Trang

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

13-08-2013 : THỨ BA TUẦN XIX MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ BA 13/08/2013
Tuần 19 Mùa Thường Niên Năm Lẻ

BÀI ĐỌC I: Đnl 31, 1-8
"Giosuê, anh hãy dũng mạnh và can đảm: anh sẽ đem dân vào Đất Nước".

Trích sách Đệ Nhị Luật.
Môsê đến nói với toàn dân Israel tất cả những lời này: "Tôi hôm nay đã một trăm hai mươi tuổi. Tôi không còn đi đứng được nữa, nhất là khi Chúa đã phán cùng tôi rằng: 'Ngươi sẽ không qua sông Giođan này'. Chúa là Thiên Chúa của ngươi sẽ qua trước ngươi, chính Người sẽ tiêu diệt các dân tộc ấy trước mặt ngươi và ngươi sẽ thắng chúng. Chính Giosuê sẽ qua trước ngươi như Chúa đã phán. Chúa sẽ đối xử với chúng như đã đối xử với Sêhon và Og là vua người Amorê và với đất nước các vua ấy. Người đã tiêu diệt chúng. Vậy khi Chúa nộp chúng cho các ngươi, các ngươi sẽ đối xử với chúng như tôi đã truyền cho các ngươi. Hãy dũng mạnh và kiên trì, đừng sợ, đừng kinh hãi trước mặt chúng. Vì chính Chúa là Thiên Chúa các ngươi dẫn đường cho các ngươi, Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi các ngươi".
Ông Môsê gọi ông Giosuê đến và nói với ông trước mặt toàn dân Israel rằng: "Hãy dũng mạnh và can đảm: vì anh sẽ đem dân này vào Đất Nước Chúa đã thề hứa sẽ ban cho cha ông chúng; chính anh sẽ bắt thăm phân chia phần đất ấy. Chúa là Đấng dẫn đàng cho anh, chính Người sẽ ở với anh. Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi anh. Anh đừng sợ và đừng kinh hãi".  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Đnl 32, 3-4a. 7. 8. 9 và 12
Đáp: Chúa lấy dân Người làm phần riêng mình (c. 9a).

1) Tôi sẽ kêu cầu thánh danh Chúa. Các ngươi hãy mang sự uy linh lại cho Chúa chúng ta. Các công trình của Thiên Chúa đều hoàn hảo, và mọi đường lối của Người đều chính trực.   -  Đáp.
2) Ngươi hãy nhớ lại những ngày xa xưa, hãy tưởng nghĩ lại mỗi thế hệ: Hãy hỏi cha ngươi, và người sẽ loan báo cho ngươi; hãy hỏi tổ phụ ngươi, và các ngài sẽ chỉ dạy ngươi. -  Đáp.
3) Khi Đấng Tối Cao phân chia các dân tộc, khi Người tách biệt con cái của Ađam, Người đã thiết lập ranh giới của các nước, chiếu theo số con cái Israel. -  Đáp.
4) Nhưng Chúa lấy dân Người làm phần riêng mình, chọn Giacóp làm dây đo cơ nghiệp của Người. Chỉ có một Chúa là Đấng dẫn đưa nó, và chẳng có Chúa nào khác ở với nó. -  Đáp.

ALLELUIA:  1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM:   Mt 18, 1-5. 10. 12-14
"Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: "Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
"Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời.
"Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất".  Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Tinh Thần Trẻ Thơ

Tin Mừng Mátthêu được cấu trúc xoay quanh năm diễn từ dài của Chúa Giêsu, và diễn từ thứ tư bắt đầu với chương 18 nói về nếp sống của người môn đệ trong cộng đoàn. Tin Mừng hôm nay nhắc đến hai đặc điểm của nếp sống người môn đệ trong cộng đoàn.
Trước hết là thái độ sống trẻ thơ. Một tiểu thuyết gia nọ đã đưa ra nhận định: "Khi người lớn chúng ta không còn giữ liên hệ nào với các trẻ nhỏ, thì chúng ta không còn giữ được tính người nữa, mà đã trở thành như những chiếc máy chỉ biết ăn uống và kiếm tiền". Lòng tin tưởng của trẻ thơ gợi lên cho chúng ta về sự tin tưởng mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải có đối với Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời. Thái độ trẻ thơ khâm phục trước vũ trụ và thiên nhiên nhắc nhớ sự khâm phục mà chúng ta cần có đối với vũ trụ do Thiên Chúa Cha chúng ta dựng nên. Thái độ đáp trả của trẻ nhỏ trước tình yêu thương nhắc chúng ta phải đáp trả đối với tình yêu thương của Thiên Chúa.
Nhận định trên đây giúp chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu muốn các môn đệ trong cộng đoàn mà Ngài thiết lập phải trở nên như những trẻ nhỏ: đơn sơ, tin tưởng phó thác, không có thái độ kẻ cả.
Những đức tính tốt của tuổi thơ sẽ giúp cho các thành phần trong cộng đoàn chấp nhận và phục vụ nhau, không kỳ thị phân biệt. Cộng đoàn những con người cụ thể dĩ nhiên có những khuyết điểm, những bất toàn, tội lỗi. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài không muốn môn đệ Ngài có thái độ sống kỳ thị tách biệt khỏi những người khác, nhất là những người tội lỗi. Trái lại, Chúa Giêsu đã mở ra một viễn tượng mới, Ngài mạc khải thái độ nhân từ thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi, đến nỗi đã bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và vui mừng khi tìm được nó. Chúa Giêsu mời gọi con người ăn năn sám hối trở về với sự thật, với tình thương và với người anh em.
Xin Chúa cho chúng ta sống tinh thần trẻ thơ trước mặt Chúa và trong tương quan với người khác. Xin cho chúng ta sống tin tưởng, yêu thương phục vụ mọi người vì tình yêu Chúa.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 19 TN1

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Môn đệ Đức Kitô phải biết khiêm hạ và bênh vực kẻ yếu đuối.

Thế gian thích có địa vị và quyền hành để được nổi tiếng và được phục vụ. Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải khiêm hạ và phục vụ thì mới có thể vào Nước Trời.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng Thiên Chúa yêu thương và bảo vệ những người yếu đuối và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, ông Moses khuyên dân chúng hãy đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa và ông Joshua, người Thiên Chúa chọn để thay thế ông Moses. Ngài sẽ lãnh đạo và đưa dân vào vùng đất mà Ngài đã hứa với các tổ-phụ của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ phải sống ngược lại với những tiêu chuẩn và giá trị của thế gian để được vào Nước Trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ông Moses chuẩn bị cho con cái Israel tiến vào Đất Hứa.

1.1/ Ông Moses nói những lời từ biệt với con cái Israel: Ông Moses cho tập họp toàn thể con cái Israel và nói những lời này với họ: Hôm nay tôi đã được một trăm hai mươi tuổi, tôi không thể đi ra đi vào được nữa, và Đức Chúa đã bảo tôi: "Ngươi sẽ không được sang qua sông Jordan kia."

Khi ông Moses dẫn con cái Israel ra khỏi Ai-cập, ông đã 80 tuổi. Sau 40 năm chịu thanh luyện trong sa mạc với họ, đến nay ông đã 120 tuổi. Tuổi già đã làm ông không thể đi lại được nữa. Ông Moses biết: để tiến vào Đất Hứa, con cái Israel cần một người lãnh đạo trẻ trung và khỏe mạnh; chứ không thể theo một người già yếu ớt như ông. Để chuẩn bị cho con cái Israel vào Đất Hứa, ông Moses tuyên bố với dân chúng họ sẽ có hai nhà lãnh đạo:

(1) Thiên Chúa là Người sẽ dẫn dân vào Đất Hứa: Ông Moses và toàn dân dư biết sức mạnh của con cái Israel không đủ để chống cự với sức mạnh của các dân tộc đang sống trong Đất Hứa; vì thế, ông Moses bảo đảm với dân chúng một điều tối quan trọng: "Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ dẫn đầu anh em sang qua sông, Người sẽ tiêu diệt các dân tộc ấy cho khuất mắt anh em, để anh em chiếm đất của chúng."

(2) Joshua sẽ là người lãnh đạo dân vào Đất Hứa: Thiên Chúa hành động theo cách thức của con người như Ngài đã từng hành động qua ông Moses để truyền lệnh cho dân chúng; vì thế, ông Moses loan báo cho dân nhà lãnh đạo mới sẽ thay thế ông: "Chính ông Joshua sẽ dẫn đầu anh em sang qua sông, như Đức Chúa đã phán."

1.2/ Ông Moses khuyên bảo con cái Israel: Để vượt qua sông Jordan vào Đất Hứa Canaan, con cái Israelphải băng qua đất của hai vua người Amorites là Sihon và Og. Ông Moses muốn dùng chiến thắng này để khuyến khích con cái Israel đặt trọn vẹn tin tưởng vào Thiên Chúa: "Người đã tiêu diệt chúng. Đức Chúa sẽ trao các dân tộc ấy cho anh em, và anh em sẽ xử với chúng theo như tất cả mệnh lệnh tôi đã truyền cho anh em."

(1) Lời khuyên cho dân chúng: Ông Moses biết rõ lòng dân vì đã cùng họ đương đầu với nghịch cảnh trong suốt 40 năm trong sa mạc; ông biết dân chúng rất yếu đuối khi phải đương đầu với nguy hiểm, nên ông khuyên họ: "Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đừng sợ, đừng run khiếp trước mặt chúng, vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi với anh em; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh em."

(2) Lời khuyên cho Joshua, người sẽ thay ông lãnh đạo dân chúng: Người lãnh đạo khôn ngoan và thương dân thật là người biết chuẩn bị kiếm người thay thế mình trong tương lai và chuẩn bị lòng dân để chấp nhận người kế vị mình; chứ không vô trách nhiệm để dân bị thiệt thòi vì người lãnh đạo không có bản lãnh. Ông Moses đã chuẩn bị cho ông Joshua thay thế ông; vì thế, ông Moses gọi ông Joshua lại, và nói với ông trước mặt toàn thể Israel: "Mạnh bạo lên, can đảm lên! Chính anh sẽ cùng với dân này vào đất Đức Chúa đã thề với cha ông họ rằng Người sẽ ban cho họ; chính anh sẽ cho họ hưởng đất ấy làm gia nghiệp. Chính Đức Chúa đi phía trước anh, chính Người sẽ ở với anh; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh. Đừng sợ, đừng hãi!"


2/ Phúc Âm: Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

2.1/ Khiêm nhường là điều kiện để được vào Nước Trời.

(1) Tham vọng của con người: Các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?" Các môn đệ hỏi câu hỏi này vì các ông đã quá quen với tiêu chuẩn và giá trị của thế gian: tiêu chuẩn của thế gian là địa vị, danh vọng, và quyền hành; người có giá trị là người có địa vị và quyền hành lớn nhất, chẳng hạn như vua hay một nguyên thủ của quốc gia. Có thể nói mục đích của các môn đệ khi theo Chúa lúc đầu là để được cùng thống trị với Chúa, khi Ngài khôi phục vương quốc Israel. Tham vọng này được chứng minh khi mẹ và hai anh em Giacôbê và Gioan đến xin Chúa cho một người ngồi bên phải và một người ngồi bên trái Chúa khi Ngài trị vì. Mười tông-đồ kia bất mãn với hai anh em về yêu cầu này.

(2) Điều kiện để được vào Nước Trời: Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ (paidi,on) đến, đặt vào giữa các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời." Hai tư tưởng chính Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu ở đây: Thứ nhất, tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của thế gian. Thứ hai, để được vào Nước Trời, con người phải hạ mình và trở nên như một trẻ nhỏ.

2.2/ Người mục tử nhân lành: Vẫn trong chiều hướng dạy dỗ các môn đệ làm quen với tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các ông hai bài học:

(1) Đừng khinh thường kẻ bé mọn: "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời."

Thế gian chú trọng đến những người có địa vị, quyền thế, và giầu có; Chúa dạy các môn đệ phải thương xót và săn sóc những kẻ bé mọn (mikro,j). Tĩnh từ Hy-lạp dùng như danh từ ở đây khác với danh từ dùng cho trẻ nhỏ ở trên (paidi,on), tĩnh từ này được dùng để chỉ:

- những người có thân hình nhỏ bé: trẻ thơ, người lùn;
- những người không quan trọng, không có địa vị trong xã hội, người nghèo khó, thất học.

Người môn đệ của Đức Kitô phải biết đứng về phía những kẻ cô thân cô thế để bênh vực và giúp đỡ họ như những con cái của Thiên Chúa. Mỗi người này đều có một thiên thần hộ thủ để bênh vực cho họ trước Thiên Chúa. Ai khinh thường và làm hại họ, thiên thần sẽ tường thuật cho Thiên Chúa (x/c Tob 3:8-9, 12:12-14).

(2) Phải đi tìm con chiên lạc: Chúa tiếp tục dạy các môn đệ: "Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc."

Người của thế gian chú trọng đến đám đông để được phổ thông và nổi tiếng; họ không thể hiểu nổi tại sao lại bỏ 99 con chiên trên núi để đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa như một người cha yêu thương chú trọng đến từng cá nhân một, nhất là những con chiên bị lạc đường. Ngài biết từng con chiên, yêu thương từng con chiên, không thỏa mãn cho đến khi tìm được con chiên lạc, và chỉ vui mừng khi thấy tất cả chiên được qui tụ về một đàn dưới quyền của một Chúa chiên.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải luôn biết khiêm nhường, không cậy dựa vào sức mình; nhưng biết trông cậy nơi sức mạnh và tình thương của Thiên Chúa.

- Chúng ta phải đứng về phía những người bị bỏ rơi để bênh vực và giúp đỡ họ.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 19 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 18,1-5.10.12-14

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :
Chương 18 (Từ hôm nay đến Thứ Năm) là bài giảng của Chúa Giêsu về nếp sống chung trong cộng đoàn Giáo Hội. Ngài đề cập đến nhiều vấn đề rất cụ thể và thực tế : về những người làm lớn trong cộng đoàn, cớ gây vấp ngã, thái độ đối với người anh em lầm lạc, sửa lỗi cho nhau, cầu nguyện chung, và tha thứ.

A. Hạt giống...
Những bài học về nếp sống cộng đoàn : theo hình ảnh trẻ nhỏ.
1. Theo văn mạch, đoạn trước, các môn đệ đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Trong nếp sống cộng đoàn, vấn đề làm lớn làm nhỏ cũng thường gây va chạm. Chúa Giêsu dạy phải trở nên trẻ nhỏ : trở nên trẻ nhỏ là khiêm tốn chấp nhận thân phận của mình trong gia đình, là sẵn sàng vâng lời người lớn…
2. Trong cộng đoàn, người ta cũng thường trọng những kẻ có địa vị, có tài năng… và coi thường hoặc xua đuổi những kẻ thấp kém, ít khả năng. Chúa Giêsu cũng gọi những người sau này là “trẻ nhỏ” và dạy “Ai đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì Danh Thầy tức là đón nhận Thầy. Đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này…”
3. “Trẻ nhỏ” hay “kẻ bé mọn” cũng là những người lầm lạc. Chúa Giêsu dạy các kitô hữu vẫn phải quý trọng cả những người tội lỗi lầm lạc và tìm đủ cách để cứu vớt đưa họ trở về cộng đoàn.

B.... nẩy mầm.
1. Trong cộng đoàn, sự ganh ghét nhau về địa vị, danh dự đã làm cho biết bao người khổ sở. Kẻ bị ganh ghét khổ, mà chính người ganh ghét cũng khổ. Sao chúng ta không sống đơn sơ như những đứa trẻ trong gia đình : cha mẹ đặt đâu là chúng ở đó, cha mẹ bảo gì là chúng làm nấy, không hề nghĩ ngợi so đo, chỉ nhắm đến điều duy nhất là làm cho cha mẹ hài lòng.
2. Theo khuynh hướng tự nhiên, tôi thường khinh dễ những người kém hơn tôi (mà Chúa Giêsu gọi là “những kẻ bé mọn”). Nay tôi đã nghe Chúa Giêsu bảo rằng khinh họ là khinh Chúa, đón tiếp họ là đón tiếp Chúa. Tôi nghĩ sao ?
3. “Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” : Chúa Cha đã muốn thế, tôi còn có thể thờ ơ với những anh chị em lầm lạc của tôi nữa không ?
4. Hãy nghĩ đến một đứa trẻ. Nó có nhiều đức tính rất đáng phục, như : lúc nào cũng hồn nhiên không lo lắng, vì nó tin rằng cha mẹ đã lo mọi sự cho nó ; rất ngưỡng mộ cha mẹ, coi cha mẹ như thần tượng ; luôn vui vẻ sống giây phút hiện tại ; nó cũng thường xích mích với những trẻ khác nhưng rất mau quên ; có những lúc nó giận cha mẹ, nhưng cha mẹ dỗ ngọt vào lời là nó bỏ qua ngay v.v.
Bởi thế, Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã chọn nên thánh bằng con đường trẻ thơ.
5. “Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo : Thầy bảo thật anh em nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,2-3)
Nếu trẻ thơ chẳng biết giận lâu ; thì với con : sống để dạ, chết mang theo. Trẻ thơ không màng giành chức tước ; riêng con nghiêng mình trước công danh. Trẻ thơ luôn biết mình yếu đuối ; còn con khẳng định mình trên hết. Trẻ thơ yêu với cả tâm hồn ; còn con theo bề ngoài đánh giá. Trẻ thơ sống những gì mình có ; con thường nặn mình rất công phu.
Lạy Cha, có những bài học của trẻ thơ tuy đơn sơ mà cao vời vợi, để người lớn học cả đời chưa tròn nghĩa một câu. Xin dạy con nên như trẻ nhỏ, để con bước trên đời không chỉ bằng đôi chân của con, nhưng biết buông mình trong tay Cha từ ái. (Hosanna)
6. “Ai tự hạ, coi mình như  anh em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,4)
Một lần nọ, tôi đọc được lời nguyện này của một người bạn : Lạy Chúa, xin cho con lòng khiêm nhường để biết nhìn ra mọi sự là hồng ân. Xin cho con lòng khiêm nhường để dám đối diện với sự thật. Xin cho con lòng khiêm nhường để can đảm vác thập giá hàng ngày theo Chúa. Xin cho con lòng khiêm nhường để không mệt mỏi vươn lên. Xin cho con lòng khiêm nhường để không đòi cho được phải hơn kẻ khác, nhưng luôn biết chấp nhận sự trổi vượt nơi mỗi con người, và xin cho con lòng khiêm nhường để bớt đi mọi lời khoe mẽ, nhưng thay bằng những lời tạ ơn.
Và Lạy Chúa, lời nguyện của con hôm nay : xin cho con luôn sống khiêm nhường để xây dựng Thiên Đàng quanh con. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

13/08/13 THỨ BA TUẦN 19 TN
Th. Ponxianô, giáo hoàng và Híppôlitô, linh mục tử đạo
Mt 18,1-5.10.12-14

TÂM TÌNH MỤC TỬ
“Anh em nghĩ sao? Ai có 100 con chiên mà có 1 con đi lạc, lại không để 99 con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó hơn là vì 99 con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,12-14)
Suy niệm: Do địa hình miền núi phức tạp, người Do thái thời Chúa Giêsu thường chăn chiên chung với nhau. Mỗi đoàn vật thường gồm của nhiều chủ gộp lại chăn chung để tiết kiệm đồng cỏ, tránh tối đa nguy cơ chiên lạc bầy và bị thú dữ ăn thịt. Vì thế, khi một con chiên đi lạc, chủ chiên sẵn sàng giao đoàn chiên của mình cho những mục tử bạn để đi tìm. Chúng ta có thể hình dung tất cả dân làng lo lắng thế nào khi những người chăn trở về lại thiếu một người đang phải lang thang ngoài núi để tìm kiếm. Và niềm vui càng lớn lao biết mấy khi thấy anh ta vác chiên trên vai trở về bình an vô sự. Chúa Giêsu thích dùng hình ảnh này để diễn tả Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.
Mời Bạn: Bạn có “cảm” được tình yêu đến độ “vô lý” của Thiên Chúa? Một tình yêu coi một mình bạn cũng có giá trị ngang bằng một số đông (1=99). Tình yêu của Đấng Tạo Hoá vô biên dám hy sinh chính mình để cứu một thụ tạo hư vô khỏi hư mất ().
Chia sẻ về một lần bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho bạn cho dù bạn không xứng.
Sống Lời Chúa: Chỉ có một cách đáp lại tình yêu Thiên Chúa đó là… - bạn biết rồi - “lấy tình yêu đáp đền tình yêu”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin lấy tình yêu của con để đền đáp tình Chúa hiến thân vì con.


Em nhỏ và kẻ bé mọn
 Chỉ người lớn nào dám đổi hướng sống, mới có thể trở nên trẻ thơ. Chỉ ai dám rũ bỏ đam mê về quyền lực và tiếng tăm, về địa vị và chỗ đứng, người ấy mới có thể vào Nước Trời.


Suy nim:
Làm lớn ở trong nhóm hay trong Giáo Hội,
đó vẫn là mối bận tâm gây tranh cãi giữa các môn đệ Thầy Giêsu.
Sau khi Thầy loan báo lần thứ hai về cuộc Khổ nạn (Mt 17, 22-23),
các môn đệ vẫn bị hút vào câu hỏi ai là người lớn nhất (c. 1).
Như một nhà sư phạm khéo léo, Thầy Giêsu đã gọi một em nhỏ lại,
đặt em đứng giữa các ông, và đưa ra câu trả lời.
Câu trả lời của Thầy chắc đã làm các môn đệ bị sốc.
Trong xã hội Do thái thời Đức Giêsu, trẻ em không có vai vế gì,
cũng chẳng có chút quyền hành hay sự độc lập.
Chúng không phải là biểu tượng cho sự trong trắng, ngây thơ,
cho bằng là biểu tượng cho sự tùy thuộc, lệ thuộc vào người lớn.
Khi đặt một em nhỏ bằng xương bằng thịt giữa các ông,
Thầy Giêsu đã đưa ra câu trả lời rồi.
Đối với Thầy, điều kiện để vào Nước Trời mai sau,
là phải trở nên như trẻ em (c. 3).
Muốn trở nên như trẻ em, cần phải trở lại, nghĩa là quay lại, hoán cải.
Chỉ người lớn nào dám đổi hướng sống, mới có thể trở nên trẻ thơ.
Chỉ ai dám rũ bỏ đam mê về quyền lực và tiếng tăm, về địa vị và chỗ đứng,
người ấy mới có thể vào Nước Trời.
Nước Trời là Nước của trẻ thơ,
và những ai trở nên giống trẻ thơ nhờ hoán cải.
Vậy ai là người lớn nhất trong Nước Trời?
Thầy Giêsu trả lời, đó là người tự hạ, thấp kém như một em nhỏ (c. 4).
Để vào được Nước Trời, để làm người lớn nhất trong Nước đó,
cần trở nên như trẻ thơ, tay trắng, không tự hào, tự mãn về mình,
không cậy dựa vào đạo đức của bản thân, nhưng vào tình thương của Chúa.
Như thế người lớn nhất trong Nước Trời lại là người nhỏ bé, khiêm nhu.
Thầy Giêsu không chỉ giúp môn đệ hiểu xem ai là người lớn nhất thực sự,
Ngài còn dạy họ biết quý giá trị của từng con người trong cộng đoàn.
Cộng đoàn tín hữu nào cũng có những môn đệ yếu kém mặt này, mặt khác.
Ở đây họ được gọi là những kẻ bé mọn.
Thầy Giêsu nhấn mạnh đến phẩm giá của những kẻ bé mọn này.
Không ai được phép khinh rẻ một người nào trong nhóm họ.
Họ được bảo trợ bởi các thiên thần riêng,
và các thiên thần của họ vẫn chiêm ngưỡng nhan Cha ở trên trời (c. 10).
Có những môn đệ bé mọn bị sa ngã, lạc lối.
Thái độ của người lãnh đạo là để lại chín mươi chín con chiên
để đi tìm một con chiên lạc.
Cả con chiên lạc cũng vẫn có giá trị khiến ta phải tốn công sức để tìm về.
“Thiên Chúa không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
Chính vì thế từng con chiên lạc đều đáng chúng ta trân trọng.
Khi nhìn trẻ nhỏ và kẻ bé mọn trong cộng đoàn bằng cặp mắt của Chúa,
chúng ta sẽ biết cư xử tử tế và kính trọng họ hơn.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy Niệm:


Trong một cộng đoàn, vấn đề làm lớn hay nhỏ đã gây ra không ít va chạm, cạnh tranh, và làm cho biết bao nhiêu người phải khổ. Cộng đoàn nhỏ bé của các môn đệ Chúa Giêsu cũng không ra khỏi quy luật  ấy. Bài học mà Chúa Giêsu đưa ra hôm nay rất cụ  thể và thực tế: chúng con phải trở nên như  trẻ nhỏ, nghĩa là phải khiêm tốn chấp nhận thân phận của mình trong gia đình là biết vâng lời người lớn. Thông thường người ta hay coi trọng những kẻ có địa vị, tài năng, và hay coi khinh, xua đuổi những kẻ thấp kém, ít khả năng. Nhưng Chúa Giêsu lại nhấn mạnh: "Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời." Ðức Giêsu đưa trẻ em làm lý tưởng sống, không chỉ vì chúng ngây thơ, vô tội, mà còn vì chúng hoàn toàn tin tưởng, cậy dựa vào cha mẹ. Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng cần sống gắn bó vào Ðức Giêsu, tức là từ bỏ bản thân để đi theo Ngài.

Ðức Giêsu cũng khuyên phải tôn trọng trẻ em, những kẻ bé mọn, những người yếu đuối và ngay cả những người tội lỗi... Bởi vì tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều được giá máu cứu chuộc. Thế nên chúng ta phải đón nhận tất cả mọi người anh em, không trừ một ai.

Lạy Chúa Giêsu, bài học về trẻ thơ tuy đơn sơ nhưng cao vời vợi. Xin dạy con nên như  trẻ thơ để con biết luôn phó thác trong tay Cha từ ái. Xin giúp con biết sống khiêm nhường để nhận ra tất cả đều là hồng ân Chúa ban, để dám đối diện với sự thật, để can đảm vác thánh giá hàng ngày theo Chúa. Xin Chúa cũng cho chúng con biết yêu thương và tôn trọng những anh em bé  mọn, yếu đuối. Xin giúp chúng con biết cầu nguyện, giúp đỡ họ nhiều hơn để tất cả chúng con được Chúa đón nhận và yêu thương. Amen.



Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám

13 THÁNG TÁM
Xây Dựng Một Nơi Cư Ngụ Xứng Đáng Cho Con Người

Con người được mời gọi phát triển thế giới, làm việc hướng về việc phát triển tốt hơn các hệ thống kinh tế và văn hóa. Công việc này là một phần của ơn gọi con người, vì con người được mời gọi làm chủ trái đất. Đó là lý do tại sao sự suy nghĩ khoa học và kỹ thuật hiện đại cũng như văn hóa và sự khôn ngoan của mọi thời phải được định hình bởi con người để phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa đối với tạo vật của Ngài.
Công Đồng Vatican II nhìn nhận giá trị và chức năng của công việc và văn hóa trong thời đại chúng ta. Thật vậy, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng mô tả tình hình xã hội và văn hóa mới của chúng ta với những khả năng thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của nó. Những khả năng này làm nhiều người ngạc nhiên và đem lại niềm hy vọng cho nhiều người khác. (MV 53-54).
Công Đồng không ngần ngại nhìn nhận những thành tựu ngoạn mục của con người. Công Đồng đặt những thành tựu này trong bối cảnh kế hoạch và lệnh truyền của Thiên Chúa cho con người. Công Đồng liên hệ những thành tựu ấy với Phúc Âm về tình huynh đệ được rao giảng bởi Đức Giê-su Kitô. “Khi cày cấy với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất nảy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, và khi tham dự cách ý thức vào tập thể xã hội, con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là loài người phải chế ngự trái đất và hoàn tất công cuộc tạo dựng, đồng thời con người phát triển được chính bản thân; và cùng khi ấy con người tuân giữ giới răn quan trọng của Chúa Kitô là hiến thân phục vụ anh em” (MV 57; 63).

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Thánh Pontianô, giáo hoàng, tử đạo, và Thánh Híppôlytô, linh mục, tử đạo
Đnl 31, 1-8; Mt 18, 1-5.12-14


LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện các môn đệ của Chúa Giêsu hỏi: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,1)

Chúng ta thấy một khung cảnh rất dễ thương khi Chúa Giêsu gọi một em nhỏ và đặt giữa các môn đệ và Chúa bảo các môn đệ phải trở nên dễ thương như em nhỏ này. Đối với một trẻ nhỏ, Nó chỉ biết tin cậy vào cha mẹ em, và những người yêu thương em. Trẻ nhỏ không có tham vọng và tranh chấp quyền lực để thống trị người khác. Nên Chúa Giêsu kêu mời tất cả chúng ta phải trở nên như một em nhỏ, để được vào Nước Trời. Điều này, giúp chúng ta điều chỉnh lại những tham vọng, để trở nên đơn sơ hơn.

Mạnh Phương


Gương Thánh nhân
Ngày 13-08
Thánh PONTIANÔ, Giáo Hoàng Tử Đạo
Thánh HIPPÔLITÔ Linh Mục, Tử Đạo (thế kỷ III)


Thánh PONTIANÔ

Kế vị Thánh Urbanô I làm giáo hoàng khoảng năm 230 Ngài bị bắt đi lưu đày cùng với vị phản giáo hoàng là Hippôlitô, tới miền Sardinia trong thời kỳ bách hại của hoàng đế Maximinô. Ngài nổi danh và được kính nhớ vì đã tử đạo tại đó.

Thánh HIPPÔLITÔ : Ít ra có ba vị thánh mang tên này.

Một huyền thoại kể rằng thánh Hippôlitô là viên cai ngục canh giữ thánh Lorensô khi được thánh nhân cải hóa. Hippôlitô đã trở thành môn đệ và đã dự vào đám đông và đã dự vào đám táng thánh nhân. Tin này tới tai hoàng đế, ông ta truyền đánh đòn Ngài. Vú nuôi Ngài, thánh nữ Concordia cùng với 18 gia nhân bị đánh đòn cho tới chết, còn thánh nhân được tha để cho ngựa xé. Câu chuyện này còn đáng nghi ngờ, vì "Hippôlitô" có nghĩa là "ngựa tháo cương" và vì câu chuyện rất giống với huyền sử Hy lạp về Hippôlitô con của Therêô, cũng đã chịu một hình phạt như vậy. Điều thật dễ hiểu khi thánh nhân trở thành vị bảo trợ của các kỵ sĩ.

Đúng hơn, thánh Hippôlitô được kính nhớ hôm nay là một linh mục và là một thần học gia sống vào đầu thế kỷ thứ ba. Ngài đã trước tác một số tác phẩm bằng tiếng Hy lạp, nay chỉ còn lại quá ít. Trong số các tác phẩm này, cuốn Philosophoumena đả kích những học thuyết đương thời.

Kính Ngài, các đồ đệ đã dựng được một bức tượng mà thế kỷ XVI người ta tìm thấy. Trên ghế bức tượng của Ngài có bảng ghi các sách của Ngài. Ngài lập bảng tính về lễ phục sinh không được chính xác lắm. Trong số các sách chú giải kinh thánh của Ngài còn lại cuốn chú giải sách Daniel, trong đó Ngài trấn an người đương thời về biến cố Chúa lại đến bằng cách chứng minh rằng thế giới còn tồn tại 600 năm. Dầu không kết án, Đức Callistô nghi ngờ thần học của thánh Hippôlitô về lời Chúa.

Khi đức Callistô được chọn làm giáo hoàng năm 217, Hippôlitô chống lại và tự đặt mình làm phản giáo hoàng, Ngài còn tố giác điều mà Ngài coi như sự dung thứ của đức Callistô cũng như không rút lại lời dèm pha. Ngài được coi như là người đã viết cuốn chỉ nam chính yếu về phụng vụ gọi là cuốn "truyền thống tông đồ". Sớm bị Giáo hội Tây Phương quên lãng, Ngài lại sống còn lâu dài trong các Giáo hội đông phương, thế giá của Ngài đối với chúng ta là bản lễ qui Roma của Ngài, dầu không cố định từng lời.

Năm 235, hoàng đế Maximinô khơi lại cuộc bách hại các Kitô hữu. Cả Đức Potianô lẫn vị phản giáo hoàng Hippôlitô đều bị đầy tới miền hầm mỏ Sardinia. Hippôlitô không đòi làm giáo hoàng nữa và khuyên những ai theo mình hãy vâng phục Đức giáo hòang hợp thức. Cả hai đấng đều từ trần như là nạn nhân của trại tập trung. Khi cuộc bách hại chấm dứt, xác các Ngài được mang về mai táng tại Roma (ngày 13 tháng 8).

Dầu thái độ cư xử của thánh Hippôlitô chẳng thánh thiện gì, nhưng Ngài được kính nhớ vì đời sống riêng rất khắc khổ nhiệm nhặt và vì đã chết vì đạo. Mộ Ngài ở tại nguyện đường Tiburtine được kính như mồ thánh tử đạo, nhưng chuyện thật của Ngài lại sớm bị quên lãng. Người ta còn coi Ngài như một vị thánh giám mục của Portô "con người lừng danh về học thức". Nhưng có lẽ thánh Hippôlitô chính là đấng mà chúng ta đã nói đến ở trên.

(daminhvn.net)




13 Tháng Tám


Bức Tường Ô Nhục

Ngày 13/8/1961, sau nhiều cuộc thương thảo vô ích giữa Washington và Mascơva nhằm giải quyết cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông và Tây, Kruschev, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đã ra lệnh cho xây cất một bức tường ngăn cách Đông và Tây Bá Linh. Bức tường này được dựng lên không những để đánh dấu sự đọan tuyệt giữa Đông và Tây, nhưng còn để ngăn chặn làn sóng những người Đông Đức ồ ạt chạy sang tỵ nạn tại Tây Bá Linh. Khối Đông Âu thì giải thích rằng bức tường này được dựng lên là để ngăn chặn những người Tây Phương có thể đến Đông Đức để làm gián điệp. Còn phía Tây Phương thì lại gọi bức tường đó là bức tường ô nhục... Nhưng dù được gọi dưới danh hiệu nào, dù được xây dựng dưới mục đích nào, bức tường ngăn cách giữa Đông và Tây Bá Linh vẫn mãi mãi là biểu trưng của những chia cách giữa con người mà chính con người đã tạo nên...

Có những bức tường ngăn cách về kinh tế, chính trị, chủng tộc, văn hóa do con người dựng lên... Nhưng cũng có những bức tường vô hình mà mỗi người chúng ta có thể xây lên để tự ngăn cách với người khác.
Bức tường vô hình đó trước tiên là bức tường của nghi kỵ. Người ta thường xây kín khu vực của mình ở bằng kín cửa cao tường là bởi vì người ta sợ con mắt dòm ngó của những người xung quanh. Sự nghi kỵ không những ngăn ngừa người khác đến với mình, nhưng còn giam hãm chính mình trong cô đơn...
Bức tường vô hình cũng là bức tường của ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết đến thế giới của mình và khép mắt, bịt tai trước những gì đang xảy ra cho người khác...
Bức tường đó cũng có thể là bức tường của sự bất cảm thông. Kẻ xây tường để bao bọc mình sẽ không muốn nhìn thấy và thông cảm với những người xung quanh...
Nhưng bức tường nào cũng là một nấm mồ chôn kín mình trong sự cô đơn. Càng bảo vệ chính mình, con người càng mất mát trong sự hao mòn. Trái lại, càng cởi mở, càng đến với tha nhân càng triển nở trong nhân cách...


(Lẽ Sống)

Thứ Ba 13-8
Thánh Pontian và Thánh Hippolytus
(k. 235)

V
ào năm 235, Maximinus làm hoàng đế Rôma và hầu như ngay sau khi lên ngôi, ông bắt đầu bách hại người Kitô Giáo. Một trong những hình phạt thông thường đối với các giám mục và linh mục là các ngài bị lưu đầy đến những quặng mỏ nguy hiểm ở Sardinia, nước Ý. Chính vì sự bách hại này mà ngày nay chúng ta mừng kính hai thánh tử đạo.
Thánh Pontian lên ngôi giáo hoàng sau khi Ðức Urban I từ trần năm 230. Khi Maximinus lên ngôi hoàng đế, Ðức Pontian cùng chung số phận với các Kitô Hữu khác và ngài phục vụ Giáo Hội trong sự đau khổ ở Sardinia.
Hippolytus là một linh mục và là học giả ở Rôma. Ngài có nhiều sáng tác về thần học và là bậc thầy tài giỏi. Hippolytus thất vọng với Ðức Giáo Hoàng Zephyrinus (được tử đạo năm 217) vì đức giáo hoàng không mau mắn ngăn chặn những người giảng dạy cách lầm lạc. Khi Ðức Callistus I được bầu làm giáo hoàng kế vị Ðức Zephyrinus, Hippolytus cũng không hài lòng. Lúc bấy giờ, rất đông người theo Hyppolytus và họ đồng lòng bầu Hippolytus lên làm giáo hoàng. Vị thần học gia tài giỏi này đã không chế ngự được tính kiêu ngạo và đã chấp nhận. Khi cuộc bách hại bùng nổ, Hyppolytus bị bắt và cũng bị lưu đầy đến Sardinia.
Trong hoàn cảnh đáng thương ấy, một phép lạ hòa giải đã xảy ra giữa sự cười nhạo của kẻ thù. Ðức giáo hoàng Pontian gặp gỡ với Hippolytus trong hoàn cảnh lưu đầy và vị linh mục tài giỏi này đã cảm hóa trước sự khiêm tốn của vị giáo hoàng. Hippolytus trở về với Giáo Hội và mọi tức giận đều tiêu tan. Ðức giáo hoàng Pontian thông cảm với vị linh mục. Ngài nhận ra nhu cầu của mỗi người là phải giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong tình bác ái của Ðức Giêsu Kitô. Cả hai đã được phúc tử đạo và mãi mãi trở nên nhân chứng cho sự tha thứ và niềm hy vọng Kitô Giáo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét