Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

02-06-2013 : (p2) MÌNH MÁU THÁNH CHÚA (Lễ Trọng)

CHÚA NHẬT 02/06/2013
MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
(Phần II)


Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật - Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa 2.6. 2013 
CHÚA NHẬT LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA, NĂM C
Sách Sáng Thế 14.18-20; Thư Thứ I Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 11.23-26
và Phúc Âm Thánh Luca 9.11-17
I.               Giáo Huấn P.Â.:   
 Phép lạ hoá bánh ra nhiều trong sa mạc là hình ảnh tiền trưng của Bí Tích Thánh Thể:
Chúa có quyền năng ban lương thực phần xác và phần hồn cho dân chúng như Ngài đã từng tuyên bố “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào!” (Gioan 10.10)

Thánh Thể là ban chính sự sống thần thiêng của Thiên Chúa cho con người để con người được sống như Chúa sống “Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ có sự sống đời đời (Gioan 6, 51-58)

Phép lạ hoá bánh ra nhiều là mô thức của Thánh Lễ: Dân chúng đến để nghe Lời Chúa và được ăn no Mình Máu Thánh Chúa.

Thánh Thể là một giao hoà, một lễ tế và là một thể hiện tình yêu tột cùng. Yêu là trao ban. Yêu tột cùng là trao ban chính mạng sống mình. Một trao ban trọn vẹn.
II.      Vấn nạn P.Â.    
Tại sao phải có lễ kính trọng thể Mình Máu Thánh chúa? (Cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn sơn Lâm)
Lễ nào không phải là lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu hay sao, mà phụng vụ còn phải đặt ra ngày lễ hôm nay? Ðó là vấn đề được tranh luận sôi nổi ở cuối thế kỷ XIII và đầu thế kỷ XIV trước khi lễ kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa Giêsu được phổ biến ở mọi nơi.
Trước đó, tức là trong hơn 10 thế kỷ đầu của Kitô giáo, Hội Thánh vẫn cử hành thánh lễ tạ ơn, nhưng không nghĩ tới việc đặt ra một ngày đặc biệt để tôn thờ Chúa Giêsu ngự nơi Thánh Thể. Hội Thánh coi Thánh Thể là lương thực hằng ngày nên không để ý quan sát, mà chỉ quan tâm lãnh nhận. Sang đến cuối thế kỷ 12, vì có người đặt vấn đề về sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi Thánh Thể, Hội Thánh mới thấy việc chiêm ngưỡng và suy nghĩ về bí tích này là cần thiết. Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu được đặt ra để nói lên niềm tin vào việc Chúa ngự nơi Thánh Thể. Và niềm tin này đòi hỏi việc tôn thờ xứng đáng, biểu hiện trong thái độ chầu Mình Thánh, và kiệu Mình Thánh. Ðó còn là những việc mà chúng ta muốn làm hôm nay cùng với việc dự lễ và rước lễ để nói lên lòng tin yêu của chúng ta đối với bí tích Thánh Thể. (Cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn sơn Lâm)
Lịch sử cho biết: Sau khi Đức Cha Robert và nữ tu Juliana chết, năm 1263 Đức Giáo Hoàng Urbanô IV cho điều tra về Phép Lạ Thánh Thể, Mình Thánh chúa chảy máu xảy ra ở Bolsena. Năm 1264 Đức Thánh Cha đã cho cử hành lễ Mình Máu Thánh chúa trong toàn Giáo Hội trên khắp thế giới.Nên lễ kính Mình Máu Thánh Chúa được thiết lập chỉ để tôn kính Phép Thánh Thể mà thôi.
Thánh Tiến sĩ Tôma Aquinô là người đã thiết lập nghi thức phụng vụ tôn kính Mình Máu Thánh Chúa. Ngài đã sáng tác bài Pange Lingua bằng tiếng Latinh để rước kiệu Mình Thánh Chúa và hai đoạn cuối bài Pange Lingua tạo thành bài Tantum Ergo khi đã đặt Mình Thánh chúa trên bàn thờ, xông hương và thờ lạy. Nghi thức kiệu Mình Thánh Chúa được phổ biến trong Giáo Hội từ ngày ấy.
Hai phép lạ hoá bánh ra nhiều

Phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi 5000 người ăn no không kể đàn bà và trẻ em được gọi làPhép Lạ năm chiếc bánh và hai con cá. Phép lạ nầy được tường thuật trong Phúc Âm Gioan 6, 1-13 và trong Phúc Âm Thánh Luca 9. 11-17  Chúa Nhật Lễ Kính Mình Máu Thánh chúa hôm nay. Cùng tường thuật phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người trong hoang địa và thu được mười hai thúng bánh vụn, nhưng Phúc Âm Gioan và Phúc Âm Thánh Luca cũng có những khác biệt:

Phúc Âm Gioan nói là năm chiếc bánh lúa mạch (Barley loaves) và hai con cá được một bé trai mang theo.  Còn Phúc Âm Luca bảo “chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Xem chừng như quên đi hay không có sự đóng góp của em bé trai trong Phúc Âm Luca.

Phúc Âm Gioan cho rằng Chúa rút lui xuống thuyền ở chỗ gần Bethsaida sau khi nghe tin Gioan Tẩy Giả bị chém đầu. Dân chúng đón tin, đi bộ đuổi theo sang tận bờ bên kia hồ. Vừa lên khỏi thuyền, thấy đoàn lũ dân chúng, Chúa chạnh lòng thương xót họ. Ngài bắt đầu giảng dạy chữa lành bệnh tật. Chiều đến, môn đệ đề nghị giải tán đám đông để họ kịp thời về nhà và ăn tối, vì đã xế chiều và họ đang ở nơi hoang vắng xa chợ búa.

Trong tường thuật của Luca thì các môn đệ Chúa quay về sau những ngày thực tập truyền giáo. Chúa đề nghị tìm nơi hoang vắng nghỉ ngơi. Họ đi và dân chúng tìm đến. Chúa giảng dạy, chữa lành bệnh tật. Sau đó làm phép lạ hoá bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá.

Tuy nhiên cả Gioan và Luca đều nói đến đề nghị của các tông đồ là giải tán dân chúng để kịp về nhà cơm nước nghỉ ngơi. Chúa bảo các tông đồ cho họ ăn. Họ mang đến năm chiếc bánh và hai con cá. Chúa cho lệnh họ ngồi qui tụ thành nhóm. Cầm bánh tạ ơn Chúa, phân phát cho môn đệ và môn đệ phân phát cho dân chúng.

Sau cùng còn dư mười hai thúng bánh vụn

Phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi bốn ngàn người trong hoang địa từ bảy chiếc bánh và một ít cá, thu lại được bảy thúng bánh vụn được gọi là Phép lạ bảy chiếc bánh và một vài con cá. Phép lạ nầy được tường thuật trong Phúc Âm Matthêô 14.13-21 và Marcô 6.34-44.
Phúc Âm Mathêô và Marcô tường thuật Phép Lạ hoá bánh ra nhiều nuôi 4000 người trong hoang địa gần giống nhau trong những chi tiết sau:
Khi thấy đoàn lũ dân chúng đông đảo theo Chúa. Chúa gọi các tông đồ và nói với họ là Chúa thương dân chúng vì họ đã theo Chúa nghe giảng dạy ba ngày rồi và không có gì ăn. Chúa không nỡ giải tán họ vì họ sẽ quị ngã dọc đường.
Các tông đồ nói: Không có đủ bánh cho ngần ấy người. Họ chỉ có bảy chiếc bánh và một ít cá. Chúa cho lệnh dân chúng ngồi bệt trên cỏ theo từng nhóm. Ngài lấy bánh và cá, chúc tụng Chúa bẻ ra trao cho các tông đồ và các ông phân phối cho dân chúng. Mọi người ăn no. Còn thu được cả bảy thúng đầy bánh v ụn. Số người ăn 4000 đàn ông không kể đàn bà và trẻ con.
Những thắc mắc khó giải thích:
Dân số toàn Do Thái thời Chúa Giêsu có chừng hơn nửa triệu người. Đang khi đó toàn bộ phía Bắc, miền Galilê có 200 làng mạc với hơn 150 ngàn dân. Hai phép lạ hoá bánh ra nhiều đều qui tụ số lượng dân chúng ước chừng 10 ngàn. Một lần 5000 người không tính đàn bà và trẻ em. Lần khác 4000 người không tính đàn bà và trẻ con. Nếu tính cả, không dưới 10,000 người. Một số đông gần mười ngàn người kéo theo Chúa Giêsu vào nơi hoang địa, nghe giảng dạy cả ba ngày dài. Đất nước Do Thái phần nhiều là núi đá và khô cằn. Làm sao để có thức ăn nước uống cho từng ấy người? Con số 10 ngàn là con số thật hay một ẩn số để nói lên vô số người theo Chúa, đông đến nỗi không thể đếm xuể. Hay phép lạ hoá bánh ra nhiều là hình ảnh tiền trưng của bí tích Thánh Thể. Nên đây có thể ám chỉ toàn thể nhân loại sẽ được nuôi sống bởi chính Mình Máu Thánh chúa từ thời nầy sang thời khác?

 Trong số đông cả 10 ngàn người trong sa mạc mà tại sao chỉ có một em bé trai biết dự trử bánh lúa mạch và cá làm thức ăn trong những ngày theo Chúa giảng dạy? Nếu thực sự có nhiều người mang lương thực theo, Chúa đã không ngại giải tán họ, vì họ có thức ăn dự bị, không té xỉu dọc đường về nhà. Năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá được một em bé trai tự nguyện góp phần được trưng dẫn trong Phúc Âm nhằm mô tả ý nghĩa: góp phần của mình vào việc cử hành Thánh Thể sau nầy?

Phép lạ hoá bánh ra nhiều là hình ảnh tiền trưng của Bí Tích Thánh Thể trong Tân Ước:

Từ “tiền trưng” nhằm có ý nói về một sự việc được dùng để trưng dẫn trước một việc quan trọng hơn và có ý nghĩa hơn theo sau.

Con rắn đồng trong sa mạc mà Ông Môsê treo lên (Sách Dân Số 21,4-9) để ai nhìn vào sẽ không bị chết vị nọc rằn độc là hình ảnh tiền trưng của Chúa Giêsu chết treo trên Thánh Giá. Ai tin vào Chúa Giêsu sẽ không phải chết vì “Như Ông Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào thì con người cũng được treo lên như vậy…” (Gioan 3, 16-17)

Manna nuôi sống dân chúng Do Thái trên đường về Đất Hứa là hình ảnh tiền trưng của Bí Tích Thánh Thể (Sách Xuất Hành 16,4) Chúa Giêsu thành lương thực nuôi sống chúng ta trên đường về quê trời.

Dân chúng Do Thái được cứu khỏi ách nô lệ Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ khô chân và sang bến bờ tự do làm con Chúa và sống trong Đất Hứa là Đất của Chúa. Đó là hình ảnh tiền trưng của Bí Tích Rửa tội trong Tân Ước: Chúng ta được tái sinh qua nước rửa tội, thoát ách nô lệ tỗi lỗi và được làm con Chúa thừa hưởng gia nghiệp thiên đàng.

Phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi dân ăn no trong sa mạc là hình ảnh tiền trưng gần nhất của Thánh Lễ: Dân chúng theo Chúa nghe giảng dạy. Họ được nuôi dưỡng bằng Lời Hằng Sống của Chúa. Họ đóng góp phần hy sinh của họ trong việc tế lễ như em bé trai góp phần bánh và cá  riêng của mình vậy. Dân chúng được phân nhóm khác nhau, nhưng cùng hiệp thông và cùng lãnh nhận phần lương thực từ tay các tông đồ sau khi Chúa Giêsu đã chúc phúc và bẻ ra.

Trong cả hai phép lạ, Chúa không trực tiếp mang bánh và cá đến dân chúng, nhưng Ngài trao cho các tông đồ và đến lượt họ, họ phân phát cho dân chúng. Đó là nhiệm vụ của Linh Mục là những người được chỉ thị “Hãy làm việc nầy để nhớ đến Ta”. Họ có bổn phận “cho dân chúng ăn”, tức nuôi dân bằng lương thực hằng sống là Mình máu Thánh Chúa. Nên làm Linh mục là làm lễ, làm phép lạ hoá bánh nuôi sống dân chúng hàng ngày.

III.         Thực hành P.Â.:

Muốn trung thành với chức vụ linh mục: Phải dâng lễ và chầu Thánh Thể mỗi ngày.

Thực tế cần phô bày:
Một linh mục thực tâm bày tỏ: “Dâng lễ để có chút ít tiền mà sống!”
Một linh mục khác thố lộ: “Ghé thăm gia đình nầy một chút, kiếm lễ béo!”

Cũng có những linh mục đã dâng lễ thật “tốc độ”: đọc nhanh, làm nhanh và thiếu tập trung. “Tốc độ” đi liền với cẩu thả và thiếu lòng kính trọng Bí Tích Thánh Thể, việc thánh đang cử hành.
Tôi có dịp học ở hai đại học Công giáo. Những Cha giáo sư chỉ chuyên tâm giảng dạy. Không thấy các Ngài dâng lễ. Nhiều khi các Cha giáo có trong giờ lễ, nhưng không đồng tế mà chỉ dự lễ như một giáo dân. Dường như các Ngài chỉ là giáo sư chứ không là linh mục.

Những điều trên làm tôi thắc mắc:
Làm linh mục là để dâng lễ. Đây là năng quyền do bí tích truyền chức thánh ban. Nên nhiều linh mục bị rút năng quyền thi hành mục vụ nhưng quyền dâng lễ riêng tư không bị cấm chỉ trừ trường hợp bị vạ tuyệt thông hay sau khi đã hoàn tục.
Anh em chủng sinh năm thần học 3 và 4 mong từng ngày chịu chức linh mục để được dâng lễ. Nếu bị “trụ” dù chỉ 1 năm thôi, họ cũng rất buồn phiền, cằn nhằn và kêu trách bề trên đủ kiểu. Nhưng sau khi đã làm linh mục thì “dở chứng!” hay sanh tật làm biếng dâng lễ mỗi ngày. Thật mâu thuẩn làm sao!
Không là đạo đức hay mô phạm, nhưng tôi quả quyết rằng: Đời sống linh mục sẽ rất bấp bênh nếu thiếu lòng kính trọng Mình Máu Thánh Chúa, làm biếng dâng lễ hay dâng lễ cẩu thả và không dành giờ để kính viếng Thánh Thể.
Lý do đơn giản: Chúa chọn linh mục. Linh mục làm việc cho Chúa và cho phần rỗi các linh hồn nhưng lại không dâng lễ tức không thi hành lệnh truyền của Chúa là “hãy làm việc nầy để nhớ đến Ta!” thì làm sao là linh mục của Chúa, là một Chúa Kitô khác và làm sao có thể cứu rỗi các linh hồn tức mang giáo dân đến với Chúa. Linh mục xa Chúa thì làm sao làm cho người khác hay bảo người khác gần Chúa được? Nếu không dâng Thánh lễ hay dâng lễ cẩu thả cho qua lần chiếu lệ thì linh mục có việc gì khác để làm? Nhiều linh mục thích trổ tài bằng cách dành hát hay làm văn nghệ, mua vui…. Tại sao lại đi làm chuyện người khác có thể làm đang khi đó không làm chuyện mà không ai có thể làm, trừ linh mục. Đó là chuyện dâng lễ mỗi ngày.

Chiếc bánh thứ tư:  Một sức mạnh:  Phép Thánh Thể
Không bao giờ tôi vui bằng hôm đó:  từ đấy mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi dâng thánh lễ.

 Tuy nhiên cách dâng lễ mỗi nơi mỗi khác.  Dưới hầm tàu thủy chở tôi ra miền Bắc, ban đêm tôi ngồi giữa mấy bạn tù, bàn thờ là túi cói đựng đồ, dâng lễ thánh Phanxicô quan thầy của tôi và cho các bạn chịu lễ.  Lúc ở trại Vĩnh Quang tôi phải dâng lễ trong góc cửa ban sáng lúc người ta đi tắm sau giờ thể dục.  Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50 cm, đầu đụng nhau, chân quay ra ngoài.  Chúng tôi đã tự thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi.  Đến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi người phải nằm trong mùng muỗi cá nhân; tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng.  Tôi đưa tay dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ.  Chúng tôi nhặt giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh.  Như  thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi.  Chúng tôi tin một sức mạnh:  Thánh Thể.  Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống, “Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào” (Ga 10, 10).  Như  manna nuôi dân Do Thái đi đường về Đất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (Ga 6, 53). (Năm chiếc bánh và hai con cá của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận.)

Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 

02/06/13 CHÚA NHẬT TUẦN 9 TN – C  
Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Lc 9,11b-17

CỘNG ĐOÀN THÁNH THỂ, CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.” (Lc 9,14)

Suy niệm: Giả sử “chừng năm ngàn đàn ông” hôm ấy –chưa kể phụ nữ và trẻ em– chen lấn giành giật bánh với cá từ tay Chúa Giêsu để ăn cho thoả mãn, thì hẳn đã không tránh khỏi một cuộc dẫm đạp kinh hoàng. May thay, thảm hoạ đó đã không xảy ra. Mà ngược lại, một cảnh tượng an bình đẹp như thể trong mơ: Theo lệnh Chúa, đám đông được chia thành “từng nhóm khoảng 50 người một” ngồi xuống trên bãi cỏ xanh, bánh và cá được phân phát đến tận nơi, ai nấy đều ăn no, mà lại còn dư 12 thúng đầy bánh vụn nữa chứ! Không chỉ có các tông đồ tất bật với công tác Chúa giao phó: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Với số lượng người đông như vậy, hầu chắc phải có nhiều người từ đám đông cộng tác với các tông đồ để phân phát lương thực tới từng nhóm, từng người. Hình ảnh đó báo trước cộng đoàn Hội Thánh, một cộng đoàn của niềm tin, trong đó mọi người được quy tụ quanh bàn tiệc thánh, hiệp thông với nhau vì cùng chia sẻ một tấm Bánh Thánh là Thân Mình Chúa Kitô, và cùng tham gia đóng góp phần mình trong việc xây dựng cộng đoàn.
Mời Bạn: Bạn được hiệp thông nơi bàn tiệc Thánh Thể, bạn cũng được mời gọi để sự hiệp thông ấy trọn vẹn bằng cách góp tay xây dựng cộng đoàn, giáo xứ của bạn trở thành một cộng đoàn giáo hội hiệp nhất trong tình yêu thương.
Sống Lời Chúa: Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác và cộng tác vào việc xây dựng Hội Thánh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp chúng con noi gương Chúa luôn biết hy sinh quên mình để phục vụ anh chị em.

Ngài cầm bánh bẻ ra


Suy Niệm
Ăn uống là chuyện bình thường của mọi sinh vật.
Khi tôi ăn uống, đồ ăn thức uống trở thành tôi.
Tôi sống, tôi hoạt động, tôi lớn lên,
nhờ chút rau xanh, cá tươi, đậu trắng.
Tôi được nuôi bằng trời cao, đất rộng và biển cả.
Từ lâu Ðức Giêsu mang một khát vọng lớn,
đó là nuôi sống linh hồn con người,
nuôi mọi tín hữu thuộc mọi thời đại,
và nuôi họ bằng chính bản thân Ngài,
bằng cái chết và sự sống của Ngài.
Ngài có mắc bệnh hoang tưởng không?
Cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển
cho ta thấy Ðức Giêsu là con người bình thường
khi Ngài cử hành bữa Tiệc Ly tối hôm đó.
Ngài muốn ta tham dự vào cuộc Vượt Qua của Ngài,
Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho ta;
thành đồ ăn bằng cách biến tấm bánh thành Thịt Mình Ngài,
thành thức uống bằng cách biến rượu nho thành Máu Ngài.
Như thế ai ăn Tấm Bánh và uống Chén Rượu
đã được Ngài biến đổi nhờ quyền năng Thánh Thần,
người ấy nên một với Ngài.
Không phải Ngài trở thành người ấy,
cho bằng người ấy trở thành Ngài.
“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Mỗi thánh lễ là một lần nhớ đến và làm sống lại
hy tế duy nhất năm xưa trên Núi Sọ.
Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến của Tình Yêu.
Tình Yêu luôn có nhiều sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu.
Cần ngắm nhìn cử chỉ bẻ bánh của Ðức Giêsu,
Tấm bánh trở thành Tấm Thân Ngài
được bẻ ra và trao hiến trên thập giá.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Ðức Giêsu đã bẻ bánh để môn đệ phát cho dân.
Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên mãi.
“Anh em hãy cho họ ăn đi.”
Như các môn đệ, chúng ta cũng lúng túng và bất lực
trước cơn đói của con người hôm nay,
đói cơm bánh, đói tình thương, đói được tôn trọng.
Nếu chúng ta dám trao cho Ðức Giêsu
tất cả những gì chúng ta có, dù chỉ là nhỏ nhoi;
nếu chúng ta chịu để cho Ngài bẻ ra,
và làm vỡ tan mọi tính toán ích kỷ,
thì chúng ta có thể nuôi được cả thế giới.
Thỉnh thoảng bạn nên cầu nguyện trước Thánh Thể.
Bạn có thể học được nhiều điều.
Con Thiên Chúa vinh quang rất mực,
lại khiêm tốn hiện diện dưới dạng tấm bánh
mong manh, lặng lẽ, đơn sơ.
Tấm bánh không biết nói, không sống cho mình.
Tấm bánh hiện diện là để cho người ta thưởng thức,
và tan biến ngay sau khi được hưởng dùng.
Chúng ta có thể bắt chước
lối hiện diện ấy của Chúa Giêsu Thánh Thể không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,
ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,
và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan toả khắp nơi,
để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.
Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,
nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,
nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,
nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,
nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ,
nơi các tiệm cho mướn băng video,
nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ…
Nhưng lạy Chúa, trước hết,
xin cho đời con là một ngọn đèn,
xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,
mời người ta dừng lại, trầm tư,
và gặp được Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Lectio: L Kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu (C)

Chúa Nht, 2 Tháng 6, 2013
Việc bánh hóa ra nhiều cho những người đang đói
Chúa Giêsu giảng dạy về sự chia sẻ
Lc 9:10-17


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen

2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:  bối cảnh văn học:

Đoạn Tin Mừng của chúng ta được trích từ giữa quyển Phúc Âm viết bởi thánh Luca:  Chúa Giêsu nới rộng và tăng cường sứ vụ của mình trong các làng vùng Galilêa và Người sai mười hai môn đệ đi giúp mình (Lc 9:1-6).  Tin tức này lọt tới tai vua Hê-rô-đê, người đã ra lệnh giết chết Gioan Tẩy Giả (Lc 9:7-9). Khi các môn đệ hoàn thành sứ vụ trở về, Chúa Giêsu mời các ông đi đến một nơi thanh vắng (Lc 9:10). Tiếp theo sau là đoạn Tin Mừng của chúng ta nói về những chiếc bánh hóa ra nhiều (Lc 9:11-17).
Ngay sau sự kiện này, Chúa Giêsu hỏi các ông rằng:  “Người ta nói Thầy là ai?” (Lc 9:18-21).  Thế rồi, lần đầu tiên, Người tiếp tục nói về cuộc thương khó và cái chết của mình và những hệ quả của tất cả các việc này cho các môn đệ nghe (Lc 9:22-28).  Sau đó chúng ta thấy Chúa Giêsu Biến Hình đàm đạo với các ông Môisen và Êlia về cuộc thương khó và sự tử nạn của Chúa ở Giêrusalem (Lc 9:28-43).  Tiếp theo đó là lời công bố nữa về cuộc thương khó của Chúa, rồi đến sự khinh ngạc và không thông hiểu của các môn đệ Người (Lc 9:44-50).  Cuối cùng, Chúa Giêsu quyết định đi đến Giêrusalem để đối diện với cái chết của Người (Lc 9:52).

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Lc 9:10:  Chúa và các môn đệ đi đến một nơi hoang vắng.
Lc 9:11:  Đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu và Người tiếp đón họ.
Lc 9:12:  Các môn đệ lo lắng về việc đám đông sẽ bị đói.
Lc 9:13:  Chúa Giêsu đề nghị và trả lời với các môn đệ.
Lc 9:14-15:  Sáng kiến của Chúa Giêsu để giải quyết vấn đề tìm thức ăn cho đám đông.
Lc 9:16:  Ý thức và ý nghĩa của Phép Thánh Thể.
Lc 9:17:  Phép lạ cao quý: mọi người đều ăn và no nê

c)  Phúc Âm:

10 Các Tông Đồ trở về thuật lại cho Đức Giêsu những việc các ông đã làm. Người đem các ông đi riêng với mình, lui về thành kia gọi là Bếtxaiđa. 11 Đám đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. 12 Ngày đã bắt đầu tàn; và Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng."  13 Nhưng Đức Giêsu bảo: "Chính các con hãy cho họ ăn đi." Các ông đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này." 14Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông.  Và Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một."  15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống.  16 Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. 17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê.  Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta

4. Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân

a)  Điều gì bạn thích nhất và điều gì đã đánh động bạn nhất trong đoạn Kinh Thánh này?
b)  Theo như đoạn Tin Mừng này, đám đông dân chúng đã ở trong hoàn cảnh nào?
c)  Các môn đệ đã có phản ứng hay cảm nghĩ gì trước tình cảnh của đám đông?
d)  Chúa Giêsu đã có phản ứng hoặc ý nghĩ gì trước hoàn cảnh của đám đông?
e)  Đoạn Tin Mừng này gợi cho chúng ta nhớ lại sự kiện gì đã ghi trong Cựu Ước?
f)  Ngày nay, bạn có biết người nào có những sáng kiến để cung cấp lương thực cho đám đông đang đói để ăn không?
g)  Làm cách nào chúng ta có thể giúp đám đông đây?  Chúng ta sẽ phân phát cá cho họ ăn hay chúng ta sẽ dạy họ cách câu cá để tự tìm thực phẩm?

5.  Ý nghĩa chính của bài Phúc Âm

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.

a)  Bối cảnh lịch sử của bài Tin Mừng:


Bối cảnh lịch sử của sách Phúc Âm viết bởi Luca luôn có hai khía cạnh: khía cạnh thời đại của Chúa Giêsu, đó là những năm thuộc thập niên 30 tại miền đất Paléstin, và bối cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu vào thập niên 80 là các đối tượng mà Luca đang viết sách Phúc Âm của ông.
Vào thời gian Chúa Giêsu sống tại đất Paléstin, người ta đang sống trong sự mong chờ một Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ là một Môisen mới và là người sẽ lập lại những việc phép lạ tuyệt vời như Môisen đã làm trong thời gian lưu đày:  lãnh đạo dân chúng qua khỏi sa mạc và cho họ sống bằng bánh manna.  Việc các chiếc bánh hóa ra nhiều trong sa mạc đã cho đám đông một chỉ dấu là thời điểm của đấng cứu tinh đã đến (Ga 6:14-15)
Trong thời đại của ông Luca, trong các cộng đoàn giáo hữu Hy-lạp, việc xác tín của các Kitô hữu về đức tin của họ là điều quan trọng và điều này cho họ tìm được hướng đi ở giữa các khó khăn. Cách mà Luca mô tả những chiếc bánh đã được hóa ra nhiều, nhắc lại việc cử hành Bí Tích Thánh Thể như đã được cử hành trong các cộng đoàn của những năm 80, và giúp cho họ có thể đào sâu sự hiểu biết của mình về Bí Tích Thánh Thể trong cuộc sống hằng ngày của họ.  Ngoài ra, trong lời mô tả của Luca về việc những chiếc bánh hóa ra nhiều, như chúng ta sẽ thấy, ông nhắc lại những nhân vật quan trọng trong lịch sử của dân riêng của Chúa: các ông Môisen, Êlia và Êlisa, cho thấy rằng Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu Thế, người đến để thực hiện những lời hứa trong quá khứ.

b)  Lời bình luận về văn bản:

Lc 9:10:  Chúa Giêsu đem các môn đệ đi riêng với mình về một nơi hoang vắng
Các môn đệ vừa trở về từ sứ vụ mà các ông đã được sai đi (Lc 9:1-6).  Chúa Giêsu đem các ông đi theo đến một nơi hoang vắng gần Bếtxaiđa, phía bắc hồ Galilê.  Phúc Âm của thánh Máccô viết thêm rằng Chúa bảo các ông hãy nghỉ ngơi một chút (Mc 6:31).  Khi Luca viết về sứ vụ của 72 môn đệ, ông cũng mô tả việc cải sửa các hoạt động mục vụ của Chúa Giêsu, một hoạt động được hoàn thành bởi các môn đệ (Lc 10:17-20).

Lc 9:11:  Đám đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp đón họ
Đám đông dân chúng biết Chúa Giêsu đi đâu và họ đi theo Người.  Máccô thì cho biết một cách chi tiết hơn.  Ông viết là Chúa Giêsu và các môn đệ di chuyển bằng thuyền trong khi đám đông đi bộ theo Người bằng một ngả đường khác đến một nơi định trước.  Đám đông đến nơi trước Chúa Giêsu (Mc 6:32-33). Khi Chúa Giêsu đến nơi để tĩnh dưỡng, Người thấy đám đông và tiếp đón họ.  Chúa nói với họ về Nước Trời và chữa lành những người bệnh.  Máccô thêm rằng đám đông được ví như những con chiên không có người chăn.  Trước tình cảnh như thế, Chúa Giêsu đã phản ứng như một “người chăn chiên tốt lành”, hướng dẫn đám đông bằng lời của Người và cho họ ăn với những chiếc bánh và các con cá (Mc 6:33).

Lc 9:12:  Nỗi lo âu của các môn đệ và sự đói khát của đám đông
Ngày đã tàn, nắng sắp tắt.  Các môn đệ lo lắng và thưa với Chúa Giêsu xin để cho đám đông dân chúng đi về.  Các ông nói rằng không cách nào có thể tìm được đủ thức ăn cho bằng ấy người ở giữa nơi hoang vắng.  Đối với các ông, giải pháp duy nhất là để cho dân chúng đến những làng mạc gần đó tìm mua thức ăn.  Các ông không thể nghĩ ra được một phương kế nào khác.
Nếu đọc thật kỹ qua lời mô tả tình cảnh của đám đông, chúng ta tìm thấy một sự kiện rất quan trọng. Người ta đã quên ăn để được ở bên Chúa Giêsu.  Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu có sức thu hút đám đông, đến nỗi mà họ quên hết tất cả để theo Người vào giữa sa mạc.

Lc 9:13:  Lời đề nghị của Chúa Giêsu và lời đáp lại của các môn đệ
Đức Giêsu bảo: "Chính các con hãy cho họ ăn đi."  Các môn đệ hoảng sợ, bởi vì các ông chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá.  Vậy mà các ông phải giải quyết vấn nạn và các ông chỉ có thể nghĩ ra một phương cách là để cho đám đông tự đi tìm mua thức ăn.  Các ông chỉ có thể nghĩ ra được một lối giải quyết thông thường, đó là một người nào đó phải đi mua bánh cho đám đông.  Người ấy phải đi lấy tiền, đi mua bánh và phân phát cho đám đông, nhưng lối giải quyết này thì bất khả thi giữa sa mạc.  Các ông không thể tìm ra được một cách giải quyết nào khác.  Nói cách khác, nếu Chúa Giêsu nhất quyết không chịu giải tán đám đông, thì không có một phương cách nào giải quyết được vấn nạn nuôi ăn cho đám đông.  Các ông không hề nghĩ được rằng phương cách giải quyết có thể đến từ chính Đức Giêsu và từ đám đông.

Lc 9:14-15:  Sáng kiến của Chúa Giêsu để giải quyết vấn đề đói của đám đông
Đám đông với năm ngàn người.  Rất nhiều người.  Chúa Giêsu bảo các môn đệ cho đám đông ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.  Vào lúc này, Luca bắt đầu dùng Thánh Kinh để đưa ra ánh sáng các sự thật về cuộc đời Chúa Giêsu.  Ông nhắc đến ông Môisen.  Chính Môisen là người đầu tiên cho đám đông đang đói có chút gì để ăn trong hoang địa sau khi rời bỏ đất Ai-cập (Ds các chương 1-4).  Luca cũng nhắc đến tiên tri Êlisa.  Thật ra, trong Cựu Ước, chính vị tiên tri này đã hóa ít chiếc bánh ra nhiều để có thể nuôi được nhiều người (2V 4:42-44).  Đoạn Tin Mừng cho chúng ta thấy là khi ấy Chúa Giêsu là một ông Môisen mới, một tiên tri mới phải đến với thế gian (Ga 6:14-15). Vô số những người trong các cộng đoàn đã biết Cựu Ước, và một nửa sự ám chỉ là đã đủ cho họ.  Vì vậy họ dần dần khám phá ra được sự mầu nhiệm đang mở ra trong con người của Chúa Giêsu.

Lc 9:16:  Nhắc lại Phép Thánh Thể và ý nghĩa của nó
Khi đám đông đã ngồi xuống đất, Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều và bảo các môn đệ đem phân phát cho họ.  Điều quan trọng cần lưu ý là cách Luca mô tả sự việc này.  Ông viết:  “Chúa Giêsu đã cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng; bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho dân chúng”.  Điều này nói đến các cộng đoàn vào những năm 80 (và vào mọi thời điểm) nhắc lại Phép Thánh Thể. Bởi vì chính những chữ này sẽ được dùng (và vẫn còn được dùng) trong dịp cử hành Bữa Tiệc của Chúa (22:19).  Ông Luca gợi ý rằng Phép Thánh Thể phải dẫn đến việc hóa các chiếc bánh ra nhiều, có nghĩa là, để chia sẻ.  Điều này giúp các Kitô hữu phải để ý chăm sóc đến các nhu cầu cụ thể của người chung quanh.  Đây là bánh hằng sống mang lại lòng dũng cảm và hướng dẫn người Kitô hữu khi phải đối diện với các vấn nạn của đám đông đi theo một phương cách mới, không phải từ bên ngoài, mà từ trong đám đông.

Lc 9:17:  Dấu hiệu tốt lành: mọi người đều ăn và no nê
Mọi người đều ăn, tất cả sẽ no nê và sẽ có những thúng bánh vụn còn sót lại!  Một giải pháp bất ngờ, được thực hiện bởi Chúa Giêsu và phát sinh chính từ trong đám đông, bắt đầu từ cái nhỏ nhặt họ mang đến, năm chiếc bánh và hai con cá.  Và đã có mười hai thúng đầy những mẩu bánh vụn sau khi năm ngàn người đã ăn xong với năm chiếc bánh và hai con cá!

c)  Suy gẫm sâu xa hơn:  một phép lạ trọng đại hơn:

Có người sẽ thắc mắc:  “Đó không phải là phép mầu sao?  Hay đó chỉ là một sự chia sẻ?”  Sau đây là ba sự suy gẫm bằng phương cách dùng câu trả lời:

Suy gẫm thứ nhất:  Phép lạ nào sẽ nên cao trọng hơn ngày nay: vào một ngày nhất định trong năm, ví dụ như lễ Giáng Sinh, mọi người đều có thức ăn đầy đủ và nhận được một giỏ thức ăn Giáng Sinh; hay là người ta bắt đầu chia sẻ thức ăn để không một ai bị đói và rồi sẽ có những thức ăn dư lại cho đám đông khác.  Phép lạ nào cao trọng hơn phép lạ nào?  Bạn nghĩ gì?

Suy gẫm thứ hai:  Chữ Phép lạ (miraculum) xuất phát từ động từ ngưỡng mộ Phép lạ là một sự việc ngoại hạng, ngoài sự hiểu biết bình thường, gây ra sự ngưỡng mộ và dẫn đến suy nghĩ về Thiên Chúa Phép lạ vĩ đại, phép lạ cao trọng hơn tất cả là (1) Chúa Giêsu, Thiên Chúa mặc lấy xác loài người!  Vì thế, Thiên Chúa trở nên một con người phi phàm như việc Thiên Chúa có thể làm người!  Mộtphép lạ lớn lao khác là (2) sự thay đổi mà Chúa Giêsu đã thành công trong lối làm việc với đám đông đã quen với cách giải quyết từ bên ngoài.  Chúa Giêsu thành công trong việc làm cho đám đông phải đối diện với vấn nạn của họ từ bên trong và chính họ nhận phương cách giải quyết.  Một phép lạ vĩ đại, một việc phi phàm là (3) qua cử chỉ của Chúa Giêsu, tất cả mọi người đều được ăn và lại còn dư!  Khi chúng ta chia sẻ, luôn luôn có thêm …. và lại còn dư thừa!  Như thế là có ba phép lạ vĩ đại:  chính Chúa Giêsu, việc hoán cải của dân chúng, và việc chia sẻ của ăn dẫn đến sự phong phú dư dật!  Ba phép lạ nảy sinh ra một kinh nghiệm mới về Thiên Chúa là Chúa Cha mặc khải cho chúng ta trong Chúa Giêsu.  Kinh nghiệm này về Thiên Chúa đã thay đổi tất cả các não trạng và cách sống, nó mở ra một chân trời hoàn toàn mới lạ và tạo nên một cách sống hòa đồng với những người khác.  Đây là một phép lạ to lớn nhất: một thế giới khác có cơ hội được tạo nên!

Suy gẫm thứ ba:  Rất khó để biết những việc đã xảy ra như thế nào.  Không ai có thể nói rằng Chúa Giêsu đã không làm phép lạ.  Người đã làm nhiều phép lạ!  Nhưng chúng ta không được quên rằng phép lạ lớn nhất là sự phục sinh của Chúa Giêsu.  Qua đức tin vào Chúa Giêsu, người ta bắt đầu sống theo một phương cách mới, chia sẻ cơm bánh với các anh chị em là những người nghèo khó và đang đói:  “Không ai trong số các cộng đoàn phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4:34-35).  Khi một phép lạ được mô tả trong Thánh Kinh, sự quan tâm lớn hơn được chú ý đến không phải là hướng tới khía cạnh kỳ diệu, mà là hướng tới ý nghĩa phép lạ đã ban cho đời sống và cho đức tin của cộng đoàn những người tin vào Chúa Giêsu, sự mặc khải của Chúa Cha.  Trong nơi gọi là “thế giới thứ nhất” của các quốc gia “Kitô hữu”, các thú vật có dư thừa thức ăn hơn là những con người đang sống trong “thế giới thứ ba”.  Rất nhiều người đang đói khổ!  Điều này có nghĩa là Phép Thánh Thể đã chưa bén rễ sâu xa hoặc là đã chưa lan rộng ra như đã đáng lẽ ra.

6.  Cầu nguyện với Thánh Vịnh: 81 (80)

Thiên Chúa giải thoát và nuôi sống dân Người
Reo lên mừng Thiên Chúa, Đấng trợ lực chúng ta!
Hò vang dậy đi nào kính Chúa nhà Giacóp!
Đàn hát lên nào, hoà nhịp trống cơm,
bổng trầm gieo tiếng cầm tiếng sắt.
Rúc lên đi, hãy rúc tù và,
mồng một ngày rằm cho ta mừng lễ.
Đó là luật Ít-ra-en phải cứ,
Thiên Chúa nhà Giacóp đã phán truyền.
Chỉ thị này, nhà Giuse đã nhận khi bỏ miền Ai-cập ra đi.
Một giọng nói tôi nghe khác lạ,
rằng: "Gánh nặng vai dân, Ta đã cất cho,
tay họ thôi cầm chiếc ky người nô lệ.
Lúc ngặt nghèo, ngươi đã kêu lên,
Ta liền giải thoát.
Giữa mây mù sấm chớp, Ta đã đáp lời,
bên mạch nước Mơ-ri-va, Ta thử lòng ngươi.
"Dân Ta hỡi, nghe Ta cảnh cáo, Ít-ra-en này, phải chi ngươi chịu nghe Ta,
thì đừng đem thần lạ về nhà,
thần ngoại bang, chớ hề cúng bái.
Chính Ta là THƯỢNG ĐẾ Chúa ngươi,
đã đưa ngươi lên tự miền Ai-cập,
há miệng ngươi ra, Ta sẽ cho đầy ứ.
"Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời,
Ít-ra-en nào đâu có chịu.
Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá,
muốn đi đâu thì cứ việc đi!
"Ôi dân Ta mà đã nghe lời,
Ít-ra-en chịu theo đường Ta chỉ,
thì hết những địch thù của chúng,
những kẻ hà hiếp chúng xưa nay,
Ta tức khắc trở tay quật ngã;
"Kẻ thù CHÚA sẽ cầu thân nịnh bợ,
ấy là số phận chúng muôn đời;
còn dân Ta, Ta sẽ nuôi bằng lúa mì tinh hảo,
mật ong rừng, Ta cho hưởng thoả thuê."
7.  Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét