Thứ Tư sau Chúa Nhật 23 Quanh Năm
*
* *
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1 Cr 7, 25-31
"Ngươi bị ràng buộc
với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn ràng buộc với vợ ư?
Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, về những
người đồng trinh, tôi không có lời Chúa truyền dạy nào, nhưng tôi đã được Chúa
thương, nên tôi cho ý kiến như một người đáng tin cậy. Vậy tôi nghĩ rằng đó là
một điều tốt theo nhu cầu hiện tại. Phải, người ta ở vậy quả là một điều tốt.
Ngươi bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn bị
ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa. Nhưng nếu ngươi cưới vợ, ngươi
chẳng có tội gì. Và nếu kẻ đồng trinh kết bạn, thì chẳng có tội gì. Nhưng những
người thể ấy, sẽ chuốc lấy khốn khổ vào thân. Phần tôi, tôi muốn cho anh em
tránh được điều đó.
Anh em thân mến, tôi nói cùng
anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ăn ở
như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân
hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có
gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế
gian này đang qua đi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 44, 11-12.
14-15. 16-17
Ðáp: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai (c.
11a).
Xướng: 1) Xin hãy nghe, thưa
nương tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ, để Ðức Vua
Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của cô nương, hãy phục vụ Người. -
Ðáp.
2) Tất cả huy hoàng là nàng
công chúa đi vào cung nội, áo nàng dệt bằng những sợi chỉ vàng. Bận áo gấm sặc
sỡ, nàng được dẫn tiến Ðức Vua, theo sau nàng là những cô trinh nữ bạn bè, họ
cũng được bệ kiến long nhan. - Ðáp.
3) Họ bước đi trong niềm hân
hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua. Người sẽ có con nối gót tiên
vương liệt vị, và phong họ làm quan trên cả sơn hà. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Ep 1, 17-18
Alleluia, alleluia! - Xin
Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng
suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 6, 20-26
"Phúc cho những kẻ
nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt
nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho các ngươi là
những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là
những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là
những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các
ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi,
và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo
mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ
cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho các
ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các
ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các
ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các
ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử
như vậy với các tiên tri giả".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu nêu lên bốn mối
phúc và bốn mối họa như một lời báo trước những duyệt xét của Ngài trong ngày
cánh chung. Bốn mối phúc như là những đòi buộc của Chúa đối với các môn đệ chân
chính. Bốn mối họa không phải là lời nguyền rủa nhưng là lời khuyến cáo và tha
thiết kêu gọi thống hối ăn năn. Chúng ta đã sống thế nào trước lời nhắn nhủ
chân chính của Chúa?
Cầu Nguyện:
Cuộc sống đời này là chuẩn bị
tiến bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Vũ trụ vạn vật được trao cho chúng con để
chúng con quy về cùng đích là Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sử
dụng chúng đúng cách để đạt được hạnh phúc đời sau. Xin giúp chúng con biết
tháp nhập đời sống của chúng con vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, bằng đời
sống yêu thương, quan tâm và chia sẻ với anh chị em, để cuộc sống của chúng con
luôn là bài ca tôn vinh Thiên Chúa. Amen.
(Lời Chúa trong giờ
kinh gia đình)
Các Mối Phúc Thật
(Lc 6,20-26)
Suy Niệm:
Các Mối Phúc Thật
Nhiều người cho rằng tôn giáo
nói chung và Kitô giáo nói riêng, là những sức mạnh chống lại sự tiến bộ và
phát triển của nhân loại. Lời cáo buộc này xem ra được củng cố hơn khi người ta
đọc những lời chúc phúc của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm
nay.
Thật thế, trong quan niệm
thông thường của con người, dù ở đâu và ở bất cứ thời đại nào: có tiền của là
có tất cả. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại tuyên bố: Phúc cho những người nghèo
khó, phúc cho những kẻ bây giờ phải đói khát, phúc cho những kẻ bây giờ đang
phải than khóc, phúc cho những kẻ đang bị oán ghét. Phải chăng Chúa Giêsu không
là kẻ lừa bịp đang cười cợt trên những đau khổ của nhân loại? Phải chăng đó
không phải là sứ điệp cổ võ sự bần cùng, đói khổ, lạc hậu, đi ngược với tiến bộ
và phát triển của nhân loại?
Chúa Giêsu quả thực đã sống
như một người nghèo giữa những người nghèo; đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ
nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc cho những kẻ bị bách hại, Chúa
Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo
đói, bách hại ấy. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và
mật, Ngài đã không đem lại một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào;
thế nhưng, cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải
quyết các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì, nếu
không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của mọi thời
chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh vọng thì càng được
hạnh phúc.
Khi tuyên bố: "Phúc cho
những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một
thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho
con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người
để nó thống trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: "Phúc cho
những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị
đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là
cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người
sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người
biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình
người.
Ðược lời Chúa soi sáng hướng
dẫn, người Kitô hữu chúng ta phải là người luôn tìm kiếm và sống cho những giá
trị vĩnh cửu. Giữa những vất vả vì chén cơm manh áo từng ngày, xin cho chúng ta
luôn tìm kiếm Nước Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất, vì chúng
ta biết mình sống đê� làm gì và sẽ đi về đâu.
(Veritas Asia)
12/09/12
THỨ TƯ TUẦN 23 TN
Danh Thánh Đức Maria
Lc 6,20-26
Danh Thánh Đức Maria
Lc 6,20-26
HẠNH
PHÚC ĐÍCH THỰC
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc vì anh em sẽ được vui cười.” (Lc 6,21)
Suy niệm: Nếu đem Lời Chúa của Tin Mừng hôm nay đặt trong hoàn cảnh hiện tại thì thật là mâu thuẫn, bởi vì con người đang ra sức chạy cho kịp đà tiến bộ khoa học, kỹ thuật, rồi hấp lực của tiền tài, danh vọng. Trong khi đó các mối phúc mà Đức Giêsu tuyên bố chẳng khác gì tiếng sét đánh đổ cả chương trình, ước vọng của con người. Và chính Ngài tự nhận sống nghèo, tự chuốc lấy bắt bớ đoạ đầy. Phải chăng Ngài giả như mê ngủ để cho sự dữ hoành hành trong thế gian: bệnh tật, nghèo đói, tệ nạn. Vậy Lời Chúa muốn nói gì? Điều Đức Giêsu muốn nói là Ngài đã cho con người thống trị mọi loài. Ngài luôn muốn cho con người sống an vui, hạnh phúc, sử dụng mọi của cải vật chất do tay con người làm ra nhưng làm sao phải sống cho Nước Trời trước tiên, mọi sự khác đều là phương tiện.
Mời Bạn: Nhớ rằng nếu cuộc sống người Kitô hữu của bạn không có mục đích, không nhắm đến đời sau chẳng khác gì người sống mà không có niềm tin.
Chia sẻ: Tôi đã cố gắng sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật, là con đường hẹp đưa tôi đến Nước Trời chưa?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn hãy chiến đấu từ bỏ một thói xấu, cùng lúc bạn hãy thực hành một nhân đức.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con người hưởng nếm hạnh phúc trần gian bằng cách bá chủ muôn loài để từ đó con người khám phá ra thứ hạnh phúc vĩnh cửu. Xin cho chúng con biết vượt qua những cái tầm thường của đời này để đạt đến quê trời nơi chúng con sẽ được hưởng hạnh phúc đích thật. Amen.
Phúc cho anh em là những
người nghèo.
Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu: Nghèo của cải mà
thật giàu Nước Thiên Chúa.
Suy niệm:
Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được.
Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo.
Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch.
Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao...
Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.
Giữa cuộc sống khó khăn,
vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền.
Họ chọn sống trong cảnh nghèo,
lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.
Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin
Mừng:
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó,
Vì Nước Trời là của anh em”.
Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn
từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.
Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới
khác,
với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.
Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng:
họ là những người có phúc,
khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì
Ngài.
Nước Trời đã thuộc về họ từ đây,
và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.
Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng
ta.
Ngài là một người thợ thủ công nghèo,
Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói,
Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem,
và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết.
Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc,
vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.
Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu:
Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của
Ngài,
nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.
Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống
để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm
vui.
Hôm nay Ngài muốn chúng ta
đến với khu lao động, với lớp học tình thương,
xóa đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ
cao cả.
Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.
Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô,
tự nguyện trở nên nghèo hơn
để làm giàu cho người khác (2 Cr 8,9).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con
nhìn thấy những người nghèo
ở quanh con, ở
trong gia đình con,
đang cần đến
con.
Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,
xin cho con
thấy Chúa trong họ.
Dần dần con hiểu rằng
cả người giàu
cũng nghèo,
nghèo vì cần
thấy đời họ có ý nghĩa.
Dần dần con chấp nhận rằng
cả bản thân
mình cũng nghèo
và cần đến
người khác.
Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,
một lời thăm
hỏi đỡ nâng.
Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con
ai cũng nghèo
về một mặt nào đó,
ai cũng cần đến
người khác.
Như thế là
chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau
thêm giàu có.
Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần
đến chúng con
để hoàn thành công trình cứu độ.
Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo
để nhận lãnh,
can đảm nhận mình giàu
để hiến trao. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ
giàu có".
Những Hạnh Phúc Bất Tiện
Đức
Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ rồi nói:
“Phúc
cho anh em những kẻ nghèo khó,
vì
Nước Thiên Chúa là của anh em.
Phúc
cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
Vì
Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
Phúc
cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
Vì
anh em sẽ được vui cười. (Lc. 6, 20-21)
Với
lý trí chúng ta rất khó hiểu về các mối hạnh phúc này. Lý trí đành chịu thua.
Chúng đả đảo lý luận con người. Chúng làm ta phát điên. Nhưng chúng lại làm ta
kinh ngạc và chúng ta không dám từ bỏ chúng vì nghĩ đến những bao nhiêu quả
phúc chúng đã sinh ra qua những thế hệ. Những hạnh phúc theo Thánh Lu-ca và
Thánh Mát-thêu đều gây kinh ngạc, tuy hai Thánh có viết khác nhau, nhưng cùng
một mục đích là hạnh phúc nước trời. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến tinh thần
nghèo khó, đến thái độ con tim. Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến nghèo khó thật sự,
nghèo khó của giai cấp xã hội chẳng có gì hết trơn hết trọi, giai cấp xã hội
nghèo khó này đang qui tụ lại thành tín đồ của Tin Mừng Đức Giêsu. Thánh
Mát-thêu kêu mời từ bỏ bên trong. Thánh Lu-ca kêu gọi cải tạo cơ cấu xã hội để
giảm bớt những khổ đau trong xã hội.
Chính
trong thảm trạng cụ thể của lịch sử mà Đức Kitô nói: “ Các bạn là những người
nghèo khổ, đói khát, khóc lóc, bị khinh bỉ, ghen ghét, bị bắt bớ, bị nhục nhã,
phúc cho các bạn. Vì nếu bây giờ các bạn chịu được như thế, ngày kia tất cả sẽ
đổi lại, các bạn sẽ giầu có, no nê, vui cười, được mến chuộng trong nước Thiên
Chúa”.
Có
thật không hay trò đùa? Đức Kitô nói thế nào? có phải Ngài nói dỡn để cho những
kẻ khốn khổ thể xác, tình cảm, tinh thần được vui chút ư? có phải Ngài là chú
hề đã nói đến sự đền bù ở tương lai mơ hồ giả định ư? có phải chỉ là giấc mơ
hạnh phúc có thể giúp cho người ta chịu khổ bây giờ để đè nén cho nguôi đi
những đau đớn và uất ức chăng? hiểu sai lầm các mối phúc thật, như thế là độc
ác và vô liêm sỉ. Đức Kitô không bao giờ phong thần đau khổ và bất hạnh. Người
không ngừng làm giảm bớt nỗi đau khổ của con người suôt đời Ngài đã cứu chữa,
an ủi những bệnh nhân, tật nguyền, nghèo khổ và tha thứ cho những tội nhân,
giải phóng những kẻ bị ma quỷ xiềng xích. Ngài muốn chúng ta hiểu và chấp nhận
thập giá như Ngài. Vì mến Chúa và yêu người. Lúc đó thập giá trở nên lời hứa
thực hiện ơn cứu độ. Như vậy khác xa những thứ mỵ dân!
GF.
Maria, tên Mẹ đẹp tuyệt
vời
Với muôn vàn tước hiệu Giáo Hội và nhân
loại dành cho Đức Mẹ, danh hiệu nào cũng đẹp, danh hiệu nào cũng quí, cũng cao vời.
Maria nói lên tất cả. Maria bao hàm mọi ý nghĩa cao sâu. Viết về Mẹ, nói về Mẹ
quả thực không có ngôn ngữ nào, không có bút pháp nào có thể diễn tả hết về Mẹ,
có thể lột hết ý nghĩa cao sâu của danh từ Mẹ. “ Lòng Mẹ bao la như biển Thái
Bình…, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, ngôn từ con người và nhân loại chỉ có thể nói lên được như thế. Đó
là Mẹ trần gian, Mẹ trên trời, Mẹ thiêng liêng còn cao quí hơn gấp bội.
Danh hiệu mà Hội Thánh và nhân loại qua bao
nhiêu thời đại tuyên xưng, ca ngợi Mẹ, như muốn nhắc nhở con cái Mẹ trên khắp
mặt đất này : “ Danh Thánh của Mẹ luôn làm cho con người ngây ngất, say mê vì
Mẹ luôn ở bên con người, Mẹ yêu thương con người, Mẹ ở đâu Chúa cũng ở đó và
ngược lại “.
Trong Cựu Ước danh hiệu Maria theo tiếng Do
Thái là Myriam; tiếng Aram
là Maryam. Tân ước tiếng Maria theo Hy Lạp được dịch là Maria. Ngoài Đức Trinh
Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, còn tám vị khác trong Thánh Kinh cũng mang tên Maria
(xem Xh 15, 20-21; Ds 12; 1 Sb 4, 17; Lc 8, 2; Lc 10, 38-42; Mc 15, 40-47; Ga
9, 25; Cvtđ 12, 12; Rm 16, 6 ).
Theo A. Buy-ô-nô, người ta đã gán cho danh
hiệu Maria hơn bảy mươi ý nghĩa hầu hết dựa trên tâm tình đạo đức. Trong số đó
có hai ý nghĩa hầu như được nhiều người công giáo chấp nhận nhất. Ý nghĩa thứ
nhất theo thánh Giêrônimô giải thích từ Maria xuất phát từ danh từ Hy Bá “ Yam
“ nghĩa là biển, từ đó sinh ra từ” stilla maris “ nghĩa là “ giọt nước biển”,
tượng trưng cho Chúa. Một nhà sao chép Thánh Kinh đã viết sai cụm từ này thành
“ Stella maris “ có nghĩa là “ sao biển “. Ý nghĩa này rất được ưa chuộng và
đưa vào văn chương Thánh Mẫu qua ca khúc:” Ave Maris stella “.
Ý nghĩa thứ haicũng do công của thánh
Giêrônimô. Thánh nhân đề nghị ý nhĩa này dựa trên từ” mar” trong tiếng Aram có
nghĩa là “ Chúa”, đúng ra hình chữ này chính xác phải là” marta”. Giải thích
này được chấp nhận rộng rãi và trở thành một tước hiệu quen thuộc của Đức Mẹ
trong các ngôn ngữ hiện đại với ý nghĩa:” quý bà “, tiếng Ý là “ Madonna “,
tiếng Pháp “ Notre Dame”, tiếng Anh là “ Our Lady “…
Tuy nhiên, sau này nhờ nhiều khai quật và
khám phá của các nhà khảo cổ học về Kinh Thánh, người ta thấy danh xưng” mrym “
có liên quan nhất tới từ Maria. Danh xưng này phát sinh từ động từ” rwm” có
nghĩa là “ cao “ hay “ cao trọng “, tức là” được khen ngợi “ hay “ uy nghi “.
Vì Đức Mẹ là Đấng “ đáng ca ngợi “, Đấng rất thánh. Ý nghĩa sau cùng này dường
như phù hợp với thánh danh Maria nhất.
Lễ kính thánh danh Maria bắt đầu từ Tây Ban
Nha và được Giáo Hội chuẩn nhận vào năm 1513. Đức Giáo Hoàng Innocentê XI đã
cho phổ biến này trên khắp cùng thế giới năm 1683 để cảm tạ tri ân Đức Mẹ, kỷ
niệm biến cố vua Ba Lan John Soboeski đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ vây hãm thành
Viênna và đe dọa các nước Tây Phương. Lễ này được cử hành chính vào 12/9 mỗi
năm là ngày kỷ niệm chiến thắng nói trên.
Lạy Mẹ Maria trong cuộc đời đầy thử thách
giăng mắc và cam go, xin Mẹ giúp chúng con luôn biết kêu cầu thánh danh Mẹ
trong mọi trạng huống cuộc đời. Amen.
(Lm. Jos Nguyễn Hưng Lợi)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
12 THÁNG CHÍN
Ai Thấy Thầy Là Thấy Cha
Hưởng kiến Thiên Chúa
trực tiếp, đó là nỗi khao khát sâu thẳm nhất của tâm hồn con người. Về khát
vọng này, Tông Đồ Philipphê đã nói lên một cách hết sức tha thiết: “Lạy Thầy,
xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi” (Ga 14,8). Những
lời thật cảm kích, vì bộc lộ được khát vọng thâm sâu nhất của tâm khảm con
người. Song câu trả lời của Đức Giêsu còn cảm kích hơn nữa.
Đức Giêsu giải thích cho
các tông đồ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Ngài là mạc khải đầy đủ về
Chúa Cha. Ngài diễn tả cho thế giới biết Chúa Cha là Đấng nào – không phải vì
Ngài là Chúa Cha – nhưng vì Ngài hoàn toàn nên một với Chúa Cha trong sự hiệp
thông sự sống thần linh. Ngài nói: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga
14,11).
Cảm tạ Thiên Chúa ! Con
người không còn phải hoàn toàn đơn độc kiếm tìm Thiên Chúa nữa. Cùng với Đức
Kitô, con người khám phá Thiên Chúa – và con người khám phá ra Thiên Chúa nơi
Đức Kitô.
Vâng, trong Đức Giêsu
Kitô, sự tự mạc khải của Thiên Chúa đạt đến tột đỉnh và đầy đủ nhất. Tác giả
thư Do thái đã nhấn mạnh điều này khi nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách,
Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các tiên tri; trong những ngày sau
hết này, Ngài nói với chúng ta qua một người con” (Dt 1,1-2). Vì vậy, Đức Kitô
mãi mãi là con đường của chúng ta. Chúng ta có một Đấng Cứu Độ và một Đấng
Trung Gian nối kết chúng ta với Thiên Chúa.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 12-9
Danh Thánh Đức Maria; 1Cr 7, 25-31; Lc 6, 20-26.
LỜI
SUY NIỆM: Thánh sử Luca
trình bày cho chúng ta biết về bốn lời: “Phúc cho anh em” và bốn lời:
“Khốn cho các ngươi”. Tất cả những lời này thật là một thách thức quá lớn lao
cho mỗi một người trong chúng ta. Bởi nó đi ngược lại với tất cả những tiêu
chuẩn thông thường để sống trong xã hội ngày hôm nay. Mỗi người đều có một quan
niệm về hạnh phúc cho mình và cho gia đình của mình, khi đứng trước những lời
thách thức trên đây của Chúa Giêsu; mỗi người phải biết chọn cuộc sống cho
mình: bằng đường lối của Chúa Giêsu hay là đường lối của thế gian; điều này
đang tùy thuộc ở mỗi người quyết định.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
12 Tháng Chín
Bức Tranh Ðời Người
Một họa sĩ vô danh nọ
vào thời Trung Cổ đã tóm tắt đời người thành 4 bức tranh xếp bên cạnh nhau. Bức
tranh thứ nhất họa lại tuổi thơ. Không gì đẹp và thanh thản cho bằng tuổi thơ.
Một em bé hồn nhiên, vô tư ngồi trên một chiếc ghe buồm vừa nhổ neo ra khỏi
bờ... Em bé nhìn theo sóng nước không sợ hãi bởi vì người đang cầm bánh lái là
một thiên thần. Bóng đen đang ngủ một cách dịu hiền đằng sau bánh lái.
Sang đến bức tranh thứ
hai, người ta bỗng thấy cậu bé trở thành một trang thiếu niên đang đứng nhìn
chân trời xa tắp với những háo hức trước những điều mới lạ... Vị thiên thần vẫn
còn cầm tay lái, nhưng sóng đã bạt đầu và bóng đen đã thức giấc.
Bức tranh thứ ba là
cảnh tuổi trưởng thành. Bầu trời đã trở nên ảm đạm. Sóng gió ập phủ tứ bề. Bánh
lái đã nằm trong tay của bóng đen. Vị thiên thần đã bị trói chặt trong một góc.
Người đàn ông đã phải dùng tất cả sức lực của mình để chiến đấu, để chiếc ghe
không bị lật úp...
Cuối cùng, trong bức tranh thứ tư, người ta thấy một cụ già đang ngồi ung dung giữa ghe. Sóng yên, gió lặng, mặt trời xuất hiện trở lại. Vị thiên thần đã dành lại được bánh lái, còn bóng đen thì bị trói chặt đằng sau.
Cuối cùng, trong bức tranh thứ tư, người ta thấy một cụ già đang ngồi ung dung giữa ghe. Sóng yên, gió lặng, mặt trời xuất hiện trở lại. Vị thiên thần đã dành lại được bánh lái, còn bóng đen thì bị trói chặt đằng sau.
Ðời là một cuộc hải
trình gay go... Ðích điểm có thể là bến yên hàn mà cũng có thể là vực thẳm của
chết chóc. Ðến nơi yên hàn hay đứt gánh giữa đường: số mệnh ấy không ai có thể
định đoạt cho ta, mà chỉ có mỗi người phải biết làm chủ, lèo lái con thuyền của
mình...
Có lẽ nhiều người
trong chúng ta đã quá quen thuộc với trò chơi "Thiên Ðàng Hỏa Ngục"
mà các em bé thường tụ tập trước sân thánh đường để cùng biểu diễn... Thiên
đàng hỏa ngục hai bên, ai khéo thì nhờ ai vụng thì sa... Trả lời được một số
câu hỏi thì được vào Thiên Ðàng, trả lời không được thì bị chận lại ngoài cửa.
Trò chơi đơn sơ nhưng
cũng có tác dụng gieo vào đầu chúng ta một hình ảnh về cuộc đời. Ðời là một
cuộc ra đi. Hướng đi của cuộc đời tùy thuộc ở sự định đoạt của mỗi người. Con
đường dẫn đến hư đốn luôn rộng thênh thang. Con đường dẫn đến sự sống là một
con đường chật hẹp, đòi hỏi nhiều chiến đấu...
Sự thánh thiện là một
ơn Chúa ban, nhưng phải mất nhiều lao nhọc, vất vả chiến đấu, con người mới đạt
được. Nói đến chiến đấu là nói đến kẻ thù. Con sư tử lượn quanh tìm mồi cắn xé
trong cuộc sống của chúng ta là không biết bao nhiêu cạm bẫy giăng mắc trên lối
đi của chúng ta. Những cạm bẫy đó từ bên ngoài cũng có, nhưng hầu hết đều xuất
phát từ trong tâm hồn chúng ta... Ðó là những dục vọng, đam mê đang cào xé tâm
hồn chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta đánh bại được kẻ nội thù ấy và biến chúng
thành đạo binh trung thành thì lúc đó chúng ta mới chiến thắng được kẻ thù đến
từ bên ngoài...
Khí giới tiên quyết và
chủ yếu giúp chúng ta chiến thắng được nội thù đó là sự cầu nguyện. Chúa Giêsu
đã nói với các môn đệ của Ngài: chỉ có ăn chay và cầu nguyện các con mới chiến
thắng được loài quỷ này...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 12
Danh Thánh Đức Maria
Đức tin là gì,
phải chăng đó là lời chứng của những người tin một cách chính xác, cuộc sống
này không gồm tóm giữa hai đường ranh của một lằn mức phù du. Nguồn gốc của
chúng ta ở ngay trong Đấng Tạo Hóa, tác sinh sự sống. Chúng ta đang hướng về
đời sống vĩnh hằng như giòng sông chảy ra biển cả. Chúng ta cần dành nhiều thời
gian hơn để nhận ra ơn gọi đích thực của mình. Hãy nâng cao thế giới cho được
tốt hơn và con người nên chân chính, bởi vì chúng ta tin vào chiều kích vô biên
vô tận của tương lai nhân loại. Con sông càng chảy về đại dương thì nó càng
thấm sâu vào lòng đất, nơi nó băng qua. Đó là nhiệm vụ của người kitô hữu, đổng
thời chúng ta giữ vững niềm hy vọng của thế giới tương lai.
Kiên
trì trong hy vọng thì bất chấp mọi thứ có thể làm cho chúng ta tuyệt vọng, đó
là cách phục vụ tốt cho con ngưòi. Tin vào sự đoàn kết, công lý và hòa giải là tin vào
một tương lai tốt đẹp hơn, đó là những dấu hiệu cho thấy điểm tới của một thế
giới an lành mà Thiên Chúa đã hứa với chúng ta trong Nước Trời của Ngài.
Tôi nghĩ
rằng vẫn còn có giá trị dấu ấn của vĩnh cữu... Đó là vẻ đẹp của SỰ THIỆN.
Chanoine Claude
Ducarroz
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét