27/06/2014
Lễ Thánh Tâm Chúa
Giêsu Năm A
BÀI ĐỌC I: Đnl 7, 6-11
"Chúa đã yêu thương và tuyển chọn các ngươi".
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Môsê nói cùng dân chúng rằng:
"Các ngươi là một dân hiến thánh cho Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Chúa
là Thiên Chúa các ngươi đã chọn các ngươi để làm dân riêng của Người giữa mọi
dân tộc trên mặt đất. Không phải vì các ngươi đông số hơn mọi dân tộc khác mà
Thiên Chúa gắn bó với các ngươi và tuyển chọn các ngươi, vì thực ra, các
ngươi ít số hơn mọi dân tộc khác; nhưng vì Chúa đã yêu thương các ngươi và giữ
lời đã thề hứa với tổ phụ các ngươi rằng: Người dùng tay mạnh mẽ mà dẫn đưa
và cứu chuộc các ngươi khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai-cập. Các
ngươi sẽ biết rằng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, chính Người là Thiên Chúa
hùng mạnh, trung thành giữ lời giao ước và lòng thương xót với những kẻ yêu mến
Người, và những kẻ tuân giữ lề luật Người cho đến muôn thế hệ. Người báo oán
ngay những kẻ thù ghét Người, bằng cách tiêu diệt chúng không trì hoãn, trả
báo tức khắc như chúng đã đáng tội. Vì vậy các ngươi hãy tuân giữ điều răn,
nghi lễ và lề luật mà ta truyền cho các ngươi hôm nay, để các ngươi thi
hành". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 10
Đáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này
tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng
Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi
ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Đáp.
2) Người đã thứ tha cho (ngươi) mọi
điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi
chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Đáp.
3) Chúa thi hành những việc công
minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay
đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. - Đáp.
4) Chúa là Đấng từ bi và hay thương
xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như
chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Ga 4, 7-16
"Thiên Chúa thương yêu chúng ta trước".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan
Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta phải
thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu,
thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương,
thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên
Chúa đối với chúng ta: là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong
thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải
chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước,
và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.
Các con thân mến, nếu Thiên Chúa
thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng
ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở
trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều
này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta: là Người
đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa
Cha đã sai Con mình làm Đấng Cứu Thế.
Ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên
Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy, và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn
chúng ta, chúng ta đã biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng
ta. Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa,
và Thiên Chúa ở trong người ấy. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 11, 29ab
Alleluia, alleluia! - Các ngươi hãy
mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng
trong lòng. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 11, 25-30
"Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói rằng:
"Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho
những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho
những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta
trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha,
trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho.
"Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những
ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy
ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và
tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta
thì nhẹ nhàng". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Lòng mến của Thiên Chúa muôn đời
tín nghĩa
Ngày lễ Thánh Tâm Chúa Yêsu mà cả
trong ba bài đọc không có một lời nào trực tiếp nói đến Trái Tim Người! Ðiều đó
không làm chúng ta buồn, vì tuy không có lời nhưng lại đầy ý; không có danh từ
nhưng nội dung lại chan chứa. Và điều đó cho chúng ta hiểu lễ Thánh Tâm tuy rất
mới, vì chỉ buộc trong cả Giáo hội từ năm 1856 và gần 200 năm sau những cuộc
thị kiến và vận động của thánh Magarita Maria Alacoque, nhưng lại có nền tảng
xa xưa và xa xưa đến nỗi thoạt đầu Giáo hội không thấy cần phải lập ra lễ này
vì ý của nó vẫn được Giáo hội cử hành từ buổi đầu. Do đó việc lập ra lễ Thánh
Tâm Chúa Yêsu chỉ có ý làm nổi bật lên một mầu nhiệm hằng tiềm ẩn trong Phụng
vụ. Và chúng ta phải suy niệm về mầu nhiệm ấy trong ngày lễ hôm nay.
Ðó là mầu nhiệm về lòng Thiên Chúa
yêu thương loài người, biểu lộ nơi lòng Chúa Yêsu yêu thương chúng ta, để
chúng ta cũng có một trái tim giống như Người, tức là chia sẻ lòng Người yêu
thương hết thảy.
A. Lòng Chúa Yêu Thương Loài Người
Tác giả sách Thứ luật là người thứ
nhất có thể giúp đỡ chúng ta suy nghĩ về lòng Chúa yêu thương nhân loại nói
chung và cá nhân nói riêng. Ông thuộc thời Cựu Ước. Nhưng tư tưởng của ông rất
mới mẻ. Nhiều tác giả trước ông đã nói đến lòng Chúa thương dân. Ông đào sâu
những tư tưởng ấy và viết nên đoạn văn chúng ta đọc hôm nay một cách sâu sắc.
Ta nên nhớ đây là thời gian sau Lưu
đày. Lối nhìn của tác giả đã chịu ảnh hưởng của thời cuộc. Trước kia dân
Dothái nhiều khi cho mình là lớn. Vào thời hoàng đế Salomon chẳng hạn, nữ
hoàng phương Nam nghe tiếng đã phải đến thăm. Thành ra người ta tự phụ, coi
mình là dân đông đảo. Nhưng sau Lưu đày, ai còn có những tư tưởng như vậy?
Assyria đã đè bẹp dân cứng đầu cứng cổ như hòn đá đè trên trái trứng. Tuy
nhiên chính lúc nhục nhã ấy, tác giả sách Thứ luật mới thấy tình Chúa đối với
dân thật là thắm thiết.
Ông dùng những từ ngữ gợi lên những
tương giao phu phụ mà Kinh Thánh vẫn dùng để nói về tương quan giữa Chúa với
Dân Người. Ông viết: Người đã đem lòng quyến luyến các ngươi và đã chọn các
ngươi... Người yêu mến các ngươi và giữ lời thề... Người trung tín, tín nghĩa
với các ngươi... Những từ ngữ đó, đọc trong tương quan phu phụ, sẽ ý nghĩa biết
bao và làm chứng Thiên Chúa là người hôn phu lý tưởng, tha thiết gắn bó với
người mình thương.
Và như vậy, không phải Dothái là dân
tộc to lớn. Ngược lại là dân ít người hơn mọi dân, là dân không ai để ý đến,
giống như Ðavít khi còn là đứa trẻ nhỏ nhất, đang phải chăn cừu, không đáng
cha sai người đi gọi về khi trong nhà có khách quý là Samuel đến xức dầu cho
người Chúa chọn. Nhưng chính đứa bé tóc hoe đó mới là kẻ mà Chúa bảo Samuel:
Hãy đứng lên xức dầu cho nó. Chúng ta gợi lại câu chuyện này là vì khi nói
Chúa "chọn" Israel, tác giả sách Thứ luật hôm nay dùng chính từ ngữ
trong câu chuyện Ðavít. Ông muốn nói lên lòng bao dung quảng đại chiếu cố của
Thiên Chúa đối với một dân thật là bé nhỏ. Thế mà Người đã nâng lên bậc công
nương và trở nên sản nghiệp hay "kho tàng" của Người, như viết
trong giao ước: các ngươi sẽ là dân sở hữu của Ta.
Sách Xuất hành (20,5-6) cũng có đoạn
nói đến giao ước giữa Chúa và dân với những lời lẽ như sau: Ta là Thiên Chúa
hay ghen tương, phạt tội trên con cháu đến ba bốn đời đối với những ai ghét
Ta, và giữ nghĩa dư ngàn với những ai yêu mến Ta và giữ các lệnh truyền của
Ta.
Còn ở đây trong đoạn văn Thứ luật
này, sau khi nói Thiên Chúa đã gắn bó với dân bằng giao ước, mặc dầu nhỏ bé,
tác giả viết: Ta là Thần trung tín, tín nghĩa với những ai yêu mến cho đến
ngàn đời, Ðấng oán trả cho mỗi ai thù ghét Người nơi chính thân mình nó.
Thoạt nghe chúng ta không thấy khác
bao nhiêu. Nhưng đọc kỹ lại, chúng ta sẽ thấy tác giả sách Thứ luật như đã biến
đổi Dung Nhan của Thiên Chúa trong sách Xuất hành. Trước kia chúng ta thấy
ngay Người là Ðấng hay ghen tuông phạt tội trên con cháu đến ba bốn đời; còn
nơi sách Thứ luật trước hết Người là Thần trung tín, tín nghĩa đến ngàn đời
và chỉ phạt tội chính người lỗi phạm.
Như vậy bài sách Thứ luật đã đưa
chúng ta gần đến Tân Ước. Và nó cho chúng ta thấy lòng Chúa chan chứa tình
thương. Người quyến luyến chiếu cố đến thân phận yếu hèn của chúng ta. Nâng
chúng ta lên bậc nghĩa thiết. Trung tín thi thố tình thương cho đến ngàn đời
và bất đắc dĩ mới phải phạt tội những ai thù ghét Người. Lời khuyên của sách
Thứ luật dĩ nhiên là chúng ta hãy giữ lệnh truyền của Người để lưu lại mãi
trong tình Người thương mến. Nhưng điều mà tác giả chưa thấy được là Người vẫn
thương tội nhân nơi lòng Chúa Yêsu.
B. Tình Thương Biểu Lộ Nơi Lòng Chúa Yêsu
Ðiều này theo lời Chúa Yêsu nói
trong bài Tin Mừng hôm nay, hạng khôn ngoan thông thái không hiểu được, vì
Chúa Cha chỉ mạc khải cho những kẻ bé mọn. Thời Tân Ước cũng như Cựu Ước,
tình thương của Chúa vẫn tìm đối tượng nơi những kẻ bé nhỏ. Hơn nữa, như
Matthêô viết hôm nay, đối tượng ưu việt lại là những người lao đao vác nặng.
Chắc chắn, Matthêô không nghĩ nguyên đến những người lam lũ vất vả về phần
xác. Chữ "vác nặng" trong Kinh Thánh thường gợi đến gánh nặng của
Luật pháp Dothái, của những sức mạnh gò bó con người. Ðó là hạng người được
Chúa ưu đãi đến nỗi Người đã sai Con Một của Người xuống thế, để hôm nay tiếng
người Con gióng lên: hết thảy hãy đến với Ta và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức,
tức là được cảm thấy nhẹ nhàng, tự do.
Người làm thế nào? Matthêô đã viết:
Người mạc khải cho họ mọi sự đã được Chúa Cha trao phó cho Người, để họ biết
Cha như Con biết Cha. Những lời tuy trừu tượng nhưng rất thâm sâu. Chính chữ
mạc khải đã có nghĩa là vén màn, vén lòng mình ra cho người ta có thể thấy.
Phải, ai đến với Chúa Yêsu sẽ được Người mạc khải cho, tức là vén lòng, vén
trái tim Người ra cho người ấy được xem. Và xem gì? Người nói: xem tất cả mọi
sự mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Và thử hỏi có gì mà Chúa Cha đã không
trao phó cho Người? Với lại chúng ta đừng nghĩ ngay đến những sự tầm thường của
thế giới chúng ta. Những sự mà Chúa Cha đã trao phó cho Chúa Yêsu để Người
vén lòng cho chúng ta được thấy và được nhận lãnh, trước hết phải là những sự
mà Phaolô nói: mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng trí loài người
chưa bao giờ mường tượng được. Ðó chính là Trái tim của Chúa Cha, tình yêu của
Người, sự sống và hạnh phúc vô biên của Thượng Ðế, là chính bản tính của
Thiên Chúa. Ðó là những sự mà hạng khôn ngoan thông thái hết sức tìm mà chẳng
bao giờ thấy. Và chỉ những ai bé mọn mới được Cha trên trời mạc khải cho, để
họ "biết" Cha, như Con biết Cha, nghĩa là để họ mật thiết, thân cận,
thắm thiết với Chúa Cha như Chúa Con.
Chúng ta không thể nói thêm, vì ai
có thể nói được tình yêu mà chỉ một mình cảm thấy? Chúng ta có kinh nghiệm về
tình yêu loài người mà có viết bao nhiêu cuốn tiểu thuyết cũng hãy còn khách
quan, nhạt nhẽo. Huống nữa là khi các thánh viết về tình yêu Chúa! Chúng ta
chỉ biết rằng: Lời Chúa chân thật. Hôm nay chính Người nói: ai đến với Người,
sẽ được Người vén lòng Người lên để thấy tất cả tình yêu của Chúa Cha đã trao
phó cho Người, hầu "biết" Chúa Cha tức là hiểu và hiệp thông thắm
thiết với Ðấng đã lựa chọn mình vì mình bé nhỏ.
Những lời Phúc Âm ấy thật hợp để suy
nghĩ trong ngày lễ Thánh Tầm hôm nay. Và suy nghĩ phải dẫn đến hành động, khi
đó những lời thư Yoan sẽ rất quý hóa.
C. Chúng Ta Hãy Yêu Thương Anh Em
Yoan là nhà thần học thâm thúy. Nghe
đọc bài thư của ông hôm nay, không dễ hiểu tí nào. Phải đọc đi đọc lại, lượm
ra những tư tưởng chủ yếu rồi xếp đặt lại, khi ấy ta sẽ thấy sung sướng.
Tư tưởng của ông thế này: Nếu Thiên
Chúa yêu thương ta dường ấy, thì ta cũng phải yêu mến nhau (c.11). Lời khuyên
có vẻ quen thuộc. Nhưng xét theo luận lý, dường như không chỉnh; vì nếu Thiên
Chúa yêu ta dường ấy, thì ta phải đáp trả chứ sao lại phải yêu mến nhau? Ðặt
vấn đề như vậy bó buộc ta phải căn vặn Yoan. Và ông sẽ khai triển cho ta lý
luận của ông cũng là thần học về tình yêu.
Thiên Chúa là lòng mến (c.8). Ta biết
được như vậy là vì Người đã yêu thương ta. Và không phải đã yêu thương ta bất
cứ thế nào. Nhưng Người đã biểu lộ tình thương đặc biệt trong việc sai Con Một
Người đến trong thế gian để ta được sống nhờ Ngài. Có thể nói Thiên Chúa đã gửi
cả tấm lòng của Người xuống cho ta nơi Con Một Người nhập thể cứu đời. Hơn nữa
phải nói mạnh hơn, Người đã gửi cả sự sống và hạnh phúc của Người xuống thế
gian nơi Ðức Yêsu Kitô là Ðấng đã được Người "trao phó mọi sự" như
Phúc Âm đã nói. Vì yêu thương ta, Thiên Chúa đã đến lưu lại nơi con người Ðức
Yêsu Kitô.
Nhưng chưa hết, nơi Ðức Yêsu Kitô,
Thiên Chúa còn yêu thương ta đến nỗi đã phó nộp mình vì ta để đền thay tội lỗi
ta (c.10). Như vậy, tình yêu Thiên Chúa đã biểu lộ nơi thân hình tử nạn thập
giá của Ðức Yêsu Kitô.
Rồi từ nơi cạnh sườn của Ðấng chịu
đóng đinh, Nước Thánh Thần đã chảy đến thanh tẩy mọi tâm hồn khiến tình mến của
Thiên Chúa đã chuyển đến chúng ta. Chính nhờ được Ðức Yêsu Kitô thông ban Thần
Khí của Người cho ta (c.13) mà lòng mến của Thiên Chúa đã nên trọn ở nơi ta
(c.12). Lòng mến ấy đã từ Ngôi Cha dàn sang Ngôi Con, dàn sang lòng Ðức Yêsu
Kitô, dàn đến chúng ta khi Thần khí Ðức Kitô tràn ngập lòng ta qua cái chết
vì yêu thương của Ngài.
Bây giờ mang lòng mến Chúa ở trong
mình, chúng ta được ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa lưu lại ở nơi chúng ta.
Chúng ta có thể "biết" Người theo nghĩa vừa hiểu vừa mật thiết kết
hợp với Người, khiến Ðấng Thiên Chúa mà người thông thái khôn ngoan không thấy
được, những kẻ bé mọn như chúng ta lại biết được vì Thiên Chúa đang lưu lại ở
nơi chúng ta. Người là tình mến. Người hằng yêu mến. Ở trong ta Người cũng
thương yêu. Yêu ai nữa bây giờ? Yêu tha nhân, yêu mọi người. Thế nên kẻ không
yêu mến anh em, tất không có Thiên Chúa ở nơi mình, và không biết Người
(c.8). Thành ra, nếu Thiên Chúa yêu thương ta dường ấy thì ta cũng phải yêu mến
nhau.
Như vậy bài thư Yoan đã đưa tư tưởng
của hai bài Kinh Thánh khác trong thánh lễ hôm nay đến chỗ thực hành. Bài
sách Thứ luật cho chúng ta thấy lòng mến của Thiên Chúa muôn đời tín nghĩa.
Bài Tin Mừng biểu lộ lòng mến đó nơi Ðức Yêsu Kitô hầu thế gian thấy Thiên
Chúa yêu thương loài người lao đao vác nặng qua Trái Tim nồng nàn của Chúa Cứu
Thế. Thánh Yoan như trỏ cho chúng ta thấy lòng mến chan chứa của Thiên Chúa
đang trào ra từ Thánh Tâm Chúa Yêsu Tử nạn Phục Sinh, để chúng ta đón nhận lấy
hầu biết Thiên Chúa và biết yêu mến anh em.
Ngày lễ Thánh Tâm do đó là ngày chạy
đến với Chúa Yêsu để được nhiều tình mến hầu chỉ còn sống bằng yêu mến. Cứ dấu
này làm chứng ta biết Thiên Chúa là chúng ta yêu mến anh em. Vậy, nếu chúng
ta chưa yêu mến anh em đủ, thì này thánh lễ đưa chúng ta vào mầu nhiệm Thánh
giá, nơi chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Con của
Người đến làm hy sinh đền thay vì tội lỗi chúng ta. Chúng ta sẽ nhận được
thêm tình mến nếu dự lễ sốt sắng. Và đã dự lễ sốt sắng thì chúng ta cũng phải
ra về với nhiều tình mến hơn.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thánh Tâm Chúa
Giêsu, Năm A
Bài đọc: Deut 7:6-11; 1 Jn 4:7-16; Mt 11:25-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên
Chúa được diễn tả tuyệt vời qua Đức Kitô.
Tình yêu có lẽ là một đề tài được
nói đến nhiều nhất trong cuộc sống con người. Điều này không lạ vì tình yêu
là động lực chi phối mọi hoạt động của con người. Nhưng khi phải định nghĩa
tình yêu là gì, thì mọi người đều lúng túng. Thi sĩ Xuân Diệu định nghĩa “yêu
là chết trong lòng một ít.” Định nghĩa này chắc chắn bị nhiều người bác bỏ,
nhất là những người đau đớn vì bị tình phụ. Văn sĩ Antoine de Saint-Exupéry định
nghĩa “yêu không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng.” Định
nghĩa này cũng không ổn, vì làm sao kiếm được người nhìn cùng một hướng như
mình trong hết mọi sự. Thánh Gioan trong Thư thứ nhất có lẽ cho một định
nghĩa sâu sắc và tuyệt vời nhất: “Thiên Chúa là tình yêu.” Tuy nhiên, định
nghĩa này có tính cách thần học và cần được diễn giảng cách rõ ràng hơn.
Các bài đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm
giúp chúng ta hiểu tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua những biểu
lộ rất cụ thể trong lịch sử, và nhất là qua Đức Kitô. Trong bài đọc I, tác giả
Sách Thứ Luật nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa đã yêu và chọn lựa dân tộc
Israel làm dân riêng của Ngài trước khi họ biết và đáp trả lại. Ngài đã làm
giao ước với các tổ phụ để bảo vệ họ và Ngài đã trung thành với giao ước đó
suốt đời. Trong bài đọc II, thánh Gioan cũng nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa
đã yêu thương con người trước vì Ngài là tình yêu. Thiên Chúa yêu con người đến
độ Ngài sẵn sàng hy sinh Người Con Một để đền tội cho con người; hy sinh Người
Con Một là hy sinh chính Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biết mọi con người đều
phải vất vả và gồng gánh nặng nề, nên Ngài kêu gọi tất cả hãy đến với Ngài để
được Ngài dạy dỗ và cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người vẫn giữ giao ước và tình thương
đối với những ai yêu mến Người.
1.1/ Thiên Chúa đã chọn anh em từ giữa
muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. Để hiểu những lời này, chúng ta cần phải trở về với Sách Sáng Thế, khi
Thiên Chúa chọn Abraham và làm giao ước với ông (Gen 17:5-10). Theo giao ước
này, Ngài sẽ cho ông một dòng dõi và sẽ ban Đất Hứa là đất Canaan cho dòng
dõi của Abraham cư ngụ. Phần Abraham và dòng dõi của ông, họ phải cắt bì và
tuân giữ mọi điều Thiên Chúa truyền dạy. Tác giả Sách Thứ Luật xác quyết lý
do duy nhất Thiên Chúa làm những điều này là vì Ngài yêu thương anh em, chứ
không phải bất cứ một lý do nào khác: “Thật vậy, anh em là một dân thánh hiến
cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn
anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người.
Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông
hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.” Điều này hiển
nhiên, vì khi Thiên Chúa làm giao ước này, dân tộc Israel chưa có mặt trong
cuộc đời, và Abraham chưa có Isaac, người con sẽ sinh ra một dòng dõi.
Thế rồi theo thời gian, dòng dõi
Abraham được sinh ra và tăng trưởng qua Isaac và Israel cùng với các con của
ông. Vì Giuse, con của Israel, làm quan Tể Tướng bên Ai-cập, ông đã đem cha
và các anh em sang định cư bên Ai-cập. Họ đã gia tăng dân số rất nhanh, nhưng
bị người Ai-cập đối xử rất dã man và tìm đủ mọi cách để triệt sản. Họ kêu cầu
lên Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã dùng ông Moses và Aaron để đưa dân ra khỏi
Ai-cập, vào sa mạc để được thanh luyện và gần gũi Thiên Chúa, trước khi tiến
vào Đất Hứa. Tác giả Sách Thứ Luật vắn tắt tiến trình này như sau: “Chính là
vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa
đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi
tay Pharao, vua Ai-cập.”
1.2/ Thiên Chúa của anh em là Thiên
Chúa trung thành: Giao ước được ký kết giữa Thiên Chúa và dân tộc
Israel. Theo truyền thống con người, nếu một bên vi phạm bất cứ điều nào đã
ký kết, giao ước sẽ trở nên vô hiệu. Đọc lại lịch sử của dân tộc Israel, một
người sẽ nhận thấy Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài đã hứa; phản
bội luôn đến từ phía dân tộc Israel. Tác giả Sách Thứ Luật cũng xác quyết điều
này: “Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành:
cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những
ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người.”
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa là tình yêu.
2.1/ Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước:
Tác giả Thư Gioan thứ nhất dạy chúng ta nhiều điều
quan trọng về tình yêu:
(1) Tình yêu bắt nguồn từ Thiên
Chúa: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vì yêu thương con
người, và nếu Ngài ghét bỏ điều gì, điều đó sẽ không có mặt trong cuộc đời. Mọi
tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa: tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ, anh
em, bạn hữu...
(2) Ai yêu thương, người ấy được
Thiên Chúa sinh ra: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh (selem)
và đức tính (demut) của Ngài (Gen 1:26; 5:1-3). Con người giống Thiên
Chúa nhất ở đức tính con người biết yêu thương. Thánh Gioan xác tín: “Phàm ai
yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai
không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.”
(3) Cách biểu lộ tình yêu của Thiên
Chúa: Ngài đã biểu lộ bằng nhiều cách trong vũ trụ và
trong lịch sử; nhưng theo thánh Gioan, cách biểu lộ tuyệt vời nhất là Ngài đã
hy sinh cho chúng ta Người Con Một: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để
nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”
(4) Thiên Chúa yêu thương chúng ta
trước: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước,
nhưng chính Thiên Chúa là Người đi bước trước. Ngài yêu thương con người khi
họ chẳng có gì đáng yêu cả, khi họ vẫn còn là các tội nhân: “Chính Người đã
yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng
ta.”
2.2/ Chúng ta cũng phải yêu thương
nhau: Như đã nói trên, điều làm cho con người giống
Thiên Chúa nhất là họ biết yêu thương: họ biết yêu thương đáp trả tình yêu
Thiên Chúa và biết yêu thương nhau. Thánh Gioan truyền cho các tín hữu của Ngài:
“Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta
cũng phải yêu thương nhau.” Tính hỗ tương của tình yêu còn được nhấn mạnh hơn
nữa trong Tin Mừng Gioan: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến
anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Jn 15:9). “Như Thầy
yêu mến anh em thế nào, anh em cũng phải yêu mến nhau như vậy” (Jn 13:34).
Có nhiều loại tình yêu khác nhau
trong cuộc đời như tình yêu lãng mạn giữa trai gái, tình yêu chung thủy giữa
vợ chồng, tình yêu huynh đệ giữa anh em hay những người chung chí hướng, tình
yêu thương xót khi gặp người đau khổ... Đức Giáo Hoàng Benedict trong Thông
Điệp Deus Caritas Est, # 10-11, cho rằng tất cả tình yêu đều bắt
nguồn từ Thiên Chúa, nhưng tất cả tình yêu này đều bất toàn so với tình yêu của
chính Thiên Chúa, vì cách nào đó chúng vẫn còn tính vị kỷ. Tình yêu hoàn hảo
nhất mà con người cần đạt đến là tình yêu của Thiên Chúa, vì với tình yêu
này, con người có thể yêu thương tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu thương
chúng ta. Với tình yêu này, con người có thể đáp ứng những đòi hỏi của Chúa
Giêsu trong Tin Mừng Matthew, chương 5, là yêu thương ngay cả kẻ thù, làm ơn
và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta...
3/ Phúc Âm: Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu
và khiêm nhường.
Chúa Giêsu so sánh giữa những người
khôn ngoan và thông thái (sophos, sunetos) với kẻ bé mọn (nêpios),
để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ là tin tưởng, khiêm nhường,
ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một
thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc
khải cho họ.
3.1/ Kiến thức về Thiên Chúa: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người
Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà
người Con muốn mặc khải cho."
(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa
Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là "epiginôskô,"
biết như một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với
nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp
độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay
tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.
(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc
khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người,
con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của
Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã
tuyên bố với các môn đệ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha.” Hơn nữa, để con người có
thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng
dẫn và thúc đẩy từ bên trong.
3.2/ Hai điều quan trọng chúng ta cần học
hỏi cùng Chúa Giêsu: Người môn đệ tuy vẫn phải mang ách và mang gánh nặng;
nhưng họ không mang chúng theo cách của thế gian, mà mang chúng theo cách của
Đức Kitô. Để biết mang ách và gánh đúng cách, họ cần phải học với Đức Kitô.
Hai nhân đức quan trọng họ cần học nơi Ngài:
(1) Hiền lành: Đây là mối thứ hai trong Bài Giảng Trên Núi. Chúa Giêsu là Thiên Chúa,
Ngài có quyền tiêu diệt những ai nói những lời xúc phạm, đánh đòn, và giết chết
Ngài; nhưng Ngài đã không làm những chuyện đó. Ngài chọn con đường tha thứ:
“Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài hòa giải
con người với nhau và với Thiên Chúa. Ngài dạy phải thương yêu, cầu nguyện và
làm ơn cho kẻ thù. Con người cũng thường có khuynh hướng yêu thích những ai
hiền lành, nhã nhặn, và tha thứ.
(2) Khiêm nhường: là nhân đức diệt trừ tính kiêu ngạo, tội đầu tiên trong bảy mối tội đầu.
Không ai thích người kiêu ngạo và tâm lý chung chẳng ai thích người hay “nổ.”
Khiêm nhường là biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha
nhân. Người khiêm nhường biết mọi sự mình có được là do Thiên Chúa ban, nên họ
không huyênh hoang lên mặt với người khác; nhưng biết dùng tài năng để mở
mang Nước Chúa và phục vụ anh em. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa
và luôn bất an vì sợ người khác hơn họ. Họ bất an khi không nhận được những
gì họ muốn và khó chịu với mọi người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Chúng ta phải cảm nghiệm được tình
yêu Thiên Chúa trước khi chúng ta có thể đáp trả lại tình yêu của Ngài.
- Tình yêu phải được diễn tả bằng
hành động. Chúa Cha biểu lộ tình yêu của Ngài bằng cách hy sinh Người Con Một
cho con người. Đức Kitô biểu lộ tình yêu bằng cách hy sinh chết trên trên Thập
Giá cho con người. Chúng ta cũng phải biểu lộ tình yêu bằng cách hy sinh cho
nhau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
27/06/14 THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Thánh Tâm Chúa Giê-su Lc 15,3-7
Suy niệm: Ở Pa-lét-tin, đàn chiên là tài sản chung của
cả làng, thường được giao cho vài ba người chăn. Nếu chiều tối các người chăn
dẫn đàn chiên về làng mà báo tin có chiên đi lạc, thì cả làng nóng lòng chờ
mong. Vì thế, khi thấy người chăn chiên trở về từ đàng xa với con chiên lạc
trên vai, cả làng reo lên vui mừng và cảm tạ Chúa. Đức Giê-su đã dùng hình
ảnh vui tươi ấy để nói cho chúng ta biết niềm vui chẳng những của của Thiên
Chúa mà của cả Hội Thánh khi một người tội lỗi hối cải trở về. Chúng ta cứ
ngỡ chuyện một người tội lỗi hoán cải là chuyện nhỏ, chuyện vụn vặt thường
ngày không đáng kể. Dụ ngôn này giúp ta có nhận thức đúng hơn về tấm lòng của
Chúa.
Mời Bạn nhận ra mỗi người đều có chỗ
quan trọng trong Trái Tim Chúa, quan trọng đến độ Chúa không đủ kiên nhẫn chờ
một người lầm lạc thong thả trở về, nhưng đích thân Ngài đi tìm để đưa người
lầm lạc ấy về với lòng yêu thương của Ngài.
Sống Lời Chúa: Lâu nay bạn có dửng dưng
trước những Ki-tô hữu đang lạc xa Chúa không? Bạn hãy uốn nắn trái tim của
mình cho giống Trái Tim Chúa, bằng cách quan tâm hơn đến một người Ki-tô hữu
đang lạc xa Chúa, và giúp người ấy trở về với Ngài.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lâu nay chúng con chưa quan tâm đến những anh
em tín hữu đang lạc xa Chúa, vì vậy chúng con không cảm nhận được niềm vui
lớn lao của Chúa khi tìm được một con chiên lạc. Xin cho trái tim con biết
quảng đại như Trái Tim Chúa.
Ách của tôi êm ái
Chúng ta cần
theo học Thầy Giêsu suốt đời, cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông
thái, cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.
Suy niệm:
Khi quy hoạch thành phố tương lai,
người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí. Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường. Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc. Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn. Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen. Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress. Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.
Ðức Giêsu mời chúng ta đến với Ngài,
tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề. Gánh nặng của nỗi đau và vấp ngã trong quá khứ Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại Gánh nặng phải mang vì người khác... Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu, chán chường và mệt mỏi. Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi. Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.
Hãy mang lấy ách của tôi.
Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài mà những kẻ đến với Ngài phải mang. Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc, về con đường hẹp mà ít người muốn đi, về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài. Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ. Ðó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương, vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.
Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài
nhẹ,
thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu. Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ. “Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả; mà giả như có vất vả đi nữa thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Âutinh)
Hãy học với tôi.
Ðức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài. Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu. Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài: “Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.” Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại. Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời, cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái, cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ. Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải, và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa
và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an
sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc và được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
|
Suy niệm
Tin
mừng hôm nay chứa đựng những lời ngọt ngào, êm dịu của Chúa Giêsu. Ngài gởi đến
chúng ta hai lời mời gọi sau đây:
Thứ nhất: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ
nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi”.
Chúa
Giêsu nhìn thấu những khó nhọc của kiếp người chúng ta. Ngài không làm ngơ
trước nỗi khổ đau của chúng ta, nhưng muốn nâng đỡ và bổ sức. Ngài không cất
khỏi khó nhọc của chúng ta nhưng sẵn sàng ban ơn trợ giúp để chúng ta có thể
đón nhận và lướt thắng những khó nhọc ấy.
Biết
bao nhiêu lần chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống. Có những lúc chúng ta đối
diện và chiến đấu bằng sức của riêng mình. Thậm chí, có khi chúng ta than trách
Chúa vì cho rằng Chúa để những khó nhọc đó đến với chúng ta. Hãy chạy đến Chúa
mỗi khi chúng ta gặp khó khăn. Hãy để cho Chúa đưa tay nâng đỡ chúng ta. Hãy
tin vào Chúa vì Ngài sẵn sàng nâng đỡ bổ sức cho chúng ta. Tin vào lời Chúa
nói: “Ơn Cha đủ cho con”.
Thứ hai: “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường”.
Với
người Do thái, mang lấy ách có nghĩa là nhận lấy, học hỏi những điều gì đó từ
nơi một vị thầy. Chúa Giêsu muốn chúng ta mang lấy ách của Ngài.
-
Ách của Ngài là những lời Ngài dạy chúng ta về Thiên Chúa, về Nước Trời.
-
Ách của Ngài là cách sống của Ngài, là đời sống hiền lành, khiêm nhường và yêu
thương.
-
Mang lấy ách của Ngài là đón nhận những lời Ngài rao giảng.
-
Mang lấy ách của Ngài là học theo cách sống hiền lành, khiêm nhường và yêu
thương như Ngài.
Nghe
lại những lời này trong lễ Thánh Tâm, biểu tượng của tình yêu, chúng ta được
nhắc nhớ:
- Chúa chính là nguồn cậy
trông, trợ lực cho chúng ta. Hãy chạy đến với Ngài để Ngài nâng đỡ bổ sức cho
chúng ta.
- Lời dạy và cách sống của
Chúa là gương mẫu cho chúng ta. Hãy đón lấy lời dạy của Ngài và hãy noi gương
Ngài sống hiền lành, khiêm nhường và yêu thương.
Lạy Chúa, xin giúp chúng ta
luôn tin cậy vào Chúa và luôn biết sống như Chúa là hiền lành, khiêm nhường và
đầy lòng yêu thương. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG SÁU
Trong
Sự Chăm Sóc Ân Cần Của Cha
Ngay
từ thuở ban đầu, sự quan phòng của Thiên Chúa được xem như một chân lý nền tảng
của đức tin. Huấn quyền của Giáo Hội luôn luôn khẳng định điều ấy, tuy rằng mãi
đến Công Đồng Vatican I chân lý này mới được tuyên bố chính thức về mặt tín lý.
Công Đồng nói về sự quan phòng của Thiên Chúa nơi tạo vật: “Mọi sự mà Thiên
Chúa đã sáng tạo, Ngài gìn giữ và dẫn dắt bằng sự quan phòng của Ngài – sự quan
phòng ấy bao trùm từ chân trời này tới chân trời kia và cai quản tất cả một
cách tốt đẹp” (Kn 8,1), “Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài (Dt
4,13), kể cả những gì sẽ xảy ra do sáng kiến tự do của các thụ tạo” (DS 3003).
Bản
văn của Vatican I nhằm đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể của các tín hữu Công
Giáo sống trong thế kỷ 19. Trước hết, Công Đồng muốn xác nhận giáo huấn vốn sẵn
có của Giáo Hội về sự quan phòng, một giáo huấn bất biến có liên kết chặt chẽ với
toàn bộ sứ điệp Thánh Kinh. Chúng ta nhận ra điều này trong những bản văn Cựu Ước
và Tân Ước đã được trích dẫn trong bản văn của Công Đồng.
Qua
việc xác nhận giáo thuyết này, Công Đồng chống lại những sai lạc của thuyết duy
vật và thuyết tự nhiên thần giáo (deism) của thế kỷ 19. Thuyết duy vật phủ nhận
sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thuyết tự nhiên thần giáo tuy nhìn nhận sự hiện hữu
của Thiên Chúa và sự sáng tạo thế giới song lại chủ trương rằng Thiên Chúa
không hoạt động trong thế giới mà Ngài đã sáng tạo. Vì thế, có thể nói rằng
thuyết này (deism) trực tiếp chống lại chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
27-6
Thánh
Tâm Chúa Giêsu
Đnl
7, 6-11; 1Ga 4, 7-16; Mt 11, 25-30.
LỜI
SUY NIỆM: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học
với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ
ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi em ái và gánh tôi nhẹ nhàn.”
Thánh
Tâm Chúa Giêsu, luôn yêu thương con người, trong tình yêu của Chúa Cha. Tình
yêu này đã yêu đến cùng cho đến giây phút hấp hối trên cây Thánh Giá với bao cực
hình đang bao phủ lấy thân xác của Chúa. Chúa vẫn nhớ đén Chúa Cha và con người:
“Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” Chúa Giêsu không những
xin Chúa Cha tha cái tội của từng người một mà thôi, mà tha luôn cả một dây
chuyền của hậu quả mà tội, do người đó đã gây ra cho đến tận thế.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa mời gọi mọi thành viên trong gia đình chúng con “Hãy mang lấy
ách của Chúa và học với Chúa cách hiền hậu và khiêm nhường”. Xin Chúa cho chúng
con có trái tim của Chúa khi sống với nhau.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
27-06: Thánh CYRILLÔ ALEXANDRINÔ
Giám
Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (+444)
Năm
412 thánh Cyrillô kế vị cậu Ngài là Theophilô làm giám mục Alexandria. Khi ấy
Ngài đã vào khoảng trung tuần. Người ta không biết gì về cuộc sống Ngài trước
đó, trừ trường hợp, Ngài có mặt trong vụ kết án thánh Gioan Kim Khẩu năm 408.
Hiển nhiên là Ngài đã có thời sống như một ẩn sĩ trong sa mạc và đã được giáo dục
kỹ lưỡng về văn chương Hy Lạp.
Vào
thế kỷ V, các giáo phụ Alexandria đã trở thành những giám mục giàu có và uy quyền
nhất trong đế quốc. Trở thành Kitô, người Ai cập vẫn còn mang những gì còn lại
trong tâm tình dân tộc của mình. Các giám mục tự mô tả như là những Đấng kế vị
thánh Marcô, nhưng cũng kế nhiệm các thượng tế Amen Ra và có phong cách nào đó
của Pharao.
Suốt
15 năm đầu làm giám mục, thánh Cyrillo đã đập tan thế hệ cầm quyền và những nhà
đổi tiền Do thái ở Alexandria. Việc thực thi đức ái của Ngài đối với người
nghèo khó, bệnh hoạn cũng như lòng thương cảm sâu xa của Ngài với mọi tội nhân
hối cải, luôn kèm theo một chút cứng rắn. Chắc chắn là các kẻ thù của Ngài cũng
là kẻ thù của Thiên Chúa. Nhiệt tâm với các linh hồn và say mê bảo vệ đức tin
Kitô giáo, Ngài sẵn sàng dùng đến mọi phương tiện trong tay như là của cải, tài
khích lệ quần chúng và lực lượng các thầy dòng.
Điều
này giúp chúng ta hiểu được tại sao cuộc tranh luận về Kitô học mà Ngài giữ một
vai trò lớn lao đã có màu sắc pha trộn chính trị lâu dài như vậy.
Năm
438, thày dòng Nestôriô trở thành thượng phụ Constantinople. Dường như ông ta
đã làm giám mục tại triều đình có tham vọng mãnh liệt, tin vào hiệu quả lớn mạnh
do đời sống cầu nguyện của mình và có ý tiêu diệt mọi lạc thuyết. Đàng khác,
không chắc rằng ông đã muốn trở thành lạc giáo. Vào đầu thế kỷ V, các thần học
gia đền nhận rằng: đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Dầu vậy chưa có
định tín về mối tương quan giữa Thiên tính và nhân tính của Người như thế nào.
Thánh Cyrillo chủ trương rằng: cả hai bản tính kết hợp mật thiết với nhau, đến
độ Mẹ Chúa Kitô cũng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Nestôriô thì phân biệt rằng Mẹ
Con Trẻ Giêsu chỉ được gọi là Mẹ Chúa Kitô mà thôi. Mỗi bên đều tố cáo bên kia
là lạc giáo.
Thánh
Cyrillo liên kết với các tu sĩ Đông phương Ngài còn được Đức giáo hoàng nâng đỡ
và cử làm Vị đại diện ở Đông phương. Với mệnh lệnh này, năm 430 Ngài kết án
Nestôriô là lạc giáo tại một hội nghị ở Alexandria. Mùa hè năm 431, Ngài triệu
tập và chủ tọa cộng đồng chung ở Ephesô. Nestôriô không những bị kết án mà còn
bị truất phế nữa. Đức trinh Nữ được tuyên xưng là Mẹ Thiên Chúa.
Công
đồng Ephêsô được Đức giáo hoàng chuẩn nhận. Nhưng hoàng đế lại không công nhận
vì thánh Cyrillo đã không đợi 43 giám mục có thiện cảm với Nestôriô tới họp.
Thánh Cyrillo bị bắt ở Tiểu Á và bị giam tù trong hai tháng. Thánh phụ Antiôkia
và các người dưới quyền cắt đứt hiệp thông với Ngài. Thánh nhân trốn về Ai cập
và năm 433 kết hợp lại được với Antiôkia. Từ đó Ngài lại thúc đẩy hoàng đế chấp
nhận các sắc lệnh của công đồng Ephêsô. Hoàng đế vẫn nghi ngờ Ngài cho đến khi
Ngài qua đời vào năm 444. Thánh Cyrillo vẫn còn dấn thân vào cuộc tranh luận
Kitô học này cho đến chết.
Không
có nhà thần học Hy Lạp nào lớn hơn thánh Cyrillo. Ngài có khả năng tổng hợp và
nhận định có thể so sánh được với thánh Augustinô. Không có thánh nhân nào bị
phê bình tàn khốc như thánh nhân, nhưng ít có thánh nhân nào đã hăng hái như
Ngài. Cả những người ghen ghét cũng không thề chất vấn về sự cao cả của Ngài.
Bên dưới sự hăng hái của Ngài là cả một tình yêu mạnh mẽ đối với đức Kitô với
niềm tin mãnh liệt vào lòng thương xót của Người. Đức giáo hoàng Celestinô xưng
tụng Ngài là đấng bảo vệ Giáo hội và Đức tin".
(daminhvn.net)
27
Tháng Sáu
Con Chim Trong Bàn
Tay
Người
Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày
xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và
tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.
Một
hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên
núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết,
anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết
giữa đám đông.
Anh
tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. anh đặt câu hỏi
như sau: 'Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái
biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống
hay chết?".
Nhà
hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu
ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết
trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con
người khôn manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.
Sau
một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới
trả lời như sau: "Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là
tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết
thì nó chết".
Ai
trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được
cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo
của hạnh phúc hơn là hưởng nếm chính hạnh phúc đang cầm trong tầm tay của chúng
ta. Hạnh phúc đích thực chính là con chim mà mỗi người chúng ta đang có ở trong
lòng tay. Con chim ấy sống hay chết là tùy ở mỗi người chúng ta. Chúng ta được
hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta.
Hạnh
phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là Thiên
Chúa. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa chiếm ngự, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa
lấp đầy, thì cho dẫu ngoại cảnh có làbầu trời đen tối đi nữa, chúng ta vẫn cảm
thấy an bình, hạnh phúc.
Ý
thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa chiếm trọn tâm tư, lấy
Chúa làm tất cả trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được niềm vui đích thực.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét