Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Cv 4,13-21 ; Tv 117 ; Mc 16,9-15.

Bài đọc                                    Cv 4,13-21

13 Bấy giờ, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su ; 14 đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. 15 Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, và bàn tính với nhau. 16 Họ nói : "Ta phải xử làm sao với những người này ? Họ đã làm một dấu lạ rành rành : điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối được. 17 Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa."
18 Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa. 19 Hai ông Phê-rô và Gio-an đáp lại : "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi : trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không ? Các ông thử xét xem ! 20 Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra." 21 Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân : ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.



Đáp ca                                     Tv 117,1 và 14-15.16ab-18.19-21 (Đ. c. 21a)

Đáp :    Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài
            vì đã đáp lời con.

Hoặc:
Đáp : Ha-lê-lui-a.

1          Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
14        Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi,
            chính Người cứu độ tôi.
15        Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng
            trong doanh trại chính nhân :                                                              Đ.

16ab    "Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao.
17        Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,
            để loan báo những công việc Chúa làm.
18        Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi,
            nhưng không nỡ để tôi phải chết.                                                        Đ.

19        Xin mở cửa công chính cho tôi
            để tôi vào tạ ơn Đức Chúa.
20        Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự,
            chỉ những người công chính mới được qua.
21        Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài
            vì đã đáp lời con và thương cứu độ.                                                    Đ.



Tung hô Tin Mừng                 Tv 117,24

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Đây là ngày Chúa đã làm ra,
nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Ha-lê-lui-a.



Tin Mừng                                Mc 16,9-15


9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo."
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)
Suy Niệm:
Sự kiện Ðức Giêsu Phục Sinh không dễ dàng được các Tông Ðồ chấp nhận ngay. Maria báo tin, họ không tin. Hai môn đệ đi đường về báo tin, họ cũng chẵng tin. Cuối cùng, chính Ðức Giêsu hiện ra với nhóm Mười Một và quở trách lòng cứng tin của họ. Lòng cứng tin của các tông đồ lại may mắn cho chúng ta. Nếu các tông đồ dễ tin, ngày nay chúng ta có thể nghi ngờ các ông lầm vì cuồng tín. Nhưng vì các ông khó tin là chứng chắc chắn để chúng ta tin Ðức Giêsu phục sinh.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, sự kiện Phục Sinh đã không thể chối cãi được. Nhưng sống mầu nhiệm Phục Sinh lại là vấn đề khác. Chúa đã phục sinh để chúng con được phục sinh với Chúa. Nghĩa là, chúng con biết chết đi con người cũ, con người ích kỷ, gian tham, ghen ghét hận thù... Ðể chúng con được sống lại con người mới, con người yêu thương tha thứ. Khi chúng con biết sống với con người mới, là chúng con đã sống Mầu Nhiệm Phục Sinh và là chứng từ loan báo niềm vui cho anh chị em chúng con. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Chúa Hiện Ra Nhiều Lần

Trong cuộc triển lãm hội chợ về hoa tại thành phố Luân Ðôn, điều bất ngờ xảy ra trong nhóm người say mê cây cảnh: giải nhất đã về tay một cô gái trẻ. Người ta lại càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng cô gái này lại cư ngụ trong một khu phố tồi tàn chật chội nhất thành phố, được mệnh danh là "chỗ thiếu ánh sáng". Nơi đó có thể nói được rằng thiếu cả ánh sáng văn minh lẫn ánh sáng mặt trời. Chính những người lâu năm kinh nghiệm trong nghề trồng hoa kiểng cũng chẳng hiểu làm sao mà cô gái trồng được một chậu hoa tuyệt đẹp tại một nơi thiếu ánh sáng như thế.
Khi được phỏng vấn, cô đã thổ lộ bí quyết của mình như sau: căn nhà của cô ở chỉ có một vùng ánh sáng, nếu mặt trời di chuyển từ đông sang tây thì vùng ánh sáng cũng chạy từ tây sang đông. Cứ thế, suốt ngày chậu hoa của cô phải di chuyển từ góc này đến góc kia cho tới ngày nó được hưởng trọn phần ánh sáng như hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Nhìn lại bài đọc Tin Mừng hôm nay và các tường thuật về những lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài từ cõi chết sống lại sẽ cho chúng ta một điểm đáng lưu ý này là: sau khi sống lại, Ngài không tức khắc đi tìm nhóm môn đệ đang tụ họp và cầu nguyện, nhưng Ngài chỉ hiện ra với từng cá nhân hoặc nhóm nhỏ, rồi cho họ sứ mạng truyền đạt tin vui đến với nhóm mười một tông đồ.
Khi hiện ra với toàn thể các môn đệ, Ngài lại khiển trách họ: "Tại sao lại cứng lòng tin?" Chúng ta có thể xem điều trên đây như một mô tả niềm tin của mỗi người. Hơn nữa, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh đến với chúng ta tùy theo mỗi thời điểm và mỗi khung cảnh của cuộc sống. Ánh sáng của Ngài buộc chúng ta phải biết cố gắng tìm kiếm để được nhận lãnh.
Nói như thánh Augustinô: "Chúa dựng nên con, không cần có con cộng tác. Nhưng Chúa không thể cứu chuộc con, nếu không có con cộng tác". "Có con" không có nghĩa là con hiện diện ở đó như một tảng đá quanh năm tiếp thu ánh sáng, nhưng chẳng sử dụng ánh sáng để rồi chịu cảnh vỡ nát của thời gian. Sự hiện diện của con phải là sự hiện diện của một bông hoa luôn hướng về ánh sáng mặt trời. Vì ánh sáng mặt trời là nguồn sức sống cho cây, đồng thời cũng là dịp cho hoa vươn mình khoe sắc.
Vì thế, ánh sáng vui mừng của Ðức Kitô Phục Sinh trước hết là một đáp ứng cho một tâm hồn tha thiết tìm kiếm Ngài. Maria Madalena và các phụ nữ đến mồ từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, họ đã được Ngài hiện ra trước hết, dù rằng họ chẳng chiếm giữ một vai trò quan trọng nào trong việc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ðức Kitô Phục Sinh cũng vẫn luôn quan tâm đến tất cả. Ngài chẳng muốn cho một kẻ nào phải hư mất.
Hai môn đệ tuyệt vọng trên đường Emmau được Ngài đồng hành nâng đỡ. Cả đến sự đòi hỏi gần như thách thức của thánh Tôma cũng được Ngài sẵn sàng đáp ứng. Ngài hiện diện để trao đổi niềm tin yếu kém: "Tại sao lại không tin?" "Hỡi những kẻ yếu lòng tin". Ðó là những lời kêu mời giác ngộ chân lý: "Hãy nhận biết Ngài và hãy tin tưởng vào Ngài".
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ biết khám phá ra sự hiện diện của một Thiên Chúa mà phần đông chúng ta tưởng Ngài đã chết. Ngài vẫn luôn hiện diện với ta dù rằng nhiều lúc con người như hoàn toàn chìm trong bóng tối. Ánh sáng của Ngài vẫn dọi chiếu, nhưng theo một góc độ nào đó buộc chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn.

(Veritas Asia)

Suy niệm:  
Theo các nhà chú giải, sách Tin Mừng Máccô kết thúc ở chương 16, câu 8, 
với việc các phụ nữ sợ hãi, chạy trốn, không dám nói gì với các môn đệ. 
Sách này cũng không nói đến việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông. 
Kết thúc khác thường này của Máccô làm chúng ta ngày nay chưng hửng. 
Cả các Kitô hữu thế kỷ thứ hai cũng bị ngỡ ngàng, 
vì vào thời đó họ đã có trong tay các sách Tin Mừng khác. 
Các sách này đều kể chuyện các phụ nữ đã đi gặp các môn đệ, 
chuyện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các bà trước tiên; 
rồi sau đó, Ngài đã hiện ra với các môn đệ 
và sai các ông đi loan báo Tin Mừng (Mt 28,19-20; Lc 24, 46-48; Ga 20, 21).
Để giải quyết khó khăn do phần kết của sách Tin Mừng Máccô đặt ra, 
một tác giả được ơn linh hứng đã viết thêm phần phụ lục (Mc 16, 9-20), 
dựa trên các sách Tin Mừng khác và sách Công vụ Tông đồ. 
Năm 1546, phần này đã được Công đồng Trentô nhìn nhận là Lời Chúa. 
Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ không tin của các môn đệ.
Đức Giêsu phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Maria Mácđala. 
Bà đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc, 
nhưng họ không tin (cc. 9-11). 
Lần thứ hai, Đức Giêsu tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê. 
Khi hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin (cc. 12-13). 
Lần thứ ba, Đức Giêsu đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một. 
Ngài khiển trách họ về tội không tin những kẻ đã thấy Ngài phục sinh (c. 14).
Xem ra tin Thầy Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với các môn đệ, 
dù họ đã được nghe Thầy báo trước nhiều lần khi còn sống bên Thầy, 
dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại. 
Ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi. 
Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy. 
Có những nỗi đau làm con người khép kín và khoanh tay bất động. 
Nhưng Đức Giêsu phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình. 
Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa. 
Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao. 
“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (c. 15).
Tin Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay. 
Nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ sống khác. 
Thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn… 
Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã, 
vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này. 
Chỉ mong chúng ta được thực sự phục sinh như Thầy Giêsu, 
để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.
Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời :
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.
Sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (Mc 16,15)
Suy niệm: 
Sau khi khiển trách các môn đệ đã cứng lòng tin, rồi củng cố lại lòng tin đó, Chúa Giêsu mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay đức tin còn yếu. Vì thế phải tin rồi mới đi rao giảng.
Các môn đệ đã không tin mặc dù nghe các phụ nữ kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra cho các bà. Các ông vẫn không tin khi nghe thêm hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục sinh. Chỉ mãi đến lúc Chúa đến thì các ông mới tin. Đức tin không do suy luận, không do có bằng chứng, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban. Con cám ơn Chúa đã ban đức tin cho con. Con xin Chúa giữ gìn và củng cố đức tin của con.
“Sau khi sống lại được Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mađêlêna… bà đi báo tin cho những kẻ từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc.”
Tôi là Maria Mađêlêna, mọi người sỉ vả, chê bai tôi, không ai dám đụng đến tôi vì sợ bị ô uế và lây nhiễm tội lỗi. Mọi cặp mắt khinh miệt đều hướng về tôi. Vậy mà khi gặp Ngài, Ngài nhìn tôi với đôi mắt trìu mến và đầy tình thương. Tôi không thể nào quên đôi mắt ấy, đôi mắt kéo tôi ra khỏi vũng lầy tội lỗi. Từ giây phút đó, tôi bước đi theo Ngài, cùng với Ngài rảo qua khắp làng mạc, thành phố để rao giảng Tin Mừng.
Rồi Ngài bị bắt, bị đem giết. Tôi bối rối sợ hãi và tuyệt vọng. Các môn đệ của Ngài cũng đã bỏ chạy. Nhưng Ngài vẫn chưa được yên cả đến xác Ngài cũng bị đánh cắp khi tôi ra viếng mồ sau khi Ngài chết vài ngày. Ôi cuộc đời của Ngài như thế này sao? Vậy là chấm dứt, chấm dứt tất cả!
Trong cơn tuyệt vọng, Ngài gọi tôi “Maria.” Vâng chính là Ngài. Không phải là cái xác tôi đang tìm mà là một Giêsu đang sống, sống thực sự. Nhiệm vụ của tôi là bây giờ phải đi loan báo Tin Mừng này cho tất cả mọi người. Tôi không có quyền giữ lại niềm vui và hạnh phúc cho riêng mình. Chúa muốn mọi người cũng được hạnh phúc như tôi, được chia sẻ niềm hạnh phúc này.
Cầu nguyện: 
Giêsu ơi, Ngài đã sống lại, xin Phục sinh tâm hồn chúng con và cho chúng con biết đem niềm vui Phục sinh đến cho mọi người.


14/04/12 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,9-15
CHIA SẺ TIN MỪNG PHỤC SINH
Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người chỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,14-15)

Suy niệm: Những người được diễm phúc thấy Đức Giêsu phục sinh thuộc ba nhóm khác nhau: Maria Mácđala và các phụ nữ theo Chúa, hai môn đệ thuộc nhóm 72 môn đệ và nhóm 12 tông đồ.

Nhưng họ cũng có một điểm chung: tất cả đã theo Chúa, đã ở với Ngài, đã nghe lời Ngài giảng, thấy các việc kỳ diệu Ngài làm, đặt nhiều hy vọng nơi Ngài cũng như đã từng thất vọng trước cái chết của Ngài. Chúa Kitô phục sinh hiện đến để cho họ thấy Đấng phục sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Ngài không phải là một Đức Kitô khác, nhưng là một Đức Kitô đã đổi khác.

Mời Bạn: Hãy nhớ lời căn dặn của Đức Kitô phục sinh: rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bạn hãy làm như những người được gặp Đức Kitô phục sinh: loan đi, kể lại cho người khác niềm vui này, như chị Maria Mácđala, như hai môn đệ Emmau … Niềm vui phục sinh không thể là niềm vui riêng của bạn.

Sống Lời Chúa: Bạn sẵn sàng chia sẻ một đồ dùng, một món tiền với người đang gặp cảnh khó khăn, chia sẻ một niềm vui với một người đang ưu sầu. Tiếp đến bạn sẽ có thể chia sẻ niềm vui được có Chúa Phục sinh trong đời bạn với những ai thành tâm thiện chí.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Kitô phục sinh, xin cho con hiểu rằng chúng con không được ích kỷ giữ Tin Mừng Phục sinh riêng cho mình, nhưng phải loan báo, chia sẻ niềm vui ấy cho người chung quanh.
Con người không thể trốn tránh sự thật mãi
Bài đọc: Acts 4:13-21; Mk 16:9-15.

Có một người hay có tính “thêu dệt” và “thêm mắm thêm muối” mỗi khi nói chuyện với người khác về quá khứ huy hoàng của mình. Các bạn anh muốn dạy anh một bài học, nên mỗi lần anh nói, họ ghi chép cẩn thận những gì anh nói. Sau khi kể một hồi, các bạn anh bắt đầu thắc mắc về thời gian và nơi chốn của những việc xảy ra, và chỉ cho anh thấy sự không hợp lý của những gì anh kể. Từ đó, anh bắt đầu nói năng cẩn thận hơn; vì chỉ có nói thật, anh mới có thể tránh được những mâu thuẫn của các sự việc.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người không thể trốn tránh mãi sự thật. Trong Bài Đọc I, những người trong Thượng Hội Đồng Do-thái nghĩ khi họ đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá là từ nay dân chúng sẽ nghe theo họ; nhưng họ lại phải đương đầu với các môn đệ của Ngài và hàng ngàn dân chúng đã tin vào Chúa Giêsu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ sau khi chết. Ngài khiển trách họ đã quá cứng lòng không chịu tin vào lời các nhân chứng thuật lại trong trình thuật hôm nay.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nghe lời các ông hay là nghe lời Thiên Chúa?
1.1/ Phản ứng của những người trong Thượng Hội Đồng: Trước tiên, họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn. Họ nghĩ không có một hay hai cá nhân nào dám đứng ra đương đầu với quyền lực của Thượng Hội Đồng; vì nếu làm như vậy, chắc chắn sẽ lãnh thiệt hại vào thân. Thứ đến, họ khám phá ra hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận xét đúng, cả hai, Phêrô và Gioan, đều làm nghề đánh cá; làm sao có cơ hội để học hỏi và biết chữ nghĩa và Lề Luật như họ được. Cả hai nhận xét của họ đều đúng, và câu hỏi họ đặt ra cho hai ông hôm qua rất chí lý: “Nhờ quyền lực nào và nhân danh ai mà các ông làm chuyện đó.”
Câu trả lời của Phêrô giúp họ tìm ra những gì họ muốn biết: chúng tôi chỉ lấy sức mạnh và quyền lực của Đức Kitô, Đấng mà các ông đã đóng đinh vào Thập Giá. Họ cũng nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, để bàn tính với nhau. Họ chỉ có hai con đường phải chọn:
(1) Phục thiện và tin vào Chúa Giêsu: Đứng trước một phép lạ quá rõ ràng, đứng trước 3 nhân chứng, và đứng trước đông đảo dân chúng; họ phải tin vào Chúa Giêsu là Người đến từ Thiên Chúa, đã chết và sống lại. Chính họ đã nói với nhau về hai ông: “Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Jerusalem, và ta không thể chối được.”
(2) Dùng bạo lực để bưng bít sự thật: Có nhiều lý do để họ từ chối không tin: sợ mất thế giá, sợ mất lợi lộc vật chất, sợ phải thay đổi niềm tin …
Sau khi bàn luận, họ quyết định bưng bít sự thật bằng bạo lực. Họ quyết định: “Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa. Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa."
1.2/ Phản ứng của Phêrô và Gioan: Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra."
Thượng Hội Đồng là những người có kiến thức và biết Lề Luật của Thiên Chúa. Họ phải công nhận điều Phêrô nói là phải tuân hành những gì Thiên Chúa nói hơn con người; nhưng vì quá ngoan cố trong việc tìm hiểu sự thật nên họ tiếp tục ở trong bóng tối tội lỗi. Trình thuật kể thái độ cứng lòng của họ như sau: “Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.”
2/ Phúc Âm: Các lần hiện ra của Chúa Giêsu theo thánh-sử Marcô
Không phải chỉ có những người trong Thượng Hội Đồng cứng lòng, các môn đệ của Chúa Giêsu cũng mắc phải lỗi lầm đó. Hơn những người trong Thượng Hội Đồng, các tông đồ đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy, biến hình, và báo trước cuộc tử nạn và sống lại sẽ xảy ra. Chúa Giêsu không chỉ hiện ra một lần để có cớ cho các tông đồ nói đó chỉ là ảo ảnh hay bóng ma; nhưng Ngài hiện ra nhiều lần với các nhân chứng khác nhau. Chúa Giêsu phải trách thái độ cứng lòng của các ông vì đã chối từ sự thật đến không phải từ hai như Lề Luật đòi, nhưng nhiều nhân chứng khác nhau. Thánh Marcô liệt kê ba lần Chúa hiện ra:
(1) Với một mình Mary Magdala: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Mary Magdala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.”
(2) Với hai môn đệ trên đường về quê, Emmaus: “Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.”
(3) Với Nhóm Mười Một: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.””
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn học để biết sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi mọi gian trá.
- Không chỉ học biết sự thật, chúng ta còn phải có can đảm để nói sự thật, sống theo sự thật, và làm chứng cho sự thật.
- Khi có sự xung đột giữa điều Thiên Chúa nói và điều người phàm nói; chúng ta phải luôn luôn vâng lời Thiên Chúa.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Lời Chúa Trong Gia Đình
THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH; Cv 4, 13-21; Mc: 16, 9-15
LỜI SUY NIỆM: Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15).
          Thiên Chúa rất yêu thương con người, Ngài muốn con người được hưởng hạnh phúc và được sống với Ngài. Nhưng Satan đã gây vào lòng con người nghi ngờ tình yêu của Ngài, nên đã phạm tội bất tuân lệnh Ngài.
          Chúa Giêsu đã đến trên trần gian này để tái thiết lập tương quan nhân loại với Chúa Cha. Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài đòi chúng ta phải ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo, giúp cho tất cả mọi con người trở thành môn đệ của Ngài, nghĩa là có tương quan thân mật với Ngài, dám sống như Ngài, Sống cho chương trình của Chúa Cha và sống cho tha nhân vì Chúa.
          Công tác truyền giáo không phải là tuyên truyền hay mua chuộc, cũng không phải là áp đặt một cách tinh vi. Truyền giáo phải chất chứa nơi lòng mình một niềm vui, làm thế nào tỏa được hương thơm như một đóa hoa tự nhiên, và đầy sức sống Chúa Thánh Thần nơi bản thân mình.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
14 Tháng Tư
Chiếc Tàu Vĩ Ðại


10 giờ đêmngày 14 tháng 4 năm 1912, chiếc tàu du lịch mang tên Titanic của Anh Quốc đã đâm phải một tảng băng giữa khơi Ðại Tây Dương. Bốn giờ đồng hồ sau, cả chiếc tàu, thủy thủ đoàn và nhiều hành khách đã bị chôn vùi giữa lòng đại dương...
Cuộc đắm tàu thảm thương ấy đã là nguồn cảm hứng cho không biết bao nhiêu tác phẩm văn chương. Những người sống sót đã thuật lại sự can đảm phi thường của viên thuyền trưởng, các sĩ quan và thủy thủ đoàn. Họ kể lại rằng nhiều người vợ đã khước từ sự cứu vớt để ở lại và cùng chết với chồng.
Giữa bao nhiêu gương hy sinh vĩ đại ấy, những người sống sót còn kể lại một câu chuyện vì xem ra người ta chỉ muốn biết vì óc tò mò hơn là vì thán phục. Ðó là câu chuyện của một người đàn bà sau khi đã được đưa lên boong tàu để chuẩn bị được cứu vớt, đã xin được trở lại phòng ngủ lần cuối cùng để thu nhặt một ít đồ vật quý giá. Người ta chỉ cho bà đúng ba phút để làm công việc đó.
Người đàn bà vội vã chạy về phòng ngủ của mình. Dọc theo hành lang, bà thấy ngổn ngang không biết bao nhiêu là nữ trang và đồ vật quý giá. Khi đến phòng ngủ của bà, người đàn bà đưa mắt nhìn các thứ nữ trang và báu vật, nhưng cuối cùng bà chỉ nhặt đúng ba quả cam và chạy lên boong tàu.
Trước đó vài tiếng đồng hồ, giữa các đồ vật trong phòng, có lẽ người đàn bà không bao giờ chú ý đến ba quả cam. Nhưng trong giây phút nguy ngập nhất của cuộc sống, thì giá trị của sự vật bỗng bị đảo lộn: ba quả cam trở thành quý giá hơn cả tấn vàng và kim cương, hột xoàn.
Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để đánh giá sự vật và các biến cố trong tương quan với sự sống vĩnh cửu. Chúng ta được mời gọi để nhìn vào sự vật bằng chính ánh sáng vĩnh cửu. Ðó là cách thế duy nhất để chúng ta tìm ra được ý nghĩa và giá trị đích thực của sự vật.
Thánh Matthêô và Luca có ghi lại một mẩu chuyện nho nhỏ cho thấy cái nhìn của chính Thiên Chúa: Ngày nọ, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ. Người quan sát những người đến trước hòm tiền để bố thí. Ða số là những người giàu có. Chợt có một quả phụ nghèo nàn cũng tiến đến bên hòm tiền. Bà chỉ bỏ vỏn vẹn có vài xu nhỏ... Vậy mà Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng bà ta là người dâng cúng nhiều hơn cả, bởi vì đa số đều có của dư thừa, còn người đàn bà này cho chính những gì mình cần để nuôi sống.
Cái nhìn của Thiên Chúa không bỏ sót bất cứ một hành động nhỏ nhặt nào của con người. Và trong cái nhìn ấy, đôi khi chính những hành động nhỏ bé của cuộc sống ngày qua ngày, chính những nghĩa cử vô danh lại bừng sáng lên và mang một giá trị đặc biệt.
Cái nhìn của Thiên Chúa phải chăng không phải là một nguồn an ủi lớn lao cho chúng ta là những người đang âm thầm sống đức tin giữa không biết bao nhiêu thử thách và giới hạn? Ước gì cái nhìn ấy giúp chúng ta kiên trì trong những công việc vô danh mà chúng ta phải thi hành mỗi ngày và củng cố chúng ta trong niềm tin vững vào những thực tại vĩnh cửu.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 14
THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Hy vọng phục sinh

Hy vọng của Đức Maria cùng lớn lên với Đức Giêsu. Thật vậy, cũng như tất cả các bà mẹ sẽ sinh con vào trong trần gian. Cũng như đóa hoa phải héo tàn đi để mở ra cho hoa trái được chín mùi, Đức Maria cũng thế, Mẹ đã bỏ tất cả mọi sự ràng buộc trên con đường sống. Hy vọng của Mẹ cũng phải lãnh lấy đau thương khi Đức Giêsu vâng phục ý muốn của Cha Người (Lc 2 48-50), khi Người rời bỏ các môn đệ để vâng lời Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Người chu toàn trong mọi sự ý định của Cha để cứu độ nhân loại. Lúc ấy, hy vọng của Đức Maria cũng được hội nhập vào để được thanh luyện.

Nhưng chúng ta cũng biết rõ rằng: hy vọng không phải là cuộc chiến thắng khó khăn trên sự thất vọng. Mẹ đã nhận một hy vọng nhỏ nhoi trong tâm hồn của một kẻ tin, trong sự hiệp thông với Đức Giêsu, cho đến khi hy vọng lớn lao bùng vỡ trong cuộc Phục sinh. Mẹ đã đứng đó mặc cho tât cả khó khăn, không một câu hỏi, nhưng đầy khổ đau. Tìm gặp lại Đức Kitô phục sinh là câu trả lời cho sự âu lo của người mẹ. Hy vọng của Mẹ trở thành hy vọng mang nét phục sinh, như Đức Giêsu.

Đan sĩ Claude Ducarroz


Ý CẦU NGUYỆN THÁNG TƯ :
Ý chung : Cầu cho nhiều bạn trẻ biết đón nhận lời mời gọi của Đức Kitô:Xin cho nhiều bạn trẻ biết đón nhận lời mời gọi của Đức Kitô mà bước theo Người trong tác vụ linh mục và trong đời sống tu trì.
Ý truyền giáo : Cầu cho Đức Kitô phục sinh trở nên dấu chỉ của một niềm hy vọng: Xin cho Đức Kitô phục sinh trở nên dấu chỉ của một niềm hy vọng thật sự cho những người nam và nữ trong lục địa Châu Phi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét