Thứ Bảy Ngày 15/06/2013
Tuần X Thường Niên – Năm C
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 5, 14-21
Đấng không hề biết tội
lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, lòng mến Đức Kitô thôi thúc
chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết cho mọi người, tức là mọi người đã
chết; và Đức Kitô đã chết cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống
cho mình, nhưng là cho Đấng đã chết và sống lại cho mình.
Bởi thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai
theo huyết nhục nữa, cho dầu có một thời chúng tôi đã biết Đức Kitô theo phương
diện huyết nhục, thì bây giờ chúng tôi không biết Người như vậy nữa. Ai ở trong
Đức Kitô, (kẻ ấy) là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi; này mọi sự đã
được đổi mới. Và mọi sự đều do Thiên Chúa, là Đấng giải hoà chúng ta với Người
nhờ Đức Kitô, và đã trao chức vụ giải hoà cho chúng tôi. Chính Thiên Chúa ở
trong Đức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, không còn quy trách tội lỗi cho
họ nữa, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. Vậy chúng tôi là sứ
giả thay mặt Đức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo vậy. Nhân
danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng không
hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Đức Kitô,
chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9.
11-12
Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
1)
Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng
thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân
huệ của Người. - Đáp.
2)
Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người
chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi, ân
sủng. - Đáp.
3)
Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.
Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. - Đáp.
4)
Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt
hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã
ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Đáp.
ALLELUIA: Lc 19, 38
Alleluia,
alleluia! - Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và
vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 33-37
"Thầy bảo các
con: đừng thề chi cả".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: 'Đừng bội thề, nhưng hãy giữ lời
ngươi đã thề với Chúa'. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Đừng thề chi cả, đừng lấy
trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân
của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng
chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được.
Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do
sự dữ mà ra". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Có thì nói có
Trong
một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự trung thực quả
là vàng. Phải chăng nhiều người Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng trong hoàn
cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá,
tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác
thì thôi!
Chúa
Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: "Có thì nói
có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra". Nền tảng
của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của
Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của
con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn
vật, không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng
phẩm giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình,
đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.
Ðón
nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức
hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không
là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện
hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người
Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một
xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.
Những
vần thơ sau đây của thi sĩ Phùng Quán quả thật đáng cho chúng ta suy nghĩ:
Yêu
ai cứ bảo rằng yêu
Ghét
ai cứ bảo rằng ghét.
Dù
ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng
không nói yêu thành ghét.
Dù
ai cầm dao dọa giết,
Cũng
không nói ghét thành yêu.
Chúa
Giêsu đã sống cho đến cùng những lời Ngài rao giảng. Dù cái chết cũng không
khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết của Ngài trên Thập giá cuối
cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật
của các Kitô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ môi miệng, mà còn là những lời
từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.
Nguyện
xin Chúa gìn giữ và ban cho chúng ta can đảm để làm chứng cho lời chân lý của
Ngài.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 10 TN1, Năm lẻ
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Yêu
thương thành thật
Chúng
ta đang sống trong một kỷ nguyên mà con người đang bị khủng hoảng trầm trọng
trong các mối liên hệ: con người không ngừng vi phạm những điều họ đã hứa với
Thiên Chúa và với tha nhân. Nhìn vào những nhà lãnh đạo của các quốc gia, trước
khi đắc cử, họ hứa hẹn với dân chúng rất nhiều; nhưng sau khi nhậm chức, chẳng
thực hành được bao nhiêu. Trong lãnh vực kinh tế và tài chánh cũng thế, sự
khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang xảy ra là vì quá nhiều chủ tịch các công ty
đã gian lận tiền của chính phủ và của dân chúng để làm của riêng mình. Trong
đời sống gia đình cũng chẳng khá hơn: bao nhiêu cặp vợ chồng ăn ở với nhau mà
chẳng cần làm hôn thú hay lễ cưới; dẫu có thề hứa trước Thiên Chúa cũng chẳng
giữ lời (hơn 50% đã chia tay). Trong đời sống linh mục và tu trì cũng thế, bao
nhiêu người đã giũ áo ra đi và không trung thành với những gì mình đã thề hứa!
Lời thề hứa hôm nay còn có giá trị hay không? Thiên Chúa còn có thể tin những
gì con người thề hứa?
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải mến Chúa yêu người cách
thành thật. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải thấu hiểu và
ở lại trong tình thương Thiên Chúa, trước khi họ có thể loan truyền tình thương
này và chinh phục con người về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy
các môn đệ không cần phải thề thốt; nhưng phải luôn biết tập luyện để nói,
sống, và làm chứng cho sự thật. Một cách đơn giản: hễ "có" thì phải
nói "có;" "không" thì phải nói "không." Thêm thắt
điều gì là do ác quỷ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới.
1.1/
Tình yêu Thiên Chúa phải biến đổi con người: Khi yêu nhau, con người yêu tất cả những gì
thuộc về người yêu của mình; ngay cả những gì trước đây mình ghét hay không
quan tâm tới, giờ cũng trở thành đáng yêu. Ca dao Việt-nam tuy có khuếch đại,
nhưng nói lên được điểm này trong bài tả những thói xấu của người phụ nữ:
"Đi chợ thì hay ăn quà; chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm ... Đêm ngủ
thì gáy ó o; chồng thương chồng bảo gáy cho vui nhà."
Một
cách tương tự, khi con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và của Đức
Kitô, con người sẽ nhìn tất cả theo lăng kính tình yêu này.
(1)
Đối với Thiên Chúa: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu: "Đức Kitô đã chết thay
cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống
cho Đấng đã chết và sống lại vì mình." Trong cuộc đời, ơn cứu tử là ơn
không bao giờ quên được; phương chi là ơn cứu tử từ một người phải chết thay để
con người được sống và sống đời đời. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm rõ điều này,
khi Ngài thốt lên: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô
sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên
Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gal 2:20).
(2)
Đối với tha nhân: Nếu nhìn tha nhân dưới lăng kính loài người, một người sẽ không
thấy nhu cầu cần phải hy sinh và yêu thương họ; nhưng nếu nhìn tha nhân dưới
lăng kính của tình yêu Thiên Chúa, người đó sẽ dễ dàng yêu thương và hy sinh
cho tha nhân; vì tất cả đều là anh/chị/em với nhau và đã được cứu chuộc bằng
Máu Cực Thánh của Đức Kitô. Khi một người phải hư đi, Thiên Chúa sẽ buồn; và vì
cùng cảm nhận nỗi buồn của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh để cứu linh
hồn đó về cho Thiên Chúa. Chính vì quan điểm này, mà thánh Phaolô đã thốt lên:
"Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người.
Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ
đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức
Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi."
1.2/
Sứ vụ hoà giải: Khi đã được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, người môn đệ được
sai đi để làm chứng cho tình yêu này. Trước tiên, họ phải dùng Tin Mừng để nói
cho mọi người biết về tình yêu Thiên Chúa. Thứ đến, họ phải biết cách diễn tả
tình yêu này bằng chính cuộc sống chứng nhân của mình bằng cách yêu thương và
giúp đỡ tha nhân. Tiến trình hòa giải luôn có hai chiều:
(1)
Con người hòa giải với Thiên Chúa: Nhờ Đức Kitô mà con người được hoà giải với
Thiên Chúa, và chính Đức Kitô đã trao cho môn đệ của Ngài sứ vụ hoà giải, như
thánh Phaolô nói: ''Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được
hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng
tôi công bố lời hoà giải.'' Bổn phận của các môn đệ là phải rao giảng và sống
làm sao để con người nhận ra: tình thương Thiên Chúa dành cho họ và tội lỗi họ
đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Hai điều này sẽ giúp con người tìm vào tòa cáo giải
để giao hòa với Thiên Chúa.
(2)
Con người hòa giải với tha nhân: Tôi con người phạm không chỉ xúc phạm đến
Thiên Chúa, mà còn xúc phạm đến tha nhân. Vì thế, con người cần giao hòa và tha
thứ với tha nhân sau khi đã được giao hòa và tha thứ với Thiên Chúa.
2/
Phúc Âm: Hễ "có" thì phải nói "có;" "không" thì
phải nói "không."
2.1/
Đừng thề thốt chi cả: Đây là những lời dạy lý tưởng trong chương 5 của Tin Mừng
Matthew để trở thành môn đệ của Chúa: Lề Luật chỉ là những điều kiện tối thiểu
để ngăn cản con người đừng phạm tội; nhưng trở thành môn đệ của Đức Kitô đòi
con người phải tiến xa hơn là việc đơn giản giữ các luật lệ. Trong trình thuật
hôm nay, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ về việc phải luôn trung tín trong lời nói
và việc làm: Để hiểu những lời này, chúng ta cần phân biệt ít nhất 3 lý do tại
sao con người dùng tên Chúa để thề:
1)
Có những người quen kêu tên Chúa, Đức Mẹ, và các thánh, cách vô cớ như "Giêsu Maria
Giuse." Họ kêu mà chẳng nghĩ gì đến các ngài cả. Đây là tội phạm đến điều
răn thứ hai, vì Danh Chúa là danh cực trọng. Người Do-thái không dám gọi đích
danh Thiên Chúa, mà chỉ dám lướt qua (Yahweh) hay gọi một chữ khác.
2)
Có những người quen lấy danh Chúa mà thề, mặc dù chẳng có gì quan trọng hay chẳng ai
bắt phải thề thốt chi cả.
(3)
Có những người thề nhưng lại tránh dùng đích danh Chúa, vì họ biết Lề Luật
buộc họ phải thi hành khi lấy danh Chúa thề; nên khi họ thề, họ chỉ trời, chỉ
đất, chỉ Đền Thờ, chỉ lên đầu như Chúa Giêsu liệt kê hôm nay, để khỏi phải giữ
lời thề. Họ quên đi Chúa ở khắp mọi nơi và thấu hiểu mọi ý nghĩ trong lòng họ;
chẳng thể nào họ có thể chỉ bất cứ gì để thề mà không phải giữ, vì mọi sự trong
trời đất này đều thuộc về Thiên Chúa.
2.2/
Sống theo sự thật: Chúa tiếp tục dạy các môn đệ: "Nhưng hễ "có" thì
phải nói "có;" "không" thì phải nói "không." Thêm
thắt điều gì là do ác quỷ." Người môn đệ của Đức Kitô phải luôn biết nói,
sống và làm chứng cho sự thật. Nếu một người luôn trung tín, những gì người ấy
nói ra đủ cho người khác tin tưởng mà không cần phải thề thốt chi cả; nhưng nếu
một người bất trung, bao nhiêu lời thề hứa của họ cũng chẳng có giá trị chi cả.
Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho các môn đệ biết tập luyện để có nhân đức trung
thành, hơn là những lời hứa hẹn ngoài miệng.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Tình yêu Thiên Chúa là điều chúng ta cần có trước tiên, trước khi có thể yêu
thương chân thành những người khác; nếu không có tình yêu này, chúng ta sẽ dễ
dàng phản bội nhau.
-
Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải tập luyện làm sao để luôn
biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Nếu chúng ta luôn làm như thế, thề
thốt là điều dư thừa.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Sáu :
Mt 5,27-32
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về tinh thần
mới trong khi giữ luật. Hôm nay Ngài bàn đến luật hôn nhân và khiết tịnh :
Điều quan trọng nằm ngay trong con tim chứ
không phải nơi những thể hiện bên ngoài. Do đó phải giữ trọn con tim mình cho
người mình đã cùng cam kết, và bất cứ sự gì có thể đẩy mình vi phạm cam kết đó
thì mình phải ngăn chận từ gốc rễ : một cái nhìn, một ước muốn v.v.
B.... nẩy mầm.
1. Phải thừa nhận rằng thứ văn minh thời
nay không được sạch. Khi đề cập quá nhiều đến giới tính, xem ra nó đề cao giới
tính, nhưng thực chất là hạ thấp giới tính vì nó khiến người ta không còn tôn
trọng giới tính nữa, coi đó là một thú vui, một nhu cầu mà mình có quyền thoả
mãn một cách dễ dàng… Sống trong bầu khí thiếu trong sách đó, không nhiều thì
ít tôi cũng bị lây nhiễm. Hôm nay tôi phải tự kiểm : tôi có tôn trọng giới tính
của tôi không ? Tôi có tôn trọng những người khác phái không ? Tôi có cương
quyết dứt khoát với những cám dỗ không ?
2. Ngoại tình nghĩa là không chung tình.
Bất cứ hình thức san sẻ nào, dù chỉ là một chút san sẻ, cũng là ngoại tình. Tôi
đã hứa dành tình yêu của tôi cho ai ? Tôi có san sẻ cho ai khác không ? San sẻ
như thế nào ?
3. Muốn chung tình thì phải từ bỏ.
"Tôi vứt bỏ mọi cám dỗ ma quái trong
đời cùng với nét phù du của chúng. Tôi sẽ vút lên khỏi đỉnh núi cao. Tôi tự do
! Tôi tự do !" (Xác quyết)
4. Đức Hồng y Roncalli (sau là Giáo hoàng
Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy
cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu bằng cách suốt bữa tiệc làm như không biết bà.
Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói :
- Tôi không biết phải cám ơn Ngài thế nào.
Nhờ đâu tôi được Ngài ưu ái như thế ?
Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói :
- Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra
là mình thiếu quần áo. (Góp nhặt)
15/05/13 THỨ
BẢY TUẦN 10 TN
Mt 5,33-37
Mt 5,33-37
ĐỂ CHÂN LÝ HƯỚNG DẪN BẠN
“Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’,
‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)
Suy niệm: Trong những công việc tối quan
trọng, để bảo đảm được tính chân thật của công việc đó, người xưa đã dùng đến
lời thề. Thề là dựa vào thế giá của một thẩm quyền linh thiêng cao cả để khẳng
định tính chân thật của một sự kiện mà họ muốn chứng minh. Để sống trong chân
lý, con người phải để cho mình được chân lý hướng dẫn trong mọi hoàn cảnh. Chúa
Giêsu đưa ra một phương pháp đơn sơ để sống trong chân lý: ‘Có’ thì phải nói
‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’, thêm thắt điều gì là do ác quỷ. Ai sống
theo chân lý thì chẳng cần phải có lời thề nào cả.
Mời Bạn: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô trong
một lần nói chuyện tại Assisi
đã nói: “Không ai sở hữu chân lý, nhưng chính chúng ta thuộc về chân lý”. Để
thuộc về chân lý, ở lại trong chân lý, chúng ta phải để cho chính mình luôn
luôn được chân lý chất vấn và hướng dẫn chúng ta. Thái độ chân thành đó thật
cần thiết để làm cho chân lý được tỏa sáng và nhờ đó thế giới được được soi
sáng để đạt tới ơn cứu độ.
Sống Lời Chúa: Chúa Giêsu đã dùng câu hỏi ‘có’
hay ‘không’ để hỏi Phêrô trước khi trao cho ông sứ vụ chăn dắt đoàn chiên: “Con ‘có’ yêu mến thầy ‘không’? Khi nào bạn ngập ngừng không biết quyết định thế nào cho đúng
với sự thật, bạn hãy bắt đầu với câu hỏi ‘có’ hay ‘không’ căn bản này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang
sống trong một xã hội mà ở đó đúng sai, thật giả không còn được phân biệt rạch
ròi. Xin cho chúng con được sự thật là chính Chúa, luôn luôn hướng dẫn chúng
con trong mọi tình huống của đời sống. Amen.
Có
thì nói có
Thề, hứa, khấn, tuyên thệ trọn đời, đều là những việc vượt
sức con người. Trung tín với điều mình đoan nguyện là bắt đầu đi vào vĩnh cửu.
Suy niệm:
Việc thề vẫn có trong các nền văn hóa nhân
loại.
Người ta thề để người khác tin lời của mình
hơn,
vì nếu không giữ lời thề sẽ bị các thần minh
nguyền rủa.
Người Do thái từ xa xưa cũng đã có thói quen
thề.
Thề là nại đến Thiên Chúa để làm chứng cho điều
mình nói.
Hêrôđê Antipas đã thề hứa với cô bé con bà
Hêrôđia (Mt 14, 7).
Lời thề của một người lãnh đạo như ông đã khiến
ông bị kẹt.
Phêrô đã chối Thầy kèm theo những lời thề thốt
(Mt 26, 72. 74),
vì ông sợ người ta không tin lời ông nói.
Đức Giêsu biết chuyện Luật Môsê cấm bội thề,
và phải giữ trọn điều đã hứa với Đức Chúa (c.
33).
Nhưng quan điểm của Ngài trong Bài Giảng trên
núi là không thề gì cả.
Không cần thề để xin Đức Chúa làm chứng cho lời
ta nói,
vì mọi lời ta nói, Ngài đều biết và làm chứng.
Vì những sơ xuất trong việc giữ lời thề
có thể làm Thánh Danh Đức Chúa bị xúc phạm, nên
khi thề,
người Do thái thường thay Danh Chúa bằng một
vật gì đó (Mt 23, 16-22).
Tương tự như ở Việt Nam , họ dùng trời hay đất để thề.
Họ cũng thề nhân danh Đền thờ Giêrusalem hay
chính đầu của mình
Đối với Đức Giêsu, điều đó cũng chẳng làm nhẹ
tội chút nào,
vì trời, đất, Đền Thờ, hay đầu của chúng ta
cũng đều thuộc về Chúa.
Trời quan trọng vì là ngai của Thiên Chúa.
Đất quan trọng vì là bệ dưới chân Người.
Đền thờ quan trọng vì là thành của Đức Vua cao
cả.
Đầu cũng chẳng thuộc quyền con người,
vì màu trắng hay đen của sợi tóc nằm ngoài tầm
chi phối của họ (cc. 34-36).
Khi kêu gọi chúng ta đừng thề chi cả,
Đức Giêsu muốn lời nói của ta tự nó phải mang
sức mạnh của sự thật,
tự nó chắc chắn, đáng được mọi người tin cậy.
Thánh Giacôbê đã nhắc lại giáo huấn của Đức
Giêsu khi viết:
“Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói
không,
như thế anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5, 12).
Mọi thêm thắt đều do ác thần (c. 37).
Giáo hội sơ khai đã giữ lệnh truyền này một
cách nghiêm túc.
Nhưng từ đầu thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng
các hình thức tuyên thệ.
Giáo sư trong các chủng viện vào đầu năm học,
phải tuyên thệ
trung thành giảng dạy giáo lý chính thống của Giáo
hội.
Các lời khấn của tu sĩ cũng là những lời thề
hứa sống như Giêsu.
Dù sao chúng ta cũng là những con người mong
manh, hay thay đổi.
Thề, hứa, khấn, tuyên thệ trọn đời, đều là
những việc vượt sức con người.
Trung tín với điều mình đoan nguyện là bắt đầu
đi vào vĩnh cửu.
Chỉ xin sự trung tín của Thiên Chúa nâng đỡ sự
trung tín của chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền
uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng
ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy
niệm Mt, 5,33- 37
Thiên Chúa là Sự Thật, Thiên
Chúa muốn con sống trong sự thật. Thế nhưng, ngày nay trong một thế giới thực
dụng và hưởng thụ, sống thật là một thách đố cho người Kitô hữu. Giữa vòng xoáy
của cuộc đời với những nhu cầu kinh tế và vật chất, dường như người sống thật
lại là người gặp nhiều bất lợi, nhiều thiệt hại... như người ta nói với nhau: “Thật
thà thẳng thắn thường thua thiệt, lắt léo lươn lẹo lại lên lương”..
Lời Chúa hôm nay như là một
lời cảnh báo. Người môn đệ của Chúa phải sống trong sự thật, sống gian dối là
theo “ác quỷ”.
Trong thinh lặng, chúng ta
nhìn lại những việc làm và lời nói trong cuộc sống của mình mỗi ngày. Chúng ta
đang sống trong sự thật hay sống gian dối. Chúng ta đang thuộc Thiên Chúa hay
thuộc vê ác quỷ..
Lạy Chúa, xin cho con can
đảm dấn thân trong cuộc sống mỗi ngày với bổn phận của người con Chúa. Nhất là
sống chứng nhân bằng một đời sống trung thực trong lời nói và việc làm. Xin cho
con luôn tôn trọng và bảo vệ sự thật, luôn trung thành với những điều con đã
hứa với Chúa và với nhau. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu
15 THÁNG SÁU
Thiên Chúa Cai Quản Mọi Sự Một Cách Tốt Đẹp
“Tôi tin kính một Thiên Chúa
là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất”. Lời tuyên tín đầu tiên này của Kinh
Tin Kính sẽ không bao giờ ngừng tuôn đổ sự phong phú phi thường của nó cho
chúng ta. Thiên Chúa là Cha và là Đấng tạo thành “mọi sự hữu hình và vô hình”.
Ngài cai quản muôn loài bằng sự quan phòng thần linh của Ngài.
Với những suy tư về công cuộc
sáng tạo, đã đến lúc chúng ta bắt đầu một loạt các giáo huấn về chủ đề sự quan
phòng của Thiên Chúa. Sự quan phòng này nằm trong chính cốt lõi đức tin Kitô
giáo và trong đáy lòng của mọi người được mời gọi đến với đức tin. Thiên Chúa
là Cha khôn ngoan và toàn năng của chúng ta. Ngài hiện diện và hành động trong
thế giới. Xuyên qua sự quan phòng thần linh của Ngài, Thiên Chúa lo liệu sao
cho mọi tạo vật có thể sống trọn vẹn trong sự hiện diện của Ngài. Một cách đặc
biệt, Ngài lo liệu cho chúng ta và các nhu cầu của chúng ta, bởi vì chúng ta
được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Thiên Chúa – là Cha chúng
ta – mong muốn rằng hành trình của chúng ta được hướng dẫn bởi chân lý tình yêu
của Ngài, trong khi chúng ta tiến về mục tiêu là sự sống vĩnh cửu trong Ngài.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 15-6
2Cr 5, 14-21;
Mt 5, 33-37
LỜI SUY NIỆM: “Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói
‘có’, ‘không’ thì nói ‘không’. Thêm bớt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37)
Trong cuộc sống của chúng ta có những lúc muốn bào chữa cho
chính mình, hay khẳng định điều gì đó; để gây tin tưởng nơi người anh em. Nên
đã tự đòi hỏi chúng ta cần phải nhân danh một đấng nào đó, hoặc một biến cố nào
đó để mà thề. Điều này Chúa Giêsu cấm. Cấm chúng ta không được nhân danh bất cứ
ai, bất cứ sự gì trong trời đất này mà thề. Là người Ki-Tô hữu chúng ta phải
hoàn toàn trông cậy nơi Thiên Chúa, nếu những sự thật của chúng ta làm hay đã
nói ra, mặc dù tha nhân không hiểu không tin là sự thật thì có Thiên Chúa biết
cho mình, bởi tất cả mọi sự thật theo thời gian sẽ được phơi bày trước thiên
hạ, Nên Chúng ta phải tuân phục lời Chúa Giêsu dạy mà sống.
Mạnh Phương
15 Tháng Sáu
Thiên Chúa Không Thất Vọng Về Con Người
Văn hào Nga
Dostoievski, với những tác phẩm nổi tiếng như Tội ác và Hình phạt, anh em nhà
Karamazov, là người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian
dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng, như một phép
lạ, vào giữa lúc sắp sửa bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh tha. Người viết
tiểu sử của ông kể lại như sau:
Thời gian trong
tù đã in đậm nét trên quãng đời còn lại của ông. Từ trên chiếc máy chém nhìn
xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị
áp bức, những người nô lệ đáng thương. Dù họ có phạm tội ác tày trời đi nữa,
tâm hồn họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội, do đó đáng được sự tha
thứ.
Khi bước xuống
khỏi máy chém, Karamazov thấy mọi sự như vô nghĩa. Ðiều duy nhất còn có ý nghĩa
đối với ông chính là tình yêu, và cho dù trong suốt 30 năm sau, cuộc đời của
ông đắm chìm trong bùn nhơ của tội lỗi, của khốn khổ, của ô nhục, ông luôn nhìn
mọi sự qua lăng kính của yêu thương. Một lần bị đưa lên máy chém ấy cho ông
hiểu rằng con người đau khổ, tất cả mọi người đều đáng cảm thông, thương mến.
Ðó là sứ điệp mà Karamazov công bố suốt cuộc đời của ông.
Cả cuộc đời của
ông là một cố gắng không ngừng để diễn đạt câu nói: "Hỡi người anh em,
không có gì có thể ngăn cản tôi yêu thương bạn".
Nếu có những
lúc chúng ta cảm thấy thất vọng về con người đốn mạt của chúng ta, nếu có những
lúc chúng ta không còn tin tưởng ở tình người nữa, chúng ta hãy nhìn lên Chúa
Giêsu. Chúng ta thấy ngay ánh mắt nhân từ, cảm thông của Ngài.
Khi Zakêu, thủ
lãnh của phường thu thuế, leo lên cây cao để thấy Ngài, Chúa Giêsu đã ôn tồn
nói với ông: "Hôm nay, tôi đến thăm nhà ông".
Khi người đàn
bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình được dẫn ra trước mặt Ngài, Chúa Giêsu
nhỏ nhẹ nói với bà: "Chị hãy về đi, tôi không kết án chị".
Khi Maria
Madalêna đến quỳ dưới chân Ngài, Chúa Giêsu đã không hắt hủi cô.
Khi Phêrô phản
bội Ngài, Chúa Giêsu nhìn ông với tất cả trìu mến, thông cảm.
Khi tên trộm
cừu bị treo trên thập giá hướng về Ngài, Chúa Giêsu đã hứa với anh: "Hôm
nay, anh sẽ ở cùng Ta trên Thiên Ðàng".
Ngài đã ngồi
cùng bàn với phường thu thuế, bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi. Ngài tha thứ những kẻ
đóng đinh Ngài vào thập giá.
Qua cách cư xử
của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Ngài yêu thương con
người, bởi vì Ngài không thể chối bỏ hình ảnh của Ngài nơi con người. Chính ánh
lửa ấy khiến cho Thiên Chúa vẫn luôn nhận ra được hình ảnh của mình nơi con
người, để không bao giờ thất vọng về con người.
(Lẽ Sống)
Thứ Bẩy 15-6
Thánh Germaine Cousin
(1579-1601)
Thánh Germaine là một thiếu nữ quê mùa ở làng Pibrac, gần Toulouse . Vì mẹ mất sớm
nên ngài phải lớn lên trong hoàn cảnh đau khổ vì bị người cha ghét bỏ và người
mẹ ghẻ thật tàn nhẫn. Vì không muốn Germaine chung đụng với con riêng của mình,
bà mẹ ghẻ bắt Germaine phải ngủ trong chuồng súc vật hoặc dưới gầm cầu thang, lúc
nào cũng phải làm việc trong khi ăn uống rất kham khổ. Ngay khi chín tuổi,
Germaine đã phải đi chăn cừu.
Bất kể những lao nhọc và bất công trong đời sống, Germaine vui
lòng chấp nhận mọi sỉ nhục. Cô thích đi chăn cừu, vì đó là cơ hội để cầu nguyện
và truyện trò với Thiên Chúa.
Germaine rất đạo đức và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Mỗi sáng nghe
chuông đổ, dù đang chăn cừu, cô vội vã cắm cây gậy xuống đất và chạy đến nhà
thờ, phó thác đàn cừu cho sự chăm sóc của các thiên thần. Chưa bao giờ đàn cừu
bị nguy hại vì sói rừng khi vắng mặt cô, dù ở cạnh khu rừng. Người ta kể rằng,
có lần cô đã đi trên mặt nước, chạy băng qua sông để kịp dự lễ.
Germaine quá nghèo để có thể chia sẻ vật chất cho người khác.
Nhưng tình yêu tha nhân của cô luôn luôn được thể hiện qua sự giúp đỡ bất cứ ai
cần đến cô, và nhất là các trẻ em trong làng, là những người được cô dạy họ
biết kính sợ Thiên Chúa.
Vào lúc ấy, sự thánh thiện của Germaine bắt đầu được dân làng chú
ý. Nhưng điều này cũng không giúp thay đổi gì tình trạng của cô trong gia đình.
Thật vậy, cô bị trừng phạt vì đã chia sẻ thức ăn cho người ăn xin. Có lần vào
mùa đông, bà mẹ ghẻ nghi ngờ cô giấu miếng bánh trong vạt áo, nhưng khi mở ra
bà chỉ thấy những bông hoa thật đẹp của mùa hè rơi xuống. Gia đình bắt đầu nhận
ra sự thánh thiện của cô và mời cô vào sống ở trong nhà, nhưng Germaine xin
được tiếp tục cuộc sống như trước.
Năm cô 22 tuổi, người ta tìm thấy cô nằm chết trên đống rơm dưới
gầm cầu thang. Thi hài của cô được chôn trong nhà thờ ở Pibrac. Bốn mươi ba năm
sau, khi tân trang nhà thờ, các người thợ vô tình khai quật mộ của cô và người
ta tìm thấy xác của cô vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi được trưng bầy cho mọi người
kính viếng trong một năm trời, thi hài của cô được chôn cất trong gian cung
thánh. Nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của cô. Tiến trình phong thánh
cho cô được khởi sự từ năm 1700, nhưng vì cuộc Cách Mạng Pháp, tiến trình này
đã bị đình trệ, mãi cho đến năm 1849, cô được Ðức Giáo Hoàng Piô IX phong thánh
và đặt làm quan thầy của các thiếu nữ ở thôn quê.
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét