Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin ơn thánh hóa
linh mục
Linh mục, người cha và người mẹ của các tín hữu
Hai trong những lời cuối cùng của Chúa chịu đóng đinh được ngỏ cho Mẹ
Người và cho môn đệ được thương mến: “Thưa Bà, đây là con của Bà” và “Đây là mẹ của anh”. Và thánh sử ghi nhận: “Kể từ giờ đó,
người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga
19, 26-27). Nhà thần học Ratzinger cho thấy Tin mừng Gioan trình bày những lời
của Đức Giêsu theo một cách thức đặc biệt, khuyến khích chúng ta đào sâu ý
nghĩa của nó hơn nữa, như thánh Augustinô từng nói: “Mọi lời của Ngôi Lời đầy
mầu nhiệm”. Ở đây người môn đệ biểu thị tất cả các tín hữu, nhưng cũng biểu thị
các tông đồ, và tất cả những người giữ những chức vụ trong Giáo hội sau này. Và
nếu dịch sát chữ thì Gioan không nói rằng môn đệ ấy nhận bà vào trong nhà mình,
nhưng vào trong chính mình: eis
ta idia. Nói cách khác, Thánh sử muốn nói: vào trong chính đời sống cá nhân
của mình, vào trong những công việc và cố gắng, vào trong cõi lòng mình. Theo
Ratzinger, những lời này khích lệ tất cả các giám mục và linh mục đưa Mẹ Thiên
Chúa, Nữ trinh Maria vào trong đời sống và hoạt động của mình.
Những kết quả của việc Đức Maria hiện diện trong đời sống Gioan rõ ràng
được phản ánh trong Tin mừng của ông. Gioan diễn tả những mầu nhiệm của Đức
Giêsu – đời sống bên trong của Người, mối liên hệ của Người với Cha, và tình
yêu Người dành cho chúng ta – tuyệt hơn bất kỳ Tin mừng nào. Đây là một lời mời
cho tất cả các Kitô hữu, nhưng cách riêng cho giám mục và linh mục, để nhận mẹ
Thiên Chúa vào trong đời sống và tác vụ của chính mình. Chúng ta phải là những
người cha đối với dân như Phaolô: “Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám
thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô
Giêsu, nhờ Tin mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1 Cr 4, 15). Nhưng chúng ta
cũng là những người mẹ, nếu chúng ta thông phần vào trái tim của Mẹ Thiên Chúa
và của Giáo hội. Chúng ta phải biết rằng thánh Phaolô, luôn đầy tình cha, nhưng
ngài cũng hiểu mình là người mẹ của các tín hữu: “Hỡi anh em, những người con
bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô
được thành hình nơi anh em” (Gl 4, 19). Nếu chúng ta mời Đức Maria vào lòng
chúng ta, Mẹ sẽ mang chúng ta đến gần Con Ngài hơn; Mẹ sẽ dẫn chúng ta vào
trong lòng của Ngài; và như vậy, chúng ta sẽ biết lúc nào dùng đến tâm hồn hiền
hậu với những người được trao phó cho chúng ta coi sóc. Nhưng chúng ta cũng
biết khi nào – bắt chước Phaolô – dùng uy quyền, exousia của Đức Kitô, mà đối với Phaolô bao
gồm việc khiển trách và tuyệt thông khỏi Giáo hội.
Kinh nguyện của linh mục
Như đời sống của các vị giáo hoàng – từ Chân phước Piô IX đến Bênêđictô
XVI – cho thấy, cầu nguyện là phương thế đệ nhất và hiệu quả nhất trong sự phục
vụ của linh mục. Mặc dù gánh nặng công việc bề bộn, những giáo hoàng này trung
thành cầu nguyện thần vụ và lần hạt; các ngài cũng tìm nhiều giờ để cầu nguyện
cá nhân. Nếu các ngài có thể tìm giờ cho cầu nguyện và học hỏi cá nhân, làm thế
nào chúng ta có thể đáng tin khi nói: “Xin lỗi, tôi yêu thích cầu nguyện, nhưng
tôi không có giờ cầu nguyện”? Nếu một đời sống linh mục chẳng còn cầu nguyện cá
nhân - trong hình thức nguyện ngắm, sách thiêng liêng, và thờ lạy Thánh Thể -,
thì việc cử hành thánh lễ, các bí tích, và đọc thần vụ chỉ còn là những bổn phận
theo một thói quen không sức sống, thường dẫn đến một khủng hoảng thực sự trong
ơn gọi chúng ta. Linh mục bắt đầu chạy khỏi chính mình, chìm ngập trong hoạt
động sôi nổi. Trong nhiều trường hợp, hoạt động này có thể là công việc mục vụ
hữu ích, nhưng rốt cục linh mục sẽ bị kiệt lực, hay có thể rơi vào nghiện ngập,
hay một hình thức nào đó của sự vô luân tính dục.
Trong các thư của mình, Phaolô nói cho các tín hữu rằng ngài liên lỉ cầu
nguyện cho họ, luôn đến trước mặt Chúa, bị chất chồng bởi “nỗi ray rứt hằng
ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!” (2 Cr 11, 28). Linh mục chúng ta phải
ra trước nhan Thiên Chúa, mang theo chúng ta tất cả những người được trao cho
chúng ta coi sóc. Chúng ta hãy dâng tất cả những kinh nguyện, hoạt động và đau
khổ cho dân. Ngay cả khi chúng ta nói với Thiên Chúa về những vấn đề hay những
ước ao thầm kín nhất của chúng ta, thì phía sau tâm tư chúng ta cũng phải có
mặt các tín hữu. Tôi chỉ có thể là “người sống vì người khác” theo mức độ tôi
là “người của Thiên Chúa”.
Khi chủng sinh chuẩn bị cho chức linh mục, họ sẽ chịu nhiều cám dỗ,
nhiều cuộc đấu tranh để được chấp nhận; những cuộc đấu tranh với vâng phục, để
học thói quen sống trong sạch và khiêm nhường. Vào những lúc như thế, họ hãy ý
thức rằng họ chiến đấu và chịu khổ, không chỉ vì chính mình, nhưng còn vì tất
cả những người được trao phó cho họ chăm sóc mục vụ. Nếu họ vượt thắng các cám
dỗ, họ có thể làm chứng cách khả tín rằng ơn Thiên Chúa thì mạnh mẽ trong sự
yếu đuối của chúng ta. Nếu họ thua, họ sẽ mất đi sự khả tín. Chúng ta có thể
khuyến khích được giới trẻ xây dựng một tính cách Kitô hữu vững mạnh nếu, trước
khi lắng nghe những lời của chúng ta, họ thấy tính cách ấy trong đời sống chúng
ta. Chúng ta phải có thể nói cho các thanh thiếu niên rằng quyền năng của Đức
Kitô thì mạnh mẽ hơn những con thú hoang của đam mê đang lồng lên trong lòng
họ. Các bạn trẻ có thể xiềng xích những con thú đó, và sau này, thậm chí thuần
thục chúng, tới độ họ có thể dùng những năng lực được thăng hoa vào những mục
đích của Thiên Chúa.
Thành công và thất bại trong đời sống linh mục
Những gương lành của Đức Kitô, và của các thánh, có thể dạy chúng ta
cách hiệu quả về sự thành công và thất bại trong đời sống linh mục chúng ta.
Đức Giêsu được sai vào cuộc sống trần gian chỉ dành cho Israel , nhưng Người đã không hoán cải được chính dân Người. Đúng hơn, Người
khuấy động lên sự giận dữ của giới cai trị. Họ đã giết Người cách ô nhục nhất –
một hình phạt dành cho nô lệ. Thậm chí sau phục sinh và được đổ Thần khí, các
tông đồ đã không mấy thành công trong sứ mệnh của họ đối với phần lớn của Israel .
Khi Phêrô và Phaolô bị hành quyết ở Roma, dường như rất có thể rằng Kitô giáo
sẽ bị Hoàng đế Nêrô bứng rễ, và bị các lạc giáo đang lan rộng làm hư thối. Tuy
nhiên, trong hai thế kỷ, Kitô giáo trở thành một lực lượng thống trị trong đế
quốc Rôma. Giáo hội luôn thắng bằng cách thua; giống như Đức Giêsu đi vào trong
vinh quang qua sự thất bại của thập giá. Ngay cả Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
khỏe mạnh và cường tráng cũng đã kết thúc như một người bệnh tật vô dụng. Hãy
nghĩ đến hình ảnh cuối cùng của ngài được đã được phổ biến rộng rãi: hình ảnh
Đức Gioan Phaolô II đứng ở cửa sổ căn phòng giáo
hoàng vào Chúa Nhật Phục sinh
2005, không thể thốt ra một lời ban phép lành. Tuy nhiên, trong khi đau yếu,
Đức Gioan Phaolô lại hiệu quả hơn cả khi khỏe mạnh. Quyền năng của Thiên Chúa
được tỏ lộ khi kẻ yếu được làm nên mạnh mẽ; khi kẻ chết được phục sinh. Thế
thì, tại sao chúng ta phải kỳ vọng một kết quả khác cho chính mình? Có lẽ chúng
ta là những gương sáng về khiêm nhường và bác ái khi chúng ta ốm đau và yếu
đuối, tốt hơn ngay cả khi chúng ta giảng những bài giảng hay nhất.
Công việc của chúng ta là từng bước thực thi kế hoạch của Thiên Chúa
trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải cố gắng hết sức để trở nên tôi tớ trung
thành nhất của Đức Kitô. Nhưng chúng ta đừng bao giờ cố gắng đo lường sự thành
công của tác vụ chúng ta. Chúng ta phải đặt kết quả trong tay Thiên Chúa.
Roch Kereszty, O. Cist.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, S.D.B. chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét