Thứ Năm Ngày 20/06/2013
Tuần XI Thường Niên – Năm C
BÀI
ĐỌC I: 2 Cr 11, 1-11
"Tôi đã rao giảng không công cho anh em Tin
Mừng của Thiên Chúa".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, phải chi anh em chịu đựng một
phần nào sự ngu dại của tôi, chắc là anh em đành chịu đựng: vì tôi yêu mến anh
em như Chúa có lòng yêu mến. Tôi đã đính hôn anh em cho một người, như dâng một
trinh nữ trong trắng cho Đức Kitô. Nhưng tôi lại sợ rằng như con rắn đã dùng
mưu chước mà cám dỗ bà Evà thế nào thì lòng anh em cũng ra hư đốn, không còn
chân thành đối với Đức Kitô như vậy. Vì nếu có ai đến rao giảng một Đấng Kitô
nào khác mà chúng tôi không hề rao giảng, hay anh em nhận lãnh một Thánh Thần
nào khác hoặc một Phúc Âm nào khác không phải như anh em đã nghe, thì chắc là
anh em chịu theo ngay. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã làm việc không thua kém gì
các vị tông đồ cả kia đâu. Bởi vì dầu tôi có ăn nói không thanh lịch, nhưng về
sự thông biết thì không phải thế đâu, vì trong mọi mặt, chúng tôi đã tỏ cho anh
em thấy rõ rồi.
Hay là tôi đã phạm tội gì khi hạ mình không để
anh em được nhắc lên? Hoặc vì đã rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của
Thiên Chúa. Tôi đã bóc lột các giáo đoàn khác, khi lãnh trợ cấp nơi họ, để phục
vụ anh em. Khi tôi ở giữa anh em, mà phải lâm cảnh túng thiếu, tôi đã không làm
phiền lòng ai: vì tôi có thiếu thốn điều gì, thì các anh em ở Macêđônia đến
giúp đỡ cho. Trong mọi sự, tôi đã giữ mình không làm phiền lòng ai, sau này,
tôi vẫn giữ mình như thế. Đã có sự thật của Đức Kitô trong tôi, nên tôi không
để ai giựt khỏi tôi được sự tôi khoe như thế trong khắp miền Akaia. Vì sao thế?
Có phải vì tôi không yêu mến anh em chăng? Đã có Thiên Chúa biết. Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 110, 1-2. 3-4. 7-8
Đáp: Lạy Chúa, công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và
công chính (c. 7a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng
Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc
của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi! - Đáp.
2)
Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Ngài muôn đời
tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Đấng nhân hậu
từ bi. - Đáp.
3)
Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người
đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho tới muôn ngàn đời, được ban
hành một cách chân thành và đoan chánh. - Đáp.
ALLELUIA: Tv 144, 13bc
Alleluia,
alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi
việc Chúa làm. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 6, 7-15
"Vậy các ngươi
hãy cầu nguyện như thế này".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói
nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con
cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con
nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên
trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con,
như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám
dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
"Vì nếu các con có tha thứ cho người ta
những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Đấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các
con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ
lỗi lầm cho các con". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Kinh Lạy Cha
Kinh
Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh
do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử
hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm
trong khi cầu nguyện.
Chúng
ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu
nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của
Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ
thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng
như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng
ta đừng làm như thế, bởi vì "Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước
khi các con cầu xin". Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ
khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta
trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những
sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta
nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.
Kinh
Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha
có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu
tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng
con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước
Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho
thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Trong phần hai, có 4
lời nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và
của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến
Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh
em; xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách
sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn
thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày
trong đời sống chúng ta.
Chúng
ta hãy dốc quyết không bao giờ bỏ đọc Kinh quan trọng và hiệu nghiệm này trong
đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn chúng ta.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 11 TN1, Năm lẻ
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải đặt
cùng đích của cuộc đời lên trên những lợi lộc vật chất.
Mục
đích chính của cuộc đời chúng ta là cố gắng sống làm sao để mưu cầu ơn cứu độ
cho chính chúng ta và cho mọi người. Vì thế, chúng ta phải dồn mọi thời gian,
cố gắng, và sức lực để đạt được mục đích này. Nhưng thực tế chứng minh chúng ta
đã không làm những điều đó: Có những người dành hết mọi thời gian và sức lực để
kiếm tiền hưởng thụ. Có những người đặt quyền lợi cá nhân lên trên việc mở mang
Nước Chúa. Có những người lợi dụng ngay cả Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Các
Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những trường hợp cụ thể để suy gẫm xem
chúng ta đã làm gì để đạt mục đích của cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô
muốn chứng tỏ cho các tín hữu Corintô biết ông đã lo lắng mọi cách để chuẩn bị
cho họ sống mối liên hệ với Đức Kitô; chứ không quan tâm đến việc đáp trả lợi
lộc vật chất của họ, như kẻ thù tố cáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn các môn
đệ đặt việc làm vinh danh Chúa, làm Nước Chúa trị đến, làm theo thánh ý Chúa,
trước khi lo việc có lương thực hằng ngày và các nhu cầu khác.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô.
1.1/
Phaolô chú trọng đến phần linh hồn của các tín hữu Corintô.
(1)
Phaolô yêu hội thánh Corintô bằng tình yêu chân thành: Mục đích của Phaolô
khi nhiệt thành rao giảng Tin Mừng là mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi
người. Nỗi lo âu của ngài là lo lắng làm sao để các tín hữu được kết hiệp mật
thiết với Đức Kitô, và không bị lôi cuốn bởi những cám dỗ của thế gian. Vì yêu
Đức Kitô và yêu các tín hữu, Phaolô muốn liên kết cả hai trong cuộc "kết
hôn " mà Isaiah, Hosea, và tác giả của Sách Diễm Tình Ca đã xử dụng:
"Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính
hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người
như một trinh nữ thanh khiết."
(2)
Phaolô lo sợ các tín hữu bị đánh lừa bởi những người rao giảng giả hiệu: Phaolô chắc đã nhìn
thấy những dấu hiệu phản bội nơi các tín hữu, nên ngài đã cảnh cáo các tín hữu:
''Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà Evà thế
nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với
Đức Kitô như vậy.'' Phaolô nói mỉa mai các tín hữu; nhưng cũng đề phòng họ phải
xác quyết ba điều chân thật: Đức Kitô, Thánh Thần, và Tin Mừng: ''Quả thật, nếu
có ai đến rao giảng một Đức Giêsu khác với Đức Giêsu mà chúng tôi rao giảng,
hay nếu anh em lãnh nhận một Thần Khí nào khác với Thần Khí anh em đã lãnh
nhận, hoặc nếu anh em lãnh nhận một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng anh em đã
đón nhận, thì anh em sẵn lòng chịu đựng được ngay!''
1.2/
Lời biện hộ của Phaolô: Phaolô muốn dùng việc làm để chứng minh những gì ông đã làm cho
hội-thánh ở Corintô, để vạch ra những gian trá của các "tông đồ giả
hiệu." Các tín hữu có thể chứng nhận những gì ông nói.
(1)
Về sự hiểu biết: ''Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có thua gì các Tông Đồ siêu đẳng kia.
Giả như tôi có thua kém về khoa ăn nói, thì về sự hiểu biết, tôi chẳng thua kém
đâu! Trong mọi dịp và trước mặt mọi người, chúng tôi đã tỏ cho anh em thấy điều
đó rồi.'' Sự hiểu biết của Phaolô chính là khôn ngoan của Thiên Chúa mà kiến
thức của các tông đồ giả hiệu không thể so sánh được.
(2)
Về sự rao giảng không công: Phaolô rao giảng cho các tín hữu Corintô không vì lý do
tài chánh, nhưng ông đã tự mưu sinh bằng nghề chế lều và sự giúp đỡ của các
hội-thánh khác. Ông nhắc nhở họ: ''Phải chăng tôi có lỗi, vì đã hạ mình xuống
để tôn anh em lên, khi rao giảng không công cho anh em Tin Mừng của Thiên Chúa?
Tôi đã bóc lột các Hội Thánh khác, ăn lương của họ, để phục vụ anh em. Hồi ở
giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền luỵ ai, bởi vì
các anh em từ Macedonia
đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần. Trong mọi dịp, tôi đã tránh không trở
nên gánh nặng cho anh em, và tôi cũng sẽ còn tránh như vậy.''
(3)
Về sự yêu mến của các hội-thánh khác dành cho ông: Không phải vì bị các
hội-thánh khác từ bỏ mà Phaolô đến ở với hội-thánh Corintô; nhưng vì tình yêu
chân thành Phaolô dành cho họ. Ông muốn họ nhận thức điều này: ''Nhân danh chân
lý của Đức Kitô ở trong tôi, tôi xin nói với anh em rằng: chẳng ai cấm được tôi
có niềm vinh dự đó trong các miền xứ Achaia. Tại sao thế? Có phải vì tôi không
yêu mến anh em chăng? Có Thiên Chúa biết!''
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu dạy môn đệ cách cầu nguyện.
2.1/
Thái độ phải tránh khi cầu nguyện: Chúa Giêsu dạy các môn đệ một thái độ cần
phải tránh: "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ
rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết
rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.''
Chúng
ta đừng lấy những gì con người suy nghĩ và hành động để áp dụng cho Thiên Chúa.
Nhiều người phải lải nhải nhiều lần, vì họ không biết Thiên Chúa có nghe thấy
tiếng họ kêu xin hay không; nhưng Chúa Giêsu dạy: Thiên Chúa là Đấng thông suốt
mọi sự, Ngài biết rõ tất cả nhu cầu của từng người trước khi chúng ta mở miệng
cầu xin.
Như
vậy, có cần phải cầu xin vì Thiên Chúa đã biết? Chúng ta cần phân biệt giữa cầu
xin và cầu nguyện. Chúa Giêsu không ngăn cấm việc cầu xin; ngược lại, Ngài luôn
khuyến khích các môn đệ phải cầu nguyện. Tuy nhiên, việc cầu nguyện không phải
thuần túy chỉ cầu xin, nhưng còn để đào sâu mối liên hệ giữa chúng ta và Thiên
Chúa.
2.2/
Cách cầu nguyện đúng: Kinh Lạy Cha. Chúng tôi đã phân tích chi tiết Kinh Lạy Cha nhiều
lần. Trong bài chia sẻ này, chúng tôi muốn chú trọng đến thứ tự ưu tiên của các
lời cầu.
(1)
Cầu xin cho nhu cầu của Thiên Chúa: Phần đầu của Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu chú
trọng đặc biệt đến "nhu cầu" của Thiên Chúa. Ngài dạy: Anh em hãy cầu
nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho
danh thánh Cha vinh hiển, Nước Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như
trên trời.'' Nếu người con thực tình yêu thương Cha, người con sẽ chú tâm đến
nhu cầu của Cha hơn nhu cầu của mình. Hơn nữa, những "nhu cầu" của
Cha, thực sự chẳng phải cho Cha, nhưng là cho phần rỗi linh hồn của mọi người
con.
(2)
Cầu xin cho nhu cầu của con người: Chỉ sau khi chú tâm đến nhu cầu của Thiên
Chúa, con người mới chú tâm đến nhu cầu của mình khi cầu xin: "Xin Cha cho
chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.'' Chúa Giêsu chú trọng đến việc xin
lương thực hằng ngày, chứ không xin để có tiền mua lương thực cả đời! Sau đó,
Chúa trở lại với nhu cầu thiêng liêng: "Xin tha tội cho chúng con như
chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.'' Và lời cầu nguyện sau
cùng cũng hướng về ơn cứu độ: ''Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng
cứu chúng con cho khỏi sự dữ.''
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa cho chúng ta sống trong cuộc đời này không phải để kiềm tiền hưởng
thụ; nhưng muốn chúng ta sống làm sao để đạt tới ơn cứu độ cho mình và cho mọi
người. Ngài đã từng nhắc nhở: "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn,
được ích chi!"
-
Nếu mục đích cuộc đời là ơn cứu độ, chúng ta phải chú trọng và dành mọi thời
gian và nỗ lực cho việc làm vinh danh Chúa, làm cho Nước Chúa trị đến, làm theo
thánh ý Chúa; chứ không dành toàn thời gian và nỗ lực để mưu cầu các lợi lộc
vật chất.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 11 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu
mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Thứ Năm :
Mt 6,7-15
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu dạy về sự cầu nguyện :
1. Khi cầu nguyện, không cần nhiều lời : lý
do là Chúa Cha đã biết chúng ta cần gì trước cả khi chúng ta nói ra.
2. 7 điều cần phải xin : Kinh lạy Cha.
B.... nẩy mầm.
1. Vì nghĩ rằng cầu nguyện là nói cho Chúa
nghe, nên khi tôi không có gì để nói, hoặc khi tôi không cảm thấy Chúa đang
nghe thì tôi không cầu nguyện. Thực ra cầu nguyện trước hết là ở với Chúa, kết
hợp tâm tình với Chúa. Khi cầu nguyện, điều cần hơn là xin Chúa nói cho tôi
biết Chúa muốn gì nơi tôi.
2. Có hai hình thức cầu nguyện là cầu
nguyện chung với những người khác và cầu nguyện riêng một mình với Chúa. Việc
cầu nguyện riêng nuôi dưỡng việc cầu nguyện chung. Người nào ít cầu nguyện
riêng thì việc cầu nguyện chung của họ chỉ là làm theo lệ, không có tâm tình
bao nhiêu.
3. Tác phẩm "Con đường hành
hương" kể câu chuyện như sau :
Một người kia đọc Thánh Kinh thấy lời khuyên
hãy cầu nguyện không ngừng. Ông không biết làm thế nào để có thể cầu nguyện
không ngừng. Vì thế ông hành hương đến một tu viện và xin một tu sĩ chỉ dạy
ông. Vị tu sĩ mời người khách hành hương ở lại tu viện, trao cho ông một tràng
chuỗi và dặn ông cứ lần chuỗi và đọc câu "Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Người này nghe lời làm theo, mỗi ngày
vừa lần chuỗi vừa đọc không biết bao nhiêu lần câu đó, có đến cả trăm ngàn lần.
Một ngày kia vị tu sĩ qua đời. Người khách
hành hương khóc sướt mướt khi đưa vị tu sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó
ông rồi tu viện tiếp tục cuộc hành hương, bởi vì vị tu sĩ ấy vẫn chưa dạy cho
ông làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vừa đi, ông vừa làm như thói
quen vị tu sĩ đã dạy. Khi ông hít vào, ông đọc "Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên
Chúa", khi thở ra, ông đọc tiếp "Xin thương xót con là kẻ tội
lỗi". Cứ thế không bao lâu lời cầu nguyện đã trở thành hơi thở của ông :
dù khi ăn, dù khi uống, dù khi nói năng, đi đứng… Mỗi hơi thở, mỗi nhịp đập của
trái tim ông đều trở thành cầu nguyện. Và người khách hành hương chợt hiểu :
Bây giờ tôi đã hiểu thế nào là cầu nguyện không ngừng". (Chờ đợi Chúa)
4. "Xin tha tội cho chúng con, như
chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con" (Mt 6,12)
- Sao Vân không nhìn nó ? Nhiều lần Ly thấy
nó nhìn Vân có vẻ như muốn nói chuyện lắm.
- Kệ nó, Vân biết nhưng Vân không muốn ! Nó
đã xúc phạm Vân. Vân chỉ nói chuyện khi nào nó xin lỗi.
- Vân cố chấp và ích kỷ quá ! Vân nên...
Ly định nói gì nữa nhưng tôi đã quay mặt bỏ
đi, mặc cho Ly đứng một mình giữa sân trường.
Chiều, đi lễ. Bước vào nhà thờ, tôi cúi
mình chào Chúa rồi sốt sắng đọc kinh "Lạy Cha chúng con ở trên trời... như
chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con..."
Tôi dừng lại và không thể đọc những nữa.
Ánh mắt biết lỗi của nó, câu nói của Ly lúc sáng... Tất cả cứ hiện lên trong
đầu tôi như bắt tôi nhìn lại mình.
Lạy Chúa, khi bị treo trên thập giá, Chúa
đã biện hộ cho tội chúng con : "Xin tha cho chúng vì lầm chẳng biết."
Còn con, sống giữa tha nhân nhưng không hề biết tha thứ. Xin Chúa cho con thêm
lòng quảng đại để con luôn biết thứ tha cho nhau. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
20/06/13 THỨ NĂM TUẦN
11 TN
Mt 6,7-15
Mt 6,7-15
HÃY KÝ THÁC VÀO CHÚA
“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” (Mt 6,11)
Suy niệm: Sách Xuất Hành kể rằng khi bị
đói trong hành trình sa mạc, dân Ít-ra-en cầu xin Chúa, và Ngài đã ban manna
cho họ ăn. Nhưng Chúa bảo mỗi người lượm manna tùy theo sức mình ăn thôi, không
được dư thừa, ai lượm để dành qua ngày khác thì nó hư thối (Xh 16,1-19). Như
vậy, Chúa muốn dân Chúa biết phó thác, tin tưởng trọn vẹn vào sự quan
phòng của Ngài. Chính khi phó thác cả con người, cuộc đời mình cho Chúa không
một chút nghi ngờ hay lo âu sợ hãi, chúng ta được an bình, hạnh phúc. Chúa
Giêsu hôm nay muốn chúng ta cầu nguyện với Chúa trong niềm tín thác ấy vì Ngài
muốn chúng ta tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn tất cả những cái
kia, Người sẽ thêm cho (Mt 6,33).
Mời Bạn: Cuộc sống con người luôn gắn
liền với cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, bạn đừng vì đó mà quên mất Chúa, thiếu tín
thác nơi Ngài vì “người
ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Vì vậy, hãy kiên
trì ký thác vào Chúa và tin vào ý định tốt đẹp của Ngài dành cho cuộc đời bạn.
Khi sống một cuộc đời đầy tin tưởng vào Ngài và Lời Ngài, bạn sẽ nhận ra vô vàn
ơn lành Ngài đang tuôn đổ trên đời mình.
Chia sẻ: Bạn có thái độ nào khi xin Chúa
điều gì đó nhưng Ngài chưa đáp ứng?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập sống tin tưởng, phó
thác vào Chúa vì xác tín Ngài là Cha nhân lành. Tôi sẽ luôn tâm niệm: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
tin tưởng Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).
Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha thật chậm rãi và sốt sắng.
Lạy
Cha chúng con
Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là
Cha. Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị, những cũng
được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Suy niệm:
Chúng ta không thể lèo lái hay ép buộc Thiên
Chúa
bằng những lải nhải dài dòng hay bằng những câu
thần chú.
Cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa
biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha Teilhard de
Chardin đã viết:
“Chúng ta phải cầu
xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế,
cũng không phải vì
Chúa không biết ta cần gì.
Không, kinh nguyện
là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”
Thiên Chúa thích
nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.
Đức Giêsu dạy
chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là tiếng gọi
âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.
Khi gọi Thiên Chúa
là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha siêu việt và
quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao sang ở
trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.
Ba lời cầu xin đầu
tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.
Danh Cha được vinh
hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước Cha đã đến
rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu,
nhưng chúng ta vẫn
phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha và quyền tối
cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi,
nhưng còn phải
được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời cầu đầu
tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho Danh Cha
được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha được tuân
hành : đó là công việc của Cha cho đến tận thế.
Nhưng việc đó cũng
cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi Kitô hữu
qua việc họ sống
tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời,
để cho thấy Nước
Trời đã đến trên mặt đất.
Bốn lời cầu xin
sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin lương thực
hàng ngày là điều cần thiết cho họ,
những người nay
đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe.
Xin ơn tha thứ là
điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi,
mà cũng là điều ta
phải trao lại cho anh em.
Xin Chúa đừng đưa
chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng
đến mức mất đức
tin và quỵ ngã.
Nhưng xin Chúa gìn
giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.
Kinh Lạy Cha giúp
chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta được mở
ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,
những cũng được mở
ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế giới có
bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế giới có
nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế giới hỗn
loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế giới không
biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh Lạy Cha bao
giờ cũng nhắc chúng ta về những điều dang dở…
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin hãy đến.
Xin đừng mỉm
cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên
chúng con rồi.
Có cả triệu
người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa
thì được cái gì ?
Chúa đến để làm
gì
nếu đời sống
con cái của Chúa
cứ tiếp tục y
như cũ ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An
của Chúa.
(Helder Câmara)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy niệm
Cầu nguyện là một nhu cầu rất cần thiết
trong đời sống của kitô hữu, nhưng đôi khi chúng ta không biết cách cầu nguyện.
Hôm nay Chúa Giêsu dạy cho chúng ta cách cầu nguyện. Ngài bảo chúng ta khi cầu
nguyện thì đừng nói nhiều, vì Thiên Chúa biết rõ chúng ta cần những gì, ngay
lúc chúng ta chưa xin. Ngài con dạy chúng ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha. Qua
bài Tin Mừng này chúng ta cùng tìm hiểu hai ý:
Thứ nhất, “Cha các con biết rõ điều các con
cần”. Chúng ta thường lẫn lộn giữa cầu nguyện với việc xin ơn. Vì thế, chúng ta
dễ thất vọng, thậm chí trách móc Thiên Chúa khi những điều chúng ta cầu xin
không trở thành hiện thực. Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết rằng chúng ta đừng
vội thất vọng vì những điều chúng ta xin không được nhậm lời. Vì Thiên Chúa
biết rõ chúng ta cần những gì, ngay cả trước khi chúng ta xin. Những điều chúng
ta xin mà không được nhậm lời có thể vì Thiên Chúa thấy những điều đó không phù
hợp với chúng ta. Cha mẹ nào cũng mong muốn điều tốt đẹp cho con cái mình. Ví
dụ như một đứa bé xin cha mẹ nó cho nó con dao, dĩ nhiên là cha mẹ sẽ không
cho. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài sẽ không ban cho chúng ta những điều có hại cho
chúng ta, mặc dù chúng ta thích, đòi hỏi, mong muốn. Có thể những điều chúng ta
xin không được, bù lại Thiên Chúa ban cho chúng ta biết bao ơn khác mà chúng ta
không nhận ra.
Thứ hai, khi Chúa Giêsu đã dạy kinh Lạy
Cha, Ngài còn nhấn mạnh thêm về việc tha thứ. “Vì nếu các con có tha thứ cho
người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ
cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng
tha thứ lỗi lầm cho các con". Điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm
của chúng ta là chúng ta phải tha thứ cho nhau. Con người ai cũng mang trong
mình sự yếu đuối, bất toàn, ai mà không có lúc lầm lỗi. Khi chúng ta hiểu được
như thế chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm và tha thứ cho những người xúc phạm đến
ta. Chính khi chúng ta tha thứ cho người khác cũng là lúc chúng ta ý thức bản
thân mình cũng cần được sự thứ tha.
Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi lần đọc
kinh Lạy Cha, chúng con ý thức và tỏ lộ một niềm tin son sắt vào Thiên Chúa yêu
thương đang trị đến. Đồng thời, chúng con bày tỏ lòng tín thác vào khả năng tha
thứ của Thiên Chúa, để từ đó thể hiện lòng quảng đại đối với tha nhân, hầu được
Thiên Chúa bảo bọc và nâng đỡ chúng con trên con đường hướng về nhà Chúa. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
Tháng Sáu
20 THÁNG
SÁU
Một Đức Tin Chân Chất
Ngôi Lời
của Thiên Chúa vẫn chưa là cái gì tuyệt vời mấy đối với chúng ta bao lâu chúng
ta chưa trực diện với những dấu hỏi thâm sâu nhất về cuộc sống. Đứng trước
những vấn nạn căn bản nhất, chúng ta nhớ lại rằng Thiên Chúa đang hiện diện ở
đây với mình. Ngài là Emmanuel, là Thiên Chúa ở với chúng ta (Is 7,14). Và qua
con người Giê-su Na-da-rét đã chết và đã sống lại ấy, Con Thiên Chúa và là anh
em của chúng ta đã “cư ngụ ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Thật vậy,
tất cả những thử thách của Giáo Hội qua giòng thời gian đưa dẫn Giáo Hội tới
chỗ không ngừng nỗ lực làm mới lại niềm khao khát sự hiện diện vĩnh cửu của
Thiên Chúa. Trong cuộc tìm kiếm này, Giáo Hội luôn luôn được hướng dẫn bởi mẫu
mực của Đức Kitô và bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Đó là lý do
tại sao Giáo Hội phải nói lên và phải chỉ ra cho thế giới thấy ân sủng của
Thiên Chúa và cảm nhận thường xuyên của mình về sự quan phòng của Thiên Chúa.
Giáo Hội phải chia sẻ về tình yêu kỳ diệu này để cho người ta có thể được giải
phóng khỏi sự đè nặng của bao mối nghi ngại. Vâng, con người phải ký thác trọn
vẹn chính mình cho mầu nhiệm tình yêu hết sức cao cả, hết sức lớn lao và hết
sức quyết liệt này.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
20-6
2Cr
1, 1-11; Mt 6, 7-15
LỜI SUY NIỆM: “Khi cầu
nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được
nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi
anh em cầu xin” (Mt 6,7-8)
Chúa
Giêsu biết rõ Thánh Ý Chúa Cha, nên Ngài muốn chúng ta trong cầu nguyện, cần
phải có tâm tình là Cha với con, đặt hoàn toàn tin tưởng ở nơi Thiên Chúa và
yêu kính Ngài trên hết mọi sự và mọi người. Khi cầu nguyện chúng ta cần chia sẻ
tất cả mọi hoàn cảnh sống của chúng ta lên Ngài với một tâm hồn đơn sơ, trao
phó, tuân phục; chứ không phải áp đặt cho Chúa ý muốn của mình. Chúng ta cần
học cách cầu nguyện của Áp-ra-ham, của Mô-sê, của Đức Mẹ Maria và của Chúa
Giêsu.
Mạnh
Phương
20 Tháng Sáu
Ai Hơn
Ai?
Trong một khu vườn
tuyệt đẹp kia có nhiều loại hoa đua nhau khoe màu tranh sắc: Hoa Hồng, hoa
Hướng Dương, hoa Vạn Thọ, hoa Cúc, kể cả vài cụm bông Móng Tay và bông Mười
Giờ.
Một ngày kia, có người
đến nhìn ngắm những bông hoa đẹp, rồi lấy một cây thước ra đo chiều cao, chiều
dài cũng như đếm số các nụ hoa. Xong ông ta bỏ đi.
Ý thức về chiều cao và
độ lớn của mình, hoa Hướng Dương càng vươn cổ lên cao và nói: "Trong khắp
khu vườn, không hoa nào lớn mạnh như chúng tôi". Nghe nói thế, hoa Hồng
lên tiếng: "Nhưng không hoa nào đẹp và tỏa hương thơm ngát như chúng
tôi". Không chịu thua ai, hoa Vạn Thọ góp lời: "Hai người nói thế
nghe sao phải, to lớn và thơm tho nào có ý nghĩa gì. Hai người làm gì có được
nhiều bông hoa như chúng tôi".
Nghe những loại hoa
trên tranh luận, các loại hoa Cúc, hoa Móng Tay
và hoa Mười Giờ cảm thấy tủi phận. Hoa Móng Tay tìm lời an ủi hoa Mười Giờ:
"Bọn mình không đẹp, không thơm, nhưng được cái là dễ trồng nên được nhiều
người ưa thích".
Sau đó, khu vườn trở
lại yên lặng trong khoảnh khắc. Nhưng hoa Cúc phá tan sự im lặng nặng nề với
những phát biểu sau đây: "Sao các anh, các chị lại có thể suy nghĩ thế?
Bởi đâu các anh các chị lại tranh nhau về chiều cao, về độ lớn, về vẻ đẹp, về
hương thơm. Anh chị quên rằng: Dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, dù đỏ hay vàng,
mọi bông hoa đều nhận lãnh hình hài, vẻ đẹp và hương thơm từ bàn tay của Ðấng
Tạo Hóa và dưới mắt Người chúng ta đều như sau. Mỗi chúng ta đều được Người ban
cho đồng đều ánh sáng và hơi ấm của mặt trời. Mỗi bông hoa đều được Người cho
mưa rơi xuống gốc và sương sa trên mình như nhau. Ðó là Mầu Nhiệm của lòng
quảng đại và khoan nhân của Thiên Chúa".
Sự
phân bì, ghen tuông đã và đang làm khổ đau cho con người cũng bằng tính tự cao,
tự đại hay ít ra tính phân bì, ghen ghét cũng làm cho chúng ta không được thư
thái, bình an. Vì thế, có người đã đề ra những phương pháp sau đây như những
điều kiện để được hưởng sự bình an trong tâm hồn:
-
Nếu tôi không muốn so sánh mình với người khác, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc với
những gì tốt đẹp nơi tôi.
-
Nếu tôi không làm nô lệ cho sự thành công, tôi có thể sản xuất những thành quả
tốt đẹp kẻ khác chờ đợi nơi tôi.
-
Nếu tôi không để mình bị vướng vào mạng lưới của sự cạnh tranh, tôi sẽ thông
phần và chia sẻ được những cái tốt đẹp hàm ẩn trong tất cả mọi người.
(Lẽ Sống)
Thứ Năm 20-6
Thánh Tôma More
(1478-1535)
Thánh Tôma More sinh ở Luân Ðôn năm 1478. Sau khi thông thạo căn
bản tôn giáo và kinh điển, ngài theo học luật ở Oxford . Sau đó, ngài là một luật sư và lập
gia đình với bà Jane Colt có bốn người con. Ngài dành nhiều thời giờ cho việc
giáo dục con cái. Chính ngài là một người trí thức và là bạn của hàng thức giả
thời bấy giờ như Linacre, Fisher và Erasmus.
Tôma More thăng tiến mau chóng trong sự nghiệp. Ngài là một luật
sư nổi tiếng và được chọn vào Nghi Viện khi mới 22 tuổi. Từ đó, ngài tiếp tục
thăng quan tiến chức cho đến 47 tuổi, ngài được sự chú ý của vua Henry VIII và
được chọn làm Quan Chưởng Ấn kế vị Ðức Hồng Y Wolsey.
Vào năm 1532, giữa lúc tột đỉnh danh vọng và sự nghiệp, Tôma More
từ chức khi nhà vua nhất định duy trì lập trường của ông về vấn đề hôn nhân và
uy quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng. Vì vua Henry VIII muốn li dị bà
Catherine ở Aragon ,
là người không sinh được con trai để nối dõi và muốn đặt các con người vợ lẽ
làm thừa kế. Tôma More không đồng ý với hành động của nhà vua, và cũng không
công nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh, như nhà vua đã tự xưng
nhằm mục đích tách biệt khỏi Giáo Hội Rôma và khước từ quyền bính của đức giáo
hoàng.
Tôma More bị tống giam ở Ngục Luân Ðôn. Mười lăm tháng sau, ngài
được đưa ra tòa về tội phản quốc. Trước toà, ngài cho biết là không thể hành
động trái với lương tâm, và cầu chúc các quan toà rằng "tất cả chúng ta
sẽ gặp nhau ở đời sau trong hạnh phúc thiên đàng để được cứu chuộc đời đời."
Trên đoạn đầu đài, ngài tuyên bố với đám đông rằng ngài chết như "một tôi
trung của nhà vua -- nhưng trước hết là tôi trung của Thiên Chúa". Ngài bị
chém đầu ngày 6 tháng Sáu năm 1535.
Năm 1935, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng là "Vị
Tử Ðạo của Ðức Giáo Hoàng" và đặt làm quan thầy của các luật gia.
Lời Bàn
Là một quân sư và nhà ngoại giao hàng đầu, Tôma More không tương
nhượng các quy tắc đạo lý của chính ngài để chiều theo nhà vua, vì biết rằng sự
trung thành đích thực với quyền bính không có nghĩa mù quáng chấp nhận những gì
người cầm quyền mong muốn. Tôma More đã can đảm trung thành với lý tưởng ấy cho
đến giọt máu cuối cùng.
Lời Trích
"Mỗi ngày đều có các cơ hội xúc phạm đến Thiên Chúa, nên
tôi phải trang bị cho mình trong cuộc chiến đấu ấy bằng việc rước Mình Thánh
Chúa. Nếu tôi cần sự soi dẫn và khôn ngoan để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, tôi
phải đến với Ðấng Cứu Ðộ để tìm sự khuyên bảo và sáng suốt của Người."
-- Thánh Tôma More
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét