Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

29-4-2012 : CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH - CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH


Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm B (Chúa Nhật Chúa Chiên Lành)
Ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu

Cv 4,8-12 ; Tv 117 ; 1 Ga 3,1-2 ; Ga 10,11-18.
Bài đọc 1                                 Cv 4,8-12

8 Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ : "Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, 9 hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. 10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng : nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. 11 Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. 12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ."



Đáp ca                                     Tv 117,1 và 8-9.21-23.26 và 28cd và 29 (Đ. c. 22)

Đáp :    Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
            lại trở nên đá tảng góc tường.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

1          Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
8          Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời,
            thì hơn tin cậy ở người trần gian.
9          Cậy vào thần thế vua quan,
            chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.                                     Đ.

21        Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài
            vì đã đáp lời con và thương cứu độ.
22        Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
            lại trở nên đá tảng góc tường.
23        Đó chính là công trình của Chúa,
            công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.                                    Đ.

26        Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
            cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.
            Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em,
28cd    lạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn tiếng tôn vinh.
29        Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.                            Đ.



Bài đọc 2                                 1 Ga 3,1-2

1          Anh em thân mến,
anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào :
            Người yêu đến nỗi
            cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa
            -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
            Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta,
            là vì thế gian đã không biết Người.
2          Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ;
            nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
            Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
            chúng ta sẽ nên giống như Người,
            vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.



Tung hô Tin Mừng                 Ga 10,14

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi." Ha-lê-lui-a.




Tin Mừng                                Ga 10,11-18

11 Khi ấy giờ, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng :  "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
16 Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được."
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)


Suy Niệm:
Người chăn chiên tốt lành chính là Ðức Giêsu. Chỉ có Ðức Giêsu là Mục Tử đích thực vì Ngài đã dám hy sinh mạng sống cho đoàn chiên được an toàn, được tự do, và được sống. Ngài đã chịu đóng đinh và chịu chết cách ô nhục để cứu vớt toàn thể nhân loại. Nhờ tình yêu và yêu tới cùng của vị Mục Tử, đoàn chiên đã được sống và sống dồi dào.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến thân cứu chuộc chúng con, cho chúng con được sống. Chúa yêu thương và sẵn sàng hy sinh cho chúng con, dù chúng con bất xứng với ân huệ cao quý ấy. Chúng con đã từ bỏ Chúa, nghe theo tiếng gọi của danh vọng, tiền của, giàu sang. Xin cho chúng con luôn ý thức: chúng con là môn đệ, là chiên thuộc về Chúa. Chúng con mau mắn nghe theo tiếng Chúa đang hướng dẫn từng người chúng con trong cuộc sống. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Người Mục Tử Nhân Lành
(Cv 4,8-12; 1Yn 3,1-2; Yn 10,11-18)

 Suy Niệm:
Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm B
Ngày Ơn Thiên Triệu
Cv 4,8-12; 1Yn 3,1-2; Yn 10,11-18
Bài Tin Mừng Chúa nhật 4 Phục sinh năm nào cũng nói về Chúa Kitô mục tử. Do đó ngày ấy đã được chọn làm ngày ơn thiên triệu để tất cả chúng ta suy nghĩ về vai trò chăn chiên ở trong Hội Thánh, và hành động để Hội Thánh luôn được thêm nhiều mục tử tốt. Nếu thế thì chúng ta cũng như bị bó buộc phải đi từ bài Tin Mừng để tìm hiểu, bởi vì chính nó đã ban cho ngày hôm nay ý nghĩa như chúng ta vừa nói.

1. Người Mục Tử Tốt
Phụng vụ hôm nay chỉ lấy tám câu trong tác phẩm của Yoan làm bài Tin Mừng. Những câu này nằm trong bài nói chuyện khá dài của Ðức Yêsu với người Dothái. Dĩ nhiên nếu biết những câu trước và sau, chúng ta sẽ dễ hiểu tám câu này đầy đủ hơn. Nhưng không sao, đây là những câu cao điểm của bài nói chuyện. Những câu khác phải quy về đoạn quan trọng này; còn chính nó không cần những câu kia cũng đã đủ nghĩa.
Như thế có nghĩa là những câu Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc là những câu nói rất súc tích. Ðức Yêsu khẳng định rõ rệt: Ngài là người mục tử tốt, tức là người chăn chiên tốt. Chúng ta khoan tìm hiểu ý nghĩa của tĩnh từ "tốt" ở đây. Hãy bắt đầu để ý đến tính cách tuyệt đối của lời khẳng định. Ðức Kitô không xưng mình là " một" mục tử tốt. Câu nói của Người gạt bỏ hẳn mọi mục tử khác sang bên đối diện và đối lập. Mục tử tốt ở đời này chỉ có một mà thôi: đó chính là Người. Mọi kẻ khác chỉ chăn thuê nên không thể tốt được.
Thật ra, muốn hiểu hết ý của Người, co lẽ chúng ta phải trở lại nhiều đoạn sách Cựu Ước và đặc biệt đoạn 34 sách Êzêkiel. Ở đó Yavê Thiên Chúa phàn nàn vì mọi kẻ Người đặt lên chăn dắt dân Người đều đã hà lạm, lợi dụng và làm khổ dân. Hạng mục tử ấy, Người thôi không dùng nữa. Người sẽ lấy lại đàn chiên của Người khỏi tay họ. Và chính Người sẽ đứng ra chăn dắt chiên. Với lời tiên tri này dân Dothái hết muốn gọi ai là mục tử. Họ chờ Ðấng Thiên Sai Cứu thế đến. Người sẽ là vị mục tử duy nhất của họ, vì Người sẽ là hiện thân của chính Yavê đến chăn dắt dân.
Hôm nay khi tuyên bố mình là người chăn chiên tốt. Ðức Yêsu muốn nói Người chính là vị mục tử mà Êzêkiel đã loan báo và dân Chúa đang trông chờ. Một lời tuyên bố như vậy nhất định phải gây nên một xúc động mạnh mẽ. Và chắc chắn các đầu mục Dothái sắp sửa phản đối con người dám tự phụ và lộng ngôn như vậy, nếu Ðức Yêsu đã không nói tiếp nay một câu thứ hai để giải thích.
Người quảng diễn: người chăn chiên tốt thí mạng mình vì chiên. Quan niệm này hoàn toàn mới mẻ. Nó thu hút ngay sự chú ý của mọi người. Họ thấy không có một chút tự phụ tự tôn nào trong ý tưởng của Người. Ngược lại, chỉ có một quyết tâm hy sinh phục vụ và phục vụ cho đến chết. Vì Người đã nói luôn: người chăn chiên tốt không như kẻ chăn thuê. Kẻ này thấy sói đến thì bỏ chạy khiến soi tha hồ cấu xé chiên. Còn người chăn chiên tốt, sẽ thí mạng mình vì chiên.
Ðức Yêsu thật rất tâm lý và tài tình... Người phân biệt kẻ chăn thuê và người chăn tốt thật dễ dàng. Và đúng như Người phân tách: kẻ chăn thuê bỏ chạy vì chiên không phải là của hắn. Hắn chỉ cần đồng lương chứ không màng gì đến chiên. Nhưng dù sao câu nói của Người cũng còn một nét khó hiểu. Tại sao Người nói đến việc "thí" mạng vì chiên? Tại sao không dùng từ "liều" mạng cho dễ hiểu? Vì người có chiên thấy sói đến chắc vẫn ra sức đánh đuổi sói đi và như thế một phần nào phải liều mạng. Ðó có thể nói là lẽ thường. Nhưng đàng này, Người không nói "liều mạng" và là "thí mạng", việc có lẽ chưa và chẳng bao giờ thấy xảy ra trong xã hội, vì mạng sống con người không quý hơn cả một đàn chiên hay sao? Phải, nếu hiểu thí mạng là nộp mạng để chết và chết mãi vì chiên thì không hiểu được. Lời nói của Người hẳn phải có ý nghĩa rất đặc biệt. Chúng ta cần kiên nhẫn nghe Người giải thích thêm.
Thật ra khi nói người chăn chiên tốt thí mạng mình vì chiên, Ðức Yêsu đã có hai ý tưởng. Cả hai đã được giải thích không đồng đều khi Người gợi lên hình ảnh kẻ chăn thuê bỏ chiên mà chạy khi sói đến. Nó làm như vậy vì chiên không phải của nó. Thế nên người chăn chiên tốt trước hết phải là chủ chiên và chiên là của người ấy. Ý tưởng này không cần bàn thêm. Nhưng để giải thích ý tưởng sau, ý tưởng thí mạng vì chiên, hình ảnh kẻ chăn thuê bỏ chạy đã tỏ ra không đủ. Và nguyên việc "có" chiên làm của mình cũng không giải thích thỏa đáng được. Không phải hễ là "chủ" chiên là làm được đó. Ngược lại, chỉ có chủ chiên độc nhất vô nhị mới nghĩ đến chuyện thí mạng vì chiên.
Thế mà Ðức Yêsu xưng mình có khả năng ấy, vì Người là chủ chiên độc đáo. Người là vị mục tử mà Thiên Chúa đã hứa và toàn dân đang trông đợi. Không những Người khác kẻ chăn thuê mà còn khác mọi chủ chăn. Nhưng khác ở chỗ nào?
Ðức Yêsu nói: Người biết chiên của Người. Và "biết" ở đây có một ý nghĩa rất đặc biệt. Không phải chỉ dựa vào Cựu Ước mà hiểu, nhưng còn phải hiểu theo cách của Yoan nữa. Theo Cựu Ước, "biết" không những là thấu suốt mà còn thân mật và thắm thiết như trai gái và vợ chồng biết nhau. Còn theo Yoan thì "biết" có ý nghĩa cuối cùng là có cái nhìn và tình yêu của chính Thiên Chúa Ba Ngôi đối với nhau, như "Cha biết Ta và Ta biết Cha", theo lời của chính Ðức Yêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay. "Biết" như vậy là một lòng, một trí với Ðức Chúa Cha. Mà ý của Chúa Cha là cứu độ và cứu thế. Ngôi Con biết như vậy nên đã xuống thế để cứu đời, và cứu bằng việc thí mạng sống mình vì chiên. Ðó là sự biết đầy yêu mến và việc thí mạng này hoàn toàn tự nguyện. Không phải để chết mãi mãi, nhưng để rồi lấy lại, khiến ý tưởng "thí mạng" ở đây có một ý nghĩa rất đặc biệt, mà không quan niệm nào trong xã hội loài người diễn tả được. Muốn hiểu chúng ta phải tin vào lời Ðức Yêsu, là lên tới kế hoạch thâm sâu của Thiên Chúa.
Người đầy lòng xót thương nhân loại bơ vơ như đàn chiên không người chăn. Hơn nữa chiên của Người là nhân loại còn đang ở trong tay ác thần và tử thần. Ðức Yêsu là mục tử tốt đến, sẽ tự thí mạng chết, để giải thoát kẻ đã chết trong tội lỗi khi Người sống lại, hầu từ nay chiên của Người được sống và sống dồi dào. Ðó là việc Người sẽ làm trong mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh.
Ngay bây giờ, đang khi nói chuyện với người Dothái, Người đã thấy trước có những chiên đã thuộc về Người rồi. Ðó là đoàn môn đệ. Nhưng Người còn nhìn xa hơn và nói: còn những chiên khác nữa, chưa thuộc ràn (môn đệ này), Người cũng phải chăn dắt.
Bằng cách nào và nhờ ai?
Bài sách Công vụ Tông đồ sẽ trả lời cho chúng ta.

2. Các Chủ Chăn Tốt
Phêrô và Yoan hôm ấy bị điệu đến trước tòa án Dothái vì những tội: chữa lành một người què, rồi giảng Danh Ðức Yêsu cho dân, khiến nhiều kẻ nghe lời mà tin. Họ đã thực hiện lời Ðức Yêsu nói trong bài Tin Mừng. Người bảo, những chiên chưa ở trong ràn (các môn đệ), sẽ nghe tiếng Người và sẽ theo Người, khiến Người cũng sẽ là chủ chiên chăn dắt họ.
Nhưng để họ nghe được tiếng Người, đã phải có Phêrô và Yoan được sai đi giảng Lời Chúa. Phải có nhiều tông đồ đi rao giảng nữa thì cả nhân loại mới thật sự trở nên một đàn chiên theo một chủ chiên. Vì thế ngày Ơn Thiên Triệu trước hết là ngày cầu nguyện và hành động để có nhiều, có thêm, thêm nữa số các tông đồ. Con người ngày nay càng không muốn nghe Tin Mừng thì lại càng phải có nhiều người rao giảng để nói mãi, nói hết mọi khía cạnh của Tin Mừng và nói với hết mọi người, mọi nơi, mọi khía cạnh trong đời sống, để không ai có thể nói mình chưa được nghe giảng Tin Mừng.
Và muốn giúp người ta dễ bắt được Tin Mừng, số đông các tông đồ chưa đủ. Còn phải là những tông đồ có tư cách và khả năng nữa, mà Phêrô với Yoan trong bài sách Công vụ hôm nay là những tấm gương sáng ngời.
Hai người không những giảng khi được thong dong và ở trước mặt toàn dân đang ngạc nhiên ngưỡng mộ vì phép lạ người què vừa được chữa lành. Họ còn giảng hùng hồn, dạn dĩ hơn nữa trước tòa Dothái và chư vị đầu mục của dân cùng hàng niên trưởng. Nói rằng họ đang thí mạng vì chiên thật không ngoa. Cứ thử so sánh phiên tòa hôm nay với phiên tòa hôm xử Ðức Yêsu mà xem. Y hệt như nhau. Trước đây người ta hỏi Ðức Yêsu: Ông lấy quyền gì mà làm như vậy? Bây giờ người ta cũng hỏi Phêrô và Yoan " bởi quyền phép nào hay nhân danh nào, các ngươi làm các điều ấy". Tòa chỉ chờ họ thưa: nhân danh Yêsu, để khép tội, vì thưa như vậy là coi Yêsu là Thiên Chúa và là rơi vào đúng tội của Ðức Yêsu vì Người đã bị kết án vì xưng mình là Con Thiên Chúa. Nhưng như Ðức Yêsu đã không sợ chết, thì các tông đồ cũng đã không sợ thí mạng. Các ngài tuyên xưng công khai rõ ràng Ðức Yêsu là cứu thế. Vụ án của Người đã được nói trước trong Thánh Kinh, vì Người thật là viên đá đã bị thợ xây ném đi. Nhưng Thiên Chúa đã nhặt lại, tức là đã cho Ðức Yêsu sống lại trở thành viên đá góc xây lên đền thờ Thiên Chúa, khiến chỉ có Danh Người sẽ cứu được tất cả.
Phêrô và Yoan là những tông đồ sẵn sàng thí mạng mình vì danh Ðức Yêsu, để giống như Người và kết hợp với Người trong mầu nhiệm cứu thế. Tiếng của các ngài đã vang ra, đã được nghe, và nhiều người đã tin để trở về ràn chiên Chúa.
Ước gì các tông đồ trong Hội Thánh chúng ta được như vậy. Ðó là lời cầu nguyện thứ hai trong ngày Ơn Thiên Triệu. Chúng ta phải xin Chúa sai thêm thợ gặt đến đồng lúa của Người. Nhưng cũng phải xin Người sai thêm nhiều chủ chăn biết thí mạng vì chiên, có đầy mầu nhiệm Ðức Yêsu ở trong lòng và luôn biết làm chứng cho mầu nhiệm Thánh giá là mầu nhiệm cứu độ.
Nhưng hàng ngũ chủ chăn được gọi từ lòng dân Chúa. Muốn có những chủ chăn tốt theo gương mục tử tốt, dân Chúa phải là đàn chiên tốt. Bài thư Yoan muốn nói với chúng ta điểm cuối cùng này trong ngày Ơn Thiên Triệu.

3. Các Chiên Tốt
Như Ðức Yêsu đã nói trong bài Tin Mừng, chiên của Người thì "biết" Người. Và như chúng ta đã nói ở trên, "biết" đây là vươn lên tới kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa để một lòng một ý với Người. Thế nên thánh Yoan hôm nay viết trong thư: hãy coi lòng mến lớn lao chừng nào Cha đã ban cho ta. Phải, chiên tốt thì phải luôn suy nghĩ về lòng mến của Thiên Chúa đối với mình, để "biết" Người, biết Người yêu ta đến nỗi đã ban Con Một Người thí mạng vì Ta, để ta được gọi là con cái Thiên Chúa. Danh dự này nhỏ lắm sao? Tất cả nếp sống xấu tốt của người tín hữu tùy ở việc biết và nhớ mình là con cái Thiên Chúa.
Dĩ nhiên những người ở ngoài ràn chiên không biết được như vậy. Họ không biết Chúa, nên cũng không biết chúng ta. Yoan nói như thế thật chí lý. Họ nhìn chúng ta bằng con mắt của trần gian. Và con mắt xác thịt không nhìn được những sự siêu nhiên. Phải đợi sau này khi mọi sự được tỏ hiện trong ánh sáng mới của ngày Chúa trở lại, chăn tướng con cái Thiên Chúa mới tỏ hiện. Bấy giờ người ta mới thấy chúng ta thật như Chúa.
Thế thì chúng ta hiện nay phải sống thế nào cho hợp với niềm tin ấy? Thánh Yoan viết ra những điều đó để làm gì? Nếu chúng ta nhớ lịch sử, thì hẳn ai cũng biết thời bấy giờ có nhiều phong trào tư tưởng muốn lôi kéo các tín hữu. Nói chung họ mang danh là "Ngộ Thuyết", tức là các lý thuyết tự phụ vạch ra được con đường dẫn đến sự hiểu biết đích thực về thượng đế, tức là về hạnh phúc trường cửu của con người. Họ nói rằng ai theo họ có thể đạt được hạnh phúc ngay ở đời này. Thế nên thánh Yoan phải viết thư cảnh giác tín hữu của Người... Chính Thiên Chúa đã cho chúng ta biết Người khi mạc khải tình yêu thương của Người đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Ðó là sự "biết" thật và là hạnh phúc thật, tuy bây giờ còn che giấu trong mầu nhiệm, nhưng thật sự đã bắt đầu rồi. Chúng ta đừng tin ở một ngộ thuyết tức là một thuyết hiểu biết nào khác.
Lời khuyên này không hoàn toàn vô ích cho chúng ta đâu. Nó lại có khả năng vươn xa hơn, nhắc nhở chúng ta nhớ tới Thiên Chúa là Ðấng yêu thương đã sai Con Một Người xuống thế thí mạng Người vì chúng ta và sai các tông đồ của Người đến rao giảng Lời cứu độ để chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa và sống trong ràn chiên của Người.
Giờ đây Người đưa chúng ta vào thánh lễ như vào đồng cỏ tốt tươi để chúng ta được nuôi dưỡng bằng chính thịt máu Người. Tất cả những điều này không thắm thiết sao? Chúng ta muốn được mãi như vậy chăng? Nếu muốn, không những chúng ta luôn phải là con chiên tốt, mà còn phải cầu nguyện hằng ngày và giúp đỡ nhiệt tình để Chúa là mục tử tốt không bao giờ bỏ rơi đàn chiên nhưng luôn cho Hội Thánh được thêm nhiều tông đồ tốt chăn dắt đàn chiên của Người. Như vậy, ngày Ơn Thiên Triệu hôm nay mới ý nghĩa và kết quả.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Suy Niệm
Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ
là một hình ảnh quen thuộc đối với người Pa-lét-tin.
Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết.
Ở đây Ðức Giêsu tự ví mình như người mục tử.
Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê,
vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên,
chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.
Hội Thánh là đoàn chiên của Ðức Giêsu Kitô.
Giữa Ngài và từng con chiên, có mối dây gắn bó.
Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi,
như Cha biết tôi và tôi biết Cha.
Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều.
Chiên không phải là một con vật ngờ nghệch, thụ động.
Chiên là hình ảnh của một ngôi vị tự do.
Vị Mục Tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc.
Chiên nghe tiếng của Ngài và đi theo.
Như thế giữa Mục Tử và đoàn chiên
có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng,
và một sự trân trọng quý mến nhau đặc biệt.
Sau Phục Sinh, Ðức Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mạng
chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Ngài.
Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình yêu.
Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn chiên Ngài.
Ðức Giêsu là Mục Tử tối cao và gương mẫu.
Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá
giúp chăn dắt đoàn chiên của Ngài.
Mọi mục tử phải noi gương Ngài,
dám chết để cho chiên được sống.
Hội Thánh dành Chúa Nhật hôm nay để cầu cho ơn thiên Triệu.
Chúa Giêsu vẫn cần những người tiếp nối công việc của Ngài,
để lo cho đoàn chiên trên thế giới.
Các bạn trẻ khi lớn lên thường lập gia đình.
Ðiều đó thật là tốt đẹp.
Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn một số bạn trẻ
ở bên Ngài cách đặc biệt để được Ngài sai đi.
Họ chấp nhận hy sinh quyền được lập một tổ ấm,
để có thể yêu mãnh liệt hơn và bao la hơn.
Tiếng gọi của Chúa vẫn vang lên
ở ngay nơi lời nài xin của con người.
Những người đói khát Lời Chúa, đói khát tình thương,
đói khát bánh ăn, đói khát ý nghĩa cuộc sống.
Khước từ tiếng kêu của con người là khước từ tiếng Chúa.
Chúa Giêsu mời các bạn trẻ nhìn thấy đám đông bơ vơ.
Những người bệnh hoạn tật nguyền, những trẻ em đường phố,
những người lầm lỡ, tự đặt mình ở bên lề xã hội…
Thấy họ bằng trái tim và để cho tim mình đáp trả.
Tạ ơn Chúa đã cho Hội Thánh hơn 100.000 đại chủng sinh,
hơn 400.000 linh mục, hơn 800.000 nữ tu.
Nhưng đồng lúc chín vàng vẫn cần nhiều thợ gặt,
tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn.
Có thể chính bạn được Chúa bất ngờ mời gọi
để đứng trong đội ngũ những người phục vụ đó!
(Ðể có con số chính xác hơn, xin xem thống kê của Giáo Hội được đổi mới theo từng năm) 
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.
Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J


Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi (Ga 10,14)
 Suy niệm: 
Phúc Âm hôm nay hướng dẫn chúng ta nhìn về Chúa Kitô Phục Sinh, Ngài là vị chủ chăn nhân lành chăm sóc chu đáo cho từng con chiên của mình. Cuộc sống của người đồ đệ Chúa trên trần gian này không phải là cuộc sống dễ dàng thoải mái, nhưng Chúa Giêsu đã so sánh nó như đàn chiên với sói dữ, kẻ chăn chiên tốt thì săn sóc chiên, kẻ làm thuê thì không có chiên nên không săn sóc chu đáo. Thật là đi ngược lại với quan niệm thông thường của người đời, vì trong xã hội càng có liên hệ đến những người có quyền cao chức trọng thì càng được bảo vệ, không ai dám chạm đến. Vì thế mà nhiều người muốn làm quan, muốn liên hệ với những người có quyền có chức để xây dựng địa vị mình được chắc chắn. Nhưng đối với người Kitô hữu thì không phải thế, là con cái Thiên Chúa, những kẻ được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính mạng sống của Ngài. Và hơn ai hết, họ là kẻ liên hệ cao nhất, vì không phải là liên hệ với con người phàm trần, nhưng là với Thiên Chúa.
Toàn bộ sư đoàn lính Mỹ trong doanh trại Robert đang chuẩn bị một cuộc diễn binh đón chào ông bộ trưởng Quốc Phòng. Nào các cỗ xe tăng chuyển hành ầm ầm, nào các khẩu trọng pháo được kéo đến, rồi tiếng giày lính nện lên mặt đường nhựa của đoàn quân đi nhịp nhàng theo khúc nhạc quân hành hùng tráng...Cả một khu vực và vùng trời vang động rộn rã, thế mà một đàn chiên vẫn thản nhiên từ từ tiến bước từ thảm cỏ này đến cánh đồng kia, nhích dần đến gần con đường người ta đang duyệt binh... Bộ chỉ huy phát hiện ra đàn chiên liền phái đến một tiểu đội quân cảnh để lùa đàn chiên tránh đi hướng khác. Họ mở còi hụ, la hét om sòm lên, nhưng đàn chiên vẫn nhởn nhơ gặm cỏ. Rồi cả một trung đội vệ binh được tăng cường. Cũng hò hét, hụ còi inh ỏi, nhưng đành chịu, đàn chiên vẫn bình thản thưởng thức món cỏ xanh thiên nhiên hào phóng, mỗi lúc một tiến gần doanh trại hơn. Đúng lúc ấy, đoàn xe môtô dẫn đầu đoàn xe hơi của phái đoàn bộ trưởng đã vào đến cổng trại. Làm sao bây giờ ? Không ai được quyền dùng đá để ném, dùng gậy để đánh đuổi đàn chiên, bởi như thế là chọc giận Hội Bảo Vệ Súc Vật và báo chí khắp nơi. Toàn bộ đạo quân trang bị hùng hậu như vậy đành phải thúc thủ trước đối thủ quá ư hiền lành này hay sao ? Bỗng, chiếc xe Jeep của thiếu tướng chỉ huy trưởng trại Robert phóng đến, và từ trên xe, Linh Mục Tuyên Úy Michael nhảy xuống, chạy đến nói nhỏ vào tai vị sĩ quan vệ binh. Sau đó, cả trung đội tập hợp ngay, đứng vào vị thế nghiêm. Và thinh lặng bao trùm lên tất cả đạo quân trong phút chốc ! Chính vào lúc hoàn toàn thinh lặng này, người ta mới nghe thấy có tiếng sáo của người mục đồng mãi từ trên một ngọn đồi gần đấy vọng xuống. Thế là cả đàn chiên tức khắc ngoan ngoãn quay gót, cùng nhau lũ lượt chạy lên mỏm đồi giữa những tiếng thở phào nhẹ nhõm của quan quân trong đoàn vệ binh...Chỉ cần một tiếng sáo mục đồng du dương nhè nhẹ ấy thôi, cũng đủ để kêu gọi cả đàn chiên đi lạc hướng quay trở về, trả lại khung cảnh trang nghiêm cần thiết cho buổi lễ duyệt binh. Bao nhiêu tiếng hò hét, tiếng còi hụ inh ỏi đều bó tay. Càng nhiều tiếng huyên náo thì đàn chiên lại càng không tài nào nghe được tiếng sáo đơn sơ nhỏ nhẹ của chú bé mục đồng.
Sống trong thế giới hôm nay, chúng ta cũng bị bao vây bởi quá nhiều tiếng động xô bồ và âm thanh hỗn tạp, quá nhiều đến độ chúng ta không còn có thể nghe được tiếng gọi Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành. Chỉ cần thinh lặng, một chút lặng yên thôi, cũng đủ để đàn chiên nghe được tiếng gọi của người chăn dắt. Phải chi chúng ta cũng có được những khoảnh khắc phút giây trầm lắng quý giá như thế, để rồi nghe được thứ thanh âm của sự tĩnh lặng, nghe được lời gọi của Thiên Chúa và nhận ra Người ? Phải chi chúng ta cũng biết trao tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa, để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta:“Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi, và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục Tử”.
Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn kêu gọi làm Linh mục. Nhìn tình hình chung trên toàn thế giới, còn thiếu rất nhiều Linh mục. Giáo dân cần Linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ. Giáo dân cần Linh mục như học sinh cần thầy cô giáo. Giáo dân cần Linh mục như một người bạn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ vui buồn trong đời sống và như một người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.
Hãy cầu nguyện cho có nhiều thanh niên sẵn sàng hiến thân làm linh mục. Hãy khuyến khích con cháu dâng mình cho Chúa, làm linh mục để phục vụ anh em. Nhất là hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những Mục tử như Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đoàn chiên.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, Chúa là mục tử chăn dắt cuộc đời chúng con. Chúng con xin phó dâng cuộc đời cho lòng thương xót của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con luôn thiết tha với tâm nguyện: xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu của Chúa ngõ hầu danh Chúa được cả sáng ngang qua cuộc sống của chúng con.
Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội.

29/04/12 CHÚA NHẬT TUẦN 4 PS – B 
Ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu
Ga 10,11-18
CHỦ CHIÊN VÀ CHIÊN BIẾT NHAU

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,14-15)

Suy niệm: Trong Cựu Ước hình ảnh con chiên được dùng với những ý nghĩa phong phú. Mối quan hệ chủ chiên và chiên không dựa trên giá trị kinh tế nhưng là một mối quan hệ rất thân tình như cha với con (x. 2Sm 12,2-3). Thiên Chúa ví mình như một chủ chiên tốt, luôn chăm lo cho đoàn chiên của mình:“Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh…” (Ed. 34,15-16). Chúa Giê-su còn sánh ví mạnh mẽ hơn: Người mục tử tốt lành dám liều mạng sống vì đoàn chiên. Và giữa chủ chiên và đoàn chiên có quan hệ thân tình hai chiều: “Tôi biết chiên tôi, và chiên tôi biết tôi.”

Mời Bạn: Chúa biết tôi sâu xa đến mức Người hiến mạng sống để trở nên một với tôi, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể. Tôi có cảm nhận được mối thâm tình Chúa Giê-su dành cho tôi chưa? Phần tôi, tôi “biết” Chúa đến mức nào? Tôi xét lại thái độ của mình đối với Bí tích Thánh Thể: tha thiết yêu mến hay thờ ơ lạnh nhạt? siêng năng hay cầm chừng ở mức tối thiểu?
Chia sẻ cảm nghiệm của bạn về mối quan hệ thân tình giữa bạn với Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi dọn mình sốt sắng để có thể rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ; và sau đó dành một thời gian thích đáng để cám ơn sau khi rước lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là chủ chiên nhân lành của con, xin nhận lấy con như con chiên trong đoàn chiên của Chúa. Xin cho con biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa gọi con mỗi ngày.


Ngày 29
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH


“Tôi là mục tử nhân lành”

Đức Giêsu là mục tử đích thực và nhân lành, chỉ vì đời sống của Người hội nhập sự nhân lành và chân lý của Thiên Chúa Giao ước. Chỉ có Người muốn điều tốt lành và thánh thiện cho con người. Người đến chỉ vì điều này: ban cho họ sự sống tràn đầy. Thực vậy, đặc tính duy nhất của vị mục từ nhân lành - mà thánh Gioan lập lại 5 lần - là "ban sự sống mình cho đàn chiên". Người nhân lành vì ban sự sống và "không có gì cao quí hơn để làm chứng cho tình yêu cho bằng trao ban sự sống cho người mình yêu!"

Gương mặt của Đức Kitô, vị mục tử đích thực đi ngược lại mọi hình thức quyền hành của con người chỉ biết tìm "xén lông" các kẻ khác vì lòng ích kỷ của mình hay vì trách nhiệm sứ vụ mà không quan niệm được như là tận hiến chính mình để phục vụ anh em. Đức Giêsu tự nhận mình là người mục tử nhân lành, vì Người biết các kẻ thuộc về mình và họ cũng biết Người. Sự hiểu biết này là hiệp thông sống động, tự tâm hồn cũng như từ suy tư. Niềm tin có thực sự là dây liên hệ tình yêu, một kinh nghiệm sống động, thân mật, liên vị?

Giáo hội phải là đàn chiên, là một "cộng đoàn" thuộc về vị Mục Tử nhân lành; với Người, mỗi tín hữu là con chiên duy nhất và Người sẽ gọi tên từng con.

Michel Hubaut - Bayard
Chúa Nhật 29-4

Thánh Catarina ở Siena

TIẾN SĨ HỘI THÁNH
(1347 -- 1380)

Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Ðức Kitô. Ðiều đáng khâm phục về thánh nữ là ngài coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.
Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ở Siena và là người con út trong một gia đình có đến 23 người con. Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Ðức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền giáo của Dòng Ða Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina luyện tập tâm linh qua lối sống khắc khổ.
Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.
Dần dà, người ta nhận thấy dường như Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần -- giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng - bắt đầu tuốn đến với cô để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của cô, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận.
Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Ða Minh năm 1374.
Cô có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì ảnh hưởng sâu đậm đối với đức giáo hoàng. Cô làm việc không biết mệt trong cuộc thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và trong việc hòa giải thành phố Florence với đức giáo hoàng.
Cô thành công trong việc thuyết phục Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Ðức Urbanô VI lên ngôi. Khi cuộc Ðại Ly Giáo bùng nổ, Ðức Urbanô VI mời Catarina đến Rôma, vì đức giáo hoàng cần sự hỗ trợ của cô. Năm 1378, cô đến Rôma và thường xuyên viết thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của Ðức Urbanô. Hàng ngày, cô đi bộ đến Ðền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
Một vài tuần trước khi chết, cô đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Ðền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải khiêng cô về nhà. Catarina hầu như bất toại cho đến khi từ trần, ngày 24 tháng Tư 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.
Ngôi nhà của thánh Catarina ở Siena
Cô được Ðức Giáo Hoàng Piô II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào năm 1970, Ðức Phaolô VI tuyên xưng thánh nữ là Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự này. 
Trong khi các thư của Thánh Catarina thường được coi là cửa ngõ để biết đến con người của ngài, nhưng người ta thường nhắc đến tác phẩm "Ðối Thoại" mà ngài chỉ coi đó là "cuốn sách của tôi," gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ. Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi ngài ngất trí.

Copyright © 2001 by Nguoi Tin Huu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét