17/06/2014
Thứ Ba sau Chúa Nhật
11 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) 1 V 21, 17-29
"Ngươi
đã làm cho Israel phạm tội".
Trích
sách Các Vua quyển thứ nhất.
(Sau
khi Naboth chết), có lời Chúa phán cùng ông Êlia, người miền Thesbê rằng:
"Ngươi hãy chỗi dậy, xuống gặp Acáp, vua Israel, ở thành Samaria: này Acáp
đang xuống vườn nho của Naboth để chiếm lấy. Ngươi sẽ nói với ông ấy rằng:
"Ðây lời Chúa phán: Ngươi đã giết, lại còn chiếm đoạt". Sau đó ngươi
nói tiếp: "Ðây là lời Chúa phán: Những con chó đã liếm máu Naboth tại đâu,
thì cũng sẽ liếm máu ngươi tại đó". Acáp liền nói với Êlia: "Ông coi
tôi là thù địch của ông sao?" Êlia đáp: "Ðúng thế, vì vua đã liều
mình làm điều gian ác trước mặt Chúa. Này Ta sẽ giáng hoạ trên ngươi, sẽ làm
cho ngươi tuyệt tự; Ta sẽ giết tất cả con trai của nhà Acáp, bất kể sang hèn
trong dân Israel. Ta sẽ cho dòng dõi ngươi ra giống như dòng dõi Giêroboam, con
của Nabat, và như dòng dõi của Baasa con của Ahia, vì ngươi đã hành động để chọc
giận Ta, và làm cho Israel phạm tội". Còn về Giêzabel, Chúa phán rằng:
"Chó sẽ ăn thịt Giêzabel ở cánh đồng Giêzrơel. Acáp chết trong thành, sẽ bị
chó ăn thịt; nếu chết ngoài đồng, thì sẽ bị chim trời rỉa ăn". Chẳng có ai
giống như Acáp, đã liều mình làm điều gian ác trước mặt Chúa, bởi vì Giêzabel, vợ
vua đã xúi giục. Vua đã trở nên quái gở, đến nỗi chạy theo các tà thần mà người
Amorrhe đã làm ra, họ là những người Chúa đã tiêu diệt trước mặt con cái
Israel.
Khi
Acáp nghe những lời này, mặc áo nhặm, ăn chay, vấn bao bố mà ngủ và ăn ở khiêm
nhường. Có lời Chúa phán với Êlia người Thesbê rằng: "Ngươi có thấy Acáp hạ
mình trước mặt Ta không? Vì Acáp đã hạ mình trước mặt Ta, Ta sẽ không giáng hoạ
xuống trong đời ông ta, nhưng trong đời con ông ta, Ta sẽ giáng hoạ trên nhà
ông ấy".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 50, 3-4. 5-6a. 11 và 16
Ðáp: Xin xót
thương, lạy Chúa, vì chúng con đã phạm tội.
Hoặc
đọc: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng
cả đức từ bi; xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. -
Ðáp.
2)
Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội
phản nghịch cùng một Chúa. - Ðáp.
3)
Xin ngoảnh mặt đi, đừng nhìn tội lỗi, và tẩy xoá mọi điều gian ác của con. Xin
cứu gỡ con khỏi đền nợ máu, ôi lạy Chúa là Chúa cứu độ con, lưỡi con sẽ ca ngợi
đức công minh Chúa. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 24, 4c và 5a
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn
con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 5, 43-48
"Các
ngươi hãy yêu thương thù địch".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: "Ngươi hãy
yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù". Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu
thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những
ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Ðấng
ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống
trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến
trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế
ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi
hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo
như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Yêu
thương kẻ thù
Sau
hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật
chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của
các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: "Tôi vẫn yêu mến
đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi
đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi
không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục
vụ".
Những
lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập
mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới
hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.
"Hãy
yêu mến anh em mình", mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những
"anh em" được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc
về dân riêng của Chúa. Còn câu: "Hãy ghét kẻ thù địch" thì chúng ta
không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này
có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một
hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc,
những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu
Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ
thù địch, không được yêu thương.
Chúa
Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên:
"Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược
đãi các con". Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa
Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ
Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không
còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể,
và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được
chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là
tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Nhưng
tại sao phải yêu thương như vậy? Bởi vì chính chúng ta là con cái của Thiên
Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, Ðấng cho mặt trời mọc lên soi
sáng kẻ xấu cũng như người lành.
Xin
Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi
tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay
cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 11 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Kgs 21:17-29;
Mt 5:43-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy yêu thương, tha
thứ, cầu nguyện, và làm ơn cho kẻ thù!
Nhiều
người cho những điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ hôm nay là quá khả năng con người
có thể làm được. Không chống lại, không kiện cáo đã khó mà Chúa Giêsu còn đòi
phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện, và làm ơn cho kẻ thù của mình nữa! Chắc
chắn Chúa Giêsu không đòi các tín hữu phải làm những chuyện không thể; khi đòi
họ phải làm điều gì, Ngài sẽ cung cấp lý do và nhất là ơn thánh cần thiết để
làm chuyện đó.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta hai lý do chính không cần phải báo thù. Trong bài
đọc I, Thiên Chúa là người sửa phạt những kẻ làm điều gian ác. Ngài sai Elijah
tới để tuyên án phạt cho vua Ahab và hoàng hậu Jezebel. Hoàng hậu sẽ bị chó ăn
thịt trong cánh đồng Jezreel, hậu duệ nhà Ahab sẽ bị xóa sạch, và ai thuộc về
Ahab “chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim
trời rỉa thây." Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ trở nên trọn lành
như Cha trên trời là Đấng trọn lành bằng việc yêu thương, tha thứ, cầu nguyện
và làm ơn cho kẻ thù.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Việc báo thù người ác là việc của Thiên Chúa
1.1/
Thiên Chúa sẽ trả lại cho mỗi người tùy việc họ làm.
Trong
trình thuật hôm qua, hẳn mọi người chúng ta rất bất bình với vua Ahab, và nhất
là với hoàng hậu Jezebel. Trong trình thuật hôm nay, chúng ta sẽ thấy rõ án
công thẳng của Thiên Chúa, vì không một việc gì dù kín nhiệm đến đâu đi nữa mà
Thiên Chúa không biết.
Thiên
Chúa sai ngôn sứ Elijah đến gặp vua Ahab và tuyên án cho vua rằng: "Đức
Chúa phán thế này: Ngươi đã giết hại, lại còn chiếm đoạt nữa ư? ... Đức Chúa
phán thế này: Tại chính nơi chó đã liếm máu Naboth, thì chó cũng sẽ liếm máu
ngươi... Này, Ta sẽ giáng tai hoạ xuống trên ngươi: Ta sẽ xoá sạch hậu duệ
ngươi, Ta sẽ tiêu diệt các đàn ông con trai của Ahab trong Israel, đang bị ràng
buộc hay được tự do.”
Riêng
đối với hoàng hậu Jezebel, người chủ mưu trong kế hoạch giết và chiếm vườn nho
của Naboth: "Chó sẽ ăn thịt Jezebel trong cánh đồng Jezreel. Kẻ nào thuộc
về Ahab mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị
chim trời rỉa thây." Lời tuyên án "chó sẽ ăn thịt Jezebel trong cánh
đồng Jezreel” thành sự thật trong 2 Kings 9:35-36; và lời tuyên án “kẻ nào thuộc
về Ahab mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị
chim trời rỉa thây” được thi hành trong 2 Kings 9:25-26.
1.2/
Vua Ahab ăn năn hối cải:
Thật
ra, vua Ahab là người biết kính sợ Thiên Chúa; nhưng là một ông vua nhu nhược,
không có đức tin vững chắc nên đã nghe lời xúi giục của hoàng hậu Jezebel để
làm những điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa. Điều này phải là mẫu gương cho các
tín hữu: Đừng dại dột lấy vợ ngoại đạo, vì các bà sẽ bắt các ông cũng tôn thờ
thần tượng của các bà; và vì không biết hay không tin nơi những điều dạy tốt
lành của Thiên Chúa, các bà sẽ hành động theo bản năng và sự xúi giục của ma quỉ.
Khi
nghe những lời tuyên án của ngôn sứ Elijah, “vua Ahab xé áo mình ra, khoác áo vải
gai bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với vải gai và bước đi thiểu não.” Đức
Chúa động lòng thương xót, Ngài phán với ông Elijah, người Tishbite, rằng:
"Ngươi có thấy Ahab đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không? Vì nó đã hạ
mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó, nhưng
đến đời con nó, Ta sẽ giáng hoạ xuống nhà nó."
Giống
như trường hợp của vua David, Đức Chúa nhân nhượng cho vua Ahab trong khi ông
còn sống; nhưng sẽ thi hành trong đời con cháu. Tội không bao giờ chỉ là tội của
cá nhân; nhưng luôn ảnh hưởng trên gia đình và xã hội.
2/
Phúc Âm:
Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
2.1/
Luật người xưa dạy: ''Hãy
yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.'' Luật Đức Kitô: ''Còn Thầy, Thầy bảo anh em:
hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.''
(1)
Phân tích từ ngữ: Trước
tiên, chúng ta cần phân biệt: có ba động từ yêu trong Hy-lạp: erein,
philein, agapan. Động từ yêu dùng ở đây là "avgapa,w,'' động từ
này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Đức Kitô không đòi chúng ta
yêu kẻ thù với tình yêu tự nhiên dành cho người yêu, hay dành cho những người
trong gia đình (erein, philein). Nếu Chúa đòi như thế, Ngài bắt chúng ta
đi ngược lại tự nhiên. Điều khác biệt giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tự
nhiên là ở chỗ khi yêu cách tự nhiên, con người dùng trái tim; nhưng khi yêu kẻ
thù với tình yêu Thiên Chúa, con người phải dùng tới ý muốn của mình, nó là một
thỏa thuận giữa trí tuệ và lòng muốn.
(2)
Thứ đến, con người chỉ có thể yêu kẻ thù khi con người đã được thấm nhuần đạo
lý và tình yêu của Đức Kitô: Theo Gioan, tình yêu này phát xuất từ Thiên Chúa và được thông
ban cho con người qua Đức Kitô. Chúa Giêsu luôn đòi các môn đệ phải ở lại trong
tình yêu này qua việc giữ các giới răn, trước khi truyền cho các ông phải
"yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em."
(3)
Sau cùng, con người phải sống theo lời dạy của Đức Kitô: Để có thể yêu kẻ
thù, con người cần cầu nguyện cho họ. Khi con người có thể cầu nguyện cho họ,
Chúa sẽ giúp con người có thể tha thứ hoàn toàn cho kẻ thù. Trên Thánh Giá,
Chúa Giêsu cầu nguyện: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc
chúng làm." Noi gương Đức Kitô, thánh Stephanô, vị tử đạo tiên khởi, cũng
cầu nguyện cho những người ném đá mình: ''Lạy Chúa! Xin đừng chấp họ tội này.''
Và còn biết bao gương của các vị tử đạo khác nữa; điều này chứng minh đời hỏi của
Đức Kitô không vượt quá giới hạn của con người.
2.2/
Những lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 4 lý do:
(1)
Để trở nên con cái của Thiên Chúa: Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Điều
làm con người nên giống Thiên Chúa nhất là yêu thương. ''Người cho mặt trời của
Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất chính.''
(2)
Người môn đệ phải khác với người thường: ''Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì
anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế
sao?''
(3)
Người có đạo phải khác với người vô đạo: ''Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh
em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?''
(4)
Để trở nên hoàn thiện: "Vậy
anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.'' Hoàn
thiện là mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên con người, như Sách Sáng Thế viết:
"Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con
người theo hình ảnh Thiên Chúa" (Gen 1:27).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta là những con cái của Thiên Chúa, và có bổn phận sống theo tiêu chuẩn của
những công dân Nước Trời; chứ không được bằng lòng với những tiêu chuẩn của trần
thế. Một trong những tiêu chuẩn làm chúng ta giống Thiên Chúa là yêu thương và
cầu nguyện cho kẻ thù.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 11 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 5,43-48
A. Hạt giống...
Hôm nay Chúa Giêsu dạy cách đối xử với những kẻ
thù ghét mình :
- Khuynh hướng tự nhiên là thù ghét kẻ thù ghét
mình.
- Cựu Ước cũng không có khoản luật nào dạy yêu
thương kẻ thù
- Còn Chúa Giêsu thì dạy : a/ hãy yêu thương kẻ
thù ; b/ hãy làm ơn cho kẻ ghét mình ; c/ hãy cầu nguyện cho họ.
B.... nẩy mầm.
1. Phim ảnh thường kể những chuyện báo thù, coi
việc báo thù là bổn phận thiêng liêng : con báo thù cho cha, chồng báo thù cho
vợ, anh em báo thù cho nhau, bạn bè báo thù cho nhau v.v. Nhưng gần đây, ngay
cả những phim mang nội dung báo thù ấy cũng dẫn đến một ý tưởng kết thúc là báo
thù không giải quyết được vấn đề, càng báo thù thì thù càng gia tăng chồng
chất. Nghĩa là lương tri con người đã ý thức rằng báo thù không phải là một
nghĩa vụ thiêng liêng nhưng là một thảm hoạ.
2. Trong ngôn ngữ của kitô hữu không nên có tiếng
"kẻ thù của mình", vì kitô hữu không được thù ai cả, chỉ có tiếng
"những kẻ thù ghét mình" thôi. Và sứ mạng kitô hữu là cải hóa những
người ấy.
Chúa Giêsu dạy ta 3 cấp độ đối xử với họ : yêu
thương - làm ơn - cầu nguyện. Nếu ta chưa yêu thương được thì cố gắng lấy ơn
báo oán - Nếu như vẫn chưa làm thế được thì tối thiểu hãy cầu nguyện cho họ.
3. Có hai người kia đều bị tên bắn. Người thứ
nhất bình tỉnh và nhẹ nhàng nhổ mũi tên ra, băng bó vết thương, vài ngày sau
khỏi hẳn. Người thứ hai tức giận, nhổ mũi tên ra nhưng cầm lấy đâm túi bụi vào
mình mẩy của mình, đã thế, khi gặp những người thân anh còn đâm họ bị thương
nữa.
Mũi tên chính là lời công kích của kẻ khác.
Người khôn cư xử như người thứ nhất, nghe xong bỏ đi. Kẻ dại cư xử như người
thứ hai cứ lặp đi lặp lại lời công kích đó và còn thuật đi thuật lại cho những
người thân, làm cho bản thân mình và người thân thêm đau đớn vô ích.
4. "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những
kẻ ngược đãi anh em" (Mt 5,44)
Có lẽ bạn và tôi đã có lần cảm nghiệm được niềm
vui và nỗi đau của sự tha thứ khi tha và được tha.
Thật vậy, chỉ một thoáng vô tình tôi đã có thể
trở nên một đối tượng xấu xa trong cái nhìn của tha nhân. Tâm hồn tôi sẽ ra
sao, khi bị nhìn bằng đôi mắt lạnh lùng, xa cách, khinh bỉ ?... Và có lần, tôi
cũng đã nhìn tha nhân bằng đôi mắt ấy.
Chỉ trong sự Tha Thứ, tôi mới có thể hoạ lại nơi
bản thân mình cái nhìn "cảm hóa" của Đức Kitô. Một cái nhìn không chỉ
dừng lại ở việc giao hoà, mà còn đi sâu vào lòng người, xoá tan mọi ấn tượng,
mặc cảm tội lỗi nơi họ. Một cái nhìn tha thứ đến mức tuyệt đối :"Bảy mươi
lần bảy" (Mt 18,22)
Lạy Chúa Giêsu ! xin ban cho con một tâm hồn
quảng đại, Một con tim tràn đầy yêu thương, một cái nhìn khoan dung nhân hậu ;
để con luôn biết cảm thông thay cho chấp nhất, tha thứ thay cho kết án, yêu
thương thay cho thù hận, đem niềm vui nâng đỡ hy vọng, xoá tan nỗi buồn tuyệt
vọng đơn côi ; và để trong mọi nơi mọi lúc, cả trong lúc nhục nhã đớn đau vì
tha nhân, con vẫn bình tĩnh và can đảm thưa được như Chúa : "Lạy Chúa !
Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34) (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
17/06/14 THỨ BA TUẦN 11
TN
Mt 5,43-48
Mt 5,43-48
Suy niệm: Một
người khi vừa vượt biên thành công sang nước láng giềng liền bốc một nắm đất
nơi anh đang đứng và nói: đất này cũng giống đất ở nước anh, thế nhưng chính
đường biên giới do con người vạch ra đã làm cho đất bên ấy khác với đất bên
này. Tình yêu Thiên Chúa bao la xoá bỏ mọi thứ biên giới. Đấng cho “mặt trời mọc lên soi sáng cho cả kẻ xấu lẫn
người tốt, cho mưa xuống người công chính cũng như kẻ bất lương,” Đấng ấy mời gọi chúng ta hãy sống như Ngài,
yêu thương mọi người cách bình đẳng không loại trừ ai, yêu thương không chỉ anh
em mình, mà phải yêu cả những kẻ khó ưa và cả kẻ thù của mình nữa.
Mời Bạn: Trong
thông điệp Phục Sinh 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Hãy đến và xem! Tình yêu Thiên Chúa mạnh mẽ
dường nào, Tình yêu ấy trao ban sự sống và Tình yêu ấy làm cho hy vọng nở hoa
nơi sa mạc.” Chỉ
có tình yêu Thiên Chúa mới đủ sức mạnh để phá đổ mọi bức tường ngăn cách. Thiên
Chúa hôm nay vẫn đang tiếp tục thể hiện Tình yêu ấy nơi mỗi người chúng ta khi
ta biết mở lòng đón nhận và làm theo chỉ dẫn của Ngài trong đời sống hàng ngày
của chúng ta.
Sống Lời Chúa: Làm
việc bác ái cụ thể cho người đang sống bên cạnh bạn nhất là những người mà tự
nhiên bạn không ưa thích, những người bạn đang có mối bất hoà.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương xót con và để con có khả
năng thương xót và yêu mến mọi người xung quanh con như chính Chúa đã yêu con.
Như
Cha trên trời (17.6.2014 – Thứ ba Tuần 11 Thường niên)
Suy niệm:
Bí tích Thánh Tẩy làm chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhưng bí tích Thánh Tẩy không phải chỉ là bí tích để lãnh nhận,
mà còn là bí tích để sống.
Trở nên con cái Thiên Chúa là tiến trình dài một đời người.
Kitô hữu trở nên con Cha trên trời nhờ bí tích Thánh Tẩy
và cũng nhờ cố gắng liên tục sống như Cha của mình.
Thiếu cố gắng này, người ta chỉ còn là kitô hữu có tên trong sổ Rửa tội.
Nhưng bí tích Thánh Tẩy không phải chỉ là bí tích để lãnh nhận,
mà còn là bí tích để sống.
Trở nên con cái Thiên Chúa là tiến trình dài một đời người.
Kitô hữu trở nên con Cha trên trời nhờ bí tích Thánh Tẩy
và cũng nhờ cố gắng liên tục sống như Cha của mình.
Thiếu cố gắng này, người ta chỉ còn là kitô hữu có tên trong sổ Rửa tội.
Bài Tin Mừng hôm nay thật là đỉnh cao của Kitô giáo.
Đức Giêsu dạy ta nẻo đường để trở nên con cái Cha trên trời (c. 45).
Đó là : “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.
Cựu Ước dạy ta yêu người thân cận (Lv 19, 18).
Còn Đức Giêsu dạy ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (c. 44).
Yêu ở đây không phải là chuyện của cảm xúc hay thích thú.
Dĩ nhiên chúng ta không thể yêu kẻ thù tha thiết như yêu cha mẹ mình được.
Yêu ở đây là chuyện của ý chí và hành động.
Chúng ta yêu kẻ thù, vì kẻ thù cũng là thụ tạo của Cha như ta.
Đức Giêsu dạy ta nẻo đường để trở nên con cái Cha trên trời (c. 45).
Đó là : “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.
Cựu Ước dạy ta yêu người thân cận (Lv 19, 18).
Còn Đức Giêsu dạy ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (c. 44).
Yêu ở đây không phải là chuyện của cảm xúc hay thích thú.
Dĩ nhiên chúng ta không thể yêu kẻ thù tha thiết như yêu cha mẹ mình được.
Yêu ở đây là chuyện của ý chí và hành động.
Chúng ta yêu kẻ thù, vì kẻ thù cũng là thụ tạo của Cha như ta.
Dù kẻ thù của ta có là kẻ xấu xa và bất chính,
nhưng họ vẫn được Cha trên trời dấu yêu.
Ngài cho mặt trời mọc lên mỗi sáng để nắng ấm đem lại sự sống cho họ.
Ngài cho mưa rơi xuống luống cày của họ để họ có của nuôi thân (c. 45).
Thiên Chúa không dành nắng hay mưa cho riêng người tử tế đạo đức.
Ngài bao dung và rộng rãi khi đối xử với mọi người.
Trở nên con cái Cha là mang những tâm tình sâu kín ấy của trái tim Cha.
Khi trái tim ta giống trái tim Cha,
ta sẽ nhìn kẻ thù bằng cặp mắt mới, sẽ cư xử với họ theo cung cách mới.
Lúc đó họ sẽ chẳng còn là kẻ thù nữa, mà là bạn.
nhưng họ vẫn được Cha trên trời dấu yêu.
Ngài cho mặt trời mọc lên mỗi sáng để nắng ấm đem lại sự sống cho họ.
Ngài cho mưa rơi xuống luống cày của họ để họ có của nuôi thân (c. 45).
Thiên Chúa không dành nắng hay mưa cho riêng người tử tế đạo đức.
Ngài bao dung và rộng rãi khi đối xử với mọi người.
Trở nên con cái Cha là mang những tâm tình sâu kín ấy của trái tim Cha.
Khi trái tim ta giống trái tim Cha,
ta sẽ nhìn kẻ thù bằng cặp mắt mới, sẽ cư xử với họ theo cung cách mới.
Lúc đó họ sẽ chẳng còn là kẻ thù nữa, mà là bạn.
Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của mình bước lên,
lên cao hơn cái tự nhiên, bình thường của người đời.
Dù là kẻ xấu, người thu thuế vẫn yêu kẻ yêu thương ông ta.
Người dân ngoại chưa biết Chúa vẫn chào hỏi anh em của họ (c. 46).
Điều mà Đức Giêsu đòi các kitô hữu phải làm hơn người khác,
đó là yêu kẻ thù ghét mình, cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình
và chào những kẻ chẳng bao giờ chào hỏi mình.
Làm thế là vượt lên trên tình cảm tự nhiên đang kéo trì mình xuống,
là giải thoát mình khỏi sức nặng của cái tôi nhỏ mọn, tự ái, kiêu căng.
Làm thế là bắt đầu đi vào trong nơi sâu nhất của trái tim Thiên Chúa,
và để cho trái tim mình mở ra đến vô cùng như trái tim Ngài.
lên cao hơn cái tự nhiên, bình thường của người đời.
Dù là kẻ xấu, người thu thuế vẫn yêu kẻ yêu thương ông ta.
Người dân ngoại chưa biết Chúa vẫn chào hỏi anh em của họ (c. 46).
Điều mà Đức Giêsu đòi các kitô hữu phải làm hơn người khác,
đó là yêu kẻ thù ghét mình, cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình
và chào những kẻ chẳng bao giờ chào hỏi mình.
Làm thế là vượt lên trên tình cảm tự nhiên đang kéo trì mình xuống,
là giải thoát mình khỏi sức nặng của cái tôi nhỏ mọn, tự ái, kiêu căng.
Làm thế là bắt đầu đi vào trong nơi sâu nhất của trái tim Thiên Chúa,
và để cho trái tim mình mở ra đến vô cùng như trái tim Ngài.
“Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” (c. 48).
Lý tưởng này thật là cao xa, sức người không vươn tới được.
Nhưng nếu ta tập quen yêu kẻ thù chung quanh ta,
– mà ai trong chúng ta lại không có kẻ thù -
thì chúng ta dần dần sẽ trở nên hoàn thiện.
Lý tưởng này thật là cao xa, sức người không vươn tới được.
Nhưng nếu ta tập quen yêu kẻ thù chung quanh ta,
– mà ai trong chúng ta lại không có kẻ thù -
thì chúng ta dần dần sẽ trở nên hoàn thiện.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
Nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
Dễ thấy Chúa hiện diện
Và hoạt động trong đời con.
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
Nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
Dễ thấy Chúa hiện diện
Và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
Xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
Khép kín và nghi ngờ.
Xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
Khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
Để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
Để con dám buông đời con cho Chúa.
Để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
Vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
Hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
Hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Suy niệm
Giáo lý của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay là tuyệt đỉnh của tinh
thần Kitô giáo trong mối quan hệ giữa người với người. Cả những người không
Công giáo cũng biết Đức Giêsu dạy các Kitô hữu điều này: yêu kẻ thù.
Chắc chắn, chúng ta không thể yêu kẻ thù với tình cảm tự nhiên như yêu
thương những người thân, những người gần gũi. Nhưng tình thương đối với kẻ thù
đòi chúng ta phải vận dụng đến ý chí. Chúng ta phải yêu kẻ thù, theo Đức Giêsu,
chỉ vì họ cũng là con cái Thiên Chúa như chúng ta. Và hơn nữa, chỉ khi yêu như
vậy, người môn đệ mới trở nên giống Chúa. Như vậy, Đức Giêsu đòi các môn đệ
bước lên cao hơn cách cư xử của người đời.
Hôm nay, nhiều tâm hồn đang bất an vì những ngổn ngang của hận thù, của đố
kỵ, của chia rẽ không thể hàn gắn.
Mong sao, trái tim Kitô hữu cũng mở ra với mọi người, như trái tim của Đức
Giêsu.
Mong sao, tất cả các Kitô hữu đều trở nên con cái Cha trên trời, nhờ lòng
bao dung không mệt mỏi với mọi người, kể cả kẻ thù của mình.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17
THÁNG SÁU
Sự
Quan Phòng Của Thiên Chúa
Chúng
ta được mời gọi ký thác trọn vẹn cuộc sống mình cho Thiên Chúa Quan Phòng. Như
lời tác giả thánh vịnh: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao
thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv
131,2). Thế nhưng, lúc này lúc khác, chúng ta xem ra không dám ký thác chính
mình cho Thiên Chúa là Chúa Tể và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Tâm trí chúng ta bị
che phủ bởi các vấn đề. Chúng ta quên bẵng Đấng Tạo Thành. Cũng có thể chúng ta
đang thực sự đắm chìm trong đau khổ và ta nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, Cha
của chúng ta.
Kỳ
thực, sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa vốn rất gần gũi chúng ta khi
chúng ta gặp đau khổ. Có rất nhiều ví dụ trong Thánh Kinh. Chẳng hạn, Gióp
không ngần ngại kêu van với Chúa – dù đang ở giữa nỗi khổ đau. Gióp thể hiện niềm
tin tưởng lạ lùng vào Thiên Chúa. Niềm tin tưởng này không hề vu vơ. Lời Chúa
xác nhận rằng sự quan phòng của Thiên Chúa, quyền năng cứu độ của Ngài, đổ tràn
trên Dân của Ngài trong những giờ phút quẫn bách nhất của họ, bởi vì họ là con
cái của Ngài. Trong đớn đau chất ngất cả thân xác lẫn tâm hồn, Gióp thốt lên:
“Ai sẽ cho tôi biết phải tới đâu để tìm Ngài, và làm sao đến được nơi Ngài ngự?
Tôi sẽ tỏ bày vụ việc trước nhan Ngài, miệng tôi chất chứa lời biện bạch” (G
23,3-4). Chúng ta hôm nay cũng thế, hãy đến trước Cha với tất cả những nhu cầu
của chúng ta!
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
17-6
1V
21, 17-29; Mt 5, 43-48.
LỜI
SUY NIỆM: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và hãy
ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những
kẻ ngược đãi anh em.”
Thiên
Chúa là Tình Yêu, Chúa Giêsu đã đến trong thế gian này để thể hiện tình yêu của
Thiên Chúa và Chúa muốn chúng ta sống cách sống của Người. Khi đã sống tình
yêu, thì không còn giới hạn bạn hay thù; bởi vì tất cả con người cùng có sự
liên đới với nhau đó là tất cả được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài,
và cùng ở trong tình yêu cứu độ của Chúa. Chúa muốn tất cả con người đều được gặp
lại Ngài để chung hưởng hạnh phúc với Ngài.
Lạy
Chúa Giêsu, Xin cho chúng con có được lòng đạo đức của người làm con Chúa, và
biết nhận ra Chúa Giêsu trong hết mọi người, để yêu thương và tôn trọng; tha thứ
và cùng cầu nguyện cho nhau nên thánh.
Mạnh
Phương
17
Tháng Sáu
Ðời Vẫn Có Ý Nghĩa
Một
tác giả người Thụy Ðiển đã tưởng tượng ra một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra
giữa các dân cư sinh sống tại một khu rừng nọ. Ðề tài của cuộc tranh luận là:
Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống?...
Kẻ
kên tiếng phát biểu ý kiến đầu tiên không ai khác hơn là chú chim họa mi suốt
ngày chỉ biết ca hát líu lo. Chú khẳng định rằng: "Ðời là một cuộc ca hát
không ngừng". Một chú chuột chũi phản pháo tức khắc.
Theo
chú: "Ðời là một cuộc tranh đấu không ngừng để chống lại bóng tối".
Con bướm có đôi cánh sặc sỡ thốt lên: "Ðời là vui chơi và hạnh phúc".
Con ong đang miệt mài tìm mật bên mấy cánh hoa không tán thành ý kiến ấy chút
nào. Nó bảo rằng: "Ðời là một cuộc lao động vất vả". Con kiến cũng nhất
trí với con ong để chỉ thấy rằng đời là lao động. Từ trên cao, một con phượng
hoàng cũng góp ý kiến: "Ðời là tự do". Ðó là ý kiến của động vật.
Các
thảo mộc cũng không thiếu ý kiến để đóng góp. Cây thông cao sừng sững giữa rừng
hoàn toàn tán thành ý kiến của con phượng hoàng: "Ðời là tự do". Một
cánh hoa dại giữa rừng thì lại hùa theo con ong và con kiến để khẳng định rằng
đời chỉ là lao động vất vả. Cánh hoa hồng thì lại đồng quan điểm với con bướm để
cho rằng đời là hạnh phúc và vui tươi.
Thế
giới vô tri cũng lên tiếng phát biểu. Một đám mây đen ngao ngán thốt lên:
"Ðời chỉ là đắng cay và nước mắt". Một dòng sông hiền hòa trôi chảy
cũng nhận định: "Ðời là một dòng nước chảy không ngừng".
Lời
phát biểu cuối cùng nhưng cũng là ý kiến tổng kết của cuộc tranh luận là tiếng
chuông từ một giáo đường bên cạnh khu rừng. Thật thế, tiếng chuông ấy ngân lên
những lời như sau: "Tất cả những lời phát biểu của quí vị đều đúng cả. Ðời
là hòa bình, đời là ca hát, đời là vui tươi, đời là tranh đấu, đời là bể khổ, đời
là đắng cay, nhưng tất cả đều tươi nở trong lòng người nhờ quyền lực của Chúa
Thánh Thần".
Tôi
bởi đâu mà đến? Tôi sẽ đi về đâu? Tại sao tôi đau khổ? Ðó là những câu hỏi lớn
nhất mà một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh né được.
Cám
ơn Chúa vì đã cho chúng ta giải đáp trong chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là
Ánh Sáng chiếu rọi trên bí ẩn của cuộc đời cũng như trên chính Mầu Nhiệm của
con người. Công đồng Vatcican II trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã nói với
chúng ta rằng huyền nhiệm của con người chỉ có thể được sáng tỏ trong chính Mầu
Nhiệm của Ngôi Hai Nhập Thể.
Chúng
ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng
cách nhìn vào Ðức Giêsu Kitô. Quả thật, Ngài đã sống kiếp con người như mọi người.
Nhưng chính khi tiếp nhận mọi mùi vị của cuộc sống, Ngài đã mặc lấy cho cuộc sống
một ý nghĩa, một hướng đi.
Cuộc
sống có ngọt bùi, đắng cay, chua sót, cuộc sống có lao động, tranh đấu hay thảnh
thơi... Tất cả đều mang lấy một ý nghĩa. Trong Chúa Giêsu, mất mát trở thành thắng
lợi, thua thiệt trở thành cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, cái chết trở
thành khởi đầu của sự sống.
Nếu
chúng ta đón nhận cuộc đời này bằng với cái nhìn ấy, thì quả thực không một thử
thách, mất mát, đau khổ nào khiến chúng ta thất vọng. Với Quyền Lực của Thánh
Thần mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, những bể khổ, những đắng, cay chua xót
của cuộc sống đều có thể nở hoa, những niềm vui nhỏ ấy sẽ mang lấy chiều kích
vĩnh hằng, những việc làm vô danh thường ngày sẽ mang lấy giá trị vĩnh cửu.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét