Chúa Nhật 2 Quanh Năm Năm B
Bài Ðọc
I: 1 Sm 3, 3b-10. 19
"Lạy
Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".
Trích sách
Samuel quyển thứ nhất.
Ngày ấy,
Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel;
cậu trả lời: "Này con đây", rồi chạy đến Hêli và nói: "Này con
đây, vì thầy gọi con". Hêli trả lời: "Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ
đi". Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy,
chạy đến Hêli và nói: "Này con đây, vì thầy gọi con". Hêli trả lời:
"Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi". Samuel chưa nhận ra
Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu
chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: "Này con đây, vì thầy gọi con". Hêli
biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: "Hãy đi ngủ, và nếu Người còn
gọi con, thì con nói rằng: 'Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang
nghe'". Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như
những lần trước: "Samuel, Samuel!" Và Samuel thưa: "Lạy Chúa,
xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".
Phần
Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào
của Chúa.
Ðó là lời
Chúa.
Ðáp Ca:
Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1)
Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con,
Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. -
Ðáp.
2) Hy sinh
và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi
lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến".
- Ðáp.
3) Như
trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và
pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.
4) Con đã
loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy
Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.
Bài Ðọc
II: 1 Cr 6, 13c-15a, 17-20
"Thân
xác anh em là chi thể của Chúa Kitô".
Trích thư
thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em
thân mến, thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác.
Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại.
Anh em
không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với
Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều
ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không
biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh
em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao?
Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa
trong thân xác anh em.
Ðó là lời
Chúa.
Alleluia:
Mt 11, 23
Alleluia,
alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, Chúa đáng chúc tụng, vì đã mạc khải cho
các trẻ nhỏ biết những mầu nhiệm nước trời. - Alleluia.
( Video này của Lm. An-tôn NGUYỄN CAO SIÊU sj. trên www.dongten.net )
Phúc Âm:
Ga 1, 35-42
"Họ
xem chỗ Người ở, và ở lại với Người".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy,
Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu
đang đi mà nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói,
liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì
nói với họ: "Các ngươi tìm gì?" Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa
là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người đáp: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến
và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê, em
ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa
Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp
Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô". Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa
Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi
là Kêpha, nghĩa là Ðá".
Ðó là lời
Chúa.
Suy Niệm:
Qua lời giới
thiệu của Gioan, hai môn đệ của ông đã đi theo Ðức Giêsu. Anrê, một trong hai vị
tiên khởi, sau khi đã gặp được Ðức Giêsu rồi lại giới thiệu cho em mình là
Simon Phêrô. Philíp cũng giới thiệu cho Natanaen sau khi ông đã đi theo Chúa.
Ðộng lực
thúc đẩy người môn đệ đi làm chứng là tình yêu Ðức Giêsu, sau khi đã gặp được
Ngài.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu, lời Ngài truyền cho chúng con: hãy làm chứng nhân cho Thầy. Chúa ơi, làm
sao có thể chúng con thực thi được mệnh lệnh này nếu chúng con chưa một lần gặp
Chúa? Làm chứng cho Chúa không phải chỉ bằng lời nói vô nghĩa, nhưng phải có nội
dung nơi chính tâm hồn đã cảm nghiệm. Xin Ðấng Phục Sinh tỏ mình ra cho chúng
con để chúng con có thể giới thiệu về Ngài. Amen.
Suy Niệm:
Chúa Nhật II Thường Niên Năm B
Chúng ta đọc: 1Samuel 3,3b-10.19; Thư 1 Corintô
6,13c-15a.17-20; Tin Mừng Yoan 1,35-42
Bài
đọc I kể truyện Chúa gọi Samuel. Và bài Tin Mừng nói đến việc Chúa Yêsu chọn những
tông đồ đầu tiên. Như vậy đủ để chúng ta có thể gọi Chúa nhật này là ngày ơn gọi,
hay ngày thiên triệu. Và trong chiều hướng ấy chúng ta sẽ thấy bài thư Phaolô rất
ý nghĩa.
Tuy
cả ba đều nói về ơn gọi, nhưng mỗi bài Kinh Thánh hôm nay lại nhìn vấn đề một
cách khác. Và chúng ta sẽ được một giáo huấn phong phú về ơn gọi, sau khi tìm
hiểu quan điểm của ba bài đọc.
1. Ơn Gọi Trong Cựu Ước
Bài
sách Samuel không đơn giản đâu. Thoạt nghe, chúng ta cảm tưởng như đây là một
câu truyện. Tác giả kể rất khéo. Lời văn lưu loát. Bố cục hấp dẫn. Nhưng phân
tích, người ta sẽ thấy đây không phải là một áng văn chương, nhưng là một bài
thần học. Nó được viết vào khoảng thế kỷ thứ 9 hay thứ 8 trước Thiên Chúa giáng
sinh; và như vậy cũng phải sau thời Samuel tới một, hai thế kỷ. Nghĩa là người
ta đã thấy Samuel sống và đã có giờ để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời của ông ở
trong Dân Chúa. Một hai trăm năm suy nghĩ như vậy tự nhiên dễ thần tượng hóa
nhân vật mà người ta ngưỡng mộ. Và nhất là được viết vào khoảng thế kỷ 9 hoặc
8, tức là vào thời đại các tiên tri, câu truyện kể hôm nay đã phải chịu ảnh hưởng
rất nhiều của phong trào tiên tri ở trong dân Dothái. Chúng ta có thể nói được
rằng: sống ở thời các tiên tri, người ta đã lấy giáo lý của các tiên tri về ơn
gọi để viết lại cuộc đời của Samuel mà người ta coi như là một trong những tiên
tri đầu tiên.
Chứ
thật ra, Samuel là người thế nào? Ðọc lại các câu truyện viết về cuộc đời của
ông có lẽ chúng ta được phép hình dung ông là một tư tế, một thẩm phán và cuối
cùng một bậc tiên tri.
Thật
vậy, ngay bài Thánh Kinh hôm nay cũng muốn giới thiệu ông ở trong truyền thống
và hàng ngũ các thầy tư tế Êli. Sách thánh viết: bấy giờ Samuel lo việc phụng sự
Yavê dưới sự trông nom của Êli. Và chúng ta có thể hình dung Samuel bấy giờ là
cậu bé vận áo trúc bâu (2,18), ở với thầy Êli là một tư tế già nua, trông coi một
đền thờ nhỏ ở Silô. Nói rõ rệt hơn, Samuel bấy giờ là một chú bé giúp lễ, nhưng
đồng thời cũng sống trong nhà Cha sở, bởi vì mẹ cậu đã hứa dâng con lo việc nhà
Chúa trước khi sinh cậu ra. Và lớn lên, Samuel cũng đã trở thành một tư tế theo
kiểu thầy Êli. Người ta đã thấy ông chủ sự nhiều buổi dâng lễ cho Thiên Chúa
(7,9; 9,13; 11,15; 13,8-15). Và đặc biệt chúng ta còn nhớ truyện ông đến nhà
Yessê, Cha của Ðavít (16)� Thấy ông tới, các kỳ mục trong
thành Bêlem đã ra đón và hỏi ông: "Ngài đến, phải chăng là bình an?".
Ông nói: "Bình an! Tôi đến để tế lễ cho Yavê. Các người hãy thanh tẩy mình
đi và sẽ đến dự lễ với tôi". Do đó rõ ràng ông là một tư tế.
Nhưng
đồng thời ông cũng là một thẩm phán ở thời Dothái chưa có vua. Chính ông đã hướng
dẫn dân chống lại quân Philitin. Và khi Kinh Thánh viết ông đã phân xử mọi việc
cho dân không những ở Micpa (7,6) mà còn trong suốt cả đời ông (7,15). Ngay việc
thiết lập chế độ quân chủ ở nước Dothái cũng phải đi qua ông. Ông xức dầu phong
vương cho Saolê, nhưng dân vẫn sợ uy tín của vị thẩm phán mà họ biết chắc vẫn
là "người của Thiên Chúa".
Từ
ngữ này dần dần đã có một ý nghĩa rõ rệt. Nó chỉ các tiên tri, những người được
Thiên Chúa thông đạt các ý định của Người để đến với dân. Dân tin họ hơn hết.
Và vì thế dần dần vai trò tư tế và hoàng đế phải nhường bước cho các nhà tiên
tri về mặt uy tín.
Ðối
với Samuel cũng vậy, dần dần người ta không còn để ý nhiều đến sứ mệnh tư tế và
thẩm phán của ông nữa; và người ta chỉ còn nhớ ông là tiên tri. Bài tường thuật
của ông nằm trong chiều hướng đó. Nói đúng hơn, người ta đã lấy quan niệm về ơn
gọi tiên tri để thuật lại việc ông được Chúa chọn để làm việc cho Người. Và
quan niệm đó rất sâu sắc.
Trước
hết, chính Chúa đi bước trước. Người chiếu cố kẻ Người chọn. Samuel bấy giờ
chưa biết Chúa. Lời Chúa chưa mạc khải ra cho cậu. Nghe tiếng Chúa gọi mà cậu vẫn
tưởng là thầy Êli gọi mình. Thân phận cậu lúc bấy giờ có ra gì: Một đứa bé ở
giúp việc thầy tư tế. Cái thân phận hèn mọn ấy nói lên một khía cạnh thứ hai
trong ơn gọi: Chúa là Ðấng Cao cả thường tuyển chọn những khí cụ tầm thường để
làm việc cho Người. Ðó đã là một nét nghịch thường. Nhưng còn lạ lùng hơn nữa:
các khí cụ tầm thường kia lại được Ðấng Cao cả dùng để làm nhiều việc kỳ diệu.
Sứ mệnh của Samuel không lớn lao sao! Cậu được trao phó sứ điệp trọng đại khiến
khi nghe biết Êli phải cúi đầu vâng mệnh. Còn toàn dân thì tin rằng: Lời Chúa
bây giờ ở với Samuel. Mà Lời Chúa đối với dân là tất cả kế hoạch mầu nhiệm, lớn
lao mà Chúa thi hành cho toàn dân cũng như cho tương lai của các dân tộc. Nhất
là khi Lời Chúa lại được mạc khải nơi đền thờ và cho những người đang phục vụ
bàn thờ. Nó sẽ ghê gớm cho kẻ tội lỗi nhưng chắc chắn sẽ ban bình an và an ủi
cho những người lành thánh. Cụ thể, nó sẽ hạ kẻ cường quyền và nâng những người
phận nhỏ lên. Bởi vì từ khi trao phó công việc trông coi vũ trụ cho loài người,
Thiên Chúa chỉ can thiệp vào lịch sử để cứu vớt, tức là tiêu diệt sự dữ đã
hoành hành quá mức và giải phóng con người khỏi lầm than.
Mọi
ơn gọi đích thực trong Cựu Ước đều được mô tả như trên. Và để làm nổi tính cách
siêu nhiên của những ơn gọi này, Cựu Ước còn có thói quen hình dung những kẻ được
chọn là con của gia đình son sẻ nhưng đạo đ�ức. Họ là tặng
vật của Thiên Chúa nhân ái và toàn năng, chứ không phải là con cái của loài người.
Trường hợp của Samuel là một thí dụ. Chính vì muộn màng, son sẻ mà mẹ ông đã
khóc lóc cầu xin và đã khấn hứa nếu hạ sinh được đứa con nào bà sẽ dâng nó để
lo việc nhà Chúa. Như vậy bà đã thụ thai, và Samuel trở thành người của Chúa.
Người
ta đã suy nghĩ nhiều về cuộc đời của ông. Và tác giả bài Kinh Thánh hôm nay đã
đúc kết lại tâm tư của nhiều thế hệ dân Chúa. Tác giả thấy ơn gọi Samuel là
hình ảnh của chính ơn gọi dân Chúa nói chung và mỗi người nói riêng. Chúa đã
không kêu gọi mọi người từ thân phận hèn mọn sao? Người thật đã tỏ ra rộng lượng
và nhân ái� Người trao sứ mệnh cao cả cho hết thảy miễn là ai ai cũng
phải bắt chước Samuel "không để rơi xuống đất một lời nài Người đã
phán" (3,19). Bài học của Cựu Ước thật rất thâm trầm.
2. Ơn Gọi Trong Tân Ước
Thánh
Yoan trong bài Tin Mừng hôm nay cũng muốn nói về ơn gọi. Câu truyện người kể có
vẻ như đã được quay phim tại chỗ, khi sự việc xảy ra. Nhưng chỉ cần thấy rằng
không bao giờ Tin Mừng Yoan còn kể lại việc Chúa chọn Tông đồ ở một đoạn nào
khác nữa, cũng đủ để chúng ta chắc chắn ở đây Yoan đã muốn làm một cuộc tổng hợp.
Người muốn thu gọn một lần Chúa chọn môn đồ vào chỗ này để nói một lần cho
xong, trước khi Chúa Yêsu bắt đầu đi hoạt động truyền giáo. Và như vậy, trong
đoạn Tin Mừng này, Yoan cũng muốn trình bày quan niệm của người về ơn gọi.
Ơn
gọi vẫn còn là hành vi chiếu cố của Chúa. Nó do Người khởi xướng. Nó từ trời đến
với con người và vì thế người ta có lý khi dùng danh từ "thiên triệu".
Tuy nhiên, ngày xưa tiếng Chúa thường nói trong sấm chớp và thị kiến hoặc mộng
mị; còn ngày nay Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Vì thế, tiếng gọi
đã đi qua con người.
Những môn đệ đầu tiên đã nghe lời Yoan
giới thiệu. Ðó không phải là lời thường, nhưng là lời của một chứng nhân, của một
người có đức tin sâu sắc. Yoan trỏ vào Ðức Yêsu và nói với môn đệ: "Này là
Chiên của Thiên Chúa". Chắc chắn họ đã không nhận ra ngay mọi sự phong phú
trong lời giới thiệu này. Phải đợi khi Ðức Yêsu chịu chết như người đau khổ và
như chiên vượt qua bị sát tế, người ta mới hiểu được nội dung của lời Yoan. Các
môn đệ bấy giờ chưa hiểu được như vậy. Nhưng bây giờ, muốn theo Chúa, chúng ta
phải hiểu như thế. Và bây giờ ai muốn theo Chúa phải vác thập giá của mình và
phải đi qua con đường hẹp mà Ðức Kitô đã đi.
Tuy nhiên, được lời giới thiệu khác
thường của Yoan và nghĩ rằng Yoan muốn nói Ðức Yêsu là "Ðấng phải đến",
hai môn đệ đã đi theo Người. Họ đi theo vì đã nghe và đã tin vào một lời chứng.
Mọi ơn gọi đều khởi sự từ khi nghe được tiếng gọi. Và mọi ơn gọi trong Tân Ước
chỉ hình thành khi có lòng tin vào lời chứng. Nhưng nghe và tin vẫn chưa đủ.
Người ta phải có hành động diễn tả niềm tin để chứng tỏ sự dứt khoát và quyết
liệt. Thế nên, bài Tin Mừng đã nói: họ đã đến và đã thấy nơi Ngài ngụ và họ đã
ngụ lại với Ngài. Yoan đã cân nhắc mọi từ ngữ ông dùng. Ông dùng các động từ
"thấy" và "ngụ", là những từ ngữ rất đặc biệt và phong phú
trong tác phẩm của ông. Ðối với ông, "thấy" là khám phá ra, là biết một
cách sâu xa thân mật; và "ngụ" là kết hợp, là "ở với", là
khắng khít. Theo Yoan, ơn gọi là tin, là biết, là mến Chúa Yêsu, là mật thiết kết
hợp với Ngài, là ở (hay ngụ) lại nơi Ngài và Ngài ở hoặc ngụ lại nơi ta. Không
phải tạm thời, nhưng bền vững, mãi mãi vì sách Yoan viết: họ đã ngụ lại với
Ngài suốt ngày hôm ấy.
Tiếp theo, họ đã ra đi� để nối dài ơn gọi của họ. Anrê đã gặp
em mình trước hết. Ông nói lên niềm tin cua mình vào Ðức Kitô. Nhưng ông để cho
em tiếp xúc với Người. Và chính nhờ việc tiếp xúc này, người em cũng như anh
mình trước đây đã được niềm tin vào Chúa Yêsu. Mấu chốt của ơn gọi, theo Yoan
như vậy là việc gặp gỡ, khám phá ra Ðức Kitô và ngụ lại với Người.
Do đó, quan niệm của Yoan về ơn gọi
thâm thúy hơn quan niệm của bài sách Samuel. Nhưng chúng ta không thể bảo là
hai quan niệm đó khác nhau. Trước kia, Samuel đã nghe Lời Chúa và không để một
lời nào rơi xuống đất; ngày nay Lời Chúa đã hiện thân làm người. Ai nghe tiếng
gọi cũng phải gắn bó với Người và không được sống tách khỏi Người.
Thế mà có những kẻ được gọi mà lại muốn
tách khỏi Chúa. Ðó là điều mà thánh Phaolô muốn cảnh cáo người ta trong thư gửi
người Côrintô.
3. Hãy Bảo Toàn Ơn Gọi
Côrintô là một đô thị hỗn tạp. Nằm
trên trục giao thông, nó là nơi tấp nập để trao đổi hàng hóa, tư tưởng và cả
thân xác nữa� Cuộc sống phóng túng, sắc dục
được coi như là tự do và tự nhiên. Ðó không phải là một nhu cầu sao? Nếu nhu cầu
ăn uống là tự nhiên thì vì sao lại cấm nhu cầu sinh lý? Phaolô phản đối lý luận
này. Không thể coi nhu cầu sinh lý như nhu cầu ăn uống. Ăn uống là để nuôi thân
xác. Nhưng thân xác để làm gì?
Người có đức tin không thể quên xác thịt
sẽ sống lại. Ðó là nét độc đáo của Kitô giáo. Người tín hữu đã tin Ðức Kitô phục
sinh thì không thể quên rằng thân xác đã có định mệnh mới là sự sống đời sau.
Và niềm tin này không cho phép người ta làm ô uế xác thịt.
Hơn nữa hiện nay thân xác của họ cũng
đã có một ơn gọi khác rồi. Là Kitô hữu, họ đã gắn bó với Chúa Kitô và trở nên
chi thể của Người. Làm sao họ còn có thể giựt thân xác lại và đem ném cho phường
đĩ điếm? Kẻ làm như vậy rõ ràng là kẻ bất trung, bất tín.
Nó còn xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì
thân mình của họ sau ngày lãnh nhận ơn gọi Kitô hữu, và trở thành đền thờ của
Thánh Thần. Thế nên ai ý thức ơn gọi của mình chỉ còn cách hãy "tôn vinh
Thiên Chúa nơi thân thể của mình".
Ðiều
này cho chúng ta thấy quan niệm của thánh Phaolô về ơn gọi thật là sâu sắc.
Không cần nói đến ơn gọi linh mục hay tông đồ; ngay thiên triệu làm Kitô hữu
cũng đã hiến dâng cả thân xác con người cho Thiên Chúa. Người ta phải hoàn toàn
sống cho Người và gắn bó với Người. Không những tâm hồn người ta mà phải quy về
Chúa, mà cả thân xác cũng đã thuộc về Ðấng kêu gọi họ.
Ðó
là lý tưởng; nhưng đồng thời cũng là đòi hỏi. Khó khăn thật bởi vì bản tính
loài người yếu đuối. Nhưng chúng ta quên rồi ư: Chúa đã gọi Samuel hồi còn bé mọn
và Người vẫn chọn những khí cụ tầm thường. Sức mạnh của Chúa sẽ thi thố nhiều
việc kỳ diệu nơi bản tính mỏng dòn khi người ta lắng nghe lời Chúa mà không để
lời nào rơi xuống đất như Samuel. Và nhất là người ta phải bắt chước các môn đệ
đầu tiên của Ðức Yêsu: có lòng tin đi đến với Người, xem thấy Người và ở lại với
Người.
Sự
gắn bó mật thiết kết hiệp với Người sẽ khiến chúng ta biết tận hiến tất cả đời
sống, tâm hồn và thân xác để lo việc Chúa là thánh hóa trần gian này. Khi ấy,
Thánh Thần sẽ mạnh mẽ ở nơi chúng ta và chúng ta sẽ là người của Chúa. Tất cả
vì thế tùy thuộc ở việc chúng ta hiệp nhất với Chúa, mà thánh lễ đây là cơ hội
tốt đẹp nhất. Chúng ta hãy dâng lễ sốt sắng để mật thiết hơn với Chúa hầu có khả
năng sống ơn gọi Kitô hữu hiệu nghiệm hơn.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
15/01/2012 CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – B
Ga 1,35-42
*****
CUỘC GẶP GỠ ĐỔI ĐỜI
Họ đã đến xem chỗ Người và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó vào
khoảng giờ thứ mười. (Ga 1,39b)
Suy niệm: Cuộc sống xã hội được dệt bằng những cuộc gặp gỡ. Có những
cuộc gặp gỡ hời hợt, vô nghĩa và sớm rơi vào quên lãng. Có cuộc gặp gỡ mà sau
đó, làm cho mình nghèo nàn hơn. Nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ có vẻ như tình
cờ nhưng lại đầy ý nghĩa làm chúng ta giàu hơn và biến đổi hẳn cuộc đời mình. Lần
gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giêsu và Anrê, Gioan và sau đó với Phêrô là những cuộc
gặp gỡ đổi đời tuyệt vời đó. Các ông đã Đến, Xem và Ở Lại với Chúa; các ông đã
cảm nhận được hạnh phúc, bình an và khám phá ra rằng mình không thể sống mà thiếu
vắng Ngài. Cuộc gặp gỡ hôm ấy đã biến đổi hẳn cuộc đời các ông: các ông đã trở
thành môn đệ Đức Kitô, tiếp bước theo sát từng bước chân Ngài đi.
Mời Bạn: Hãy tự hỏi ai hay điều gì đang ảnh hưởng sâu đậm trên đời
bạn: Có phải là Đức Giêsu? Hay đó là tiền bạc, danh vọng, quyền lực, lạc thú và
ngay cả kiến thức, trí tuệ đang cầm chân bạn, khiến bạn không còn tự do để “đến
mà xem và ở lại với Người”? Mời bạn đến với Ngài trong Bí tích Thánh Thể và
trong Lời của Người để bạn cảm nghiệm niềm vui được ở với Chúa và được đổi mới,
rồi đến lượt bạn, bạn cũng sẵn sàng giới thiệu Chúa cho người khác và dẫn họ đến
với Ngài.
Sống Lời Chúa: Sống thân thiện, yêu thương với những người chúng
ta gặp gỡ và dành những phút thinh lặng trong ngày để tâm sự với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con mỗi ngày được gặp gỡ thân
tình hơn với Chúa, để Chúa biến đổi con, và con sẵn sàng giới thiệu Chúa cho
người sống chung quanh con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật II Thường Niên; 1Sm 3, 3b-10.19; 1Cr 6, 13c-15a.17-20;
Tin Mừng Ga
1, 35-42.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu nhìn ông
Si-mon và nói: “Anh là Si-mon, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha.” (tức
là Phêrô) (Ga 1,42b).
Chúa Giêsu, Ngài nhìn Thánh Phêrô. Qua sự giới thiệu của Anrê. Từ tên Si-mon được
Chúa Giêsu đổi thành Kê-Pha. Trong Cưu Ước, việc Thiên Chúa đổi tên cho môt người
nói lên sự tương quan của con người đó đối với Ngài, Như Ápram được Thiên Chúa
gọi theo Ngài để trở thành cha một dân tộc đông như sao trên trời như cát dưới
biển, khi ông vâng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, Ngài đã đổi tên ông thành
Ápraham. Cũng như sau này, trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai, trên đường Đa-mát,
Phao-lô ngã ngựa từ tên Sa-un được đổi thành Sao-lô. Dưới cái nhin của Chúa
Giêsu về một ai, Ngài sẽ dùng đúng công việc của Ngài. Như đối với Phêrô,
ông là một ngư phủ, nhưng đối với Chúa, ông sẽ là tảng đá, để Ngài xây dựng Hội
Thánh của Ngài. Đối với Phao-lô, một người nhiệt thành bắt đạo, nhưng với Chúa
Giêsu: “vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân
ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en” (Cv 9,15). Chúng ta hãy mạnh dạn đến
trước mặt Ngài xin phó dâng cả thân xác và tâm hồn của mình trong tay Ngài, xin
Ngài dùng như là một công cụ trong ý định của Ngài. Chắc chắn chúng ta sẽ được
hạnh phúc.
Mạnh Phương
++++++++++++++++
15 Tháng Giêng
Bình An Cho Các Con
Có lần người ta hỏi đại thi hào Dante của nước
Italia rằng: đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống. Bậc
vĩ nhân đã trả lời như sau: "Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai
cũng tìm kiếm: đó là sự bình an".
Ðó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người
quá cố: trên bia mộ nào, chúng ta cũng luôn ghi lời cầu xin: xin cho họ được an
nghỉ nghìn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại thế này, chúng ta sẽ không
bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những phút giây cuối đời, Chúa
Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: "Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ
bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con".
Thế giới của chúng ta dường như chưa bao
giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khoảnh
khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.
Trước Chúa Kitô 600 năm tai Roma, một đền
thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta đã lấy tên để đặt
cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của toàn dân trong đế quốc La Mã, đền
thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình. Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa
của đền thờ này chỉ được mở trong ba giai đoạn ngắn ngủi. Cánh cửa Hòa Bình
đóng mãi đối với con người ở mọi thời đại. Thời đại nào thế giới cũng mong đợi
hòa bình, thời đại nào con người cũng mong đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa Bình
ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người suốt đời chỉ gieo rắc chiến
tranh và đau thương cho người khác. Chúng ta thích khung cảnh tịch mịch thư
thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước
buổi chiều tà êm ả, chúng ta yêu thích những cánh hoa tươi mát v.v… Chúng ta
thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản trước những hoàn cảnh xáo trộn.
Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người
hiền lành.
Chúa Giêsu đã nói đến hai chữ bình an
không biết bao nhiêu lần. Ngày Ngài sinh hạ, các Thiên Thần loan báo sứ điệp của
bình an. Ngài là Vua của những người xây dựng Hòa Bình.
Thánh Phaolô luôn mở đầu và chấm dứt các
lá thư của Ngài bằng những lời cầu chúc bình an nồng nhiệt nhất.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật II Thường Niên, Năm B
Bài đọc: I Sam 3:3-10, 19; I Cor
6:13-15, 17-20; Jn 1:35-42.
1/ Bài đọc I:
3 Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en
đang ngủ trong đền thờ ĐỨC CHÚA, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. 4 ĐỨC CHÚA gọi
Sa-mu-en. Cậu thưa: "Dạ, con đây! "5 Rồi chạy lại với
ông Ê-li và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy
không gọi con đâu. Con về ngủ đi." Cậu bèn đi ngủ.6 ĐỨC
CHÚA lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: "Dạ,
con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con
về ngủ đi."7 Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết ĐỨC CHÚA, và lời ĐỨC
CHÚA chưa được mặc khải cho cậu.8 ĐỨC CHÚA lại gọi Sa-mu-en lần
thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi
con." Bấy giờ ông Ê-li hiểu là ĐỨC CHÚA gọi cậu bé.
9 Ông Ê-li nói với Sa-mu-en: "Con về ngủ
đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi
tớ Ngài đang lắng nghe." Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình.
10 ĐỨC CHÚA đến, đứng đó và gọi như những lần
trước: "Sa-mu-en! Sa-mu-en! " Sa-mu-en thưa: "Xin Ngài phán, vì
tôi tớ Ngài đang lắng nghe."
19 Samuen lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người
không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.
2/ Bài đọc II:
13 Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức
ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người
không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. 14 Thiên Chúa đã làm
cho Chúa Ki-tô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm
cho chúng ta sống lại.15 Nào anh em chẳng biết rằng thân xác
anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Ki-tô
mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!17 Ai
đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.
18 Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội
người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính
thân xác mình.
19 Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác
anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là
Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về
mình nữa, 20 vì
Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên
Chúa nơi thân xác anh em.
3/ Phúc Âm:
35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai
người trong nhóm môn đệ của ông. 36 Thấy
Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên
Chúa." 37 Hai
môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. 38 Đức
Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế?
" Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? " 39 Người bảo họ:
"Đến mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.
Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.40 Ông An-rê, anh ông Si-môn
Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. 41 Trước hết, ông gặp
em mình là ông Si-môn và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a" (nghĩa
là Đấng Ki-tô). 42 Rồi
ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói:
"Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha" (tức là
Phê-rô).
CHỦ ĐỀ:
Nhận ra thánh ý Thiên Chúa
Thiên Chúa có thể mặc khải trực tiếp cho một người hay qua trung gian của người
khác.Để nhận ra ý định của Thiên Chúa, nhiều khi con người cần cả ba: Thiên
Chúa, người trung gian, và chính đương sự. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy
những trường hợp con người có thể nhận ra ý định của Thiên Chúa.
Trong Bài đọc I, Thiên Chúa gọi con trẻ Samuel 3 lần giữa đêm tối trong Đền Thờ,
và Samuel đã nhận ra tiếng của Thiên Chúa qua sự giúp đỡ của Thầy Cả Eli. Trong
Bài Đọc II, qua sự dạy dỗ của Thánh Phaolô, chúng ta nhận ra phẩm giá của thân
xác và phải biết quí trọng nó, vì thân xác chúng ta là một phần chi thể của Đức
Kitô, và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả chỉ đường
cho hai môn đệ thân tín của mình theo Chúa Giêsu. Anrê, sau khi đã gặp được
Chúa, dẫn em mình là Phêrô đến gặp Chúa Giêsu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Con
trẻ Samuel được Thầy Cả Êli hướng dẫn để nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa.
Cuộc đời con trẻ Samuel đặc biệt từ khi chưa ra đời. Mẹ của Samuel là Bà Hanna,
Bà son sẻ và chịu sự khinh bỉ của người đời vì không có con một thời gian lâu
dài. Bà khấn hứa với Thiên Chúa: nếu Ngài ban cho Bà một đứa con, Bà sẽ dâng
con trẻ lại cho Thiên Chúa để nó phục vụ trong Đền Thờ luôn. Thiên Chúa đã nhận
lời cầu xin của Bà và cho Bà có con trai. Tên Bà đặt cho con trẻ, Samuel, có
nghĩa là “quà tặng của Thiên Chúa.” Giữ lời đã hứa với Thiên Chúa, khi con trẻ
dứt sữa, Bà mang con và lễ vật hy sinh đến dâng cho Thầy Cả Êli trong Đền Thờ
Thiên Chúa tại Shiloh . Sau khi từ giã mẹ, con
trẻ Samuel ở luôn trong Đền Thờ từ ngày đó, cho đến khi xảy ra biến cố “Chúa gọi
Samuel” hôm nay.
(1) Thiên Chúa gọi Samuel ba lần: Trình thuật kể: “Đèn của Thiên Chúa chưa tắt
và Samuel đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức
Chúa gọi Samuel. Cậu thưa: "Dạ, con đây!" Rồi chạy lại với ông Êli và
thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông bảo: "Thầy không gọi con
đâu. Con về ngủ đi." Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Samuel lần nữa.
Samuel dậy, đến với ông Êli và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi con." Ông
bảo: "Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi." Bấy giờ Samuel
chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại gọi
Samuel lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Êli và thưa: "Dạ, con đây, thầy gọi
con." Thiên Chúa gọi con người nhiều lần, nhưng con người có biết lắng
nghe để nhận ra tiếng Chúa gọi hay không là chuyện khác. Sự ồn ào của thế gian
và sự mải mê chạy theo những tiếng gọi khác là những lý do ngăn cản không cho
con người nhận ra tiếng Chúa gọi.
(2) Thầy Cả Êli giúp Samuel nhận ra và đáp lại tiếng Chúa: Bấy giờ ông Êli hiểu
là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông Êli nói với Samuel: "Con về ngủ đi, và hễ có
ai gọi con thì con thưa: "Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang
lắng nghe."
(3) Samuel đáp trả tiếng Chúa gọi: Được sự hướng dẫn của Thầy, nên khi nghe
Thiên Chúa gọi lần thứ ba, Samuel mau mắn thưa: "Xin Ngài phán, vì tôi tớ
Ngài đang lắng nghe." Kể từ khi nhận ra tiếng Chúa, Samuel tiếp tục đàm đạo
với Chúa nhiều lần. Samuel lớn lên, Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một
lời nào của Người ra vô hiệu.
Mấy điều chúng ta có thể học nơi con trẻ Samuel: (1) Đền Thờ là nơi dễ nhận ra
tiếng Thiên Chúa gọi, vì là nơi tĩnh mịch và xa cách những ồn ào của thế gian.
Samuel phục vụ nơi Thánh Điện và ngủ trong Đền Thờ tại Shiloh ;
(2) Mỗi lần nghe tiếng gọi là mỗi lần mau mắn đáp trả, dù chưa nhận ra là tiếng
của Thiên Chúa. Mỗi biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời mỗi người là Thiên
Chúa đang muốn nói gì với cá nhân đó. Để nhận ra, đương sự cần có thời giờ suy
nghĩ và cầu nguyện; (3) Bàn hỏi với vị linh hướng và theo sự chỉ bảo của ngài.
Samuel chạy đến với Thầy mình, để xin sự hướng dẫn, và Samuel thực hành những
gì Thầy dạy.
2/ Bài đọc II: Thân
xác con người quan trọng và cần thiết để làm việc cho Thiên Chúa.
Chúng ta biết hầu hết các Thư viết bởi Phaolô là để trả lời cho những vấn nạn
đang xảy ra trong những cộng đòan do Ngài thiết lập. Vấn nạn hôm nay là việc
gian dâm, mà có một số người trong cộng đòan Côrintô không cho là tội. Theo một
số các triết gia Hy-Lạp, thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn. Vì thế, có 2 lối
sống là hệ quả của quan niệm này: (1) khổ chế: hành hạ thân xác bằng ăn chay
nghiệm nhặt và đánh đập thân xác để chế ngự nó; và (2) buông thả: vì thân xác
không quan trọng trong việc giải thóat con người, nên cứ việc tự do hưởng thụ
khóai lạc. Thánh Phaolô phải đương đầu với lối sống thứ hai này; ngài khuyên
các tín hữu Corintô phải tránh xa tội gian dâm vì 2 phẩm giá của thân xác.
2.1/ Thân xác anh em là một phần thân thể của Đức Kitô: Thần học về thân thể Đức
Kitô là một trong những chủ đề chính của Thư Phaolô. Theo thần học này, các
Kitô hữu là những chi thể của thân thể Đức Kitô; vì thế, tất cả các tín hữu đều
có bổn phận phải bảo vệ thân thể cho nguyên vẹn, vì một chi thể đau là tòan
thân đều cảm thấy đau lây. Dựa vào nguyên lý này, Phaolô kết luận, thân xác con
người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa. Ngài hướng dẫn họ:
- Thân xác con người sẽ bị hủy diệt: “Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho
thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người
không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác.”
- Thân xác con người sẽ được Thiên Chúa cho sống lại: “Thiên Chúa đã làm cho
Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho
chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể
của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của
người kỹ nữ sao? Không đời nào! Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với
Người.” Chuyện kết hợp với ai là nên một thân xác với người ấy; điều này chỉ
cho phép trong liên hệ vợ chồng. Khi chuyện này xảy ra ngòai liên hệ vợ chồng,
kẻ làm chuyện ấy tự tách mình ra khỏi thân thể của Đức Kitô, vì tội lỗi không
thể ở chung với sự thánh thiện trong thân thể của Chúa.
2.2/ Thân
xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần: “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác
anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là
Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về
mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn
vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” Qua Bí-tích Rửa Tội và Thêm Sức, các tín
hữu đã có Chúa Thánh Thần qua việc xức dầu; và Chúa Thánh Thần là Đấng rất mực
thánh thiện vì Ngài là Thiên Chúa. Con người chúng ta không thể sống cho chính
chúng ta nữa, vì chúng ta đã được Thiên Chúa cứu chuộc qua cái chết của Đức
Kitô. Do đó, chúng ta phải sống cho Thiên Chúa và làm vinh quang Ngài qua thân
xác chúng ta.
3/ Phúc Âm: Người
bảo họ: "Đến mà xem!”
3.1/ Gioan giới thiệu Đức Kitô cho 2 môn đệ của ông: “Hôm sau, ông Gioan lại
đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua,
ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa." Khi một người giới thiệu
môn đệ của mình với một Thầy hay hơn mình là chấp nhận mất môn đệ. Gioan không
giữ môn đệ cho mình, ông chỉ cho hai môn đệ đi theo Thầy tốt hơn; vì ông quan
tâm đến lợi ích cho môn đệ chứ không giữ lợi ích cho mình. Mấy ai trong chúng
ta có được thái độ như của Gioan? Chúng ta đã đề cập đến nguồn gốc lịch sử của
câu “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Chúa Giêsu chính là Con Chiên, lễ vật hy sinh để
đền tội cho con người.
3.2/ Phản ứng
của hai môn đệ: Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Hai môn đệ của
Gioan có lẽ ngượng ngùng không biết mở lời làm sao, nên cứ tiếp tục theo đàng
sau Chúa Giêsu. Để dễ dàng cho họ phản ứng, Chúa Giêsu mở lời trước: "Các
anh tìm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở
đâu?"
- Chúng ta có thể nhận ra cả 3 yếu tố quan trọng đều có ở đây: (1) Gioan, người
trung gian chỉ đường cho hai ông đến với Chúa; (2) chính hai ông phải vượt qua
xấu hổ, ngượng ngùng để đi theo Ngài; và (3), Chúa Giêsu mở lời trước để đánh
tan ngượng ngùng lúc ban đầu, và mời gọi hai ông đến và xem.
- Câu hỏi Chúa đặt cho hai ông: “Các anh tìm gì thế?” là câu hỏi nền tảng nhất
trong đời sống con người. Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhận ra
tại sao chúng ta đi tìm hay không đi tìm Thiên Chúa. Nếu câu trả lời là đi tìm
của cải, danh vọng, chức quyền; chúng ta đừng đến với Chúa, vì Ngài sẽ không thỏa
mãn khát vọng của ta. Nếu câu trả lời như của người thanh niên trẻ: “Tôi phải
làm gì để đạt được cuộc sống đời đời?” Hảy đến với Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta
tìm ra câu trả lời.
3.3/ Lời mời gọi của Đức Kitô: Người bảo họ: "Đến mà xem." Họ đã đến
xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
- Người khác có thể nói về Chúa cho chúng ta nghe, hay giới thiệu chúng ta đến
với Chúa; nhưng để nhận ra Chúa là ai, chúng ta cần kinh nghiệm của cá nhân
chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta có được kinh nghiệm cá nhân biết Chúa, lúc đó
Chúa mới thực sự thuyết phục chúng ta.
- Các môn đệ đáp trả lời mời của Chúa Giêsu; họ đến và ở với Ngài suốt ngày hôm
đó. Giờ thứ mười của Do-Thái là khỏang 4 giờ chiều của chúng ta.
3.4/ Người
nhận ra tiếng gọi theo Chúa trở thành người mời gọi: “Ông Anrê, anh ông Simon
Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước
hết, ông gặp em mình là ông Simon và nói: "Chúng tôi đã gặp Đấng
Messiah" (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức
Giêsu nhìn ông Simon và nói: "Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi
là Kêpha" (tức là Phêrô).”
- Yêu ai thực sự là muốn điều tốt nhất cho người ấy. Anrê đã gặp Đấng Thiên
Sai, và đây là Tin Mừng quan trọng nhất cho những người Do-Thái. Thương em,
Anrê dắt em mình tới giới thiệu với Đức Kitô.
- Phản ứng của Chúa Giêsu khi gặp Phêrô: Vừa gặp lần đầu, Chúa Giêsu đã biết rõ
con người Phêrô là ai, và Ngài đã có sẵn cho ông một sứ vụ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần lắng nghe và nhìn xem để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa.
- Chúng ta cần cả ba: tiếng Thiên Chúa gọi, người trung gian, và chính bản thân
để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không cố gắng, chúng ta sẽ
không bao giờ nhận ra thánh ý của Thiên Chúa.
- Một khi đã nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta có bổn phận phải thi hành
những gì Thiên Chúa dạy.
- Ngòai ra, chúng ta còn phải hướng dẫn và đưa mọi người đến với Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét