất tiếng reo hò. Ngài sẽ cai trị dân và cho họ hưởng bình an, những điều tốt lành, và ơn cứu độ.

1.2/ Mọi người sẽ nhìn thấy Thiên Chúa cứu độ Jerusalem: Sự kiện Chúa giải phóng dân Do-thái khỏi lưu đày Babylon và cho về lại Jerusalem, là một phép lạ mà các dân trong vùng đều hay biết: không bằng sức mạnh quân sự, không bằng sức cố gắng của dân Do-thái; nhưng bằng niềm tin tưởng của Cyrus, vua Ba-tư vào Thiên Chúa. Tương tự khi Chúa Giêsu giải phóng dân khỏi tội bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá tại Jerusalem, nước Do-thái còn đang dưới ách đô hộ của Đế-quốc Rôma.

2/ Bài đọc II:Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

2.1/ Những khó khăn trong việc rao truyền Lời Chúa

(1) Lý do phải trung thành rao giảng: Phaolô đưa ra hai lý do chính để chỉ thị Timothy phải trung thành rao giảng Tin Mừng: Thứ nhất, Đức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết; không một ai và không một hành động nào của con người thoát khỏi sự phán xét của Ngài. Thứ hai, Ngài sẽ xuất hiện và nắm vương quyền; lúc đó, Ngài sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc làm của họ. Vì thế, anh “hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.”

Nhiều người chủ trương: “gió chiều nào che chiều đó.” Khi hoàn cảnh xã hội đã đổi, họ cũng phải thay đổi sao cho phù hợp; vì nếu không thay đổi sẽ bị người khác ghét và không trở thành phổ thông. Vì thế, nhiều nhà rao giảng có khuynh hướng thay đổi cách giảng dạy: họ chỉ nói những gì khán giả thích và tránh đề cập những tội mà khán giả đang mang trong mình. Tiên tri Jeremiah đã tuyên sấm nặng nề cho các ngôn sứ giả này: Họ sẽ phải chịu trách nhiệm về sự hư đi của khán giả.

(2) Khuynh hướng thay đổi của con người: Phaolô nói trước cho môn đệ mình biết về sự thay đổi của khán giả: “Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng vì ngứa tai, họ sẽ tìm kiếm cho họ những nhà rao giảng thích hợp với sở thích của họ, và sẽ quay lưng lại với sự thật và hướng về những chuyện hoang đường.” Điều này không lạ, vì theo tâm lý con người, họ không muốn ai làm cho họ phải cắn rứt về những chuyện họ đang mang trong lòng; nhưng chỉ muốn ai khen những chuyện họ làm hoặc nói những chuyện vui cười để giải trí. Nhà rao giảng Tin Mừng chân chính không được chiều theo thị hiếu của khán giả, như Phaolô khuyên nhủ Timothy: “anh hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.”

2.2/ Hãy cố gắng dành cho được phần thưởng không hư nát: Câu hỏi quan trọng đặt ra cho mọi người: Họ muốn làm vừa lòng ai? Thiên Chúa hay con người? Họ muốn làm vừa lòng Thiên Chúa để lãnh phần thưởng bất diệt là sự sống đời đời, hay làm vừa lòng con người để lãnh phần thưởng mau hư nát. Thánh Phaolô cho chúng ta một tấm gương để soi chung: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”


3/ Phúc Âm: Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

3.1/ Công dụng của muối: Không có gì rẻ và căn bản hơn muối; nhưng muối làm nhiều điều hữu ích cho con người:

+ Muối tượng trưng cho trong sạch tinh tuyền: vì được kết tinh bởi ánh sáng mặt trời và nước biển. Kitô hữu là những người đã được rửa sạch bằng máu Đức Kitô và thấm nhuần mọi quà tặng của Thánh Thần, họ phải trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước khi sinh ích cho người khác.

+ Muối dùng để ngăn ngừa đồ ăn cho khỏi hư: Vì đặc tính mặn mà của muối, nên muối được dùng để làm cho lương thực khỏi hư: thịt cá cần muối, rau cỏ cần muối như dưa, cà, kim chi, trái cây cần muối nếu muốn để lâu. Ca dao Việt-nam dùng việc muối cá để nói lên sự cần thiết của con cái phải vâng lời cha mẹ: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Nếu điều này cần thiết cho con cái, những điều dạy dỗ của Đức Kitô còn cần thiết hơn cho các Kitô hữu. Nếu không có vị mặn của muối, làm sao các Kitô hữu có thể “ướp mặn lòng người.

+ Muối dùng để thêm gia vị cho thực phẩm: Muối không thể thiếu trong việc nấu ăn, thực phẩm có ngon tới đâu mà nếu không có chất mặn của muối hay nước mắm (cũng từ muối), cũng trở thành vô vị. Người Kitô hữu đã được trang bị để trở thành muối cho đời. Điều cần chú ý ở đây là Chúa Giêsu dùng động từ ở thời hiện tại “là;” có nghĩa: người Kitô hữu đã và luôn có. Bản chất của Kitô hữu có những điều tốt để giúp cho thế gian trở nên tốt.

3.2/ Công dụng của ánh sáng: Biểu tượng này còn gần gũi với con người hơn cả muối. Ánh sáng có rất nhiều công dụng.

+ Ánh sáng dùng để soi sáng: Khi trời tối, con người cần ánh sáng để khỏi vấp ngã và tìm đồ đạc. Người Kitô hữu có sự thật soi sáng để khỏi rơi vào sai lầm.

+ Ánh sáng dùng để sưởi ấm: Khi trời lạnh, con người cần ánh sáng để sưởi ấm như ánh sáng mặt trời hay lửa. Người Kitô hữu có Thánh Thần để sưởi ấm mọi cô đơn, buồn khổ.

+ Ánh sáng bảo vệ con người khỏi nguy hiểm: Tội lỗi thường xảy ra ở nơi không có ánh sáng. Người làm tội lỗi ghét ánh sáng vì họ sợ việc làm đen tối của họ bị phơi bày...

Chúa Giêsu nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” Đã là ánh sáng thì không thể che giấu; nhưng phải đặt trên cao để soi sáng cho mọi người, vì “chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.” Mục đích của việc soi sáng là để những người chưa biết Thiên Chúa “thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

3.3/ Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ: Tất cả Luật và Lời Thiên Chúa phán ra đều tốt lành và muôn đời không đổi vì phát xuất từ Thiên Chúa và có khả năng giúp con người sống tốt lành; nhưng vấn đề là ở phía con người. Một số những lý do làm con người hiểu sai Luật của Thiên Chúa:

(1) Không hiểu nguyên tắc của Lề Luật và phiên dịch Luật theo ý mình: Ví dụ: Luật ngày Sabbath. Nguyên tắc là để con người nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa; chứ không phải để tranh luận trong những vấn đề liên quan đến sự sống như: có nên chữa bệnh nhân trong ngày Sabbath, có nên bứt bông lúa để ăn cho khỏi đói, vì đó thuộc lãnh vực bảo vệ sự sống.

(2) Tạo thêm nhiều Luật khác: Những nhà làm luật của Do-thái tạo thêm 615 luật từ những Luật Chúa ban cho Moses, ấy là chưa kể những luật bất thành văn (truyền khẩu) vì vô tình hay vì lợi nhuận (định nghĩa thế nào là của lễ thanh sạch). Những luật do con người làm ra có thể thay đổi hay hủy bỏ.

Khi Chúa tranh luận những việc liên quan đến Luật, Chúa muốn con người nhận ra đâu là Luật của Thiên Chúa và đâu là luật của con người. Các kinh sư tranh luận với Chúa muốn đánh lừa mọi người để kết tội Chúa như người phá bỏ Luật của Thiên Chúa. Ngài cũng muốn cho họ nhận ra nguyên lý đứng đang sau là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, chứ không giữ cách vụ luật.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là lo sao cho chúng ta và mọi người được về hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, chứ không phải lo tìm của cải đời này.

- Chúng ta phải học hỏi và sống Tin Mừng của Thiên Chúa trước khi có thể loan báo Tin Mừng đó cho tha nhân.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP



HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 18 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 16,13-19

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :
Phân đoạn trước (13,53—16,12) là hành trình đức tin của nhóm người đi theo Chúa Giêsu làm thành một “Giáo Hội phôi thai”. Trong phân đoạn này (16,13—17,27 – Từ hôm nay đến Thứ Hai tuần 19), Thánh Matthêu cho ta thấy mức độ đức tin mà nhóm người này – qua đại biểu là Phêrô - đạt được : vừa nhận biết Chúa Giêsu là “Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” nhưng đồng thời vẫn chưa hiểu rõ kiểu “Kitô” mà Chúa Giêsu muốn là như thế nào, do đó Phêrô đã lên tiếng cản ngăn khi Chúa Giêsu báo tin Ngài sẽ chịu nạn chịu chết. Vì vậy, Chúa Giêsu một lần nữa nhắc lại sự cần thiết phải từ bỏ.

A. Hạt giống...
Đoạn này cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu :
1. Mức độ của dân chúng : nếu chỉ thấy những việc Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài là một ngôn sứ thôi.
2. Mức độ của Phêrô : được ơn Chúa soi sáng, Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của Thiên Chúa không có sự hợp tác là sự “đi theo” của con người thì dù có hiểu biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa.
3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ : hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.

B.... nẩy mầm.
1. Tôi hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào :
- Coi Ngài là một ngôn sứ. Do đó tôi chỉ liên hệ với Ngài để xin ơn ?
- Coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống đời tôi, nhưng lại sợ khó, ngại khổ ?
- Sẵn sàng bỏ tất cả và vác thập giá đi theo Ngài ?
2. “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” : cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội.
3. Chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá : khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi chỉ bị quay nhìn về các biến cố và con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin kitô trong từng phút giây cuộc sống. ("Mỗi ngày một tin vui")
4. Ngày kia, hoàng đế của một vương quốc lớn đã mời gọi các nghệ sĩ từ nhiều nước đến dự cuộc thi “mô tả chân dung hoàng đế”. Các nghệ sĩ Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa kim cương quí nhất. Các nghệ sĩ Ai cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng người ta rất nhạc nhiên khi thấy phái đoàn Hy Lạp chỉ mang vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.
Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt của cung điện. Khi thời gian đã hết, Đức vua cho trưng bày các tác phẩm tranh giải. Ông hết sức khen các bức chân dung của chính mình do các nghệ sĩ Ấn Độ và Ai cập tạc nên. Sau cùng đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, hoàng đế chỉ thấy duy nhất một bức tường đã được đánh bóng đến độ khi hoàng đế nhìn vào ông thấy khuôn mặt của mình hiện ra từng nét. Và phái đoàn Hy Lạp đã đoạt giải nhất trong cuộc thi đó.
Sứ mệnh căn bản của mỗi kitô hữu là hoạ lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, chúng ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, những thói hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.
Lạy Chúa, xin cho con biết kiên nhẫn đục đẽo tâm hồn và cuộc sống con để dung nhan Ngài giãi sáng qua mọi hành vi của đời sống con. (Hosanna)
5. Ông Simon Phêrô thưa : “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16)
Hằng ngày tôi phải đối mặt với biết bao vấn đề, biết bao chuyện mà Thiên Chúa đòi tôi phải làm chứng cho Ngài. Trước bao vấn đề cần sự can thiệp của tôi : kỷ luật trong lớp học, dàn hoà một cuộc cãi nhau hay một xích mích, giúp đỡ kẻ nghèo... Tôi chỉ biết suy nghĩ cách giải quyết này đến cách giải quyết khác. Tất cả chỉ là những lý tưởng. vì chúng chỉ lẩn quẩn trong đầu tôi mà không thể đi tới hành động.
 Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng khi chối Chúa 3 lần, ông đã không dám dấn thân đến cùng cho niềm tin. Và đức tin không có việc làm là đức tin chết !
Lạy Chúa, xin ban Thần Khí của Người, để con mạnh dạn tuyên xưng Chúa bằng chính hành động của con. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

08/08/13 THỨ NĂM TUẦN 18 TN
Th. Đaminh, linh mục
Mt 16,13-23

ĐỨC TIN, MỘT HỒNG ÂN
Chúa Giê-su nói với các ông :” Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?” Simon Phê-rô thưa rằng:” Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.”
(Mt 16,15-16)
Suy niệm: Chúa Giêsu hỏi các môn đệ dư luận dân chúng nghĩ gì về Ngài; thế nhưng đó không phải là điều Chúa mong muốn nhất nơi các ông mà là nhận thức tự bản thân của các ông, hay nói đúng hơn là lòng tin của họ vào Ngài. Với lời tuyên tín của Phêrô, Chúa Giêsu cho các ông biết rằng sự hiểu biết đích thực về Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến không phải là kết quả tìm kiếm của con người mà là một hồng ân đến từ Thiên Chúa: “Con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Giáo Hội cũng xác tín điều này khi dạy: “Đức tin là một hồng ân nhưng không, Thiên Chúa ban tặng cho con người” (GLHTCG 162).
Mời Bạn: Năm Thánh Đức Tin là thời gian thuận tiện để mỗi chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình, để cảm tạ Chúa và ý thức hơn về hồng ân cao trọng đó, để không chỉ “giữ” đức tin đó như một món đồ cổ quý giá trong viện bảo tàng mà có can đảm và quyết tâm làm cho đức tin ấy tăng trưởng bằng cuộc sống chứng nhân trong đời sống hàng ngày.
Chia sẻ: Bạn có thể làm một việc cá nhân hoặc tập thể nào để diễn tả đức tin của mình trong môi trường sống của bạn?
Sống Lời Chúa: Thực hiện một hành vi biểu lộ đức tin trước khi làm bất cứ việc gì trong ngày sống.
Cầu nguyện: Cám tạ Chúa đã ban cho con ơn đức tin, để con có thể tin nhận Chúa là Cha. Xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của con, để con biết yêu Chúa nhiều hơn. Amen.

Anh là tảng đá
Cám dỗ tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục nhã, thất bại, khó nghèo là cám dỗ muôn thuở mà Thầy Giêsu và anh Phêrô đã trải qua, cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo hội mọi thời.


Suy nim:
Chúng ta đã quen cầu nguyện cho Đức giáo hoàng với bài hát:
“Này con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo hội…”
Theo Tin Mừng Gioan, ngay từ lần đầu gặp gỡ (Ga 1, 42),
Đức Giêsu đã đặt cho anh Simon một tên mới: Kêpha, nghĩa là Đá.
Trong bài Tin Mừng bằng tiếng Hy Lạp, Đức Giêsu nói với Simon:
“Anh là Petros (Phêrô), và trên petra (đá) này, Thầy sẽ xây Giáo Hội Thầy.”
Rất có thể Ngài đã nói với Simon bằng tiếng Do Thái thời của Ngài như sau:
“Anh là Kêpha, và trên kêpha này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy.”
Người Do Thái hầu như không có thói quen đặt tên con là Đá, Kêpha.
Khi đặt cho Simon cái tên lạ, Đức Giêsu đã muốn trao sứ mạng cho anh.
Anh sẽ là nền cho ngôi nhà mới của Thầy, do tay Thầy xây dựng (c. 18).
Ngôi nhà ấy chính là Giáo hội, là cộng đoàn giao ước mới do Thầy lập nên.
Chúng ta rất ngạc nhiên vì Đức Giêsu muốn đặt nền trên Kêpha (Phêrô),
một con người bình thường, một ngư phủ ít học.
Làm sao Giáo hội có thể xây nền trên một con người yếu đuối như thế?
Kêpha vững như bàn thạch không nhờ sức riêng, nhưng nhờ ơn Chúa.
Quyền lực của Tử thần, của Ác thần không thắng được cộng đoàn này.
Bất chấp những tấn công trong ngoài từ hai mươi thế kỷ qua,
Giáo hội vẫn đứng vững trên nền đá Phêrô, anh ngư phủ vùng Galilê,
đơn giản vì Chúa phục sinh vẫn luôn ở với Giáo hội (Mt 28, 20),
và vẫn tiếp tục xây dựng Giáo hội của Ngài trong sự thăng trầm của lịch sử.
Nhưng Phêrô cũng có những yếu đuối của mình.
Khi Thầy Giêsu loan báo về con đường khổ nạn và cái chết sắp đến,
Phêrô không thể chấp nhận được con đường hẹp này.
Dù đã được Cha mặc khải để biết Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa,
nhưng Phêrô lại chưa thể hình dung được một đấng Kitô thất bại ê chề.
“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (c. 22).
Nếu Thầy là Con Thiên Chúa, thì Cha chẳng để Thầy phải chịu như vậy.
Trong phút chốc, từ Đá Tảng vững chắc (kêpha, petra)
Phêrô trở thành viên đá làm cho Thầy vấp phạm (scandalon),
trở thành cơn cám dỗ lớn cho Thầy đến từ Satan (c. 23).
Đức Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ đối với anh môn đệ mà Ngài tin tưởng.
“Lui đi sau Thầy!”: Ngài nói giống như lần bị cám dỗ bởi Satan (Mt 4, 10).
Ngài muốn Phêrô trở lại vị trí đi sau của người môn đệ.
Cần có thời gian Phêrô mới hiểu được con đường Thầy đã đi.
và tự nguyện đón lấy cái chết thập giá mà chính Thầy đã chịu.
Cám dỗ tránh con đường hẹp của khổ đau, nhục nhã, thất bại, khó nghèo
là cám dỗ muôn thuở mà Thầy Giêsu và anh Phêrô đã trải qua,
cũng là cám dỗ muôn thuở của Giáo hội mọi thời.
Làm thế nào để chúng ta nghĩ như Thiên Chúa, chứ không như thế gian,
chọn sự ngu dại của Thập Giá hơn là sự khôn ngoan người đời (x. 1 Cr 1, 25)?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
Xin nhìn đến Hội Thánh của Chúa trên khắp hoàn cầu,
Hội Thánh Chúa đã lập bằng rất nhiều tình yêu.
Xin nhìn đến những nơi thiếu nhà thờ, cần chủ chăn,
những đồng lúa chín vàng chờ người gặt.
Xin nhìn đến những thánh đường vắng bóng giáo dân,
những chủng viện và tập viện phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.
Xin thương những kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi,
và  bao người trẻ mất đức tin, mất niềm hy vọng vào Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Hội Thánh sau hai ngàn năm đã lớn mạnh hơn nhiều,
nhưng vẫn bị đe dọa bởi bao sóng gió bên ngoài và bên trong.
Xin cho Hội Thánh biết không ngừng canh tân nhờ Thánh Thần,
để có thể đồng hành và đối thoại với con người hôm nay.
Xin cho các kitô hữu sống thánh thiện như Cha trên trời.
để những khiếm khuyết của chúng con khỏi làm cớ cho nhiều người bỏ Chúa.
Cuối cùng, xin Chúa cho Hội Thánh chúng con những vị thánh mới,
tươi tắn, khiêm hạ và nhân từ như Chúa,
để cuộc sống ngát hương của họ khiến Hội Thánh đáng tin hơn,
và chinh phục được những tâm hồn chưa biết Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay cho con thấy một điều: Thánh thiện và tội lỗi, cao cả và yếu hèn, siêu nhiên và tự nhiên… là hai thế lực luôn đan xen giữa cuộc đời của con. Phêrô mới tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt16, 16), ngay sau đó đã cản bước Chúa: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16, 22)

Với câu hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt16,13), không phải Chúa Giêsu muốn được nghe những lời khen ngợi của người khác dành cho mình. Hơn ai hết Chúa Giêsu biết mình là ai. Nhưng con nhận thấy những đoạn Tin Mừng phía trước Chúa mặc khải về mầu nhiệm Nước Trời, và bắt đầu từ đây, Chúa muốn mặc khải về bản thân mình cho người khác biết. Phải chăng Chúa muốn xem “trình độ” của các mộn đệ đến đâu để có thể xây dựng Giáo Hội của Chúa? Sau khi nghe Phêrô tuyên xưng đức tin, Chúa đã quyết định thành lập Giáo Hội, nhưng là chuyện trong tương lai, còn chuyện bây giờ là phải đi trên con đường thập giá: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt16, 18).

Những câu trả lời của các môn đệ là lập trường của quần chúng: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16, 14), là cách nói của tự nhiên. Chúa muốn các ông có cái nhìn siêu nhiên vượt qua những giới hạn của tự nhiên. Phêrô đã đại diện cho anh em mình để nói lên: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Chúa cho Phêrô biết sở dĩ ông nói được điều đó là nhờ Thiên Chúa Cha. Như vậy, rõ ràng không phải Chúa muốn biết các môn đệ có xứng đáng để Chúa trao nhiệm vụ dẫn dắt đoàn chiên của Chúa hay không, mà Chúa muốn biết thánh ý Chúa Cha, Chúa muốn xem Chúa Cha có muốn Ngài thiết lập Giáo Hội hay chưa. Qua lời tuyên xưng của Phêrô hôm nay, rõ ràng Chúa Cha đã muốn Ngài trao nhiệm vụ cho các môn đệ, nếu không Ngài đã không cho Phêrô khả năng tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Qua đó cho con thấy, khả năng nhận biết thực tại siêu nhiên, sự thánh thiện, sự cao cả không phải là khả năng của con người, mà là ân ban của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, không phải lúc nào con người của con cũng sống theo những sự cao siêu ở trên trời đâu. Phêrô vừa mới tuyên xưng Chúa thì ngay lập tức đã cản lối Chúa: “Xin Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt16, 22). Câu nói này cho con nhớ lại câu nói của con rắn trong sách Sáng Thế: “ Điều ấy sẽ không xảy đến cho bà đâu” (St 3,5). Vì vậy Matthêu ngụ ý Phêrô cũng đang cám dỗ Chúa như con rắn cám dỗ bà Eva năm xưa. Với câu nói này, Phêrô đã bị Chúa gọi là: “Satan, lui lại đàng sau Thầy” (Mt 16, 23). Sở dĩ Chúa nói nặng như vậy không phải Chúa ghét bỏ gì Phêrô đâu, nhưng Chúa đang “trừ quỷ” cho Phêrô, Chúa muốn Phêrô thức tỉnh để thấy những việc sai trái của mình. Việc sai trái của Phêrô là muốn đi “trước Chúa”, muốn dẫn đường chỉ lối cho Chúa, muốn Chúa phải theo ông. Vì vậy để thức tỉnh ông, Chúa đã kêu ông: “Lui lại đàng sau Thầy!”, theo sự hướng dẫn của Thầy…

Lạy Chúa, với lời Chúa ngày hôm nay, xin cho con ý thức những điều tốt đẹp con làm được là do ân ban của Thiên Chúa, để con tránh thói kiêu ngạo, và nhất là để con tỉnh táo đề phòng trước những âm mưu của ma quỷ. Điều quan trọng là con ý thức mình là môn đệ của Chúa, mình đi theo Chúa chứ không phải là thầy của Chúa, không phải bắt Chúa làm theo những gì mình muốn. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám

8 THÁNG TÁM

Tìm Kiếm Câu Trả Lời Bằng Con Mắt Đức Tin

Sự đau khổ được nhìn qua con mắt đức tin – ngay cả dù vẫn có vẻ thật ảm đạm – sẽ cho phép chúng ta nhận ra mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa. Mầu nhiệm này được tóm kết trong mạc khải Đức Kitô, nhất là trong cái chết Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người. Con người vẫn không ngừng đặt ra những vấn nạn về sự dữ và đau khổ trong thế giới thụ tạo, song chắc chắn con người không thể nào tìm thấy những lời giải đáp trực tiếp được. Không thể tìm thấy sự giải đáp trực tiếp nếu không có một đức tin sống động vào Đức Giê-su Kitô.

Nhưng dần dần, với sự giúp đỡ của đức tin được nuôi duỡng bằng cầu nguyện, chúng ta có thể khám phá ra ý nghĩa đích thực của những nỗi thống khổ mà mọi con người kinh nghiệm trong đời. Sự khám phá này phụ thuộc vào lời mạc khải thần linh và vào “lời của thập giá” Đức Kitô (1Cr 1,18) – thập giá chính là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).

Công Đồng Vatican II dạy chúng ta: “Nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta được soi sáng về bí ẩn của sự đau khổ và sự chết, bí ẩn này sẽ đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm” (MV 22). Nếu nhờ đức tin, chúng ta khám phá ra sức mạnh và “sự khôn ngoan” này, thì đấy là chúng ta đang bước đi trên con đường cứu độ của sự quan phòng của Thiên Chúa. Ý nghĩa của lời Thánh Vịnh bấy giờ sẽ thành hiện thực hoàn toàn đối với chúng ta:

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi …
Dù tôi đi trong thung lũng tối tăm,
tôi vẫn không lo sợ gì,
vì có Chúa ở cùng tôi” (Tv 23,1-4).

Vâng, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa luôn sóng bước cùng với con người.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 08-8
Thánh Đa Minh, linh mục
Ds 20, 1-13; Mt 16, 13-23

LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện ông Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, và Chúa Giêsu tiên báo về cuộc Thương Khó của Ngài lần thứ nhất. Cho chúng ta thấy được nơi mỗi người chúng ta đều có cái tính giống của Phêrô, đó là: nhắm đến quyền lực và quyền lợi cho mình cho nhóm của mình, tin ở nơi mình, nhóm mình sẽ làm tốt hơn người khác, nhóm khác. Nhưng với Chúa Giêsu, quyền lực, quyền lợi là cám dỗ mà Ngài phải vượt lên trên nó. Điều này Chúa Giêsu đã chiến thắng trong hoang địa, nhưng cám dỗ này luôn tìm cơ dịp để thực hiện cho bằng được. Nên khi Phêrô ngăn cản Chúa lên Giêrusalem Chúa đã bảo ông Phêrô: “Xa-tan lui lại dàng sau Thầy”(c.23). Ước gì mỗi người trong chúng ta được Chúa ban cho quyền phục vụ, để phục vụ


Mạnh Phương

Gương Thánh nhân


Ngày 08-08
Thánh ĐAMINH, Linh mục (1170 - 1221)

Thánh Đaminh sinh tại Castille, Tây Ban Nha, năm 1170. Truyện về tuổi trẻ của Ngài nói tới nhiều điềm báo lạ lùng. Mẹ Ngài, bà Aza mơ thấy con mình như một con chó ngậm đuốc chạy khắp cả thế gian. E ngại vì giấc mơ này bà làm tuần cửu nhật xin cho được sinh nở vuông tròn đến ngày thứ bảy, vị chánh sở nói với bà : - Đừng sợ gì vì đứa trẻ sinh ra sẽ trở thành ánh sáng thế gian và niềm an ủi cho Giáo hội, nhờ sự thánh thiện và giáo thuyết của nó.
Khi trẻ Đaminh còn nằm trong nôi, một bầy ong mật lượn quanh rồi êm ái đậu xuống nơi nôi Ngài. Điều này báo trước rằng lời lẽ miệng Ngài sẽ êm dịu như mật ngọt. Ngày chịu phép rửa tội, vú nuôi Ngài thấy một vì sao chói sáng trên trán Ngài. Đó là dấu ơn thánh Ngài sẽ tỏa chiếu để thu hút các linh hồn.
Được cưng chiều, thánh Đaminh sớm sống đời khổ hạnh. Ngài học hãm mình cầu nguyện khi vừa thôi nôi. Người vú nuôi nhiều lần thấy Ngài âm thầm thức dậy trong đêm tối để cầu nguyện. Ngài chọn một nơi thanh vắng ở cuối vườn làm nơi tâm sự với Chúa. Đức Trinh nữ thường hiện ra với Ngài, dạy Ngài lần chuỗi. Việc đạo đức này về sau trở thành phương thế hữu hiệu để cải hóa những người theo lạc giáo.
Đến tuổi đi học, Đaminh được gởi tới thụ giáo với ông cậu là tổng linh mục ở Gumiel. Năm 14 tuổi, Ngài theo học tại đại học ở Palencia và đã tiến triển rất nhanh về hiểu biết lẫn nhân đức. Nạn đói lan tràn nước Tây Ban Nha, một người bạn đến thăm Đaminh không thấy đồ dùng lẫn những pho sách quí đâu nữa. Ngài đã bán để giúp người nghèo khó rồi. Gương sáng này đã lôi kéo được nhiều sinh viên lẫn các giáo sư bắt chước.
Sau khi hoàn tất việc học, Đaminh được đức Chadiegô, giám mục Osma truyền chức linh mục. Vị giám mục đạo đức này đang muốn canh tân lòng đạo đức trong giáo phận, đã đặt cha Đaminh làm kinh sĩ. Khi lo chuyện nhà nước qua Châu Au, đức cha Diegô dẫn cha Đaminh đi theo. Tại Languedoc, các Ngài được chứng kiến được tàn phá mà bè rối Albigeois gây ra. Họ chủ trương rằng: mọi vật chất đều xấu và do ma quỉ. Sự hoàn thiện theo họ, hệ tại sự từ bỏ phi nhân bản để sống khắc khổ. Chủ trương này dẫn tới sự lãnh cảm. Chẳng hạn đối với việc hôn nhân và chôn vùi mọi cơ cấu xã hội gia đình. Họ còn có lễ nghi, và phẩm trật riêng. Người ta bị phân thành hai loại: một bên gồm những người hoàn thiện và những nhà lãnh đạo sống rất khắc khổ; bên kia là quần chúng tìm thấy nơi giáo thuyết mới lý do bào chữa cho sự tự do luân lý không bị kiềm chế của mình.
Trên đường về, đức cha Diegô và cha Đaminh đến Roma xin từ nhiệm để dấn thân vào cuộc truyền giáo quanh vùng Dniepen. Đức giáo hoàng Innocentê III từ lâu đã mong có người ra đi rao giảng tại miền nam nước Pháp, chống lại ảnh hưởng của bè rối Albigeois, thay vì chấp nhận lời thỉnh cầu, Đức giáo hoàng sai các Ngài tới miền nam nước Pháp. Hai người đã tới phụ lực với các sứ giả đã được sai tới trước kia. Tại Montpellier, đức cha Diegô đã nhận thấy sự khác biệt giữa các nhà giảng thuyết công giáo đầy xa hoa với các nhà giảng thuyết phái Albigeois đầy khiêm tốn giản dị. Các Ngài chọn đường lối khác, lấy khó nghèo và cầu nguyện làm gương sáng thu hút mọi người. Tháng 4 năm 1207, nhiều tu sĩ Xitô đến trợ lực. Trong vòng một năm trời, có đến 40 vị dấn thân vào hoạt động. Những thành công sơ khởi bắt đầu tới, nhưng không kéo dài được lâu. Các tu sĩ Xitô nản lòng. Đức cha Diegô trở về Tây Ban Nha kiếm thêm người trợ lực và qua đời tại đây. Một vị sự thần cũng từ trần. Tệ hại hơn cả là Phêrô Castelman, vị sự thần khác, bị bọn lạc giáo ám sát.
Còn lại mình cha Đaminh. Ngài vẫn tiếp tục nhiệt tình hoạt động trong đường lối khổ hạnh và cầu nguyện. Không chấp nhận kiểu rao giảng khua trống gióng chiêng, Ngài nói : - Không thể đến với kẻ thù như vậy được. Hãy trang bị bằng kinh nguyện và chân không mà đến với tên khổng lồ Goliath.
Trong sáu năm, cha Đaminh trải qua nhiều sóng gió, ngay khi mới tới, đức cha Diegô và Ngài đã thiết lập một cộng đoàn nữ tu tại Prouille. Bây giờ Ngài chỉ còn là trợ lực duy nhất, một ngày kia trong khi nhiệt tình cầu nguyện, thánh nhân than thở tại sao số người lạc giáo quá nhiều mà trở lại thì quá ít. Đức Trinh nữ đã hiện ra và dạy Ngài hãy rao giảng phép lần hạt Mân Côi. Vâng lời Mẹ, thánh nhân dồn nỗ lực vào việc truyền bá sự sùng kính kỳ diệu này, thay vì tranh luận như trước, Ngài dạy dân chúng hiểu phương pháp và tinh thần khi lần chuỗi. Ngài dẫn giải cho họ các mầu nhiệm thánh. Kết quả thật lạ lùng. Sau một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã được an ủi khi thấy hơn một trăm ngàn người tội lỗi và những kẻ lạc giáo được đưa trở về với Giáo hội.
Hoàn thành sứ mệnh, thánh Đaminh có ý định thành lập một dòng tu làm vườn ươm các tông đồ. Ngài trình bày dự tính với Đức giáo hoàng Innocentê III. Nhưng đức giáo hoàng ngần ngại. Đêm sau Ngài mơ thấy đại giáo đường Lateranô bị rung chuyển và thánh Đaminh đưa vai chống đỡ bức tường cho khỏi sụp đổ. Biết ý Chúa Ngài cho gọi thánh nhân đến và chấp thuận cho lập dòng mới. Đây là dòng giảng thuyết.
Khi còn ở Roma, một đêm kia, trong lúc cầu nguyện, thánh Đaminh thấy Chúa Giêsu giận dữ muốn phóng ba ngọn đuốc xuống thiêu hủy thế gian: - Loài người lao mình vào nết xấu kiêu căng nhục dục và biển lận, nên Ta muốn hủy diệt chúng bằng 3 ngọn lửa này.
Nhưng đức trinh nữ cản lại: - Con ơi, hãy thương xót thế gian. Này đây có hai người sẽ làm sống dậy các nhân đức.
Đaminh biết mình là một, nhưng người kia là ai thì chưa rõ. Hôm sau khi đến nhà thờ Ngài gặp một tu sĩ, mặc đồ người ăn xin ngồi ngay cửa. Đó là thánh Phanxicô. Hai người chưa gặp nhau, nhưng đã ôm choàng lấy nhau và gọi tên nhau. Các Ngài hợp nhất với nhau trong công cuộc của Chúa.
Thánh Đaminh đề cao việc học, Ngài gởi các tu sĩ đến các đại học, Ngài truyền : - Chớ gì các tu sĩ chuyên cần học tập ngày đêm. Lúc ở nhà cũng như khi đi ngoài đường, họ phải không ngừng đọc sách và suy gẫm.
Thánh Đaminh rảo qua khắp nẻo trên đường giảng dạy, một thanh niên ngây ngất hỏi Ngài đã học cách nào, Ngài nói : - Hỡi con trong sách đức ái đó, sách này hơn mọi sách dạy bảo tất cả.
Một năm trước khi qua đời, các cha dòng Đaminh đã được sai tới Oxford, Hungaria, Đan Mạch và Hy lạp. Thánh Đaminh qua đời tại Bologna ngày 6 tháng 8 năm 1221.


(daminhvn.net)


08 Tháng Tám

Vị Thánh Của Kinh Mân Côi



Ðaminh, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, mở mắt chào đời năm 1170 bên Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc, nhưng ngay từ nhỏ, Ðaminh đã tập quen sống hãm mình. Ngoài ra, Ðaminh có tính khẳng khái, thích làm việc có hệ thống và chú ý đến việc trau dồi kiến thức.
Khi làm linh mục, rồi kinh sĩ, Ðaminh nổi bật về lòng ngay thẳng, hăng hái và tinh thần hy sinh. Ngài cảm thấy như được Chúa gọi đi để loan báo Tin Mừng cho các bộ lạc bên nước Nga, nhưng Ðức Innocentê thứ 3 lại cử ngài đến hoạt động tại Toulouse bên Pháp, nơi những làn sóng lạc giáo đang làm lung niềm tin của nhiều người.
Ðaminh xác tín rằng: Lời giảng dạy phải đi đôi với cuộc sống. Vì thế, ngài đã lập một hội dòng, quy tụ các tu sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm để có thể rao giảng, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của mình. Chính Ðaminh đã là người đầu tiên làm gương về nếp sống ấy bằng cách đi chân không, ngủ dưới đất, ăn chay và sống bằng của bố thí.

Vào năm 1216, Ðức Hônôriô thứ 3 đã phên chuẩn dòng do cha Ðaminh sámg lập mang tên "Dòng anh em giảng thuyết" theo quy luật của thánh Augustinô, tức là dòng Ðaminh ngày nay. Thiên Chúa chỉ dành cho cha Ðaminh 5 năm vắn vỏi để chu toàn sứ mệnh của người gieo giống. Suốt thời gian này ngài đã rảo qua các nước Pháp, Italia và Tây Ban Nha để rao giảng và đã đưa nhiều người ly giáo trở về với Giáo Hội.
Trong suốt cuộc sống, Ðaminh đã nêu cao gương hy sinh và cầu nguyện. Ngoài ra, ngài còn truyền bá lòng sùng kính Ðức Maria và kinh Mân Côi, vì thế, ngài đã thành lập một dòng nữ để giúp chị em sống theo tinh thần này.
Cha Ðaminh qua đời tại Bologna bên italia ngày 06/8/1221 và chỉ 13 năm sau, vào năm 1234, Ðức Gregoriô thứ 9 tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.

Có một câu chuyện thuật lại giấc mơ của thánh Ðaminh: Ngài thấy thế gian sắp bị án công thẳng của Thiên Chúa luận phạt, nhưng được cứu thoát nhờ lời cầu bàu của Ðức Maria. Ðức Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu hai hình ảnh: một hình ảnh là chính Ðaminh và hình ảnh kia là một người ăn mày quần áo rách tả tơi.
Ngày hôm sau, trong lúc cầu nguyện trong nhà thờ, Ðaminh thấy người ăn mày trong mộng xuất hiện, tiến đến gần, ôm chầm Ðaminh và nói: "Anh là người đồng hành với tôi. Nếu chúng ta cùng sánh vai tiến bước, thì không quyền lực nào có thể thắng chúng ta". Nhìn kỹ, Ðaminh nhận ra người ăn mày đó chính là Phanxicô thành Assisi.
Cuộc gặp gỡ này của hai vị sáng lập dòng vẫn được các tu sĩ Ðaminh và Phanxicô mừng mỗi năm. Vào ngày lễ kính hai thánh nhân, họ cùng nhau dâng Thánh Lễ và sau đó ngồi vào bàn để chia sẻ với nhau những tấm bánh và những lý tưởng đã làm cho Giáo Hội trở nên phong phú trong việc sống theo tinh thần Phúc Âm trải qua 7 thế kỷ nay.
Lý tưởng mà dòng Ðaminh cũng như của các dòng khác không phải chỉ để chúng ta kính phục, nhưng cũng là để chúng ta noi gương. Các tu sĩ là những người tự nguyện sống trọn những lời khuyên của Phúc Âm qua ba lời khấn: khó nghèo, thanh tinh, vâng lời. Ðó cũng là ba nhân đức mà mỗi người Kitô cũng phải thực hành tùy sức, tùy hoàn cảnh và địa vị của mình.

(Lẽ Sống)

Thứ Năm 8-8
Thánh Ða Minh
(1170-1221)


Sinh trong một gia đình quyền quý và đạo hạnh ở Tây Ban Nha, ngay từ nhỏ Thánh Ða Minh đã có chí hướng đi tu. Ngài theo học ở Palencia, và có lẽ được thụ phong linh mục trong khi còn đi học, và được bổ nhiệm là kinh sĩ ở Osma năm 1199. Ở đây ngài làm bề trên của một tu nghị, nổi tiếng là theo sát quy luật của Thánh Bênêđíctô.
Năm 1203, ngài tháp tùng Ðức Giám Mục của Osma đến Languedoc, là nơi Thánh Ða Minh rao giảng chống với lạc thuyết Albigensian, và giúp cải tổ dòng Xitô. Thánh Ða Minh thành lập một tổ chức dành cho phụ nữ ở Prouille trong thuộc địa của phe Albigensian và giao cho một vài nữ tu trông coi với quy luật do chính ngài viết ra.
Khi vị đại diện đức giáo hoàng bị bè phái Albigensian sát hại năm 1208, Ðức Giáo Hoàng Innôxentê III đã phát động một cuộc thập tự chinh do Bá Tước Simon IV cầm đầu để chống với bè rối này. Thánh Ða Minh đi theo đạo quân để rao giảng cho những người lạc giáo, nhưng không thành công lắm. Vào năm 1214, Bá Tước Simon tặng cho Thánh Ða Minh một lâu đài ở Casseneuil, và cùng với sáu môn đệ, thánh nhân đã thành lập một tu hội tận tụy cho việc hoán cải người lạc giáo Albigensian.
Trong Công Ðồng Latêranô lần thứ tư năm 1215, Thánh Ða Minh thất bại trong việc xin phê chuẩn tu hội, nhưng được Ðức Giáo Hoàng Honorius III chuẩn y vào năm tiếp đó, và Dòng Thuyết Giảng (các tu sĩ dòng Ða Minh) được thành lập.
Thánh Ða Minh dùng quãng đời còn lại để tổ chức dòng, đi khắp nước Ý, Tây Ban Nha và Pháp để rao giảng và thu hút các thành viên mới, cũng như thiết lập các trung tâm của dòng. Dòng Thánh Ða Minh thành công trong việc hoán cải khi áp dụng quan niệm của thánh nhân là hài hòa giữa đời sống trí thức với nhu cầu của quần chúng.
Ngài triệu tập hội đồng chung trong dòng vào năm 1220 ở Bologna và từ trần ở đây vào năm tiếp đó, sau khi bị lâm bệnh và buộc phải trở về trong chuyến rao giảng ở Hung Gia Lợi.
Ngài được phong thánh năm 1234.
* Thuyết Albigensian dựa trên thuyết nhị nguyên về hai nguyên tắc đối nghịch nhau, sự thiện và sự dữ, mà mọi vật chất được coi là xấu xa và người tạo nên thế giới vật chất được coi là ma quỷ. Do đó, học thuyết Nhập Thể bị khước từ, và Cựu Ước cũng như các Bí Tích bị tẩy chay. Ðể trở nên tuyệt hảo hay "tinh tuyền", người theo thuyết này phải tránh tình dục và cực kỳ kiêng cữ ăn uống. Nhịn đói đến chết được coi là một hành động cao quý. Với hình thức thái quá này, thuyết Albigensian được coi là nguy hiểm cho xã hội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét