Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

CHÚA NHẬT III MÙA PHỤC SINH


Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B
Cv 3,12-15.17-19 ; Tv 4 ; 1 Ga 2,1-5a ; Lc 24,35-48.

Bài đọc 1                                 Cv 3,12-15.17-19

12 Hôm ấy, ông Phê-rô lên tiếng nói với dân chúng rằng : "Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi ? 13 Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. 14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. 15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng.
17 "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. 18 Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là : Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. 19 Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em."



Đáp ca                                     Tv 4,2.4.7.9 (Đ. c. 7b)

Đáp :    Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

2          Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét,
            khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời.
            Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con,
            xin thương xót nghe lời con cầu khẩn.                                     Đ.

4          Hãy biết rằng : Chúa biệt đãi người hiếu trung với Chúa ;
            khi tôi kêu, Chúa đã nghe lời.                                                  Đ.

7          Biết bao kẻ nói rằng : "Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc ?",
            lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.              Đ.

9          Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ,
            vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa,
            ban cho con được sống yên hàn.                                            Đ.
           


Bài đọc 2                                 1 Ga 2,1-5a

1          Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi,
            tôi viết cho anh em những điều này,
            để anh em đừng phạm tội.
            Nhưng nếu ai phạm tội,
            thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha :
            đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính.
2          Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta,
            không những tội lỗi chúng ta mà thôi,
            nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa. 
3          Căn cứ vào điều này,
            chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa :
            đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.
4          Ai nói rằng mình biết Người
            mà không tuân giữ các điều răn của Người,
            đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.
5          Còn hễ ai giữ lời Người dạy,
            nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.



Tung hô Tin Mừng                 x. Lc 24,32

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa Giê-su, xin mở trí cho chúng con hiểu lời Kinh Thánh. Và khi Chúa phán dạy, xin đốt lòng chúng con cháy lửa nồng nàn. Ha-lê-lui-a.




Tin Mừng                                Lc 24,35-48

35 Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !" 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : "Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?" 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : "Ở đây anh em có gì ăn không ?" 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo : "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : "Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này."
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)

Suy Niệm:
Khi các tông đồ đang tụ họp. Ðức Giêsu đã đến giữa họ và chúc Bình An cho họ. Bình An của Chúa chỉ ở lại nơi những cộng đoàn sống hòa hợp, đồng tâm nhất trí với nhau.
Gia đình hòa thuận, khu xóm an vui, giáo xứ êm ấm... là những cộng đoàn được Ðức Giêsu vui thích hiện diện và chúc lành cho họ.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu xin Chúa đến với gia đình chúng con, xứ sở chúng con. Sự hiệp nhất của chúng con trong mọi công việc, nhất là trong các giờ kinh gia đình là điều làm Chúa vui lòng. Chúng con xin Chúa hiện diện giữa chúng con, hướng dẫn và đem bình an hạnh phúc cho chúng con. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Cộng Ðoàn Hội Thánh Chúa Kitô
(Cv 3,13-15.17-19; 1Yn 2,1-5a; Lc 24,35-48)
Suy Niệm:
Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm B
Cv 3,13-15.17-19; 1Yn 2,1-5a; Lc 24,35-48
Cũng như các bài Kinh Thánh của Chúa nhật trước, các bài đọc hôm nay nói với chúng ta về Hội Thánh. Chúng ta thử đổi kiểu tìm hiểu. Thay vì đi từ ngoài vào trong lòng Hội Thánh như đã làm Chúa nhật trước, hôm nay chúng ta đi từ trong ra ngoài, nhưng tạm dùng phương pháp thời gian.
Bài Tin Mừng không gợi lên sự việc trong chính ngày Chúa sống lại hay sao? Theo cách Luca kể thì Ðức Yêsu đã hiện ra với các môn đệ chính chiều ngày Người phục sinh. Còn bài sách Công vụ các Tông đồ cho chúng ta nghe lại lời của thánh Phêrô sau khi chữa lành một người què, tức là một thời gian sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Cuối cùng bài thư 1 Yoan là tác phẩm của nhiều chục năm sau.
Tuy nhiên dù trải rộng ra trên thời gian Giáo huấn của Hội thánh vẫn trước sau như một và vẫn muốn nói với chúng ta ngày hôm nay sứ điệp ngàn đời nhưng luôn luôn mới mẻ của Chúa.
Ðàng khác, tuy kể lại những sự việc xem ra cách quãng nhau khá dài trong thời gian, cả ba bài Kinh Thánh hôm nay đều đã được soạn hầu như cùng vào một thời đại; và nhất là đều nhằm một mục đích trình bày cho tín hữu về đời sống của Hội Thánh, dưới những khía cạnh làm cho nhau nên phong phú.

1. Một Cộng Ðoàn Khởi Sự Tin
Bài Tin Mừng theo thánh Luca cho chúng ta thấy hai môn đệ Emmaus vừa về tới Yêrusalem vào chiều tối ngày Chúa nhật phục sinh. Họ đến nơi các môn đồ của Chúa đang hội họp. Theo văn mạch, không những chỉ có các tông đồ nhưng cũng có cả những người khác. Họ đang bàn tán về việc Chúa đã hiện ra với các phụ nữ, và nhất là với Phêrô. Câu chuyện của hai môn đệ đi Emmaus không "ăn khách" bao nhiêu, bởi vì đối với mọi người điều đáng kể là Chúa đã hiện ra với Phêrô. Và như vậy có thể nói là việc Người sống lại đã được chính thức công nhận. Cộng đoàn tín hữu luôn hợp nhất với thủ lãnh của mình trong đức tin.
Họ đang bàn chuyện thì Chúa Yêsu hiện đến đứng giữa họ. Luca không nói rõ như Yoan rằng khi ấy cửa nhà nơi họ hội họp đang đóng kỹ vì sợ người Dothái. Nhưng Luca lại nhấn mạnh đến phản ứng của họ khi thấy Chúa thình lình đứng giữa họ. "Kinh hoàng khiếp đảm họ tưởng mình thấy ma". Không hiểu đã có bao giờ nhiều người thấy ma cùng một lúc không? Rõ ràng ở đây họ đã phản ứng như đêm nào đang ở trên thuyền gặp gió ngược, họ thấy một "bóng ma" đi trên nước. Họ kêu rú lên nhưng đã được trấn tĩnh: "Thầy đây đừng sợ" (Mc 6,47-50). Chúng ta có thể xích hai câu chuyện lại với nhau để nhìn thấy khi Ðức Yêsu hiện ra ở trên biển sóng gió, Người đã muốn mạc khải sự phục sinh và thần tính của Người; đang khi hôm nay hiện ra với họ trong thân xác phục sinh, Người muốn đem lại cho họ niềm vui phấn khởi và tin tưởng trong cuộc đời đầy sóng gió.
Lời Người trách họ: tại sao hoảng hốt và có những suy nghĩ như thế ở trong lòng, khiến chúng ta lại nhớ tới những lời trách tương tự. Người đã nói với họ khi đi chung thuyền với họ mà gặp bão táp (Mt 8,26). Hôm ấy họ thì vất vả chèo chống, còn Người thì nằm ngủ. Họ đến lay Người dậy. Người trách họ hầu giống như hôm nay, nhưng rồi đã ra lệnh cho sóng gió lặng yên. Hôm nay, dùng những lời tương tự để trách họ, phải chăng Người không muốn gợi lại chuyện cũ để ngầm ý nói rằng: Người đã ngủ dậy, tức là đã sống lại; cộng đoàn của Người không còn gì phải sợ sóng gió trần gian nữa. Việc Người phục sinh là chiến thắng vĩnh viễn.
Nhưng có lẽ họ chưa bắt được hết ý tưởng của Người. Họ vẫn còn tưởng đây là ma, tức là "linh hồn" Người đã chết nay hiện về với họ. Có lẽ họ còn nhớ câu truyện vua Saolê thấy hồn tiên tri Samuel hiện lên (1S 28,8). Và như vậy họ càng sợ hơn nữa, vì vua Saolê ngày trước khi thấy Samuel hiện về đã khiếp sợ vì mặc cảm tội lỗi. Họ không có một chút mặc cảm này sao khi họ đã bỏ rơi Người trong mầu nhiệm tử nạn?
Nhưng không, Người không phải là Samuel. Người bảo họ sờ vào thân xác mang thương tích của Người để biết rõ đây không phải là "linh hồn" Người hiện về, nhưng là thân xác Người đã sống lại. Và những thương tích này không những không gây mặc cảm tội lỗi cho họ trái lại còn đem đến cho họ niềm vui cứu độ. Và để giúp họ tin hoàn toàn và dứt khoát, Người còn ăn một chút cá nướng trước mặt họ để họ thấy đây là thân xác đã sống lại thật chứ không phải linh hồn hiện về hay là ma. Có thể nói sự thật trước mắt đã xua đuổi hết mọi hồ nghi khỏi lòng môn đồ. Họ là những người có phúc vì được xem thấy. Nhưng họ còn là những người phải đi công bố Tin Mừng Phục sinh cho những người không được phúc xem thấy. Chính cho những người này và để giúp các tông đồ diễn tả được niềm tin của mình, Chúa Yêsu đã bắt đầu dùng Thánh Kinh để giải thích cho họ về mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh cứu thế của Người. Làm công việc đó xong, việc hiện ra của Người mới hoàn tất.
Từ nay cộng đoàn dân Chúa có thể tiến bước vững vàng trên biển trần gian đầy sóng gió. Chúa Phục sinh đã ban cho họ những dấu hiệu về việc Người sống lại và đã dùng Thánh Kinh để củng cố những dấu hiệu ấy. Từ nay Hội Thánh vừa có các bí tích là những dấu hiệu ban ơn cứu độ vừa có Lời Chúa ghi trong Kinh Thánh. Với những "sản nghiệp" phong phú ấy và dưới sự lãnh đạo của Phêrô đã được Chúa sống lại hiện ra, cộng đoàn dân Chúa không những đã được lòng tin vững vàng mà còn có khả năng rao truyền và làm chứng niềm tin ấy nữa... Những điều này, chúng ta sẽ thấy trong hai bài đọc sau.

2. Một Cộng Ðoàn Rao Giảng Ðức Tin
Ai cũng thấy Phêrô và Yoan hôm nay không còn như hôm Chúa nhật Phục sinh nữa. Họ đã được đầy Thánh Thần. Không những tay họ đã làm cho một người què đi được; nhưng nhất là thần trí họ đã đổi mới hoàn toàn. Họ tin chắc chắn và dạn dĩ rao giảng việc Ðức Yêsu đã sống lại. Chính để làm chứng việc này, và để tỏ ra Người đã được tôn vinh, con người mà thiên hạ đã đóng đinh vào Thập giá, mà Thiên Chúa đã cho người què được khỏi tật khi tin vào Danh Ðức Yêsu Kitô.
Phép lạ này là một dấu hiệu. Thiên Chúa dùng tay các tông đồ để đến nói với mọi người. Nhưng người ta có thể hiểu dấu hiệu không đúng. Người ta có thể nghĩ " bởi quyền phép riêng, hoặc lòng đạo đức riêng" của các tông đồ mà người kia được khỏi tật. Phêrô đã giải thích: người ấy được khỏi vì Danh Ðức Yêsu, vì Thiên Chúa muốn làm chứng rằng Người mà họ đã đóng đinh vào thập giá, nay đã sống lại. Và như thế là đúng như Kinh Thánh đã nói.
Do đó ở đây cũng như ở trong bài Tin Mừng, người ta đã được nhìn thấy dấu hiệu rồi được dẫn giải về Kinh Thánh, để người ta tin Chúa Yêsu Phục sinh. Các bí tích và lời Chúa phải giữ vai trò trọng yếu trong lời rao giảng đức tin của Hội Thánh. Và nếu chúng ta hiểu bí tích có thể có một ý nghĩa rộng rãi hơn số 7 bí tích Hội Thánh vẫn cử hành, thì đi đôi với việc công bố Lời Chúa, Hội Thánh phải có những dấu hiệu thánh thiện giúp người ta lãnh hội Lời này. Và người tông đồ hiểu ngay các dấu hiệu nói đây có thể là chính thái độ, tư cách đạo đức mà mình phải có để khơi nguồn đức tin trong lòng người nghe.
Ðồng thời người tông đồ cũng còn phải làm như Ðức Yêsu trong bài Tin Mừng và như Phêrô trong bài sách Công vụ. Cả hai khi đem lại cho người ta những dấu hiệu và lời giảng về sự phục sinh, đã phải xua đuổi và làm tan biến những trở lực ở nơi họ đối với đức tin. Ðức Yêsu đã phải trách môn đồ về những tâm tư nghi ngờ. Phêrô phải mạnh bạo lột trần phần trách nhiệm của mỗi người trong việc giết đấng "khơi nguồn sự sống". Ở đây, chúng ta thấy người khẳng định rõ rệt và cụ thể hơn hôm người giảng lần đầu tiên khi người ta tuốn đến xem dấu hiệu Lửa Thánh Thần hiện xuống. Hôm ấy, người nói họ đã dùng tay kẻ vô đạo đóng đinh Ðức Yêsu vào Thập giá (2,23). Hôm nay người dám nói rằng: trong khi Philatô xét là phải tha Ngài, thì họ đã từ chối đấng Thánh và xin ân xá cho một tên sát nhân, rồi đã giết Ðấng là nguồn sự sống.
Nhưng đó cũng chỉ là vì "vô tri". Nay thấy Thiên Chúa đã mở mắt cho mọi người khi tôn vinh Ðức Yêsu, tức là cho Người sống lại từ cõi chết, thì họ phải "hồi đầu" trở lại để được tẩy xóa tội lỗi và được sống. Lúc ấy họ sẽ được phúc hơn cả người què vừa được chữa khỏi, vì mọi chúc lành Thiên Chúa đã hứa cho Abraham và dòng dõi ông, từ nay sẽ là kỷ phần của họ. Và như vậy, Ðức Yêsu thật là vị tiên tri mà Môsê đã nói sẽ đến và sẽ giống như mình, vì Người sẽ giải phóng dân khỏi tội lỗi và sự chết để khơi nguồn và trở thành sự sống mới cho họ.
Không chắc các thính giả Dothái hôm ấy đã bắt được hết ý tưởng của Phêrô. Nhưng hiển nhiên khi viết lại bài giảng này, sách Công vụ các Tông đồ muốn cho chúng ta lĩnh hội đầy đủ lời rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Phêrô lại làm cho các thính giả của người việc mà chính Ðức Yêsu đã làm cho các môn đồ khi hiện ra với họ. Dùng dấu hiệu và lời nói Chúa và Hội Thánh loan truyền cho chúng ta mầu nhiệm phục sinh như là công việc cứu độ của Thiên Chúa để chúng ta từ bỏ tội lỗi, "hồi đầu" trở lại với Ðấng là nguồn sống giải cứu chúng ta khỏi chết muôn đời, để khi giữ lời Người, chúng ta được hưởng mọi Lời Hứa tốt lành của Thiên Chúa.
Có lẽ muốn cho chúng ta chú ý đến điểm cuối cùng này mà phụng vụ đã đọc cho chúng ta nghe bài thư Yoan hôm nay.

3. Một Cộng Ðoàn Sống Ðức Tin
Xét theo thời gian của những việc xảy ra, bức thư này nói đến nếp sống khá lâu sau ngày Chúa nhật Phục sinh và tuần lễ Thánh Thần hiện xuống. Thánh Yoan viết thư cho con chiên của người để khuyên họ đừng phạm tội. Vì sao vậy? Có lẽ vì bấy giờ không còn phải là lúc mới tin đạo nữa. Buổi đầu, người ta sốt sắng và sống thánh thiện. Nhưng dần dần bắt đầu có sự nguội lạnh; rồi chống trả cám dỗ yếu đi, có nhiều tín hữu bắt đầu phạm tội.
Sự kiện này đặt ra một thắc mắc. Những kẻ đã tái sinh mà bây giờ phạm tội lại thì sẽ như thế nào? Họ không còn là "thánh hữu"; ít nhất cũng không thể bảo ho còn là tín hữu thánh thiện, vì họ đã phạm tội lại. Ơn cứu chuộc họ đã lãnh nhận một lần rồi; còn cách nào cứu họ được nữa không?
Chắc chắn hồi đó Hội Thánh chưa có đủ thời giờ và kinh nghiệm để khám phá ra bí tích cáo giải nơi kho tàng mạc khải. Thánh Yoan cũng chưa hiểu điều đó. Ðứng trước sự kiện có những tín hữu sa ngã lại, người chỉ biết đưa ra hai điều khuyên: một là cố gắng đừng phạm tội ; và hai là tội nhân hãy biết rằng chỉ có lòng tin vào Ðức Yêsu cứu thế là được tha tội mà thôi.
Người lấy hết tình "cha con" mà khuyên điều thứ nhất. Người gọi tín hữu là "các con thơ bé" để nói lên tình thắm thiết của một người cha, một người mẹ, hầu khẩn khoản nài xin họ đừng phạm tội. Và muốn như vậy, họ phải giữ các lệnh truyền của Chúa. Chắc chắn người muốn nói đến giới răn bác ái huynh đệ vì theo các tác phẩm của người, Chúa chỉ để lại cho chúng ta một lệnh truyền mà thôi, đó là chúng ta hãy yêu mến nhau. Ai giữ điều này là kẻ thật sự giữ đạo; bằng không nó là kẻ nói láo, vì lẽ nếu không yêu người anh em mà nó thấy thì làm sao có thể yêu Chúa là đấng vô hình được. Ðàng khác, nơi kẻ có lòng yêu thương anh em, lòng mến của Thiên Chúa mới nên trọn được. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Người ở trong lòng ai, thì kẻ ấy phải yêu thương tha nhân. Không yêu anh em là không có tình yêu ở trong lòng, khiến lòng mến của Thiên Chúa chưa làm sao nên trọn ở nơi kẻ ấy. Vậy như Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta khi ban tình yêu cứu độ của Người cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải duy trì tình yêu ấy để được ở mãi trong ơn cứu độ.
Nhưng nếu trót phạm tội thì sao?
Thánh Yoan không dứt khoát trả lời. Người chỉ nêu lên một chân lý rất đúng để người ta trông cậy: hãy tin vào Ðức Yêsu Kitô là Ðấng công chính; Người là hy lễ đền tội của cả thế gian; Người là Ðấng bầu chữa cho tội nhân nơi Thiên Chúa Cha. Phải đợi nhiều năm sau nữa, Hội Thánh mới tìm thấy rõ ràng trong kho tàng mạc khải có nguồn nước tha tội phong phú là bí tích cáo giải.
Chúng ta ngày nay sống ở thời đại mà mầu nhiệm cứu chuộc đã được triển khai toàn diện. Nhưng dù đã biết bí tích cáo giải và nhiều kho tàng mạc khải khác, đời sống đạo đức của chúng ta vẫn phải có những nét như ở thời các tông đồ. Chúng ta vẫn phải nhờ vào các dấu hiệu, tức là các bí tích, và Lời Chúa trong Hội Thánh mà tin tưởng lãnh nhận ơn cứu độ. Ðó là ơn của Ðức Kitô Phục sinh giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi để quay đầu chúng ta về đời sống công chính. Chúng ta đừng phạm tội kẻo mất lòng mến Chúa ở nơi mình. Và cho được như vậy, phải yêu thương anh em. Nhưng nếu trót sa ngã lại, chúng ta phải chạy đến với Ðức Yêsu Kitô là hy lễ xá tội và là Ðấng bầu chữa cho tội nhân nơi Thiên Chúa Cha.
Mùa phụng vụ này kéo mắt chúng ta nhìn vào Người là Chiên Vượt qua. Chúng ta ngắm nhìn Người với lòng yêu mến cậy tin, thì chắc chắn chúng ta được thêm ơn tha thứ tội lỗi, được sự sống mới của mầu nhiệm phục sinh, cũng là lòng mến Chúa trọn vẹn hơn, để chúng ta sống bác ái huynh đệ nhiều hơn, làm chúng ta đang ở trong ơn cứu độ.
Thánh lễ sắp cho chúng ta được tiếp xúc và rước lấy Chiên Vượt qua. Chúng ta hãy sốt sắng tham dự với những tâm tình trên.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Suy Niệm
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con.
Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma.
Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ,
nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.
Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách
để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng.
Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài
để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt.
Ngài còn ăn một miếng cá nướng
để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.
Khi các môn đệ yếu đức tin,
họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma.
Nhưng khi đức tin của họ được củng cố,
họ mới thấy Ngài có thực.
Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa,
vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ,
giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược,
hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau.
Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến.
Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ.
Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại.
Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi
ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.
Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết.
Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.
Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người.
Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ.
Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu.
Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt,
và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết.
Họ phải là nguồn sống dồi dào,
sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.
Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học.
Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc.
Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền.
Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa,
nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình,
chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh,
bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin.
Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ
thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

22/04/12 CHÚA NHẬT TUẦN 3 PS – B 
Lc 24,35-48
PHỤC SINH NIỀM TIN
“Sao anh em lại hoảng hốt?” (Lc 24,38) 

Suy niệm: Đây là lần thứ nhất Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, sau khi từ cõi chết sống lại. Phản ứng của các ông là kinh hãi, “tưởng là ma.” Mặc dù Chúa minh chứng bằng các dấu đinh ở chân tay, nhưng các ông vẫn không tin. Chúa lại ăn một khúc cá nướng để các ông thấy mà tin. Rồi Chúa vận dụng Kinh Thánh để minh chứng sự phục sinh của Ngài. Như vậy, Chúa dùng mọi cách để củng cố đức tin cho các tông đồ. Ta không vội phiền trách sự kém tin của các ông. Đúng hơn phải cảm ơn các tông đồ, vì từ chỗ không tin, các vị đã tin vững vàng, đến mức dám chết để minh chứng đức tin. Nhờ sự kém tin của các tông đồ mà hôm nay chúng ta được vững tin. Niềm tin của Hội Thánh và của chúng ta đặt trên niềm tin của các tông đồ khi xưa.

Mời Bạn: Đức Thánh Cha Bênêđictô đã quyết định mở “Năm Đức Tin” cho toàn Giáo Hội từ 11/10/2012 đến 24/11/2013, nhằm "khôi phục lại sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này, và cung cấp cho người ta con đường đi đến đức tin, giúp họ có thể phó thác cho Thiên Chúa là Đấng đã yêu chúng ta đến cùng trong Chúa Giêsu Kitô." Bạn hãy hưởng ứng Năm Đức Tin này để canh tân và đào sâu đức tin của bạn.

Sống Lời Chúa: Khi gặp một tình huống gay go về niềm tin, tôi sẽ tìm lời giải đáp trong Tin Mừng, noi gương các thánh tử đạo Việt Nam.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, “xưa Chúa đã ban cho các ngài được vững tin vào Lời Chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Amen.” 
(Kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật III Phục Sinh, Năm B
Bài đọc: Acts 3:13-15, 17-19; I Jn 2:1-5; Lk 24:35-48.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ
 Đức Kitô sống lại nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.
             Đức Giêsu Kitô có sống lại thật không? Câu trả lời cho câu hỏi này rất quan trọng, vì nó sẽ xác định niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa và vào cuộc sống đời sau. Thánh Phaolô xác quyết: Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta sẽ ra vô ích. Làm sao để biết Đức Kitô có sống lại thật không? Sự kiện tìm thấy ngôi mộ trống với các khăn niệm để lại không đủ bằng chứng để một người tin Chúa đã sống lại, vì người khác có thể đánh cắp xác Chúa và phao tin đồn thất thiệt như người Do-thái và ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu đã nghi ngờ. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta 3 bằng chứng hùng hồn về việc Chúa sống lại.
            (1) Trong Phúc Âm, thánh-sử Lucas tường thuật việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ với lời mời gọi hãy rờ vào thi thể của Ngài, và với việc ăn khúc cá nướng trước mắt các ông, để chứng tỏ Ngài đã sống lại thật. Bên cạnh lần hiện ra hôm nay, các thánh-sử đã tường thuật việc  Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ nhiều lần: với Mary Magdala, với các phụ nữ trên đường về từ mộ, với hai môn đệ trên đường Emmaus, với 10 Tông-đồ không có Thomas, với 11 Tông-đồ có cả Thomas, với các Tông-đồ đi đánh cá; tổng cộng tất cả có ít nhất là 7 lần Chúa đã hiện ra.
            (2) Trong Bài Đọc I cũng như trong Phúc Âm, các Tông-đồ cũng như Chúa Giêsu nhắc nhở cho độc giả biết: hãy đọc lại những lời Kinh Thánh và những gì Ngài đã dạy dỗ và báo trước, để biết chính Kinh Thánh đã làm chứng cho Chúa; chẳng hạn: Đấng Thiên Sai sinh ra từ giòng dõi David, tại Bethlehem (Mic 5:4). Thánh Thần Chúa xức dầu tấn phong và sai Ngài đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, chữa lành những người bệnh, phóng thích kẻ bị giam cầm (Isa 61:1). Đấng Thiên Sai phải chịu nhiều đau khổ để gánh tội cho con người (4 Bài ca về Người Tôi Trung của Isaiah). Đấng Thiên Sai sẽ phải chịu chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại (Hos 6:2). Thiên Chúa không “đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (Psa 16:10).
             (3) Trong Bài Đọc I và II, các Tông-đồ và các tín hữu đã can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Các ngài đã nhân danh Đức Kitô rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh, cuộc sống huynh đệ bỏ mọi sự làm của chung của các cộng đoàn tiên khởi, sự phát triển và vững bền của Giáo Hội hơn 2,000 năm qua với hàng triệu thánh nhân đã làm chứng cho Chúa, mỗi năm cả hàng trăm ngàn các anh chị em tân tòng gia nhập đạo.
            Với 3 bằng chứng tổng quát và hàng triệu các nhân chứng, việc Chúa sống lại là điều chắc chắn đã xảy ra, và niềm tin của chúng ta sẽ được cùng sống lại với Ngài được đặt trên một nền tảng vững vàng, chắc chắn hơn xây nhà trên đá. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô đã chết và sống lại nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.

            1.1/ Lầm lỡ của kiếp người: Đã là con người, không ai không phán đoán sai lầm và làm những điều tội lỗi. Thánh Phêrô nhắc lại tội của những người trong Thượng Hội Đồng và của toàn dân Do-thái đã làm trong Cuộc Thương Khó của Đức Kitô: “Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.”
            1.2/ Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Theo Kế Hoạch này, Đức Kitô phải chịu đau khổ (Isa 52:13-53:12), chết, và sống lại (Hos 6:1-2); để gánh tội cho con người (Jn 1:29) và bảo đảm cho họ sẽ được sống đời đời (Isa 49:6, Jn 6:39-40). Vì thế, thánh Phêrô quả quyết việc người Do-thái lầm lỗi kết tội Con Thiên Chúa nằm trong Kế Hoạch của Thiên Chúa: "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình.” Điều quan trọng không hệ tại ở chỗ lầm lỡ kết tội; nhưng ở chỗ biết nhận ra tội của mình, như Phêrô kêu gọi dân chúng: “Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.”

2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã chết và sống lại để xóa bỏ tội lỗi và làm cho con người khỏi chết.
            2.1/ Đức Kitô là của lễ đền bù tội của nhân loại: Tiếp tục ý tưởng của thánh Phêrô trong Bài Đọc I, thánh Gioan cũng khuyên các môn đệ của Ngài về sự hiện hữu của tội, và nhu cầu cần phải ăn năn sám hối mỗi khi lầm lỡ để được tha tội: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính.
Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa.” Vì có Đức Kitô sẵn sàng tha thứ tội, con người không còn làm nô lệ cho tội và cho sự chết nữa; nếu họ biết ăn năn thú tội mỗi khi lầm lỡ.
            2.2/ Yêu mến Thiên Chúa là giữ cẩn thận các giới răn của Ngài: Theo thánh Gioan, yêu Thiên Chúa không phải chỉ bằng lời nói, nhưng phải biểu tỏ qua hành động như Chúa Giêsu cũng đã từng dạy dỗ các môn đệ của Ngài: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.” Dĩ nhiên, thánh Gioan không phủ nhận sự yếu đuối và sa ngã của con người; tuy nhiên, con người phải cố gắng sống những gì Chúa dạy. Nếu con người sa ngã vì yếu đuối, Chúa Giêsu sẵn sàng tha tội cho họ qua Bí-tích Giải Tội.

3/ Phúc Âm: Chúa thân hành hiện ra và Kinh Thánh là hai bằng chứng của Mầu Nhiệm PS.
            3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông-đồ: Thánh-sử Lucas chú trọng đến những chi tiết về thi thể của Chúa Giêsu Phục Sinh trong trình thuật hôm nay.
            (1) Chúa Phục Sinh có hình dạng để con người nhận ra: Khi một người nhìn thấy người chết hiện về, cảm tưởng của họ chắc cũng giống như các môn đệ trong trình thuật hôm nay: Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Tuy nhiên, như trong trình thuật của 2 môn đệ trên đường Emmaus, Chúa Giêsu phải có một hình dạng con người để các môn đệ có thể nhận ra và có tay để bẻ bánh.
            (2) Chúa Phục Sinh có thân xác để mọi người có thể sờ vào: Thấy các ông còn nghi ngờ Người là ma, Người mời gọi các ông sờ vào Người: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ sờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
            (3) Chúa Phục Sinh có thể ăn uống như một con người: Thấy các ông còn đang ngỡ ngàng, Người quyết định tiến xa hơn: "Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Ma quỉ không thể ăn như Chúa Giêsu ăn trước mắt các môn đệ, vì chúng không có thi thể của con người.
            3.2/ Giải thích Lời Kinh Thánh cho các Tông-đồ: Rồi Người bảo các ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Moses, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Theo truyền thống Do-thái, Kinh Thánh bao gồm cả 3 phần: Sách Luật, Sách Ngôn-sứ, và các Thánh Vịnh. Cả ba đều làm chứng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa.
            (1) Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm: Trong 4 Tin Mừng cũng như Sách CVTĐ, rất nhiều lần nói tới việc: “như lời các ngôn sứ loan báo,” hay “để lời Kinh Thánh nên trọn.” Trong giới hạn của Bài Giảng, chúng tôi chỉ nêu lên một ví dụ cụ thể cho mỗi phần của Kinh Thánh:
            - Sách Luật: (Jn 6:45) dẫn chứng (Deut 18:15): “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy.”
            - Sách Ngôn-sứ: (Mt 8:17 và 12:18) lặp lại (Isa 42:1-4, 49:1-6, 50:4-9, 52:13-53:12) về Người Tôi Trung chịu đau khổ. (Mt 12:40) lặp lại (Hos 6:2 và Jon 2:1): “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.” (Mt 21:5) dẫn chứng Zech 9:9 về một vị vua khiêm nhường: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.”
            - Thánh Vịnh: (Mk 12:10) dẫn chứng (TV 118:22): “Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.” (Jn 10:35) dẫn chứng (TV 82:6 và Exo 7:1): “Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ.” (Jn 13:18) dẫn chứng (TV 41:10) về sự phản bội của Judah: “Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.”
            (2) Nhiệm vụ của các Tông-đồ: Sau khi đã củng cố niềm tin của các ông bằng việc hiện ra và cắt nghĩa Kinh Thánh, người truyền cho các ông “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Jerusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 
            - Chúng ta không bao giờ được để báo chí, dư luận, và cám dỗ thế gian, làm lung lay niềm tin của chúng ta vào sự Phục Sinh của Đức Kitô và vào sự sống đời sau; vì chúng ta đã có quá nhiều bằng chứng và nhân chứng về niềm tin này.
            - Khi chúng ta đã tin vào sự sống lại của Đức Kitô, chúng ta cũng phải tin vào những gì Ngài dạy dỗ: sự hiện diện của tội lỗi và nhu cầu được tha thứ, con đường đau khổ là con đường của những người môn đệ Chúa, và phải giữ các giới răn của Ngài.
            - Chúng ta phải tin tưởng và năng đọc toàn bộ Kinh Thánh, không được bỏ một phần hay một Sách nào cả, vì toàn bộ Kinh Thánh liên quan đến Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Kế Hoạch này được Đức Kitô thi hành đến chỗ toàn hảo.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Lời Chúa Trong Gia Đình
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH; Cv 3, 13-15. 1719; 1Ga 2, 1-5a; Lc: 24, 35-48.
LỜI SUY NIỆM: Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo:  “Bình an cho anh em” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ mà xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24,36-39).
          Mặc dầu trước đây Chúa Giêsu đã ba lần nói đến cái chết và sự phục sinh của Ngài, nhưng các ông đã không hiểu. Nên sau cuộc thương khó và cái chết đến với chúa Giêsu các ông trở nên vô vọng. Nên khi Chúa đột ngột đứng giữa các ông, các ông đã hoảng sợ và tưởng là ma.
Trong đời sống của chúng ta cũng lắm khi, có những biến cố đến quá đột ngột ngoài cả suy nghỉ, dự tính của chúng ta, chúng ta cũng đã hoảng hốt và sợ hải, nhưng sau khi đối diện sự cố đó, với chiêm niệm trong đức tin và cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận ra tất cả những biến cố đó đã giúp ích thật nhiều cho những gì mà mình đã từng thao thức và mong muốn được thấy điều đó được thể hiện.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
22 Tháng Tư
Món Quà Của Con Cáo

Một câu chuyện giả tưởng thuật lại như sau:
Khi Chúa giáng sinh, các thú vật đều tới mừngChúa. Mỗi con đều dâng Chúa chút quà: Chị bò cái dâng sữa. Cậu khỉ biếu Chúa mấy trái nho.
Chú sóc nâu bé nhỏ tình nguyện ở lại làm đồ chơi cho Chúa.
Chúa Hài Ðồng vui vẻ nhận tất cả. Ðang lúc các thú vật quây quần bên Chúa thì chàng cáo xuất hiện. Các thú vật đều ghét cáo, vì hắn ta gian manh quỷ quyệt... Chúng chặn không cho cáo đến gần Chúa và tự hỏi: Không biết cáo định âm mưu gì.
Cáo nói: Tôi đến dâng lễ vật cho Chúa. Nhưng chẳng thấy cáo mang theo lễ vật nào. Chúa ra hiệu cho cáo vào. Quỳ bên Chúa Hài Ðồng chàng cáo thì thầm dâng lên Chúa long quỷ quyệt của mình.
hú vật đều bỡ ngỡ: Dâng gì kì cục vậy! Trái lai cáo ta vui cười hớn hở, còn Chúa đặt hai tay trên đầu cáo tỏ dấu ưng thuận chúc lành. Xưa nay cáo sung sướng nhờ sự quỷ quyệt của mình, bây giờ dâng cho Chúa rồi, nó sẽ phải kiếm ăn cực nhọc với tấm lòng lương thiện. Chàng cáo đã dâng nhiều hơn hết mọi con vật.
Hẳn chúng ta cong nhớ câu chuyện "Người phụ nữ ngoại tình" trong tin Mừng: Một khi đã phạm tội, bà bị những người xung quanh kết án có thể gọi là "chung thân". hình như bà bị xã hội khắc vào má hai chữ "ngoại tình" không thể nào tẩy xóa được. Giống như chú cáo trong câu chuyện trên: Ðã gian manh quỷ quyệt thì mọi thú đều không thể tưởng tượng cáo có thể thay đổi.
Nhưng với sự xuất hiện và hoạt động của Chúa Giêsu, mọi đổi thay đều có thể xảy ra. Con cáo có thể bỏ tính manh mum xảo trá để làm ăn lương thiện. Qua bao thế hệ, câu nói của Chúa Giêsu: "Tôi cũng thế, tôi không kết tội chị. Vậy chị hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa" đã giúp đổi đen thành trắng nhiều cuộc đời.
Chúng ta hãy tập đừng vội xét đoán và nhất là đừng bao giờ kết án ai. Trái lại hãy cho nhau những cơ hội mới để mọi người có thể canh tân cuộc sống.
Tiếp đến, hãy tận tình giúo đỡ những người đang gặp khó khăn, những kẻ đang vấp ngã: Hãy giơ cánh tay thân thiện kéo họ ra khỏi những vũng bùn nhơ, thay vì đi nói xấu hay xét đoán và kết án họ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++

Ngày 22
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Con cá của bí tích Thánh Thể

Gặp gỡ với Đức Kitô cũng có nghĩa cùng chia sẻ với Người bữa tiệc Thánh Thể. "Phản ứng" đẩu tiên của Đấng sống lại là ăn trước mặt các tông đổ, kinh ngạc rổi tràn đầy niềm vui. Họ là những kẻ phản bội Người, Người lại chấp nhận họ vào bàn tiệc. Người chia sẻ với họ con cá mà Người nhân lên cho đám người đang đói, con cá trở thành dấu chỉ liên kết lại với tất cả môn đệ bị bách hại.

Đó là bữa ăn sau phục sinh cũng như trong từng Thánh lễ chúng ta được tham dự, trong đó chính Đức Giêsu tự ban cho chúng ta, một cách thực sự, trọn vẹn, với Thân mình Người, Máu thánh Người và Lời của Người: như ngày xưa, Người hiện diện nơi đây để mở tâm trí chúng ta cho Tin Mừng, nếu không có Thánh Thần của Người, tất cả sẽ còn đóng kín. Người giải thích cho chúng ta tất cả những gì liên hệ trong Lề Luật của ông Môisen, các ngôn sứ và Thánh vịnh. Người tỏ cho chúng ta thấy chính Người là chủ đề đầu tiên của Sách Thánh. Và Người biến chúng ta thành những nhân chứng cho cuộc gặp gỡ nồng ấm này.

Cha Franẹois-Xavier Amherdt
Chúa Nhật 22-4

Chân Phước Giles ở Assisi

(1190 -- 1262)
C
hân Phước Giles, một trong các môn đệ của Thánh Phanxicô, là người đơn giản và siêng năng cầu nguyện.
Vào ngày 23 tháng Tư, 1208, một người tá điền tên Giles đã phân phát tài sản cho người nghèo và đi theo Thánh Phanxicô. Trong phần giới thiệu ông Giles, Thánh Phanxicô nói: "Ðây là một người anh em tốt lành mà Thiên Chúa đã gửi đến cho chúng ta! Hãy ngồi vào bàn và ăn mừng."
Trong thời gian đầu sau khi là một tu sĩ dòng Phanxicô, Thầy Giles tháp tùng Thánh Phanxicô trong nhiều công tác truyền giáo ở chung quanh Assisi, cũng như hành hương đến Rôma, Ðất Thánh và đền nổi tiếng của Thánh Giacôbê ở Compostela, Tây Ban Nha. Vào năm 1219, ngài đến Tunis để rao giảng cho người Hồi Giáo, nhưng người Kitô Giáo ở đây, sợ rằng ngài sẽ gây khó khăn cho họ, nên đã đưa ngài lên thuyền trở về Ý. Sau đó, Thầy Giles làm việc lao động trong vài năm. Vào năm 1234, ngài di chuyển đến Monte Rapido gần Perugia để theo đuổi đời sống chiêm niệm. Thầy sống ở đây cho đến khi từ trần.
Thầy Giles luôn luôn làm việc để có miếng ăn hàng ngày ngay cả khi ngài là khách. Có lần khi đang ở nhà một vị hồng y, và buổi sáng hôm ấy trời mưa tầm tã. Vị hồng y vui mừng nghĩ rằng Thầy Giles sẽ không thể nào làm việc lao động được, và thầy sẽ phải nhận lòng bác ái của đức hồng y. Tuy nhiên, người tu sĩ khéo léo này đã đi vào bếp để lau chùi, quét dọn và giúp người đầu bếp chuẩn bị bữa ăn tối!
Khi Thánh Bonaventura đến Perugia, Thầy Giles hỏi ngài rằng, một người ngu dốt có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều như một học giả không. Thánh Bonaventura, lúc ấy là một thần học gia nổi tiếng xuất thân từ Ðại Học Balê và là bề trên tổng quyền, trả lời: "Một bà già tầm thường có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn là một bậc thầy về thần học." Ngay lập tức, Thầy Giles chạy đi gặp một bà già và nói, "Bà ơi, dù bà đơn sơ và không có học thức, nhưng nếu bà yêu mến Thiên Chúa thì bà có thể cao trọng hơn cả Bonaventura."
Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX, trước đây là Hồng Y Hugolinô và là một người ái mộ Thánh Phanxicô, đã có lần đưa Thầy Giles đến Viterbo để ngài có thể tận mắt chứng kiến sự thánh thiện của thầy. Cả hai bắt đầu nói chuyện về thiên đàng, và Thầy Giles đã hai lần rơi vào tình trạng ngất trí trong một thời gian khá lâu. Một lần khác, đức giáo hoàng yêu cầu thầy khuyên bảo về nhiệm vụ của một giáo hoàng. Thầy nói với đức giáo hoàng là ngài phải có hai đôi mắt trong linh hồn: một đôi để chiêm ngắm những sự trên trời, và một đôi để nhìn đến những sự dưới đất. Như đức giáo hoàng và Thánh Bonaventura đồng ý, Thầy Giles là một bậc thầy về đời sống tâm linh. Tập "Lời Vàng của Thầy Giles" đã ghi lại những lời nói đáng nhớ của thầy.
Là một trong những môn đệ tiên khởi của Thánh Phanxicô, Thầy Giles khước từ mọi dễ dãi về kỷ luật trong Quy Luật Thánh Phanxicô. Thầy được phong chân phước năm 1777.

Lời Bàn

Chúng ta được dựng nên với một mục đích. Chân Phước Giles biết rằng mục đích của đời sống chúng ta là sống với Thiên Chúa, và ngài đã vui vẻ chuẩn bị cho đời sống ấy.

Lời Trích

"Chim chóc trên trời, muông thú dưới đất và cá dưới biển đều thoả mãn khi chúng có đủ thức ăn. Nhưng con người thì không thỏa mãn với những sự trần thế và luôn luôn khao khát những điều khác, do đó hiển nhiên là con người được tạo dựng không chỉ cho chính mình mà còn cho tha nhân. Vì thân xác được tạo dựng là cho linh hồn, và thế giới này được tạo dựng là cho thế giới khác" (Lời Vàng).

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.
Echo Magazine

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét