Trang

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

TÌM HIỂU CÁC LỜI GIÁO HUẤN QUA CÁC BÀI ĐỌC GIỜ KINH SÁCH TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


TÌM HIỂU VỀ CÁC LỜI GIÁO HUẤN
QUA NHỮNG BÀI ĐỌC KINH SÁCH TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Giuse Nguyễn Văn Phương, O.P.
Dẫn nhập
Theo chu kỳ phụng vụ, Giáo hội Công giáo có hai Đại lễ trong năm là lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Trong lịch phụng vụ của Giáo hội đều ghi Tuần Bát nhật của hai Đại lễ này. Thế nhưng, trong cuốnKinh Sách, Các Bài Đọc- một cuốn sách chứa đựng các bản văn Kinh Thánh và những trang sách hay đẹp nhất của các Giáo phụ và các nhà tu đức[1]- không thấy ghi các bài đọc cho Tuần Bát nhật Giáng Sinh, mà chỉ thấy ở Tuần Bát nhật Phục Sinh. Vậy chắc hẳn, Phụng vụ Giáo hội khi sắp xếp các bài đọc cho Tuần Bát nhật Phục Sinh là muốn nhắm tới điều gì đó. Nhân dịp mừng Đại lễ Phục Sinh, người viết muốn Tìm hiểu về các lời giáo huấn qua những bài đọc Kinh Sách Tuần Bát nhật Phục Sinh. Để đi vào phần trình bày này, trước hết, xin được tìm hiểu về Nguồn gốc, ý nghĩa và mục đích của Bát nhật Phục sinh, tiếp đến là phần chính: Tìm hiểu về những khía cạnh giáo huấn của các bài đọc trong Tuần Bát nhật Phục sinh. Sau đó, xin được đưa ra suy nghĩ về sự liên hệ, nối kết và tiến triển giữa các bài đọc trong Tuần Bát nhật. Cuối cùng, vì xét thấy các bài đọc Kinh Sách không phải là một hình thức cầu nguyện, suy niệm phổ biến lắm với đại đa số giáo dân, bởi vậy, người viết mạo muội đưa ra một vài kiến nghị của mình: làm sao để người tín hữu có thể biết đến những lời giáo huấn của các bài đọc Kinh Sách, cũng như sống ý nghĩa Tuần Bát nhật.
1. Nguồn gốc, ý nghĩa và mục đích của Bát nhật Phục Sinh
a. Nguồn gốc
Thời gian Vượt Qua mở ra Ngày Chúa Nhật Phục Sinh, và một thời kỳ gồm năm mươi ngày, tiếng Hylạp gọi là Pentecoste,nghĩa là ngày thứ năm mươi. Trong Cựu Ước, con số 50 là con số kết thúc tuần lễ cao điểm trong bảy tuần, gợi lên sự sung mãn, tốt lành, tương tự như thể chế năm toàn xá của dân Israel: cứ bảy năm thì có một năm toàn xá (x. Xh 21,2); còn trong Tân Ước, con số năm mươi tính từ cái chết của Đức Giêsu đến ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đến canh tân toàn thể Hội Thánh (x.Cv 2). Mầu nhiệm Vượt Qua chỉ đạt chiều kích trọn vẹn trong sự viên mãn của lễ Ngũ Tuần, là ngày Hội Thánh nhận được những hoa trái đầu tiên làm bảo chứng cho phần gia nghiệp (x.Ep 1,13-14)[2].
Theo các Giáo phụ, mọi ngày trong tuần năm mươi này phải được cử hành trong niềm hân hoan, có cùng tầm quan trọng như ngày Chúa Nhật[3]. Tuần năm mươi cũng là thời gian hạnh phúc nhất để cử hành phép Rửa[4]. Nếu như ngày Chúa nhật vừa là ngày thứ nhất cũng là ngày thứ tám, thì Chúa Nhật Phục Sinh do Pentecoste tạo ra được khai triển thành tám ngày Chúa Nhật. Như thế Pentecoste là một chuỗi tám (octave), là một tuần của các tuần[5].
Bát nhật Phục Sinh là tuần đầu tiên trong chuỗi tám đó. Danh từ gốc Latinh Octo, tức là tám. Octavus là ngày thứ tám, hay là cả tám ngày. Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy, các đại lễ của dân Israen thường được tổ chức suốt một tuần và kết thúc cách long trọng vào ngày thứ tám (x. Lv 23,34-36). Theo phụng vụ của Giáo hội, Tuần Bát nhật là thời gian tám ngày mừng lễ hay kính nhớ Mầu nhiệm nào đó. Trước đây, Giáo hội mừng kính nhiều Tuần Bát nhật, như Tuần Bát nhật đặc biệt, hay Bát nhật thường. Từ năm 1955, Giáo hội mừng kính ba Bát nhật: Bát nhật Giáng sinh, Phục Sinh và Hiện xuống[6]. Hiện nay, trong lịch phụng vụ của Giáo hội chỉ còn ghi hai Bát nhật là Bát nhật Phục Sinh và Giáng sinh. Hai Bát nhật mà Giáo hội mừng kính cũng kết thúc bằng hai lễ long trọng: Bát nhật của Giáng sinh kết thúc vào ngày 1 tháng 1, lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa; ngày thứ tám của lễ Phục Sinh là ngày ngày lễ Chúa Nhật Áo trắng. Bát nhật Phục Sinh, mà truyền thống Rôma quen gọi là Tuần lễ áo trắng, ra đời từ thế kỷ IV, vì lúc đó, Giáo hội quan tâm làm sao để các tân tòng có một huấn giáo hậu phép Rửa về các Mầu nhiệm mà họ đã lãnh nhận, tuy nhiên, huấn giáo này cũng dành cho toàn thể dân chúng nữa[7].
b. Ý nghĩa
Bát nhật Phục Sinh liên hệ với việc rửa tội cho người lớn. Hội Thánh thời cổ chú tâm đến mối liên hệ giữa Vượt Qua của Đức Kitô với phép Rửa. Theo thánh Phaolô: nhờ phép Rửa mà người Kitô hữu được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, được mai táng với Người, để rồi được tham dự vào đời sống mới của Đấng Phục Sinh (x. Rm 6,3-5). Bởi đó, Giáo hội lo sao để việc cử hành phép Rửa được ưu tiên vào ngày Chúa Nhật[8].
Khi Kitô giáo ngày càng lan rộng, Đêm Vượt Qua đã trở thành đêm trọng đại trong năm để cử hành phép Rửa. Nghi thức làm phép Rửa trong đêm canh thức bao gồm: đến giếng nước rửa tội, cầu nguyện thánh hiến nước, cởi bỏ y phục của các ứng viên xin chịu phép rửa, ba lần dìm xuống nước kèm theo ba lời tuyên xưng đức tin, xức dầu thánh và trao áo trắng- y phục của những người được tái sinh. Rồi Giám mục làm phép Thêm Sức, và trở lại cung thánh để tiếp tục cử hành Thánh Thể cùng với sự tham gia của các tân tòng vào bữa tiệc Vượt Qua của các tín hữu[9]. Như thế, buổi canh thức Vượt Qua có ý nghĩa diễn tả đức tin của hết mọi tín hữu trong một cộng đoàn, một khu vực nhất định, và vì vậy, Tuần Bát nhật này cũng mang đặc tính của phép Rửa.
c. Mục đích
Trong Giáo hội cổ xưa, những người muốn gia nhập đạo, trong suốt mùa Chay, họ được học hỏi giáo lý, để đêm vọng Phục Sinh lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Sang Tuần Bát nhật, Giáo hội tiếp tục quy tụ họ lại mỗi ngày để hoàn tất việc giảng dạy cho họ[10]. Mục đích của việc giáo huấn trong Tuần Bát nhật là giúp các tân tòng hiểu được ý nghĩa về các Mầu nhiệm mà họ đã hiệp thông. Các bài giáo lý đặt cơ sở trên kinh nghiệm mà người tân tòng đã sống trong các buổi cử hành, để rồi, họ được sống mãi ý nghĩa đó trong suốt cả cuộc đời. Theo hướng ấy, giáo lý về Bí tích Thánh Thể chiếm một chỗ đứng quan trọng trong thời gian này[11].
Sau Chúa Nhật Phục Sinh, ngày quan trọng nhất trong Tuần Bát nhật là ngày thứ tám, tức là kết thúc Tuần Bát nhật. Trong suốt tuần lễ, những người tân tòng mặc áo trắng để tham dự các buổi cử hành phụng vụ. Hết ngày thứ bảy, họ cởi áo trắng rửa tội để sang Chúa nhật kết thúc Tuần Bát nhật, họ được ngồi chung với những tín hữu khác, như là phần tử bình thường trong Giáo hội[12]. Các bài giảng của các Giáo phụ cho ngày này nói lên Mầu nhiệm của ngày thứ tám, tức là sự tham dự trước vào sự sống vĩnh cửu. Đồng thời, trong bài giảng ấy, người mục tử cũng dành những lời khuyên cho các tân tòng sắp sửa sống niềm tin của mình giữa cuộc sống đời thường. Chẳng hạn, trong bài giảng kết thúc Tuần Bát nhật, thánh Grêgôriô Cả khuyên các tín hữu: “Này đây chúng ta đang kết thúc các ngày lễ thuộc Vượt Qua; nhưng chúng ta phải sống cách nào để đạt tới những ngày lễ vĩnh cửu”[13].
Tóm lại, Bát nhật là tuần đầu tiên trong chuỗi những tuần của năm mươi ngày sau Đại lễ Phục Sinh. Bát nhật Phục Sinh có đặc tính của Bí tích Thánh Tẩy; Giáo hội cổ thời đã dùng Tuần Bát nhật để hoàn tất việc giáo huấn các tân tòng. Một số bài giáo huấn quan trọng của các Giáo phụ hay các nhà tu đức được phụng vụ Giáo hội đưa vào trong các bài đọc Kinh Sách Tuần Bát nhật Phục Sinh. Những lời giáo huấn cho các tín hữu xưa kia vẫn còn giá trị và rất thiết thực cho các tân tòng cũng như cho mọi phần tử trong Giáo hội ngày nay.

2. Những khía cạnh Giáo huấn từ các bài đọc Kinh Sách Tuần Bát nhật Phục Sinh
Mục đích của giờ Kinh Sách là hướng dẫn dân Chúa nghiền ngẫm Kinh Thánh và những trang sách hay của các nhà tu đức[14]. Trọng tâm của giờ kinh sách là hai bài đọc. Bài đọc thứ nhất trích từ sách Thánh, bài đọc 2 lấy từ các Giáo phụ hay các nhà tu đức. Chúa Nhật vọng Phục Sinh có bốn bài đọc (không có bài đọc Giáo phụ), trong đó ba bài trùng với bài đọc của đêm Vượt Qua[15]. Mặt khác, xét vì Tuần Bát nhật có đặc tính phép Rửa, nên ở đây chỉ tìm hiểu bài đọc 3 (Rm 6,3-11). Các ngày khác trong tuần, bài đọc 1 được lấy từ thư 1Phêrô, trừ Chúa nhật kết thúc Tuần Bát nhật (Cl 3,1-17); bài đọc 2 được lấy từ Giáo lý rửa tội của các Giáo phụ. Dựa trên những bài đọc đó, xin đưa ra các chủ đề Giáo huấn: Giáo huấn về các Bí tích, Giáo huấn về các Mầu nhiệm, Những lời khuyên sống các Bí tích và các Mầu nhiệm, Những lời khích lệ sống đời sống mới.

a. Giáo huấn về các Bí tích
Các bài đọc trong Tuần Bát nhật cho thấy những lời giáo huấn về các Bí tích, bao gồm: Bí tích Thánh Tẩy, Bí tích Thêm Sức và Bí tích Thánh Thể.
- Bí tích Thánh Tẩy
Trong đêm vọng Phục Sinh, phụng vụ Giáo hội chọn đọc Rm 6, 3-11 (bài đọc 3). Bản văn Kinh Thánh này cho thấy ý nghĩa của Bí tích Thánh Tẩy: “Chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người” (Rm 6,3). Với Dothái giáo, những ai gia nhập đạo thì phải qua nghi thức dìm vào nước. Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi dân sám hối và ông đã làm phép rửa (dìm) những ai thật lòng sám hối. Ở đây, thánh Phaolô chỉ giữ lại cử chỉdìm nhưng được liên kết chặt chẽ với thập giá, tức là không phải nước tha tội lỗi, mà chỉ có thập gía mới là nguồn ơn cứu độ. Thánh Phaolô cho thấy ý nghĩa của việc dìm người chịu phép rửa vào nước: cái chết liên kết người chịu phép rửa với Đức Kitô chết trên thập giá (x.Mc 10,38). Cử chỉ dìm này tạo ra mối tương quan giữa người chịu phép rửa với Đức Giêsu Kitô: liên kết mật thiết với Đức Kitô chết trên thập giá. Nhờ đó, người được thanh tẩy đi theo con đường của Chúa mình: cùng chịu đóng định, chịu chết và mai táng với Người. Và như vậy, qua phép rửa, các tân tòng được nên một với Người nhờ được chết như Người đã chết (x.Rm 6,5)[16].
Trong các bài đọc 1, thứ hai và thứ ba Tuần Bát nhật Phục Sinh, thánh Phêrô lại nói đến hiệu quả của phép Rửa. Người lãnh nhận phép Rửa được hưởng một gia tài không bao giờ hư hoại, tàn phai. Thêm vào đó, người chịu phép Rửa luôn có Lời Thiên Chúa tồn tại và sản sinh những con người để hưởng sự sống vĩnh cửu. Nhờ vậy, họ có thể đến gần Đức Kitô và để Người dùng họ như những viên đá sống động (x.1Pr 1, 4.23; 2,4-5).
Bài đọc 2, thứ 5 cho biết: Bí tích Thánh Tẩy như là một dấu chỉ cuộc thương khó của Đức Kitô. Người được dẫn tới bể nước thánh tẩy ví như Đức Kitô được đưa từ thập giá xuống mộ phần. Người tín hữu khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy, qua ba lần dìm vào trong nước, rồi trồi lên, là diễn tả cách tượng trưng Đức Kitô chịu mai táng ba ngày. Tuy các tín hữu thực hiện những cử chỉ có tính tượng trưng nhưng lại được thông phần vào đau khổ của Đức Kitô, và thực sự được đón nhận ơn cứu độ. Như thế, Bí tích Thánh Tẩy chẳng những tẩy trừ tội lỗi, ban ơn Thánh Thần, nhưng còn là biểu tượng và hình ảnh cuộc thương khó của Đức Kitô.
- Bí tích thêm sức
Bài đọc 2, thứ 6, cho biết, qua việc dìm vào nước thanh tẩy, người dự tòng được mặc lấy Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Người, được gọi là những Kitô, tức là người được xức dầu. Giáo lý Công giáo giải thích: trong Bí tích Thánh Tẩy, việc xức dầu được Giám mục thánh hiến, biểu thị việc ban Thánh Thần cho người tân tòng[17].
Tác giả dùng hình ảnh: sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giođan, vừa bước lên khỏi dòng nước, thì Thánh Thần ngự xuống trên Người. Cũng vậy, người tín hữu khi bước lên khỏi bể nước thanh tẩy, họ được xức dầu, tức là đón nhận ơn Chúa Thánh Thần. Dầu đó được xức trên trán và các giác quan. Điều này có thể hiểu: tác giả muốn nói đến việc xức dầu mà những người trưởng thành vừa lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy trong đêm vọng Phục Sinh, họ có thể lãnh nhận ngay Bí tích Thêm Sức. Nghi thức chính yếu của Bí tích Thêm Sức là xức dầu thánh hiến trên trán, đồng thời với việc đặt tay và đọc: “Hãy nhận lấy ấn tín hồng ân Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần”[18]. Nếu như Đức Kitô được xức dầu thiêng hoan lạc, thì người tín hữu cũng được xức dầu thiêng: dầu của Đức Kitô và của Thánh Thần. Khi thân xác được xức dầu thì linh hồn được thánh hiến nhờ Chúa Thánh Thần.
Như vậy, với việc đưa ra giá trị của việc xức dầu, ơn Chúa Thánh Thần xuống trên người dự tòng cách sung mãn. Giáo lý Hội Thánh đã khẳng định: Bí thích Thêm Sức chuẩn nhận  hoàn tất việc xức dầu khi rửa tội[19].
- Bí tích Thánh Thể
Bài đọc 2, thứ bảy, nhắc lại việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trong đêm Người bị nộp. Các tín hữu cần đón nhận Bí tích Thánh Thể với tất cả niềm xác tín: bánh rượu là Mình và Máu Chúa Kitô. Khi ăn Bánh và uống Rượu, tín hữu trở thành những con người mang Đức Kitô, có Mình Máu Chúa thâm nhập toàn thân.
Bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô là một điều khó hiểu đối với lý trí con người. Xưa kia những người Dothái đã không hiểu ý nghĩa lời Đức Giêsu nói: nếu các ông không ăn thịt và uống máu tôi, các ông không có sự sống nơi mình, nên họ đã rút lui. Đối với người tín hữu, dù giác quan chỉ nhìn thấy là bánh và rượu, nhưng họ được mời gọi vượt lên trên lý trí để tin rằng, đó chính là Mình và Máu Đức Kitô.
Nếu như vua Đavít đã từng ca hát: tấm bánh làm no lòng chắc dạ, dầu thơm làm gương mặt sáng tươi, thì người tín hữu cũng xác tín rằng, nhờ ăn Bánh thiêng liêng mà gương mặt linh hồn được sáng tươi, vì được chiêm ngưỡng vinh quang như trong một tấm gương, và được biến đổi mỗi ngày trong Chúa Giêsu Kitô.
Như vậy, trong Tuần Bát nhật, Giáo hội đã dành một số bài đọc để nói về các Bí tích. Người tín hữu được học hỏi về ý nghĩa, hiệu quả của Bí tích Thánh Tẩy; được hiểu thêm: việc xức dầu ban Thánh Thần của Bí tích Thêm Sức là sự hoàn tất của việc xức dầu khi rửa tội. Còn với Bí tích Thánh Thể, người tín hữu được thêm xác tín trong việc biến thể: bánh rượu trở nên Mình Máu Đức Kitô, làm của ăn mang lại sự sống đời đời cho con người. Nhờ vậy, với giáo huấn này, các tân tòng được đào sâu thêm về ba Bí tích mà họ đã hiệp thông trong đêm vọng Phục Sinh, cũng là hoàn tất việc khai tâm Kitô giáo: Bí tích Thánh Tẩy khởi đầu đời sống mới, Bí tích Thêm Sức củng cố đời sống mới, và Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng người tín hữu để họ được biến đổi và nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô[20].

b. Giáo huấn về các Mầu nhiệm
Những bài đọc nói đến các Mầu nhiệm một cách minh nhiên hay ám tàng, nhưng dẫu sao cũng cho thấy hai Mầu nhiệm là: Mầu nhiệm Vượt Qua, và Mầu nhiệm Đức Kitô.
- Mầu nhiệm Vượt Qua
Bài đọc 2, thứ 2, là bài giảng của đức cha Mêliton, Giám mục Xácđê, về Mầu nhiệm Vượt Qua. Trước hết, tác giả nêu lên đặc tính của Mầu nhiệm Vượt Qua: vừa cũ vừa mới, vừa vĩnh cửu vừa tạm thời, vừa hư hoại vừa bất hoại. Mầu nhiệm ấy cũ là Lề Luật, mới là do Ngôi Lời; tạm thời vì là hình bóng, vĩnh cửu vì là ân sủng, có cái hư hoại là con chiên bị sát tế, bất hoại là sự sống của Chúa, có cái phải chết vì Chúa chịu mai táng, cái vĩnh cửu vì Người đã sống lại.
Tiếp đến, tác giả nói đến chủ đích của lễ Vượt Qua: Đức Giêsu Kitô là Chiên của lễ Vượt Qua. Con chiên bị sát tế trong nghi lễ của người Dothái là hình bóng Đức Giêsu Kitô chịu hiến tế vì loài người. Hình bóng ấy nay đã chuyển thành thực tại: Ngôi Lời thay thế cho Lề Luật, Luật Mới thay thế cho Luật Cũ, con chiên nhường chỗ cho Chúa Con. Đức Giêsu Kitô, chiên sát tế Vượt Qua là Thiên Chúa mặc lấy xác phàm, chịu đau khổ thay cho những người tội lỗi. Người đã sống lại và tuyên bố: giải án cho người bị kết án. Đồng thời, Người cũng mời gọi con người vốn bị ràng buộc bởi tội lỗi đến để đón nhận ơn tha thứ.
Bài đọc 2, thứ 4, cũng nói về Mầu nhiệm Vượt Qua. Qua việc đưa ra hình ảnh Ađam cũ và Ađam mới, tác giả nêu bật ân phúc của Mầu nhiệm Vượt Qua. Đức Giêsu, Ađam mới đã đem ơn cứu độ cho con người, nên ai tin vào Người thì sẽ được sống. Ơn cứu độ là ân phúc, là quà tặng của Mầu nhiệm Vượt Qua. Nhờ ân phúc của Mầu nhiệm Vượt Qua mà qua Bí tích Thánh Tẩy, người tín hữu được ban sự sống mới. Bởi đó, người tân tòng cần bày tỏ niềm tin với tâm hồn trong trắng. Hơn nữa, nhờ ân phúc Mầu nhiệm Vượt Qua, mà các tín hữu được nuôi dưỡng bằng các Bí tích, được hợp thành một cộng đoàn huynh đệ, được Hội Thánh ấp ủ thương yêu, và sẽ trở thành một dân duy nhất tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Mầu nhiệm Đức Kitô
Bài đọc 2, thứ 3, là bài giảng của thánh Anáttaxiô. Thánh nhân dạy: Đức Kitô đã dùng lời nói và việc làm để chứng tỏ Người là Thiên Chúa thật. Trong hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ biết: Người sẽ bị nộp, bị đánh đòn và bị đóng đinh vào thập giá. Thực ra, cái chết của Đức Giêsu đã được Kinh Thánh báo trước từ lâu. Kinh Thánh cũng nói đến những gì sẽ xảy đến cho thân xác Người, tuy vậy, Người vẫn là Thiên Chúa không thể đau khổ và không thể chết. Thế nhưng, khi nhìn vào cuộc Nhập Thể và cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, thì con người khó có thể hiểu: Người chịu đau khổ và Người không thể đau khổ; Ngôi Lời của Thiên Chúa không thể đau khổ lại chịu đau khổ. Điều này chỉ có mình Người và những ai mà Người bày tỏ cho biết mới có thể hiểu được.
Tuy vậy, Đức Giêsu chịu đau khổ và chịu chết là điều phải xảy ra. Ơn cứu độ chỉ được thực hiện qua cuộc thương khó và do Đấng khơi nguồn sự sống. Vì loài người chúng ta, trong một thời gian ngắn, Đức Giêsu đã rời bỏ vinh quang mà Người vẫn hưởng nơi Chúa Cha, để đến trần gian, chịu đau khổ và chịu chết. Nay nhờ thập giá, vinh quang đó được hoàn trả lại cho Người. Bởi đó mới có câu: Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới vào vinh quang của Người. Do đó, cái chết của Đức Giêsu trên thập giá không phải là một sự thất bại mà là vinh quang.
Như vậy, các bài đọc cho thấy đặc tính Mầu nhiệm Vượt Qua. Mầu nhiệm Vượt Qua hướng đến đích điểm: Đức Giêsu là chiên Vượt Qua đã chịu hiến tế vì tội lỗi loài người. Ân phúc của Mầu nhiệm Vượt qua là ơn cứu độ cho những ai có lòng tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô, Chiên Vượt Qua. Còn về Mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, con người không thể hiểu được sự đau khổ nơi Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Nhưng qua đau khổ và cái chết, Đức Giêsu đã mang lại ơn cứu độ cho con người.
c. Những lời khuyên sống các Bí tích và các Mầu nhiệm
Các lời khuyên chủ yếu là ở trong thư 1Phêrô. Thư 1Phêrô được đọc liên tục từ thứ hai đến thứ bảy trong Tuần Bát nhật Phục Sinh. Với tư cách là Tông đồ của Đức Giêsu Kitô, thánh nhân đã đưa ra những điểm giáo lý và những lời khuyên cho các tín hữu:
- Sống xứng đáng với tư cách là các thánh đã kiến tạo nhà Thiên Chúa.
Trong bài đọc 1, thứ hai, thánh Phêrô nêu bật hiệu quả của việc tái sinh nhờ cuộc Phục Sinh của Đức Kitô: Người cho chúng ta được tái sinh, được hưởng gia tài không thể hư hoại (x.1Pr 1,3-4). Thánh Phêrô cũng đưa ra bộ ba nhân đức: lòng tin, lòng cậy và lòng mến và khuyên tín hữu thực hành các nhân đức đó: tin vào Thiên Chúa, Đấng cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, hy vọng vào ân sủng, yêu mến Chúa và yêu mến nhau hết cả tâm hồn. Nếu như Đức Kitô đã phải trải qua đau khổ mới đến vinh quang, thì các tín hữu cũng được mời gọi theo con đường đó để tìm thấy niềm vui đích thực giữa thử thách gian truân.
Trong bài đọc 1, thứ 3, thánh Phêrô nói đến hiệu quả thường hằng của Lời Thiên Chúa: Lời Thiên Chúa tồn tại và sản sinh những con người để hướng tới sự sống vĩnh cửu. Bởi vậy, các  tín hữu cần từ bỏ mọi thứ gian ác, xảo trá, giả hình, và khao khát Lời Chúa, để nhờ đó được lớn lên hầu hưởng ơn cứu độ (x.1Pr 1,23-2,3). Thánh Phêrô mời gọi các tín hữu đến gần Viên Đá sống động, Viên Đá ấy đã bị người đời loại bỏ, nhưng được Thiên Chúa nâng dậy. Viên Đá ấy là chính Đức Kitô. Với lời khuyên: Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động (1Pr 2,5), thánh Phêrô muốn nhắn nhủ: một khi đã gia nhập “Nhà của Thiên Chúa” qua phép Rửa, bằng chính cuộc sống quảng đại của mình, các tín hữu cũng phải góp phần làm cho ngôi nhà ấy tăng triển.
- Bổn phận người tín hữu trong đời sống thường ngày
Trong bài đọc 1, thứ tư, thánh Phêrô khuyên các tín hữu tránh xa những đam mê xác thịt, ăn ở ngay lành giữa dân ngoại (x.1Pr 2,11-12). Nếp sống của các tín hữu phải làm sao không thành tiếng cho dân ngoại, để một ngày nào đó, dân ngoại nhận ra những việc tốt lành của họ mà tôn vinh Thiên Chúa.
Nếu như ở phần khai triển có tính cách lý thuyết, thì những lời khuyên dưới đây mang tính thực hành cho từng đối tượng cụ thể. Thánh Phêrô khuyên các tín hữu: tuân phục có trách nhiệm với nhà cầm quyền (2,13-17). Tuân phục có trách nhiệm, không phải là sự vâng phục tối mặt mà là ý thức về lương tâm[21]. Động lực tuân phục ở đây là vì lòng kính trọng Chúa, Đấng sáng tạo và là Chủ Tể. Thánh Phêrô cũng phân biệt rõ tôn trọng và kính trọng: “Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu mến anh em mình, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua” (1Pr 2,17). Chỉ có Thiên Chúa đòi hỏi con người phải kính trọng, còn những người cầm quyền chỉ được đòi hỏi tôn trọng mà thôi.
Đối với tương quan tôi chủ, thánh Phêrô khuyên: “Hãy tuân phục chủ với lòng kính sợ, không phải chỉ những người tốt lành, mà cả những người chủ khắc nghiệt” (1Pr 2,18). Điều này không có nghĩa là thánh Phêrô để mặc hay khuyến khích người chủ ác nghiệt. Thư 1Phêrô không đặt vấn đề thể chế xã hội, mà dạy cách sống thể chế đó sao cho thích hợp. Những đức tính hiền lành, kiên nhẫn, khiêm nhường như Đức Kitô là sức mạnh và hạnh phúc của người tín hữu[22].
Trong bài đọc 1, thứ 5, thánh Phêrô khuyên về mối tương quan vợ chồng: người vợ phục tùng chồng (đây cũng là vấn đề thể chế xã hội; không phải thánh Phêrô nhân dánh Chúa để yêu cầu người vợ phục tùng chồng, mà là xu hướng của xã hội thời đó[23]), giữ vẻ đẹp bên ngoài và bên trong thùy mị hiền hòa (x.1Pr 3, 1-4). Còn người chồng cần hiểu phụ nữ là phái yếu và quý trọng vợ, vì họ cũng được hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban (x. 1Pr 3,7). Đối với cộng đoàn Kitô hữu, thánh Phêrô khuyên các tín hữu hãy sống đồng tâm nhất trí, thông cảm, yêu thương nhau, có lòng thương xót, ăn ở khiêm nhường, không trả thù, nhưng chúc phúc cho những người nói lời thóa mạ (x.1Pr 3,8-11).
Sau khi nói chi tiết về các bổn phận riêng của mỗi người, cũng như của cộng đoàn, thánh Phêrô kết thúc bằng Thánh vịnh 33,13-17. Nét tương đồng giữa Thánh vịnh với cuộc khổ nạn của Đức Kitô: Đức Kitô không đáp lại lời lăng nhục, vì thế người tín hữu cũng được mời gọi sống tha thứ và quảng đại. Qua việc đưa ra Thánh vịnh này, thánh Phêrô muốn nhấn mạnh: chiêm ngưỡng Đức Kitô sẽ soi sáng và biến đổi các bổn phận đã liệt kê ở trên[24].
Nếu như trước đó thánh Phêrô khuyên các tín hữu sống ngay lành trước dân ngoại, để dân ngoại thấy việc người tín hữu làm mà tôn vinh Thiên Chúa (x.1Pr 2,12), thì ở đây, thánh Phêrô cũng cho thấy cái nhìn lạc quan: người nhiệt thành và người làm điều thiện thì chẳng ai làm hại được, mà nếu có khổ vì sự công chính thì đó thật là điều hạnh phúc, cho nên, người tín hữu không phải sợ hãi, xao xuyến (x.1Pr 3,13-14). Hơn nữa, thánh Phêrô còn hướng các tín hữu đến niềm hy vọng vào sự chiến thắng của Đức Kitô: Đấng sau cuộc thương khó đã được tôn làm Đức Chúa (x.1Pr 3,22). Không những hướng đến niềm hy vọng, thánh Phêrô còn khích lệ các tín hữu cần sống làm sao để có thể trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng của mình (x.1Pr 3,15).
- Tỉnh thức và tin vào chiến thắng của Đức Kitô trước những bách hại
Trong bài đọc 1, thứ 6, khi đề cập đến việc Đức Giêsu “xuống ngục tổ tông” rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, thánh Phêrô nói đến người tội lỗi thời Nôê. Qua việc dùng hình bóng nước hồng thủy thời Nôê: nước rửa sạch thế giới tội lỗi, thì nước trong Bí tích Thánh Tẩy cũng tẩy sạch vết nhơ tội lỗi. Đức Kitô đã chịu chết và sống lại, qua Bí tích Thánh Tẩy, người tín hữu cũng được sống  lại với Người (x.1Pr 3,18-22). Trong đời sống mới này, các tín hữu cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi, giữ lương tâm trong sạch, sống chừng mực, yêu thương nhau, đón tiếp nhau, nói lời Thiên Chúa (x.1Pr 4,1.7.11). Trong mọi việc, người tín hữu làm là để tôn vinh Thiên Chúa, và đó cũng là thái độ chờ mong Chúa trở lại vinh quang.
Bài đọc 1, thứ 7, thánh Phêrô cho thấy, đối với những người Kitô hữu, thế giới này đang qua đi, trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm, các tín hữu phải đối diện với nhiều thử thách, bách hại. Nhưng khi bị bách hại vì Chúa Kitô, các tín hữu hãy vui mừng vì đó là được thông phần đau khổ với Đức Kitô.
Để đứng vững trong niềm tin đó, thánh Phêrô, với tư cách là một kỳ mục và là những chứng nhân đau khổ của Đức Kitô, khuyên các kỳ mục: chăn dắt đoàn chiên, nhiệt thành, tận tụy, nêu gương sáng cho đoàn chiên (x.1Pr 5,2-3 ); thánh Phêrô cũng khuyên nhủ các tín hữu: vâng phục các kỳ mục, khiêm tốn, tiết độ (x.1Pr 5,5-9). Tựu chung, thánh Phêrô muốn nhắn nhủ các tín hữu tỉnh thức giữa cơn thử thách, và khơi lên niềm hy vọng: hạnh phúc được hứa ban cho những người chịu bách hại, vì chính Đức Giêsu đã chiến thắng đau khổ và sự chết.
Như vậy, với tư cách là người Tông đồ, thánh Phêrô đã đưa ra những điểm giáo lý quan trọng, và sau đó đưa ra những lời khuyên thiết thực và cụ thể để các tín hữu sống các Bí tích và các Mầu nhiệm mà họ đã hiệp thông. Các tín hữu cần sống với tư cách là các thánh kiến tạo nhà Thiên Chúa: tìm thấy niềm vui khi gặp thử thách, để Thiên Chúa sử dụng như những viên đá sống động. Các tín hữu cần chu toàn bổn phận của mình trong tất cả các mối tương quan. Trước những bách hại của thế gian, các tín hữu cần tin tưởng và đặt niềm hy vọng vào sự chiến thắng của Đức Kitô. Trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm, khi bị thử thách hãy vui mừng vì được chia sẻ đau khổ với Đức Kitô, và hy vọng vào sự chiến thắng của Người.
d. Những lời khích lệ sống đời sống mới
Điều đáng lưu ý trong hai bài đọc Chúa Nhật II Phục Sinh, cũng là kết thúc Tuần Bát nhật, là cả hai bài đều nói đến sự sống mới hay thọ tạo mới trong Đức Kitô. Bài thứ nhất được trích từ thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côlôxê (Cl 3,1-17), còn bài thứ hai trích bài giảng của thánh Âutinh, Giám mục. Hai bài này cho thấy những lời khích lệ:
- Những điều cần tìm kiếm
Trong bài đọc 1, thánh Phaolô xác định: những người đã được thanh tẩy là có sự sống mới, sự sống ấy đang tiềm tàng với Đức Kitô. Còn thánh Âutinh coi những người mới được thanh tẩy là những đứa trẻ mới sinh, là những đứa trẻ trong Đức Kitô, là đoàn người mới, nhưng họ là những người đã đứng vững trong Chúa. Quả thực, khi chịu Bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu đã được chết, được mai táng với Đức Kitô và cùng được chỗi dậy với Người để hưởng sự sống mới. Để đảm bảo cho đời sống mới ấy, các tín hữu cần sống kết hợp với Đức Kitô, cần tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, hướng lòng trí về thượng giới để khi Chúa Kitô, nguồn sống mới xuất hiện, các tín hữu cũng được hưởng vinh quang với Người.
- Những điều nên tránh và những đức tính cần thiết
Cũng trong bài đọc 1, thánh Phaolô đưa ra năm thói xấu mà các tín hữu cần phải tiêu diệt: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam. Đồng thời, ngài cũng khuyên họ từ bỏ năm điều xấu khác: giận dữ, nóng nảy, độc ác, thóa mạ, ăn nói thô tục. Thánh Phaolô khích lệ: anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thit. Mặc lấy đời sống mới đó thì không còn phân biệt về chủng tộc, giai cấp, văn hóa, nhưng tất cả đều nên một trong Chúa Kitô.
Bên cạnh đó, thánh Phaolô cũng liệt kê năm đức tính cần thiết cho đời sống cộng đoàn: thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Nhưng “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Theo 1Cr 13, Không có gì trước nhan Thiên Chúa mà lại không có lòng mến. Có vậy, người tín hữu mới chịu đựng và tha thứ cho nhau, và tìm được bình an[25]. Mọi người tín hữu biết sống Lời Chúa sẽ làm cho cộng đoàn sinh động, đời sống phụng vụ sẽ làm cho các tín hữu gắn kết với nhau. Tâm tình tạ ơn là thái độ hiếu thảo của người tín hữu với Thiên Chúa. Người tín hữu lam gì hay nói gì thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu.
- Con đường dẫn tới sự sống mới
Trong bài đọc 2, khi nói đến thọ tạo mới trong Đức Kitô, thánh Âutinh khẳng định: Bí tích mà họ đã lãnh nhận đem lại sự sống mới. Sự sống mới ấy bắt đầu ngay ở đời này. Tuy nhiên, trong cuộc lữ hành đức tin, người tín hữu dễ bị lưu lạc xa Chúa. Cho nên, thánh Âutinh đã chỉ ra con đường chắc chắn để dẫn tới Người, đó chính là Đức Giêsu Kitô với tư cách là con người. Vì chính Đức Giêsu trong thân phận là con người đã dành biết bao sự ngọt ngào êm ái cho những ai biết kính sợ Người.
Sự sống mới, sự ngọt ngào mà các tín hữu đã được hưởng tuy chưa trọn vẹn, nhưng đó là điều chắc chắn sau này họ sẽ được hưởng, bởi lẽ, khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy là người tín hữu có chứng tích về thực tại đó, và có Thần Khí làm bảo chứng. Thánh Âutinh cũng trích lại lời của Thánh Phaolô như để minh chứng cho lời xác quyết đó: “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,1-4).
Như vậy, hai bài đọc cùng hướng tới một chủ đề trong ngày cuối của Tuần Bát nhật đã khơi gợi nhiều điều cho các tân tòng mới lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Để sống đời sống mới ấy, các tín hữu cần tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, cần tiêu diệt trừ những điều sai khuấy, tránh cảm xúc thái quá, kiên trì thực hiện các nhân đức. Con đường chắc chắn bảo đảm cho đời sống mới ấy là kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô.
Tóm lại, Những khía cạnh giáo huấn từ các bài đọc Kinh Sách Tuần Bát nhật chủ yếu là về các Bí tích và các Mầu nhiệm. Trong Tuần Bát nhật, các tín hữu có cơ hội để học hỏi thêm về Bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể mà trong đêm Phục Sinh họ đã được hiệp thông. Các tín hữu cũng được học hỏi về Mầu nhiệm Vượt Qua và Mầu nhiệm Đức Kitô, dù rằng, có những điều bằng lý trí tự nhiên, con người không thể hiểu được, nhưng bằng con mắt đức tin, họ lại hiểu đó là điều Thiên Chúa thực hiện để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Đồng thời, các tác giả cũng đưa ra những lời khuyên để các tín hữu sống các Mầu nhiệm và các Bí tích cách thiết thực và thích hợp. Những lời khích lệ cũng giúp các tín hữu sống đời sống mới trong cuộc sống thường ngày: sống trong trần gian nhưng không lệ thuộc vào trần gian; và điều quan trọng nhất trong đời sống mới ấy là kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô.

3. Một vài suy nghĩ về các lời giáo huấn qua các bài đọc kinh sách Tuần Bát nhật
a. Sự nối kết và tiến triển của các bài đọc Kinh Sách trong Tuần Bát nhật
Các bài đọc Kinh Sách trong Tuần Bát nhật cho thấy những chủ đề giáo huấn khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn xuyên suốt các bài đọc trong cả Tuần Bát nhật, chúng ta có thể tìm thấy sự kết nối và tiến triển của các bài đọc trong mỗi ngày.
- Sống cuộc đời tràn ngập ánh sáng Phục Sinh. Bài đọc 3 (Rm 6, 3-11) trong đêm vọng Phục Sinh cho thấy ý nghĩa của Bí tích Thánh Tẩy: người lãnh Bí tích Thánh Tẩy là được chết với Đức Kitô để được sống lại với Người. Lãnh Bí tích Thánh Tẩy là cam kết gia nhập đoàn dân thánh, hoán cải, luyện tập nếp sống của người Kitô hữu. Bởi đó, trong đêm này, Giáo hội cầu xin cho các tín hữu được ơn Thánh Thần để họ trở nên người mới, sống tràn ngập ánh sáng của Đấng Phục Sinh.
- Biểu lộ ý nghĩa Mầu nhiệm Phục Sinh. Bài đọc 1, thứ 2, thánh Phêrô nói về gia tài không thể hư hoại mà Thiên Chúa đã dành cho người lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Gia tài ấy là nhờ sự chết và sống lại của Đức Giêsu. Còn trong bài đọc 2, khi nói về Mầu nhiệm Vượt Qua, tác giả Mêliton chỉ rõ: Đức Kitô chính là Chiên sát tế Vượt Qua. Người đã chết và sống lại để giải án cho những ai bị kết án. Điều này vừa giải thích rõ gia tài mà thánh Phêrô nói trước đó, vừa mở ra niềm hy vọng phổ quát: giải án cho nhiều người. Bởi vậy, trong lời nguyện ngày thứ hai, Giáo hội ca tụng Chúa đã dùng Bí tích Thánh Tẩy mà ban cho Giáo hội có nhiều anh chị em tân tòng. Giáo hội cũng cầu xin Chúa cho các tân tòng biết biểu lộ ý nghĩa Mầu nhiệm mà họ đã lãnh nhận với tất cả lòng tin.
- Tìm thấy niềm vui giữa gian nan thử thách. Bài đọc 1, thứ 3, cho thấy: người lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy trở thành con cái Thiên Chúa. Vậy người con phải sống như thế nào? Nhờ hiệu quả của Bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu có Lời Thiên Chúa thường hằng và hướng dẫn. Tác giả khuyên các tín hữu: đến gần Đức Kitô, Viên Đá sống động, và hãy để Thiên Chúa dùng mình như những viên đá sống động để góp phần làm cho “Nhà của Thiên Chúa” được tăng triển. Tuy nhiên, khi Thiên Chúa dùng, hay khi  góp phần xây dựng Ngôi Nhà đó, các tín hữu phải đối diện với nhiều gian nan, thử thách. Bởi vậy, trong bài đọc 2, thánh Anáttaxiô đã nói đến hình ảnh: Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi mới vào trong vinh quang của Người, nên qua gặp đau khổ, thử thách, người tín hữu cũng sẽ được hưởng vinh quang với Người. Và như vậy, ngay trong gian nan, các tín hữu vẫn tìm thấy niềm hạnh phúc.
- Kitô hữu, con người tự do, hưởng nếm niềm vui vĩnh cửu. Trước việc các tín hữu đối diện với những người ngoại giáo và người nắm giữ quyền bính, trong bài đọc 1, thứ 4, thánh Phêrô khuyên các tín hữu: tránh đam mê xác thịt, nếp sống của họ phải trở nên một lời không thành tiếng cho dân ngoại. Một khi người tín hữu không dán lòng vào cái đô thị trần gian này, thì họ là những con người tự do. Còn trong bài đọc 2, khi nói về Mầu nhiệm Vượt Qua, tác giả nói đến ơn cứu độ là quà tặng của Mầu nhiệm Vượt Qua, nên người tín hữu cần bày tỏ niềm tin với tâm hồn trong trắng, tình huynh đệ. Và như vậy, người tín hữu, con người tự do, sống niềm vui của Mầu nhiệm Phục Sinh là đã nếm trước niềm vui vĩnh cửu ngay ở đời này.
- Đồng tâm nhất trí trong cùng một đức tin. Trong bài đọc 1, thứ 5, thánh Phêrô khuyên: các tín hữu biết chu toàn những bổn phận của mình trong các tương quan: vợ chồng, chủ tôi, cá nhân cộng đoàn. Một khi sống điều đó thì người tín hữu đã là những chứng nhân của Chúa Kitô; họ có thể trả lời cho những ai chất vấn niềm hy vọng của mình. Còn trong bài đọc 2, tác giả nhìn nhận, các tín hữu khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy, qua ba lần dìm vào trong nước, rồi trồi lên, là diễn tả cách tượng trưng Đức Kitô chịu mai táng ba ngày. Như vậy, các tín hữu cần hiểu: Bí tích Thánh Tẩy chẳng những tẩy trừ tội lỗi và mang lại ơn Thánh Thần, nhưng còn là biểu tượng và hình ảnh cuộc thương khó của Đức Kitô. Như vậy, cả hai bài đều hướng người tín hữu sống đồng tâm, đoàn kết và yêu thương trong cùng một đức tin.
- Diễn tả Mầu nhiệm Vượt Qua bằng chính đời sống. Qua Bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu được tẩy sạch vết nhơ tội lỗi. Bởi đó trong bài đọc 1, thứ 6, thánh Phêrô khuyên các tín hữu trong đời sống mới này cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi, giữ lương tâm trong sạch, sống chừng mực, yêu thương nhau, đón tiếp nhau, nói lời Thiên Chúa. Trong mọi việc, người tín hữu làm là để tôn vinh Thiên Chúa, và đó cũng là thái độ chờ mong Chúa trở lại vinh quang. Còn trong bài đọc 2, khi nói đến việc người tín hữu được xức dầu, tức là đón nhận Thánh Thần. Qua đó, tác giả nhắc nhở các tín hữu ý thức về dầu thiêng, đó là hồng ân của Đức Kitô và của Thánh Thần, là bảo chứng gia nghiệp của người tín hữu. Như thế, nhờ đón nhận ơn Thánh Thần dồi dào, người tín hữu sẽ có thể sống đoạn tuyệt với tội lỗi, và diễn tả Mầu nhiệm Vượt Qua cách hữu hiệu và thuyết phục.
- Phúc trường sinh cho người đón nhận ơn tái sinh. Trong bài đọc 2, thứ 7, tác giả nhắc lại việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Người tín hữu cần đón nhận Thánh Thể với tất cả niềm xác tín: bánh rượu là Mình và Máu Chúa Kitô. Khi ăn Bánh và uống Rượu, tín hữu trở thành những con người mang Đức Kitô, có Mình Máu Chúa thâm nhập toàn thân. Máu Đức Kitô đổ ra để cứu chuộc muôn người. Phúc trường sinh mở rộng cho tất cả mọi người nếu đến và tin vào Đức Kitô. Giáo hội của Đức Kitô là “cửa ngõ” để con người đón nhận ơn phúc này. Bởi đó, trong bài đọc 1, thánh Phêrô khuyên các thành phần trong Giáo hội: với các kỳ mục : chăn dắt đoàn chiên, nhiệt thành, tận tụy, nêu gương sáng cho đoàn chiên; với những người trẻ: vâng phục các kỳ mục, khiêm tốn, tiết độ. Như vậy, khi nói đến Bí tích Thánh Thể cùng với Giáo hội, phụng vụ muốn nhắm đến: qua Giáo hội, người tín hữu được hiệp thông Mình Máu Chúa như là một sự đảm bảo cho họ hạnh phúc trường sinh.
- Sống đới sống mới trong Đức Kitô. Cả hai bài đọc ngày cuối cùng Tuần Bát nhật đều có chủ đề giống nhau. Sự sống mới trong Đức Kitô. Cả hai bài đọc đều khích lệ tín hữu: sống đời sống mới cần hướng lòng trí về thượng giới, diệt trừ những gì thuộc hạ giới, tập luyện các nhân đức. Bài đọc 2 còn triển khai thêm: cần lấy đức Kitô là Đường dẫn đưa và bảo đảm sự sống mới. Dường như thánh Âutinh, tác giả bài đọc 2, giải thích và triển khai thêm tư tưởng bài đọc 1. Nhưng chung quy lại, hai bài đọc ngày cuối cùng của Tuần Bát nhật là sự thâu tóm về lối sống của người tín hữu trong đời sống mới.
Như vậy, giữa hai bài đọc trong cùng một ngày, và giữa các bài đọc trong cùng Tuần Bát nhật có sự bổ túc, nối kết và tiến triển. Nếu như trong đêm vọng Phục Sinh, các tín hữu lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, họ được mời gọi sống tràn ngập niềm vui của ánh sáng Phục Sinh, thì mỗi ngày, người tín hữu cần biểu lộ niềm vui Phục Sinh mà họ đã đón nhận. Niềm vui đó không chỉ được biểu lộ trong lúc hạnh phúc, thịnh đạt, mà ngay cả những lúc gian nan thử thách. Một khi niềm vui không hệ tại ở hoàn cảnh sống, không lệ thuộc vào đô thị trần gian, thì người tín hữu trở thành những người tự do và có thể hưởng nếm trước niềm vui vĩnh cửu. Dẫu vậy, trước cuộc sống thường ngày với nhiều mối tương quan khác nhau, người tín hữu được mời gọi sống tương trợ lẫn nhau và giúp nhau giữ vững niềm tin. Mặt khác, đời sống người tín hữu có Thánh Thần nâng đỡ, và cam kết sống đoạn tuyệt với tội lỗi thì đó là một cách thức diễn tả Mầu nhiệm đức tin bằng chính cuộc sống của mình. Hơn nữa, qua Giáo hội, người tín hữu còn được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Đức Ktiô, nguồn lương thực bảo đảm phúc trường sinh. Tuy nhiên, người tín hữu không giữ hạnh phúc trường sinh cho riêng mình, mà qua đời sống mới trong Đức Kitô, qua việc biểu lộ niềm vui giữa gian nan thử thách, họ sẽ là những nhân chứng mời gọi người khác đến đón nhận đời sống mới và cùng hưởng hạnh phúc trường sinh.
b. Làm thế nào để người tín hữu hiểu và sống ý nghĩa Tuần Bát nhật
Trên đây, chúng ta đã thấy được giá trị của những lời giáo huấn trong các bài đọc Kinh Sách rất thiết thực và hữu ích cho mọi thành phần trong Giáo hội. Cách riêng, với người giáo dân, những lời giáo huấn đó rất cần thiết cho đời sống thường nhật sau những ngày Đại lễ.
- Những hướng dẫn
Theo Qui chế tổng quát về các giờ kinh phụng vụ, thì việc cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ trước hết được ủy lệnh cho các vị có chức thánh[26], tức là Giám mục, linh mục và phó tế; các vị là những người đại diện cho dân Chúa và cũng là đại diện cho Chúa Kitô, để chủ tọa việc cầu nguyện của dân Kitô giáo, và ngay cả khi không có giáo dân tham dự, các vị ấy vẫn bảo đảm cho kinh nguyên này tiếp tục. Với các cộng đoàn kinh sĩ, nam hay nữ đan sĩ và các tu sĩ khác thì đọc kinh này theo luật hay theo hiến pháp. Các tu sĩ nam hay nữ, dù không có luật buộc, thì cũng được khuyến khích đọc kinh này. Còn người giáo dân dù không buộc, nhưng cũng được mời gọi tham dự đọc kinh này[27]. Bởi đó, Quy chế khẳng định: Lời ca ngợi của Hội Thánh, dù xét về nguồn gốc hay về bản chất riêng, không được dành riêng cho các đan sĩ và hàng giaó sĩ, mà thuộc về toàn thể cộng đồng Kitô hữu[28].
Mặt khác, trong cử hành phụng vụ của Giáo hội, Đêm canh thức Vượt Qua có phần Phụng vụ Thánh Tẩy, bao gồm việc làm phép nước, nếu không có ai lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, thì tiếp theo là nghi thức Lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhân Bí tích Thánh Tẩy. Sau khi các tín hữu lặp lại lời hứa: từ bỏ Xatan với tất cả những gì thuộc về nó, và trung thành phụng sự Chúa trong Hội Thánh Công Giáo, thì linh mục đọc lời nguyện kết thúc: Thiên Chúa toàn năng là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã giải thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi, và cho chúng ta được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần. Nguyên xin Người ban ơn gìn giữ chúng ta luôn sống kết hiệp với Đức Kitô, để được sống muôn đời[29]. Bởi đó, nếu như đêm vọng Phục Sinh, các tân tòng được lãnh Bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu được lặp lại lời tuyên xưng, thì trong Tuần Bát nhật, họ cũng rất cần được giáo huấn hay ôn lại những lời giáo huấn để họ sống đúng với ý nghĩa Tuần Bát nhật.

- Những khó khăn
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải người giáo dân nào cũng có điều kiện và thời gian tham dự cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ nói chung, và giờ Kinh Sách nói riêng. Lịch sử Giáo hội cho thấy, khoảng thế kỷ 14-15, các Giờ Kinh Phụng Vụ đã không còn tính đại chúng nữa. Nguyên nhân trước hết là vì, Kinh phụng vụ được đọc bằng tiếng Latinh, mà người dân không thể đọc được, và cũng chẳng hiểu gì. Thứ hai, đa số tín hữu Công giáo trong thời gian đó không biết chữ, nên không thể đọc Các Giờ Kinh Phục Vụ được. Thứ ba, sự phát triển của việc đọc kinh côrô làm cho hình thức thêm “hoành tráng”, khiến cho sự tham dự của người giáo dân thêm khó khăn[30]. Còn trong bối cảnh ngày nay, các tín hữu lại quá bận rộn với cộng việc, nên nếu họ đọc được các giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều thì đã là quý rồi, thì làm sao mong họ tham dự cả giờ Kinh Sách nữa! Vậy làm sao để các tín hữu có thể đọc hay nghe những lời Giáo huấn trong tuần Bát nhật, để rồi họ có thể hiểu và sống được ý nghĩa của Tuần Bát nhật ?
- Những giải pháp
Rõ ràng, trong hoàn cảnh hiện nay, việc mời gọi người tín hữu tham dự Các Giờ Kinh Phụng vụ, cách riêng với giờ Kinh Sách là điều khó có thể thực hiện được. Nhưng thiết nghĩ, Giáo hội vẫn có thể giúp các tín hữu hiểu và sống ý nghĩa đó:
Thứ nhất, như đã nói ở phần đầu, hiện nay Giáo hội có hai dịp mừng kính Tuần Bát nhật là lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Trong hai đại lễ này, Lịch phụng vụ của Giáo hội có ghi những hướng dẫn cử hành cho hai Đại lễ này, nhưng các ngày trong Tuần Bát nhật chỉ ghi ngắn gọn, chẳng hạn: Thứ hai trong Tuần Bát nhật Phục Sinh, thứ ba trong Tuần Bát nhật Phục Sinh[31] mà không có một gợi ý hay hướng dẫn nào. Thiết tưởng, trong cuốn lịch phụng vụ của Giáo hội, mỗi ngày trong Tuần Bát nhật nên ghi ý nghĩa một Mầu nhiệm, hay một Bí tích nào đó, hoặc trích một lời khuyên của thư 1Phêrô hay của các Giáo phụ. Nhờ đó, các tín hữu có thể hiểu ý nghĩa của mỗi ngày, và ý nghĩa của Tuần Bát nhật Phục Sinh, để họ có thể sống theo hướng dẫn đó.
Thứ hai, ngày nay, việc sử dụng Internet đã trở nên khá phổ biến, nhất là với tầng lớp học sinh, sinh viên và trí thức. Thiết nghĩ, trong mỗi trang web của Giáo phận hay giáo xứ nên có mục riêng để đưa các bài đọc Kinh Sách, hoặc một phần chính của bài đọc ấy cho mỗi ngày. Nếu có thể được, nên tóm lược và đưa ra ý tưởng chính, hoặc giải thích những chỗ khó hiểu để người đọc dễ tiếp cận.
Thứ ba, đó là việc giảng giải của linh mục. Những người có thể hiểu về ý nghĩa của Tuần Bát nhật, hiểu về những lời huấn giáo của các bài đọc thì không ai khác ngoài các linh mục, Quy chế tổng quát về các giờ kinh Phụng vụ ghi:“Kho tàng mặc khải và truyền thống chứa đựng trong Kinh Sách vẫn rất ích lợi cho ta về đường thiêng liêng. Tiên vàn, chính các linh mục phải tự tìm kiếm lấy những nguồn mạch phong phú này, để có thể phân phát lại cho người khác Lời Chúa mình đã nhận được và dùng lời giáo huấn mà “nuôi dưỡng dân Chúa”[32]. Bởi đó, nếu như Giáo hội cổ xưa đã quy tụ các tân tòng suốt Tuần Bát nhật để hoàn tất việc giáo huấn hậu phép Rửa, thì ngày nay, các vị mục tử cũng nên mời gọi các tân tòng nói riêng và các tín hữu nói chung đến tham dự Thánh Lễ trong cả Tuần Bát nhật. Nhân cơ hội này, các vị mục tử sẽ chia sẻ thêm với giáo dân về giáo huấn trong các bài đọc để các tín hữu có thể hiểu và sống các Mầu nhiệm mà họ đã tham gia cử hành trong lễ Vượt Qua.
Tóm lại, các bài giáo huấn của các bài đọc Kinh Sách có một sự nối kết và tiến triển. Mỗi ngày, hai bài đọc đều gợi lên một Mầu nhiệm hay một Bí tích mà người tín hữu đã hiệp thông, đồng thời đưa ra những lời khuyên để các tín hữu sống trong sự hiệp thông ấy cách tích cực. Các bài đọc vẫn còn nguyên giá trị và rất thiết thực với tín hữu ngày nay, nhưng làm thế nào các tín hữu có thể hiểu và sống theo những giáo huấn đó thì không đơn giản.Vậy nên, trên các phương tiện truyền thông, trong các cuốn lịch Công giáo, hay trong các bài giảng của linh mục nên nhấn mạnh đến ý nghĩa này. Nhờ đó, các tín hữu trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau có thể học hỏi. Nhờ đó, niềm vui của các tín hữu không chỉ dừng lại trong ngày Đại lễ Phục Sinh, mà niềm vui ấy được kéo dài và được thể hiện trong cuộc sống thường ngày.
Kết luận
Bát nhật là tuần đầu tiên trong chuỗi năm mười ngày sau Đại lễ Phục Sinh. Bát nhật, tuần lễ Áo trắng, ra đời từ thế kỷ thứ IV với ý hướng giúp cho các tân tòng có được giáo huấn hậu phép Rửa. Bởi đó, Bát nhật Phục Sinh mang đặc tính của phép Rửa. Giáo hội cổ xưa đã dùng Tuần Bát nhật để dạy cho các tân tòng về ý nghĩa của các Mầu nhiệm mà họ đã hiệp thông.
Các bài Sách Thánh và các bài Giáo huấn của các Giáo phụ và các nhà tu đức đã được dùng để giảng dạy cho các tín hữu xưa kia, thì nay phụng vụ của Giáo hội lấy lại một số bài để đọc trong giờ Kinh Sách Tuần Bát nhật. Khi tổng hợp và chia theo chủ đề, chúng ta thấy bốn chủ đề chính: Giáo huấn về các Bí tích với phần triển khai ý nghĩa, hiệu quả của các Bí tích; Giáo huấn về các Mầu nhiệm, gồm Mầu nhiệm Vượt Qua và Mầu nhiệm Đức Kitô mà các các tín hữu hiệp thông trong đêm vọng Phục Sinh. Tiếp đến là các lời khuyên giúp cho các tín hữu sống Mầu nhiệm mà họ đã cử hành; các lời khích lệ giúp các tín hữu trong đời sống mới được thanh thoát và an vui trong cuộc sống thường nhật, và sống theo cách thức đó, các tín hữu vừa làm chứng cho Chúa Kitô, vừa tỏ thái độ sẵn sàng chờ ngày Chúa quang lâm.
Nếu quan sát thứ tự các bài đọc trong tuần, chúng ta thấy được sự bổ túc, nối kết và tiển triển của các bài đọc trong mỗi ngày. Các bài đọc trong mỗi ngày đều gợi ra một ý hướng sống, ý hướng sống mỗi ngày một cao hơn. Các ý hướng sống đó rất cần thiết cho người giáo dân. Nhưng tiếc thay, do hoàn cảnh và điều kiện, rất nhiều tín hữu không có cơ hội được lắng nghe các bài đọc Kinh Sách Tuần Bát nhật. Vậy nên chăng, phụng vụ Giáo hội có thể giúp các tín hữu hiểu và sống theo các ý hướng đó trong lịch phụng vụ, trên các phương tiện truyền thông, và nhất là qua các bài giảng của linh mục. Được như vậy, qua những cách thức tiếp cận khác nhau, các tín hữu, nhất là các tân tòng được hiểu và được sống ý nghĩa các Bí tích và Mầu nhiệm mà họ đã được tham dự trong đêm vọng Phục sinh, ngõ hầu, niềm vui Chúa Phục Sinh được kéo dài và lan tỏa trong cuộc sống đời thường./.
Tài Liệu Tham Khảo
- Lời Chúa cho mọi người, Bản dịch của Nhóm PD. CGKPV, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2006.
- Kinh Thánh Tân Ước – Bản dịch có hiệu đính, Nhóm PD. CGKPV, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008.
- Kinh Sách- Các bài đọc, Bản dịch của Nhóm PD. CGKPV, Nxb. Tp. HCM, 1998.
- Giáo lý Hội thánh Công giáo, Nxb. Tp. HCM, 1997.
- Édouard Cothenet, Các thư thánh Phêrô, 1983.
- Tìm hiểu các thư Phaolô, HVĐM, 2010.
- A.G. Martimort, Phụng vụ và thời gian - Phụng vụ các giờ, ĐCV Giuse, Tp. HCM, 1998.
- Nhiều tác giả, Khi họp nhau cử hành phụng vụ, bản ronéo, tập I, II.
- J. Gélineau, Họp nhau cử hành phụng vụ, 1992.


[1] Xc. VKQĐ, số 55.
[2] Xc. Nhiều tác giả, Thời gian phụng vụ, HVĐM, tr. 124-126.
[3] Xc. Cité dans Questiones et Responsiones ad orthodoxos, texte présenté par R. Cabié, op. cit., p. 37.
[4] Xc. Tertulianô, De Baptismo, 19, 2, CCL 1, p. 293; SC 35, pp. 94-95.
[5] Thánh Hilariô, Instructio Psalmorum, CESL 22, 11; R. Cabié, op. cit., p. 50.
[6] Xc. Hồng Phúc, Điển ngữ đức tin Công giáo, tr. 40-41.
[7] Xc. Thời gian phụng vụ, HVĐM, tr. 125.
[8] Tertulianô, De baptismo, 19, 1-3; CCL 1, pp. 293-294; SC 35, pp. 93-94; cfr. Cantalamessa, op. cit., pp. 144-145.
[9] Xc. Nhiều tác giả, Thời gian phụng vụ, HVĐM, tr. 98.
[10] Xc. Nhiều tác giả, Khi họp nhau cử hành phụng vụ, bản ronéo, tập I, tr. 232.
[11] Xc. J. Gélineau, Họp nhau cử hành phụng vụ, 1992, tr. 658.
[12] Xc. Trần Đình Tứ, Phụng vụ và thời gian, phần I: Năm Phụng vụ, 1977, tr. 60.
[13] Thánh Grêgôriô Cả, Homilia 26 habita ad populum in basilica beati Iohannis, quae dicitur Constantiniana, in octava Paschae, 10, PL 76, col. 1202.
[14] Xc. VKQĐ, số 55.
[15] Bài đọc 1 (Xh 14,15 – 15,1), bài đọc 2 (Ed 36,16-17a.18-28), Bài Tin Mừng (Mt 28,1-10) trùng với 
bài đoc 3, Bài đọc 7 và Bài Tin Mừng (năm A) của Đêm Canh thức Vượt Qua.
[16] Xc. Tìm hiểu các thư Phaolô, HVĐM, tr. 132.
[17] Xc. GLHTCG, số 1241.
[18] Xc. GLHTCG, số 1300.
[19] Xc. GLHTCG, số 1242.
[20] Xc. GLHTCG, số 1275.
[21] Xc. Édouard Cothenet, Các thư thánh Phêrô, 1983, tr. 45.
[22] Xc. Kinh Thánh Tân Ước – Bản dịch có hiệu đính, Bản dịch của Nhóm PD. CGKPV, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008, phần chú thích, tr. 893.
[23] Lời Chúa cho mọi người, Bản dịch của Nhóm PD. CGKPV, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2006, phần chú thích, tr. 2039.
[24] Xc. Édouard Cothenet, Các thư thánh Phêrô, 1983, tr. 53.
[25] Xc. Tìm hiểu các thư Phaolô, tr.151.
[26] Xc. VKQĐ, số 28-29.
[27] Xc. VKQĐ, số 24-27.
[28] VKQĐ, số 270.
[29] Trích lại: Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nghi thức tuần thánh, tr. 196-199.
[30] Xc. A.G. Martimort, Phụng vụ và thời gian, Phụng vụ các giờ, ĐCV Giuse, Tp. HCM, 1998, tr. 42-43.
[31] Xc. Những ngày lễ Công giáo 2011-2012, tr. 81-82.
[32] VKQĐ, số 55.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét