Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

29-06-2013 :(phần 1) THỨ BẢY TUẦN XII MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH PHÊ-RÔ VÀ THÁNH PHAO-LÔ, TÔNG ĐỒ (Lễ Trọng)

Thứ Bảy Ngày 29/06/2013
Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên – Năm C
THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ
(Phần I)

Lễ Vọng
BÀI ĐỌC I:  Cv 3, 1-10
"Tôi có cái này tôi cho anh là: nhân danh Đức Giêsu, anh hãy đứng dậy mà đi".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vào giờ thứ chín, là giờ cầu nguyện, Phêrô và Gioan lên đền thờ. Lúc bấy giờ có một anh què từ lúc mới sinh, hằng ngày được người ta khiêng đến cửa đền thờ, gọi là cửa Đẹp, để xin những người vào đền thờ bố thí cho. Khi thấy Phêrô và Gioan tiến vào đền thờ, anh liền xin bố thí. Phêrô và Gioan nhìn anh và nói: "Anh hãy nhìn chúng tôi". Anh ngước mắt chăm chú nhìn hai ngài, mong sẽ được hai ngài cho cái gì. Nhưng Phêrô nói: "Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh là: nhân danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!"
Rồi Phêrô nắm tay mặt anh mà kéo dậy, tức thì mắt cá và bàn chân anh trở nên cứng cát; anh nhảy ngay lên mà đứng và đi được; anh cùng hai ngài tiến vào đền thờ, anh vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa, và dân chúng đều thấy anh đi và ngợi khen Chúa. Họ nhận ra anh chính là kẻ ngồi ăn xin ở cửa Đẹp đền thờ, nên họ bỡ ngỡ và sửng sốt về việc xảy đến cho anh. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 2-3. 4-5
Đáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác; đêm này truyền tụng cho đêm kia.  - Đáp.
2) Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.  - Đáp.

BÀI ĐỌC II:  Gl 1, 11-20
"Thiên Chúa đã tách riêng tôi từ lòng mẹ".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, tôi cho anh em biết rằng: Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, vì tôi không nhận, cũng không học với loài người, nhưng là do Đức Giêsu Kitô mạc khải. Anh em nghe nói về đời sống của tôi trước kia khi theo đạo Do-thái: tôi đã bắt bớ và phá hoại Hội Thánh của Thiên Chúa thái quá: trong đạo Do-thái, tôi đã vượt hẳn nhiều bạn đồng giống nòi, đồng tuổi với tôi, và tôi nhiệt thành hơn bất cứ ai đối với truyền thống của cha ông tôi. Nhưng khi Đấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ, và dùng ơn Người mà kêu gọi tôi, để tôi rao giảng Người trong các dân ngoại, thì không lúc nào tôi bàn hỏi người xác thịt máu huyết, và tôi không lên Giêrusalem, để gặp các vị làm tông đồ trước tôi, nhưng tôi đi ngay đến Arabia, rồi lại trở về Đamas. Đoạn ba năm sau, tôi mới lên Giêrusalem để gặp Phêrô, và lưu lại với ông mười lăm ngày. Tôi không gặp một tông đồ nào khác, ngoài Giacôbê, anh em của Chúa. Đây trước mặt Thiên Chúa, tôi viết cho anh em những điều này, tôi cam kết rằng tôi không nói dối đâu.  Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 21, 17d
Alleluia, alleluia! - Thưa Thầy, Thầy thông biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 21, 15-19
"Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy". Người hỏi ông lần thứ ba: "Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?" Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: "Con có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy". Người bảo ông: "Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý; nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến". Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: "Con hãy theo Thầy". Đó là lời Chúa.

Lễ Chính Ban Ngày
BÀI ĐỌC I:  Cv 12, 1-11
"Bây giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do-thái, nên lại cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Đến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra, thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy mà rằng: "Hãy chỗi dậy mau". Xiềng xích liền rơi khỏi tay người. Thiên thần bảo người rằng: "Hãy thắt lưng và mang giày vào". Người làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: "Hãy khoác áo vào mà theo ta".
Người liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng, người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: "Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Đáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ (c. 5b).
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.  - Đáp.
2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.  - Đáp.
3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.  - Đáp.
4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.  - Đáp.

BÀI ĐỌC II:  2 Tm 4, 6-8. 17-18
"Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời. Amen. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 16, 18
Alleluia, alleluia! - Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 16, 13-19
"Con là Đá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Đó là lời Chúa



SUY NIỆM : Hủy bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới
Kinh Thánh có nhiều đoạn về hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô; nhưng phụng vụ đọc cho chúng ta nghe 3 bài này trong thánh lễ hôm nay. Chắc chắn phải có một hay nhiều ý tứ nào đó. Chúng ta được tự do tìm hiểu. Và nếu chúng ta đồng ý, chúng ta thử xếp đặt lại thứ tự 3 bài đọc như sau để có một phương hướng suy nghĩ. Trước hết bài Phúc âm gợi lên vinh dự của hai thánh Tông đồ được đặt làm rường cột cho Hội Thánh Chúa, rồi bài sách Công vụ cho chúng ta thấy các ngài được bảo hộ mạnh mẽ như thế nào khi thi hành sứ vụ; và cuối cùng bài Thánh thư kêu gọi chúng ta hết thảy hãy tin tưởng phấn đấu như các ngài đã hy sinh không mỏi mệt.

A. Là Những Tông Ðồ Ðược Ðặc Cách
Bài Tin Mừng chỉ nói đến vinh dự đặc biệt đã được dành cho Phêrô. Nhưng vinh dự ấy một ngày kia cũng sẽ được trao tặng Phaolô qua lời Chúa phán với Hananya: Hãy đi tìm Saulô, vì nó là lợi khí Ta chọn để mang Danh Ta ra trước mặt các dân ngoại. Và Hananya đã ra đi làm theo lệnh Chúa, vì ông hiểu Phaolô đã được đặc cách, như Phêrô và các Tông đồ trước đây.
Phêrô hôm ấy cùng đi theo Chúa với đồng bạn... Cuộc truyền giáo của Chúa ở Galilê đã sửa soạn hoàn tất. Ngài sắp phải qua Yuđê để chịu thương khó. Ngài ý thức mọi sự và mọi việc. Ðể đánh dấu khúc quanh lịch sử quan trọng này, Chúa Yêsu đột xuất qua hỏi môn đệ: Người ta nói Con Người là ai? Ngài muốn đo kết quả của 3 năm truyền giáo. Ngài muốn biết môn đệ đã hiểu Ngài đến mức nào?
Người thì bảo Ngài là Yoan Tẩy giả; kẻ lại nói Ngài là Êlya; nhiều người khác nữa thì tưởng Ngài là Yêrêmya hay một tiên tri nào đó. Như vậy chung chung thiên hạ đã lờ mờ nghĩ rằng Ngài là Thiên sai cứu thế vì dư luận Dothái thời đó cho rằng các vị tiên tri như thế sẽ trở lại trong thời Ðấng Thiên sai và có thể một trong những vị đó sẽ chính là Ðấng muôn dân trông đợi. Ở đây chúng ta chỉ chú ý điều này: một mình sách Tin Mừng Matthêô nhắc đến tên tiên tri Yêrêmya, có lẽ muốn ngầm nói rằng: Ðấng Thiên sai sẽ đau khổ và bị bắt bớ như nhà Tiên tri đã có cuộc đời gian nan khổ sở, mà Chúa nhật XII Thường niên chúng ta đã nghe nói. Dù sao phần đông người ta vẫn chưa dám khẳng định dứt khoát Ðức Yêsu Kitô là ai.
Còn chính các môn đệ?
Chúa đã hỏi thẳng các ông. Chưa ai dám lên tiếng thưa, thì Phêrô đã nói: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chắc chắn mọi người đã phải giật mình. Chính Chúa Yêsu cũng thấy rõ không phải xác thịt đã nói lên được điều đó. Con người tự nhiên không thể biết được như vậy. Quả là Cha trên trời đã mạc khải cho Phêrô, đã nói qua miệng lưỡi người Tông đồ này. Vì lời tuyên xưng kia thật là chính xác, là chính sự thật, vượt quá mọi hiểu biết và suy tư của con người. Chỉ có Cha trên trời biết Con, thế mà cho đến nay Người chưa mạc khải ra. Ðúng hơn, Người đã có lần công bố Yêsu Kitô là Con Chí Ái, nhưng Thánh Thần chưa được ban xuống cho loài người thì làm sao ai hiểu được điều đó. Thế mà miệng lưỡi của Phêrô vừa nói lên niềm tin chính xác mà chỉ sau này, khi đã được tràn đầy Thánh Thần, Hội Thánh mới có thể tuyên xưng.
Như vậy Phêrô đã được ơn mạc khải đặc biệt. Chúa Cha đã tỏ ra đặc cách Phêrô. Thế thì luôn luôn thi hành Thánh ý Người, Ðức Yêsu liền tuyên bố sẽ chọn Phêrô làm nền tảng để xây Hội Thánh của Người. Và quả thật tên của Phêrô như đã được tiền định vì Phêrô trong tiếng Dothái có nghĩa là Ðá. Vậy Phêrô sẽ là đá tảng xây nên Hội Thánh. Và Ðá này sẽ được củng cố để ngay sức mạnh hỏa ngục dấy lên cũng không lung lay nổi. Nhưng không phải để Phêrô đè đầu thiên hạ; Hội Thánh của Ðức Kitô là để cứu thế. Và cứu thế, trước hết là tha tội. Thế nên Ðức Kitô lại tiếp: Ta sẽ ban cho con chìa khóa Nước Trời để con đóng mở cho người ta ra vào.
Chúng ta mừng cho Phêrô đã được những vinh dự như vậy. Ðó là những ơn hoàn toàn nhưng không mà Thiên Chúa đã ban cho người, vì hạnh phúc của tất cả chúng ta. Sự lựa chọn hoàn toàn chỉ vì tình thương. Cũng như sau này, đang khi Phaolô hung hăng phi ngựa trên con đường Ðama để bắt đạo, Ðức Kitô đã từ trời cao phán gọi người, khiến người tức khắc ngã quỵ để rồi khi ngẩng lên, đã trở thành vị Tông đồ dân ngoại.
Nhiều người đã muốn thử giải thích vì những lý do tâm lý, xã hội và tôn giáo nào đã khiến hai thánh Tông đồ được lựa chọn một cách đột xuất, và được trao phó những sứ mạng cao cả như vậy? Nhưng chẳng có câu trả lời nào thỏa đáng, ngoại trừ công nhận chính mạc khải của lòng nhân nghĩa Chúa.
Do đó, ngày lễ hai thánh Tông đồ, trước hết chúng ta phải tuyên xưng điều ấy: chính Thiên Chúa đã đặc cách hai ngài. Và việc này khiến chúng ta phải hân hoan tạ ơn, bởi vì Hội Thánh chúng ta được xây trên nền tảng của hai ngài, mà hai ngài được Chúa đặc cách như vậy, thì tòa nhà Hội Thánh của chúng ta tốt đẹp, vinh dự và bảo đảm biết bao? Ngôi nhà của chúng ta không những vững bền mà còn đầy phúc, vì nền tảng của nó là hai vị Tông đồ đã được tuyển chọn một cách tuyệt diệu. Chúa Cha và Chúa Yêsu Kitô đã tỏ ra vô vàn ưu ái và rộng rãi, quyền năng đối với nền tảng của tòa nhà Hội Thánh chúng ta. Chúng ta phải hân hoan cảm mến. Và phải tiếp tục xem hai vị Tông đồ ưu tú đó đã thi hành sứ mệnh thế nào.

B. Các Ngài Tiếp Tục Ðược Chúa Bảo Hộ
Bài sách Công vụ cho thấy Lời Chúa nói với Phêrô khi đặt người làm nền tảng Hội Thánh, luôn luôn thực hiện. Phêrô quả thật là Ðá vững vàng trong mọi sóng gió. Hêrôđê bấy giờ bắt đạo. Hành động và thái độ của nhà vua rất đẹp lòng người Dothái. Hêrôđê liền mạnh tay, truyền bắt giam chính Phêrô, thủ lãnh của Hội Thánh mới. Sức mạnh của hỏa ngục rõ ràng mạnh mẽ. Nhưng bài sách nghe đọc hôm nay cho thấy Phêrô bình tĩnh lạ thường. Dường như ông không nhúc nhích. Mặc cho người ta cùm tay trói chân, và đặt lính gác trong ngoài cửa ngục, ông như chìm đắm trong suy nghĩ nhớ đến giáo đoàn và hiệp ý cầu nguyện với tất cả nhiệm thể. Bỗng dưng xiềng xích ở tay chân mở ra. Có người bảo Phêrô mặc áo, thắt lưng và xỏ giầy vào. Rồi bảo ông đi theo. Ông không ngần ngại khoan thai cất bước, chẳng cần tìm hiểu. Hai người tiến bước dễ dàng; đi đến đâu, người vật dường như đều nhường bước. Kể cả cửa sắt có lính canh gác, cũng tự động mở ra mời hai người ra phố. Ðến lúc thần Chúa biến đi, Phêrô mới nhận ra: quả thật Chúa đã giải cứu mình.
Và về sau, khi suy nghĩ lại sự việc, ông mới thấy câu chuyện thật là mầu nhiệm. Ông đã bị bắt vào dịp lễ Bánh không men và cũng đã được giải thoát trong dịp ấy. Chúa Yêsu cũng đã bị nộp, bị giết và được Thiên Chúa cho sống lại vào dịp lễ Bánh không men. Phải chăng sự việc đã chẳng có ngụ ý rằng: đầy tớ không trọng hơn Thầy và đường Thầy đi thì tớ cũng sẽ phải theo. Phêrô phải đi theo đường của Chúa và sẽ đưa Hội Thánh Chúa đi vào. Ðó là con đường bị bắt, bị nộp, bị giết... nhưng sẽ dẫn tới phục sinh vinh quang. Và những người đi trên con đường ấy đều như thể chiên cừu bị đưa đi xén lông mà không hề kêu la. Phêrô trong câu truyện bị bắt hôm nay đã bắt chước Chúa Yêsu, hoàn toàn vâng theo Thánh ý Thiên Chúa. Và nếu chúng ta có đọc lại cuộc đời của Phaolô, chúng ta cũng thấy như vậy.
Những lời đầu tiên trong bài thư hôm nay xác định điều đó. Phaolô thấy mình là "tửu tế đã tiến", tức là cuộc đời mình đã trở thành lễ tế. Ðó là thứ rượu người ta dâng khi thuyền rời bến... Và chính Chúa Yêsu cũng đã nói với Hananya khi sai ông đi gặp Saulô. Ta sẽ tỏ cho nó biết tất cả những gì nó sẽ phải chịu vì Danh Ta. Nên tất cả cuộc đời của Phaolô là chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa. Người đã chạy đến cùng đường... Và nhìn lại người có thể đếm trên con đường ấy: bao nhiêu lần đắm tàu, nhịn đói, chịu khát, bị đánh, bị tù. Sức mạnh của hỏa ngục cũng tung ra mạnh mẽ, nhưng Ơn Chúa vẫn đủ cho Phaolô cũng như cho Phêrô. Ðến nỗi ngày hôm nay, nhắc lại việc tử đạo của hai ngài Hội Thánh hân hoan cử hành một ngày vinh quang.
Quả thật hôm nay chúng ta kính nhớ cuộc chiến vẻ vang của hai thánh Tông đồ. Gian khổ các ngài đã chịu thật là sức mạnh của hỏa ngục. Nhưng Chúa đã bảo hộ các ngài. Các ngài đã đưa con thuyền Giáo hội vượt xa qua bao sóng gió... Con thuyền ấy cứ mỗi ngày một lớn. Và nhìn khắp mặt biển trần gian, không chỗ nào mà ta không thấy nó. Có chỗ nó đang ung dung rẽ sóng. Chỗ khác, nó lại như thuyền của các Tông đồ gặp bão trên mặt hồ Tibêria. Chính trong những trường hợp khó khăn này, khuôn mặt của Phêrô và Phaolô như lại nổi lên, nhắc lại Lời Chúa hứa sẽ ở cùng Hội Thánh mãi mãi và sức mạnh của hỏa ngục sẽ chẳng làm gì được.
Chúng ta hãy lưu ý tỉ mỉ hơn đến điều nhắn nhủ của các ngài.

C. Các Ngài Kêu Gọi Chúng Ta Tin Tưởng
Ðối với chúng ta, các ngài có một tình yêu thương đặc biệt. Bài thư Phaolô gửi cho Timôthê làm chứng điều ấy. Phêrô chắc chắn cũng đồng ý khuyên nhủ chúng ta như vậy. Vì hôm nay là lễ của hai ngài, Giáo hội nhắc nhớ lại cuộc đời phấn đấu kiên trung và thành quả của các ngài. Sự kiện này nào muốn nói lên gì khác hơn việc kêu gọi chúng ta hãy bắt chước các ngài.
Phaolô nói với Timôthê, tức là với tất cả chúng ta. Chúa đã phù hộ và ban sức mạnh cho người. Chúa sẽ cứu và độ người vào Nước trên trời. Và hoàn lại cho người triều thiên công chính, không phải cho người mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đầy lòng mến yêu trông đợi cuộc hiển linh của Chúa. Nói tắt, hai thánh Tông đồ đã muốn cho chúng ta cũng mến Chúa và tin tưởng phấn đấu cho Chúa.
Vì thế chúng ta phải nhìn lại đời sống các ngài để thấy từ đầu các ngài đã đón nhận ơn Chúa thế nào và đã tiếp tục làm sao để đi đến vinh quang ngày nay. Các ngài đã được Chúa chiếu cố một cách đặc biệt và đã được Người tiếp tục bảo hộ. Có thể nói các ngài chẳng có công trạng nào hết: Phêrô rõ ràng là người không có gì cả; còn Phaolô đã có lần khẳng định mọi điều người có theo xác thịt, thì người đã bỏ đi hết và coi như phân bón để được tình yêu nhưng không của Ðức Yêsu Kitô.
Ðó là thái độ căn bản của Kitô giáo. Người ta phải hủy bỏ con người cũ và mọi sự thuộc về nó để mặc lấy con người mới là Thần trí của Ðức Yêsu Kitô hầu chỉ còn sống cho Thiên Chúa. Khi đó người ta mới là người của Chúa và là lợi khí để Người dùng vào việc xây dựng Nước Trời. Và triều thiên công chính mới để dành cho người ấy.
Chúng ta có nên sợ trở thành những con người như vậy không? Có lẽ nhiều người ngại ngùng khi nghe nói đến thái độ từ bỏ. Nhưng ai có gì lắm mà sợ phải bỏ? Ðàng khác điều quan trọng là từ bỏ con người cũ; chứ từ bỏ những sự vật chất đâu đã là điều khó lắm. Và con người cũ là tinh thần không muốn đón nhận mạc khải của Chúa, không để cho Lời Chúa đi vào tâm hồn và sinh động ở trong đó để dần dần đổi mới chúng ta từ bên trong. Cả Phêrô và Phaolô đều đã bắt đầu đi vào đường lối của Chúa khi đón nhận lời mạc khải. Phêrô đã để Chúa Cha nói lên ở trong mình. Phaolô đã để lời Chúa Yêsu lọt vào tai khiến mình quỵ xuống và trở nên con người mới. Chúng ta phải bắt đầu nên thánh từ thái độ đầu tiên ấy: tức là đón nhận lời mạc khải, đón nhận ơn Chúa vào mình và để cho chính ơn Chúa từ đó làm việc nơi chúng ta.
Giờ đây Chúa cũng đến với chúng ta trong thánh lễ. Mình Máu Thánh Chúa đến tăng cường cho Lời Chúa chúng ta vừa nghe. Ai đón nhận Lời Chúa và Mình Thánh Chúa thật sự, sẽ để Người tiếp tục sống trong mình. Chính Người sẽ hoàn thành công việc của Người nơi chúng ta như nơi hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Chúng ta hãy cầu xin hai thánh cho chúng ta biết bắt chước các ngài.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thánh Phêrô và Phaolô
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Trung thành làm chứng nhân cho Thiên Chúa tới cùng.
Hội Thánh được xây dựng vững chắc trên hai cột trụ; vì nếu chỉ xây trên một cột trụ, sẽ không đứng vững, giống như người chỉ có một chân. Phêrô rao giảng cho dân Do-thái, Phaolô rao giảng cho Dân Ngoại. Phêrô lo tổ chức và bảo vệ Hội Thánh, Phaolô lo phát triển và bành trướng Hội Thánh.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên sự lựa chọn, bảo vệ, và ban ơn của Thiên Chúa dành cho hai ông. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật việc thiên sứ giải thoát Phêrô khỏi ngục tù. Trong Bài Đọc II, Phaolô xác quyết nhờ sức mạnh của Thiên Chúa, ông đã chiến đấu một trận chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường, và đã trung thành giữ vững đức tin. Trong Phúc Âm, sau khi Phêrô được Thiên Chúa soi sáng để nhận ra và tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, Ngài đã chính thức thiết lập Giáo Hội trên Đá Tảng Phêrô; và Ngài hứa sẽ bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi quyền lực của thế gian và ma quỉ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ông Phêrô được thiên sứ giải thoát khỏi ngục tù.

1.1/ Giáo Hội bị bách hại: Chúa Giêsu đã báo trước cho các tông-đồ: "Tôi tớ không trọng hơn chủ và môn đệ không hơn Thầy. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em." Sau khi Chúa Giêsu về trời, Giáo Hội tại Jerusalem bị bắt bớ dữ dội, bắt đầu bằng cuộc tử đạo tiên khởi của phó tế Stephanô. Trình thuật hôm nay liệt kê cuộc bắt bớ của vua Herode: "Thời kỳ ấy, vua Herode ra tay ngược đãi một số người trong Giáo Hội. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men. Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng."
Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: "Họ sẽ giết chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác." Phêrô, Giacôbê, và Gioan được coi như những môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu; giờ đây Giacôbê đã bị giết, Phêrô bị cầm tù. Vì thế, Giáo Hội không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông.

1.2/ Thiên sứ giải thoát Phêrô: Đức Kitô biết đau khổ do bắt bớ và tù đày cần thiết để tôi luyện niềm tin của các tông-đồ và để bành trướng đức tin; nên Ngài để cuộc bách hại xảy ra. Nhưng Ngài cũng biết Giáo Hội của Ngài cần sự lãnh đạo của Phêrô, nên Ngài sai một thiên sứ tới để giải thoát ông khỏi ngục tù, như Ngài sẽ làm tương tự với Phaolô sau này.
- Xiềng xích và lính canh trở nên vô hiệu trước quyền lực của Thiên Chúa: Trình thuật kể: "Trong đêm trước ngày bị vua Herode đem ra xử, ông Phêrô ngủ giữa hai người lính, và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông và bảo: "Đứng dậy mau đi!" Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông."
- Phêrô làm theo lệnh thiên sứ một cách vô thức: "Thiên sứ nói tiếp: "Thắt lưng lại và xỏ dép vào!" Ông làm như vậy. Rồi thiên sứ lại bảo ông: "Khoác áo choàng vào và đi theo tôi!" Ông liền theo ra, mà không biết việc thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng là mình thấy một thị kiến. Qua vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, thiên sứ và ông tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường phố, thì bỗng nhiên thiên sứ bỏ ông mà đi." Tất cả những việc này xảy ra khi lính vẫn canh và cửa tù vẫn khóa.
- Phêrô ý thức mình đã được cứu thoát: "Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn và nói: "Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Herode, và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải chịu."" Khi Thiên Chúa muốn, Ngài vô hiệu hóa mọi quyền lực thế gian.

2/ Bài đọc II: Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính.
2.1/ Chiến đấu cho chính nghĩa: Giống như Chúa Giêsu khi sắp rời bỏ thế gian để về cùng Thiên Chúa, Ngài dành thời gian để kiểm điểm những gì Ngài đã làm, những gì sắp xảy đến, và vinh quang Ngài sẽ được hưởng trong tương lai; Phaolô cũng thế.
(1) Nhìn lại quá khứ: "Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin."
+ Cuộc thi đấu cao đẹp: Thế gian là một bãi chiến trường để Thiên Chúa thử luyện đức tin của con người. Nhìn lại quá khứ, Phaolô biết mình đã cố gắng hết sức vượt qua các gian khổ để chu toàn sứ vụ Đức Kitô đã trao phó cho ngài.
+ Đã chạy hết chặng đường: Cuộc đời con người có thể ví như một cuộc chạy Marathon, có nguồn gốc từ quốc gia Hy-lạp. Đây là một cuộc chạy đường dài rất gian khổ, đòi người chạy phải có sức khỏe dẻo dai để chịu đựng. Nhiều người ghi danh, không nhằm chạy nhanh để đạt đích trước, nhưng chỉ cần thử xem mình có thể dẻo dai để về tới đích hay không. Nhiều người không chịu nổi phải bỏ cuộc dọc đường.
+ Đã giữ vững niềm tin: Đây là điều tối quan trọng để lãnh phần thưởng từ Đức Kitô. Nếu ai chạy đến đích mà đánh mất niềm tin ở dọc đường, người ấy sẽ không được lãnh nhận phần thưởng từ Đức Kitô.
(2) Kiểm điểm hiện tại: "Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi." Thánh Phaolô được Đức Kitô hiện ra cho biết trước: ông sẽ bị bắt ở Jerusalem để làm chứng cho Ngài; không những thế, ông sẽ còn làm chứng cho Đức Kitô tại Rôma nữa. Nhiều tín hữu khóc thương ngăn cản; nhưng ông vẫn quyết chí lên Jerusalem để chịu bắt bớ như Đức Kitô đã từng trải qua.
(3) Hy vọng tương lai: Con người chiến đấu là cho một mục đích. Giống như lực sĩ thắng giải được khoác vòng hoa chiến thắng, Phaolô biết rõ mình cũng sẽ được Đức Kitô đeo vòng hoa chiến thắng cho như vậy. Ngài nói: "Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy." Phaolô dùng kinh nghiệm cá nhân để động viên tinh thần các môn đệ: "Và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện." Nếu Timothy, Titô, hay bất cứ một tín hữu nào trung thành giao chiến tới cùng, họ cũng sẽ lãnh nhận phần thưởng của các chứng nhân từ Đức Kitô.
2.2/ Phaolô chiến thắng là nhờ sức mạnh của Thiên Chúa: Ông biết rõ con người yếu đuối của mình, nhất là qua biến cố ngã ngựa và bị mù trên đường đi Damascus; nhưng ông cũng biết sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động để nâng đỡ các yếu đuối của ông. Ông xác tín niềm tin này nhiều lần, và trong trình thuật hôm nay: "Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. "

3/ Phúc Âm: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?"
3.1/ Người môn đệ phải biết Thầy của mình là ai:
(1) Kiến thức về Đức Kitô: Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elijah, có người lại cho là ông Jeremiah hay một trong các vị ngôn sứ." Vua Herode đã từng nghĩ Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết. Elijah là một tiên tri làm nhiều phép lạ như Chúa Giêsu; truyền thống tin ông sẽ trở lại trước thời Đấng Thiên Sai, vì ông chưa chết. Jeremiah là tiên tri rất khí khái dám nói và làm chứng cho sự thật, mà không lui bước trước bất cứ quyền lực nào của vua chúa. Tất cả các nhận định này chỉ nói lên một khía cạnh của Đức Kitô, nhưng chưa nói lên được căn tính của Ngài.
(2) Mối liên hệ của người môn đệ với Đức Kitô: Chúa Giêsu không chỉ bằng lòng với những gì các môn đệ biết về Ngài qua người khác; nhưng Ngài muốn các ông nghĩ sao về Ngài, nên Ngài hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô, đại diện cho các tông đồ, tuyên xưng: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đây là câu trả lời mà Chúa Giêsu muốn nghe: Ngài chính là Đấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã nói tới; đồng thời, Ngài cũng là Người Con Một của Thiên Chúa hằng sống. Chỉ khi nghe được lời tuyên xưng này từ miệng các môn đệ, Chúa Giêsu mới hoàn thành sứ mệnh mặc khải của Ngài.
3.2/ Hội Thánh được xây dựng trên Tảng Đá là Phêrô: Đức Giêsu nói với ông Phêrô: "Này anh Simon, con ông Jonas, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời." Thánh Phaolô cắt nghĩa rõ ràng điều này hơn: Không ai tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, mà không do Thánh Thần soi sáng. Thánh Thần được gởi tới cho các tông-đồ là do sự can thiệp của Chúa Giêsu với Chúa Cha.
Nhận ra niềm tin xác thực của Phêrô, Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội khi Ngài nói với Phêrô: "Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." Trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa đổi tên cho ai, Ngài tin tưởng và trao sứ vụ cho người ấy. Ví dụ, Abraham từ Abram, Phaolô từ Saul, và Phêrô từ Simon ... Chúa Giêsu muốn trao quyền điều khiển Giáo Hội vào tay Phêrô và các người kế vị ông. Tảng Đá đây không phải là con người yếu đuối của Phêrô với ba lần chối Thầy; nhưng là đức tin của ông vào Đức Kitô sau nhiều lần sa ngã và chịu gian khổ.
Đức tin của Giáo Hội được đặt trên niềm tin nền tảng của các tông-đồ. Đức tin này được ví như "đá," có nghĩa vững chắc và không thay đổi với thời gian. Nhiều người chỉ trích Giáo Hội cổ hủ, cứng nhắc, không chịu theo thời ... nhưng cũng chính vì điều này mà Giáo Hội được thiết lập. Nếu Giáo Hội cũng thay đổi để được con người chấp nhận, hòa giải nhượng bộ trước áp lực của ma quỉ và thế gian, Giáo Hội sẽ không tồn tại đến ngày hôm nay.
Chúa Giêsu trao chìa khóa Nước Trời để nói lên quyền cầm buộc và tháo cởi: "Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Công dụng của chìa khóa là để mở ra và đóng lại, cho phép vào và từ chối không cho vào. Giáo Hội dùng quyền này để tha thứ hay cầm buộc hối nhân nơi tòa cáo giải.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức Kitô cần cả Phêrô lẫn Phaolô. Ngài muốn hai ông hợp tác để củng cố, bảo vệ, và phát triển Giáo Hội. Chúng ta cũng phải biết cộng tác với nhau trong việc mở mang Nước Chúa.
- Để có thể làm việc cho Đức Kitô và bảo vệ Giáo Hội, chúng ta không chỉ cần biết về Đức Kitô, nhưng phải sống mối liên hệ với Ngài.
- Giáo Hội không phải chỉ là Đức Thánh Cha và hàng Giáo Phẩm; nhưng là tất cả các tín hữu ở khắp nơi. Tất cả đều có bổn phận trong việc mở mang Nước Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

29/06/13 THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Th. Phêrô và Phaolô, tông đồ
Mt 16,13-19

HIỆP NHẤT XÂY DỰNG HỘI THÁNH
Đức Giê-su nói :”Anh là Phê-rô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)
Suy niệm: Phêrô và Phaolô là hai tông đồ khác nhau như nước với lửa: Phêrô là dân đánh cá ít học, Phaolô thuộc tầng lớp trí thức; Phêrô theo Chúa ngay từ đầu, còn Phaolô là ‘đứa trẻ sinh non’ (1Cr 15,8) mãi sau này mới theo Chúa; Phêrô gắn bó với Kitô hữu gốc Do Thái, còn Phaolô rao giảng cho dân ngoại. Khác nhau về gốc gác, về quan điểm truyền giáo, thế nhưng, trong Đức Giêsu, cùng với Đức Giêsu và vì Đức Giêsu, Đấng cả hai quý mến hơn mọi sự trên đời, Phêrô và Phaolô hiệp nhất trong một công trình chung: xây dựng Hội thánh của Đức Giêsu bằng lòng nhiệt thành hăng say rao giảng, bất chấp đòn vọt, tù đày (Phêrô), “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Phaolô). Hai vị còn giống nhau trong cái chết hy sinh mạng sống cho Đấng mình yêu: Phêrô bị đóng đinh ngược đầu xuống đất, Phaolô bị chém đầu.
Mời Bạn: Nhớ rằng Hội thánh chủ ý mừng hai vị tông đồ trong một ngày lễ chính là để nêu cao tinh thần hiệp nhất trong công cuộc xây dựng Hội thánh. Bạn có quyết gạt bỏ những bất đồng để cùng hiệp nhất xây dựng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, đoàn thể… không?
Sống Lời Chúa: Noi gương hai thánh Phêrô và Phaolô, tôi sẽ dẹp bỏ những tị hiềm, gạt bỏ những bất đồng với các thành viên khác, để xây dựng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ… tốt đẹp hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã đặt thánh Phêrô là Đá, trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh Chúa ở trần gian. Xin cho chúng con luôn hiệp nhất với Đấng Kế vị thánh Phêrô và với nhau để góp phần xây dựng Hội Thánh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét