Trang

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

23-08-2013 : THỨ SÁU TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên
Ruth 1,14b


BÀI ĐỌC I:   R 1, 1. 3-6. 14b-16. 22
"Bà Nôêmi cùng nàng dâu người Moab là bà Ruth, từ nơi di cư trở về thành Bêlem".

Khởi đầu sách truyện Bà Ruth.
Khi các quan án cầm quyền, thì dưới thời một quan án kia, trong xứ xảy ra nạn đói kém. Có một người thành Bêlem, thuộc chi tộc Giuđa, đem vợ và hai con sang cư ngụ trong miền Môab.
Và Elimêlech, chồng bà Nôêmi, qua đời, để bà lại với hai con. Hai con bà cưới hai thiếu nữ Môab làm vợ: một tên là Orpha, còn người kia tên là Ruth. Họ chung sống ở đó được mười năm, thì cả hai người chồng là Mahalon và Kêlion cũng qua đời, còn lại mình bà Nôêmi không chồng con. Bấy giờ bà Nôêmi cùng với hai nàng dâu định bỏ đất Môab trở về quê hương, vì nghe nói Chúa thương dân Người, và ban cho họ lương thực.
Bà Orpha hôn mẹ chồng và ở lại đó. Còn bà Ruth thì đi theo mẹ chồng. Bà Nôêmi bảo bà Ruth rằng: "Kìa, chị dâu con đã ở lại với dân mình và các thần minh của họ, con hãy ở lại với chị con". Bà Ruth thưa lại rằng: "Xin mẹ đừng bắt con bỏ mẹ mà ở lại, vì mẹ đi đâu thì con cũng đi theo đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con, và Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con".
Vậy bà Nôêmi cùng nàng dâu người Môab là bà Ruth, từ nơi di cư trở về thành Bêlem, vào đầu mùa gặt lúa.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 145, 5-6. 7. 8-9a. 9bc-10
Đáp:Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa (c. 2a).

Hoặc đọcAlleluia.

1) Phúc thay người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ, người đặt hy vọng vào Chúa là Thiên Chúa của mình: Người là Đấng đã tạo thành trời đất, biển khơi và muôn vật chúng đang chứa đựng. -  Đáp.
2) Người là Đấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.   -  Đáp.
3) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù. Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. -  Đáp.
4) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường lối đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.   -  Đáp.

ALLELUIA:  Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 22, 34-40
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?" Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".  Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Giới Răn Yêu Thương

Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/8/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ tại Nhật, đó là "Sư máy". Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi đưa lên, một tay thì gõ mõ. Mỗi vị sư máy có thể cầu kinh không biết mỏi mệt, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật. Sáng kiến này được đưa ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương.
Yêu thương là đặc điểm của con người. Thú vật có thể có cảm giác, nhưng đó không hẳn là yêu thương. Chỉ có con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu mới thực sự được mời gọi yêu thương mà thôi.
Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người. Trả lời cho thắc mắc của luật sĩ, Chúa Giêsu đã thu tóm tất cả lề luật thành một giới răn duy nhất là mến Chúa và yêu người. Hai mệnh lệnh này là một giới răn duy nhất, bởi vì không thể kính mến Chúa mà lại ghét bỏ hình ảnh của Ngài là con người, cũng như không thể yêu thương con người mà lại không nhận ra và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu chân thật. Tách biệt hai mệnh lệnh ấy là chối bỏ tình yêu. Các luật sĩ và các biệt phái thời Chúa Giêsu quả là những người đạo đức: họ ăn chay, cầu nguyện và tỏ ra yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết; thế nhưng Chúa Giêsu đã điểm mặt họ là những kẻ giả hình, bởi vì lòng yêu mến Chúa nơi họ không được thể hiện bằng tình yêu đối với tha nhân. Chúa Giêsu còn gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì bóng loáng, nhưng bên trong thì thối rữa. Có thể so sánh thái độ giả hình ấy với một người máy: người máy có thể làm được nhiều cử chỉ ngoạn mục, nhưng không có một tâm hồn để yêu thương thực sự.
Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Ðạo. Ði Ðạo, sống Ðạo, giữ Ðạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: "Thiên Chúa là Tình Yêu", và ngài dẫn giải: "Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Ðấng nó không thấy".
Nguyện xin cho cuộc sống của chúng ta ngày càng được thanh luyện và gần gũi hơn với cốt lõi của Ðạo là Yêu Thương.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 20 TN1, Năm lẻ.

Bài đọc: Ruth 1:1, 3-6, 14b-16, 22; Mt 22:34-40.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mến Chúa, yêu người.

Ngày xưa, khi còn ở Việt-nam, các con dâu rất sợ mẹ chồng và sợ làm dâu cho gia đình chồng, vì có những bà mẹ chồng rất khắc nghiệt. Họ quan niệm phải trả thù con dâu, vì ngày xưa khi làm dâu, họ cũng từng bị đối xử như vậy. Ngày nay, bên các xứ Âu Mỹ này, các mẹ chồng lại sợ con dâu, và nhiều còn gọi là "bà dâu." Họ sợ con dâu bầy ra những lý do để cho họ vào viện dưỡng lão, và nhất là sợ con dâu sẽ ly dị để con trai mình phải ở góa. Cả hai thái cực đều quá đáng, và cả mẹ chồng lẫn con dâu Công Giáo cần phải thay đổi thái độ. Khi đối xử với nhau xung khắc như thế, họ đã không giữ giới răn "mến Chúa yêu người" như Chúa dạy. Ngoài ra, họ còn đặt con trai hay người chồng của họ vào vị thế phải điên đầu chọn lựa giữa "bên tình, bên hiếu." Chọn bên nào cũng không được vì Thiên Chúa đòi phải chọn cả hai.

Các Bài Đọc hôm nay cung cấp các chất liệu cho mọi người, cách riêng mẹ chồng con dâu, những chất liệu để suy tư. Trong Bài Đọc I, tác giả cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời về mối liên hệ giữa mẹ chồng Naomi và con dâu Ruth. Bà Naomi phải cư xử với con dâu đặc biệt thế nào, đến nỗi khi con trai của Bà chết rồi mà nàng Ruth có thể thưa với Bà: "Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con." Trong Phúc Âm, khi một kinh sư đến hỏi thử Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, trong sách Luật Moses, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng hai giới răn: Mến Chúa, yêu người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con.

1.1/ Hoàn cảnh đáng thương của bà Naomi: Tác giả kể: "Vào thời các thủ lãnh cai trị, một nạn đói xảy ra trong xứ. Có một người cùng với vợ và hai con trai bỏ Bethlehem miền Judah mà đến ở trong cánh đồng Moab. Rồi ông Elimelech, chồng bà Naomi, chết đi, còn lại bà Naomi và hai đứa con. Hai người này lấy vợ Moab, một người tên là Orpah, người kia tên là Ruth. Họ ở lại đó chừng mười năm. Rồi Mahlon và Chilion cả hai đều chết, còn lại bà Naomi mất chồng, mất con."

Không thể sống trong cảnh góa bụa nơi đất khách quê người, bà Naomi quyết định bỏ cánh đồng Moab để trở về quê hương là Bethlehem, vì Bà nghe nói là Đức Chúa đã viếng thăm dân Người và cho họ có bánh ăn ở đó.

1.2/ Sự trung thành và kính mến mẹ chồng của bà Ruth.

(1) Lời khuyên của bà Naomi cho hai nàng dâu người Moab: Trước khi lên đường, bà Naomi gọi hai người con dâu tới mà nói với họ: vì hai con trai của Bà đã chết, và Bà cũng chẳng có người con trai nào nữa cho họ kết hôn; nên họ không có bổn phận phải đi theo Bà. Họ có thể ở lại quê hương của họ và tái hôn như lòng họ mong muốn.

(2) Phản ứng của hai nàng dâu ngoại quốc: Hai người con dâu lại oà lên khóc. Orpah ôm hôn từ giã mẹ chồng, còn Ruth thì cứ khắng khít theo bà. Bà Naomi nói: "Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!" Ruth đáp: "Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con."

Đây là một lời khuyên xứng đáng được người Do-thái cho vào lịch sử vì những lý do sau:

+ Tình cảm đặc biệt giữa mẹ chồng và nàng dâu: Mối liên hệ này thường không tốt đẹp. Để nàng Ruth có thể thốt lên những lời này, nhất là khi chồng nàng không còn nữa, đòi bà Naomi phải chiếm được cảm tình đặc biệt của con dâu mình.

+ Mối liên hệ giữa người Do-thái và người Moab: Truyền thống Do-thái có thói quen khinh thường mọi dân tộc khác; họ không muốn có liên hệ gì với những người dân ngoại. Để nàng Ruth có thể thốt lên câu "dân của mẹ là dân của con,'' đòi bà Naomi đối xử với con dâu mình như một người Do-thái. Hơn nữa, đây cũng là điềm tiên báo khi Đấng Cứu Thế đến, sẽ không còn chia cách giữa người Do-thái và Dân Ngoại như thánh Phaolô mô tả.

+ Tình người giữa hai mẹ con dẫn nàng Ruth tới chỗ chấp nhận "Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con." Cuộc sống của bà Naomi đã trở nên gương sáng cho nàng Ruth biết và tin vào Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Hai điều răn quan trọng nhất

2.1/ Kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Sadducees phải câm miệng, thì những người Pharisees họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Moses, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" Đức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất."

Đây là điều răn thứ nhất trong Thập Giới mà Thiên Chúa ban cho người Do-thái qua ông Moses trên núi Sinai. Người Do-thái gọi điều răn này là Shema; và để cho khỏi quên, họ viết vào giấy rồi đeo nó trên đầu như thẻ kinh, và đựng vào hai cái hộp nhỏ để đeo trên hai cánh tay mỗi khi cầu nguyện. Ngoài ra họ còn dán trên cửa nhà và cửa thành, để nhắc nhở cho những ai qua lại phải nhớ. Một giới răn quan trọng và được dán khắp mọi nơi như thế, mà các kinh-sư và biệt-phái còn hỏi Chúa Giêsu! Chúng ta không tìm thấy lý do nào khác ngoài lý do họ khinh thường Chúa.

Điều răn này tuy dễ để nhớ, nhưng không dễ để thi hành, cho cả người Do-thái xưa lẫn các Kitô hữu ngày nay. Người Do-thái biết phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, nhưng vẫn đúc bê vàng để thờ hay chạy theo các thần ngoai bang khác. Người tín hữu ngày nay vẫn đặt các thứ thần khác lên trên Thiên Chúa như các thần: tiền, danh vọng, chức quyền, khoái lạc ... Họ có thể bỏ lễ Chủ Nhật hay các việc thờ phượng để làm việc, coi football, đi du lịch ...

2.2/ Yêu người thân cận như chính mình: "Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Moses và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." Hai luật "mến Chúa, yêu người" không thể tách rời nhau, nhưng bổ xung cho nhau. Thánh Gioan tuyên bố: Ai nói mình mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối, và sự thực không có nơi người ấy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Khi con dâu thương mẹ chồng là nàng thương chồng. Điều răn thứ tư dạy phải thảo hiếu cả bố mẹ ruột lẫn bố mẹ chồng; đừng ích kỷ chỉ biết thảo hiếu bố mẹ ruột của mình mà thôi.

- Khi mẹ chồng thương con dâu là thương con trai mình. Các bà mẹ đừng bao giờ để con trai mình phải chọn giữa mẹ và vợ. Thiên Chúa muốn con mình vừa phải thảo hiếu cha mẹ, vừa phải trung thành với vợ cho đến chết.

- Kính mến Thiên Chúa là phải yêu thương tha nhân và giữ các giới răn của Ngài.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 20 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 22,34-40

A. Hạt giống...
Trả lời cho một luật sĩ hỏi “Giới răn nào trọng nhất ?”, Chúa Giêsu đưa ra hai giới răn mến Chúa và yêu người.
Đặc biệt, Ngài nói “Giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất”, và “Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

B.... nẩy mầm.
1. Những luật sĩ do thái rất thuộc luật và giữ luật rất kỹ, nhưng họ không biết đến cốt lõi của mọi khoản luật là yêu thương. Có thể chúng ta cũng thế : hằng ngày chăm chỉ giữ luật Giáo Hội và luật cộng đoàn, nhưng không có tình mến Chúa và yêu người. Nếu thế thì tất cả đều vô ích.
2. Có người nói yêu người khó hơn mến Chúa. Dĩ nhiên, vì con người không dễ thương bằng Chúa. Thế nhưng Chúa Giêsu đã coi giới răn thứ hai cũng bằng giới răn thứ nhất.
3. “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không tể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Ngài : ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,20-21)
4. Có một tác giả tưởng tượng câu chuyện sau :
Trên đường đi đến miền đất Chúa hứa, Abraham dựng một cái lều để nghỉ chân. Vừa ra khỏi lều, ngài thấy một người hành khất xin giúp đỡ. Động lòng thương, ngài mời người đó vào và làm tiệc thiết đãi. Trước khi ăn tiệc, ngài mời người hành khất cùng dâng lời chúc tụng cảm tạ Chúa. Nhưng vừa nghe thấy tiếng “Chúa”, người ăn mày liền nói lộng ngôn xúc phạm đến Chúa. Abraham nổi giận đuổi người đó ra khỏi lều. Đêm đó, khi Abraham quì cầu nguyện, ngài nghe có tiếng Chúa nói như sau : “Này Abraham, ngươi có biết người ăn mày đó đã nhục mạ Ta 50 năm qua không ? Thế mà mỗi ngày Ta vẫn ban lương thực cho nó. Ngươi không yêu thương cho nó một bữa ăn sao ?”.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải là một người cha yêu thương mọi con cái, ngay cả những đứa con bất hiếu ngỗ nghịch. Đồng thời Ngài mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha trên trời, nghĩa là yêu thương mọi người không loại trừ người nào. Đó là tất cả giáo huấn của Chúa Giêsu : Ngài đến để nói với con người rằng Thiên Chúa yêu thương con người và con người cũng hãy yêu thương nhau. ("Mỗi ngày một tin vui")
5. “Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu thương lân cận như chính mình” (Mt 22,39)
Thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu được giao phó trông coi một chị nữ tu lớn tuổi. Chị này nổi tiếng là khó tính trong nhà dòng. Đến giờ ăn, Têrêxa phải dìu chị đi xuống nhà ăn. Một thiếu sót nhỏ cũng đủ cho Têrêxa bị trách móc. Chị ấy bực bội, không bằng lòng, nhưng Têrêxa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì thánh nữ yêu mến Chúa ; và vì tình yêu Chúa, thánh nữ yêu mến người nữ tu đáng thương này.
Tình yêu đối với Chúa phải được tỏ hiện qua dấu hiệu bên ngoài là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta phải chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không những bằng lời nói nhưng còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông.
Lạy Chúa, xin cho chúng  con luôn biết yêu thương tha nhân, nhất là những người thân, sống trong gia đình chúng con. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

23/08/13 THỨ SÁU TUẦN 20 TN
Th. Rôsa Lima, trinh nữ
Mt 22,34-40

YÊU  NHƯ CHÚA YÊU
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37-39)

Suy niệm: Có người nói rằng có thể dùng từ “yêu mến” để giải thích tất cả giáo lý Công giáo. Bốn Phúc Âm, nói rộng hơn, cả bộ Tân ước và thâm chí toàn bộ Thánh Kinh đều có thể tóm tắt trong một từ đó. Bài học duy nhất mà Đức Giêsu muốn dạy cho chúng ta, những học trò của Ngài tại trường Giêsu cũng là bài học yêu mến. Bí quyết làm nên cuộc đời Giêsu, một cuộc đời hiếu trung với Chúa Cha và phục vụ con người không mệt mỏi, cũng là yêu mến. Yêu mến theo Đức Giêsu không phải là thứ tình cảm bồng bột, nhưng là quyết định gắn bó với hoàn toàn với Chúa, để Ngài toàn quyền chi phối cuộc đời mình.
Mời Bạn: Ý thức yêu mến là điều quan trọng số một trong cuộc đời bạn. Muốn biết cuộc đời bạn thành công hay thất bại, bạn chỉ có một tiêu chuẩn để phân định, đó là bạn đã sống yêu mến chưa?
Chia sẻ: Tôi đã yêu mến Chúa chưa? Dấu hiệu để nhận biết là tôi có để Ngài có quyền trên cuộc đời tôi không?
Sống Lời Chúa: Tôi tập sống yêu mến Chúa qua việc yêu mến anh em, mà cụ thể là quan tâm đến những nhu cầu của người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, là mẫu mực tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con biết yêu nhau như Chúa yêu chúng con để chúng con trở thành trái tim cho thế giới đang khô cằn vì thiếu tình yêu. Xin cho chúng con biết sống với tha nhân và cho tha nhân bằng cách quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Amen.

Điều răn trọng nhất
Kitô hữu tự bản chất là người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu. Tình yêu đích thực với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em. Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa. 



Suy nim:
Theo truyền thống hội đường Do thái, Luật gồm 613 điều răn.
365 điều cấm làm và 248 điều phải làm.
Giữa một rừng điều răn như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu:
“Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?” (c. 36).
Đức Giêsu đã trả lời bằng một câu trong kinh Shema,
kinh mà người Do thái phải đọc mỗi ngày.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Tl 6, 5).
Và Ngài còn thêm một điều răn thứ hai nữa (c. 39).
“Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18).
Tất cả Luật Môsê nằm trong hai điều răn đó.
Hai điều răn được gói trong một động từ yêu.
Mọi điều cấm làm và mọi điều buộc làm, đều bắt nguồn từ và qui về tình yêu.
Các bạn trẻ thường nghĩ yêu là chuyện dễ.
Nhưng yêu với tất cả trái tim, tất cả linh hồn, tất cả trí khôn, tất cả sức lực,
nghĩa là yêu với trọn cả con người mình, thì điều đó không dễ.
Đối với người Do thái, trái tim là nơi phát sinh toàn bộ đời sống tinh thần.
Yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả trái tim của mình
là để cho Ngài chi phối mọi tư tưởng, mọi ý muốn, mọi tình cảm.
Tất cả đều nhằm làm cho Ngài được mọi người nhận biết và tôn vinh.
Yêu người thân cận như chính mình cũng là điều rất khó.
Có bao người làm chúng ta đau khổ và bị xúc phạm.
Yêu thương và tôn trọng họ đòi một sự từ bỏ mình không nhỏ.
Nhưng chúng ta cũng dễ coi mình là trung tâm và qui tất cả về mình.
Chúng ta lạnh lùng trước nỗi đau, thiếu sẻ chia và độc đoán,
đôi khi dùng tha nhân như phương tiện lót đường để ta tiến thân.
Nói chung, dù yêu Chúa hay yêu người, chúng ta cũng phải ra khỏi mình,
trao đi chính mình và chấp nhận mọi hy sinh mà tình yêu đòi hỏi.
Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến.
Và Ngài đã hoàn thiện Luật này bằng cách đẩy yêu mến đến cùng.
Kitô hữu chẳng những yêu mến Thiên Chúa với trọn con người mình,
mà còn được mời yêu mến Đức Giêsu trên mọi thụ tạo khác,
trên mọi của cải, trên những người ruột thịt, và trên cả mạng sống.
Kitô hữu là người mang mối tình sâu đậm với Đức Giêsu,
“Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20),
đến nỗi họ có thể tuyên xưng như Phêrô: “Thầy biết con mến Thầy.”
Đức Giêsu cũng không chỉ đòi yêu tha nhân như chính mình.
Ngài còn đòi ta phải yêu như Ngài đã yêu (Ga 13, 34-35).
Một tình yêu tha thứ đến vô cùng, một tình yêu đối với cả kẻ thù,
một tình yêu phục vụ như người tôi tớ, một tình yêu dám hiến mạng.
Kitô hữu tự bản chất là người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu.
Tình yêu đích thực với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em.
Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa.
Chỉ mong đời tôi đong đưa giữa hai tình yêu đó, để chúng nên một tình yêu.
Cầu nguyn:

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy niệm

Giao ước trên núi Sinai mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Israel qua trung gian Môsê, được tóm gọn trong hai điều căn bản: kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu tha nhân. Cả hai điều này đều quan trọng như nhau. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ, về việc mình thực hành yêu tha nhân như thế nào?
Yêu mến tha nhân chỉ thành sự thực khi yêu mến họ một cách thiết thực. Chúa Giêsu đã yêu mến tất cả những ai mà Ngài gặp gỡ. Ngài ðón tiếp họ, và cho ðiều họ muốn: ngýời mù ðýợc sáng, kẻ què ði ðýợc, ngýời ðiếc nghe ðýợc, ngýời câm nói ðýợc, ngýời mẹ mất con ðýợc lại con... Ngài cũng quan tâm tới các môn đệ và bảo họ nghỉ ngơi dưỡng sức sau những ngày làm việc khó nhọc, rồi những yếu đuối của họ để sửa dạy và nâng đỡ. Vâng, tình yêu của Ngài là thế đó. Còn chúng ta?
Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi. Làm sao ta có thể hiến mạng sống mình vì anh em, nếu như không tập từ những cái nho nhỏ như: mong muốn người khác được hạnh phúc, vui, sướng, "được sống và sống dồi dào hơn". Vui với họ, buồn cùng họ. Chia sẻ từng miếng cơm, từng tấm áo, từng lời động viên, an ủi, cũng như không nói hành nói xấu người khác,... Làm được những điều nhỏ nhoi như thế, thì ta đã yêu thương họ cách chân thành, và khi cần thì cũng có thể hiến mạng sống vì họ.
Chỉ khi ta đã biết yêu qúi người khác một cách thiết thực, biết qúi và trân trọng đời sống, mạng sống và hạnh phúc của tha nhân, và mong cho họ được sống dồi dào hơn, được hạnh phúc hơn, và thực hiện lời Chúa dạy: "Điều mình muốn người ta làm cho mình thì hãy làm cho người ta trước", lúc đó ta mới có thể yêu tha nhân như yêu chính mình.
Lạy Chúa, yêu người quả là điều khó và yêu như chính mình nữa thì khó biết bao. Dẫu biết là khó nhưng con sẽ cố gắng hết sức để thực hành điều răn này. Có cố gắng thực hành yêu người mỗi ngày thì con mới có thể đụng chạm, đồng cảm và cùng nhịp đập với trái tim họ; mới có thể biết họ nghĩ gì, cần gì, và không muốn điều gì, nhờ đó con biết cách đối xử với họ, sống thân tình và biết đón nhận họ trong yêu thương chân thành. 


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám

23 THÁNG TÁM

Chúng Ta Đang Ở Giữa Một Trận Chiến

“Như lời Chúa phán (Mt 24,13), cả lịch sử nhân loại là một trận chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối, khời đầu từ khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng. Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ tìm được sự thống nhất trong chính mình sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa” (MV 37).

Chúng ta có thể kết luận rằng mặc dù không được đồng hóa sự phát triển của Nước Thiên Chúa với sự phát triển và tiến bộ thế tục, song quả thực rằng Nước Thiên Chúa có mặt ngay nơi thế giới và, nhất là, nơi con người sống và hoạt động trong thế giới. Người Kitôhữu biết rằng xuyên qua những nỗ lực của chính mình cùng với sự giúp đỡ của ơn Chúa, mình đang làm cho Nước Thiên Chúa trở thành hiện thực. Công việc của mọi Kitôhữu dẫn đến sự hoàn thành của mọi sự trong Đức Kitô, theo kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 23/8 - Thánh Rôsa Lima, trinh nữ


LỜI SUY NIỆM: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhât.” (Mt 22,36-38).

Mỗi người chúng ta phải xét mình lại trong việc thờ phượng Thiên Chúa của bản thân mình. Chúng ta đã sống được những gì mà Chúa Giêsu đang khẳng định. Đơn thuần, chúng ta nhìn lại cung cách khi tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Trước khi tham dự Thánh lễ chúng ta có ý thức được là chính Thiên Chúa dọn tiệc và Ngài mời gọi chúng ta đến tham dự với Ngài không? Chúng ta chuẩn bị những gì? Thân xác từ trong ra ngoài như thế nào? Của lễ cầm tay? Chúng ta có xem là quan trọng hơn là khi chúng ta tham dự một tiệc vui của bà con hay bạn bè? Ước gì mỗi người trong chúng ta tích cực tham gia mọi Thánh lễ và đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa: “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai đến dự tiệc chiên Thiên Chúa.”


Mạnh Phương


Gương Thánh nhân

Ngày 23/8 - Thánh ROSA LIMA
Đồng Trinh (1586 - 1617)


Có những vị thánh chỉ đáng cho chúng ta thán phục hơn là bắt chước. Thánh Rosa thuộc loại này. Chúng ta tôn kính và thán phục sự thánh thiện của Ngài nhưng không phải tìm cách bắt chước theo đường lối Ngài đã theo để nên thánh. Thánh Rosa chính là người đầu tiên ở tân thế giới được phong thánh. Ngài trở nên quan trọng vì chứng tỏ rằng giữa sự bất công và phi nhân dính liền với cuộc chinh phục Mỹ Châu của người Tây Ban Nha. Men Kitô giáo vẫn hoạt động.
Rosa sinh tại Lima nước Peru năm 1568. Cha mẹ Ngài, ông Caspar del Flores và Maria del Oliva đặt tên cho Ngài là Isabelle. Nhưng vì sắc đẹp của Ngài, người ta gọi Ngài bằng tên một loài hoa Rosa. Khi đến tuổi có trí khôn thánh nữ đã muốn được gọi là Rosa Maria, để tỏ lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ. Ngài còn có lòng yêu mến đặc biệt thánh nữ Catarina Siena và can đảm bắt chước vị thánh này vì lòng yêu mến sống thinh lặng, hãm mình cũng như chuyên chăm cầu nguyện. Dường như được ơn Chúa gìn giữ đặc biệt, nên ngay vào buổi mà các trẻ em khác chưa có trí khôn, thánh nữ đã có những nét thánh thiện, đáng ghi nhớ. Năm tuổi, Ngài đã hứa giữ mình trinh khiết. Sáu tuổi Ngài đã ăn chay 3 lần trong tuần, chỉ ăn bánh và uống nước thôi.
Gia đình nghèo túng, Rosa mất ngủ lại thiếu ăn lại còn tự ý hãm mình để giảm đi sức hấp dẫn tự nhiên. Khi khách đến thăm khen ngợi sắc đẹp của mình, thánh nữ thoa hồ tiêu lên má cho sưng phồng lên. Cẩn thận ngâm tay vao vôi khiến cả tháng không một việc được. Khi người mẹ kết một vòng hoa lên đầu cho Ngài, thánh nữ kín đáo kết gai vào trong cho đau đớn để cảnh giác tính xa hoa.
Gia đình gặp bước khó khăn, thánh Rosa đã tận tụy làm vườn suốt ngày, đêm về lại thức giấc vá may. Thánh nữ luôn luôn vâng lời cha mẹ. Dầu vậy trên mười năm rời, Ngài đã dốc quyết từ khuốc bước vào hôn nhân. Ngài còn cắt ngắn mái tóc đẹp hiếm hoi của mình. Sự từ khước đã gây nên nhiều phản ứng khốc liệt. Người ta bắt dầu vu oan giá hoạ cho Ngài đủ điều, nhưng Ngài đã nhẫn nại chịu đựng tất cả. Năm 1606, Ngài gia nhập dòng ba Đaminh và nhận thánh Catarina như gương mẫu đời mình.
Ngoài những hy sinh hãm mình tự ý. Thánh Rosa còn phải trải qua những năm bị hiểu lầm, mù tối trong chính nội tâm. Dầu vậy Ngài vẫn nhẫn nại, khiêm tốn chịu dựng và không bao giờ mất niềm tín thác vào lòng từ bi vô bờ của Chúa. Ngài tìm săn sóc những trường hợp ghê tởm nhất.
15 năm khủng khiếp trôi qua. Tâm hồn trung tín anh hùng đã được ân thưởng. Thánh Rosa gặp lại được ánh sáng. Ngài mời gọi mọi tạo vật hợp ý ca ngợi và yêu mến Thiên Chúa. Ngài nói: - Nếu mọi người biết ơn thánh là gì, họ sẽ muốn được chịu đau khổ, sẽ đón tìm cực khổ, bắt bớ để chiếm hữu cho được, bởi vì ơn thánh là cái giá khôn sánh đáp đền cho lòng nhẫn nại.
Đối với phép Thánh Thể Ngài nói : - Điều mà mặt trời thực hiện trong thế giới hữu hình, sự thông hiệp Thánh Thể sẽ phát sinh trong tôi.
Quả quyết tình Chúa quan phòng còn lớn gấp bội những khốn khổ và yếu đuối của con người, Ngài nói: - Tôi có một hôn phu có thể làm điều lớn lao nhất, sở hữu điều họa hiếm nhất. Tôi thấy mình mới chỉ biết trông đợi nơi Người có một chút đỉnh thôi.
Từ đây, Ngài luôn được an bình, Ngài sống trong một cái chòi như một nhà ẩn tu. Năm 1614, Ngài ở dưới sự bảo trợ của ông Don Gonzalo de Massa và vợ ông. Họ cho Ngài trọ và săn sóc Ngài trong cơn bệnh dài trước khi chết.
Vào đầu tháng tám cuối đời, cơn bệnh đau đớn dữ dội. Ngài thú nhận: - Tôi không hiểu được tại sao bao nhiêu đau đớn như vậy lại đổ trên đầu một tạo vật.
Nhưng đầy can đảm Ngài nói : - Lạy Chúa xin tăng thêm những đau đớn, miễn là Chúa cũng thêm lòng yêu mến cho con.
Ngày 24 tháng 8 năm 1617 thánh nữ qua đời với lời cuối cùng trên môi : - Chúa Giêsu, Chúa Giêsu, Chúa ở với tôi .


(daminhvn.net)


23 Tháng Tám

Hoa Ðầu Mùa Của Mỹ Châu


Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Rosa Lima, vị thánh đầu tiên của Châu Mỹ. Thánh nữ có hai đặc điểm mà dường như vị thánh nào cũng có, đó là: bị chống đối và sống khắc khổ.
Chọn thánh nữ Catarina Siena làm mẫu mực, Rosa quyết sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Sợ nhan sắc của mình có thể quyến rũ nhiều người cũng như làm cớ vấp phạm cho chính mình, Rosa đã lấy tiêu thoa lên mặt để biến mình thành một người xấu xí. Cô cũng lấy thép cuốn thành vòng gai nhọn đội trên đầu.
Nhưng Rosa không phải là một con người mơ mộng viển vông. Khi thấy gia đình gặp khó khăn về kinh tế, Rosa đã hy sinh làm lụng suốt ngày ngoài đồng và tối về may vá suốt đêm để kiếm tiền đắp đổi cho gia đình. Sống cho cha mẹ, lo cho gia đình, nhưng Rosa vẫn quyết tâm dâng hiến trọn đời cho Chúa. Cô đã mất mười năm để chống lại ý định của cha mẹ nhằm cưỡng bách cô phải lập gia đình. Và cuối cùng, vì cha mẹ cũng không chấp nhận cho cô vào dòng, Rosa đã gia nhập vào dòng ba thánh Ða Minh. Như thế cô vừa sống được lý tưởng tu dòng vừa sống thánh giữa đời.
Trong những năm cuối đời, Rosa dành một phòng trong nhà để đón tiếp trẻ em không nhà không cửa và những người già cả bệnh tật. Ðây là một trong những hình thức hoạt động xã hội đầu tiên tại Pêru.
Rosa qua đời năm 31 tuổi. Cả thành phố Lima thương khóc cô như một vị thánh trẻ đã kết hợp tinh thần chiêm niệm, khổ chế với hoạt động bác ái.

Thánh Rosa kể lại rằng trong một giấc mơ, ngài được Chúa dẫn đến một xưởng điêu khắc dành cho những người muốn nên thánh. Thánh nhân chứng kiến cảnh không biết bao nhiêu người đang ngồi trước các khối đá cẩm thạch. Có người sắp hoàn thành xong một tác phẩm nghệ thuật. Có người chỉ mới bắt đầu đục đẽo trên một phiến đá sần sù, cứng nhắc. Thánh nữ cũng được Chúa trao cho những đồ nghề cần thiết và đặt ngồi trước một phiến đá lớn. Người mẫu của tác phẩm chính là hình ảnh mà Thiên Chúa đã đặt để từ đời đời trong thánh nữ.


Mỗi ngày chúng ta kính nhớ một vị thánh. Mỗi một vị thánh là một nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh của mỗi người chúng ta. Không một vị thánh nào giống vị thánh nào. Không ai bắt buộc phải sống khuôn dập theo bất cứ một mẫu mực nào. Mỗi người là một vị thánh cá biệt. Nhưng tất cả đều có một mẫu số chung: đó là họa lại hình ảnh của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.
Và hình ảnh mà Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta họa lại trong cuộc đời của chính mình là Ðức Giêsu Kitô. Nhưng người Kitô không chỉ sống như Ðức Kitô, mà còn sống bằng chính Ðức Kitô. Họa lại Ðức Kitô cũng có nghĩa là để cho Ðức Kitô uốn nắn, tạc vẽ cho đến khi nào chúng ta đạt được tầm mức của Ngài.


(Lẽ Sống)

Thứ Sáu 23-8
Thánh Rôsa ở Lima
(1586-1617)

Vị thánh đầu tiên của Tân Thế Giới này có cùng một đặc tính như tất cả các thánh khác -- đó là bị đau khổ vì sự chống đối -- và một đặc tính khác được khâm phục hơn là nên bắt chước -- đó là sự hãm mình đền tội cách quá đáng.
Thánh nữ sinh trong một gia đình Tây Ban Nha ở Lima, Peru, vào lúc Nam Mỹ đang trong thế kỷ truyền giáo đầu tiên. Dường như ngài muốn noi gương Thánh Catarina ở Siena, bất kể những chống đối và nhạo cười của cha mẹ, bạn hữu.
Vì lòng yêu mến Thiên Chúa mà các thánh có những hành động kỳ dị đối với chúng ta, và quả thật đôi khi thiếu khôn ngoan, nhưng đó chỉ để nói lên sự tin tưởng của các ngài là bất cứ điều gì làm nguy hại đến sự tương giao với Thiên Chúa đều bị tiêu trừ. Do đó, vì sắc đẹp của ngài được nhiều người ngưỡng mộ nên Thánh Rôsa đã dùng hạt tiêu chà sát lên mặt để tạo thành các vết sưng xấu xí. Sau này, ngài còn đội một vòng bạc dầy cộm trên đầu, bên trong nhét đinh giống như mão gai.
Khi cha mẹ ngài rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, ban ngày Thánh Rôsa phải làm việc nơi đồng áng và ban đêm phải khâu vá để giúp đỡ gia đình. Mười năm dài tranh đấu với gia đình được khởi đầu khi cha mẹ ép buộc ngài phải kết hôn. Cha mẹ ngài không cho đi tu, và vì vâng lời ngài tiếp tục đời sống cô độc và ăn chay hãm mình ngay tại nhà như một thành viên của Dòng Ba Ðaminh. Vì lòng ước ao muốn được trở nên giống như Ðức Kitô nên hầu hết khi ở nhà, ngài sống trong cô độc.
Trong những năm cuối đời, Thánh Rôsa lập một căn phòng ngay trong nhà để chăm sóc các trẻ em bụi đời, người già yếu và bệnh tật. Ðây là khởi đầu của dịch vụ xã hội ở Peru. Mặc dù có cuộc sống và sinh hoạt tách biệt, ngài cũng bị đưa ra trước Toà Thẩm Tra, nhưng các người thẩm vấn không tìm thấy lý do gì khác hơn là ngài bị ảnh hưởng bởi ơn sủng.
Ðiều chúng ta lầm tưởng rằng đó chỉ là một cuộc sống lập dị thì thực sự đã được biến đổi tự bên trong. Nếu chúng ta nhớ đến cách ăn năn đền tội bất thường của ngài thì chúng ta cũng phải nhớ một điều vĩ đại của Thánh Rôsa: tình yêu Thiên Chúa của ngài quá nồng nhiệt đến nỗi ngài sẵn sàng chịu đựng sự nhạo cười của người đời, chịu cám dỗ mãnh liệt và chịu đau bệnh lâu dài. Khi ngài từ trần năm 31 tuổi, cả thành phố đã tham dự tang lễ của ngài và các chức sắc trong xã hội đã thay phiên nhau khiêng quan tài của ngài.
Lời Bàn
Thật dễ để cho rằng sự ăn năn đền tội quá đáng của các thánh là hình thức bề ngoài của một vài nền văn hóa hay tính khí nào đó. Nhưng hình ảnh một phụ nữ đội mão gai rất có thể đã khích động lương tâm của chúng ta. Chúng ta đang vui hưởng một đời sống đầy đủ tiện nghi nhất trong lịch sử loài người. Chúng ta ăn uống thừa thãi, sử dụng biết bao đồ vật và chất chứa trong tai mắt chúng ta đủ mọi thứ âm thanh và hình ảnh. Giới thương mại vội vã chế tạo các vật dụng không cần thiết để chúng ta tiêu xài. Dường như khi chúng ta ngày càng nô lệ cho các phương tiện vật chất thì lúc ấy sự "tự do" trở nên vấn đề lớn lao. Chúng ta có sẵn sàng rèn luyện tâm linh trong một môi trường như thế hay không?
Lời Trích
"Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mắt mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục" (Mt. 18:8-9).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét