Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

13-07-2015 : THỨ HAI TUẦN XV MÙA THƯỜNG NIÊN

13/07/2015
Thứ Hai sau Chúa Nhật 15 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 1, 8-14. 22
"Chúng ta hãy đàn áp Israel, kẻo nó sinh sản ra nhiều".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, nhà vua mới lên ngôi cai trị nước Ai-cập, ông không biết Giuse, nên nói với dân chúng rằng: "Kìa, dân tộc con cái Israel nhiều và hùng mạnh hơn chúng ta. Nào, chúng ta hãy khôn khéo đàn áp chúng, kẻo chúng gia tăng lên nhiều. Và nếu xảy ra chiến tranh, chúng sẽ tiếp tay quân thù đánh lại chúng ta, rồi rút lui khỏi xứ chúng ta".
Vậy vua truyền lệnh cho các trưởng dịch bắt họ làm việc cực nhọc hơn, bắt họ xây những thành Phithom và Ramsê làm kho tàng cho Pharaon. Nhưng người ta càng đàn áp họ, thì họ lại càng sinh sản và bành trướng nhiều hơn. Các người Ai-cập càng ghen ghét con cái Israel và càng bắt họ làm việc khổ cực hơn. Người ta làm cho đời sống họ thêm cay cực, bắt họ làm những việc nặng nhọc, nhồi đất, đúc gạch và làm mọi công việc đồng áng. Bấy giờ vua Pharaon truyền lệnh cho toàn dân của vua rằng: "Bất cứ con trai (Do-thái) nào mới sinh, thì hãy ném nó xuống sông, chỉ để lại những trẻ gái mà thôi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 123, 1-3. 4-6. 7-8
Ðáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa (c. 8a).
Xướng: 1) Nếu như Chúa không che chở chúng tôi - Israel hãy xướng lên - nếu như Chúa không che chở chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ chúng tôi. - Ðáp.
2) Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi; bấy giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Người đã không để chúng tôi nên mồi trao đưa vào răng chúng. - Ðáp.
3) Hồn chúng tôi như cánh chim non thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim. Lưới dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất! - Ðáp.

Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 34 - 11, 1
"Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu".
Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm: Chúa Sẽ Ðền Bù
Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay cho hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.
Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. "Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng". Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.
Với Thiên Chúa, dù công khai hay âm thầm, sứ mệnh kẻ rao giảng bao giờ cũng cần thiết. Thiên Chúa luôn cần đến những người ngày đêm nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài bằng đời sống hoạt động tông đồ, nhưng Ngài cũng cần đến những người hỗ trợ cho công việc tông đồ bằng đời sống âm thầm cầu nguyện và hy sinh. Lịch sử chỉ nhớ đến những vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại hết những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của các vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại ghi nhớ tất cả, Ngài không bỏ sót một khuôn mặt nào, và phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân.
Xin Chúa cho chúng ta biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội bằng những đóng góp nhỏ bé trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Dù chỉ là những việc nhỏ bé, âm thầm, không được ai biết đến, nhưng chúng ta hãy tin rằng chúng vẫn hiện diện và có giá trị trước mặt Chúa.
Veritas Asia

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 15 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Exo 1:1-14, 22; Mt 10:34-11:1.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sợ sự thật làm con người chia rẽ.

Trong cuộc đời, đa số ai cũng muốn hơn người và điều khiển người khác; nên họ rất sợ khi người khác có địa vị và thành công hơn mình. Thay vì với tinh thần cầu tiến, họ nên tìm hiểu lý do tại sao người khác thành công để học hỏi; nhiều người lại dùng những mưu mô, thủ đoạn, và áp lực nhằm hạ bệ và tiêu diệt những người hơn mình.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp cụ thể tại sao con người bất hòa và chia rẽ. Trong Bài Đọc I, khi vua Ai-cập nhìn thấy con cái Israel gia tăng dân số, ông cảm thấy bị đe dọa. Thay vì nên khuyến khích người Ai-cập sinh sản nhiều cho thăng bằng cán cân dân số, ông lại tìm những thủ đoạn để tiêu diệt con cái Israel: ông bắt họ phải lao động cực khổ và ngay cả bằng việc giết các trẻ nam mới sinh của Israel. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ biết họ sẽ gặp chống đối ngay cả từ nơi gia đình của họ. Lý do là con người không dễ chấp nhận lối sống theo sự thật mà Đức Kitô đòi hỏi họ phải rao giảng.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chia rẽ vì sợ chủng tộc khác hơn mình.

1.1/ Vua Ai-cập kỳ thị chủng tộc Do-thái: Xưa cũng như nay, các quốc gia mạnh luôn tìm cách để bách hại các quốc gia yếu thế hơn mình để bắt triều cống và làm tôi mọi cho họ. Trường hợp Sách Xuất Hành tường thuật hôm nay là một trường hợp điển hình.
(1) Giòng dõi Jacob lan tràn khắp xứ Ai-cập: Thiên Chúa truyền con người phải sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất (Gen 1:28). Người Do-thái sống theo lệnh truyền của Thiên Chúa, họ ăn ở với nhau và sinh sản con cái rất nhiều. Tổ phụ Jacob có tất cả 12 con. "Sau đây là tên những con cái Israel đã đến Ai-cập với ông Jacob, mỗi người đem theo gia đình mình: Reuben, Simeon, Levi và Judah, Issachar, Zebulun và Benjamin, Dan và Naphtali, Gad và Aser. Giòng giống ông Jacob tính tất cả là bảy mươi người; ông Giuse thì đang ở bên Ai-cập. Rồi ông Giuse qua đời, cũng như anh em ông và tất cả thế hệ đó. Con cái Israel sinh sôi nảy nở, nên đông đúc và ngày càng hùng mạnh: họ lan tràn khắp xứ."
(2) Nỗi lo sợ của vua Ai-cập: Giống như đa số con người thời đại, người Ai-cập muốn hạn chế sinh sản, nhưng lại đâm lo khi thấy người Do-thái sinh sản nhiều hơn mình. Trình thuật kể: "Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giuse. Vua nói với dân mình: "Này đám dân con cái Israel đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà đánh lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ."" Vua Ai-cập cũng như phần đông các cha mẹ thời nay, họ vẫn nghĩ họ có những "biện pháp khôn ngoan" hơn Thiên Chúa: vừa muốn hạn chế sinh sản, vừa muốn an toàn và cai trị người khác.

1.2/ Các "biện pháp khôn ngoan" Vua Ai-cập dùng để hành hạ con cái Israel: Để làm giảm dân số Do-thái, vua Ai-cập dùng những thủ đoạn sau đây:
(1) Hành hạ thể xác: Vua ra lệnh "đặt lên đầu lên cổ họ những viên đốc công, để hành hạ họ bằng những việc khổ sai; bắt họ phải xây cho Pharao các thành làm kho lương thực là Pithom và Ramses. Chúng làm cho đời sống họ ra cay đắng vì phải lao động cực nhọc: phải trộn hồ làm gạch, phải làm đủ thứ công việc đồng áng; tóm lại, tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng đều cưỡng bách họ làm." Nhưng chúng càng hành hạ họ, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn, khiến chúng đâm ra sợ con cái Israel.
(2) Tước đoạt quyền sống: Thấy kế hoạch bắt làm việc khổ cực không làm giảm dân số của người Do-thái, vua Pharao ra lệnh cho toàn dân của mình: "Mọi con trai Do-thái sinh ra, hãy ném xuống sông Nile; mọi con gái thì để cho sống." Nhiều người phê bình Thiên Chúa tại sao bênh vực dân Do-thái đến độ tàn sát các con đầu lòng Ai-cập và nhận chìm quân đội của Ai-cập trong Biển Đỏ; nhưng họ đã bỏ qua tội lỗi bất công và tước đoạt quyền sống của các trẻ Do-thái bởi nhà vua và các đốc công Ai-cập.

2/ Phúc Âm: Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà." Thoạt nghe những lời tuyên bố này, chúng ta không khỏi lấy làm lạ: Tại sao một Thiên Chúa không đem bình an đến cho con người; lại đến để đem gươm giáo và gây chia rẽ trong gia đình?

1.1/ Bình an thực sự: Để hiểu những điều Chúa Giêsu nói, chúng ta cần phân biệt hai thứ bình an:
+ Bình an của con người: Con người thường hiểu bình an là sự vắng mặt của chiến tranh hay tranh chấp bên ngoài. Ví dụ: khi quốc gia không có đánh nhau và gia đình không có cãi vã tranh giành. Thứ bình an này thường chỉ tạm bợ và chờ đợi để bùng nổ một cuộc chiến lớn hơn và khốc liệt hơn.
+ Bình an của Thiên Chúa: là bình an đến từ bên trong tâm hồn. Bình an này chỉ có được khi con người dám đương đầu với và sống theo sự thật. Chính Chúa Giêsu đã phân biệt hai thứ bình an, khi Ngài nói với các môn đệ: bình an của Thầy sẽ ban cho anh em không theo kiểu bình an của thế gian ban tặng. Chúng ta có thể cảm nhận được sự bình an của các môn đệ sau khi Chúa sống lại. Các ông đã nhận ra sự thật: Chúa là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa gởi tới cho con người. Ngài đã trải qua đau khổ, đã chết, và đã sống lại. Nhận ra sự thật này làm cho các môn đệ bình an trong tâm hồn; để rồi các ông có thể đương đầu với những quyền lực của thế gian: roi vọt, bắt bớ, tù đày; mà vẫn không sợ hãi gì cả. Các ông có thể chấp nhận tất cả và vui lòng làm chứng cho Đức Kitô.

2.2 Phải sống đúng các mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, và với thế giới.
+ Mối liên hệ với Thiên Chúa phải đặt trên mối liên hệ với tha nhân: "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy." Khi nói những điều này, Thiên Chúa muốn con người phải đặt Thiên Chúa trên tất cả mọi người và mọi sự. Quyền lợi của Thiên Chúa phải đặt trên các quyền lợi cá nhân: "Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được."
+ Mối liên hệ với tha nhân phải đặt trên mối liên hệ vật chất: "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy." Con người không thể giúp đỡ lại cho Thiên Chúa, vì Ngài có tất cả. Điều con người có thể làm là giúp đỡ tha nhân, những con cái của Thiên Chúa. "Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính... Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta hãy có can đảm đương đầu với sự thật. Đừng dối trá, quanh co, hay dùng thủ đoạn để bôi lọ, bắt bớ, hay tiêu diệt những người dám nói và sống cho sự thật.
- Nếu chúng ta biết khiêm nhường chấp nhận sự thật Thiên Chúa dạy và thay đổi lối sống theo đường lối Ngài vạch sẵn, chúng ta sẽ bảo đảm được hạnh phúc và bình an cả đời này và đời sau. Nếu chúng ta cứ ngoan cố trong tư tưởng và đường lối của con người, chúng ta chắc chắn sẽ phải trả giá; vì chẳng có gì bí mật mà không bị phơi bày ra ánh sáng.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

13/07/15 THỨ HAI TUẦN 15 TN
Th. Hen-ri-cô
Mt 10,34-11,1


Suy niệm: Từ bỏ là qui luật của sinh tồn và phát triển. Người làm vườn phải tỉa bỏ những nhánh dại, cành khô để cây tăng truởng. Hằng ngày cơ thể chúng ta vẫn luôn hoạt động để loại bỏ những chất thải, những tế bào già nua, bệnh hoạn. Nếu những chất độc còn ứ đọng trong người, sự sống của chúng ta không những không phát triển mà còn bị đe dọa nữa. Trong đời sống siêu nhiên cũng thế. Nếu muốn tăng trưởng, chúng ta cũng phải chấp nhận qui luật từ bỏ: từ bỏ chính mình để theo Đức Kitô, sống theo mẫu gương và giáo huấn của Ngài. Can đảm từ bỏ tội lỗi, những tính xấu mê nết xấu sẽ đem lại cho ta sự tự do và giúp cho nhân đức được nảy nở không ngừng.
Mời Bạn: Nhiều khi vì vô tình, chúng ta dung dưỡng những cách ăn nết ở, những thói xấu làm hư hỏng đời sống chúng ta. Không ai có thể tự hào rằng mình đã hoàn thiện, và không còn gì để từ bỏ cả. Bao lâu còn sống, chúng ta còn phải khiêm tốn xét mình và sửa chữa. Phải kiên trì bắt đầu lại hằng ngày.
Chia sẻ: Kiểm điểm lại trong nội bộ nhóm, cộng đoàn, có điểm tiêu cực nào cần phải khắc phục không?
Sống Lời Chúa: Tôi cám ơn Chúa vì những tài năng, ơn phúc Chúa ban đồng thời nhận biết và sẵn sàng loại bỏ những gì cản trở ơn thánh hoạt động nơi tôi. Tôi cám ơn những ai đã giúp tôi nhận ra những nhược điểm của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa kêu mời chúng con “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện.” Xin cho chúng con kiên trì noi theo mẫu gương sống thánh thiện để chúng con ngày càng nên giống Chúa hơn.

Không xứng với Thầy 
Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy, nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa?

Suy nim:
Văn Cao là một nhạc sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.
Nhưng ông cũng là một thi sĩ ít được ai biết đến.
Ông có làm một bài thơ ngắn Không Đề như sau:
“Con thuyền đi qua
để lại sóng.
Đoàn tàu đi qua
để lại tiếng.
Đoàn người đi qua
để lại bóng.
Tôi không đi qua tôi
để lại gì?”
Ông muốn để lại chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.
Và ông hiểu rằng mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.
Cái tôi và tất cả những gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.
Vượt qua cái tôi không làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.
Phải chăng đó là điều Văn Cao, một Kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,
muốn gửi gấm qua những vần thơ này?
Có những giá trị hầu như được mọi người nhìn nhận.
Có những giá trị thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.
Đặc biệt trong xã hội Do thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.
Đức Giêsu cũng đã phê phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).
Mạng sống của con người cũng là một giá trị cao quý.
Đụng đến mạng sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,
như ta thấy trong chuyện Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).
Trước những giá trị thiêng liêng như thế, ta cần yêu mến, giữ gìn.
Yêu cha, yêu mẹ, yêu con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.
Giữ gìn mạng sống của mình là điều phải làm.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.
Ngài không cấm các môn đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,
vì đó là những giá trị thiêng liêng cao quý.
Nhưng Ngài không chấp nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.
Ngài không muốn họ đặt Ngài ở dưới những giá trị đó.
Đơn giản Ngài muốn họ coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.
Khi cần chọn lựa giữa các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.
Cụm từ “không xứng đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).
Chỉ ai dám yêu Ngài hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,
người ấy mới xứng đáng với Thầy.
Chỉ ai dám mất mạng sống của mình vì Thầy,
người ấy mới lấy lại được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).
Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,
nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa?
Đừng quên chính Ngài đã mất mạng sống mình vì tôi trước.
Chỉ khi tôi đi qua tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,
tôi mới có gì để lại cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác.
Xin làm được điều thánh Biển Đức dạy:
“Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
13 THÁNG BẢY
Sự Tự Do Của Con Người
Diễn Tả Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa
Ở đây, khi đối diện với kế hoạch sáng tạo từ đời đời của Thiên Chúa, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng và khôn dò. Mầu nhiệm đó chính là mối quan hệ mật thiết giữa các hành động của Thiên Chúa và những quyết định của con người.
Chúng ta biết rằng sự tự do chọn lựa là khả năng tự nhiên của một tạo vật có lý trí. Kinh nghiệm cũng cho chúng ta biết rằng tự do của con người là cái có thực – ngay cả khi nó bị làm cho thương tổn và suy yếu đi bởi tội lỗi. Về mối quan hệ giữa sự tự do của con người với hành động của Thiên Chúa, chúng ta nên nhìn trong ánh sáng của những gì mà Thánh Tô-ma Aquinô đã nói về sự quan phòng thần linh. Thánh Tô-ma mô tả sự tự do của con người như biểu hiện của sự khôn ngoan Thiên Chúa – sự khôn ngoan xếp đặt và hướng dẫn mọi sự đạt đến mục tiêu của chúng (cf. Tổng Luận Thần Học I,22,1). Tất cả những gì được Thiên Chúa tạo thành đều nhận sự hướng dẫn này, và trở thành đối tượng của sự quan phòng thần linh (vs. 2).
Qua con người – được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa – tất cả thế giới tạo vật hữu hình tiến tới gần Thiên Chúa và tìm thấy con đường đưa dẫn chúng đến sự thành toàn cuối cùng. Quan niệm này được diễn tả bởi nhiều người khác nữa, trong đó có Thánh I-rê-nê và được phản ảnh bởi giáo huấn của Công Đồng Vatican II về tác động phát triển thế giới của con người (MV 7). Nói tắt, sự phát triển hay sự tiến bộ đích thực mà con người được mời gọi thực hiện trong thế giới không được phép chỉ hạn định trong phương diện kỹ thuật, mà phải bao gồm phương diện đạo đức nữa. Đây là điều kiện thiết yếu để xây dựng Nước Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo này (MV các số 35,43,57,62).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13-7
Thánh Henricô
Xh 1, 8-14.22; Mt 10, 34-11,1

LỜI SUY NIỆM: “Ai tiếp đón anh em là tiếp đón Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
Chúa Giêsu đang nói với mỗi người trong chúng ta, về sự tương quan của mỗi Kitô hữu với Người và với Chúa Cha; cũng như tương quan của Người với Chúa Cha. Cả hai tương quan này trở nên một, khi chúng ta thi hành ý muốn của Chúa Cha. Điều này luôn đòi hỏi nơi mỗi một người chúng ta phải ý thức căn tính của bản thân mình là Kitô hữu, được xây dựng trên nền tảng công bình và bác ái đối với mình và đối với anh em.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn mỗi người trong chúng con phải sống tốt theo ý muốn của Chúa Cha, để những người chung quanh chúng con có thể đón nhận chúng con vì Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con được trở nên nhân chứng của Chúa nơi chúng con đang sống, đang học tập và đang làm việc.
Mạnh Phương

13 Tháng Bảy
Niềm Vui Và Kho Tàng

Theo một bảng thống kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium. Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.
Nói chung, xem chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.
Nhưng an bình và vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Ðạt được tất cả, có tất cả nhưng không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây chết.
Người Ai Cập thời cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osires để trả lời cho hai câu hỏi: "Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Ngươi có mang lại niềm vui cho người khác không?". Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời cho hai câu hỏi ấy.
Số phận đời đời của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của họ trong cuộc sống này.
Một ngày kia, người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau: "Tôi không thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước ngòi bút của tôi". Người tín hữu Kitô, theo định nghĩa, không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui mừng bởi vì Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có Chúa.
Trong quyển sách có tựa đề "Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần", Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Ðức Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công nhân và trí thức, niềm vui cho người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của niềm vui".
Nhưng niềm vui không phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến tạo niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao ban, niềm vui càng lớn mạnh.
Mỗi ngày chúng ta van xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người "vui lòng", nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn người khác "vui lòng" để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta phải làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng những chia sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta, bằng những chịu đựng vui tươi của chúng ta.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét