Ý nghĩa cái chết
của Chúa
Có một làng nọ hay xảy ra nạn ăn cắp,
vị quan ra chỉ thị: nếu ai ăn cắp sẽ bị đánh 10 roi. Luật được phổ biến nhưng
vẫn bị ăn cắp. Quan tăng 20 roi. Lại vẫn không hết nạn ăn cắp trong làng.
Quan mới tăng 30 roi. Bất ngờ người ta khám phá ra mẹ của quan chính là
thủ phạm. Thương mẹ lắm, nhưng vì luật phải thi hành, nên quan cho
lính bắt trói mẹ lại và cho đánh 30 roi. Tuy nhiên, khi bắt đầu đánh,
quan cởi đồ áo ra và nằm trên người mẹ để chịu đòn thay cho mẹ.
Tác giả câu chuyện kết luận:
đó là giây phút đẹp nhất, giây phút vĩnh cửu, giây phút giữa tình yêu và
công lý gặp nhau!
Câu chuyện trên đây giúp chúng
ta hiểu phần nào ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá.
Thập giá là chữ T nói tới 3 ý nghĩa qua ba chữ T khác: Tội, Tình và Tha
Thứ:
1) Chúa chết là vì tội ta
Cũng như vị quan đã chịu đòn
thay cho mẹ mình, Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chết trên thập giá vì
tội của ta.
Nhìn lên thập giá Chúa,
chúng ta ý thức về tội của ta và tội của cả nhân loại. Như dân Do
thái nhìn lên con rắn đồng treo trong sa mạc, họ nhớ lại tội đã xúc
phạm đến Thiên Chúa (x. Ds 21, 4b-9).
Đức Giêsu chịu treo trên thập giá
là vì tội lỗi nhân loại. Thánh Phêrô viết những lời thật ý nghĩa: “Tất cả
tội lỗi của chúng ta, Đức Giêsu đã mang vào
thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống
cuộc đời công chính” (2Pr
2,24a). Đức Giêsu đã gánh
lấy tất cả tội lỗi của con người. Người chịu chết để con người được sống. “Người
phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (2 Pr 2,24b). Nhìn ngắm Đức Giêsu trên thập giá,
chúng ta ý thức về thân phận yếu đuối mỏng dòn và tội lỗi của mình. Như lời
sách ngắm dạy: “Ơ tội Adong
cùng tội tôi độc dữ hơn mọi giống thuốc độc, vì làm cho Chúa chẳng hay chịu sự
gì khó, mà rày chịu trăm nghìn sự khốn khó, Chúa chẳng hay chết, bởi gánh tội
tôi cho nên chịu chết làm vậy”.
Cái chết của Chúa là cái chết thay, chết vì tội
lỗi của chúng ta. Chính
vì thế, hy tế trên thập giá được tái diễn trong thánh lễ khi
linh mục đọc lời truyền phép: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các
con... Này là máu Thầy sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội”.
2) Chúa chết vì tình
thương ta
Con người phạm tội đáng phải chết.
Nhưng Thiên Chúa yêu thương và không bỏ rơi con người. Ngài tìm mọi cách cứu
sống. Thập giá là lời chứng hùng hồn về tình yêu lớn lao đó: Thánh
Gioan quả quyết: “Thiên Chúa yêu
thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải
chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga
3,17). Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại chính Con Một dấu yêu của Ngài.
Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho con người được sống: “Không có tình yêu
nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15.13). Đây là tình yêu
ở dạng thức cao cả nhất, tuyệt vời nhất - agape: một tình yêu dám hy
sinh mạng sống vì người khác. Giờ Chúa chết là giờ đẹp nhất, giờ
của công lý và tình yêu gặp gỡ nhau! Nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thập
giá, chúng ta cảm nhận tình thương của Chúa thật bao la.
3) Chúa chết để tha thứ cho ta
Thập giá không có Đức Kitô trở
thành khổ giá, nhưng thập giá có Đức Kitô trở thành thánh giá, là nguồn ơn cứu
độ, là công cụ hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người và giữa loài người với
nhau. Qua thánh giá, Đức Kitô chứng tỏ rằng tình yêu chiến thắng tất cả - amor vincit omnes. Lòng tha thứ
lớn lao hơn sự hận thù và khỏa lấp mọi tội lỗi. Nhờ thánh giá mà chúng ta được
tha thứ, được cứu độ và được làm con cái của Thiên Chúa. Per crucem et passionem tuam,
libera nos, Domine: nhờ thánh giá và cuộc khổ nạn của Ngài, xin
giải thoát chúng con, lạy Chúa!
Trong đêm tối lao tù của Đức quốc
xã, thánh Edit Stein suy ngắm thập giá Chúa và thốt lên rằng:“Tôi thấy bình
minh của thế giới đang bắt đầu ló rạng qua thập giá Đức Kitô”. Bình minh đó là bình minh cứu
độ, bình minh hòa giải và tha thứ mà Thập Giá Đức Kitô mang lại cho
loài người.
Kết luận
Như thế, thập giá là chữ T
nói với chúng ta 3 chữ T khác: tội,
tình yêu và tha thứ.
Nếu tội lỗi dẫn ta tới cái
chết và hủy diệt, thì tình yêu làm cho ta sống và hy vọng.
Nếu ai đó thấy mình quá tội
lỗi, quá bất xứng, thì hãy tin rằng: tình yêu Thiên Chúa bao giờ
cũng lớn hơn tội lỗi con người.
Nếu ai đó đã hơn một lần
thất vọng và quỵ ngã vì những lầm lỡ cuộc đời, thì hãy ngước
nhìn lên thập giá Chúa vì thập giá là chìa khóa thiên đàng cho các
tội nhân.
Per
crucem et passionem tuam, libera nos, Domine! Nhờ thánh giá và cuộc khổ
nạn của Ngài, lạy Chúa, xin giải thoát chúng con!
Lm. Nguyễn Văn Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét