Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

30-4-2012:THỨ HAI TUẦN IV MÙA PHỤC SINH


Thứ Hai sau Chúa nhật IV Phục Sinh
Cv 11,1-18 ; Tv 41 ; Ga 10,11-18.
Thị kiến của Phê-rô
Bài đọc                                    Cv 11,1-18

1 Hồi ấy, các Tông Đồ và các anh em ở miền Giu-đê nghe tin là cả dân ngoại cũng đã đón nhận lời Thiên Chúa. 2 Khi ông Phê-rô lên Giê-ru-sa-lem, các người thuộc giới cắt bì chỉ trích ông, 3 họ nói : "Ông đã vào nhà những kẻ không cắt bì và cùng ăn uống với họ !" 4 Bấy giờ ông Phê-rô bắt đầu trình bày cho họ đầu đuôi sự việc, ông nói : 5 "Tôi đang cầu nguyện tại thành Gia-phô, thì trong lúc xuất thần, tôi thấy thị kiến này : có một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, từ trời thả xuống đến tận chỗ tôi. 6 Nhìn chăm chú và xem xét kỹ, tôi thấy các giống vật bốn chân sống trên đất, các thú rừng, rắn rết và chim trời. 7 Và tôi nghe có tiếng phán bảo tôi : 'Phê-rô, đứng dậy, làm thịt mà ăn !' 8 Tôi đáp : 'Lạy Chúa, không thể được, vì những gì ô uế và không thanh sạch không bao giờ lọt vào miệng con !' 9 Có tiếng từ trời phán lần thứ hai : 'Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế !' 10 Việc ấy xảy ra đến ba lần, rồi tất cả lại được kéo lên trời.
11 "Ngay lúc đó, có ba người đến nhà chúng tôi ở : họ được sai từ Xê-da-rê đến gặp tôi. 12 Thần Khí bảo tôi đi với họ, đừng ngần ngại gì. Có sáu anh em đây cùng đi với tôi. Chúng tôi đã vào nhà ông Co-nê-li-ô. 13 Ông này thuật lại cho chúng tôi nghe việc ông đã thấy thiên sứ đứng trong nhà ông và bảo : 'Hãy sai người đi Gia-phô mời ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô. 14 Ông ấy sẽ nói với ông những lời nhờ đó ông và cả nhà ông sẽ được cứu độ.'
15 "Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. 16 Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng : 'Ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần.' 17 Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa ?"
18 Nghe thế, họ mới chịu im, và họ tôn vinh Thiên Chúa mà nói : "Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống !"



Đáp ca                                     Tv 41,2-3 ; 42,3.4 (Đ. x. Tv 41,3a)

Đáp :    Linh hồn con khao khát Chúa Trời
là Chúa Trời hằng sống.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

41 2     Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
            hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
3          Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
            Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan ?                      Đ.

42 3     Xin Ngài thương sai phái ánh sáng và chân lý của Ngài,
            để soi đường dẫn lối con đi
về núi thánh, lên đền Ngài ngự.                                               Đ.

4          Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa,
            tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con.
            Con gảy đàn dâng câu cảm tạ,
            lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ.                                             Đ.



Tung hô Tin Mừng                 Ga 10,14

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. Ha-lê-lui-a.




Tin Mừng                                Ga 10,11-18

11 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
16 Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được."
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)


Suy Niệm:
Ðức Giêsu chính là vị Mục Tử nhân lành luôn yêu thương và quan tâm dẫn dắt đoàn chiên của mình. Chúa nói rằng Ngài là cửa chuồng chiên. Chuồng chiên chính là Giáo Hội được bảo vệ bằng các giới răn của Chúa. Ai trung thành nghe, tuân giữ và liên kết với Ngài thì được vào Nước Trời. Nghĩa là được đến cùng Thiên Chúa Cha, nguồn mạch sự sống và hạnh phúc trường sinh.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con như chiên lạc, lang thang bơ vơ đói khổ, vì thiếu dòng suối mát, vì thiếu đồng cỏ xanh, vì thiếu vị mục tử chân chính. Xin Chúa đến hướng dẫn, dìu dắt chúng con về nước tình yêu của Chúa. Vì chính Chúa là cửa an toàn, vì chính Chúa là vị mục tử nhân hiền. Chỉ trong Chúa chúng con mới được nghỉ ngơi yên hàn. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Ta Là Cửa Ðoàn Chiên

Anh chị em thân mến!
Phần lớn vùng đất Giuđêa nằm trên độ cao, nhiều gồ ghề và sỏi đá, thuận tiện cho việc chăn nuôi hơn là trồng trọt. Bởi thế, người dân vùng này nói riêng và toàn thể vùng Palestina nói chung thường sống bằng nghề chăn nuôi. Họ nuôi nhiều cừu để lấy lông chiên hơn là ăn thịt. Thế nên, mối liên lạc giữa đàn chiên và người chăn thật mật thiết. Chiên hiểu chủ và chủ biết từng con chiên một.
Hình ảnh người chăn chiên là một diễn tả quen thuộc của lòng nhân từ, yêu thương. Trong Kinh Thánh các tác giả Cựu Ước đặc biệt là Thánh Vịnh thường hay so sánh mối quan hệ giữa Giavê Thiên Chúa và dân Israel như người chăn và đàn chiên. Israel và đàn chiên Giavê chăm sóc trong đồng cỏ của Ngài.
Qua tân Ước, hình ảnh người chăn và đàn chiên cũng được nhiều lần nói đến, đặc biệt là người chăn chiên được Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với người chăn chiên nhân lành. Nỗi lòng của người chăn chiên cũng là nỗi lòng của Ngài. Một trong những diễn tả ấy được thánh sử Gioan ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh chị em thân mến!
Thấy người Do Thái không lãnh hội được ý nghĩa là người chăn chiên, Chúa Giêsu nói rõ cho họ biết: "Ta là cửa chuồng chiên". Qua đó, chính Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết con đường đi tới Chúa Cha như là cửa mà đàn chiên ra vào và được hưởng sự an toàn, được sống dồi dào. Còn những kẻ đến trước mà vào là kẻ trộm cướp nên chiên đã không nghe tiếng họ. Những người đến trước ở đây không phải là các ngôn sứ, nhưng là những người dựa vào sự khôn ngoan thông thái thế gian. Chính họ là những người Thiên Chúa dấu không cho biết những điều thuôc về ơn cứu độ. Trong thực tế, mặc dù bị áp đặt, nhưng người mù được Chúa Giêsu chữa lành không nghe lời người Pharisiêu và chỉ tin vào Chúa Giêsu. Vì họ là kẻ trộm đã giết hại chiên và phá hủy, còn Chúa Giêsu đến để chiên được sống và sống dồi dào.
Chúa Giêsu đã tóm tắt vai trò của Ngài, Ðấng chăn chiên với đàn chiên là hình ảnh cửa đàn chiên: "Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu độ". Ðây là hình ảnh quen thuộc của vùng Trung Ðông đối với các mục tử chăn chiên. Người mục tử nhân lành biết lo liệu cho đàn chiên của mình vào ban đêm và ban ngày, sẽ dẫn chiên tới đồng cỏ xanh tươi với dòng suối mát như tác giả Thánh Vịnh 22 vẫn hát lên "trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ, Người cho tôi dòng nước trong lành".
Chúa Giêsu là cửa để qua đó từng con chiên vào và được nghỉ qua đêm an toàn. Chính nơi cửa, người mục tử sẽ cầm gậy để kiểm từng con chiên, không để một con nào bị lạc mất. Chúa Giêsu là cửa, qua đó các con chiên được dẫn đi ăn mỗi buổi sáng, để các chiên nghe và nhận biết tiếng gọi của chủ chăn. Chủ chăn gọi đàn chiên và dẫn chúng đi, người chăn chiên đi trước và chiên theo sau, vì chiên biết tiếng chủ chiên của mình. Hình ảnh cửa chuồng chiên và hình ảnh vị chủ chăn cho chúng ta thấy Ngài là Ðấng chăn chiên, là Ðấng Cứu Ðộ cho những ai nghe tiếng Ngài.

(Veritas Asia)


Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10)

Suy niệm: 
Mặc dù con người ai cũng muốn được độc lập, thế nhưng trong thâm tâm sâu xa ai cũng có nhu cầu cần được dẫn dắt đến hạnh phúc, đến một cuộc sống tràn đầy hy vọng và bình an. Như thế ai cũng là con chiên cần đến mục tử. Vấn đề là chọn ai làm mục tử cho mình.
Những kẻ dẫn mình tới những cánh đồng hoang, những khu rừng rậm đầy thú dữ (cuộc sống buông thả, những ý tưởng lệch lạc, những cách sống thời trang, hưởng thụ v.v.) thực ra chỉ là những tên trộm cướp làm hại con chiên.
Mục tử thật phải dẫn con chiên tới nơi nào có suối nước, bóng mát, cỏ non nuôi dưỡng cuộc sống của chiên; phải cực nhọc tìm dẫn về những con chiên đi lạc , phải gian lao chiến đấu với sói dữ và kẻ cướp. Mục tử như thế chỉ có thể là Đức Giêsu mà thôi.
Chúng ta thường rơi vào hai lầm tưởng: Tưởng mình là con chiên độc lập không cần ai dẫn dắt. Tưởng đi theo những "mục tử dễ dãi là đời mình sẽ sung sướng.
Liên hệ giữa Đức Giêsu và chiên của Ngài: Chúa biết rõ từng người một. Ngài không đẩy họ đi trước mình, nhưng Ngài đi trước họ, dẫn đường cho họ, nói với từng người, thu hút họ hơn là hướng dẫn họ. Tuy nhiên, sói không ngừng lảng vảng quanh đoàn chiên, rình bắt những con chiên bất cẩn xa đàn. Vị mục tử đích thực sẵn sàng đương đầu với sói vì mỗi con chiên đều quý giá vô ngần. Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên. Mối tương giao giữa họ hệt như giữa Chúa Cha và Chúa Con. Mối tương giao ấy dựa trên sự hiểu biết riêng tư về nhau, nghĩa là trên tình yêu. Cha biết Con sẵn sàng tự hiến trọn vẹn cho những người bước theo và sẽ bước theo mình. 
Không còn là con số vô danh nữa: Con người thời nay rất ghét phải sống như một con người vô danh giữa một đám đông, như một con số âm thầm giữa lòng tập thể. Mỗi người như một bộ phận nhỏ trong guồng máy khổng lồ, âm thầm và cô đơn làm cho xong phần việc của mình. Tại sao có những người cố tình có những hành vi nghênh ngang, ăn mặc lố lăng, nếp sống lập dị...? Vì đó là cách để cho người khác chú ý tới họ. Đức Giêsu đối với chúng ta thì khác hẳn. Ngài không vơ đũa cả nắm coi hết mọi người y như nhau. Trái lại Ngài biết rõ từng người một với cá tính riêng, hoàn cảnh riêng, chỗ mạnh chỗ yếu riêng. Nhất là Ngài yêu thương mỗi người một cách riêng. "Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta, như Chúa Cha biết Ta và Ta biết Chúa Cha".
Chỉ có một Đức Giêsu Kitô mà thôi, Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Ngài đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Chúng ta chỉ có thể có sự sống đích thực khi chúng ta đi trong con đường là chính Ngài. Chúng ta chỉ có thể biết được chân lý về con người, nghĩa là chúng ta chỉ có thể biết mình bởi đâu mà ra, mình sẽ đi về đâu và mình sẽ phải sống như thế nào, đó là chúng ta chỉ có sự sống trong và nhờ Đức Kitô mà thôi.
Vậy khước từ Ngài, loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống, con người sẽ đi dần đến chỗ tự sát. Sự kết liễu đau thương của một số giáo phái hoặc sự tự hủy mà người ta đã chứng kiến trong các chế độ vô thần là một bằng chứng cho thấy rằng loại trừ Đức Kitô ra khỏi cuộc sống là một sự tự sát. Vì Đức Kitô chính là vị Mục Tử nhân lành hướng dẫn chúng ta đến cuộc sống đích thực là Nước Trời.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, trải qua sự chết và phục sinh, Chúa đã trở thành nguồn sống mới. Chúa Phục sinh là mạch sống vô tận được khơi lên trong chúng con. Chúng con sống trong Ngài, bởi Ngài. Chính nhờ đó mà chúng con được sống dồi dào. Đó là điều kỳ diệu nhất Thiên Chúa có thể làm cho con người và cũng là đỉnh cao nhất con người có thể mơ ước và đạt tới. Xin cho chúng con luôn biết lựa chọn Chúa là đường, là sự thật và là sự sống, để cuộc sống của mỗi chúng con luôn dồi dào ơn thánh Chúa, dồi dào tình yêu thương.

30/04/12 THỨ HAI TUẦN 4 PS
Th. Piô X, giáo hoàng
Ga 10,1-10
CỬA SỰ SỐNG CHO ĐÀN CHIÊN

Vậy, Đức Giêsu lại nói: “Tôi là cửa cho chiên ra vào… Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” (Ga 10,7-9)

Suy niệm: Trong ca khúc “Và con tim đã vui trở lại,” nhạc sĩ Đức Huy tâm sự: “Tìm một con đường, tìm một lối đi. Ngày qua ngày, đời người vẫn đi…” Lời hát tưởng là bâng quơ nhưng lại diễn tả nỗi khắc khoải sâu xa của con người về ý nghĩa cuộc đời. Trên đường đời biết đâu là cửa sinh, đâu là cửa tử? Lắm khi chốn an bình, hạnh phúc thì không tìm đến, mà trái lại “ma đưa lối, quỷ dẫn đường; lại tìm những lối đoạn trường mà đi” (Truyện Kiều). Chúa Giêsu mở cho chúng ta cánh cửa cứu sinh khi nói Ngài là cửa chuồng chiên, ai qua đó mà vào thì sẽ được cứu: “Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”

Mời Bạn: Chúa Giêsu đến trong thế gian chỉ nhằm mục đích “để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10,10). Là “cửa chuồng chiên,” Ngài lập các bí tích là phương thế chuyển thông cho chúng ta sự sống là chính Thân Mình Ngài. Bạn đã đi qua “cánh cửa Kitô” để tiếp nhận sự sống từ Ngài chưa? Bạn lãnh nhận các bí tích như thế nào? Cánh cửa đi đến “sự sống dồi dào” của Đức Kitô là “cánh cửa hẹp.” Bạn có sẵn sàng đi qua cửa đó để bước vào con đường “từ bỏ và vác thập giá” mà Chúa đã đi qua không? Bạn nhớ rằng khi bạn đi qua cánh cửa ấy, theo con đường ấy bạn sẽ “được sống và sống dồi dào.”

Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn sốt sắng để rước Thánh Thể mỗi khi có thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, một tương lai tươi sáng đã mở ra cho con: Chúa đã mở cho con một cánh “cửa”, một con đường, một lối đi mới. Xin hướng dẫn con luôn bước vào “cửa” này, và xin giúp con luôn trung thành với Chúa. Amen.

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần IV PS
Bài đọc: Acts 11:1-18; Jn 10:1-10.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
 Con người phải vâng theo Kế Hoạch của Thiên Chúa.

Có hai giai đọan trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Trong giai đoạn thứ nhất, Ngài chọn dân Do-thái để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai tới; sau đó, đến giai đọan thứ hai, Tin Mừng Cứu Độ được loan báo cho tất cả mọi người. Nhiều người Do-thái chỉ dừng lại ở giai đọan thứ nhất. Họ tin chỉ có họ mới là con Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng ơn Cứu Độ; Dân Ngoại không phải là con Thiên Chúa, họ xứng đáng để chịu hình phạt và bị hư mất.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh tình thương Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ dành cho mọi người. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ mô tả sự xung đột giữa các môn đệ về việc giao tiếp và chấp nhận Dân Ngoại vào đạo thánh Chúa. Phêrô phải dùng thị kiến chiếc lưới từ trời và kinh nghiệm mục vụ để thuyết phục họ: Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Dân Ngoại cũng được lãnh nhận Thánh Thần và ơn sám hối để được sự sống đời đời. Loài người chúng ta không thể ngăn cản Kế Hoạch của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành đến để qui tụ tất cả các chiên và cho chúng được sống dồi dào.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ơn Cứu Độ được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người.
1.1/ Xung đột xảy ra giữa người Do-thái và ông Phêrô: Theo truyền thống Do-thái, họ sống cách biệt với các dân tộc khác, và không bao giờ vào nhà của Dân Ngoại. Các người Do-thái chỉ trích Phêrô đã giao tiếp với Dân Ngoại, vào nhà những kẻ không cắt bì, và ăn uống với họ. Bấy giờ ông Phêrô trình bày cho họ biết thị kiến mà ông đã chứng kiến, ông nói: Tôi đang cầu nguyện tại thành Joppa, trong lúc xuất thần, tôi thấy thị kiến này: Có một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, từ trời thả xuống đến tận chỗ tôi. Nhìn chăm chú và xem xét kỹ, tôi thấy các giống vật bốn chân sống trên đất, các thú rừng, rắn rết và chim trời. Và tôi nghe có tiếng phán bảo tôi: "Phêrô, đứng dậy, làm thịt mà ăn!” Tôi đáp: "Lạy Chúa, không thể được, vì những gì ô uế và không thanh sạch không bao giờ lọt vào miệng con!” Có tiếng từ trời phán lần thứ hai: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế! Việc ấy xảy ra đến ba lần, rồi tất cả lại được kéo lên trời.”
Thị kiến này đòi Phêrô phải xét lại truyền thống Do-thái của mình: Vì tất cả những gì Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành và thanh sạch, ông không thể giữ thái độ khinh thường Dân Ngoại, coi họ là dân không cắt bì, nô lệ, hay không thanh sạch.
1.2/ Thiên Chúa cũng ban cho các Dân Ngoại ơn sám hối để được sự sống!
(1) Tin Mừng được rao truyền cho Dân Ngoại: Phêrô tiếp tục kể: "Ngay lúc đó, có ba người đến nhà chúng tôi ở: họ được sai từ Caesarea đến gặp tôi. Thần Khí bảo tôi đi với họ, đừng ngần ngại gì. Có sáu anh em đây cùng đi với tôi. Chúng tôi đã vào nhà ông Cornelius. Ông này thuật lại cho chúng tôi nghe việc ông đã thấy thiên sứ đứng trong nhà ông và bảo: "Hãy sai người đi Joppa mời ông Simon, cũng gọi là Phêrô. Ông ấy sẽ nói với ông những lời nhờ đó ông và cả nhà ông sẽ được cứu độ.” Cornelius là viên Đại Đội Trưởng Roma, tuy là Dân Ngoại, nhưng ông đối xử rất tốt với người Do-thái. Nhân cơ hội đó, Phêrô đã rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô cho tất cả những người trong gia đình Cornelius. Điều đáng chú ý là Thiên Chúa hoạt động trong biến cố này: Ngài gởi thiên sứ tới báo tin cho Cornelius, đồng thời dùng Thần Khí tác động trên Phêrô, để thúc đẩy ông cùng đi với 3 sứ giả của Cornelius.
(2) Không ai có thể ngăn cản Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: "Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?" Phêrô nhắc lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông-đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần; và nhờ biến cố này, Phêrô nhận ra Thiên Chúa ban Thánh Thần cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì những người Do-thái. Sau đó, Phêrô làm Phép Rửa cho tất cả gia đình ông Cornelius.
Nghe Phêrô trình bày đầu đuôi, người Do-thái mới hiểu ra. Họ tôn vinh Thiên Chúa và nói: "Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các Dân Ngoại ơn sám hối để được sự sống!"

2/ Phúc Âm: Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
2.1/ Chúa Giêsu là Cửa chuồng chiên: Trong các làng mạc của Do-thái, họ có chỗ chung để nhốt tất cả các chiên trong làng ban đêm. Chỗ nhốt này chỉ có một cửa duy nhất có khóa, và chìa khóa chỉ người giữ cửa mới có. Người giữ cửa biết tất cả các người chăn chiên, và chỉ mở cửa cho những người này. Tuy nhiên, cũng có những người chăn chiên không vào làng, nhưng giữ chiên ngoài cánh đồng như tại Bethlehem. Trong trường hợp này, người chăn chiên sẽ tìm những hang đá mà chỉ có một ngõ ra vào. Đêm đến, họ sẽ lùa chiên vào trong hang đá, và họ sẽ nằm ngủ ngay cửa ra vào. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cả hai trường hợp:
(1) "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.”
(2) "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là Cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”
2.2/ Liên hệ giữa mục tử và chiên: Có một sự liên hệ mật thiết giữa mục tử và đàn chiên. Người mục tử biết tất cả các chiên của mình và thói quen của từng con một; nhiều mục tử còn đặt tên riêng cho mỗi con như “vằn” nếu con nào có những vằn quanh như sóng trên người, “trắng,” “đen,” “khoang”... Đồng thời, các con chiên cũng biết đánh hơi, hay nhận ra chủ của chúng nhờ tiếng gọi đặc biệt, hay tiếng chuông, tiếng kèn, tiếng sáo mà người mục tử đeo trên mình. Đó là lý do tại sao Chúa nói: “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ."
Chúa cũng đề cập đến sự khác biệt giữa Mục Tử và trộm cướp: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Người chăn chiên thật phải chịu trách nhiệm về đàn chiên của mình với chủ; nếu chiên bị ăn thịt, anh phải có bằng chứng rõ ràng để trình cho chủ. Người chăn chiên đích thực phải chăm sóc bằng cách tìm những đồng cỏ xanh và nước trong lành cho chiên ăn uống. Anh phải bảo vệ chiên khỏi mọi nguy hiểm như: chó sói, sư tử, kẻ trộm, kẻ cướp... Qua hình ảnh thân thương này, Chúa Giêsu muốn ví Ngài như Mục Tử Tốt Lành và các tín hữu được ví như đàn chiên. Ngài đến để cho chúng ta được sống, và sống dồi dào.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả mọi người đều có thể nhận được ơn Cứu Độ trong Kế Hoạch của Thiên Chúa, và Tin Mừng cần được loan báo cho mọi dân tộc.
- Để được hưởng ơn Cứu Độ, chúng ta cần biết lắng nghe và tin tưởng vào Đức Kitô, Người Mục Tử Tốt Lành mà Thiên Chúa gởi tới con người.
- Người mục tử tốt lành là người phải vào qua Cửa là Đức Kitô: họ phải nhân danh Đức Kitô giảng dạy, chữa lành; và bắt chước Đức Kitô để săn sóc và bảo vệ đòan chiên của mình.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Piô V, Giáo hoàng; Cv 11, 1-18; Ga: 10, 1-10.
LỜI SUY NIỆM: Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. (Ga 10,9-10).
          Chúa Giêsu yêu thương con người một cách đặc biệt, và Ngài ví tất cả con người trên trần gian này như là những con chiên, con chiên hiền lành, con chiên không có người chăn dắt, con chiên đang bị muôn sói dữ muốn cắn xé và kẻ trộm cướp rình rập muốn giết hại và phá hủy, và Ngài tự ví mình như là người chăn chiên, người chăn chiên luôn sống gần với chiên, chăm sóc, bảo vệ cho chiên được an toàn, kiếm tìm đồng cỏ xanh tươi để đủ lương thực nuôi sống đàn chiên lớn mạnh.
          Giữa thế gian này còn biết có bao nhiêu con chiên đang bơ vơ không người chăn dắt cũng như chưa tìm thấy được đồng cỏ xanh tươi và suối nước trong lành. Chúng ta cần phải góp công sức với chủ chăn, để đưa những con chiên ấy về cùng đàn dưới một chủ chăn Nhân Lành
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 30-04:
Thánh PIÔ V
Giáo Hoàng (1504 - 1572)
Thánh Piô V chào đời vào ngày lễ thánh Antôn năm 1504 tại Boscô, là con của ông Paolô và bà Đômen icaghisieri. Gia đình nghèo túng, Ngài phải đi chăn chiên. Khi một người láng giềng giàu có muốn trả giúp lệ phí học hành thì Ngài được gởi tới trường Đaminh ở Bôscô. Mười bốn tuổi Ngài nhập dòng và được mang tên là Micae. Năm 1528, thụ phong linh mục ở Ghenoa. Ngài đã dạy triết học và thần học một ít năm trong nhà dòng ở Pavia.
Năm 1543, khi ở nhà mẹ dòng Đaminh Ngài đã nỗ lực trong việc bảo vệ uy quyền của tòa thánh. Ngài được đặt làm ủy viên tòa án tôn giáo ở địa phận Pavia, rồi ở Bergamô và Cômô. Các hoạt động của Ngài ít được biết đến và bị chỉ trích nhiều. Một số lớn sách ủng hộ lạc giáo bị tịch thu để ở tại Milan và đưa về Rôma là nơi thánh nhân đã thắng cuộc và được Đức Hồng y Caraffa quí mến. Năm 1551, theo sự yêu cầu của Đức Hồng y, Ngài được Đức Giáo hoàng Giuliô III triệu về Rôma để làm Tổng Uy viên tòa án tôn giáo. Cùng năm này, Đức Hồng y Caraffa được bầu làm giáo hoàng.
Năm sau Đức tân giáo hoàng Phaolô IV đặt cha Micae Ghisleri làm giám mục Sutri và Nêpi. Ngài miễn cưỡng lãnh nhận trách nhiệm giám mục, chức vụ mà Đức Giáo hoàng nói là để "cột chân Ngài lại để Ngài khỏi trở lại tu viện". Năm sau Ngài lại được cất nhắc lên làm Hồng y rồi làm đại Phán Quán. Bấy giờ Đức Giáo Hoàng trở nên gắt gỏng và vì Đai Phán Quan đôi khi bắt buộc phải chước giảm những chỉ thị quá khích của Ngài. Trái lại Đức Giáo Hoàng kế tiếp là Piô IV lại thiên về thế tục đến nỗi thánh nhân phải lui về địa phận thứ hai của Ngài là Mondovi ở Lombardi. Nhưng năm 1565 Đức Giáo Hoàng qua đời dưới ảnh hưởng của thánh Carôlô Bôrrômeô, Đức Hồng y Ghisleri được chọn làm Đức Giáo Hoàng trong một cuộc họp không bị những can thiệp từ bên ngoài, Ngài chọn danh hiệu là Piô V.
Việc tuyển chọn Đức Piô V ít được mong đọi và không được vua chúa Tây Ban Nha đồng ý và đã là một thắng lợi quyết liệt cho nhóm canh tân. Dầu mang tước vị nào đi nữa, Đức Piô V luôn sống như một người ăn xin trong mức độ có thể được. Chẳng hạn, Ngài chỉ giữ một số nhỏ người giúp việc, thích đi bộ hơn là đi ngựa, luôn nhận biết nguồn gốc khiêm tốn của mình.
Lúc đầu, Ngài ít được dân Rôma biết đến nhưng rồi sự chuyên chăm tham dự phụng vụ, sự thánh thiện cá nhân, thói quen đi bộ để viếng 7 thánh đường ở Rôma, nhóm người tùy tùng ít ỏi, sự từ chối không đề bạt những người trong gia đình, giải pháp phần lớn đoàn quân của giáo hoàng, việc bố thí rộng rãi. Tất cả đã góp phần tô điểm cho Ngài một khuôn mặt Đức Giáo Hoàng vừa bình dân vừa thân thịên.
Nhưng cuộc canh tân công đồng Tridentinô đòi hỏi đã được Đức Giáo Hoàng Piô V thực hiện ngay sau khi được tuyển chọn. Sách nguyện và sách lễ được duyệt xét lại đồng thời bản kinh thánh Phổ Thông và Tân ước tiếng Hy Lạp cũng đã được sửa lại, một ấn bản mới về các tác phẩm của thánh Tôma đã được chuẩn bị và cuốn giáo lý công đồng Tridentinô được phiên dịch sang nhiều thứ tiếng. Thánh nhân đã quan tâm nhiều đến việc thánh hóa hàng Giáo sĩ, khích lệ họ. Ngài diệt trừ thói buôn thần bán thánh và nghiêm khắc với những lạm dụng về luân lý. Ngoài ra Ngài cũng nhạy cảm với nghệ thuật. Chính Ngài bảo trợ việc soát lại Thánh nhạc.
Dầu không thông thạo việc trần thế, thánh nhân cũng đã gặt hái được nhiều thành quả trong lãnh vực chính trị. Trước sức tấn công ngày càng lớn mạnh của quân Thổ, Ngài được thành lập một liên minh với vua Tây Ban Nha, cộng hòa Vênêtia. Các Kitô hữu xuất trận dưới quyền chỉ huy của Don Giuan d'Autriche. Cuộc chiến diễn ra ở vịnh Lêpantê. Chính Đức Giáo Hoàng chạy đến phương thế thiêng liêng. Ngài kêu gọi các tín hữu gia tăng cầu nguyện.
Quận công Soliman nói: - Tôi sợ những lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng hơn là những đoàn quân hùng hậu của các hoàng đế.
Cuộc chiến đã đưa tới thành công như một phép lạ. Quân Hồi đã bị đánh bại và không còn ngóc lên nổi nữa. Hôm ấy là ngày 07 tháng 10 năm 1571.
Đang hội họp với các hồng y Đức Giáo Hoàng đã ra cửa sổ nhìn về phía Lêpantê rồi quay lại loan báo tin vui chiến thắng, cùng với lời kêu gọi tạ ơn Chúa và Đức Mẹ.
Để kỷ niệm biến cố này, Ngài đã thêm lời cầu: "Đức Bà Phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con" vào Kinh Cầu Đức Mẹ. Ngài cũng lập một lễ kính mẹ vào ngày 07 tháng 10, sau đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Cuộc chiến tại Lêpantê chấm dứt, Đức Giáo Hoàng Piô V cũng linh cảm thấy đời mình sắp chấm dứt. Thật vậy, Ngài đã ngã bệnh nặng, trong cơn đau đớn, Ngài đã cầu nguyện: - Lạy Chúa, xin cho con được chịu đau khổ nhiều hơn nhưng xin cũng thêm sức chịu đựng cho con.
Ngày 01 tháng 5 năm 1572, Đức Giáo Hoàng Piô V từ trần.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
30 Tháng Tư
Tôi Xin Chấp Nhận

Tại một bệnh viện trong thành phố Hiroshima bên Nhật Bản, một người đàn bà bị phóng xạ nguyên tử từ 30 năm qua đang lên cơn hấp hối.
Bác sĩ chữa trị cho biết bà chỉ còn nhiều lắm là một hay vài giờ nữa là cùng. Theo thói quen tại Nhật Bản, người ta thông báo để người sắp chết cho biết ý muốn trong những giây phút cuối cùng.
Bác sĩ vào phòng bệnh nhân và nói nhỏ với bà: "Akiramé".
Người đàn bà ngước nhìn vị bác sĩ và dùng ngón tay trỏ viết vào trong lòng bàn trái của bà câu: "Akiramé", nghĩa là "Tôi xin chấp nhận".
Với tất cả bình thản, người đàn bà đã biến những giờ phút hãi hùng nhất trong cuộc sống thành một biến cố tự nhiên và thanh thản.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 30
Thánh Piô V, giáo hoàng

Tôi là cửa

"Thật vậy, tôi tuyên bố với anh em: Tôi là cửa chuồn chiên". Đức Giêsu vừa mở cửa, Người cho chúng ta thấy cửa đã đóng. Người chính là cửa. Hãy nhận ra Người và hãy bước vào, hãy vui lên khi đang ở trong đó. "Những người đi trước đều là kẻ trộm cướp". Phải hiểu rằng "Những ai đến bên ngoài Tôi". Các ngôn sứ đã đến trước Người: vậy họ có phải là trộm cướp hay không? Không phải thế, vì họ không đến ngoài Đức Giêsu, họ ở cùng với Đức Giêsu. Người đã sai họ đến trước Người như những sứ giả, Người cầm lấy trái tim của những sứ giả đó... "Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6) Nếu Người là sự thật, những ai ở trong sự thật đều ở với Người. Ngược lại ai đến bên ngoài Người, đều là những kẻ trộm cướp, vì họ đến để cướp phá và để giết chết. Nhưng những người công chính tin rằng Người đã đến, cũng như chúng ta tin Người đã đến... Cùng một đức tin nối kết những người tin rằng Người phải đến và những người tin rằng đã đến. Chúng ta nhìn thấy họ trong nhiều thời đại khác nhau, ngang qua cánh cửa đức tín, tức là ngang qua Đức Kitô...

Thánh Augustinô
Thứ Hai 30-4

Thánh Giáo Hoàng Piô V

(1504 -- 1572)

Ð
ây là vị giáo hoàng mà công việc của ngài là thi hành nghị quyết của Công Ðồng Tridentinô cách đây bốn thế kỷ. Nếu chúng ta nghĩ các giáo hoàng đương thời phải gặp những khó khăn nào trong việc thi hành nghị quyết của Công Ðồng Vatican II, thì Ðức Piô V lại gặp nhiều khó khăn hơn sau công đồng lịch sử đó.
Ðức Piô V sinh trong một gia đình nghèo ở Bosco, nước Ý. Tên rửa tội là Antôniô Micae và vì gia đình quá nghèo nên cậu phải đi chăn cừu. Trong dịp gặp gỡ hai tu sĩ dòng Ða Minh, vì thấy sự thông minh cũng như nhân đức của cậu, họ đã xin phép gia đình đưa cậu về sống với họ, lúc ấy cậu mới 12 tuổi. Sau một thời gian tu tập, Antôniô Micae được thụ phong linh mục năm 1528, sau đó được bổ nhiệm làm giáo sư triết và thần học ở Genoa. Trong mười sáu năm kế đó, Cha Micae đi khắp các cơ sở của nhà dòng để khuyến khích việc tuân giữ Quy Luật Dòng cách nghiêm nhặt qua lời nói cũng như hành động của ngài.
Năm 1555, Cha Micae được tấn phong làm Giám Mục của Nepi và Sutri, và năm 1557, ngài được nâng lên hàng Hồng Y. Năm 1566, Ðức Giáo Hoàng Phaolô IV từ trần và Ðức Hồng Y Micae được chọn làm người kế vị, lấy tên là Piô V.
Trong nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài, 1566 -- 1572, Ðức Piô V phải đối diện với một trách nhiệm thật lớn lao đó là phục hồi một Giáo Hội vụn vỡ và phân tán. Dân Chúa thời ấy bị rúng động bởi sự thối nát của hàng giáo sĩ, bởi cuộc Cải Cách Tin Lành, bởi sự đe dọa xâm lăng thường xuyên của người Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1545, vị giáo hoàng tiền nhiệm triệu tập Công Ðồng Tredentinô nhằm cố giải quyết các vấn đề khẩn trương nói trên. Trong vòng 18 năm, các Giáo Phụ thảo luận, lên án, xác nhận và quyết định trong một chuỗi hành động. Và Công Ðồng kết thúc năm 1563.
Năm 1566, Ðức Piô V lên ngôi giáo hoàng và phải đảm nhận công việc cải cách tức thời do Công Ðồng đưa ra. Ngài ra lệnh thành lập các chủng viện để huấn luyện các linh mục một cách thích hợp. Ngài cho công bố sách lễ mới, kinh nhật tụng mới, sách giáo lý mới và thiết lập quy chế giáo lý cho trẻ em. Ðức Piô cương quyết áp dụng kỷ luật đối với những lạm dụng trong Giáo Hội. Ngài kiên trì phục vụ người nghèo và người đau yếu qua việc xây cất các bệnh viện, cung cấp thực phẩm cho người nghèo đói và lấy tiền quỹ thường để tổ chức tiệc tùng cho đức giáo hoàng mà giúp đỡ các người tân tòng nghèo ở Rôma.
Trong cố gắng cải tổ Giáo Hội và Tòa Thánh Vatican, Ðức Piô gặp sự chống đối mãnh liệt của Nữ Hoàng Elizabeth của Anh và Hoàng Ðế Maximilian II của Rôma. Các khó khăn ở Pháp và Hòa Lan cũng cản trở cho sự hợp nhất Âu Châu để chống với Thổ Nhĩ Kỳ. Mãi đến giây phút cuối cùng ngài mới có thể tổ chức được một đạo quân và chiến thắng ở Vịnh Lepanto gần Hy Lạp vào tháng Mười 1571.
Sự hoạt động không ngừng của Ðức Piô trong việc canh tân Giáo Hội được dựa trên cá tính của ngài là một tu sĩ dòng Ða Minh. Ngài dành nhiều giờ để cầu nguyện với Thiên Chúa, nghiêm nhặt chay tịnh, tự thoái thác những thói quen xa hoa của giáo hoàng thời ấy và trung thành tuân giữ quy luật cũng như tinh thần của Dòng Ða Minh.
Ðức Piô từ trần năm 1572.

Lời Bàn

Trong đời sống cá nhân và trong hành động của các giáo hoàng, cả Ðức Piô V và Phaolô VI đều dẫn dắt gia đình Thiên Chúa trong một tiến trình cải tổ nội bộ nhằm đáp ứng với những thúc giục của Thần Khí trong các Công Ðồng chính yếu. Với sự hăng say và kiên nhẫn, Ðức Piô và Phaolô theo đuổi những thay đổi do các Giáo Phụ trong Công Ðồng đề ra. Cũng như Ðức Piô và Phaolô, chúng ta cũng được mời gọi để liên tục thay đổi tâm hồn và đời sống.

Lời Trích

"Trong đại hội toàn cầu này, trong thời gian và không gian đặc ân này, quá khứ, hiện tại và tương lai như quy tụ lại. Quá khứ: vì ở đây, tụ họp ở địa điểm này, chúng ta có Giáo Hội của Ðức Kitô với truyền thống, lịch sử, các Công Ðồng, các tiến sĩ và các thánh của Giáo Hội; hiện tại: chúng ta đang từ giã nhau để đi vào thế giới ngày nay với những bất hạnh, đau khổ, tội lỗi của nó, nhưng cũng có những thành công, giá trị và đức tính của nó; và tương lai ở đây trong lời kêu gọi khẩn trương của những người dân trên thế giới muốn được công bình hơn, trong ý muốn hòa bình, trong khát khao có ý thức hay vô thức về một đời sống cao đẹp hơn, một đời sống mà Giáo Hội của Ðức Kitô có thể đem lại và muốn trao ban cho họ" (trích từ diễn văn bế mạc Công Ðồng Vatican II của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI).

Copyright © 2001 by Nguoi Tin Huu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét