Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

THỨ HAI TUẦN II MÙA PHỤC SINH


Thứ Hai sau Chúa nhật II Phục Sinh
Cv 4,23-31 ; Tv 2 ; Ga 3,1-8.

Bài đọc                                    Cv 4,23-31

23 Hôm ấy, sau khi được thả về, hai ông đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông. 24 Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa : "Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó ; 25 Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đa-vít, tôi trung của Ngài, mà phán : Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông ? 26 Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.
27 "Đúng vậy, Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô, cùng với chư dân và dân Ít-ra-en đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su, Đấng Ngài đã xức dầu. 28 Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước. 29 Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. 30 Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giê-su." 31 Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển ; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.




Đáp ca                                     Tv 2,1-3.4-6.7-9 (Đ. c. 12d)

Đáp :    Con cứ xin, rồi Cha ban tặng
            muôn dân nước làm sản nghiệp riêng.

Hoặc:
Đáp :    Ha-lê-lui-a.

1          Sao chư dân lại ồn ào náo động ?
            Sao vạn quốc dám bày kế viển vông ?
2          Vua chúa trần gian cùng nổi dậy,
            vương hầu khanh tướng rập mưu đồ
            chống lại Đức Chúa,
            chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.
3          Chúng bảo nhau : "Xiềng xích họ, nào ta bẻ gãy,
            gông cùm họ, ta hãy quẳng đi !"                                              Đ.

4          Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười,
            Người chế nhạo bọn chúng.
5          Rồi nổi trận lôi đình, Người quát nạt,
            trút cơn thịnh nộ, khiến chúng kinh hoàng,
6          rằng : "Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn,
            lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta."                                            Đ.

7          Tân vương lên tiếng : Tôi xin đọc sắc phong của Chúa,
            Người phán bảo tôi rằng : "Con là con của Cha,
            ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.
8          Con cứ xin, rồi Cha ban tặng
            muôn dân nước làm sản nghiệp riêng,
            toàn cõi đất làm phần lãnh địa.
9          Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành,
            nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm."                                 Đ.



Tung hô Tin Mừng                 Cl 3,1

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Ha-lê-lui-a.



Tin Mừng                                Ga 3,1-8

1 Bấy giờ, trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái. 2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người : "Thưa Thầy, chúng tôi biết : Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy." 3 Đức Giê-su trả lời : "Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên."  4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa : "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được ? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao ?" 5 Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. 6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt ; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. 7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói : các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."
(bản văn theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)

Suy Niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến sự sinh lại bởi ơn trên nghĩa là sinh lại bởi Nước và Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ đến với chúng ta và biến cải đời sống chúng ta theo ân sủng của Ngài.
Mỗi Kitô hữu đều đã được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần qua Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta hãy để ân sủng Chúa Thánh Thần làm cho đức tin và đời sống đạo đức của chúng ta lớn lên và trưởng thành. Hoa trái của ân sủng được thể hiện qua đức công bình, bác ái và niềm vui.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban Thánh Thần xuống trên chúng con. Ðể Ngài giúp chúng con biết bỏ đi con người và lối sống cũ, mà sống một cuộc sống mới trong niềm vui Phục Sinh. Chỉ khi biến đổi được chính mình, chúng con mới sống đúng ý nghĩa mầu nhiệm chiến thắng của Ðức Giêsu. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Phải Sinh Lại Bởi Nước Và Thánh Thần


Anh chị em thân mến!
Là con cháu Ađam, vừa lúc chào đời chúng ta đã mặc nhiên nhận lấy hình phạt từ nguyên tổ truyền lại. Tuy nhiên, lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa đã chiến thắng tất cả. Ngài đã sai Con Một Ngài xuống trần gian để mang lại cho con người sự sống đời đời mà họ đã đánh mất. Với cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, Con Thiên Chúa đã biến đổi tội thành phúc, hình phạt trở thành phần thưởng. Từ một cuộc sống ngắn ngủi tạm bợ, con người có thể vui hưởng một sự sống mới bất diệt. Mọi người đều được mời gọi và có quyền hưởng nguồn hạnh phúc này với một điều kiện là phải thông dự vào cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô. Ðây là điều kiện mà Chúa Giêsu đã trao đổi với Nicôđêmô trước cuộc tử nạn của Ngài.
Anh chị em thân mến!
Ðược vào Nước Trời, được làm con Thiên Chúa, và được sự sống đời đời chính là hiệu quả của việc tái sinh. Ðó là tình trạng của một tâm hồn đã được ân sủng Thiên Chúa chiếm ngự. Tuy nhiên, để được tái sinh, để được nguồn ân sủng này, con người phải nhờ vào nước và Thánh Thần. Nước biểu tượng cho sự tẩy sạch, Thánh Thần biểu trưng cho sức mạnh.
Tất cả ý nghĩa này bao gồm trong phép Thánh Tẩy mà mỗi Kitô hữu đã lãnh nhận, nhưng hình thức lãnh nhận cử hành bên ngoài sẽ không có một giá trị gì nếu không có Ðức Kitô và Thánh Thần. Ðức Kitô sẽ xóa sạch mọi vết tích của tội như ngày xưa trên Thánh Giá Ngài đã cất đi gánh nặng tội lỗi của toàn thể nhân loại; và nếu tội lỗi đã phá vỡ mọi trật tự trong con người thì sức mạnh Thần Khí của Ðức Kitô sẽ vãn hồi mọi trật tự nguyên thủy là làm cho họ trở nên con cái Thiên Chúa và vui hưởng sự sống đời đời. Nicôđêmô đã nhìn theo hình thức bên ngoài nên ông chẳng hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu: "Làm sao một kẻ đã lớn tuổi mà lại có thể vào trong lòng mẹ để được sinh lại lần nữa?" Chắc chắn người tín hữu hôm nay sẽ không suy nghĩ như Nicôđêmô, nhưng họ cũng mắc phải bệnh nệ hình thức. Như ông, họ tưởng rằng được lãnh nhận bí tích Rửa Tội là được bảo đảm cuộc sống đời đời. Thực thế chưa hẳn như vậy, chúng ta không phủ nhận ơn tái sinh của bí tích Rửa Tội là được bảo đảm cuộc sống đời đời. Thực thế chưa hẳn như vậy, chúng ta không phủ nhận ơn tái sinh của bí tích Rửa Tội, nhưng ơn tái sinh của bí tích Rửa Tội không phải là chiếc vé để lọt qua cửa mà vào sự sống vĩnh cửu, tín hữu chỉ cần có nó để rồi đem cất giấu thật kỹ đợi ngày xuất trình. Ơn tái sinh là khởi đầu cho sự sống mới, người tín hữu đã lãnh nhận thì có bổn phận làm cho tăng trưởng sự sống mới ấy.
Sự sống mới cần phải được tái sinh bằng sức sống mới của Thánh Thần, Ngài là nguồn sức mạnh thánh hóa họ trên bước đường lữ hành tiến về sự sống vĩnh cửu. Chính nhờ Thánh Thần, từ những tâm hồn u buồn lặng lẽ của mười một tông đồ, Thánh Thần đã biến họ thành những chiến sĩ hiên ngang rao giảng Tin Mừng. Thánh Thần xưa đã đến với các tông đồ, thì nay cũng đến với mỗi một tâm hồn người tín hữu khi họ lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Ngài muốn họ bắt chước các tông đồ là biết sống và đốt lên ngọn lửa nơi các tâm hồn khác.
Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho chúng con là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội và cách riêng cho những người mới lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong mùa Phục Sinh. Xin cho tất cả chúng con sống xứng đáng với ơn tái sinh đã được Chúa thương ban không phải tái sinh một lần, nhưng phải tái sinh, phải đổi mới hằng ngày để luôn luôn làm cho ơn tái sinh là một bảo đảm phần rỗi cho chúng con và cho kẻ khác. Amen.

(Veritas Asia)


16/04/12 THỨ HAI TUÀ6N 2 PS
Ga 3,1-8
VƯỢT QUA NHỮNG THÓI QUEN

“Tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” (Ga 3,3)
Suy niệm: Thời nay vẫn có quá nhiều người chết trẻ: những bệnh nhi ung thư; những bệnh nhân HIV-AIDS đa số là những người trẻ; cũng phải kể đến tai nạn giao thông cướp đi biết bao sinh mạng. Thủ phạm của những cuộc “tàn sát” ấy là những thứ đầu độc con người, đến từ môi trường, thực phẩm và kể cả những cung cách sống đang tràn lan trong xã hội. Nhưng quá nhiều người “quen thuộc” các thứ độc hại ấy. Những “thói quen” chết người như thế cũng len lỏi trong lĩnh vực đức tin. Nicôđêmô vốn quen với nếp nghĩ của mình không kịp mở lòng đón nhận sự tác động từ Thiên Chúa để được ơn sinh lại làm con cái Chúa nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Charles H. Spurgeon nhận xét: “Đức tin bước lên những nấc thang tình yêu để tiến tới chân trời hy vọng đã mở ra,” người ta chỉ thuộc về Nước Thiên Chúa một khi họ mở lòng dấn bước về phía Đức Kitô và đón nhận Ngài cùng Thánh Thần của Ngài đang mở ra cho họ. 

Mời Bạn: Mỗi ngày là một cơ hội Chúa mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận Đức Kitô cách sâu xa hơn. Những thói quen nào đang níu kéo khiến bạn không thể tiến bước sâu trong đức tin? Những thói quen đó có thể làm chết dần mòn đức tin của chúng ta đấy bạn.

Chia sẻ: Ngày nay, thói quen nào đang gây nguy hại nhiều nhất cho đức tin?

Sống Lời Chúa: Dành 5 phút mỗi ngày cầu nguyện với Lời Chúa và xin Chúa ban thêm đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết gìn giữ đức tin và ngày càng sống tình thân với Chúa hơn.
Thánh Thần giúp các môn đệ làm chứng cho Đức Kitô
Bài đọc: Acts 4:23-31; Jn 3:1-8.

Một bằng chứng hùng hồn của việc Chúa sống lại là chúng ta chỉ cần quan sát sự thay đổi nơi các tông đồ: Điều gì đã giúp cho các tông đồ, từ những người nhát đảm sợ sệt bỏ trốn Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài, bây giờ trở thành những người can đảm làm chứng cho Chúa giữa những đe dọa và cực hình? Đó là sự hiện diện của Thánh Thần như Chúa Giêsu đã hứa với các ông trong đêm giã biệt: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Jn 14:26).
Các Bài Đọc hôm nay nói lên vai trò quan trọng của Thánh Thần trong đời sống của các tín hữu. Trong Bài Đọc I, khi các tông đồ cầu nguyện và xin ơn để có thể tiếp tục sứ vụ Chúa Giêsu đã trao phó, Thánh Thần hiện xuống trên các ông và quyền năng của Ngài bao trùm các ông, giúp các ông có can đảm và mạnh bạo làm chứng cho Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói cho Nicodemus biết: không ai có thể đạt tới Nước Thiên Chúa nếu không được tái sinh bởi nước và Thánh Thần.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.
1.1/ Con người chỉ làm theo kế họach Thiên Chúa đã hoạch định: Phêrô và Gioan được tha về sau khi đã làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt THĐ và dân chúng. Hai ông đến với các anh em và thuật lại mọi điều các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông.
Nghe vậy, họ đồng tâm nhất trí cất tiếng lên cùng Thiên Chúa: "Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó; Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là David, tôi trung của Ngài, mà phán: “Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.” (Psa 2).”
Các tông đồ hiểu lời Thánh Vịnh 2 này nói trước về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: "Đúng vậy, Herode, Pontius Pilate, cùng với chư dân và dân Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu.” Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì do ý muốn của Thiên Chúa đã hoạch định từ trước.
1.2/ Các tông đồ được ban Thánh Thần để làm chứng cho Đức Kitô: Các tông đồ xin những sức mạnh cần thiết để các ngài có thể tiếp tục sứ vụ rao giảng của Đức Kitô: ơn can đảm, ơn chữa lành, uy quyền làm phép lạ nhân danh Chúa Giêsu. Họ cầu nguyện: “Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn. Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu."
Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ và thúc đẩy các ông làm chứng cho Chúa Giêsu. “Khi họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” Giờ đây, không chỉ có Phêrô và Gioan can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu, mà tất cả các tông đồ. Sau khi đã lãnh nhận Thánh Thần, các ông có can đảm để đi vào các ngả đường làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
2/ Phúc Âm: Phải sinh ra một lần nữa bởi Nước và Thần Khí.
2.1/ Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa từ trên.
(1) Tiểu sử Nicodemus: “Trong nhóm Pharisees, có một người tên là Nicodemus, một thủ lãnh của người Do-thái.” Ông là một thành viên của Thượng Hội Đồng, và đã lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu cách gián tiếp khi THĐ âm mưu bắt Chúa Giêsu (Jn 7:50-51). Ông cũng là người đã cùng ông Joseph Arimathea tháo đanh và táng xác Chúa trong hang đá (Jn 19:38-39). Tại sao ông đến với Chúa Giêsu ban đêm? Có người cho rằng vì ông sợ người khác thấy. Kẻ khác cho tại vì truyền thống Do-thái có thói quen học Kinh Thánh ban đêm.
Ông để ý quan sát và nhận xét về Chúa Giêsu không giống như các người Pharisees khác: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Lời nhận xét của ông giống như lời nhận xét của người mù từ lúc mới sinh trong Jn 9: Nếu Chúa Giêsu không đến từ Thiên Chúa, Ngài không thể nào chữa lành bệnh tật cho anh. Ông phải là người thành tâm thiện ý đi tìm sự thật; nhưng chưa có Thánh Thần để giúp ông hiểu lời Chúa nói và can đảm tin vào Chúa. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu thảo luận với ông về sự hiện diện cần thiết của Thánh Thần. Có lẽ ông đã tin vào Chúa sau khi táng xác Chúa.
(2) Điều kiện để vào Nước Thiên Chúa: Đức Giêsu nói với ông: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên." Ông Nicodemus thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?"
Trong tiếng Hy-lạp, trạng từ "anothen" có thể mang một trong 3 nghĩa sau: (1) từ trên cao; (2) một lần nữa; (3) từ ban đầu (Lk 1.3). Nicodemus hiểu lời Chúa Giêsu nói theo nghĩa thứ hai.
Theo W. Barclay, Chúa Giêsu có thể ám chỉ cả 3 nghĩa: “Để có thể tái sinh hoàn toàn mới, một người cần phải trải qua một sự thay đổi lớn mà nó gần như là một sự sinh ra mới (nghĩa 2); đó là cần phải có những gì xảy ra cho linh hồn mà nó chỉ có thể mô tả là được sinh ra bắt đầu lại từ đầu (nghĩa 3); và tòan thể tiến trình này không phải do công lao con người, vì nó đến từ ơn thánh và uy quyền của Thiên Chúa (nghĩa 1).”
2.2/ Chúa Giêsu cắt nghĩa cho Nicodemus:
(1) Sinh ra bởi Nước và Thánh Thần: Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Các tông đồ phân biệt 2 phép rửa: phép rửa bằng nước của Gioan để tha tội, phép rửa ban Thánh Thần của Chúa Giêsu.
(2) Việc làm của Thánh Thần: Chúa Giêsu so sánh Thánh Thần với gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
Trong tiếng Hy-lạp và Do-thái, họ chỉ dùng cùng một tiếng để chỉ “gió” và “thần khí:” ruah trong tiếng Do-thái và pneumatrong tiếng Hy-lạp. Con người thấy hậu quả những việc làm của Thánh Thần, tuy không bao giờ thấy Ngài. Ví dụ, khi nhìn thấy các tông đồ mạnh dạn làm chứng cho Chúa Giêsu hay nói tiếng lạ, chúng ta phải đặt câu hỏi: Ai đã biến các ông từ chỗ nhút nhát sợ sệt đến chỗ can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu?
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội và Thêm Sức, chúng ta đã có Thánh Thần trong linh hồn.
- Các tín hữu phải được tái sinh bởi Thánh Thần mới có thể hiểu Lời Chúa và can đảm làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.


Lời Chúa Trong Gia Đình
Cv 4, 23-31; Ga: 3,1-8.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy  Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.”(Ga 3,2-3)
          Tự thâm tâm của ông Nicôđêmô có những khát khao, mà ông chưa thỏa mãn, trong khi ông là một thành viên Tòa Công Nghị, là một trong những người thủ lảnh của người Do-Thái. Ông đã tuân giữ đầy đủ lề luật của Mô-sê truyền lại. Nhưng khi ông biết Chúa Giêsu và nhận ra nơi Ngài có cái gì đó đang cần cho đời sống của ông, nên ông đã đến gặp Ngài. Khi Chúa Giêsu trao đổi với ông. Chúa muốn ông phải tái sinh. Ông chấp nhận, nhưng cách tự tái sinh, theo ông là không có thể thực hiện được. Nên Chúa Giêsu đã mở lối cho ông, muốn được tái sinh phải nhờ qua phép Rửa và Thần Khí.
          Trong đời sống của chúng ta cũng luôn cần được đổi mới nhờ ơn Chúa Thánh Thần, bởi Ngài luôn là mới.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++

16 Tháng Tư
Không Quyền Lực Nào

"Ðức Tin không thể nào bị bóp nghẹt bởi bất cứ quyền klực nào!". Ðó là lời tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ George Bush trong buôi tiễn biệt Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II (19/9/1987) nhân dịp Ngài viếng thăm Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn từ giã Ðức Thánh Cha, phó tổng thống Hoa Kỳ nói rằng Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục làm việc tại Liên Xô sau hơn 60 năm tuyên truyền cho chủ thuyết vô thần.
Ông George Bush kể lại cho Ðức Thánh Cha như sau: "Trong nghi lễ an táng tổng bí thư Breznev tại Mascơva, một lễ nghi với nhiều lính tráng và hoa tím, nhưng không có Ðức Tin và Lời Chúa, tôi theo dõi bà quả phụ đang tiến đến quan tài để nói lời từ biệt... Kìa, có Chúa làm chứng cho tôi, giữa sự lạnh cóng của một chế độ độc tài, bà Breznev chăm chú nhìn người chồng, rồi cúi nhẹ xuống và làm dấu thánh giá trên ngực của người chết...".
Ông Bush cũng kể lại rằng ông đã gặp Mao Trạch Ðông trước khi ông này qua đời. Chủ tịch họ Mao đã tâm sự với ông như sau: "Tôi sắp sửa về Trời, tôi đã nhận được lời mời gọi của Chúa".
Ðưa ra hai sự kiện trên đây, ông Bush kết luận: Không có quyền lực nào, không có luật pháp nào có thể quét sạch những gì đã ăn rễ sâu trong lòng người...
Lời phát biểu trên đây của ông George Bush có lẽ phải làm cho chúng ta phấn khởi. Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta. Chính những nơi mà chúng ta tưởng Ngài đã bị gạt bỏ hoàn toàn, chính những lúc mà chúng ta tưởng như Ngài không có mặt, Ngài vẫn tiếp tục hoạt động. Bởi vì Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa nếu Ngài không yêu thương con người.
Chúng ta tiếp nhận sự sống từ chính Chúa, như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời. Thiếu ánh sáng mặt trời thì không thể có sự sống trên trái đất. Cũng thế, không có Chúa thì không thể có sự sống... Thiên Chúa thông ban sự sống cho chúng ta, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương tất cả mọi người, ngay cả những kẻ chối bỏ hoặc thù ghét Ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 16

Hãy bước đi và hát lên Alleluia

Ngay tại thế, chúng ta hát Alleluia giữa những âu lo của chúng ta, để một ngày kia chúng ta có thể hát trên trời trong một sự bình an.
Ngay giữa hiểm nguy và thử thách, chúng ta vẫn hát Alleluia cũng như các kẻ khác, vì thánh Tông đổ nói rằng Thiên Chúa là Đấng trung tín và Người không để cho chúng ta bị thử thách vượt quá sức lực của chúng ta (lCr 10,13). Vậy thì, ở thế gian này, chúng ta hãy hát lên Alleluia.

Thêm nữa: nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, đang ngự trị trong chúng ta, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, sẽ ban sự sống cho thân xác hay chết của chúng ta (Rm 8,11). Ngay trong lúc này, tiếng hát Alléluia của chúng ta sẽ sung sướng như thế nào, chắc chắn và vững tin.

Anh em thân mến, ngay bây giờ, chúng ta hãy hát, không phải để thư giản, nhưng để nâng đỡ khó nhọc của chúng ta, như người ta hát trên đường đi: "Hãy hát và bước đi, hãy nâng đỡ khó nhọc của anh khi hát, đừng thích lười biếng, hãy hát và bước đi". "Bước đi" muốn nói lên điều gì? Phát triển, phát triển trong sự thiện, phát triển trong niềm tin chân thật, trong sự thánh thiện. Hãy hát và bước đi!

Thánh Augustinô thành Hippone

Thứ Hai 16-4

Thánh Bernadette Soubirous

(1844 - 1879)
T
hánh Bernadette Soubirous tên thật là Mary Bernard, con của một gia đình thật nghèo làm nghề xay bột ở Lộ Ðức, thuộc miền nam nước Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, cô bị bệnh suyễn thật nặng nên sức khỏe rất yếu kém.
Vào ngày 11 tháng Hai 1858, cô được Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với cô trong một cái hang nằm trên con đê của sông Gave, gần Lộ Ðức. Cô được thị kiến Ðức Trinh Nữ tất cả 18 lần, lần sau cùng vào ngày lễ Ðức Mẹ Núi Carmel, 16 tháng Bảy. Khi kể lại lần thị kiến đầu tiên, cô đã tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm đối với nhà chức trách. Nhưng Ðức Trinh Nữ hiện ra với cô hàng ngày đã khiến đám đông tuốn đến hang ngày càng đông. Nhà chức trách tìm cách đe dọa để cô công khai rút lui, nhưng cô vẫn trung thành với những gì được thấy.
Vào ngày 25 tháng Hai, một suối nước chảy ra từ hang mà cô Bernadette đã dùng tay đào xới khi vâng theo lời Ðức Trinh Nữ. Nước suối ấy đã chữa được nhiều người khỏi bệnh kể cả người tàn tật.
Vào ngày 25 tháng Ba, Bernadette cho biết trinh nữ hiện ra với cô tự xưng là Ðức Vô Nhiễm Nguyên Tội, và ngài muốn xây một nhà thờ ở đây. Nhiều giới chức dân sự tìm cách đóng suối nước lại và trì hoãn công việc xây cất nhà thờ, nhưng ảnh hưởng và tiếng vang đã thấu đến tai Hoàng Hậu Eugenie nước Pháp, vợ của Napoleon III, do đó việc xây cất được tiến hành tốt đẹp. Ðám đông lại quy tụ về Lộ Ðức, không bị phiền hà bởi các giới chức chống đối tôn giáo và hàng giáo sĩ.
Vào năm 1866, Bernadett được gửi vào dòng Nữ Tu Ðức Bà ở Nevers. Ở đây, sơ trở nên một phần tử của cộng đoàn, và bị sơ giám đốc đệ tử đối xử rất tệ hại. Sự bất nhẫn ấy chỉ chấm dứt khi họ khám phá rằng sơ Bernadette đang chịu đau khổ vì một căn bệnh bất trị. Sơ từ trần ở Nevers vào ngày 15 tháng Tư 1879, khi mới 35 tuổi.
Lộ Ðức đã trở nên trung tâm hành hương lớn nhất thế giới, và suối nước nhỏ bé ấy hàng ngày vẫn cung cấp nước cho khách thập phương từ khắp nơi trên thế giới.
Sơ Bernadette được phong chân phước năm 1925, và được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1933.

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét