Trang

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

04-06-2013 : THỨ BA TUẦN IX MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Ba Ngày 04/06/2013
Tuần IX Thường Niên – Năm C



BÀI ĐỌC I: Tb 2, 10-23
"Tuy bị mù loà, ông cũng không phiền trách Thiên Chúa".

Trích sách Tôbia.
Xảy ra trong một ngày nọ, Tôbia đi chôn xác mệt nhọc, trở về nhà, ông liền nằm ngủ bên vách tường, thì phân nóng chim én từ tổ rơi xuống (trúng) mắt ông, khiến ông bị mù. Chúa cho phép ông chịu thử thách như thế, để nêu gương nhẫn nại cho hậu thế như thánh Gióp xưa. Vì từ lúc còn bé, ông có lòng kính sợ Thiên Chúa, và tuân giữ giới răn của Người. Tuy bị mù loà, ông cũng không phiền trách Thiên Chúa; trái lại, ông vẫn một lòng kính sợ Thiên Chúa, và tạ ơn Người hằng ngày trong đời ông. Vả các vua xưa nhạo báng thánh Gióp thế nào, thì nay bà con họ hàng cũng chê cười đời sống của ông mà rằng: "Hy vọng của ông ở đâu? Ông làm phúc và chôn xác được ích gì?" Nhưng Tôbia quở trách họ rằng: "Các ngươi đừng nói vậy, vì chúng ta là con cái các thánh, chúng ta trông đợi cuộc sống mà Thiên Chúa sẽ ban cho những ai không bao giờ thay đổi lòng tin vào Người".
Còn bà vợ của ông là Ana, hằng ngày đi dệt vải, hễ kiếm được gì bởi tay mình làm để nuôi thân, bà (cũng) đem về. Bởi đó, có lần bà nhận được một con dê đem về nhà; khi ông chồng nghe tiếng dê be be, liền nói: "Coi chừng kẻo lỡ phải của ăn trộm đó. Hãy dắt đem trả cho chủ nó, vì chúng ta không được phép dùng đến của ăn trộm". Bà vợ ông nổi giận, trả lời rằng: "Rõ là niềm hy vọng của ông ra vô ích, và kết quả việc bố thí của ông nay đã rõ ràng!" Và bà tiếp tục nói những lời như thế mà mạt sát ông. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 111, 1-2. 7bc-8. 9
Đáp: Lòng người công chính vững vàng trông cậy vào Chúa (x. c. 7c).
Hoặc đọc: Alleluia.

1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Đất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.  - Đáp.
2) Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng cậy trông vào Chúa. Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, cho tới khi nhìn thấy kẻ thù phải hổ ngươi.  - Đáp.
3) Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi; sừng người được ngẩng lên trong vinh quang.  - Đáp.

ALLELUIA: 1 Pr 1, 25

Alleluia, alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 12, 13-17
"Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?" Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: "Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền". Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: "Hình và ký hiệu này là của ai?" Họ thưa: "Của Cêsarê". Người liền bảo họ: "Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa". Và họ rất đỗi kinh ngạc về Người. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Một qui luật sống
Tin Mừng hôm nay ghi lại một cuộc tranh luận khác giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái. Ở đây, chúng ta lại thấy hai nhóm liên kết lại, kể từ khi họ bắt hụt Chúa Giêsu khi Ngài rao giảng ở Capharnaum (3,6). Phái Hêrôđê ủng hộ Hêrôđê Antipa, thủ hiến xứ Galilê thì dựa vào thế lực của Rôma, còn nhóm Biệt phái cũng khá hòa hoãn với giới thống trị.
Thái độ sống giả hình là thái độ của những kẻ đóng kịch, cố gắng làm sao cho người khác thấy sự tốt nơi mình, mà thực ra mình không có. Những người Biệt phái và những người thuộc phái Hêrôđê là những kẻ giả hình, bởi vì họ làm ra vẻ muốn tìm biết sự thật, mà kỳ thực chỉ là để tìm dịp bắt bẻ Chúa. Họ đến với Chúa, khen Ngài là người chân thật, cứ theo sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc lời nói khéo léo của họ lại che đậy một thủ đoạn, một âm mưu trả thù. Ðó là đường lối của con người, nhất là của hạng người vụ lợi, ích kỷ, tham quyền.
Thật thế, sau khi giả vờ khen Chúa, họ liền chất vấn Ngài: "Có được phép nộp thuế cho César không?". Vấn đề xem ra đơn giản, nhưng thực ra là một cạm bẫy. Theo họ, Chúa Giêsu là nhà cách mạng thuộc dòng tộc Ðavít, chắc hẳn Ngài sẽ bảo họ không nộp thuế cho César, và thế là sa bẫy họ, lúc đó, họ sẽ có lý do để bắt bớ, giải nộp và giết Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái bẫy của họ không có gì là nan giải, vì khôn ngoan của loài người chỉ là dại khờ trước mặt Thiên Chúa. Mặc dù biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của César, Ngài nói tiếp: "Của César, trả về César; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa". Nói khác đi, một khi đã được hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của César, thì có bổn phận đền đáp cho César; nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa: con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài. Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của của quyền bính trần thế: "Của César, trả về César", nhưng Ngài thêm: "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Chúa nhắc nhở rằng quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Xin Chúa soi sáng để chúng ta biết phân biệt điều gì thuộc César, điều gì thuộc Thiên Chúa, để chu toàn bổn phận đối với trần thế và đối với Thiên Chúa.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 9 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Của ai trả về cho người ấy.

Để bảo vệ trật tự chung và sống an hòa với mọi người, mỗi người chúng ta đều phải biết khả năng và giới hạn của mình; chẳng hạn, trong hệ thống điều khiển quốc gia, đã có 3 ngành: luật pháp, hành pháp, và tư pháp. Mỗi ngành phải biết quyền năng và giới hạn của mình để đừng dẫm chân lên nhau và gây xáo trộn trật tự. Trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa cũng thế, con người phải biết khả năng và giới hạn của mình, để đừng thử thách và can thiệp vào những chuyện của Thiên Chúa.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta vài ví dụ để nhận ra sự bất hòa, khi một người vượt quá khả năng và giới hạn của mình. Trong Bài Đọc I, ông Tobit vượt quá giới hạn của mình khi phán đoán vợ mua dê con của phường trộm cắp. Bà Anna, vợ ông, cũng vượt quá giới hạn của mình khi thắc mắc về sự quan phòng của Thiên Chúa, và sự "quá đạo đức" của chồng mình. Trong Phúc Âm, những người thuộc phái Pharisees và phái Herode đã vượt quá khả năng của mình khi đặt câu hỏi và gài bẫy Chúa: "Có nên nộp thuế cho Caesar hay không?"

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tại sao làm việc thiện mà vẫn gặp điều xấu?

1.1/ Ông Tobit bị mù khi ông mới hoàn tất 2 việc thiện: sai con đi mời người nghèo về dùng bữa, và vừa mới chôn xác kẻ chết.

(1) Truyền thống Do-thái và ngay cả Á-Đông đều tin: "Trời cao có mắt!" Ai làm lành sẽ được Thiên Chúa thưởng; ai làm ác sẽ bị Thiên Chúa phạt. Trong thực tế, việc đó không luôn luôn xảy ra vì nhiều khi kẻ dữ vẫn thịnh vượng; trong khi người lành phải chịu đau khổ, như trường hợp của ông Tobit hôm nay; hay như trong trường hợp của ông Job.

(2) Những người không có niềm tin vững chắc sẽ nghi ngờ không biết có Thiên Chúa hay không? Và nếu có, Thiên Chúa có quan tâm đến việc làm của họ không? Chính Bà Anna đặt vấn đề với ông Tobit: "Các việc bố thí của ông ở đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi!" Hậu quả nếu không tìm được câu trả lời thích đáng: Con người dễ bị nản chí để không tin và làm theo những gì Thiên Chúa đòi hỏi. Ngược lại, họ sẽ làm những gì mà họ cho rằng đúng. Chúng ta phải chờ đến kết cuộc của Sách Tobit, mới có thể hiểu lý do tại sao người lành phải chịu đau khổ.

1.2/ Hiểu lầm giữa hai vợ chồng: Bà Anna phải làm việc để có tiền chi tiêu trong gia đình. Bà nhận làm những công việc dành cho phụ nữ. Chủ của Bà là người rộng lượng nên "ngày mồng bảy tháng Dytro, nàng xén tấm vải đã dệt xong, rồi giao cho chủ. Tiền công bao nhiêu, họ trả hết cho nàng, lại còn thưởng cho một con dê con để ăn một bữa."
- Ông Tobit đặt câu hỏi về sự hiện diện của con dê: "Con dê nhỏ đó ở đâu ra vậy? Có phải của trộm cắp không? Đem trả lại cho chủ nó đi! Vì chúng ta không có quyền ăn của trộm cắp."
- Bà Anna bảo chồng: "Đó là quà người ta thưởng cho tôi, thêm vào số tiền công!"
- Ông Tobit không tin nàng và cứ bảo nàng phải trả lại cho chủ. Tại sao ông không tin nàng?
+ Dê con là con vật đắt tiền bên Do-thái; nên ông nghĩ Bà có thể là mua lại của trộm cắp.
+ Khi người khác cho quà, người nhận cẩn thận luôn tìm hiểu lý do tại sao; nhiều khi "há miệng ăn rồi mắc nợ." Ông Tobit không muốn vợ mình nhận quà của người lạ.
- Bà Anna tức giận vì chồng ngoan cố không tin, nên nguyền rủa chồng: "Các việc bố thí của ông ở đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi!"

Cả hai vợ chồng đều mắc lỗi trong biến cố này: Tobit mắc lỗi vì đã không tin và phán đoán không tốt vợ mình. Bà Anna cảm thấy sự đạo đức của ông đi quá xa nên đã nặng lời với ông và nghi ngờ sự quan phòng của Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

2.1/ Câu hỏi gài bẫy Chúa: Lỗi lầm lớn nhất của con người là nghi ngờ và thử thách Chúa. Họ dùng những suy nghĩ và cách hành xử của mình để so sánh và áp đặt trên Thiên Chúa. Nếu họ thấy là tốt đẹp là điều hay, Thiên Chúa cũng phải cho như vậy; nếu họ nghĩ là chuyện không thể làm được, Thiên Chúa cũng phải bó tay. Họ quên đi một điều mà tiên tri Isaiah đã nhắc nhở: Tư tưởng và đường lối của các ngươi không phải là tư tưởng và đường lối của Ta. Như trời cao hơn đất chừng nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các ngươi như vậy.

Trình thuật hôm nay cũng thế, họ cử mấy người Pharisees và mấy người thuộc phe Herode đến thử Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ hỏi người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Caesar hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?" Hai loại người họ gởi tới là hai cái bẫy để Ngài phải rơi vào:

(1) Người Pharisees là cái bẫy tôn giáo: Họ quan niệm không phải nộp thuế cho Caesar, vì con người chỉ mắc nợ Thiên Chúa. Nếu Chúa Giêsu trả lời phải nộp thuế, họ sẽ kết tội Ngài vào hùa với ngoại bang để bóc lột dân chúng.

(2) Người thuộc phe Herode là cái bẫy chính trị: Nếu Chúa Giêsu trả lời không nộp thuế, họ sẽ kết tội Ngài phản động chống lại Caesar

Họ nghĩ là họ nắm chắc phần thắng, vì Chúa chỉ có thể trả lời hoặc có hoặc không. Chúa trả lời có hay không, họ đều có lý do để buộc tội Ngài.

2.2/ Câu trả lời khôn ngoan của Chúa Giêsu: Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!" Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?" Họ đáp: "Của Caesar." Đức Giêsu bảo họ: "Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."

(1) Phản ứng của những kẻ gài bẫy: "Họ hết sức ngạc nhiên về Người." Trước tiên, họ không ngờ Ngài có thể thoát bẫy họ giăng một cách dễ dàng như thế.

(2) Ý nghĩa câu trả lời của Chúa Giêsu: Chúa nhắc khéo cho những người Pharisees đừng giả hình, vì họ cũng từng lấy mọi thứ thuế của dân đóng vào Đền Thờ. Các tín hữu có hai bổn phận: Họ có bổn phận phải trả lại cho Thiên Chúa những gì Ngài đã ban cho họ. Họ cũng có bổn phận nộp thuế cho chính phủ để bảo vệ an ninh, tu bổ đường xá, và cung cấp các dịch vụ công cộng. Chúa cũng nhắc nhở cho những người thuộc phe Herode biết giới hạn của mình. Họ chỉ có quyền trên những gì thuộc quyền con người; những gì thuộc quyền Thiên Chúa, họ không được đụng tới.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần biết khả năng và giới hạn của mình trong cách cư xử giữa con người với con người để bảo đảm trật tự chung và sống hòa thuận với mọi người.

- Chúng ta càng cần biết khả năng và giới hạn của mình trong cách cư xử với Thiên Chúa, để có thể giữ vững đức tin và gặt hái được các kết quả tốt đẹp do việc làm theo thánh ý Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 9 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Thứ Ba :

Mc 12,13-17

A. Hạt giống...
1. Cuộc chất vấn về vấn đề nộp thuế này không nhằm mục đích tìm hiểu mà chỉ nhằm gài bẫy hại Chúa Giêsu.
2. Chúa Giêsu trả lời vừa khéo, vừa rõ : "Của Xêda hãy trả cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa". Nghĩa là mỗi người hãy chu toàn bổn phận đối với những người cầm quyền và đối với Thiên Chúa.
3. Đặc biệt, Chúa Giêsu còn nhắc những đối thủ của Ngài : do ý đồ gài bẫy hại Ngài, họ chỉ quan tâm đến những ý đồ chính trị. Họ hãy nhớ còn những bổn phận khác quan trọng hơn mà họ phải chu toàn, đó là những bổn phận đối với Thiên Chúa.

B.... nẩy mầm.
1. Những người biệt phái và đảng Hêrôđê đã dùng những lời lẽ rất tốt đẹp như những tấm lá che trên cái hố mà họ đã đặt sẵn chiếc bẫy ở dưới. Tôi liên tưởng tới những lời nói đầu môi chót lưỡi, những lời khen ngợi không thành thực, những câu nói gài bẫy hại người. Sống với những người như thế thật là nguy hiểm. Nếu tôi mà là như thế thì cũng thật nguy hiểm cho những người sống chung với tôi.
2. "Hãy đưa cho Ta xem đồng tiền…. Hình và ký hiệu này là của ai ?…" : Chúa Giêsu dạy tôi chớ bộp chộp phản ứng hay phán đoán. Hãy xem xét kỹ vấn đề dựa trên những sự kiện, những dấu chỉ, và hãy phân biệt rõ những lãnh vực, cái nào là của Xêda cái nào là của Thiên Chúa.
3. Trong cuộc sống của tôi, những gì là "của Xêda" (nghĩa là thuộc về vật chất, thế gian) và những gì là "của Thiên Chúa". Tôi đã trả cho mỗi bên như thế nào ? Có trả đủ không ?
4. Một người kia rất nghèo. Chúa thương ban cho anh 10 trái táo : 3 trái để anh ăn, 3 trái để anh bán đi lấy tiền cất một túp lều che nắng che mưa, 3 trái để anh bán đi lấy tiền mua quần áo mặc, và trái thứ 10 để anh làm lễ vật dâng lên Chúa biểu lộ lòng biết ơn.
Anh cầm 10 trái táo Chúa ban, ăn 3 trái, bán 3 trái lấy tiền cất lều, bán 3 trái lấy tiền mua quần áo. Còn lại trái thứ 10, anh thấy hình nó to và ngon những trái trước. Anh thèm quá. Nhưng anh nhớ Chúa bảo anh dâng nó cho Ngài để tỏ lòng biết ơn. Tuy nhiên anh tự lý luận rằng Chúa có tất cả mọi trái táo trên thế gian này, cần gì một trái táo nhỏ bé của anh. Thế là anh ăn nốt (First Baptist Reminder).
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

04/06/13 THỨ BA TUẦN 9 TN
Mc 12,13-17

DÁM SỐNG THEO SỰ THẬT
Biết họ giả hình, Đức Giê-su nói :”Tại sao các người lại thử tôi ?” (Mc 12,15)
Suy niệm: Đạo diễn Trần Văn Thuỷ trong cuốn tự truyện “Chuyện nghề của Thủy”, nhận định: “Một xã hội gồm những con người vô đạo, không biết sợ cái gì, tin vào cái gì là một xã hội cực kỳ nguy hiểm.” Nguy hiểm vì những con người vô đạo ấy dám làm mọi điều, kể cả giả dối, để thỏa mãn sự vô đạo của mình. Chính sự giả dối đã làm cho con người không còn tin vào bất cứ điều gì nữa, thậm chí không còn tin vào nhau. Họ không chỉ giả dối với nhau mà còn giả dối với Thiên Chúa, chối bỏ sự hiện diện của Ngài trong chính họ. Trong một xã hội như thế, sự giả dối vây quanh, chen vào tận ngõ ngách tâm hồn, sản sinh loại giả dối này đến loại giả dối khác. Đó là biểu hiện của sự sa sút đạo đức và sự thống trị của ma quỷ, vì ma quỷ là “cha của sự giả dối” (Ga 8,44). Chúa Giêsu muốn lột trần mặt nạ giả dối của con người: “Tại sao các ngươi lại thử tôi,” để mỗi người nhận rõ khuôn mặt thật của mình, khuôn mặt của con Thiên Chúa và tâm lòng giống “hình ảnh Thiên Chúa”. Ai thuộc về sự thật thì thuộc về Chúa.
Mời Bạn: “Không có gì cao hơn sự thật và không có gì thấp hơn sự dối trá.” Đáng tiếc rằng nhiều người không dám vươn cao lên để sống sao cho ra người và là người con của Chúa, không dám sống theo Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Còn bạn thì sao?
Chia sẻ: Có lắm khi chúng ta không dám sống chân thật. Tại sao thế?
Sống Lời Chúa: Nói lời chân thật và sống chân thật với mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sống theo sự thật, vì Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, dù phải chịu thiệt thòi vì sống chân thật.

Của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa

Suy Niệm:
Nhóm Pharisêu và nhóm Hêrôđê không phải là hai nhóm hợp nhau.
Nhưng họ lại rất hợp nhất trong việc muốn trừ khử Đức Giêsu (Mc 3, 6).
Ngài đã từng nhắc các môn đệ đề phòng “men” của hai nhóm này (Mc 8, 15).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại liên minh với nhau để giăng bẫy.
Trước khi đưa Đức Giêsu vào bẫy, họ đã lấy lòng bằng những lời ca ngợi.
Rồi cái bẫy được giăng ra, sắc như một con dao hai lưỡi.
“Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (c. 14).
Đã từng có những câu hỏi như thế.
“Có được phép chữa bệnh trong ngày sa bát không?” (Mt 12, 10).
“Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19, 3).
Được phép có nghĩa là không đi ngược với Luật Môsê.
Từ năm thứ sáu sau công nguyên, 
khi Giuđê và Samari trở thành một tỉnh của đế quốc Rôma,
mỗi người dân Do-thái phải nộp một thứ thuế thân cho những kẻ xâm lược.
Đã có những phong trào đứng lên chống lại thứ thuế này.
“Có được phép nộp thuế cho Xêda không?”
Nếu Đức Giêsu nói rõ là được phép nộp thì đụng đến lòng ái quốc của dân,
và cũng đụng đến nhóm Pharisêu là những người không chấp nhận
sự thống trị nhơ nhớp của ngoại bang trên phần đất của Thiên Chúa.
Nếu Ngài nói rõ là không được phép nộp thì Ngài sẽ gặp khó khăn với Rôma,
và sẽ đụng đến nhóm Hêrốt là nhóm lãnh đạo dựa dẫm vào thế lực của đế quốc.
Dĩ nhiên Đức Giêsu đã khôn ngoan không trực tiếp trả lời câu hỏi này.
Ngài không rơi vào bẫy, ngược lại, có thể nói, Ngài giăng một cái bẫy khác. 
“Đem cho tôi một đồng bạc để tôi xem” (c. 15).
Đức Giêsu không mang trong mình thứ tiền này, dùng để nộp thuế cho Rôma.
Nhưng kẻ thù của Ngài thì mang, và đưa cho Ngài một đồng bạc.
Đồng bạc này mang hình của Xêda và mang dòng chữ :
“Tibêriô Xêda, con của Augúttô thần linh, Augúttô.”
Khi biết đó là đồng tiền bằng bạc của Xêda, Đức Giêsu đã nói :
“Những thứ của Xêda, hãy trả lại cho Xêda, 
những thứ của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa” (c. 17).
Câu trả lời này đã làm họ sững sờ, không thể nào bắt bẻ được.
Đức Giêsu có vẻ không chống lại chuyện nộp thuế thân cho Xêda.
Nhưng Ngài quan tâm đến một chuyện khác quan trọng hơn nhiều.
Chuyện đối xử công bằng với Thiên Chúa.
Trả lại cho Thiên Chúa mọi sự thuộc về Thiên Chúa: đó là bổn phận.
Đồng tiền mang hình Xêda, nên chúng ta phải trả cho Xêda.
Còn chúng ta là người mang hình ảnh Thiên Chúa, 
nên chúng ta phải dâng trả chính bản thân mình cho Thiên Chúa.
Tên của Giêsu đã được ghi khắc trong tim ta,
nên chúng ta không được quên mình đã thuộc trọn về Giêsu.
Còn bao điều trong đời ta thuộc về Thiên Chúa mà ta vẫn giữ cho mình !
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Xin nhận lấy chọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
Và trọn cả ý muốn của con,
Cùng hết thảy những gì con có,
Và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
Lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen
                                  
Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


SUY NIỆM Mc 12, 13-17
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với những người Pharisêu và phe Hêrôđê. Cái bẫy được giăng ra trước mặt Đức Giêsu với câu hỏi đầy rắc rối của họ: “Vậy, theo ý kiến của Thầy, có nên nộp thuế cho Xêda hay không?”. Nếu trả lời ‘có’, thì tức khắc Ngài sẽ bị dân chúng xem là một kẻ hèn nhát và phản quốc. Còn nếu trả lời ‘không’, thì Ngài sẽ bị nhà cầm quyền bắt vì tội phản loạn. Cả hai cách trả lời đều bất lợi cho Đức Giêsu.
Nhưng Đức Giêsu chẳng trả lời ‘có’ hoặc ‘không’, mà sau khi xem và hỏi hình với danh hiệu khắc trên đồng tiền, và sau khi được trả lời, Ngài đã khẳng khái tuyên bố: "Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa".
Vậy thì, khi chu toàn nghĩa vụ dân sự, thì đồng thời, con người cũng phải và càng phải thực thi trọn vẹn nghĩa vụ tôn giáo.
Nhưng phải chăng, giữa bôn ba với cơm áo gạo tiền, đôi khi tôi vẫn đặt những giá trị tinh thần bên dưới những giá trị vật chất, những giá trị Tin Mừng bên dưới những giá trị của thế gian?
Phải chăng, vì công ăn việc làm, vì ‘chỗ đứng’, nên lắm khi tôi chẳng dám tỏ ra hay nhận mình là người Công giáo?
Phải chăng, trào lưu ‘khử thiêng’ hay ‘loại thiêng’ của xã hội hôm nay cũng đã len lỏi vào đời sống đức tin của tôi, khiến tôi hờ hững với thánh lễ Chúa nhật, xao lãng những dịp lãnh nhận các bí tích?

Mong sao, tôi là một công dân tốt, nhưng cũng là và càng là một Kitô hữu tốt.
Mong sao, tôi luôn xác tín và trân trọng gìn giữ những gì ‘thuộc về Thiên Chúa’ trong cuộc đời tôi.
Lm. AN NAM

Bài đọc thêm


CÁC NHÓM TÔN GIÁO TRONG ISRAEL THỜI CHÚA GIÊSU[1]

Các bài Tin mừng được chọn trong phụng vụ của tuần này có đề cập đến nhóm Kinh sư, Biệt phái (Pharisiêu), Sađốc. Xin gởi đến các bạn những nét chính của các nhóm tôn giáo trong Israel vào thời Chúa Giêsu. Có bốn nhóm chính:
a. Nhóm Sađốc
Nhóm này gồm giới giáo sĩ cấp cao, phần lớn các tư tế ở Giêrusalem và nhiều kỳ mục. Nét chung của họ là tính bảo thủ, họ chống lại mọi thay đổi về mặt thần học, phụng tự hay chính trị. Họ có thái độ hòa hoãn với người Rôma, có thể là để duy trì địa vị, bổng lộc. Dầu sao càng ngày họ càng xa rời dân chúng, uy tín của họ chỉ dựa trên chức vụ tư tế mà họ đảm nhận. Bởi vậy khi đền thờ sụp đổ năm 70, nhóm này cũng biến mất khỏi lịch sử.
Xét về mặt giáo thuyết, nhóm Sađốc phủ nhận thưởng phạt đời sau và sự phục sinh (Mt 22,23; Cv 23,6-8), bởi họ gắn bó với quan niệm truyền thống về âm phủ. Họ không coi trọng các luật truyền khẩu nhu nhóm Pharisiêu, nhưng lại hết sức trung thành với nghĩa đen của Kinh Thánh. Họ quý chuộng đặc biệt Ngũ Thư hơn mọi sách thánh khác. Ðức Giêsu cũng đã có lần tranh luận với họ về sự phục sinh (Mc 12,18-27).
b. Nhóm Pharisiêu
Ðây là một nhóm gồm đa số là dân thường thuộc giai cấp trung lưu, tuy cũng có các tư tế vùng quê và các thầy Lêvi tham dự. Không phải mọi người Pharisêu đều là kinh sư, nhưng hầu như mọi kinh sư đều là Pharisêu. ý nghĩa của từ pharisaioi còn được tranh luận; nhiền người cho rằng nó có nghĩa là "những kẻ sống tách biệt", từ đó có lối gọi "biệt phái". Nhóm này bắt nguồn từ nhóm những người đạo đức (Hassidim) ở thời Macabê. Vào thời Ðức Giêsu, các người Pharisiêu rất được kính trọng vì chính đời sống đạo đức của họ. Họ họp thành những cộng đoàn nhỏ, đóng kín. Họ chuyên cần suy niệm Kinh Thánh và quyết tâm tuân giữ tỉ mỉ mọi khoản luật, thành văn cũng như truyền khẩu. So với nhóm Sađốc, họ có tinh thần cởi mở hơn về mặt giáo lý và giải thích Kinh Thánh. Khuôn mặt người Pharisiêu được mô tả trong Tin Mừng không phản ảnh hết sự thực về nhóm người này. Có lẽ Ðức Giêsu lúc còn bé đã được các người Pharisiêu dạy giáo lý và cầu nguyện ở hội đường Nadarét. Hẳn đã có những người Pharisiêu kiêu hãnh và giả hình, nhưng thái độ tưởng mình có thể mua được Nước trời bằng công trạng và sự thánh thiện của mình vẫn là thái độ mà chúng ta có thể rơi vào.
c. Nhóm Essini
Năm 1947 nhờ một khám phá tình cờ ở vùng Qumran (tây bắc Biển Chết), người ta biết đến sự hiện diện của một nhóm người Dothái, sống chung với nhau thành cộng đoàn: có thể đó là nhóm Essini mà sử gia Dothái Giuse Flavio đã nhắc đến. Có lẽ nhóm này bắt nguồn từ thời Macabê khởi nghĩa. Ðây là một nhóm được tổ chức hết sức chặt chẽ và có tôn ti trật tự. Họ sống nghèo khó, vâng phục những người lãnh đạo và ở độc thân. Những việc chính của họ hằng ngày là: cầu nguyện sáng chiều. lao động chân tay, thanh tẩy theo nghi thức và dành một phần ba đêm để học hỏi Kinh Thánh và các tài liệu của cộng đoàn. Khám phá ở Qumran để lại cho ta nhiều bản chép tay quý giá về Kinh Thánh và các tài liệu của cộng đoàn. Cũng có cả một hệ thống bể chứa nước dùng cho việc thanh tẩy.
Phải nhìn nhận rằng đời sống thánh thiện của nhóm này quả là một đóa hoa đẹp của Dothái giáo. Tuy họ sống tách biệt nhưng đây là một cộng đoàn năng động, họ mong Chúa đến nên sống trong cầu nguyện và tiết dục để chuẩn bị đón Người. Theo các tác giả xưa như sử gia Giuse thì nhóm Essini sống độc thân hoàn toàn. Tuy nhiên người ta lại tìm thấy những bộ xương phụ nữ ở nghĩa địa của họ và cả những tài liệu nói đến việc kết hôn một vợ một chồng. Dù sao điều này không phải là không giải thích được: có thể lúc đầu, họ nhận cả các cặp vợ chồng hay cho phép kết hôn, nhưng dần dần họ đi đến chỗ tiết dục tuyệt đối. Nhóm Essini tự coi mình mới là con cháu đích thực của thượng tế Sađốc. Ðối với họ, đền thờ đã bị các tư tế làm ô uế nên họ từ chối không đến đền thờ. Họ mong Thiên Chúa đến để thanh tẩy đền thờ và tái lập một nền phụng tự thanh sạch. Về mặt chính trị, họ là những người Dothái yêu nước. Năm 68 họ lao mình vào cuộc chiến chống Rôma để rồi chấp nhận thất bại.
Chắc có một liên hệ nào đó giữa ông Gioan Tẩy Giả với nhóm Essini ở Qumran, vì lời giảng của ông có những nét tương tự với xác tín của nhóm này: Ðấng Mêsia đã gần đến, sự cần thiết của việc thanh tẩy, sự kinh khủng của ngày thịnh nộ sắp giáng xuống... Chẳng rõ Ðức Giêsu có biết đến nhóm người ở Qumran không, nhưng phải nhận rằng giáo lý của Ngài khác với giáo lý của họ ở một điểm khá quan trọng, đó là tính phổ quát của ơn cứu độ. Khi cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa thì người Essini quay ra căm thù những kẻ tội lỗi, ngoại giáo cũng như Dothái, và mong ngày Thiên Chúa tiêu diệt tất cả những kẻ vô đạo trên mặt đất. Còn Ðức Giêsu lại nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.
d. Nhóm Samari
Dân Samari là một nhóm người có gốc Dothái, nhưng sau cuộc lưu đày năm 721 trước CN, họ trở thành một dân có pha trộn nhiều sắc dân ngoại. Sau nhiều biến cố lịch sử đáng tiếc, dân Samari với dân Dothái nuôi mối thù ghét lẫn nhau. Người Dothái coi người Samari là lạc giáo và từ chối có sự liên hệ với họ (x Ga 4,9). Người Samari không thờ phượng ở Giêrusalem, nhưng ở trên núi Garidim, và họ chỉ nhìn nhận Ngủ Thư mà thôi. Thái độ của Ðức Giêsu đối với nhóm người này thật là khác thường trong bối cảnh thời ấy (Lc 10,33; 17,16; Ga 4,5-40). Samari cũng đã trở nên phần đất được rao giảng Tin Mừng (Cv 8,5-25).


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu

4 THÁNG SÁU

Một Quá Trình Suy Tư Chậm Rãi

Chúng ta có cơ sở Thánh Kinh để xem con người như một ngã vị duy nhất, và đồng thời như một luỡng diện gồm hồn và xác. Quan điểm này đã được trình bày trong toàn bộ truyền thống và trong giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này bao gồm không chỉ Thánh Kinh mà cả những chú giải thần học về Thánh Kinh nữa.

Sự nhận hiểu này đã phát triển dưới ảnh hưởng của một số trường phái tư tưởng Hi lạp – trong đó có trường phái Aristôte. Một tiến trình suy tư chậm rãi đã đạt đến một mức tròn đầy nơi các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô. Chúng ta nhận thấy điều này trong các tuyên bố về con người tại Công Đồng Vienne vào năm 1312. Trong các văn kiện Công Đồng, linh hồn được gọi là “mô thức” của thân xác: “mô thức của thân xác con người, bởi chính nó và một cách thiết yếu” (DS 902). “Mô thức” này ấn định chính bản chất của hữu thể con người và nó có bản tính thiêng liêng. Xa hơn nữa, mô thức thiêng liêng ấy của con người – tức linh hồn – thì bất tử. Điều này đã trở thành giáo huấn chính thức của Công Đồng La-tê-ra-nô V năm 1513: “Linh hồn thì bất tử, trái lại, thân xác thì khả diệt” (DS 1440).

Trường phái suy tư do Thánh Tôma Aquinô đặt nền móng cũng dạy rằng do bởi tính hiệp nhất trong bản thể giữa xác và hồn, nên sau khi chết linh hồn mãnh liệt hướng đến tái hiệp nhất với thân xác. Và quan điểm thần học này được củng cố bởi chân lý mạc khải về sự phục sinh của thân xác.

Ngay cả dù các thuật ngữ triết học mà chúng ta dùng để diễn tả tính duy nhất và tính phức hợp (hay lưỡng diện) của con người có thể bị chất vấn lúc này lúc khác, thì tính duy nhất của ngôi vị con người và tính lưỡng diện (tinh thần – xác thể) của nó cũng hoàn toàn có nền tảng trong Thánh Kinh và trong truyền thống. Người ta thường cho rằng con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” bởi vì con người có khía cạnh “hồn”. Tuy nhiên, giáo huấn truyền thống không hề loại trừ quan điểm rằng thân xác cũng tham dự vào phẩm giá “hình ảnh của Thiên Chúa” – cũng như nó tham dự vào trọn vẹn phẩm giá của ngôi vị xét như cả tinh thần lẫn xác thể.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Tb 2, 9-14; Mc 12, 13-17


LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mc 12,17a)

Với đức tin Công giáo của chúng ta, xét cho cùng thì chẳng có cái gì là của Xê-da cả, bởi tất cả đều từ Thiên Chúa ban phát cho nhân loại cũng như mọi tạo vật khác. Đặc biệt đối với con người chúng ta, thân xác và linh hồn của chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, nó hoàn toàn không thuộc về bất cứ ai, kể cả chính bản thân của mình; chúng ta cũng không có quyền nhượng nó cho bất cứ ai hay một tổ chức nào. Nó thuộc toàn quyền sở hữu của Thiên Chúa, nên chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, săn sóc, bảo vệ, và nuôi sống tốt; để trả về lại cho Thiên Chúa.

Mạnh Phương

04 Tháng Sáu

Bóng Tối

Raoul Follereau đã thuật lại một câu chuyện về một người phong cùi như sau: Từ nhiều năm qua, ông ta sống chui rúc trong căn lều tối tăm của ông. Xa tránh ánh sáng, đôi mắt ông đã trở thành mù lòa. Bóng tối trên đôi mắt đã đành, ông còn tự giam hãm bóng tối của tâm hồn. Người đàn ông như đang tự chôn vùi mình trong chính đáy mồ của ông... Mỗi ngày, có một nữ tu đến để tẩy rửa và băng bó các vết thương cho ông. Ông chấp nhận cho người nữ tu săn sóc, vì nghĩ rằng ít nhất người nữ tu cũng nở được nụ cười mãn nguyện.
Ngày tôi đến thăm, người nữ tu cho tôi biết rằng người đàn ông đã không bao giờ muốn ra khỏi căn lều tối tăm của mình... Tôi tiến lại gần con người khốn khổ ấy và đưa cánh tay ra mời mọc. Tôi nắm lấy cánh tay của ông và dìu ông đứng dậy. Chúng tôi ra khỏi căn lều tăm tối.. Vừa đến bên cánh cửa nơi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn ông dã có một thái độ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được. Ra khỏi căn lều, đứng giữa ánh sáng, ông hô lên một tiếng kêu lớn: "Tôi thấy!"
Kể từ khi bóng tối của bệnh phong cùi ụp phủ xuống trên cuộc đời, thì đây là lần đầu tiên, người bệnh mới cảm nhận thực sự có ánh sáng xung quanh mình. Lấy tất cả sức lực còn lại, người đàn ông thét lên với cây cỏ, với núi non, với trời cao, với tất cả mọi người: Tôi thấy! Tôi thấy!

Có những người tự giam mình trong bóng tối. Có những người bị người khác đầy ải vào trong bóng tối...
Vô tình hay hữu ý, có lẽ chúng ta cũng đã xô đẩy không biết bao nhiêu người vào trong bóng tối. Một cuộc sống thiếu chứng tá, một khước từ giúp đỡ: đó có thể là những hành động xô đẩy người khác rơi vào bóng tối, chúng ta cũng tự giam mình vào bóng tối hay giảm bớt cường độ ánh sáng trong chúng ta...

"Các con là ánh sáng thế gian". Lời của Chúa Giê-su nói lên bản chất của người Ki-tô. Người Kitô chỉ là Ki-tô khi họ là ánh sáng thế gian... Ánh sáng không thể sáng soi nữa, ánh sáng ấy sẽ trở thành tăm tối.
Hãy chiếu ánh sáng bằng những việc làm của ánh sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng, một lờ nói nâng đỡ ủi an, một nụ cười thông cảm, một bàn tay đưa ra để dìu dắt, để đồng hành: đó là bao nhiêu việc làm của ánh sáng mà bao nhiêu người đang chờ đợi nơi chúng ta. Và chúng ta cũng tin rằng, một ánh lửa càng được chia sẻ, thì càng sáng lên...

(Lẽ Sống)

Thứ Ba 4-6

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII

(1881 - 1963)

V
ào tháng Chín năm 2000, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã được tôn lên một bực gần với cương vị thánh nhân khi ngài được phong chân phước ở Công Trường Thánh Phêrô, Rôma.
Khi được chọn làm giáo hoàng, lúc ấy ngài được bảy mươi sáu tuổi và được coi là vị giáo hoàng "chuyển tiếp." Thật vậy, trong thời gian ngắn ngủi làm giáo hoàng được bốn năm rưỡi, ngài đã đưa Giáo Hội vào một kỷ nguyên mới: triệu tập Công Ðồng Vatican II, bắt đầu duyệt xét lại Bộ Giáo Luật và quốc tế hóa Hồng Y Ðoàn.
Sinh trong một gia đình nông dân có đến 10 người con, ngài tên thật là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ở Sotto il Monte thuộc miền bắc nước Ý. Sau thời gian đi tu và chịu chức linh mục, ngài làm giáo sư đại chủng viện và sau đó làm thư ký cho đức giám mục trong gần 10 năm. Kế đến ngài làm việc cho Tổ Chức Truyền Bá Ðức Tin ở Rôma trong bốn năm. Tiếp theo đó ngài được tấn phong làm tổng giám mục hiệu tòa và 29 năm đầy khó khăn trong công việc ngoại giao của Tòa Thánh. Ngài được nâng lên chức hồng y và thượng phụ của Venice năm 1953. Sau cùng, vào ngày 28 tháng Mười 1958, ngài được chọn làm giáo hoàng.
Người ta thường gọi ngài là "Ðức Giáo Hoàng Gioan Nhân Hậu", và ngài cũng là con cái của Thánh Phanxicô, khi ngài gia nhập Dòng Ba lúc còn là một chủng sinh. Vị giáo hoàng khiêm tốn này thường bắt chước lời của ông Giuse ở Ai Cập (Cựu Ước) chào hỏi các thành viên của Dòng Ba Phanxicô: "Tôi là Giuse, người anh em của quý vị."
Trong sự thương tiếc của mọi người, ngài từ trần năm 1963 khi 82 tuổi, trong khi miệng không ngớt kêu tên Mẹ Maria. Vì ngài là một người Dòng Ba Phanxicô, nên tiến trình phong thánh cho ngài được các tu sĩ Phanxicô xúc tiến.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét