Ngày 1 tháng 10
Lễ Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, Tiến Sĩ Hội
Thánh
Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo
Lễ Kính
Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su |
Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c
"Ðây Ta khiến sông
bình an chảy vào nó".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy vui mừng với
Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi
là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no
nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó.
Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con
sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được
ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ
nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy,
lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa
sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa, lòng con
không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc
lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. - Ðáp.
2) Nhưng con lo giữ linh hồn
cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn
con cũng như thế ở trong con. - Ðáp.
3) Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự
bây giờ và cho tới muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: x. Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha
là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu nhiệm nước trời cho
những kẻ bé mọn. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 18, 1-4
"Nếu không hoá nên
như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ đến bên
Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước
Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng:
"Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ
không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn
nhất trong Nước Trời".
Ðó là lời Chúa.
(Lời Chúa trong giờ
kinh gia đình)
Con Ðường Nhỏ
(Mt 18,1-4)
Suy Niệm:
Con Ðường Nhỏ
Ðây quả thật là một sự trùng
hợp hay ho vì chúng ta được dịp suy nghĩ hai lần theo hai biểu tượng khác nhau
về thái độ sống như trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca
nhắc đến chi tiết này: các môn đệ còn suy nghĩ trong lòng xem ai là kẻ lớn nhất
và Chúa Giêsu đã hiểu thấu tâm tư của các ông nên Chúa gọi một trẻ nhỏ đến và
dạy các ông bài học nên giống như trẻ nhỏ. Hôm nay, mùng 1/10, đúng ngày lễ
kính thánh Têrêxa Hài Ðộng Giêsu, Giáo Hội chọn đọc Phúc Âm theo thánh Mátthêu
nói về cùng một vấn đề nhưng trong viễn tượng khác. Theo tác giả Phúc Âm theo
thánh Mátthêu thì các môn đệ không còn suy nghĩ trong lòng nữa nhưng đã tranh
luận với nhau mà không tìm được câu trả lời nên mới đến hỏi Chúa Giêsu:
"Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Hai viễn tượng này
không đối nghịch nhau nhưng bổ túc cho nhau và mô tả cho chúng ta tâm thức quá
ư phàm trần của các môn đệ lúc đó, khi các ngài chưa được Chúa Thánh Thần ngự xuống.
Không những các môn đệ đã suy nghĩ trong lòng mà còn đem ra thành đề tài tranh
luận nữa. Hành động này diễn tả thái độ nội tâm, lòng đã nghĩ xấu rồi, đã có sự
ganh tị rồi nên mới đưa đến sự ganh tị với nhau. Các môn đệ chưa nhận được Chúa
Thánh Thần, chưa được thanh luyện để trở nên con người mới, trở nên như trẻ
nhỏ, có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, trong sạch để làm việc cho Chúa.
Ðọc đoạn Phúc Âm này, chúng
ta lưu ý thêm chi tiết này nữa, đó là Chúa Giêsu không trả lời liền câu hỏi mà
các môn đệ đặt ra: "Ai là kẻ lớn nhất?", nhưng Chúa nói tới việc phải
sống như trẻ nhỏ trước rồi sau đó mới trả lời: "Ai hạ mình xuống như trẻ
nhỏ này thì người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời". Chúa Giêsu không nói
đến địa vị lớn nhỏ nhưng nói về giá trị tinh thần của con người sống như trẻ
nhỏ, dễ dàng gần gũi thân tình với Chúa trước. Chính tình thương và ân sủng của
Chúa mới làm cho con người được cao trọng chứ không phải những công việc do sức
riêng của con người tạo nên.
Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng
Giêsu mà chúng ta mừng lễ hôm nay đã nêu gương cho chúng ta về điểm này khi
thánh nữ đề ra con đường nhỏ để sống thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Cùng với
thánh nữ chúng ta hãy cầu nguyện như sau:
Lạy Chúa của con,
Con muốn biết điều mà Chúa
thực hiện cho kẻ bé nhỏ nhất đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu,
Chiếc thang máy để đưa con
lên đến trời cao là chính đôi tay Chúa, vì thế con không cần lớn lên mà hiện
tại con cần phải ở lại trong tâm tình bé nhỏ, cần phải càng ngày càng trở nên
bé nhỏ hơn nữa.
Lạy Chúa của con,
Chúa đã cho con nhiều hơn
điều con hy vọng là con muốn hát lên chúc tụng tình thương nhân từ của Chúa.
Xin Chúa thương ban cho con một tâm hồn đơn sơ tươi trẻ, luôn tin tưởng phó
thác vào Chúa như trẻ nhỏ phó thác vào cha mẹ và lúc nào cũng sống an vui, chân
thành yêu Chúa và anh chị em.
(Veritas Asia)
01/10/12 THỨ HAI TUẦN 26 TN
Th. Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ HT
Mt 18,1-5
Th. Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ HT
Mt 18,1-5
“Vậy ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người ấy
sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì Danh
Thầy, là tiếp đón chính Thầy”
(Mt 18, 4-5)
Suy niệm: Con đường
nhỏ mà thánh Têrêxa đã đi qua là con đường hoàn toàn tin yêu phó thác vào Tình
Yêu Thiên Chúa như một đứa trẻ tin tưởng phó thác vào cha mẹ mình. Đó là con
đường trân trọng từng việc tầm thường nhất, từng cơ hội nhỏ bé nhất để diễn tả
lòng mến Chúa yêu người bằng tất cả tấm lòng mình. Con đường nhỏ không kiêu
căng, tham vọng nhưng nhìn thấy chính Chúa Giêsu nơi những người bé mọn nhất ở
xung quanh mình. Đó là sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Chúa gọi lại với Ngài một em
bé cách ngẫu nhiên, không tuyển lựa. Một cách nào đó, Chúa Giêsu đã đồng hóa
mình với em bé ấy. Thì ra, Chúa Giêsu ở đây, ở đó, khắp nơi trong đời ta. Ngài
luôn hiện diện sẵn đó, và ta dễ gặp Ngài quá!
Mời Bạn: Hình như
sự so kè hơn thua, cái cao vọng muốn hơn người là cám dỗ muôn thuở, không chỉ
nơi xã hội trần thế mà ngay cả trong các cộng đoàn môn đệ Chúa. Nó làm cho
người ta căng thẳng và, do đó, khổ sở. Nó hoàn toàn đối ngược với con đường nhỏ
của thánh nữ Têrêxa và của chính Chúa Giêsu. Cách tốt nhất để mừng lễ ngài là
xin ngài đưa ta vào con đường nhỏ của ngài.
Sống Lời Chúa: Tôi
tập nhìn ra khuôn mặt Chúa Giêsu và ứng xử với Ngài nơi một anh chị em ở gần
tôi mà cho tới nay tôi vốn không quan tâm mấy.
Cầu nguyện: “Lòng
con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi! Đường cao vọng chẳng
đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131).
Trở lại và trở nên như trẻ thơ
Têrêsa
Hài Đồng Giêsu là một vị thánh được yêu thích, đơn giản chỉ vì Chị đã trở lại
và trở thành như trẻ thơ.
Suy niệm:
“Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại
và trở nên như trẻ thơ,
anh em sẽ chẳng bao giờ được vào Nước Trời” (c.
3).
Đây là một câu nói long trọng của Đức Giêsu.
Như thế điều kiện để được vào Nước Trời là phải
quay trở lại,
và trở nên như trẻ thơ, sống theo tinh thần của
trẻ thơ.
Trở nên như trẻ thơ không phải là trở nên ấu
trĩ, ngây ngô, khờ khạo,
nhưng là khiêm hạ, tin cậy, phó thác cho Thiên
Chúa.
Vì thế thiên đàng có chỗ cho người lớn, người
trưởng thành,
những người đã sống tinh thần của trẻ thơ.
Để trở lại và trở thành như trẻ thơ, cần nhiều
hy sinh từ bỏ.
Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của các môn đệ:
“Ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” (c.
1).
Người lớn nhất chính là người đã hạ mình xuống
như em nhỏ đang đứng ở giữa các ông (c. 2).
Đoạn Tin Mừng này đã gợi cho Chị Têrêsa bí
quyết nên thánh,
mà Chị gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng.
Chỉ cần sống như trẻ thơ là có hy vọng được
nhận vào Nước Trời.
Têrêsa đã kiên trì đi con đường này suốt cuộc
đời ngắn ngủi của Chị.
Và Chị đã nên thánh, đã thu hút bao người đi
con đường này.
Con đường này thật ra cũng chẳng phải là đường
của Chị
cho bằng là con đường của bài Tin Mừng hôm nay.
Chị Têrêsa đã muốn sống cái đơn sơ, nhỏ bé của
trẻ thơ.
“Tôi muốn tìm thấy một cái thang để lên tới Đức
Giêsu,
Vì tôi quá nhỏ bé không lên nổi các bậc trọn
lành.
Lạy Chúa Giêsu, thang chính là cánh tay Ngài.
Con không cần phải lớn lên, ngược lại con phải
nhỏ mãi.”
Têrêsa không nên thánh bằng những việc hãm mình
kinh khủng,
nhưng bằng những hy sinh nho nhỏ, những từ bỏ ý
riêng.
“Ai không có gan đóng đanh mình bằng những
chiếc đanh lớn…
thì phải chịu tử đạo bằng những chiếc ghim
nhỏ.”
Chị tin vào sức mạnh của những việc nhỏ bé được
làm vì yêu.
“Nhặt một cái kim ở dưới đất vì yêu mến,
cũng có thể cải hóa một linh hồn.”
Mối quan tâm duy nhất của Chị là làm vui lòng
Chúa trong mọi sự.
“Tôi vui sướng chịu đựng gian khổ,
ngay cả chỉ để làm Chúa mỉm cười lấy một lần.”
Têrêsa phó thác cho Chúa trong giây phút hiện
tại.
“Nghĩ tới dĩ vãng và bận tâm về tương lai dễ
làm nản chí và thất vọng.
Tôi chịu đựng từng giây phút một.
Chúa trao cho tôi từng lúc điều tôi có thể chịu
đựng, và chỉ thế thôi.”
Têrêsa nói với chúng ta về cách cầu nguyện của
Chị.
“Tôi làm như mấy đứa bé chưa biết đọc.
Tôi nói với Chúa cách đơn sơ điều tôi muốn nói
với Người,
và Người luôn nghe tôi.”
Tuy sống tinh thần trẻ thơ, nhưng Têrêsa lại
mang nhiều ước mơ lớn.
Chị mong được đi truyền giáo khắp nơi, được vào
Dòng Kín ở Hà Nội.
“Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ học cho giỏi tiếng
Híp-ri và tiếng Hy-lạp,
để hiểu tư tưởng của Thiên Chúa, được diễn tả
bằng ngôn ngữ loài người.”
Chắc chắn Têrêsa chẳng bao giờ là linh mục, và
cũng chẳng đi Hà Nội.
Nhưng lòng ao ước khiến Chị đã thực hiện những
điều lớn lao.
Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã tôn Chị làm Tiến Sĩ
Giáo Hội,
dù Chị chưa học xong trung học, và qua đời khi
mới hai mươi bốn tuổi.
Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một vị thánh được yêu
thích,
đơn giản chỉ vì Chị đã trở lại và trở thành như
trẻ thơ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh
được ví như một thân thể
gồm nhiều chi
thể khác nhau,
thì hẳn Hội
Thánh không thể thiếu
một chi thể cần
thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim,
một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu
làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim
Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ
sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo
sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con
đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con
chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của
con trong Hội Thánh:
nơi Trái tim
Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con
sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao
trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa,
với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước
mơ của con được thực hiện.
(dựa theo
lời của thánh Têrêxa)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Nếu
không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".
Sống Lời Chúa
Qua
phần tìm hiểu sáng hôm nay, tôi muốn nhìn thánh nữ Têrêsa như là một mẫu gương
sống Lời Chúa.
Thực
vậy, trước hết thánh nữ Têrêsa rất yêu mến Kinh Thánh, ngài thường mang Phúc Âm
đêm ngày trên ngực và năng đọc Phúc Âm đến nỗi gần như đã thuộc lòng. Mẹ Agnes
de Jésus kể lại rằng: Ngày 12.9.1897, tức là 18 ngày trước khi qua đời, thánh
nữ xin mẹ đọc cho nghe bài Phúc Âm Chúa nhật. Vì không có sách lễ nên Mẹ bề
trên nói với Têrêsa: Đó là đoạn Phúc Âm Chúa dạy chúng ta không được làm tôi
hai chủ. Bấy giờ thánh nữ bèn bắt chước giọng một em bé bị khảo bài, đã đọc từ
đầu đến cuối đoạn Phúc Âm đó.
Không
những siêng năng đọc Kinh Thánh mà ngài còn cố gắng tìm hiểu Lời Chúa, và nhất
là dùng Kinh Thánh làm đề tài để suy niệm. Một hôm chị Genevière vào phòng
thánh nữ Têrêsa và ngỡ ngàng trước thái độ chăm chú hồi tâm của ngài. Chị thấy
Têrêsa đang may vá nhanh nhẹn mà vẫn như đắm chìm trong một cuộc chiêm niện sâu
xa, nên đã hỏi xem Têrêsa đang suy nghĩ những gì, thì Têrêsa trả lời: Em suy
niệm kinh Lạy Cha. Thật êm ái biết bao khi được gọi Thiên Chúa là cha của mình.
Vì năng suy gẫm Kinh Thánh như vậy, nên ngài đã khám phá ra những ý nghĩa tiềm
ẩn trong Kinh Thánh và biết ứng dụng một cách thật lạ lùng vào đời sống. Trong
một bức thư, thánh nữ đã viết: Chỉ một lời Kinh Thánh mà thôi cũng đã mở ra cho
con những chân trời vô biên.
Đọc
Kinh Thánh, tìm hiểu Kinh Thánh, suy niệm Kinh Thánh mà thôi vẫn chưa đủ, điều
quan trọng là Têrêsa đã sống Lời Chúa. Chính ngài đã cho chúng ta biết ngài đã
tìm ra con đường thơ ấu thiêng liêng như thế nào. Ngài luôn nghĩ rằng chỉ trong
Kinh Thánh ngài mới có thể tìm ra điều giúp đỡ ngài thẳng tiến trên con đường
thánh thiện. Ngài mở Kinh Thánh và đọc thấy lời này trong sách Châm Ngôn: Ai
thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta. Một trực giác siêu nhiên cho Têrêsa biết là đã
tìm thấy điều mong ước. Một người khác, không phải Têrêsa, có lẽ đã ngừng lại
đó, nhưng Têrêsa chưa lấy làm đủ, ngài muốn biết điều Chúa sẽ làm cho kẻ thật
bé nhỏ, đã đáp lại tiếng Chúa. Têrêsa tiếp tục tìm kiếm và đã gặp trong sách
Isaia lời sau đây: Như một người mẹ nâng niu con mình thế nào, Ta cũng sẽ an ủi
con như thế. Ta sẽ ôm con vào lòng và ru con trên đầu gối. Têrêsa đã thấy được
điều muốn tìm. Nếu dừng lại ở đây, chỉ coi những lời vừa đọc như là những tư
tưởng cao đẹp, thì có lẽ Têrêsa đã không nên thánh. Nhưng Têrêsa quyết tâm sống
Lời Chúa, đem Lời Chúa mới được khám phá thể hiện trong cuộc sống hằng ngày.
Với
ơn Chúa soi sáng, với những suy tư và với chính cuộc đời của mình, Têrêsa đã
tìm ra cách sống của những tâm hồn bé nhỏ. Ngài viết: “Ở bé nhỏ là không coi
những nhân đức mình luyện tập được như là của mình. Không nghĩ tự mình có thể
làm được việc gì, nhưng nhận biết rằng Chúa đã đặt kho tàng đó trong bàn tay
người con nhỏ để sử dụng khi cần. Sự thánh thiện không hệ tại làm việc đạo đức
nay hay việc đạo đức kia, nhưng hệ tại ở tâm tình bên trong làm ta trở nên
khiêm nhường và bé nhỏ”. Trong Phúc Âm chính Chúa đã nói: Nếu các con không trở
nên như trẻ nhỏ thì sẽ không được vào Nước Trời. Và: Ai hạ mình xuống như trẻ
nhỏ người ấy sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Nói đến trẻ nhỏ là chúng ta
nghĩ ngay tới một cái gì đơn sơ và trong trắng, tin yêu và phó thác. Chính vì
thế, noi gương thánh nư, chúng ta hãy siêng năng đọc Kinh Thánh, nhất là Tin
Mừng, suy gẫm và thực thi những điều Chúa truyền dạy, nhất là sống tinh thần ấu
thơ trong tin yêu và phó thác, nhờ đó chúng ta sẽ được Chúa yêu thương và chúc
phúc.
Truyền giáo
Nhìn vào cuộc đời của thánh nữ
Têrêsa, chúng ta không thấy được những hành động to tát hay những mẫu gương
sáng chói. Con đường thánh nữ đã đi là con đường ấy thơ, ngập tràn những bông
hoa của tin yêu và phó thác. Thánh nữ luôn sống dưới cái nhìn trìu mến của
Thiên Chúa và cố gắng chu toàn những bổn phận tầm thường, những công việc không
tên của một nữ tu dòng kín.
Vậy tại sao Giáo hội lại tôn
kính thánh nữ như một bậc đại thánh và đặt thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền
giáo?
Thực vậy, với hai mươi bốn tuổi đời,
không bước chân ra khỏi những bức tường của tu viện, không bôn ba nơi những
vùng đát xa lạ để rao giảng Tin mừng cho dân ngoại, như thánh Phanxicô Xaviê,
người đã hiến trọn cuộc đời cho những hành trình truyền giáo, từ Nhật Bản cho
tới Ấn Độ, thế nhưng Têrêsa đã được đạt ngang hàng với Phanxicô. Sở dĩ như vậy
là vì Giáo hội đã thực sự nhìn thấy giá trị tuyệt vời của con đường thánh nữ đã
đi, của phương thế thánh nữ đã dùng để dẫn đưa các linh hồn trở về cùng Thiên
Chúa.
Vậy con đường ấy, phương thế
ấy là gì?
Trước khi đề cập tới con đường và
phương thế truyền giáo của thánh nữ, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sơ qua về bổn
phận tông đồ của mỗi người chúng ta.
Phúc Âm kể lại: ngày kia, khi đi
ngang qua một cánh đồng, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn những bông lúa vàng và nói với
các môn đệ:
- Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì
ít. Vậy các con hãy xin chủ sai thợ đi gặt lúa về.
Rồi trước khi về trời, Ngài đã chính
thức trao cho các ông sứ mệnh lên đường truyền giáo:
- Các con hãy đi giảng dạy muôn dân
và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Mơ ước của Ngài là mơ ước của một
ngọn lửa. Thực vậy. Ngọn lửa thì nhỏ bé, nhưng mơ ước của nó thật lớn lao vì nó
muốn thiêu đốt tất cả. Chúa Giêsu cũng muốn mọi người nhận biết Ngài để rồi qui
tụ về với Ngài, hầu chỉ còn một đàn chiên và một chủ chiên.
Vì thế, bổn phận truyền giáo không
phải chỉ là một bổn phận dành riêng cho các linh mục và tu sĩ, nhưng còn phải
là một bổn phận chung của hết mọi người tín hữu chúng ta. Bởi vì một khi đã
sống trong lòng Giáo hội, chúng ta có trách nhiệm phải làm cho Giáo hội được
lớn mạnh, được phát triển không ngừng. Một khi đã là con cái Thiên Chúa, chúng
ta có bổn phận phải làm cho mọi người nhận biết Ngài.
Để chu toàn bổn phận và trách nhiệm
này, chúng ta có thể dùng lời nói để rao giảng Tin mừng như các thánh tông đồ
và như các vị thừa sai. Tuy nhiên, đây không phải là phương thế của thánh nữ
Têrêsa, bởi vì thánh nữ luôn sống trong khuôn viên nhà dòng.
Chúng ta có thể dùng việc làm, dùng
đời sống gương mẫu để làm chứng cho Chúa. Và đây phải là phương pháp của mổi
người chúng ta, bởi vì sống giữa lòng cuộc đời, chúng ta phải trở nên như ánh
sáng trong đêm tối, như men trong bột và như muối trong thức ăn. Tuy nhiên, đây
cũng không phải là phương thế của thánh nữ Têrêsa.
Phương thế chính yếu thánh
nữ đã sử dụng đó là cầu nguyện và hy sinh.
Thực vậy, ngay từ hồi còn tấm bé,
thánh nữ đã muốn vào dòng kín để chịu đau khổ và cầu nguyện cho Giáo hội, cho
các linh mục, cho các thừa vị sai và cho các linh hồn.
Trong cuốn tự thuật mang tựa đề
“Chuyện một tâm hồn”, thánh nữ đã ghi lại ước vọng sâu xa muốn được sang sống
tại nhà kín Hà Nội, một xứ truyền giáo đầy triển vọng. Có lẽ vì thế mà chúng
ta, những tín hữu Việt Nam ,
đã dành cho thánh nữ những tình cảm đặc biệt?
Lời cầu nguyện và những hy sinh của
thánh nhân là như một sự yểm trợ rất cần thiết cho những hoạt động tông đồ gặt
hái được những thành quả tốt đẹp.
Mừng kính thánh nữ Têrêsa, chúng ta
hãy tự vấn lương tâm xem chúng ta đã làm được những gì để cứu vớt các linh hồn,
cũng như để góp phần nhỏ bé vào công cuộc truyền bá đức tin của Giáo hội?
“Cha ơi, tên con trên trời”
Trong
xấp hình chụp ở Lisieux hè năm 1997, tôi thích nhất tấm hình chụp tại góc vườn
nhà thánh nữ Têrêsa, hiện nay là nhà trưng bày những kỷ vật thời thơ ấu của
ngài.
Thích
tấm hình ấy không phải vì khung cảnh rộng lớn, vì chỉ là một vuông cỏ chừng một
trăm mét vuông; không phải vì góc máy đẹp hay kỹ thuật chụp hình độc đáo; mà
thực ra chỉ vì tấm ảnh chụp cảnh sống động bên tượng Têrêsa đứng bên cạnh cha,
tay chỉ lên trời. Người ta bảo chỗ đặt tượng hiện nay là chỗ năm xưa cha con
Têrêsa đã ngồi trò chuyện buổi tối. Tấm ảnh xem ra có “tiếng nói”. Câu nói hôm
ấy chính là lời Têrêsa nói với cha mình khi chỉ tay lên chòm sao hình chữ T:
“Cha ơi, tên con trên trời”.
Xin
dựa trên câu nói đượm chất mộc mạc đơn sơ của trẻ thơ nhiều ước mơ ấy để chia
sẻ về con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa.
1. “Cha ơi!” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng khởi đi từ
một hiện thực.
Têrêsa
là con út trong một gia đình toàn là nữ. Ngài mất mẹ lúc lên bốn tuổi. Tuổi còn
quá nhỏ để có thể ghi nhận nỗi đau, nhưng cũng đủ để ghi nhớ sự mất mát không
gì bù lấp được. Từ đó thánh nữ dồn hết tình cảm cho người cha yêu quý. Và cũng
từ đó, người cha phải kiêm luôn vai trò và trách vụ của người mẹ gia đình. Nếu
“gà trống nuôi con” trong tiếng Việt Nam nói lên nỗi đau lận đận của
người đàn ông lẻ bóng bên cạnh đàn con, thì nơi nhà Buissonnets nó đã trở thành
một tình yêu khả thi khả kính và khả ái. Chính cô út mít ướt Têrêsa đã cảm
nghiệm điều này hơn bất cứ thành viên nào khác của gia đình. Khúc hát tâm tình
nhất của Têrêsa lúc ấy chính là hát về người cha, giống như những bài hát Việt
Nam gần đây như “Bố là tất cả” hoặc “Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa…”.
Đó là một hiện thực.
Từ
hiện thực tưởng như mất mát, thiếu hụt bi quan ấy, Têrêsa rất tự nhiên sống lấy
và đảm lĩnh trọn vẹn để sau này chuyển hóa và diễn tả về tình yêu Thiên Chúa,
Đấng là CHA muôn đời. Nếu còn cha còn mẹ đầy đủ trong một gia đình hạnh phúc đủ
đầy mọi sự, khi xưng Chúa là Cha, có lẽ ta chỉ có tâm tình một nửa, còn với
Têrêsa thì khác, xưng Chúa là CHA với cả tâm tình dành cho người bố. Bố là tất
cả, Chúa là tất cả.
Chính
khởi đi từ hiện thực ấy, Têrêsa đã từng ngày đi sâu và đi xa trên con đường phó
thác: phó thác mọi chuyện đời lớn nhỏ trong tay cha mình và phó thác chuyện một
đời trong tay Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân ái, quảng đại yêu thương. Nếu
lúc nhỏ Têrêsa ngồi bệt ở cầu thang khiến cha mình phải cúi xuống bồng lên, thì
khi lớn Têrêsa nghiệm ra: người con nào càng nhỏ bé yếu đuối khiêm nhường phó
thác, càng được Cha trên trời yêu mến bế bồng nâng đỡ dìu đưa.
2. “Tên con” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng dệt bằng
những bước đơn sơ mang đậm cá tính.
Đường
thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa khởi đầu là thế, với những tiếng “Bố ơi” dệt nên
ngày sống và những tiếng “Cha ơi” làm nên cuộc đời. Đó là những bước chân bé
nhỏ trên hành trình dài. Và thánh nữ đã thực hiện tuần tự không bằng “đôi hia
bảy dặm” của phép màu dễ dãi, cũng chẳng bằng “tấm thảm biết bay” thênh thang
rộng rãi hoặc bằng “đũa thần” nhẹ nhàng vung vít, nhưng bằng tấm lòng đơn sơ
nhỏ bé.
Ngày
nay Têrêsa được nâng lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh, người ta tưởng đời ngài làm
bằng những việc vĩ đại. Không, rất bình thường. Trong chín năm Dòng Kín Lisieux
lặng lẽ, ngài chỉ làm những việc vô cùng bình thường như những người khác,
nhưng cách thế ngài làm quả là khác thường đến độ phi thường. Cách ngài làm là
cách của tình yêu lớn. Việc lớn mà tình yêu nhỏ là việc thắt lại, việc nhỏ mà
tình yêu lớn là việc triển nở sinh sôi. Têrêsa là Têrêsa nhỏ vì đời nhỏ việc
nhỏ, nhưng Têrêsa vĩ đại vì tình yêu ngài sống khó ai có thể vượt qua.
Nhiều
lúc xem ra ngài còn muốn “đánh lừa” cả Chúa nữa, như khi gặp chuyện trái ý hoặc
tâm sự buồn, ngài vẫn cố gắng giữ bộ mặt tươi cười như không có chuyện gì xảy
ra, không phải để các chị em trong cộng đoàn khỏi để ý hoặc bề trên hỏi han lôi
thôi mất công giải thích phiền phức, mà để Chúa “khỏi biết” kẻo Chúa đau buồn.
Chúa đã chịu đau khổ nhiều vì chuyện lớn lao cứu độ nhân loại rồi, dám đâu phận
cỏ rơm lại làm phiền lòng Chúa vì những chuyện nhỏ. Xem ra cách chọn lựa đơn sơ
và cũng trẻ thơ quá phải không?
Khi
bị bề trên quở vô lý, Têrêsa rất vui vì có dịp hy sinh. Khi lượm được cọng rác
lạc lõng nơi hành lang, Têrêsa rất thích vì có dịp cầu nguyện vòi vĩnh Chúa
giải thoát cho một linh hồn. Khi nhìn bông hoa được ngắt chưng trên bàn thờ,
Têrêsa nghĩ về niềm dâng hiến. Tất cả là bình thường tự nhiên, nhưng đã trở
thành cơ hội để thánh nữ được thánh hóa trong tình yêu. Đặt “tình yêu” nhỏ của
mình trong “TÌNH YÊU” vĩ đại của Chúa, sẽ hóa nên tình yêu lạ thường có sức làm
cho những điều bình thường đem lại những hiệu quả phi thường.
3. “Trên trời” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng vươn mở
tới những ước mơ lành thánh.
Têrêsa
lìa trần lúc mới hai mươi bốn tuổi. Quá trẻ cho một đời người để trở thành một
vị thánh trẻ cho toàn thế giới. Nhưng nét xuân trẻ nơi Têrêsa đâu căn cứ vào
tuổi tác, mà đúng ra là dựa trên tâm hồn. Trẻ vì dung dị gần gũi và cũng trẻ vì
những ước mơ bay bổng. Tết Trung Thu, thiếu nhi mơ lên cung trăng gặp chị Hằng,
thăm thằng Cuội, nhìn Thỏ ngọc, ngồi gốc đa nghe sáo thổi vi vu điệu nhạc nên
thơ… Đó là ước mơ đơn sơ tuổi thơ ngây dại đi liền với những hình ảnh mang màu
văn hóa, nhưng ước mơ của Têrêsa dẫu đơn sơ mà cao vượt, dù nên thơ mà vẫn
không xa rời thực tế.
Khi
Têrêsa ước mơ sẽ là tình yêu trong Giáo Hội, thì cùng lúc ngài cũng đón nhận
vào mình những hy sinh của sự chia lìa đối với người thân và những biểu lộ của
cơn bệnh ngặt nghèo. Khi Têrêsa ước mơ thao thức trở thành vị truyền giáo đặt
chân đến những nơi thật xa thật lạ mà đem về cho Chúa thật nhiều linh hồn, lại
là lúc ngài phải liệt giường liệt chiếu để mãi được gọi mời thể hiện ước mơ
truyền giáo bằng việc cầu nguyện và hy sinh. Khi Têrêsa ước mơ sẽ rải mưa hoa
hồng làm đẹp cuộc sống nhân thế chính là lúc ngài đang lặng lẽ nghĩ về những
cánh hoa hồng được trải lên đường kiệu Mình Thánh Chúa.
Cuộc
đời rộng mà không ước mơ, cuộc đời ấy sẽ bị thắt buộc trở nên hẹp hòi. Cuộc đời
hẹp mà biết ước mơ, nhất là với những ước mơ lành thánh, cuộc đời ấy sẽ mở ra
thênh thang cho Giáo Hội được nhờ và cũng cho Nước Trời được hiện tỏ. Nếu ước
mơ là dấu hiệu của sự trẻ trung thì rõ ràng Têrêsa với những ước mơ không vơi
cạn đã là một vị thánh trẻ hôm qua và sẽ còn là mùa xuân trẻ trong lòng mộ mến
của Giáo Hội hôm nay.
Tóm
lại, “Cha ơi, tên con trên trời” chỉ là một câu nói trẻ thơ đơn sơ đột xuất,
nhưng đã toát lược những bước hành trình dệt nên con đường thơ ấu thiêng liêng
của Têrêsa. Tất nhiên, con đường ấy đã được Chúa Giêsu khai sinh khi tuyên bố
“Ai không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”, nhưng thực hiện
con đường ấy như thế nào lại là một dấu ấn ký tên Têrêsa. Con đường ấy phổ quát
mở ra cho mọi người mọi thời, con đường ấy vừa tầm với mọi bậc sống.
Cầu
chúc mọi người hôm nay thanh thản bước đi trên đường thơ ấu thiêng liêng và
cũng nhận được những “hoa hồng” trìu mến của thánh nữ Têrêsa từ con đường ấy.
Tiểu sử "Thánh Têrêsa Hài Đồng
Giêsu"
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (2 tháng 1 năm 1873 - 30
tháng 9 năm 1897), là một nữ tu Công giáo được phong hiển Thánh và được ghi nhận
là một Tiến sĩ Hội Thánh.
Thời thơ ấu
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chào đời tại Alencon , Pháp. Têrêsa là con của Louis
Martin - một thợ đồng hồ và Zelie-Marie Guérin - một người dệt đăng-ten.
Cha mẹ của Têrêsa rất đạo đức. Louis đã từng muốn làm thầy tu nhưng lại bị từ
chối vì không biếttiếng Latin.
Zelie-Marie đã từng muốn làm nữ tu nhưng bị cho biết là bà không có ơn gọi.
Thay vào đó, bà khấn là nếu kết hôn, bà sẽ dâng hết các con mình cho Giáo hội.
Louis và Zelie-Marie gặp nhau vào năm 1858 và lấy nhau chỉ ba tháng sau đó. Họ có
chín người con, nhưng chỉ có năm cô con gái - Marie, Pauline, Leonie, Celine và
Therese (Têrêsa) - là sống sót đến tuổi trưởng thành. Têrêsa là con út trong
nhà. Việc đan đăng-ten của Zelie thành công đến nỗi Louis bán tiệm sửa đồng hồ
của mình để giúp bà.
Zelie chết vì bệnh ung thư vú năm 1877 khi Têrêsa chỉ mới bốn tuổi. Louis bán cửa tiệm đăng-ten và dọn đến Lisieux, vùngCalvados, trực thuộc Normandie, nơi người em vợ là Isidore Guerin, một dược sĩ, sống với vợ và hai con gái.
Têrêsa theo học tại Tu viện Notre Dame due Pre của dòngBênêđictô. Khi người được chín tuổi, chị Pauline, người đã đảm nhận vai trò là "người mẹ thứ hai" của cô, gia nhập một tu viện dòng Camêlô tại Lisieux. Têrêsa cũng muốn vào dòng Camêlô như chị, nhưng khổ nỗi vẫn còn nhỏ quá. Ở tuổi 15, sau khi chị Marie cũng gia nhập tu viện ấy, Têrêsa lại thử xin vào dòng một lần nữa, nhưng cha bề trên của tu viện lại không cho vì Têrêsa còn quá trẻ. Cha Têrêsa đem cô con gái 15 tuổi của mình đi hành hương Rôma. Trong một buổi tiếp kiến chung với Giáo hoàng Leo XII, Têrêsa đã xin người cho phép mình nhập dòng ở tuổi 15. Nhưng Giáo hoàng Leo XII lại nói: "Này con, hãy làm theo ý bề trên quyết định".
Zelie chết vì bệnh ung thư vú năm 1877 khi Têrêsa chỉ mới bốn tuổi. Louis bán cửa tiệm đăng-ten và dọn đến Lisieux, vùngCalvados, trực thuộc Normandie, nơi người em vợ là Isidore Guerin, một dược sĩ, sống với vợ và hai con gái.
Têrêsa theo học tại Tu viện Notre Dame due Pre của dòngBênêđictô. Khi người được chín tuổi, chị Pauline, người đã đảm nhận vai trò là "người mẹ thứ hai" của cô, gia nhập một tu viện dòng Camêlô tại Lisieux. Têrêsa cũng muốn vào dòng Camêlô như chị, nhưng khổ nỗi vẫn còn nhỏ quá. Ở tuổi 15, sau khi chị Marie cũng gia nhập tu viện ấy, Têrêsa lại thử xin vào dòng một lần nữa, nhưng cha bề trên của tu viện lại không cho vì Têrêsa còn quá trẻ. Cha Têrêsa đem cô con gái 15 tuổi của mình đi hành hương Rôma. Trong một buổi tiếp kiến chung với Giáo hoàng Leo XII, Têrêsa đã xin người cho phép mình nhập dòng ở tuổi 15. Nhưng Giáo hoàng Leo XII lại nói: "Này con, hãy làm theo ý bề trên quyết định".
Ít lâu sau, Giám mục
Đường Thơ Ấu
Thánh Têrêsa được biết đến nhiều nhất bởi linh đạo "Đường Thơ ấu" của
mình. Trong việc tìm kiếm sự thánh thiện, Têrêsa đã thấu hiểu rằng để đạt được
đều ấy và bày tỏ tình yêu của mình đối với Chúa, thì không cần phải thực hiện
những việc làm anh hùng hoặc "cao siêu". Têrêsa viết: "Tình yêu
chứng tỏ chính nó bởi việc làm, vì vậy làm sao con có thể chứng tỏ tình yêu của
mình được? Con không thể làm những việc cao siêu được. Cách duy nhất để con
chứng tỏ tình yêu của mình là bằng cách rắc hoa; những bông hoa này là tất cả
những hy sinh bé nhỏ, mỗi cái nhìn, mỗi lời nói và thực hiện mọi việc làm bé
nhỏ nhất với tình yêu". Linh đạo "Đường Thơ ấu" này cũng xuất
hiện trong con đường người nữ tu trẻ tiến đến đời sống thiêng liêng: "Đôi
lúc, khi con đọc các bài viết thiêng liêng, nơi mà sự hoàn hảo được cho thấy
với một ngàn cản trở cũng như những ảo tưởng xung quanh nó, tâm trí bé nhỏ tội
nghiệp của con trở nên mệt mỏi, con đóng cuốn sách, để lại đầu óc con như bị
cắt ra làm đôi và trái tim con như bị co rút lại. Con mở Kinh Thánh ra.
Và ngay lúc đó, tất cả đều trông thật là rực rỡ, một chữ duy nhất đã mở ra
những chân trời vô tận cho linh hồn của con. Sự hoàn hảo trông thật là dễ dàng.
Con thấy đó là đủ để nhận ra sự hi hữu của mình và vì như vậy, dâng trọn bản
thân mình, như một đứa trẻ, vô cánh tay của Chúa nhân lành. Để lại cho những
tâm hồn vĩ đại, những trí óc vị đại những cuốn sách to tát con không thể hiểu
nổi, con vui mừng hớn về sự bé nhỏ của mình bởi vì "chỉ có trẻ nhỏ và
những ai có đầu óc như vậy sẽ được nhận vào bữa tiệc Thiên Đàng". Những đoạn văn như cái ở trên cũng
cho thấy Têrêsa chứa nhiều tình cảm và cũng rất ngây thơ. Điều này được thể
hiện rõ qua cách người nữ tu tiến đến sự cầu nguyện: "Đối với con, cầu
nguyện là sự dấy lên của trái tim, nó là một cái nhìn đơn sơ vềThiên Đàng, nó là tiếng kêu của
nhận diện và tình yêu, ôm ấp cả khổ cực lẫn niềm vui. Nói một cách khác, nó là
một cái gì đó cao quý, siêu nhiên, mở rộng tâm hồn con ra và kết hợp nên một
với Chúa... Con đã không có dũng cảm để tìm trong sách các lời kinh đẹp đẽ...
Con giống như một đứa con nít chưa biết đọc, chỉ nói với Chúa tất cả những gì
con muốn và Ngài sẽ hiểu thấu.”Sức
khỏe suy yếu và qua đời”
Những năm cuối cùng của
Têrêsa được đánh dấu với sự suy sụt được chịu đựng một cách kiên trì, không lời
than thở. Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1896, Têrêsa bắt đầu ho ra máu. Căn bệnh
lao phổi đã đi đến hồi nghiêm trọng. Têrêsa đã có liên lạc với một cơ sở truyền
giáo của dòng Camêlô ở bên Đông Dương thuộc Pháp và đã được mời đi, nhưng vì
bệnh tình, nên đã không đi được. Tháng 7 năm 1897, Têrêsa được chuyển đến bệnh
xá của tu viện, nơi người nữ tu trẻ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 30 tháng 9
năm 1897, ở tuổi 24. Trên giường bệnh, người ta nói rằng Têrêsa đã trối:
"Con đã đạt đến mức mà không thể nào chịu đau khổ được nữa, bởi vì đau khổ
đã trở nên quá ngọt ngào đối với con."
Thứ Hai 1-10
Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu
(1873-1897)
"T
|
ôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng
thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn." Ðó là những lời của Thánh Têrêsa
Hài Ðồng Giêsu, một nữ tu dòng Camêlô thường được gọi là "Bông Hoa
Nhỏ," người đã sống một đời âm thầm trong tu viện ở Lisieux, nước Pháp. Và
quả thật, những hy sinh âm thầm của ngài đã hoán cải các linh hồn. Không mấy vị
thánh của Thiên Chúa nổi tiếng như vị thánh trẻ trung này. Cuốn tự truyện của
ngài, Chuyện Một Linh Hồn, được cả thế giới đọc và yêu chuộng. Tên thật của
ngài là Thérèse Martin, gia nhập tu viện năm 15 tuổi và từ trần năm 1897 lúc 24
tuổi.
Ðời sống tu viện dòng kín Camelô thật buồn tẻ và phần lớn chỉ gồm
sự cầu nguyện và làm các công việc trong nhà. Nhưng Thánh Têrêsa có được sự
hiểu biết sâu sắc thánh thiện để chuộc lại quãng thời gian ấy, bất kể có nhàm
chán đến đâu. Ngài nhìn thấy sự đau khổ cứu chuộc trong sự đau khổ âm thầm, sự đau
khổ là đời sống tông đồ của ngài. Thánh nữ nói ngài gia nhập tu viện Camêlô là
"để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục." Và
không lâu trước khi chết, ngài viết: "Tôi muốn dùng thời gian ở thiên
đàng để làm những điều tốt lành cho trần gian."
Vào ngày 19-10-1997, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tuyên xưng
ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh, là người phụ nữ thứ ba trong Giáo Hội được công nhận
về sự thánh thiện và về ảnh hưởng tinh thần của những gì ngài viết.
Lời Bàn
Thánh Têrêsa có nhiều điều để dạy chúng ta về quan niệm, về thể
diện, về cái "tôi." Chúng ta bị nguy hiểm khi nghĩ nhiều về bản thân
mình, bị đau khổ khi nhận thức những nhu cầu cần phải thỏa lấp, dù biết rằng
không bao giờ chúng ta thỏa mãn. Thánh Têrêsa, cũng như bao vị thánh khác, đã tìm
cách phục vụ người khác, thực hiện những gì không phải cho chính mình, và quên
mình trong những hành động âm thầm của tình yêu. Ngài là một trong những thí dụ
điển hình của sự mâu thuẫn trong phúc âm mà khi hiến thân là khi được nhận
lãnh, khi chết đi là khi vui sống muôn đời.
Sự bận rộn với bản thân đã tách biệt con người thời nay với Thiên
Chúa, với đồng loại và thực sự xa rời với bản thể. Chúng ta phải học cách quên
mình, để suy niệm về một Thiên Chúa là Ðấng mời gọi chúng ta thoát ra khỏi sự
ích kỷ để phục vụ người khác. Ðây là cái nhìn sáng suốt của Thánh Têrêsa
Lisieux, và ngày nay cái nhìn ấy có giá trị hơn bao giờ hết.
Lời Trích
Thánh Têrêsa phải chịu đau khổ vì bệnh hoạn trong suốt cả cuộc
đời. Khi còn nhỏ, ngài phải trải qua ba tháng đau từng cơn, mê sảng và ngất
xỉu. Sau đó, dù yếu ớt nhưng ngài làm việc vất vả trong phòng giặt quần áo và
phòng ăn của tu viện. Về phương diện tâm linh, ngài phải trải qua một thời kỳ
tăm tối khi ánh sáng đức tin dường như tắt ngúm. Năm cuối cùng của cuộc đời, ngài
chết dần vì ho lao. Tuy nhiên, không lâu trước khi chết vào ngày 30-9, ngài thì
thào, "Tôi không muốn bớt đau khổ."
Thực sự ngài là một phụ nữ dũng cảm, không rên rỉ vì bệnh tật và
lo âu. Ðây là một người nhìn thấy sức mạnh của tình yêu, mà sự biến đổi của
Thiên Chúa có thể thay đổi mọi sự--kể cả sự yếu đuối và bệnh tật--thành sức
mạnh phục vụ và cứu chuộc cho người khác. Không lạ gì ngài là quan thầy của
công cuộc truyền giáo. Còn ai có thể thay đổi thế giới ngoài những người ôm ấp
sự đau khổ của mình với tình yêu?
Bài đọc 2
Giữa lòng của Hội Thánh, tôi sẽ là tình
yêu
Trích sách Tự thuật của thánh Tê-rê-xa Hài
Đồng Giê-su, trinh nữ.
Khi nguyện ngắm, những khát vọng của em
làm cho em bị đau khổ giày vò. Em mở các thư của thánh Phao-lô để tìm một câu
trả lời. Tình cờ em bắt gặp chương 12 và 13 thư thứ nhất gửi tín hữu
Cô-rin-tô... Khi đọc chương trước, em thấy rằng không phải ai có cũng làm tông
đồ, ngôn sứ hay thầy dạy. Em cũng thấy rằng Hội Thánh gồm nhiều phần tử khác
nhau, và mắt không thể vừa là mắt vừa là tay được... Câu trả lời trên thật rõ
ràng nhưng không làm cho em thoả mãn và đem lại cho em sự bình an.
Không sờn lòng, em tiếp tục đọc và câu sau
đây làm em nhẹ nhõm : Anh em hãy tha thiết kiếm tìm những ơn cao trọng
nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. Và thánh
Phao-lô tông đồ giải thích rằng mọi ơn hoàn hảo nhất chẳng là gì cả, nếu không
có tình yêu... và đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn tới Thiên Chúa.
Và cuối cùng, em đã được bình an thư thái.
Khi suy nghĩ về thân thể mầu nhiệm của Hội
Thánh, em chẳng thấy mình thuộc loại chi thể nào trong các loại thánh Tông Đồ
mô tả, hay đúng ra em muốn thấy mình có mặt trong mọi loại chi thể đó. Đức ái đã
cho em chìa khoá để tìm ra ơn gọi của em. Em hiểu rằng nếu Hội Thánh có một
thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu chi thể
cần thiết nhất và cao quý nhất. Em hiểu rằng Hội Thánh có một Trái Tim và Trái
Tim đó bừng cháy tình yêu. Em hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử
của Hội Thánh hoạt động và nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông Đồ sẽ chẳng loan
báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình ra... Em hiểu rằng
tình yêu bao trùm mọi ơn gọi, vì tình yêu là tất cả, nó bao trùm mọi nơi và mọi
thời... ; tắt một lời, tình yêu tồn tại mãi.
Bấy giờ, vào lúc tình yêu dạt dào ngây
ngất, em đã reo lên : Ôi Giê-su, Tình Yêu của con... ơn gọi của con, cuối cùng
con đã tìm thấy, ơn gọi của con, chính là tình yêu...
Vâng, con đã tìm thấy chỗ đứng của con
trong Hội Thánh, và chỗ đứng này, ôi Thiên Chúa của con, chính Chúa đã ban cho
con. Trong lòng Hội Thánh, Hiền Mẫu của con, con sẽ là tình yêu. Như thế, con
sẽ là tất cả... và như thế, ước mơ của con sẽ được thực hiện.
Lời nguyện
Lạy Chúa là Cha nhân lành, Chúa mở cửa Nước Trời cho những người
bé mọn. Xin cho chúng con hằng ngày biết theo chân thánh nữ Tê-rê-xa Hài Ðồng
Giê-su mà bước đi trên con đường phó thác để muôn đời được chiêm ngưỡng Thánh
Nhan. Chúng con cầu xin...
(Trích
bài đọc Giờ Kinh Sách Lễ Kính Thánh Nữ Tê-rê-xa-bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét