07/07/2015
Thứ Ba sau Chúa Nhật
14 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) St 32, 22-32
"Tên
ông sẽ được gọi là Israel, vì ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa".
Trích
sách Sáng Thế.
Trong
những ngày ấy, Giacóp chỗi dậy sớm, đem hai vợ, hai người đầy tớ gái, và mười một
người con đi sang qua khe suối Giabốc. Sau khi dẫn họ và đem tất cả của cải qua
bên kia suối, ông ở lại một mình, và đây, có một người vật lộn với ông cho đến
sáng. Người ấy thấy mình không thể vật ngã Giacóp được, nên đá vào gân đùi ông,
và lập tức gân ấy khô bại. Người ấy nói với ông rằng: "Hãy buông ta ra, vì
đã hừng đông rồi". Ông trả lời: "Tôi chỉ buông ông ra khi nào ông
chúc lành cho tôi". Vậy người ấy hỏi: "Ông tên gì?" Ông trả lời:
"Tôi tên là Giacóp". Người ấy lại nói: "Tên ông sẽ không còn gọi
là Giacóp nữa, nhưng sẽ gọi là Israel, vì nếu ông có sức mạnh chống lại Thiên
Chúa, ắt ông sẽ còn mạnh sức thắng được loài người". Giacóp hỏi người ấy:
"Xin ông cho tôi biết ông tên gì?" Người ấy đáp: "Tại sao ông lại
hỏi tên ta?" Bấy giờ người ấy chúc lành cho Giacóp chính nơi ấy. Giacóp đặt
tên cho nơi ấy là Phanuel, và bảo rằng: "Tôi đã thấy Chúa nhãn tiền mà mạng
sống tôi vẫn an toàn".
Khi
ông đã ra khỏi Phanuel, thì mặt trời liền mọc lên, nhưng ông đi khập khễnh một
chân. Vì lẽ đó, con cái Israel không ăn gân đùi cho đến ngày nay, vì gân đùi
Giacóp bị khô bại: bởi thiên thần đã đá vào gân đùi ông, nên ông bị bại.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 16, 1. 2-3. 6-7. 8b và15
Ðáp: Phần con, nhờ
công chính, sẽ được thấy thiên nhan (c. 15a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con; xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng
tai nghe con thốt ra từ cặp môi chân thành! - Ðáp.
2)
Từ cái nhìn của Chúa hãy diễn ra sự phán quyết về con: vì mắt Ngài thấy rõ điều
chân chính. Nếu Ngài lục soát lòng con, nếu ban đêm Ngài thăm viếng, nếu Ngài
thử con trong lửa, Ngài sẽ không gặp điều gian ác ở nơi con. - Ðáp.
3)
Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con; lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin
nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi
bọn đối phương những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài. - Ðáp.
4)
Xin che chở con trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy
thiên nhan; khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa. - Ðáp.
Alleluia:
Ga 10, 27
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và
chúng biết Ta". - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 9, 32-38
"Lúa
chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì
người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ
thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng:
"Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".
Và
Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao
giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ
dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con
chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng,
mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Nhu Cầu Truyền Giáo
Nhờ
tiếp xúc với người dân, Chúa Giêsu có thể nhận thấy đời sống thực tế của họ.
Thánh sử Mátthêu nói rõ: "Thấy dân chúng đông đảo, Ngài chạnh lòng thương,
vì họ lầm than, vất vưởng, như chiên không người chăn dắt". Ðứng trước thảm
trạng này, Chúa Giêsu gợi ý để các môn đệ của Ngài suy tư: "Lúa chín đầy đồng,
mà thợ gặt lại ít".
Quan
niệm Cựu Ước về các chủ chăn của dân là quan niệm rộng rãi và ám chỉ vừa các thẩm
phán, vừa các tư tế và tiên tri. Hình ảnh rất quen thuộc với nền văn hóa của
các dân du mục. Chính tổ tiên của họ cũng là những người chăn chiên, như Môsê,
Ðavít. Yêrêmia và Êzêkiel đã báo trước là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người
chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Lời tiên tri này đã được thực hiện đầy đủ nơi
Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành chạnh thương và chăm sóc các con chiên của
Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Như vậy, các Kitô hữu có thể tin
tưởng tiến bước, bởi vì họ biết rằng Chúa là mục tử của họ.
Hình
ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này.
Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán
xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ
lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa
đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng
mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có
người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của
con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.
Là
người Kitô hữu, chúng ta có lo lắng để Nước Chúa được lan rộng tới các tâm hồn
không? Ðức tin của chúng ta có sống động bằng việc làm cụ thể hay chỉ là đức
tin chết?
Xin
Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta lửa nhiệt tâm truyền giáo. Xin cho chúng ta thực
sự trở nên chứng nhân của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu
nguyện và gương sáng.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Ba Tuần 14 TN1,
Năm lẻ
Bài
đọc:
Gen 32:23-33; Mt 9:32-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa kiên trì
cứu độ con người.
Người
Hy-lạp và một số tôn giáo lớn, mặc dù tin có một Đấng dựng nên và điều khiển mọi
sự, nhưng họ không tin Đấng Tạo Hóa quan tâm đến đời sống vất vả và cực khổ của
con người. Lý do: Họ tin Đấng Tạo Hóa không bao giờ thay đổi. Nếu Đấng Tạo Hóa
quan tâm hay nhận lời cầu xin của con người, Ngài đã bị con người thay đổi. Ngược
lại, chúng ta tin Thiên Chúa luôn quan tâm và săn sóc cho mọi nhu cầu của con
người. Thiên Chúa có uy quyền đến độ, tuy Ngài đáp ứng những lời cầu xin của
con người, vẫn không thay đổi trong sự quan phòng vũ trụ của Ngài.
Các
Bài Đọc hôm nay chứng minh Thiên Chúa quan tâm đến cuộc sống con người và luôn
kiên trì để dạy dỗ và chữa lành con người. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng
Thế tường thuật biến cố Thiên Chúa hiện ra và vật lộn với tổ-phụ Jacob suốt
đêm. Biến cố này muốn nói Thiên Chúa kiên trì trong việc cứu độ con người, và
con người luôn phải bám lấy Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vất vả ngược xuôi để
dạy dỗ, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành mọi vết thương hồn xác cho con người.
Ngài thương dân vất vả tả tơi như chiên không người chăn, và dạy các môn đệ phải
luôn cầu nguyện để Thiên Chúa gởi đến các mục tử tốt lành chăn dắt chiên.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Jacob vật lộn với Thiên Chúa.
1.1/
Mối thù hận giữa Esau và Jacob: Để hiểu trình thuật hôm nay, chúng ta cần phải biết mối thù hận
giữa hai anh em sinh đôi, Esau và Jacob. Tuy Esau là anh vì sinh ra trước;
nhưng bà mẹ Rebekah đã lập kế hoạch để Jacob tước đoạt quyền trưởng nam và lời
chúc lành từ cha là Isaac. Esau tức giận về kế hoạch này và tìm cách trả thù.
Esau cùng với 400 thuộc hạ của ông đang trên đường đi gặp Jacob, và Jacob đang
trên đường chạy trốn Esau, anh mình. Ông rất lo lắng cho số phận của ông và gia
đình, nên ông đã cầu nguyện với Thiên Chúa: "Xin giải thoát con khỏi tay
anh con, khỏi tay anh Esau, vì con sợ anh ấy, sợ anh ấy đến đánh chúng con,
đánh cả mẹ lẫn con" (Gen 32:12).
(1)
Cuộc vật lộn suốt đêm giữa Jacob và người lạ mặt: "Đêm đó, ông Jacob dậy,
đem theo hai bà vợ, hai người nữ tỳ và mười một đứa con, và ông lội qua sông
Jabbok. Ông đem họ theo, đưa họ qua sông, rồi đưa tài sản của ông qua. Ông
Jacob ở lại một mình; và có một người đến vật lộn với ông cho đến lúc rạng
đông."
Cuộc
vật lộn giữa con người với thần minh thường xảy ra trong các truyện thần thoại.
Trong các câu truyện như thế, thần minh thường là người trấn giữ các con sông,
thường có mặt lúc ban đêm, và thường bị buộc phải tiết lộ tông tích hay những
điều bí mật cho con người. Tất cả những yếu tố này đều có trong trình thuật hôm
nay. Điều này nói lên tác giả Sách Sáng Thế có thể bị ảnh hưởng bởi những truyện
này, với mục đích để chuyển giao ý định của Thiên Chúa cho con người.
(2)
Kết quả cuộc vật lộn: "Thấy không thắng được ông, người đó bèn đánh vào khớp
xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Jacob bị trật đang khi ông vật lộn
với người đó." Người lạ yêu cầu: "Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi."
Nhưng ông đáp: "Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho
tôi." Người đó hỏi ông: "Tên ngươi là gì?" Ông đáp: "Tên
tôi là Jacob." Ông Jacob hỏi: "Xin cho tôi biết tên ngài." Người
đó nói: "Sao ngươi lại hỏi tên ta?" Và người đó chúc phúc cho ông tại
đấy.
Người
lạ mặt từ chối mặc khải tên mình cho Jacob; nhưng sự kiện người đó chúc lành
cho Jacob mặc khải phần nào tông tích của Ngài. Jacob có thể đoán ra được qua
việc ông đặt tên cho nơi đó là Peniel, có nghĩa "mặt của Thiên Chúa."
Hơn nữa, lời giải thích sau đó cũng chứng minh Jacob biết đó là Thiên Chúa: Ông
Jacob đặt tên cho nơi đó là Penuel, "vì ông nói: tôi đã thấy Thiên Chúa mặt
đối mặt, mà tôi đã được tha mạng."
1.2/
Hậu quả của cuộc vật lộn:
(1)
Thiên Chúa đổi tên và chúc lành cho Jacob: Thiên Chúa đổi tên cho Jacob thành
Israel, có nghĩa: "người đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi
đã thắng." Động từ thi đấu dùng ở đây là "sarah" được dùng ở thời
quá khứ với tiếp vĩ ngữ là "yisra-el." Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và
Israel được ví như một cuộc vật lộn, và Israel sẽ thắng dù không xứng đáng. Đổi
tên ai là trao cho người đó cho một sứ vụ. Thiên Chúa trao cho Jacob sứ vụ là tổ-phụ
của một dân riêng. Dân riêng này mang tên của ông là Israel, dân luôn được
Thiên Chúa chúc lành.
(2)
Jacob bị trật xương hông: Tuy Jacob thắng thế, nhưng ông phải trả giá cho cuộc
vật lộn chứ không hoàn toàn bình an vô sự: ông phải đi khập khiễng vì bị trật
xương hông. Việc dân Do-thái không ăn gân đùi có lẽ là một truyền thống xa xưa,
vì người Do-thái không còn thói quen này nữa.
2/
Phúc Âm:
Chúa Giêsu kiên trì chữa lành và dạy dỗ con người.
2.1/
Chúa Giêsu đi khắp nơi để chữa lành và rao giảng Tin Mừng: Trong 3 năm công
khai rao giảng, Chúa Giêsu đã lang thang khắp miền Palestine để rao giảng Tin Mừng
và chữa lành các vết thương hồn xác cho con người. Tuy thế, Ngài cũng gặp biết
bao chống đối từ các kinh-sư, luật sĩ, và nhà cầm quyền Rôma. Trình thuật hôm
nay là một trường hợp điển hình.
(1)
Hai phản ứng trước phép lạ Chúa Giêsu trục xuất quỉ ám ra khỏi người câm:
+
Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: "Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ!"
Người chất phác thành thật thấy sao nói vậy; họ không bị ảnh hưởng bởi thành kiến
và các tính toán lợi nhuận.
+
Nhưng người Pharisees lại bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ."
Họ buộc tội Chúa có liên hệ với quỷ vương để khỏi phải tin và giữ những gì Chúa
dạy; hơn nữa, họ không muốn toàn dân tin theo Chúa vì họ sẽ mất uy quyền, thế lực,
và những lợi nhuận vật chất.
(2)
Phản ứng của Chúa Giêsu: Chẳng quan tâm đến những lời phê bình của họ, Chúa
Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng
Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Ba việc tông đồ Ngài
làm gương cho chúng ta:
+
Dạy dỗ: để dân chúng biết đâu là sự thật từ biết bao điều sai trái trong thế
gian.
+
Rao giảng Tin Mừng: loan báo tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người,
và chỉ đường cho con người biết sống làm sao để đạt được hạnh phúc muôn đời bên
Ngài.
+
Chữa lành mọi vết thương hồn xác: Chúa Giêsu cảm thương với những đau khổ hồn
xác của con người. Ngài muốn mặc lấy để cứu chữa hay cất đi tất cả khổ đau mà
con người phải chịu.
2.2/
Chúa Giêsu lo lắng nhân loại không đủ người dẫn dắt: Không phải chỉ lo
cho thế hệ đương thời, Ngài còn lo cho các thế hệ tương lai. Chỉ một câu vắn vỏi,
nhưng đã lột tả hết sự quan tâm của Chúa Giêsu: "Khi Đức Giêsu nhìn thấy
đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không
người chăn dắt." Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng,
mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa luôn quan tâm đến cuộc sống của mỗi người chúng ta. Ngài tìm đủ mọi
cách để săn sóc, dạy dỗ, và chữa lành mọi vết thương hồn xác của chúng ta.
-
Chúng ta phải kiên trì với Thiên Chúa trong đau khổ và thử thách. Một khi đã được
chữa lành, chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc săn sóc, dạy dỗ, và
chữa lành tha nhân.
-
Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt quá ít ỏi. Trong Năm Thánh Linh Mục, chúng ta hãy
tìm mọi cách để gia tăng ơn gọi linh mục và tu sĩ; để có nhiều thợ rành nghề
làm việc cho Chúa.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
07/07/15 THỨ BA TUẦN 14
TN
Mt 9,32-38
Mt 9,32-38
Suy niệm: Cũng
một phép lạ cho người câm nói được của Đức Giê-su, nhưng ta nhận thấy hai phản
ứng trái ngược nhau: đám đông dân chúng kinh ngạc ca ngợi, còn người Pha-ri-sêu
lại ghen ghét vu oan. Một bên, “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!”
còn bên kia, “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Tại sao lại có tình trạng ấy? - Đám đông là
những con người đơn sơ, đôi mắt trong sáng, không bị thành kiến nào làm “khúc
xạ,” nên dễ dàng đón nhận con người và hành động của Đức Giê-su, vị Thầy luôn “chạnh lòng thương” trước sự lầm than của họ. Trái lại, người
Pha-ri-sêu tự mãn về công trạng, điều kiện sống đầy đủ của mình, không cảm thấy
nhu cầu cần đến Đức Giê-su, cũng như cần hoán cải để đón nhận Ngài.
Mời bạn:
Con người và sứ điệp của Chúa Giê-su đi vào lòng của những ai chân thành và
khiêm cung. Chúa Giê-su không “lôi cuốn” đám đông đi theo mình để tạo một cuộc
cách mạng nào đó, nhưng Ngài muốn quy tụ tất cả về một mối trong tình thương,
tin nhận một Thiên Chúa luôn gần gũi, thông cảm, và chạnh lòng thương. Một con
tim chân thành và thái độ cởi mở để đón nhận Ngài, cần lắm bạn à!
Sống Lời Chúa: Tôi
suy niệm câu Lời Chúa: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin!”
(Ga 20,27), và niềm tin ấy phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin nhưng xin thêm lòng tin còn non yếu của con. Xin
cho ánh mắt và lòng trí con chạm được đến vẻ đẹp của tình thương Chúa bằng sự
chân thành và cởi mở, để trong mọi sự, con thấy Chúa luôn hiện diện và yêu
thương, nâng đỡ từng bước đi trong đời con. Amen.
Sai thợ ra gặt lúa
Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong
của ruột gan mình. Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám
đông.
Suy niệm:
Phép lạ Đức Giêsu chữa người
câm là phép lạ cuối
của chuỗi mười phép lạ trong
hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Mátthêu đã kể lại phép lạ
này với rất ít chi tiết.
Người ta coi bệnh câm của
anh này là do quỷ ám.
Khi quỷ bị trục xuất thì
người câm nói được.
Không thấy Đức Giêsu đã làm
gì hay nói gì để trừ quỷ.
Nhưng quyền năng của Ngài
được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.
Có hai phản ứng ngược nhau
trước phép lạ.
Đám đông thì kinh ngạc và
nói: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”
Họ đứng trước một điều hết
sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).
Người câm nói được là một
dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,
thời đại thiên sai đã đến,
Đấng Thiên sai đã ở kề bên.
Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm
lời ngôn sứ Isaia tiên báo:
“miệng lưỡi người câm sẽ reo
hò” (35, 6).
Nhưng những người Pharisêu
lại nghĩ khác.
Họ không phủ nhận quyền năng
trừ quỷ của Đức Giêsu,
nhưng họ lại cho rằng Ngài
đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).
Đây là phản ứng đầu tiên có
tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.
Phần còn lại của bài Tin
Mừng là một bản tóm lược
về các hoạt động của Đức
Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).
Tất cả cuộc sống của Ngài
như dành trọn cho đám đông.
Đôi chân Ngài đi khắp các
thành thị, làng mạc và hội đường.
Đôi môi Ngài không ngớt đem
tin vui đến cho những người mong đợi.
Đôi tay Ngài chạm đến những
bệnh tật yếu đau của con người.
Nhưng trên hết vẫn là chuyện
Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).
Chạnh lòng thương là nhói
đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.
Thấy thì thương: đó luôn là
cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.
Ngài thấy họ như chiên không
có người chăn dắt, lãnh đạo.
Chính vì thế họ bị rơi vào
tình cảnh vất vưởng lầm than.
Đức Giêsu không đau xót về
chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.
Ngài quan tâm nhiều hơn đến
nhu cầu tâm linh của con người.
Con người đánh mất ý nghĩa
cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.
Con người loại trừ Thiên
Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.
Đức Giêsu đến như người mục
tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.
Cách nay hai ngàn năm, Đức
Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.
Đồng lúa thì bao la mênh
mông, mà thợ gặt thì ít.
Ngài mời các môn đệ của mình
cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.
Đồng lúa là của Thiên Chúa,
thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.
Nước Việt Nam chúng ta cũng
cần bao thợ gặt.
Có bao nhiêu tỉnh thành làng
mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.
Số linh mục mới chịu chức
không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.
Làm sao để các bạn trẻ thấy
con người hôm nay và chạnh lòng thương?
Làm sao để họ muốn dấn bước
lo cho đám đông như Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
đồng lúa đã chín vàng chờ
ngày gặt hái.
Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy
đến làm việc trong cánh đồng
bao la của Cha.
Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những
lý tưởng cao cả.
Xin cho họ
biết quên hạnh phúc và tương
lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái
tim rộng mở.
Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,
cảm được cơn đói khát Lời
Chúa và tình thương,
thấy được những mất mát của
bao người đau khổ,
và chạm đến sự trống vắng
của tâm hồn lạc hướng.
Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ
để họ quảng đại đáp lại
tiếng gọi của Chúa Giêsu,
sống như Ngài đã sống
và tiếp tục làm những gì
Ngài đã làm trên trần gian.
Cũng xin Cha
gìn giữ gia đình và giáo xứ
chúng con,
thanh lọc bầu khí của trường
học và xã hội,
để tất cả trở thành những
môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm
gặp ý Cha. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét