Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

30-06-2013 : (phần 2) CHÚA NHẬT XIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

Chúa Nhật Ngày 30/06/2013
Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên – Năm C
(Phần II)

CHÚA GIÊSU LÀ ĐỨC KITÔ, LÀ NGÔI LỜI, LÀ CON CỦA CON NGƯỜI VÀ CỦA THIÊN CHÚA (CHÚA NHẬT XIII/C)
LỜI CHÚA: Luca 9,51-62

Vì gần tới thời gian Đức Chúa GIÊSU phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người. Thấy vậy, hai môn đệ Gioan và Giacôbê thưa Người rằng: ”Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu hủy chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: ”Các con không biết thần trí nào xúi dục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các ngài đi tới một làng khác. Đang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: ”Dù Thầy đi đâu con cũng sẽ theo Thầy”. Đức Chúa GIÊSU bảo người ấy rằng: ”Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu”. Người bảo một kẻ khác rằng: ”Hãy theo Thầy”. Người ấy thưa: ”Xin cho phép con đi chôn cha con trước đã”. Nhưng Người đáp: ”Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Phần con, hãy đi rao giảng Nước THIÊN CHÚA”. Một người khác thưa Người rằng: ”Lạy Thầy, con sẽ theo Thầy, nhưng cho phép con về từ giã gia đình trước đã”. Nhưng Đức Chúa GIÊSU đáp: ”Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước THIÊN CHÚA”.

SUY NIỆM

Con Người đến không phải để giết chết, nhưng để cứu chữa người ta.

Phản ứng của hai môn đệ Gioan và Giacôbê là phản ứng thường tình của những kẻ nóng nảy, thiếu độ lượng khoan dung. Đó cũng là phản ứng của con người đối với con người. Nhưng phản ứng của Đức Chúa GIÊSU thì hoàn toàn trái ngược và trổi vượt trên tất cả. Ngài vừa là THIÊN CHÚA vừa là Đấng Cứu Độ toàn thể nhân loại. Do đó, trước thái độ vô ơn bội bạc của con người, Đức Chúa GIÊSU đáp lời: Con Người đến không phải để giết chết, nhưng để cứu chữa người ta.

Vâng đúng thế. Đấng Cứu Thế đến trần gian chính là để cứu thoát. ”Ngài là Ngôi Lời, là Sự Sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, Ánh Sáng đến thế gian và chiếu soi cho mọi người”, (Gioan 1,4+9).

Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Ánh Sáng thế gian, là Ngôi Lời của THIÊN CHÚA CHA. Ngài mang Hòa Bình của CHÚA CHA đến cho loài người, với vòng tay rộng mở mời gọi con người trở về cùng Đấng Toàn Năng.

Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Đấng khơi lên sự sống đang bị tàn lụi trong tâm hồn con người. Ngài dạy dỗ con người phải cấp thiết sinh ra trong tinh thần. Nơi Con Người Đức Chúa GIÊSU KITÔ bao gồm trọn Ánh Sáng, Khôn Ngoan, Tình Yêu Ba Ngôi THIÊN CHÚA và Ngài mang tất cả của báu ấy đến cho loài người. Với hy lễ cứu chuộc, Đức Chúa GIÊSU KITÔ nối lại vòng dây bị cắt đứt và đưa con người trở lại với THIÊN CHÚA CHA và với Thánh Thần Chân Lý.

Khi bị treo trên Thánh Giá, Đức Chúa GIÊSU KITÔ cũng kéo tinh thần con người ra khỏi bùn nhơ và ban cho nó một sức mạnh để có thể chiến thắng sự dữ và quy hướng về với Ánh Sáng THIÊN CHÚA, về với Đức Chúa GIÊSU KITÔ đang chờ đón con người trên Thiên Quốc.

Thế nhưng, thế gian đã không tiếp nhận Ánh Sáng mà lại chọn lựa bóng tối. Với cái chết hổ nhục trên thánh giá, Đức Chúa GIÊSU KITÔ đã xin được THIÊN CHÚA CHA gởi Thánh Thần Chúa xuống cho con người. Nhưng trải dài hơn 20 thế kỷ qua, con người ngày càng chối bỏ Đấng đã cứu chuộc mình là Đức Chúa GIÊSU KITÔ cũng như đã đẩy lui Đấng đã dựng nên mình là THIÊN CHÚA CHA.

Nhân loại đang ở trong thời kỳ chiến đấu kịch liệt giữa sự dữ và sự lành, giữa thiện và ác, giữa THIÊN CHÚA và Satan, tức Luxiphe. Con người được hoàn toàn chọn lựa: hoặc thuộc về THIÊN CHÚA hoặc đi theo Satan. Đây là cuộc chiến khủng khiếp, là thời kỳ mà sách Khải Huyền của thánh Gioan tông đồ nói đến .. Tuy nhiên, tín hữu Công Giáo không hoảng sợ. Trái lại, mỗi người chiến đấu với trọn lòng tin tưởng và hy vọng. Hy vọng nơi chiến thắng sau cùng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ và nơi sự trợ giúp của Đức Chúa Thánh Thần.

Giáo Hội Công Giáo đang cử hành Năm Đức Tin. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đề xướng Năm Đức Tin với mục đích khơi động lại sức sống tâm linh cho con người thời đại ngày nay đang lung lay và bị lạc hướng. Có quá nhiều quyến dũ làm mê hoặc lòng người. Có không biết bao nhiêu khuynh hướng sai trái và các ý thức hệ gian tà. Vậy tín hữu Công Giáo phải làm sao để chiến thắng sự dữ và phải làm thế nào để có thể lội ngược dòng? Thưa hãy khiêm tốn khẩn cầu sự trợ giúp của THIÊN CHÚA. Hãy tha thiết van xin cùng Đức Chúa GIÊSU. Ngài là Đấng KITÔ, là Ngôi Lời, là Người Con của con người và của THIÊN CHÚA. Đó là Chân Lý tối cao, là các danh xưng đúng đắn và tuyệt hảo nhất của Đấng Cứu Thế. Khi nào một người nơi trần gian này có thể đạt đến một Đức Tin tinh ròng để tin nhận và để yêu mến thì đúng thật người ấy là kẻ có phúc vì đã được Trời Cao mặc khải cho rằng: ”Đức Chúa GIÊSU là Đấng KITÔ, là Ngôi Lời, là Con của con người và của THIÊN CHÚA”.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XIII Quanh Năm, 30.6 2030 
CHÚA NHẬT XIII QUANH NĂM, NĂM C
Sách Các Vua quyển I 19.16b.19-21; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata 5.1.13-18
và Phúc Âm Thánh Luca 9. 51-62

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Chúa Giêsu nhất quyết lên Giêrusalem, nhất quyết thực hiện chương trình cứu độ qua đau khổ, qua xỉ nhục và chịu chết trên thánh giá.

Theo Chúa có nghĩa theo đường Chúa đi: không có chỗ gối đầu, dứt bỏ những bổn phận và những ràng buộc chính đáng với gia đình. Theo Chúa là vững tin tiến bước, không nuối tiếc, không quyến luyến với những gì đã bỏ lại phía sau.
II.        Vấn nạn P.Â.    
Dân làng Samaria không đón tiếp người vì Người đang đi về hướng Giêrusalem.
SAMARIA, hay Shomron trong tiếng Do Thái đã là thủ đô của Do Thái thời vua Omri vào khoảng năm 884 trước Chúa Giáng Sinh. Đây là phần đất trước đó mang tên Shemer mà Omri đã mua lại với giá hai nén bạc như được ghi lại trong Sách Các Vua quyển I chương 16, 23-24.
Dưới thời vua Hôsêa được ghi trong sách các Vua quyển II, năm 721 trước Công nguyên quân đội Assyria dưới thời hoàng đế Shalmaneser V đã đánh chiếm Israel và bắt dân cư miền Samaria đi lưu đầy Babylon. Dân cũ bị đi lưu đày.  Dân mới từ những vùng phụ cận được mang vào định cư trên đất Samaria. Họ cũng được gọi là người Samaria hay Cuthim. Kể từ đó, Người Do Thái coi Samaria như phần đất của Dân ngoại. Những hiềm khích vì tôn giáo thường xảy ra giữa người dân Samaria và người Do Thái định cư ở Miền Bắc Galilê và Miền Nam Giuđêa.
Trong Tân Ước, có nhiều tường thuật liên quan đến Samaria:

Phúc Âm Thánh Luca 17, 11-20 tường thuật phép lạ chữa lành 10 người phong cùi xảy ra ở biên giới Samaria và Galilê.

Phúc Âm Thánh Luca 9, 51-62 tường thuật việc Dân Thành Samaria không tiếp đón Chúa đến nỗi Giacôbê và Gioan, hai người con của sấm sét muốn xin lửa từ trời xuống tiêu diệt họ.

Trong Phúc Âm Thánh Gioan 4, 4-42 tường thuật việc Chúa gặp người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp làng Sychar trên đường từ Giêrusalem về Galilê. Ngài đã mạc khải cho bà ta biết Ngài là Đấng Messia.
Trong sách Tông Đồ Công Vụ 8. 5-11 tông đồ Philipphê đã đến giảng đạo ở những thành phố của Samaria.

            Bên cạnh là Bản đồ giao thông đường bộ của Do Thái thời Chúa Giêsu cho chúng ta khái niệm về địa dư Do Thái thời Chúa Giêsu. Phần đất nhỏ bé nầy được chia thành ba miền: Miền Bắc tên Galilêa, Miền Trung tên Samaria và Miền nam tên Giuđêa. Phương tiện di chuyển duy nhất là đường bộ. Người dân Samaria gần như đã không bị lưu đầy trong khi dân Miền Nam và Miền Bắc đã bị lưu đày Babylon. Khi người Dân Do Thái Miền Bắc và Miền Nam hồi hương, đã không chấp nhận người dân Samaria là thànhần của Dân Tộc Do Thái có chung tổ phụ Abraham. Người dân Samaria xây dựng đền thờ riêng thờ Chúa ở núi Gerizim. Còn trung tâm phượng tự của Miền Bắc và Miền Nam được thiết lập ở Giêrusalem và đền thờ Giêrusalem. Người Samaria chỉ chấp nhận Ngũ Kinh, tức năm quyển sách đầu trong Cựu Ước: sáng thế Ký, Xuất Hành, Dân Số, Lêvi và Đệ Nhị Luật.



Có quá đáng không khi muốn làm môn đệ Chúa thì phải:
·        Nhất quyết đi Giêrusalem để nhận lấy đau khổ và cái chết như Chúa?
·        không được về nhà chôn cất Cha Mẹ.
·        không được từ biệt gia đình thân quyến.
·        không tiếc sót những gì đã bỏ lại phía sau?

Làm môn đệ Chúa là đi con đường Chúa đã đi. Con đường Chúa đi là:         

Quyết tâm về Giêrusalem, để nhận lấy đau khổ, nhận lấy sự khai trừ của đầu mục Do Thái, nhận lấy Thánh giá và chết khổ nhục trên Thánh giá. Phúc Âm dùng từ “nhất quyết” để nói lên những giằn co, ray rứt diễn ra trong chính Chúa: giữa cái chết và sự sống, giữa việc chu toàn sứ mạng cứu thế và giữa ý muốn sinh tồn. Nên trong vườn cây dầu đêm tối Thứ Năm, Chúa đã buồn đến chết đi được. Chúa đã sợ đến độ van xin Thiên Chúa Cha “Lạy Cha! nếu có thể được thì xin cất chén đắng nầy đi!”

 Không có gì quá đáng trong đòi buộc phải “nhất quyết đi Giêrusalem” nầy. Làm môn đệ Chúa là phải đi Giêrusalem để nhận chịu nhiều đau khổ, nhận sự xỉ nhục, nhận khổ hình thập giá và chết trên thập giá. Trong thời đại chúng ta không thiếu những mẫu gương “nhất quyết đi Giêrusalem” để nhận chịu nhiều đau khổ và cái chết.
Đức Cha Jean Cassaigne thuộc dòng thừa sai Balê. Năm 1925, Ngài thụ phong linh mục và tình nguyện sang Việt Nam làm thừa sai đi truyền giáo nơi những vùng hẻo lánh xa xôi. Năm 1941, lúc 46 tuổi, Ngài được phong chức Giám Mục hiệu toà Gadara và làm Đại diện Tông Toà địa phận Sàigòn. Năm 1955 Ngài xin từ chức Đại diện tông toà để lên Di Linh sống chung và giúp đỡ người cùi. Suốt 18 năm, Ngài tận tình phục vụ cho người cùi như bà con ruột thịt của mình. Còn nước Việt Nam, Ngài luôn nói là “quê hương của tôi”. Ngài chết năm 1973 và người ta đã khắc trên bia mộ Ngài hàng chữ tiếng La tinh CARITAS ET AMOR, BÁC ÁI VÀ TÌNH YÊU. Đó là châm ngôn sống của Đức Cha Jean Cassaigne.

Môn đệ không thể hơn Thầy. Chúa đã nhất quyết đi Giêrusalem để hoàn thành sứ mạng cứu thế. Môn đệ cũng phải đi Giêrusalem, nhận lãnh hy sinh và đau khổ để rao giảng Tin Mừng và mang phần rỗi cho các linh hồn.

Có quá đáng không khi muốn làm môn đệ Chúa thì phải:
·        không được về nhà chôn cất Cha Mẹ.
·        không được từ biệt gia đình thân quyến.
·        không tiếc sót những gì đã bỏ lại phía sau?

Nếu thực sự có người xin theo Chúa mà Chúa không cho về nhà chôn cất Cha mình mà để kẻ chết chôn kẻ chết.

Nếu thực sự có người muốn xin theo Chúa mà Chúa không cho phép về nhà từ giả thân bằng quyến thuộc. Vì cầm cày mà quay lại phía sau thì không xứng đáng.

Nếu thực sự đã xảy ra theo nghĩa đen như vậy thì là quá đáng. Các nhà chú giải Kinh Thánh đều không cho là Chúa đã thực sự không cho người xin theo mình về nhà chôn Cha chết. Vì nếu biết chắc Cha mình đã chết thì người nầy đã về chôn trước rồi, chứ không phải đến xin theo Chúa rồi mới xin về nhà chôn.  Việc Chúa từ chối người xin theo Chúa về từ giả Cha mẹ bà con cũng không có thực. Vì người muốn xin theo Chúa chắc đã phải làm chuyện từ giả gia đình trước rồi. Tuy nhiên, tất cả những “quá đáng” nầy cũng giống như những khẳng định mà chúng ta từng nghe trong Phúc Âm: Nếu mắt anh làm dịp tội cho anh, thì móc mắt mà quăng đi, thà một mắt mà vào nước Thiên Chúa còn hơn có hai mắt mà vào lửa hoả ngục, được ghi lại trong Marcô 9,47. Hay “nếu tay anh gây dịp tội, hãy chặt bỏ, thà có một tay mà vào Nước Thiên chúa, còn hơn có hai tay mà bị phạt trong hoả ngục, được ghi trong Marcô 9, 43.

Tất cả những thể loại diễn tả mạnh bạo và quá đáng nầy chỉ muốn trao gửi sứ điệp nầy cho các môn đệ: Muốn theo Chúa phải theo đường Chúa đi, phải nhất quyết đi Giêrusalem, nhận chịu nhiều đau khổ, chịu xỉ nhục, chịu vác thánh giá và chịu chết vì phần rỗi nhân loại.

Phúc Âm muốn nói rằng: Muốn làm môn đệ Chúa phải cương quyết tiến về Giêrusalem, tức phải hoàn thành sứ mạng được trao ban. Phải khước từ những quyền lợi và cả những tình cảm chính đáng trong thân quyến gia đình. Phải “không có chỗ tựa đầu”, không bám vào một thế lực trần đời nào, nhưng chỉ nhắm thẳng vào vinh quang Thiên Chúa và vào phần rỗi các linh hồn. Tất cả nhằm nói lên quyết tâm theo Chúa và chấp nhận mọi hy sinh gian khổ.
Lịch sử thành hình luật độc thân linh mục Công Giáo và ý nghĩa của nó.

Giáo Luật điều 277 qui định:
§ Các giáo sĩ buộc phải giữ khiết tịnh hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời. Vì vậy, họ phải sống bậc độc thân là một hồng ân riêng của Thiên chúa. Nhờ đó, các thừa tác viên có chức thánh có thể kết hợp với Đức Kitô dễ dàng hơn bằng một con tim không chia sẻ và được thong dong hơn để hiến thân phụng sự Thiên chúa và nhân loại.

 Như vậy độc thân linh mục có nghĩa là không kết hôn và sống khiết tịnh hoàn toàn và vĩnh viễn.  Sống khiết tịnh có nghĩa là không những không kết hôn mà còn phải tiết dục nữa.

Mục đích của việc độc thân linh mục là thuộc trọn vẹn về đức Kitô và được thong dong thi hành nhiệm vụ linh mục.

Lịch sử hình thành:
            Những thế kỷ đầu:
            Thời các Thánh Tông Đồ và thế kỷ đầu, thời Giáo Hội sơ khai, luật độc thân giáo sĩ chưa thành vấn đề trong sinh hoạt Giáo Hội. Các tông đồ tuyệt đại đa số có gia đình.  Tuy nhiên trong Thư thứ I của Thánh Phaolô gửi Corintô 7, 32-33 đề cập đến người không lập gia đình thì rảnh rang hơn, chỉ lo việc Chúa, còn người có gia đình thì bận lo làm vừa lòng vợ con.  Trong Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi Timothy cũng khuyên là “Giám Mục chỉ nên là người chồng của một người vợ mà thôi!” Thánh nhân có ý nói vấn đề không nên tái giá.

            Thế kỷ thứ hai và thứ ba, xuất hiện nhiều lời khuyên tiết dục, nhưng độc thân vẫn chưa thành luật. Thí dụ Tertulianô năm 160-225 nói rằng: Các tông đồ là những người có vợ, nhưng họ đã sống cuộc sống hoàn toàn tiết dục. Ông đan cử gương thánh tông đồ Phêrô.

            Thế kỷ thứ tư
            Công đồng Elvira năm 306 ra chỉ thị buộc Giám Mục, linh mục và  phó tế phải chấm dứt hoàn toàn sinh hoạt tình dục với vợ mình và không nên có con. Nếu bất tuân sẽ bị cất chức.

Công đồng Nicêa năm 325 cấm phụ nữ không phải là mẹ ruột, chị em gái ruột hay dì ruột ở chung nhà với giáo sĩ, tức với Giám Mục, linh mục và phó tế.

Công đồng Carthage  năm 400 ra quyết định cấm Giám Mục, linh mục và phó tế giao hợp với vợ mình theo như truyền thống tiết dục có từ thời các tông đồ.

Luật độc thân linh mục thành hình:

Đệ Nhất Công Đồng Latêranô năm 1123
Điều 3: Giáo sĩ phải tuyệt đối tiết chế nhục dục. Ngoài Mẹ ruột, chị em gái ruột và cô dì ruột, không ai được sống trong nhà với các giáo sĩ.

Điều 21: Giáo sĩ kết hôn bất thành.
Đệ II Công Đồng Latêranô năm 1139:

Điều 6: Giáo sĩ là đền thờ của Thiên Chúa và nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần. Đời sống vợ chồng làm hoen ố đền thờ Thiên Chúa.
Điều 7: Cấm tham dự thánh lễ cử hành do những linh mục có vợ hay chung sống với vợ.
Như vậy, Đệ II Công đồng Latêranô đã uyên bố: Giáo sĩ kết hôn bất thành. Tuy nhiên người ta vẫn hiểu đây là những hôn nhân sau khi thụ phong linh mục. Còn như đã có gia đình thì chỉ buộc tiết dục. Tuy nhiên phải kéo dài cho đến năm 1917, Giáo Luật mới qui định rõ rệt về luật độc thân linh mục theo tinh thần để thuộc trọn vẹn về Chúa và thong dong trong việc thi hành sứ vụ linh mục.
Công đồng Tridentinô 1545 – 1563 tuyên bố dứt khoát: Giáo sĩ sau khi thụ phong hay tu sĩ sau khi khấn trọn mà kết hôn thì bất thành.

III.            Thực hành P.Â.:

1)     “Dạ, nhờ ơn Chúa, con xin hứa”

Đây là lời hứa sau cùng của ứng viên chức linh mục trả lời Đức Giám  Mục khi Ngài hỏi: Con có hứa giữ luật độc thân linh mục và đời sống khiết tịnh tuyệt đối vì Nước Trời cho đến suốt đời không?
Ứng viên sắp chịu chức linh mục thưa:
Dạ, nhờ ơn Chúa, con xin hứa!”
Những câu chất vấn khác của Đức Giám Mục về đức tin, về đức vâng lời, về lòng nhiệt thành rao truyền chân lý Tin Mừng, về sự hiệp thông trong Giáo Hội… đều chỉ được trả lời: Dạ con xin hứa. Riêng câu chất vấn về đời sống độc thân linh mục thì ứng viên phải trả lời: Dạ, nhờ ơn Chúa, con xin hứa.
Điều đó cho thấy khoản Giáo Luật 277 thật chí lý khi xác định: “Vì vậy, họ phải sống bậc độc thân là một hồng ân riêng của Thiên chúa”
Từ xưa cho đến nay, bất cứ linh mục nào cũng nhìn nhận như tôi rằng: Nếu linh mục còn giữ được luật độc thân linh mục và sống đức khiết tịnh hoàn hảo là “nhờ ơn Chúa!”
Không có Thầy, chúng con không làm được gì. Hay nói khác đi, không có Chúa, linh mục không thể nào giữ được luật độc thân và khiết tịnh.
Ai cũng nhìn thấy nhan nhãn trước mắt nhiều linh mục đã bỏ đời sống linh mục để lập gia đình. Theo chỉ thị của Đức Cha, tôi cũng đang hoàn tất thủ tục theo chỉ dẫn của bộ giáo sĩ để xin cho một linh mục trong địa phận mình được hồi tục. Vì cha ấy đã rời bỏ giáo xứ 7 năm qua, đang chung sống với một người đàn bà và đã có hai con.
Quá rrình điều tra cho tôi một đánh giá về anh em linh mục nầy: Ngài chịu chức lúc mới 26 tuổi, có nhiều khả năng nổi bậc về giảng dạy và sinh hoạt với giới trẻ. Ngài rất được giáo dân tán thưởng về việc cởi mở và gần gũi với mọi người. Tôi đã thầm cảm phục Ngài lúc đó.
Tuy nhiên khi xem xét những đồ vật cá nhân Ngài bỏ lại nhà xứ, tôi thấy có hai quyển sách nguyện trong bộ 4 quyển còn mới nguyên, dường như chưa một lần mở ra, những dây ngăn sách vẫn còn nằm chung một chỗ. Không dám quả quyết 100%, nhưng điều đó cho thấy, vị linh mục trẻ nầy đã không đọc kinh thần vụ thường xuyên hay chỉ đọc thỉnh thoảng.
Không đọc kinh thần vụ hay ít đọc kinh và làm những chuyện đạo đức cá nhân thì làm sao liên kết được với Chúa là Đấng Thánh, là Đấng mà vì Ngài và nhờ Ngài mà linh mục có thể giữ luật độc thân và khiết tịnh cho đến mãn đời?
Tôi kết luận cho bản thân mình: Không nhờ Chúa, không cầu xin Chúa, linh mục không có thể sống luật độc thân hay khiết tịnh.
Đời sống gia đình cũng phải giữ luật khiết tịnh: sinh hoạt vợ chồng chỉ giới hạn với người chồng và vợ mình thôi. Điều nầy cũng không dễ và không giữ được nếu không “nhờ ơn Chúa!”

2)     Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu.

Người theo Chúa phải là người “không có chỗ gối đầu!”
“Không có chỗ gối đầu!” tức người vô sản chân chính xét về mặt tài sản.
“Không có chỗ gối đầu!” còn có nghĩa không “an cư lạc nghiệp” hay bám đất bám người. “Không chỗ gối đầu!” còn có nghĩa không cậy dựa vào một mạnh thường quân hay một thế lực nào ngoài Thiên Chúa.

Giáo Hội và giáo sĩ hay giáo dân có áp dụng đòi hỏi “Không có chỗ gối đầu” nầy không?
Địa phận có qui chế: Chỉ gửi linh mục đến những nơi nào hay những giáo xứ nào có khả năng chu cấp nơi ăn chốn ở xứng hợp và có đủ tài chánh trả lương cho linh mục. Nên nhiều địa phận đang đóng cửa những nhà thờ nào không còn đủ người dự lễ Chúa Nhật và không còn khả năng tài chánh.
Nhiều linh mục có tiền bạc và tài sản riêng và không thích bị thuyên chuyển xa nơi đã “an cư lạc nghiệp”
Nhiều linh mục làm việc có hiệu quả nhờ những người giàu có, có tiền bạc giúp đỡ và các linh mục nầy thường tới lui, nhận họ hàng hay nhận làm “Ông Bà Cố”

 Có trách nhiệm ít nhiều trong việc soạn qui chế lương bổng cho linh mục địa phận và qui chế hưu trí cho linh mục về hưu trong địa phận. Các Đức Giám Mục và những người có trách nhiệm luôn theo nguyên tắc nầy: Chỉ vừa đủ, không xa hoa dư dật và không nghèo hèn thiếu thốn. Thí dụ linh mục được khuyên có nếp sống đơn giản, nên mua những loại xe bình dân, vừa với túi tiền của mình và tránh gây “question mark” nơi giáo dân.
Giáo Luật cấm linh mục làm ăn mua bán hay kiếm thêm tiền ngoài những gì đã được qui định.
Con chồn có hang, chim trời có tổ, và người theo Chúa phải như Chúa là không có chỗ gối đầu. Thầy André, tên thật là Alfred Bessette đã được tuyên phong hiển thánh ngày 17.10.2010 tại Roma có thể nói là một người không có chỗ gối đầu trên thế lực trần thế, nhưng thầy đã gối đầu vào quyền năng Chúa. Thầy đã nhờ ơn Chúa mà gầy dựng nên đền thánh Giuse ở Montréal ngày nay.   
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 


Đời là những chọn lựa
Trong kho tàng chuyện ngụ ngôn có một câu chuyện dí dỏm như sau: Một con khỉ cầm hai nắm đậu, một hạt đậu rơi xuống đất. Nó tính nhặt hạt đậu đó lên, không ngờ vừa nhón tay lại rơi thêm hai mươi hạt nữa. Nó định nhặt hai mươi hạt đậu đó lên, ai ngờ vừa mở ngón tay, cả nắm đậu trong tay bị bung ra hết. Con khỉ hoảng hốt làm bung nốt nắm đậu ở trong tay kia, nó dùng cả tay lẫn chân vét đậu lại, nhưng càng khều thì đậu càng văng ra xa. Cuối cùng cả hai nắm đậu tản ra trên mặt đất như một đám khói.
Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa. Và chọn lựa nào cũng phải chịu thiệt thòi mất mát. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn là người thua thiệt nhiều nhất. Con khỉ vì tiếc một hạt đậu mà mất cả hai nắm đậu trên tay.
Người thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay xin đi theo Chúa đến bất cứ nơi đâu, nhưng Người bắt anh phải chọn lựa: hoặc là được an toàn ổn định dưới một mái nhà, có chăn ấm nệm êm; hoặc là phải bấp bênh phiêu bạt, không một mái nhà: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu” (Lc 9,58).
Người thứ hai xin đi theo Chúa, nhưng với điều kiện cho anh về chôn cất thân sinh trước đã. Chúa trả lời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa” (Lc 9,54). Thế là anh phải đứng trước một chọn lựa giữa người thân và việc loan báo Tin Mừng.
Người thứ ba xin đi theo Chúa, nhưng xin phép về từ biệt gia đình. Chúa đòi anh phải chọn lựa dứt khoát: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).
Thực ra, Đức Giêsu rất coi trọng việc hiếu kính cha mẹ. Người phán: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4). Nhưng Người cũng dạy chúng ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, nghĩa là Người muốn chúng ta chọn lựa đâu là ưu tiên chính, đâu là ưu tiên thứ yếu. Đối với người tín hữu Kitô, ưu tiên chính là việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nó quan trọng hơn cả cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa (x. Lc 14,26).
Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người.
Nếu cuộc đời người tín hữu Kitô là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút giây trong cuộc sống.
Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta chợt giật mình, vì thấy chúng ta thường hay chọn mình: sở thích của mình, tự do của mình, hạnh phúc của mình, gia đình của mình… Chúng ta chọn tất cả những gì ít nhiều dính dáng đến bản thân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33)
Lạy Chúa, xin giúp chúng con thoát khỏi những bận tâm về mình, nhưng biết chọn Chúa là phần gia nghiệp và là phần phúc của chúng con.
Xin tha thứ cho chúng con vì chúng con đã chạy theo của cải, lạc thú, danh vọng ở đời. Xin ban cho chúng con ý chí cương quyết để chúng con luôn trung thành theo Chúa cho đến giây phút cuối cuộc đời. Amen.
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Lectio: Chúa Nhật XIII Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 30 Tháng 6, 2013
Quá trình khó khăn trong việc thiết lập các môn đệ.
Làm thế nào để được tái sinh
Lc 9:51–62


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:  Bối cảnh văn học

Trong bối cảnh của Tin Mừng theo thánh Luca, bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này là sự khởi đầu một giai đoạn mới về hoạt động của Đức Kitô.  Những cuộc xung đột thường xuyên giữa dân chúng và các vị chức sắc tôn giáo (Lc 4:28; 5:21,30; 6:2,7; 7:19,23,33-34,39) đã xác nhận Chúa Giêsu như là ĐấngMêssia Tôi Tớ như đã được báo trước trong sách tiên tri Isaia (Is 50:4-9; 53:12) và như chính Đức Giêsu đã đảm nhận từ lúc bắt đầu sứ vụ tông đồ của Người (Lc 4:18).  Từ bây giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng về cuộc thương khó và cuộc tử nạn của mình (Lc 9:22, 43-44) và quyết định lên đường đi về Giêrusalem (Lc (9:51). Sự thay đổi này trong quá trình các sự kiện đã tạo ra một cuộc khủng hoảng giữacác môn đệ (Mc 8:31-33).  Các ông không thể hiểu và tỏ ra lo sợ (Lc 9:45), bởi vì các ông vẫn còn dựa vào lối suy nghĩ cũ về một Đấng Cứu Thế vinh quang.  Luca mô tả những câu chuyện khác nhau về tâm lý cổ xưa của các môn đệ:  mong muốn được làm người lớn nhất (Lc 9:46-48); ý muốn được kiểm soát việc nhân danh Chúa Giêsu (Lc 9:49-50); phản ứng mang tính cách bạo lực của các ông Giacôbê và Gioan trước việc từ chối đón tiếp Chúa Giêsu của người Samaria (Lc 9:51-55).  Thánh Luca cũng cho thấy là Chúa Giêsu phải khó khăn như thế nào khi cố gắng giúp cho các môn đệ hiểu được khái niệm mới liên quan đến sứ vụ của mình.  Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Lc 9:51-62) đưa ra một vài ví dụ về phương cách Chúa Giêsu đã cố gắng gầy dựng các môn đệ của Người.    

c)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Lc 9:51-52:  Chúa Giêsu quyết định đi Giêrusalem
Lc 9:52b-53:  Một làng ở Samaria không tiếp đón Người
Lc 9:54:  Phản ứng của các ông Gioan và Giacôbê trước sự từ chối của người Samaria
Lc 9:55-56:  Phản ứng của Chúa Giêsu về việc dùng bạo lực của các ông Giacôbê và Gioan
Lc 9:57-58:  Điều kiện thứ nhất của Chúa Giêsu để đi theo Người
Lc 9:59-60:  Điều kiện thứ hai của Chúa Giêsu để đi theo Người
Lc 9:61-62:  Điều kiện thứ ba của Chúa Giêsu để đi theo Người

d)  Phúc Âm

51 Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem.52 Và sai những người đưa tin đi trước Người.  Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người; 53 nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. 54 Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng:  “Lạy Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa bởi Trời xuống thiêu hủy chúng không?”  55 Nhưng Người quay lại quở trách các ông. 56 Và các ngài đi tới một làng khác.
57 Đang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng:  “Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy.”  58 Chúa Giêsu bảo người ấy rằng:  “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu.”  59Người bảo một kẻ khác rằng:  “Hãy theo Ta.”  Người ấy thưa:  “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã."  60 Nhưng Người đáp:  “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng nước Thiên Chúa.”  61 Một người khác thưa Người rằng:  “Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy; nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã.”  62 Nhưng Chúa Giêsu đáp:  “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với nước Thiên Chúa.”

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta

4. Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân

a)  Trong đoạn Tin Mừng này, phần nào làm bạn hài lòng nhất và phần nào làm bạn cảm động nhất?
b)  Trong đoạn Tin Mừng, chúng ta có thể tìm ra được những khiếm khuyết nào và bất toàn nào của các môn đệ?
c)  Chúa Giêsu đã dùng phương pháp giảng dạy nào để cải sửa những khiếm khuyết này?
d)  Những sự kiện nào trong Cựu Ước đã được gợi lại trong bài Tin Mừng hôm nay?
e)  Với ba người được ơn gọi (các câu 57-62), bạn thấy mình thuộc vào nhóm người nào?  Tại sao?
f)  Với những khiếm khuyết của các môn đệ Chúa Giêsu, khiếm khuyết nào phổ biến nhất trong chúng ta, các môn đệ của Người ngày hôm nay?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng

Để giúp chúng ta có thể đào sâu hơn vào chủ đ

a)  Bối cảnh lịch sử của đoạn Phúc Âm:  

Bối cảnh lịch sử của Phúc Âm theo thánh Luca luôn gồm có hai khía cạnh sau đây: bối cảnh thời điểmsống của Chúa Giêsu trong thập niên 30 ở đất Palestine, và bối cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu trongthập niên 80 tại Hy-Lạp là những người mà Luca đang viết sách Tin Mừng của ông cho họ.

Vào thời của Chúa Giêsu tại đất Palestine.  Việc Chúa Giêsu gầy dựng các môn đệ của Người cũng chẳng dễ dàng gì.  Chuyện không đơn giản rằng bất cứ ai chỉ cần đi theo Đức Giêsu và sống trong một cộng đoàn là sẽ trở nên một người thánh thiện và hoàn hảo. Điều khó khăn lớn nhất đến từ “các ảnh hưởng của người Pharisêu và Hêrôđê” (Mc 8:15), đó là, từ sự chi phối tư tưởng của thời ấy, thúc đẩy bởi giới chức tôn giáo (người Pharisêu) và bởi giới cầm quyền (Hêrôđê).  Chống lại sự ảnh hưởng là một phần của việc gầy dựng Người đã làm cho các môn đệ; đặc biệt là cách thức suy nghĩ truyền thống đã bắt rễ sâu xa và luôn lẩn quẩn trong tâm trí của những con người nhỏ bé, các môn đệ.  Văn bản bài suy gẫm Phúc Âm của chúng ta trong Chúa Nhật tuần này cho thấy một cái nhìn sâu sắc vào cách thức Chúa Giêsu đã phải đối diện với vấn đề này.

Vào thời của Luca, trong các cộng đoàn Hy-lạp.  Đối với thánh Luca, đó là việc quan trọng để giúp các Kitô hữu và không để họ phải bị làm mồi cho “ảnh hưởng” của đế quốc La-mã và các ngoại giáo.  Điều này cũng có thể áp dụng vào thời đại hôm nay.  “Ảnh hưởng” của hệ thống tân tự do, lan truyền qua các phương tiện truyền thông, truyền bá một tinh thần thiên về chủ nghĩa tiêu thụ, trái với các giá trị của Tin Mừng.  Chẳng dễ dàng gì để mọi người nhận ra rằng họ đang bị lừa:  “Những gì tôi có trong tay chẳng qua chỉ là lời giả dối!” (Is 44:20).

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 
                

Lc 9:51-52a:  Chúa Giêsu quyết định đi Giêrusalem
“Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này”.  Lời văn này cho chúng ta thấy rằng Luca lần đọc cuộc đời của Chúa Giêsu trong sự soi sáng của các tiên tri.  Ông muốn làm cho thật rõ ràng với độc giả của ông rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, những gì mà các tiên tri đã báo trước đã được thực hiệntrong Người.  Cùng một cách nói tương tự trong Tin Mừng của Gioan:  “Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, …” (Ga 13:1).  Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha, “Người dứt khoát quyết định đi về Giêrusalem”.

Lc 9:52b-53:  Một làng ở Samaria không đón tiếp Người
Hiếu khách là một trong những trụ cột của cuộc sống cộng đoàn.  Rất khó cho bất cứ người nào không tiếp đón một ai đó mà nỡ để cho họ phải ngủ qua đêm ở bên ngoài (Ga 18:1-5; 19:1-3; St 19:15-21). Nhưng vào thời Chúa Giêsu, vì sự thù nghịch giữa người Do-thái và người Samaria đã kêu gọi người Samaria không tiếp đón những người Do-thái trên đường hành hương về Giêrusalem, và điều này đã khiến cho người Do-thái từ miền Galilê không đi ngang qua làng người Samaria khi họ phải đi về Giêrusalem.  Họ chọn đi qua thung lũng Giođan.  Chúa Giêsu thì làm trái lại với điều kỳ thị này và vì thế, đi qua làng người Samaria.  Hậu quả là Người bị đối xử kỳ thị và không được đón tiếp. 

Lc 9:54:  Phản ứng bạo lực của các ông Gioan và Giacôbê trước sự từ chối của người Samaria
Lấy cảm hứng từ ví dụ của tiên tri Êlia, các ông Giacôbê và Gioan đã muốn khiến lửa bởi trời xuống tiêu diệt làng ấy!  (2V 1:10-12; 1V 18:38).  Các ông nghĩ rằng bằng một sự thực đơn giản là họ đang đi với Chúa Giêsu, tất cả mọi người phải tiếp đón họ.  Các ông còn bám vào một tâm lý cổ xưa, đó là những người được đặc quyền.  Các ông nghĩ rằng là họ có thể giữ Thiên Chúa đứng về phía họ để bảo vệ chohọ.

Lc 9:55-56:  Phản ứng của Chúa Giêsu việc dùng bạo lực của các ông Giacôbê và Gioan
“Chúa Giêsu quay lại và quở trách các ông”.  Trong một số các phiên bản của Kinh Thánh, dựa trên bản dịch của họ trên một số các bản thảo cũ đã viết:  “Anh em không biết thần khí nào đang ngự trong anh em.  Con Thiên Chúa đến thế gian không phải để cất đi mạng sống người ta, mà để cứu rỗi người ta”. Việc mà một ai đó đang đi cùng với Chúa Giêsu không cho người ấy cái quyền nghĩ rằng mình cao trọng hơn thiên hạ và thiên hạ phải tôn vinh họ.   “Thần Khí” của Chúa Giêsu thì đòi hỏi ngược lại:  tha thứ bảy mươi lần bảy (Mt 18:22).  Chúa Giêsu đã tha thứ cho kẻ tội phạm đã cầu xin cùng với Người trên thập giá (Lc 23:43).

Lc 9:57-58:  Điều kiện thứ nhất của Chúa Giêsu để đi theo Người
Có kẻ thưa người rằng:  “Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy”.  Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng và không có ẩn ý nào khác.  Người không để chừa chỗ hở cho sự nghi hoặc: một người môn đệ muốn đi theo Chúa Giêsu phải ghi nhớ điều này vào tâm khảm của mình:  Đức Giêsu không có gì, ngay cả một viên đá gối đầu.  Con chồn và chim trời còn tốt số hơn Chúa vì con chồn có hang và chim trời có tổ. 
                                                                                                                                                                                          
Lc 9:59-60:  Điều kiện thứ hai của Chúa Giêsu để đi theo Người
Chúa Giêsu bảo một kẻ khác rằng:  “Hãy theo Ta!”  Những lời này được dùng để nói với những người môn đệ đầu tiên:  “Hãy theo Ta” (Mc 1:17, 20; 2:14).  Phản ứng của người được gọi rất tích cực.  Người ấy sẵn sàng theo Chúa Giêsu.  Anh ta chỉ xin được phép chôn cha mình trước đã.  Câu trả lời của Chúa Giêsu thật là cứng rắn:  “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, con hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”.  Đây có lẽ là đây là câu tục ngữ phổ biến được xử dụng để nói rằng người ta phải tìm về căn bản trong việc đưa ra quyết định của mình.  Ai đã sẵn sàng để theo Chúa Giêsu thì phải từ bỏ mọi sự.  Điều này cũng giống như là người ấy đã chết bỏ lại tất cả tài sản của mình để sống lại với một cuộc sống khác.

Lc 9:61-62:  Điều kiện thứ ba của Chúa Giêsu để đi theo Người
Người thứ ba thì nói:  “Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã”.  Lần nữa, câu trả lời của Chúa Giêsu rất cứng cỏi và căn bản:  “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.  Chúa Giêsu đòi hỏi hơn tiên tri Êlia khi ông Êlia gọi Êlisa để làm môn đệ của ông (1V 19:19-21).  Phần Tân Ước thì trội hơn phần Cựu Ước trong việc đòi hỏi phải thực hành đức bác ái.

c)  Phần tìm hiểu đào sâu:  Chúa Giêsu là nhà tổ chức

Quá trình huấn luyện các môn đệ thì đòi hỏi nhiều công sức, chậm chạp và vất vả, bởi vì không phải dễ dàng gì thai nghén một ý niệm mới về Thiên Chúa trong trí óc các ông, một cách nhìn mới về đời sống và về những người xung quanh.  Nó cũng giống như một người được tái sinh!  (Ga 3:5-9).  Những suy nghĩ cũ cứ lẩn quẩn trở lại trong cuộc sống của người ta, của gia đình và cộng đoàn.  Chúa Giêsu đã dốc toàn lực trong việc huấn luyện các môn đệ.  Người đã dành rất nhiều thời giờ cho việc này, và không phải lúc nào cũng thành công.  Giuđa đã phản bội Chúa, Phêrô đã chối Chúa, và trong lúc Chúa bị luận án, tất cả đều bỏ rơi Người.  Chỉ có những người phụ nữ và Gioan là ở gần bên Người, gần cây thập giá.  Nhưng Chúa Thánh Thần là Đấng được Chúa Giêsu gửi đến cho chúng ta sau khi Người phục sinh, đã hoàn tất công việc Chúa Giêsu bắt đầu (Ga 14:26; 16:13).  Ngoài những gì chúng ta đã nói liên quan đến bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này (Lc 9:51-62), Luca nói nhiều về những thí dụ khác để cho thấy Chúa Giêsu đã phải làm cách nào trong khi gầy dựng các môn đệ và giúp các ông khắc phục được não trạng sai lệnh về thời gian:

Trong sách Luca chương 9:46-48, các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong bọn. Những suy nghĩ cạnh tranh ở đây bắt nguồn từ việc tranh dành quyền lực, đặc trưng của xã hội dưới đế chế La-mã, và nó đã xâm nhập vào một cộng đoàn nhỏ bé và tân lập của Chúa Giêsu!  Chúa Giêsu nói với các ông về một lối suy nghĩ ngược lại.  Chúa đem một đứa bé đến cạnh Người và xác định Người với đứa trẻ:  “Bất cứ ai nhân danh Ta mà tiếp đón em bé này tức là tiếp đón Ta; và kẻ nào tiếp đón Tatức là tiếp đón Đấng đã sai Ta!”  Các môn đệ đang tranh luận xem ai là người lớn nhất, và Chúa Giêsu lại bảo các ông hãy nhìn và đón tiếp kẻ bé nhất!  Đây là điểm nhấn mạnh nhất của Chúa Giêsu và là điềumà Người đã làm chứng:  “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10:45).

Trong sách Luca chương 9:49-50, một người không thuộc nhóm các môn đệ đã nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỷ.  Ông Gioan đã trông thấy và đã ngăn chặn ông ta:  “Chúng ta hãy ngăn chặn anh ta, vì chúng ta không biết người ấy”.  Nhân danh cộng đoàn, Gioan đã ngăn chặn một việc làm tốt!  Ông nghĩ rằngmình đã sở hữu Chúa Giêsu và muốn ngăn chặn bất cứ ai nhân danh Chúa Giêsu để làm một việc tốt lành.  Ông muốn có một cộng đoàn khép kín.  Đây là tâm lý cổ điển của “Dân được chọn, dân riêng của Chúa!”  Chúa Giêsu trả lời:  “Đừng ngăn cấm anh ta, bởi vì bất cứ ai không chống lại con thì người ấy đứng về phía của con”.  Mục đích của việc thành lập không thể dẫn đến một ý tưởng đặc quyền và quyền sở hữu, mà phải dẫn đến một thái độ phục vụ.  Điều quan trọng đối với Đức Giêsu không phải là ai đó có thuộc trong nhóm hay không, mà là người ấy đã làm được việc gì tốt lành mà đáng lẽ ra phải đượcthực hiện bởi cộng đoàn.

Sau đây là một vài thí dụ về phương cách Chúa Giêsu đã truyền dạy cho các môn đệ.  Đó là cách cho đi của người đã có kinh nghiệm có được về Đức Chúa Cha.  Bạn có thể hoàn tất danh sách sau:

*  Người đem các ông đi theo trong hoạt động sứ vụ của mình và khi trở về Người duyệt lại những gì đã xảy ra với các ông (Mc 6:7; Lc 9:1-2; 10:1-12; 17-20)
*  Người sửa dạy các ông khi các ông làm sai (Lc 9:46-48; Mc 10:13-15)
*  Người giúp các ông phân định (Mc 9:29-30)
*  Người đặt câu hỏi khi thấy các ông chậm hiểu (Mc 4:13; 8:14-21)
*  Người chuẩn bị các ông trước các cuộc xung đột (Mt 10:17)
*  Người phản ánh với các ông về những vấn đề hiện tại (Lc 13:1-5)
*  Người sai các ông đi tìm hiểu sự thật (Mc 8:27-29; Ga 4:35; Mt 16:1-3)
*  Người đối chất với các ông với những nhu cầu của dân chúng (Ga 6:5)
*  Người dạy các ông rằng nhu cầu của dân chúng phải được đặt trên các quy định lễ nghi (Mt 12:7-12)
*  Người bênh vực các ông khi họ bị chỉ trích bởi những kẻ đối nghịch (Mc 2:19; 7:5-13)
*  Người lo lắng cho sự nghỉ ngơi và dinh dưỡng của các ông (Mc 6:31; Ga 21:9)
*  Người dành thời gian riêng với các ông để dạy dỗ các ông (Mc 4:34; 7:17; 9:30-31; 10:10; 13:3)
*  Người nhấn mạnh với các ông về việc tỉnh thức và dạy họ cầu nguyện (Lc 11:1-13; Mt 6:5-15)
                                                                                                                                                                           
6.  Thánh Vịnh 19 (18):9-15

Luật của Thiên Chúa nguồn của sự thành lập

9 Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
10 Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
11 thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
12 Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.
13 Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.
14 Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.
15 Lạy CHÚA là núi đá cho con trú ẩn,
là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.

7. Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét