Trang

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

THỨ BA TUẦN III MÙA PHỤC SINH


Thứ Ba sau Chúa nhật III Phục Sinh
Cv 7,51–8,1a ; Tv 30 ; Ga 6,30-35.

Bài đọc                                    Cv 7,51–8,1a

7 51 Bấy giờ, trước mặt đám đông dân chúng, các kỳ mục và kinh sư, ông Tê-pha-nô tuyên bố : "Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần. Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy. 52 Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến ; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy. 53 Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ."
54 Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô.
55 Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. 56 Ông nói : "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa." 57 Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông 58 rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. 59 Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng : "Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con." 60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng : "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Nói thế rồi, ông an nghỉ.
8 1a Phần ông Sao-lô, ông tán thành việc giết ông Tê-pha-nô.



Đáp ca                                     Tv 30,3bc-4.6a và 7b và 8a.17 và 21ab (Đ. c. 6a)

Đáp :    Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

3bc      Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
            như thành trì để cứu độ con.
4          Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa.
            Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.                     Đ.

6a        Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con,
7b        phần con đây, lạy Chúa, chỉ tin tưởng nơi Ngài.
8a        Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở,
            vì Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn.                              Đ.
           
17        Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
            trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ.
21ab    Bên Thánh Nhan, Ngài giấu họ kỹ càng
            khỏi người đời mưu hại.                                                           Đ.
           


Tung hô Tin Mừng                 x. Ga 6,35ab

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không phải đói bao giờ." Ha-lê-lui-a.




Tin Mừng                                Ga 6,30-35

30 Khi ấy, đám đông dân chúng hỏi Đức Giê-su rằng : "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông ? Ông sẽ làm gì đây ? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép : Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."
32 Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian."  34 Họ liền nói : "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." 35 Đức Giê-su bảo họ : "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)


Suy Niệm:
"Bánh sự sống chính là Ta! Ai đến với Ta sẽ không hề đói và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ."
Ðức Giêsu chính là sự sống, sự sống đích thực. Chúng ta vẫn tưởng rằng: chúng ta đang sống, và cần gì sự sống nào khác nữa. Nhưng thực ra chúng ta đã lầm. Cuộc sống hiện tại của chúng ta chỉ là giai đoạn khởi đầu cho cuộc sống mai hậu. Hãy đến với Ðức Giêsu, nhất là qua Thánh Lễ mỗi ngày để tiếp nhận được sự sống thần linh.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là Kitô hữu, chúng con vẫn dự thánh lễ mỗi ngày, vẫn rước Chúa mỗi ngày. Nhưng cuộc sống của chúng con chẳng biến đổi chút nào. Có lẽ chúng con chưa tin thật vào sự sống thần linh Chúa muốn trao ban cho chúng con. Nên chúng con sống hững hờ và tiếp nhận Chúa mỗi ngày theo hình thức. Xin cho chúng con lòng sốt mến và niềm tin sâu xa vào cuộc sống Chúa Cha đang lưu truyền qua Chúa Giêsu Thánh Thể để nuôi dưỡng chúng con mỗi ngày. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Bánh Từ Trời Xuống

Có một gia đình phải dành dụm cả năm trời mới mua được vé tàu đi nghỉ mát. Họ không còn được bao nhiêu tiền trong túi, vì thế suốt cuộc hành trình, tất cả gia đình từ lớn chí bé đều ngồi tại phòng và dùng những thức ăn khô mang theo, chẳng dám bước đến phòng ăn sang trọng đang trưng bày đủ thứ thức ăn thơm ngon mà họ nghĩ sẽ tốn rất nhiều tiền. Thế là họ phải dè xẻn chia phần từ mẩu bánh mì cho đủ cả chuyến đi. Ðến khi lên bờ gặp người quen kể chuyện, họ mới khám phá ra rằng: Hỡi ôi! Tiền ăn cũng đã được tính luôn trong vé tàu.
Anh chị em thân mến!
Trong hành trình cuộc đời, không ít những người ngồi nhai những mẩu bánh mì khô, mắt hướng về những bàn tiệc thơm ngon bên cạnh mà không biết rằng những bàn tiệc này đã được dọn sẵn cho họ. Ðây cũng là tâm trạng cho nhóm người Do Thái được thánh sử Gioan nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thật thế, kể từ khi con người cảm nghiệm được giá trị của sự sống, thì trường sinh bất tử hay được sống đời đời luôn là một ước mơ nung nấu tâm can con người. Suốt một đời có người chỉ biết đi tìm cây thuốc cải lão hoàn đồng, mong sao cho được trẻ mãi không già. Hoặc có kẻ thực tế hơn, không bận tâm đến chuyện già trẻ nhưng ước mong làm sao để kéo dài sự sống để tiếp tục hiện diện trên trần gian.
Ðám đông người Do Thái hiện diện bên Chúa Giêsu hôm nay cũng không ngoài tâm trạng này. Chắc chắn họ hãy còn nhớ phép lạ "hóa bánh ra nhiều" mà họ đã được chứng kiến không mấy lâu trước đó. Thế nhưng, bánh này chưa thỏa mãn được họ vì chúng phát xuất từ của ăn trần thế, lòng họ đang muốn những của ăn không hư nát là có thể cho phép con người trường sinh bất tử.
Bởi thế, họ nhắc khéo Chúa Giêsu và cũng là để thử thách Ngài: "Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc như đã chép: Ngài đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đã thỏa mãn điều họ tìm kiếm nhưng đồng thời Ngài đặt họ đối diện với thử thách của niềm tin: "Chính Ta là bánh ban sự sống".
Lời khẳng định của Chúa Giêsu không chỉ cho những người Do Thái bấy giờ mà còn cho mỗi người trong chúng ta hôm nay. Thánh lễ là bàn tiệc thánh của Thiên Chúa. Thánh lễ tái diễn lễ Vượt Qua. Trong Thánh Lễ mọi người đều được mời gọi tụ họp quanh Chúa Giêsu để cùng với Ngài dâng hy tế lên Thiên Chúa Cha. Ðồng thời, họ được thông phần vào Thịt Máu của Ngài. Chính đây là lương thực nuôi sống muôn đời.
Vậy nếu tụ họp quanh bàn thánh để chỉ biết cầu nguyện và xin ơn mà không lãnh nhận Chúa Giêsu trong hình bánh rượu thì Kitô hữu cũng chẳng khác gì đám đông Do Thái ngày xưa, ngồi bên nguồn nước hằng sống mà vẫn đói khát, vẫn tìm kiếm.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi lần tham dự Thánh Lễ sẽ là một cơ hội quí báu giúp cho chúng ta lãnh nhận được sự sống đời đời, chứ không phải là dịp để chúng ta dâng lên Thiên Chúa các toan tính âu lo về cuộc sống ngắn ngủi tạm bợ này. 

(Veritas Asia)

Suy Niệm
Man-hu ? Cái gì vậy ? Đó là câu con cái Ítraen hỏi nhau
khi thấy manna lần đầu tiên rơi trên mặt đất.
Môsê trả lời : “Đó là bánh Đức Chúa đã ban cho các ngươi làm của ăn.”
Bốn mươi năm Đức Chúa đã nuôi dân của Ngài bằng thức ăn ấy,
trong suốt cuộc hành trình trong sa mạc cho tới khi họ đến đất Canaan.
Đức Chúa vẫn là Đấng quan tâm đến sinh mệnh của dân.
Qua Môsê, Ngài cho họ manna là bánh từ trời xuống. 
Có vẻ những người ở Caphácnaum muốn thách đố Đức Giêsu
làm một dấu lạ lớn lao tương tự như dấu lạ Môsê đã làm (cc. 30-31),
nếu Ngài thật là một vị ngôn sứ như Môsê đã loan báo (Đnl 18, 15).
Hãy ban cho chúng tôi thứ bánh bởi trời như manna ngày xưa.
Đức Giêsu khẳng định không phải Môsê đã cho họ ăn bánh bởi trời.
Chính Chúa Cha đã ban cho dân Ítraen bánh bởi trời, trong sa mạc.
Và nay Chúa Cha còn muốn ban một thứ bánh mới.
Đức Giêsu long trọng giới thiệu bánh mới này :
“Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” (c. 32).
Bánh này là bánh từ trời xuống và ban sự sống cho thế giới (c. 33).
Như thế bánh mới này cũng là bánh từ trời,
nhưng không chỉ dành cho dân Ítraen như manna cũ.
Đây là thứ bánh đích thật dành cho cả thế giới loài người.
“Lạy Ngài, xin cho chúng tôi thứ bánh ấy luôn” (c. 34).
Đây là một sự hiểu lầm của dân chúng đang nghe Đức Giêsu.
Nó tương tự như sự hiểu lầm của người phụ nữ Samari
khi chị xin Đức Giêsu: “Xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát” (Ga 4, 15).
Thứ bánh mới Đức Giêsu giới thiệu
không phải là tấm bánh vật chất, ăn được để tránh cái đói tạm thời,
nhưng là tấm bánh thỏa mãn sự đói khát sâu thẳm nơi trái tim.
“Chính tôi là bánh trường sinh,
Ai đến với tôi sẽ không đói, ai tin vào tôi sẽ không khát bao giờ” (c.35).
Đến với và tin vào Đức Giêsu ta sẽ tìm được thức ăn tinh thần.
Lời dạy dỗ của Ngài là bánh từ trời đích thực, vượt hẳn manna xưa.
“Người ta sống không nguyên bởi bánh,
nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8, 3).
Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa,
nên lời của Ngài sẽ là bánh đem lại sự sống cho bất cứ ai tin.
Tạ ơn Cha đã nuôi chúng ta bằng Tấm Bánh Giêsu, Bánh từ trời xuống.
Chúng ta không phải đi lượm manna mỗi ngày như dân Ítraen xưa.
Nhưng mỗi ngày chúng ta phải lắng nghe Lời Giêsu để được no đủ.
LỜI NGUYỆN 
Lạy Chúa Giêsu
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
"Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35)
Suy niệm: 
Thái độ dân Do Thái rất đáng ta suy nghĩ: nhớ tới manna ngày xưa, họ chỉ nghĩ rằng đó là thứ bánh vật chất nhưng ngon hơn thứ bánh ngày thường, cho nên họ cầu xin với Chúa Giêsu cho họ thứ lương thực vật chất đó để giúp họ no lâu hơn. Nhiều khi chúng ta đến với Chúa cũng chỉ để xin những nhu cầu thoả mãn cho cuộc sống vật chất như thế.
Những hình ảnh trong Tin Mừng Gioan luôn mang hai ý nghĩa: nghe tới “đói” phần xác thịt thì phải nghĩ tới cơn đói tinh thần, thấy thức ăn vật chất thì hãy nghĩ tới thức ăn tinh thần. Ước gì tôi cũng biết nghĩ như thánh Gioan khi cảm thấy đói, khát, mệt mỏi, đau yếu, bệnh tật…
Mỗi khi ăn, ta làm điều mà không nhà khoa học nào có thể làm: ta đưa vào trong mình một vật chất để giúp ta có sự sống. Thức ăn trở nên thành phần của cơ thể ta. Nhiều khi sức khỏe của ta lệ thuộc vào thức ăn. Một câu tục ngữ xưa nói: “Bạn là những gì bạn đã ăn”. Thức ăn giàu chất dinh dưỡng: bạn mập; ăn vặt: bạn suy dinh dưỡng. Cho một bệnh nhân bị ghẻ ăn thức ăn thích hợp, da của anh sẽ sạch. Khi có sự nghiệp ta thường dùng thức ăn ngon. Biết thế nên Chúa Giêsu quyết định ẩn mình trong tấm bánh và trở nên lương thực cho linh hồn của những kẻ theo Ngài.
Manna chưa phải là bánh thật từ Trời xuống. Có chăng chỉ là thứ bóng mờ chứa một sự thật là phép Thánh Thể sau này. Thật ra, Manna chỉ có trong thời gian ở sa mạc. Bao nhiêu người được ăn Manna rồi cũng chết. Trái lại, bánh từ trời là phép Thánh thể, có những đặc tính:
- Tăng sức mạnh cho thời gian lữ thứ. Và cuối cùng ban sự sống đời đời (Ga 6,51)
- Bánh từ Trời này không chỉ ban riêng cho một dân tộc nhỏ bé mất hút nơi hoang địa Sinai nữa mà còn ban cho tất cả các dân tộc nào cần tới... Chính vì thế mà người Do thái lúc ấy kêu xin “Xin cho chúng tôi thứ bánh đó luôn mãi” (c. 34).
Môisen và dân của ông đã được ăn Mana trong lúc vượt qua sa mạc. Cuộc đời con người sống trong khoảng không gian, thời gian ở trần thế được coi là một cuộc vượt qua sa mạc. Chúng ta cần có của ăn. Đó là Mình Thánh Chúa.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lập bí tích Thánh Thể để trở nên nguồn sống cho linh hồn chúng con. Chúng con xin tri ân tình yêu quá cao vời mà Chúa đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ thờ ơ với tình yêu ban tặng nhưng không của Chúa, nhưng biết siêng năng viếng Thánh Thể và đón nhận qua thánh lễ mỗi ngày. Xin cho chúng con chỉ biết ao ước tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong cuộc đời.


24/04/12 THỨ BA TUẦN 3 PS 
Th. Phiđen Díchmaringân, linh mục, tử đạo
Ga 6,30-35
CÓ THỨ BÁNH TRƯỜNG SINH

“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)

Suy niệm: Thế giới quảng cáo ngày nay không ngại dùng những từ cường điệu nhất để đề cao chất lượng sản phẩm của mình. Song chẳng có hãng bánh nào dám quảng cáo bánh của mình là bánh trường sinh. Ở đây, Đức Giêsu tuyên bố rõ rằng Người là bánh trường sinh! Điều mà không ai dám mơ, lại hoàn toàn có thật! Đám đông dân chúng lặn lội vượt Biển Hồ, tuốn đến với Đức Giêsu, không phải vì tìm Người cho bằng tìm... bánh! (hôm qua Chúa mới cho trên 5000 người ăn bánh no nê, còn dư 12 thúng đầy). Hôm nay Chúa không hóa bánh ra nhiều cho họ nữa, thay vào đó, Người tiết lộ rằng chính Người là Bánh trường sinh. Như một trò chơi lớn đi tìm mật thư, họ được dẫn đi từ thứ bánh thông thường (nhu cầu mà họ cảm nghiệm rất rõ, rất quen thuộc) đến thứ bánh có một không hai: bánh trường sinh (là nhu cầu thâm sâu nhất nơi mỗi người, song cũng rất thường bị thờ ơ).

Mời Bạn: Trong khi cố gắng đáp ứng những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đừng lãng quên tìm kiếm sự sống tâm linh, sự sống vĩnh cửu, đó mới là nhu cầu quan trọng số một.

Chia sẻ: Chúa Giêsu là bánh trường sinh; theo bạn, đâu là thái độ hưởng ứng thích đáng nhất đối với sứ điệp này ?

Sống Lời Chúa: Hôm nay, trước mỗi bữa ăn, bạn xin Chúa cho mình biết đói khát bánh trường sinh của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương, Chúa đã trở thành tấm bánh cho con. Xin cho con biết khát khao đón nhận Chúa, và đến lượt con trở thành tấm bánh cho đời. Amen.
Người môn đệ họa lại cuộc đời của Thầy mình
Bài đọc: Acts 7:51-8:1; Jn 6:30-35.

Trong bữa Tiệc Ly, trước khi từ giã cuộc đời để về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ những lời tâm huyết sau đây cho các môn đệ: “Trò không hơn Thầy; nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Jn 15:20). Tuy nhiên, Ngài cũng khuyến khích các ông: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Jn 16:33).
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những khó khăn mà Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài phải đương đầu với từ thế gian. Trong Bài Đọc I, noi gương Thầy Chí Thánh, Stephanô sẵn sàng đổ máu đào để làm chứng nhân cho Chúa Giêsu. Cái chết của vị anh hùng tử đạo đầu tiên minh họa lại cái chết của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó của Ngài. Trong Phúc Âm, dân chúng đi tìm Chúa Giêsu, không phải vì đã nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai, nhưng để được luôn có bánh ăn hằng ngày. Chúa kiên nhẫn sửa sai họ và mặc khải cho họ biết “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cuộc tử đạo tiên khởi của Phó-tế Stephanô
1.1/ Xung đột giữa sự thật và sự sai trá: Bài giảng của Stephanô là lý do đưa ông tới cái chết, vì ông dám nói thật và dám tố cáo những việc làm sai trái của Thượng Hội Đồng.
(1) Stephanô tố cáo những người trong Thượng Hội Đồng: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần.” Giống như những lần xung đột của Chúa Giêsu với các Biệt-phái và Kinh-sư, Stephanô cũng tố cáo họ hai điều chính:
+ Giết hại các ngôn sứ: Chúa Giêsu tố cáo họ: "Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng” (Lk 11:47-48). Stephanô cũng tố cáo họ: “Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy. Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy.”
+ Khinh thường và không giữ Lề Luật: Chúa Giêsu tố cáo họ: “Ông Moses đã chẳng ban Lề Luật cho các ông sao? Thế mà không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật! Sao các ông lại tìm cách giết tôi?” (Jn 7:19). Stephanô cũng tố cáo họ: “Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ.”
(2) Phản ứng của Thượng Hội Đồng: Khi con người bị sửa sai, họ có thể chọn hai thái độ: hoặc khiêm nhường nhận ra sự sai trái và tìm cách sửa sai, hoặc tức giận phủ nhận và tìm cách hại người tố cáo. Những người trong Thượng Hội Đồng chọn thái độ thứ hai: “Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stephanô.”
1.2/ Cuộc tử đạo của Stephanô: Thánh sử Lucas tường thuật cái chết của Stephanô như một minh họa lại cái chết của Chúa Giêsu, với những điểm tương đồng sau đây:
- Như Chúa Giêsu nói Ngài sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa kể từ nay, trong cuộc thẩm vấn trước Thượng Hội Đồng (Lk 23:69); Stephanô được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa" (Acts 7:55-56).
- Như Chúa Giêsu không được Thượng Hội Đồng xét xử theo Luật buộc (Lk 22:71), Stephanô cũng bị buộc tội bởi Thượng Hội Đồng và ném đá tới chết mà không được xét xử. Cái chết của ông là hậu quả của sự tức giận đột xuất của những người trong Thượng Hội Đồng: “Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại, và nhất tề xông vào ông, rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá” (Acts 7:57-58).
- Như Chúa Giêsu phó thác linh hồn Ngài trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha! Con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lk 23:46); họ ném đá ông Stephanô, đang lúc ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con" (Acts 7:59).
- Như Chúa Giêsu đã kêu xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ luận tội và giết Ngài: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết việc chúng làm” (Lk 23:34); Stephanô cũng quỳ quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng trước khi chết: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (Acts 7:60).
2/ Phúc Âm: "Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
2.1/ Chúa Giêsu sửa sai sự hiểu biết, ý hướng, và hành động sai lầm của dân chúng:
(1) Đi tìm Chúa với ý hướng sai lầm: Vừa chứng kiến phép lạ “Bánh hóa nhiều” của Chúa Giêsu làm để nuôi 5,000 người, thay vì biết cám ơn Chúa đã lo lắng cho họ có của ăn, và nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai; giờ đây họ lại ích kỷ chỉ biết lo cho mình, và thách thức Chúa: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”
(2) Hiểu biết sai về sự kiện lịch sử: Họ nói: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời." Chúa Giêsu sửa sai họ: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời.”
2.2/ Chúa Giêsu mặc khải Ngài là Bánh Trường Sinh: Ngài nói với họ: “Chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Đức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
Con người rất khôn ngoan trong việc tìm kiếm và tích trữ những lương thực phần xác; nhưng lại rất khờ dại trong việc tích trữ các lương thực cho trí tuệ và cho phần linh hồn. Họ có thể bỏ mọi thời gian và nỗ lực đi tìm của cải chóng qua; nhưng không dám dành thời giờ cho việc học hỏi Lời Chúa và tham dự Bí-tích Thánh Thể hằng ngày. Dầu Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là Bánh Trường Sinh: ai ăn sẽ sống, và ai không ăn sẽ chết; con người vẫn lơ là với những lời của Ngài. Chẳng lạ gì mà họ đang quay cuồng trong biển trần gian mà không biết đường nào để thoát ra ngoài.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi chọn làm môn đệ Chúa, chúng ta chọn bỏ ý riêng, để họa cuộc đời chúng ta theo đường lối của Chúa. Khi phải đương đầu với bách hại của thế gian, chúng ta không được lấy oán báo oán; nhưng phải cầu nguyện và tha thứ cho những người đã bách hại chúng ta.
- Khi bị sửa sai đúng, chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận lỗi lầm của mình, và tìm cách sửa sai để cuộc sống tốt đẹp hơn. Đừng quá tức giận đến độ la hét, chửi rủa, và giết hại người công chính.
- Để có sức lực chiến đấu, chúng ta phải năng lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Nếu không có sức mạnh của Bi-tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào đương đầu với những cám dỗ và bách hại của thế gian.
Anthony Đinh Minh Tiên, Op.

Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Fiđêlê Sigmarigen, linh mục tử đạo; Cv 7, 51-8,1a; Ga: 6, 30-35
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” (Ga 6,32-33)
          Dân Do-thái quan niệm Man-na là bánh mà dân đã được ăn trong sa mạc là của Mô-sê ban, và trong lúc này họ được chính Chúa Giêsu cũng đang cho họ ăn no nê và họ đòi hỏi Ngài phải làm một dấu lạ để họ tin Ngài là Đấng Mêsia. Họ muốn Ngài hãy tiếp tục cho họ ăn no nê mãi, như cha ông họ đã ăn Man-na trong sa-mạc ngày trước. Khi đó họ mới tin Ngài là Đấng Mêsia. Nhưng Chúa Giêsu đã không đáp ứng nhu cầu đó của họ. Nên Chúa Giêsu đã giải thích để họ biết man-na cũng như bánh đích thực đều bởi từ Thiên Chúa mà đến và do Ngài ban. Nhưng man-na trong sa-mạc chỉ nuôi sống phần xác trong hành trình về Đất Hứa, cha ông của họ đã ăn và đã chết. Còn Bánh của Ngài ban chính là Máu Thịt của Ngài. Bánh này chỉ những ai có đức tin ăn vào mới đem lại sự sống mới, để tiến bước về đến Nước Trời.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 24-04:
 Thánh FIDÊLÊ Đệ SIGMARINGA
Tử Đạo - (1528 - 1622)
Thánh Fidelê, tên thật là Marê Rey, sinh ra năm 1528 ở Sigmaringa nước Đức. Sau những ngày trong tuổi thơ ấu trong trắng vô tội, Ngài được gởi đi học tại đại học tại Friburg, Thụy Sĩ. Để tự chủ, Marê thực hiện nhiều việc bỏ mình nghiêm ngặt. Khi đã hoàn tất cấp bậc tiến sĩ về triết học, Ngài đã tỏ ra rất mực khôn ngoan đến nỗi người ta gọi Ngài là triết gia Kitô giáo.
Năm 1604, công tước Stotzngen xin Ngài hứơng dẫn cho con mình và hai nhà quí phái khác trong một cuộc du hành khắp các vương quốc Âu Châu để học hiểu. Cuộc du hành kéo dài sáu năm. Marê đã khuyên nhủ họ nhiều điều không thể quên được. Ngài thúc giục họ phải biết thắng vượt chính mình: - Sống xa hoa nhẹ dạ, người ta bất xứng với vinh quang thực mà chỉ chinh phục được bằng nỗ lực và bằng việc chà đạp vui thú dưới chân.
Sau cuộc viễn du những nhà quí phái trẻ muốn Ngài đừng bỏ họ. Ngài đã theo học luật. Và sau khi nhận bằng tiến sĩ luật Ngài lập văn phòng luật sư ở Colmar. Ngài quyết thực thi đức ái đến nỗi Ngài được gọi là luật sư của dân nghèo. Nhưng nghề nghiệp đã cứu giúp Ngài khám phá ra được những bất lương của cuộc đời. Quyết định theo đuổi đời sống hoàn hảo, Ngài tới gõ cửa dòng Phanxicô. Năm 1612 Ngài được danh hiệu Fiđêlê.
Vị luật sư trở thành thầy dòng làm cho ma quỉ tức giận. Trước các cơn cám dỗ, thày Fiđêlê bối rối, nhưng thử thách tan biến khi Ngài đến giải bày nỗi lòng với một linh mục giàu kinh nghiệm, Người đã dạy Ngài cầu nguyện nhiều hơn,
Fiđêlê đã khẩn cầu tha thiết. - Lạy Chúa cứu chuộc con, xin trả lại niềm vui cần thiết và bình an tâm hồn. Xin hãy tẩy sạch mọi nghi ngờ để ý Chúa được thực hiện và để con thắng vượt quân thù, thắng con người và những đam mê của con.
Fiđêlê nỗ lực hy sinh hãm mình cho đến khi Thiên Chúa ban lại bình an cùng ánh sáng cho Ngài. Từ đó thánh nhân luôn trung thành quảng đại hiến mình cho Chúa. Ngài nói: - Thật bất hạnh nếu tôi là một chiến sĩ dưới quyền thủ lãnh đầu đội mão gai, mà lại chiến đấu một cách yếu hèn.
Khi được chọn làm bề trên tu viện ở Weltkirvhen, Ngài được ơn làm phép lạ để hoán cải người ta. Gặp thời dịch tể, Ngài hết mình phục vụ các bệnh nhân. Người ta thấy Ngài ở khắp nơi, trong nhà thương, ở tư gia, chạy trên đường phố, săn sóc thân xác linh hồn mọi người và thường chữa lành cho cả hồn lẫn xác.
Lạc giáo tàn phá miền Grisons. Đức giáo hoàng giao cho thánh Fiđêlê trách nhiệm đối phó với nhón người theo pháí Calvin. Thánh nhân giã từ tu viện, để lại bao nhiêu là xúc động, Ngài từ biệt dân Weltkirchen như đi chịu tử đạo.
Nhưng với các bạn đồng hành, Ngài khích lệ: - Nào chúng ta lên đường tới nơi mà Chúa kêu gọi và mùa gặt thúc bách.
Ngài giảng cho dân chúng, dạy người nghèo, thông truyền giáo lý cho trẻ em.
Để cứu một linh hồn, Ngài cũng sẵn sàng đi chân không vượt qua mọi sỏi đá tuyết sương. Những người Thệ phản bực tức vì sự anh dũng của thánh nhân nên họ quyết thủ tiêu Ngài. Thư từ Ngài viết còn ghi: - Thày Fiđêlê sẽ sớm làm mồi cho sâu bọ.
Một lần kia, sau bài giảng hùng hồn, thánh nhân xin bạn mình ngồi tòa giải tội vì Ngài phải đi Seewis không biết có điều gì sẽ xảy ra, nhiều người lo lắng cầu nguyện cho Ngài.
Một người đã hỏi : - Nếu các người theo lạc giáo tấn công thì Cha làm sao ?
Thánh Fiđêlê trả lời : - Tôi sẽ làm như các vị tử đạo. Tôi sẽ vui mừng đón nhận cái chết vì tình yêu Chúa và coi đó như một ân huệ lớn lao dành cho tôi.
Ngài thường nói : - Lạy Chúa, con phải chịu khó với Chúa nếu con muốn được hoàn toàn thuộc về Chúa.
Tại Seewis, Ngài rung chuông tập họp dân chúng lại. Một riếng súng nổ, nhưng không trúng Ngài. Trên đường về Grisch, Ngài bị một nhóm binh sĩ lạc giáo xông vào đánh đập, Ngài chỉ nói được trong hơi thở yếu ớt: - Tôi hiến mạng sống tôi để các bạn nhận biết đức tin của tổ tiên chúng ta.
Bị đập, Ngài vẫn gắng gượng để thốt lên : - Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Lạy Mẹ Maria, xin giúp đỡ con.
Và Ngài đã xin Thiên Chúa tha cho kẻ thù mình và gục ngã dưới lưỡi gươm ngày 24 tháng 04 năm 1622.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
24 Tháng Tư
Hạt Táo

Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác. Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau: "Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế".
Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo. Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói: "Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mớico thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng được hạt giống này".
Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa: "Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác... Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này". Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang cómặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc. không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nha vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha...
Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên: "Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ...". Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.
Lời cầu chúc "bình an" của Ðức Kitô Phục Sinh là một thứ hạt táo được gieo vào tâm hồn chúng ta. hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái là nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sãn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác. Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người. Và có cư sử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống Bình An nảy mầm trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa trái cho người xung quanh...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 24
Thánh Fidêlê Sigmaringen, tử đạo
 
Quan sát dấu chỉ thời đại

Những ai sáng suốt và quảng đại, vì yêu nhân loại, tìm cách lắng nghe thế giới và phân tích các "dấu chỉ thời đại" để cho thấy Kitô giáo là điều bị thế giới chê trách, nhưng lại là chân lý tối thượng trên con người. Điều này không xóa đi, không hạ giá những trật tự khác của chân lý, nhưng giải phóng ý nghĩa dứt khoát của chúng. Thế giới chúng ta đang sống chống đối lại ý nghĩa chân lý và sự tôn trọng tự do. Chỉ cần nhắc lại lời của Đức Kitô: Chân lý sẽ giải thoát anh em (Ga 8,32). Kitô hữu là người tự do nhất giữa con người, vì họ không nô lệ bất cứ sai lầm nào. Họ không chủ quan nắm chân lý; họ có chân lý và tận hiến cho chân lý. Vì thế họ khao khát chia sẻ bí mật của mình cho ai tin yêu họ. Họ tôn trọng những chân lý mà con người đang sống, nhưng họ cũng biết tất cả những chân lý này sẽ được viên mãn trong Đấng đã nói: Tôi là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6).

Claude Geffré o.p
Thứ Ba 24-4

Thánh Fidelis ở Sigmaringen

(1578 -- 1622)
N
ếu có người nghèo cần đến quần áo, Thánh Fidelis thường lấy ngay quần áo của mình đang mặc mà chia sẻ cho họ. Sự hoàn toàn độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân.
Sinh năm 1578 trong một gia đình giầu có ở Sigmaringen, Thánh Fidelis có tên gọi là Mark Rey, ngay từ nhỏ rõ ràng ngài đã có những khả năng đặc biệt. Sau khi được vinh dự nhận bằng tiến sĩ triết và luật tại Ðại Học Freeburgh, Mark Rey cùng với ba người bạn đi khắp Âu Châu trong vòng sáu năm. Ngài hành nghề luật sư, và các thân chủ đều mến mộ sự khôn ngoan và công chính của ngài. Nhưng dần dà ngài cảm thấy ghê tởm sự thối nát trong giới đồng nghiệp, và khi được hối lộ để kéo dài một vụ kiện ngài đã quyết định đi tu, gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Fidelis. Tài sản của ngài được chia cho người nghèo và nhà dòng.
Với quyết tâm rao giảng cho mọi người biết về đức tin chân thật, sau khi thụ phong linh mục, Cha Fidelis được phép hoạt động truyền giáo cho người Tin Lành, đó là một công việc đầy nguy hiểm trong thời ấy. Ngài chuẩn bị cho sứ vụ này bằng việc học hỏi, viết lách, cầu nguyện và hãm mình. Với những lời đầy nhiệt huyết ngài bài bác lạc thuyết của Calvin và Zwingli. Nhiều người Tin Lành cũng như người Công Giáo sa ngã đã trở về với đức tin Công Giáo.
Sau đó Cha Fidelis làm Giám Ðốc của một tu viện và là nguồn khai sáng cho các tu sĩ với tinh thần chiêm niệm luôn bao trùm nhà dòng. Chính ngài và các thầy chăm sóc các quân nhân về thể xác cũng như tinh thần khiến các sĩ quan Tin Lành tức giận.
Có lần ngài nói với một linh mục bạn về hai điều ước của ngài; một là được ơn không bao giờ phạm tội trọng, và hai là được chết vì Ðức Tin. Thiên Chúa đã nhận lời ngài. 
Trong ba năm, ngài được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XV sai đến Thetia hoạt động và ngài hoán cải rất nhiều người. Các giáo sĩ theo phái Calvin(*) xách động dân chúng, và vào ngày 24 tháng Tư 1624, đó là lần rao giảng chót của Cha Fidelis. Khi ngài vừa lên toà giảng để nói về "Một Thiên Chúa, Một Ðức Tin, Một Phép Rửa", đám đông la ó phản đối, họ lôi ngài ra khỏi nhà thờ và dùng gậy gộc đánh đập và dùng gươm đâm ngài chết.

Lời Bàn

Sự liên lỉ cầu nguyện của Thánh Fidelis đã giữ ngài luôn trung thành với Thiên Chúa và không nhượng bộ sự lãnh đạm và thờ ơ. Người ta thường nghe ngài nói, "Khốn cho tôi, nếu tôi chỉ là một người lính thiếu tận tâm phục vụ vị Thủ Lãnh đội mão gai." Sự cầu nguyện đối với sự thờ ơ, và sự lưu tâm đối với người nghèo đã khiến thánh nhân trở nên một gương mẫu có giá trị cho ngày nay. Giáo Hội thường kêu gọi chúng ta hãy noi gương người "luật sư của người nghèo" này bằng cách chia sẻ tài năng chúng ta với những người kém may mắn, và hoạt động cho sự công bằng của thế giới.

Lời Trích

"Hành động vì sự công bằng và tham dự trong việc biến đổi thế gian thực sự là một yếu tố cơ bản trong việc rao giảng phúc âm hoặc, nói cách khác, trong sứ vụ của Giáo Hội để cứu chuộc loài người và giải thoát con người khỏi mọi áp bức" ("Sự Công Bằng Trong Thế Giới," Thượng Hội Ðồng Giám Mục, 1971).

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét